Tin Việt Nam – 27/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/10/2018

Hai lãnh đạo thành phố Westminster

ra nghị quyết ngăn chặn âm mưu CSVN gây rối

Thị trưởng và phó thị trưởng gốc Việt của thành phố Westminster, miền nam tiểu bang California, vừa đưa ra một nghị quyết nhắm mục tiêu “trị tiệt nọc các âm mưu của cộng sản” nhằm quấy rối Little Saigon, thủ phủ của người Việt tị nạn.

Trong buổi họp hội đồng thành phố tối Thứ Tư 24/10, Thị trưởng Trí Tạ và Phó thị trưởng Tyler Diệp đã trình bày nghị quyết khẩn cấp khuyến cáo các chủ nhân cơ sở thương mại mỗi khi tổ chức sự kiện có thể gây ra biểu tình, phải thông báo với sở cảnh sát thành phố trước 10 ngày. Nghị quyết sau đó được hội đồng thành phố thông qua với tỷ lệ đồng thuận 5 trên 0.

Nhật báo Người Việt dẫn lời Thị trưởng Trí Tạ tuyên bố rằng, sự kiện đông đảo đồng hương biểu tình chống một ca sĩ cộng sản trước một nhà hàng hôm Thứ Năm tuần trước khiến thành phố quan tâm. Ông hy vọng với nghị quyết này, Westminster sẽ là thành phố tiên phong đập tan dã tâm của cộng sản gây những xáo trộn trong cộng đồng người Việt tị nạn.

Phó Thị Trưởng Tyler Diệp giải thích về nghị quyết như sau: Chủ nhân các cơ sở thương mại chỉ cần thông báo cho sở cảnh sát 10 ngày trước khi diễn ra một sự kiện có thể bị cộng đồng chống đối. Nếu không thông báo, chủ nhân cơ sở tổ chức sự kiện sẽ phải bồi hoàn cho thành phố các chi phí phụ trội để duy trì sự an toàn cho sự kiện đó. Ông Tyler Diệp hy vọng rằng các thành phố khác cũng ra nghị quyết tương tự “để trị tiệt nọc các âm mưu của cộng sản”.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/hai-lanh-dao-thanh-pho-westminster-ra-nghi-quyet-ngan-chan-am-muu-csvn-gay-roi/

 

Mỹ: Miễn Trục Xuất 10,000 Người Về VN

WASHINGTON — Vậy là liên bang Hoa Kỳ nhượng bộ: một số  người Việt gặp cơ nguy bị trục xuất về Việt Nam đã được liên bang Hoa Kỳ trả tự do ra khỏi các trại tạm giam, theo một hồ sơ tòa.

Một viên chức ICE (Sở Thi Hành Luật Di Trú) viết trong một hồ sơ tòa rằng Sở không còn tin rằng một số người Việt “có thể bị trục xuất về Việt Nam” trong tương lai gần.

Liên bang nói chính phủ Mỹ đang làm thủ tục trả tự do một số người Việt đang ở các trại tạm giam của Sở Di Trú ICE — những người này sẽ gỡ tên ra khỏi danh sách trục xuất (mà hiệp ước trục xuất đạ ký giữa Mỹ và VN), trong một quyết định mà các luật sư của những người Việt bị xem gọi là chiến thắng.

Trong hồ sơ tòa tháng 9/2018 mà NBC News có, một viên chức Sở ICE viết rằng Sở không còn tin là những người Việt vào Mỹ trước ngày 12 tháng 7/1995 sẽ “có lẽ nhiều phần bị trục xuất về VN trong tương lai gần.”

Tung Nguyen, một người Việt trước đây từng bị giam và vào Mỹ trước 1995, đã vui mừng với tin này.

Anh nói, “Là một người bị ảnh hưởng, tôi hạnh phúc cảm nhận rằng lần này tôi không phải sống với lo âu rằng ICE sẽ tới bắt giam tôi bất kỳ lúc nào nữa.”

Một phát ngôn nhân ICE nói rằng Sở không bình luận về các hồ sơ tòa chưa kết thúc.

Các nhóm hoạt động nhân quyền nói rằng họ tin là đã có 7 người Việt tới Mỹ trước năm 1995 đã bị trục xuất về Việt Nam.

Nhưng ICE nói với NBC hồi tháng 2/2018 rằng Sở ICE không theo dõi năm vào Mỹ của những người bị giam ở các trại giam của Sở Di Trú.

Christopher Lapinig, Luật sư của hội pháp lý Asian Americans Advancing Justice-Los Angeles, nói rằng hội vui mừng vì tòa qua quyết định  đã không trục xuất nhiều ngàn người Việt Nam trong danh sách từng dự tính trục xuất.

Có khoảng 10,000 người Việt Nam trong diện này được miễn trục xuất.

https://vietbao.com/p124a286914/my-mien-truc-xuat-10-000-nguoi-ve-vn

 

Kiếm sống nơi biên giới phía Nam

Biên giới phía nam, từ Mộc Bài – Tây Ninh đến Hồng Ngự – Long An, Hà Tiên – Kiên Giang cho đến Tịnh Biên, Châu Đốc – An Giang… Dường như chỉ nghe cụm từ “biên giới phía Nam” đã khiến cho người ta liên tưởng đến một điều gì đó hiu hắt, vắng lặng và đâu đó vẫn còn âm vang dáng điệu của người Việt thuở “mang gươm đi mở cõi”. Và có thể ví những người kiếm sống nơi biên giới, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia là những thân cò lặn lội. Cho dù đó là những thân cò béo mập, màu mỡ hay những thân cò ốm ó, gầy hom thì vẫn có chút gì đó cô liêu, khó tả.

Làm gì để sống?

