Tin Việt Nam – 27/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/11/2020

Vụ án Hồ Duy Hải: bà Kim Ngân chờ đợi cái gì? – Gió Bấc

Ngày 24-11, trả lời chất vấn cử tri Cần Thơ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lại ngắc ngứ về vụ án Hồ Duy Hải “…. do có ý kiến khác nhau nên sau phiên tòa giám đốc thẩm thì Ủy ban Thường vụ QH đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại. Do đó, vụ án đến nay vẫn chưa thi hành án, còn oan hay không thì đề nghị cử tri chờ ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân về thực hiện quyền tư pháp”.(1)

Cử tri biết, đại biểu biết, chỉ Chủ tịch QH là không biết!!!

Câu trả lời của bà Kim Ngân thật vô cảm, vô lương, như con bò nhai lại mớ rơm khô. Năm tháng trước, ngày 24-6 cũng tại Cần Thơ tiếp xúc với hơn 300 cử tri là cán bộ hưu trí. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng ”Vụ án đang được xem xét nên không có cơ sở nói oan hay không oan. Cử tri để cơ quan có trách nhiệm xem xét lại và sẽ có báo cáo”

Thử hỏi, cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền mà bà Kim Ngân nại ra đó là cơ quan nào? Nó ở hành tinh nào xa xôi lắm sao mà năm tháng qua vẫn chưa báo cáo? Trong một đoạn khác bà Kim Ngân đã thừa nhận “đây là vụ án phức tạp, kéo dài 11 năm. Vụ án này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và có báo cáo. Tuy nhiên, vừa rồi sau phiên giám đốc thẩm, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến nói đúng, có ý kiến nói oan. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tư pháp xem lại báo cáo thẩm tra để các cơ quan có trách nhiệm ngồi lại nghe báo cáo”. Hóa ra cơ quan chức năng đó chính là cơ quan của bà. Và liệu có phải là bà đang chờ báo cáo hay đã có báo cáo rồi mà bà cố tình né tránh?

Theo thông tin chính thức từ báo chí Nhà nước thì ngoài những bất cập, vi phạm tố tụng của phiên tòa Giám Đốc Thẩm của Hội đồng dao thớt, trong 5 tháng qua đã có thêm nhiều kiến nghị, nhiều diễn biến mới, chứng cứ mới củng cố thêm cho nỗi oan của Hồ Duy Hải cũng như những sai phạm của các cơ quan tốt tụng.

Trước hết, về cơ quan được bà Kim Ngân giao nhiệm vụ xem xét thì đã xem xét. Sáng ngày 16-6, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã họp phiên toàn thể hảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Đa số thành viên Ủy ban Tư đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Đặc biệt, các thành viên đã bàn, thảo luận về tính đúng đắn, sự phù hợp pháp luật của quyết định giám đốc thẩm. Do đó các thành viên này kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự. (3)

Cũng theo thông tin báo chí thì ngày 25-10, theo tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 9 do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, có 14 ý kiến cử tri quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải, gồm cử tri Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương và Long An.

Ủy ban Tư pháp cho biết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã báo cáo Quốc hội về vụ án này.

Để xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tư pháp nghiên cứu. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức họp ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền” (4)

Như vậy là Ủy Ban Tư Pháp đã báo cáo từ ngày 25-10, Ủy Ban này và bà Kim Ngân cùng làm việc trong một tòa nhà Quốc Hội, cái báo cáo đó di đâu mà bà không nhận được?

Không riêng Ủy Ban Tư Pháp mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng có ý kiến tương tự, chiều 21-7, nhân họp báo kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân, trả lời báo chí, ông Hồ Đức Anh – Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự – khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm Vụ án Hồ Duy Hải là “có căn cứ, đúng pháp luật, hoàn toàn cần thiết”.

Theo ông Đức Anh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hai người bị giết. Viện kiểm sát nhận thấy quá trình xử lý vụ án từ điều tra, xét xử có nhiều sai sót, nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết quan trọng chứng minh hành vi phạm tội chưa được cơ quan tố tụng địa phương làm rõ.

Sau phiên tòa Giám đốc thẩm, Viện kiểm sát đã có báo cáo gửi Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo dõi chỉ đạo. Nội dung báo cào này khẳng định kháng nghị là có căn cứ đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và hoàn toàn cần thiết.

Ông Đức Anh cho biết thêm đến nay Viện kiểm sát đang tập trung nghiên cứu quyết định giám đốc thẩm, đồng thời theo dõi ý kiến, kiến nghị nếu có từ các cơ quan liên quan.

Quan điểm của viện trưởng Viện KSND tối cao là sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình (5)

Phát hiện mới hàng chục bằng chứng sai phạm

Điều đáng nói hơn nữa là, sau phiên tòa Giám đốc thẩm đã xuất hiện rất nhiều tài liệu quan trọng của vụ án đã được đánh dấu bút lục bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, hầu hết các tài liệu này là chứng cứ có lợi, thậm chi là bằng chứng ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Ngày 26-10-2020, Luật sư Trần Hồng Phong và gia đình tiếp tục có ĐƠN KÊU OAN CHO BỊ ÁN HỒ DUY HẢI & TỐ GIÁC HÀNH VI LÀM SAI LỆCH HỒ SƠ VỤ ÁN & ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ TÁI THẨM

Đơn kêu oan lần này tiếp tục phân tích những mâu thuẫn vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án trước đây những bằng chứng ngoại phạm của Hồ Duy Hải đặc biệt là bổ sung nhiều tình tiết và nhận định mới.

