Tin Việt Nam – 29/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 29/04/2020

Phiên xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải liệu có công tâm?

Tin ngày 28/4 cho biết Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án của tử tù Hồ Duy Hải, dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ ngày 6-8/5 tới đây.

Xác nhận với RFA vào tối cùng ngày, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải cho hay bà đã được Luật sư Trần Hồng Phong, người theo vụ án Hồ Duy Hải từ năm 2010 biết thông tin này.

“Sáng này luật sư có thông báo ‘chị ơi ngoài tòa có đánh giấy cho tôi cho dự phiên tòa’. Luật sư và gia đình rất mừng. Phía gia đình không được tòa gọi, nếu luật sư đi được thì gia đình vẫn đi theo. Nếu không được tòa cho vô thì mình ở ngoài thôi.”

Vẫn theo bà Nguyễn Thị Loan, trong phiên xử diễn ra vào đầu tháng 5 tới đây, Luật sư Trần Hồng Phong được mời tham gia phiên giám đốc thẩm với tư cách luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải.

Tuy nhiên, Luật sư Phong vẫn chưa muốn thông tin gì thêm về những luận điểm sẽ được đưa ra trong phiên tòa tới đây theo lời bà Loan:

“Luật sư đã nắm vững hết những tài liệu chứng cứ rõ ràng Hồ Duy Hải bị oan nên chuyện đó luật sư không nói gia đình.”

Tin của hai mạng báo Tuổi Trẻ và Người Lao Động tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án ‘giết người, cướp tài sản’ đối với bị can Hồ Duy Hải sẽ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao làm chủ tọa phiên tòa.

Đáng chú ý, trước đó, vào ngày 24/5/2011 Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối cao Trương Hòa Bình đã không không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Đến ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình tiếp tục ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới.

Vì vậy, trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn, nhiều người bày tỏ quan ngại về tính công tâm trong phiên xử sắp tới.

Dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng những lo lắng vừa nêu là không cần thiết. Ông giải thích:

“Việc xét xử Giám đốc thẩm có hội đồng, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, rất nhiều người quyết định theo đa số. Đây là việc rất bình thường chứ không có chuyện một người có trách nhiệm quyết định.”

Với kinh nghiệm đã từng đọc qua hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải từ người nhà phạm nhân, Luật sư Phạm Công Út thuộc Công ty Luật Phạm Nghiêm lại có cách nhìn nhận khác về việc nên hay không nên để ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa. Ông lập luận:

“Luật Tố tụng hình sự quy định thẩm phán phải từ chối xét xử trong trường hợp đã tham gia xét xử trong cùng một vụ án, nhưng trước đó ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát lại không tham gia một phiên xử nào đối với Hồ Duy Hải. Đối chiếu quy định Luật Tố tụng hình sư năm 2015 vẫn có thể ngồi ghế chủ tọa trong phiên xử Giám đốc thẩm.

Nhưng nói về yếu tố khác ngoài tố tụng sẽ là không khách quan bởi trước đó ổng cho rằng không có tình tiết mới, tức có tội, bản án tử hình không oan, bây giờ kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát tối cao ông ngồi chủ tọa thì trước đây ông nói không oan, giờ phán oan tức ‘sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng’ thành ra không khách quan. Do đó theo tôi ông Nguyễn Hòa Bình không nên ngồi trong Ủy ban thẩm phán để xét xử vụ Giám đốc thẩm này mà Chủ tọa nên là người khác và không chịu sự phụ thuộc, ép buộc nào từ phía Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.”

Vụ án mạng hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại dã man tại nơi làm việc hồi trung tuần tháng 1/2008 gây chấn động trong dư luận. Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Năm 2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ lại vụ án này.

Đến ngày 30/11/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, thu hồi quyết định không kháng nghị trước đó của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Đồng thời còn đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.

Theo dõi sát sao toàn bộ những tình tiết trong các phiên xử Hồ Duy Hải, Luật sư Phạm Công Út nêu ra 3 trường hợp có thể xảy ra trong phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra ngày 6-8/5 tới đây. Ông phân tích:

“Đầu tiên bản án Giám đốc thẩm tới đây phải hủy bỏ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án tỉnh Long An và Tòa án Nhân dân Tối cao. Hủy 2 bản án đề điều tra xét xử lại. Tức ông Nguyễn Hòa Bình sẽ không nói oan hay không oan mà chỉ là chủ tọa phiên tòa hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại nhưng việc điều tra lại sẽ lòi ra nhiều vấn đề.

Nếu các điều tra viên của Cơ quan điều tra Cảnh sát Long An, những người mới có tâm huyết thì người ta sẽ tìm hiểu con dao ở đâu ra, các vết máu, dấu vân tay nếu không phải của Hồ Duy Hải thì của ai? Nếu tìm khắp hiện trường không có dấu vết, dấu vân tay Hồ Duy Hải gây án thì tất nhiên việc xét xử sẽ không chứng minh được tội phạm, lúc đó sẽ minh oan cho Hồ Duy Hải. Hoặc người ta sẽ xử ép buộc Hồ Duy Hải có tội, nhưng có sự thông đồng của cơ quan tố tụng với Hồ Duy Hải.

Trước khi dùng các biện pháp chuyên dụng như vậy, người ta sẽ biệt giam, hoặc hành hạ Hồ Duy Hải để trấn áp tinh thần, cuối cùng Hồ Duy Hải chấp nhận nhận tội để được xử mức án bằng thời gian tạm giam và được trả tự do tại phiên tòa. Trường hợp thứ ba là tòa án sẽ xét xử dựa theo kết quả tranh tụng tại phiên tòa, tức các luật sư sẽ chứng minh Hồ Duy Hải không có tội. Như vậy nhà nước không phải bồi thường và những người (xét xử) trước đó không phải chịu trách nhiệm. Hội đồng xét xử có 5 thành viên, bao gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm để xử sơ thẩm, còn khi phúc thẩm sẽ có 3 thẩm phán xử phúc thẩm.”

Trong 13 năm qua, gia đình tử tù Hồ Duy Hải kiên trì kêu oan ở các cấp chính quyền và đại biểu quốc hội.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã từng kêu gọi Chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng.

Vì vậy, phiên xử giám đốc thẩm lần này đối với Hồ Duy Hải được xem như cánh cửa mở ra hy vọng mới cho cả Hải và gia đình, như lời bà Loan nghẹn ngào chia sẻ:

“Mong đợi của tôi là Hồ Duy Hải oan thì các cơ quan có thẩm quyền của bộ máy công quyền phải trả tự do cho Hồ Duy Hải liền chứ không hẹn gì nữa. Hai chữ công lý, công bằng tôi đi đòi lâu lắm rồi, suốt 12 năm, bữa nay qua năm thứ 13 rồi. Có người mẹ nào chịu đựng nổi trong khi con mình ở trong đó chịu khổ.”

