Tin Việt Nam – 28/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 28/12/2016

Nạn nhân Formosa

tiếp tục biểu tình đòi bồi thường

Hằng trăm người dân thôn Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay lại tiến hành biểu tình do chưa nhận được khoản bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa gây nên cho họ hơn 8 tháng qua.

Tin tức mà chúng tôi ghi nhận được tại chỗ là sáng nay những ngư dân thuộc địa bàn vừa nêu kéo đến cổng phụ của nhà máy gang thép của Công ty Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và chặn không cho công nhân vào nhà máy làm việc.

Chính quyền địa phương huy động một lực lượng công an, cảnh sát cơ động đến cũng như cử đại diện ra hứa sẽ sớm thực hiện công tác bồi thường thiệt hại cho người dân chịu tác động theo qui định mà chính phủ trung ương đưa ra.

Những người dân tập trung biểu tình ngăn chặn công nhân vào làm việc tại nhà máy Formosa giải tán sau khi có lời hứa từ phía đại diện chính quyền điạ phương.

Vào ngày 12 tháng 12 vừa qua, nhiều người dân tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Anh thuộc cùng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng tiến hành biểu tình chặn đường quốc lộ 1A để yêu cầu  bồi thường do thảm họa môi trường Formosa gây nên.

Vào tháng tư vừa qua, nhà máy gang thép Formosa thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt từ Hà Tĩnh qua Quảng Bình, Quảng Trị vào tận Thừa Thiên- Huế. Công ty Hưng nghiệp Formosa sau đó thừa nhận hành vi xả thải và đồng ý chi 500 triệu đô la cho chính quyền Hà Nội để khắc phục thảm họa và bồi thường cho người dân chịu tác động.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/protest-calling-for-formosa-compensation-12282016083517.html

 

Tòa phúc thẩm

y án blogger Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù

Hôm 26/12, tòa án cấp cao thuộc khu vực Đà Nẵng đã giữ nguyên phán quyết của toà án Khánh Hoà, phạt blogger Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù theo điều 88 của Bộ Luật hình sự Việt Nam, về tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Trong phiên sơ thẩm vào ngày 23/8/2016, tòa án tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù, và người anh em họ Nguyễn Hữu Thiên An 2 năm tù theo điều 88 của Bộ luật hình sự. Thiên An không kháng án.

Theo Facebook của luật sư Võ An Đôn – người bào chữa cho Duy, phiên phúc thẩm chỉ kéo dài 80 phút và bản án đã được chuẩn bị sẵn: “Phiên tòa diễn ra trong thời gian ngắn từ 8 giờ đến 9 giờ 20 thì kết thúc, sau 5 phút nghị án, tòa tuyên bản án dài 10 trang giấy A4 đã đánh máy sẵn từ trước.”

Cũng theo Facebook của luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An trước đây thường xuyên lên Facebook bình luận và viết bài nói về những mặt trái, bất công của xã hội như tình trạng cán bộ tham nhũng, đạo đức xuống cấp, xã hội trì trệ chậm phát triển, tuyên truyền không đúng sự thực, và những điều làm dân chúng sợ hãi.

Ngày 17/4/2015, Nguyễn Hữu Thiên An dùng sơn vẽ lên tường trụ sở Công an phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, dòng chữ “#40 năm quá đủ #ĐMCS”. Ngày 30/8/2015, An bị khởi tố và bắt giam theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Đến ngày 27/11/2015, Nguyễn Hữu Quốc Duy bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố và bắt giam cùng tội danh.

Ngay sau phiên sơ thẩm vào tháng 8, 2016, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ra tuyên bố quan ngại sâu sắc về việc Tòa án Việt Nam kết tội Thiên An và Quốc Duy và kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả tự do vô điều kiện hai cá nhân này cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác.

Toà đại sứ Mỹ còn yêu cầu Hà Nội hãy cho phép tất cả công dân được bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả thù. Tuyên bố này nói thêm “thật đáng lo ngại khi nhà chức trách Việt Nam sử dụng các điều khoản hình sự để trừng phạt các cá nhân chỉ thực hiện quyền tự do biểu đạt và hội họp ôn hòa.

http://www.voatiengviet.com/a/toa-phuc-tham-y-an-blogger-nguyen-huu-quoc-duy-3-nam-tu/3652660.html

 

Kinh tế VN tăng 6,2% năm 2016,

còn khó khăn năm 2017

An Tôn – VOA

Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm 28/12 công bố kinh tế có mức tăng trưởng ước tính là 6,21% trong năm 2016. Tỷ lệ này vẫn giữ Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tuy nhiên, con số 6,21% thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 6,3-6,5%, và thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6,68% của năm 2015. Con số này cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam phát triển chậm lại trong vòng 4 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại trong năm nay là do sự đi xuống trong ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm qua với VOA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra những điểm tích cực:

“Thứ nhất, chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu đã hết sức chú ý cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là ra quyết định số 35. Những nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết 35 thực sự là những nguyên tắc mà ở các nền kinh tế khác người ta đang vận hành theo cách là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo sự bình đẳng, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp với nhau. Cái thứ hai nữa là thông điệp lâu nay chờ đợi là chính phủ chấp nhận việc cải thiện về chế độ đất đai, chấp nhận cho tích tụ đất đai cũng như tháo gỡ khó khăn trong sử dụng đất của doanh nghiệp, của nông dân, để làm sao cho nông nghiệp có thể tổ chức lại, sản xuất theo quy mô lớn hơn. Cái thứ ba nữa là cố gắng của chính phủ Việt Nam hay của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập thì cũng vẫn được tiếp tục. Điều đáng tiếc là TPP bị chính quyền mới của Mỹ đình lại. Tuy nhiên, thông điệp chính phủ Việt Nam đưa ra vẫn là dù không có TPP Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cải cách, sẽ vẫn tiếp tục những cố gắng của mình để làm sao hội nhập tốt hơn với các thị trường khác”.

