Tin Việt Nam – 29/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 29/02/2020

Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

quay trở lại VN và đang được cách ly

Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 28/2 thông báo cho biết, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, người Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam và đang được cách ly theo quy định.

Bộ Giao thông giải thích do ông Đường Hồng có hộ chiếu công vụ nên vẫn được cấp visa vào Việt Nam. Theo thời hạn cách ly, đến ngày 9/3 ông Hồng sẽ quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, hiện các nhân sự người TQ khác thuộc dự án chỉ có hộ chiếu phổ thông nên tạm thời chưa được phép quay trở lại Việt Nam. Trong khi đó theo kế hoạch trước đó, ngày 1 tháng 2 các chuyên gia TQ sẽ quay trở lại VN để vận hành thử hệ thống tuyến Cát Linh-Hà Đông trong 20 ngày vì dự án đã cơ bản hoàn thành xong.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nên đến nay vẫn chưa có thời gian cụ thể trở lại làm việc. Do đó, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án kiến nghị Bộ giao thông báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, xem xét việc cấp visa cho các chuyên gia Trung Quốc tại dự án

Hiện Thành phố Hà Nội đã bố trí khách sạn với đầy đủ trang thiết bị có thể làm việc trực tuyến để cách ly các chuyên gia Trung Quốc theo quy định.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó gần 420 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc.

Đến năm 2019, tổng mức đầu tư cho dự án này đã đội vốn lên hơn 880 triệu USD, với gần 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc. Dự án do Công ty Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm nhà thầu và được khởi công vào năm 2011.

Theo thống kê đến tháng 6/2019, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã gặp phải ít nhất 11 lần lùi tiến độ do các trục trặc với nhà thầu về việc tăng chi phí, giải ngân và ký kết vốn bổ sung với phía Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/director-of-cat-linh-ha-dong-project-comes-back-vn-and-being-quarantined-02282020115008.html

 

12 công an phường ở Đà Nẵng phải vào bệnh viện cách ly

Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước ngày 28 tháng 2 năm 2020 loan tin, 12 công an phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã phải vào bệnh viện 199 thuộc bộ Công an Cộng sản Việt Nam để cách ly. Trước đó, một viên chức công an phường Nại Hiên Đông đã đến một spa trên đường Lê Châm, và tiếp xúc với người Nam Hàn đến từ tâm dịch Daegu của nước này. Người Nam Hàn này sau đó đã được đưa đi cách ly tại bệnh viện Phổi.

Còn viên chức Công an phường Nại Hiên Đông sau đó đã về ăn cơm chung với những viên công an khác trong phường. Vì vậy, nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đưa 12 viên công an phường Nại Hiên Đông đi cách ly vào tối ngày 27 tháng 2. Nhà cầm quyền địa phương cho biết, do nhiều viên chức công an phường phải đi cách ly, nên việc giải quyết các thủ tục giấy tờ thuộc thẩm quyền của công an phường Nại Hiên Đông cho người dân thì tạm thời bị hạn chế.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 28 tháng 2, facebook mang tên Nha Trang Vo cho biết, có một cô bé từ thành phố Nha Trang vào Sài Gòn thăm người yêu, và sau đó có biểu hiện sốt cao, khó thở, ho nên phải nhập viện vào ngày 23 tháng 2. Đến hôm nay, tức ngày 28 tháng 2 thì bệnh nhân này mất và bác sĩ kết luận nguyên nhân tử vong là “Ngộ độc thực phẩm”. Tuy nhiên, đến giờ gia đình vẫn chưa được gặp thi thể con gái mình.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/12-cong-an-phuong-o-da-nang-phai-vao-benh-vien-cach-ly/

 

Covid-19: Thầy thuốc y học cổ truyền VN

nói gì về ứng phó?

Phòng tránh và đối phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 hay virus corona gây ra vẫn có thể được tăng cường hữu hiệu từ những biện pháp đến nay đã được phổ biến cho mọi người dân Việt Nam, từ việc vệ sinh cá nhân (đeo khẩu trang, rửa tay trừ khuẩn v.v…) cho đến tránh tiếp xúc đông người không cần thiết bên cạnh các biện pháp cách ly, phòng ngừa khác.

Đó là ý kiến được chia sẻ với BBC News Tiếng Việt của Đại tá, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Đình Nhân, Chủ nhiệm Khoa A11, Bệnh viện Y – Dược học Cổ truyền Quân đội Việt Nam, từ Hà Nội hôm 27/02/2020.

Theo chuyên gia y học này, Việt Nam đang đối phó, xử lý tốt và tích cực trước dịch bệnh, Việt Nam đã có phác đồ điều trị, lên các phương án, kịch bản ứng phó chủ động, hiệu quả, do đó đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh tới nay.

Các thông tin về lây nhiễm và điều trị được Việt Nam thống kê và công bố là đáng tin cậy “không có sai số” và Việt Nam đã luôn tỏ ra công khai, minh bạch, cũng như không có điều gì phải “giấu giếm”.

https://www.bbc.com/vietnamese/media-51689272

 

Việt Nam có đủ năng lực để đón 20000 người

từ vùng dịch về “tránh dịch”?

Cao Nguyên

Truyền thông trong nước hôm 27/2 loan tin số lượng người từ Hàn Quốc đổ về “tránh dịch” ngày càng đông nên hiện đang có tình trạng ùn ứ tại các sân bay quốc tế ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cho biết hiện lượng người về từ Hàn Quốc rất đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 người nhập cảnh qua Nội Bài, trong khi khả năng tiếp nhận của khu cách ly tập trung ở Hà Nội có hạn, dẫn đến việc quá tải ở sân bay và các cơ sở cách ly.

