Tin Việt Nam – 28/06/2017
Linh mục Giáo xứ Thái Hà bị cấm xuất cảnh
Linh mục Giáo xứ Thái Hà, người bị dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì “lý do bảo vệ an ninh quốc gia” nói với BBC rằng “chính quyền nên hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân.”
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà thường được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội vào Chủ nhật mỗi cuối tháng.
Trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý – hòa bình hôm 25/6 tại Nhà thờ Thái Hà, bài giảng của linh mục Nam Phong có nội dung: “Cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong việc xây dựng đất nước thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ và văn minh; Cầu nguyện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (người sẽ ra tòa hôm 29/6) được bình an, can đảm tuyên xưng đức tin và được xét xử đúng pháp luật.”
Trả lời BBC hôm 28/6, ông cho hay: “Sự việc xảy ra vào chiều 27/6, tôi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Úc tham dự một khóa học của nhà dòng thì công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngăn lại.”
Cha bề trên Giáo xứ Thái Hà qua đời
Giới linh mục vận động quốc tế về vụ Formosa
Báo QĐND nói về ‘lợi dụng tôn giáo kích động’
“Biên bản của họ ghi lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
“Tôi có nói lại với họ rằng việc ngăn tôi xuất cảnh là trái pháp luật và tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, cũng như không được tôn trọng.”
“Bản thân tôi chưa từng bị chế tài hay bị lập biên bản về việc vi phạm pháp luật.”
“Phía an ninh sân bay cũng chỉ nói loanh quanh rằng có chuyện gì đó khiến Công an Hà Nội không cho tôi xuất cảnh và họ chỉ làm theo yêu cầu từ đơn vị khác chứ không có trách nhiệm giải thích cho tôi biết lý do.”
“Tôi đang cân nhắc chuyện khiếu kiện vì bị dừng xuất cảnh.”
Đề cập về những bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Linh mục Phong nói: “Tôi rao giảng đúng với trách nhiệm của linh mục trước những vấn đề xã hội.”
‘Đấu tố’
“Lẽ ra với những trường hợp bị dừng xuất cảnh, cơ quan chức năng cần báo trước cho đương sự để họ khỏi lỡ dở công việc.”
“Tôi đã phải sắp xếp công việc mục vụ cả năm cho chuyến đi này nhưng rồi không đi được.”
Linh mục cũng cho hay ông là người thứ hai ở giáo xứ Thái Hà bị dừng xuất cảnh.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói ông đề nghị cấp hộ chiếu từ năm 1998 nhưng bị phòng Xuất nhập cảnh Công an Hà Nội từ chối vì “lý lịch không tốt.”
“Mãi đến cuối năm 2014 tôi mới được cấp hộ chiếu và hôm qua là lần xuất cảnh đầu tiên của tôi nhưng không thành.”
Ông cũng cáo buộc với BBC rằng thời gian qua, ông bị chính quyền Hà Nội dùng lực lượng cựu chiến binh để “đấu tố”.
“Một nhà nước pháp quyền thì phải hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân, cũng như sử dụng những người thiếu hiểu biết pháp luật để tấn công nhắm vào các linh mục lên tiếng trước các vấn đề xã hội, môi trường như Formosa,” linh mục Phong nói.
Trên mạng xã hội, một số trang ghi “Nhân dân cả nước hết sức phẫn nộ với nội dung Nguyễn Ngọc Nam Phong rao giảng trong ngày 30/4/2017. Đề nghị chính quyền Hà Nội xử lý tên phản động này, giữa thủ đô mà để những phần tử này làm loạn thế này sao?”.
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Năm 2011, báo chí trong nước đồng loạt công kích Giáo xứ Thái Hà ‘bạo động và gây rối trong quá trình đòi đất’.
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Khoảng 30 linh mục và giáo dân bị chính quyền Hà Nội bắt và đưa đi sau buổi nộp đơn khiếu nại và tuần hành tháng 12/2011. Chính quyền đã thả họ sau khi kết tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ và đe dọa sẽ trừng trị nếu tái diễn.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40414259
Vụ Yên Bái: Phóng viên bị bắt ‘đòi tiền giám đốc Sở’
Bộ Công an Việt Nam nói nhà báo Lê Duy Phong, bị công an tỉnh Yên Bái bắt giam, đã đòi tiền Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Yên Bái.
Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, 32 tuổi, bị công an ập vào bắt ngày 22/6 tại một nhà hàng ở TP Yên Bái.
Ngay sau đó trên mạng xã hội nhiều người tranh cãi, nói rằng ông Phong bị công an “gài bẫy” vì báo Giáo dục Việt Nam đã đăng các bài tố cáo tiêu cực ở Yên Bái.