Trong đơn đã dẫn chiếu và đính kèm 13 bút lục rất quan trọng bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án trong đó có bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (không nhận tội), lời khai của các nhân chứng Đinh Văn Còi, Lê Thanh Trí, Hồ Văn Bình xác định nhìn thấy một thanh niên khác không phải Hồ Duy Hải ở Bưu Cục Cầu Voi trước khi vụ án xảy ra. Những bản ảnh khám nghiệm hiện trường và thực nghiệm hiện trường mới xuất hiện lại cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng như tấm thớt có dầu máu nằm ngay dưới đầu nạn nhân không được thu giữ, hiện trường có dầu hiệu bị sắp xếp lại, vết thương nạn nhân cho thấy hung thủ thuận tay trái, Hồ Duy Hải thuận tay phải nên không thể thực hiện hành vi giết…

Đặc biệt là nhân chứng duy nhất trong vụ án là Đinh Vũ Thường đã có đơn tố cáo điều tra viết giả mạo chữ ký và ghi sai nội dung lời khai. Thường chỉ thấy một thanh niên, không nhận diện được là ai, cũng không biết mặt Hồ Duy Hải. Nhân chứng Nguyễn Mi Sol cũng viết xác nhận đã từng gặp mặt Nguyễn Văn Nghị…

Từ những chứng lý đó, đơn đưa ra ba yêu cầu: thứ nhất là cần giải oan cho Hồ Duy Hải, theo thủ tục quy định tại điều 404 Bộ luật hình sự.

Thứ hai, trước các hành vi vi phạm làm sai lệch hồ sơ vụ án một cách trắng trợn bỏ ra ngoài trên 10 bút lục, sửa chữa lời khai, giả mạo chữ ký…. luật sư yêu cầu phải khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án với cơ quan điều tra cấp sơ thẩm mà người trực tiếp liên quan là điêu tra viên Lê Thành Trung,

Thứ ba là trước nhiều tình tiết mới phát sinh như hung thủ thuận tay trái, nhiều nhân chứng xác định nhiều thanh niên khác có mặt tại hiện trường, … luật sư yêu cầu tái thẩm vụ án.

Đơn này đã gởi đến các cơ quan tố tụng và Ủy Ban Tư Pháp, Thường vụ Quốc Hội từ ngày 26-10, được đăng trên nhiều tờ báo chính thống và công bố công khai trên blog của luật sư Phong (6) bà Kim Ngân không thể nói là không biết các thông tin này.

Hồ Duy Hải chết để Hòa Bình lên chức?

Lập luận của bà Chủ tịch Quốc Hội Kim Ngân án oan hay không chờ cơ quan chức năng báo cáo, là thiếu thành khẩn và đáng thất vọng. Điều rất rõ ràng và đáng lo ngại nhất của vụ án này là sự vi phạm pháp luật cố ý, trắng trợn của cả ba cơ quan tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm đến tối cao. Vấn đề cần giải quyết không chỉ là giải oan cho Hồ Duy Hải mà cứu chuộc cho nền tư pháp đang bị cán bộ tư pháp chà đạp. Cần phải chấm dứt tình trạng cố ý làm giả hồ sơ, ngụy tạo chứng cứ để quy buộc người quan, tình trạng xét xử buộc tội dựa theo hồ sơ giả và lời nhận tội bị ép cung. Chánh án Nguyễn Hòa Bình khoe với Quốc Hội Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội mà quên rằng Nguyện Thanh Chân có đến 50 lời khai nhận tội.

Tại sao bà Kim Ngân lần lữa, ngắt ngứ né tránh giải quyết vụ án Hồ Duy Hải trong khi theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự đó là trách nhiệm của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, mà chính bà là Chủ tịch?

Phải chăng vì Nguyễn Hòa Bình đã cài thế đưa toàn bộ Hội Đồng TP TANDTC ngồi giám đốc thẩm, muốn xét xử lại phải bổ nhiệm thẩm phán mới, lập hội đồng mới là công việc rối rắm trong lúc hoàn hôn nhiệm kỳ?

Phải chăng vì con đường tiến thân tại Đại hội 13 của Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình – hai “thủ ác” đã từng ký quyết định đề nghị bác đơn ân xá, không kháng nghị bản án phúc thẩm, đã từng nhiều lần phát biểu trước Quốc hội với lập luận loanh quanh “có sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã giám sát,, có báo cáo ghi nhận hàng chục điểm vi phạm của hồ sơ vụ án nhưng với thế lực và sự thăng tiến của hai Bình. Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội không ra kiến nghị giám đốc thẩm.Phải chăng lần này, lịch sử sẽ lập lại?

Hồ Duy Hải sẽ tiếp tục làm tử tù lót đường cho Trương Hòa Bình thăng tiến làm Chủ tịch nước hay Thủ tướng? Liệu các nguyên thủ quốc gia khác có dám bắt tay với bàn tay đẫm máu của kẻ giết người bằng quyền lực quốc gia?

Trở lại với bà Kim Ngân, xin nhắc lại với bà lời tâm huyết của cử tri Nguyễn Văn Hạnh (81 tuổi, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã gửi tới bà và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Nếu cứ tắc trách, muốn xử tội tử hình một cách dễ dãi như thế đối với Hồ Duy Hải thì đây là nỗi buồn, điềm lo của dân và cho ngành Tư pháp nước nhà”

1-https://nld.com.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-noi-ve-…

2-https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-co-quan-co-trach-nhiem-dang-xem-xet…

3-https://tuoitre.vn/da-so-uy-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xem-lai-quyet-di…

4-thttps://tuoitre.vn/uy-ban-tu-phap-dang-bao-cao-cap-co-tham-quyen-vu-ho-d…

5-.https://tuoitre.vn/vien-kiem-sat-toi-cao-se-kien-nghi-xem-lai-quyet-dinh…

6-https://dandensg.blogspot.com/2020/11/on-keu-oan-cho-bi-ho-duy-hai-to-ca…

7-https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cu-tri-gui-tam-thu-den-lanh-dao-dang-nha…

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hai-case-what-is-the-na-chairwoman-waiting-for-11272020094413.html

TNLT Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực sang ngày thứ 8

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do đang tuyệt thực sang ngày thứ 8 để phản đối những gì anh cho là bất công trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

Bà Nguyễn Thị Huệ, chị của anh Hóa vào tối ngày 27-11-2020 cho biết như vừa nêu. Bà Huệ cũng cho biết cùng với Hoá còn có 2 TNLT khác là ông Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực sang ngày thứ 2 và ông Phạm Văn Điệp tuyệt thực sang ngày thứ 4.

Theo bà Huệ, một ngày trước đó bà đi đến trại giam thăm Nguyễn Văn Hóa do tháng trước công an trại giam từ chối cho người nhà thăm gặp vì không mặc đồ tù và bất ngờ khi thấy sức khỏe cạn kiệt của em trai mình. Bà kể qua điện thoại như sau:

Gia đình buổi sáng sớm cũng có mặt rất sớm nên trại giam cũng làm thủ tục thông báo cho chị là chuẩn bị sang (phân trại) K2 để thăm gặp Hóa.

