Tin Việt Nam – 26/8/2015
Giàn khoan 981 vẫn hoạt động ở Biển Đông
Giàn khoan Trung Quốc sẽ tiếp tục khoan thăm dò ở vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, hãng tin Reuters nói, chỉ vài hôm sau khi Tân Hoa Xã tuyên bố hoàn tất hoạt động tại một địa điểm ngoài khơi Việt Nam.
Trang mạng của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm thứ Ba 25/6 đăng thông báo mới nói giàn khoan này sẽ tiếp tục thăm dò cho tới 20/10 tại một địa điểm chỉ lui lên phía bắc một chút so với địa điểm trước.
Vị trí mới sẽ cách bờ biển Việt Nam về phía đông khoảng 110 hải lý, và cách thành phố Tam Á của đảo Hải Nam chừng 72 hải lý về phía nam.
Đây sẽ là đợt hoạt động thứ ba liên tiếp của giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực gần với đường bờ biển của Việt Nam.
Trước đó, trong thời gian từ 25/6 đến 20/8, Hải Dương 981 đã hoạt động tại vùng biển có tọa độ được một chuyên gia giải thích là cách Việt Nam 104 hải lý và cách Hải Nam 68 hải lý, là vị trí mà Trung Quốc nói hoàn toàn trong lãnh hải Trung Quốc.
Hồi tháng Năm, giàn khoan 981 tác nghiệp tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1, chỉ khác chút ít so với vị trí nó chuyển tới sau đó.
Giới chức Việt Nam trong các phỏng vấn với báo giới trong nước nói vị trí giếng Lăng Thủy “ở ngoài vùng biển Việt Nam”.
Lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam là 1/5/2014, đặt tại địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý, sự kiện làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã ngày càng quyết liệt trong việc tỏ thái độ xác lập chủ quyền trên Biển Đông, nơi có tuyến hải hành quan trọng với hàng hóa qua lại trị giá 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Bắc Kinh đã lên án việc Philippines mang vấn đề ra trọng tài quốc tế đòi phân xử, trong lúc tiếp tục xây lấn, mở rộng đảo và các bãi đá mình đang kiểm soát.
Hồi tuần trước, một bản phúc trình mới của Ngũ Giác Đài nói Trung Quốc đã xây lấn ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn nhiều so với những gì người ta biết trước đó.
Giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đôla thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một công ty quốc doanh và là hãng sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc.
Đợt thăm dò từ cuối tháng Sáu tới cuối tháng Tám vừa rồi của giàn khoan 981 được Tân Hoa Xã nói là lần thăm dò lần đầu tiên ở vùng có nhiệt độ cao, áp suất lớn và nước sâu. – BBC
Quảng Trị xây cửa khẩu hơn trăm triệu đô
Báo trong nước dẫn tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án ‘Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay tại tỉnh Quảng Trị’ với tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng , tương đương khoảng 110 triệu đô la.
Cửa khẩu quốc tế La Lay đặt tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Cách đây một năm, La Lay chính thức trở thành cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam-Lào. Đây cũng là cửa khẩu thứ tám giữa hai nước.
Tỉnh Quảng Trị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông Tây, nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Hôm 24/8, website cafef cho biết, ‘Thủ tướng phê duyệt đề án với mục tiêu đưa La Lay trở thành cửa khẩu quốc tế kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước‘.
Theo trang này, việc đầu tư nâng cấp cửa khẩu La Lay giúp đến năm 2020 ‘tổng giá trị tăng thêm của các ngành sản xuất, dịch vụ trong khu vực đạt khoảng 300 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 460 triệu đôla/năm, nâng mức sống dân cư trong khu vực tối thiểu bằng mức trung bình của cả nước’.
Cùng ngày, báo Nhân Dân tường thuật việc đầu tư xây dựng trung tâm cửa khẩu gồm các hạng mục: quốc môn, trạm kiểm soát liên ngành, nhà công vụ, bãi kiểm hóa, hệ thống giao thông, điện nước, trung tâm vận chuyển hàng hóa dịch vụ…, khoảng gần 2,4 tỷ đồng. Báo Nhân Dân nói vốn Trung ương chiếm khoảng 1,2 tỷ đồng, vốn đấu giá đất trong khu vực gần 240 tỷ đồng, còn lại hơn 950 tỷ đồng là các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quá trình đầu tư được chia thành ba giai đoạn: 2015-2017, 2018-2019, 2019- 2020.
Hơn hai tháng trước, trang kinh tế-tài chính FICA của báo Dân trí cho biết tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn giai đoạn 1 ở mức gần 1.000 tỷ đồng.
Theo báo này, việc đầu tư nhằm ‘giảm ách tắc cửa khẩu Lạng Sơn, giúp thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi thị trường và ngược lại’.
Tuy nhiên, sáu tháng trước, trang tin điện tử của VTV đưa tin thất thu nhiều tỷ đồng thuế tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn
VTV cho biết “mỗi ngày, tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn có đến hàng ngàn người dân được các đối tượng buôn lậu thuê mang vác hàng qua biên giới.
“Thời gian qua, lợi dụng Quyết định 254 về việc cho phép người dân mang hàng miễn thuế không quá 2 triệu đồng qua biên giới, mỗi ngày các cửa khẩu này luôn có đến hàng ngàn người dân được các đối tượng buôn lậu thuê mang vác hàng qua biên giới.
Lượng hàng này được xem như một cách thức trốn thuế mới với lượng thuế bị hụt thu lên đến nhiều tỷ đồng”, báo này viết. – BBC