Tin Việt Nam – 27/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/11/2018

Tổng Giám đốc dầu khí Nghệ An

giúp đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài bị bắt

Ông Đường Hùng Cường, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại dầu khí Nghệ An bị bắt hôm 21-11 do liên quan đến đường dây đưa ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.

Mạng báo Tuổi Trẻ ngày 27/11 dẫn nguồn tin giấu tên từ Công an Nghệ An cho hay, việc bắt giữ thực hiện bởi Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an sau đó cùng với công an tỉnh này khám xét nhà ông Cường tại xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An).

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc thường trực công ty dầu khí Nghệ An lại cho biết, chưa nhận được thông báo chính thức từ Công an về việc bắt ông Cường.

Ông Đường Hùng Cường, năm nay 41 tuổi, có trình độ Kiến trúc sư và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế. Ông này giữ chức Tổng Giám đốc công ty dầu khí Nghệ An từ tháng 11 năm 2009 cho đến nay.

Theo báo “The Guardian” của Anh, ông Trịnh Xuân Thanh mang hộ chiếu ngoại giao đã bỏ trốn qua Lào vào khoảng cuối tháng 7/2016, ông đến Thái Lan, sau đó sang Thổ Nhĩ Kỳ để tới nước Đức.

Ngày 31/7/2017, báo chí nhà nước loan tin việc nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đột nhiên xuất hiện tại Trực ban hình sự Bộ Công an tại Hà Nội đầu thú.

Nước Đức sau đó cáo buộc các mật vụ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Thanh tại Berlin hôm 23/7 năm ngoái.

Vụ việc này gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Châu Âu như Đức, Slovakia…

Hôm 25/7/2018, Tòa án Đức tuyên án 3 năm 10 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Hải Long, quốc tịch Séc vì bị cáo buộc tham gia trợ giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.

Ông Trịnh Xuân Thanh hồi đầu năm 2018 bị tuyên 2 án chung thân với tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, và “Tham ô tài sản” xảy ra tại công ty PVN và PVC.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ceo-arrested-for-helping-txt-fled-vn-11272018084746.html

 

Xử giám đốc thẩm

vụ lùi xe trên cao tốc làm 4 người chết

Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội dự kiến ngày 30/11 sẽ xem xét vụ án lùi xe trên cao tốc khiến bốn người tử vong theo thủ tục giám đốc thẩm.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 27/11.

Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 19/11/2016, anh Lê Ngọc Hoàng tài xế đang lái chiếc container trên cao tốc với tốc độ khoảng 60 km/h thì thấy chiếc xe khách Innova do tài xế Ngô Văn Sơn đang đi lùi để tránh nút giao thông.

Hồ sơ vụ án nói Anh Lê Ngọc Hoàng không giảm phanh tốc độ, cũng không thể chuyển làn vì có ô tô phía sau vượt lên nên tông thẳng vào xe Innova từ phía sau khiến 4 người thiệt mạng tại chỗ.

Trong phiên tòa phúc thẩm hôm 2/11, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho rằng bị cáo Hoàng đã “vi phạm khoảng cách an toàn giữa hai xe” và tuyên anh này 6 năm tù và phải bồi thường 400 triệu đồng. Bị cáo Sơn bị tuyên 9 năm tù với cáo buộc được nói là lùi xe ngược chiều trên cao tốc, chở quá số người, và sử dụng rượu bia.

Ngay khi phiên tòa kết thúc, giới tài xế và người dân trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, chia sẻ rộng rãi các bài viết, quan điểm cho rằng bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên là không thuyết phục, vội vàng.

Ngay sau đó, vợ của tài xế container Lê Ngọc Hoàng đã làm đơn kháng cáo gửi các cơ quan chức năng vì cho rằng chồng mình không đi quá tốc độ, không chạy sai làn, không vi phạm tải trọng, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Đến ngày 21/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán xử giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án sơ  thẩm và phúc thẩm trong vụ việc. Theo kháng nghị, tòa Thái Nguyên xử lý bị cáo Ngô Văn Sơn đúng pháp luật nhưng để có bản án khách quan cho Lê Ngọc Hoàng, cần làm rõ nhiều vấn đề.

Theo quan điểm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, cơ quan điều tra chưa làm rõ tốc độ lùi của xe Innova, hướng lùi, chưa xác định vết trượt dài 33m là do xe nào gây ra.

Kháng nghị khẳng định cần phân tích các trường hợp phải giảm tốc độ theo thông tư 91, hiệu lực của 6 biển báo với xe đầu kéo vận chuyển thép.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/case-car-accident-driving-backward-on-superhighway-to-be-reviewed-11272018065122.html

 

Có hay không việc 13 lãnh đạo báo Thanh Niên

bị thôi chức vì không phải đảng viên Cộng sản?

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin 13 lãnh đạo các ban của Báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng Sản.

Nhà văn Nguyễn Viện, Cựu Trưởng ban Văn Nghệ báo Thanh Niên tối ngày 24/11 xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin “13 lãnh đạo các ban của báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng sản” là đúng, nhưng ông cho rằng đây là “việc chẳng đặng đừng”. Ông Nguyễn Viện cho biết ông nhận được thông tin này từ những nguồn tin cẩn ở báo Thanh Niên.

Ngày 26/11, Đài Á Châu Tự Do gửi email tới tòa soạn báo Thanh Niên để hỏi về vụ việc nhưng không nhận được phản hồi.

