Tin Việt Nam – 26/11/2014
Nguyễn Phú Trọng thăm Nga ra tuyên bố chung ‘phản đối trừng phạt Nga’ – Thủ tướng Thái Lan thăm Việt Nam 27-29/11
Nga và Việt Nam ra tuyên bố chung nói việc “áp đặt cấm vận đơn phương… sẽ làm mất ổn định và gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế”.
Đây là một phần của Tuyên bố đưa ra trong chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trọng vừa kết thúc chuyến thăm, kéo dài từ 23 đến 26/11. Tại Moscow, Trọng đã gặp các lãnh đạo Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin.
Tuyên bố chung của hai nước viết: “Hai bên nhất trí rằng, sự can thiệp từ bên ngoài vào xung đột trong nước của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt cấm vận đơn phương không tính đến đặc thù chính trị nội bộ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và các đặc thù khác sẽ làm mất ổn định và gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế.”
“Hai bên nhấn mạnh không chấp nhận sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài vào công việc của các quốc gia có chủ quyền, trái với các chuẩn mực luật pháp quốc tế.”
Tuyên bố này được cho là nhằm phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu vì vai trò của Nga trong khủng hoảng ở Ukraine.
Nga và Việt Nam cũng tuyên bố “kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xét lại kết quả của Chiến tranh thế giới thứ II, phủ định vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong chiến thắng thế lực phát xít và chủ nghĩa quân phiệt”.
Trong phần liên quan tranh chấp Biển Đông, tuyên bố nói tranh chấp ở châu Á – Thái Bình Dương “cần được các bên liên quan giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng được xem là khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Tuyên bố chung nói cuộc gặp của Trọng với Putin “diễn ra trong bầu không khí hữu nghị truyền thống, cởi mở và tin cậy lẫn nhau”.
Bên cạnh và nối tiếp ngay theo sau, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29/11 để ‘củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước’.
Bình luận về chuyến thăm, một nhà quan sát chính trị của Thái Lan, nói Tướng Prayuth và người đồng cấp CSVN Nguyễn Tấn Dũng sẽ bàn bạc nhiều chủ đề, trong đó có Biển Đông.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Prayuth đến Việt Nam kể từ khi vị cựu tư lệnh lục quân của quân đội Thái này đảo chính chính phủ dân cử để lên nắm quyền hồi tháng Năm.
Trước Việt Nam, ông cũng đã đến thăm các nước láng giềng khác trong khối Asean như Miến Điện, Campuchia và mới nhất là Lào.
‘Quan tâm đến Việt Nam’
Tuy nhiên, ông Kavi Chongkittavorn, một nhà báo tự do, nhà bình luận ở Thái Lan, nói với BBC rằng Thủ tướng Prayuth đặc biệt quan tâm đến quan hệ với Việt Nam vì ‘Việt Nam có dân số đông và cũng giống như Thái Lan được xem là cường quốc bậc trung’.
Ông nói chuyến đi Hà Nội của ông Prayuth diễn ra ‘vào thời điểm thích hợp’ vì hai nước đã ký kế hoạch hành động chiến lược trong 5 năm và Hà Nội ‘rất cảm kích’ vai trò điều phối viên của Bangkok giữa Trung Cộng và khối Asean.
“Hai nước sẽ bàn thảo các biện pháp củng cố quan hệ,” ông Kavi Chongkittavorn nói, “Vào lúc này rất nhiều du khách Việt Nam đến Thái Lan cũng như nhiều người Thái đi du lịch ở Việt Nam.”
Về vai trò điều phối viên của Thái Lan, ông cho rằng nước này đang nỗ lực thúc đẩy tất cả các bên hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.
Mặc dù Bangkok đang có quan hệ rất tốt với Bắc Kinh, Thái Lan phải giữ thái độ trung lập trong vai trò điều phối của mình nếu không ‘các nước Asean sẽ không tin tưởng’.
“Là nước điều phối, Thái Lan phải đại diện cho cả khối Asean chứ không phải chỉ cho những nước có tranh chấp,” ông nói thêm.
“Mối quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Thái Lan có thể thúc đẩy tiến triển của quá trình đàm phán COC.”
Về quan hệ kinh tế giữa hai nước, ông Kavi Chongkittavorn nói thủ tướng hai nước sẽ bàn bạc các biện pháp để hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) vốn sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.
“Một số vấn đề trọng tâm mà hai bên sẽ bàn thảo là tình trạng buôn người. Cả hai nước đều xảy ra tình trạng buôn người ở trên biển và trên bộ,” ông nói.
Ông cũng cho biết Thủ tướng Prayuth đi thăm các nước láng giềng trong Asean sau khi lên nắm quyền là để ‘thúc đẩy tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau’.
