Tin Việt Nam – 28/07/2017
Công dân Việt và giấc mơ căn nhà Mỹ
Bùi Văn PhúGửi cho BBC Tiếng Việt từ California
Hôm 18/7 vừa qua Hiệp hội Chuyên viên Địa ốc Hoa Kỳ (National Association of Realtors – NAR) đã phổ biến tài liệu về mua bán nhà ở Mỹ. Bản báo cáo cho thấy số công dân nước ngoài, trong đó có Việt Nam, mua bất động sản tại Hoa Kỳ tăng nhiều so với năm trước.
Việt Nam xếp hạng 9, với 3,06 tỉ đôla được sử dụng trong việc mua nhà ở Mỹ. Đứng đầu bảng là Trung Quốc với 31,7 tỉ, sau đó là Canada 19 tỉ, Anh Quốc 9,5 tỉ, Mexico 9,3 tỉ và Ấn Độ 7,8 tỉ.
Theo số liệu của NAR thì tổng số tiền người nước ngoài chi cho việc mua nhà ở Mỹ trong năm qua, tính từ tháng 4/2016, là 153 tỉ đôla, tăng 49% so với năm 2016. Số tiền đó để mua 284.455 đơn vị gia cư, nhiều nhất ở các bang Florida, California và Texas.
Người Việt bỏ 3 tỉ đôla mua nhà ở Mỹ
Công dân nước ngoài chi tiêu cho việc mua nhà ở Mỹ chiếm 10% tổng số tiền mua bán nhà trên toàn quốc Hoa Kỳ.
Sự kiện người nước ngoài có thể mua được nhà và cơ sở kinh doanh tại Mỹ không phải là điều mới lạ, vì từ nhiều thập niên qua Hoa Kỳ đã có chính sách rất mở trong việc này.
Không chỉ những đơn vị gia cư hay cơ sở thương mại giá vài trăm nghìn đô mà công dân nước ngoài có thể làm chủ, trên thực tế, nếu muốn, người nước ngoài còn có thể mua những toà nhà cao tầng sang trọng, những cơ sở thương mại giá vài trăm triệu hay cả tỉ đôla. Công dân từ Trung Quốc, Nhật Bản và Anh Quốc hiện đang làm chủ nhiều cơ sở thương mại lớn ở Mỹ.
Đối với người Việt trong nước, cơ hội để thực hiện “Giấc mơ Mỹ” được mở ra từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam nối lại bang giao năm 1995 và trong hai thập niên qua, quan hệ song phương đã phát triển về nhiều mặt, trong đó có giáo dục với số sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học hiện nay mỗi năm lên đến hai chục nghìn.
Trong những năm đầu của thiên niên kỷ này phần lớn sinh viên du học là con cháu quan chức nhà nước, sau đó những người giầu cũng có thể cho con du học Mỹ.
Từ đó việc mua nhà, thay vì ở thuê, cũng là một cách tiết kiệm và đầu tư lâu dài của công dân Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ vì giá nhà trong thập niên qua tăng trung bình 5% một năm. Ở những khu có đông người Việt như Quận Cam hay Thung lũng Điện tử San Jose mức tăng còn cao hơn.
Căn cứ vào số liệu của NAR, giá nhà trung vị mà công dân nước ngoài đã chi trong năm qua là 302.290 đôla cho một đơn vị, cao hơn giá cho toàn nước Mỹ là 235.792 đôla.
Vài vạn công dân Việt Nam đã có nhà ở Mỹ
Công dân Việt Nam chi hơn 3 tỉ đô thì số tiền đó đã mua được khoảng 10 nghìn đơn vị gia cư trong năm qua. Nếu tính cả một thập niên qua thì cũng đã có vài vạn công dân Việt đang làm chủ bất động sản tại Hoa Kỳ.