Các tờ báo nhà nước không đưa dòng nào về vụ việc. Đài Á Châu Tự Do cũng không có nguồn độc lập để xác nhận.

“Thanh Niên có tiền sử chống chủ nghĩa lý lịch”

Ngày 23/11, thông tin từ tài khoản Facebook cá nhân của nhà báo Ngô Thị Kim Cúc từng làm ở tờ báo này cho hay có tổng cộng 13 người thâm niên ở tờ báo này bị xuống chức.

Cụ thể, có 2 Trưởng ban Văn Nghệ và Mạng xã hội là Thu Nga và Kim Trí bị cho thôi chức, các ban còn lại như Giáo dục, Thể Thao, Công tác bạn đọc, Phóng viên Báo Điện tử chức Phó bị “rớt”.

Các ban không quan trọng như Tài vụ hay Quảng cáo, chức vụ Phó ban cũng bị “sờ tới”; riêng Tòa soạn tiếng Anh thì có ông Thế Vinh, Thư ký tòa soạn.

Theo nhà văn Nguyễn Viện, cho đến tối 24/11 những người bị cho thôi chức chưa nhận được văn bản chính thức và xảy ra sự việc nhiều người nòng cốt của tờ báo không phải là đảng viên Cộng sản bắt nguồn từ việc chống chủ nghĩa lý lịch của Tổng Biên tập cũ Nguyễn Công Khế.

Riêng trường hợp báo Thanh Niên sở dĩ xảy ra sự việc như hôm nay là nó có tiền sử của nó, bởi vì trước kia ông Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, có lẽ ổng là người đầu tiên phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa lý lịch. – Nguyễn Viện

“Thông tin đó tất nhiên có lẽ trong tòa soạn thì ai cũng biết, cái lý do gì dẫn đến tình trạng trên thì tôi biết do quy định chung tất cả các Trưởng Phó ban nói riêng hay nói chung, những người tạm gọi là các quan chức trong chính quyền này đều phải là Đảng viên. Riêng trường hợp báo Thanh Niên sở dĩ xảy ra sự việc như hôm nay là nó có tiền sử của nó, bởi vì trước kia ông Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, có lẽ ổng là người đầu tiên phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa lý lịch. Bởi thế khi mà tuyển phóng viên vào Thanh niên hay đề bạt các chức vụ thì không bao giờ báo Thanh Niên đặt vấn đề có đảng viên hay không, hay là lý lịch gốc gác như thế nào mà chủ yếu xét trên năng lực. Và chính vì lý do đó mà nó có hiện tượng là cho đến hôm nay có mười mấy trưởng phó ban không phải là Đảng viên,” nhà văn Nguyễn Viện nói với RFA qua ứng dụng Skype.

Thanh Niên “bị thúc ép”

Hồi tháng 8/2017, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 89 có chữ ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Trong quyết định này thì về mặt chính trị tư tưởng, cán bộ quản lý, lãnh đạo phải “chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”.

Ngoài ra, cán bộ phải “đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân”, một quy định khác mà nhiều người nói tới là “có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

“Những gì mà tôi biết được thì báo Thanh Niên cũng bị thúc ép về vấn đề này, tất là phải làm theo quy định là Trưởng, Phó ban phải là Đảng viên. Mà đến giờ này mới phải thi hành thì tôi nghĩ lý do riêng của nó phải thuộc về tổ chức cơ quan, mà có lẽ mình nhìn cách tổng thể bên ngoài nhìn vào báo Thanh Niên thì hiện nay đây là lực lượng nòng cốt của tờ báo. Trong tình trạng hiện nay mà những người này bị cho thôi chức thì báo Thanh Niên rất khó khăn trong việc điều hành công việc. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay Thanh Niên mới phải thi hành việc này, có lẽ là việc chẳng đặng đừng,” nhà văn Nguyễn Viện nhận định.

Ông Viện cũng cho rằng, giải pháp tạm thời hiện nay là 13 người này vẫn sẽ xử lý các công việc như Trưởng, Phó ban bình thường, tuy nhiên sau này “nếu ai cảm thấy có thể vào Đảng được thì họ sẽ cứu xét và phục chức sau”.

271118_3a “Còn như người nào cảm thấy mình không thích hợp để vào đảng thì họ vẫn giữ lập trường của họ và báo Thanh Niên sẽ kiếm người khác”, nhà văn từng có thâm niên 7 năm ở báo Thanh Niên chia sẻ.

Những lần bị phạt

Báo Thanh Niên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam ra đời vào năm 1986, khi đó gọi là Tuần Tin Thanh niên.

Tháng 7/2017, báo Thanh niên bị Bộ Thông tin & Truyền thông xử phạt 15 triệu đồng vì bị cho là thông tin sai sự thật trong bài “Doanh nghiệp tặng xe sang được tỉnh “xử nhẹ” sai phạm”.

Tháng 12/2016, Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Hoa (Đặng Việt Hoa) bị thu thẻ nhà báo vì đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Một lãnh đạo khác là ông Võ Văn Khối cũng bị thu thẻ nhà báo vì bị xử lý kỷ luật cách chức ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in báo Thanh niên tiếng Việt.

Trước đó vào tháng 10/2016, báo Thanh Niên cùng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố nhiều loại nước mắm của Việt Nam có nhiễm thạch tín gây xôn xao dư luận.

