Tin Việt Nam – 29/09/2016
Sài Gòn: Biệt thự cổ biến mất ‘đáng buồn’
Một nhà nghiên cứu người Ireland nói Sài Gòn đánh mất đi “tính cách” khi hiều những kiến trúc thuộc địa và hậu thuộc địa quan trọng biến mất.
Ông Tim Doling, từng có nhiều năm ở Việt Nam, nói với BBC Tiếng Việt ông “không ngạc nhiên” khi các kiến trúc cũ biến mất.
Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc Tp.HCM nói có đến gần nửa biệt thự cổ đã “biến mất” trong số 1.300 biệt thự cổ xây trước 1975, tờ VnExpress đưa tin hồi cuối tuần trước.
Nhà nghiên cứu nói: “Tôi đi vòng quanh thành phố rất nhiều, và không có ngày nào trôi qua mà tôi không thấy những tấm bảng lớn chăng xung quanh những tòa nhà cũ chuẩn bị bị phá hủy. Tôi đã viết rất nhiều bài báo về việc phá bỏ nhiều tòa nhà có giá trị quan trọng, nhưng rất đáng buồn ngày càng có thêm nhiều ngôi nhà bị phá bỏ mà không ai để ý.”
Cuối năm 2015, khi Sài Gòn quyết định phá bỏ thương xá Tax, àn sóng dư luận đã dấy lên đặt câu hỏi về sự bảo tồn các kiến trúc quan trọng từ xưa của thành phố. Dư luận chuyển thành một thư kiến nghị hàng ngàn người tham gia yêu cầu giữ lại Thương xá Tax, mà sau đó công ty SATRA chấp nhận giữ lại cầu thang mosaic chính và một số kiến trúc quan trọng của tòa nhà.
Ông Tim Doling nhận định: “Rất nhiều tòa nhà di sản có giá trị thẩm mỹ vô giá, rất nhiều nơi người ta muốn đến thăm và được bước vào. Bạn có thể nhìn những tòa nhà cũ như số 14 Tôn Thất Đạm, 42 Nguyễn Huệ hay số 9 Thái Văn Lung, trong những năm gần đây, người trẻ đã biến nơi này thành những cửa hàng thời thượng, quán cafe và nhiều cửa hàng thời trang ở đó.”
‘Mở đường” cho tòa nhà mới
“Rất nhiều tòa nhà kiến trúc cũ có giá trị bị phá hủy để mở đường cho những tòa nhà mới này,” ông nhận định.
“Việc phá hủy có hệ thống nhiều kiến trúc di sản quan trọng và việc xây dựng phân mảnh, không phù hợp những tòa nhà chọc trời xấu xí trong nhiều năm qua ngay giữa trái tim thành phố thể hiện sự thiếu tầm nhìn trong phát triển đô thị.”
“Nguyên nhân thực sự duy nhất có lẽ là lợi nhuận khổng lồ bởi những nhà phát triển xây dựng những toàn nhà chọc trời ở những nơi được gọi là đất vàng.”
“Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích cho giá trị kinh tế của việc bảo tồn di sản, vốn đã từng được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia, nhưng đáp lại đó là giá trị lâu dài và không bao giờ có thể cạnh tranh với lợi nhuận tức thì do những nhà phát triển lớn tạo ra.”
“Chỉ có chính phủ đứng giữa các tòa nhà di sản và sự phá hủy. Trong khi đó hiện thời, cơ quan bảo tồn nhà nước ở Sài Gòn chỉ đóng vai trò rất nhỏ trog phát triển đô thị.”
“Các kiến trúc di sản gắn liền với các sự kiện lịch sử chính là điều khiến du khách nước ngoài tìm đến tham quan. Các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam thường đổ lỗi cho việc giảm du khách vì chất lượng quảng bá và sự không hấp dẫn của khẩu hiệu du lịch, nhưng lại quên đi thực tế là các tòa kiến trúc đẹp thu hút du khách văn hóa, đang ngày qua ngày biến mất.”
“Trong khi nhóm du khách này rất chịu chi tiêu.”
Ông Tim Doling cho biết, ông cũng là người hỗ trợ tài liệu lịch sử cho nhiều tổ chức và nhóm văn hóa tại Sài Gòn khi thực hiện các chương trình tìm hiểu lịch sử về các tòa nhà của thành phố.
Nhà nghiên cứu này từng làm việc với Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam từ năm 1999-2004 trong dự án về phát triển giáo trình quản lý nghệ thuật trong ba trường đại học tại Hà Nội.
Ông cũng là tác giả quyển “Đường sắt và đường xe điện của Việt Nam”.
Giới trẻ “có quan tâm”
Trong khi đó, nói với BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, Daniel Caune, một kỹ sư kiến trúc người Pháp ở Sài Gòn đang xây dựng cơ sở dữ liệu các tòa nhà ở Sài Gòn nói: “Truyền thông và giáo dục là cách quan trọng để bảo tồn các di sản này. Thế hệ trẻ Việt Nam có vẻ rất sẵn sàng bảo vệ di sản thành phố.
“Đó là điều chúng tôi bắt đầu một năm trước với Đài Quan sát Di sản Sài Gòn, một dự án dữ liệu mở, xây dựng trên mạng xã hội, định vị và ghi nhận lại tài liệu về các tòa nhà. Chúng tôi đã tích hợp hàng ngàn bưu thiếp cũ, ảnh cũ lại cho cơ sở dữ liệu này.”
Ông Daniel cũng nói “Tronc các bưu thiếp cũ của Sài Gòn cho thấy cảnh quan thành phố, tuyệt đẹp và thanh lịch. Nhưng giờ đây vẻ đẹp đó đã bị phá hủy, qua nhiều năm, và sự phá hủy này gia tăng trong thập niên vừa qua.”
Cơ sở dữ liệu của nhóm Đài Quan sát Di sản Sài Gòn được cập nhật trực tiếp trên Google Maps và các kiến trúc sư, sử gia bổ sung tài liệu bên cạnh hình ảnh do công chúng cung cấp.
