Tin Việt Nam – 26/09/2018
Thêm 15 người biểu tình
chống dự luật đặc khu bị án tù
Tòa án Nhân dân huyện Bắc Bình (Bình Thuận) sáng 26/9 đã tuyên án tổng cộng 52 năm tù cho 15 người bị cáo buộc tham gia gây rối trật tự công cộng tại xã Phan Rí Thành hôm 11/6.
Truyền thông trong nước loan tin trên cho biết 15 người bị mang ra xét xử có độ tuổi từ 18 tới 33 và bị tuyên án từ 2 tới 4 năm rưỡi tù giam cho mỗi cá nhân.
Báo trong nước nói phiên tòa được tiến hành công khai tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Bắc Bình, nhưng các nguồn tin khác cho biết 15 người bị mang ra xét xử không có luật sư bảo vệ.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng dẫn cáo trạng được công bố tại phiên tòa cho rằng vào ngày 11/6, rất nhiều người dân tham gia tụ tập đông người trên Quốc lộ 1A (thuộc địa phận thôn Bình Long, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình) làm mất an ninh trật tự, cản trở giao thông. Các đối tượng quá khích đã la hét, chửi bới, dùng dậy, gạch, đá và bom xăng tấn công lực lượng Cảnh sát cơ động làm lực lượng này phải di chuyển vào trụ sở Đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn phía Bắc – Công an tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, lực lượng này tiếp tục bị tấn công khiến một số bị thương. Nhiều xe máy, ô tô và tài sản công quyền bị đập phá, đốt cháy. Cơ quan chức năng nói tổng thiệt hại gần 12 tỷ đồng.
Thân phụ của một người bị đưa ra xử trong ngày 26 tháng 9 vào chiều cùng ngày cho Đài Á Châu Tự Do biết:
Nó kêu mình vô tham dự thì nghe nói thôi chứ đâu có nói gì được đâu. Nhà nghèo khổ đâu có tiền thuê luật sư. Công an tới nhà hăm, nói là mướn luật sư thì cũng tiền mất tật mang à. Nó nói tiền mất tật mang thôi, trong nội bộ nó xử.
Bản tin hãng Reuters vào ngày 26 tháng 9 nêu rõ mặc dù có những cải cách sâu rộng nhưng chính quyền Việt Nam do Đảng cộng sản cai trị vẫn ít chấp nhận những bất đồng. Hiến pháp nhà nước Việt Nam cho phép quyền tự do hội họp nhưng những cuộc biểu tình thường bị công an giải tán với lý do cản trở giao thông…
Reuters cũng cho biết đã có hàng chục người đã bị bỏ tù tại Việt Nam vì tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào các ngày 10 và 11/6 nhằm chống lại dự luật Đặc khu cho phép Trung Quốc thuê đất trong vòng 99 năm.
Phiên tòa dự kiến cho nhóm bị cáo buộc
tội lật đổ sẽ diễn ra vào đầu tháng 10
Phiên xử sơ thẩm các anh Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung, Từ Công Nghĩa, Nguyễn Quốc Hoàn về cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo kế hoạch dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/10/2018 tới đây.
Phiên sơ thẩm được tiến hành sau gần hai năm bắt giữ những người vừa nêu.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 25/9, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong các luật sư bào chữa cho chúng tôi biết:
Cả nhóm đều bị xét xử về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Tội của họ bị ghi vào khoản 1, là tội có hình phạt cao nhất. Theo dõi khoảng thời gian vừa rồi thì thấy chính quyền có xu hướng phạt tội thuộc về an ninh quốc gia rất nặng. Giả sử như vụ ông Lê Đình Lượng, chỉ có một mình ông thôi mà bị tuyên tới 20 năm. Bởi vậy đối với vụ xử anh Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ chúng tôi rất e ngại hình phạt cũng sẽ nặng.
Luật sư Mạnh cho chúng tôi biết thêm là ông được gặp các thân chủ của mình. Ông nói:
Chúng tôi được tạo điều kiện gặp nhưng hiện nay họ làm theo quy định là thời gian luật sư gặp và làm việc chỉ có 60 phút. Và khi làm việc như vậy thì có công an viên ngồi bên cạnh giám sát sự việc và họ ghi chép lại. Hiện nay giới luật sư đang phản ứng vấn đề này, bởi khi công an ghi chép thì chắc là họ sẽ báo cáo lại cho Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra và thậm chí cả tòa án. Lẽ ra những trao đổi giữa luật sư và thân chủ phải hết sức kín đáo. Nếu Cơ quan điều tra, tòa án biết trước hết mọi trao đổi thì sẽ gây khó khăn rất nhiều cho luật sư.”
Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Lưu Văn Vịnh, cũng xác nhận với RFA về thông tin chồng bà sẽ phải ra tòa vào ngày 5 tháng 10 tới đây:
Gia đình em nhận được thông tin từ luật sư Nguyễn văn Miếng và Đặng Đình Mạnh. Luật sư cho biết sáng ngày 5/10 sẽ xử. Họ chỉ thông báo cho anh Vịnh và cho luật sư biết thôi chứ gia đình họ không thông báo.
Bà Thập cho biết thêm sức khỏe của chồng bà vẫn tốt và tinh thần ổn định, ông luôn cho rằng bản thân không phạm tội gì. Ngoài ra bà còn cho biết gia đình luôn bị gây khó dễ về chỗ ở và công việc làm ăn.
Hồi tháng 5/2018, nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện cho rằng việc giam giữ nhà hoạt động dân chủ Lưu Văn Vịnh kể từ tháng 11 năm 2016 là tùy tiện và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho ông Vịnh.