Báo này bị xử phạt 200 triệu trong vụ “mập mờ giữa Arsen hữu cơ và vô cơ”.

Tháng 9/2015, ông Đỗ Hùng – Phó Tổng thư ký toà soạn Báo điện tử Thanh niên bị miễn nhiệm chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo vì viết một bài trên Facebook kể về “cách mạng Việt Nam” với toàn dấu sắc mang tính chất trào phúng.

Cuối năm 2018, đồng sáng lập tờ báo và là Tổng Biên tập có thâm niên nhất Nguyễn Công Khế bị mất chức và điều chuyển sang “giữ ghế” Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim Thanh Niên.

Thanh Niên là một trong số hơn hàng trăm cơ quan báo chí được phép hoạt động ở Việt Nam. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam dù có các tổng biên tập riêng nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chung về nội dung của đảng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/13-managers-of-thanh-nien-newspaper-demoted-for-not-party-members-11272018080634.html

 

Dùng đặc sản động vật quý hiếm:

Thiếu hiểu biết hay phô trương ‘đẳng cấp’

Diễm Thi, RFA

Lại khoe trên mạng ‘ăn óc khỉ, giết chim’!

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội facebook lan truyền hình ảnh một thanh niên cầm hai con chim được cho là chim Hồng Hoàng, một loài chim trong danh mục động vật quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; và một video clip chiếu cảnh một nhóm người giết khỉ để lấy óc ăn sống.

Những hình ảnh như thế nhận nhiều chỉ trích của xã hội vì tính chất tàn bạo của con người cũng như ý thức bảo vệ động vật hoang dã quá kém.

Nhận định về việc này, nhà báo Đỗ Cao Cường, hiện ở Hải Phòng, từng là phóng viên báo Pháp Luật và nổi tiếng với những phóng sự về môi trường nói với RFA rằng tất cả là do con người không được giáo dục một cách nhân văn:

Khi đối xử với con vật, ngay cả bạn thân nhất với con người là con chó thì họ nuôi từ bé tới lớn, rồi sau đó lại ăn thịt luôn con chó mình nuôi. Điều đó đã trở nên bình thường. – Đỗ Cao Cường

“Cái ý thức của người dân Việt Nam thì có cũng tùy người, tùy môi trường sống và tính cách của từng người. Nền giáo dục của Việt Nam thì không giáo dục cho con người ta những ý thức bảo vệ môi trường hay yêu thương động vật, thậm chí yêu thương giống nòi. Không có cái nhân văn trong nền giáo dục nên con người trở nên vô cảm trong cả cách đối xử với thiên nhiên. Khi đối xử với con vật, ngay cả bạn thân nhất với con người là con chó thì họ nuôi từ bé tới lớn, rồi sau đó lại ăn thịt luôn con chó mình nuôi. Điều đó đã trở nên bình thường.”

Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh thì chia sẻ với chúng tôi rằng do chiến tranh rồi do nghèo đói lạc hậu thời bao cấp, nên suốt thời gian dài hơn nửa thế kỷ, người dân Việt Nam không có ý thức về bảo vệ chim thú hoang dã, vì đó là nguồn thực phẩm cần thiết bổ sung cho thực phẩm từ gia súc còn quá thiếu. Ông nhận xét thêm:

“Tuy nhiên từ khi kinh tế phát triển hội nhập với thế giới văn minh, vẫn còn một số đông người dân chưa có ý thức tôn trọng và và bảo vệ thiên nhiên hoang dã, dù thực phẩm đã đầy đủ. Đáng trách nhất là người giàu có và đám quan chức vẫn thấy việc săn bắt ăn thịt chim thú là thú vui. Nhất là giới đó cho rằng nhiều loại chim thú bổ dưỡng như óc khỉ, bào thai các loại thú, mật gấu, chân gấu, mật bò tót, chim bìm bịp… nên săn lùng để ăn.”

Thịt chim, thú bày bán công khai

Ai đã từng ở Sài Gòn thì không lạ gì những khu vực mua bán công khai thịt thú rừng, thịt chim. Vậy luật pháp Việt Nam có các điều khoản bảo vệ thú quý hiếm hay không, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng từ khi mở cửa hội nhập, luật pháp Việt Nam có các điều khoản bảo vệ chim thú quý hiếm. Tuy nhiên việc phổ biến tuyên truyền ra người dân chưa nhiều, ít được quan tâm. Còn chim thú không quý hiếm thì cho phép săn bắt ăn thịt thoải mái. Chợ chim thú công khai ở khắp mọi địa phương không hề thấy cơ quan chức năng cấm đoán. Ông tiếp:

Chú Hổ Trắng mẹ 12 tuồi và một chú Hổ Trắng con 9 tuần tuổi tại một sở thú ở Chi Lê hôm 30/10/2018. Hổ Trắng hiện là loài động vật quý hiếm được bảo tồn trong sách đỏ. AFP

“Thêm vào đó hầu hết các quan chức từ thấp đến cao đều làm gương xấu trong việc ăn thịt chim thú, đặc biệt là chim thú quý hiếm bị cấm. Chính mắt tôi thấy các quan chức cấp cao Việt Nam uống rượu pha mật gấu, mật bò tót, cao hổ và dùng sừng tê để uống bổ dưỡng và chữa bệnh.”

