Tin Việt Nam – 27/02/2019
Cảnh báo mua ô tô TQ chào giá 40 triệu đồng
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều mẫu xe ô tô điện Trung Quốc được rao bán cho người tiêu dùng Việt Nam với giá chỉ từ 40 triệu đồng.
Rủi ro mua ô tô điện giá chỉ từ 40 triệu đồng
Đơn cử, trên trang facebook có tên “Xe ô tô điện mini, xe ô tô bốn bánh mini giá rẻ” liên tiếp đăng tải nhiều hình ảnh các mẫu ô tô với lời giới thiệu “có cánh” như: “Cty cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An, tự hào là đơn vị đi đầu nhập khẩu và phân phối sản phẩm xe lăn điện, xe điện 3 bánh, 4 bánh cho người khuyết tật. Với nhiều mẫu mã xe nhất thị trường hiện nay, thiết kế đặc biệt, sử dụng điện ắc quy 12vol x 4 bình, dung tích 20A. Chúng tôi cam kết sản phẩm chất lượng, chính hãng và giá tốt nhất Việt Nam. Xe có số tiến, lùi, công suất 500w đến 750w. Sản phẩm được nhập khẩu với giá bán tốt nhất hiện nay. Thời gian sạc ắc quy từ 7-8 giờ đồng hồ. Hãng sản xuất: China. Trọng lượng xe 80kg”.
Ngoài ra, trên một số trang facebook khác cũng giới thiệu dòng ô tô mini có tên IDU chạy điện của Trung Quốc, một chỗ ngồi và giá 40 triệu đồng. Ô tô điện IDU có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 2-3 năm về trước và từng được rao bán trên một số trang mạng xã hội. Gần đây, loại xe này lại được nhập khẩu nhiều về Việt Nam với một số kiểu dáng như: Ô tô điện IDULXE kiểu dáng Ranger Rover có giá 145 triệu.
Đồng thời, xuất hiện một chiếc xe Trung Quốc khác với tên BAIC H2 được công bố nhiều thông tin như thông số kỹ thuật, trang bị an toàn hiện đại không kém xe Hàn với ghế ngồi giả da, màn hình cảm ứng, vô-lăng có phím bấm tiện lợi. Chiếc xe này được người bán cho biết là lắp ráp Việt Nam và giá chỉ 240 triệu đồng. Đặc biệt hơn, chỉ thanh toán 50 triệu là có xe chạy trước.
Xác nhận với Tiền Phong, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, các thông tin trên đều là giả, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác. Theo ông An, với loại xe điện 3 bánh và các dòng xe 3 bánh nói chung, Chính phủ đã có quy định cấm lưu hành trên đường, chỉ cho phép lưu hành một số xe 3 bánh cho người khuyết tật. Với loại xe điện 4 chỗ cũng là dòng ôtô, phải được nhập khẩu theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, được đăng kiểm, đăng ký gắn biển mới được lưu hành.
Theo ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cách đây vài năm, Việt Nam đã cấm nhập khẩu và sử dụng loại xe điện Trung Quốc vì nó chưa có trong Luật Giao thông đường bộ. Do đó, người nào cố tình mua là vi phạm pháp luật. “Tôi được biết, ở Hà Nội hiện đang có 4,5 cái nhưng không ai dám lái ra đường vì sợ bị bắt”, ông Liên cho hay.
http://biendong.net/the-gioi-dai-duong/26520-canh-bao-mua-o-to-tq-chao-gia-40-trieu-dong.html
Thêm một facebooker Việt Nam bị bắt giữ
trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim
Tin từ Đồng Nai – Chính quyền CSVN tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ facebooker Khải Nguyễn, người có tên thật là Nguyễn Quang Khải, khi lực lượng an ninh CSVN thắt chặt kiểm soát giới bất đồng chính kiến trong dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội.
Theo tin từ gia đình, công an khu vực Hố Nai đã ập vào nhà anh với một giấy mời lên đồn làm việc. Dù giấy mời chưa đến ngày buộc phải đi nhưng công an đã ép buộc anh phải đến đồn công an ngay. Khi anh Khải phản ứng thì bị cả một đám công an ép đi, và trưởng công an khu vực nói lên làm việc rồi về. Cũng theo gia đình, anh Khải vẫn bị giữ ở đồn công an trong nhiều giờ và không ai biết gì thông tin về anh.
Anh Khải có viết và chia sẻ một số bài về dân chủ và nhân quyền trên trang Facebook cá nhân. Gần đây, anh có đăng một bức hình của mình và chân dung ông Donald Trump với lời chào nhân dịp ông này đến Hà Nội để gặp nhà độc tài Kim Jong-un.
