Tin Việt Nam – 26/12/2017
Quan chức, đại gia “Đỏ” vào tù và những sự thật phơi bày
Song Chi
Theo dõi những vụ bắt bớ, khởi tố các quan chức, đại gia «Đỏ» trong thời gian qua, dù vô tâm, bàng quan trước thời cuộc, trước những vấn đề nổi cộm về chính trị-xã hội của đất nước đến đâu, có lẽ đa số người dân cũng phải nhận ra những sự thật hiển nhiên và cay đắng chỉ có trong một xã hội độc tài như VN.
Thứ nhất, chỉ có trong một xã hội mà luật pháp không hề được tôn trọng, mà đảng đứng cao hơn luật pháp (và trên cả Hiến pháp) thì mới có chuyện các quan chức, đại gia lộng hành dễ dàng như vậy trong suốt bao nhiêu năm trước khi bị «sờ gáy». Trong khắp các lĩnh vực, ngành nghề, từ ngân hàng cho tới dầu khí, công thương, giao thông…từ trung ương tới địa phương, những tệ nạn như tham ô, hối lộ và nhận hối lộ, móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, những tội danh như «cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng» thực chất là cố tình làm sai, cố tình vi phạm pháp luật, làm thất thoát tiền bạc, tài sản của dân của nước…diễn ra đầy dẫy.
Người dân cứ đi từ cú sốc này đến cú sốc khác khi nghe đến những món quà, những khoản tiền «khủng» được các quan chức trao cho ông lớn này ông lớn kia để bôi trơn mọi việc; những số tiền thất thoát lên tới hàng trăm triệu USD cứ như trò đùa. Mà hầu hết đều là doanh nghiệp nhà nước, là quan chức cộng sản và đại gia «đỏ», mới có cơ hội nắm những lĩnh vực, những ngành gọi là «mũi nhọn», «trọng yếu» của nền kinh tế nước nhà.
Thứ hai, cũng chỉ có quan chức cộng sản, đại gia «Đỏ» mới có cơ hội sở hữu, mua bán, kinh doanh, sang nhượng bao nhiêu lô đất vàng, đất kim cương như trong vụ án Vũ «nhôm» và các quan to quan nhỏ ở Đà Nẵng. Và thực tế là không có một tay nào có thể làm ăn hay phất lên nhanh trong một xã hội như ở VN mà không có phe cánh, hay cụm từ thường hay được sử dụng trong thời gian qua là «nhóm lợi ích».
Đại gia Vũ “nhôm” đang bị truy nã, đất đai, tài sản đang bị nhòm ngó, thanh tra. Nhưng còn bao nhiêu Đinh La Thăng, Vũ «nhôm» khác đang thao túng, phá hoại đất nước này? Một ví dụ nhỏ, một trong những nhóm lợi ích như vậy là “nhóm Him Lam” (Him Lam Group) sở hữu rất nhiều đất đai, biệt thự, nhà hàng, khu căn hộ, khách sạn …từ Nam ra Bắc trong đó có sân golf Tân Sơn Nhứt, bảo đảm khi đụng vào cũng có khối chuyện, vì như vừa nói, ở nước này làm sao có chuyện làm ăn chân chính mà giàu nhanh và sở hữu được bao nhiêu khu đất ngon lành như vậy. Bao giờ thì Him Lam Group bị sờ gáy để trả lại sân bay TSN cho dân? Nhưng nói thật, sân bay TSN là coi như mất luôn đất, chúng chả trả lại đâu, phải lấy cớ sân bay chật chội, quá tải để xây sân bay Long Thành, riêng chuyện đầu tư đất đai chung quanh khu sân bay mới này đã đủ để ăn thêm một mớ tiền “khủng” rồi. TSN sau này chỉ còn là sân bay nội địa, mất luôn thương hiệu một thời của một trong những sân bay hiện đại, nhộn nhịp hàng đầu khu vực và cả thế giới những năm 70…
(Báo Tuổi Trẻ từng có loạt bài kỷ niệm 100 năm sân bay TSN: Kỳ 1: Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn, Kỳ 2: Người phi công Việt Nam đầu tiên, Kỳ 3: Đường băng đất đỏ, Kỳ 4: Phi đạo 3.000m và sân bay hạng nhất, Kỳ 5: Tân Sơn Nhất – Phi trường nhộn nhịp hàng đầu thế giới v.v…)
Cứ một đại gia, quan chức ra tòa là khai ra bao nhiêu mối quan hệ móc nối dây mơ rễ má chằng chịt, cũng chính vì vậy mà chống tham nhũng ở VN trở nên khó khăn vì bứt dây động rừng, lắm khi đụng tới cả hàng chóp bu trong Bộ Chính trị, dù đương nhiệm hay đã là «nguyên», là «cựu». Phía sau Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng, Vũ “nhôm”, Trịnh Xuân Thanh…là những Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Trung Hải, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng…và cả Nguyễn Phú Trọng, chẳng tay nào “sạch” trong bộ máy đảng cộng sản, trong một chế độ tạo nên và dung dưỡng cho nạn tham nhũng, phá hại này.