Nhóm làm việc này cho biết là Chính phủ Việt Nam đã không cung cấp được một bằng chứng nào chứng tỏ ông Vịnh đã thực hiện những hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên bố khi bắt giam ông.
Xin nhắc lại, ông Lưu Văn Vịnh năm nay 51 tuổi, sinh quán tại Hải Dương, và bị bắt tại Sài Gòn.
Ông Vịnh đã thành lập một tổ chức có tên gọi là Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết vào tháng 7/2016, nhằm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nhiều lần tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phản đối nhà máy thép Forrmosa sau thảm họa môi trường Forrmosa Vũng Áng vào năm 2016.
Sau khi bị bắt vào tháng 11/2016, vào tháng 8/2017 ông lại bị cơ quan an ninh Việt Nam gia hạn điều tra lần thứ hai.
Tổng bí thư nói thế lực thù địch xúi giục công nhân
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vào ngày 25 tháng 9 lặp lại ý kiến cho rằng giới công nhân trong nước bị xúi giục bởi thế lực mà giới lãnh đạo Việt Nam cho là thù địch tiến hành những cuộc biểu tình.
Ý kiến lặp lại như thế của ông Nguyễn Phú Trọng được đưa ra khi ông này đến phát biểu tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 đang diễn ra ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình ở Hà Nội.
Nguyên văn lời ông Nguyễn Phú Trọng được truyền thông trong nước trích dẫn “ tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”
Ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam nhắc nhở trước đại hội là trong tình hình hiện nay, tổ chức công đoàn phải tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ đảng, coi đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công nhân.
Giai cấp công nhân luôn được xếp hàng đầu trong các lực lượng mà đảng cộng sản huy động cho cuộc đấu tranh giai cấp với thế lực phong kiến, tư bản. Tại Việt Nam là trong cuộc cách mạng do đảng cộng sản lãnh đạo từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay.
Tuy nhiên nhiều công nhân tại Việt Nam hiện nay cho rằng họ không được thụ hưởng những thành quả cuả cuộc cách mạng vô sản mà đảng cộng sản Việt Nam hô hào.
Tại mọi nhà máy đều có công đoàn cơ sở. Thế nhưng những người này không do chính công nhân bầu ra mà luôn bảo vệ cho quyền lợi của giới chủ.
Tình trạng bị chèn ép, lương thấp, chế độ lao động không thỏa đáng dẫn đến nhiều cuộc biểu tình của công nhân để đòi hỏi quyền lợi. Ngoài biểu tình đòi hỏi quyền lợi, nhiều công nhân còn tham gia biểu tình để nói lên chính kiến của họ như trong đợt biểu tình vào giữa năm 2014 phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Gần nhất vào những ngày 9 và 10 tháng 6 vừa qua nhiều công nhân tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương tham gia biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng. Cơ quan chức năng cho rằng công nhân bị ‘thế lực thù địch’ xúi giục đi biểu tình. Trong khi đó nhiều công nhân nói rõ họ ý thức được quyền của bản thân và nguy cơ của nước nhà trước những mối nguy hiện nay.
Động đất gần khu vực Thủy Điện Sông Tranh
ở Quảng Nam
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thông báo vào sáng ngày 26/9 một trận động đất 3,1 độ Richter xảy ra gần đập thủy điện Sông Tranh 2.
Tin nói rõ, trận động đất xảy ra ở độ sâu hơn 8 km, vị trí tâm chấn nằm khu vực huyện miền núi Bắc Trà My gần đập thủy điện Sông Tranh 2. Và đây là trận động đất lần thứ 74 xảy ra tại khu vực này tính từ đầu năm 2017 đến nay.
Viện trưởng viện vật lý địa cầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh giải thích rằng ở nơi các công trình thủy điện lớn thường xảy ra các trận động đất kích thích, sau một thời gian nhất định sẽ hết nhưng thủy điện Sông Tranh là trường hợp đặc biệt, tuy có giảm về cường độ nhưng số lượng lại không giảm.
Khi bắt đầu có những trận động đất sau khi Thủy điện Sông Tranh tích nước, dân chúng địa phương khá hoang mang; nhất là một số nhà cửa của họ bị nứt bởi chấn động gây nên.
Đề nghị cho chuyển nhượng lại đất ở Bắc Vân Phong
Ủy ban Nhân dân huyện Vạn Ninh, đơn vị quản lý hành chánh nơi được dự kiến trở thành đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép huyện được tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất trở lại theo các quy định của Luật đất đai.
Đây là thông tin được Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa ông Trần Xuân Tây nói với báo chí vào chiều ngày 26 tháng 9.
Trong công văn, huyện Vạn Ninh nêu rõ thời gian qua việc quản lý đất đai ở địa phương này đã được tăng cường và hiện đã ổn định trở lại. Tuy nhiên nhiều hồ sơ về đất đai của người dân nộp nhưng huyện Vạn Ninh không thể tiếp nhận, vì vậy huyện đề nghị tỉnh tạo điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Trước đó, vào ngày 9 tháng 5, tỉnh Khánh Hòa đã ra công văn yêu cầu tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện tách thửa cho đến khi luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là luật đặc khu, có hiệu lực.
Ngay sau đó huyện Vạn Ninh đề nghị tỉnh cho gỡ một phần lệnh cấm, tức là xin được giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất của những hộ vừa có đất ở vừa có một phần đất nông nghiệp lâu năm trên cùng một thửa ruộng. Kiến nghị này lúc đó được tỉnh Khánh Hòa chấp nhận. Đến nay, huyện Vạn Ninh xin gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.