Trong dịp hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim, an ninh được siết chặt và hàng chục nhà hoạt động ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn, đã bị quản thúc khi chính quyền địa phương đưa mật vụ và dân phòng đến canh nhà. Những người bị quản thúc này không được rời khỏi nhà, còn một số người khác bị mật vụ bám chặt khi họ đi công việc.
Quốc Tuấn
Nhiều nhà hoạt động bị an ninh phong tỏa
trong dịp thượng đỉnh Trump-Kim
Hàng chục nhà hoạt động chính trị được biết tiếng ở Việt Nam nói lực lượng an ninh đã tăng cường theo dõi và ngăn cản họ ra khỏi nhà trong thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội.
Việc trở thành nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai được cho là giúp thúc đẩy mạnh các mối quan hệ quốc tế cho Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng an ninh phải là ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách về kinh tế và xã hội nhưng đảng Cộng sản vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông và không dung thứ cho những lời chỉ trích nhắm vào họ.
Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động dân chủ có tiếng ở Hà Nội, cho VOA biết anh là một trong những người bị lực lượng an ninh theo dõi và ngăn cản đi lại tự do.
“Các nhà hoạt động hay những người lên tiếng về các vấn đề xã hội hay có tham gia biểu tình bị lực lượng an ninh cho người đến từng nhà của mỗi người để canh, tùy theo mỗi người. Họ không muốn chúng tôi xuất hiện trên các đường phố hoặc đến những chỗ mà những ông (Trump và Kim) đi qua.”
Tổng thống Trump tới Hà Nội đêm 26/2 trong khi lãnh đạo Bắc Hàn tới thủ đô Việt Nam trước đó trong ngày.
Anh Tuyến, người từng bị công an bắt giam và đánh đập vì tham gia biểu tình, nói rằng có hàng trăm người đang bị công an hạn chế việc đi lại và mặc dù thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội nhưng những người ở các tỉnh và thành phố khác không tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của lực lượng an ninh.
“Một loạt các anh em khác ở trong Sài Gòn cũng nói về hiện tượng đó. Và ngoài ra không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn mà các tỉnh ở nông thôn, ví dụ như ở vùng nông thôn miền núi Thanh Hóa, hay Vũng Tàu và Khánh Hòa, họ đều có các nhân viên an ninh đến canh gác họ như vậy.”
Ngô Thu, một nhà giáo ở Thủ Đức, TP HCM, cho biết qua một video đăng tải trên Facebook cá nhân hôm 27/2 rằng bà bị một số công an mặc thường phục chặn không cho ra khỏi nhà.
Ngô Duy Quyền, một người sống ở Hà Nội, cho VOA biết một số nhà hoạt động khác cũng bị an ninh canh gác ngoài tư gia và bị ngăn khi đi ra khỏi nhà. Bản thân anh cũng bị lực lượng an ninh đi theo và cản trở khi đi đến phòng tập gym
“Công an đi theo đến tận phòng tập,” anh Quyền cho biết. “Họ đến rất đông và ép Quyền phải bỏ ngang buổi tập với thái độ hung hăng, lời lẽ côn đồ đầy hăm dọa.
Trong một bài viết đăng trên Facebook cá nhân về “Không khí Thượng đỉnh Trump-Un” nhân sự việc bị công an bắt về nhà, anh Quyền viết “Những sự kiện tưởng nhỏ nhặt, nhưng là bản chất khốn nạn đê hèn của Vietcong đối xử với người dân của mình như nô lệ, thưa ngài Tổng thống Mỹ Donald Trump.”
Anh Quyền, có vợ là nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, cho biết tư gia của anh trên tầng 3 cũng bị công an tới ngồi bên ngoài để canh gác.
Ca sỹ bất đồng chính kiến Mai Khôi đăng tải một video của bản thân trên Twitter với hình ảnh cô giơ ngón tay giữa lên khi đoàn xe của ông Trump đi qua đêm 26/2 với tiêu đề “Peace on you, Trump”.
Khi Tổng thống Trump lần đầu tới Việt Nam năm 2017, cô ca sỹ kiêm nhà hoạt động này đã giăng biểu ngữ viết “Piss on you Trump.” Cô đã bị công an giam giữ tại nhà trong vài giờ sau cuộc biểu tình cá nhân này.
Trong khi đó, Lê Vân, một phụ nữ ở Hải Phòng, cho biết trên Facebook cá nhân hôm 26/2 rằng bà và một số người khác chuẩn bị xuống đường để chào đón ông Trump nhưng “bị an ninh Hải Phòng ngăn cản.”
Trong video đăng tải trên Facebook, bà nói “Chúng tôi nghênh đón ngày tổng thống Donald Trump đến Việt Nam. Chúng tôi cần nhân quyền tự do dân chủ cho Việt Nam và chúng tôi không thích độc tài độc đảng.”