Khi lúc chị sang bên đó cũng như thường lệ thì cũng viết biên bản kê khai xong mọi việc thì họ cho đợi rất là lâu, tầm khoảng 5 đến 10 phút thì mới thấy Hóa đi ra.

Nhưng lần này lại thấy Hóa ra một cách rất là bỡ ngỡ, lúc đó chị không thể hình dung ra đó có phải là em của mình hay không.

Lúc đó nhìn thấy người của Hóa thì ‘xanh ngắt’ và phải có một người đỡ đi, có nghĩa là đỡ từ trong buồng giam ra cái buồng thăm gặp cũng rất xa.

Thấy họ đỡ Hóa cho đến cái chỗ mà hai chị em nói chuyện đó thì lúc đó chị thấy rất là hận trong người, thấy rất xót xa và đau lòng vì suốt bốn năm qua mà lần này vào thăm em thì mới thấy sức khỏe của em rất là cạn kiệt đi, thấy em nó suy nhược một cách trầm trọng luôn.

Theo lời bà Huệ thì người tù chính trị trẻ cho biết, cán bộ trại giam An Điềm vô cớ tịch thu thư của Hóa gửi về cho gia đình mà không có biên bản đồng thời ngăn cản anh Hóa chia sẻ thông tin về sai phạm của trại giam.

Cho tới giờ, anh Nguyễn Văn Hóa vẫn chưa nhận được bất kỳ nội dung trả lời nào liên quan đến đơn thư mà anh khiếu nại, tố cáo gửi Bộ Công an và cơ quan Tư pháp của Quốc hội trong năm nay.

Cũng theo chị gái của anh Hóa, trong tình huống khẩn cấp anh này đã đồng ý mặc đồ trại giam cấp để ra ngoài đế báo tin về việc tuyệt thực của anh và 2 người TNLT khác là Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Điệp.

Hai ông cũng tuyệt thực để phản đối những bất công trong trại giam An Điềm.

Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995 là người cung cấp cho RFA các hình ảnh, video về những cuộc biểu tình, khiếu kiện của những người dân bị thiệt hại trong thảm họa môi trường do Formosa gây nên.

Anh bị bắt vào ngày 11-1-2017 và sau đó bị tuyên án 7 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hồi tháng 9, Văn phòng Dân biểu Hoa Kỳ ông Alan Lowenthal phát đi thông cáo cho biết, ông đã chính thức nhận bảo trợ tranh đấu cho nhà hoạt động trẻ tuổi và là tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, qua chương trình Defending Freedoms Project (Dự án bảo vệ tự do) của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prisoner-of-conscience-nguyen-van-hoa-on-8-day-of-hunger-strike-11272020091537.html

CSVN muốn xét xử nhiều viên chức cao cấp trước đại hội Đảng

Tin từ Hà Nội: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin ban lãnh đạo đảng cầm quyền muốn đưa nhiều viên chức cao cấp của chế độ ra xét xử về các tội vi phạm quản trị kinh tế và tham nhũng trước khi đại hội đảng toàn quốc dự kiến vào tháng 1 năm tới.

Trong cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương ngày 25/11, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra mục tiêu hoàn tất điều tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan đến 5 vụ án tham nhũng lớn, hoàn thành xét xử sơ thẩm 5 vụ án tham nhũng lớn khác trong năm 2020.

Cựu chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ bị đưa ra xét xử về cáo buộc “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” bên cạnh việc liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Uỷ viên bộ chính trị Hoàng Trung Hải, tuy chưa bị bắt, nhưng vẫn liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên với hàng chục nghìn tỷ đồng bị biến thành bãi rác. Dự án này do nhà thầu Trung Cộng thực hiện.

Cựu uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng, người đã bị kết án 30 năm tù giam vì tham nhũng và vi phạm quản trị kinh tế, cũng sẽ bị đưa ra xét xử ở một vụ án khác.  Trong thời gian qua, hàng chục viên chức cao cấp và khoảng 30 tướng quân đội và công an bị ngã ngựa và bị tù đày. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều viên chức cao cấp khác bị thoát tội và nhiều trong số chúng còn leo lên vị trí cao hơn.

Quốc Tuấn 

https://www.sbtn.tv/csvn-muon-xet-xu-nhieu-vien-chuc-cao-cap-truoc-dai-hoi-dang/

Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án do có “tiền sử tâm thần”

Mạng báo Zing hôm 27-11-2020 dẫn cáo trạng của vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” cho biết, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án do có “tiền sử bị bệnh tâm thần”.

Ông Chung hiện đang bị gia giữ và bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt mức cao nhất là từ 10 đến 15 năm tù.

Bị can có tiền sử bị bệnh tâm thần, phạm tội lần đầu, được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự“, mạng báo Tri thức Trực tuyến (ZingNews) dẫn cáo trạng cho hay.

Tuy nhiên, thông tin trong bài viết “Vì sao ông Nguyễn Đức Chung được áp dụng tình tiết giảm nhẹ?” sau đó được sửa đổi từ “tâm thần” trở thành “tiền sử bệnh ung thư”.

Đường link về bài viết trên docbao.vn vốn đăng lại bài từ Zing sau đó cũng không truy cập được, phóng viên Đài Á Châu Tự Do không có cáo trạng của vụ án để xác minh thông tin này.

Theo Zing, năm 2019 Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên lạc với ông Phạm Quang Dũng – cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đang được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án Nhật Cường.

Ông Dũng bị cho là đã sử dụng ứng dụng Viber để chuyển các file ảnh chụp tài liệu mật về vụ án Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung.

Ngoài ra bị can Phạm Quang Dũng còn chuyển tài liệu mật bản giấy cho ông Chung thông qua lái xe riêng Nguyễn Hoàng Trung.

Cáo trạng, cũng thể hiện ông Nguyễn Đức Chung chuyển cho cán bộ điều tra Phạm Quang Dũng phong bì bên trong có 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cho rằng chưa làm rõ bản chất của việc đưa, nhận tiền nên tách ra để xử lý sau.