Trên báo VnExpress cuối tuần trước, Ông Hoàng Minh Trí – Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Tp.HCM nói “tiêu chí để đánh giá phân loại biệt thự cổ chưa có là quá trễ so với nhu cầu phát triển” nhưng ông cũng nói “đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự nhưng chưa được thành phố thông qua”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160929_old_architecture_saigon_1
Đơn kiện Formosa và tín hiệu XH dân sự
Bàn tròn thứ Năm của BBC tuần này trao đổi về sự kiện chính quyền địa phương ở Hà Tĩnh, tỉnh miền Trung Việt Nam, tiếp nhận đơn của hàng trăm người dân kiện doanh nghiệp sản xuất thép Formosa của Đài Loan do đã gây ra thảm họa môi trường.
Liệu đây là một dấu hiệu mới từ xã hội dân sự Việt Nam cho thấy tiếng nói của người dân đã được chính quyền lắng nghe và đồng thời cũng là một tín hiệu tích cực khi chính quyền lựa chọn việc tiếp nhận đơn của người dân để thụ lý thay vì ‘ngăn chặn’ hay ‘im lặng’ trước tiếng nói và nguyện vọng của họ.
Bàn tròn trực tuyến được phát vào lúc 19h30-20h00 ngày 29/9/2016 theo giờ Việt Nam và có sự tham gia của một số nhà phân tích, bình luận, nhà hoạt động về các khía cạnh và phương diện từ xã hội dân sự cho tới chính sách v.v…
Mời quý vị bấm vào đường link này để theo dõi Bàn tròn của BBC.
Trong một diễn biến đầu tuần này, hôm 27/9, Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã nhận 506 bộ hồ sơ của các hộ ngư dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Công ty không can dự vấn đề này, và do đó không thể bình luậnÔng Dư Khánh Chương, Formosa Hà Tĩnh
Trước đó, vào tuần trước, hơn 1000 hộ gia đình tại huyện Kỳ Anh đã gửi đơn đến Quốc hội và Chính phủ “yêu cầu chi trả tiền bồi thường thiệt hại” vì môi trường biển bị tàn phá.
Bức thư đề ngày 22/9/2016 đề nghị Quốc hội và Chính phủ trích hơn 2 ngàn tỉ đồng từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà họ mô tả là Công ty Formosa đã thanh toán toàn bộ để bồi thường cho hơn 1.100 hộ dân.
Trước đó, chính phủ Việt Nam nói Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ 500 triệu đôla bồi thường cho phía Việt Nam.
Hôm 30/06 Formosa chính thức xin lỗi và nhận trách nhiệm cho hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, bồi thường 500 triệu đôla cho thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung.
Phản ứng của Formosa
Theo truyền thông của Đài Loan, công ty Formosa đã nói với báo chí nước này rằng họ đã nhận được thông tin nhưng không bình luận việc hàng trăm hộ ngư dân kiện đòi bồi thường.
Formosa nói vụ việc sẽ do chính phủ Việt Nam xử lý.
Ông Dư Khánh Chương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, được Trung Ương Xã, cơ quan thông tấn xã quốc gia của Đài Loan dẫn lời nói rằng công ty đã nhận được toàn bộ thông tin liên quan đến các vụ kiện, nhưng nói rằng vấn đề này sẽ do chính phủ Việt Nam giải quyết.
Công ty không can dự vấn đề này, và do đó không thể bình luận, ông Dư nói.
Ông nói rằng Formosa đang cố gắng hết sức mình để thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, và nói thêm rằng những nỗ lực của công ty đã giành được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng tại địa phương.
Mời quý vị bấm vào đây để đón theo dõi Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160929_hangout_formosa_sue_civil_society
Khiển trách công an ‘vung tay vào mặt PV’
Công an Hà Nội kết luận viên cảnh sát huyện Đông Anh ‘đá nhưng không trúng vào người và vung tay vào mặt’ phóng viên báo Tuổi Trẻ.
Lãnh đạo thành phố và công an Hà Nội yêu cầu điều tra sau khi có video ghi lại lúc phóng viên Trần Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị công an huyện Đông Anh đánh ngày 23/9.
Tuy vậy, ngày 29/9, công an TP. Hà Nội kết luận ông Ngô Quang Hưng, công an huyện Đông Anh, chỉ “dùng chân đá (nhưng không trúng vào người) và vung tay vào mặt” phóng viên Trần Quang Thế.
Ông Hưng bị kết luận vi phạm “Quy tắc ứng xử của CBCS – CAND khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường”, và bị khiển trách.
Một viên công an khác, Nguyễn Văn Thuyên, bị xác định “dùng tay gạt máy quay của một người tự xưng là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam”.
Công an kết luận phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam không có ai báo cáo “bị đánh hoặc làm hư hỏng máy quay”. Vì thế, ông Thuyên bị phê bình rút kinh nghiệm.
Phóng viên vi phạm
Công an Hà Nội giải thích vào sáng 23/9, có thông tin một người đàn ông bị chết dưới gầm cầu Nhật Tân cùng chiếc xe taxi ở trên cầu.
Công an huyện Đông Anh được kết luận là đã có nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, trong khi “một số người tự nhận là phóng viên của một số báo, xông vào khu vực bảo vệ hiện trường để tác nghiệp, chụp ảnh”, theo tường thuật của An Ninh Thủ Đô.
Phóng viên Trần Quang Thế bị kết luận “có hành vi vi phạm vào khu vực cấm, nơi tiến hành hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước mà không được phép”.
Ngoài ra, công an Hà Nội nói ông Thế “chụp ảnh tại khu vực cấm”, “có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ”, “lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân”.