Trong thời gian vừa qua báo chí thường xuyên phản ánh tình trạng gom đất, sốt đất ảo tại huyện Vạn Ninh, cũng như tình trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất trái phép trên các đảo ở huyện này.
Huyện Vạn Ninh là nơi dự kiến thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là đặc khu Bắc Vân Phong. Thời gian qua công luận phản đối mạnh mẽ dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm. Lý do phản đối vì có ý kiến cho rằng quy định như thế không khác gì là nhượng quyền cho nhà đầu tư; và trong tình thế hiện nay thì giới đầu tư Trung Quốc sẽ thâu tóm những đặc khu như thế.
Trước những phản đối của đông đảo người dân, Quốc hội VN phải hoãn việc bàn dự luật đặc khu tại kỳ họp thứ 5 và cả kỳ họp thứ 6 theo kế hoạch sẽ khai mạc vào tháng 10 này.
Trong những ngày 10 và 11 tháng 6 vừa qua, nhiều cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu và an ninh mạng nổ ra tại nhiều nơi trên cả nước. Có cuộc biểu tình trở thành bạo động và nhiều người tham gia đã bị bắt, bị kết án tù.
Hai nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng
chưa được di dời
Hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm ở Đà Nẵng vẫn chưa thể di dời được dù đã qua thời hạn chót là ngày 26/9.
Theo báo Thanh Niên, ngày 26/9 là hạn cuối của thời hạn 6 tháng mà UBND TP. Đà Nẵng gia hạn hoạt động cho 2 nhà máy thép để giải quyết các thủ tục di dời.
Hai nhà máy thép ở xã Hòa Liên gây ô nhiễm không thể giải quyết vì quá gần khu dân cư. Sự việc diễn ra đã gần 10 năm, đỉnh điểm là cuối tháng 2 vừa qua, người dân đã bao vây nhà máy đòi tổ chức đối thoại với chính quyền để giải quyết.
Kết quả là thành phố thống nhất hủy bỏ chủ trương giải tỏa dân, thay bằng quyết định di dời 2 nhà máy kể trên. Hạn chót là ngày 26/9/2018.
Trao đổi với báo chí trong nước về việc hai nhà máy vẫn chưa được di dời sáng 26/9, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, giải thích rằng do 2 ngày 26 và 27/9 là Quốc tang cho ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, nên chính quyền xã vận động người dân chấp hành chủ trương của thành phố, đồng thời địa phương cũng có kiến nghị lên huyện và thành phố sớm trả lời để người dân an tâm sinh sống.
Vào ngày 1/3/2018, UBND Thành phố Đà Nẵng đã chính thức yêu cầu hai nhà máy thép này tạm dừng hoạt động. Đến ngày 26/3, hai nhà máy thép này được cho phép hoạt động trở lại trong 6 tháng, tức đến ngày 26/9.
Cũng liên quan việc ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng, hôm 22 và 23 tháng 9, hàng chục người dân đã dựng lều trước cổng bãi rác Khánh Sơn ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng phản đối bãi rác này gây ô nhiễm.
Một số người dân cho biết đã chịu đựng ô nhiễm từ bãi rác này mấy chục năm qua. Chính quyền nhiều lần hứa di dời bãi rác, nhưng vẫn chưa thực hiện. Bãi rác này được quy hoạch hoạt động đến năm 2022, mỗi ngày tiếp nhận hơn 900 tấn rác thải. Đây là bãi rác lớn nhất ở Đà Nẵng.
Quanh việc VN lần đầu có quyền chủ tịch nước là nữ
Việc Việt Nam lần đầu có quyền chủ tịch nước là nữ dường như vừa làm nức lòng dư luận trong và ngoài nước vừa dấy lên những hoài nghi.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được bổ nhiệm làm quyền Chủ tịch nước hôm Chủ nhật 23/9 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời.
Quốc hội Việt Nam bầu bà Thịnh làm phó chủ tịch nước năm 2016. Bà sinh năm 1959, có bằng cử nhân luật và bằng thạc sĩ về xây dựng đảng, theo truyền thông Việt Nam.
‘Bước tiến cho bình đẳng giới ở VN’
“Đây là lần đầu tiên kể từ thời Hai Bà Trưng phụ nữ lại là người đứng đầu nhà nước ở Việt Nam,” nhà xã hội học Khuất Thu Hồng nói với BBC hôm 25/9.
“Tuy nhiên, còn phải chờ xem Quốc hội có đồng ý để một phụ nữ giữ vị trí này một cách chính thức hay không.”
“Dù sao, tôi cũng trông đợi từ nay đến khi đó bà quyền Chủ tịch nước sẽ làm được một số điều có ý nghĩa, đặc biệt là bảo vệ phụ nữ và trẻ em.”
“Cụ thể là hiện nay Luật Lao động đang được điều chỉnh, có nhiều vấn đề về quyền của lao động nữ cần phải được điều chỉnh để bảo vệ họ tốt hơn.”
“Hoặc vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục . Mong bà Thịnh lên tiếng mạnh mẽ.”
Bà Hồng cũng nói bà không ngạc nhiên về việc bà Thịnh lên làm quyền Chủ tịch nước là sự sắp xếp theo cơ cấu.
Tuy nhiên theo bà, “phụ nữ không dễ mà bước lên vị trí đó. Nên dù chủ tích nước không có nhiều vai trò quyết định những vấn đề lớn về đường hướng phát triển của đất nước trong bối cảnh chính trị của Việt Nam” thì dù sao bà “cũng thấy vui”.
Quyền Chủ tịch nước đứng thấp trong Ban tang lễ
Ai sẽ kế nhiệm Chủ tịch Quang?