Nhà báo Đỗ Cao Cường thì cho rằng kiến thức về động vật trong sách đỏ hay những động vật cấm săn bắt, cần bảo tồn thì người dân Việt Nam không được trang bị. Rõ ràng ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật hay môi trường sống là không có. Anh nhận định:

“Tôi thấy rất nhiều những đại gia Việt Nam có sở thích rất bệnh hoạn. Đó là ăn óc khỉ, đó là làm những món tiết canh, những món sống từ động vật hoang dã. Tôi thật sự cảm thấy kinh tởm khi nhìn những hình ảnh đó. Đó là những hình ảnh thú tính mà cả thế giới họ lên án. Người dân Việt Nam phải đấu tranh với hành động vô nhân tính đó vì nó quá ác độc và ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của thế hệ mai sau.”

Giải pháp nào?

Một trong những cách tuyên truyền cho người dân hữu hiệu là dạy cho trẻ em, giới trẻ từ trong môi trường học đường. Đó cũng là cách mà tổ chức Humane Society International, trụ sở tại Hoa Kỳ, có kế hoạch thực hiện ở Việt nam. Ông Adam Peyman, người quản lý chương trình bảo vệ động vật hoang dã, cũng là người thường xuyên hợp tác với Việt Nam để tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ động vật hoang dã, thuộc HSI cho RFA biết:

“HSI hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ và công chúng theo nhiều cách khác nhau: giảm nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã đang bị đe doạ, cùng đưa ra luật nghiêm khắc hơn để loại trừ những nhóm tội phạm kiếm lợi từ việc săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã.

HSI cũng đang hợp tác với hai Bộ của Việt Nam để kết hợp đưa việc giáo dục về các loài động vật đang bị đe dọa vào chương trình tiểu học trong những năm tới. – Adam Peyman

Ngoài ra, với mục tiêu khuyến khích cho giới trẻ hướng đến bảo tồn nhiều hơn, sẽ giúp làm tăng giá trị của động vật hoang dã quý hiếm hơn. HSI cũng đang hợp tác với hai Bộ của Việt Nam để kết hợp đưa việc giáo dục về các loài động vật đang bị đe dọa vào chương trình tiểu học trong những năm tới.”

Với nhà báo Đỗ cao Cường thì khi người dân ngang nhiên ăn động vật hoang dã rồi post công khai lên facebook thì nguyên nhân phải nói là bắt đầu từ sự quản lý yếu kém của chính quyền, đồn biên phòng và kiểm lâm. Anh cho rằng chính quyền bất lực trong việc quản lý:

“Tôi từng nghe một kiểm lâm nói rằng không có một động vật nào mà họ không thưởng thức, bởi vì họ sống ở cánh rừng và là những người canh giữ những động vật đó. Để việc săn bắn như vậy là do kiểm lâm, do những người bảo vệ rừng. Chính quyền bất lực, bất tài trong việc quản lý, trong việc bảo vệ những động vật như vậy.”

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người đầu tiên lên tiếng trên mạng xã hội facebook về hình ảnh một thanh niên cầm hai con chim Hồng Hoàng bị giết, bị vặt lông để làm thức ăn cho con người, có cùng ý kiến:

“Giải pháp tốt nhất để bảo vệ chim thú hoang dã cũng như thiên nhiên hoang dã nói chung là thay thế nhà cầm quyền nầy bằng một bộ máy cầm quyền khác tiến bộ hơn. Các quan chức trong bộ máy hiện nay có văn hóa nền rất thấp nên không hề có ý thức bảo vệ thiên nhiên, chính họ đã không những không quan tâm mà còn nêu gương xấu cho người dân.”

Giải pháp tốt nhất để bảo vệ chim thú hoang dã cũng như thiên nhiên hoang dã nói chung là thay thế nhà cầm quyền nầy bằng một bộ máy cầm quyền khác tiến bộ hơn. – Huỳnh Ngọc Chênh

Hai nhà báo trên đều nhận định rằng chỉ một số ít người dân Việt Nam có ý thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã.

Đối với một chuyên gia ngoại quốc như ông Adam Peyman thì ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân Việt Nam có chiều hướng tăng lên. Có rất nhiều tổ chức như Humane Society International (HSI) cố gắng bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam và đưa ra công chúng để họ đánh giá cao giá trị thực của động vật hoang dã thay vì chỉ tiêu thụ như đang xảy ra hiện nay.

Từ năm 1994, Việt Nam trở nên thành viên thứ 121/178 quốc gia tham gia Công ước Quốc tế về cấm buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); tuy nhiên những vi phạm lớn nhỏ đến nay thường xuyên vẫn đầy trên mặt báo.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-awareness-of-vnese-pp-in-the-protection-of-wildlife-dt-11262018131802.html

 

Bị Đại sứ Nhật cảnh báo vì nợ,

VN nói ‘Tiền có sẵn, chỉ đợi QH duyệt’

Trả lời câu hỏi vì sao lại để xảy ra chuyện Đại sứ Nhật phải gửi thư cảnh cáo dừng thi công dự án metro Bến Thành-Suối Tiên vì tình trạng “chậm thanh toán”, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giấu tên khẳng định với tờ Zing hôm 27/11 rằng số tiền dành cho dự án “đã có rồi” nhưng vì Quốc hội chưa thông qua nên không thể xuất tiền.