Từ đó thêm một sự thật đã phơi bày rõ ràng trước mắt người dân từ bao nhiêu lâu nay, chỉ có những ai cố tình mù lòa mới không thấy. Đó là không có một “cuộc cách mạng” nào mà đắt giá, vô nghĩa, làm thiệt hại cho dân cho nước nhưng lại làm lợi cho đảng và quan chức của đảng như “cuộc cách mạng” của đảng cộng sản để cướp chính quyền và kể từ đó “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình…” Cả đất nước này, giang sơn này mà cha ông ta bao đời đổ mồi hôi, nước mắt và máu để xây dựng và bảo vệ, nay trở thành tài sản riêng của đảng cộng sản nói chung và quan chức cộng sản nói riêng. Đất đai nhà cửa, tài nguyên thiên nhiên, lãnh thổ lãnh hải cho tới 90 triệu sinh mạng dân đen, họ muốn sang nhượng, mua bán, thoái vốn, phá hại hoặc đem dâng cho giặc…thế nào là tùy ý.
Cho nên đừng hy vọng vào cuộc chiến chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng hay bất cứ cá nhân nào của đảng cộng sản. Không thể tiêu diệt được nạn tham nhũng khi nào còn chế độ độc tài độc đảng, khi quyền lực của đảng bao trùm tất cả, không bị hạn chế và kiểm soát bởi một hệ thống tam quyền phân lập cộng với sức mạnh của báo chí truyền thông độc lập và quyền tự do ngôn luận, tự do bỏ phiếu của người dân như trong một xã hội tự do, dân chủ.
Chống tham nhũng kiểu của đảng cộng sản lâu nay chỉ là phe này triệt phe kia, rồi tài sản của dân của nước đã bị thất thoát như ly nước đã đổ mười phần chỉ hốt được một, hai phần và lại chạy từ túi đám này sang túi đám khác mà thôi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Việt Nam xét xử 16 người với cáo buộc tội khủng bố
Tòa Án Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26 tháng 12 bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Sinh (33 tuổi), Đặng Hoàng Thiện (26 tuổi) cùng 14 người khác với các cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, khủng bố chống chính quyền nhân dân, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Các báo trong nước đồng loạt loan tin rằng đây là một nhóm ‘phản động’ câu kết với Đào Minh Quân (ngụ tại California, Hoa Kỳ) và Phạm Lisa (đang sống ở nước ngoài), cùng nhiều đối tượng khác thông qua mạng xã hội nhằm lôi kéo nhiều người trong nước thành lập các ‘nhóm hành động’, thực hiện các vụ khủng bố với chủ trương ‘giết sạch, đốt sạch, phá sạch’.
Cáo trạng cho rằng bà Phạm Lisa đã chỉ đạo Đặng Hoàng Thiện cùng các đồng phạm nghiên cứu mua vật liệu chế tạo bom xăng, kích nổ bằng điều khiển từ xa nhằm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30/4 và 1/5. Ngày 22/4, thùng bom xăng đặt ở cột số 9 ga đến quốc tế phát nổ làm hành khách bỏ chạy và an ninh sân bay đã phong tỏa hiện trường.
Bà Phạm Lisa bác bỏ những điều được nêu ra trong cáo trạng :
“Vấn đề là tôi không biết. Nhà cầm quyền cộng sản họ chụp mũ như vậy thôi chứ tôi hoàn toàn không biết mấy người. Tôi không biết họ là ai cả…. Những người này nghe nói là họ chỉ có lên trên mạng coi các thông tin nhưng vấn đề là nhà cầm quyền cộng sản ghép tội như vậy. Họ nói họ khủng bố mà khủng bố gì họ.”
Bà này còn nói sẽ kiện ra tòa quốc tế về những điều mà bà cho là cáo buộc sai trái từ phía Việt Nam:
“Vấn đề là nếu họ muốn làm thì tôi sẽ kiện họ ra tòa thế giới, tòa quốc tế thôi, chứ họ dựa vào đâu mà nói những lời nói xằng bậy như vậy.”
Trong khi đó cáo trạng còn nêu thêm là Nguyễn Đức Sinh cùng 5 đồng phạm đã thực hiện vụ phóng hỏa đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an Thành Phố Biên Hòa, Đồng Nai vào ngày 8/4, khiến toàn bộ kho xe và 320 xe các loại bị thiêu rụi, tổng thiệt hại 1,3 tỷ đồng.
Nhà chức trách cũng cáo buộc bà Phạm Lisa đã lôi kéo thành lập nhiều nhóm khác để thực hiện các vụ khủng bố tại Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang, khủng bố cán bộ, đảng viên và hệ thống siêu thị Big C ở Sài Gòn.