Những điểm tích cực này, theo bà Lan, đã mang lại kết quả là tăng niềm tin trong giới kinh doanh, thể hiện qua thực tế có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2016, đây là một mức tăng lớn.

Song bà lưu ý do sự cải thiện môi trường kinh doanh chưa đầy đủ, còn nhiều vấn đề tồn tại, nên trong số các doanh nghiệp có từ trước, 73.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong năm 2016, dù ít hơn con số 81.000 năm 2015, đó vẫn là một con số lớn.

Nói về những vấn đề tiêu cực trong kinh tế Việt Nam năm qua, chuyên gia Phạm Chi Lan điểm lại một số diễn biến chính:

“Số một là vấn đề môi trường và cách thức Việt Nam ứng phó với chuyện môi trường, nhất là câu chuyện Formosa xảy ra. Cho đến nay mới quy tội được Formosa, chứ còn về phía Việt Nam chưa quy tội được cho bất cứ cơ quan nào hoặc cá nhân nào. Tôi nghĩ rằng đấy là điều rất cần phải quan tâm. Bởi vì những sự cố môi trường trong tương lai có thể xảy ra tiếp, và nó đòi hỏi phải làm rất rõ trách nhiệm giải trình của từng đơn vị, từng cá nhân trong công việc. Cái thứ hai nữa là một loạt các vấn nạn khác xảy ra cũng không quy kết được trách nhiệm. Ví dụ, thủy điện ở một số nơi xả ra và như vậy làm người dân ở các vùng bị lụt lội, bị ngập. Làm rõ trách nhiệm các đơn vị vận hành các thủy điện đó như thế nào? Điều này rất cần phải làm rõ và quy trách nhiệm cho họ, buộc họ phải bồi thường cho người dân. Cái thứ ba nữa là về quan hệ thương mại với các nước, năm đầu tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam thực sự đã có rất nhiều bài học không hay cho mình. Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN không tăng được mà thậm chí còn giảm tới 9% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ ASEAN lại tăng đến 40%. Tương tự như vậy là với Trung Quốc, Việt Nam vẫn để nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc”.

Bà Lan cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam dù có thời gian chuẩn bị cho hội nhập đã lâu nhưng họ không tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp với thực trạng các chính sách và hành xử của các bộ chưa hợp lý, nên không củng cố được hoạt động ngay ở thị trường trong nước.

Ngược lại, bà chỉ ra rằng các nhà đầu tư lớn của ASEAN, nhất là Thái Lan, lại đang xâm nhập hiệu quả vào thị trường Việt Nam, thâu tóm các doanh nghiệp và hệ thống phân phối ở Việt Nam. Bà nhận định với diễn biến như vậy, “tương lai nhập siêu từ ASEAN sẽ tăng hơn nữa”.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam không tạo được thặng dư từ xuất khẩu trong buôn bán với Trung Quốc và ASEAN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo điều đó sẽ “không tốt cho nền kinh tế” và “làm tăng thêm sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc”, rút cục Việt Nam không tận hưởng được những lợi ích của hội nhập mà để những “lợi ích đó rơi vào tay của Trung Quốc và ASEAN”.

Từ những diễn biến cả tích cực lẫn tiêu cực về kinh tế trong năm 2016, chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra dự báo về năm tới:

“2017 tôi e là sẽ tiếp tục là một năm rất thách thức đối với Việt Nam. Trong khi những vấn đề về môi trường ở Việt Nam chưa được giải quyết thấu đáo, cho nên các doanh nghiệp có các hoạt động khác nhau cũng vẫn có tiềm ẩn nguy cơ gây tiếp những vấn đề thảm họa môi trường hay ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Nhân tố thứ hai là thị trường thế giới tiếp tục diễn biến một cách rất bất định, khó lường trước. Kể cả thương mại với Hoa Kỳ, bây giờ không những chưa có TPP, mà ngay cả những quan hệ vốn có cũng có thể bị thách thức thêm. Một phần là do chính sách của chính phủ mới, của ông Trump. Có nghĩa là những công việc lâu nay đặt gia công ở Việt Nam cũng có nguy cơ có thể họ chuyển về làm ở Hoa Kỳ. Việt Nam phải tính, phải lường trước được khả năng thị trường Mỹ sẽ không được như trước. EU sau Brexit cũng chưa biết chiều hướng như thế nào. Kinh tế Việt Nam dựa vào một mặt là về thiên nhiên, một mặt là thị trường toàn cầu, nó đều chứa đựng những nhân tố có thể là bất lợi cho Việt Nam nhiều hơn là những nhân tố thuận lợi mới. Thế còn trong nền kinh tế trong nước của Việt Nam, thực hiện cuộc cải cách thể chế vô cùng cần thiết thì dường như cũng vẫn còn khó”.

