Tin Việt Nam – 27/10/2019
Bạo lực học đường Việt Nam
khiến học sinh sợ đến trường
Tin Vietnam.- Báo Thanh Niên ngày 27 tháng 10 năm 2019 loan tin, kết quả nghiên cứu từ 3,000 học sinh tại Hà Nội của viện Nghiên cứu y học- xã hội học phối hợp với tổ chức Plan cho biết, có hơn 2,000 học sinh từng bị bắt nạt với các hình thức: đe doạ, mắng chửi, đặt điều, sỉ nhục, bắt nạt. Vì vậy, rất nhiều học sinh đã bị rơi vào trạng thái chán nản, lo lắng và sợ đến trường.
Theo điều tra của viện Nghiên cứu gia đình, có khoảng 40% học sinh chia sẻ những vấn đề gặp rắc rối ở trường với cha mẹ, người thân. Các em học sinh cho biết, bất kì điều gì cũng có thể khiến các em bị bạn học bắt nạt. Thí dụ như: gầy quá, béo quá, lùn quá, cao quá, tóc ngắn quá, ít cười, ít nói. Một phụ huynh ở Hà Nội có con đang học lớp 7 cho hay, từ khi con chị bắt đầu đi học đến nay, chị luôn lo lắng vì con không có bạn bè trên lớp, bị các bạn tẩy chay vì cháu bé nhất lớp, ăn chậm, và nói nhỏ. Vì vậy, con chị rất sợ đi học.
Một khảo sát của thạc sĩ Lê Thanh Hà, trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2 cho biết, hầu hết học sinh trong suốt quá trình đi học đều bị ít nhất một lần bắt nạt. Và có 26,4% học sinh tham gia khảo sát cho biết không bao giờ hoặc hiếm khi muốn giúp đỡ những bạn học đang bị trêu chọc, bắt nạt.
Hậu quả của việc bị bắt nạt là các học sinh từ những biểu hiện sợ hãi, không muốn đi học đến trầm cảm, thậm chí là nảy sinh ý định tự tử.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bao-luc-hoc-duong-viet-nam-khien-hoc-sinh-so-den-truong/
Hơn 20 gia đình trình báo con mất tích tại Anh
trong đó có người mới 15 tuổi
Truyền thông trong nước hôm 27/10 trích lời các giới chức hai tỉnh Nghệ An Và Hà Tĩnh cho biết đã có ít nhất 24 gia đình thông báo có con mất tích tại châu Âu và Anh tính đến chiều cùng ngày, trong đó có một người mới 15 tuổi.
Trang tin VnExpess cho biết công an hai tỉnh này đang tới nhà các gia đình trình báo con mất tích lấy tóc, móng tay của bố, mẹ để xác định họ có thuộc danh sách 39 thi thể chết trong xe container đông lạnh phát hiện ở Anh hôm 23/10 vừa qua hay không.
Tại Nghệ An, đến lúc này đã có 14 người được gia đình xác nhận có con mất tích bao gồm 5 người ở huyện Yên thành và thành phố Vinh đã được trình báo với chính quyền hôm 26/10.
Theo VnExpress, tại Hà Tĩnh, một gia đình báo cho chính quyền biết con họ là anh Nguyễn Huy Hùng, 15 tuổi, mất tích khi trên đường vào Anh và người thân mất liên lạc từ hôm 22/10 đến nay.
Trong khi đó, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh trích các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết phía Anh và Việt Nam đã thống nhất sẽ chuyển nhanh nhất có thể các mẫu ADN tử thi cho Hà Nội thông qua Đại sứ quán tại London. Bộ Công an sẽ phối hợp đối chiếu mẫu này với các gia đình có thể liên quan.
Cho đến lúc này cảnh sát hạt Essex, Anh, nơi phát hiện container, vẫn rất thận trọng trong việc đưa ra các suy đoán về quốc tịch của các nạn nhân. Chánh thanh tra cảnh sát Anh Martin Pasmore hôm 26/10 kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng người Việt tại Anh để đẩy nhanh việc nhận diện thi thể. Ông cũng kêu gọi các gia đình tại Việt Nam đang lo lắng rằng người thân của họ có thể nằm trong số 39 nạn nhân, lên ngay lập tức liên lạc với nhà chức trách Anh.
Reuters hôm 26/10 trích lời linh mục Đặng Hữu Nam ở Yên Thành, Nghệ An, cho rằng có nhiều khả năng phần đông những người được tìm thấy trên chiếc container là người Việt Nam. Ông cho biết ông đã liên lạc với gia đình những nạn nhân có con mất tích ở Anh.
Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho biết hiện Công an Việt Nam cũng khoanh vùng lấy thông tin chủ yếu ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Vụ 39 người chết ở Anh:
Việt Nam lấy mẫu ADN của người thân
Công an Việt Nam hôm 27/10 đã lấy mẫu tóc và máu của người thân các nạn nhân có thể đã thiệt mạng trong vụ 39 tử thi được tìm thấy trong thùng xe container ở Anh, Reuters đưa tin.