Các đối tượng cũng bị cho là đã soạn thảo kế hoạch tạo bom xăng, bom khói tấn công lượng lượng công an, làm quả nổ đánh vào đồn biên phòng, và tham gia vào các cuộc biểu tình tại khu vực nhà thờ Đức Bà.
Ngoài ra, nhóm này cũng bị cáo buộc đã sang Campuchia mua và tàng trữ một khẩu súng K59 và chín viên đạn.
Các tờ báo trong nước loan tin ông Đào Minh Quân và bà Phạm Lisa chủ mưu nhưng hiện đang ở nước ngoài nên cơ quan chức năng sẽ xử lý khi bắt được.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong vòng 4 ngày, đến 29/12.
Nhân quyền VN năm 2017 và kỳ vọng 2018
Trước thềm năm 2018 đang đến, nhìn lại tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2017, Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn nêu quan điểm với BBC Tiếng Việt, cho rằng đây là năm của một bức tranh ‘xám màu’, nhưng cũng bày tỏ hy vọng chính quyền Việt Nam trong năm mới 2018 sẽ có cải thiện về quan điểm và chính sách.
Tôi mong nhà cầm quyền cũng thay đổi một thái độ, không nhìn hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự như những hoạt động của các thế lực thù địch và hãy xem đó là những tiếng nói có thể khác, trái với mình nhưng thể hiện nguyện vọng của những tầng lớp khác nhau trong xã hộiLuật sư Lê Công Định
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2017 là một bức tranh màu xám, chúng ta thấy cho đến tháng 12/2017 nhà cầm quyền đã bắt hơn 28 người và xét xử những bản án nặng đối với rất nhiều nhân vật bất đồng chính kiến, như chị Mẹ Nấm, chị Trần Thị Nga cũng như một số người khác với án rất nặng nề,” Luật sư Định nói với chuyên mục Phỏng vấn Cuối tuần của BBC hôm 16/12/2017.
Đối nội, đối ngoại VN 2017 có gì đáng nói?
LS Lê Công Định: về ‘Đội Cờ Đỏ’ ở VN năm 2017
TS Quang A: Năm đỉnh điểm của ‘đàn áp, sách nhiễu’ nhân quyền
Nhà báo Phạm Chí Dũng: ‘Một khởi động có nguồn gốc từ lâu’
“Gần đây, như cộng đồng châu Âu đang muốn phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam, nhưng phía Việt Nam gần như vẫn tăng cường hành động trấn áp với giới bất đồng chính kiến, thì bức tranh nhân quyền ở Việt Nam tôi thấy không có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2017.”
‘Chờ đợi và mong mỏi’
Về triển vọng của năm mới 2018, nhà hoạt động này nói:
“Chúng ta chuẩn bị bước vào một năm mới, khép lại năm cũ, năm có thể nói là tồi tệ về vấn đề nhân quyền và với tình hình này, tôi cũng không hy vọng là trong năm sau chúng ta sẽ tiếp đón một năm mới với tình hình nhân quyền được cải thiện.
Tòa Hà Nam y án 9 năm tù cho bà Trần Thúy Nga
Xử phúc thẩm vụ blogger Mẹ Nấm
Quyền dân sự, chính trị ‘xuống cấp’ ở VN
“Và số người bị bắt trong năm sau ít hơn, hay nhiều hơn năm nay thì phải nói thật là tất cả chúng ta đều không biết, chúng ta đang chờ đợi và mong mỏi nhà nước có những thay đổi về chính sách thực sự để lắng nghe hơn nguyện vọng của người dân, thể hiện qua những tổ chức về xã hội dân sự.
Và tất cả chúng ta, tôi và quí vị đều trông mong là nhà nước có một trách nhiệm bình tĩnh hơn, ôn hòa hơn, không phải lúc nào cũng đe dọa, lúc nào cũng trấn áp để mà giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn tại trong xã hội chúng ta hiện nayLuật sư Lê Công Định
“Và tôi mong nhà cầm quyền cũng thay đổi một thái độ, không nhìn hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự như những hoạt động của các thế lực thù địch và hãy xem đó là những tiếng nói có thể khác, trái với mình nhưng thể hiện nguyện vọng của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
“Và chúng ta thấy như vụ BOT Cai Lậy chẳng hạn, rõ ràng đó là những hoạt động tự phát của giới tài xế mà thôi, để họ phản ứng lại điều bất hợp lý trong xã hội, thì thay vì giải quyết tận nguồn gốc vấn đề nảy sinh đó, người ta cứ theo một thói quen là sử dụng biện pháp trấn áp, sử dụng lực lượng công an để tìm cách đe dọa những tài xế như vậy.
“Cho dù đe dọa như thế nào thì những điều bất hợp lý vẫn tồn tại mà thôi và vấn đề quan trọng là giải quyết vấn đề bất hợp lý đó tận gốc của nó thì xã hội mới có thể ổn định và phát triển một cách bình thường được.