Việc khối Asean trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua ở Miến Điện đã không hề nói về tình hình chính trị Thái Lan sau đảo chính ‘là dấu hiệu cho thấy Asean đã chấp nhận chính phủ của ông Prayuth’.
“Chính phủ Prayuth sẽ tiếp tục coi trọng mối quan hệ hợp tác với Asean,” ông nói. – Theo BBC
CSVN cho phép người nước ngoài mua nhà
Quốc hội CSVN hôm nay 26/11, đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi với đa số phiếu tán thành, trong đó có điều khoản cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Theo luật này, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, người nước ngoài được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm.
Báo chí trong nước dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết còn có nhiều đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Nhưng Lý cho biết, vấn đề cho người nước ngoài mua nhà đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Trung Cộng và Singapore.
Theo giới chức này, quy định như vậy tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và đảm bảo cam kết hội nhập của Việt Nam.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam “sẽ giúp tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản”. – Theo VOA
Tọa đàm chủ đề “Cơ chế của LHQ về Bảo vệ Người bảo vệ Nhân quyền”
Tọa đàm chủ đề ‘Cơ chế của Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ Người bảo vệ Nhân quyền’ diễn ra hôm nay 26 tháng 11 tại cơ sở sinh hoạt của Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội.
Đại diện Công an không dự
Ban tổ chức cuộc tọa đàm gồm Diễn đàn Xã hội Dân sự và Nhóm Công tác UPR Việt Nam trước ngày diễn ra cuộc tọa đàm đã công khai thư mời trên mạng, đồng thời gửi thư qua đường phát chuyển nhanh đến Bộ Công An và Sở Công an Hà Nội mời đại diện của hai cơ quan này đến tham dự.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thuộc Diễn đàn Xã Hội Dân sự, cho biết vào sáng ngày hôm trước buổi tọa đàm có người tự xưng từ A83 (Cục An ninh- Chính trị Nội bộ) của Bộ Công an gọi điện cho ông nói đã nhận được giấy mời. Tiến sĩ Nguyễn Quang A mời người này đi uống cà phê để trao đổi. Đích thân người gọi điện là cục phó A83 Dương Văn Cừ và Phó phòng NGO của A83 Nguyễn Xuân Nam đến gặp tiến sĩ Nguyễn Quang A và cả ba có cuộc nói chuyện kéo dài từ hai giờ đến ba giờ 20 phút chiều ngày 25 tháng 11. Một nội dung chính được tiến sỹ Nguyễn Quang A thuật lại là cả hai người từ A83 Bộ Công an đều từ chối không thể đến dự buổi tọa đàm vì nếu đến dự là phạm pháp. Hai cán bộ Công an nêu ra những quyết định của thủ tướng và ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với kết luận cuộc tọa đàm là trái với những quyết định như thế. Cả hai đề nghị tiến sĩ Nguyễn Quang A can thiệp để hoãn buổi tọa đàm, chờ giấy phép của chính quyền. Một điểm được hai viên cán bộ công an đưa ra là Nhà Thờ Thái Hà là điểm nhạy cảm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng thuật lại là đối với yêu cầu can thiệp hoãn buổi tọa đàm, ông lập luận là những quyết định mà hai cán bộ A83 nêu ra là vi hiến nên ông không và không thể khuyên hoãn lại. Về vấn đề địa điểm, thì tiến sỹ Nguyễn Quang A nói bản thân những người tổ chức muốn tiến hành cuộc tọa đàm tại một nơi công cộng, trung lập nhưng bị phía công an ngăn cản như lần ở Khách sạn New World tại Sài Gòn vừa qua.
Ngăn chặn
Ngoài cuộc nói chuyện với hai cán bộ A83 như vừa nêu, tiến sỹ Nguyễn Quang A còn cho biết cảnh sát khu vực và ủy ban nhân dân phường nơi ông cư trú cũng muốn gặp ông vào chiều tối ngày 25 tháng 11, nhưng ông từ chối và bảo họ nên hỏi lại nội dung từ các cán bộ A83.
Vào sáng ngày diễn ra buổi tọa đàm, tiến sỹ Nguyễn Quang A ra khỏi nhà và ông bị an ninh đi theo cản trở trên đoạn đường được ước lượng cả hơn chục kilomet. Ông kể lại việc ngăn chặn đó như sau:
“Tôi đi từ khoảng 5 giờ sáng, ra đến đường cách nhà tôi khoảng 200 mét, có một chục người đi xe máy, đi bộ bám theo. Tôi đi bộ khoảng 500 mét đến bến ô tô buýt, họ tìm mọi cách cản không cho tôi lên ô tô buýt. Tôi vẫy taxi thì họ không cho lên taxi và đuổi taxi đi; lên xe máy cũng như vậy. Cuối cùng cách duy nhất là tôi phải đi bộ trên vỉa hè. Họ cũng đi theo và khuyên tôi nên về, làm thế không kết quả gì đâu… Tôi thuyết phục họ lại ‘chuyện này rất tốt cho các bạn’. Tôi mời họ đi cùng tôi đến Nhà thờ Thái Hà để dự cuộc tọa đàm đó.
