Tin Việt Nam – 27/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/07/2017

Tổng thống Donald Trump

bổ nhiệm đại sứ mới tại Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa chỉ định ông Daniel Kritenbrink làm tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam thay thế cho ông Ted Osius sắp mãn nhiệm.

Nhà Trắng ra thông cáo về việc bổ nhiệm như vừa nêu vào ngày 26 tháng 7. Theo đó ông Daniel Kritenbrink là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với bề dày kinh nghiệm về các vấn đề Á Châu.

Ông Daniel Kritenbrink trở thành nhà ngoại giao từ năm 1994 và hiện là cố vấn cấp cao về Chính sách Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Ông từng là phó đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và nói thành thạo tiếng Hoa và tiếng Nhật.

Vào năm 2016, ông Daniel Kritenbrink là một trong những nhân vật chủ chốt lo cho chuyến công du Việt Nam của tổng thống Barack Obama.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trump-names-new-us-ambassador-to-vietnam-07272017091443.html

 

Nhà quan sát ‘không kỳ vọng ở tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam’

Một nhà quan sát ở Hà Nội nói với BBC rằng ông “không kỳ vọng ở người vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử làm tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam.”

Ông cũng nói thêm rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam “không quan trọng lắm trong quan điểm của chính quyền Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Daniel Kritenbrink, 49 tuổi, nhà ngoại giao chuyên nghiệp kỳ cựu về các vấn đề châu Á, làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Nhà Trắng cho hay.

AFP dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho hay nhân vật này trở thành nhà ngoại giao từ năm 1994 và hiện đang đảm nhiệm vị trí cố vấn cao cấp về chính sách Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Kritenbrink từng làm Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, thông thạo tiếng Trung và Nhật.

Trump thay một loạt đại sứ Mỹ trước ngày 20/1

Đạo diễn Mỹ thành Đại sứ du lịch Việt Nam

Hôm 27/7, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam, nói: “Theo như tôi biết thì ông Daniel Kritenbrink là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có vẻ thân cận Obama và xuất phát từ nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Obama.”

“Ngoài ra thì không thấy ông có gì đặc biệt hoặc khác biệt như phong cách của ông Trump.”

“Do vậy, tôi dự báo nếu ông ấy được chính thức bổ nhiệm, chắc sẽ chưa có gì thay đổi trong các chính sách của Mỹ về Việt Nam.”

“Ông Kritenbrink nằm trong NSC từ thời Obama nên phe Dân chủ không có gì phản đối, phe Cộng hòa vì Trump đề cử nên cũng không phản đối.”

‘Chưa thực sự hiểu người Việt’

“Tôi không kỳ vọng gì ở tân đại sứ Mỹ. Nói theo kiểu ngoại giao thì hy vọng ông ấy thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ.”

“Tuy vậy, dường như mối quan hệ này đang ở thế khó với Trump và với Việt Nam nên một đại sứ cũng khó làm được gì lúc này.”

Theo cảm nhận của cá nhân, tôi thấy dường như họ [người Mỹ] cũng chưa thực sự hiểu người Việt Nam.”ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam

Tác giả cuốn Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? nói thêm: “Quan hệ Việt – Mỹ sẽ vẫn tiếp tục phát triển như đã phát triển thời gian qua song chưa thấy tín hiệu gì khác biệt.”

“Biển Đông cũng là thành tố quan trọng song cũng chỉ là một trong những việc quan trọng mà thôi.”

“Theo cảm nhận của cá nhân, tôi thấy dường như họ [người Mỹ] cũng chưa thực sự hiểu người Việt Nam.”

“Hoặc là họ chưa có mối quan hệ đủ sâu sắc với người Việt Nam.”

Đề cập về những thách thức của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Bình nói: “Thách thức với ông ấy nằm chung trong quan hệ tổng thể. Nào là duy trì sự cân bằng quan hệ Trung – Mỹ – Việt.”

“Nào là tiếp tục tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.”

“Nào là thúc đẩy các hoạt động giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là chuẩn bị cho APEC.”

“Còn nếu thách thức lớn nhất là tìm ra hướng phát triển, hoặc bước chuyển cho quan hệ Việt – Mỹ thì không phải đại sứ mà do chính quyền Trump nghĩ ra.”