“Và tất cả chúng ta, tôi và quí vị đều trông mong là nhà nước có một trách nhiệm bình tĩnh hơn, ôn hòa hơn, không phải lúc nào cũng đe dọa, lúc nào cũng trấn áp để mà giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn tại trong xã hội chúng ta hiện nay,” ông nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt trong chuyên mục Phỏng vấn Cuối Tuần hôm 16/12.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi thêm trao đổi và phỏng vấn của BBC Tiếng Việt về chủ đề có liên quan.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-42483608
Trịnh Xuân Thanh đối mặt cáo buộc tội tham ô
Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh cùng 20 người khác bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, theo Điều 165 và Điều 278 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tin nói Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam vào ngày 26 tháng 12 hoàn tất cáo trạng vụ án liên quan dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo đó các bị can vừa nêu cố ý làm trái quy định và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống nhằm chiếm đoạt sử dụng cá nhân, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho Nhà nước.
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đã chỉ định thực hiện gói thầu EPC, qua hợp đồng số 33 trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến gần 120 tỷ đồng. Ông Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo này và bị cáo buộc tội ““Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng theo cáo trạng, ông Trịnh Xuân Thanh, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị cáo buộc liên quan đến hợp đồng số 33 của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ khống để rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, là một hạng mục phụ trợ của dự án Nhiệt Điện Quảng Trạch 1.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”,
Tòa án Nhân dân Hà Nội sẽ xét xử vụ án được cho là đặc biệt nghiêm trọng này. Theo luật định, khung hình phạt cao nhất đối với tội “cố ý làm trái quy định Nhà nước” là 20 năm tù và khung hình phạt cao nhất đối với tội “tham ô tài sản” là tù chung thân hoặc tử hình.
Dân nghèo may mắn thoát bão Tembin!
Bão số 16 với tên quốc tế là Tembin sau khi hoành hành tại Phillipines đã hướng vào miền Nam Việt Nam. Và có thể nói rằng miền Nam Việt Nam đã quá may mắn khi bão đi lệch hướng, chuyển sang vịnh Thái Lan. Bởi nếu như bão đổ bộ vào Sài Gòn và Tây Nam Bộ thì mức độ thiệt hại do bão gây ra khó mà lường trước được. Bởi một phần người dân miền Nam không quen chống chọi thiên tai và phần khác, tỉ lệ nhà nghèo, nhà tranh mái lá, nhà lụp xụp ở miệt Tây Nam Bộ nhiều vô kể.
Nhiều thuyền bị lật trong bến
Ông Nguyễn Văn Năm, cư dân thành phố Hà Tiên, một trong những thành phố dự tính bão sẽ đổ bộ, chia sẻ: “Cơn bão đi vô bị lệch, giờ nó lệch xuống vịnh Thái Lan rồi thành ra mưa to với gió thôi nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều, may, không đến nỗi. Địa phương cũng cho dân quân xuống chằng dây nhà dân, dân nghèo đó mà. Nói chung là giờ này vẫn còn mưa, gió nhiều nhưng giờ dịu rồi. Ai cũng nói là bão vô thiệt hại nặng lắm, may mà gần tới nó đi chệch. Nói chung là không biết có tài trợ gì không nhưng bên nhà nước cũng có cho dân quân đi lại từng nhà, những nhà nghèo đó, nó cho bộ đội chằng dây lại vậy thôi.”
Cơn bão số 16 là cơn bão cuối mùa, có thể nói rằng đây là một cơn bão hiếm hoi bởi thời gian xảy ra bão thường dao động từ tháng Bảy đến tháng Chín âm lịch, hoặc cao lắm là tháng Mười. Nhưng bão Tembin hình thành vào tháng Mười Một âm lịch. Và mặc dù nó đã đi lệch sang vịnh Thái Lan, không đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam nhưng Tembin cũng làm chìm hơn 20 tàu thuyền trên các bến tại Côn Đảo và làm hư hại nhiều nhà cửa ở khu vực Tây Nam Bộ.
Nói chung là không biết có tài trợ gì không nhưng bên nhà nước cũng có cho dân quân đi lại từng nhà, những nhà nghèo đó. – Ông Nguyễn Văn Năm
Trước đó, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương của Việt Nam, đã cung cấp những phân tích chi tiết về cơn bão số 16. Theo ông Cường cho biết cơn bão 16 rất mạnh và là cơn bão có kỉ lục hoạt động trên biển Đông. Cấp độ thiên tai là cấp 4 và chưa bao giờ từng ra mức cảnh báo này ở Nam Bộ.
Theo các dự báo trước khi bão đổ bộ của các trung tâm khí tượng trong nước thì tốc độ gió của bão 16 đã chuyển từ cấp 9, lên cấp 12, giật cấp 13 và còn mạnh hơn, sóng biển có nơi cao từ 8m đến 10m. Toàn bộ khu vực vùng biển Trường Sa đến Côn Đảo, vùng ven bờ nước dâng trên 1 mét và có nguy cơ ngập lụt lớn. Và khu vực Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ bị ảnh hưởng rất nặng.