Hãng tin Anh nói rằng cảnh sát Anh vẫn đang điều tra về danh tính của các nạn nhân mà tin cho hay, trong nhiều trường hợp, không có các giấy tờ tùy thân.
Theo Reuters, cha của cô Phạm Thị Trà My, người được cho là đã gửi các đoạn tin nhắn cuối cùng tới gia đình mình, trong đó cô nói “con chết vì không thở được”, cho biết rằng công an cũng đã tới lấy mẫu tóc và máu từ gia đình ông.
Báo Tuổi Trẻ chiều 27/10 dẫn lời ông Nguyễn Đình Sắt ở Nghệ An, người có con có thể đã thiệt mạng, nói rằng công an đã “tới lấy mẫu tóc, móng tay của vợ ông để xác định con ông có nằm trong số 39 người chết cóng trong container ở nước Anh hay không”.
Tờ báo này cũng dẫn lời ông Sắt nói rằng gia đình ông “đã gửi ảnh, chứng minh nhân dân qua Anh để nhờ người xác minh danh tính của con ông”.
Cảnh sát Anh nhờ cộng đồng người Việt giúp nhận dạng 39 thi thể trong xe tải
Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 26/10 đã yêu cầu “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ” vụ 39 người chết trong container ở Anh “để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.
Ngoài ra, theo thông cáo trên trang Facebook của chính phủ Việt Nam, ông Phúc cũng giao cho “Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ, làm việc với các cơ quan liên quan phía Anh để xác nhận danh tính nạn nhân trong trường hợp là công dân Việt Nam, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định”.
“Các Bộ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/11/2019”, ông Phúc nói.
Hà Tĩnh: Gia đình lo lắng
con mình là nạn nhân trong vụ 39 người thiệt mạng
Thi Châu
Ông N. Đ. G. ở Can Lộc, Hà Tĩnh vài ngày trước được một người trong đường dây đưa lậu người ở Pháp gọi điện thông báo con ông là một trong số 39 người tử vong trong thùng xe container ở Anh mà cảnh sát phát hiện hôm 23-10-2019, tuy nhiên thông tin chưa được các cơ quan chức năng xác nhận.
Anh N. Đ.L., ngày 21/10 của hai năm trước, khi mới 17, tuổi đã đi từ quê nhà Hà Tĩnh, sang Trung Quốc rồi bằng cách nào đó 6 tháng sau anh đến được Pháp với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn.
Khi an toàn ở đây, gia đình anh đã chuyển cho những người đưa lậu 18 ngàn Mỹ kim là thù lao để họ đưa thanh niên này vào một nước tự do.
Đoạn tìm người mất tích là anh NĐL trên một group của Facebook Courtesy of Facebook
Tại Pháp, anh làm công việc phụ giúp cho một nhà hàng cho đến khi có người rủ anh di cư sang Anh.
“Có một người đang sinh sống ở Pháp, con tôi sống ở Pháp và có ý định sang Anh thì người đấy bảo là đi.
Hôm đấy khi đi sắp sang Anh thì tôi nhận được điện thoại từ bên Pháp nói là chuẩn bị gặp lại cháu.
Người đấy gọi và bảo là 1 tiếng đồng hồ nữa bố con sẽ gặp nhau, nhưng sau đó bị mất liên lạc.
Sau hai ngày thì người điện về và bảo là cháu mất rồi,” ông G. nói giọng đứt quãng qua điện thoại.
Đến tin nhắn đau lòng của một thiếu nữ
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi.
Con (tìm) đường đi nước ngoài không thành.
Mẹ ơi,
Con thương bố mẹ nhiều.
Con chết vì không thở được…
Mẹ ơi con xin lỗi mẹ, mẹ ơi.”
Đoạn chụp màn hình tin nhắn qua ứng dụng Zalo của cô gái Phạm Thị T.M. gửi cho mẹ mình dừng lại lúc 4 giờ 28 phút ngày 23/10/2019.
T.M. năm nay mới 26 tuổi cũng đi từ Việt Nam sang Trung Quốc, rồi sau cùng là Anh và mất liên lạc tới hiện giờ.
Bà Nghiêm Hoa, một thành viên của tổ chức Không gian Nhân quyền (HRS) trưa 25/10 đăng tải lên Facebook ảnh chụp tin nhắn có che thông tin nạn nhân và nhờ giúp đỡ
Tin nhắn của một nạn nhân gửi gia đình trên điện thoại Courtesy of Facebook
“Có người Việt trong số 39 người chết trong xe tải ở Essex không? Xin giúp đỡ xác minh tình trạng người thân mất liên lạc liên quan đến việc người Việt đi Anh.
Khi có tin về 39 người chết trong xe tải ở Essex Anh, mình biết là có những người Việt nín thở. Và sau đó có những người thở phào khi báo chí đưa tin tất cả là người Trung Quốc.
Nhưng sáng nay mình nhận được tin này từ một người bạn. Một gia đình ở Hà Tĩnh đã mất liên lạc với con gái từ hôm 23, gần sát thời điểm xảy ra vụ việc.