Việc đưa hối lộ số tiền từ 100 triệu lên đến 500 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 2-7 năm tù giam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-hanoi-chairman-got-leniency-for-mental-illness-11272020092656.html

Quấy rối tình dục xảy ra phổ biến trong giới bảo tồn tại Việt Nam

Tin từ TPHCM, Việt Nam – 5 trong số 6 người làm việc trong các khu bảo tồn ở Việt Nam nói rằng họ đã trực tiếp trải qua một số hình thức quấy rối tình dục trong môi trường làm việc của họ. Đây chỉ là một phát hiện nổi bật trong báo cáo mới của tổ chức WildAct, sau khi khảo sát 114 nhà bảo tồn động vật hoang dã, nhà môi trường và các viên chức chính phủ làm việc tại Việt Nam.

Trong số những người trả lời khảo sát có 61% là nữ, và có đến 82% những người được khảo sát cho biết họ đã trải qua một số hình thức quấy rối tình dục trong vòng 2 năm trở lại. Trong đó, hình thức phổ biến nhất, ở mức 38%, là bằng lời nói dưới dạng các câu chuyện hoặc trò đùa tình dục. Những con số này khiến cô Trang Nguyen, người sáng lập WildAct bị sốc và lo lắng, đặc biệt là khi gần 5% người được hỏi cho biết họ đã từng bị hoặc sắp bị cưỡng hiếp tại nơi làm việc.

Tình trạng quấy rối tình dục này không phải là vấn đề duy nhất đối với Việt Nam, mà một số tổ chức bảo tồn lớn nhất thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự. Theo tờ Mongabay đưa tin, WildAct đã đề nghị các tổ chức cấm uống rượu trong quá trình thực địa và áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với việc ép buộc nhân viên, đối tác, đồng nghiệp uống rượu trong khi làm việc hoặc trong khi đại diện cho chủ của họ để giúp hạn chế tình trạng quấy rối tình dục. (BBT)

https://www.sbtn.tv/quay-roi-tinh-duc-xay-ra-pho-bien-trong-gioi-bao-ton-tai-viet-nam/

Nhà cầm quyền CSVN phát hiện 20,000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Tin Vietnam.- Báo VTC loan tin, vào sáng 24 tháng 11 năm 2020, thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng Cộng sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 2.7 triệu người nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, và 20,000 người được phát hiện nhập cảnh trái phép.

Ông Mạnh không nói 20,000 người này là người nước nào, và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mục đích gì. Nhưng dư luận cho rằng, phần lớn trong số những người nhập cảnh trái phép này là người Trung Cộng. Ngoài ra, trong thời gian qua, công an Cộng sản ở nhiều tỉnh, thành cũng đã phát hiện ra cả ngàn người Trung Cộng nhập cư lậu vào Việt Nam, rồi sau đó thuê nhà ở bất hợp pháp.

Theo ông Mạnh, ngoài 20,000 người nhập cảnh trái phép thì tình trạng người Việt Nam trốn cách ly về nước trong mùa dịch cũng có diễn biến phức tạp. Một số lao động ở Lào, và Brunei do không muốn khi về nước phải cách ly nên đã tìm cách nhập cảnh trái phép qua đường mòn và đường biển bằng cách dùng sim rác, hoặc mạng zalo để thuê xe ôm, taxi chở, một số khác thì lẩn trốn trong tàu cá, trong container để vào Việt Nam.

Không chỉ tồn tại các trường hợp nhập cảnh trái phép, ông Mạnh còn cho biết, có nhiều người Trung Cộng nhập cảnh vào Việt Nam đến giờ đã hết hạn visa nập cảnh nhưng lại không chịu về nước vì sợ dịch coronavirus 19. Những người này đã làm giả giấy tờ để được ở lại Việt Nam, hoặc họ sống bất hợp pháp tại các khách sạn, nhà trọ.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-phat-hien-20000-nguoi-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam/

Nhân bầu cử Mỹ nghĩ về chia rẽ và đồng thuận cho VN

Song Chi

Ngày 23/11/2020, bà Emily Murphy, người đứng đầu Văn phòng Quản trị Dịch Vụ Công (General Services Administration – GSA) của Mỹ, đã gửi thư cho tổng thống đắc cử Joe Biden, thông báo rằng chính quyền tổng thống Trump đã sẵn sàng để bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực chính thức.

Ngày 24/11, Tổng Thống đắc cử Joe Biden đã giới thiệu với người dân Mỹ một số khuôn mặt trong nội các, phụ trách về ngoại giao và an ninh, bao gồm Anthony Blinken, giữ chức vụ Ngoại trưởng, Alejandro Majorkas-Bộ trưởng An ninh nội địa, Avril Hayne-Giám đốc Tình báo quốc gia, Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia và john Kerry, đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu.

Bầu cử Mỹ: Trump ra tín hiệu chuẩn bị rời Nhà Trắng

Người Việt Nam và tình cảm đã ‘đầu tư’ vào TT Trump

Chính quyền Biden sẽ ‘dùng liên minh để đối phó’ với Trung Quốc?

Trump-Biden: Nước Mỹ chuyển giao quyền lực

Ngoài ra còn có Janet Yellen, Bộ trưởng Tài Chính. Một dàn nhân sự được nhiều người nhận xét là đa dạng, giàu kinh nghiệm, có đầy đủ uy tín và năng lực để sẵn sàng bắt tay vào công việc.

Đã kết thúc hay còn chưa xong?

Dù Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa nhận thua và vẫn đang tiếp tục những cáo buộc, kiện cáo về “cuộc bầu cử gian lận”, nhưng với những người Mỹ tỉnh táo, mọi chuyện xem như đã kết thúc. Nước Mỹ sẽ bước vào một chương mới kể từ ngày 20/01/2021 sắp tới, với một đường lối chính sách hoàn toàn khác, đặc biệt là về đối ngoại, dưới thời Joe Biden. Đường lối chính sách đó có thể được tóm gọn trong thông điệp của Tổng thống tân cử Joe Biden “America is back, ready to lead the world, not retreat from it” (Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không rút lui”.