Dưới góc nhìn của người làm luật lâu năm, Luật sư Phạm Công Út cũng bày tỏ  hy vọng nếu phiên tòa lần này của Hồ Duy Hải có được những thẩm phán công tâm chịu công bố án oan, hủy bản án như thẩm phán Nguyễn Văn Nhân ở Tòa án tỉnh Bình Phước tham gia thì vụ án Hồ Duy Hải sẽ được xử lại với kết thúc có hậu!

Trao đổi qua email, ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) bày tỏ hy vọng trong phiên tòa lần này Hồ Duy Hải sẽ được tuyên vô tội hoặc không đủ chứng cứ để kết tội và được trả tự do tại tòa.

Ông Sơn cho rằng đây là điều nên làm bởi không những Ân xá Quốc tế, mà ngay cả các luật sư theo sát vụ việc này cũng khẳng định rằng việc kết tội Hồ Duy Hải vào năm 2008 là vội vàng, thậm chí là đã vi phạm các quy định tố tụng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định: “Ân xá Quốc tế vẫn sẽ tiếp tục quan tâm đến Hồ Duy Hải cho tới khi Hồ Duy Hải được tự do. Ngoài ra, một trong những mục tiêu chính của Ân xá Quốc tế là xóa bỏ án tử hình trên toàn cầu, do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để hiện thực hóa điều này ở Việt Nam”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-the-upcoming-trial-of-ho-duy-hai-impartial-04282020151419.html

 

Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội thừa nhận

thiếu sót trong tham mưu vụ Đồng Tâm

Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội thừa nhận công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân chưa sát, còn hạn chế, như vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Truyền thông trong nước loan tin trích lời ông Phạm Hải Hoa, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, cho biết tại buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ ngày 28/4.

Theo lời ông Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, nguyên nhân là vì “việc dự báo tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm là chưa kịp thời, chưa sâu sát.”

Ngoài ra, công tác dân vận của hệ thống chính trị được ông Hoa nhận định có nơi chưa đồng bộ; việc xử lý các vấn đề phức tạp, phát sinh trong nhân dân có lúc, có nơi còn lúng túng về thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của người dân có lúc chưa kịp thời, dứt điểm, để vụ việc kéo dài.

Nói tại buổi họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội là đô thị đặc biệt, đang trong bối cảnh đô thị hóa rất nhanh nên yêu cầu để không có những vấn đề phức tạp, nảy sinh là rất khó.

Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Sênh, Mỹ Đức xảy ra giữa người dân Thôn Hoành và chính quyền diễn ra từ nhiều năm. Trái với quan điểm của người dân cho rằng khu đất là đất nông nghiệp được người dân canh tác từ hơn chục năm, chính quyền Hà Nội nói toàn bộ là đất quân sự.

Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020 khi hàng ngàn cảnh sát cơ động có vũ khí tràn vào Thôn Hoành trấn áp bạo lực gia đình cụ Lê Đình Kình, trưởng nhóm người khiếu kiện đất. Vụ đụng độ khiến cụ Kình bị bắn chết và cho đến nay có 29 người bị bắt trong vụ này. Phía lực lượng công an có 3 người thiệt mạng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-hanoi-people-committee-party-committee-admitted-the-mistake-in-the-dong-tam-case-04292020091007.html

 

Nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp

và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng

bị khởi tố liên quan đất rừng

Công an tỉnh Lâm Đồng vào ngày 28/4 vừa ra quyết định khởi tố ông Lê Văn Minh nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cùng 2 người khác về tội “vi phạm quy định về quản lý rừng” theo điều 233 Bộ luật hình sự.

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê chuẩn quyết định khởi tố ông Lê Văn Minh về tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng” liên quan đến gần 76 hecta rừng tự nhiên bị khai thác chuyển đổi sang trồng cao su với trữ lượng gỗ trên 3.500m3 trái pháp luật.

Ngoài ông Minh, hai bị can khác liên quan đến sai phạm trong việc quản lý rừng cũng bị khởi tố là ông Lê Quang Nghiệp nguyên chi cục trưởng chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng và ông Mai Hữu Chanh giám đốc công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc.

Theo cơ quan điều tra, ông Lê Quang Nghiệp biết rõ hồ sơ dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su của công ty Lộc Bắc chưa có đánh giá tác động môi trường và chưa đầy đủ những quy định khác của pháp luật nhưng ông vẫn cố vấn cho ông Lê Văn Minh ký quyết định cấp phép cho công ty này khai thác khiến cho diện tích rừng tự nhiên chuyển sang khai thác sai mục đích lên tới gần 76 hecta.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn khu vực tỉnh có 386 dự án được giao đất, thuê đất, thuê rừng để khai thác đầu tư du lịch, nông lâm kết hợp, trồng rừng, trồng cao su… với tổng diện tích hơn 57.200 hecta.

Tuy nhiên đến năm 2019 buộc phải thu hồi 189 dự án với tổng diện tích hơn 28.200 hecta vì không hiệu quả hoặc để rừng bị phá hoại, mất rừng với tổng thiệt hại ước tính lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-director-of-the-department-of-agriculture-and-rural-development-of-lam-dong-province-04292020075507.html

 

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát ở Hòa Bình

UBND huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã ra công bố dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện trên địa bàn xóm Ngù, xã Hiền Lương và có thể lây lan ra nhiều xã lân cận. Người dân hiện đang được hướng dẫn các biện pháp ứng phó, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi ngày 29 tháng 4, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết tổng số lợn chết trên địa bàn xóm Ngủ đã lên đến gần 200 con từ giữa tháng 4 đến nay.

Cán bộ thú y đã lấy mẫu bệnh để xét nghiệm và hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp cấp bách, tiêu hủy toàn bộ số lợn chết và tạm ứng vật tư để phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột nhằm khống chế sự lây lan dịch bệnh. Cán bộ chuyên môn cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng bệnh đối với đàn lợn còn khỏe trên địa bàn; chú trọng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất.