Trước đó, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam, Bí thư thành ủy TPHCM và các lãnh đạo bộ ngành, cho biết TPHCM đã “chậm thanh toán” cho các nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn số tiền lên đến hơn 100 triệu đôla (tính đến ngày 16/11). Đây là tuyến đường sắt được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản từ năm 2007.

Báo Tuổi Trẻ trích thư của Đại sứ Nhật cho biết dự án được đánh giá là “rất quan trọng” này đã không được chính phủ Việt Nam phân bổ ngân sách từ tháng 10 năm ngoái vì sự chậm trễ trong việc phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư.

Được biết, tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được Thủ tướng Việt Nam thông qua vào năm 2006. Sau đó, Việt Nam ký vay vốn ODA của Nhật Bản để thực hiện dự án này vào năm 2007, với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên đến năm 2009, mức đầu tư này đã được tính toán lại và “đội vốn” lên gần gấp 3 lần, tới 47.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật là gần 42.000 tỉ đồng (88,4%) và phần còn lại là vốn đối ứng của TPHCM. Việc điều chỉnh này cũng khiến cho dự án phải lùi lại 6 năm, đến năm 2012 mới được chính thức khởi công lại.

Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, ông Lê Nguyễn Minh Quang, được Việt Nam Mới dẫn lời cho biết với tiến độ thi công năm 2017, cần phải có 5.400 tỉ đồng cho dự án. Tuy nhiên, số tiền vốn ODA mà Trung ương cấp chỉ mới được 2.100 tỉ đồng vào ngày 28/4/2017 và việc giải ngân vẫn chưa được đẩy nhanh dẫn đến chậm tiến độ.

Theo lời lãnh đạo này thì “phía Nhật Bản đặt vấn đề rất nghiêm túc và gay gắt. Vốn họ đã chuẩn bị đủ nhưng chúng ta chưa xử lý việc phân bổ vốn cho dự án”, vẫn theo Việt Nam Mới.

Trong khi đó, UBND TPHCM cho biết hiện tuyến Metro số 1 cần phải có số vốn khoảng 28.000 tỉ đồng, nhưng Bộ KH&ĐT mới chỉ bố trí cho 7.500 tỉ đồng, dẫn đến mức thiếu hụt 20.500 tỉ đồng. Thành phố đã tạm ứng 3.273 tỉ đồng kể từ cuối năm 2016 đến nay nhưng vẫn không đủ để chi trả.

Trả lời Zing, một lãnh đạo giấu tên của Bộ KH&ĐT nói rằng vì tính chất quan trọng của dự án và số tiền điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên rất lớn nên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị chịu trách nhiệm trình QH, phải xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình lên QH.

Ông này cũng khẳng định rằng “chúng tôi đã tính toán kỹ” và “chuẩn bị sẵn tiền cho dự án”, “chỉ đợi Quốc hội thông qua thôi”.

Trong thư gửi lãnh đạo Việt Nam, Đại sứ Kunio nói “áp lực lên các nhà thầu đã đến mức giới hạn” và cảnh báo “nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công”.

https://www.voatiengviet.com/a/bi-dai-su-nhat-gui-thu-canh-bao-vi-no-vn-noi-tien-co-san-chi-doi-qh-duyet/4675809.html

 

Đại án MobiFone-AVG:

Khiển trách ông Bùi Quang Vinh

Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh bị kỷ luật khiển trách vì ‘vai trò người đứng đầu’.

Chiếc lò vĩ đại của Tổng bí thư có thật vĩ đại?

Trương Minh Tuấn: ‘Ngã gục vẫn đứng dậy’

Ông Nguyễn Bắc Son bị cách chức Ủy viên Trung ương

Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’

Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN vào ngày 27/11 quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh bằng hình thức khiển trách sau một phiên họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, ông Bùi Quang Vinh đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ sai phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật,” Tuổi Trẻ đưa tin.

Trong tháng 11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh và một số người khác thuộc Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương từng kết luận về việc họ gọi là “làm trái quy định” trong việc việc lập, trình dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư của MobiFone, Bộ Thông tin – Truyền thông cùng một số bộ, ngành có liên quan.

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, được mô tả là chịu trách nhiệm ký một công văn của bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Mobifone mua AVG.

Thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG được mô tả là gây thiệt hại nghiêm trọng về vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng hơn 7000 tỉ đồng do việc “đội giá” mua AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng hồi cuối năm 2015.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước nói Trung ương không bao giờ nhụt chí, mệt mỏi trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Các bác cứ yên tâm, không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi đâu….Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói với cử tri quận Ba Đình hôm 24/11.

Bộ Công an Việt Nam mới đây điều tra mở rộng vụ án MobiFone mua AVG và khởi tố bắt giam dàn cựu lãnh đạo MobiFone.

Liên quan tới đại án này, ông Nguyễn Bắc Son hồi tháng 10 bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông sau khi bị bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông (nhiệm kỳ 2011 – 2016).

Hiện ông Trương Minh Tuấn, người kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son ở chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cũng đã bị hạ bệ tuy ông Tuấn được điều trở lại làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.

Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu (AVG), có Chủ tịch là ông Phạm Nhật Vũ, được truyền thông trong nước mô tả là công ty tư nhân đầu tiên được truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số có phạm vi phủ sóng toàn quốc lớn thứ ba tại Việt Nam, chỉ sau VTV và VTC.