Vấn đề đặt ra, mà truyền thông trong nước cũng đã nêu lên tuần qua, là tuy số tiền lên đến 3 tỉ đôla được người trong nước chi tiêu ở Hoa Kỳ, nhưng việc chuyển ngân không qua đường chính thức của các ngân hàng. Sự kiện này cho thấy có những đường dây chuyển tiền chui mà công dân Việt Nam đã sử dụng để đem tiền vào Mỹ.
Việc này liên quan đến số tiền 10 tỉ đôla được cho là từ người Việt hải ngoại gửi về nước mỗi năm, trong đó nhiều nhất từ Mỹ. Ngân khoản đó có thực sự được chuyển về trong nước, hay chỉ được chuyền tay qua những dịch vụ mua bán tại Hoa Kỳ.
Tài liệu của NAR cho thấy 44% công dân nước ngoài mua nhà trả bằng tiền mặt và có 10% mua nhà trên 1 triệu đôla.
Chuyện công dân Việt Nam mua nhà hay cơ sở thương mại tại Mỹ đã có từ nhiều năm qua.
Năm 2009 một công ty của ông Trầm Bê mua khu thương mại Vallco ở vùng San Jose với giá 64 triệu đôla, trả tiền mặt. Vài năm sau bán đi lời được vài chục triệu. Có những công dân Việt cũng đã làm chủ khách sạn ở khu du lịch Fisherman’s Wharf ở thành phố San Francisco, vườn nho ở Napa.
Năm 2012 cả nước Việt Nam xôn xao với tin một người từ Việt Nam đã mua được thị trấn nhỏ Budford ở Hoa Kỳ với giá 900 nghìn đôla.
Budford của tiểu bang Wyoming nằm trên xa lộ 80, là đường xuyên bang từ San Francisco đến New York. Thị trấn nhỏ này được biết đến là nơi có dân số ít nhất nước Mỹ, chỉ vỏn vẹn có một cư dân, nhưng ở đó có một trạm xăng, tiệm cà phê và tạp hóa, một căn nhà ba phòng ngủ và có số bưu cục riêng.
Trong buổi đấu giá trên mạng với người mua từ hơn 40 quốc gia, ông Phạm Đình Nguyên từ Việt Nam đã giành mua được thị trấn này. Sau đó ông thêm tên Phindeli vào Budford để quảng cáo thương hiệu cà phê Việt Nam.
Sự kiện ông Trầm Bê hay ông Phạm Đình Nguyên mua được bất động sản và cơ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ cho thấy chính sách mua bán nhà cửa, cơ sở thương mại tại Mỹ rất mở cho người nước ngoài.
Những năm của thập niên 1990, người Hoa từ Hong Kong cũng đã ào ạt vào Mỹ đầu tư, mua nhà, lập cơ sở kinh doanh vì lo sợ tương lai bất định của điạ tô này trước ngày Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc.
Giấc mơ Mỹ của công dân Hoa Kỳ, của thường trú nhân hay của người nước ngoài tạm cư thì cũng là mua được một căn nhà làm nơi sinh sống.
Theo Cục Thống kê Dân số, con số người Mỹ làm chủ một căn nhà hiện nay là 64%, giảm xuống từ 69% trong gần một thập niên qua.
Ở California, số người làm chủ được căn nhà chỉ có 54%. Trước sự kiện nhiều công dân nước ngoài đổ tiền vào bất động sản, trả tiền mặt với giá cao hơn thị trường, đã có những phản ánh với chính quyền tiểu bang vì đẩy giá lên đã khiến nhiều cư dân không thể mua được nhà.
Dù chính trị nội bộ Hoa Kỳ gần đây có những bất ổn, nhưng công dân ngoại quốc vẫn muốn đổ tiền vào Mỹ đầu tư. Theo ông Lawrence Yun, kinh tế gia hàng đầu của NAR, thì đầu tư vào Hoa Kỳ vẫn có lợi, vì đất nước này là nơi an toàn để sống, làm việc và đầu tư.