“Thường thì một nhà ngoại giao chuyên nghiệp chỉ thực hiện định hướng và phụ thuộc tổng thống.”

“Cũng có thể nói là vị trí của một đại sứ có quyền lực hạn chế nhất định.”

“Ngoài ra, cũng cần nói rằng vị tân đại sứ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong mắt chính quyền Mỹ không quan trọng lắm.”

‘Thành tố quan trọng’

Hồi tháng 5/2016, ông Daniel Kritenbrink, thời điểm đó là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được VOA dẫn lời: “Nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương Mỹ – Việt tiến về phía trước.”

“Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.

Theo Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung (USCC), vợ chồng ông Kritenbrink có hai con.

Hồi tháng 1/2017, Nhóm chuyển giao của Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã có lệnh chung yêu cầu các chính trị gia được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm đại sứ phải rời nhiệm sở của họ trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại New Zealand nói với Reuters.

Lệnh này không bao gồm các đại sứ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

Ông Osius được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận làm đại sứ tại Việt Nam vào tháng 11/2014. Nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam dài ba năm.

Nhiều chính trị gia làm đại sứ là những người đóng góp tài chính nhiều cho chính quyền và được bổ nhiệm vì có quan hệ gần gũi với tổng thống. Họ thường làm việc đến hết nhiệm kỳ tổng thống, còn các vị đại sứ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì làm việc theo nhiệm kỳ của ngành ngoại giao.

Theo tờ New York Times, lệnh này đã làm đảo lộn cuộc sống riêng của nhiều vị đại sứ. Nhiều người đang chật vật thu xếp việc gia đình và xin visa ở lại các nước họ đang làm việc để con cái họ được tiếp tục học hết năm học, một số nhà ngoại giao Mỹ cho biết.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40701926

 

Phó tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Australia

thăm Việt Nam

Phó tổng tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Australia, phó đô đốc Raymonds Griggs, đang có chuyến thăm Việt Nam nhằm thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành, gồm cả an ninh hàng hải.

Tin cho biết chuyến thăm kéo dài từ ngày 26 cho đến 30 tháng 7. Trong thời gian có mặt tại Việt Nam, phó đô đốc Raymond Griggs sẽ gặp gỡ các quan chức tương nhiệm Việt Nam để bàn biện pháp duy trì các cơ chế đối thoại đã có, tăng cường những hợp tác song phương được ký kết.

Chuyến thăm của phó tổng tư lệnh Lực Lượng Quốc Phòng Australia đến Việt Nam diễn ra sau chuyến thăm của phó thủ tướng Vương Đình Huệ sang Úc.

Vào ngày 25 tháng 7 hai phía thỏa thuận về những biện pháp củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế- thương mại, nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, giáo dục- đào tạo, khoa học-kỹ thuật- sáng tạo, du lịch và tiếp xúc nhân dân.

Thỏa thuận đạt được trong những cuộc gặp giữa phó thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ với đại diện phía Australia tại Canberra gồm phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp và Nguồn nước Barnaby Joyce, Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop, Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Steven Ciobo.

Một chỉ tiêu được hai phía thống nhất là tăng kim ngạch mậu dịch song phương hằng năm hiện nay ở mức 5 tỷ đô la Mỹ lên thêm nữa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/australia-s-vice-chief-of-defense-force-visits-vietnam-07272017115437.html

 

Petronas sẽ rời các lô tại Việt Nam

Tập đoàn dầu khí Quốc gia Malaysia Petronas sẽ bàn giao lại cho phía Việt Nam hai lô 01 và 02 ở bồn trũng Cửu Long ngoài khơi Việt Nam sau khi hợp đồng chia sẻ sản phẩm của công ty này với phía Việt Nam hết hạn vào ngày 9 tháng 9 tới.

Thông báo của Petronas đưa ra vào hôm 27 tháng 7 cho biết hợp đồng chia sẻ sản phẩm bắt đầu từ ngày 9 tháng 9 năm 1991 với Việt Nam đã thành công.