Càng xuôi về phương Nam, cảm giác hiu hắt, cô quạnh càng tăng cao. Vùng biên giới Châu Đốc, An Giang, nơi có những xóm nghèo, nhà lợp lá, lợp tôn lưa thưa chừng vài chục mái, đi cả quãng đường dài ven các con sông, con kênh, qua những cánh đồng tưởng như vô tận mới gặp một xóm nhà lưa thưa sống tựa vào nhau. Dường như người dân nơi đây chỉ biết làm ruộng, quanh năm ruộng và ruộng. Người có nhiều đất thì kiếm sống, làm giàu ngay trên thửa đất của mình, người không có ruộng thì đi làm thuê, làm mướn. Những lúc nông nhàn, người ta đi mua thêm một ít hàng bên kia biên giới về bán hoặc đi bán trái cây, bán nước thốt nốt. Thu nhập được chăng hay chớ…

Bà Lê Thị Hoa, bán trái cây ở biên giới Châu Đốc, chia sẻ: “Cũng như mình bán này cũng không đủ, chồng con lo thêm nữa, chứ mình bán ngày chút đỉnh có một trăm mấy ngàn có đủ đâu, con nó cho thêm nữa. Chứ đâu có ăn đủ hằng ngày đâu, không có đất có ruộng nên toàn đi bán thế này để ăn à. Người ta có đất có tiền người ta có ruộng, đi mua ruộng chứ mình không có thì đi buôn bán chứ sao. Người ta hồi đó ông bà cha mẹ để đất đai lại rồi từ từ đó người ta làm ra nhiều chứ mình cha mẹ không có đất cát để lại thì đi buôn bán kiếm sống qua ngày vậy đó.”

Tình trạng không có đất đai mặc dù sống giữa lòng châu thổ rộng mênh mông và trù phú không phải là trình trạng riêng, có tính cá biệt của một vài người mà nghe ra, đây là tình trạng rất chung.

Tình trạng không có đất đai mặc dù sống giữa lòng châu thổ rộng mênh mông và trù phú không phải là trình trạng riêng, có tính cá biệt của một vài người mà nghe ra, đây là tình trạng rất chung. Người có vốn thì đi buôn trái cây, buôn những thứ hàng lặt vặt, người không có vốn thì bơi ghe đi lượm củi trên sông để bán. Cũng may là vùng biên giới không giàu có gì, điều kiện thiếu thốn, không phải ai cũng sắm được bếp gas nên việc mang củi ra chợ bán vẫn còn thịnh hành, người lượm củi trên sông vẫn còn đất sống.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, người lượm củi trên sông Hậu, Châu Đốc, chia sẻ: “Theo lòng sông gặp cây nào lượm cây đó, có thì lượm không có thì thôi. Cả tuần lễ mới được ghe đó chứ có sẵn đâu, đi dòm dòm kiếm. Có ai kêu cạo gió thì người ta năm, ba chục ngàn hoặc hai chục, ba chục ngàn, ví dụ như cạo hai cái giò, từ cẳng xuống thì người ta cho hai chục còn cạo cả người thì người ta cho năm chục, ba chục ngàn, tùy theo người người ta cho, chứ đi làm có gì đâu mà sống nổi, rồi còn nhờ con đắp đổi, đắp đổi, kiếm thêm.”

Bà Tuyết Mai cho biết thêm, bà năm nay 73 tuổi và đã có thâm niên 43 năm lượm củi trên sông Hậu. Ngày xưa củi nhiều hơn bây giờ nên dễ sống, càng về sau, củi càng trởi nên hiếm hoi và sông chảy cũng khác thường vào mùa nước nổi nên việc kiếm củi khó khăn hơn nhiều. Trước đây bà có thể mua gạo cho gia đình nhờ củi nhưng bây giờ thì khó hơn nhiều, bơi ghe vớt cả một tuần dài mới kiếm được chừng 50 ngàn đồng cao lắm là 100 ngàn đồng, đủ mua 5 đến 10 ký gạo loại tệ nhất để nấu cơm.

Ngoài bà Tuyết Mai có có rất nhiều phụ nữ đi lượm củi trên sông. Nhưng trong đó phải nói đến bà Nguyễn Thị Sáu, người có thâm niên 43 năm xuôi theo dòng nước mà lượm củi giống bà Tuyết Mai nhưng lớn hơn bà Tuyết Mai 4 tuổi, năm nay bà Sáu đã 77 tuổi. Bà Sáu chia sẻ: “Không có đủ đi chợ đâu, ngày hai chục, ba chục ngàn, đủ sống qua ngày à. Bữa có hai, ba chuc, hai, ba chục à, có đâu…!”

Tương lai sẽ về đâu?

Cái câu hỏi “làm gì để sống?” nghe ra tưởng chừng như là một sự bịa đặt hoặc tưởng tượng nào đó quá mức đối với người đồng bằng, thậm chí đối với người miền núi, câu hỏi “làm gì để sống?” cũng nghe ra có vẻ lạc hậu, bởi thế kỉ 21 này không phải là thế kỉ để người ta rị mọ kiếm từng hạt thóc cầm hơi. Đặc biệt, giữa vùng châu thổ phì nhiều như đồng bằng Sông Cửu Long, việc đặt ra câu hỏi này lại thêm phần kì quặc. Nhưng đó là sự thật, và dường như càng đi sâu vào những xóm vắng nơi biên giới, càng tiếp xúc với những con người nghèo khổ, có phần đói rách đang sống giữa vựa lúa miền Nam, cái cảm thức về sự trống rỗng, bất định của đời sống càng tăng cao.

Một người làm thợ hồ, tên Thái Văn Xuyên, chia sẻ: “Một ngày làm được 170 ngàn, 180 ngàn nhưng bữa được bữa mất chứ có phải đi làm được miết đâu, khi trời mưa mình đâu có đi làm được đâu. Hà tiện lắm thì ăn uống, chi tiêu trong nhà cũng phải 100 ngàn. Thì mình nghèo khổ, làm mướn đâu có tiền đâu mà mua đất. Đất giờ 2m, 4m ngang cũng 100, 200 triệu, mình tiền đâu mà mua, thì bắt buộc mình phải ăn nhờ, ở đậu.”

Ông Xuyên cho biết thêm là sau 43 năm, kể từ khi đất nước thống nhất hai miền, dường như đời sống có phát triển hơn nhiều nhưng nó chỉ phát triển đối với giới quan chức, với những gia đình có gốc gác, có thế lực, có đất đai nhiều… Chứ với những người lao động quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ông thì đất nước vẫn cứ tay làm hàm nhai, vẫn cứ chiều chiều ngà ngà say sau một ngày cật lực. Và cho đến cái tuổi 55, ông vẫn không có mảnh đất cắm dùi mặc dù đã nỗ lực hết sức. Ông và vợ con đang sống tạm trong một căn lều tạm bên cạnh khu mộ của một tộc trưởng nơi đây.