Tại tỉnh Khánh Hoà, tờ Tuổi Trẻ online dẫn lời bác sĩ Nguyễn Hoa Hội, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết ba ngày vừa qua, lượng người từ Hàn Quốc đổ về sân bay Cam Ranh ngày một tăng.

Đến ngày 27/2, sân bay Cam Ranh có 3 phòng cách ly có sức chứa tối đa 100 người. Tuy nhiên, số người phải cách ly hiện khoảng 200 người.

Trước đó, vào ngày 24/2/2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết đang lên kế hoạch để hỗ trợ khoảng 20.000 lao động Việt Nam tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dịch SARS-CoV-2 như Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản về nước.

Gánh nặng rất lớn!

Giáo sư ngành sinh học đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Hàn Quốc không muốn nêu tên nói với RFA rằng kế hoạch này của Bộ LĐTB&XH là một gánh nặng khủng khiếp đè lên nền kinh tế và y tế của Việt Nam:

“Tôi nghĩ là đem 20.000 người về nó là một cái sức nặng khủng khiếp lên nền kinh tế là một. Thứ hai là chế độ cách ly cũng cần phải xem xét, bởi vì con virus này kiểu như là giết người thầm lặng vậy, nó tấn công tùy theo mức độ miễn dịch của từng người.

Cho nên với việc tập trung lại 20.000 người thì cần phải có một kế hoạch rất là chi tiết và cần phải có khoảng không gian đủ lớn để cách li.

Bác Sỹ Phan Đình Hiệp từ Úc thì cho rằng đây là một việc làm hợp tình hợp lý dù có ảnh hưởng chung đến tình hình xã hội Việt Nam:

“Mình chưa thấy cái kế hoạch chính xác như thế nào. Nhưng mà nếu như LĐTB&XH tính đến chuyện đó thì cũng là một điều hợp tình hợp lý.

Tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc trên các yếu tố, ví dụ như yếu tố địa phương của nước ta như thế nào, địa phương của chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào. Cái thông lệ quốc tế cũng như mối quan hệ ngoại giao giữa ta và nước sở tại, và quan trọng cuối cùng và căn bản nhất đó là phải theo nguyện vọng của những người đang đi công tác ở nước ngoài. Họ có muốn về hay không và họ hiểu như thế nào để quyết định được điều đó.

Chắc chắn nếu mà người ta về thì đó là một khó khăn rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên về bình diện quốc gia thì cũng có thể làm được, giống như kiểu khi đã có đại dịch thì mọi người nhường cơm sẻ áo, chịu đói khổ với nhau. Dù sao người ta cũng là công dân của nước mình, ai cũng là con người hết, chẳng may người ta rơi vào tình huống là ở vào vùng dịch. Nếu Chính phủ có nhu cầu đưa người ta về thì chắc chắn phải có hỗ trợ tài chính, có thể là tuyệt đối hoặc là hỗ trợ một phần thì đó là do chính sách của nhà nước tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của quốc gia.”

Có đủ năng lực cách ly 20.000 người?

Từ ngày 26/2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tất cả các chuyến bay từ Hàn Quốc trở về đều phải bị cách li tập trung 14 ngày, không phân biệt có xuất phát từ vùng dịch hay không.

Các hãng hàng không có chuyến bay từ Hàn Quốc buộc phải hạ cánh tại một trong ba sân bay là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phù Cát (Bình Định) và Cần Thơ, làm thủ tục ở sân bay xong họ phải về thẳng các trung tâm cách ly ở địa phương.

Điều này càng làm cho các khu vực cách ly quá tải khi lượng người dồn về ngày càng đông.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết Trường Quân sự tại Sơn Tây, Hà Nội chỉ tiếp nhận được khoảng 800 người. Trong khi  cho đến sáng ngày 28/2, sân bay Nội Bài đang có khoảng 1.500 người chờ đợi chưa đi được. Nhiều người không có chỗ ngồi, không có nước uống, không có đồ ăn…

Vấn đề là 20.000 người về thì cách ly bao nhiêu cho đủ và cách ly thế nào cũng là một bài toán nan giải, và cũng tùy theo địa phương mà người ta đến nữa. Ví dụ như chúng ta nói là cách ly ở đâu ở Sài Gòn hay ở Hà Nội hay Đà Nẵng hay một nơi nào khác.”, BS Phan Đình Hiệp

Như vậy, liệu Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện ý định đón 20.000 lao động từ nước ngoài về như kế hoạch của Bộ LĐTB&XH hay không?

Theo ý kiến của Bác sỹ Phan Đình Hiệp, hiện giờ Chính phủ chưa công bố kế hoạch cụ thể nên chưa thể trả lời là họ có đủ khả năng hay không, nhưng những gì cần thiết thì vẫn phải làm. Ông đánh giá năng lực chống dịch của Việt Nam cũng khá so với các nước có dịch:

“Cái chính là chính sách mà Việt Nam gọi là “cả một hệ thống chính trị vào cuộc” – Mặc dù mình không thích từ đó nhưng mà ở Việt Nam người ta dùng từ đó – và cảm giác rằng trong vụ dịch này thì bên công an, chính quyền, y tế người ta vào cuộc khá quyết tâm. Cái cách người ta ứng phó với vụ dịch khá là triệt để.