Dân oan bị ‘hốt’, ‘quản thúc tại gia’
giữa lúc Tổng thống Mỹ đến VN
Một trong những “thủ lĩnh” dân oan của dự án Thủ Thiêm, bà Trương Thị Yến, 66 tuổi, kêu cứu với VOA tối 26/2 và cho biết bà đang bị “quản thúc tại gia” trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam tham dự thượng đỉnh Trump-Kim lần 2.
Theo lời bà Yến, công an, lực lượng an ninh đã kéo đến khu vực chung cư mà con gái bà thuê ở từ sáng 26/2 và ngăn chặn bà đi ra khỏi nhà.
“Khoảng 8 giờ sáng 26/2, tôi dự định ra khỏi nhà. Nhà tôi ở chung cư. Khi vừa bước xuống dưới lầu thì đã có 3 người nữ, 17 nam đứng dưới đó. Họ không cho tôi ra khỏi cửa”, bà Yến nói với VOA.
Lý do ban đầu mà nhóm người này đưa ra là vì bà Yến chưa đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, sau khi gia đình bà Yến cử người ở lại để giải quyết vấn đề này, thì họ vẫn không cho bà bước ra khỏi cổng.
“Mấy chú cản đường tôi ở quận 2 nói là tôi qua bên thành phố ‘quậy’, quấy rối ở bển, thành ra trong thời gian Tổng thống Trump vô họp thượng đỉnh thì không muốn tôi có mặt ở bên thành phố, phải ở trong nhà tới thứ Hai”.
Bà Trương Thị Yến và khoảng hơn 30 dân oan từ quận 2, Thủ Thiêm, Bến Tre… dự định tập trung biểu tình ôn hòa vào ngày 26/2 để đòi chính quyền phải giải quyết bồi thường tài sản, đất đai của họ bị mất nhiều năm qua cho các dự án xây dựng.
Nhưng cuộc biểu tình của họ đã bị dập tắt khi bà Trương Thị Yến, vốn là người hay lên tiếng trong nhóm dân oan, bị quản thúc tại nhà, và hàng chục dân oan khác tập trung ở đường Võ Thị Sáu bị cưỡng chế “hốt” lên xe bus chở đi, vẫn theo lời kể của bà Yến.
Hiện VOA chưa liên lạc được với các cơ quan chức năng để xác minh vụ việc. Tuy nhiên, bà Yến đã cung cấp cho VOA video clip quay trực tiếp cảnh bà bị nhóm an ninh chặn không cho ra khỏi nhà vào sáng 26/2.
Cũng như nhiều người dân oan khác, bà Trương Thị Yến và nhóm dân oan Trường Thịnh-Thủ Thiêm đã vác đơn đi kiện từ trung ương đến địa phương ròng rã suốt 16 năm qua để đòi bồi thường tài sản đã mất. Cuộc sống gia đình họ càng long đong hơn khi phải đeo đuổi việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm, không thể tập trung vào công việc làm ăn, sinh sống.
Cho đến nay, chính quyền vẫn không giải quyết gì cho họ dù đã đưa ra nhiều hứa hẹn gần đây. Cực chẳng đã, bà Yến và nhóm dân oan mới phải lên tiếng đòi quyền lợi ngay vào dịp diễn ra thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, với mong muốn tiếng nói của mình “thấu đến tai Tổng thống Trump”.
Bà Yến nói: “Tôi đi đến đâu, làm gì, tôi đều quay phim đăng trực tiếp hết. Tôi nghĩ một ngày nào đó ổng [Tổng thống Trump] sẽ thấy. Vì suốt 16 năm rồi, bà con tôi khổ quá. Mất nhà, mất
đất. Có miệng mà nói không nên lời. Bây giờ tôi nhờ cuộc họp thượng đỉnh của ông Trump để quay trực tiếp lên. Tôi mong những cái video clip của những người dân oan khốn khổ chúng tôi thấu đến tai ông Trump, và ông sẽ can thiệp để người dân Việt Nam chúng tôi đòi được quyền lợi và tài sản của chúng tôi, để chúng tôi không khổ nữa…”
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa đến Việt Nam vào đêm 26/2. Ông sẽ họp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ ngày 27-28/2 để tiếp tục thảo luận về lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Được chọn làm nơi tổ chức sự kiện ngoại giao quốc tế hàng đầu này, Việt Nam cam kết sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tất cả các hoạt động diễn ra tại thượng đỉnh. An ninh đã được siết chặt tối đa cho sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu của Việt Nam trong năm 2019. Một số nhà hoạt động cho biết họ đã bị lực lượng an ninh canh giữ trước nhà trong suốt mấy ngày qua.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-oan-thuong-dinh-trump-kim/4804786.html
Người Việt ở Little Saigon biểu tình kêu gọi
nhà cầm quyền CSVN tôn trọng nhân quyền
Tin Little Sài Gòn, Nam California- Ở bên kia địa cầu, người dân Việt Nam đang bàn tán về hình ảnh của các nhóm cận vệ khổng lồ vây quanh lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong Un khi ông này đến Hà Nội để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump.