Ở Đất Mũi, Cà Mau, bà Nguyễn Thị Nhung, cư dân xã này chia sẻ: “Cũng nghe mưa dữ lắm mà giờ đỡ rồi, qua rồi. Những người nghèo rồi nhà không chắc chắn là đến trú bão, rồi họ cho mình ăn mì tôm bình thường vậy đó.”
Tại xã Đất Mũi, tất cả trẻ em được đưa vào ủy ban nhân dân xã để trú bão. Trong cái rét 20 độ C của vùng giáp biển, bốn bề là biển, nếu bão tiến vào cộng thêm với sóng cao 8 mét đến 10 mét thì khó có thể lường được xã Đất Mũi sẽ nếm thảm họa chừng nào. Bởi hầu hết nhà cửa tại xã Đất Mũi đều tạm bợ, nhà được cất trên nền đất sình hoặc bờ sông. Một khi bão đổ bộ, có thể nói mức độ thảm họa nó để lại cho dân nghèo là không thể tính hết.
Riêng tại huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, có thể nói tin bão làm cho người dân mất ăn mất ngủ, thậm chí tuyệt vọng. Bởi nhà cửa ở đây còn rất sơ sài, phần lớn nhà cửa tại huyện Ngọc Hiển là nhà mái lá, vách gỗ tạp hoặc nhà tôn vách lá tuềnh toàng.
Hà Tiên, chìm tàu đánh cá, một người chết
Ông Nguyễn Thành Luân, ngư dân, ngụ tại thị xã Hà Tiên, Kiên Giang chia sẻ: “Bão thì mất nhiều lắm, mất người anh tui nè. Bão lớn quá, chạy vào hòn để nấp nhưng không biết chạy sao mà ghe úp xuống rồi mất luôn.”
Ông Luân cho biết thêm là người anh trai của ông đã xấu số chết trong trận bão số 16 bởi bị chìm thuyền trong lúc cố gắng bơi vào bờ. Ngoài ra, số lượng hư hại ở các vùng ven Hà Tiên khá nặng nề, chủ yếu nhắm vào các gia đình nghèo, nhà cửa tạm bợ, như chính gia đình ông Luân, ông bị hỏng một số vật dụng do mưa tạt, gió tung. Với những gia đình nghèo như ông Luân, không có thứ tài sản nào quí hơn các vật dụng trong gia đình. Một khi bị thiên tai hoành hành, chỉ còn biết trắng tay.
Ông Luân bày tỏ mong ước:“Tui thì bão thì tui mong ước một căn nhà để vợ chồng tui nương tựa với nhau mùa bão để qua.”
Tui thì bão thì tui mong ước một căn nhà để vợ chồng tui nương tựa với nhau mùa bão để qua. – Ông Nguyễn Thành Luân
Có thể nói rằng hầu hết các gia đình nghèo sống dọc mũi Con Cọp (nơi mà cách đây vài tháng, tình trạng nghêu sò ốc hến và hải sản chết hàng loạt, dạt vào bờ) bị ảnh hưởng bão khá nặng nề. Bởi hầu hết nhà cửa của bà con người Khmer ở đây đều làm tạm bợ, không thể chống chọi nổi với một trận lốc nhẹ. Đời sống của bà con nơi đây nghèo khổ, đắp đổi qua ngày và chẳng có gì ổn định, giờ nhận thêm hậu quả của bão, có lẽ còn rất lâu mới có thể phục hồi!
Ông Lê Xuân Phai, một người dân ở Côn Đảo, chia sẻ: “Chìm tại bến một ít, chủ yếu là chìm tại bến. Khu dân cư thì tôi thấy tạm ổn, đã chuẩn bị dời vào nơi kiên cố hết rồi.”
Ông Phai cho biết thêm là hầu hết nhà cửa trên đảo tuy không bề thế nhưng xây dựng kiên cố để tránh gió bão. Nhờ xây dựng chống bão nên không có ngôi nhà nào bị sập hoặc tốc mái. Nhưng cây cối gãy đổ cũng nhiều và có hơn 20 tàu thuyền bị lật, chìm trong bến. Những thuyền nào chưa kịp vào bờ thì có lẽ đã mất tích, phải đợi đến khi bão tan mới đi tìm họ được.
Có thể nói rằng bão Tembin tuy không đi vào trực tiếp miền Nam Việt Nam nhưng nó lại cho thấy một đời sống thực với hàng triệu gia đình khó khăn chồng chất, nghèo khổ và kiệt quệ, nhiều gia đình sống tạm bợ ở khu vực Tây Nam Bộ Việt Nam. Và giả sử có bất kì một trận bão nào đổ bộ vào Tây Nam Bộ, có lẽ hậu quả của nó khó mà lường được.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/poor-vietnamese-and-storm-threat-12262017101753.html
Nhiệt điện Vân Phong, thêm một nỗi sợ
Nhiệt điện Vân Phong, thuộc xã Ninh Phước thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa do tập đoàn kinh tế Sumitomo Nhật Bản đề nghị đầu tư từ năm 2006, dự tính sẽ tiến hành vào đầu năm 2018 sau nhiều năm hoãn kế hoạch vì nhiều lý do khác nhau. Điều này tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó, sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường cũng như tái thiết đời sống người dân nơi công trình mọc ra vẫn là vấn đề gây bức xúc nhiều nhất.