Báo Tuổi Trẻ chưa có phản hồi về kết luận của công an TP. Hà Nội.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160929_ket_luan_vu_phongvien_tuoitre
Đức ‘chưa biết Trịnh Xuân Thanh ở đâu’
Đại diện Sứ quán Đức nói với báo chí Việt Nam rằng họ chưa có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu nên chưa đặt ra câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này.
Việt Nam trước đó loan báo khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh vì sai phạm làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Có tin đồn ông Thanh có thể đã trốn sang Đức.
Nhưng sáng 28/9, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó Đại sứ – Trưởng phòng lãnh sự – Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig, nói Đức không có thông tin.
Phóng viên Việt Nam đã hỏi nếu ông Thanh bị bắt tại Đức, hai nước sẽ làm gì để dẫn độ ông này.
Việt Nam và Đức chưa ký kết hiệp định hợp tác về dẫn độ tội phạm.
Nhưng TS Wolfang Manig trả lời, theo các tờ báo Việt Nam, rằng hiện không rõ ông Thanh đang ở đâu, vì vậy chưa đặt ra câu hỏi về việc dẫn độ.
Buổi họp báo vốn nhằm đánh dấu Quốc khánh Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Ngày 15/9, công an Việt Nam khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh.
Cáo buộc sai phạm
Ông Trịnh Xuân Thanh được truyền thông Việt Nam nêu tên từ tháng Sáu, khi ông còn là Phó chủ tịch Hậu Giang và bị tố cáo được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh.
Ông cũng bị cáo buộc gây ra tình trạng thua lỗ ở PVC, nơi ông từng là lãnh đạo, nhưng vẫn được thuyên chuyển, bổ nhiệm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra các sự việc trên.
Đến tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản kết luận ông có trách nhiệm cho việc thua lỗ khi ông lãnh đạo PVC giai đoạn 2007-2013.
Ủy ban này cũng nói việc ông Thanh “vẫn đề nghị” để chuyển về Bộ Công Thương và sau đó tỉnh Hậu Giang là thể hiện “thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu”.
Sau đó, ông Thanh không được giới thiệu tái cử Phó chủ tịch Hậu Giang và bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội.
Khoản lỗ ở PVC giai đoạn 2011-2013 bị lật lại, với chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu điều tra.
Ngày 7/9, trong động thái gây ngạc nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị Đảng Cộng sản điều tra, đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng, theo truyền thông Việt Nam.
Trong ngày 7/9 trên mạng internet cũng loan đi tài liệu ba trang, tự nhận là báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Mặc dù chưa rõ độ tin cậy của tài liệu này, nhưng nó được tung ra vào đúng ngày các báo chính thống tại Việt Nam đưa tin ông Thanh xin ra khỏi Đảng.
Trong văn bản này, người ký tên Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.
Người ký tên này cũng chỉ trích rằng Đảng đã “gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật, dùng báo chí nói sai sự thật”.
Ngày 8/9, Ban Bí thư Đảng Cộng sản bỏ phiếu kín với kết quả 100% đồng ý khai trừ ông Thanh ra khỏi Đảng.
Chiều 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng. Đến tối, công an Việt Nam tuyên bố khởi tố và truy nã ông Thanh.
Trước đó, ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần hai xin nghỉ một tháng đến đầu tháng 9 để đi nước ngoài trị bệnh. Kể từ đó, tung tích của ông trở thành câu hỏi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160928_su_quan_duc_trinhxuan_thanh
Đại tá Mỹ gốc Việt đưa tàu chiến tới Đà Nẵng
Một quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đã đưa Biên đội tàu khu trục số 7 của Mỹ tới Việt Nam tham gia cuộc giao lưu hải quân giữa hai nước cựu thù.
Lễ đón đội tàu của Mỹ diễn ra tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng hôm qua, 28/9. Tin từ Hoa Kỳ cho hay, sự kiện thường niên có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016 tập trung vào “các hoạt động phi tác chiến cũng như tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng”.
Đại tá Lê Bá Hùng, Chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 7, nói trong một thông cáo của Đại sứ quán Mỹ rằng “năm nay, chúng tôi đã mở rộng các hoạt động trên biển bằng cách đưa vào chương trình một tình huống giả định phức tạp hơn nhằm thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và thực tập tìm kiếm cứu nạn”.
Ngoài Biên đội do ông Hùng chỉ huy, các đơn vị Hoa Kỳ tham gia đợt giao lưu này còn có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain, lực lượng Đặc nhiệm 73 và Ban nhạc Hạm đội 7 “Orient Express”.
Đại tá gốc Việt nói thêm rằng ông “rất mong được hợp tác với tàu USS John S McCain và giao lưu với hải quân Việt Nam cùng người dân Đà Nẵng trên cơ sở những thành công và bài học kinh nghiệm từ Hoạt động Giao lưu Hải quân năm trước”.
Chương trình Giao lưu Hải quân Việt – Mỹ năm ngoái có sự góp mặt lần đầu tiên của tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth.
Theo phía Mỹ, chương trình giao lưu hải quân hiện nay, gồm các hoạt động chung kéo dài nhiều ngày trên đất liền và trên biển, đã được hình thành từ các chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hải quân Hoa Kỳ hơn 10 năm trước.
Đại tá Lê Bá Hùng lần đầu tiên chỉ huy một tàu khu trục với thủy thủ đoàn 300 người tới Việt Nam hồi cuối năm 2009, sau khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận chức vụ hạm trưởng.
Quân nhân này sinh ra tại thành phố Huế, và gia đình ông đã được tàu Mỹ vớt khi vượt biển đi tị nạn hồi cuối những năm 70.
http://www.voatiengviet.com/a/dai-ta-my-goc-viet-dua-tau-chien-toi-da-nang/3530019.html
Cảnh sát biển Việt Nam có thêm tàu chiến mới
Lực lượng tuần duyên Việt Nam vừa có thêm một tàu chiến mới vào ngày hôm qua. Con tàu được mang số hiệu Cảnh sát biển 8005, đã được các công ty đóng tàu giao cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tại cảng Tiên Sa thành phố Đà Nẵng.