Nhưng sáng 28/6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nói với báo giới rằng Tổng cục đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái.
Thanh tra tài sản em trai Bí thư Yên Bái
Phóng viên báo Giáo Dục VN bị khởi tố
Theo báo cáo, ngày 16/6, ông Duy Phong lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Yên Bái.
Ông Phong nêu ra những “vi phạm” của cơ quan này, và đòi 200 triệu đồng.
Ông Sáng khi đó chuyển trước 100 triệu, và rồi đến buổi chiều lại đưa tiếp cho ông Phong 100 triệu.
Trung tướng Đỗ Kinh Tuyến nói sau khi bị bắt, ông Phong thừa nhận việc nhận tiền của ông Sáng.
Tướng Tuyến nói: “Bộ sẽ cử cán bộ giám sát và hướng dẫn việc điều tra của Công an tỉnh Yên Bái để đảm bảo tính khách quan.”
Ông Lê Duy Phong đã bị công an Yên Bái khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trung tướng Đỗ Kinh Tuyến nói thêm rằng công an cũng sẽ “làm rõ” hành vi đưa tiền của ông Sáng, nếu đủ căn cứ, “sẽ xử lý”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40431960
HRW lên tiếng trước phiên xử blogger ‘Mẹ Nấm’
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
“Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử, chỉ vì đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận để kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm, thật là quá đáng,” ông Phil Robertson , Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo báo chí hôm 27/06.
“Vấn đề bê bối trong vụ này không phải là những gì Mẹ Nấm nói, mà là thái độ của Hà Nội cứ khăng khăng cự tuyệt thay đổi các điều luật hà khắc, vi phạm nhân quyền để trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa khiến uy tín quốc tế của Việt Nam bị xấu đi.”
“Trong 10 năm qua, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam.”
“Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần công khai phản đối việc bắt giữ cô và thúc đẩy chính quyền Việt Nam phóng thích cô ngay lập tức và vô điều kiện,” ông Phil Robertson nói.
Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger sắp ra tòa về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, hôm 23/06, viết trên Facebook mô tả về điều bà gọi là “những hành vi lừa đảo và vô nhân tính” đối với con mình.
“Con tôi đã không ở trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa như cơ quan An ninh – Điều tra tỉnh Khánh Hòa đưa thông báo cho tôi. Trong suốt tám tháng qua tôi đã bị lừa khi lặn lội đến thăm con tại một trại tù mà con tôi không có ở đó.
Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần công khai phản đối việc bắt giữ cô và thúc đẩy chính quyền Việt Nam phóng thích cô ngay lập tức và vô điều kiệnPhil Robertson , Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
“Quỳnh chỉ bị giam giữ ở Nha Trang một ngày, sau đó đã bị chuyển về Cam Lâm – Cam Ranh, là một trại tù có điều kiện rất khắc nghiệt,” bà Nguyễn Tuyết Lan viết.
Tuy nhiên bà Lan bày tỏ “rất lo sợ” cho số phận của con mình trong thời gian bị tạm giam và trong phiên tòa sắp tới vào 29/06/2017.
“Những người từ thành phần giam cầm, điều tra cho đến những kẻ sẽ xét xử con tôi đều có những hành xử không minh bạch, không tôn trọng sự thật, không tuân thủ những quy định luật pháp.
“Tôi mong mỏi và kêu gọi mọi người, các đại sứ quán, các phóng viên truyền thông quốc tế hãy đồng hành cùng gia đình chúng tôi và cùng chúng tôi đến tham dự phiên tòa để bảo đảm tính minh bạch trong tiến trình xét xử con tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – một công dân Việt Nam yêu nước đang bị quy chụp và giam cầm vì những hành động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền của đất nước mình,” mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết.
Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân chính trị, nói an ninh Việt Nam muốn người tù “rơi vào sự cô đơn”.
“Nên biết là việc giúp đỡ từ bên ngoài đã được quy định trong luật, như thăm nuôi hai lần trong một tháng và được tiếp xúc với luật sư trong suốt quá trình điều tra.
“Với những người thần kinh yếu thì có thể bị ảnh hưởng từ phương pháp này nhưng theo tôi với Như Quỳnh thì tôi nghĩ khả năng này không có thể làm gì được vì có khổ đến mấy thì Quỳnh vẫn chịu được,” ông Nguyễn Văn Hải nói với BBC.
HRW: Các nhà hoạt động ‘không chốn dung thân’ ở VN
Mẹ blogger Như Quỳnh ‘tám tháng chưa được gặp con’
Mạng lưới Blogger VN nói về vụ Mẹ Nấm
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm. Tháng Ba năm 2017, cô được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.
Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm là phụ nữ quả cảm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói với các nhà báo hôm 30/3: “Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước”.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa khi bắt bà Quỳnh cáo buộc bà đã “soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân…”
Trước đó bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung.
Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức “Người Việt yêu nước” và “Tuyên bố công dân tự do”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40414122
Đề cử người ngoài Đảng làm lãnh đạo tới cấp vụ?
Người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có thể thi tuyển lãnh đạo, nhưng phải do cơ quan đề cử.
Dường như đây là điểm mới trong Đề án Thí điểm đổi mới cho thi tuyển để chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng tại Việt Nam.
Nhưng Đề án này cũng nêu rõ một số ràng buộc.
Bà Nguyễn Thị Bình hỏi về ‘số đông Đảng viên’
Phải nhậu giỏi mới nhanh lên sếp?
TP.HCM: Một cán bộ quận ‘chiếm dụng 54 tỷ đồng’
‘Luật sư tố thân chủ’ sẽ đem đến tai họa?
Bổ nhiệm lần đầu
Ví dụ, đề án thi tuyển này chỉ áp dụng đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu.
Những người không phải đảng viên cộng sản hoặc không được đảng quy hoạch có thể được thi, nhưng phải có đề cử của cơ quan. Họ không được phép tự ứng cử để ra thi tuyển.
Với những người được đề cử, họ chỉ được thi vào vị trí cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ. Ví dụ, nếu là trưởng phòng thì chỉ được dự tuyển chức danh Phó vụ trưởng và tương đương.
Nếu là người chưa giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ứng viên phải công tác trong ngành tối thiểu ba năm, và chỉ được dự tuyển vào chức danh phó trưởng phòng.
Theo Bộ Nội Vụ Việt Nam, khi thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, sẽ có 2 người trở lên cho mỗi chức danh.
Nội dung thi tuyển gồm 2 phần: Thi viết và trình bày đề án.
Trong phần trình bày miệng, người thi sẽ có 45 phút thuyết trình và tối đa 90 phút trả lời câu hỏi.
14 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 22 địa phương đã đăng ký thí điểm đề án.
Trong số này còn có một số cơ quan như Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải.
Hồi đầu năm 2017, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình đất nước và lo lắng về con số đông đảo đảng viên cộng sản không đi cùng chất lượng.
“Hiện nay số đảng viên của ta có lẽ đông đứng thứ hai trong các Đảng Cộng sản, chỉ sau Trung Quốc.”
“Nếu số đông đảng viên là những người đúng tiêu chuẩn như Điều lệ Đảng đề ra, những công dân tốt, gương mẫu, những cán bộ có trách nhiệm, làm việc vì đất nước, vì nhân dân, v.v… thì chắc chắn tình hình của đất nước tốt hơn nhiều so với hiện nay,” bà viết trên báo Nhân Dân.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40435021
Hà Nội khởi tố vụ hai người Việt ‘hành hung’ một người Mỹ
Công an Hà Nội khởi tố vụ án và tạm giữ hai người để điều tra về hành vi ‘Cố ý gây thương tích’ trong vụ va chạm trên đường với một công dân Hoa Kỳ.
Truyền thông trong nước đưa tin hôm 27/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, đã khởi tố vụ án hai người đàn ông Việt Nam bị cáo buộc ‘hành hung’ một công dân Hoa Kỳ.
Video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy đã xảy ra vụ ẩu đả ngay trên đường sau khi xảy ra va chạm giao thông trên đường Trần Khát Chân vào chiều hôm 23/06.
Báo Thanh Niên mô tả hai người tên Khánh và Cường đã ‘hành hung’ anh Maxwell David Gulian, 27 tuổi, quốc tịch Mỹ.
“Anh Maxwell điều khiển xe máy chở bạn gái lưu bị xe ô tô Toyota 4 chỗ do Nguyễn Duy Khánh điều khiển đi cùng chiều vượt lên từ phía bên trái chèn qua bàn chân trái.
“Bị bánh xe chèn qua, anh Maxwell đã ra hiệu cho tài xế di chuyển để lấy dép tuy nhiên tài xế không di chuyển. Anh Maxwell tiếp tục dùng tay gõ vào gương chiếu hậu để ra hiệu cho tài xế. Tuy nhiên, Khánh đã không di chuyển xe mà mở cửa bước xuống đấm vào mặt anh Maxwell, khiến nạn nhân chảy máu mũi, cả người và xe máy ngã vào cửa xe ô tô của Khánh.
Một tình trạng báo động văn hoá bạo lực xảy ra khi va chạm giao thông rất nhiều vụ chém chết nhau chỉ vì va chạm giao thông rất nhỏ nhưng những cái đầu nóng không giữ được bình tĩnhPhạm Hùng Dũng , BBC Vietnamese Facebook
“Khánh tiếp tục lao vào hành hung anh Maxwell, mặc cho người đi đường và bạn gái nạn nhân can ngăn, và chính cô cũng bị đập vào đầu,” báo này đưa tin.
Được biết vào thời điểm xảy ra vụ việc có một người bạn của Khánh tên là Cường đi qua đường Trần Khát Chân gặp vụ việc, cũng đã dừng xe xuống tham gia đánh anh Maxwell.
Lãnh đạo Công an quận Hai Bà Trưng, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời, cho biết sau khi có kết quả giám định thương tích của bị hại sẽ thực hiện các bước tố tụng tiếp theo để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ việc nhận sự quan tâm nhiều của cộng đồng mạng. Một độc giả BBC Vietnamese Facebook viết:
“Một tình trạng báo động văn hoá bạo lực xảy ra khi va chạm giao thông rất nhiều vụ chém chết nhau chỉ vì va chạm giao thông rất nhỏ nhưng những cái đầu nóng không giữ được bình tĩnh. Cần nghiêm trị những hành động côn đồ khi va chạm giao thông.”
Một người khác viết “Sao vụ Phan Hùng tung clip đánh phụ nữ dã man ko thấy khởi tố mà vụ này đánh đâu thấy ghê đâu mà khởi tố nhỉ? Lẽ nào pháp luật có khác đối với các nạn nhân nhỉ?”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40426798
TP.HCM: Một cán bộ quận ‘chiếm dụng 54 tỷ đồng’
TP.HCM vừa khiển trách nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú vì xảy ra việc Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận “chiếm dụng hơn 54 tỉ đồng”.
Đây là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng quận.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM nói ông Thi Danh, trưởng ban bồi thường, cùng ông Nguyễn Duy Linh, nguyên kế toán trưởng ban bồi thường, đã bị khai trừ Đảng và bị công an bắt.
Nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú nhiệm kỳ 2010-2015, Huỳnh Văn Hạnh, bị khiển trách.
Nhưng ông Hạnh vẫn đang giữ chức giám đốc sở Tư pháp thành phố.
Phó bí thư quận ủy kiêm chủ tịch UBND quận, cùng một số người khác bị khiển trách.
Theo thông báo, ông Thi Danh và ông Nguyễn Duy Linh đã lập khống nhiều hồ sơ để chi tiền bồi thường cho các đối tượng khác nhau, và chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
http://www.bbc.com/vietnamese/40431961
Dự báo hạn hán đối với Đồng bằng Sông Cửu Long
Sẽ có hơn nửa triệu hectare ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi hạn hán từ đây cho đến năm 2030.
Thông tin này được đưa ra trong một cuộc hội thảo khoa học mang tên Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thay đổi lũ và phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long, do trường Đại học An Giang phối hợp tổ chức với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của tỉnh này. Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia của các viện và trường từ Cần Thơ và Sài Gòn.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ thì trong 20 năm qua mỗi năm số lượng phù sa về đồng bằng Cửu long giảm đi đến 2,3%.
Lượng nước lũ về đồng bằng Cửu Long cũng giảm đi rất nhiều.
Theo các chuyên gia thì việc giảm lượng phù sa, cộng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu, việc khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa sẽ làm cho đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún mạnh hơn.
Đan viện Thiên An bị tấn công, dọa ‘đánh chết’ đan sĩ
Sáng ngày 28/6, Đan viện Thiên An, Huế, bị một nhóm khoảng 150 người tự xưng là “nhân dân đi thực thi công lý” cùng với một số lãnh đạo chính quyền mặc thường phục tấn công, đập phá nát thánh giá và hành hung, gây thương tích cho rất nhiều đan sĩ.
Kể lại sự việc với VOA vào tối cùng ngày, Đan sĩ Giuse Maria Chữ Mạnh Cường cho biết:
“Vào lúc khoảng 7:45, chính quyền họ đi vào trong khu vực của Đan viện Thiên An, kéo theo rất đông, các thầy áng chừng khoảng trên dưới 150 người, trong đó có rất nhiều hội đoàn mà chính các thầy đã nhìn tận mặt được. Họ không mặc quân phục, không vào làm việc với nhà dòng, mà cứ dẫn người vào để phá cây Thánh Giá”.
Các đan sĩ cho biết cây thánh giá trên Đồi Khổ Nạn trong khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện, hai năm trước đã bị đánh cắp và đập phá, đã được các đan sĩ tìm thấy gần một con suối gần đó và dựng lại để khách hàng hương đến viếng.
Đan sĩ Cường cho biết nhóm người tấn công tỏ ra rất hung hãn dưới sự chỉ đạo của các giới chức chính quyền mặc thường phục, trong đó có trưởng, phó công an xã Hương Thủy, các ban ngành, các quan chức phụ trách về vấn đề đất đai…
“Họ điều khiển một khối lượng các côn đồ tay mang hung khí, rồi có cả hội phụ nữ nữa. Một mặt các thanh niên xô lên đạp đổ thánh giá. Các thầy thì cứ lặng lẽ lên để ôm thánh giá thôi chứ không làm gì cả. Trong lúc lên như vậy thì họ đánh, đạp, xô đẩy… Cảnh tượng rất hỗn loạn và các thầy bị đánh đập rất nhiều”.
Chính lãnh đạo của nhóm đó tuyên bố to trước mặt mọi người rằng ‘Bắt đầu từ bây giờ, một đan sĩ nào ra khỏi tu viện Thiên An là đánh cho chết’.
Đan sĩ Giuse Maria Chử Mạnh Cường.
“Có khoảng 40 đan sĩ hiện diện lúc đó. Nhưng số lượng họ đông hơn và họ lại được phép đánh mình. Họ dùng cả gậy gộc, tuýp nước, lưỡi cưa nhỏ để cưa vào tay các thầy nếu các thầy ôm cây thánh giá”.
“Các đan sĩ cảm nhận được là hôm nay các anh công an, bên chính quyền Cộng sản, họ bộc lộ hết tất cả những gì tồi tệ nhất mà họ có thể làm được là họ làm với các đan sĩ. Chính lãnh đạo của nhóm đó tuyên bố to trước mặt mọi người rằng ‘Bắt đầu từ bây giờ, một đan sĩ nào ra khỏi tu viện Thiên An là đánh cho chết”.
Các đan sĩ cho biết vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, công an đã tụ tập xung quanh khu vực đan viện và ngăn cản, không cho bất cứ du khách hay bất cứ ai đi vào khu vực của đan viện.
Đan sĩ Peter Monica Nguyễn Văn Chinh kể với VOA:
“Cùng một nhóm người đó chiều nay họ lại về uy hiếp Đan viện Thiên An để cho một xe múc mở thông một con đường [trong phần đất của đan viện], và bây giờ họ đã làm xong nửa con đường rồi. Họ phá trụi cây. Cây thông, cây tràm, cây keo của các thầy họ phá bỏ hết. Họ mở hẳn một con đường để khống chế Đan viện Thiên An”.
“Bên này thì xe múc đào, còn phía bên kia đường thì họ cho xe vận tải cỡ lớn múc đất đổ ngay bờ ngăn nước của đan viện. Trên đó là hồ nước cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu của đan viện”.
Đan viện Thiên An, được mệnh danh là “Đà Lạt trên đất Huế”, tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu mà đan viện đã có từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền “tiếp quản” từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-vien-thien-an-bi-tan-cong-doa-giet-chet-dan-si/3919666.html
Vụ nhà báo Duy Phong viết về Yên Bái
Ngày 22 tháng 6 năm 2017, nhà báo Lê Duy Phong, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam bị công an tỉnh Yên Bái bắt giữ tại một nhà hàng với cáo buộc ông Phong tống tiền một doanh nghiệp. Ông Phong là người đã phanh phui vụ biệt phủ của giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, ông này là em ruột của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Việc ông Phong bị bắt đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau và mối hoài nghi ông Phong bị gài thế đang là luồng dư luận mạnh nhất hiện nay.
Nhà báo nói gì?
Nhà báo Trương Duy Nhất là nhà báo độc lập, chủ trang blog Một Góc Nhìn Khác, chia sẻ: “Ông Lê Duy Phong đó, sao mình biết được vì tình trạng nhà báo tống tiền hàng loạt, quá phổ biến ấy mà. Mà về chính quyền thì ai rõ ràng ai cũng phải đặt dấu hỏi vì ông này đang điều tra hai vụ án lớn dính đến quan chức. Mà sao nếu nhận hối lộ thì bên kia đưa seri tiền lên rồi khởi tố thì sao không khởi tố tội nhận hối lộ mà khởi tố vụ lạm dụng quyền hạn. Vì nếu khởi tố tội nhận hối lộ sẽ phải khởi tố người đi hối lộ, vậy nó lòi ra hết thì sao. Chứ ông Phong làm gì mà lạm dụng quyền hạn, vậy nên người ta đặt ra dấu hỏi, chứ thực sự làm sao mình dám khẳng định thế nào đâu.”
Nhà báo này chia sẻ thêm rằng khả năng ông Phong bị gài thế là rất cao, bởi có những tín hiệu cho thấy điều đó, từ việc loan khống số tiền từ 50 triệu đồng lên 250 triệu đồng trong khi thực tế chỉ có 50 triệu đồng trên bàn nhậu, lúc này ông Phong đã ở trạng thái say rượu là một vấn đề mờ ám.
Và một khi số tiền từ 50 triệu đồng lên 250 triệu động thì mức độ hình phạt sẽ khác nhau hoàn toàn, sự vụ đang bị bóp méo từ chỗ đút lót, hối lộ nhà báo sang chỗ nhà báo tống tiền doanh nghiệp. Và nếu thực sự ông Phong tống tiền doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã đưa tiền cho ông Phong phải trưng ra đầy đủ các bằng chứng họ bị tống tiền. Nếu không, họ phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống cũng như việc đã gài thế nhà báo như thế nào. Nhưng một khi công an không điều tra một cách nghiêm túc thì cũng khó mà minh oan cho ông Phong được.
Hiện tại, Công an tỉnh Yên Bái khẳng định, ông Phong đã lợi dụng hoạt động báo chí để “cưỡng đoạt tài sản” và vì vậy đã tạm giữ ông Phong để điều tra thêm. Bởi ông Phong chính là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động. Loạt bài đầu tiên đề đề cập đến tư dinh của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước, sân chơi thể thao…
Ngoài những nghi vấn về khả năng tài chính khổng lồ của một giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường có thể có để xây dựng biệt phủ, một vấn đề khác đáng chú ý hơn là loạt bài của ông Phong đã đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng trong khi các thủ tục này phải đòi hỏi thời gian rất lâu và đất ruộng, đất rừng theo qui định của luật nhà đất Việt Nam hiện hành là không được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đất xây dựng nếu đó không phải là công trình mang tính phúc lợi xã hội.
Đương nhiên là nhà của ông Quý, giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường là công trình tư nhân, không có bất kì chút lợi lộc nào cho cộng đồng, nếu không muốn nói nó đã lấy mất đi nhiều phần rừng và ruộng của toàn dân.
Loạt bài thứ hai của ông Phong đề cập đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Trong đó, quy mô và giá trị của dinh ông Chiêu còn lớn hơn dinh ông Quý. Tầm vóc thuộc hàng lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn rất bề thế ở tỉnh này.
Nhà báo chân chính ở đâu?
Một nhà báo không muốn nêu tên, chia sẻ: “Cái này khó nói lắm vì người họ phục vụ đâu phải là độc giả. Bởi vì người nuôi sống họ là nhà nước và doanh nghiệp mà họ hù dọa được. Nói tóm lại là họ tồn tại dựa vào nhà nước và quảng cáo. Thành ra họ coi độc giả đâu được gram nào. Một nhà báo chân chính phải coi quyền lợi độc giả là trên hết, sự thật là trên hết vì độc giả là người nuôi mình. Như luật sư coi thân chủ là thượng đế thì nhà báo phải coi độc giả là thượng đế, phải phục vụ cho độc giả, đơn giản vậy thôi.”
Câu chuyện về nhà báo Lê Duy Phong gặp nạn khi nhậu cũng là một câu chuyện đáng bàn. Mà ở đây, có hai khía cạnh cần nhắc đến, đó là nguồn sống của nhà báo và vấn đề nhà báo quan tâm nằm ở đâu?
Ở khía cạnh nguồn sống của nhà báo phục vụ nhà nước, vị này nói rằng sẽ rất khó để tìm ra một nhà báo thực sự quan tâm đến độc giả và đối tượng viết, hay nói cách khác là quan tâm đến sự thật. Bởi nguồn sống của phóng viên nhà nước hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước, họ phải phục vụ nhà nước. Bên cạnh đó, họ phải phục vụ các doanh nghiệp để lấy nguồn tiền từ quảng cáo và từ một số yếu tố mang tính chất quà cáp, biếu xén, bánh ít trao đi bánh qui trả lại.
Và ngay cả vấn đề nổi cộm mà một nhà báo lớn đề cập cũng có vấn đề nốt. Bởi hầu hết các bài viết phanh phui tài sản của các quan chức đều nằm trên lộ trình đánh đấm của các phe phái. Một nhà báo không có chỗ tựa lưng về mặt quyền lực nhà nước sẽ không bao giờ dám viết bài đụng đến quan chức nhà nước, và một tờ báo không có sự ủng hộ của phe phái chính trị thì sẽ không bao giờ dám cả gan đăng tải những bài viết đụng chạm đến giới quan chức.
Nếu có chăng, thì việc này thuộc về các tờ báo quốc tế và hải ngoại, họ không có quyền lợi liên đới trong việc phanh phui. Nhưng rất tiếc là không dễ gì có cơ hội cho một phóng viên hải ngoại hay quốc tế tham gia điều tra thông tin để viết bài dưới cơ chế nhà nước hiện tại.
việc nhà báo Lê Duy Phong đã mạnh dạn phanh phui vụ hai biệt phủ của Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường và Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái là một sự dũng cảm. Tờ Giáo Dục Việt Nam đăng tải loạt bài của anh Phong cũng là một sự dũng cảm.
Nhưng sự dũng cảm này chỉ có giá trị một khi anh Phong không nhận hối lộ từ doanh nghiệp và anh Phong bị vu khống. Cũng như sự dũng cảm của báo Giáo Dục Việt Nam chỉ có giá trị khi sau lưng nó không có thế lực chính trị hay phe phái nào ủng hộ nhằm đánh úp đối phương. Suy cho cùng, vị thế của một nhà báo trong hệ thống hơn 18000 người viết báo trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam nghe ra có nhiều vấn đề đáng buồn hơn là đáng tự hào.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
‘Lo ngại đổ bùn thải gần Hòn Cau gây hại thủy sản, rạn san hô’
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho một công ty điện lực đổ gần 1 triệu mét khối bùn, cát gần một khu bảo tồn biển thuộc tỉnh Bình Thuận, theo báo chí Việt Nam hôm 28/6. Chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh nói có những lo ngại rằng việc đổ bùn gây hại đến thủy sản và rạn san hô.
Tin cho hay giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” gần 920.000 m3 các chất được nạo vét từ vũng quay tàu và bến chuyên dùng phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Giấy phép nêu ra tỉ lệ thành phần được nạo vét gồm 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích… Hiệu lực của giấy phép kéo dài từ 23/6 cho đến hết tháng 10 năm nay.
Theo báo chí trong nước, giấy phép quy định nơi đổ số vật liệu nạo vét là vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tổng diện tích khu vực này là 30 hectare mặt nước biển, trong đó nơi sâu nhất là hơn 36 mét.
Các báo không cho biết tọa độ cụ thể của vùng biển. Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty điện lực Vĩnh Tân 1 đã đề xuất nơi đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý (5,5 kilomet), khá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Giấy phép yêu cầu rằng những vật liệu đem đổ xuống biển phải đảm bảo không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn liên quan.
Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu nhiều cơ quan khác nhau giám sát và quan trắc để đảm bảo an toàn về môi trường khi thực hiện việc đổ.
… về phía những người dân ở đấy người ta cũng có nói về câu chuyện là nguồn lợi thủy sản ở đây người ta rất băn khoăn. Bùn thải đấy liệu có độc tố gì, và có ảnh hưởng gì không, thì họ chưa có câu trả lời. Có một vấn đề nữa là rạn san hô ở bên dưới là mối băn khoăn nhất của bên bảo tồn. Họ lo là bùn thải đổ xuống sẽ có tác động đến rạn san hô
bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Green ID
Mặc dù vậy, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), nói vẫn có những lo ngại về tác động của việc này. Hồi tháng trước, bà và một số chuyên gia khác đã đến Bình Thuận, gặp gỡ dân địa phương để tìm hiểu. Bà nêu ra đánh giá với VOA:
“Với một quyết định như vậy, về phía công chúng, có sự quan tâm muốn biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở là những giải pháp để kiểm soát tác động đã được minh chứng hay chưa. Và nếu có tác động xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Còn về phía những người dân ở đấy người ta cũng có nói về câu chuyện là nguồn lợi thủy sản ở đây người ta rất băn khoăn. Bùn thải đấy liệu có độc tố gì, và có ảnh hưởng gì không, thì họ chưa có câu trả lời. Có một vấn đề nữa là rạn san hô ở bên dưới là mối băn khoăn nhất của bên bảo tồn. Họ lo là bùn thải đổ xuống sẽ có tác động đến rạn san hô”.
Hồi đầu tháng 11 năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nói nếu cho phép công ty nhiệt điện đổ chất thải từ nạo vét luồng lạch xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Sở đã đề nghị không thực hiện đổ xuống biển mà tìm phương án khác.
Cũng vào thời gian đó, một số nhà khoa học cảnh báo việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô, các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn Hòn Cau – được thành lập từ năm 2008 – có thể bị xoá sổ.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau – có diện tích 12.500 ha – là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 kilomet với gần 234 loại san hô.
Luật sư tiên liệu bloger Mẹ Nấm nhận mức án nhẹ nhất
Theo kế hoạch, vào sáng 29/6/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” chiểu theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Một luật sư bào chữa cho bà bày tỏ hy vọng bà sẽ nhận mức án nhẹ nhất.
Có 4 luật sư sẽ bào chữa cho bà Như Quỳnh là các ông Võ An Đôn, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân và Nguyễn Khả Thành.
Hồi đầu tháng 10/2016, chính quyền Khánh Hòa đã bắt giữ Như Quỳnh, blogger đã viết và đăng trên internet rất nhiều bài với bút danh Mẹ Nấm nói về hiện thực xã hội và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
Luật sư Võ An Đôn nói với VOA về hướng bào chữa cho nữ blogger mà ông và 3 đồng nghiệp sẽ theo đuổi:
“Cáo trạng quy kết là Mẹ Nấm có những bài viết trên Facebook bị cho là tuyên truyền chống nhà nước. Nhưng qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi thấy các bài viết của Mẹ Nấm trên Facebook cũng như các trang blog đều hoàn toàn đúng sự thật và không chống nhà nước như cáo buộc của Viện kiểm sát. Do đó chúng tôi sẽ bào chữa theo hướng là vô tội”.
Tôi dự đoán phiên tòa ngày mai sẽ xử chị Quỳnh – dù bị truy tố với mức án nặng từ 3 đến 12 năm – vẫn có thể tin là chị sẽ chịu mức án thấp nhất. Bởi vì việc Như Quỳnh viết blogger không có gì sai trái, và sự can thiệp mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế cũng như cộng đồng, cho nên tòa án sẽ xử chị Quỳnh với mức án nhẹ nhất
luật sư Võ An Đôn
Mặc dù vậy, lưu ý đến thực tế xét xử của các tòa Việt Nam về các vụ liên quan đến chính trị, luật sư Đôn cho rằng nữ blogger khó được tuyên vô tội. Nhưng ông Đôn dự báo về một mức án nhẹ:
“Tôi dự đoán phiên tòa ngày mai sẽ xử chị Quỳnh – dù bị truy tố với mức án nặng từ 3 đến 12 năm – vẫn có thể tin là chị sẽ chịu mức án thấp nhất. Bởi vì việc Như Quỳnh viết blogger không có gì sai trái, và sự can thiệp mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế cũng như cộng đồng, cho nên tòa án sẽ xử chị Quỳnh với mức án nhẹ nhất”.
… trước đây, thời gian dài bị giam ở tại trại giam huyện Cam Lâm thì sinh hoạt rất là khó khăn. Bảy tuần liền chỉ ăn cá nục và canh mùng tơi. Chị Quỳnh đã tuyệt thực 15 ngày phản đối việc đó. Hơn nữa, trại giam này không cho chị mặc đồ lót và dùng băng vệ sinh. Vì lý do đó cuộc sống rất là gian khổ
luật sư Võ An Đôn
Vài ngày trước khi phiên xét xử diễn ra, luật sư Đôn đã vào nhà giam của công an tỉnh Khánh Hòa gặp bà Như Quỳnh để bàn bạc về phiên tòa. Ông cho VOA biết bà Quỳnh được đưa về nhà giam hiện nay cách đây hơn một tháng. Nơi này có điều kiện giam giữ khá hơn so với nơi bà bị giam trước đó. Ông nói:
“Khi gặp thì Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết là sức khỏe bình thường. Nhưng mà trước đây, thời gian dài bị giam ở tại trại giam huyện Cam Lâm thì sinh hoạt rất là khó khăn. Bảy tuần liền chỉ ăn cá nục và canh mùng tơi. Chị Quỳnh đã tuyệt thực 15 ngày phản đối việc đó. Hơn nữa, trại giam này không cho chị mặc đồ lót và dùng băng vệ sinh. Vì lý do đó cuộc sống rất là gian khổ”.
VOA được biết phiên xét xử ngày 29/6 sẽ chỉ có hội đồng xét xử, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các luật sư bào chữa. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, cách đây gần 10 ngày đã nhận thông báo từ một thư ký tòa án rằng “gia đình không được dự phiên tòa”.
Bà Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, từng được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế vinh danh về những hoạt động cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Gần đây nhất, vào tháng 3/2017, Mẹ Nấm được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh với “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế”.
Trước đó, bà được trao giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Người bảo vệ Quyền Dân sự năm 2015, và giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010.
https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-tien-lieu-me-nam-nhan-muc-an-nhe-nhat/3919438.html