Không riêng gì ông Xuyên mà hầu hết người lao động ở vùng biên giới nói riêng và các vùng quê châu thổ Sông Cửu Long nói chung đều có đời sống trầm trầm quanh năm suốt tháng. Có lẽ nhờ vậy mà cái Tết ở vùng quê châu thổ còn rất ấm áp, ý vị. Bởi người ta dành cả năm cho việc ăn Tết, cả một năm dài hội tụ mồ hôi, tiền bạc, sự chờ đợi để đón ông bà, tổ tiên về cùng chứng giám, cùng hưởng thụ với con cháu ba ngày đầu năm, rồi lại cách xa biền biệt, lại thê thiết với đồng không mông quạnh, lại bươn bả với sình lầy hay phố thị ngược xuôi.

Có thể nói rằng đời sống của người dân vùng biên giới Châu Đốc, Tịnh Biên còn quá lạc hậu so với những vùng quê khác. Nhịp điệu sống của họ luôn khiến cho người mục kích sở thị mang một ảo giác nào đó về những vùng đất mới khai phá, thiếu vắng dấu chân văn minh nhân loại. Nhưng họ phải sống, sống trong sự cố gắng, khắc khoải và chẳng biết tương lai sẽ về đâu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/making-a-living-in-the-southern-border-10262018115904.html

 

Đề xuất thu phí ô nhiễm trên phương tiện giao thông,

lại thêm thuế nhắm vào dân nghèo

Ngoài phí môi trường trong xăng, nay lại thêm một đề xuất thu phí ô nhiễm môi trường trên các phương tiện tham gia giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến chuyên gia và một số người dân tại Sài Gòn về đề xuất này.

Quy định vùng và thu phí

Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với các loại xe tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường trên tất cả các phương tiện.

Trả lời báo chí hôm 23 tháng 10, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Xuân Cường cho biết, đề án triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận, thì có thể thực hiện vào năm 2019.

Người ta đã thu thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu rồi, mà bây giờ lại đưa thêm một loại thuế phí nào nữa thì quả thật là gánh nặng cho người dân.

-TS. Ngô Trí Long

Cụ thể sẽ kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe gắn máy 2 hoặc 3 bánh, xe hơi, xe tải… lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả kiểm soát, sẽ quy định vùng lưu thông cho các phương tiện theo chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với các loại xe tham gia lưu thông.

Để hiểu rõ thêm về việc thu thuế phí môi trường trên phương tiện lưu thông, chúng tôi hỏi chuyện Phó giáo sư, Tiến sĩ  Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, và được ông cho biết;

“Thật ra thu phí đối với phương tiện xả thải thì nó là một trong các loại phí mà nhiều quốc gia trên thế giới đã có. Và nó được tính vào phí môi trường hay thuế môi trường của các quốc gia đó. Tùy theo từng quốc gia, người ta có thể tính theo cách này hoặc cách khác dưới dạng nội suy hay ngoại suy, vào tổng thuế môi trường cho các hoạt động giao thông vận tải, cũng như các phương tiện có phát khí thải ra môi trường.”

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ  Đinh Trọng Thịnh, đánh thuế xả thải tức là sẽ đánh thuế vào tất cả các phương tiện có thải khí CO2 ra môi trường, bất kể đó là phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy hay đường không. Theo ông, ở các quốc gia khác trên thế giới, thông thường người ta sử dụng phí này cho xe hơi. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, lượng xe 2 bánh gắn máy quá đông và xả thải quá nhiều, nên cần phải xem xét.

Theo thống kê của Sở thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 5 năm 2018, tại Sài Gòn có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu xe gắn máy.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra nhận định liên quan đề xuất thu phí môi trường:

“Đây mới là đề xuất thôi, nhưng tất nhiên là khi mỗi một loại thuế đặt ra thì cần phải xem xét hết sức thận trọng. Đặc biệt là đánh thuế vào phương tiện do ảnh hưởng môi trường, thì người ta đã thu thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu rồi, mà bây giờ lại đưa thêm một loại thuế phí nào nữa thì quả thật là gánh nặng cho người dân. Nếu sợ ảnh hưởng môi trường thì cứ không cho lưu hành phương tiện gây ảnh hưởng môi trường.”

Đánh thuế vào người nghèo

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, những phương tiện gây ô nhiễm thì nhà nước đã có biện pháp xử lý, mà ô nhiễm là do sử dụng xăng dầu. Mà xăng dầu hay than đều đã bị đánh thuế môi trường. Cho nên theo ông việc này cần phải xem xét thận trọng, nếu không sẽ đè gánh nặng lên cho người dân.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, thu phí môi trường đối với các loại xe tham gia lưu thông, đặc biệt là xe gắn máy hai bánh, chẳng qua là đánh thuế vào người nghèo. Trong khi xe hơi là xe xả khói nhiều nhất.

Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng đồng quan điểm về nhận định này:

“Tôi thấy là thực chất hiện nay phần lớn người dân thì đa số là người lao động nghèo, thu nhập của người ta đã thấp, đời sống khó khăn, phương tiện người ta sử dụng cũng không phải loại hiện đại, mà tương đối ở mức độ mà công nghệ thấp. Thế mà bây giờ lại tiếp tục đánh thuế vào đây thì thực chất vấn đề an sinh xã hội như thế nào cũng cần phải lưu ý.”

Em thấy người ta cứ tăng phí mà chưa thấy cái phí đó phát huy được tác dụng gì đó. Nhà nước nên sớm minh bạch vấn đề này.

-Người dân Sài Gòn

Chúng tôi hỏi chuyện một người dân hành nghề chạy xe ôm tại Sài Gòn, và được anh cho biết:

“Tụi em đi làm ở ngoài đường thì phụ phí trong xăng dầu đã đóng rồi. Mà bây giờ bắt đóng thêm nữa thì thu nhập sẽ giảm thêm nữa. Thu nhập càng ngày càng khó khăn, phí thì lại thêm, sao sống được. Nhà nước cần phải điều chỉnh lại thôi, chứ đâu tính thêm người dân được.”

Tiến sĩ  Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu mình đã gây ra ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống xã hội, thì mình phải đóng góp để cùng với xã hội khắc phục. Và bản thân mình sau đó cũng sẽ được hưởng việc khắc phục môi trường đó. Và theo ông, dù là người giàu hay người nghèo, nếu mà gây ô nhiễm thì phải đều chịu mức phí như nhau.

