Tin Việt Nam – 27/01/2020
Hai tù chính trị trẻ Nguyễn Viết Dũng
và Phan Kim Khánh bị kỷ luật biệt giam
Hai tù chính trị trẻ Nguyễn Viết Dũng và Phan Kim Khánh đang chịu kỷ luật biệt giam khi đang thụ án ở Trại Nam Hà vì lý do không nhận tội và “nổi loạn”.
Vào chiều ngày 27 tháng 1, mẹ của tù chính trị Nguyễn Viết Dũng, bà Hồng, xác nhận với Đài Á Châu Tự do như sau:
Dũng đang bị giam riêng, kỷ luật là vì Dũng không lao động. Dũng nói không có tội nên không lao động nên bị kỷ luật. Hôm vừa rồi bác vào thì thấy Dũng gầy hơn vì ăn uống không đầy đủ như lúc trước. Tiền người nhà gửi vào thì họ không đưa cho Dũng đồng nào cả, chỉ ăn chế độ của nhà tù thôi. Lần cuối Dũng nhận được tiền là cách đây ba tháng rồi.
Anh Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Anh từng đạt giải nhất vòng thi tháng Cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia tại Việt Nam đợt 2003-2004.
Anh bị bắt và khởi tố lần đầu vào tháng 12 năm 2015 với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ và bị tuyên án 15 tháng tù. Lúc đó anh ra Hà Nội tham gia biểu tình tuần hành chống chặt cây xanh.
Anh Nguyễn Viết Dũng bị bắt lần thứ hai vào ngày 27 tháng 9 năm 2017 với cáo buộc về việc cắm cờ vàng ba sọc đỏ và các bài đăng trên trang cá nhân bày tỏ chính kiến của bản thân.
Anh bị đưa ra tòa xử sơ thẩm vào tháng 4 năm 2018 và bị tuyên án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào tháng 8 sau đó, tòa giảm một năm tù giam xuống còn 6 năm tù giam.
Trường hợp thứ hai là tù chính trị Phan Kim Khánh. Anh này cũng đang thụ án 6 năm tại Trại Nam Hà và hiện phải chịu biệt giam với lý do ‘nổi loạn’ trong tù”, theo thông tin từ Dự án 88, một dự án chuyên đưa tin về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Anh Phan Kim Khánh, 21 tuổi, bị Công an tỉnh Thái Nguyên bắt hồi ngày 21 tháng 3 năm 2017 với cáo cuộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự cũ của Việt Nam. Đến ngày 25 tháng 10 năm 2017, Phan Kim Khánh bị tòa tuyên án 6 năm tù và 4 năm quản chế.
Tin từ thân nhân của Phan Kim Khánh cho biết bản thân anh này có làm đơn kháng cáo bản án; tuy nhiên giới chức nhà tù không gửi đơn kháng án theo yêu của Phan Kim Khánh.
Anh Phan Kim Khánh trước khi bị bắt từng là chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Thái Nguyên. Anh là một người dẫn chương trình được nhiều sinh viên trong trường Đại học Thái Nguyên biết đến. Anh cũng là một thành viên của chương trình Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEAL)
Phan Kim Khánh cũng từng sáng lập và điều hành một số tờ báo mạng độc lập như báo Tham Nhũng và Tuần Việt Nam.
Phan Kim Khánh là một trong khoảng 20 nhà báo độc lập, nhà hoạt động cho dân chủ – nhân quyền bị bắt và bị kết án tại Việt Nam trong năm 2017.
Tù nhân lương tâm Ngô Hào được hoãn thi hành án
trong tình trạng gần như mù lòa
Hôm 8 tháng 1 năm 2020, tù nhân lương tâm Ngô Hào, người đang thi hành án ở trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam được hoãn chấp hành bản án 15 năm tù giam vì cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Anh Ngô Minh Tâm, con trai của người tù 72 tuổi nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại hôm 27 tháng 1 như sau:
“Ngày 8 tháng 1 là xuất trại, đêm ngày 9 sáng ngày 10 là ba có mặt ở nhà.
Gia đình chỉ được biết lúc 8 giờ tối ngày 9 tháng 1 là ở bên địa phương người ta gọi, người ta báo là chuẩn bị đón ba về, đang bệnh nặng nên trại người ta cho về. Địa phương họ báo về thì lúc đó gia đình mới biết.”
Theo anh Tâm, ông Ngô Hào được hoãn chấp hành án 12 tháng và trở với gia đình trong tình trạng 2 mắt gần như mù lòa và căn bệnh cao huyết áp bất thường.
“Hiện tại, sức khỏe của ba lúc trại cho về thì một bên mắt không nhìn thấy được nữa, nó bị đục thủy tinh thể nên một bên mắt là không thấy được nữa.
Mắt còn lại thì chỉ nhìn thấy được lờ mờ, bởi vì lúc đó đưa về thì gia đình cũng chưa có điều kiện để đưa ba đi khám, với lại là cận ngày tết quá nên thành ra cũng chưa biết chính xác như thế nào.
Chưa biết chính xác con mắt còn lại nhìn được bao nhiêu phần trăm, còn con mắt bên trái thì đã mù 95% rồi, không nhìn thấy nữa.
Còn thêm một cái cái nữa là là theo giấy xác nhận tình trạng khi trại trả về thì ba bị huyết áp vô căn.
Huyết áp vô căn có nghĩa là lúc nào huyết áp muốn lên thì nó lên, muốn xuống thì nó xuống thôi chứ không cần một tác động gì hết.”
Gia đình ông Ngô Hào cho hay, họ rất vui vì được đón ông Ngô Hào trở về nhà để ăn tết cùng gia đình tuy nhiên cũng lo lắng vì người tù lương tâm này hiện đã 72 tuổi, và với tình trạng sức khỏe hiện nay nếu phải trở lại nhà giam trong 12 tháng nữa thì e rằng ông khó qua khỏi.