Trong khi đó thì người Việt Nam ở Little Saigon, Orange County bất chấp giá lạnh, tràn xuống đường phố đêm thứ Ba 26 tháng 2 để tố cáo nhà cầm quyền CSVN áp bức người bất đồng chính kiến, vi phạm nhân quyền.
Theo latimes.com, cư dân Little Saigon hy vọng sẽ áp lực tổng thống Donald Trump đào sâu vào những vấn đề chính yếu để hướng thế giới chú ý đến nhu cầu cần thiết phải thiết lập nền dân chủ và cải cách thể chế chính trị hiện nay tại Việt Nam, nhân chuyến công du của Trump tại Hà Nội.
Chi Charlie Nguyen, uỷ viên hội đồng thành phố Westminster nói rằng người Việt Nam không để mất cơ hội lên tiếng đòi hỏi tự do và nhân quyền.
Gần 30 tổ chức người Mỹ gốc Việt đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện cho dân chủ nước nhà. Nhiều người Việt Nam từ Hoà Lan và Canada, cũng như nhiều tiểu bang Hoa Kỳ như Georgia, Indiana, Kansas, New York và Texas tụ họp về Little Sài Gòn để tham dự cuộc biểu tình.
Ông Nguyen, 65 tuổi, cựu trung uý quân đội Việt Nam Cộng Hoà nói ông hy vọng tất cả người Việt Nam ở hải ngoại sẽ cố thúc đẩy việc thực hiện để biến giấc mơ dân chủ một ngày nào đó trở thành hiện thực.
Dân biểu Katie Porter của đảng Dân Chủ tại Irvine dẫn đầu nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng kêu gọi tổng thống Trump mang lại tự do cho một người Mỹ gốc Việt, Michael Phuong Minh Nguyen, cư dân Orange bị bắt cầm tù 8 tháng qua tại Sài Gòn, mà không đưa ra toà.
Dân biểu Katie Porter gửi một bức thư đến chính phủ Trump có chữ ký của các dân biểu quốc hội tại Orange County và các đồng nghiệp khác hối thúc nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Michael Phuong Minh Nguyen bị bắt ngày 7 tháng 7 vừa qua.
Ý kiến ‘buồn và tiếc’ khi Quỹ Phan Châu Trinh
tự thôi hoạt động
Nguyễn ViệnViết từ Sài Gòn
Trong một thông báo được ký ngày 20/2/2019, bà Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cho biết, Quỹ này chính thức chấm dứt hoạt động sau 11 năm tồn tại.
Đảng Cộng sản nêu ‘sai trái’ của GS Chu Hảo
GS Chu Hảo tuyên bố ‘từ bỏ Đảng CS’
Nếu nhìn một cách xuyên suốt quá trình phát triển các tổ chức xã hội dân sự trong những năm gần đây và phản ứng của chính quyền đối với các tổ chức này, đặc biệt sau vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức và là thành viên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự kiện đáng tiếc này.
Trước hết, điều không nên quên là bà Nguyễn Thị Bình cũng như các thành viên khác của Quỹ đều là đảng viên Cộng sản, không những thế, nhiều người trong số họ từng đã và đang giữ những trọng trách trong hệ thống nhà nước. Nói một cách khác, tất cả họ đều nằm trong guồng máy của chế độ.
Trong guồng máy ấy hay tính kỷ luật của Đảng, họ không thể hoạt động độc lập theo ý chí riêng của họ, cho dù bất cứ mục đích gì. Huống hồ, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã có những hoạt động mang tính khai dân trí như tinh thần của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, những hoạt động ngoài khuôn khổ và định hướng của chế độ.
Nhìn vào bảng thành tích Quỹ này đã làm được trong vòng 11 năm như vinh danh những hoạt động hay cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp khai dân trí.
Đặc biệt, “Dự án tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại” đã vinh danh Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, hầu như đều là những nhân vật đã từng bị chế độ lên án. Chúng ta không thể không nhận ra cái “ý đồ” thoát ách nô lệ tinh thần, tư tưởng… của những người sáng lập.
Quy trình của sự giải thể này bắt đầu từ việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, nơi đã phổ biến những tác phẩm “có vấn đề”.
Không thể không liên hệ kết nối cái “vấn đề” này trong mối xung đột giữa tri thức của việc khai dân trí với chính sách của nhà cầm quyền.
Có thể bà Nguyễn Thị Bình, trong cương vị của mình, đã nhìn vấn đề một cách khác.