‘Quốc tang, lăng mộ’: Bình luận trên Facebook
Amnesty International đánh giá di sản Chủ tịch Quang
Trên diễn một diễn đàn dành cho người nước ngoài sống tại Hà Nội, chủ đề “Việt Nam lần đầu có nữ chủ tịch nước” cũng thu hút nhiều bình luận.
Facebooker Scott Matt viết: “Lần đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch nước. Tuyệt vời!”
“Việc trao quyền cho phụ nữ trong vai trò chủ tịch nước cho thấy đây là điều đáng mừng cho bình đẳng giới bất kể bà ấy bước lên vị trí đó như thế nào.”
“Thêm vào đó, nếu bà được bổ nhiệm vào vị trí này cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ thì đó sẽ là một bước tiến lớn hơn nữa đối với bình đẳng giới.”
Đáp lại những ý kiến phản đối, cho rằng bình luận như vậy trong khi không biết gì về bà Thịnh, không rõ bà ủng hộ hay phản đối điều gì, Scott Matt lập luận:
“Thực ra tôi không nói về bà ấy như một cá nhân. Tôi không có ý kiến về việc liệu bà ấy có phải là lựa chọn tốt nhất cho đất nước hay không. Tuy nhiên, chiến thắng mà tôi chỉ ra không phải dành cho bà ấy, mà cho vấn đề bình đẳng giới”.
Facebooker William James Escutin thì viết: “Ít nhất là có một phụ nữ ở vị trí quyền lực cao như vậy.”
Cũng có ý kiến trung lập hơn, rằng vấn đề là nhìn nhận việc này căn cứ vào mục tiêu đạt được là bình đẳng thực sự hay chỉ là con số nữ giới nắm quyền, theo bình luận của Facebooker Josh Gorman vẫn trên diễn đàn này.
“Mọi người đều nên bình đẳng về cơ hội, hoặc về thu nhập.”
“Trên quy mô toàn cầu rõ ràng là các quốc gia tự do hơn và ít có thành kiến về giới tính lại ít bình đẳng về thu nhập. Trong khi nhiều quốc gia cố gắng có bình đẳng về thu nhập thì đang thực hiện các chính sách thành kiến về giới tính….Hãy để bà ấy làm công việc của mình!”
‘Mang tính chính trị hơn là bình đẳng giới’
Tuy nhiên với nhiều người khác, việc Việt Nam lần đầu có quyền Chủ tịch nước dường như “không gây ấn tượng gì”.
Vẫn trên diễn đàn cho người nước ngoài ở Hà Nội, thành viên tên Linh Pepper đáp lại các bình luận ‘tuyệt vời’ rằng: “Chưa có gì là ‘tuyệt vời’ cả cho đến chừng nào bà ấy làm cái gì ‘tuyệt vời” cho Việt Nam.”
Một thành viên khác tên Sine Nomine nói: “Chỉ là vai trò mang tính nghi lễ.”
Nhà báo tự do Sương Quỳnh từ Sài Gòn cũng nói với BBC hôm 25/9 rằng theo bà vị trí của bà Thịnh “mờ nhạt, làm những công việc ‘hiếu hỉ’ là chính”.
“Các chức chủ tịch nước chỉ như vật trang trí trong chính trường Việt Nam. Không có gì ngạc nhiên và cũng không ảnh hưởng gì đến đất nước khi bà Thịnh được đưa lên tạm nắm quyền trong một tháng để chờ Quốc Hội họp bổ nhiệm chính thức người khác.”
“Mà dù được bổ nhiệm chính thức thì cũng chức danh này cũng chỉ là bù nhìn, là nhân vật dễ điều khiển của Bộ Chính trị, hơn là có thể làm lãnh đạo một cách đúng nghĩa.”
“Vì dù có là ai ở vị trí này thì vẫn là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện.”
“Còn việc cho rằng bà Thịnh lên làm quyền chủ tịch nước là bước tiến của nữ quyền thì tôi cho rằng hoàn toàn không phải,” nhà báo Sương Quỳnh nhận định.
Nhà hoạt động và bất đồng chính kiến Đỗ Nguyên Mai Khôi, trong một email gửi cho Reuters, cũng cho rằng “trong khi việc bổ nhiệm bà Thịnh quan trọng về mặt biểu tượng, ý nghĩa rộng hơn của nó bị giới hạn ở một số phụ nữ là đảng viên Cộng sản.”
“Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, với tư cách là một nhà lãnh đạo không được bầu, không chịu trách nhiệm trước công chúng, việc bổ nhiệm này không có khả năng cải thiện điều kiện cho hầu hết phụ nữ ở Việt Nam,” bà Mai Khôi nói với Reuters.
Trong cách nhìn của giới hoạt động, việc Việt Nam lần đầu bổ nhiệm quyền Chủ tịch nước là nữ “mang lại ấn tượng về sự mất cân bằng giới tính sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội của nhà nước cộng sản này, và nó ít liên quan đến cải thiện nữ quyền”, theo Reuters.
“Việc bổ nhiệm một phụ nữ làm chủ tịch nước Việt Nam có thể mang tính lịch sử, nhưng nó liên quan đến nội bộ đảng chính trị hơn là vấn đề giới tính,” bà Andrea Giorgetta, giám đốc châu Á của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế tại Paris cho biết.
“Thực tế là số lượng phụ nữ nắm các vị trí ra quyết định ở tất cả các cấp chính trị ở Việt Nam vẫn còn thấp và phản ánh những khuôn mẫu đã ăn sâu bám rễ về vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam”, bà Giorgetta nói với Reuters.