Người dân khác cũng ở Sài Gòn tuy ủng hộ việc thu phí sẽ giúp hạn chế xe gắn máy nhưng cũng bày tỏ lo ngại tiền thu phí môi trường đó sẽ được sử dụng như thế nào:

“Em nghĩ về chi phí thì không ai muốn phát sinh thêm chi phí. Vì trong cuộc sống thì cần phải mưu sinh. Nhà nước mà tăng các chi phí đó lên thì họ phải có những biện pháp khắc phục cho người dân tốt hơn. Ví dụ họ thu phí người dân thì phải làm gì để bù lại cho người dân. Nếu nhà nước tăng phí mà không làm gì cho dân thì đó là một điều không nên. Em thấy người ta cứ tăng phí mà chưa thấy cái phí đó phát huy được tác dụng gì đó. Nhà nước nên sớm minh bạch vấn đề này.”

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, khi thu phí môi trường vào phương tiện giao thông, thì hệ lụy của nó là thu nhập người dân sẽ giảm rất lớn. Mà khi thu nhập giảm thì ảnh hưởng đến đời sống. Thu nhập giảm cũng làm nhu cầu giảm, khi cầu giảm thì cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Cho nên theo ông, chính phủ cần phải xem xét hết sức thận trọng việc thu thêm phí môi trường này.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/proposed-to-collect-polluting-fee-on-vehicles-10262018141257.html

 

Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chuyên gia nói gì?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Chính quyền Cần Thơ ra quyết định xử phạt tiệm vàng Thảo Lực và ông Nguyễn Cà Rê trong giao dịch đổi 100USD.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm vụ việc một người dân ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 đô la Mỹ (USD) tại tiệm vàng địa phương. Các chuyên gia nói gì qua vụ việc này?

90 triệu đồng: Mức phạt không hợp lý?

Vào trưa ngày 30/01/18, ông Nguyễn Cà Rê, ở Cần Thơ mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực, ở trung tâm thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đổi sang tiền đồng với giá 2.260.000. Và, nhân viên Phòng Cảnh sát kinh tế thành phố Cần Thơ được nói là bắt quả tang việc mua bán ngoại tệ này.

Mãi đến ngày 13 tháng 8, Công an thành phố Cần Thơ lập biên bản vụ việc vi phạm hành chính đối với ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực.

Vào chiều ngày 23 tháng 10, truyền thông trong nước dẫn lời của ông Trương Quang Hoài Nam-Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ (UBND TP Cần Thơ) cho biết UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê và phạt tiệm vàng Thảo Lực 295 triệu đồng, kèm theo tịch thu tờ 100 đô la mà tiệm vàng này đã đổi cùng 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Trong thời điểm hiện tại, tô không nghĩ rằng Việt Nam nên cho lưu hành bất kỳ đồng ngoại tệ nào, kể cả đồng Nhân dân tệ. Tôi có sự băn khoăn về việc cho phép lưu hành đồng Nhân dân tệ tài vùng biên mậu. Tôi e rằng rất khó kiểm soát và có thể sẽ xảy ra hiện tượng lan tỏa đến các vùng khác trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi cho rằng Nhà nước nên quyết liệt hơn trong chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế

-TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận tại Việt Nam, những người có nhu cầu đổi ngoại tệ sang tiền đồng thường chọn đổi ở thị trường chợ đen hơn là đến ngân hàng hay các cơ sở tín dụng được cấp phép mua bán ngoại tệ, vì thủ tục đơn giản cũng như tỉ giá cao hơn tỉ giá chính thức niêm yết của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù hoạt động mua bán ngoại tệ ở thị trường chợ đen vẫn diễn ra hàng ngày, tuy nhiên thông tin về vụ việc vừa nêu đã gây nên thắc mắc trong dư luận. Câu hỏi được đặt ra rằng vì sao vụ việc vi phạm hành chính phải mất gần 8 tháng mới lập biên bản và thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực hay không, cũng như mức phạt mà Chính quyền thành phố Cần Thơ ấn định 90 triệu đồng có hợp lý hay không?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lên tiếng

Để trả lời cho những thắc mắc vừa nêu, báo giới quốc nội đăng tải ý kiến của một số luật sư cho rằng ít người dân biết về Nghị định 96, quy định mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty luật BASICO, được trích lời nên xem xét lại Nghị định 96, theo hướng tập trung xử phạt đơn vị mua bán ngoại tệ trái phép, thay vì phạt nặng người dân như qua trường hợp của ông Nguyễn Cà Rê.

Vào sáng ngày 26 tháng 10 bên lề hành lang Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói với báo giới rằng Nghị định 96 năm 2014 quy định mức phạt hành chính từ 80 đến 100 triệu đồng trong lãnh vực tiền tệ và ngân hàng đang được lên kế hoạch sửa đổi trong năm 2018, và Ngân hàng Nhà nước chỉ định Cơ quan phía Nam kiểm tra hồ sơ và tư vấn cho Chính quyền Cần Thơ trong việc xử lý vụ việc xử phạt ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực.

Nhận định của chuyên gia

Trong cùng ngày 26 tháng 10, qua cuộc phỏng vấn với Báo mạng cafeland.vn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính độc lập đưa ra nhận định của ông rằng có hiện tượng bất nhất trong hành pháp qua quyết định xử phạt của Chính quyền Cần Thơ trong vụ mua bán 100USD tại tiệm vàng Thảo Lực vì hai thị trường mua bán ngoại tệ chính thức và tự do cùng song song tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội nhưng vẫn hoạt động mà không bị xử phạt. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu còn nhấn mạnh rằng có sự mâu thuẫn trong chính sách quản lý ngoại hối hiện hành là Nhà nước có chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế, thì tại sao lại cấm, không để người dân tự do đổi tiền USD sang tiền đồng; vì như thế sẽ nhằm giảm thiểu đô la hóa trong nền kinh tế.