Vấn đề là 20.000 người về thì cách ly bao nhiêu cho đủ và cách ly thế nào cũng là một bài toán nan giải, và cũng tùy theo địa phương mà người ta đến nữa. Ví dụ như chúng ta nói là cách ly ở đâu ở Sài Gòn hay ở Hà Nội hay Đà Nẵng hay một nơi nào khác.”

Bác sỹ Hiệp nói thêm rằng Chính phủ cần phải công bố kể hoạch đón người về như thế nào, điều kiện cách ly ra sao để công dân ở nước ngoài người ta có thể tự đánh giá và đưa ra quyết định là nên về hay ở:

“Khi nhà nước có kế hoạch thì phải công bố. Có điều hiện nay trên truyền thông vẫn rất mập mờ không rõ ràng lắm, và nếu không rõ ràng như thế thì sẽ làm cho những người công dân ở nước ngoài không biết đường đi, lợi ích hay mục tiêu lợi hại của việc đón như thế nào thì người ta khó quyết định.”

Vị tiến sỹ sinh học không muốn nêu tên cũng nói rằng bà chưa thể đánh giá năng lực của Việt Nam khi Chính phủ chưa công bố kế hoạch gì cụ thể cho việc hỗ trợ đón 20.000 công dân về nước. Tuy nhiên, bước đầu thấy rằng Việt Nam có hơi lúng túng trong việc xử lí cách ly. Điển hình là vụ 20 công dân Hàn Quốc than phiền với truyền thông nước này rằng điều kiện cách ly ở Đà Nẵng rất tệ:

“Mình không biết là họ sẽ có kế hoạch như thế nào vì họ không thông báo kế hoạch cụ thể. Còn theo mình thấy thì có vẻ như bên phía mình còn rất là lúng lúng túng trong việc cách li. Ví dụ như về Đà Nẵng là thành phố có khoảng 20 chuyến/ngày về cách li, thì thấy chỉ có 20 hành khách của Hàn Quốc xuống mà họ khá là lúng túng, thì cũng gây ra một cái điều tiếng không hay đối với phía Hàn Quốc.

Chương trình thời sự còn nói về việc điều kiện cách ly tập trung. Họ có quay lại điều kiện nhà vệ sinh với các phòng cách ly thì họ bảo rằng các phòng cách ly nó không được thoải mái lắm, điều kiện sống không tốt và việc này làm cho họ hoàn toàn bị động bởi vì trước đó hoàn toàn không có lệnh cách li hoặc không có thông báo cách li từ trước.”

Ngày 24/2, đoàn khách nhập cảnh vào Đà Nẵng từ thành phố Daegu, Hàn Quốc. Nhóm du khách được ôtô đưa đi theo lối riêng đến nơi cách ly.

Trong số này có 20 người Hàn Quốc được sắp xếp cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhóm du khách Hàn Quốc không đồng ý và đã quay về Hàn Quốc vào  đêm 25/2.

Nguy cơ “bùng dịch” từ các cơ sở cách ly tập trung

Một vấn đề đáng lo ngại khác là nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở tập trung, nơi đang cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao vừa về từ vùng dịch. Về khía cạnh chuyên môn, vị tiến sỹ giấu tên nói rằng đây là một chủng virus hoàn toàn mới nên bây giờ mọi nhận định đều mang tính chủ quan, mặc dù nó cùng chủng loại với SARS và MERS. Con virus này lây lan với tốc độ khá nhanh, nếu trong diện tiếp xúc gần thì trong vòng 15 phút cũng có thể bị lây được rồi.

Ngoài ra, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4 đến 40 ngày làm cho một số người đã bị bệnh mà không biết vì không có biểu hiện bệnh ra ngoài, rồi những người tưởng khoẻ mạnh như thế lại lây cho nhiều người khác:

“Cho nên với việc tập trung lại 20.000 người thì cần phải có một kế hoạch rất là chi tiết và cần phải có khoảng không gian đủ lớn để cách ly.

Ở mình có một lợi thế đó là nhiệt độ khá cao cho nên việc bị nhiễm bệnh thường là nhẹ và hệ miễn dịch của người Việt mình do môi trường sống ở Việt Nam cũng hơi khắc nghiệt cho nên mình cũng có hệ miễn dịch khá tốt.”

Vị tiến sỹ này cũng cho biết bà không có ý định sẽ về Việt Nam tránh dịch vì nguy cơ ở Việt Nam có khi còn cao hơn ở Hàn Quốc:

“Con số mà mình nhìn thấy chưa chắc là con số thực cho nên là nguy cơ có khi còn cao hơn ở Hàn Quốc ấy chứ, cho nên là mình không có ý định về.”

Theo bác sỹ Phan Đình Hiệp, vấn đề an toàn hay không thì phải căn cứ vào các điểm sau: Thứ nhất là địa phương mà người đó chuyển về. Ví dụ như người đó ở Vũ Hán hay Deagu thì chắc chắn là rủi ro tỷ lệ quá cao. Nhưng nếu người ta ở Singapore thì nguy cơ không cao bằng.

Thứ hai là số người cách ly tập trung ở địa phương. Nhiều người tập trung vào một địa điểm thì rõ ràng nguy cơ có, và đặc biệt là những người từ vùng dịch về thì nguy cơ càng cao:

“Theo mình biết rằng ở Việt Nam họ đã chuẩn bị những khu bệnh viện dã chiến và có thể người ta sẽ huy động những trạm ví dụ như quân đội hay những khu vực dân vệ quân đội hoặc những khu thể thao có những cơ sở có thể tập trung người ta được vào đó.