Môi trường bị đe dọa
Một cư dân tỉnh Khánh Hòa, không muốn nêu tên, chia sẻ: “À nói chung là sẽ có tác hại về bên nguồn nước, vì nó là nguồn nước độc chứ có phải nước trong đâu mà không ô nhiễm, nó ô nhiễm nhiều chứ, nó đủ loại hết, nói ra nó nhiều vấn đề lắm!”
Theo vị này, vấn đề môi trường tại Việt Nam nói riêng và môi trường của địa cầu đang ngày càng xấu đi là chuyện đã đến lúc con người phải biết dừng lại tất cả mọi hành vi xúc phạm đến môi sinh để đảm bảo tương lai không quá xấu.
Hiện tượng cháy rừng, bão lụt, thiên tai dường như có mặt mọi nơi trên thế giới, ngay cả những nơi được xem là thành trì an toàn để tránh thiên tai, dịch họa vẫn bị dính thiên tai trong thời gian gần đây.
Điều này cho thấy trái đất đang nóng dần lên, bầu khí quyển đang ngày càng xám xịt, sức khỏe con người đang ngày càng trở nên tệ hơn và mọi thứ chung quanh con người ngày càng độc hại. Thêm một
nhà máy thủy điện mọc ra là thêm một mảng thiên nhiên bị cạo trọc để gắn bom nước, thêm một nhà máy nhiệt điện là thêm một lần lá phổi thiên nhiên phải hưởng khói độc.
Nói chung là sẽ có tác hại về bên nguồn nước, vì nó là nguồn nước độc chứ có phải nước trong đâu mà không ô nhiễm. – Người dân
Hiện tại, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đã có mặt khắp ba miền Việt Nam nhưng giá điện vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó, quĩ đất sử dụng cho nhiệt điện là cả một vấn đề khác đáng bàn. Tại Vân Phong, để xây dựng nhà máy nhiệt điện, phải tốn diện tích hơn 514,79 hecta bao gồm 178,4 hecta khu vực nhà máy, 68 hecta bãi xỉ, nhà ở chuyên gia rộng 3,4 hecta và diện tích mặt nước 265 hecta. Giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 2 tổ máy với công suất 1.320MW, tổng vốn hơn 2 tỷ Mỹ kim.
Chuyện lời lỗ chưa biết, nhưng mức độ tốn kém diện tích đất và nguy cơ về môi trường là thấy rõ trước mắt. Vấn đề bụi than, xỉ than, nguồn nước sinh hoạt của người dân chung quanh nhà máy sẽ ô nhiễm là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là chưa nói đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp sẽ bị nhiễm bẩn về lâu về dài. Trong khi đó, sự khủng hoảng về một nền nông nghiệp sạch của Việt Nam hiện nay là hết sức trầm trọng.
Vị này đặt câu hỏi tại sao trên thế giới, các nước tiến bộ đã bỏ gần hết nhà máy thủy điện, nhiệt điện mà tại Việt Nam, một nước phát triển sau, thừa kế được kinh nghiệm phát triển của thế giới lại chọn những thứ người ta bỏ đi?
Lộn xộn chuyện đất đai
Một cư dân Ninh Hòa, Khánh Hòa không muốn nêu tên, chia sẻ: “Bên nhà nước đưa ra thì người dân phải chấp nhận chứ không chối cãi được vì chúng tôi là dân mà, nhưng người dân yêu cầu nhà nước, chính phủ phải làm sao để khỏi bị ô nhiễm để người dân chúng tôi ở. Vì chúng tôi là người dân gốc từ lúc khai hoang, vậy làm sao chúng tôi di dời được. Vậy nên dân chúng tôi yêu cầu sao đừng ô nhiễm, đừng để tác hại đến chúng tôi, chứ nhà nước ở trên, làm sao dân chúng tôi cãi được.”
Ông Hoàng Trung, chủ một đại lý kinh doanh hành tỏi ở Khánh Hòa, chia sẻ: “Trồng ở dưới đó (Ninh Yển) là nhiều nhưng giờ người ta làm nhiệt điện nên giải tỏa khu đó hết rồi. Người dân phải đi mua đất chỗ khác để trồng. Người ta giải tỏa, để họ trồng nhưng họ lấy lại giờ nào không biết, giờ họ lấy hết rồi.”
Ông Hoàng Trung chia sẻ thêm về vấn đề đất đai, qui hoạch. Theo ông, hầu hết người Khánh Hòa đều không mong muốn có thêm một nhà máy nhiệt điện hay thủy điện nào trên tỉnh này. Bởi hậu quả của thủy điện, nhiệt điện ở các tỉnh trong thời gian qua cũng quá đủ để người dân lo sợ khi nó xuất hiện.