Cứ dùng dưa như thế và tôi đi bộ khoảng 4 cây số đến đầu cầu Chương Dương. Cầu này không cho người đi bộ. Họ nghĩ đến đó cũng tắc thôi, phải đi về. Nhưng tôi rẽ tay phải lên cầu Long Biên. Họ cũng theo lên cầu Long Biên, người đi xe, người đi bộ. Tôi đi bộ qua cầu Long Biên sang đến bên kia và tôi tiếp tục đi bộ cho đến chỗ đường đê La Thành cắt với đường Hàng Bột cũ. Lúc đó đi bộ cũng được mấy tiếng rồi và tôi cũng mời họ vào uống cà phê, ăn phở nhưng họ không dám vào, chỉ có một anh vào thôi. Đến cách nhà thờ Thái Hà khoảng 500-600 mét thì họ tụ tập đủ 10 người, họ nói thẳng không đi được đâu, họ chặn cả vỉa hè, không có lối đi bộ nữa.
Tôi gọi điện cho anh em ở Thái Hà ra. Có 5-6 người ra và họ không cản được nữa thì tôi lại đi bộ tiếp đến chỗ rẽ vào nhà thờ Thái Hà, lúc này số lượng của họ trên 30 người. Họ vây quanh tôi và tìm mọi cách để đưa tôi sang bên kia đường. Dùng dằng như thế chừng 10-15 phút, những anh em bên trong hội thảo và đặc biệt có đại diện Đại sứ quán Mỹ, Úc, và Anh ra. Với số người như thế, lúc đó tôi lẻn đi vào nhà thờ được. Lúc đó đúng 9 giờ.”
Ngoài trường hợp của tiến sỹ Nguyễn Quang A, một số người tham gia hoạt động xã hội dân sự và quyền con người, cũng bị an ninh theo dõi hay ngăn cản không đến được buổi tọa đàm.
Vào chiều tối ngày 25 tháng 11, một công an và dân phòng phường Quang Trung vào Nhà Thờ Thái Hà đòi kiểm tra tạm trú nhưng giáo dân phản ứng buộc họ phải ngưng lại. Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng cho biết Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có gửi văn bản cho Nhà thờ Thái Hà ngưng cuộc tọa đàm chờ giấy phép.
Bài học ghi nhận
Tuy nhiên, sinh hoạt cũng diễn ra và nhiều người cũng đã có mặt tại buổi tọa đàm như tiến sỹ Nguyễn Quang A.
Một trong những người tham dự, anh Trịnh Bá Phương, con trai của hai tù nhân dân oan chống lại việc thu hồi đất bất công Cấn Thị Thêu- Trịnh Bá Khiêm, trình bày ý kiến của anh sau khi tham dự buổi tọa đàm như sau:
“Tới đây nhân dân Dương Nội sẽ căn cứ vào Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và các Công ước về quyền ân sự và chính trị mà chính Việt Nam tham gia ký kết, bám sát vào những quyền đó để đấu tranh. Đấu tranh trong ôn hòa, đấu tranh bất bạo động.”
Buổi tọa đàm ngoài sự tham gia của những nhà hoạt động từ nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam, còn có đại diện của 8 cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội.
Ban tổ chức cuộc tọa đàm cho biết tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền, viết tắt theo tiếng Anh là UPR, ở Geneve hồi tháng 6 vừa qua, Hà Nội chấp nhận một số khuyến nghị về việc công nhận, bảo vệ và bảo đảm môi trường hoạt động cho những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Cụ thể một số khuyến nghị được Hà Nội chấp nhận là khuyến nghị số 143, 149 của Luxembourg, khuyến nghị 143, 162 của Na Uy , và khuyến nghị 143, 167 của Tunisia.
Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tháng 11 năm ngoái.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam trở nên “tồi tệ hơn” sau kỳ UPR.
Mục tiêu của buổi tọa đàm là nhằm “phổ biến và giám sát” quá trình thực thi những khuyến nghị trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) hồi tháng Sáu, thông cáo viết.