Báo chí Việt Nam đưa tin này và nói rằng đây là một con tàu hiện đại được hai công ty là Damen của Hà Lan và công ty Sông Thu của Việt Nam chế tạo.
Chiếc tàu này có thể chạy với tốc độ lên đến 21 hải lý một giờ, có trang bị nhiều vũ khí hiện đại và đặc biệt là có cả một sân đáp trực thăng. Ngoài ra tàu Cảnh sát biển 8005 có thể hoạt động liên tục trong 40 ngày đêm trong điều kiện thời tiết xấu.
Con tàu này là một nỗ lực mới của hải quân Việt Nam nhằm hiện đại hóa đội tàu chiến của mình để đối phó với những xung đột căng thẳng về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ngoài biển Đông.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-coastguard-receives-new-ship-09292016092250.html
Phụ nữ Mỹ gốc Việt tranh cử Dân biểu Hoa Kỳ
Hòa Ái, phóng viên RFA
Bà Stephanie Murphy, một phụ nữ Mỹ gốc Việt, đang vận động tranh cử trở thành Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ tại Địa hạt số 7, Bang Florida. Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với bà Stephanie Murphy liên quan đến cuộc vận động tranh cử này.
Hòa Ái: Thưa bà, bà là một doanh nhân và từng làm việc trong lãnh vực giáo dục cũng như từng làm việc với vai trò chuyên gia an ninh quốc gia trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, vì sao bà lựa chọn con đường hoạt động chính trị để trở thành Dân biểu?
Bà Stephanie Murphy: Tôi rất thất vọng với cách thức làm việc của Quốc hội hiện tại, và tôi cảm thấy rằng các nhà lập pháp trong Quốc Hội không phục vụ dân chúng, và tôi là một trong những người thực sự tin tưởng vào lý tưởng phục vụ cộng đồng. Tôi tin như vậy bởi vì tôi đến Mỹ lúc chỉ là một em bé. Cha mẹ tôi trốn chạy Cộng sản Việt Nam khi tôi chỉ mới 6 tháng tuổi và chúng tôi được tàu Hải quân Hoa Kỳ cứu vớt. Sau đó, chúng tôi đã được một Hội thánh Lutheran bảo trợ và chuyển tới Bang Virginia định cư. Cha mẹ tôi đã làm việc rất cần mẫn để hỗ trợ cho anh trai và tôi tốt nghiệp đại học.
Tôi sẽ tập trung vào kinh tế, an toàn súng đạn, các vấn đề an ninh cũng như những vấn đề liên quan đến phụ nữ.
– Bà Stephanie Murphy
Do đó, tôi rất biết ơn đất nước này và cũng rất tin tưởng vào những việc làm phục vụ cộng đồng. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến tham gia lãnh vực phục vụ cộng đồng là ngay sau biến cố 911, khi tôi được tuyển vào làm việc trong vai trò chuyên gia an ninh quốc gia trong Bộ Quốc phòng. Hiện tại, tôi tin chính phủ là rất quan trọng và những nhân viên của chính phủ cũng làm việc hết sức mình để phục vụ dân chúng như gia đình tôi từng có cơ hội được thụ hưởng những phúc lơi từ chính phủ. Vì vậy, tôi muốn làm việc trong Quốc Hội như là cách để tiếp tục phục vụ quốc gia.
Hòa Ái: Nếu như được đắc cử trở thành vị Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, những lãnh vực nào bà tập trung vào, thưa bà?
Bà Stephanie Murphy: Tôi sẽ tập trung vào kinh tế, an toàn súng đạn, các vấn đề an ninh cũng như những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Về kinh tế, với nền tảng làm việc trong lãnh vực kinh doanh, tôi có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng để tất cả mọi người có cơ hội làm những công việc tốt, lãnh lương cao.
Về các vấn đề an ninh, với kinh nghiệm làm việc trong lãnh vực an ninh quốc gia, tôi sẽ chuyển tải ý thức sử dụng súng đạn an toàn để có thể tạo ra một môi trường an toàn hơn cho tất cả những người thân yêu của chúng ta. Và liên quan đến các vấn đề của phụ nữ, là một người phụ nữ, tôi lên tiếng ủng hộ phụ nữ được trả lương một cách công bằng cũng như ủng hộ phụ nữ có thể tự quyết định lựa chọn bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho mình.
Hòa Ái: Như những gì bà vừa đề cập, nếu như trở thành một nữ dân biểu, bà nghĩ rằng bà cần chia sẻ với phụ nữ về những khía cạnh nào trong đời sống cũng như những điều họ cần chú trọng hơn trong tương lai?
Bà Stephanie Murphy: Tôi là một bà mẹ của hai đứa trẻ, 5 tuổi và 2 tuổi. Tôi vừa đi làm vừa chăm sóc con nên tôi chú trọng đến quyền lợi phụ nữ được trả lương như thế nào khi họ buộc phải nghỉ phép vì các vấn đề của gia đình, họ được nhận lương công bằng trong công việc cũng như những lợi ích giúp cho họ được thành công trong xã hội.
Tôi mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng gốc Á Châu và tôi nhận thấy điều rất quan trọng đối với chính phủ là cần phải ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng này.
– Bà Stephanie Murphy
Hòa Ái: Và hôm nay, nhân đến Đài RFA để chia sẻ với quý khán thính giả về cuộc vận động tranh cử của bà, bà nghĩ rằng cộng đồng người Việt có thể làm gì để có thể hỗ trợ cho nữ Dân Biểu Liên bang Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên, nếu bà đắc cử?