Ông Ngô Hào sinh năm 1948, từng phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa và bị bắt giam vào năm 1977 vì bị cáo buộc “chủ mưu, cầm đầu tổ chức ‘Đảng Liên minh Việt Nam’ tại Phú Yên.
Năm 1997, ông Ngô Hào được “tha về nhà chữa bệnh”.
Ngày 7 tháng 2 năm 2013, ông Ngô Hào lại bị bắt tại Phú Yên.
Ngày 11 tháng 9 cùng năm, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án 15 năm tù đối với ông Ngô Hào vì cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại khoản 1, Ðiều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hồi tháng 1 năm 2019, gia đình ông Ngô Hào đã lên tiếng kêu cứu vì tình trạng ông bị đột quỵ trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam nhưng không được chữa trị đúng mức.
Luật mới của Việt Nam phạt nghiêm khắc
người uống bia rượu khi lái xe,
khiến doanh số bán bia giảm 25%
Hạ Huy/Thanh Niên
Doanh thu bán bia tại Việt Nam đã giảm 25% kể từ khi các mức phạt tiền nghiêm khắc đối với những tài xế uống rượu khi lái xe có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1. Kể từ đó, lực lượng công anh cộng sản Việt Nam đã ban hành hơn 6,200 khoản tiền phạt trên toàn quốc. Các công ty bia đã giảm giá bia để đáp ứng nhu cầu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Luật mới, được ban hành sau nhiều vụ đụng xe nghiêm trọng vào năm ngoái, đã gây ngạc nhiên cho nhiều người vì từ trước đến nay những quy định về bia rượu tại Việt Nam đều được người dân xem nhẹ. Mức tiêu thụ bia của Việt Nam đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2004, thu hút các nhà sản xuất bia toàn cầu từ Heineken NV đến Anheuser-Busch InBev. Theo luật mới, người lái xe máy sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 345 mỹ kim, gấp đôi mức tối đa trước đóm và có thể bị treo bằng lái trong hai năm. Trong khi đó, tài xế xe vận tải và xe hơi lái xe khi say rượu có thể chịu mức phạt lên tới 1,700 mỹ kim và đình chỉ giấy phép lái xe. Luật mới cũng yêu cầu các quảng cáo rượu phải bao gồm các cảnh báo về sức khỏe và các cửa hàng phải đăng các thông báo cấm bán rượu cho những người dưới 18 tuổi. Các viên chức y tế cho biết mực tiêu thụ rượu bia ngày càng tăng của Việt Nam đang gây ra các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 79,000 ca tử vong mỗi năm có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Thu, một quản lý tại HealthBridge Foundation of Canada có trụ sở tại Hà Nội, cho biết hơn 80% người nghiện rượu trên toàn Việt Nam là đàn ông, và việc dụng rượu bia đang dẫn đến những tác hại xã hội ngày càng gia tăng, bao gồm đụng xe, bạo lực gia đình và rối loạn xã hội. Theo WHO, tác động tiêu cực của lạm dụng rượu bia là từ 1.3% đến 3.3% tổng sản phẩm quốc nội.
Mộc Miên
GS Tương Lai: ‘Vụ Đồng Tâm
là một việc làm không sáng suốt’
Vụ việc xảy ra với xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 09/01/2020 là một việc làm ‘thiếu sáng suốt’ mà không một chính phủ nào trên thế giới tiến hành và đó là lý do một lá thư được gửi tới Tam trụ trong ban lãnh đạo tối cao của nhà nước Việt Nam, theo nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam.
“Chúng tôi, bốn người: anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Lê Công Giàu, anh Huỳnh Kim Báu và tôi đã có một cái thư gửi đến ông Chủ tịch Nước, bà Chủ tịch Quốc hội và ông Thủ tướng Chính phủ,” Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên Ban nghiên cứu và tổ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các nhiệm kỳ trước đây nói với BBC hôm 25/01.
“Để chất vấn các vị về một việc làm ‘điên rồ’ và không một chính phủ nào ở trên thế giới này có thể làm một việc ‘điên rồ’ như thế khi dùng súng bắn vào dân lành, bắn vào một ông cụ già 84 tuổi, đã từng cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cứu nước.
Bàn Tròn: EVFTA sẽ thông qua, khi Đồng Tâm còn nóng?
Đồng Tâm: “Đã thực sự nhộn nhịp không khí Tết”
Việt Nam: ‘Xu hướng chuyên chế làm tổn hại cải cách’
“Ông ta (Lê Đình Kình) là một đảng viên cộng sản, khi mà ông bị bắn đã 58 tuổi đảng. Thế thì đấy là một việc làm không thể nào giải thích được và nó gây nên một phẫn nộ cực kỳ lớn trong cả nước và trong dư luận quốc tế.”
Và nhà xã hội học nay hoạt động như một nhà bất đồng chính kiến ở Sài Gòn giải thích thêm với BBC News Tiếng Việt về động thái viết bức thư ngỏ của bàn thân ông và những người ký tên đã công bố hôm 22/01:
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi muốn chất vấn những người cầm quyền phải giải thích cho chúng tôi vì sao lại có một việc làm ‘dã man, vô nhân đạo như vậy’ của một nhà nước tự xưng là của dân, do dân và vì dân, mà lại dùng lực lượng bao lực phục kích với hàng trăm, hàng nghìn người như vậy về một cái làng, thôn Hoành, chỉ có nhiều lắm vài nghìn dân thôi?
“Và phục kích vào đêm khuya, xông vào nhà bắn chết người ta, rồi lên đài vu khống, rồi lại truy tặng huân chương chiến công hạng nhất (cho cảnh sát thiệt mạng)? Đầy là một việc làm quá ngoài sức tưởng tượng và vì vậy, chúng tôi yêu cầu phải làm minh bạch vấn đề này.