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan Nhà nước Việt Nam nên cân nhắc cho phép mở rộng phạm vi sử dụng, trao đổi, thanh toán bằng đồng USD, là đồng ngoại tệ thông dụng nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được chính thức cho phép thanh toán tại khu vực biên giới Việt -Trung kể từ trung tuần tháng 10 này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu lên quan điểm của ông:

“Trong thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ rằng Việt Nam nên cho lưu hành bất kỳ đồng ngoại tệ nào, kể cả đồng Nhân dân tệ. Tôi có sự băn khoăn về việc cho phép lưu hành đồng Nhân dân tệ tài vùng biên mậu. Tôi e rằng rất khó kiểm soát và có thể sẽ xảy ra hiện tượng lan tỏa đến các vùng khác trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi cho rằng Nhà nước nên quyết liệt hơn trong chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế.”

Một trong những biện pháp mà chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu đề nghị là Ngân hàng Nhà nước cần tăng thêm điểm được phép mua bán ngoại tệ, hoạt động liên tục kể cả ngày nghỉ để đáp ứng nhu cầu mua bán ngoại tệ của dân chúng ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng nêu vấn đề với Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, qua vụ việc truyền thông đồng loạt đăng tải thông tin xử phạt mua bán ngoại tệ trái phép ở Cần Thơ. Từ Na-Uy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định:

Kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, cộng thêm tình hình chính trị Việt Nam mang nhiều dấu hiệu bất ổn, cho nên có xu hướng người dân tích trữ tài sản dưới dạng đô la Mỹ và đồ trang sức quí giá. Càng bất ổn thì giá đô la trên thị trường chợ đen càng tăng nhanh, trong khi giá đô la trên hệ thống ngân hàng thì do Nhà nước cố định. Việt Nam càng có nhiều nguy cơ bất ổn thì mức chênh lệch về tỉ giá đô la Mỹ giữa thị trường chợ đen và hệ thống ngân hàng nhà nước càng lớn, dẫn đến xu hướng người ta bán qua thị trường chợ đen nhiều hơn. Điều này ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vốn đang rất khó khăn

-TS. Nguyễn Huy Vũ

“Kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, cộng thêm tình hình chính trị Việt Nam mang nhiều dấu hiệu bất ổn, cho nên có xu hướng người dân tích trữ tài sản dưới dạng đô la Mỹ và đồ trang sức quí giá. Càng bất ổn thì giá đô la trên thị trường chợ đen càng tăng nhanh, trong khi giá đô la trên hệ thống ngân hàng thì do Nhà nước cố định. Việt Nam càng có nhiều nguy cơ bất ổn thì mức chênh lệch về tỉ giá đô la Mỹ giữa thị trường chợ đen và hệ thống ngân hàng nhà nước càng lớn, dẫn đến xu hướng người ta bán qua thị trường chợ đen nhiều hơn. Điều này ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vốn đang rất khó khăn. Thêm nữa, khi sự chênh lệch càng lớn thì áp lực phá giá tiền Đồng càng cao. Trong khi đó, Chính phủ không dám phá giá mạnh tiền Đồng vì dễ dẫn đến bất ổn vĩ mô. Do đó, Nhà nước Việt Nam lựa chọn bóp chặn thi trường chợ đen nhằm kiểm soát tỉ giá.”

Sau khi thông tin Chính quyền Cần thơ ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Cà Rê và tiệm vàng Thảo Lực được loan tải, truyền thông trong nước ghi nhận thị trường mua bán ngoại tệ tự do vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn nhộn nhịp hẳn lên, như ở phố cổ Hội An hay nhiều người dân Hà Nộị bỏ ngủ trưa để tìm chỗ đổi USD.

Bên cạnh đó, Đài RFA ghi nhận ý kiến của không ít cư dân mạng cho rằng vụ việc chính quyền địa phương ký quyết định khám xét tiệm vàng Thảo Lực ở Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hay tiệm vàng Hoàng Mai, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2014 trước khi hai tiệm vàng này có hành vi vi phạm khiến gợi nhớ đến thời kỳ Việt Nam thực hiện chính sách đánh tư sản mại bản vào thập niên 70 của thế kỷ trước.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/specialists-concerns-about-the-case-of-penalizing-illegal-foreign-exchange-10262018142650.html

TRANG CHÍNH | THỜI SỰ

 

Sao phải bí mật ‘thân thế,

sự nghiệp lãnh đạo Đảng/ Nhà nước’!?

Theo điều 7 của dự thảo Luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước, những thông tin như thân thế sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước, quốc phòng an ninh, đất đai địa chất, biển, công nghiệp, thương mại là những thông tin bí mật nhà nước.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh tại buổi thảo luận cho rằng điều này “sẽ lợi bất cập hại” khi chủ trương chính sách đối nội và đối ngoại cần phải được phổ biến công khai và rất nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, thì nay lại quy định là thông tin mật.

Ngoài ra vị đại biểu này còn nhấn mạnh rằng “Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến để người ta học tập hay lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần phải công khai nhanh và rộng thì dự luật lại quy định là thông tin mật”. Do đó ông đề nghị cần phân định rõ ràng đâu là tin mật và đâu là bí mật nhà nước.

 Bởi vì những người tham nhũng là những người có chức có quyền nên nếu giữ hết bí mật về thông tin của họ thì làm sao có cơ sở như thế nào mà chống tham nhũng được. – LS. Đặng Đình Mạnh

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường cho rằng đề xuất luật bí mật nhà nước thì cũng hoàn toàn hợp lý nhưng vấn đề là cách tiếp cận. Ông cho biết:

“Bởi vì vừa rồi quốc hội mới thông qua quyết định về quyền thông tin thì việc bảo vệ các thông tin bí mật nhà nước nó như là mặt đối ngẫu với luật về quyền tiếp cận thông tin nhưng chỉ có điều như thế này là chúng ta cần xác định rõ thông tin nào là thông tin mật và thông tin nào không được coi là mật thì lúc đó người dân được quyền tiếp cận.”

Ngoài ra, giáo sư Đặng Hùng Võ còn nhấn mạnh với chúng tôi rằng nếu không xác định rõ phạm vi thông tin thì rất khó thực hiện quyền được tiếp cận thông tin.

“Tôi cho rằng nếu ta đưa ra quyền tự do tiếp nhận thông tin mà không xác định phạm vi bí mật thì nó dẫn tới sẽ rất khó thực hiện cái luật về quyền tiếp cận thông tin. Bởi vì chỉ cần một đơn vị, cấp nào đó đóng dấu đây là tài liệu mật thì ngay lập tức quyền tiếp cận thông tin sẽ đầu hàng ngay.”