Nhưng với những người ủng hộ Tổng thống Trump, mọi chuyện vẫn chưa xong, ít nhất là cho tới ngày 20/01. Thậm chí sau đó. Sự chia rẽ gay gắt giữa những người ủng hộ-phản đối Tổng thống Trump trong suốt 4 năm qua quá lớn để có thể nhanh chóng hàn gắn. Hơn nữa, đó không đơn thuần chỉ là sự chia rẽ gây ra bởi cá nhân Tổng thống Trump, mà cả đường lối chính sách của chính phủ Trump, chủ nghĩa Trump (Trumpism), cộng thêm bao nhiêu mâu thuẫn, xung đột âm ỷ lâu nay trong xã hội Mỹ, những bất cập trong hệ thống chính trị, luật pháp, và cả Hiến pháp Mỹ, sự xuất hiện của những nhóm cực đoan cánh tả, cực đoan cánh hữu… Dù Tổng thống Trump có ra đi thì những điều này vẫn còn và người ta không rõ chính phủ của ông Biden liệu sẽ hàn gắn, giải quyết được bao nhiêu phần trăm.

Chuyện của nước Mỹ vàchuyện của người Việt?

Dù sao đó là chuyện của người Mỹ, nước Mỹ. Còn với người Việt trong và ngoài nước, 4 năm qua chúng ta cũng chứng kiến một sự chia rẽ không kém, chỉ vì yêu, ủng hộ hay ghét, phản đối Tổng thống Trump.

Khác với người Mỹ có vô vàn lý do khác nhau để ủng hộ và bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, lý do chính khiến người Việt, nhất là người Việt trong nước, ủng hộ Tổng thống Trump cuồng nhiệt, là vì tin rằng Trump chống Trung Cộng, rằng chính sách của Trump sẽ dẫn tới việc nước Trung Quốc cộng sản bị lao đao, suy thoái mạnh về kinh tế, từ đó có khả năng bị sụp đổ. Và một khi nước này sụp đổ thì Việt Nam cộng sản cũng sẽ sụp đổ theo.

Trong số những người Việt ủng hộ Tổng thống Trump vì lý do này, không hiếm những khuôn mặt trí thức, luật sư, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ nổi bật ở Việt Nam.

Vì quá yêu mến, ủng hộ Tổng thống Trump, nhiều người đã chỉ trích thậm tệ đảng Dân chủ, những chính khách thuộc đảng Dân chủ-từ cựu Tổng thống Bill Clinton, bà Hillary Clinton-cựu Ngoại trưởng, cựu Tổng thống Barack Obama…cho tới ứng cử viên Tổng thống và bây giờ là Tổng thống mới đắc cử Joe Biden; chỉ trích toàn bộ báo chí truyền thông đưa tin bất lợi về Trump, là “thổ tả”, fake news (tin giả tin vịt), và dứt khoát không đọc, không tin. Vì ủng hộ Tổng thống Trump, nhiều người cũng đã tin lời ông Trump rằng cuộc bầu cử 2020 là gian lận “ở tầm mức quy mô”, như đã tin và bênh vực mọi điều ông Trump nói, mọi chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Trump, trong đó có việc chỉ trích những

tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã và vẫn sẽ cần tới như Liên Hiệp Quốc, WHO, hay chê bai, chỉ trích các nước châu Âu “đã lợi dụng nước Mỹ” v.v…

Đến lúc nhìn lại và suy ngẫm

Tôi đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc người Việt chúng ta nhìn lại những phản ứng có phần cực đoan của mình và rút ra được điều gì từ đó?

Sự thay đổi số phận của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phải do dân tộc ấy là chính.

Với nước Mỹ, thực tế là dù Tổng thống nào lên, Dân chủ hay Cộng hòa, thì cũng sẽ vì quyền lợi của nước Mỹ, dân Mỹ là trên hết.

Việt Nam dù là một quốc gia trung bình về diện tích và dân số, nhưng là một nước “nhỏ” về nhiều mặt khác, hiện tại VN cũng không phải là đồng minh của Mỹ để có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ khi phải đối đầu với Trung Quốc cộng sản. Trong ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương này, Mỹ còn có bao nhiêu đồng minh lâu đời như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines… và Mỹ sẽ giúp các nước này trước, khi cần, chứ không phải Việt Nam.

Tổng thống Mỹ dù quyền hạn lớn đến đâu, cũng chỉ tại vị 4 năm, hay 8 năm. Chính vì vậy người Việt nói chung và những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam nói riêng, rất không nên đặt tất cả niềm tin, sự hy vọng vào một Tổng thống Mỹ mà phải tranh thủ sự ủng hộ của lưỡng đảng, không chỉ vào một nước Mỹ mà cả châu Âu, cả thế giới tự do.

Đừng quên những năm qua không chỉ riêng Mỹ lên tiếng trước sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam, không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia tự do, dân chủ khác là nơi nương náu của hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi vì nhiều lý do khác nhau, cho tới những người bất đồng chính kiến phải xin tỵ nạn nước này nước khác. Có được sự ủng hộ của cả Mỹ, châu Âu và thế giới tự do, phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam mới càng mạnh mẽ.

Tôn trọng và nhất quán với các giá trị dân chủ, tiến bộ

Nếu là một người dân bình thường, chúng ta có thể không quan tâm lắm các giá trị dân chủ, nhưng nếu là người đang hoặc sẽ lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam, theo tôi rất cần tôn trọng và đi theo những tiêu chuẩn giá trị về dân chủ, nhân quyền, tiến bộ chung của nhân loại, như tôn trọng tự do ngôn luận, tôn trọng phụ nữ, tôn trọng sự khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, xu hướng tình dục…, tôn trọng sự bình đẳng, thượng tôn pháp luật v.v…

Và phải có quan điểm, thái độ rõ ràng trước mọi cá nhân, tổ chức, quốc gia có những lời nói, hành vi, chính sách đi ngược lại những giá trị phổ quát đó.

Nếu không sẽ là “tiêu chuẩn kép”, khi lên án những hành vi, chính sách nào đó của nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng lại bỏ qua những hành vi, chính sách tương tự của một Tổng thống Mỹ hay Nga, hoặc chống nhà cầm quyền Trung Quốc cộng sản độc tài, bành trướng, nhưng lại bỏ lơ người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) hay phong trào dân chủ của người Hong Kong, chẳng hạn.

Dân chủ phải bắt đầu từ mỗi cá nhân

Một điểm dễ thấy là sự thiếu khoan dung, độ lượng, hoặc là một dạng thiếu dân chủ trong tư duy, quan điểm của nhiều người Việt, thể hiện qua những cuộc tranh cãi về chính trị nói chung và nước Mỹ nói riêng.