Rõ ràng tập trung người vào đó thì vấn đề tài chính kinh tế và theo sát một số lượng 20.000 người chẳng hạn là một số lượng quá lớn. Người ta có làm được hay không thì chúng ta cũng phải chờ thời gian thôi.

Tuy nhiên, ở những nơi cách ly tập trung chắc chắn là phải có sự giám sát của y tế, những người có biểu hiện sốt, nóng lạnh, ho thì sẽ được thăm khám chẩn đoán kỹ hơn. Như vậy cũng có mặt lợi và mặt hại tùy vào năng lực và quản lý của địa phương điều kiện của vùng mà người ta đang ở.”

Bác sỹ Hiệp cho rằng dù rủi ro là có thật nhưng cũng phải chấp nhận và Chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ những người có nguy cơ cao để tránh bùng dịch ra cộng đồng:

“Mình tin rằng với xã hội nhân văn bây giờ thì công dân ở nước mình ở nước ngoài mà bị và nếu nước ta muốn về với gia đình để an toàn hơn thì Chính phủ phải tạo điều điện hỗ trợ cho người ta về. Còn vấn đề kiểm soát nổi hay không thì tuỳ thuộc và năng lực của quốc gia đó, mặc dù có rủi ro.

Chúng ta hay nói phải đóng cửa biên giới phía Bắc để không cho người từ vùng dịch phía Trung Quốc qua nhưng nếu công dân của Việt Nam đang đi làm ở Trung Quốc người ta về thì cửa khẩu vẫn phải mở cho người ta về rồi cách li và làm sao kiểm tra sớm để phát hiện sớm, điều trị sớm, những người có nguy cơ nặng để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Nếu như công nhân người ta muốn và chính phủ đồng ý cho về thì khi đó xã hội sẽ cùng chia nhau một cái rủi ro. Nhưng chúng ta phải chú ý rằng 20.000 người về không có nghĩa là 20.000 người đó đều bị bệnh. Chắc chắn sẽ có những người có nguy cơ bệnh và nếu kiểm soát y tế tốt thì vẫn có thể phát hiện những trường hợp như vậy và điều trị sớm thì cái rủi ro sẽ thấp hơn nhiều. Chúng ta phải chấp nhận nguy cơ chung thôi chứ không biết làm sao được.”

Khu cách ly ở tỉnh Cao Bằng cũng trong tình trạng quá tải do người Việt từ Trung Quốc về quá đông. Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết hiện đang cách ly tại nhà khoảng 3.000 người và hơn 1.000 người khác phải cách ly tập trung.

Ngày 28/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) vừa bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách “có khả năng lây lan dịch SARS-CoV-2 ra cộng đồng”.

Trước đó, CDC xếp Việt Nam vào nhóm “có khả năng lây lan cộng đồng”, cảnh báo cấp 1 cùng với 4 quốc gia khác là Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.

Hiện nay, Iran đã bị đưa vào cấp cảnh báo thứ hai, cùng với Nhật Bản và Ý. Hàn Quốc và Trung Quốc cùng ở mức độ cảnh báo cao nhất là cấp 3.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-vietnam-have-enough-quarantine-facilities-02282020110808.html

 

Dịch COVID – 19: Các tỉnh thành Việt Nam

quyết định cho học sinh đi học lại trong tháng 3

Đến tối ngày 28/2, toàn bộ 63 tỉnh thành ở Việt Nam đã quyết định cho học sinh đi học lại trong tháng 3 sau nhiều tuần nghỉ kéo dài sau Tết vì lo ngại dịch bệnh COVID – 19 lây lan.

Theo truyền thông trong nước, 60 tỉnh thành có quyết định cho học sinh bắt đầu học lại từ ngày 2/3. Trong khi đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thái Bình có quyết định cho học sinh nghỉ dài hơn đến ngày 8/3 và 15/3 tuỳ theo cấp học.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cho học sinh mầm non và THCS nghỉ đến hết ngày 15/3. Riêng cấp THPT, khối 10, 11 nghỉ đến ngày 15/3 và khối 12 nghỉ đến ngày 8/3.

Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT nghỉ hết ngày 8/3.

Thái Bình cho toàn bộ học sinh mầm non và THCS nghỉ đến hết ngày 15/3, học sinh THPT đến hết ngày 8/3.

Việc quyết định có cho học sinh đi học lại hay không đã là đề tài gây tranh cãi gay gắt ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhiều học sinh lo ngại việc đi học sẽ khiến bệnh dịch lây lan mạnh, trong khi một số chuyên gia y tế và giáo dục nhận định dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và việc cho học sinh nghỉ dài sẽ ảnh hưởng đến việc học tập.

Bộ GD và ĐT hôm 24/2 đã có văn bản điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020. Dự kiến năm học này sẽ kết thúc vào trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT từ ngày 23/7 đến 26/7.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-vn-let-student-go-back-to-school-in-march-02292020085601.html

 

Việt Nam hạn chế xuất khẩu

khẩu trang để phòng dịch COVID – 19

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có Nghị quyết hạn chế việc xuất khẩu khẩu trang để ưu tiên cho sử dụng trong nước trong giai đoạn dịch bệnh COVID – 19. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 29/2.

Theo Nghị quyết, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID – 19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu.

Các doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.

Tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế đã xảy ra ở Việt Nam từ vài tuần qua khi dịch bệnh COVID – 19 bùng phát.

Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu hàng chục tấn khẩu trang qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ trong 1 tuần hồi tháng 2. Chủ yếu số khẩu trang này được xuất sang Trung Quốc. Đó là chưa kể nhiều trường hợp người dân mua gom khẩu trang xuất khẩu lậu sang Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nước có nhiều ca nhiễm COVID – 19 nhất thế giới với hơn 79.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.800 ca tử vong tính đến ngày 29/2/2020.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-imposes-quota-on-mask-export-02292020084008.html

 

Người Việt tại Hàn Quốc nhiễm COVID – 19

Giới chức y tế Hàn Quốc vừa xác nhận trường hợp người Việt Nam đầu tiên ở nước này có xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 29/2.

Danh tính người nhiễm bệnh hiện không được tiết lộ. Người này được cho biết hiện đang ở thành phố Daegu, tâm dịch bệnh của Hàn Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết bệnh nhân Việt Nam sẽ được nước này điều trị miễn phí.

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tất cả những công dân nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này sẽ không bị truy tố nếu họ đến các cơ sở y tế để khám xét nghiệm nhiễm COVID – 19.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Tại thành phố Daegu hiện có khoảng hơn 8.000 người việt. Ở tỉnh Bắc Gyeongsang, tâm dịch thứ hai của Hàn Quốc, số người Việt được ước tính là hơn 18.000 người.

Hiện số người nhiễm COVID – 19 ở Hàn Quốc tính đến ngày 29/2 đã lên hơn 2.900 người với 16 trường hợp tử vong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-citizen-infected-with-ncov-in-south-korea-02292020082536.html

 

Google chuyển sản xuất điện thoại Pixel 4a và Pixel 5

từ Trung Cộng sang Việt Nam vì coronavirus

Theo các nguồn tin công nghiệp ẩn danh, Google đang gia tăng nỗ lực để chuyển quá trình sản xuất các sản phẩm của họ ra khỏi Trung Cộng. Quyết định này được khởi đầu vào năm ngoái do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và hiện được thúc đẩy nhanh hơn do sự bùng phát của coronavirus bắt nguồn từ Trung Cộng. Điều này dẫn đến việc điện thoại Pixel 4 của Google được sản xuất một phần tại Việt Nam, và công ty dự định sẽ lặp lại điều đó một lần nữa trong năm nay với sản phẩm Pixel 4a mới cũng như mẫu tiếp theo.

Theo Nikkei Asian Review, Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung cấp xem xét tính khả thi và chi phí của việc gỡ cài đặt một số thiết bị sản xuất tại Trung Cộng và vận chuyển đến Việt Nam. Google không bị ràng buộc nhiều với Trung Cộng như Apple, vì vậy việc di chuyển sản xuất không gây ảnh

hưởng quá nặng nề cho Google. Theo dữ kiện từ IDC, Google cho sản xuất 7 triệu chiếc điện thoại thông minh vào năm ngoái, trong khi mỗi năm Apple bán ra tới 200 triệu chiếc. Theo BGR đưa tin, khung thời gian để sản xuất điện thoại mới của Google tại Việt Nam sẽ như sau: Điện thoại dự kiến được đặt tên là 4a sẽ bắt đầu vào tháng 4 sắp tới, trong khi việc sản xuất Pixel 5 sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong nửa cuối năm nay.

Sự thay đổi này vừa tình cờ lại vừa gây rắc rối cho Google, vì nhiều thành phần dùng để sản xuất Pixel vẫn đến từ Trung Cộng. Đây là một vấn đề của chuỗi cung ứng, và cần có thời gian để xây dựng lại.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/google-chuyen-san-xuat-dien-thoai-pixel-4a-va-pixel-5-tu-trung-cong-sang-viet-nam-vi-coronavirus/

 

Virus corona – Covid-19:

Số ca bị nghi nhiễm virus tiếp tục tăng tại Việt Nam

Trọng Thành

Việt Nam căng thẳng đối phó với nguy cơ dịch virus corona (Covid-19). Số ca nghi nhiễm virus tính đến chiều hôm nay, 29/02/2020, tăng lên mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch. Trừ cấp phổ thông trung học và đại học, các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở sẽ đóng cửa thêm từ một đến hai tuần nữa để phòng dịch.

Theo thông tin của bộ Y Tế Việt Nam, số người nghi nhiễm virus, được đặt dưới chế độ theo dõi nghiêm ngặt tính đến 15g30 ngày 29/02, là 105 người. Số trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh dịch Covid-19 là những người có dấu hiệu sốt, ho… đến từ vùng dịch. Con số cao nhất trước đó là 97 người bị tình nghi, ghi nhận ngày 11/02.

Cùng với việc kiểm dịch chặt chẽ khách đến từ Hàn Quốc, ngừng chế độ miễn thị thực nhập cảnh với du khách Hàn Quốc, bắt đầu từ 0 giờ ngày 29/02, bộ Y Tế yêu cầu các chính quyền địa phương áp dụng khai báo y tế đối với khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Ý, hai tâm dịch chủ yếu khác hiện nay, ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Hiện tại, ở Việt Nam, có hơn 6.200 người nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Hôm qua, theo thông báo chính thức từ các địa phương, học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học tại 59 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sẽ đi học trở lại kể từ tuần tới (không kể thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Tiền Giang và Thái Bình). Thời gian trở lại trường của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở sẽ lui lại từ một đến hai tuần lễ (tức từ ngày 09/03 hoặc 16/03).