So sánh với các nước tư bản phát triển khác, Hoa Kỳ vẫn luôn mở cửa chào đón những ai có thể đem tiền hay đem trí tuệ vào đầu tư và lập nghiệp.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40751889
Công bố 10 cán bộ liên quan đến Formosa
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa công bố danh sách 10 cán bộ “quản lý sai phạm liên quan” liên quan đến Formosa, hôm 27/7, theo báo Dân Trí.
10 cán bộ này thuộc Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tỉnh sẽ bị “kiểm tra, xem xét trách nhiệm”.
Trong đó có năm cán bộ được “xác định là có sai phạm, vi phạm trong quản lí, tham mưu, tổ chức thực hiện liên quan đến dự án Formosa.”
Đặng Văn Thành – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh
Võ Tá Đinh – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Ngô Đình Vân – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nguyên Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh
Phạm Văn Tình – Phó Giám đốc Sở Xây dựng.
Quốc hội sẽ “miễn nhiệm” ông Cự?
Thủ tướng Phúc thăm Formosa Hà Tĩnh
Người dân Nghệ An lại tiếp tục kiện Formosa
Năm người còn lại là “có khuyết điểm, vi phạm, tuy chưa đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật, nhưng phải được kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Trần Xuân Tiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng
Phạm Trần Đệ – Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh
Phan Thăng Long – Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh
Phan Lam Sơn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Nguyễn Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Cũng theo báo Dân Trí, hình thức kỷ luật sẽ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, sau khi nhận được thông báo kết luận kiểm tra.
Trước đó, hôm 24/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến ‘thị sát’ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh
Ông Phúc nói rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan “trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường và công khai các kết quả môi trường cho nhân dân biết”.
Theo báo Nhân Dân, đến nay, tỉnh Hà Tỉnh “cơ bản hoàn thành công tác bồi thường cho 56.000 đối tượng bị ảnh hưởng, đã chi trả 1.350,4 tỷ/1.598,8 tỷ được phê duyệt.” Đặc biệt, Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát việc khắc phục các lỗi vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), đến nay, FHS đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm theo cam kết.
Dân vẫn chưa nhận đủ đền bù
Tuy nhiên đến cuối tháng 7, nhiều người dân tại Hà Tĩnh, Quảng Bình chia sẻ với BBC là họ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Người dân phản ánh rằng thực tế trái với thông tin trên báo chi và không như điều ông Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đề nghị bồi thường cho người dân vào trước 30/6.
Theo một số người dân, Hà Tĩnh, tính tới trước ngày 30/4, đã nhận được một đợt tiền bồi thường, nhưng hầu hết chỉ là một phần bồi thường cho mặt hàng hải sản tươi.
Formosa: Người dân ‘chưa nhận đủ bồi thường’
Còn đối với các loại mặt hàng khô như cá khô, mực khô, tôm khô… được quy định là sẽ bồi thường 100% thì số tiền vẫn chưa đến tay người dân.
Khoản tiền bồi thường này để đền bù cho người dân từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2016, nhưng đến giữa năm nay, nhiều người dân nói họ vẫn chưa nhận đủ hoặc chưa nhận được một đồng bồi thường nào.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40749446
Formosa lấn 300 ha biển
để chôn hàng chục triệu mét khối xỉ thải
Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoàn thành việc xây dựng hệ thống kè lấn biển để chôn lượng xỉ thải lên tới hàng chục triệu mét khối.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 28 tháng 7. Tin cho biết bãi chứa xỉ có diện tích hơn 280 héc ta, có thể chứa gần chục triệu mét khối xỉ trong vòng 70 năm. Bình quân mỗi năm lượng xỉ thu gom về bãi khoảng 1,3 triệu tấn.
Trong một báo cáo tác động môi trường khác liên quan đến dự án này cũng được Bộ Tài nguyên – Môi trường phê duyệt ngày 24/6/2015 có nói rằng loại xỉ này là chất rắn không gây hại và số lượng nhiều nhất có thể đổ vào bãi là 740.000 tấn/năm.