Hiện nay, toàn xã Hiền Lương có hơn 800 con giống lợn đen thuần chủng; trong đó, xóm Ngù có 90 hộ nuôi với tổng đàn khoảng 400 con. Giống lợn này đã trở thành nguồn sinh kế trong nhiều năm qua, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Vào tháng 2 năm ngoái dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu bùng phát tại các tỉnh phía bắc, sau đó lan dần về miền nam. Đợt dịch được đánh giá là lớn nhất gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi tại VN kiến giá thịt lợn tăng cao.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/urgent-actions-taken-to-contain-swine-flu-in-hoa-binh-04292020083724.html

 

Báo cáo Tự do Tôn giáo 2020:

quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng ở Việt Nam

vẫn chưa được thực sự tôn trọng

Vào ngày 28 tháng 4, Ủy hội Hoa Kỳ Tự do Tôn giáo Quốc tế có buổi họp báo trực tuyến công bố Báo cáo Tự do Tôn Giáo Quốc tế Thường niên năm 2020 phản ánh những diễn tiến tôn giáo tín ngưỡng trong năm qua ở các nước trên thế giới. Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Tony Perkins, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cùng các chuyên gia và các ủy viên. Ông Perkins cho biết sẽ ban hành báo cáo này vào ngày 1 tháng 5 cùng với các khuyến nghị đến Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa kỳ.

Bản báo cáo đề cập đến những tiến bộ quan trọng mang lại sự thay đổi tích cực ở các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến việc một số quốc gia ban hành đạo luật và quy định gây tranh cãi nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số, trong đó có Việt Nam.

Trong bản báo cáo, mặc dù Việt Nam không nằm trong số các nước cần  quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern – CPCs), tiến sĩ Tenzin Dorjee, Ủy viên Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho hay tình hình tự do tôn giáo ở Việt nam vẫn chưa thật sư thay đổi, vì vậy Ủy hội sẽ tiếp tục đến nước này để đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đàn áp tôn giáo:

“Với Việt Nam, theo như chúng tôi được biết, tình hình vẫn chưa thay đổi. Do đó chúng tôi sẽ đến nước này một lần nữa để giải quyết vấn đề và cách chính quyền bạo hành, bắt giữ những người theo đạo Cao Đài và các nhóm tôn giáo khác. Vì vậy, tình hình ở Việt Nam còn rất thảm khốc. Vì Việt Nam chưa được

chỉ định là một quốc gia đặc biệt đáng quan ngại, nhưng chúng tôi sẽ khuyến nghị điều đó để có thể gây sức ảnh hưởng ngoại giao đến chính quyền Việt Nam nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực và cung cấp quyền tự do tôn giáo cho người dân của họ.”

Cùng ngày, Hòa thượng Thích Không Tánh cho RFA biết chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, một cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị nhà nước Việt Nam cưỡng chế, phá đập và san bằng từ mấy năm nay. Ông cùng các hòa thượng khác có đề nghị được đền bù thỏa đáng, nhưng vẫn chưa được chính quyền đáp ứng và cũng không cấp giấy tờ liên quan:

“Riêng về Phật Giáo chúng tôi thì đã có nhiều chùa bị ủi sập, không tôn trọng và bị lấy đất đai, đừng nói chi đến đạo Tin Lành tại gia hoặc có những sinh hoạt ở vùng cao nguyên và vùng xa xôi hẻo lánh. Phải nói rằng là tôi được biết qua nhiều mục sư, thân hữu trong hội đồng Thiên Tôn của tôi, họ khiếu nại nhiều lắm. Nhiều vị mục sư bị bắt bớ, đánh đập, không cho cử hành lễ tôn giáo của mình. Nhiều gia đình đồng bào sắc tộc ở cao nguyên cũng không được tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tôi thuộc Phật Giáo, nhưng có một số vị bên Tin Lành họ cho biết rằng nhà nước này rất kỳ thị quý bà con đồng bào Tin Lành ở Tây Nguyên.”

Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng những người như ông không được hưởng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vì muốn được hưởng ưu đãi của nhà nước, các tổ chức tôn giáo phải chịu làm theo lệnh của Đảng, nhà nước hoặc có nguy cơ bị đàn áp:

“Họ cho rằng những việc gọi là không theo nhà nước, chẳng hạn như chúng tôi có những kiến nghị, đề nghị về vấn đề tự do tôn giáo thật sự thì họ còn cho là phản động, họ cho rằng phải đi vào khuôn khổ, tôn giáo ở nước nào cũng phải chấp hành theo luật pháp của họ. Họ nói rằng là có tự do tôn giáo, bảo đảm rằng là nhà nước này là có tự do tôn giáo, nói là vậy nhưng sự thật là nếu đã tự do tôn giáo, tín ngưỡng thật sự thì làm gì có chuyện phải đi đăng ký, lên xuống, việc gì cũng phải khai báo; nếu được nhà nước cho phép thì mới được sinh hoạt, như vậy là tự do tôn giáo kiểu Cộng sản.”

Luật sư Anurima Bhargava, Ủy viên USCIRF, khi trả lời phỏng vấn của RFA tại buổi họp báo trực tuyến cho rằng qua những chuyến đi thăm dò ở Việt Nam, cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bắt buộc các tổ chức tôn giáo đăng ký và liên tục thông báo về các hoạt động tôn giáo. Vì lý do đó, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế đã có đề nghị cho những nhóm, tổ chức tôn giáo tại Việt Nam có quyền tự do thực hành tín ngưỡng của họ:

“Chúng tôi ủng hộ, đề nghị cho  những nhóm tôn giáo có thể thực hiện việc thờ phụng một cách tự do mà không phải phụ thuộc vào sự chấp thuận của chính phủ. Điều mà chúng tôi chứng kiến xảy ra khá nhiều ở Việt Nam là có một số tổ chức tôn giáo đã được chấp thuận cho các thành viên của họ được thờ phượng, nhưng cũng có những nhóm tôn giáo khác không thể thực hiện điều đó; đó là những mối quan tâm của chúng tôi.

Chúng tôi cũng được biết trong tiến trình  phát triển kinh tế ở Việt Nam, có nhiều cơ sở tôn giáo có giá trị lịch sử, là trung tâm  thờ phượng của các cộng đồng địa phương đã và đang bị đe dọa phá hủy, san bằng. Chắc chắn rằng chúng tôi muốn khuyến nghị và gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng những cơ sở, địa điểm thờ phượng đó sẽ không bị phá hủy.”

Ngoài ra, bà Anurima Bhargava cho biết Ủy hội cũng sẽ khuyến nghị việc trả tự do đối với các tù nhân lương tâm bị bắt bớ do đức tin của họ. Ủy hội cũng nhận thấy những hành động chính quyền đã làm nhằm gây áp lực, quấy rối với các cá nhân lên tiếng ủng hộ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện các nỗ lực khác để đảm bảo người dân trong nước có thể tự do tín ngưỡng, thờ phượng theo tôn giáo của họ.