Cô gái 26 tuổi tên là M. đã đi Trung Quốc để từ đó sang Anh. Hiện gia đình đang tìm kiếm mọi manh mối của con gái, và cần người ở Anh nhận ủy quyền để xác định xem con mình có trong số 39 người kia không,” bà Nghiêm Hoa viết.
Em trai của T.M. tối ngày 25/10 cũng xác nhận với Đài Á Châu Tự Do là M. đi sang Anh và mất tích vào 2 hôm trước nhưng gia đình vẫn chưa biết thông tin gì thêm.
Bà Nghiêm Hoa, trong cuộc phỏng vấn với báo The Guardian của Anh cũng cho hay có 6 trường hợp tương tự của M. ở Hà Tĩnh đang mất tích và đang tìm kiếm giúp đỡ để xác minh danh tính người thân.
Điều gì đã xảy ra ở Essex, Anh quốc?
Cảnh sát hạt Essex, đông bắc thủ đô Luân Đôn, Anh quốc nhận được cuộc gọi lúc 1 giờ 40 sáng ngày 23/10 (giờ Luân Đôn) sau khi các nhân viên y tế phát hiện nhiều người chết bên trong thùng xe container tại khu công nghiệp Waterglade, cách trung tâm 32 km.
Có 39 thi thể được tìm thấy bao gồm 31 nam và 8 nữ, trong đó 37 người là người lớn, 1 người là thiếu niên.
Theo CNN, chiếc xe container thùng lạnh này xuất phát từ thị trấn Zeebrugge, Bỉ rạng sáng 23/10 tới cảng Purfleet, Anh qua một chiếc phà.
Ngày 24/10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn nói rằng, họ rất đau lòng khi biết thông tin từ phía cảnh sát cho biết 39 người thiệt mạng trên xe container là người Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, họ chưa xác định được 39 người này có phải là người Trung Quốc hay không.
Cảnh sát Anh sau đó bắt giữ tài xế đến từ Bắc Ireland, cùng với 2 người nam, nữ đều 38 tuổi.
Tối 25/10/2019, Đại sứ quán Đại sứ quán Anh tại Việt Nam ra thông báo về vụ việc 39 người qua đời ở Essex, Anh nói rằng đây là thảm kịch kinh hoàng.
“Đến lúc này, quốc tịch của các nạn nhân chưa được xác nhận. Các cơ quan chức năng của Anh đang làm việc nhanh nhất có thể để xác định danh tính các nạn nhân và thông báo với gia đình họ.
Đây là một thảm kịch kinh hoàng, và chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và bạn bè của những người đã không may qua đời. Các cơ quan chức năng của Anh sẽ thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện,” thông báo trên Fanpage của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam viết.
Trong cùng ngày, TTXVN dẫn lời đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết hiện nay, Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Anh để tìm hiểu thông tin liên quan đến diễn biến mới.
The Guardian trích số liệu thống kê từ hệ thống xác định nạn nhân buôn người ở Anh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có số người bị cho là nạn nhân của nô lệ thời hiện đại nhiều nhất tại Anh trong năm 2018. Theo số liệu này, có khoảng 702 người Việt Nam là nạn nhân của nô lệ thời hiện đại được thống kê trong năm ngoái.
Báo cáo của chính phủ Anh cho biết người Việt Nam thường đi qua Trung Quốc, Nga, Bắc và Tây Âu trước khi vào Anh.
Danh sách tên tuổi của một số nạn nhân
trong vụ 39 di dân Việt chết ở Anh
Theo trang web Newsmag, tên tuổi của một số nạn nhân trong vụ 39 người di dân lậu Việt chết trong chiếc xe tải đang trên đường đến Anh đã được công bố.
Theo trang mạng này, cảnh sát Anh Quốc rất thận trọng khi tuyên bố quốc tịch của nạn nhân. Chính quyền CSVN hiện đang làm việc với cảnh sát điều tra Anh để nhận dạng 39 người đang nằm trong bệnh viện Broomfield tại thành phố Chelmsford.
Theo linh mục Đặng Hữu Nam, hầu hết 39 người được tìm thấy đã chết có thể đều đến từ Việt Nam. Số liệu này phù hợp với thông tin trình báo của người dân với chính quyền về các trường hợp người thân mất liên lạc với gia đình.
Theo thông tin mới nhất từ phóng viên địa bàn tại Anh, cộng đồng người Việt Nam ở Anh đã xác định được trong 39 người tử nạn tại Anh phần lớn tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, Nghệ An: 25 người huyện Yên Thành, 2 người huyện Diễn Châu, 2 người Vinh; Hà Tĩnh: 4 người huyện Can Lộc, 1 người thị trấn Nghèn, 1 người Hồng Lĩnh. 04 người không xác định được.