Hôm qua, truyền thông trong nước đăng tải rộng rãi thông tin về việc cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước ”có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng” (hiện còn có Singapore, Thái Lan, Đài Loan). ”Có nguy cơ dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng” là khuyến cáo đề phòng ở mức thấp nhất. Ba mức cao hơn là ”Cấp 3 – Cảnh báo” (cao nhất), ”Cấp 2 – Cảnh giác” và ”Cấp 1 – Theo dõi”. Ý, Iran và Hàn Quốc thuộc nhóm ”Cấp 3 – Cảnh báo”.

Một số nhà quan sát cho rằng việc cơ quan y tế Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến ”có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng” có thể đã không phản ánh đúng mức độ nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam. Nếu căn cứ vào số lượng chính thức 16 người nhiễm virus, và toàn bộ đã khỏi bệnh, thì kết luận như vậy là đúng. Nhưng nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi là chính quyền đã không tiến hành xét nghiệm đủ.

Cho đến hôm nay, có tổng cộng hơn 1.500 người được xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam. Có khả năng trên thực tế, đã có nhiều người nhiễm virus nhưng không được xét nghiệm. Cho đến những ngày gần đây, nhiều chuyên gia dịch tễ học quốc tế cũng đặt câu hỏi dịch Covid-19 không thấy xuất hiện tại Nam Mỹ là khu vực có nhiều quan hệ với Trung Quốc. Phải chăng hệ thống y tế tại các nước liên quan đã không có đủ phương tiện để nhận diện dịch bệnh ?

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200229-covid-19-vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BB%91-ca-b%E1%BB%8B-nghi-nhi%E1%BB%85m-virus-cao-nh%E1%BA%A5t-k%E1%BB%83-t%E1%BB%AB-%C4%91%E1%BA%A7u-m%C3%B9a-d%E1%BB%8Bch

 

Việt Nam mua 3 tỷ USD nông sản Mỹ

Hôm 27-2-2020, các doanh nghiệp đi cùng phái đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đến Mỹ đã ký các biên bản ghi nhớ mua số lượng nông sản lên đến 3 tỷ USD từ Nebraska.

Hành động này diễn ra sau khi Mỹ loại Việt Nam và một số nước khác ra khỏi danh sách riêng các quốc gia được hưởng quy chế các nước đang phát triển vào ngày 10-2.

Theo đài truyền hình Việt Nam VTV, trong 2 đến 3 năm tới, 7 doanh nghiệp Việt sẽ mua hơn 9 triệu tấn ngũ cốc, 100.000 con bò sống trị giá khoảng 3 tỷ USD của bang Nebraska.

Ngay trước đó, chính quyền Việt Nam cũng làm động thái cấp phép cho 670 doanh nghiệp thịt và thủy sản Mỹ được cấp phép xuất khẩu sang Việt Nam.

Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng đồng ý để Mỹ xuất khẩu 6 loại quả tươi, gồm anh đào, lê, nho, táo, việt quất và cam sang Việt Nam.

Cũng theo VTV, Bộ NN&PTNT mong muốn phía Mỹ xem xét và đàm phán ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, tạo điều kiện để 2 nước dành ưu đãi cho các nhà đầu tư và kinh doanh.

Tổng thống Donald Trump từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam là một nước lạm dụng thương mại tồi tệ nhất trong bài phỏng vấn với kênh truyền hình Fox Business News.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vào năm ngoái đạt hơn 70 tỷ đô la.

Hôm 20-2-2020, khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về việc Mỹ loại nước này khỏi danh sách các nước đang phát triển, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói:

“Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế “quốc gia đang phát triển” trong luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ.

Đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp các biện pháp với phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-buy-usd-3-bil-of-produce-from-the-us-02292020080712.html

 

Quy hoạch báo chí:

Thay đổi về lượng chứ không thay đổi về phẩm

19 tổ chức hội Trung ương vừa hoàn thành quy hoạch báo chí, thực hiện theo Quyết định số 362, của Thủ tướng Việt Nam ban hành năm 2019, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cụ thể, 24 tổ chức hội trung ương phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí… Theo đó, mỗi tổ chức hội có 1 tạp chí.

Trong quy hoạch lần này là các cơ quan báo chí được sắp xếp theo hướng số lượng giảm. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2020, mỗi nơi chỉ có tối đa 5 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo… Những nơi khác, mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh.

Nhà báo Phạm Thành, đưa ra nhận định với RFA về quy hoạch báo chí lần này:

“Nhà cầm quyền cộng sản họ có cả ngàn tờ báo rồi, nhưng họ muốn nữa. Chủ yếu họ muốn dùng cái loa dối trá của họ nhét vào bất kỳ trong tai một người dân nào, đấy là cái tư tưởng của họ, nhưng họ buộc phải giảm vì nuôi báo chí tốn kém lắm.”

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng, thật ra, nhà nước Việt Nam muốn càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều. Nhưng việc ngân sách để nuôi một hệ thống quá đồ sộ như thế cũng rất là khó khăn.

Nhà chiến lược quân sự về báo chí phải tôn trọng tôn chỉ quan trọng nhất, đó là sự thật, thì bản chất người cộng sản là dối trá trên mọi lãnh vực.