Chủ tịch Petronas trong tuyên bố mới cho biết Petronas tự hào đã được trao cho cơ hội để đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp dầu khí và hóa dầu cho Việt Nam.

Hiện Petronas vẫn tiếp tục các hoạt động sản xuất tại các lô 102 và 106 ở bồn trũng song Hồng, miền Bắc Việt Nam. Ngaofi ra công ty vẫn tiếp tục theo đuổi các cơ hội kinh doanh khác ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hóa dầu.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petronas-exits-vietnam-blocks-07272017094037.html

 

Chính thức khởi tố nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 26 tháng 7, chính thức tuyên bố bắt tạm giam ông Lê Đình Lượng để khởi tố điều tra tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Trang thông tin Chính phủ Việt Nam dẫn nguồn báo Công an Nhân dân  rằng ông Lê Đình Lượng là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, thuộc tổ chức  Việt Tân có trụ sở chính ở Hoa Kỳ mà Việt Nam cho là tổ chức khủng bố. Việt Nam cáo buộc ông Lê Đình Lượng tuyên truyền lôi kéo các đối tượng có tư tưởng chống đối trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cũng theo nhà nước Việt Nam thì ông Lê Đình Lượng từng kêu gọi tẩy chay các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân , lợi dụng vấn đề môi trường ô nhiễm do công ty Formosa gây ra để gây rối trật tự công cộng, kích động biểu tình.

Đài chúng tôi từng loan tin vào chiều ngày 24 tháng 7, ông Lê Đình Lượng bị những người được cho là cảnh sát mặc thường phục bắt tại khu vực thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Đình Lượng từng là một cựu chiến binh trong cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc. Ông được biết đến với bút hiệu Lỗ Ngọc trên Facebook qua những bài viết kêu gọi đấu tranh đòi bồi thường cho ngư dân sau thảm họa cá chết do Formosa Vũng Áng gân nên từ tháng tư năm 2016 đến nay.  Ngoài ra ông cũng được biết đến như một người hoạt động rất tích cực chống sự xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nghe-an-province-prosecutes-activist-le-dinh-luong-07272017090919.html

 

Vai trò lớn của Trung Quốc

trong nhiệt điện than Việt Nam

Cát Linh, RFA
Nhìn lại những đầu tư của Trung Quốc

Theo các cơ sở dữ liệu tài chính về điện than ở Việt Nam do Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh GreenID tìm hiểu, từ tháng 3 năm 2016 đến nay, Việt Nam đầu tư gần 40 tỉ USD vào công nghệ nhiệt điện than. Tổng vốn góp từ các đối tác nước ngoài vào các dự án này chiếm 52 %; trong đó, Trung Quốc đầu tư khoản tương đương 8 tỉ đô la Mỹ.

Trong số những dự án có phần Trung Quốc góp vốn và trúng thầu có thể kể đến một số như dự án nhà máy nhiệt điện BOT ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam có công suất 1,200MW.

Đây là công trình nhiệt điện do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co., Ltd) và công ty JAKS của Malaysia cùng góp vốn. Dự án này do công Southwest Electric Power Design Institute Co.,Ltd và China Power Engineering Consulting Group International Engineering Co., Ltd của Trung Quốc trúng thầu.

Một viên chức cấp cao của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc cho biết Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương là dư án đầu tư tư nhân lớn nhất của Trung Quốc vào Việt Nam.

Tôi cho rằng đúng là có hiện tượng những công nghiệp cũ của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để Trung Quốc thay đổi bằng các thể loại công nghệ mới trong phát triển công nghiệp. Xu hướng đó nhìn thấy rất rõ. – Ông Đặng Hùng Võ

Hai năm trước đây, vào giữa tháng 7, hãng tin Reuters loan tin  các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá U$1.75 tỷ tại phía Nam Việt Nam. Đó là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với công suất 1,200 MGW ở tỉnh Bình Thuận khởi công vào tháng 12 2015. Theo kế hoạch tổ máy thứ nhất của Vĩnh Tân 1 sẽ được hoàn thành năm 2018, tổ máy thứ hai dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 2019.

