Tin Việt Nam – 28/08/2018
Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đến ngày thứ 15
Em trai ông Trần Huỳnh Duy Thức nói với BBC rằng ông tuyệt thực sang ngày thứ 15 “để phản đối sự áp bức của trại giam và đòi trả tự do cho những người bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Bộ luật Hình sự mới.
Tin cho hay tính đến hôm 28/8, ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bất đồng chính kiến, đã tuyệt thực sang ngày thứ 15 tại Trại số 6 ở tỉnh Nghệ An.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù giam năm 2009, sau khi bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù
‘Hi vọng Trần Huỳnh Duy Thức sẽ được ân xá’
Vì sao ông Thức ‘không muốn sống lưu vong’?
Lần thứ hai tuyệt thực
Hôm 28/8, trả lời BBC, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức, nói: “Hôm qua trong cuộc gọi ngắn về nhà, anh tôi cho biết vẫn đang tuyệt thực.”
“Gia đình tôi sẽ làm đơn khiếu nại và đến gặp cán bộ trại giam để yêu cầu làm rõ những vấn đề khiến anh tôi tuyệt thực.”
“Lần tuyệt thực hai năm trước của anh tôi để yêu cầu thượng tôn pháp luật và trưng cầu dân ý.”
Gia đình tôn trọng và ủng hộ con đường đấu tranh bằng chính luật pháp và đòi chính quyền trả tự do theo đúng luật pháp cho những người khác đang bị tù đày vì đấu tranh.ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức
“Còn lần này, anh tôi để phản đối hành động áp bức của trại giam, cụ thể là giám thị Trần Bá Toan và cán bộ Trần Duy Phong. Bên cạnh đó, anh tôi đòi trả tự do cho những người có hành vi chuẩn bị phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Bộ luật Hình sự 2015.”
Ông Tân cũng cho biết thêm: “Đến nay, anh tôi vẫn phản đối chuyện phải xin nhận tội để được đặc xá.”
“Ngoài ra, anh tôi vẫn bảo lưu quan điểm không đi tỵ nạn nước ngoài.”
“Không phải tự nhiên mà anh tôi phải chọn cách thức đấu tranh rất nguy hiểm là tuyệt thực để phản đối nạn áp bức nặng nề trong trại giam.”
“Do vậy tôi yêu cầu trại giam phải thôi nạn áp bức đó và về pháp luật, yêu cầu nhà nước áp dụng điều khoản có lợi trong Bộ luật Hình sự 2015 để trả tự do cho anh tôi.”
“Từ khoảng hai tháng nay, trại giam có giám thị mới thì anh tôi bị ngăn cản gửi đơn thư cho người nhà và các nơi. Chuyện được gửi thư từ với anh tôi là rất quan trọng, do vậy khi họ ngăn cản thì họ đang gây sức ép lớn đối với anh tôi.”
“Gia đình tôn trọng và ủng hộ con đường đấu tranh bằng chính luật pháp và đòi chính quyền trả tự do theo đúng luật pháp cho những người khác đang bị tù đày vì đấu tranh.”
‘Tránh né đề cập đến luật mới’
Bàn về những điều khoản trong Bộ luật Hình sự 2015, Luật sư Lê Công Định viết trên trang cá nhân:
“Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho ông Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi “chuẩn bị phạm tội” liên quan đến cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.”
“Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn.”
“Đó cũng là lý do vì sao khi Luật sư Ngô Ngọc Trai viết nhiều thư phân tích pháp lý dựa trên luật mới để yêu cầu họ trả tự do cho ông Thức, thì nhận được câu trả lời từ các cơ quan tố tụng có liên quan với nội dung tránh né đề cập đến luật mới, và cố tình hướng đến hình thức đặc xá, rồi nhấn mạnh “chưa có cơ sở pháp lý để xét đặc xá”.