-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, như thường lệ, chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, trước khi chịu án 3 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vào năm 2016, ông từng là Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV (Hochiminh City Television), nhận định với RFA hôm 28/2 về việc quy hoạch báo chí tại Việt Nam theo 3 góc nhìn:

“Trong quyết định đó họ coi báo chí là vũ khí, theo đó tôi nhìn ở góc độ là một chiến trường, cho thấy một điều rất rõ, sau rất nhiều trận đánh của nhà cầm quyền VN trên mặt trận báo chí, thì họ đã thua tan tác. Thì động tác họ quy hoạch lại, thu gọn lại, giống như bãi chiến trường họ thu lại bãi vũ khí ‘sứt càng gãy gọng’ gì đó… để tinh gọn lại, thì điều đó chỉ thay đổi về lượng chứ không thay đổi về phẩm. Bởi vì chiến trường thì vũ khí chỉ là phương tiện, nó cần những nhà quân sự có đầu óc, mà nhà quân sự có đầu óc thì xin lỗi, người cộng sản VN không có. Bởi nhà chiến lược quân sự về báo chí phải tôn trọng tôn chỉ quan trọng nhất, đó là sự thật, thì bản chất người cộng sản là dối trá trên mọi lãnh vực.”

Dước góc độ kinh tế, báo chí là một sản phẩm, mà theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, sản phẩm của người cộng sản đưa ra không phù hợp với thị trường, tức là người tiêu dùng không xài… thì có quy hoạch hay không, có thu gọn hay để nguyên… thì hàng của họ ra vẫn bán ế. Điều này Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng cũng đúng với quy luật của thị trường. Ông nói tiếp:

“Ở góc độ thứ ba là các trường phái triết học, họ nói là quy hoạch về báo chí, về nhân sự, tức là quy hoạch về con người… Mà tôi nghĩ, con người sinh ra để sống, để mưu cầu hạnh phúc, chứ con người không phải là một cái máy, một vật thể, hay đường xá, cơ sở hạ tầng để mà quy hoạch. Cái đó là sai về mặt triết học. Vì vậy, đứng ở góc độ triết học, quy hoạch báo chí cản trở sự phát triển của con người. Bởi vì quan trọng nhất của con người là tự do tư tưởng. Từ tự do tư tưởng, con người mới phát triển, và có thể văn minh như tất cả các quốc gia khác.”

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp của Ban Tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.

Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng, sản phẩm báo chí bây giờ đưa tin không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng:

“Báo chí Việt Nam hiện nay nhìn trên tổng thể thì phần lớn họ vẫn được nhà nước bao cấp, chẳng hạn như những anh lớn hiện nay như thông tấn xã, tạp chí cộng sản, đài phát thanh thì cũng bao cấp, còn những tờ thuộc chủ quản khác thì cũng bao cấp. Những cái tin của họ không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng… Cho nên đối với bạn đọc nó không còn là món ăn tinh thần để họ trông chờ họ đọc nữa…”

Theo quy hoạch báo chí đến năm 2025, đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phải làm xong việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Tính đến cuối tháng 2 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội. Còn 5 báo thuộc 5 tổ chức hội chưa thực hiện.

Đứng ở góc độ triết học, quy hoạch báo chí cản trở sự phát triển của con người. Bởi vì quan trọng nhất của con người là tự do tư tưởng. Từ tự do tư tưởng, con người mới phát triển, và có thể văn minh như tất cả các quốc gia khác.

-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông giải thích, trong số 5 báo này, có 2 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 1 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản và 2 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, sẽ tiếp tục triển khai sau.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, việc quy hoạch thu gọn hệ thống báo chí nhằm mục đích kiểm soát dễ hơn, cũng khó thực hiện:

“Dân trí cao hơn, trình độ nhận thức của nhân dân cũng cao hơn, thành ra khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Về ý thức hệ thì chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị ban tuyên giáo yêu cầu gỡ, tức là nhiều quá cũng không kiểm soát được. Vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác, vì thế họ muốn thu gọn lại để kiểm soát dễ hơn. Nhưng đó cũng là mâu thuẫn, anh đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà anh còn không định hướng được, thì thu gọn lại thì mục tiêu kia cũng khó đạt được.”

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính phủ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã khẳng định trong quyết định quy hoạch rằng báo chí là công cụ của đảng, là phương tiện của đảng, chứ nó không phải là cứu cánh. Mà cứu cánh ở đây theo ông là tự do, như vậy phương tiện báo chí đã trở nên chống lại con người nói chung, và nó chống lại nhân dân Việt Nam nói riêng. Nên ông cho rằng, quyết định quy hoạch báo chí này là phản khoa học và chống lại con người.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/press-planning-change-in-quantity-not-quality-02282020121554.html

 

Tin tổng hợp 29/2: Cách ly 105 người nghi nhiễm nCoV;

Khẩu trang y tế xuất khẩu phải có giấy phép

Trúc Bạch

Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 29/2 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung sau:

Việt Nam cách ly 105 người nghi nhiễm nCoV

Bộ Y tế công bố đến 15h ngày 28/2, cả nước có 105 người nghi nhiễm virus corona được cách ly tại bệnh viện, tăng 26 ca so với một ngày trước. Đây là những người có biểu hiện ho, sốt, và có lịch sử dịch tễ đi từ hoặc qua vùng dịch.

Theo số liệu do Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam tổng hợp từ tất cả tỉnh thành, trong số 105 người nghi nhiễm có 84 trường hợp mới ghi nhận trong ngày và 21 trường hợp đang theo dõi, cách ly từ trước.

Cùng với đó, số người đang được cách ly theo dõi do tiếp xúc gần với người nghi nhiễm nCoV hoặc nhập cảnh từ vùng dịch trên toàn quốc tăng lên đến 6.282 người.