Reuters còn cho biết đây là công trình đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Việt Nam” với 55% vốn góp của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc, trong đó có 5% là vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Việt Nam tiếp nhận công nghệ cũ

Chuyện có lẽ sẽ không gây phản ứng mạnh cho đến khi Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam vào ngày 2 tháng 5 cho biết vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt từ đối tác Trung Quốc tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2017 và đa phần nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ cũ sang các nước nhận đầu tư.

Mặc dù không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lúc này, nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp quốc, nhấn mạnh:

“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”

Xác nhận vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, cho chúng tôi biết:

“Tôi cho rằng đúng là có hiện tượng những công nghiệp cũ của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để Trung Quốc thay đổi bằng các thể loại công nghệ mới trong phát triển công nghiệp. Xu hướng đó nhìn thấy rất rõ.”

Trung Quốc làm năng lượng mới, chuyển điện than đi

Trong khi đó ngay tại Hoa Lục, Trung Quốc được đánh giá là nước đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo với tổng công suất 480 ngàn MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước.

Mạng tin Bloomberg vào tháng 11 năm 2016 năm ngoái cho biết Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thông báo, cho đến cuối năm 2016 cắt giảm sản lượng đầu ra của nhà máy nhiệt điện. Và chỉ trong tháng 1 năm 2017, Trung Quốc đã huỷ 85 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh.

Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu. – Tiến sĩ Vũ Quang Việt

Bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia phân tích cơ sở dữ liệu của trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh Green ID từng cho rằng

“Vì muốn tiếp tục phát triển, Trung Quốc phải chuyển công nghệ điện than sang các nước khác. Làm như vậy họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn.”

Nêu vấn đề này với ông Đặng Hùng Võ, ông cho biết chính ông cũng nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia cũng như người dân về vấn đề phát triển điện than ở Việt Nam.

“Việc phát triển điện than như hiện nay là một điều mà chúng ta cần tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi vì tác động xấu của điện than đến môi trường là khá mạnh, đặt biệt là phát thải khí nhà kính là lớn, rồi bản thân phương thức sản xuất điện từ than cũng không phải là hiệu suất cao.”

Vì sao phải là Trung Quốc?

Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên trong nước, bà Nguyễn Thị Hằng đưa ra lý do các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam phần nhiều do Trung Quốc đầu tư và cả thắng thầu xây dựng.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. Việt Nam chúng ta sản xuất nhiều điện hơn nhưng phải đối mặt với rủi ro về môi trường, sức khoẻ người dân.”

Hiện nay, chỉ riêng ở Bình Thuận, cụm nhiệt điện Vĩnh Tân có 4 nhà máy với tổng công suất 4.200MW. Tất cả đều được đầu tư với nguồn vốn chính từ Trung Quốc

Các doanh nghiệp Trung Quốc thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. – Bà Nguyễn Thị Hằng

Nhận định về điều này, ông Đặng Hùng Võ cho biết đó là chính sách quan hệ kinh tế tất nhiên giữa hai quốc gia láng giềng.

“Trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, là hai nước láng giềng thì tất nhiên điều đó sẽ xảy ra nhưng làm thế nào để có thể ngăn chặn được xu hướng công nghệ lạc hậu sang VIệt Nam với giá rất rẻ và thuận lợi cho các dự án dưới dạng phát triển đầu tư?”

Về việc này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc đưa ra phản biện:

“Một nước như Việt Nam nếu không muốn Trung Quốc đầu tư vào thì hoàn toàn có thể cấm. Đó là quyền của Việt Nam.”

Ông Đặng Hùng Võ đưa ra một số ví dụ để cho thấy lý do vì sao Việt Nam phải chấp nhận những nhà máy nhiệt điện than.

“Cũng đã tính đến chuyện điện hạt nhân, nhưng cuối cùng cũng phải dừng sau khi có những vụ thảm hoạ điện hạt nhân do động đất sóng thần ở Nhật.

Thế còn thuỷ điện thì trước đây chúng ta vẫn quan tâm đấy là 1 phương thức sản xuất điện ít tác động đến môi trường, nhưng cho đến hiện nay, khái niệm tác động đến môi trường hơi rộng hơn và chúng ta thấy là thuỷ điện cũng không phải là 1 phương thức tốt đối với môi trường.”