Bà Stephanie Murphy: Tôi mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng gốc Á Châu và tôi nhận thấy điều rất quan trọng đối với chính phủ là cần phải ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng này. Người Mỹ gốc Á đang ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ, do đó các vị dân biểu đại diện cho cộng đồng gốc Á trong chính phủ là vô cùng quan trọng. Vì vậy tôi rất vui mừng khi có được sự hỗ trợ của cộng đồng để tôi có cơ hội góp phần chia sẻ ý nguyện của họ với chính phủ Hoa Kỳ. Những ai quan tâm đến cuộc vận động tranh cử của tôi có thể tìm hiểu thêm tại StephanieMurphyforCongress.com và tôi sẽ rất biết ơn đối với sự ủng hộ này.
Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của bà Stephanie Murphy dành cho Đài Á Châu Tự Do. Và, thưa quý vị, quý vị có trông chờ một nữ Dân Biểu gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Liêng bang Hoa Kỳ hay không? Hòa Ái nghĩ rằng có lẽ rất nhiều người đang trông đợi. Quý vị có thể theo dõi chiến dịch vận động tranh cử của bà Stephanie Murphy qua website của bà. Xin phép được đại diện cho những ai trong cộng đồng ủng hộ cuộc vận động tranh cử này cầu chúc bà Stephanie Murphy được thành công.
Bà Stephanie Murphy: Cảm ơn Hòa Ái và RFA cho Stephanie cơ hội được trò chuyện cùng khán thính giả. Cảm ơn.
Chính quyền bắn tin “công nhận Xã hội dân sự”
Báo Vietnamnet vừa đăng một bài viết đáng chú ý của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, với tựa đề “Kiểm soát quyền lực: Nhiều việc bị lấy cớ là ‘nhạy cảm’ để không minh bạch thông tin“.
Ngoài chủ đề kiểm soát quyền lực mà ông Hoàng đã đặc biệt trăn trở từ trước đại hội 12, ông Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm:
“Cần phát huy tốt vai trò của xã hội dân sự lành mạnh. Ở đây, cần hiểu cho đúng xã hội dân sự với tư cách là các tổ chức và phong trào lành mạnh, hợp pháp, do nhân dân tự giác và tự nguyện lập ra. Nó không phải là một hình thái kinh tế – xã hội nào mà là một bộ phận hợp thành của xã hội hiện tại; không phải là tổ chức của nhà nước mà ngân sách phải cấp kinh phí và cũng không phải là đơn vị kinh tế hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
Các tổ chức này ra đời và tồn tại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội; nó là phương thức rất quan trọng để thực thi quyền dân chủ của nhân dân. Nó đã từng tồn tại và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam truyền thống trước đây và trong xã hội Việt Nam hiện tại, tất nhiên là chưa hoàn chỉnh, chưa hiện đại”.
Có thể ghi nhận, đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp (dù vừa về hưu), nhưng đặc biệt làm việc trong khối tuyên giáo, công khai dùng cụm từ “xã hội dân sự” trên mặt công luận. 4 năm trước, vào tháng 8 năm 2012, báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam – còn đăng một bài viết hằn học mang tựa đề “Xã hội dân sự’ – một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình”.
Vào gần cuối năm 2015, trong không khi “náo nức đón TPP”, Chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bất ngờ cho báo chí biết về việc “Quốc hội đang chuẩn bị một số luật liên quan đến xã hội dân sự”. Tuy nhiên sau đó đã chẳng thấy tăm hơi luật nào về xã hội dân sự, và cụm từ “xã hội dân sự” cũng bặt tăm trên mặt báo chí nhà nước.
Hiện vẫn chưa rõ nội hàm của cụm từ “xã hội dân sự lành mạnh” mà ông Vũ Ngọc Hoàng đề cập là gì. Tuy nhiên, cùng với tin tức về “Dự thảo Luật về Hội đã đủ điều kiện để trình ra quốc hội thảo luận” mà bà Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch quốc hội đã phát ra vào ngày 22/9/2016 – cùng thời điểm với bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng về “kiểm soát quyền lực”, có những dấu hiệu cho thấy có vẻ lần này đảng cầm quyền muốn “thông qua thật” đối với vài định chế về Xã hội dân sự và quyền tự do lập hội của người dân.
Tuy nhiên, một thực tế rất trần trụi, là với những quan chức “còn đảng còn mình” thì đối sách về xã hội dân sự là tạm chấp nhận được. Nói chung là có thể chấp nhận cho đến lúc Nhà nước Việt Nam vào được TPP, thì sẽ tiến hành “hồi tố” những tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền căm ghét nhất. Còn trước mắt, phải làm thế nào để đưa ra một số tổ chức hội đoàn có nguồn gốc nhà nước sang khu vực “xã hội dân sự” -xã hội dân sự của nhà nước. Để chứng minh với quốc tế rằng, Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đòi hỏi về xã hội dân sự của nhiều nước trên thế giới, nhưng sẽ cố gắng lấn át khối “xã hội dân sự độc lập”.
Ở một khía cạnh khác, sâu xa và ẩn giấu hơn nhiều, những quan chức “còn đảng còn tiền” lại đã từ lâu nhận ra ở các tổ chức xã hội dân sự độc lập một “tài nguyên” hiếm có. Nếu biết cách lợi dụng, hay ít ra là vận dụng khối tự phát nhưng đang hình thành khối này, đó sẽ là con đường đủ ngắn và đủ nhanh để bảo đảm cho một số quan chức “về với nhân dân”, trong bối cảnh một Việt Nam tương lai bể dâu xung đột, hoặc tìm ra lối thoát ở phương Tây một khi nội tình trong nước “có biến”.
Lê Dung / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/chinh-quyen-ban-tin-cong-nhan-xa-hoi-dan-su.html
Từ vụ ngư dân kiện Formosa:
đâu là sức mạnh của giáo dân Nghệ An?
Trong những ngày qua, sự kiện 600 giáo dân Nghệ An đi về Hà Tĩnh để khởi kiện Formosa đã là nức lòng những người Việt còn quan tâm đến tình hình đất nước Việt Nam. Có thể nói, bất kể kết quả vụ kiện ra sao, đây đã trở thành một sự kiện lịch sử ở Việt Nam trong hơn 40 năm bị cai trị bởi chế độ độc tài CSVN.