Điều đáng nói là sự thiếu vắng tinh thần dân chủ, không có thói quen tôn trọng sự khác biệt đó không chỉ ở nhiều người Việt trong nước, vốn thiệt thòi khi phải sống trong một chế độ độc tài tệ hại do đảng Cộng sản cầm quyền suốt bao nhiêu năm nên không thể không ảnh hưởng, mà có thể bắt gặp ngay trong nhiều người đã sống nhiều năm ở một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh.

Chúng ta sẵn sàng miệt thị nhau bằng những từ ngữ nặng nề, block nhau trên facebook, từ mặt nhau ngoài đời… chỉ vì ủng hộ hay phản đối một Tổng thống Mỹ, một chính đảng của Mỹ.

Nếu không bắt đầu từ việc xây dựng một ý thức, quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ, cách sống dân chủ trong mỗi cá nhân, thì khó lòng nghĩ đến việc xây dựng một quốc gia dân chủ sau này, khi cộng sản sụp đổ.

Cuối cùng, suốt mấy năm qua, phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam dường như chìm lắng nhiều vì sự chia rẽ của người Việt từ những quan điểm khác nhau về chính trị của nước Mỹ.

Mải chỉ trích nhau, lắm khi chúng ta quên đi sự thối nát, hà khắc của nhà cầm quyền Việt Nam, số phận của những người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm ở Việt Nam và bao nhiêu vấn đề ngổn ngang khác.

Vậy liệu đã đến lúc chúng ta trở lại với những vấn đề của Việt Nam?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do và cựu Đạo diễn truyền hình, hiện đang sinh sống tại Leeds, Anh quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55103506

Mỹ mang thông điệp gì tới Việt Nam về mối đe dọa đến từ Trung Quốc?

Minh Luật

Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trả lời câu hỏi của Zing News tại buổi họp báo trực tuyến từ Manila hôm 23/11, được đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ , Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien cho biết: “Thông điệp của chúng tôi là sẽ tiếp tục hiện diện ở đây, chúng tôi đã hỗ trợ các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi. Và tôi nghĩ khi chúng tôi gửi đi thông điệp đó – thông điệp hòa bình thông qua sức mạnh – là cách để răn đe Trung Quốc. Đó là một cách để đảm bảo hòa bình, và là một cách để đảm bảo rằng không có chiến tranh trong khu vực.”

Ông O’Brien cũng trấn an các nước trong khu vực, rằng Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và có những cam kết dài hạn trong khu vực “dù được lãnh đạo bởi một tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa”. Ông cho biết lập trường chống Trung Quốc có được sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ, bởi các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, nỗ lực cưỡng bức các nước láng giềng, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, sự dập tắt ngọn lửa dân chủ ở Hồng Kông, và cố gắng cưỡng chiếm Đài Loan.

Cảnh báo cho Hà Nội về mối đe dọa Bắc Kinh

Trước đó, hôm 20/11, ông O’Brien nối tiếp chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa kết thúc cách đây khoảng ba tuần. Các chuyến thăm dồn dập này đã gây ra nhiều sự chú ý cho giới quan sát. Các thông tin liên quan đến Trung Quốc tại cuộc gặp cấp cao này không được tiết lộ, tuy nhiên qua bài phát biểu trước Học viện Ngoại giao Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra 2 sự cảnh báo quan trọng, đó là vấn đề Biển Đông và sông Mê Kông.

“Từ biển Đông đến lưu vực sông Mê Kông, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn. Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội dẫn lời ông O’Brien.

Từ thông điệp này, có thể thấy Washington đang muốn đưa ra lời cảnh báo cho Hà Nội rằng, mối đe dọa của Bắc Kinh không chỉ đến từ phía Đông trên biển, mà còn đến từ lưu vực sông Mê Kông- một mạn sườn phía Tây của Việt Nam.

Mạn sườn phía Tây của Việt Nam là hai quốc gia Lào và Campuchia đang trong tình trạng lệ thuộc rất sâu nặng vào Trung Quốc. Các chính sách gần đây của chính quyền Viêng Chăn và Phnôm Pênh cho thấy họ dần loại bỏ tầm ảnh hưởng của Hà Nội mà bị chi phối hoàn toàn bởi Bắc Kinh.

Mối họa từ mạn sườn phía Tây

Lào đã vay của Trung Quốc rất nhiều để đầu tư vào các dự án thủy điện sông Mê Kông cũng như dự án đường sắt cao tốc, một liên kết quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, Bộ Tài chính Lào đã đề nghị Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước này, cơ cấu lại các khoản nợ để tránh vỡ nợ.

Lào sẵn sàng trả bằng các tài sản có giá trị khác, như đất đai và giao cho các công ty quốc doanh Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lưới điện của Lào, cũng như tiếp tục xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông do Trung Quốc tài trợ. Điều này rõ ràng gây ra mối đe dọa cho an ninh lương thực và môi trường cho toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Tại Campuchia, gần đây quốc gia này đã phá dỡ căn cứ Hải quân Ream do Mỹ đầu tư xây dựng. Thay vào đó, một căn cứ hải quân khác, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc là Dara Sakor, có đường băng khổng lồ dài 3.400 mét hiện đang được xây dựng, có khả năng chứa nhiều máy bay quân sự Trung Quốc. Theo giới phân tích nhận định, các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ Dara Sakor và hạ cánh tại các đường băng trên đảo Đá Chữ Thập hoặc đảo Phú Lâm (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trên Biển Đông có thể “xé toạc” bầu trời và vùng đất bên dưới của Việt Nam.

Cũng lưu ý rằng, giữa mùa đại dịch COVID-19 vào tháng 3 vừa qua, khi Trung Quốc đang là ổ dịch của thế giới, 3000 lính Trung Quốc và Campuchia đã tiến hành tập trận chung bắn đạn thật với xe tăng đổ bộ và vũ khí hạng nặng. Động thái này cho thấy Campuchia sớm đánh đổi chủ quyền của mình cho Trung Quốc là điều khó tránh khỏi với tốc độ “bơm tiền bẫy nợ” từ Sáng kiến Vành đai và Con đường như hiện nay.