Việt Nam xếp hạng 61 trong số 193 quốc gia trong một cuộc khảo sát năm ngoái về sự tham gia của phụ nữ vào Quốc Hội, do Liên minh Nghị viện Liên bang tại Genveva tiến hành, theo bài báo trên Reuters.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45635837
VN có nhất thể hóa TBT và Chủ tịch nước?
Sự ra đi của Chủ tịch Trần Đại Quang “là điều kiện chín muồi” để hợp nhất hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, theo một ý kiến từ Hà Nội.
Việt Nam đã ‘nhận thấy từ lâu’ nhu cầu hợp nhất hai chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước nhưng ‘do nhiều lý do’ việc này chưa xảy ra, tiến sỹ Vũ Cao Phan cho BBC biết hôm 25/9/2018.
Trước đó, hôm 24/9, tại một Bàn tròn đặc biệt từ London, khách mời tọa đàm cũng nêu ý kiến bình luận về phương án này.
Cố Chủ tịch Trần Đại Quang – Hậu sự và nhân sự thay thế
‘Quốc tang, lăng mộ’: Bình luận trên Facebook
Ai sẽ kế nhiệm Chủ tịch Quang?
Ông Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung nêu nhận định về cố Chủ tịch Quang:
“Ông Trần Đại Quang ở cương vị Chủ tịch nước chưa được nửa nhiệm kỳ – ít hơn nhiều so với những người tiền nhiệm – nhưng không thể không thừa nhận di sản để lại của ông là những dấu ấn rõ nét, riêng biệt trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
“Thành công nổi bật của Diễn đàn APEC 2017 có công của Trần Đại Quang là người chủ trì và đưa ra những sáng kiến phối hợp. Mặc dù biết mình không còn nhiều thời gian – và cũng chính vì biết rõ điều đó – Trần Đại Quang đã tích cực trong nhiều chuyến viếng thăm nước ngoài để bày tỏ lập trường, để khẳng định lập trường nguyên tắc trong những vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và quốc tế.”
Sự ra đi của ông Trần Đại Quang là điều kiện chín muồi. Không nên hoặc không thể chậm trễ hơn nữaTS. Vũ Cao Phan
“Chủ tịch Trần Đại Quang có lẽ là lãnh đạo Việt Nam duy nhất cho đến nay đã đề cập đến một khu vực rộng mở mà ông gọi là Ấn Độ – Châu Á Thái Bình Dương trong dịp đến thăm Ấn Độ tháng Ba năm nay, được báo chí nước này đồng loạt đăng lại. Tổng thống Mỹ D. Trump trong lời chia buồn đã đánh giá cao “tiếng nói của ông cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế”.
‘Không nên để chậm trễ’
Về phương án hợp nhất hai chức vụ cao cấp trong ‘tứ trụ’ ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, người hiện đang làm việc tại Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương, bình luận:
“Việt Nam đã nhận thấy từ lâu sự cần thiết không nên để tách rời hai chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong cấu trúc lãnh đạo chính trị. Từ thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn như vậy. Nhưng bởi nhiều lý do những chức danh này vẫn chưa được kết hợp làm một.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ e ngại sự kết hợp có thể dẫn đến độc tài. Tôi không cho là như vậy. Độc tài hay không trước hết là tư tưởng. Trong các nước XHCN chỉ còn Việt Nam vẫn tách biệt hai chức danh này. Sự ra đi của ông Trần Đại Quang là điều kiện chín muồi. Không nên hoặc không thể chậm trễ hơn nữa. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng là thích hợp cho cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.”
Hôm thứ Hai, tại Bàn tròn đặc biệt của BBC Tiếng Việt, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên tờ báo mạng Đàn Chim Việt Online từ Warsaw, Ba Lan, nêu quan điểm:
“Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng chức vụ Chủ tịch nước chỉ mang tính ma chay, hiếu hỉ nhiều hơn là chức vụ Thủ tướng hay là chức vụ Tổng Bí thư ở Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một cơ hội Việt Nam nên hợp nhất chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm luôn Chủ tịch nước.
“Bởi vì chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản khi đi ngoại giao quốc tế theo tôi khá là ‘vô duyên’, ví dụ như ông Nguyễn Phú Trọng khi ông đi sang các nước, nhiều khi chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thì chỉ Bí thư Đảng Cộng sản tiếp thôi, chứ nó không phải là một chức vụ để Tổng thống các quốc gia tiếp.
“Tất nhiên chúng ta cũng thấy ông Obama có tiếp ông Nguyễn Phú Trọng trong Nhà Trắng, nhưng mà trước đó đã có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như là ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang Pháp mà không có sự tiếp đón, chỉ có Đảng Cộng sản Pháp tiếp thôi, còn chính quyền không tiếp.
“Cho nên tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội hợp nhất hai chức vụ này với nhau, nó làm gọn nhẹ hơn một chút bộ máy – không hẳn là bộ máy của nhà nước, nhưng nó cũng bớt đi một cái ghế và có thể nó cũng hợp lý hơn.”
‘Một cơ hội đẹp?’
Cũng tại Bàn tròn hôm thứ Hai 24/9, nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cho rằng hiện nay việc hợp nhất hai chức vụ đảng và chính quyền này mới đang thí điểm ở các cấp dưới và chỉ tại một số địa phương, một số cấp được thí điểm, mà chưa có chủ trương ở cấp cao nhất.