Sau đây là tên tuổi của 11 người đầu tiên
1. Phạm Thị Trà My (26 tuổi), quê Can Lộc (Hà Tĩnh)
2. Võ Nhân Du, sinh 05/5/2000; quê quán: xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
3. Nguyễn Đình Lượng, sinh ngày 20/1/1999. là con trai trong gia đình ông Nguyễn Đình Gia và bà Trần Thị Huân, một gia đình nông dân ở Huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
4. Nguyễn Văn Hùng; xóm 11, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, thuộc giáo xứ Trung Song, giáo phận Vinh
5. Hoàng Văn Tiếp, sinh năm: 2001; Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, thuộc giáo xứ Trung Song, giáo phận Vinh
6. Nguyễn Đình Tứ (sinh năm 1993), xã Đô Thành, Yên Thành (Nghệ An)
7. Lê Văn Hà (sinh năm 1991), quê quán: xóm Yên Hội, xã Đô Thành, Yên Thành (Nghệ An)
8. Bùi Thị Hương, quê quán: xã Đô Thành, Yên Thành (Nghệ An)
9. Võ Ngọc Nam (SN 1991, trú ở xóm 10, xã Thọ Thành)
10. Bùi Thái Thắng (quê ở thị xã Hồng Lĩnh).
11. Bùi Thị Nhung, Yên Thành (Nghệ An)
https://www.sbtn.tv/danh-sach-ten-tuoi-cua-mot-so-nan-nhan-trong-vu-39-di-dan-viet-chet-o-anh/
Giáo xứ Nghệ An Hà Tĩnh thắp nến
cầu nguyện cho 39 nạn nhân đều là người Việt
Tin từ Việt Nam, ngày 27/10/2019: Trong tuần này, nhiều giáo xứ Công giáo ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức thắp nến cầu nguyện cho 39 nạn nhân bị chết trên đường vào Anh Quốc cuối tuần trước.
Đêm 26/10 tại giáo xứ Mỹ Khánh, dưới sự chủ trì của hai linh mục Joan Nguyễn Đình Thục và Anton Đặng Hữu Nam, đông đảo bà con là thân nhân thù nhân lương tâm, những người yêu chuộng công lý hoà bình và giáo dân đã hiệp thông dâng lễ, thắp nến cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm và 39 người tử nạn trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hàng nghìn giáo dân của giáo xứ Song Ngọc cũng tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện cho những người tử nạn trên chuyến xe định mệnh đó.
Nhà thờ Thái Hà thuộc dòng Chúa Cứu thế cũng có kế hoạch tổ chức buổi lễ Công lý và Hoà bình để thắp hương tưởng niệm cho các nạn nhân, cho dù không phải tất cả họ đều là giáo dân. Dự tính sẽ có nhiều người hoạt động ở Hà Nội không có đạo cũng sẽ tham gia buổi lễ cầu nguyện.
Theo nhiều nguồn tin, cả 39 người bị chết trong container được tìm thấy ở Essex (Anh Quốc) là người Việt Nam dưới giấy tờ giả làm người Trung Cộng. Trong số đó, 25 người thuộc huyện Yên Thành, 2 người huyện Diễn Châu, 2 người Vinh của Nghệ An và 5 người thuộc huyện Can Lộc, 1 người ở huyện Hồng Lĩnh và còn lại 5 người thuộc địa phương khác của tỉnh Hà Tĩnh. Một số nạn nhân được cư dân mạng đưa tên là Nguyễn Hùng và Hoàng Văn Tiếp ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, và Nguyễn Đình Lượng ở xã Thanh Lộc, cùng huyện Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh.
Tổng hợp từ nhiều nguồn tin, thì 39 nạn nhân trên thuộc một nhóm khoảng 110 người Việt rời quê hương từ đầu tháng 10. Đầu tiên, họ đi sang Trung Cộng. Từ đây sử dụng sổ thông hành giả làm người Hoa để đi sang Nga. Sau đó, họ bị buộc vứt bỏ giấy tờ tuỳ thân và nhập cảnh lậu vào Pháp và Bỉ rồi được đưa vào container để vượt biên vào Anh Quốc. Hai chuyến xe đầu không gặp trở ngại, nên 71 người đã vào được Anh Quốc. Còn chuyến xe cuối với 39 nạn nhân không được may mắn thế và họ đã bị chết vì bị ngạt và nhiệt độ quá thấp (âm 25 độ C).
Hiện nhà chức trách Anh phối hợp với Toà đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc để xác định danh tính của các nạn nhân. Tuy nhiên, việc xác định danh tính này sẽ mất nhiều thời gian.
Tuần qua, hàng trăm người Anh cũng đã thắp nến tưởng niệm cho những người xấu số Việt Nam.
Quốc Tuấn
Những hành xử không thuộc về văn hóa
Chưa bao giờ vấn đề bạo lực lại gây bất an như bây giờ. Bạo lực xuất hiện ở ngoài đường, ngoài chợ, trong bệnh viện, sân bay và trong cả nhà trường.