Sự thao túng của Bắc Kinh đối với của Lào và Campuchia được thể hiện rõ qua lập trường của hai quốc gia này luôn đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông. Đặc biệt hơn, Campuchia nổi lên như một kẻ phá hoại cho sự đồng thuận của ASEAN trong tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.

Điểm lại một số sự kiện cơ bản này để thấy sự cảnh báo của Mỹ về mối đe dọa xuất phát từ mạn sườn phía Tây của Việt Nam là khá quan trọng để kịp thời cảnh tỉnh Hà Nội, bởi khi Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát được khu vực này sẽ gây ra mối đe dọa cận kề cho Việt Nam khi đứng trước bất kỳ một cuộc xung đột nào với Trung Quốc trong tương lai.

Khả năng đón nhận của giới lãnh đạo Việt Nam ra sao?

Có vẻ không ít giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay vẫn còn tin vào ‘ý thức hệ chính trị’ khi bang giao với Trung Quốc. Chí ít tình ‘đồng chí cộng sản’ vẫn còn là câu nói giao hảo từ cửa miệng của cả đôi bên. Nhưng đằng sau đó, sự bằng mặt nhưng không bằng lòng và tâm lý nghi kị từ lịch sử, đặc biệt là sự thù ghét Trung Quốc đã ăn sâu vào huyết mạch của người Việt Nam, nên không thể nào Việt-Trung trở thành một đồng minh “cùng sinh cùng tử” dù tương đồng về chế độ chính trị.

Do đó, việc Bắc Kinh hạ thấp mối quan hệ với Hà Nội chỉ là vấn đề thời gian khi Bắc Kinh hoàn thành cuộc ‘đảo chính’ lật đổ sự ảnh hưởng của Hà Nội từ mạn sườn phía Tây của Việt Nam, và các xung đột có thể sẽ leo thang trong thời gian tới khi Trung Quốc muốn dập tắt mọi sự phản kháng của Việt Nam trong việc giành quyền độc chiếm Biển Đông.

Trong bài phát biểu của mình tại Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã khẳng định “Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mê Kông”. Mỹ có khả năng thực thi cam kết này thông qua việc cầm trịch ‘Bộ tứ Kim cương’ (Nhóm QUAD) bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ có khả năng ngăn chặn sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực, và không có lý do gì để các cuộc tiếp xúc vừa qua phía Mỹ không để ngỏ lời mời cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của nhóm liên kết quân sự phi chính thức này.

Thái độ do dự, thậm chí là sự nghi ngờ của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Mỹ vốn không là điều xa lạ. Nó không chỉ từ ý thức hệ chính trị, mà còn xuất phát từ việc họ chưa sẵn sàng chia sẻ về một tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, khi mắt vẫn hướng về Bắc Kinh với niềm tin mong mỏi về chủ nghĩa cộng sản sẽ là tương lai của nhân loại.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-message-us-national-security-adviser-bring-to-vn-about-china-s-threat-11272020100513.html

Apple sẽ chuyển sản xuất Ipad và máy tính sang Việt Nam để tránh rủi ro ở Trung Quốc

Công ty Foxconn chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple đang chuyển dịch một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple để tránh những rủi ro ở Trung Quốc. Hãng tin Reuters ngày 26/11 dẫn nguồn tin từ một cá nhân giấu tên, biết về kế hoạch này cho biết như vậy.

Việc chuyển dịch này diễn ra vào khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang khuyến khích các công ty Mỹ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang có những căng thẳng về thương mại. Mỹ đã nhắm đánh thuế cao đối với các mặt hàng điện tử được sản xuất ở Trung Quốc, đồng thời hạn chế việc cung cấp các linh kiện sử dụng công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.

Công ty Foxconn của Đài Loan hiện đã dịch chuyển hoặc đang dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất của mình khỏi Trung Quốc sang các nước khác bao gồm Việt Nam, Mexico và Ấn Độ.

Hiện Foxconn đang xây dựng một dây chuyền sản xuất Ipad và máy tính MacBook ở Bắc Giang. Nguồn tin giấu tên cho Reuters biết dây chuyền này sẽ đi vào sản xuất vào năm 2021.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/foxconn-to-shift-some-apple-production-to-vn-to-minimize-china-risk-11262020112126.html

Điểm tin trong nước sáng 27/11: Người dân Hà Tĩnh bắt được cu li nằm trong sách đỏ thế giới

Mục lục bài viết         

Người dân Hà Tĩnh bắt được cá thể cu li nằm trong sách đỏ thế giới

TPHCM cần 29.000 tỷ đồng để xử lý chất thải rắn trong 5 năm tới

Chưa hoàn thiện, metro Nhổn-ga Hà Nội đã gây nguy cơ thiệt hại ít nhất 40 triệu USD

Nghệ An không cấp phép dự án thủy điện mới

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (ngày 27/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Người dân Hà Tĩnh bắt được cá thể cu li nằm trong sách đỏ thế giới

Ngày 26/11, thông tin từ Vườn quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết, vừa tiếp nhận một cá thể cu li nhỏ quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Trước đó, con cu li này được một người dân ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn bắt được. Sau khi biết là loài thú rừng nằm trong danh mục nguy cấp, người dân này đã giao cho Công an xã Sơn Trung và Hạt Kiểm lâm Hương Sơn.

Sau đó, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn đã bàn giao cá thể cu li cho Vườn quốc gia Vũ Quang.

TPHCM cần 29.000 tỷ đồng để xử lý chất thải rắn trong 5 năm tới

Trong giai đoạn 2020-2025, TP.HCM cần kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng từ các nguồn: ngân sách, vốn ODA… để xử lý chất thải rắn, với mục tiêu 80% chất thải được tái chế.

Theo Đề án quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UB TP.HCM, tổng kinh phí thực hiện là gần 29.000 tỷ đồng, gồm các nguồn: vốn ngân sách, ODA, vốn tài trợ nước ngoài, vốn huy động từ các thành phần kinh tế…

Hiện TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt. Thành phố đang thực hiện giảm dần việc chôn lấp rác bằng việc chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện.

Chưa hoàn thiện, metro Nhổn-ga Hà Nội đã gây nguy cơ thiệt hại ít nhất 40 triệu USD

Ngày 26/11 tờ VnExpress đưa tin, Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố, dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội (Hà Nội) có nguy cơ thiệt hại ít nhất 40 triệu USD cho ngân sách do vi phạm Luật Đấu thầu.