Tuy nhiên, cá nhân tôi không tin vào những điều giải thích của bà Bình như “do một số điều khách quan”, mà tôi nghĩ bà Bình đã chịu áp lực của chính quyền.
Mở đầu năm 2019, với một chỉ dấu bằng sự chấm dứt hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, như một điềm báo không lành với các tổ chức xã hội dân sự còn lại.
Song song với việc chống tham nhũng, Đảng Cộng sản mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc vẫn sẽ mạnh tay hơn với các tổ chức ngoài hệ thống chính quyền.
Nhưng sẽ sai lầm khi đồng hóa các tổ chức xã hội như một nguy cơ tiềm ẩn cho sự tồn tại của chế độ.
Bởi bản thân các tổ chức xã hội dân sự không bao giờ là “thế lực thù địch”, thậm chí ngược lại, họ là động lực cho sự phát triển lành mạnh và sự cân bằng xã hội cần thiết, nếu chính quyền có thiện chí.
Dù sao, tôi vẫn tin vào mạch ngầm tốt đẹp của cuộc sống vẫn âm thầm được vận động nơi những người trẻ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47371344
Hối lộ tiền để con trai được ở nhà,
nhưng sau đó con vẫn phải đi bộ đội
Tin Đồng Nai – Báo Tuổi Trẻ ngày 25 tháng 2 loan tin, vào tháng 7 năm 2018, con trai ông Lộc A Khường, 49 tuổi, quê xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai là anh Lộc Bảo Phúc, 20 tuổi nhận được giấy báo phải đi nghĩa vụ quân sự cho nhà cầm quyền CSVN. Vì không muốn con tham gia đi lính cho quân đội CSVN, nên ông Khường đã tìm gặp ông Chu Đình Sơn, 53 tuổi, cùng ở xã Phú Vinh để nhờ giúp cho anh Phúc được ở nhà. Sơn đã yêu cầu ông Khường phải đưa số tiền 20 triệu thì mới giúp.
Đến tháng 10 năm 2018, ông Khường đã đưa cho Sơn 7 triệu, số tiền còn lại sẽ đưa sau khi thành công. Tuy nhiên, lúc đi khám sức khỏe, anh Phúc đã đạt yêu cầu để phải đi lính. Lúc này, ông Khường liền đến nhà ông Sơn để gặp, và nhiều lần liên lạc với ông Sơn nhưng bất thành.
Vào ngày 14 tháng 2 năm 2019, ông Khường đã làm đơn tố cáo Sơn đến công an. Hiện tại ông Sơn đang bị cảnh sát điều tra công an CSVN huyện Định Quán tạm giữ để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hoi-lo-tien-de-con-trai-duoc-o-nha-nhung-sau-do-con-van-phai-di-bo-doi/
Bộ công thương CSVN kiểm tra độ an toàn
của Formosa bằng mắt thường
Tin Việt Nam – Báo Vietnamnet ngày 26 tháng 2 loan tin, bộ công thương CSVN vừa có đợt kiểm tra đợt 3 về công tác an toàn của chủ đầu tư Formosa, để đưa công trình vào sử dụng đối với 5 hạng mục công trình thuộc dự án Khu liên hiệp gang thép, và Cảng nước sâu Sơn Dương, nằm trong khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, bộ công thương CSVN kiểm tra gồm Lò cao số 2, xưởng lò vôi số 2, xưởng cán dây, xưởng luyện cốc số 3 và 4, xưởng thiêu kết số 1 thuộc dự án thép Formosa. Tất cả các hạng mục này được bộ Công thương Cộng sản sử dụng phương pháp kiểm tra bằng cách quan sát bằng mắt thường và cho ra kết quả kiểm tra.
Sau một thời gian đứng nhìn các hạng mục ở các vị trí được xem là an toàn theo quy định của phía Formosa, bộ công thương CSVN đã đưa ra đánh giá chất lượng của các hạng mục mà chủ đầu tư tự phê duyệt như sau: Công trình ở trạng thái ổn định, chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường cũng như chưa có dấu hiệu không bảo đảm an toàn. Còn hồ sơ, và quy trình kiểm tra chất lượng của Formosa đã tuân thủ theo các quy định.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bo-cong-thuong-csvn-kiem-tra-do-an-toan-cua-formosa-bang-mat-thuong/
Đoàn lãnh đạo Triều Tiên
thăm nhà máy ôtô Vinfast ở Hải Phòng
Hôm 27/2, một phái đoàn cấp cao nhà nước Triều Tiên do Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong dẫn đầu đã thăm vịnh Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh, tổ hợp nhà máy ôtô VinFast, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco của tập đoàn Vingroup ở thành phố Hải Phòng.