Về việc luật pháp Việt Nam cho phép chính phủ có thể vô hiệu hóa quyền tự do tôn giáo với lý do liên quan đến an ninh quốc gia, ông Johnnie Moore, một Ủy viên khác có mặt tại buổi họp báo trực tuyến cho biết đây hiện vẫn là một vấn đề có tính chất phức tạp:

“Vấn đề giữa an ninh quốc gia và tự do tôn giáo cần sự hợp tác rất lớn từ các cộng đồng quan tâm đến quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn tận dụng các cơ hội để nhấn mạnh rằng đây không phải là một việc có thể dễ dàng thực hiện khi làm việc với các chuyên gia nghiên cứu, luật sư nhân quyền và các học giả trên kháp thế giới và các cộng đồng tôn giáo. Các chính phủ cần bảo vệ an ninh quốc gia của họ nhưng vẫn phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng.”

Theo báo cáo của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ vào năm 2019, Hiến pháp Việt Nam cho phép công dân có quyền tín ngưỡng theo bất kỳ tôn giáo nào và tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, điều 14 trong Hiến pháp ủy quyền cho chính phủ với lý do vì an ninh quốc gia và trật tự an ninh xã hội có thể đàn áp nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng.

Cũng vấn đề liên quan, vào đầu tháng 4, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đã soạn thảo bức thư chung để gửi đến Thủ tướng Việt Nam với đề nghị phục hồi quyền công dân của hàng chục nghìn người Hmong và người sắc tộc Tây Nguyên bị tước hộ khẩu và chứng minh nhân dân sau khi họ từ chối làm theo lệnh bỏ đạo Tin Lành. Đồng thời, bức thư cũng đề nghị chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Một trong những người tham gia ký tên có bà TS Katrina Lantos Swett, cựu Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và đương kim Chủ tịch Sáng hội Nhân quyền Tom Lantos.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/uscirf-2020-annual-report-freedom-of-religion-and-beliefs-in-vietnam-has-not-been-respected-04282020185355.html

 

Google, Facebook

chưa tuân thủ quy định của pháp luật VN

Bộ thông tin- Truyền thông Việt Nam hôm 29/4 cho rằng, Facebook và Google đang gây tác động mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam nhưng gần như chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Đó là nhận xét của Bộ Thông tin & Truyền thông có trong dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo Bộ  TT-TT Việt Nam , tính đến hết tháng 12/2019, có 614 mạng xã hội được cấp phép. Tuy nhiên số lượng mạng có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng Facebook là khoảng gần 60 triệu và Youtube là gần 35 triệu.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp, lợi dụng giấy phép MXH để cung cấp đa dịch vụ chuyên ngành trên cùng một nền tảng mạng xã hội như dịch vụ truyền hình, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến,…gây khó khăn cho công tác quản lý.

Do đó, theo dự thảo, Bộ TT-TT đề nghị việc cấp phép và quản lý MXH phải tuân thủ theo quy định quản lý và phải có giấy phép thiết lập MXH do Bộ TT&TT cấp (đối với MXH có lượng tương tác từ 1 triệu người/tháng trở lên) hoặc phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động với Bộ (dưới 1 triệu người/tháng).

Ngoài ra, chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức hoặc cung cấp dịch vụ livestream.

Mạng xã hội đa dịch vụ khi cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebook-google-notyet-complied-with-vn-regulation-04292020074019.html

 

Bổ nhiệm hàng loạt các lãnh đạo Bộ Công an

Bộ Công An Việt Nam có thêm hai thứ trưởng gồm Thiếu tướng Lê Quốc Hùng và Lê Tấn Tới.

Theo tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 29/4, ông Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, sinh năm 1966, từng là Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện đang là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an trong Quyết định 589 của Thủ tướng Chính phủ.

Còn ông Thiếu tướng Lê Tấn Tới, sinh năm 1969, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, từng giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu được bổ nhiệm tại Quyết định 595.

Ngoài ra, quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân được trao cho ông Thiếu tướng Vũ Văn Kha, phụ trách Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng.

Ông Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được giao chức vụ Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Quốc phòng.

Trong hai ngày 28-29/4, Bộ Công an công bố các quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên; đồng thời bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Đắk Nông.

Vẫn tin liên quan, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an vào chiều ngày 28/4 đã trao quyết định của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường Cao đẳng An ninh nhân dân II vào Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I.

Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an cũng tổ chức buổi lễ công bố quyết định sáp nhập các Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 3, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 và cơ sở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 6 vào Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân II trong ngày 27/4.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appointed-a-series-of-ministry-of-public-security-leaders-in-2-days-04292020082433.html

 

Biển Đông:

Đại sứ Mỹ tại VN ‘kịch liệt’ phản đối và lên án TQ

Trong một động thái đáng chú ý, hôm 28/4/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đã công khai nói với truyền thông Việt Nam rằng Mỹ phản đối kịch liệt và lên án các hành vi ‘phi pháp, khiêu khích’ của Trung Quốc trên Biển Đông khi lợi dụng thế giới và khu vực mắc bận đối phó với đại dịch Covid-19.

‘Công hàm 1958 không công nhận chủ quyền TQ với Hoàng Sa và Trường Sa’

Chuyên gia Việt Nam bác bỏ luận cứ Trung Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’

“Chúng tôi kịch liệt phản đối và lên án Trung Quốc lợi dụng việc các nước trong khu vực đang tập trung chống dịch để thúc đẩy những hành vi phi pháp và mang tính khiêu khích ở Biển Đông,” ông Krintenbrink nói hôm thứ Ba, khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

“Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập.

“Đây không phải là những hành vi thể hiện thiện chí đối tác cũng như có thể giúp Trung Quốc nhận được sự tin cậy trong khu vực. Tôi muốn nhắc lại quan điểm đã nêu ở trên, Mỹ kịch liệt lên án và phản đối những hành vi khiêu khích của Trung Quốc khi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thúc đẩy những hành vi phi pháp và hiếu chiến hòng đạt được những yêu sách phi lý.”

Quan chức ngoại giao Hoa Kỳ nhân dịp này nhấn quan điểm của Mỹ qua các động thái của hai cơ quan là Bộ Ngoại giao và cả Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó kêu gọi các quốc gia trong khu vực ‘lên tiếng phản đối hành vi Trung Quốc’ và tái khẳng định các nguyên tắc, quan điểm của Mỹ về an ninh khu vực:

“Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều đã ra tuyên bố lên án hành vi lợi dụng việc các nước tập trung chống dịch để thúc đẩy những yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

“Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là mọi quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi này của Trung Quốc. Trong hai tuyên bố được nêu ở trên, tôi muốn nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong đó nêu bật 2 yếu tố quan trọng:

“Thứ nhất là tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Thứ hai, tôi cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhấn mạnh đến sức mạnh của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ…”.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội kêu gọi các quốc gia tin tưởng vào những “nguyên tắc và giá trị” mà Mỹ chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung vào thời điểm hiện nay ở Biển Đông và khu vực:

“… Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia tin tưởng vào những nguyên tắc và giá trị nêu trên cần lên tiếng mạnh mẽ. Đó chính là lý do Mỹ đang khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc và rất nhiều đối tác và bạn bè của chúng tôi đã làm như vậy.