Việt Nam có dân số 93 triệu người. Trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. Mức tăng chậm lại trong năm nay là sự giảm tốc đầu tiên kể từ năm 2012. Xếp hạng về tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực, năm nay Việt Nam có tốc độ chậm hơn Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines.

http://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-vn-tang-nam-2016-con-kho-khan-nam-2017/3654033.html

 

Người Việt đông thứ nhì

trong số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc

Khánh An-VOA

Truyền thông Hàn Quốc hôm 27/12 cho hay lần đầu tiên trong 16 năm, số người Việt sống tại Hàn Quốc đã vượt qua người Mỹ khiến Việt Nam trở thành sắc dân đông thứ nhì trong các cộng đồng nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc.

Theo số liệu từ Văn phòng Nhập cư Hàn Quốc, tính đến ngày 30/11, số lượng người Việt hiện đang sống tại Hàn Quốc là 147.295 người (chiếm 7,4 % số người nước ngoài). Đứng đầu là người Trung Quốc với số lượng 1 triệu người (chiếm 50%). Người Mỹ trở thành sắc dân đông thứ 3 với 140.337 người (7%).

Kể từ khi văn phòng này bắt đầu thu thập các số liệu thống kê về người nước ngoài vào năm 2000, đây là lần đầu tiên số lượng người Việt vượt mức người Mỹ trong hai tháng liên tiếp.

Các giới chức di trú nói tỷ lệ người Việt cao ở Hàn Quốc chủ yếu là do công nhân đến Hàn Quốc lao động và phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh của Việt Nam nói với VOA rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc người Việt Nam ồ ạt sang Hàn Quốc:

“Thứ nhất là về phong tục, hệ thống gia đình và cách sống của người Hàn Quốc cũng giống người Việt Nam, tức là sau Trung Quốc, cho nên người Việt Nam qua Hàn Quốc sống thì không cảm thấy lạc lõng lắm. Thứ hai, kinh tế Hàn Quốc tương đối cao, nên người Việt Nam qua Hàn Quốc làm việc có được thu nhập tốt, có thể gửi về nuôi gia đình được, tương đương với đi Úc hay đi Mỹ. Chứ còn nếu qua những vùng khác thì kinh tế không tốt bằng thì có thể thu nhập không tốt bằng. Thứ ba là về vấn đề xã hội, người Hàn Quốc họ cũng có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam. Họ ưa thích người Việt Nam vì người Việt Nam hiền, dễ bảo, chấp nhận tình trạng gia trưởng của người đàn ông, cho nên người phụ nữ Việt Nam sang Hàn Quốc rất dễ thích nghi với gia đình ở Hàn Quốc”.

Theo Văn phòng nhập cư Hàn Quốc, người Việt Nam hiện chiếm 28% trong tổng số các cuộc hôn nhân đa chủng tộc tại Hàn Quốc. Tính đến cuối tháng 11, có khoảng 152.000 cặp Việt – Hàn kết hôn, xếp vị trí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc với 37%.

Tính về số lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, Việt Nam cũng đứng thứ nhì với 8%, so với người Trung Quốc chiếm 43% trong tổng số.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-dong-thu-nhi-trong-so-nguoi-nuoc-ngoai-song-o-han-quoc/3654103.html

 

Việt- Hàn hợp tác quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Ngô Xuân Lịch, hôm nay tiếp Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Hwang In-moo, nhân dịp ông này sang Hà Nội tham dự đối thoại chính sách quốc phòng Việt- Hàn lần thứ năm vào hai ngày 26 và 27 tháng 12 vừa qua.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch mong muốn tăng cường mối quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước một cách toàn diện cho phù hợp với quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc.

Phía Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tại kỳ đối thoại lần này ở Hà Nội cho biết Seoul mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chia sẽ kinh nghiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo, cứu hộ- cứu nạn, cảnh sát biển, và đào tạo ngoại ngữ…

Trong năm năm qua, các kỳ đối thoại chính sách quốc phòng Việt- Hàn được tổ chức luân phiên ở mỗi nước.

Mới hôm 7 đến 10 tháng 12 vừa qua, hai tàu huấn luyện của Hải quân Hàn Quốc là tàu ROKS CHEON Ji và ROKS CHUNG MU GONG YI SUN cập cảng quốc tế Cam Ranh thăm hữu nghị Việt Nam.

Vào tháng 5 năm nay, một tàu quân sự và công vụ của Hàn Quốc cũng ghé thăm Đà Nẵng của Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/skorea-vietnam-looking-at-co-operation-12282016102742.html

 

Kỷ luật lãnh đạo tỉnh Hậu Giang

liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang bị kỷ luật về vụ tiếp nhận và để cho nguyên phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài.