Hãng tin NK News cho biết phái đoàn Triều Tiên thăm tổ hợp nhà máy VinFast, nơi sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao như ô tô, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh Vsmart của Việt Nam.
Báo Thanh Niên cho biết phái đoàn Triều Tiên gồm 25 thành viên, ngoài ông Ri Su Yong còn có ông Kim Pyong Hae, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên; ông O Su Yong, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng Ban kinh tế T.Ư và các quan chức cấp cao khác.
Theo đài KBS của Hàn Quốc, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về Khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải cũng như Tổ hợp nhà máy VinFast và cho biết đây là một trong những nơi ông tham khảo để đưa nền kinh tế Triều Tiên phát triển.
Sau khi thăm tổ hợp nhà máy VinFast, phái đoàn cấp cao của Triền Tiên đã thăm Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco và thăm khách sạn Vinpearl Hotel Imperia Hải Phòng.
Vào tháng 11/2018, người đứng đầu bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã tới Hà Nội để tìm hiểu mô hình kinh tế thành công của Việt Nam trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ về chính trị.
Trong các cuộc gặp gỡ trước đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã đề cập đến kỳ vọng cải cách nền kinh tế của Triều Tiên và đã xem xét các mô hình trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Báo chí Toà Bạch Ốc buộc phải
‘nhường’ khách sạn Melia cho Kim Jong Un
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đang diễn ra tại Việt Nam thu hút đông đảo phóng viên nước ngoài tới Hà nội đưa tin về sự kiện quan trọng này, trong số đó có nhiều phóng viên Mỹ.
Như các Tổng thống tiền nhiệm khi công du ra nước ngoài, Tổng thống Trump cũng có một đoàn báo chí gồm 13 người tháp tùng, thông thường đoàn báo chí ở cùng khách sạn của Tổng thống, nhưng trung tâm báo chí thông thường được đặt tại một địa điểm khác.
Tới Hà nội nhiều ngày trước hai nhân vật chính, đoàn báo chí của Toà Bạch Ốc đã chọn khách sạn Melia làm trung tâm báo chí, nơi làm việc của hàng trăm ký giả Mỹ, cùng với các phóng viên nhiếp ảnh, quay phim, trong thời gian diễn ra thượng đỉnh.
Từ tuần trước, nhiều nguồn tin đã cho Reuters biết nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ ở tại khách sạn Melia, nơi mà Ngoại Trưởng Ri Hong Ho, và phụ tá thân tín của ông Kim, Kim Chang Son, cũng lưu trú để chuẩn bị cho hội nghị.
Hôm thứ Hai 25/2, khi an ninh được siết chặt tại khách sạn Melia, nhiều phóng viên đã kinh ngạc vì truyền thông phương Tây có thể tụ tập và làm việc tại cùng khách sạn với nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên, vì ông Kim Jong Un khét tiêng là người vô cùng quan tâm tới an toàn cá nhân và sự riêng tư của mình.
Một số chuyên gia phân tích rằng đây là một nước cờ cao về mặt ngoại giao của ông Kim, thể hiện thái độ cởi mở hơn của ông với báo chí Mỹ. Truyền thông Hàn Quốc ca ngợi động thái mà họ cho là có chủ ý này là “can đảm”, và có tính “chiến lược”.
Một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên ông Cheong Seong-chang, thuộc Viện Sejong, nhận định: “Khi tỏ thái độ sẵn sàng đối mặt với báo chí Mỹ theo sát từng động tác của mình, ông Kim Jong Un có thể đánh đi thông điệp bày tỏ quyết tâm của mình muốn cải thiện các quan hệ với Mỹ.
Nhưng vài phút sau khi chiếc tàu bọc thép của lãnh tụ họ Kim tiến vào ga Đồng Đăng hôm thứ Ba 26/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo khách sạn Melia-Hà nội sẽ không tiếp hàng trăm ký giả Mỹ được phái sang Việt Nam để đưa tin về thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Thế là chưa đầy 24 giờ sau khi được thông báo, trung tâm báo chí của Mỹ phải dời sang một địa điểm dành cho các phóng viên quốc tế khác tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, một tòa nhà thời Sô-Viết, cách khách sạn Melia 7 phút đi bộ.
Báo chí Mỹ đều tường thuật về câu chuyện bên lề hội nghị thượng đỉnh này.
Trong bài báo đăng ngày 26/2, báo USA Today viết “một khách sạn không đủ lớn để chứa trung tâm báo chí Mỹ và ông Kim Jong Un”.
Tờ báo tường thuật rằng các phóng viên, nhà báo Mỹ phải ra khỏi khách sạn Melia vài tiếng đồng hồ trước khi trung tâm báo chí Mỹ chính thức mở cửa trên tầng 3 của khách sạn như đã định.