Ngày 25/11 thông báo kết luận cho biết, nhà thầu và Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã ký hợp đồng thi công khi chưa có mặt bằng sạch là không đúng quy định. Đến thời điểm tranh tra, mặt bằng của gói thầu vẫn chưa được bàn giao đầy đủ.

Kết luận nêu: “Từ việc chậm bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng), nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.”

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Systra (Pháp) được chọn làm đơn vị tư vấn. Toàn tuyến dài 12,5km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội.

Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017; tuy nhiên, chính quyền TP Hà Nội liên tiếp báo lùi tiến độ đến sau năm 2021, rồi tới 2022, 2023. Tổng mức đầu tư dự án đã tăng từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro.

Nghệ An không cấp phép dự án thủy điện mới

Theo VnExpress, toàn tỉnh Nghệ An có 32 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch phát triển, hiện 21 dự án đã vận hành phát điện. Các huyện có nhiều nhà máy thủy điện nhất gồm Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Ngoài ra, ba dự án đang đầu tư xây dựng.

Tại cuộc họp ngày 26/11, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với những hiệu quả, tác động của thủy điện vẫn còn nhiều rủi ro. Trước những bất cập nêu trên, Nghệ An sẽ “dừng bổ sung quy hoạch mới các nhà máy thủy điện”.

Trước đó, từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương không xem xét bổ sung quy hoạch thủy điện.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-27-11-nguoi-dan-ha-tinh-bat-duoc-ca-the-cu-li-nam-trong-sach-do-the-gioi.html

Điểm tin trong nước tối 27/11- Việt Nam: Phạt tử hình 3 người Trung Quốc, 1 người Đài Loan

Tâm Tuệ- Hiểu Minh

Mục lục bài viết         

Phạt tử hình 3 người Trung Quốc

Tử hình bị cáo người Đài Loan vận chuyển gần 317 kg ma túy

An ninh thắt chặt trong buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với dân Thủ Thiêm

Đắk Lắk: Chỉ huy trưởng quân sự nhận 100 triệu đồng ‘chạy’ việc

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Sáu (ngày 27/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Phạt tử hình 3 người Trung Quốc

Ngày 27/11, TAND Hà Nội tuyên phạt tử hình Kiện, 19 tuổi, Lỗi, 24 tuổi và Đường, 27 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc về hai tội Giết người và Cướp tài sản.

Cáo trạng xác định, Kiện, Lỗi và Đường sinh sống tại 3 tỉnh của Trung Quốc. Đầu tháng 8/2019, họ rủ nhau thuê phòng trọ tại tỉnh Quảng Tây. Khi tiền mang theo còn ít, cả ba bàn bạc vượt biên sang Việt Nam cướp tài sản.

Ngày 8/8/2019, ba người từ Vân Nam vượt biên trái phép vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch đến thành phố Lạng Sơn. 19h cùng ngày, họ thuê taxi của ông Nguyễn Hùng Mạnh 53 tuổi, chở đến Hà Nội. Sau hơn 4 tiếng rưỡi, ông Mạnh dừng xe ở phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, yêu cầu trả tiền và lúc này bị ba người khách siết cổ.

Cướp xe lái đến cầu Trung Hoà, huyện Ba Vì, Kiện vứt xác tài xế xuống sông Hồng. Đến xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, các bị cáo bỏ lại chiếc xe bị sa lầy.

20h ngày 9/8/2019, Kiện, Đường và Lỗi bị Công an Sơn La bắt ở huyện Mộc Châu. Ba ngày sau, xác nạn nhân được tìm thấy tại bãi giữa sông Hồng, phường Long Biên, Hà Nội.

Tử hình bị cáo người Đài Loan vận chuyển gần 317 kg ma túy

Ngày 27/11, toà án tại TP.HCM đã bác kháng cáo của bị cáo, tuyên y án tử hình đối với Chen Tsen Wei (34 tuổi, quốc tịch Đài Loan) về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” với khối lượng gần 317 kg.

Trong năm 2019, Chen Tsen Wei cùng đồng bọn đã nhiều lần từ Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam, thuê kho ở Bình Dương, TP.HCM để cất giấu và vận chuyển ma túy.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Chen Tsen Wei đã ăn năn hối cải, xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, do số lượng ma túy quá lớn, hành vi phạm tội đặt biệt nghiêm trọng, nên HĐXX đã giữ nguyên mức án như trên.

An ninh thắt chặt trong buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với dân Thủ Thiêm

Sau nhiều lần trì hoãn, Thanh tra Chính phủ chiều 27/11 đã có buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm về ranh quy hoạch.

Người dân được mời tham dự là đại diện 50 hộ dân ở 5 khu phố, thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh của quận 2.

Theo kế hoạch, buổi đối thoại diễn ra lúc 14h nhưng trước đó một giờ, hàng chục người dân đã tập trung tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2. Cảnh sát lập hàng rào trước cổng trung tâm khoảng 20m, an ninh được thắt chặt. Chỉ những người có thư mời mới được vào nơi diễn ra buổi làm việc.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 930ha, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực. Tuy vậy quá trình triển khai quy hoạch, dự án vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân vì có quá nhiều sai phạm.

Đắk Lắk: Chỉ huy trưởng quân sự nhận 100 triệu đồng ‘chạy’ việc

Báo Tiền Phong ngày 25/11 đưa tin, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa đưa ra xét xử về hành vi lừa đảo đối với ông Nguyễn Sông Đà, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột.

Theo đó, hồi năm 2015, ông Đà nhận 100 triệu đồng từ ông Th. để chạy việc làm cho con ông Th. Ông Đà sau đó đã lấy số tiền này giao cho một sĩ quan quân đội về hưu để ông này đưa cho ông Phạm Văn Tốt (nguyên Giám đốc Công ty hướng nghiệp quốc tế) lo việc.

Tuy nhiên, ông Tốt không lo được việc và cũng không trả lại tiền. Theo cáo trạng, không chỉ lừa ông Đà, ông Tốt còn chiếm đoạt của 56 người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-27-11-viet-nam-phat-tu-hinh-3-nguoi-trung-quoc-1-nguoi-dai-loan.html