‘Khơi nguồn công kích’
Các báo tại Việt Nam những năm gần đây đã không còn nhắc đến ông Trần Huỳnh Duy Thức. Trong một bài hồi 2009, báo Nhân Dân viết: “Ðể thực hiện mưu đồ đen tối, từ năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức đã lôi kéo nhân viên dưới quyền lập nhóm nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, đặt cho nhóm này tên gọi là “nhóm nghiên cứu Chấn”, thực hiện “Chấn kế” gồm “kế hoạch Chấn web”, “kế hoạch của Jen” mà thực chất là “dùng Ðoài đánh Ðoài”, tức là dùng nội bộ đánh nội bộ ta, bởi Thức cho rằng phải dùng người “cộng sản cấp tiến” đánh người “cơ hội bảo thủ” (!).”
“Theo nhận định của Thức, khủng hoảng kinh tế – chính trị sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10-2010, đó là “lúc phất cờ” và Thức sẽ tham gia bộ máy lãnh đạo giữ chức “Bộ trưởng kinh tế”. Ðiều nực cười là nhận định và kế hoạch của Trần Huỳnh Duy Thức về thời điểm tháng 10-2010 được xác định “theo như sấm Trạng Trình”! Lời nhận tội của Thức cho thấy, Thức là người đã khơi nguồn công kích, xuyên tạc các chính sách của Chính phủ, trực tiếp công kích Thủ tướng Chính phủ qua các blog “Trần Ðông Chấn”, “Change We Need”, “Psonkhanh”. Thức cũng là người khởi xướng kế hoạch tác động để thay đổi chế độ chính trị ở thời điểm 2010 – 2011,” cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam viết.
Trước khi ông Thức quyết định tuyệt thực lần hai, mạng xã hội bàn tán về bức thư dài phân tích cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và cơ hội cho dân chủ ở Việt Nam, do ông Thức gửi ra từ nhà tù.
Ông Thức dường như đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để phân tích về vận mệnh đất nước thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Thư có đoạn viết: “Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là cái cớ và công cụ để Mỹ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thực tế đến đâu, để Mỹ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình…”
“Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc chính phủ Trung Quốc mà Mỹ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi.”
“Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của Trung Quốc, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do.”
“Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại… Mỹ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội này để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của Trung Quốc, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới…”
“Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang nổ ra. Trung Quốc có rất ít cơ hội để thắng. Khi Mỹ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm với thế giới thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi.”
“Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng Trung Quốc cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng.
“Trong thời kỳ Mỹ rung lắc Trung Quốc, thế giới cũng sẽ bị rung lắc và ảnh hưởng lớn. Không chỉ về kinh tế đâu, mà toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Như con đã viết hồi đầu năm 2016, các chính phủ độc tài sẽ bị rung rụng, các quốc gia thực sự dân chủ hoặc chân thành hướng đến dân chủ bằng pháp quyền, tôn trọng quyền con người mới phát triển tốt mà không sụp đổ.”
“Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo dòng chảy của thời đại.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45327172
Khởi tố người chạy quốc tịch Mỹ cho Vũ Nhôm
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ngày 27 tháng 8 đã ra quyết định khởi tố ông Hoàng Hữu Châu về tội lừa chiếm đoạt hàng trăm ngàn đô la của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, với cáo buộc lo hộ chiếu, quốc tịch Mỹ cho ông Phan Văn Anh Vũ và người thân.
Hiện tại Vũ Nhôm vẫn tiếp tục bị khởi tố về những vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tội danh này có liên quan đến các vụ mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản cho các công ty có liên quan đến Vũ.
Ông Vũ Nhôm là một đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng và đồng thời là sĩ quan tình báo của Bộ Công an. Ông này mới bị tuyên phạt 9 năm tù giam về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Vào đầu năm nay, ông Phan Văn Anh Vũ bị phía Singapore trục xuất về lại Việt Nam trong khi tìm cách trốn sang một nước khác từ tiểu quốc Sư Tử.
Ông Hoàng Hữu Châu, người hứa lo quốc tịch Mỹ cho Vũ Nhôm, 55 tuổi sống ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông này vị khởi tố theo điều 174 Bộ luật hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cho biết đang mở rộng điều tra vụ án để điều tra ông Châu và những người liên quan.