Truyền thông trong nước loan tin, chủ nhiệm Ủy ban Kiển tra tỉnh ủy Hậu Giang, ông Cam Quang Vinh, hôm nay cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định kỷ luật khiển trách đối với bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh. Bên cạnh đó là kỷ luật cảnh cáo đối với ông nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, Huỳnh Minh Chắc, nhiệm kỳ 2010-2015. Ông này còn là nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Theo quyết định kỷ luật được công bố thì ông Trần Công Chánh có sai phạm trong việc chỉ đạo công an tỉnh cấp biển số xe công màu xanh cho xe tư nhân để ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng.

Đối với ông Huỳnh Minh Chắc thì khuyết điểm được nêu ra là chủ quan không chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ hồ sơ, quá trình công tác của ông Trịnh Xuân Thanh trước khi tiếp nhận.

Ông Trịnh Xuân Thanh, 50 tuổi, trước khi về nhận chức vụ phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, từng là phó tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC. Trong thời kỳ lãnh đạo của ông Trịnh Xuân Thanh, PVC được báo thua lỗ hơn 30 ngàn tỷ đồng.

Ông này hiện đang bị Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế và lãnh đạo Hà Nội từng nhiều lần lên tiếng sẽ bằng mọi cách bắt cho được ông này mà tin nói đang ở nước ngoài.

Hôm nay Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành họp phiên thứ 11. Tại phiên họp, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tiếng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử những vụ án mà ông này gọi là nghiêm trọng, phức tạp.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/leaders-of-hgiang-punished-f-let-txthanh-go-12282016090522.html

 

Gia hạn tạm giam

luật sư Nguyễn Văn Đài lần thứ ba

Cựu tù nhân chính trị, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị gia hạn điều tra lần 3 với thời gian kéo dài đến ngày 27 tháng 4 năm 2017.

Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho thân chủ Nguyễn Văn Đài, cho biết như vừa nêu hôm nay. Ông phát biểu về điều này với Đài Á Châu Tự Do:

Họ chỉ trả lời tôi cái văn bản mà tôi đã bỏ lên facebook. Tôi không biết thông tin gì thêm. Tôi phụ thuộc vào bên Viện kiểm sát tối cao, bao giờ họ đưa giấy thì tôi mới được gặp luật sư Đài. Cái này họ đang thực hiện theo Bộ luật  tố tụng hình sự của Việt Nam cho phép. Tôi cũng chưa liên lạc được với chị Khánh. Tôi chỉ thông báo như vậy để những ai liên quan vụ việc thì được biết thôi ạ.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và người phụ tá Lê Thu Hà bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm ngoái. Từ đó đến nay cơ quan chức năng mới cho vợ của ông là bà Vũ Minh Khánh gặp mặt một lần tại nơi tạm giam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, 46 tuổi, từng bị bắt và bị kết án tù vào năm 2007 với mức án 5 năm, sau đó được giảm xuống còn 4 năm với 4 năm quản chế. Tội danh bị buộc là tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Sau khi mãn hạn tù ông tiếp tục hoạt động cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/human-right-lawyer-detention-extended-f-third-time-12282016082831.html

 

Kinh tế Việt Nam và viễn ảnh 2017

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

Năm 2016 mở ra với một triển vọng lớn cho Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thành hình. Nhưng đến cuối năm thì tình hình có nhiều khó khăn bất ngờ và viễn ảnh của năm 2017 sẽ là nhiều thách đố sinh tử.

Từ ô nhiễm môi trường …

Nguyên Lam: Thưa ông, trong loạt bài tổng kết cuối năm, kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho những khó khăn đang chờ đợi Việt Nam trong năm 2017 sau khi nhắc lại khung cảnh của năm 2016 đang kết thúc. Theo như ông nhận xét thì đâu là những khó khăn và đâu là các giải pháp cho Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc lại bối cảnh chung, rồi mình sẽ tập trung vào những thách đố kinh tế cho Việt Nam.

Từ khi tiến hành đổi mới và mở cửa để hội nhập vào thế giới bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi qua 30 năm, với tốc độ tăng trưởng cao hơn. Đây là hiện tượng chung, đã từng thấy lại các nước từ bỏ hệ thống kinh tế tập trung quản lý mà áp dụng quy luật thị trường để tăng trưởng và phát triển.

Nhưng tăng trưởng phải dẫn đến phát triển chứ không tất nhiên là phát triển, nếu không thì nền kinh tế quốc gia chỉ có thể nâng cao lợi tức quốc dân trong một giới hạn nào đó rồi mắc kẹt trong cái bẫy của lợi tức trung bình. Nhiều quốc gia đi trước, kể cả Trung Quốc và nhất là Trung Quốc, có thể đang nằm trong cái bẫy đó. Từ mấy năm trước, giới chuyên gia tư vấn đã cảnh báo về rủi ro này cho Việt Nam.

Ngược lại, khi Trung Quốc đang bước lên một trình độ sản xuất khác, với giá nhân công cao hơn, nhiều cơ hội cũng mở ra cho Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài thay cho thị trường Trung Quốc. Tiết mục chuyên đề của chúng ta đã đề cập tới triển vọng này từ năm 2013 trở về sau.

Với dân số cao và sức tiêu thụ nội địa tương đối mạnh, thật ra Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào xuất khẩu nên vẫn bị hậu quả bất lợi.

– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Khi nhìn lại tiến độ của 30 năm đổi mới, ông phân biệt tăng trưởng và phát triển, thưa ông khác biệt chính là gì và hoàn cảnh của Việt Nam có những gì là đáng chú ý?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tăng trưởng chỉ là gia tăng mức sản xuất khi đếm theo lượng, và nếu thiếu phẩm chất thì không bền vững; còn phát triển là sự thăng tiến đồng bộ của nền kinh tế với kết quả tỏa rộng cho cả xã hội. Từ một xã hội chủ yếu là nông nghiệp, Việt Nam có đổi mới mà không phát triển đồng bộ và nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng quá cao nếu so với các nước đi trước trong cùng một thời kỳ tôi gọi là khởi phát hay cất cảnh. Nguy kịch nhất là nông nghiệp Việt Nam không được cải cách mà ngày nay nông dân, tức là 60% dân số toàn quốc, còn là nạn nhân đầu tiên của hiện tượng công nghiệp hóa nửa vời với môi trường sinh sống bị ô nhiễm nặng.

Nếu năm 2016 mở ra với triển vọng hội nhập vào hệ thống Xuyên Thái Bình Dương TPP kể từ Tháng Năm thì đúng lúc đó, vào Tháng Tư Việt Nam lại bị khủng hoảng môi sinh tại các tỉnh miền Trung và vùng châu thổ Cửu Long bị hạn hán tới mức nguy ngập nhất. Chính là nạn ô nhiễm mới khiến giới đầu tư quốc tế nhìn lại thị trường Việt Nam: thay vì thấy ra triển vọng phần nào điền thế thị trường Trung Quốc đang gặp vấn đề thì người ta lại rút vốn tìm qua xứ khác. Đấy là tình trạng bên trong, còn bên ngoài thì Việt Nam cũng bị nhiều hậu quả bất lợi từ môi trường kinh tế toàn cầu.

… đến tác động của môi trường quốc tế

Phó Chủ tịch Credit Suisse của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Lito Camacho đang nói chuyện với Giám đốc VietJetAir, Lưu Đức Khánh (phải), Giám đốc điều hành GE, Wouter Van Wersch (thứ hai từ trái), và Phóng viên truyền hình Bloomberg, Haslinda Amin tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN tổ chức ở Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 2016.AFP photo

Nguyên Lam: Môi trường kinh tế toàn cầu có những gì là bất lợi cho Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, năm nay đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu lại chậm hơn mọi dự đoán do sự sa sút của các nền kinh tế công nghiệp hóa lẫn các nước đang phát triển sống nhờ xuất khẩu nguyên nhiên vật liệu. Số tổng cầu của thế giới có sút giảm và tình trạng bất trắc chung có tác động vào kinh tế của Việt Nam. Với dân số cao và sức tiêu thụ nội địa tương đối mạnh, thật ra Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào xuất khẩu nên vẫn bị hậu quả bất lợi.

Thứ hai, và chúng ta sẽ còn trở lại hiện tượng này, vì khó khăn kinh tế chung, ta thấy xuất hiện một trào lưu mới là chủ nghĩa quốc gia trong các nước công nghiệp hóa từ Âu Châu đến Hoa Kỳ, tới các nước đang lên mà điển hình đáng ngại nhất chính là Trung Quốc. Về kinh tế thì chủ nghĩa này dẫn đến việc triệt để bảo vệ quyền lợi, dù chưa đi tới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thì cũng gây trở ngại cho các nền kinh tế đang phát triển.

Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ chỉ là một trong nhiều biểu hiện đã từng thấy tại Âu Châu, với hậu quả là các nước đòi xét lại các cam kết thương mại đã có hoặc gay gắt đàm phán khiến các sáng kiến tự do thương mại và đầu tư chưa thành hình thì đã chết yểu. Việc Hiệp ước TPP bị Hoa Kỳ gạt qua một bên sau bảy năm thương thuyết công phu là một thí dụ nổi bật nhất.

Nguyên Lam: Ông vừa trình bày một sự kiện đáng chú ý là sự tái xuất hiện của chủ nghĩa quốc gia trong quan hệ quốc tế với hậu quả là sự chối bỏ hay hoài nghi những thỏa thuận kinh tế giữa các nước với nhau mà Hiệp ước TPP là một thí dụ nổi bật. Như vậy, nhìn từ Việt Nam thì người ta nên rút tỉa bài học gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thuần về kinh tế, khi cải cách cơ chế sản xuất cho thông thóang và thúc đẩy sự hợp tác tự do về đầu tư hay thương mại để phát huy khả năng cạnh tranh thì cũng chẳng khác gì xây dựng hạ tầng cơ sở trong nội địa vì tự thân điều ấy có lợi cho mình. Khuôn khổ cam kết của Hiệp ước TPP đề ra yêu cầu cải cách và dù là có Hoa Kỳ tham dự hay không, Việt Nam vẫn phải căn cứ trên nền tảng ấy mà tự nâng cao tiêu chuẩn của mình về môi sinh, lao động, luật lệ v.v….