“Ai ra quyết định đó? Và căn cứ vào điều khoản nào trong pháp luật để mà truy bức dân lành và nói rằng họ chống lại người thi hành công vụ, họ chống lại việc bộ đội xây tường rào, rồi là vì họ (dân) tấn công lực lượng công an trước, cho nên công an phải nổ súng tiêu diệt?
“Tất cả những lời lẽ ấy trẻ con cũng không nghe được và họ càng lập luận, thì họ càng phơi bày bộ mặt… của họ mà thôi.”
Tất cả những lời lẽ ấy trẻ con cũng không nghe được và họ càng lập luận, thì họ càng phơi bày bộ mặt… của họ mà thôiGiáo sư Tương Lai
‘Hãy trả lời minh bạch’
Đây là phát biểu trên quan điểm riêng của nhà bất đồng chính kiến, từng là thành viên ban cố vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt của Việt Nam từ nhiều năm trước.
Phản hồi bài phê phán nhóm Đồng Thuận của Lê Văn Bảy
Đồng Tâm: Vì sao có việc nộp đơn tố giác ‘giết người’?
Chuyên mục Đồng Tâm trên BBC News Tiếng Việt
Trong vụ bố ráp và tập kích Đồng Tâm hôm 09/01, nhà nước, chính quyền và Bộ Công an Việt Nam giữ quan điểm cho rằng nhóm người dân chống đối ở Đồng Tâm, đặc biệt là tổ ‘Đồng Thuận’ và ông Lê Đình Kình, cùng những người khác đã có những hành vi trái pháp luật, chống đối chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước và chính quyền và có các hành vi vi phạm và đe dọa an ninh quốc gia, thậm chí là chịu sự chỉ đạo và giật giây, cho tiền của các tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài.
Quan điểm của nhà nước và chính quyền, cũng như Bộ Công an được tuyên bố công khai trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và báo chí nhà nước, trong đó có truyền hình quốc gia.
Trong bức thư ngỏ đề ngày 22/01, nhóm ký tên gồm các ông Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc hội Khóa VI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, Lê Công Giàu, Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Pacific Airlines, Giám đốc Công ty Savimex và Giáo sư Tương Lai.
Cần ngưng ‘vu khống’, ‘thóa mạ’
Bức thư ngỏ gửi Tam trụ lãnh đạo nhà nước, chính quyền của Việt Nam có đoạn:
“Chúng tôi, những người từng trải qua ba cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bọn bành trướng, có người từng bị giam cầm đánh đập trong nhà tù Chí Hoà, nhà tù Côn Đảo trước 1975, nay vẫn còn thương tật trong người, chúng tôi hiểu rõ nỗi đau của thân nhân của người bị đối xử dã man như đã thấy. Vì vậy, chúng tôi gửi Thư này đến đến các vị, yêu cầu các vị – những người gánh trọng trách được dân trao – hãy trả lời minh bạch trước công luận trong và ngoài nước.”
Trong các điểm yêu sách chất vấn đưa ra, bức thư tại điểm bốn, viết:
Mong sớm nhận được hồi âm trước khi chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Uỷ viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc chuyển cho ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp QuốcThư ngỏ gửi Lãnh đạo Việt Nam
“Khi chưa có một Toà án xét xử “tội phạm đã bị bắn chết” thì cần ngừng ngay những lời vu khống, thoá mạ người vửa bị hạ sát một cách dã man và hết sức bất minh đang được tiến hành rộng khắp trên các phương tiện truyền thông và báo chí nhà nước.
“Sự thật rồi sẽ vẫn là sự thật cho dù có thể tạm thời bị che lấp bởi nhiều lý do phức tạp, những mưu toan mờ ám nhưng sớm muộn thì thì rồi sự thật vẫn được phơi trần. Đó sẽ là một đòn chí mạng vào cái thể chế chính trị mà các vị đang cố chứng minh là tốt đẹp.”
Nhóm những người gửi thư ngỏ từ Sài Gòn cũng đề cập đến Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo định chế chính trị quốc tế liên quốc gia này, khi viết:
“Chính vì vậy, chúng tôi thẳng thắn nói lên tiếng nói của lương tri và lương năng mà tất cả những ai tôn trọng đạo lý của dân tộc đều phẫn nộ cất lên để kính gửi đến các vị lá thư tâm huyết này, mong sớm nhận được hồi âm trước khi chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Uỷ viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc chuyển cho ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.”
Trong một diễn biến độc lập, trước đó một ngày, hôm 21/01, một nhóm công dân từ Hà Nội đã nộp một đơn tố giác tội phạm đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội và gửi đơn qua đường bưu điện tới Cơ quan Điều tra của Công an Thành phố, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, một trong những người ký và nộp đơn nói với BBC:
“Đơn của chúng tôi chỉ có 3-4 dòng thôi. Thứ nhất là theo luật Việt Nam, thì mọi công dân khi thấy có chuyện bất công, thì có thể làm đơn tố giác tội phạm ấy. Việc cụ Kình bị giết thì ai cũng rõ rồi, Công an người ta cũng thông báo, rồi trên mạng xã hội, những video clips, rồi hình ảnh nói rất rõ.
“Hay nói cách khác là đã xảy ra một vụ ‘giết người,’ ông Quang A nói về vụ việc mà theo phía nhà nước, là một vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Chúng tôi không dùng tính ngữ, hay là cái gì có tính chất là phán xét cả, nhưng mà thực sự là đã xảy ra một vụ ‘giết người hết sức dã man và tàn bạo’
“Bây giờ những sự thực ấy được nêu ra ở trong kiến nghị của chúng tôi và chúng tôi theo đúng điều 144 của Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, thì chúng tôi tố cáo vụ ấy.”
Đã đạt được mục đích?
Cùng ngày, hôm 21/01, trên mạng xã hội và một số tạp chí, trang báo mạng không phải của nhà nước và chính quyền Việt Nam, xuất hiện một bài viết của tác giả, cựu Đại tá an ninh Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang, bình luận về vụ bố ráp, tập kích Đồng Tâm đầu tháng Giêng 2020.