Quanh suy đoán Chủ tịch Quang ‘sẽ được thay thế’
Tuy nhiên ông cho rằng đây có thể là một thời điểm để ban lãnh đạo của Việt Nam xem xét phương hán hợp nhất cấp cao, ông Trương Duy Nhất nói:
Tôi cho rằng đây là một cơ hội đẹp để tiến tới nhất thể hóaNhà báo Trương Duy Nhất
“Nhân cái chết của ông Trần Đại Quang, tôi cho rằng đây là một cơ hội đẹp để tiến tới nhất thể hóa, chứ còn để như cũ vai trò của Chủ tịch nước để mang một giá trị biểu trưng để đi đối ngoại ra với thế giới với đại đồng thì như có ý kiến nói, không thể tìm ra được một nhân vật nào biểu trưng lớn như ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Lê Quang Đạo, như bà Nguyễn Thị Bình, bây giờ không có.
“Như thế thì tại sao chúng ta [Việt Nam] không nhất thể hóa Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ Tịch nước?”, ông Nhất nêu quan điểm.
Cũng trong ngày 25/9, từ Hà Nội, một nhà quan sát Hà Hoàng Hợp cho BBC biết bên ngoài Thảo luận Hàng tuần ý kiến sau:
Người dân Thái Lan nói với BBC Tiếng Việt tại Bangkok về lá cờ rủ tưởng niệm Chủ tịch Trần Đại Quang
“Theo tôi, chắc Việt Nam chưa làm ngay ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 đâu, lúc ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, thì đã có nhu cầu và điều kiện, kể cả từ thời ông Nông Đức Mạnh cũng đặt ra, nhưng chưa xảy ra.”
Trước câu hỏi, liệu việc hợp nhất nếu có phương án này, sẽ cần ít nhất hai động thái là sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Điều lệ Đảng hay không, ông Hà Hoàng Hợp cho biết:
“Thực ra, có rất nhiều việc có thể làm rồi mới cần sửa Hiến pháp, kể cả việc hợp nhất này, bởi vì, khi cần sáp nhập, mà không làm ngay, thì có thể có thay đổi, mà chờ sửa Hiến pháp thì cũng có thể phải mất 6 tháng, còn nếu hợp nhất thì thì chức Tổng Bí thư sẽ nhập vào chức Chủ tịch nước như mô hình chính trị tại Trung Quốc.”
Phát biểu tại cuộc thảo luận trong studio ở London hôm 24/09, nhà báo Nguyễn Giang của BBC cho hay theo đánh giá của ông, vị trí quyền Chủ tịch nước của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là có tính biểu tượng, rất tốt cho hình ảnh Việt Nam ở thời đại thế giới đề cao nữ quyền.
Thực ra, có rất nhiều việc có thể làm rồi mới cần sửa Hiến pháp, kể cả việc hợp nhất này, bởi vì, khi cần sáp nhập, mà không làm ngay, thì có thể có thay đổi, mà chờ sửa Hiến pháp thì cũng có thể phải mất 6 thángÔng Hà Hoàng Hợp
Không đồng ý với quan điểm này, nhà báo Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói chức Chủ tịch nước ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền.
Thời gian qua, giới quan sát cũng ghi nhận những thành công của việc cải cách hành chính thí điểm ở Quảng Ninh mà ông Phạm Minh Chính thực hiện, và việc nhất thể hóa chức vụ Đảng và chính quyền nếu làm từ trên xuống như vậy thì cần làm cho mọi cấp, nhà báo Nguyễn Giang cho hay.
Hôm thứ Hai, tại Bàn tròn của BBC Tiếng Việt, có ý kiến của khán giả đặt vấn đề có cần tính toán hết hệ lụy, hay rủi ro, hay tính hiệu quả thực tế của việc hợp nhất các chức danh trên hay không.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn Đặc biệt của BBC Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45639789
Bộ trưởng Quốc phòng
lên thay cố Chủ tịch Trần Đại Quang?
Một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam nói rằng hiện có tin người đứng đầu Bộ Quốc phòng sẽ lên làm chủ tịch nước, giữa lúc Việt Nam bắt đầu quốc tang hai ngày dành cho ông Trần Đại Quang.
Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho biết rằng “hiện có các đồn đoán về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ trở thành chủ tịch vào cuối năm nay và Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng”.
Nhà nghiên cứu có nhiều mối quan hệ ở Việt Nam không cho biết chi tiết về nguồn gốc những tin đồn này. Trước đây, đầu những năm 90, ông Lê Đức Anh cũng từng từ vị trí bộ trưởng quốc phòng lên làm chủ tịch nước.
Ngoài ra, giáo sư Carl Thayer nói thêm rằng, nếu đúng theo các lần bổ nhiệm trong quá khứ, dựa vào các ủy viên lâu năm trong Bộ Chính trị, “hai ứng viên tiềm năng khác” là ông Nguyễn Thiện Nhân, 65 tuổi, Bí thư Thành ủy TP HCM và bà Tòng Thị Phóng, 64 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, “nhiều khả năng sẽ kiêm nhiệm cả chức chủ tịch nước”.
Trả lời VOA tiếng Việt, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói rằng ông không nghĩ rằng Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, 64 tuổi, “sẽ lên”.
Tôi đang ở Hà Nội mà tôi không nghĩ ông ấy lên đâu. Không biết tin đồn của ông ấy [ông Carl Thayer] ở đâu ra, nhưng chúng tôi ngồi ở đây cũng không nghe thấy tin đấy.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.
“Tôi đang ở Hà Nội mà tôi không nghĩ ông ấy lên đâu. Không biết tin đồn của ông ấy [ông Carl Thayer] ở đâu ra, nhưng chúng tôi ngồi ở đây cũng không nghe thấy tin đấy. Chả thấy ai nói gì về chuyện đấy cả. Nếu lên thì có thể là một lúc khác chứ không phải lúc này”, ông Hợp nói.