Đưa bạn đi cấp cứu rồi đánh bác sĩ
Đánh tiếp viên hàng không, khách bị phạt 15 triệu đồng
Camera an ninh “tố” đối tượng say rượu đuổi đánh nhân viên và đập phá trạm thu phí
Đối tượng gây ra bạo lực không chỉ là đám thanh niên mới lớn thích thể hiện ta đây, là đám “đệ tử lưu linh” mà còn cả những người mặc áo cổ cồn trắng, là người thầy… Còn nạn nhân của bạo lực là bất kể ai, đó là người lành hiền, là bác sỹ, là học sinh…
1. Nếu điểm ra đây những vụ bạo lực thì nhiều vô kể, vào google “sớt” (tìm) cụm từ “đánh bác sỹ cấp cứu” trong 0,49s cho 25.400.000 kết quả. Bác sỹ, lại trong môi trường cấp cứu ở bệnh viện mà cũng bị… đánh thì đúng là hết từ để nói. Mà những vụ việc này đâu có hiếm cơ chứ.
Thông tin mới nhất trong ngày 26-11 là cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án trong vụ tát một học sinh lớp 6 về tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Mấy ngày gần đây, dư luận nóng hừng hực trước vụ việc này, khi một giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu 23 học sinh tát một bạn học sinh trong lớp vì bạn này nói tục. Và cô giáo lại chính là người “tặng” cậu học sinh nhỏ cái tát thứ 231. Thật khó tưởng tượng trên đời này lại có một giáo viên có hành vi phản sư phạm như vậy thì không hiểu, cô sẽ dạy gì cho các em mỗi khi lên lớp?
Cha mẹ cho con đến trường, ngoài học cái chữ, còn mong cho con học cái nghĩa. Thế nhưng, sự việc xảy ra ở ngôi trường đang chuẩn bị đạt trường chuẩn quốc gia ở miền cát trắng Quảng Bình khiến họ hốt hoảng, hoang mang và hoài nghi.
Thông tin trước đó một ngày – ngày 25-11, Công an huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can trong vụ việc đánh nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân.
Theo dõi diễn biến khởi phát vụ án cũng khó tin lại có chuyện thật như bịa này. 3 người đàn ông đi tiễn một người bạn ra sân bay. Khi người bạn làm thủ tục xong, 3 người này đã nhờ cô nhân viên Vietjet chụp ảnh.
Mọi việc vui vẻ cho đến khi họ muốn chụp ảnh cùng cô và bị từ chối. Đám người này đã tung nắm đấm với cô, với quản lý của cô, với cả nhân viên an ninh hàng không. Cơ quan hàng không sau đó đã có lệnh cấm bay 12 tháng đối với 3 người này nhưng dư luận không hài lòng. Cơ quan điều tra ngay sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cả 3 đối tượng.
2. Không phải đến bây giờ, hành vi hành hạ học sinh ở trường học hay cố ý gây thương tích nhân viên hàng không mới xảy ra và bị xử lý. Cách đây ít lâu, tại sân bay Nội Bài cũng xảy ra vụ hành khách đánh
nhân viên hàng không hay ở Hải Phòng lại có cô giáo trừng phạt học sinh bằng cách bắt uống nước giặt giẻ lau bảng.
Những vụ việc này cũng dậy sóng dư luận và cũng bị cơ quan chức năng xử lý. Vậy tại sao sự phê phán của cộng đồng lẫn cán cân công lý không tạo được tính giáo dục và răn đe khi những vụ việc có tính chất tương tự và nghiêm trọng hơn vẫn xảy ra?
Tại sao ngày càng nhiều cách hành xử côn đồ, thiếu văn hóa? Lỗi tại tôi, tại bạn, tại học sinh, tại nhà trường, tại bác sỹ hay tại bệnh nhân…?
Có rất nhiều cách lý giải điều này, như đó là nguyên nhân xã hội, gia đình, nhà trường, công nghệ, là kinh tế thị trường… Tuy nhiên, ở một góc nhỏ tôi xin được nhìn lại hai bộ phim chiếu trên VTV hút khách bậc nhất trong 2 năm gần đây là “Quỳnh búp bê” và “Người phán xử” để thấy phần nào câu trả lời. Đây là hai bộ phim có đề tài xã hội, nói kiểu nôm na là xã hội đen, là ma túy, mại dâm.
Phim mô tả trần trụi mặt trái xã hội với những tay anh chị trong giới giang hồ, với chân dài, với những chiêu đấm đá, thù hận, với những phận đời đắng chát… đã thu hút lượng người xem đông đảo đến mức truyền thông liên tục cập nhật rating cũng như giá quảng cáo sau mỗi tập.
Tại sao khán giả lại thích ăn món ăn tinh thần đầy cảnh bạo lực, hở hang, hận thù? Đó không phải do thị hiếu sao? Mà tại sao, thị hiếu của họ lại như vậy?