“Tôi được biết, Việt Nam đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những hành vi khiêu khích của Trung Quốc. Philippines cùng rất nhiều đối tác khác trong khu vực như Australia và Nhật Bản cũng đã làm như vậy. Mục tiêu của chúng ta là nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong thời điểm này chính là cần có các biện pháp thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực trong khi tập trung ứng phó với Covid-19 chứ không phải những bước đi có thể làm mất ổn định trong khu vực.”

‘Tiếp cận Hoàng Sa và tập trận’

Trong một diễn biến liên quan ở khu vực, hôm 28/4, kênh truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN nói các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực đang “theo dõi một tàu chiến của Mỹ áp sát Hoàng Sa” mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Các nguồn tin theo dõi thời sự trên Biển Đông từ phía Mỹ trong dịp này cũng được trích thuật cho hay ngày 28/4 Hoa Kỳ đã thông báo một tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) của nước này đã “tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa”.

Tuần trước, đài VOA của Hoa Kỳ xác nhận và đưa tin các lực lượng hải quân Mỹ và Úc đã triển khai một cuộc tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tuần dương hạm USS Bunker Hill, tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu hộ vệ HMAS Parramatta hôm 18/4.

Các động thái diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày trên đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về “những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm đến hoạt động phát triển dầu và khí đốt xa bờ”, đồng thời với việc Trung Quốc điều một nhóm tàu, trong đó có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8), hiện diện ở khu vực nam Biển Đông, tiếp cận gần tới cả Malaysia.

Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần phát biểu cho hay nước này thực hiện các hoạt động ‘nghiên cứu khoa học’ bên cạnh các hoạt động khác theo đúng luật pháp quốc tế và kế hoạch.

Hôm 17/4, Trung Quốc cũng gửi lên LHQ một công hàm cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và chiếm đóng trái phép biển, đảo của Trung Quốc ở khu vực.

Bắc Kinh gửi kèm lên LHQ các bằng chứng ủng hộ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có bản công hàm từ năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Văn Đồng, gửi người đồng cấp Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ Viện CHND Trung Hoa như một viện dẫn,

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52471322

 

Việt Nam và Trung Quốc

không còn « thắm tình anh em » vì Biển Đông ?

Thụy My

Theo tác giả David Koh trên South China Morning Post ngày 28/04/2020, khi đụng đến vấn đề Biển Đông, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều thấy rằng quá khứ của tình đồng chí không thể là cơ sở cho chính sách quốc gia. Hà Nội chẳng bao lâu nữa có thể nhận ra rằng đã bị Bắc Kinh chơi xỏ, trong khi đó Mỹ vẫn quan sát diễn tiến trong khu vực.

Có nhiều điều đã làm nên tình đồng chí giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo. Hai nước thường tuyên bố bên này là chỗ dựa của bên kia, và nhắc lại thời kỳ anh em thân thiết, cùng chung sức chiến đấu với đế quốc và thực dân. Tuy nhiên sự lãng mạn không thể là nền tảng bền vững cho chính sách quốc gia.

Khi nói đến vấn đề Biển Đông, yêu sách của Trung Quốc và Việt Nam không có điểm nào chung – cũng như mọi yêu sách về vùng biển tranh chấp. Và cũng không có thương thảo thực sự về chia sẻ chủ quyền, cùng sử dụng, khai thác hay cùng hợp tác về bất kỳ phương diện nào.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng ngoài cuộc trong việc nhanh chóng giúp giải quyết căng thẳng. Hoa Kỳ nhận thấy lợi ích của mình về tự do hàng hải trên Biển Đông bị ảnh hưởng bởi yêu sách của tất cả các bên, và bên cạnh đó mục tiêu của Mỹ còn là chận bước Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng tìm cách có được một vùng đất để đặt chân sát cạnh Biển Đông, từ khi Philippines có thái độ thất thường trong quan hệ quân sự với Washington. Trong số các kịch bản khác có thể kể thêm việc bảo vệ các đối tác quốc phòng như Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời trợ giúp Đài Loan.

Các nhà quan sát cho rằng sự thất vọng của Hà Nội về Bắc Kinh sẽ khiến Việt Nam xoay trục sang Hoa Kỳ – vốn mong muốn có chiến lược sâu hơn và thậm chí quan hệ quân sự gắn bó hơn với các quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á. Tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn không thể chuyển nhanh sang quan hệ với Mỹ, vì như vậy Trung Quốc có thể có phản ứng mạnh bất ngờ. Thế nên Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh nguy cơ nếu hoàn toàn thuận theo phía Mỹ, chẳng hạn việc Mỹ định hình dân chủ hóa cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành quân cờ của Việt Nam nhằm đối phó với Trung Quốc.

Ý kiến trong nước về chiến lược của Việt Nam rất khác nhau. Có những tranh cãi trong xã hội về cách thức theo đuổi mục tiêu. Người thì cho rằng chính quyền ngây thơ, vẫn còn chìm đắm trong lý tưởng xã hội chủ nghĩa và tình hữu nghị anh em, sẵn sàng chấp nhận tạm thời mất chủ quyền. Người khác thấy

Hà Nội đã thận trọng đúng mức, muốn tránh chiến tranh, nhưng cũng không sợ chiến tranh nếu đó là cần thiết.

Còn bên trong chính phủ và đảng cộng sản, các quan điểm ít khác biệt hơn, tập trung vào sự cần thiết sử dụng nhiều cấp độ chiến thuật và chiến lược thay vì chỉ tỏ ra hiếu chiến. Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã tăng tiến rất nhiều trong việc siết chặt quan hệ với các quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (mặt trận ngoại giao), mời gọi hợp tác đa phương về quốc phòng (mặt trận quân sự), củng cố tăng trưởng và nguồn lợi (vốn là nền tảng kinh tế của hai chiến thuật trên đây).