Bài viết với tựa đề “Đâu là mục đích và mục tiêu trận tập kích vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020?” vốn đặt ra một số câu hỏi, có đoạn:
Sao các người có thể tàn ác như vậy với đồng chí của mình, một đảng viên chưa hề bị kỷ luật đảng, một công dân chưa có tiền án, tiền sự, và chưa bị kết án là tội phạm trước bất cứ tòa án nào?Đại tá An ninh Nguyễn Đăng Quang
“Như mọi người đều biết, một chiến dịch quy mô lớn với một lực lượng hùng hậu được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhằm tập kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã xảy ra vào rạng sáng 09/01/2020 gây sự bất ngờ đến ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Kết quả đau lòng đã để lại cho cả hai bên: Cụ Lê Đình Kình bị sát hại bằng nhiều phát đạn ngay tại nhà riêng của mình, và 3 chiến sỹ CSCĐ hy sinh do “trượt chân ngã xuống giếng trời sâu 4 mét…”.
“Vậy đâu là lý do và nguyên nhân chủ yếu cho cuộc tập kích bất ngờ của chính quyền vào xã Đồng Tâm, hay nói một cách khác là, cuộc tập kích trên nhằm mục đích gì và để đạt mục tiêu gì là chính?
“Phải tiêu diệt bằng được Lê Đình Kình, tịch thu bằng hết hồ sơ, tài liệu, chứng cứ mà đương sự đang cất giữ, bắt bằng hết “nhóm Đồng thuận Đồng Tâm”, đồng thời phá hủy tan tành 3 ngôi nhà liền kề của đại gia đình Lê Đình Kình, để làm gương cho những kẻ khác!”.
“Đây có phải là mệnh lệnh của thượng cấp, đồng thời cũng là mục đích và mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích vào thôn Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/01/2020 không?
Ở phần kết luận, bài viết của cựu Đại tá An ninh, từng có thời gian nhiều năm làm việc biệt phái ở Bộ Ngoại giao của Việt Nam, viết:
“Vậy nên, sự việc tang thương và đẫm máu phải xảy ra ở đây (thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội) vào 04 giờ sáng ngày 09/01/2020 khi mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ, và chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý! Bạo lực đã đến, máu đã đổ, đưa đến một kết cục khiến toàn xã hội phải ghê sợ.
“Tôi khẳng định ĐCSVN đã phạm sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi quyết định sử dụng bạo lực thay cho đối thoại ôn hòa hoặc tranh tụng pháp lý trước tòa, dẫn đến một kết cục đẫm máu cho cả 2 phía, gây chia rẽ trong xã hội và làm ly tán lòng dân!
“Thử hỏi, 93 triệu người dân Việt Nam, nhất là 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, từ nay có ai tin vào “chính sách đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc” của Đảng nữa hay không, khi Đảng đã ra tay sử dụng vũ lực để giết hại người dân ngay trong thời bình? Qua vụ thảm sát Đồng Tâm này, có thể thấy rõ câu trả lời là: KHÔNG!
“Họ có thể đã đạt được điều họ muốn: Đã tiêu diệt được kẻ chủ mưu, rắn đã bị đánh dập đầu, từ nay sẽ vĩnh viễn không còn những buổi họp thường kỳ của “nhóm Đồng thuận” được tổ chức trong ngôi nhà này nữa!
“Cũng với chính mục đích và mục tiêu như vậy nên họ mới ra tay hủy hoại tan hoang nhà riêng cụ Kình lẫn tư gia của 2 người con trai, cướp và mang đi mọi tài sản có giá trị trong 3 căn nhà này: như TV, tủ lạnh, máy vi tính .v.v… cho đến chiếc ô tô mới mua của cháu Lê Đình Uy (đăng ký xe mang tên vợ là Nguyễn Thị Duyên), đặc biệt là chiếc tủ gỗ mà bên trong “cất giữ một lượng lớn tiền mặt mà gia đình dành dụm được trong những năm qua cùng mọi hồ sơ, tài liệu, văn bản, chứng cứ của cụ Kình lưu giữ hàng chục năm nay”!
Vì sao chúng tôi đòi điều tra cái chết của cụ Kình?
“Sự tàn ác, dã man đã đạt đến đỉnh điểm mà ngay chính các thành viên trong 3 ngôi nhà này, khi được thả về để lo hậu sự cho cụ Kình, không còn có thể nhận ra đây là 3 căn nhà mà chỉ vài hôm trước họ đã từng sinh sống!
“Sao các người có thể tàn ác như vậy với đồng chí của mình, một đảng viên chưa hề bị kỷ luật đảng, một công dân chưa có tiền án, tiền sự, và chưa bị kết án là tội phạm trước bất cứ tòa án nào? Đây chính là sự tàn độc, dã man, thú tính, không còn tính người!”
Như đã đề cập, khác với quan điểm của các công dân Viêt Nam viết thư ngỏ, gửi đơn tố giác tội phạm, hoặc viết bài trên quan điểm riêng như trên, mà một số chi tiết, thông tin, hay luận cứ quan điểm BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện kiểm chứng hay kiểm chứng hết, trong vụ việc ở Đồng Tâm hôm 09/01/2020, nhà nước, chính quyền và ngành Công an Việt Nam tiếp tục giữ quan điểm cho rằng chiến dịch tấn công xảy ra do có những đối tượng chống đối chính quyền, chống phá chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước Việt Nam, và có những hành động bạo lực, hoặc kích động bạo lực đe dọa an ninh và trật tự công cộng.
Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ nhiều người từ Đồng Tâm và đã, đang tiến hành việc khởi tố, điều tra về vụ việc khiến về phía chính quyền, ba sỹ quan cảnh sát thiệt mạng.