Tòa xử vụ dân Thủ Thiêm
kiện lãnh đạo quận bị hoãn
Phiên tòa xét xử vụ án một người dân kiện Ủy Ban Nhân Dân Quận 2 liên quan số hộ phải di chuyển trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và cưỡng chế thu hồi đất dự kiến diễn ra sáng 28/8 đã bị hoãn. Lý do được thông báo ngay tại phiên xử là do bên bị đơn vắng mặt.
Mạng báo Vietnamnet loan tin nguyên đơn là ông Lê Văn Lung và ông này cho biết đã nộp đơn kiện đến nay đã 5-6 năm, 2 lần tòa mời lên đối chất cũng chỉ có ông dự. Bên bị đơn không ai có mặt. Nay tới ngày xử thì lại hoãn.
Ông Lê Văn Lung khiếu kiện vì cho rằng cơ quan chức năng Quận 2 cưỡng chế, phá hủy nhà của ông tại địa chỉ số 9 Trần Não, Phường Bình An là trái pháp luật. Ông Lê Văn Lung cũng cho rằng căn nhà của ông không nằm trong địa giới qui hoạch Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Vụ việc của ông Lê Văn Lung không phải cá biệt vì nhiều người dân tại khu vực Thủ Thiêm cũng có cáo buộc tương tự.
Do đó khi nghe tin về phiên tòa vào ngày 28 tháng 8 như vừa nêu, một số người dân Thủ Thiêm cũng đến tham dự. Theo giấy triệu tập, phiên tòa sẽ bắt đầu làm việc lúc 8h sáng, tuy nhiên tới 9h20 vẫn không thấy Hội đồng Xét xử xuất hiện. Phải tới 9h30, người dân mới được thông báo phiên tòa bị hoãn do bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là UBND phường Bình An và người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn vắng mặt. Dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 19/9.
Đối với vụ Thủ Thiêm, vào cuối tháng 5 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo phải xong kết luật thanh tra trước ngày 15 tháng 7 trên tinh thần càng nhanh càng tốt. Đến ngày 16 tháng 7, ông bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đến thăm người dân, thuyết phục những hộ còn bám đất vào khu tái định cư; thế nhưng một số người vẫn không đồng ý.
Liên quan chuyện lãnh đạo không đến dự những phiên xử bị dân kiện, tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Tư pháp diễn ra vào sáng 22/8, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội Việt Nam nêu vấn đề tại sao các phiên tòa hành chính có liên quan đến chính quyền đều không có lãnh đạo UBND nào tham gia.
Cụ thể từ năm 2015-2017, TAND Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban có mặt.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch và đại diện uỷ ban nhân dân vắng mặt tại toà án thành phố, chiếm tỷ lệ 100%.
Tại phiên họp, đoàn giám sát cho biết, tỷ lệ các lãnh đạo UBND và người đại diện không tham gia phiên tòa năm 2017 cao gấp 3 lần so với trước khi thực hiện luật tố tụng hành chính 2015.
Diên Hy Công Lược:
Dân Việt nắn gân sức mạnh TQ
Báo chí quốc tế nói phim Diên Hy Công Lược (The Story of Yanxi Palace) đã được 5,6 tỷ lượt xem kể từ khi ra mắt tháng 7/2018.
Bộ phim cổ trang dựng lại chuyện từ thời Thanh ở Trung Quốc đạt con số khổng lồ 130 triệu lượt xem cho mỗi tập.
Trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) so sánh phim này với phim ‘House of Cards’, bộ phim chỉ có 4,6 triệu lượt xem trung bình một tháng trên mạng Netflix.
Từ Chiến Lang 2 đến Điệp vụ Biển Đỏ
Ngày Bát Nhất đề cao tinh thần chiến đấu
Trung Quốc tẩy chay phim Hàn vì tên lửa
Phim Thái làm Myanmar tức giận
Tuy nhiên, phim Diên Hy Công Lược (Chiếm điện Diên Hy) cũng được cho là sức mạnh mềm của Trung Quốc lan tỏa ra châu Á.