Tờ báo dẫn lời những người chứng kiến nói rằng toán an ninh của ông Kim đã lớn tiếng với mọi người có mặt, gay gắt buộc họ phải ra khỏi sảnh chính trước khi ông Kim tới nơi.
Các đoàn quay phim đã bỏ nhiều tuần lễ để chuẩn bị sẵn thiết bị, giờ phải vất làm lại từ đầu, vài giờ trước khi chuyên cơ của Tổng thống Mỹ đáp xuống phi trường ở Hà nội đêm thứ Ba.
Báo Washington Post dẫn lời nhà báo Margaret Talev của hãng tin Bloomberg, một nhà báo lão thành tại Nhà Trắng, chia sẻ trên trang Twitter: “Lực lượng an ninh cấm chúng tôi chụp ảnh bên trong khách sạn. Lính gác lớn tiếng cấm chúng tôi chụp ảnh, quay phim.”
Chính phủ Việt Nam sau đó loan báo cho Toà Bạch Ốc yêu cầu dời trung tâm báo chí ra khỏi khách sạn Melia. Tờ Washington Post đặt câu hỏi vì sao ban tổ chức không tiên liệu được những rắc rối đó để tránh tình huống đáng tiếc vào giờ chót?
Nhà báo Peter Alexander của đài NBC nói ông và nhiều nhà báo khác bị ‘đuổi’ ra khỏi sảnh khách sạn trước khi ông Kim đến, và bị cấm dùng thang máy để tránh bước lên thảm đỏ vừa được trải xuống để đón lãnh tụ Triều Tiên. Ông Alexander cho biết an ninh Triều Tiên gay gắt đòi ông phải xóa tất cả những tấm ảnh trong điện thoại cầm tay chụp quang cảnh trong sảnh của khách sạn.
“Thật là không hiểu nổi. Chẳng biết tại sao lại để sự thể này xảy ra?”
Chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên Cheong Seong-chang :
Tờ báo nhắc lại rằng trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi năm ngoái, các phóng viên bị tập hợp lại và hạ lệnh phải bỏ vào túi điện thoại di động, và không được quay phim khi ông Kim di chuyển trong khách sạn. Một số người chụp ảnh đều được yêu cầu phải xóa sạch.
Tác giả bài báo bình luận rằng ông Kim khét tiếng là người lo âu về sự an toàn của bản thân ‘tới mức gần như bệnh hoạn’.
Chuyên gia về Triều Tiên Cheong Seong-chang nói: “Thật là không hiểu nổi. Chẳng biết tại sao lại để sự thể này xảy ra?”
Thượng đỉnh Mỹ – Triều:
Việt Nam « chiều » các nhà báo quốc tế
Trong khi chờ đợi tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên bắt đầu thượng đỉnh Hà Nội vào tối nay 27/02, phóng viên quốc tế có nhiều thời gian và cơ hội để tham quan thủ đô Việt Nam và cả một số địa điểm du lịch gần Hà Nội.
Ngay tại cổng vào trung tâm báo chí quốc tế ở đường Trần Hưng Đạo, cứ 15 phút có một chuyến xe buýt hai tầng khởi hành, đi qua những con lộ như Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ, Đường Hoàng Diệu, Thanh Niên…, qua những di tích của thành phố như Nhà Hát Lớn, Hoàng Thành Thăng Long, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám …
Muốn đi xa hơn một chút, các nhà báo cũng có thể ghi tên miễn phí đi thăm làng gốm Bát Tràng, Vịnh Hạ Long hay “Hạ Long trên cạn”, tức là khu du lịch Hoa Lư, Ninh Bình. Phóng viên quốc tế đưa tin về thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên chỉ cần trình thẻ tác nghiệp là có thể đi xe lửa miễn phí trên một số tuyến đường xuất phát từ Ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Riêng ở bên trong trung tâm báo chí trên đường Trần Hưng Đạo, ban tổ chức dự trù đầy đủ nước uống, trà, cà phê, và cả các bữa điểm tâm, ăn trưa và ăn tối cho giới truyền thông.
Vào lúc có nhiều bài báo nói về những thành quả kinh tế mà Singapore gặt hái được từ sau thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên tháng 6/2018, một số hãng du lịch ở Hà Nội đã nhân sự kiện ngoại giao này tung ra các chiến dịch khuyến mãi đặc biệt : Nào là giảm giá các chương trình du lịch từ Hà Nội đến Bắc Triều Tiên hay đến Mỹ, nào là dịch vụ cấp visa miễn phí hay là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đất nước, về văn hóa của hai nguyên thủ Donald Trump và Kim Jong Un và người thắng sẽ được tặng không một chuyến tham quan Bình Nhưỡng hay Washington.