BBC News Tiếng Việt sẽ tiếp tục cập nhật qua các tin bài tới đây các diễn biến liên quan hậu sự kiện này để phục vụ sự quan tâm của bạn đọc và các khán, thính giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51248383
Việt Nam không còn người Trung Quốc đến từ Vũ Hán?
Những người Trung Quốc cuối cùng đến từ Vũ Hán, tâm điểm của dịch do virus Corona gây ra, được Việt Nam đưa trở lại thành phố này vào tối 27/1 trên một chuyến bay “đặc biệt”, các báo Việt Nam đưa tin.
Đã có tổng cộng 218 du khách Trung Quốc từ “tâm dịch” Vũ Hán đến Đà Nẵng hôm 22/1. Sau đó, hôm 25/1, 52 trong số họ đã quay trở về Trung Quốc. Số khách còn lại gồm 166 người rời Đà Nẵng trên chuyến bay rời đi lúc 7h30 tối hôm 27/1.
Báo chí trong nước cho biết trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng, sức khỏe của đoàn khách “vẫn bình thường”.
Tin cho hay sau khi đưa đoàn khách Vũ Hán trở về thành phố quê nhà, máy bay của Việt Nam sẽ được phun hóa chất theo đúng quy trình để phòng ngừa việc lây lan virus Corona, và bay không tải (không chở khách) trở lại Đà Nẵng.
Tính đến nay, virus Corona gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp, làm cho gần 3.000 người bị ốm ở nhiều quốc gia, trong đó, đại đa số các ca mắc phải là ở Trung Quốc, lên đến xấp xỉ 2.750 người.
Dịch bệnh được xác định có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Toàn bộ 80 người chết vì bệnh này cho đến nay đều là người ở Vũ Hán, các bản tin thế giới cho hay.
Do tình hình dịch bệnh, hôm 23/1, Cục Hàng không Việt Nam ra lệnh cấm bay giữa các địa điểm ở Việt Nam và thành phố Vũ Hán, áp dụng với các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam đã mở ra ngoại lệ sau khi phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam chở khách nước này về nước để kiểm soát dịch bệnh corona, báo chí Việt Nam dẫn lời Cục trưởng Cục Hàng không cho biết.
Theo một bản tin của Dân Trí, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nói hãng Vietjet đã được cấp phép để thực hiện 4 chuyến bay chở toàn bộ hành khách là người Vũ Hán quay trở lại thành phố này.
Vị cục trưởng nhấn mạnh là sau khi trả khách, Vietjet “tuyệt đối không” chở người từ Vũ Hán về Việt Nam.
Các chuyến bay từ Vũ Hán về “hoàn toàn là các chuyến bay rỗng, bay không khách” và tất cả phi hành đoàn từ Vũ Hán về đều được kiểm tra y tế, khám sức khoẻ, máy bay cũng được khử trùng theo đúng quy định, Dân Trí dẫn lại lời Cục trưởng Thắng.
Ông Thắng cho biết thêm rằng những người Việt Nam có thể còn “mắc kẹt” tại Vũ Hán sẽ vẫn phải ở lại thành phố này. Ông nói: “Hiện nhà chức trách địa phương không cho chở bất kỳ hành khách nào rời Vũ Hán, họ chỉ chấp nhận duy nhất 4 chuyến bay chở khách Trung Quốc quay trở về Vũ Hán của Vietjet”, theo tin của Dân Trí.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-khong-con-nguoi-trung-quoc-den-tu-vu-han/5261977.html
VN nhắm ‘biện pháp mạnh’ chống virus Corona;
38 người bị cách ly
Việt Nam hiện có 38 trường hợp đang bị cách ly vì virus Corona (nCoV), trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay vào chiều tối hôm 27/1.
Trang Thông tin Chính phủ cũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi chiều cùng ngày chủ trì cuộc họp khẩn về dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc nay đang ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông Phúc đề nghị các bộ, ngành đưa ra các giải pháp “cụ thể, mạnh mẽ,” không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trong 38 người bị cách ly để theo dõi là 36 người “nghi nhiễm”, ngoài 2 người Trung Quốc cách đây ít ngày đã được xác định là dương tính với nCoV, theo bài đăng trên trang Thông tin Chính phủ, dẫn lại lời của Bộ Y tế.
Tin cho hay 2 người Trung Quốc nêu trên “đang được cách ly, điều trị” tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, và họ hiện “trong tình trạng ổn định”.
Bộ Y tế Việt Nam nhận định rằng ngoài 2 ca người Trung Quốc này, tình hình dịch bệnh “vẫn trong tầm kiểm soát tốt”.
Theo tìm hiểu của VOA, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đã làm cho gần 3.000 người đổ bệnh, trong đó, đại đa số các ca mắc phải là ở Trung Quốc, lên đến xấp xỉ 2.750 người.
Dịch bệnh được xác định có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Toàn bộ 80 người chết vì bệnh này cho đến nay đều là người ở Vũ Hán, các bản tin thế giới cho hay.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/1 đề nghị các bộ, ngành Việt Nam đưa ra các giải pháp “cụ thể, mạnh mẽ” để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, không được để dịch bệnh virus Corona bùng phát và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở Việt Nam, theo Thông tin Chính phủ.
Vẫn trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết thêm rằng trước cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo và ngay sau đó tất cả cửa khẩu quốc tế đã thực hiện “khai báo y tế bắt buộc” từ 0 giờ ngày 25/1 đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc.
Trang này cũng đưa ra so sánh rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đón khách du lịch từ Trung Quốc đến nhiều hơn Việt Nam nhưng 3 nước này vẫn chưa áp dụng biện pháp tương tự.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Đam được dẫn lời là đã chỉ thị cho công an và quân đội phối hợp với ngành y tế “thực hiện nghiêm việc giám sát ngay từ khâu đầu tại các cửa khẩu biên giới”.