Nâng cao tiêu chuẩn kinh doanh qua cải cách thể chế thì cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng của mình vì điều ấy có lợi cho mình chứ không vì Hoa Kỳ hay xứ nào đó đòi hỏi. 

– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Thứ hai, khi các nước đều đề cao chủ nghĩa quốc gia theo tinh thần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của quốc dân thì Việt Nam lại chẳng coi quyền lợi của quốc dân là trọng. Điển hình là cách xử lý vụ khủng hoảng môi sinh tại miền Trung, khi quốc dân bị thiên tai lẫn nhân họa và phản đối thì còn bị nhà nước đàn áp. Ở bên Trung Quốc đang phát huy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán với phương tiện kinh tế lẫn quân sự, mà lãnh đạo Hà Nội lại xóa bỏ chủ nghĩa quốc gia thì chẳng khác gì là tự giải giới và đầu hàng. Tôi tự hỏi là Việt Nam đang rơi vào mâu thuẫn sinh tử ấy mà lãnh đạo lại bất cần thì làm sao bảo vệ chủ quyền và quyền lợi dân tộc.

Nguyên Lam: Ông vừa nhắc đến việc Việt Nam vẫn nên xúc tiến việc cải cách luật lệ cho phù hợp với những cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước TPP, mặc dù không có Hoa Kỳ tham dự. Đề nghị ông phân tích lại điều này cho thính giả của chúng ta vì Hoa Kỳ đã đòi hỏi những cam kết ấy rồi bỏ cuộc thì tại sao mình lại phải thi hành?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nâng cao tiêu chuẩn kinh doanh qua cải cách thể chế thì cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng của mình vì điều ấy có lợi cho mình chứ không vì Hoa Kỳ hay xứ nào đó đòi hỏi. Ban đầu Hiệp ước TPP xuất phát từ sáng kiến của bốn nước New Zealand, Singapore, Chile và Brunei vào năm 2005, rồi Hoa Kỳ cùng các nước khác mới tham gia để mở rộng và nâng cao tiêu chuẩn hợp tác gần như toàn diện giữa 12 quốc gia. Ngày nay, nếu Hoa Kỳ đổi ý bỏ cuộc thì vẫn còn 11 nước kia, kể cả và nhất là Nhật Bản. Họ đều nhất quyết đi tới với nhau và sẽ lần lượt phê chuẩn Hiệp ước này trước kỳ hạn là đầu năm 2018 sau khi bỏ điều 30 khoản 5 về sự tham dự của Hoa Kỳ.

Do đó, vì quyền lợi an ninh lẫn kinh tế, Việt Nam vẫn nên phê chuẩn Hiệp ước và tiến hành việc cải cách thể chế bên trong. Nếu không được lợi nhiều vì thiếu thị trường Mỹ thì vẫn là có lợi, và nhất là có một bệ phóng khác để thoát vòng lệ thuộc vào Trung Quốc. Theo quy định của TPP thì nguyên vật liệu cho các ngành dệt may hay da giầy phải xuất phát từ các thành viên chứ không thể là sản phẩm của Trung Quốc thì mới có thể bán ra với thuế suất là 0%, đấy là cơ hội thoát Tầu có ý nghĩa lịch sử. Sau này, nhiều nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan và Mexico cũng có thể tham gia TPP và Hoa Kỳ vẫn có khi trở lại sau nhiều năm suy ngẫm.

Thứ hai, với Hoa Kỳ thì Việt Nam đã có sẵn hiệp định song phương với quy chế xưa kia gọi là “tối huệ quốc” chứ không chỉ vì thiếu TPP mà đoạn tuyệt thị trường Mỹ. Việc Việt Nam tự cải cách cho khuôn khổ TPP 11 nước càng tạo thêm lợi thế đàm phán với Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Mỹ. Thứ ba, Việt Nam cải cách vì quyền lợi của mình, để có khả năng cạnh tranh với Malaysia hay Philippines và không bị Thái Lan qua mặt như hiện nay chứ không tiến hành việc đó vì Hoa Kỳ. Thứ tư và nói chung thì Việt Nam cùng các nước đang phát triển trong khu vực vẫn nên hội nhập kinh tế, thương mại và đầu tư với nhau chứ không chỉ vì Hoa Kỳ và điều ấy càng là cần thiết khi thiên hạ ở nơi khác lại đi vào chu kỳ hoài nghi tự do thương mại.

Viễn ảnh kinh tế Việt Nam

Nguyên Lam: Trở lại viễn ảnh 2017 của kinh tế Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những triển vọng và thử thách?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việt Nam mắc bệnh sùng bái đà tăng trưởng nên có thể hài lòng với dự báo tăng trưởng trên 6% một năm, rồi cho là vẫn cao so với nhiều nền kinh tế khác. Sự thật thì Việt Nam cũng làm như Trung Quốc là bơm tín dụng để gia tăng sản xuất mà đang chất lên một núi nợ quá lớn, trong khi quân bình công chi thu về ngân sách vẫn chưa cải tiến, bội chi ngân sách không giảm mà tăng và đã chiếm 6% của Tổng sản lượng. Khi Mỹ kim lên giá như chúng ta có dịp trình bày vào tháng trước, Việt Nam sẽ gặp nhiều biến động ngoại hối và đà thất thoát tư bản vì tiền chảy về Mỹ sẽ còn gây thêm nhiều khó khăn khác trong năm tới.