Nhiều nhà hàng, quán rượu ở Hà Nội vào dịp này đã có một số sản phẩm đặc biệt như rượu khai vị « Trump –Kim », hay bánh mì tròn kẹp thịt bò với logo và cờ Mỹ, Bắc Triều Tiên…
Khai mạc thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội
Sau khi hội kiến các lãnh đạo Việt Nam, tối nay, 27/02/2019, tổng thống Donald Trump đã gặp riêng chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại khách sạn Metropole, Hà Nội, trước khi lãnh đạo hai nước ăn tối với nhau cùng với các cố vấn thân cận. Trao đổi ngắn với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước báo chí, tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng là thượng đỉnh sẽ thành công hơn thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 06/2019 tại Singapore. Về phần ông Kim Jong Un cũng tuyên bố « chắc chắn » lần này hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Từ Hà Nội, đặc phái viên Thanh Hà tường trình :
« Vào lúc 18 giờ 28 phút tại khách sạn Metropole, Hà Nội, tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gặp lại nhau, khai mạc thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhì. Trái với một số dự báo, nguyên thủ hai nước trong những giây phút đầu đã không vồn vã hay ân cần. Ông Kim Jong Un thậm chí tỏ ra hơi căng thẳng. Mãi tới gần một phút sau khi xuất hiện trước ống kính của các phóng viên quốc tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên mới nở nụ cười. Donald Trump có vẻ cởi mở hơn.
Sau khi bắt tay nhau, tổng thống Mỹ và chủ tịch Bắc Triều Tiên, qua trung gian hai thông dịch viên, trao đổi một cách xã giao. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết ông « hân hạnh » gặp lại Kim Jong Un lần này và nhất là cuộc gặp gỡ thứ nhì lại diễn ra ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam tổ chức trọng thể sự kiện này. Khi đề cập tới Việt Nam, Ông Trump đã tranh thủ để trực tiếp nói với lãnh đạo Bắc Triều Tiên rằng ông in tưởng vào tiềm năng phát triển kinh tế « rất to lớn » của Bắc Triều Tiên.
Về phía Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un tuyên bố kỳ vọng thượng đỉnh lần này sẽ đem lại những « kết quả tích cực ». Trong lúc trao đổi, hai ông Kim và Trump có vẻ bớt căng thẳng hơn và đôi bên dành cho nhau những lời khen tặng. Tổng thống Mỹ đánh giá chủ tịch Bắc Triều Tiên là một nhà lãnh đạo « lớn ». Ông Kim Jong Un thì đề cao chính sách của Donald Trump trên hồ sơ Bắc Triều Tiên là một « quyết định can đảm ».
Vài giờ trước khi gặp lại « bạn » Kim Jong Un của ông, trên mạng Twitter, tổng thống Trump đã một lần nữa hứa hẹn một sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump nêu ví dụ của Việt Nam, quốc gia cộng sản đã chuyển sang nền kinh tế tư bản và từ một kẻ thù trong chiến tranh đã trở thành nước bạn của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ viết : « Ít có quốc gia nào trên thế giới phát triển được như Việt Nam. Bắc Triều Tiên sẽ làm được như thế nếu nước này quyết định phi hạt nhân hóa ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190227-khai-mac-thuong-dinh-my-bac-trieu-tien-tai-ha-noi
Hai hãng Việt Nam mua máy bay Mỹ trị giá hơn 15 tỷ đô
Với sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, hai hãng hàng không của Việt Nam, VietJet và Bamboo Airways (Tre Việt), hôm 27/2 đã ký các thỏa thuận mua 110 chiếc máy bay, trị giá hơn 15 tỷ đôla, với tập đoàn Boeing của Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội, VietJet đặt mua 100 chiếc Boeing 737 MAX với tổng giá trị hợp đồng là 12,7 tỷ đôla.
Hãng hàng không giá rẻ này cũng hoàn tất một thỏa thuận hỗ trợ về động cơ lâu dài, trị giá 5,3 tỷ đôla, với hãng GE cho các động cơ LEAP-1B trong đội bay của hãng.
TT Trump ca ngợi Việt Nam ‘phồn thịnh’, hình mẫu cho ‘bạn’ Kim
Trong khi đó, Bamboo Airways mua 10 chiếc 787 thân rộng trị giá 2,9 tỷ đôla.
Reuters dẫn lời ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, tập đoàn sở hữu Tre Việt, cho biết rằng hãng này cũng đang đàm phán mua 25 chiếc Boeing 737 thân hẹp.
Hãng tin Anh trích lời ông Trump nói rằng ông đánh giá cao hợp đồng trên cũng như chuyện thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Việt Nam đang giảm.
Đầu tháng này, Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, mở đường cho các hãng hàng không Việt lần đầu tiên được bay thẳng đến Hoa Kỳ cũng như thực hiện các chuyến bay liên danh với các hãng hàng không của Mỹ.