Sự kiện xảy ra nhanh chóng và dồn dập đến nỗi, nhiều người dân trong nước vẫn còn chưa kịp biết tin. Có người biết tin rồi mà vẫn không tin là chuyện này lại có thể xảy ra. Làm sao ngư dân lại có thể thực hiện vụ đi kiện này mà không bị công an đàn áp? Tuy nhiên, với những người đã theo dõi những diễn biến tại Giáo Phận Vinh kể từ sau vụ thảm họa môi trường, thì lại cho rằng sự kiện này hoàn toàn khả thi, đối với một tập thể đoàn kết nhất trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, đòi lại nguồn sống cho ngư dân Miền Trung.
Câu hỏi đầu tiên: tại sao công an đã không đàn áp, ngăn chặn vụ kiện? Lưu ý rằng công an Nghệ An đã biết trước việc này ít nhất là một ngày. Nhưng họ chỉ dừng lại ở mức làm khó dễ, đe dọa các chủ xe nhận chở ngư dân đi kiện, chứ không dám ngăn chặn, đàn áp khi giáo dân tập trung tại giáo xứ của Linh Mục Đặng Hữu Nam trước giờ khởi hành sáng sớm ngày 26/09. Câu trả lời: số đông! 600 ngư dân được tập hợp qui củ, đàn áp không dễ. Họ lại là những kẻ cùng khổ nhất của xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Những người ngư dân nghèo, nay đã bị tước đi phương tiện mưu sinh cuối cùng: biển và tôm cá. Họ bị đẩy vào đường cùng, trong khi chính quyền CSVN vẫn chưa có một động tác nào để giúp đỡ cụ thể, ngoài 15 ký gạo mốc mà một số ngư dân đã không thèm nhận!
Vào những năm 1930, 1931, cũng ở chính Nghệ An, Hà Tĩnh, những con người cùng khổ đã làm nên một Xô Viết Nghệ Tĩnh, một sự kiện được cho là cuộc khởi nghĩa đầu tiên do Đảng CSVN lãnh đạo. Chính quyền CSVN đã lợi dụng xương máu của người nghèo để làm nên cách mạng vô sản. Cho nên họ hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh của những kẻ khốn cùng. Họ không dám đàn áp, vì sợ nhận thêm những sự phản kháng của mạnh hơn, lan rộng hơn sang các địa phương khác.
Câu hỏi thứ hai: làm sao có thể tổ chức được một sự kiện khó khăn, đầy tính mạo hiểm như vậy? Câu trả lời: tính tổ chức, một trong những thế mạnh của Công Giáo từ trước đến nay so với các tôn giáo khác. Đã biết là Công Giáo có tính tổ chức cao, nhưng khi nhìn Linh Mục Đặng Hữu Nam sắp xếp, điều động gần 600 giáo dân của mình trong suốt cuộc hành trình hai ngày, những nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp cũng phải nghiêng mình bái phục! Trong suốt quá trình đi kiện, Linh Mục Nam luôn dặn giáo dân phải biết tôn trọng pháp luật, giữ gìn trật tự, hành xử văn minh. Ông nhắc giáo dân thấy rác là phải lượm, vì chúng ta đi đấu tranh bảo vệ môi trường. Ngay cả khi có người của côn an trà trộn vào đám đông để gây rối, giáo dân cũng biết cách làm theo lời của cha để loại kẻ này ra khỏi tập thể, chứ không bị náo loạn. Linh Mục Nam luôn luôn thể hiện thái độ tương kính, cảm thông đối với chính quyền địa phương, nhưng không kém phần cương quyết khi cần thiết.
Đáp lại, những giáo dân đã làm theo lời của vị lãnh đạo tinh thần này gần như tuyệt đối. Giáo dân xếp hàng đi vào khuôn viên tòa án trật tự, ngồi chờ kiên nhẫn, tay lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện, và khi được yêu cầu, họ cùng hát thánh ca, hay bài hát Trả Lại Cho Dân: “Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người…”. Nhìn cảnh tượng này, những nhà đấu tranh trong nước đã thốt lên rằng đây là một tập thể mẫu mực nhất của phong trào đấu tranh bất bạo động, mà tất cả những tổ chức đấu tranh bất bạo động trong nước hiện nay cần phải học hỏi. Nhìn Linh Mục Đặng Hữu Nam, tuổi chưa đến 40, đứng ra tổ chức vụ đi kiện, người ta cũng thấy được bóng dáng của một nhà lãnh đạo trẻ mẫu mực, để dẫn dắt một đất nước Việt Nam đi đến dân chủ tự do thành công trong tương lai.
Tính tổ chức và khả năng lãnh đạo của Công Giáo là chìa khóa thành công của sự kiện lịch sử này. Nó cũng trả lời cho câu hỏi của nhiều người đã đặt ra khi theo dõi vụ kiện: tại sao Phật Giáo không làm được điều này, khi mà mới đây chính quyền CSVN đã san bằng chùa Liên Trì trước sự căm phẫn của hàng triệu người Việt Nam? Bởi vì CSVN đã thành công trong việc phá hoại khối đoàn kết Phật Giáo trong suốt 40 năm qua, đối với một tôn giáo vốn không có tính tổ chức chặt chẽ từ truyền thống như Công Giáo. Mà không chỉ có Phật Giáo mới là nạn nhân của chính quyền CSVN. Tất cả các tôn giáo còn lại, như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành… đều chịu cùng một chung số phận đàn áp, cũng bởi vì không có một tổ chức đoàn kết chặt chẽ với số đông như Công Giáo.