Trả lời báo Tiền Phong về vấn đề liên quan đến bãi xỉ lấn biển như vừa nêu, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường xác nhận thông tin trên và khẳng định là bãi này chỉ được phép chứa những chất thải công nghiệp thông thường, không gây ô nhiễm môi trường. Nếu kiểm tra định kỳ thấy Formosa gian dối sẽ xử lý ngay. Ông Thức cũng nói thêm là Việt Nam có thể tin tưởng Formosa vì tinh thần cầu thị và nỗ lực kiểm soát môi trường sau thảm họa Formosa hồi tháng 4 năm 2016.
Kritenbrink,
‘ứng viên hoàn hảo’ chức Đại Sứ tại Việt Nam
Tòa Bạch Ốc loan báo hôm 26/7 rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ Mỹ sắp tới tại Việt Nam, kế nhiệm đại sứ hiện nay là ông Ted Osius.
Thông báo ngắn của Tòa Bạch Ốc cho hay ông Kritenbrink hiện là Cố vấn Cao cấp về Chính sách Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao. Trước đó, ông từng là Phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cũng như từng nắm vị trí là một giám đốc cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia.
Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ theo đuổi mọi cơ hội để xây dựng thiện chí của Mỹ và theo đuổi các lợi ích của Mỹ có liên quan đến Việt Nam. Đây là một mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ ở Đông Nam Á.
Ông David Shear, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Đã có thời gian làm việc chặt chẽ với ông Kritenbrink, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói với VOA rằng ông Kritenbrink là ứng viên “hoàn hảo” cho chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nếu xét đến kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ trong khu vực của ông:
“Có tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, về quan hệ nhân dân, về kinh tế và cả quốc phòng. Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ theo đuổi mọi cơ hội để xây dựng thiện chí của Mỹ và theo đuổi các lợi ích của Mỹ có liên quan đến Việt Nam. Đây là một mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ ở Đông Nam Á. Và tôi nghĩ không có ai phù hợp hơn ông Kritenbrink trong việc xây dựng mối quan hệ này”.
Ông Shear, cũng từng là Đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ 2011-2014, nói thêm ông biết về ông Kritenbrink trong một thời gian dài và khẳng định đó là một nhà ngoại giao “rất có năng lực” và “rất tận tụy”.
Từ khi vận động tranh cử đến nay, Tổng thống Trump đã nhiều lần phát ngôn cứng rắn về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Với dự định bổ nhiệm ông Kritenbrink đứng đầu phái bộ Mỹ ở Việt Nam, phải chăng ông Trump tính toán lôi kéo Việt Nam vào chính sách của Mỹ siết chặt các biện pháp chống Bắc Hàn? Về điều này, ông David Shear nói:
“Liên quan đến Bắc Triều Tiên, tôi chắc chắn rằng Mỹ đã thảo luận với đối tác Việt Nam về tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Bắc Triều Tiên. Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích sống còn đó của Mỹ”.
Cũng có thể ở trong đó [Tòa Bạch Ốc] người ta biết Việt Nam có quan hệ lâu dài với Triều Tiên thì họ mong một là Việt Nam giúp liên lạc với Triều Tiên, hai là Việt Nam có thể cho thông tin về Triều Tiên.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine nhận định với VOA rằng Tòa Bạch Ốc có thể muốn ông Kritenbrink khai thác mối quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng:
“Cũng có thể ở trong đó [Tòa Bạch Ốc] người ta biết Việt Nam có quan hệ lâu dài với Triều Tiên thì họ mong một là Việt Nam giúp liên lạc với Triều Tiên, hai là Việt Nam có thể cho thông tin về Triều Tiên”.
Trong khi vấn đề Triều Tiên là một ưu tiên cao của Mỹ, Hà Nội chú ý nhiều hơn đến việc cân bằng mối quan hệ của họ với Bắc Kinh và Washington.