Cao Hồng
http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Nhung-hanh-xu-khong-thuoc-ve-van-hoa-521914/
Cảnh báo hành vi lừa đảo mới
trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Chủ Nhật, 27/10/2019, 04:21:47
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ðặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh của các trang mạng xã hội, tình trạng nêu trên có xu hướng ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa kịp thời, hữu hiệu.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Mới đây, Công an TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh đã tiếp nhận vụ việc anh N.Ð.T., khách hàng của ngân hàng V., trình báo vào trưa 19-8 đã thực hiện giao dịch chuyển 70 triệu đồng trên trang web trực tuyến của ngân hàng. Giao dịch vừa thực hiện xong thì có điện thoại gọi đến xưng là cán bộ của ngân hàng V., thông báo giao dịch bị lỗi và yêu cầu anh T. chuyển lại 70 triệu đồng. Ðể tạo dựng niềm tin, nhân viên này nói anh T. giữ máy để xác nhận các mã tổng đài gửi về chứng minh giao dịch này là đúng chủ, không bị lỗi. Ngay sau đó, có ba mã xác nhận OTP gửi qua số điện thoại, nên anh T. không cảnh giác và đọc cả ba mã cho đối tượng nêu trên. Vừa đọc xong, tài khoản của anh bị trừ 9,9 triệu đồng. Tương tự như trường hợp anh T., nhưng trường hợp của một khách hàng ở TP Bà Rịa lại bị lừa đảo bởi chiêu gọi điện mạo danh cán bộ công an, tòa án. Cụ thể, theo đơn trình báo gửi Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nạn nhân tên T. (sống tại TP Vũng Tàu) cho biết, chị đã bị một nhóm người xưng là điều tra viên, kiểm sát viên gọi điện hù dọa có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào các tài khoản mà họ chỉ định để phối hợp điều tra, trong vòng 24 giờ sẽ hoàn trả nếu chị không liên quan. Vì lo sợ, chị T. đã chuyển hơn một tỷ đồng vào hai tài khoản do nhóm này cung cấp. Sau khi chuyển tiền xong, chị T. không liên lạc được với nhóm người này nữa.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức. Theo lãnh đạo các ngân hàng, đối tượng lừa đảo đang sử dụng các thủ đoạn tinh vi, táo tợn, đặc biệt lợi dụng tâm lý cả tin của khách hàng để đánh cắp thông tin bảo mật sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, gây tổn hại tới uy tín của ngân hàng, cơ quan chức năng. Ðại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, mới đây ngân hàng đã phải gửi email (thư điện tử) tới từng khách hàng để khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản/thẻ. Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến đó là đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến các vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy,… và yêu cầu họ cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng
lừa đảo. Một số phương thức lừa đảo mới khác mà tội phạm đang sử dụng cũng được Vietcombank liệt kê như: mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (nhất là ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Người dùng khi đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của ví điện tử sẽ bị đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên liên hệ, hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như một bước để khắc phục lỗi dịch vụ.
Cùng với Vietcombank, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng gửi thông báo đến khách hàng để cảnh báo về việc một số đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ và các hoạt động chung có lô-gô của ngân hàng để liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook,… nhằm giả danh cán bộ của BIDV. Và khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền “phí bảo hiểm rủi ro” từ một đến hai triệu đồng nhằm chiếm đoạt số tiền này. Hay theo thông báo khuyến cáo khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), một số đối tượng lừa đảo gửi email/tin nhắn có chứa đường link (liên kết) truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất, đây đều là các website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin người dùng.
Tăng cường bảo mật thông tin
Trước mỗi hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới manh nha xuất hiện trên thị trường, các ngân hàng cũng thường xuyên có các hình thức thông tin cảnh báo tới khách hàng. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn có không ít khách hàng “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo do nhẹ dạ, cả tin, và một phần nguyên nhân cũng là do sự chủ quan phớt lờ các cảnh báo từ phía ngân hàng. Theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng, ngay từ khi mở tài khoản/thẻ cho khách hàng, nhân viên ngân hàng luôn khuyến cáo khách hàng phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP), thông tin thẻ (số thẻ, mã PIN, ngày hết hạn, mã CVV, mã CVC) và tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai qua bất cứ kênh nào. Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi.
Ðại diện Ngân hàng BIDV cũng cho biết, các loại phí dịch vụ liên quan đến giao dịch đều được BIDV thu trực tiếp từ khách hàng và cung cấp chứng từ hợp lệ, biểu phí dịch vụ được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch và trang web chính thức của ngân hàng. Do đó, khách hàng không cần nộp bất cứ loại phí nào khi chưa kiểm tra tính phù hợp với biểu phí của BIDV và tuyệt đối không chuyển tiền phí qua một tổ chức, cá nhân nào khác.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), thực tế qua kiểm tra cũng cho thấy, tình hình an toàn, an ninh mạng trong ngành tài chính – ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa khắc phục, giải quyết kịp thời. Vì vậy, để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh sự nâng cao cảnh giác, hiểu biết từ phía người tiêu dùng, cũng đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán cần tiếp tục đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên nguồn dữ liệu lớn (big data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng. Qua đó, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tiến công mạng.