Và sức mạnh này đã chỉ bị thách thức ở Việt Nam, nhờ một nhóm tin tặc nào đó.
Tại Việt Nam, khán giả Việt Nam hiện chỉ có thể tiếp tục theo dõi chính thức bộ phim này trên sóng truyền hình, nhưng sẽ chậm hơn Trung Quốc ba tuần.
Phim sẽ có mặt trên 70 thị trường toàn cầu và ở châu Á được chiếu rộng rãi tại Hong Kong, Macau, Singapore và Malaysia.
Phim cũng đã hoặc sắp ra mắt ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Thái Lan.
Cùng lúc, báo Đài Loan, tờ Taipei Times cho rằng bộ phim là “cánh tay nối dài” của sức mạnh mềm Trung Quốc, xoay chuyển dư luận nhằm khiến họ suy nghĩ tích cực hơn về Bắc Kinh.
Nhưng theo nữ phóng viên chuyên về châu Á của tờ Telegraph, Nicola Smith, thì riêng tại Việt Nam, các tay ‘tin tặc’ đã bắt người Trung Quốc muốn xem một số tập của phim này trước khi được chiếu chính thức phải trả lời câu hỏi về biển đảo.
Người xem Trung Quốc “chỉ được xem nếu họ nói Việt Nam làm chủ các đảo đang có tranh chấp”.
Và trong danh sách các nước có chủ quyền ở những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khán giả Trung Quốc phải chọn tên Việt Nam, nhà báo Nicola Smith viết.
James Pearson thì viết trên Reuters rằng người Việt Nam đã “nhạo Trung Quốc” qua vụ bắt họ làm phép thử trên mạng về biển đảo thì mới được xem phim.
Không phải với ai cũng hợp
Cũng bài báo của Telegraph hôm 25/08 trích TS Jonathan Sullivan, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại ĐH Nottingham, Anh Quốc nói sản phẩm văn hóa Hàn, Nhật và Đài Loan từng khiến Trung Quốc “bức xúc”.
Từ 2006, Trung Quốc đặt ra chiến lược coi sức mạnh mềm về văn hóa là một phần của “sức mạnh quốc gia”.
Trong khi nhiều sản phẩm văn hóa Trung Quốc khó hấp dẫn người nước ngoài, phim cổ trang có thể tạo ảnh hưởng với người Đông Á, ông Sullivan cho hay.
Diên Hi Công Lược của Vu Chính quy tụ dàn diễn viên đình đám Xa Thi Mạn, Nhiếp Viễn, Tần Lam, Tống Xuân Lệ…Với đề tài cung đấu và lấy bối cảnh thời Càn Long, phim xoay quanh chuyện đấu đá giữa các thế lực trong cung cấmBài giới thiệu trên Ngoisao.net
Còn với khán giả Phương Tây, phim dài nhiều tập, lại xem qua dạng phụ đề có thể là cản trở cho phim Trung Quốc, theo chính tờ Global Times trích bà Rena Liu từ Warner Bros Digital Labs.
Các phim bộ Trung Quốc thường dài quá 50 tập trong khi khán giả Phương Tây thường muốn có câu chuyện được kể ngắn gọn hơn, bà Liu nói.
Dư luận Trung Quốc nghĩ gì?
Sau khi bài ‘Phim TQ nhưng người Việt xem trước 10 tập‘ có mặt trên BBC Tiếng Việt, ban tiếng Trung của BBC cũng làm tin tương tự và nhận được nhiều ý kiến.
Sau đây là một số bình luận từ trang Weibo của Trung Quốc:
“Người Mỹ coi việc bảo vệ tác quyền và sở hữu trí tuệ là cách để lấy cớ tung ra chiến tranh thương mại. Trung Quốc đã đánh cắp quá nhiều phim, và các tư liệu TV. Chúng ta có thể lên án các trang web Việt Nam, nhưng công bằng mà nói thì người TQ cũng cần nâng cao nhận thức của họ về tác quyền.”
