Tin Việt Nam – 27/05/2018
Bộ Giao Thông Vận Tải
sẽ xem xét lại tên gọi ‘Thu giá”
Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) hôm 26/5 thừa nhận tên gọi “Thu giá” ở các trạm thu phí BOT đã gây bất bình trong dư luận gần đây và cần được sửa đổi. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 27/5.
Bộ GTVT cho biết sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xem xét tìm tên gọi nhằm đảm bảo chuẩn mực của tiếng Việt và phù hợp với bản chất nguồn thu.
Sau một loạt những vụ phản đối của người dân và lái xe về các trạm thu phí BOT đường bộ ở nhiều địa phương trên cả nước với lý do đặt sai vị trí, Bộ GTVT đã quyết định đổi tên gọi trạm thu phí thành trạm thu giá. Lý do được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra với báo chí là vì BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của nhà nước.
“Bây giờ phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là DN cung cấp, vì BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm”, ông Thể nói với phóng viên bên hành lang quốc hội ở Hà Nội ngày 22/5.
Tên gọi thu giá của Bộ GTVT bị người dân phản đối quyết liệt vì cho rằng không có nghĩa trong tiếng Việt và chỉ là cách trốn tránh giải quyết vấn đề chính đối với các trạm BOT hiện tại là đặt sai vị trí.
BOT là tên gọi của những hợp đồng xây dựng, vận hành và chuyển giao. Trong những năm gần đây, Việt Nam cho phép các công ty tư nhân tham gia các hợp đồng BOT xây mới, nâng cấp các tuyến đường bộ. Các công ty này thiết lập các trạm thu phí ở các tuyến đường mà họ đầu tư để thu hồi vốn. Tuy nhiên, người dân phản đối nhiều trạm BOT đã đặt ở các tuyến đường cũ và việc nâng cấp không đáng kể, và yêu cầu các trạm này phải được dựng ở đúng tuyến đường mà các công ty đầu tư thực sự.
Một bà 73 tuổi gốc Việt đứng đầu đường dây buôn người
phía bắc xứ Wales
Ba người gốc Việt lãnh án tù giam và bốn người khác bị tù treo, liên quan đến một đường dây buôn người hoạt động ở phía bắc xứ Wales.
Theo báo mạng Daily Post, người đứng đầu đường dây đưa lậu người Việt Nam vào Anh này là bà Nguyễn Thị Liên, 73 tuổi, cư dân London. Đường dây này được cho là cung cấp sổ thông hành hợp pháp cho di dân bất hợp pháp vào Anh. Trong vụ xử kéo dài 11 ngày tại tòa án Caernarfon, xứ Wales hồi tháng 4, bà Liên bị kết án về tội thông đồng với những người khác vi phạm luật di trú và bị tuyên phạt 3 năm tù giam. Con trai bà là Kevin Lam, 35 tuổi, lãnh án 10 tháng tù giam. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, 59 tuổi, đã nhận tội trong một phiên xử trước đó, lãnh án 12 tháng tù. Ngoài ba bị cáo chủ chốt, còn có bốn bị cáo khác lãnh những án tù treo từ 10 tới 14 tháng. Bị cáo thứ tám là Nguyễn Thị Tuyết Trang, 34 tuổi, lãnh án 12 tháng phục vụ công ích và 100 giờ làm việc không thù lao. Bị cáo thứ chín là Lý Tâm, 30 tuổi, ở London, đang bị truy nã vì không ra tòa.
Trong vụ xử, bồi thẩm đoàn được nghe về cuộc điều tra mang tên Chiến Dịch Hyrax của Bộ Nội Vụ Anh. Bà Nguyễn Thị Liên được cho là đã dành rất nhiều thời gian để đi khắp thế giới tổ chức hoạt động của đường dây buôn người. Tòa án đã ra lệnh điều tra về vấn đề tài chính của ba người đứng đầu đường dây.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/mot-ba-73-tuoi-goc-viet-dung-dau-duong-day-buon-nguoi-phia-bac-xu-wales/
Bộ Y Tế CSVN đề nghị cấm quảng cáo bia
Bộ Y Tế CSVN đề nghị cấm quảng cáo bia, trước thực trạng người Việt uống bia ngày càng nhiều, và có mức tiêu thụ bia tăng nhanh nhất thế giới.
Trong một buổi hội thảo hôm Thứ Sáu 25/05 về dự luật phòng chống tác hại rượu bia, bà Trần Thị Trang, vụ phó Vụ Pháp Chế, Bộ Y Tế, cho biết dự luật đề nghị cấm tiếp thị bia trực tiếp cho người tiêu dùng, cấm dùng bia làm giải thưởng cho các cuộc thi, cấm cung cấp bia miễn phí, và cấm quảng cáo bia trên mạng xã hội. Các điều cấm này hiện chỉ áp dụng đối với rượu.
Bà Trang giải thích rằng, nhu cầu rượu bia ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia. Mỗi người Việt Nam hiện nay tiêu thụ trung bình 6.6 lít chất cồn mỗi năm. Mức tiêu thụ chất cồn 5 năm trước chỉ vào khoảng 3.8 lít. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt Nam sẽ tiêu thụ tới 7 lít chất cồn một năm, dẫn đầu thế giới.
Đề nghị của Bộ Y Tế gặp phải nhiều phản ứng trái chiều. Một đại diện của Hiệp Hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam cho rằng, việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch và sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Ông Matt Wilson, giám đốc ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam, cho rằng việc cấm quảng cáo bia sẽ khiến các công ty như Heineken rút khỏi những sự kiện công cộng lớn mà họ tài trợ đều đặn trong những năm qua.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/bo-y-te-csvn-de-nghi-cam-quang-cao-bia/
Internet của Việt Nam lại chậm
vì cáp ngầm được sửa chữa
Đường truyền internet ở Việt Nam dự trù sẽ chạy với tốc độ của con sên trong tuần lễ tới đây, trong khi một đường dây cáp ngầm dưới biển đang được sửa chữa.
Báo mạng VnExpress cho hay, đường dây Cổng Á Mỹ AAG đang được sửa chữa, và công việc này sẽ đi tới phần nối vào thành phố Vũng Tàu hôm Chủ Nhật 27/05. Công việc sửa chữa dự trù sẽ hoàn tất vào ngày 5 tháng 6. Sự việc này sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam, có nghĩa người sử dụng internet sẽ thấy các trang mạng quốc tế hiện lên hết sức chậm.
Đây là lần thứ hai đường dây AAG gặp vấn đề kỹ thuật trong năm nay, tiếp theo sau lần ngừng hoạt động hồi tháng 1 và ít nhất năm vụ tương tự trong năm 2017. Đường dây cáp ngâm AAG trị giá 560 triệu Mỹ kim được lắp đặt vào năm 2009, chuyên chở hơn 60% lưu lượng Internet quốc tế của Việt Nam. Hệ thống dây cáp ngầm dài hơn 20,000 km, nối liền Hoa Kỳ với Brunei, Hong Kong, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam hiện có sáu hệ thống cáp ngầm và một đường dây 120 gigabit trên đất liền chạy sang Trung Cộng. Theo một cuộc thăm dò toàn cầu hồi tháng 8 năm ngoái, tốc độ internet ở Việt Nam hiện đứng thứ 74 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù tốc độ internet ở Việt Nam chậm hơn Singapore tới 10 lần, nhưng Việt Nam vẫn qua mặt sáu quốc gia khác trong vùng. Hơn 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet thường xuyên.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/internet-cua-viet-nam-lai-cham-vi-cap-ngam-duoc-sua-chua/