“Khả năng là ông [Nguyễn Thiện] Nhân. Ông ấy là bộ mặt có thể làm vai trò của chủ tịch nước từ nay cho tới hết tháng Giêng năm 2021. Đưa một người khác lên, ngoại ngữ không biết, các quan hệ bên ngoài cũng không rõ, không trải qua các việc ở dân sự và chính phủ, ở địa phương thì lên là sẽ kẹt”.
Tin cho hay, ông Quang lâm bệnh từ tháng Bảy năm ngoái, hơn một năm sau khi trở thành chủ tịch nước. Ông từ trần hôm 21/9 ở tuổi 61.
Giáo sư Carl Thayer nói rằng “cái chết đột ngột của ông ấy có thể gây bất ngờ vì ông ấy dự kiến sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”.
“Nhưng các thành viên Bộ Chính trị có lẽ đã biết về bệnh tình nặng của ông Quang và đã lập kế hoạch chọn người kế nhiệm một cách có trật tự”, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam nhận định, và nói thêm rằng ông Lịch “hiện đứng vị trí thứ năm” theo hệ thống chính trị của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng ông không nghĩ các thành viên còn lại trong “tứ trụ” gồm tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc hội “sẽ được lựa chọn” thay ông Quang.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cùng quan điểm này của ông Carl Thayer, nói thêm rằng ông nghĩ khả năng đó “rất khó [xảy ra], hầu như là không” vì mỗi người đang có “vai tốt, cứ thế mà họ làm và kiêm thêm là khó”.
Sau khi ông Quang qua đời, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, người không phải là ủy viên Bộ Chính trị, đã được giao giữ quyền chủ tịch nước Việt Nam đến khi Quốc hội bầu người thay thế.
Tuy nhiên, bà Thịnh không tới Liên Hiệp Quốc dự họp với các nguyên thủ khác, mà đại diện chính phủ Việt Nam sẽ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Việt Nam hôm 26/9 bắt đầu cử hành hai ngày quốc tang cho ông Quang. Theo báo chí trong nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới viếng và viết trong sổ tang: “Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí! Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này”.
Trong khi đó tại Mỹ, phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã tổ chức lễ viếng ông Quang và mở sổ tang từ ngày 24/9 tới 25/9.
Ông Patrick Murphy, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Đông Nam Á, đã tới chia buồn người mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói là “tích cực ủng hộ qua hệ Việt – Mỹ”. Cố chủ tịch Quang từng đón tiếp hai tổng thống đương nhiệm tới Việt Nam là ông Barack Obama và ông Donald Trump.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ năm ngoái, quan chức quốc phòng nước chủ nhà đã cam kết với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch về việc đưa hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm quốc gia cựu thù, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam. Trung Quốc sau đó đã chỉ trích động thái này.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-len-thay-co-chu-tich-tran-dai-quang/4587859.html
Việt Nam bắt đầu hai ngày Quốc tang Chủ tịch Quang
Việt Nam chính thức bắt đầu lễ Quốc tang trong hai ngày 26 và 27/9/2018 cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Quang tạ thế vào tuần trước khi đang tại chức, vì bệnh hiểm nghèo, thọ 62 tuổi, theo các thông báo chính thức.
Lễ viếng được tổ chức bắt đầu từ 7 giờ sáng hôm 26/09 tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội.
Sau phát biểu của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, mở đầu lễ viếng là phu nhân và các con Chủ tịch Quang cùng họ tộc dâng hương lên linh cữu. Vòng hoa mang dòng chữ “Vợ và các con vô cùng thương tiếc”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào viếng tiếp sau đó.
Một số cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong đó có ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng đi cùng đoàn viếng với Tổng Bí thư Trọng.
Sau đó là đoàn Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc….. Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại UBND tỉnh Ninh Bình, quê nhà cố Chủ tịch Quang.
Lễ an táng được tổ chức vào 15 giờ 30 phút, ngày 27/9 tại Nghĩa trang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ban Tổ chức Lễ tang ra một thông báo đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân không mang vòng hoa vào viếng vì ban này đã chuẩn bị vòng hoa.
“Gia đình chân thành cảm ơn và xin phép không nhận tiền phúng viếng,” thông báo này nói thêm.
Phóng viên BBC Nguyễn Hoàng tại Hà Nội cho biết từ 5 giờ sáng lực lượng công an Hà Nội đã có mặt tại một số điểm đảm bảo an ninh cho lễ viếng và an ninh được thắt chặt từ các con đường dẫn tới Nhà Tang lễ Quốc gia.
“Tại trước một số điểm yêu cầu dừng xe dừng xe có các bàn để nước đóng chai để uống. Một số sinh viên các trường được huy động tới để phát nước uống cho những người tới viếng vì tiết trời tại Hà Nội khá nóng vào hôm nay,” phóng viên chúng tôi cho biết.
Trong sáng hôm 26/09, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon và Phó Chủ tịch nước Lào Phankham Viphavanh đã tới viếng.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward, viết trên Facebook cá nhân: “Sáng nay, Đại sứ quán Anh và nhà riêng Đại sứ đã tiến hành treo cờ rủ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang.’
Một số báo hôm 21/09 trích lời trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu nói ông Quang mắc loại bệnh ‘virus hiếm và độc hại’.
Nguồn này cũng nói Chủ tịch Quang được phát hiện bị bệnh từ tháng 7 năm 2017 và đi Nhật chữa trị sáu lần.