Bắc Kinh đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than đá lớn cuối cùng của thành phố, có nghĩa là lời hứa “đưa bầu trời xanh trở lại” của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp lập pháp cấp cao hồi đầu năm  2017 đã được thực hiện.

Trong khi đó Trung Quốc chuyển công nghệ điện than lỗi thời, gây ô nhiễm sang Việt Nam. Điều này khiến nhiều người nhớ đến phát biểu mạnh mẽ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”. Thực tế chứng minh lời nói đó được thực hiện đến mức độ nào!

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-pec-group-the-biggest-investor-to-power-plant-in-vn-07272017082804.html

 

Giới có tiền rời bỏ Việt Nam

Thanh Trúc, RFA

Việt Nam thường nêu những thông tin tích cực về nguồn vốn FDI đổ vào trong nước nhưng một tình trạng đối nghịch không được nêu ra là nhiều người thành đạt, có tiền muốn ra nước ngoài mua bất động sản và định cư tại đó.

Môi trường kinh doanh chưa tốt

Rick Nguyễn, một doanh nhân trẻ từng về nước làm việc trong nhiều năm trước khi quyết định về lại Mỹ và trở thành người đồng sáng lập công ty quảng cáo Spot Trender ở Silicon Valley Bắc California trình bày lại trường hợp của anh:

Tại sao tôi chưa muốn đầu tư vào Việt Nam là vấn đề chi phí và cơ hội. Tôi chưa muốn đầu tư vào Việt Nam tại vì cơ hội ở thung lũng Silicon quá tốt, cần gì cũng có, cần gì có đó, tiền đầu tư, nhân tài, cơ sở hạ tầng cực kỳ đầy đủ, tôi muốn xây dựng một nền tảng bền vững ở đây trước khi mở rộng ra các nước như Việt Nam.

Giải thích vì sao có nhiều người trong nước muốn ra ngoài để kinh doanh, anh Rick Nguyễn nói:

Tôi quen rất nhiều người ở Việt Nam qua đây, qua thung lũng Silicon Valley để đầu tư. Tôi nghĩ vì 3 lý do chính, thứ nhất là doanh nhân Việt Nam muốn đa dạng hóa vốn của họ. Ông bà mình có câu “An cư lạc nghiệp”, “ Đất lành chim đậu”, doanh nhân Việt Nam muốn có một nguồn vốn ở nước ngoài để bảo đảm sự an toàn và tương lai của gia đình. Thứ hai là họ muốn con cháu ra nước ngoài để học hỏi, mở rộng kiến thức và tìm được cơ hội kinh doanh mà Việt Nam không có. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài  nói chung là tương đối khó, họ muốn mở doanh nghiệp ở Mỹ để có cơ sở hạ tầng và điều kiện như tôi đang làm ở thung lũng Silicon.

Linh Trần là một du học sinh từ Sài Gòn sang Hoa Kỳ,sau khi tốt nghiệp đã về nước cùng kinh doanh với gia đình. Năm 2011, nhận thấy môi trường và điều kiện kinh doanh ở Sài gòn không thích hợp, Linh Trần trở qua Mỹ, lập công ty Umba Lux với dịch vụ cho thuê các loại siêu xe như Bentley, Lamborghini chẳng hạn:

Ông bà mình có câu “An cư lạc nghiệp”, “ Đất lành chim đậu”, doanh nhân Việt Nam muốn có một nguồn vốn ở nước ngoài để bảo đảm sự an toàn và tương lai của gia đình. – Rick Nguyễn

Thực ra tôi có về Việt Nam làm cho ngân hàng quốc tế một thời gian, sau đó quyết định quay lại Mỹ làm một cái gì đó cho riêng tôi thay vì về nước làm những cái đã có sẵn. Tôi quyết định qua đây để thử, nhất là khi chuyển từ San Francisco qua Los Angeles và Silicon Valley thì mọi thứ  phát triển rất là nhanh, càng làm thì càng có nhiều cơ  hội và nhiều mối giao dịch. Làm ở Việt Nam thì các mối giao dịch đôi khi không bền, đôi khi chính sách thay đổi một cái là mất trắng. Đó cũng là một phần là tại sao tôi lại đầu tư ở bên này, mọi thừ  nó đều rõ ràng hơn. Ở Việt Nam thì thực sự rất khó,cũng rất muốn về nhưng ngại cái chính sách thôi.

Theo IOM tức Tổ Chức Di Dân Quốc Tế, Việt Nam nằm trong Top 10  các quốc gia vùng Châu Á Thái Bình Dương có người di cư nhiều nhất. Từ năm 1990 đến năm 2015, hơn 2 triệu rưỡi người Việt Nam đã ra khỏi nước.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên cao cấp Đại Học New Soyth Wales, Australia, nói rằng ông nhận được rất nhiều chia sẻ từ giới trí thức và giới trung lưu tại Việt Nam, rằng họ muốn ra nước ngoài định cư để bảo đảm một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân cũng như cho con cháu trong một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền:

Hầu như những người mà tôi tiếp xúc ai cũng rất quan tâm về sự tụt hậu của đất nước. So sánh với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore họ nói là từ 75 mình có khác gì hơn họ đâu thế mà giờ mình tụt hậu quá xa. Họ cảm thấy bất lực, cảm thấy không có cách gì đóng góp để làm cho đất nước này vươn  lên.

Việt Nam cần làm gì để giữ chân doanh nhân

Các chuyên gia kinh tế và xã hội học cho rằng Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và an toàn cho doanh nhân hay người giỏi, làm sao để người dân an tâm rằng tài sản, cơ nghiệp họ tạo ra được bảo đảm chắc chắn.  Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, hơn lúc nào hết Việt Nam cần cải tổ hệ thống tư pháp và đứng tìm cách hình sự hóa các giao dịch kinh tế, giao dịch dân sự:

Khu vực  tư nhân là khu bực có thể thu hút nhân tài thật sự, chứ còn bản thân khu vực nhà nước với một chính quyền tham nhũng, bổng lộc là chính như  thế này thì không thể thu hút được nhân tài.

Vẫn theo lời ông Nguyễn Quang A, muốn đất nước là nơi chốn bình yên cho công dân thì môi trường sạch, giáo dục tốt, y tế đảm bảo là những điều kiện tiên quyết.

Khu vực  tư nhân là khu bực có thể thu hút nhân tài thật sự, chứ còn bản thân khu vực nhà nước với một chính quyền tham nhũng, bổng lộc là chính như  thế này thì không thể thu hút được nhân tài. – TS. Nguyễn Quang A

Tiến sĩ  Lê Đăng Doanh thì hy vọng:

Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới đây, yêu cầu phát triển kinh tế một cách bền vững, nâng cao hiệu quả và nâng cao năng suất lao động sẽ đòi hỏi nhà nước lẫn doanh nghiệp phải vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, vận dụng chất xám của các chuyên gia và các nhà trí thức nhiều hơn, do đó sẽ có thể có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Dưới mắt một Việt kiều  Mỹ, giáo sư Hà Tôn Vinh, giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo Và Phát Triển Nhân Lực Stellar Management ở thành phố Hồ Chí Minh, đi hay ở đều có khía cạnh tốt của nó, ở đây chỉ nên nói đến điều tích cực:

Việt Nam cũng như các nước đang ở trong thế giới gọi là toàn cầu hóa, những vấn đề giao thương, đầu tư, thương mại đều có thể chuyển sang các nước khác nhau. Cũng nên cho các doanh nghiệp Việt Nam đi ra đầu tư nước ngoài để mua công nghệ để học hỏi kinh nghiệm và để phát triển thị trường mới.Dưới mắt một Việt kiều  Mỹ, giáo sư Hà Tôn Vinh, giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo Và Phát Triển Nhân Lực Stellar Management ở thành phố Hồ Chí Minh, đi hay ở đều có khía cạnh tốt của nó, ở đây chỉ nên nói đến điều tích cực:

Vấn đề mà chính phủ cần lưu ý, giáo sư Hà Tôn Vinh nói tiếp, là khi người có tiền cũng như doanh nhân có tiềm năng bỏ đi thì trước mắt là sẽ làm cạn kiệt  hoặc làm mất đi nguồn nhân lực cũng như nguồn năng lực tài chính của đất nước.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-wealthy-people-want-to-settle-themselves-abroad-07272017083716.html

 

Ngư dân Việt nói gì về cảnh sát biển Indonesia

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày chủ nhật 23 tháng 7, bốn ngư dân Việt Nam bị Cảnh sát biển Indonesia bắn bị thương khi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên hai ngày sau phía Indonesia lên tiếng bác bỏ nói rằng chỉ bắn cảnh cáo khi phát hiện một chiếc tàu của ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Indonesia.

Nhóm phóng viên RFA nói chuyện được với một ngư dân từng mấy lần gặp lực lượng tuần duyên Indonesia cho biết lại thực tế đối với bản thân và những bạn đi biển khác

Bị kéo tàu, chuyện bình thường

Ông Lê Đức Anh, ngư dân Bình Thuận, chia sẻ:

Họ vào vùng biển của mình gặp chiếc nào là bắt chiếc đó, tàu giã cào cũng bắt. Bắt xong là họ kéo qua vùng biển của họ và quay phim. Quay phim xong rồi họ yêu cầu tài công theo tàu của họ chạy qua bên đảo luôn; nhưng mình không biết đảo nào hết!”

Ông Anh cho biết thêm là trường hợp tàu cá Việt Nam bị tàu cảnh sát biển Indonesia nhầm hoặc cố tình kéo về vùng biển của họ, sau đó chụp ảnh, lùa ngư dân lên tàu cảnh sát và cho chủ tàu lái tàu chạy theo họ vào một đảo nào đó của Indonesia, từ đó nhốt tàu là chuyện xảy ra thường xuyên. Với ba lần bị bắt theo kiểu này, ông Anh cho rằng cảnh sát biển Indonesia hoặc cố ý, hoặc hiểu nhầm do trước đó có một số tàu của Việt Nam tiến sang vùng biển Indonesia để đánh bắt, khi thấy cảnh sát của họ thì chạy trốn về phía Việt Nam, họ tiến thẳng sang Việt Nam và kéo bất kì tàu cá Việt Nam nào mà họ gặp.

Như trường hợp mới xảy ra gần đây nhất với ông Anh, tàu của ông là một tàu giã cào và lặn các loại hải sản ở vùng nước sâu. Ông đang đánh ở ngay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Lúc các ngư dân đăng lặn nghêu thì tàu cảnh sát biển Indonesia tiến đến cặp vào tàu của ông. Đợi các ngư dân lặn được gần đầy nghêu thì họ móc xích vào tàu, kéo thẳng về vùng biển của họ và chụp ảnh, lập biên bản, bắt ngư dân Việt Nam ký vào đó và kéo thẳng về nước của họ.

Họ vào vùng biển của mình gặp chiếc nào là bắt chiếc đó, tàu giã cào cũng bắt. Bắt xong là họ kéo qua vùng biển của họ và quay phim. – Ngư dân Lê Đức Anh

Tàu của ông bị nhốt ở Indonesia gần nửa năm, trong thời gian đó, các ngư dân được cung cấp gạo, nước mắm để sống qua ngày. Riêng gạo, nhắc đến nó là ông muốn ê răng bởi không hiểu loại gạo gì mà sạn nhiều không thể tưởng tượng được. Cho dù có đãi sạn trước đó rất kĩ thì khi ăn cơm, nếu nhai không nhẹ một chút sẽ bị mẻ răng sau tiếng cốp phát ra từ miệng.

Hằng ngày, các ngư dân bị đánh thức lúc 5 giờ sáng và chạy bộ, tập thể dục để giữ sức khỏe, tránh bệnh tật và không được uống rượu, bia. Có một số chủ tàu Trung Quốc cập bến gần chỗ tàu Việt Nam bị bắt nhốt thường gạ các thuyền viên Việt Nam tháo trộm phụ tùng trên tàu để bán cho họ hoặc đổi rượu, bia, thuốc lá. Và hầu hết các chủ tàu Việt Nam sau khi bị bắt, chiếc tàu được thả ra hoặc không còn gì, phải bỏ luôn, hoặc phải bổ sung phụ tùng, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng mới chạy được.