Một người có ních là Tiểu Miêu (喵小萌爱撒娇) đặt câu hỏi:
“Vì sao các trang web Việt Nam lại có toàn bộ các tập của phim mà không cần tác quyền? Ai đem cho họ? Hoặc họ đánh cắp bằng cách nào?”
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45331350
Hợp đồng giúp tăng lượng xuất khẩu điều
giữa Việt Nam và Campuchia gặp khó
Việt Nam và Campuchia vào đầu năm nay ký kết hợp đồng tăng cường lượng xuất khẩu hạt điều của Xứ Chùa Tháp đến năm 2028.
Theo hợp đồng ký kết giữa hai phía thì mục tiêu đến năm 2028 Campuchia sẽ xuất khẩu được một triệu tấn hạt điều mỗi năm. Vào năm ngoái, lượng hạt điều xuất khẩu của Xứ Chùa Tháp chỉ ở mức 73 ngàn tấn.
Tuy nhiên theo tin Phnom Penh Post loan đi vào ngày 27 tháng 8 thì ngành điều của Campuchia tiếp tục chật vật trong việc duy trì thị trường xuất khẩu cho mặt hàng này.
Phnom Penh Post dẫn phát biểu của Giám đốc Hiệp Hội Hạt Điều tỉnh Kampong Thom, ông Chhiv Ngy, thì đơn vị này vẫn đang tìm kiếm những nhà nhập khẩu đáng tin cậy để bảo đảm giá cả. Cho đến nay sau khi thương lượng với hơn 30 công ty từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Hiệp Hội Hạt Điều tỉnh Kampong Thom vẫn chưa ký kết được hợp đồng nào.
Về việc phát triển cây điều để lấy hạt xuất khẩu thì quan chức Cục Trồng Trọt Hean Vanhan của Campuchia cho biết Xứ Chùa Tháp đang nghiên cứu phương thức canh tác của Việt Nam; nhưng việc trồng hạt điều theo cách này vẫn chưa được xúc tiến.
Dữ liệu cho thấy sản lượng điều thô mỗi héc ta tại Campuchia là một tấn. Với mức này thì cần phải mở rộng diện tích canh tác cây điều lên 1 triệu héc ta mới có thể đạt được mục tiêu 1 triệu tấn như đã ký kết cho thời điểm 2028.
Cũng theo Phnom Penh Post thì vào cuối năm ngoái, Việt Nam cho biết có kế hoạch tăng cường mua hạt điều của Campuchia.
Ấn Độ và Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và người tương nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj đã có buổi làm việc chung vào hôm 28/8 tại Hà Nội, nhân Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ.
Buổi họp được truyền thông quốc tế và trong nước loan đi cho biết các thảo luận tập trung vào các vấn đề như trao đổi thương mại, đầu tư, hàng hải và quốc phòng giữa hai nước.
Chuyến thăm của bà Sushma Swaraj đến Việt Nam nằm trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Ấn Độ Dương được tổ chức vào hai ngày 27, 28/8 tại Hà Nội và được nói nằm mục đích tăng cường thêm mối quan hệ chiến lược với phía Việt Nam.
Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Một ngày trước đó, tại Hội nghị Quốc tế Ấn Độ Dương, bà Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nói rằng Việt Nam và Ấn Độ được nối kết không chỉ bằng vùng biển chung mà còn có quan điểm chung về hòa bình và thịnh vượng.
Vào ngày 27/8, ông Ranil Wickremesinghe, Thủ tướng Srilanka, có cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Theo truyền thông trong nước, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường thương mại giữa hai nước thông qua quan hệ song phương truyền thống trong những năm qua và sẽ tăng giá trị thương mại giữa hai nước lên 1 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng phải thiết lập hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Báo Pháp Luật trong nước cho biết cũng vào Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ, Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cũng đã ký bản ghi nhớ hợp tác nhằm thực hiện 7 dự án hỗ trợ cho cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận.