Tin Việt Nam – 27/12/2014
HRW nói CSVN dùng côn đồ trấn áp nhân quyền
Giám đốc Á châu của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa lên tiếng tố cáo CSVN dùng côn đồ để trấn áp nhân quyền.
Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat hôm 27/10, ông Brad Adams mở đầu với những câu:
“Điều gì tệ hại hơn, bị bỏ tù hay bị đánh đập? Đây là câu hỏi mà các nhà hoạt động ở Việt Nam cân nhắc vào Ngày Nhân quyền Quốc tế trong tháng này.
“Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù người dân vì khác chính kiến trong hơn nửa thế kỷ qua. Gần đây chính quyền cố thuyết phục các chính phủ và các nhà ngoại giao rằng họ đã độ lượng hơn và chỉ ra rằng các vụ bắt những người chỉ trích đã giảm đi.”
Mặc dù vậy ông Adams nói ít nhất 29 nhà hoạt động và blogger trong đó có hai blogger có tiếng, Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Quang Lập đã bị bắt trong năm 2014.
Nhưng cáo buộc chính của bài viết là chính quyền ở Hà Nội đã dùng côn đồ để trấn áp những người mà họ không bỏ tù.
“Côn đồ, có vẻ như là nhân viên chính quyền mặc thường phục, đã bắt đầu tấn công những người bất đồng chính kiến, thường là [tấn công] công khai, mà hoàn toàn không chịu hậu quả gì.
“Gần đây nhất, hôm 9/12, blogger Nguyễn Hoàng Vi ở thành phố Hồ Chí Minh đang đi về nhà thì bị một nhóm nam và nữ giới chặn được, túm tóc và đấm túi bụi.
“Hàng chục người trong đó có cả các nhân viên an ninh của chính quyền đóng bên ngoài nhà Vi đã đứng nhìn và không can thiệp.
“Khi một lái xe taxi định chở Vi tới bệnh viện thì lực lượng an ninh can thiệp và đòi đưa cô về nhà.”
CSVN luôn bác bỏ các cáo buộc về chuyện họ trấn áp những người bất đồng chính kiến.
‘Xô đẩy Tổng lãnh sự’
Ngoài vụ việc đối với blogger Nguyễn Hoàng Vi, ông Brad Adams cũng nêu những vụ trấn áp với hình thức tương tự đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Huỳnh Ngọc Tuấn và Huỳnh Trọng Hiếu.
Bênh cạnh đó là những cuộc tấn công khác nhắm vào các nhà hoạt động Trần Thị Thúy Nga và Trương Minh Đức.
Ông Adams cũng nói ngay cả Tổng Lãnh sự Pháp ở Saigon cũng bị xô đẩy khi ông tới nơi diễn ra một vụ chạm trán giữa các nhà hoạt động và côn đồ.
Vị Giám đốc Á châu của Human Rights Watch viết:
“Không ai bị buộc tội trong những vụ này. Hầu hết các vụ tấn công xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật và trước mặt những người khác.
“Cảnh sát mặc sắc phục không can thiệp, nhiều khả năng vì họ tin rằng những kẻ tấn công là nhân viên chính quyền.
“Toan ngăn chặn các cuộc tấn công, đúng ra là một quyết định duy nhất đúng về mặt nghề nghiệp và đạo đức đối với một cảnh sát, lại quá mạo hiểm và có thể làm họ mất việc hoặc tệ hơn.”
Cuối bài ông Adams nói cho dù châu Âu và Nhật Bản muốn tăng cường buôn bán và Hoa Kỳ muốn có quan hệ gần gũi hơn với CSVN để đối trọng với Trung Cộng, họ cũng “cần nhớ rằng các chính phủ tốt nhất và ổn định nhất là các chính phủ tạo không gian an toàn cho tự do ngôn luận chứ không phải các chính phủ đánh đập hay bỏ tù những người bày tỏ chính kiến.”
Human Rights Watch và một số tổ chức theo dõi nhân quyền khác từng bị CSVN liệt vào các tổ chức “có dụng ý xấu” đối với chính quyền Hà Nội. – Theo BBC
Tên lửa từ tàu ngầm CSVN đủ sức tấn công miền nam Trung Cộng – Diều hâu Đài Loan muốn triển khai hộ tống hạm “sát thủ” ở Biển Đông
Vào lúc hạm đội tàu ngầm CSVN đang ngày càng rõ nét, giới chuyên gia quân sự đã quan tâm nhiều hơn đến hỏa lực của loại vũ khí mới này. Báo mạng Đài Loan Want China Times hôm nay 27/12/2014, đã trích một bài viết trên tạp chí nghiên cứu quốc phòng hoa ngữ Hán hòa (Kanwa), trụ sở tại Canada, nêu bật khả năng tên lửa đạn đạo bắn đi từ tàu ngầm Kilo của CSVN đủ sức vươn tới Tổng hành dinh của Hạm đội Nam Hải Trung Cộng (TC) tại Trạm Giang.
Theo tạp chí nghiên cứu quốc phòng Kanwa, với một tầm hoạt động 280 km, tên lửa đạn đạo loại 3M-14E Klub-S trên tàu ngầm CSVN từ Vịnh Cam Ranh có thể tấn công vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông của TC.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Andrei Chang (còn có bút hiệu là Pinkov), với loại tên lửa 3M-14E của Nga, sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636MV của CSVN mạnh hơn hẳn loại tàu Kilo mà TC cũng mua của Nga, chỉ được trang bị loại tên lửa 3M-54E, có tầm bắn 220 km.
Chuyên gia Andrei Chang nhấn mạnh: Hiện nay Nga chỉ cho phép xuất khẩu loại tên lửa 3M-14E cho Algeri, Ấn Độ và CSVN mà thôi. Nếu chiến sự bùng lên giữa TC và CSVN, có rất nhiều khả năng Hải quân CSVN đưa tàu ngầm của mình đi đầu trong chiến lược đối phó với Hải quân TC, và các tên lửa 3M-14E có thể được sử dụng trong sự phối hợp với các vệ tinh để đối phó với Hạm đội Nam Hải của TC đặt bản doanh tại Trạm Giang ở Quảng Đông.
Sở dĩ CSVN được Nga ưu tiên, đó là vì CSVN không có truyền thống quay cóp công nghệ học được chuyển giao, trái với trường hợp của TC. Ngoài Nga, CSVN có Ấn Độ là đồng minh chính trong khu vực, và trong lãnh vực tàu ngầm, Ấn Độ có thể giúp đỡ thêm cho CSVN, thậm chí còn tốt hơn Nga vì lẽ Ấn Độ có thêm kinh nghiệm cho tàu ngầm Kilo hoạt động trong vùng biển có nhiệt độ tương tự với vùng Biển Đông.
Trong những ngày gần đây, tiến trình Nga cung cấp tàu ngầm cho CSVN đã tăng tốc rõ rệt. Từ sau hợp đồng mua 6 chiếc Kilo ký kết năm 2009, đến nay CSVN đã được bàn giao ba chiếc, chiếc thứ tư đang trên đường từ Nga về Cam Ranh, chiếc thứ năm sẽ được hạ thủy ngày mai, 28/12/2014, để bắt đầu việc chạy thử, và theo báo chí Nga, công việc đóng chiếc Kilo thứ sáu đã khởi sự từ cuối tháng Năm vừa qua.
Cũng trong lãnh vực phòng thủ Biển Đông, Không quân CSVN được cho là cũng sắp triển khai tại Cam Ranh các chiến đấu cơ Su-30MK2 đầu tiên vừa mua từ Nga. Theo kế hoạch, đến năm 2015, CSVN có tổng cộng 32 chiếc Su-30MK2 trong khu vực, giúp CSVN tăng cường năng lực tung lực lượng chống lại TC tại vùng Biển Đông.
Liên quan quân sự ở Biển Đông, ngày 23/12/2014, Hải quân Đài Loan chính thức tiếp nhận chiếc Đà Giang, hộ tống hạm tự chế tạo đầu tiên, được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Theo báo chí Đài Loan ra ngày hôm nay 27/12, giới lãnh đạo Hải quân Đài Loan trong tuần đã không loại trừ khả năng triển khai chiến hạm đời mới đó xuống vùng Trường Sa tại Biển Đông.
Theo báo Anh ngữ Taipei Times, trả lời chất vấn của các dân biểu, Tham mưu trưởng Hải quân Đài Loan Tiêu Duy Dân (Hsiao Wei-min) xác định rằng chiếc hộ tống hạm tàng hình trang bị tên lửa này chỉ cần một ngày hải hành là đến được tiền đồn quân sự của Đài Loan trên đảo Itu Aba (Đảo Ba Bình mà Đài Loan gọi là Thái Bình) ở vùng quần đảo Trường Sa.
Hòn đảo tự nhiên lớn nhất vùng Trường Sa này là thực thể địa lý duy nhất do Đài Loan kiểm soát, nằm cách Đài Loan khoảng 1600 km. Trên đảo có một đơn vị Tuần duyên Đài Loan thường xuyên đồn trú, canh giữ một đường băng dùng cho phi cơ quân sự, một trạm radar, một bến cảng cũng nhiều loại thiết bị và vũ khí khác.