Truyền hình An Viên của AVG từng có hợp tác với Truyền hình An ninh (ANTV) thuộc Bộ Công an và Truyền hình Thông tấn Xã Việt Nam (Vnews), Báo Đời sống Pháp luật đưa tin hồi tháng 3/2018.

Báo Công an Nhân dân hồi tháng 12/2012 có bài ‘AVG đồng hành cùng ANTV‘ bàn về sự hợp tác này.

Trong vai trò Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh được cho là người giám sát và tham gia soạn thảo một số đề án chiến lược như đề án đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn -Bắc Vân Phong – Phú Quốc.

Ông cũng được xem là người có những phát biểu đáng chú ý khi tại tại Đại hội Đảng 12 phát biểu về yêu cầu hết sức cấp bách là phải đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46358589

 

‘Quyết tâm rất lớn’ để xử Vũ ‘nhôm’

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói với cử tri thành phố rằng các vụ án liên quan ông Vũ “nhôm” sẽ “được xử đến nơi đến chốn”.

Vụ án Vũ Nhôm: Khởi tố cựu quan chức TP HCM

Đà Nẵng cho mua bán đất thuộc dự án Vũ Nhôm

9 năm tù cho ông Phan Văn Anh Vũ

Ông Nghĩa tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 27/11, cùng lúc khi ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ “nhôm”, lần thứ hai ra tòa ở TPHCM.

Ông Vũ, cùng ông Trần Phương Bình nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), và 24 người ra tòa hôm 27/11.

Từ Đà Nẵng, nói với cử tri, ông Trương Quang Nghĩa phát biểu rằng ông Vũ “nhôm” đã và sẽ trải qua ít nhất ba phiên tòa của ba vụ án khác nhau.

Mới đây, ông Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, được tòa ở Hà Nội giảm một năm, còn 8 năm tù trong vụ xử vì tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Trong vụ thứ hai ở Ngân hàng Đông Á, ông Vũ bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, ông Vũ đã chiếm đoạt 12,73% cổ phần của ngân hàng Đông Á, gây thiệt hại cho đơn vị này 200 tỷ đồng.

Phát biểu với cử tri Đà Nẵng ngày 27/11, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói về vụ án ở ngân hàng Đông Á: “Vụ này cũng rất nặng nề, tội của Vũ nhôm rất nặng nề, mức án có lẽ rất cao.”

Ông Trương Quang Nghĩa nói tiếp: “Còn vụ thứ ba là lạm dụng chức vụ quyền hạn, vụ này có liên quan trực tiếp Đà Nẵng.”

“Với quyết tâm của Đảng, chính phủ, các vụ án như Vũ nhôm sẽ được xử đến nơi đến chốn. Tới đây, không xa lắm, cử tri sẽ thấy các bước tiếp theo.”

“Có những người bị kỷ luật Đảng, nhưng có những người bị điều tra, khởi tố. Riêng vụ án Vũ nhôm, đang có sự quyết tâm rất lớn,” ông Nghĩa nói.

Vụ Tất Thành Cang

Ông Nghĩa cũng nói thêm về vụ kỷ luật Phó Bí thư Thường trực TPHCM Tất Thành Cang.

“Về ông Tất Thành Cang, quý vị cử tri hơi sốt ruột về xử lý.”

“Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang có những sai phạm rất nghiêm trọng. Mà ủy ban kết luận rất nghiêm trọng, quý vị cử tri có thể hình dung mức độ kỷ luật đến đâu.”

“Theo quy trình, hiện nay ông Tất Thành Cang đang phải dự các cuộc họp kỷ luật từ cấp chi bộ trở lên. Trong thời gian sớm nhất của Hội nghị Trung ương, mức độ sai phạm, kỷ luật ông Cang thế nào, cũng sẽ sớm được biết thôi,” ông Nghĩa cho hay.

Trong khi đó, chiều 27/11, gặp cử tri TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói về trường hợp ông Tất Thành Cang.

“Tháng 12 tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ có mức kỷ luật chính thức đối với ông Cang,” ông Nhân nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46307395

 

Vũ “nhôm” kêu oan trong vụ án Ngân hàng Đông Á

bị thiệt hại hơn 3600 tỷ đồng

Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, hôm nay 27 tháng 11 bị đưa ra xét xử trong vụ án thứ hai ‘lạm dụng chức vụ, quyền hạn và cố ý làm trái quy định của Nhà nước’ tại Ngân hàng Đông Á (DAB), gây thiệt hại lên đến 3608 tỷ đồng.

Truyền thông trong nước, vào ngày 27 tháng 11 tường thuật diễn biến của phiên tòa trong buổi sáng cùng ngày và cho biết chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toàn phải nhắc nhở hành động liên tục kêu oan của bị cáo Vũ “nhôm”.

Theo cáo trạng, bị cáo Vũ “nhôm” và bị cáo Trần Phương Bình, trong vai trò Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB móc nối thực hiện phi vụ cho Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá hơn 600 tỷ đồng, để trở thành cổ đông lớn nhất, có quyền hạn chi phối tại DAB. Vũ “nhôm” đã thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ đồng và phần còn lại được Vũ “nhôm” ký chứng từ nộp khống tại DAB, dưới sự chỉ đạo của Trần Phương Bình.

Tin cho biết những sai phạm tại DAB gây ra hậu quả, tính đến cuối năm 2015 bị lỗ lũy kế hơn 31 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bị âm hơn 25 ngàn tỷ đồng.