Một ý kiến khác được nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ với chúng tôi rằng ông rất bất ngờ vì dự luật quá vô lý và nó sẽ làm một tiền đề cho sự thiếu minh bạch của các cấp chính quyền.

“Tôi nghĩ rằng qua những lần bầu cử của những nước dân chủ như Mỹ và Châu Âu và một số nước khác thì tất cả mọi chi tiết đó điều phải được công khai về thân nhân của những người là ứng cử viên chức vụ nào đó. Nên tôi không hiểu vì sao nhà nước này lại đưa ra một dự thảo kỳ quặc như vậy, nó đi ngược với xu thế văn minh của thời đại.”

Nhà báo Võ Văn Tạo còn cho biết thêm, theo quy luật chung về việc phát triển của các quốc gia thì càng minh bạch bao nhiêu thì hiệu quả trong việc quản lý kinh tế và đời sống xã hội sẽ phát triển bấy nhiêu. Còn thiếu minh bạch thì những hệ lụy tiêu cực khác như tham nhũng, hối lộ và công bằng xã hội không thể nào ổn định được.

Đồng ý với nhà bá Võ Văn Tạo, luật sự Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng, dự luật bảo vệ bí mật nhà nước không nên có vùng cấm, ông lập luận:

“Bởi vì tất cả những đối tượng đó sẽ nắm vận mệnh quốc gia và người dân khi bầu họ cần biết người nắm vận mệnh quốc gia là người như thế nào, cho nên chia ra đối tượng bí mật và không bí mật như vậy thì hoàn toàn không hợp lý.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh tỏ ra quan ngại nếu dự luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước được thông qua mà không có những sửa đổi các bất hợp lý được nêu ra. Ông cho rằng cần công khai để người dân tiện theo dõi, bằng không nổ lực chống tham nhũng lâu nay của chính quyền coi như vô ích.

Vị luật sư chia sẻ với chúng tôi: “Bởi vì những người tham nhũng là những người có chức có quyền nên nếu giữ hết bí mật về thông tin của họ thì làm sao có cơ sở như thế nào mà chống tham nhũng được. Điều thứ hai những người được ứng cử vào các chức vụ của chính quyền thực ra theo thông lệ thế giới thì những thông tin của họ là những thông tin công khai và mọi người dân phải được biết nhất là các cử tri họ phải biết họ bỏ phiếu, họ bầu cho người đó như thế nào có đáng tin cậy hay không rồi họ vào chức vụ đó có thích hợp hay không. Tất cả những điều đó được đưa vào bí mật thì giống như đánh đố cử tri là họ bầu mà họ không biết người mà họ bỏ phiếu cả nên điều đó rất là vô lý.”

Ngoài những nội dung dự luật vừa nêu, các đại biểu quốc hội còn phản ánh cho rằng lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai cũng được đưa vào dạng thông tin mật là quá rộng. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay rất nhiều đơn khiếu nại tố cáo của người dân liên quan đến đất đai và môi trường, nên quy định này thông qua thì khiếu nại của người dân bao giờ mới được giải quyết.

Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đại tuy cũng cần có một số thông tin bí mật nhưng không phải là gom tất cả lại thành một như ý kiến của giáo sư Đặng Hùng Võ:

“Hiện nay nhiều bản đồ vẫn được coi là mật mà trong thời đại kỷ nguyên thông tin mà bản đồ coi là mật thì chúng ta không làm gì được nữa. Ví dụ bản đồ quân đội là mật hoàn toàn đồng ý. Còn các bản đồ bình thường để người dân vào công tác đất đai phát triển kinh tế thì sao lại cho là mật. Tôi cho là cần thiết nhưng phải làm thế nào để không làm hại đến quyền tiếp cận thông tin.”

Quan ngại của ông Đặng Hùng Võ được chính các đại biểu quốc hội chia xẻ vì Luật Tiếp Cận Thông Tin mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 vừa qua; và theo kế hoạch dự Luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước sẽ được quốc hội Việt Nam thông qua vào cuối kỳ họp này trong tháng 11 tới đây

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/proposing-to-introduce-the-pro-life-information-leadership-of-the-party-and-state-into-the-secret-10262018145347.html

 

Công an Khánh Hoà nói gì về vụ người dân

 chết trong đồn công an thị xã Ninh Hoà

Báo Lao Động hôm 27/10 cho biết cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Khánh Hoà vừa có thông báo gửi cho ông Nguyễn Trọng Chinh, chồng bà Huỳnh Thị Nhung (sinh năm 1973), người bị chết trong đồn công an xã Ninh Hoà hôm 13/10.

Theo tin của báo Lao Động, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Khánh Hoà đã phân công Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh giải quyết tin báo của Công an thị xã Ninh Hoà về cái chết của chị Nhung, chủ nhà nghỉ Thuỳ Nhung ở thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hoà. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Chinh có đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Khánh Hoà khởi tố với vụ bà Nhung bị tử vong khi làm việc ở đồn công an.

Báo Lao Động cũng cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an thị xã đã có giấy triệu tập ông Chinh lên làm việc với nội dung: “Ghi lời khai về việc chứa mại dâm xảy ra vào ngày 13/10 tại nhà nghỉ Thuỳ Nhung”.

Theo đơn đề nghị khởi tố vụ án của gia đình chị Nhung được đưa trên trang facebook cá nhân của nhà báo Hoàng Khương hôm 17/10, gia đình chị Nhung muốn làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của chị Nhung, ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với cái chết này, việc bắt giữ người có đúng trình tự pháp luật không, có dấu hiệu tội phạm của việc bắt giữ dẫn đến chết người không. Gia đình nạn nhân cũng yêu cầu giám định ghi âm, ghi hình toàn bộ quá trình hỏi cung theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo đơn của ông Chinh, chị Huỳnh Thị Nhung đã bị cảnh sát hình sự công an thị xã Ninh Hoà ập vào nhà bắt giữ vào 15 giờ ngày 13/10 để xác minh, làm rõ một số dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành nghề kinh doanh nhaỵ cảm. Chị Nhung bị đưa về đồn công an thị xã vào 18 giờ cùng ngày.

Theo báo Người Lao động, chị Huỳnh Thị Nhung được đưa vào bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hoà vào khoảng 22 giờ 50 ngày 13/10 trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Lê Quang Lệnh, Phó Giám đốc bệnh viện được báo trích lời cho biết nạn nhân có 6 vết thương, trong đó có 3 vết thương dưới úc, 2 vết vùng ngực và 1 vết thương sâu vùng cổ và tử vong sau khoảng 30 phút cấp cứu.

Đến 8 giờ sáng ngày 14/10, gia đình nạn nhân mới nhận được thông báo tử vong.

Hôm 14/10, báo Người Lao động trích lời một lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thị xã Ninh Hoà giấu tên cho biết chị Nhung đã cầm kéo tự đâm vào cổ khi làm việc ở đồn công an.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/what-khanh-hoa-police-say-about-dead-in-custody-10272018085428.html

 

Ông Mạc Văn Trang:

Kỷ luật Chu Hảo là ‘giọt nước tràn ly’

“Tối hôm đó, tôi xem ti-vi thấy đưa tin về tuyên bố kỷ luật, tôi rất bức xúc, suốt đêm không ngủ được,” Phó giáo sư, Tiến sỹ Mạc Văn Trang nói với BBC Tiếng Việt về chuyện ông Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật.

“Tôi suy nghĩ trong đêm, rồi sáng dậy [26/10] tôi viết tuyên bố ra khỏi Đảng, đăng trên Facebook và gửi cho anh Chu Hảo và một vài người bạn.”

Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản hôm 25/10 ra thông cáo nói ông Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị “đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật” vì những ‘vi phạm nghiêm trọng’.

Có thêm các trí thức ‘bỏ Đảng’ sau vụ TS Chu Hảo

GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘tự diễn biến’

Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản

Việt Nam: Đảng viên có thể bị cấm xuất cảnh

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hôm 25/10 viết: “Với cương vị là Giám đốc – Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy”.

Quyết định ‘rất trớ trêu’

Tuy nhiên, ông Mạc Văn Trang cho rằng quyết định kỷ luật ông Chu Hảo là nhằm “trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức, đối với các đường lối sai lầm của Đảng”.

Vị nguyên Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Giáo dục nhận xét ông Chu Hảo là người “chống tham nhũng, chống độc tài”, và là “một trí thức luôn muốn làm mọi việc để khai dân trí, chấn hưng dân khí, cải tiến xã hội tiến bộ”.

Ông nói việc Đảng muốn kỷ luật một con người như vậy là một điều “rất trớ trêu”, và ông muốn tỏ thái độ về việc này.

“Tôi có phản ứng là tuyên bố tự ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Ông cũng nhận xét rằng việc ra quyết định kỷ luật ông Chu Hảo, người hiện đang là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp, vào thời điểm này là một quyết định rất “thiếu tế nhị”.

“Ban Kỷ luật Trung ương một khi đã họp báo, thông báo như thế là người ta đã có kết luận rồi. Có lẽ họ sẽ ‘dẹp’ những chức mà ông Chu Hảo đang làm hiện nay, chức Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, và chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Pháp.”

“Mà Thủ tướng Pháp thì sắp sang thăm Việt Nam. Tôi không hiểu sao họ lại có quyết định thiếu tế nhị tới vậy.”

Việc “đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật” đối với ông Chu Hảo chỉ được công khai 6 ngày sau khi kỳ họp lần thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết thúc là điều khiến một số người cho là bất thường.

Thông thường, sau mỗi kỳ họp, cơ quan này sẽ ra thông cáo trong vòng 1 đến 2 ngày.

Kỳ họp của Ban Kỷ luật Trung ương diễn ra trong các ngày 17-19/10, chỉ ít hôm trước ngày Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, 23/10/2018.

Kỳ họp vừa rồi cũng đề nghị xem xét kỷ luật đối với một số cựu quan chức cao cấp trong ngành công an như Tướng Phan Văn Vĩnh, Tướng Nguyễn Thanh Hóa, liên quan tới vụ đánh bạc online; và Tướng Phan Tấn Tài bên quân đội, liên quan tới việc chuyển nhượng đất quốc phòng.

‘Trăn trở từ lâu’

Đây không phải là lần đầu tiên ông Mạc Văn Trang suy nghĩ về việc từ bỏ Đảng Cộng sản.

Ông nói rằng từ năm 2000 ông đã nhận ra “những sai lầm về đường lối cũng như thể chế” mang tính “kìm hãm xã hội” mà Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng để lãnh đạo đất nước.

“Lúc đó, tôi đã thấy băn khoăn chuyện có nên ở trong Đảng hay không, bởi mình góp ý rất nhiều nhưng không thấy tác dụng gì.”

Ông nhận thấy trước đây ông vào Đảng để theo đuổi lý tưởng giành độc lập tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng mục tiêu, lý tưởng của Đảng vào thời điểm này “đã khác đi rồi”.

“Sự độc lập của Tổ quốc đang bị Trung Quốc đe dọa, nhưng Đảng lại liên kết với Trung Quốc, không dám lên án. Hạnh phúc của nhân dân thì với đường lối hiện nay, nhân dân đang bị mất đất, bị nhiều oan khuất. Trong khi đó, các trí thức góp ý kiến thì Đảng không nghe,” ông nói.

“Tôi đã suy nghĩ từ lâu, nhưng chuyện kỷ luật ông Chu Hảo giống như giọt nước tràn ly, khiến tôi quyết định bỏ Đảng vào thời điểm này.”

Nói về quá trình vào Đảng từ năm 1964 và là một đảng viên trong suốt hơn 50 năm qua của mình, ông cho biết:

“Những năm 1945-50, tới thập niên 1960 là lúc lý tưởng của Đảng trùng hợp với lý tưởng dân tộc. Đó là giành độc lập, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Lý tưởng đó đẹp lắm.”

“Lý tưởng, mục tiêu đó ai mà không thích? Đó là khát vọng của bao thế hệ thanh niên, trí thức, dấn thân cho lý tưởng đó. Điều đó không sai.”

“Thế hệ thanh niên chúng tôi cũng như đảng viên lúc đó không nhận thức được là Đảng sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản để rồi đem lại bất hạnh cho nhân dân, kìm hãm sự phát triển của xã hội.”