Theo tác giả, phương thức thận trọng và chậm chạp của Việt Nam đã bị các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khai thác, vì vấn đề quan trọng là chiếm giữ các đảo trên Biển Đông, biến thành một chuỗi căn cứ giúp Trung Quốc có được sức mạnh cấm đoán tàu bè các nước đi qua. Thế nên Bắc Kinh làm ngơ trước những phản kháng của Hà Nội, khiến cho sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam càng sâu sắc thêm. Tuy nhiên, sự kiên trì của Trung Quốc để một ngày nào đó sẽ giành chiến thắng toàn diện, đã khiến cho Việt Nam không thể kéo dài chính sách lửng lơ không muốn nghiêng hẳn sang phía khác. Có điều không ai biết được khi nào việc xoay trục này sẽ diễn ra.

Tình hữu nghị anh em nếu được thổi bùng trở lại, mỉa mai thay có thể giúp giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2000, khi giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và ký kết hiệp ước phân định, hai bên đã có nhượng bộ lẫn nhau, và thỏa ước này được coi như điển hình cho việc thực hiện chính sách « đồng chí tốt, láng giềng tốt ».

« Đồng chí tốt, láng giềng tốt » là phiên bản mờ nhạt của « môi hở răng lạnh », « tình anh em », những câu nói cửa miệng thường được sử dụng để mô tả mối quan hệ trong thời kỳ các nhà sáng lập cộng sản Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Tuy nhiên hiệp ước năm 2000 đã đánh bạt khả năng xảy ra một cuộc xung đột trên đất liền, và hai bên có thể tiến tới.

Liệu Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa có thể viện đến tình hữu nghị anh em ? Tác giả David Koh cho rằng bối cảnh năm 2000 rất khác với năm 2020, có rất nhiều sự kiện đã diễn ra, đặc biệt có ba trở ngại lớn đang ngăn cản.

Trước hết, Trung Quốc không còn coi Việt Nam là quan trọng về mặt tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa, trong khi Việt Nam vẫn còn cần tình liên đới này, trong nỗ lực chống lại sự thôi thúc dân chủ hóa từ phía Hoa Kỳ. Từ cuối thập niên 80, Trung Quốc đã tuyên bố với Việt Nam là quan hệ song phương giữa đôi bên không phải là đặc biệt, không có gì khác với quan hệ giữa Trung Quốc và các láng giềng khác.

Khó thể tin rằng sự tham vấn giữa hai đảng cộng sản về kinh nghiệm chủ nghĩa xã hội và những bất bình giữa đôi bên có thể tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Việt Nam. Đặc biệt là trong việc chặn bớt tốc độ bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà Việt Nam vô cùng căm ghét. Tuy rất nhiều người Việt Nam lên án các hành động của Trung Quốc trên biển, một tỉ lệ tương tự người Trung Quốc có thái độ ngược lại. Tình hữu nghị và ý thức hệ được đặt sau lợi ích quốc gia.

Trở ngại thứ hai là Việt Nam không mang lại cho Trung Quốc lợi ích kinh tế hoặc chính trị quan trọng nào, để có thể một lần nữa coi Việt Nam là anh em, hoặc nhường bước trước đòi hỏi của Việt Nam. Mối nghi ngờ lẫn nhau vẫn nung nấu, và quan hệ kinh tế không mạnh mẽ như tiềm năng thực sự.

Cũng như những gì đã diễn ra trong quá khứ, Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chận sườn phía nam chống lại sự xâm lấn của tư tưởng phương Tây. Mục tiêu rộng lớn hơn của Trung Quốc là đạt được các lợi ích cốt lõi, quan hệ tốt với Hoa Kỳ và Nga. Nói cách khác, Việt Nam chỉ mang lại lợi ích chiến lược nhỏ nhoi, trừ phi Hà Nội liên kết chặt chẽ, hoặc đang trên đường liên minh với Hoa Kỳ hoặc Nga.

Trở ngại thứ ba : có thể Bắc Kinh đã bao vây Hà Nội bằng cách siết rất chặt quan hệ với Lào, Thái Lan và Cam Bốt, tìm cách đẩy các nước này ra xa khỏi Việt Nam. Bên cạnh quan ngại này còn có những đồn đãi rằng Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Cam Bốt, tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế với Thái Lan.

Lào vốn là căn cứ quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, cũng trở thân thiết hơn với Bắc Kinh (nước này cũng có đường biên giới chung với Trung Quốc). Sự xâm nhập của Trung Quốc vào Lào đã trở nên rất bền chắc. Tác giả tự hỏi không biết lần tới, khi mặt trận phía bắc bị Trung Quốc đe dọa, Việt Nam còn có thể dựa vào Lào để đảm bảo an toàn hay không.

Nói cách khác, Trung Quốc đã khóa chặt lối ra bán đảo Đông Dương của Việt Nam. Lợi ích của Việt Nam trong khu vực bị giảm sút, đóng vai trò thứ yếu sau Trung Quốc, trừ phi Hà Nội nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và quốc phòng.

Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019, Việt Nam tái khẳng định chủ trương không tham gia liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia. Đồng thời thêm vào một khái niệm thứ tư là không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhưng với Sách Trắng quốc phòng mới, quan điểm đối nghịch có thể xuất hiện trong ngày một ngày hai để tái định hướng chính sách quốc gia, nếu Việt Nam cứ liên tục bị Trung Quốc o ép.

* Tác giả David Koh nghiên cứu về Việt Nam và các vấn đề khu vực từ ba thập niên qua, hiện làm việc tại Viện hợp tác hòa bình Cam Bốt.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200429-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-th%E1%BA%AFm-t%C3%ACnh-anh-em-v%C3%AC-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Những vấn đề ẩn chứa sau phát biểu của Tướng Vịnh

Nhất Nguyên

Biển Đông vẫn tiếp tục “nổi sóng”. Theo dõi các hành động nối tiếp nhau từ 2007 đến nay cho thấy, Trung Quốc không dễ buông xuôi ý đồ độc chiếm biển Đông. Tuy nhiên, thủ đoạn hành động của Trung Quốc lại thiên biến vạn hoá, và Trung Quốc cũng tỏ ra hết sức kiên nhẫn để đạt được mục đích.

Chính vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng với các hành động hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông đã khiến Việt Nam đang nhích lại gần phía Hoa Kỳ. So với 10 năm trước, thái độ cũng như mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã khác trước rất nhiều.

Việt Nam nhích lại gần phía Hoa Kỳ, tức là đồng thời bước xa hơn khỏi vòng kềm toả của Bắc Kinh. Có phải điều này đang thực sự xảy ra?