Cùng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nghiêm Minh (Yen Ming), Tham mưu trưởng Hải quân Đài Loan đã giải đáp thắc mắc của Quốc hội đến từ các dân biểu Thái Hoàng Lang (Tsai Huang-liang), thuộc Đảng Dân Tiến đối lập, cùng với Giang Khải Thần (Johnny Chiang) và Lâm Úc Phương (Lin fu –fang) thuộc Quốc Dân Đảng.
Theo báo Tapei Times, Giang Khải Thần đã viện lý do CSVN đã triển khai các tên lửa cầm tay và vũ khí tiên tiến trên một hòn đảo lân cận để đòi chính quyền Đài Loan cho hộ tống hạm đời mới đặt căn cứ tại Ba Bình: “Chúng ta phải tăng cường hỏa lực trên hiện trường để ngăn chặn các mối đe dọa như vậy. Vì vậy, tôi yêu cầu quân đội phái một hoặc hai hộ tống hạm lớp Đà Giang đến trú đóng tại căn cứ Thái Bình trên cơ sở lâu dài”.
Còn dân biểu Lâm Úc Phương thì kêu gọi tăng cường hỏa lực trên các hộ tống hạm đời mới dự định phái đến Ba Bình bằng cách trang bị thêm loại tên lửa hành trình chiến thuật Hùng phong 2E, bên cạnh các tên lửa chống hạm truyền thống. Theo nhân vật này, điều đó sẽ “nâng cao sức tấn công của các chiếc tàu, tăng cường khả năng răn đe địch thủ”.
Dân biểu Giang Khải Thần và nhất là ông Lâm Úc Phương thường được xếp vào diện chính khách diều hâu tại Đài Loan, đã nhiều lần cảnh báo về điều được họ gọi là mối đe dọa đến từ Việt Nam ở vùng Trường Sa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết là chưa có kế hoạch triển khai hộ tống hạm lớp Đà Giang đến đảo Ba Bình. Tuy vậy, Nghiêm Minh không loại trừ khả năng đó trong tương lai khi xác nhận rằng Đài Bắc đang xây dựng trên đảo Ba Bình một cầu tàu mới và đang mở rộng đường băng dùng cho phi cơ. – Theo RFI
CSVN phát hành thêm 1 tỷ đôla trái phiếu
CSVN sắp phát hành thêm một tỷ đôla trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, Bộ Tài chính nước này cho biết.
Thông tin trên được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra tại một hội nghị hôm thứ Tư, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
“Sắp tới, nếu không có gì thay đổi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát hành thêm 1 tỷ đôla trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với kỳ hạn 10 năm nhằm tái cơ cấu nợ công”, Dũng được dẫn lời nói.
Trước đó, hồi tháng 11, chính phủ cũng đã phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu ra thị trường quốc tế, cũng với kỳ hạn 10 năm và lãi suất cố định 4,8% một năm.
Mức tín nhiệm trái phiếu chính phủ của CSVN được Moody’s đánh giá là B1 và được Standard & Poor’s xếp vào hạng BB-, với triển vọng ổn định.
Dũng không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho lần phát hành trái phiếu tới.
Hà Nội từng huy động 750 triệu đôla thông qua phát hành trái phiếu chính phủ vào năm 2005.
Số trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2016. Tuy nhiên, do Vinashin được cho vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ.
Trong năm 2010, Hà Nội tiếp tục phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất 6,75%/năm.
Số tiền này sau đó được cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines vay lại.
Bảo đảm an toàn nợ công
CSVN sẽ không vay nợ ngắn hạn từ nước ngoài với lãi suất cao để cân bằng ngân sách trong năm 2015, Dũng được dẫn lời nói.
Nguyên nhân của quyết định trên là để đảm bảo nợ công ở mức an toàn, ông cho biết thêm.
Trước đó, trong một báo cáo trước Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nợ công sẽ tăng đến 60,3% đến cuối năm 2014, cao hơn mức 54,2% hồi năm ngoái, nhưng vẫn nằm trong mức cho phép.
Nợ nước ngoài được dự đoán là sẽ tăng lên 39.9% so với GDP vào cuối năm 2014, cao hơn so với mức 37,3% năm ngoái, theo một báo cáo của chính phủ.
Mức này được dự đoán là sẽ tăng đến 64,9% vào năm 2016 trước khi giảm xuống còn 60,2% vào năm 2020. – Theo BBC