Việt Nam phải đối phó với khá nhiều rủi ro kinh tế từ bên trong ra tới bên ngoài nên phải tự cải cách ngay năm tới, và đây là ước nguyện năm mới của mọi người dân.

– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nhìn xa hơn vậy thì kinh tế Việt Nam có hai nan đề phải sớm giải quyết trong năm nay. Thứ nhất là cơ chế sản xuất bấp bênh, với việc cải thiện năng suất quá chậm lụt. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ nguồn vốn cao nhất mà có hiệu năng thấp nhất, trong khi doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ và vừa lại co cụm và chưa thể phát triển. Việt Nam cần một kế hoạch cải cách môi trường kinh doanh và việc tham gia TPP là một động lực khuyến khích cần thiết cho yêu cầu cải cách đó.

Thứ hai, và nhìn xuống cái gốc, thì nông nghiệp Việt Nam đã góp phần quan trọng trong mấy chục năm đổi mới nhờ cải thiện năng suất và giải quyết được yêu cầu về an toàn thực phẩm và xóa đói giảm nghèo. Nhưng ngày nay khu vực đó lại lâm thế kẹt là bị cạnh tranh ở bên trong để có phương tiện sản xuất như lao động, đất đai và cả nước ngọt cho yêu cầu tiêu tưới hay nuôi trồng thủy sản, bao trùm lên trên là nạn hủy hoại môi sinh làm giới đầu tư phải bỏ chạy.

Khi đa số tới 60% người dân lại sinh sống trong khu vực chết kẹt này thì Chính quyền không thể làm ngơ được. Tổng kết lại thì trong tương lai trung hạn là dăm ba năm, Việt Nam phải đối phó với khá nhiều rủi ro kinh tế từ bên trong ra tới bên ngoài nên phải tự cải cách ngay năm tới, và đây là ước nguyện năm mới của mọi người dân.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn cuối năm và xin kính chúc ông cùng quý khán thính giả một năm 2017 an lành và thành công.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/vietnam-2017-challenges-nxn-12272016143424.html

 

Anh quốc: bắt 100 người trong tiệm làm móng tay

Gần 100 người làm việc trong các tiệm làm móng tay, đa phần là người Việt, đã bị bắt vì tình nghi nhập cư trái phép.

Đây là một phần trong chiến dịch giới hạn lao động bất hợp pháp.

Các điều tra viên nhắm vào hơn 280 tiệm làm móng như một phần trong Chiến dịch truy quét mở rộng mà mục tiêu là những ngành dễ xảy ra tội phạm.

Thứ trưởng chuyên trách Nhập cư Robert Goodwill cam kết sẽ giải quyết những “tội ác man rợ của chế độ nô lệ hiện đại” bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp.

Chính phủ cho biết việc này sẽ nhận diện và giúp các nạn nhân của tệ buôn người.

Hầu hết trong số 97 người bị giam giữ là công dân Việt Nam, nhưng cũng có những người nhập cư từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.

Các nhân viên phụ trách nhập cư đã kiểm tra các tiệm làm móng trên khắp nước Anh vào giữa 27/11 và 3/12.

Họ đã gửi lời cảnh báo đến 68 doanh nghiệp rằng họ sẽ phải nộp phạt 20.000 bảng cho mỗi lao động bất hợp pháp nếu họ không thể chứng minh rằng họ có giấy phép làm việc.

Chiến dịch truy quét mở rộng cũng nhắm vào ngành xây dựng, điều dưỡng viên, dọn dẹp, ăn uống, lái xe taxi và rửa xe trong năm 2016.

‘Thông điệp mạnh’

Ông Goodwill cho biết chiến dịch gửi một “thông điệp mạnh mẽ” đến những người sử dụng lao động muốn lợi dụng luật nhập cư.

“Nô lệ thời hiện đại là một tội ác man rợ phá hủy cuộc sống của một bộ phận yếu ớt nhất trong xã hội chúng ta,” ông nói.

14 trong số những người bị bắt đã được chuyển sang trung tâm Cơ chế Giới thiệu Quốc Gia, một dịch vụ hỗ trợ những người được xác định có thể là nạn nhân của nô lệ và buôn bán người.

Nhiều người làm việc không che giấu trong các tiệm làm móng tại Anh, trên các công trường xây dựng, trong các nhà thổ, các trang trại cần sa và trong nông nghiệp trên thực tế bị nghi ngờ là nô lệ thời hiện đại.

Những kẻ buôn người thường sử dụng mạng internet để lừa nạn nhân của họ đến Anh.

Thủ tướng Theresa May cam kết hồi tháng Sáu để kết thúc “vấn đề to lớn về quyền con người trong thời đại chúng ta” của chế độ nô lệ hiện đại.

Bà May nói sẽ xem xét năm đầu tiên của Đạo luật chống nạn Nô lệ Hiện đại, mà bà đã đưa ra khi là Bộ trưởng Nội vụ, cho thấy đã có 289 trường hợp nô lệ hiện đại bị truy tố vào năm 2015.