Một trong những dấu hiệu quan trọng thể hiện thái độ của Việt Nam là thông qua các phát biểu của các lãnh đạo cao cấp. Tuy nhiên, năm 2014 là năm các lãnh đạo Việt Nam thể hiện những thông điệp rất kiên quyết, nhưng từ sự kiện căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính hồi năm 2019 tới nay, các lãnh đạo Việt Nam rất ít thể hiện thái độ công khai trên truyền thông về vấn đề biển Đông.

Mới đây, trong lần trả lời chương trình truyền hình quân đội, khi phóng viên hỏi về dịch COVID – 19 cũng như tình hình căng thẳng trên biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có phát biểu: “Những thách thức ở an ninh khu vực thì nói dù có dịch hay không, thì nó đều tồn tại, nó là thách thức, nhưng nó chưa phải là nguy cơ.

Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi.”

Mặc dù tướng Vịnh chỉ là Thứ trưởng, nhưng ông ta đang là Thành viên Thường trực của Quân Uỷ Trung Ương – Cơ quan nắm giữ sức mạnh quốc phòng của Việt Nam. Tướng Vịnh là người hiếm hoi trong giới quân đội đóng vai trò như người phát ngôn những vấn đề quan trọng của Bộ Quốc Phòng và thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng. Trong lần ra Sách Trắng Quốc Phòng mới đây hồi cuối năm 2019, tướng Vịnh cũng đóng vai trò là người chủ trì giới thiệu về Sách Trắng như một thông điệp của giới chính sách Việt Nam đối với thế giới. Chính vì vậy, phát biểu của Tướng Vịnh vào thời điểm này cũng là một thông điệp để xem xét và phân tích cho thấy phần nào thái độ của lãnh đạo Việt Nam trước vấn đề này.

Qua phát biểu này của tướng Vịnh, nổi lên ba vấn đề:

1. Thứ nhất, mặc dù câu hỏi của phóng viên trực tiếp về vấn đề biển Đông, nhưng tướng Vịnh không đề cập trực tiếp đến biển Đông, thay vào đó, tướng Vịnh chỉ đề cập về “an ninh khu vực”. Thêm nữa, tướng Vịnh có nói về quốc gia nào đó nhân dịp dịch đẩy mạnh những hoạt động phi pháp, điều này hàm ý ám chỉ Trung Quốc. Tuy nhiên, tướng Vịnh không chỉ đích danh Trung Quốc. Điều này cho thấy sự e dè của các lãnh đạo Việt Nam khi chỉ trích Trung Quốc.

2. Thứ hai, tướng Vịnh cho rằng vấn đề an ninh khu vực mới chỉ là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Thực sự thì điểm nóng nhất của an ninh khu vực hiện nay chính là biển Đông. Và vấn đề gây căng thẳng nhất trong quan hệ Việt – Trung cũng là vấn đề biển Đông. Việc Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông, cùng với việc gia tăng các hành động hung hăng, hiếu chiến ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN khác, trong đó có Việt Nam đã dấn đến việc các quốc gia khu vực này liên tiếp phải tăng cường sức mạnh quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Từ đó, đưa đến nguy cơ khu vực này như một thùng thuốc súng. Đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia luôn nằm trong sự đe doạ của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc tướng Vịnh đề cập an ninh khu vực mới chỉ là thách thức mà chưa phải là nguy cơ, cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với vấn đề này. Từ đó dẫn tới các kế hoạch phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông sẽ không tương xứng. Điều đó cũng giải thích vì sao giới chuyên gia Việt Nam cho rằng Việt Nam chưa thực sự có một chiến lược đối phó với Trung Quốc về biển Đông một cách hiệu quả và lâu dài.

3. Điều thứ ba cũng phải đề cập, nhưng nằm ngoài tuyên bố của tướng Vịnh, cho dù cũng có sự liên quan. Tướng Vịnh cũng có những phát ngôn khá mạnh mẽ về Trung Quốc và biển Đông từ những năm 2011, thế nhưng, một số người Việt Nam vẫn biết rằng, vào thời gian quan hệ Việt – Trung căng thẳng năm 2011 với sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 thì con gái của tướng Vịnh đang theo học tại Trung Quốc, được Trung Quốc chăm sóc rất chu đáo, với tiêu chuẩn như của một thứ trưởng. Ngoài ra, Hãng Hàng không Vietjetair mà chị ruột của tướng Vịnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là công ty đang nhận sự giúp đỡ tài chính từ Trung Quốc. Chưa kể việc mới đây nhất, một số người thạo tin ở Hà Nội cho biết đã có một đoàn bác sĩ Trung Quốc sang giúp đỡ điều trị căn bệnh về huyết áp cho Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vốn mới trải qua một tai biến nhẹ cách đây không lâu. Chuyện này có lẽ cũng đã xảy ra nhiều lần với nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam khi có các bệnh về tim mạch thường được các bác sĩ Trung Quốc chữa trị với thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn loại đặc biệt.

Ngay cả Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được coi là người có phát ngôn mạnh mẽ nhất về Trung Quốc “chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.” Nhưng ông cũng là người kiên quyết thực hiện dự án khai thác Bô xít ở khu vực Tây nguyên để cung cấp cho phía Trung Quốc.

Người ta còn nhớ năm 2011, sau sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh 02, Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm đó có sang Trung Quốc để chứng kiến quan chức hai bên ký kết Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, một số người cho biết, văn bản này là do bên Trung Quốc đã soạn sẵn. Một số chuyên gia luật quốc tế của Bộ Ngoại giao đi theo để kiểm tra văn bản thì bị phía Trung Quốc mời ra với lý do đây là chuyện nội bộ giữa hai đảng. Và kết quả là văn bản tiếng Trung thì nhắc tới chủ trương “Gác tranh chấp cùng khai thác” giữa hai nước tại khu vực biển tranh chấp. Trong khi bản tiếng Việt thì đã được cố gắng đổi thành “Hợp tác cùng phát triển”.

Những quan hệ lợi ích cá nhân chằng chịt như vậy, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề chính trị giữa hai quốc gia, đặc biệt với Trung Quốc là một dân tộc rất giỏi trong việc can thiệp chính trị và có truyền thống can thiệp và chi phối chính trị từ xa xưa như trường hợp Lã Bất Vi.

Vì vậy, việc nhìn nhận chính sách của Việt Nam đang rời xa Trung Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục theo dõi để có những kết luận chính xác.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-behind-general-vinh-remarks-04282020112915.html

 

Tinh …. tướng lại xảo ngôn!