Ông nói 3 ngành này phải “phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin” về hành khách khi họ nhập cảnh. Phó thủ tướng của Việt Nam còn nhấn mạnh “phải theo dõi sát” khi du khách đã vào trong nước, nhất là với các khách đi lẻ, theo các bản tin trong nước.
Trong một động thái có liên quan đến nỗ lực kiểm soát dịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai sáng 27/1 cho biết họ chỉ đạo các hiệp hội và công ty du lịch hoạt động ở Lào Cai “tạm ngừng xuất, nhập cảnh” du khách qua các cửa khẩu đặt tại tỉnh đi tới hoặc đến từ các vùng của Trung Quốc có dịch bệnh do virus Corona gây ra, các báo trong nước đưa tin.
Thêm các ca nghi nhiễm virus corona mới tại Việt Nam,
Lào Cai tạm ngừng xuất nhập cảnh khách du lịch
Số người nghi ngờ mắc chủng virus corona (nCoV) tại Bệnh viện Đà Nẵng đã tăng gấp đôi chỉ sau một ngày, lên đến 26 trường hợp tính đến ngày 27/1.
Thông tin trên được ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết trong cùng ngày và được truyền thông trong nước loan đi.
Theo ông Hồng, trong số 26 trường hợp, có 13 người nước ngoài và 13 người Việt Nam. Cũng theo ông Hồng, ngày 28/1 sẽ có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đang được theo dõi, như vậy mới biết thực sự trường hợp nào dương tính với virus corona.
Trước tình hình dịch chủng virus corona đang lây lan phức tạp ở Trung Quốc, trong ngày 27/1, tỉnh Lào Cai xác nhận đã chính thức tạm ngừng xuất, nhập cảnh đối với khách du lịch Trung Quốc đi từ cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, TQ) qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai để vào Việt Nam.
Trong một diễn biến khác xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa, vào ngày 26/1, Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa cho biết đã tiếp nhận 8 bệnh nhân, trong đó có 4 bệnh nhân người TQ nhập viện do sốt cao. Các bệnh nhân này được phát hiện sốt khi kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Cam Ranh. Hiện 8 người đang bị cách ly, chờ kết quả kiểm tra từ Viện Pasteur Nha Trang.
Được biết, từ 24/1 các chuyến bay từ thành phố Vũ Hán (TQ) đến sân bay quốc tế Cam Ranh và ngược lại đều được tạm ngừng khai thác. Ông Nguyễn Hoa Hội, giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Khánh Hòa cho biết sân bay Cam Ranh được lắp 5 máy do thân nhiệt từ xa bằng hồng ngoại. Các nhân viên túc trực 24/24 để theo dõi, kiểm soát tình trạng sức khỏe hành khách đến và đi để phát hiện bệnh kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều 27/1 đã đề nghị các cơ quan đưa ra giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch viêm phổi lạ xuất phát từ chủng virus corona mới tại Trung Quốc, nhằm mục đích không để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ (VN) ngày 27/1 trên toàn thế giới đã ghi nhận 2.797 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 80 trường hợp tử vong (đều tại Vũ Hán).
Tại Việt Nam, 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử di về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại nhiễm nCoV, 38 trường hợp đang được cách ly và theo dõi tiếp.
Việt Nam ‘cách ly’ 35 trường hợp
‘nghi nhiễm’ virus Corona
Bộ Y tế hôm 26/1 thông báo rằng vẫn còn “35 trường hợp” ở Việt Nam bị nghi nhiễm virus Corona (nCoV), vốn đã làm ít nhất 56 người tử vong ở Trung Quốc và hơn 2 nghìn người nhiễm trên toàn thế giới.
“Cả nước còn 35 trường hợp thuộc diện nghi nhiễm nCoV, đang tiếp tục được cách ly, theo dõi và tiến hành xét nghiệm”, cơ quan quản lý y tế của Việt Nam cho biết trong một thông cáo.
Liên quan tới cha con người Trung Quốc mà Việt Nam tuần trước xác nhận là hai ca đầu tiên nhiễm virus Corona ở Việt Nam, Bộ Y tế cho biết rằng “người con đang tốt dần và có thể xuất viện”, trong khi người cha “đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ”.
Bùng phát virus Corona: 56 người chết, hơn 2 nghìn người nhiễm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được dẫn lời nói trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống virus Corona rằng “nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam”.
“Nhiều ý kiến tại cuộc họp thống nhất nhận định tình hình dịch ở Việt Nam trong tầm kiểm soát, không có những biến chuyển xấu đi như Trung Quốc”, thông cáo của Bộ Y tế Việt Nam nói.
Trong khi đó, theo Bộ Giao thông, tại các cảng hàng không của Việt Nam, hành khách xuất, nhập cảnh “đã được kiểm tra thân nhiệt”, và Việt Nam đã “tạm ngừng khai thác các chuyến bay đến và đi từ thành phố Vũ Hán”.
Việt Nam xác nhận hai ca nhiễm virus Corona đầu tiên
“Các hãng đã tiến hành các biện pháp y tế, theo dõi sức khỏe hành khách, nhân viên, phát khẩu trang cho hành khách, tổ bay, khử trùng tàu bay… theo tiêu chuẩn y tế quốc tế để đảm bảo an toàn cho công tác vận chuyển hành khách”, thông cáo của Bộ Giao thông viết.
Bộ này cũng cho biết thêm rằng trong 2 ngày 24 – 25/1, hãng hàng không Vietjet đã chuyên chở khách du lịch đến từ Vũ Hán “không có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ” quay trở lại Trung Quốc sau khi “được sự cho phép của các cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc”.
“Toàn bộ công tác y tế, khử trùng tàu bay được đảm bảo tuyệt đối bởi cơ quan y tế, kiểm dịch”, Bộ Giao thông cho biết.