Công an Việt Nam xác định Lisa Phạm tại Mỹ
đứng sau vụ nổ ở Bình Dương
Truyền thông Việt Nam hôm 25/10 cho biết Công an tỉnh Bình Dương đã xác định Lisa Phạm – thành viên Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời tại Mỹ đứng đằng sau vụ nổ ở Cục thuế Bình Dương hôm 30 tháng 9 vừa qua. Đồng thời, Cơ quan Anh ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo điều 113 Bộ Luật Hình sự đối với Trương Dương, 39 tuổi, người được cho là đã nhận chỉ đạo của Lisa Phạm. Trương Dương bị bắt vào hồi đầu tháng này.
Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ Cơ quan Anh ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết Trương Dương thực hiện vụ nổ theo chỉ đạo của Lisa Phạm (họ tên thật là Phạm Thị Anh Đào, 40 tuổi, định cư tại Mỹ).
Năm 2018, Bộ Công An Việt Nam xếp tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời mà cô Lisa Phạm là thành viên, là một tổ chức khủng bố. Theo Bộ Công an Việt Nam, tổ chức này gồm 7 người cầm đầu, trong đó Lisa Phạm có nhiệm vụ kích động, khủng bố, phá hoại manh động chống phá Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do không thể liên lạc được với cô Lisa Phạm để xác nhận thông tin này.
Từ cuối năm 2017 đến nay Việt Nam đã xét xử ít nhất 28 người bị cho là thuộc tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” về các tội khủng bố và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong phiên tòa vào tháng 12 năm 2017, Việt Nam đã kết án 16 người tội khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 84 bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là những người đã tham gia ném bom xăng đốt cháy 320 xe tại kho giữ xe của công an thành phố Biên Hòa hôm 8/4/2017, và ném bom xăng vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Vào tháng 8 năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, truy nã cô Lisa Phạm về tội khủng bố.
Trả lời đài Á Châu Tự Do vào hôm 25/12/2017, cô Lisa Phạm đã phủ nhận có bất cứ liên quan gì với 16 người bị kết án vào năm 2017.
CSVN trả 7 tội phạm cho Trung Cộng
giống “quí tộc đi du lịch”
Tin Vietnam.- Báo Tin tức loan tin, ngày 26 tháng 10 năm 2019, phòng Cai quản xuất nhập cảng cùng công an tỉnh Lào Cai, và Biên phòng Lào Cai đã trao trả 7 người Trung Cộng phạm tội tại Việt Nam cho công an Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Cộng.
Phía Việt Nam còn bàn giao toàn bộ chứng cứ, tang vật thu được của các phạm nhân trên cho công an Trung Cộng. 7 tên này gồm: Trịnh Tùng Xuyên, 36 tuổi; Châu Tây Bằng, 28 tuổi; Vương Hải Linh, 33 tuổi; Vương Tiến, 28 tuổi; Dương Long, 39 tuổi; Liêu Ngọc Bảo, 41 tuổi, và Điền Trân Ý, 30 tuổi. Các tên này đã nhập cảnh vào Việt Nam, và thuê nhà tại thành phố Lào Cai để tổ chức đánh cờ bạc qua mạng. Đến ngày 21 tháng 10 vừa qua, phòng Cai quản xuất nhập cảng cùng một số đơn vị khác vào kiểm tra căn nhà họ thuê ở. Qua kiểm tra, nhà chức trách phát hiện, và thu giữ nhiều máy tính, thiết bị phát wifi, điện thoại dùng phục vụ đánh bạc.
Các đối tượng sau đó bị bắt giữ. Chúng khai báo trong khoảng 1 tháng qua đã thực hiện giao dịch một lượng tiền ảo lên đến 2,000 vạn nhân dân tệ, tương đương 70 tỷ đồng tiền Việt.
Điều đáng chú ý trong suốt quá trình trao trả, những tên tội phạm này không bị khoá tay mà ăn mặc như khách du lịch hạng sang kéo theo những vali cá nhân.
Trong nhiều tháng gần đây, hàng trăm tội phạm Trung Cộng bị trục xuất mà không hề bị xét xử về những tội mà chúng đã thực hiện ở Việt Nam.
Trong khi nhân dân Hong Kong phải đổ máu để phản đối dự luật dẫn độ với Trung Cộng, thì Việt Nam đã ký hiệp định dẫn độ với Trung Cộng năm 2015 và đang thực hiện hiệp định này một cách khó hiểu: trục xuất tất cả tội phạm không qua xét xử cho dù chúng vi phạm pháp luật của Việt Nam. Điều này vi phạm chủ quyền quốc gia, làm cho người Trung Cộng thoải mái vi phạm luật pháp của Việt Nam mà không sợ bị trừng phạt.
Một nhà phân tích cho rằng nhiều hành động của nhà cầm quyền CSVN khiến Việt Nam giống như một tỉnh của Trung Cộng. Giới bất đồng chính kiến có lý khi họ nghi ngờ về Hiệp ước Thành Đô giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Cộng năm 1990, với việc Việt Nam sẽ sát nhập vào Trung Cộng năm 2020.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/csvn-tra-7-toi-pham-cho-trung-cong/
Mỹ và Anh cảnh báo
vụ ‘nước sạch nhiễm dầu thải’ ở Hà Nội
Cơ quan ngoại giao Mỹ và Anh mới lên tiếng cảnh báo các công dân nước mình ở Việt Nam về tình trạng “nước sạch nhiễm dầu thải” ở thủ đô Hà Nội, kêu gọi họ “tránh” dùng nước máy và “sử dụng nước đóng chai”.