Với bối cảnh như vậy, là người am hiểu về Trung Quốc và có kinh nghiệm lâu năm về châu Á, ông Kritenbrink được xem là sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc xử lý quan hệ của Mỹ không chỉ với Việt Nam mà cả với khu vực.
Về khu vực nói chung và về Biển Đông, ông Kritenbrink nắm rất rõ các lợi ích của Mỹ và những thách thức ở đó. Tôi tin chắc ông ấy sẽ làm việc với các đối tác Việt Nam, không chỉ để theo đuổi các lợi ích Mỹ mà cả những lợi ích chung của chúng ta ở khu vực và ở Biển Đông.
Ông David Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói:
“Thật tốt khi có người nắm vị trí đại sứ Mỹ ở Hà Nội hiểu được cách người Trung Quốc suy nghĩ và cách thức Trung Quốc vận hành. Về khu vực nói chung và về Biển Đông, ông Kritenbrink nắm rất rõ các lợi ích của Mỹ và những thách thức ở đó. Tôi tin chắc ông ấy sẽ làm việc với các đối tác Việt Nam, không chỉ để theo đuổi các lợi ích Mỹ mà cả những lợi ích chung của chúng ta ở khu vực và ở Biển Đông, và để bảo đảm rằng những gì chúng tôi làm đều góp phần vào nền hòa bình và ổn định không ngừng ở khu vực”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận xét:
“Hiểu biết chung của ông ấy về Trung Quốc sẽ giúp cho ông ấy rất là nhạy cảm khi ông ấy ở Việt Nam, là vì những gì nói ra với Trung Quốc là ông ấy hiểu ngay. Và việc hiểu này cũng có thể giúp cho cả Việt Nam lẫn Mỹ”.
Tuy nhiên, dẫn ra những diễn biến rối ren về nhân sự ở Tòa Bạch Ốc thời gian qua, giáo sư Long thận trọng nói thêm rằng không thể đoan chắc là chính quyền ông Trump thực sự có những tính toán lâu dài về đối ngoại.
Sau khi có loan báo về ông Kritenbrink được đề cử làm đại sứ ở Hà Nội, vị đại sứ đương nhiệm Ted Osius viết trên trang Facebook chính thức của ông rằng “không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Ông Osius viết thêm rằng nếu người kế nhiệm ông được phê chuẩn, “chúng tôi mong được chào đón ông ấy đến Việt Nam!”
Kinh nghiệm ngoại giao của ông Kritenbrink trải dài từ 1994 đến nay. Hiện ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao của Mỹ, mang hàm Tham tán Công sứ, và nói được tiếng Trung cũng như tiếng Nhật.
Ông có bằng thạc sĩ của trường Đại học Virginia và bằng cử nhân của ĐH Nebraska-Kearney.
Ngô Xuân Lịch gặp Osius sau vụ rút giàn khoan Repsol
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm 26/7 đã gặp Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đai tướng Ngô Xuân Lịch, để bàn về vấn đề hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ. Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi truyền thông quốc tế loan tin Việt Nam đã yêu cầu tập đoàn Repsol ngưng khoan thăm dò tại Biển Đông vì bị Trung Quốc dọa tấn công.
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin đại sứ Osius và Đại tướng Lịch bàn về những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng song phương ký năm 2011, và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng năm 2015.
Ngày 27/7, Đại sứ Osius viết trên Facebook: “Hôm qua, tôi đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Ngô Xuân Lịch, để trao đổi về cách thức chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam và mở rộng hợp tác về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, di sản chiến tranh, an ninh hàng hải, và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.”