Bên nhà nước đưa ra thì người dân phải chấp nhận chứ không chối cãi được vì chúng tôi là dân mà. – Người dân
Bên cạnh đó, quĩ đất canh tác nông nghiệp đang càng ngày càng bị thu nhỏ. Dân số ngày thêm đông đúc, chỉ riêng đất ở không thôi cũng đã là chuyện đau đầu, giờ thêm chuyện đất nông nghiệp thu hẹp và chuyên gia, công nhân ngoại quốc vào Việt Nam ngày càng đông, họ không đơn thuần vào Việt Nam để làm công ăn lương mà họ còn lấy vợ Việt Nam, đẻ con tại Việt Nam và mua đất, làm nhà theo hộ khẩu vợ Việt Nam đang ngày thêm nhiều. Về lâu về dài, đây là câu chuyện không đơn giản.
Theo ông Trung, việc thị xã Ninh Hòa vừa tổ chức cưỡng chế các gia chưa di dời để thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 tại thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa. Ngay sau đó, các gia đình còn lại đã tự nguyện di dời để kịp tiến độ khởi công dự án vào đầu năm 2018. Trong số 340 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, có 97 trường hợp phải tái định cư.
Các gia đình thuộc diện tái định cư được bố trí về khu tái định cư Ninh Thủy. Tuy nhiên, do khu tái định cư triển khai chậm tiến độ nên đến nay mới chỉ có khoảng 10 gia đình về đây ở. Các gia đình còn lại tự mua đất ở xã Vạn Hưng huyện Vạn Ninh, hoặc xã miền núi Ninh Sơn để tiếp tục làm nghề trồng tỏi… Điều này cho thấy không phải người dân nào cũng chấp nhận hoặc đồng thuận với việc di dời và tái định cư.
Nghề trồng hành, trồng tỏi được xem là nghề mũi nhọn của người dân xã Ninh Phước, khi bị di dời về khu tái định cư chật chội, không còn đất để trồng hành, trồng tỏi, liệu số tiền đền bù có đủ để các gia đình đã nhận đền bù sống, thay đổi công việc và ổn định kinh tế? Hay là các gia đình này lại rơi vào tình trạng bi đát của rất nhiều gia đình tái định cư tại Việt Nam là công việc không ổn định, đi tứ xứ làm thuê và kinh tế bấp bênh, tương lai mù mịt?
Dù người dân đồng thuận hay phản đối thì nhiệt điện Vân Phong cũng sẽ tiến hành xây dựng vào năm 2018, điều này giống như thức ăn đã lên mâm lên dĩa, khó mà trả nó về trạng thái nguyên liệu được nữa. Và thêm một lần nữa, lá phổi thiên nhiên và đời sống con người bị đảo lộn do nhiệt điện gây nên.
Việt Nam diễn tập đối phó khủng bố trên máy bay
Một buổi diễn tập với sự tham gia của gần 1000 người ứng phó khủng bố được thực hiện ở Cam Ranh hôm 26/12. Cuộc diễn tập có sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam, ông Trương Hòa Bình.
Đây là cuộc diễn tập do Ủy ban Anh ninh hàng không dân dụng quốc gia đã phối hợp với các bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Cuộc diễn tập được gọi là diễn tập khẩn nguy hàng không cấp quốc gia năm 2017.
Nội dung diễn tập là tình huống giả định một chuyến bay cất cánh từ Lâm Đồng đến Sài Gòn bị một nhóm khủng bố trên máy bay dùng vũ lực tấn công, uy hiếp, và bắt giữ hành khách làm con tin.
Các lực lượng chức năng diễn tập triển khai các giải pháp xử lý như thương thuyết, tấn công, bắt giữ khủng bố, giải thoát con tin, xử lý bom mìn, chửa cháy, cứu hộ.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi diễn tập rằng cần nên lưu ý bối cảnh tình hình an ninh thế giới đang diễn biến phức tạp, các lực lượng khủng bố, tội phạm ngày càng có xu hướng sử dụng hàng không dân dụng để hành động.
Việt Nam ra cáo trạng
đối với ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh
Chính quyền Việt Nam hôm 26/12 ra cáo trạng truy tố ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng trong vụ án “cố ý làm trái quy định” và “tham ô tài sản.” Theo đó, ông Thanh sẽ đối mặt với án tử hình trong phiên tòa dự kiến vào tháng 1/2018 và ông Thăng có thể đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù.
Truyền thông trong nước hôm 26/12 loan tin, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng với 20 bị can khác.
Ông Trịnh Xuân Thanh phạm hai tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “ Tham ô tài sản” quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Báo Pháp Luật
Báo Pháp Luật trích cáo trạng nói ông Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, ông Thăng có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Ông Thăng bị cho là đã chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo công ty con PV Power ký hợp đồng với PVC ‘trái quy định’. Sau đó ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để ông Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích.