Vào ngày 26 tháng 11, hai bị cáo Trần Phương Bình và Vũ “nhôm” được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an dẫn từ trại giam T16-Bộ Công an vào TP.HCM để tham gia phiên tòa. Vũ “nhôm” tham dự với hai tư cách vừa là bị cáo và vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong phiên tòa vào sáng ngày 27 tháng 11, thông tin chính thức cho hay Vũ “nhôm” còn có hai tên gọi khác là Phan Văn Sáu và Trần Đại Vũ, đồng thời có thêm quốc tịch Antigua và Barbuda.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thuộc Bộ Công Thương cho biết Antigua và Barbuda là một quốc đảo ở vùng Caribe, Châu Mỹ và điều kiện trở thành công dân của quốc đảo này là phải có khoản đầu tư từ 100 ngàn đô la Mỹ (USD) đến 1,5 triệu USD.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-aluminum-pleads-innocent-in-the-cas-of-dab-11272018075909.html

 

Dự kiến công bố kết quả thanh tra

các dự án đất đai ở Đà Nẵng

Thắc mắc liên quan đến nhân vật Phan Văn Anh Vũ hay Vũ Nhôm được một số cử tri tại thành phố Đà Nẵng nêu ra với ông Bí Thư Thành Phố Trương Quang Nghĩa trong cuộc gặp vào ngày 27 tháng 11.

Theo tin truyền thông trong nước loan đi cùng ngày thì ông Trương Quang Nghĩa trả lời cử tri rằng kết quả thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà dự kiến được công bố vào thứ năm ngày 29 tháng 11.

Sau đó là kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu Đô Thị Đa Phước hay còn gọi là dự án The Sunrise Bay.

Đối với dự án nhà hàng và bến du thuyền trên sông Hàn thuộc một công ty của Phan Văn Anh Vũ làm chủ đầu tư, thành phố Đà Nẵng quyết định mua lại dự án và sẽ đầu tư để làm công trình công cộng.

Trước đó, vào ngày 6 tháng 12 năm 2017, Chính phủ Việt Nam quyết định tiến hành thanh tra toàn diện các dự án ở bán đảo Sơn Trà và Đa Phước tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian 45 ngày.

Tại bán đảo Sơn Trà, ông Phan Văn Anh Vũ có đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn – Bãi Đa với vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng.

Xét thấy vị trí lô đất nằm trong độ cao trên 100 mét mực nước biển, ảnh hưởng đến công trình quốc phòng nên dự án Ghềnh Bàn – Bãi Đa đang được Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng xem xét thu hồi theo lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố.

Theo lời Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, ông Phan Văn Anh Vũ sẽ ra tòa ít nhất 3 lần với 3 tội danh, trong đó có những sai phạm liên quan đến Đà Nẵng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inspection-results-of-land-projects-in-da-nang-to-be-announced-soon-11272018080317.html

 

QH VN: Các ấn tượng và vấn đề

tài sản cán bộ ‘không rõ nguồn gốc’

Báo chí Việt Nam nói kỳ họp thứ sáu Quốc hội vừa kết thúc “có tám thành công nổi bật” nhưng có ý kiến đánh giá dù kỳ họp để lại nhiều ấn tượng, một số vấn đề lớn khác vẫn cần giải quyết.

Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV bế mạc hôm 20/11/2018.

Bình luận về phát ngôn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Quanh việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm

VN: ‘Quốc hội cần đổi cách lập pháp’

Bình luận về kỳ họp Quốc hội VN

VN: Quốc hội mất nhiều quyền vào tay Chính phủ?

Những ấn tượng và điều để lại

Theo dõi kỳ họp Quốc hội, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/11 qua điện thoại từ Đà Nẵng, nơi ông tới dự một phiên toà.

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Theo tôi quan sát, các điểm “ấn tượng” hơn cả của kỳ họp này là: vụ đại biểu Nguyễn Hữu Cầu “chất vấn” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về phát biểu vi phạm của cơ quan điều tra khủng khiếp; nội dung xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ công chức không được quốc hội thông qua; đề xuất chấp hình thức chấp hành hình phạt tù tại gia của đại biểu Hồ Đức Phớc…

Những việc này, đã tạo nên một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội và báo lề trái trong thời gian vừa qua.

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, một đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ lại bị một đại biểu khác, cấp dưới của người bị chất vấn, “chất vấn” ngược lại. Lẽ ra bộ trưởng Công an chỉ cần đăng đàn chứng minh những “cáo buộc” của vị đại biểu kia không chính xác là đủ nhưng Bộ Công an đã đi rất xa với việc một số tờ báo của ngành công an gây áp lực lên ông Nhưỡng, yêu cầu đính chính phát ngôn, Đảng ủy công an Trung ương yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội xem xét lại phát biểu của ông Nhưỡng…

BBC: Về đề xuất xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.Ý kiến của luật sư thế nào?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Câu hỏi cần đặt ra là tại sao vấn đề này không đạt được đồng thuận, thống nhất cao? Có phải thực sự xuất phát từ lý do đã có quy định tịch thu tài sản tham nhũng, trốn thuế; đụng chạm đến quyền sở hữu của công dân nên cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng; tài sản được hình thành rất nhiều nguồn khác nhau, qua nhiều thời kỳ khác nhau nên việc chứng minh nguồn gốc sẽ gặp nhiều khó khăn?