Câu hỏi thứ ba: đâu là nguyên nhân sự đoàn kết này? Câu trả lời: Đức Tin! Giáo dân tin vào Chúa Trời. Giáo Dân tin vào Cha. Nhìn cách giáo dân nghe lời Linh Mục Nam, công an CSVN cảm nhận được là giáo dân sẵn sàng hy sinh tính mạng vì vị lãnh đạo tinh thần của mình. Và đáp lại Đức Tin của giáo dân, không chỉ có một mình Linh Mục Nam gánh vác trọng trách. Ông được sự đồng tình của các vị Linh Mục khác và Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp của Giáo Phận Vinh. Giáo dân Nghệ An đi kiện ra đến Hà Tinh là được các giáo xứ khác ở địa phương tiếp đón, mời ăn trưa. Và không ngừng ở đó. Trong ngày 26/09, Đức Tổng Ngô Quang Kiệt đã thân hành từ Ninh Bình đi đến Hà Tĩnh để đồng hành cùng giáo dân. Thêm vào đó, Linh Mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn mới đây đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy đóng góp, gây quĩ để hỗ trợ cho vụ kiện của giáo dân. Lời kêu gọi lập tức đã được hưởng ứng nhiệt liệt khắp nơi.
Với một tập thể kỷ luật, đoàn kết, tràn đầy Đức Tin và bất bạo động như vậy, chính quyền CSVN sẽ phải kiêng dè khi nghĩ đến chuyện đàn áp. Bởi vì một chính sách đàn áp sai lầm có thể dẫn đến sự sụp đổ nhanh hơn của chế độ, hiện đang có quá nhiều bất ổn, mâu thuẫn nội bộ như Đảng CSVN hiện nay.
Như Linh Mục Đặng Hữu Nam có nói, vụ kiện này chỉ mới là khởi đầu cho một hành trình đấu tranh còn dài của ngư dân, giáo dân. Sẽ còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng ông đã tiên liệu trước, và sẵn sàng cùng giáo dân đi đến cùng.
Trên các trang mạng xã hội, những nhà đấu tranh trong nước thuộc mọi thành phần, tôn giáo đã gởi những lời chúc mừng đến Linh Mục Đặng Hữu Nam và giáo dân. Hình như mọi người đã thấy lối đi chung cho phong trào đấu tranh vì tự do, dân chủ trong nước. Hãy đoàn kết lại chung quanh người Công Giáo, để tạo thành một khối đông lớn hơn nữa, có tính tổ chức cao hơn nữa. Làm được như vậy, người sẽ phải sợ hãi chính là công an và chính quyền CSVN, chứ không phải là người dân như hiện nay. Tình thế sẽ thay đổi, và cuộc đấu tranh bất bạo động của người dân Việt Nam chắc chắn sẽ đi đến đích sau cùng.
Đoàn Hưng / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/tu-vu-ngu-dan-kien-formosa-dau-la-suc-manh-cua-giao-dan-nghe.html
Formosa phủi trách nhiệm,
nói rằng việc ngư dân đi kiện đã có nhà nước CSVN lo
Sự kiện 600 ngư dân Nghệ An cùng Linh Mục Đặng Hữu Nam khởi kiện Formosa tiếp tục gây tiếng vang lớn. Vào ngày hôm qua, hàng loạt các hãng truyền thông quốc tế lớn đã đăng tin về sự kiện mang tính lịch sử này.
Tin tức về vụ ngư dân kiện Formosa đã được loan tải trên hầu hết các hãng thông tấn và truyền thông lớn như AP, Reuters, DPA, The Times, AFP, Focus Taiwan… Các hãng truyền thông quốc tế cũng ghi nhận sự im lặng khó hiểu của gần 1,000 cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước CSVN. Hình như chỉ có một vài bản tin ngắn về sự kiện này được đưa một cách vắn tắt, trong khi thông tin lại phát tán mạnh trên mạng xã hội Facebook.
Các hãng truyền thông quốc tế đưa lại những thông tin, hình ảnh về vụ đi kiện mang tính lịch sử của những ngư dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, mà các trang mạng xã hội Việt Nam đã loan tải rộng rãi trong những ngày qua. Các bản tin quốc tế đặc biệt trích lại những lời phát biểu của Linh mục Đặng Hữu Nam, vị lãnh đạo tinh thần của giáo xứ Phú Yên, người đã đứng ra tổ chức, điều hợp vụ khởi kiện này.
Theo Linh mục Nam, cho dù Formosa đã nhận tội, thỏa thuận bồi thường 500 triệu USD cho chính quyền CSVN cũng không thỏa mãn được yêu sách của ngư dân. Theo ông, số tiền này là quá ít và không có sự tham khảo ý kiến từ người bị hại trực tiếp là ngư dân.
Linh mục Nam nói thêm, ngay cả khi Formosa có đền bù đầy đủ, đa số ngư dân vẫn muốn đóng cửa nhà máy này vĩnh viễn, vì âm mưu đầu độc môi trường Việt Nam của họ là quá ác độc, và khó có thể kiểm soát được trong tương lai.
Trong các bản tin quốc tế, Focus Taiwan, một truyền thông lớn tại Đài Loan đã phỏng vấn đại diện tập đoàn Formosa về sự kiện ngư dân Việt Nam đi kiện Formosa. Tổng Giám Đốc Formosa Hà Tĩnh Yu Ching Chang trả lời một cách vô trách nhiệm rằng, công ty Formosa có nghe tin về vụ kiện nhưng Formosa sẽ để cho chính quyền Việt Nam giải quyết bởi vì Formosa không liên quan đến sự việc này.
Đại diện Formosa cũng nói thêm rằng họ đã được sự công nhận của chính quyền địa phương vì họ đã hết sức nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường.
Cũng cần nhắc lại, trong những ngày đầu tiên khi vụ thảm họa cá chết xảy ra, một lãnh đạo của Formosa là ông Chu Xuân Phàm-Giám Đốc Đối Ngoại- đã xấc xược trả lời báo chí là người dân Việt Nam phải chọn giữa cá hoặc thép! Chính lời phát biểu này đã kích động sự phẫn nộ tột đỉnh, góp phần dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối Formosa và đồng phạm là chính quyền CSVN của người dân cho đến tận ngày hôm nay.