Đạo luật, được đưa ra năm 2015, quy định hành vi phạm tội là khi ai đó giam giữ người khác làm nô lệ hay trong tình trạng nô lệ hoặc cưỡng bức hoặc ép buộc phải lao động .

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38450304

 

Trịnh Xuân Thanh

không ‘trốn bằng hộ chiếu thật’?

Mới đây, Bộ trưởng Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm nói đến khả năng ‘các đối tượng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy’ đã bỏ trốn mà ‘không dùng hộ chiếu thật, tên thật’.

“Rà soát lại thì các đối tượng này không xuất cảnh ‘chính ngạch’ – tức là xuất cảnh qua cửa khẩu với tên thật, hộ chiếu thật,” Tướng Tô Lâm được trích lời, theo trang Pháp luật TPHCM.

Tuy nhiên, theo các báo khác tường thuật lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát tại cuộc họp báo thì cả hai ông cũng nói không rõ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, trốn đi bằng cách nào và có ai trợ giúp hay không.

Một số báo chạy tựa ông Thanh trốn đi ‘bằng đường tiểu ngạch’ hàm ý đi qua biên giới sang Trung Quốc rồi đến một nước thứ ba.

Nhưng không ai có thể khẳng định nếu không dùng hộ chiếu thật thì ông Thanh có hộ chiếu giả hay giấy tờ gì khác không.

Hai lãnh đạo Bộ Công an cũng không khẳng định rõ có hay không chuyện ‘lộ, lọt thông tin’ khiến ông Trịnh Xuân Thanh biết trước và bỏ trốn.

“Nội bộ có lộ, lọt tin không thì khẳng định là không có. Nhưng những vụ thế này, từ khâu thanh tra, kiểm tra thì đã khép tội rồi. Đối tượng lại có trình độ, rất nhạy cảm, nghe tình hình là biết ngay,” Bộ trưởng Tô Lâm được các báo Việt Nam trích thuật khẳng định.

Quan chức Bộ Công an chỉ nói chung chung rằng “qua nhiều vụ án cho thấy trường hợp nghe ngóng thông tin rồi bỏ trốn trước khi nhà chức trách ban hành các quyết định tố tụng thì phần lớn ‘không đi theo con đường chính ngạch’.

Một quan chức Đảng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh từng nói hồi tháng 10/2016 rằng ông Trịnh Xuân Thanh ‘sang châu Âu’ mà không đưa thêm chi tiết gì.

Không rõ chi tiết

Một số trang web cá nhân và blog tiếng Việt tại châu Âu như của ông Bùi Thanh Hiếu thường xuyên đăng bài nói là có tiếp xúc với ông Trịnh Xuân Thanh tại châu Âu nhưng không một cơ quan chính quyền nước châu Âu nào hay Việt Nam xác nhận được các tin đó.

Theo VnExpress, hôm 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Trịnh Xuân Thanh, khi ấy là Phó Chủ tịch tỉnh, đã vắng mặt.

Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông nhưng có vẻ như ông Trịnh Xuân Thanh đã rời Việt Nam cuối tháng 7 khi gửi đơn đến Tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7, VnExpress viết.

Ngày 19/8, ông gửi đơn lần hai xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để ‘ra nước ngoài trị bệnh’ và không rõ tung tích từ đó.

Việt Nam nói đã phát lệnh truy nã qua Cơ quan Cảnh sát Quốc tế – Interpol đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng quá trình này tiến triển đến đâu cũng không thấy các báo Việt Nam tới tuần cuối năm 2016 cập nhật.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38451811

 

Luật Magnitsky và Luật Tự Do Tôn Giáo 1151 :

Thêm cơ hội cho nhân quyền Việt Nam

Trọng Thành

Ngày 23/12/2016, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phê chuẩn Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu. Trước đó ngày, 16/12, tổng thống Mỹ phê chuẩn Luật Tự Do Tôn Giáo H.R. 1115. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Virginia) phân tích những điểm mới của hai luật này, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của hai luật đối với các nỗ lực cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, mà những nhà hoạt động tại Việt Nam cần phải biết cách « khai dụng ».

Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), một phần của Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc Phòng năm 2017, được đánh giá là mang lại các chế tài nghiêm ngặt đối với các quan chức, thủ phạm của các vụ xâm phạm nhân quyền « nghiêm trọng », và vợ/chồng, con cái của họ. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Luật Nhân Quyền Magnitsky « là một sáng kiến kỳ diệu », vì từ trước đến giờ chỉ có các biện pháp chế tài đối với cả chế độ, mà điều này « có hai điều trở ngại », là ảnh hưởng nhiều đến người dân, và đòi hỏi phải có sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Luật H.R. 1115 mang tên nghị sĩ Frank Wolf, có thể gọi là « Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế » (bởi đã có luật về Tự Do Tôn Giáo trước đó) đưa ra nhiều quy định mới buộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải nghiêm khắc hơn đối với chính quyền các quốc gia xâm phạm tự do tôn giáo, các tổ chức «tôn giáo quốc doanh », nếu tham gia đàn áp tôn giáo, cũng có thể bị luật này chế tài.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161228-luat-magnitsky-va-luat-tu-do-ton-giao-1151-them-co-hoi-cho-nhan-quyen-viet-nam