Theo tôi, những lý do trên chưa thực sự thuyết phục. Bởi không thể đánh đồng quyền của công dân với quyền của cán bộ công chức. Một khi anh chấp nhận trở thành cán bộ công chức anh phải chịu sự giám sát của người dân, bị chế tài ngặt nghèo hơn so với người dân bình thường và bị giới hạn một số quyền nhất định như: quyền được giữ bí mật thông tin về tài sản.

 ‘Quốc hội lên án hành động lợi dụng dân chủ’

Suy cho cùng thì tài sản chỉ có thể được phân thành hai loại: tài sản hợp pháp và tài sản bất hợp pháp. Xét về nguồn gốc, tài sản có thể hình thành từ các nguồn: tự tạo lập; được tặng cho, nhận thừa kế; nhận chuyển nhượng; trúng thưởng; xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Do đó, để kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản không có gì khó thực hiện.

Trở ngại hiện nay không phải là không biết được nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu mà là không thể che đậy được nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản.

Thực tế, chỉ có người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước mới tham nhũng và có điều kiện tham nhũng. Mà để có được chức vụ, quyền hạn trong bộ máy thì điều kiện đầu tiên là người đó phải là Đảng viên. Trong khi tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội hiện nay là Đảng viên và là người đang nắm giữ chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước.

BBC: Theo ông, có những giải pháp nào để tránh xung đột lợi ích khi những đại biểu Quốc hội hội cũng là Đảng viên bỏ phiếu về dự luật chống tham nhũng, liên quan đến tài sản giới chức?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Dù lương cán bộ công chức hiện nay rất thấp nhưng không ít các trường hợp giàu lên rất nhanh và được người dân gọi là “tư bản đỏ”. Về mặt logic thông thường, không ai bỏ phiếu để tạo ra một đạo luật chống lại lợi ích của mình cả.

Do đó, với thành phần đại biểu quốc hội hiện nay, chúng ta trông đợi Quốc hội thông qua một đạo luật cho phép tịch thu hay đánh thuế trên tài sản không giải trình được nguồn gốc của cán bộ công chức là chuyện không thực tế.

Với cơ cấu đại biểu Quốc hội hiện nay và cách làm luật hiện nay của Quốc hội thì đang có sự xung đột lợi ích.

Để giảm thiểu xung đột lợi ích trong hoạt động lập pháp, tôi có một số đề xuất:

Không để đại biểu Quốc hội là Đảng viên chiếm tuyệt đại đa số (trên 95%) tổng số đại biểu và kiêm nhiệm các chức vụ, làm việc trong các cơ quan hành pháp.

Chỉ cần 51% trong số này là Đảng đã có thể kiểm soát được việc ra nghị quyết của Quốc hội. Số đại biểu còn lại là người không thuộc bất kỳ đảng phái nào cả.

Cơ quan hành pháp chỉ nên đóng vai trò là cơ quan phản biện, góp ý trong việc soạn thảo, thông qua các dự án luật của Quốc hội chứ không “vừa đá bóng vừa thổi còi” hiện nay.

Việc cơ quan hành pháp chủ trì soạn thảo và trình dự án luật cho Quốc hội như hiện nay dễ dẫn tới tiêu cực trong quá trình soạn thảo như: cố tình đưa vào dự thảo các quy định bất lợi cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp “lobby” nhằm loại bỏ các quy định bất lợi đó; hoặc các doanh nghiệp lobby để thêm vào quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn… nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, nếu các đường lối, chính sách của đảng Cộng sản không đủ sức thuyết phục các đại biểu vốn là thành viên của Đảng thì chứng tỏ chủ trương, đường lối của Đảng có vấn đề. Một khi không thuyết phục được các thành viên của tổ chức mình thì không lý do gì Đảng buộc cả xã hội phải chấp nhận các chủ trương, đường lối, chính sách đó.

BBC: Báo Việt Nam cho hay luật Phòng chống tham nhũng đã được thông qua nhưng không có nội dung về xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc, ông đánh giá khả năng đưa nội dung này vào luật khi sửa đổi bổ sung thế nào?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Theo như tôi thấy, trong bối cảnh lương giới chức thì thấp, cán bộ công chức không sống bằng lương thì khả năng bổ sung nội dung này vào luật là rất thấp.

Nhìn chung, muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì luật phòng chống tham nhũng phải có đủ hai cơ chế:

Công khai minh bạch tài sản của cán bộ công chức và người thân (cha, mẹ, vợ, con) để người dân có thể tiếp cận một cách tự do và thực hiện việc giám sát.

Phải xử lý tài sản của cán bộ công chức không rõ nguồn gốc. Nếu Luật phòng chống tham nhũng thiếu một trong hai cơ chế này thì công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ là hình thức.

Nhiều nội dung quan trọng

Báo Người đưa tin cho hay, sau 22 ngày “làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm”, Quốc hội khóa XIV “đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng”.

Tờ báo kể ra một số điểm nổi bật tại sự kiện:

Bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức chủ tịch nước

Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Thông qua chín dự luật: Chăn nuôi; Trồng trọt; Bảo vệ bí mật Nhà nước; Cảnh sát biển Việt Nam; Công an nhân dân (sửa đổi); Đặc xá (sửa đổi); Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Khác với nhiều nước trên thế giới có quốc hội chuyên trách họp cả năm, Quốc hội Việt Nam chỉ có một viện và họp định kỳ hai lần trong năm.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46340384