Thường thì ngư dân Việt Nam ra khơi luôn trong tình trạng cô độc bởi thiếu sự bảo vệ của cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Indonesia luôn có mặt trên vùng biển của họ thì ngược lại cảnh sát biển Việt Nam hiếm khi có mặt trên vùng biển Việt Nam, đó là một thực tế.

Cảnh sát biển Việt Nam đi đâu?

Bày tỏ quan điểm về tình trạng bốn ngư dân Việt Nam vừa bị tàu cảnh sát Indonesia bắn, ông Anh chia sẻ thêm:

“Không có một cảnh sát biển nào của mình hết. Họ nằm trên vùng Trường Sa chứ còn ráp ranh Mã Lai… không có ai luôn. Nhưng cảnh sát biển của họ thì nhiều lắm, cứ mỗi tuần họ lại thay phiên: anh trực một tuần thì anh vô, tui ra.”

Ông Anh cho rằng bản thân ông không hề ngạc nhiên khi ngư dân Việt Nam bị cảnh sát Indonesia bắn. Bởi việc bắn hay bắt diễn ra quá dễ với họ. Thường thì mỗi nhóm cảnh sát trực một tuần ngoài khơi Indonesia, hết phiên thì có tàu khác ra trực thế và tàu kia lại vào nghỉ ngơi. Vùng biển các nước trong khu vực luôn có tàu cảnh sát biển tuần tra mỗi ngày, riêng Việt Nam thì hiếm khi có tàu cảnh sát biển tuần tra.

Không có một cảnh sát biển nào của mình hết. Họ nằm trên vùng Trường Sa chứ còn ráp ranh Mã Lai… không có ai luôn. – Ngư dân Lê Đức Anh

Và ông Anh cũng khẳng định thêm là chính vì việc ít tuần tra, dẫn đến lượng xăng dầu dư thừa và một số cảnh sát biển bán xăng dầu cho ngư dân để đổi các loại hải sản quí hiếm, tìm một chỗ nào đó kín đáo để tổ chức ăn nhậu. Vì Cảnh sát biển Việt Nam hầu như vắng mặt trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nên mỗi khi các ngư dân bị rượt đuổi, chỉ còn cách bỏ chạy, nếu không chạy kịp thì bị bắt. Mà thường là bị bắt trong lúc đánh cá ngay trong vùng biển Việt Nam, sau đó họ kéo tàu về vùng biển của họ để chụp ảnh làm bằng chứng và bắt nhốt.

Ông Anh cho rằng đó cũng là một chiến thuật xâm chiếm vùng biển một cách khôn khéo. Nghĩa là cứ bắt ngư dân Việt ngay tại vùng biển Việt Nam ở các khu vực giáp ranh, sau đó tìm bằng chứng giả để nhốt, làm nhiều lần như vậy thì ngư lùi dần vào thềm lục địa và phần biển giáp ranh giữa Việt nam và Indonesia sẽ lệch dần về phía Việt Nam.

Ông Anh tỏ ra bức xúc bởi nếu như có sự can thiệp cũng như sự có mặt thường xuyên của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam thì nhất định cảnh sát biển Indonesia sẽ không thể lộng hành như đang có. Nhưng nghiệt nỗi, mỗi khi có sự cố gì cho ngư dân Việt Nam thì chẳng thấy cảnh sát biển Việt Nam nào có mặt, phía nước bạn muốn làm gì thì làm.

Như để kết câu chuyện, ông Anh khẳng định là cảnh sát biển Việt Nam vắng mặt thường xuyên trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là vùng giáp ranh Việt Nam với Indonesia, ngược lại, cảnh sát biển Indonesia luôn có mặt tại vùng giáp ranh này. Và hầu hết các cuộc bắt bớ ngư dân Việt Nam đều diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng ngư dân Việt Nam đành chịu thua thiệt!

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/what-viet-fishermen-say-about-experience-with-indonesian-maritime-patrol-07262017131829.html