“Vấn đề là chủ thuyết sai, và về sau này, đường lối thực hiện của Đảng sai, Đảng đã trở nên độc quyền lãnh đạo, đàn áp những người tiến bộ. Điều đó đưa ra những hậu quả tai hại.”

“Bây giờ, tôi ra khỏi Đảng nhưng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu đấu tranh cho độc lập của tổ quốc và tự do hạnh phúc của nhân dân.”

Rời bỏ hay ở lại?

Trước câu hỏi liệu những đảng viên kỳ cựu như ông có nên ở trong Đảng để có cơ hội đấu tranh, góp ý sửa chữa những điều mà ông cho là “sai lầm” của Đảng Cộng sản hay không, thay vì ra khỏi Đảng và trở thành “người ngoài”, không còn tiếng nói trong Đảng nữa, ông Mạc Văn Trang cho rằng điều quan trọng là mỗi cá nhân có thể làm gì, chứ không phải là ở việc họ còn ở trong hay ở ngoài Đảng.

“Tôi tin là có nhiều đảng viên, trong đó có những người nắm hoặc từng nắm giữ vị trí nhất định trong Đảng, cũng thấy đường lối sai lầm của đảng nhưng họ vẫn ở trong Đảng, hoặc về hưu rồi nhưng họ vẫn không ra khỏi Đảng.”

“Ví dụ như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có rất nhiều bài phản biện với Đảng rất hay, có uy tín xã hội nhưng cụ vẫn ở trong Đảng, vẫn có danh nghĩa cựu ủy viên trung ương đảng. Tiếng nói của cụ góp ý với Đảng, với xã hội là có tác dụng.”

“Điều này tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tính cách mỗi người.”

“Không nên đặt vấn đề là những người trí thức, những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội thì phải ở trong hay phải ra khỏi Đảng. Điều quan trọng là họ làm gì.”

Việc Phó giáo sư, Tiến sỹ Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật đã khiến nhiều giới trí thức, văn sĩ đồng loạt tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản.

Cũng hôm 26/10, nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã suy nghĩ và định rời bỏ Đảng từ lâu nhưng sau sự việc của PGS. TS. Chu Hảo, ông quyết định “chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay… để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của UBKTTW Đảng.”

Đến sáng 27/10, một số tài khoản Facebook được cho là của Trung tá Trần Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn và Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, đăng hình thẻ Đảng và cũng tuyên bố rời khỏi Đảng để ủng hộ PGS. TS. Chu Hảo.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46002992

 

Có thêm các trí thức ‘bỏ Đảng’

sau vụ TS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật

Việc PSG. TS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật đã khiến nhiều giới trí thức, văn sĩ đồng loạt tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản, với sự khởi xướng là nhà văn Nguyên Ngọc.

Trên bài đăng trang Facebook của mình hôm 26/10, tác giả Rừng xà nu viết ông đã suy nghĩ và định rời bỏ Đảng từ lâu nhưng sau sự việc của PGS. TS. Chu Hảo, ông quyết định “chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay… để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của UBKTTW Đảng.”

“Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc.

GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘tự diễn biến’

Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản

Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản

“Kỷ luật ông Chu Hảo với những lý do đầy tính chất vu khống còn là hành vi có chủ tâm đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm, luôn hành động và phát ngôn theo lương tâm của mình. Việc làm thất nhân tâm này tất sẽ dẫn đến tình trạng ‘sĩ phu ngoảnh mặt’, hết sức nguy hiểm cho vận mệnh dân tộc,” nhà văn Nguyên Ngọc viết.

Ông cho biết ông tự nguyện gia nhập Đảng Lao Động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1956 vì “yêu nước, hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

“Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, ‘tự diễn biến’ thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.

“Tôi vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất là ở lớp trẻ, vì không có lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình,” lời kết của bài tuyên bố trên Facebook Nguyên Ngọc viết.

Nhà văn Nguyên Ngọc được biết với các tác phẩm như Đất nước đứng lên, Đường chúng ta đi, Rừng xà nu…

Trong cùng ngày, PGS. TS. Mạc Văn Trang thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng tuyên bố tự ra khỏi đảng để ủng hộ ông Chu Hảo.

Ông cũng viết rằng “Từ năm 2000, tôi mới nhận rõ Đảng đã biến chất hoàn toàn, đảng viên ngày càng tha hóa, xã hội ngày càng xuống cấp, con người tồi tệ đi…

“Tôi noi gương những người giác ngộ, đi trước, cũng góp những ý kiến nhỏ bé của mình và vẫn hy vọng Đảng sẽ có đổi thay khôn khéo, không diễn ra bạo lực,” vị nguyên Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Giáo dục viết.

“Nhưng việc Đảng làm to chuyện kỷ luật người trí thức như Chu Hảo là nhằm triệt tiêu giới tinh hoa của đất nước, những người nhiệt thành muốn thay đổi xã hội theo chiều hướng văn minh, đẩy họ về phía đối lập với Đảng.

“Tôi rời bỏ Đảng vì thất vọng với những gì Đảng đã và đang làm, bất chấp bao ý kiến đóng góp tâm huyết và trí tuệ của những người như Chu Hảo; bất chấp những tiếng kêu thảm thiết của biết bao người dân bị cướp bóc, đàn áp, bất công một cách oan ức, thảm khốc…,”

Đến sáng 27/10, thì một số tài khoản Facebook được cho là của Trung tá Trần Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn và Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, đăng hình thẻ Đảng và cũng tuyên bố rời khỏi Đảng để ủng hộ PGS. TS. Chu Hảo.

Một số người như Đỗ Thế Đăng thì viết là “bỏ sinh hoạt Đảng, bỏ đóng Đảng phí” từ lâu và “Nay chính thức tuyên bố! Từ bỏ và không có bất cứ liên quan nào đến tổ chức!”

Vì sao PGS.TS. Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật?

Hôm 25/10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản thông báo đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật GS Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri vì những ‘vi phạm nghiêm trọng’.

Kết luận của UBKTTW viết: “Với cương vị là Giám đốc – Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy”.

“Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Tin này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội.

Có người chia buồn với ông về tin này trong lúc những người khác chúc mừng ông đã ‘về với nhân dân’.

Tên các cuốn sách được cho là ‘nhạy cảm’ được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tri thức cũng được nhiều người nhắc đến.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46001383