Trong thông báo có tựa đề “Ô nhiễm nước ở Hà Nội”, Đại sứ quán Mỹ viết rằng “từ ngày 9 – 10 tháng 10, cư dân ở Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm của Hà Nội báo cáo rằng nước máy của họ có mùi khó chịu và họ phải mua nước đóng chai để nấu ăn và tắm cho trẻ em”, và rằng “chính quyền Hà Nội tuyên bố nguyên nhân là do dầu thải đổ ra một con suối gần đó và tràn vào hồ chứa của công ty nước Sông Đà ở tỉnh Hòa Bình”.
“Báo cáo kiểm tra nước cho thấy nước từ cơ sở xử lý nước Sông Đà có mức styrene, một hợp chất hóa học được sử dụng trong sản xuất nhựa và cao su, cao hơn khuyến nghị 1,3 – 3,6 lần”, cảnh báo đăng ngày 18/10 có đoạn. “Chính quyền Hà Nội cảnh báo người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng không sử dụng nước này để nấu ăn và uống”.
Hà Nội ra khuyến cáo sau gần một tuần bị ô nhiễm nguồn nước
Cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội còn liệt kê “những hành động cần thực hiện”, trong đó kêu gọi các công dân Hoa Kỳ ở Việt Nam “theo dõi tin tức địa phương và trang thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để cập nhật”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng “nước máy ở Việt Nam không thể uống trực tiếp hoặc nấu ăn”, đồng thời kêu gọi công dân “tránh” dùng nước máy và “sử dụng nước đóng chai”.
Ngoài ra, công dân Mỹ cũng được khuyên “tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có bất kỳ mối quan tâm về sức khỏe”.
Trong một cảnh báo tương tự mà tới ngày 23/10 vẫn còn hiệu lực, Bộ Ngoại giao Anh cho biết rằng “chính quyền Hà Nội đã thông báo rằng các hóa chất độc hại đã được phát hiện trong nước máy tại một số khu vực và vùng phụ cận của thành phố sau vụ đổ hóa chất”.
“Các công dân Anh được khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tránh uống hoặc nấu ăn bằng nước máy”, cảnh báo có đoạn.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết rằng mỗi năm, các công dân nước này thực hiện hơn 300 nghìn chuyến thăm tới Việt Nam. Hiện chưa rõ con số tương tự của công dân Mỹ.
Ít ngày sau khi cơ quan ngoại giao Mỹ và Anh lên tiếng cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước, theo trang tin Zing News, hôm 22/10, UBND thành phố Hà Nội “khẳng định nước sạch sông Đà đã an toàn, người dân có thể sử dụng sinh hoạt” nhưng nói thêm rằng “để đáp ứng yêu cầu của người dân, Hà Nội vẫn tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe stéc và bình nước loại 20 lít nếu ai có nhu cầu”.
Một ngày sau đó, theo báo chí trong nước, công an tỉnh Hòa Bình hôm 23/10 “khởi tố, tạm giam” ba người trong độ tuổi từ 25 tới 37 tuổi “có hành vi vận chuyển, đổ gần 9 tấn dầu thải xuống nguồn nước sông Đà”.
Các nghi can, vốn bị cáo buộc “trực tiếp xả dầu thải xuống sông Đà”, được cho là “đối mặt với cáo buộc phạm tội ‘Gây ô nhiễm môi trường’, theo khoản 2 điều 235 Bộ luật hình sự 2015”.
Truyền thông trong nước dẫn lời chính quyền nói rằng “nguồn dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ”, nhưng “động cơ đổ dầu vào con suối gần nguồn cấp nước sông Đà đến nay chưa được công an tiết lộ”.
Mỹ, Anh và Đức ra ‘cảnh báo đỏ’ về ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Vụ ô nhiễm nước ở Hà Nội được cho là đã gây xáo trộn sinh hoạt của người dân thủ đô Việt Nam. Các hình ảnh cho thấy cảnh người dân phải xếp hàng dài để chờ lấy nước sạch hay tình trạng mà báo chí trong nước nói là “càn quét” siêu thị để mua nước đóng chai nhằm tích trữ.
Theo Zing News, trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội hôm 22/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “cũng phải sử dụng nước bẩn ba ngày liền”.
Tờ VnExpress hôm 24/10 dẫn lời nhiều người dân Hà Nội nói rằng họ “chưa tin nước sạch sông Đà an toàn”, nên “vẫn đi mua nước đóng chai”.
Khuyến cáo của Mỹ và Anh được đưa ra không lâu sau khi hai nước phương Tây này phát “cảnh báo đỏ” về tình hình ô nhiễm không khí “nguy hiểm” ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP HCM.