Truyền thông trong nước trích lời Bộ Công An nói rằng ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Thăng, cũng đã bị bắt, đã chuyển một vali chứa 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh.
Về phần ông Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, đã chỉ đạo cấp dưới chi cho PVC hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo trạng, ông Thanh phạm hai tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “ Tham ô tài sản” quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999, Báo Pháp Luật cho biết.
Báo chí Việt Nam dẫn lời giới thẩm quyền, nói rằng trong quá trình điều tra, ông Thanh “khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội”, và sau khi phạm tội “đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở điều tra” và đó là những tình tiết cần xem xét “để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc”.”
Vào đầu tháng này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố muốn “khẩn trương” đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ông cho là một vụ án “đặc biệt.” Đầu năm nay, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố sẽ “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh để đưa về nước xét xử.” Nhiều chuyên gia cho rằng “bắt cóc” ông Thanh và đưa ông về Việt Nam nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin DPA của Đức tường thuật rằng chính phủ Đức và sứ quán Đức đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo trong vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh, và sẽ đưa ra những quyết định thích hợp cho mối quan hệ song phương với Việt Nam. Cũng theo hãng thông tấn Đức, Việt Nam “đã biết lập trường của chính phủ liên bang Đức đối với một bản án tử hình” trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong một email ngày 20/12 vừa qua, Sứ quán Đức khẳng định với VOA-Việt ngữ: “Chúng tôi có kế hoạch quan sát phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh.”
Phiên tòa xử ông Thanh có nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào ngày 10/1/2018, theo luật sư người Đức từng làm thủ tục xin tị nạn cho ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf.
‘Thanh – Thăng’: Nước cờ mạo hiểm của Tổng bí thư Trọng
Theo chính phủ Đức, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Berlin và đưa về Việt Nam hôm 23/7, ông được coi là một ‘mắt xích quan trọng’ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch gọi là “đốt lò” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây chấn động sau khi Ủy viên bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt hôm 8/12.
Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là “thuộc hạ thân tín” của ông Đinh La Thăng. Cả 2 từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị Hà Nội cáo buộc tội danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”
Bão Tembin tới gần Côn Đảo, nhưng được dự báo giảm cấp
Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Việt Nam cho biết siêu bão Tembin đang có xu hướng yếu dần để trở thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới. Tuy nhiên dự báo các tỉnh miền Nam sẽ có mưa to, gió giật, kéo dài 2-3 ngày do ảnh hưởng của bão. Tin của kênh 14.vn cho biết tâm bão có thể sẽ không đổ bộ vào đất liền Việt Nam, như từng lo sợ trước đó.
Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết vào lúc 16 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão Tembin nằm cách Côn Đảo khoảng 200km về hướng Đông.
Trung tâm cho biết là trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần. Tuy nhiên vì ảnh hưởng của bão, nhiều tỉnh miền Nam và miền Trung tiếp tục có mưa to và gió giật.
Thông tin mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết bây giờ bão Tembin có xu hướng đi về miền Nam và giảm cấp độ, tuy tâm bão không đi vào đất liền nhưng các tỉnh ven biển được khuyến cáo phải đề cao cảnh giác vì mưa to và gió giật.
Tuy nhiên Báo Thanh niên chiều tối 25.12.2017, tường trình rằng siêu bão Tembin đã bắt đầu ập vào huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, mặc dù tâm bão còn cách đến hơn 100 km.
Suốt nhiều ngày qua dân chúng Việt Nam hồi hộp theo dõi đường đi và cường độ của bão, nhiều người đã sơ tán hoặc chuẩn bị sơ tán để tránh cơn thịnh nộ của trận bão “mạnh nhất trong lịch sử”. Giới truyền thông nói nhà chức trách đã có kế hoạch sơ tán một triệu người ra khỏi các vùng bão.
Hãng tin Reuters dẫn lời Ủy ban Phòng chống Thiên tai nói 74.000 người đã được sơ tán ra khỏi các vùng dự báo bị tác động nặng nhất của bão, trong khi chính quyền 15 tỉnh thành đang chuẩn bị sơ tán tới hơn 1 triệu người.
Vẫn theo Reuters, hôm Chủ nhật, bão Tembin ập vào các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Reuters tường thuật rằng không có ca thương vong nào được báo cáo từ các trạm kiểm soát ở quần đảo này.
Việt Nam, như Philippines thường xuyên bị tàn phá bởi các cơn bão hình thành trên các vùng nước ấm ở Thái Bình Dương. Tembin là cơn bão lớn thứ 16 ập vào Việt Nam trong năm nay. Theo các số liệu chính thức, các cơn bão và thiên tai khác đã cướp mạng sống hoặc làm mất tích tới 390 người.
Tại Philippines, số tử vong do bão Tembin gây ra vượt quá 230 người.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-tembin-toi-gan-con-dao-nhung-duoc-du-bao-giam-cap/4178404.html