Đồng Phụng Việt

Ông Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, vừa xuất đầu lộ diện để đấu hót về chủ quyền quốc gia ở biển Đông. Tuy nhiên lần này, qua kênh “Truyền hình Quốc phòng”, giọng điệu của ông đã khác trước khi  ông bảo: Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta (1)…

Tuy ông Vịnh chỉ nói chung chung như thế nhưng vẫn có một số người… phấn khích, thậm chí… cảm kích và hy vọng! Tâm trạng ấy phát xuất từ chỗ, dường như nhận thức của ông Vịnh – nhân vật trước nay thường thay mặt đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta, chính phủ ta công bố định hướng về… đối ngoại trong… quốc phòng – đã… đổi! Dường như “ta” sẽ không xem “sự tương đồng về ý thức hệ” với Trung Quốc là “di sản quý báu” nữa và có thể “ta” sẽ bớt tha thiết “tạo ra mối quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc?

Ông Vịnh từng là người nhân danh “nghiên cứu chiến lược” quảng bá “chính sách ba không” (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác), đề cao chính sách này không phải vì… hiếu hòa mà chỉ vì khát khao “có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2)!..

Trên thực tế, từ đầu thập niên 1990 đến nay, “ta” chưa bao giờ bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để bày tỏ khát khao ấy với Trung Quốc!

Cách nay ba tháng, bất chấp sự kiện bãi Tư Chính còn nóng như nung, “nhân dịp Tết cổ truyền Canh Tý và kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung”, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước vẫn trực tiếp gọi điện thoại cho ông Tập Cận Bình: “Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (3).

Giống như từ đầu thập niên 1990 đến nay, đáp lại khát khao cháy bỏng ấy của “ta”, ngay sau đó, Tân Hoa Xã long trọng loan báo: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng chung tay nỗ lực với Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hai nước và quan hệ song phương trong thời đại mới lên tầm cao mới” (4). Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở “ta”, giúp “đảng ta” tiếp tục duy trì “quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” tiếp tục được  người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh cam kết… ủng hộ!

***

Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông vừa được Trung Quốc… nâng lên tầm cao mới. Yếu tố mới không nằm ở chỗ các loại tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngăn chặn – đuổi – bắt – đâm chìm các tàu đánh cá của Việt Nam. Yếu tố mới cũng không nằm ở chỗ Trung Quốc khăng khăng khẳng định chủ quyền tại biển Đông thông qua việc thành lập các đơn vị hành chính, đặt lại tên cho các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa,…

Yếu tố mới nằm ở chỗ Trung Quốc chính thức trưng bày đủ loại… “chứng cứ” để chứng tỏ yêu sách về chủ quyền tại biển Đông là… có lý, những tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông là… “bất hợp pháp”! Không chỉ có Việt Nam tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. Ngoài Việt Nam còn có Philippines, Malaysia, Brunei,… song chỉ có Việt Nam tạo ra và trao cho Trung Quốc nhiều… “chứng cứ”!

Đâu chỉ có Công hàm mà ông Phạm Văn Đồng thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Trung Quốc ngày 14 tháng 9 năm 1958, trong Công hàm vừa gửi Liên Hiệp Quốc ngày 17/4/2020, Trung Quốc còn trưng dẫn nhiều… “chứng cứ” khác như “các bản đồ, sách giáo khoa và thông tin trên báo chí chính thức” của “ta”, công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc từ những năm 1960 (5)!

Hóa ra để được tiếp sức “giải phóng miền Nam”, Trung Quốc muốn gì “ta” cũng… gật, miễn là có thể mở rộng khả năng “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” của “đảng ta” trên toàn Việt Nam! Với “ta”, chủ quyền quốc gia, vận mệnh dân tộc không quan trọng bằng… “sự nghiệp của đảng” nên sau đó, “ta” tìm đủ mọi cách gạt bỏ những bất đồng với Trung Quốc để tìm sự hậu thuẫn từ người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh, kể cả thẳng tay đàn áp đồng chí, đồng bào cảnh báo về dã tâm, phản đối Trung Quốc.

***

Năm 2012, khi một số quốc gia xác định cần ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa, độc chiếm biển Đông, ông Vịnh từng cảnh báo đó là “một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc chiến tranh lạnh mới và một chiến lược ‘ngoại giao pháo hạm’ mới của các cường quốc” và đó là “nguy cơ lớn nhất” đối với an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng và chúng ta phản đối, không đồng tình với xu hướng phát triển như vậy, đồng thời tuyệt đối không cuốn theo chiều hướng đó!

Lúc ấy, đề nghị “quốc tế hóa vấn đề biển Đông” để giúp Việt Nam cân bằng cả về thế lẫn lực trong giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đã bị ông tướng ba sao – đại diện cho đối ngoại trong quốc phòng của “ta” – thẳng thừng bác bỏ: Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn với bàn cờ chung của thế giới nhưng trong những vấn đề của hai nước thì Việt Nam và Trung Quốc là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi (6).

Năm sau – 2013 – trước một Trung Quốc càng ngày càng hung hãn, càn rỡ, tuy vẫn xuất đầu lộ diện như… Thứ trưởng Quốc phòng, song ông Vịnh tiếp tục cho thấy ông không giống như các ông tướng đúng nghĩa mà chỉ là… tinh tướng – khi tiếp tục khuyến dụ đồng bào, rằng trong quan hệ giữa Việt Nam với người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh, họ phải tin vào đảng, nhà nước. Đồng thời có nghĩa vụ phải duy trì sự thống nhất giữa nhân dân với đảng, nhà nước!..

Cho dù tình thế khiến ông Vịnh vừa phải đổi giọng nhưng vì chỉ là… tinh tướng nên ông tiếp tục ỡm ờ về định nghĩa bạn bè. Bối cảnh như hiện tại mà vẫn chưa biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác? Làm sao có thể đặt vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc vào tay những… tinh tướng như ông Vịnh và các đồng chí đồng đảng với ông. Thế nào là: Dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm?

Nếu dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm là bài học quan trọng nhất thì còn nghĩ  và hành xử theo tâm thế: Đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí, còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn đập ghế “ngài” và “tôi” không? Còn cổ xúy “tinh thần quốc tế trong sáng” còn “biết ơn” và còn khát khao được Trung Quốc giúp đỡ để xây dựng chủ nghĩa xã hội không?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/watch/?v=560931434549481

(2) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm

(3) https://baoquocte.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-dien-dam-voi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-107894.html

(4) https://www.voatiengviet.com/a/ong-tap-va-ong-tap-dien-dam-chuc-tet/5247974.html

(5) https://thoibao.de/blog/2020/04/27/them-mot-bang-chung-cong-ran-vao-nha/

(6) https://tuoitre.vn/tuong-vinh-toi-tu-hao-voi-quan-ham-binh-bet-473958.htm

Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/snob-likes-using-rhetorics-04282020120317.html