Khách sạn ở Đà Nẵng bị công an
‘làm khó’ vì từ chối khách Trung Quốc
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Hôm 26 Tháng Giêng, Facebooker Thanh Pham, được biết đến là chủ khách sạn Danang Riverside ở Đà Nẵng, đưa cáo buộc trên trang cá nhân rằng đêm 24 Tháng Giêng, tức 30 Tháng Chạp, giới chức Sở Du Lịch và 5, 6 công an đến đòi gỡ thông báo “không đón khách từ Trung Quốc.”
Do hành động của công an diễn ra trong lúc vị tổng giám đốc khách sạn đi vắng nên nhân viên không chấp hành chỉ thị.
“Tôi kinh doanh đúng pháp luật, tôi cảm thấy tình hình bệnh dịch lây lan từ ổ bệnh, từ nước Trung Quốc đang hoành hành, nên tôi không nhận khách, đó là việc của tôi. Dù hiện tại mùa Tết khách sạn đang dư phòng và vắng khách, chúng tôi chấp nhận lỗ để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng các nước khác đang lưu trú…,” ông Thanh Phạm chia sẻ.
“Nếu lỡ có người khách Trung Quốc nào đến check-in khách sạn Riverside mà không may lây nhiễm bệnh cho nhân viên hay khách khác lưu trú tại khách sạn thì ai là người chịu trách nhiệm? Lúc đó có phong tỏa vùng dịch bệnh là khách sạn Riverside chúng tôi chịu hay là nhà chức trách hay là hai cô gì đó và mấy anh công an?,” theo Facebook Thanh Pham.
Post của vị tổng giám đốc khách sạn sau đó bổ túc thêm rằng người đòi gỡ thông báo “không nhận khách Trung Quốc” là bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Du Lịch Đà Nẵng. Được biết, bà Hạnh mới được bổ nhiệm vào ghế này từ hồi Tháng Chín, 2019.
Post của Facebooker nêu trên nhận được hơn 2,000 lượt like và 600 lượt share bày tỏ sự ủng hộ hành động từ chối tiếp nhận du khách Trung Quốc để ngăn virus Corona, trong lúc Đà Nẵng được ghi nhận là một trong những điểm thu hút nhiều khách Trung Quốc nhất Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Giêng đưa tin: “Hiện khách sạn này vẫn từ chối nhận khách đến từ Trung Quốc kể cả những đoàn khách đã đặt phòng trước 1-2 tháng, đồng thời chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội gây nhiều luồng thông tin gây tranh cãi. Trong đó có ý kiến cho rằng việc người Trung Quốc bỏ tiền đi du lịch, đặt khách sạn trước 1-2 tháng, đến Việt Nam vẫn trong điều kiện sức khỏe bình thường nhưng khách sạn từ chối phục vụ là hành vi ‘kỳ thị không đáng.’ Có người cho rằng việc khách sạn chủ động thông báo không phục vụ những vị khách đến từ vùng có nguy cơ cao trong thời điểm này là hành động ‘tự bảo vệ mình.’”
Việc một số khách sạn, cửa hàng ở Việt Nam tuyên bố từ chối du khách Trung Quốc đã có tiền lệ, nhưng trước đây là để phản đối sổ thông hành in hình “đường lưỡi bò,” hoặc trong những thời điểm Bắc Kinh khi đưa giàn khoan, tàu hải cảnh vào Biển Đông, bãi Tư Chính. Tuy phản ứng của các khách sạn, cửa hàng thường nhận được sự tán tưởng của cộng đồng mạng, nhưng các báo nhà nước tránh đề cập việc này.
Theo báo Tuổi Trẻ, vào đêm 25 Tháng Giêng, tức Mùng Một Tết, một du khách Trung Quốc đáp xuống phi trường quốc tế Đà Nẵng, bị máy quét thân nhiệt phát hiện sốt 38.5 độ và lập tức bị cách ly. Tờ báo không cho biết chi tiết về chuyến bay là của hãng hàng không nào và phát xuất từ đâu.
Đây là trường hợp mới nhất trong cả chục người đang bị cách ly tại Đà Nẵng. Tờ Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Giêng tường thuật, Khoa Y Học Nhiệt Đới, Bệnh Viện Đà Nẵng, hiện cách ly tổng cộng bảy du khách Trung Quốc, bốn người Việt và một người mang quốc tịch Cộng Hòa Séc.
Báo này cũng cho hay, từ ngày 30 Tháng Chạp đến Mùng Năm Tết có 93 chuyến bay từ các tỉnh, thành của Trung Quốc, ngoài Vũ Hán, đến Đà Nẵng. Sở Du Lịch Đà Nẵng yêu cầu các khách sạn “nếu phát hiện khách có dấu hiệu mắc bệnh [nhiễm virus Corona] thì khẩn cấp báo cáo.” (N.H.K)
Hơn 200 chuyến bay mỗi ngày
từ Trung Quốc đến Việt Nam
Vào khi nỗi lo dịch bệnh viêm phổi cấp đang lan rộng từ Trung Quốc ra các nước khác, đại diện Cục Hàng không Việt Nam hôm 26/1 cho biết mỗi ngày có 260 chuyến bay đến Việt Nam từ Trung Quốc, trong đó Vietjet có 50 chuyến, với khoảng 200.000 hành khách vào Việt Nam.
Hôm 25/1, tức mùng 1 Tết, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh chuyến bay của hãng Vietjet từ Vũ Hán về Việt Nam. Nhiều người lo ngại hãng hàng không của Việt Nam đang mang mầm bệnh từ nơi khởi nguồn dịch bệnh vào Việt Nam trong khi Vũ Hán đã bị phong toả toàn bộ.
Báo trong nước hôm 26/1 trích lời đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong các ngày 24, 25, 26 và dự kiến 27 tháng 1, hãng hàng không Vietjet Air đã và sẽ thực hiện 4 chuyến bay chở khách Trung Quốc quay về Vũ Hán. Trong số này, hai chuyến bay từ Đà nẵng và hai chuyến từ Cam Ranh. Các chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam không chở hành khách nào.
Vietjet Air cho biết toàn bộ công tác y tế, khử trùng máy bay được đảm bảo tuyệt đối bởi cơ quan y tế, kiểm dịch.
Chuyến bay cuối cùng chở 218 người từ Vũ Hán đến Đà Nẵng hôm 22/1 vừa qua, trước khi Vũ Hán bị phong tỏa.
VnExpress trích lời người đại diện công ty tour du lịch cho biết đã có 52 người được đưa về Trung Quốc. Tất cả số khách còn lại sẽ được đưa về Trung Quốc chậm nhất là ngày 27/1 tới.
Dịch viêm phổi cấp do coronavirus gây ra xuất phát từ thành phố Vũ Hán giờ đã lan ra khắp 30 tỉnh, thành phố của Trung Quốc với hơn 2000 ca bệnh và 56 người tử vong theo con số được công bố chính thức tính đến chiều ngày 26/1. Nhiều nước trên thế giới cũng đã phát hiện các ca nhiễm bệnh. Việt Nam hiện đã phát hiện 59 trường hợp nghi nhiễm nhưng mới có 2 trường hợp xét nghiệm dương tính là khách Trung Quốc.
Trung Cộng nhờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam
chở toàn bộ khách Vũ Hán về nước
Tin Vietnam.- Báo Dân trí ngày 26 tháng 1 năm 2020 loan tin, ông Đinh Việt Thắng, Trưởng cơ quan Hàng không Cộng sản Việt Nam thông báo, nhà cầm quyền Trung Cộng đã đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam chở toàn bộ hành khách từ Vũ Hán đang ở Việt Nam quay lại nước này.
Trước đề nghị trên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cấp phép cho hãng hàng không Vietjet thực hiện 4 chuyến bay tới Vũ Hán, đây là trung tâm khởi phát virus corona. Trong một bối cảnh khác, liên quan đến diễn biến của virus corona tại Trung Cộng thì có rất nhiều người Việt Nam đang lo lắng, và bất mãn với cách giải quyết của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vì đến hiện tại, khách Trung Cộng, kể cả từ Vũ Hán vẫn được đến Việt Nam tự do. Thậm chí, tổng cơ quan Du lịch Cộng sản Việt Nam còn tuyên bố không yêu cầu dừng các đoàn khách Trung Cộng tới Việt Nam, kể cả Vũ Hán. Riêng thành phố Đà Nẵng, trong 5 ngày Tết có 93 chuyến bay từ các tỉnh, thành của Trung Cộng tới thành phố này. Còn tại tỉnh Kiên Giang, mỗi ngày đón 1,000 khách Trung Cộng đến thăm. Ngược lại với chính sách của nhà cầm quyền, trên trang facebook mang tên Thanh Phạm thông báo, ông là một chủ khách sạn tại Đà Nẵng và sẽ không cho khách Trung Cộng lưu trú tại khách sạn của ông.
Vì nước này là “ổ dịch” corona. Ông còn đưa ra ẩn ý rằng, ông thà không kinh doanh chứ không để cho nhân viên và khách lưu trú bị ảnh hưởng bởi dịch của người Trung Cộng nên đừng có quen thói bưng bít, làm áp lực hù doạ công ty trong lúc ông đi vắng. Sau đó, ông nói rõ là khuya ngày 24 tháng 1, bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng đã đến khách sạn yêu cầu gỡ tờ giấy không tiếp khách Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-nho-nha-cam-quyen-cong-san-viet-nam-cho-toan-bo-khach-vu-han-ve-nuoc/
1 người tử vong và 6 khách Trung Cộng bị sốt vào Đà Nẵng
Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước ngày 26 tháng 1 năm 2020 loan tin, tại thành phố Đà Nẵng đã có 1 người Trung Cộng tử vong, và 6 người nước này đến thành phố kèm theo biểu hiện sốt. Theo báo Pháp luật, vào lúc 7 giờ ngày 25 tháng 1, bệnh viện Hoành Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận một bệnh nhân người Trung Cộng đã tử vong.
Bệnh nhân này tên là Li Lan, 66 tuổi, ở tỉnh Quảng Tây, Trung Cộng nhập cảng vào Việt Nam vào tối ngày 23 tháng 1. Phía bệnh viện giải thích rằng, bà Li Lan có tiền sử tăng huyết áp, và tiểu tháo đường. Bệnh nhân được nhập viện với tình trạng ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, không có triệu chứng viêm long đường hô hấp, không ho, không sốt. Trong một diễn biến khác, trên báo Một thế giới, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện có 6 người Trung Cộng đang điều trị bệnh sốt tại đây. Ngoài ra, còn có thêm 4 người Việt Nam cũng có triệu chứng bị sốt đang được điều trị ở bệnh viện này. Theo ông Trung, bệnh nhân người Trung Cộng bị phát hiện mới nhất là vào khuya ngày 25 tháng 1 vừa qua, sau khi người này nhập cảnh vào thành phố Đà Nẵng bằng đường không vào chiều cùng ngày. Ông Trung giải thích, vị khách Trung Cộng này chỉ bị “sốt thôi”, với nhiệt độ sốt là 38 độ, và chưa có triệu chứng gì về hô hấp.
Trước diễn biến bệnh viêm phổi lạ do virus corona gây ra, thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn để cho các du khách Trung Cộng, đặc biệt là du khách ở vùng ổ dịch thuộc thành phố Vũ Hán vẫn vào Việt Nam như không có chuyện gì xảy ra, mặc cho Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo. Trong khi đó, chính quyền Hồng Kong đã cấm tất cả cư dân của thành phố Hubei, Vũ Hán, thuộc Trung Cộng vào Hồng Kong vì sợ lây lan bệnh.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/1-nguoi-tu-vong-va-6-khach-trung-cong-bi-sot-vao-da-nang/