Báo chí Việt Nam và phía tòa đại sứ Hoa Kỳ không đề cập đến cuộc họp ngày 26/7 có bàn đến việc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại lô 136-03 của công ty Talisman-Vietnam, một công ty con của Repsol. Công ty này đã bắt đầu khoan tại địa điểm tranh chấp vào giữa tháng 6 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, một nhà báo trích một nguồn tin thân cận với cuộc họp cho biết Bộ Chính trị Việt Nam đã họp khẩn ngay khi Trung Quốc cho tàu thăm dò HYSY 760 tiếp cận khu vực mà công ty Repsol đang thực hiện dự án, và trong cuộc họp ngày 26/7, phía Việt Nam đã thông báo tình hình cho đại sứ Mỹ Osius.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nói với VOA:
“Việt Nam muốn Mỹ phản đối việc Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò trên Biển Đông, cụ thể là phản đối Trung Quốc đe dọa Việt Nam thực thi quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Việc khai thác dầu của công ty Repsol nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Nhưng phía Mỹ im lặng.”
Nhà báo Hữu Minh cho rằng đại sứ Mỹ có một thông điệp muốn gửi cho phía Việt Nam:
“Việc ông đại sứ Osius gặp đại tướng Ngô Xuân Lịch là Mỹ muốn thông báo với Bộ Quốc phòng Việt Nam rằng an ninh hàng hải vẫn là tiêu chí mà Mỹ đặt lên hàng đầu. Nếu như Việt Nam và Trung Quốc có va chạm thì Mỹ sẽ có động thái để hai bên giảm thiểu căng thẳng.”
Ông Hữu Minh cho rằng chính sách dựa lưng vào Trung Quốc về chính trị thực sự đã làm cho đảng cộng sản Việt Nam lúng túng trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ, và chính sách không liên kết quân sự của Việt Nam với các nước đối lập với Trung Quốc, đã đẩy Việt Nam vào thế “đơn độc.”
Theo nhà báo này thì tất cả những điều đó đã “làm cho đảng lúng túng trong truyền thông, phản ứng ngoại giao và tìm kiếm đồng minh hỗ trợ khi cần. Sự lúng túng đó phản ánh rất rõ qua vụ Repsol hôm nay.”
Cho đến hôm 28/7 Việt Nam mới nói rằng Việt Nam có quyền khoan dầu ở Biển Đông, các nước khác nên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters hôm 28/7: “Các hoạt động liên quan đến dầu khí của Việt Nam diễn ra trên biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập theo luật pháp quốc tế.”
Trước đó, nguồn tin từ các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton thuộc Viện nghiên cứu Chatham House, cho VOA biết Trung Quốc đã đưa ra lời đe dọa dùng vũ lực, nếu Việt Nam không ngưng khai thác, thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. Nhà báo, học giả Bill Hayton nói với VOA: “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu, họ đã quyết định ngừng khoan dầu.”
Hôm 23/7, một ngày trước khi bài báo của BBC và giáo sư Carl Thayer nói về quyết định của Việt Nam ngừng khoan dầu trên biển, hai nhà quan sát có uy tín khác là Giáo sư Vuving và Jonathan London, đều đưa tin trên trang Twitter cá nhân về việc Trung Quốc đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03.
Ông Hữu Minh phân tích lý do vì sao mấy ngày qua Việt Nam im lặng, sau khi Trung Quốc tung ra lời de dọa rằng họ sẽ tấn công quần đảo Trường Sa, nếu không làm theo ý họ:
“Việt Nam đang rơi vào thế khó. Nếu Việt Nam thừa nhận có Trung Quốc đe dọa, thì quần chúng đánh giá Việt Nam yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Hiện nạy ưu tiên của Mỹ là bán đảo Triều Tiên, hơn là vấn đề Biển Đông. Nếu Việt Nam một mình va chạm với Trung Quốc ở khu vực Trường Sa mà không có Mỹ và các đồng minh của Mỹ ủng hộ thì sẽ rất kẹt cho Việt Nam. Vì vậy Việt Nam buộc lòng phải im lặng trong việc này.”
Một thông báo ra ngày 25/7 của ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện trên Facebook cho biết Bộ Tư lệnh thành phố đã ra công điện ngày 21/7 chỉ đạo “trực sẳn sàng chiến đấu, phòng chống biểu tình, bạo loạn” cao điểm dư kiến vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, do lo ngại sẽ diễn ra nhiều tình huống phức tạp khi “giàn khoan HY 760 của Trung Quốc đặt tại Biển Đông.”