Trong kỳ UPR hồi giữa năm nay, phía Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị từ Luxembourg, Na Uy và Tunisia về việc “công nhận, bảo vệ và bảo đảm môi trường hoạt động cho những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam”, thông cáo cho biết thêm. Sau đây là phỏng vấn của BBC với TS Nguyễn Quang A:
BBC: Xin ông cho biết một số diễn biến chính trong buổi tọa đàm sáng nay?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Số người dự cuộc tọa đàm sáng nay là trên 70 người, trong đó có một đại diện của khối Liên hiệp châu Âu, bảy đại diện từ các đại sứ quán của Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc và nhiều nước khác.
Khi tôi chuẩn bị lên xe buýt thì có 10 an ninh quận Long Biên xúm lại ngăn chặn. Tôi vẫy taxi thì họ đuổi taxi đi.
Tôi chỉ còn cách duy nhất là đi bộ và họ bám theo tôi suốt từ nhà đến nhà thờ Thái Hà.
Tuy nhiên diễn biến trong phòng tọa đàm rất suôn sẻ. Chương trình đã bắt đầu đúng giờ và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa theo kế hoạch.
BBC: Mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn của những buổi tọa đàm thế này là gì, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Mục tiêu cuộc tọa đàm thực chất là để giới thiệu cho công chúng Việt Nam, những người trong bộ máy công quyền hiểu rõ những người bảo vệ nhân quyền là ai, có những quyền gì và nghĩa vụ của nhà nước là ra sao.
Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là giúp những cuộc tọa đàm ôn hòa, mang tính xây dựng và phổ biến kiến thức được tổ chức nhiều hơn nhằm củng cố sức mạnh cho xã hội dân sự tại Việt Nam.
Khi xã hội dân sự phát triển lên và có nhiều hoạt động như thế thì chính quyền sẽ hiểu rằng các hoạt động này là tốt cho đất nước, không phải do các thế lực thù địch xúi giục để làm hại đất nước.
Khi đã hiểu ra thì người ta có thể sửa đổi các quy định pháp luật để những hoạt động như vậy không còn gặp những trở ngại như ngày hôm nay.
BBC: Khi chính quyền không công nhận những tổ chức dân sự độc lập thì điều đó gây những khó khăn gì cho những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Có nhiều loại nhân quyền, như quyền của người khuyết tật, quyền người nhiễm HIV, quyền phụ nữ, dân tộc thiểu số, quyền làm kinh tế.
Nếu là những tổ chức bảo vệ cho các quyền đó thì họ có thể đăng ký hoạt động đàng hoàng ở Việt Nam.
Tuy nhiên những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền tù nhân thì bị chính quyền coi là nhạy cảm và gây khó khăn, có muốn đăng ký cũng không được.
Họ coi những tổ chức đó là bất hợp pháp.
Trong khi đó quy định của Liên Hiệp Quốc quy định không phân biệt giữa các tổ chức đăng ký hay không đăng ký và nhà nước phải tạo thuận lợi cho bất cứ tổ chức nhân quyền nào.
Tại phiên UPR vừa rồi, chúng tôi đã gặp Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và đại diện các nước EU, tất cả đều tôn trọng và công nhận chúng tôi, rất đáng tiếc chúng tôi lại không được công nhận ở chính nước mình.
Tuy nhiên theo đúng như tinh thần chung thì chúng tôi coi chúng tôi là những tổ chức hợp pháp, không quan trọng là có đăng ký hay không.
Chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh ôn hòa để thuyết phục họ rằng nếu họ để các tổ chức dân sự như chúng tôi được đăng ký thì điều đó sẽ chỉ có lợi cho đất nước và cho chính bản thân họ.
Tất nhiên là trong thời gian vẫn bị xem là bất hợp pháp thì hoạt động của chúng tôi sẽ còn nhiều khó khăn.
BBC: Ông có thấy những cải thiện đáng kể nào về nhân quyền tại Việt Nam kể từ sau kỳ UPR vừa qua hay không?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Những lời nói của Thủ tướng trong đầu năm và suốt thời gian vừa qua thì có nhiều điểm nghe rất hay. Nếu làm được những gì đã nói thì rất tốt.
Nhưng tôi vẫn chưa thấy có chuyển động có ý nghĩa gì về mặt nhân quyền cả.
Trước phiên kiểm điểm họ mềm dẻo đi một chút, và sau đó thì đâu lại hoàn đấy.
Vừa qua chúng ta chứng kiến việc bắt giữ ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Ngay cả Điếu Cày và Cù Huy Hà Vũ có được thả cũng bị đẩy sang Mỹ.
Bên cạnh đó, còn các vụ mới đây như phiên xử phúc thẩm các nông dân Dương Nội và hành hung ông Dương Minh Đức và nhiều người khác.
Tôi thấy rằng lời nói hay nhưng không đi đôi với việc làm, và dường như tình hình nhân quyền sau phiên UPR lại tồi đi. – RFA, BBC