Mặc dù các giới lãnh đạo cao nhất của Formosa sau đó đã cách chức ông Chu Xuân Phàm, và chính họ đã đứng ra xin lỗi dân Việt Nam, và cũng nói rằng Formosa “vô can” trong vụ đầu độc môi trường biển này. Kết quả sau đó thì ai cũng biết. Vào ngày 30/06, các lãnh đạo Formosa lại cúi đầu một lần nữa, nhưng lần này là nhận tội, và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho chính quyền CSVN.
Đoàn Hưng / SBTN
Việt Nam : Đằng sau việc hoãn phê chuẩn TTP
Việc Quốc Hội Việt Nam hoãn phê chuẩn Hiệp định TPP trong khóa họp cuối năm 2016 khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên. Điều gì ẩn đằng sau quyết định bất ngờ này, ông Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, có trụ sở tại Singapore, có bài phân tích trên tờ báo Anh ngữ Today online đăng tải hôm nay 29/09/2016. Sau đây là phần lược dịch của RFI.
Điều khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên là việc phê chuẩn Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương không nằm trong lịch trình của kỳ họp thứ hai của Quốc Hội Việt Nam, dự kiến bắt đầu từ ngày 21/10. Như vậy, thỏa thuận thương mại này sẽ không được Việt Nam phê chuẩn ít nhất là cho đến tháng 4 năm tới, khi Quốc Hội nhóm họp trở lại. Tin này khiến nhiều đối tác TPP thất vọng, đặc biệt là khi Việt Nam được coi là phía được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên của Hiệp định.
Giải thích về quyết định này, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết để phê chuẩn « phải xem tình hình các nước », đặc biệt là kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Rõ ràng sự bất trắc của cuộc bỏ phiếu tại Mỹ – với hai ứng cử viên chống TPP – là một lý do chủ yếu khiến Việt Nam dời lại ngày phê chuẩn Hiệp định. Chính quyền Việt Nam không muốn bị lâm vào tình trạng lúng túng sau này, trong trường hợp Washington không thông qua TPP.
Hà Nội cũng đồng thời lo ngại việc phê chuẩn sớm TPP sẽ khiến Bắc Kinh tức giận một cách không cần thiết, bởi chính quyền Trung Quốc vốn coi TPP là một kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm khống chế Trung Quốc về kinh tế và trên bình diện chiến lược.
Việt Nam đã sẵn sàng thực thi TPP
Xét về trong nước, trên thực tế Việt Nam đã sẵn sàng cho việc thực thi TPP. Các cuộc cải cách trong khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được thúc đẩy trong thời gian gần đây. Các quan chức Việt Nam khẳng định rằng dù có hay không TPP, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực thi các cải cách để cải thiện môi trường đầu tư, cho khớp với các tiêu chuẩn của TPP.
Trong khi chờ đợi, các luật mới như Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 đã hội nhập các tiêu chuẩn, quy định và quy tắc của TPP để tạo điều kiện cho việc thực thi Hiệp định này một khi TPP có hiệu lực. Một số luật khác có thể vẫn còn phải sửa đổi để phù hợp với TPP.
Tuy nhiên, cho dù việc xem xét lại một số luật có thể đòi hỏi thêm thời gian, điều này không cản trở việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định. Trong trường hợp phê chuẩn, các quy định của TPP sẽ có giá trị pháp lý cao hơn và sẽ được áp dụng ngay lập tức.
Hoãn phê chuẩn không phải là thay đổi chính sách
Nhìn chung, Việt Nam cần đến TPP để thúc đẩy kinh tế, đang bị chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008,… trong khi khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân hoạt động kém hiệu quả. Cùng lúc đó là những nguy cơ rất lớn như hệ thống ngân hàng yếu kém, mức nợ xấu cao hay thâm hụt ngân sách tăng vọt…
Về mặt chính trị, căn cứ vào một số tiền lệ lịch sử như phong trào Công Đoàn Đoàn Kết dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ba Lan cuối những năm 1980, một điều có thể khiến chính quyền Việt Nam lo ngại là TPP bảo vệ quyền thành lập công đoàn độc lập của người lao động. Tuy nhiên, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Ban Chấp Hành Trung Ương đối với TPP có nghĩa là đảng Cộng Sản Việt Nam không coi việc áp dụng quy định này là một mối đe dọa chính đối với họ.
Trên thực tế, Quốc Hội Việt Nam đã có kế hoạch xem xét lại bộ luật Lao Động vào năm tới để tạo điều kiện cho việc thực thi thỏa thuận TPP trong vấn đề này. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ nhận được các hỗ trợ từ phía các thành viên TPP khác và có một giai đoạn 5 năm quá độ – kể từ khi Hiệp định có hiệu lực – trước khi buộc phải thực hiện đầy đủ các quy định của TPP. Cụ thể là Hoa Kỳ có một kế hoạch thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động song phương với Việt Nam (Plan for the Enhancement of Trade and Labor Relations) để hỗ trợ Hà Nội trong lĩnh vực này.
Tóm lại, theo tác giả bài viết, quyết định của Việt Nam hoãn việc phê chuẩn TPP là vấn đề lịch trình hành động hơn là một sự thay đổi trong chính sách.
Tuy nhiên, điều tác giả lấy làm tiếc là Việt Nam đã không phối hợp với một số đối tác TPP khác như Nhật Bản và Singapore, để chính thức phê chuẩn TPP trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11. Bởi điều này sẽ là một áp lực với Washington và là một hậu thuẫn cho tổng thống Obama trong việc đưa TPP ra phê chuẩn tại Quốc Hội Mỹ trong khóa họp cuối cùng của năm nay, trước khi ông mãn nhiệm.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160929-viet-nam-dang-sau-viec-hoan-phe-chuan-ttp