Theo VnExpress, Hà Nội cách ly tập trung 1.762 người về từ Hàn Quốc, tính đến 15h ngày 28/2. Những người về từ Hàn Quốc được cách ly tập trung chủ yếu tại Trường quân sự Sơn Tây, Trung đoàn pháo binh 58, B59 Xuân Mai và Bệnh viện Công an thành phố. Trong số này có 12 người có biểu hiện ho, được lấy mẫu bệnh phẩm và chuyển đến cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh.

Tại Trường quân sự Sơn Tây có 752 người từ Hàn Quốc, Trung Quốc về nước được cách ly. Tại đây đã bố trí 2 tòa nhà 5 tầng, mỗi tầng 9 phòng (gồm 8 phòng ngủ và một phòng sinh hoạt chung) để phục vụ công tác cách ly công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch.

Trước đó, chiều 28/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, ba ngày qua, thành phố tiếp nhận hơn 2.700 người từ Hàn Quốc về sân bay Nội Bài. Để đủ chỗ cách ly, ông Chung cho biết thành phố sẽ lập thêm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến vào cuối tuần này, tuy nhiên ông chưa nêu địa điểm cụ thể.

Tính đến sáng 29/2, thế giới ghi nhận 84.611 ca nhiễm virus corona; 2.923 người tử vong; 39.488 người đã hồi phục.

Khẩu trang y tế xuất khẩu phải có giấy phép

Theo VnExpress, ngày 29/2, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu với khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống Covid-19, trong đó chỉ cho phép xuất khẩu mặt hàng này với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế (tối đa 25% sản lượng; 75% dành cho phòng chống dịch bệnh trong nước).

Quy định trên không áp dụng với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3.

Chính phủ giao các Bộ Y tế, Công Thương, Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế trong thời gian phòng, chống dịch; giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế; hướng dẫn về tiêu chuẩn khẩu trang y tế.

57 tỉnh, thành cho học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 2/3

Theo Zing, tính đến tối ngày 28/2, cả nước có 57 tỉnh thành cho học sinh THP đi học trở lại từ ngày 2/3. Cá biệt có Hà Nội và Thái Bình nghỉ hết ngày 8/3; Đà Nẵng và Vĩnh Long cho học sinh lớp 10, 11 tiếp tục nghỉ, riêng lớp 12 đi học từ ngày 2/3.

Hầu hết các tỉnh thành tiếp tục cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học 1 – 2 tuần. Riêng tỉnh Bắc Giang quyết định cho học sinh THCS đi học trở lại vào ngày 2/3; Đồng Pháp cho lớp 9 đi học từ ngày 2/3; Kon Tum cho trường THCS chuyên Nguyễn Tất Thành đi học lại vào ngày 2/3.

Hiện TP.HCM chưa quyết định thời gian trở lại trường của học sinh. Trong khi đó, Hà Nội cho toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non đến THPT nghỉ đến hết ngày 8/3.

Đình chỉ Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp nghi gom khẩu trang

Theo Người Lao Động, ngày 28/2, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) đã ký quyết định đình chỉ công tác đối với bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp.

Cũng trong sáng 28/2, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp bị “tố” trục lợi từ việc gom khẩu trang bán ra nước ngoài với giá tiền tỷ.

Trước đó, trên mạng xã hội facebook đã xuất hiện thông tin tố bác sĩ Quốc gom khẩu trang với số lượng lớn để đầu cơ, xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Quốc, trước đó có một người tên M.T (quốc tịch Việt Nam) lấy tiền của đối tác nước ngoài đi mua khẩu trang. Do không quen mối nên người này đến nhờ ông 2 lần nhưng đều bị từ chối.

Đến lần thứ 3, M.T dẫn đối tác nước ngoài đến nói mua khẩu trang làm từ thiện nên bác sĩ Quốc nhờ nhân viên tên T. (điều dưỡng) đi mua giúp. Do chuyển tiền cho T. không được nên người này chuyển vào tài khoản bác sĩ Quốc 3,3 tỷ đồng.

Ông Quốc cho rằng tài khoản mình chỉ cho mượn để chuyển tiền, còn mua bán, giao dịch đều do T. đứng tên và có hóa đơn chứng từ…

Một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM vẫn hoạt động xuyên dịch

Trong lúc học sinh, sinh viên cả nước phải nghỉ học để tránh dịch Covid-19, Trung tâm Anh ngữ Reading Q (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn hoạt động. Đa phần học sinh ở đây là người nước ngoài, trong đó có nhiều người Hàn Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Reading Q cho biết mình không muốn phải làm việc trong đợt dịch, nhưng vì yêu cầu của nhiều phụ huynh nên buộc lòng vẫn phải hoạt động.

“Phụ huynh đi làm cả ngày và không có chỗ gửi con, nên đây cũng là một cách giải quyết vấn đề cho họ. Họ tin tưởng chúng tôi, và họ cũng không đi bất kỳ đâu thời gian qua”, vị này nói.

Giải thích vì sao Sở GD-ĐT đã có văn bản cho học sinh nghỉ học, trong đó có cả các trung tâm ngoại ngữ, nhưng Reading Q vẫn tiếp tục giảng dạy, vị đại diện cho hay họ biết thông báo trên nhưng không chính thức nhận được văn bản nào của Sở.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-29-2-vn-cach-ly-105-nguoi-nghi-nhiem-ncov-khau-trang-y-te-xuat-khau-phai-co-giay-phep.html