Tin này đã gây rất nhiều chú ý trên các trang mạng xã hội.
Một độc giả của VOA tên Gia Huy nhận xét về sự im lặng của Việt Nam: “Việt Nam làm vậy trong thời điểm này cũng hợp lý. Việt Nam nên tìm kiếm đồng minh và cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.”
Nhận định về “thế kẹt” của Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhà quan sát Ann Đỗ từ Australia nói:
“Mọi công cụ, mọi mặt trận và chiến lược trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã thất bại hoàn toàn, cả kể trong quan hệ ngoại giao. Philippines cũng có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề biển đảo, họ không đối đầu về quân sự, nhưng họ sử dụng rất tốt vấn đề dư luận và pháp lý. Trong khi đó Việt Nam chúng ta, các mặt trận kinh tế, quân sự, ngoại giao… không có, còn dư luận và pháp lý thì thua hoàn toàn. Việt Nam không dám mang những điều này ra đối đầu với Trung Quốc.”
Chia sẻ ý kiến với bà Ann Đỗ, ông Hữu Minh bình luận trên Facebook: “Dĩ nhiên là đảng Cộng sản Việt Nam lâm vào thế khó. Một khi sự việc lùm xùm ra thì công luận sẽ chỉ trích là đảng đã để chủ quyền quốc gia bị suy yếu. Trong bối cảnh cả nước, trong dân lẫn trong đảng đang bức bách ngột ngạt về cải cách chính trị thì sự việc này nếu được đảng thừa nhận chính thức thì rất dễ dẫn đến làn sóng biểu tình có nguy cơ ảnh hưởng đến chế độ.”
Một bạn tên Huong Nguyen viết trên trang VOA: “Tôi hy vọng lãnh đạo Việt Nam sẽ xử lý khôn khéo và cần sự trợ giúp của các nước lớn. Chứ người Việt không bao giờ hèn nhát với lũ bành trướng.”
Trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 28/7, bà Phạm Hải Liên, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao cho biết, Hà Nội sẽ thảo luận việc khoan dầu chung với Bắc Kinh chỉ sau khi vấn đề chủ quyền được giải quyết.
Bà Liên nói tiếp: “Những tranh chấp về biển giữa Việt Nam và Trung Quốc nên được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng, Hà Nội sẽ không thảo luận về kế hoạch hợp tác với Bắc Kinh – một động thái mà người Việt Nam coi là phản bội.”
Liên Hiệp Quốc lên án Việt Nam
gia tăng trấn áp bất đồng chính kiến
Theo AFP, Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève ngày 28/07/2017 đã lên án tình trạng gia tăng trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay những người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù.
Trong buổi họp báo ngày 28/07 tại Genève, phát ngôn viên của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền, bà Liz Throssell nói : « Chúng tôi lo ngại tình trạng trấn áp gia tăng nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam chỉ vì họ chỉ trích đường lối chính sách của chính phủ ».
Đại diện cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại về bản án nặng nề 9 năm tù mới đây dành cho bà Trần Thị Nga vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước » cũng như trình tự xét xử của vụ án.
Bà Liz Throssell nhắc lại trong vòng 6 tháng qua, ít nhất có thêm 7 người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, nhiều người khác đang ngồi tù và 2 người đã buộc phải ra nước ngoài tị nạn.
Đại diện cơ quan Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « Không bao giờ được đối xử những người bảo vệ nhân quyền như là những tội phạm đe dọa an ninh quốc gia… Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức tất cả những người bị bắt giam vì thực thi các quyền tự do ngôn luận của họ, đồng thời Việt Nam phải xem xét lại các điều luật không rõ ràng, được sử dưới cái cớ an ninh quốc gia, để trấn áp bất đồng».