Nhưng sau đó, các báo Việt Nam chỉ còn nói về “bệnh hiểm nghèo” của ông Quang, người trước khi lên làm Chủ tịch nước đã là Bộ trưởng Công an.
Lễ tang theo nghi thức quốc gia
Quyền Chủ tịch nước đứng thấp trong Ban tang lễ
Chủ tịch Trần Đại Quang và Bộ Công an
Ai sẽ kế nhiệm Chủ tịch Quang?
Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang
Trong hai ngày Quốc tang, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Cũng theo thông cáo này, danh sách Ban Lễ tang gồm 37 thành viên.
Trưởng ban Lễ tang là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo có đoạn viết:
“Suốt quá trình hoạt động, công tác, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, Huy hiệu 35 năm tuổi Đảng.”
Thu hút nhiều ý kiến
Theo nhà quan sát thời sự Hà Hoàng Hợp bình luận với BBC ngay hôm 21/09, vấn đề sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang từ lâu đã là một mối quan tâm của công chúng và các giới ở Việt Nam.
“Ông Trần Đại Quang qua đời rất bất ngờ, không ai biết lại bất ngờ như thế và mọi người biết rằng khoảng thời gian vừa qua là ông ấy có bệnh, nhưng mà cũng nhiều người biết là bệnh đó không phải là bệnh có thể gây chết nhanh như thế.”
Ông Trần Đại Quang bị nhiều ý kiến phê phán khi làm Bộ trưởng Bộ Công an nhưng được đánh giá cao về các nỗ lực đại diện Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và những phát biểu về chủ quyền Biển Đông.
Sau cái chết đột ngột của ông Quang, ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến trên mạng xã hội ở Việt Nam gợi ý rằng chính quyền hiện này nên cho hợp nhất hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.
Ngoài ra, mạng xã hội tiếng Việt rất quan tâm đến nghi lễ và thủ tục nhân quốc tang Chủ tịch Trần Đại Quang và tin tức nói về một khu an táng ‘diện tích lớn’ tại quê nhà ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45645979
Nhân quyền có là nút thắt đối với Hiệp định
mậu dịch tự do Việt Nam Châu Âu?
Kính Hòa RFA
Hơn 30 Dân biểu Quốc Hội Châu Âu vào ngày 17 tháng 9 đồng ký tên vào thư gửi đến hai Cao Ủy Thương Mại và Đại Diện Cấp Cao của Liên Minh Châu Âu nói rõ nếu tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam không được cải thiện, thì rất khó để họ có thể đồng ý phê chuẩn Hiệp định Mậu Dịch Tự Do EU-Việt Nam.
Vậy vấn đề nhân quyền ảnh hưởng thế nào đến quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung, và thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam Châu Âu nói riêng?
Việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) đã bắt đầu khá lâu, từ năm 2013. Trong suốt quá trình đàm phán đó, hai bên đã bận rộn với những định chế pháp lý, quyền lao động, tiêu chuẩn môi trường, … Theo một số nhà quan sát, tầm quan trọng của EVFTA đối với Việt Nam đã tăng lên nhiều trong hai năm gần đây, khi khuynh hướng bảo hộ mậu dịch bắt đầu xuất hiện mạnh trong thương mại toàn cầu, mà Việt Nam lại là một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch thương mại cao hơn 100% tổng sản phẩm quốc dân.
Với sự khó khăn của thị trường Mỹ, vốn lớn bậc nhất cho hàng xuất khẩu Việt Nam, Việt Nam đã kỳ vọng nhiều vào thị trường Châu Âu. Trong hai năm qua người ta chứng kiến liên tục các đoàn ngoại giao Việt Nam đến Châu Âu, mà mục đích lớn nhất được cho là để thúc đẩy EVFTA.
Mức độ vi phạm nhân quyền từ đầu 2016 đến nay là hết sức nghiêm trọng. Về phía quốc hội Châu Âu thì họ sẽ cẩn thận cân nhắc trong vấn đề thảo luận hiệp định thương mại.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Nhưng đồng thời trong hai năm qua, các vụ đàn áp người bất đồng chính kiến, các tổ chức hoạt động xã hội, chính trị trong nước cũng trở nên rất căng thẳng với liên tục những phiên tòa bỏ tù những blogger, nhà báo tự do.
Một trong những người bị bắt bỏ tù vì thành lập tổ chức Hội anh em dân chủ là Luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang tị nạn chính trị tại Đức nói với RFA:
“Mức độ vi phạm nhân quyền từ đầu 2016 đến nay là hết sức nghiêm trọng. Về phía quốc hội Châu Âu thì họ sẽ cẩn thận cân nhắc trong vấn đề thảo luận hiệp định thương mại. Nếu Việt Nam không cải thiện thì số lượng dân biểu quốc hội EU phản đối tăng lên, mà điều này dẫn đến việc bỏ phiếu, thành ra quốc hội có thông qua hay không thì không thể nói trước được.”
Đầu năm 2018, một tạp chí về kinh tế của Việt Nam là Vneconomy cho rằng có thể việc ký kết sẽ diễn ra trong mùa hè năm 2018, nhưng đến tháng 9/2018 việc đó vẫn chưa xảy ra.
Tuy nhiên ông Nguyễn Huy Vũ, một chuyên viên kinh tế hiện sống và làm việc tại Na Uy cho rằng vấn đề nhân quyền sẽ không ảnh hưởng nhiều đến EVFTA.
Sau khi một số dân biểu Nghị viện Châu Âu gửi bức thư lên Ủy ban Châu Âu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam, ông Nguyễn Huy Vũ trả lời đài RFA:
“Nhân quyền vẫn có thể dùng như một đòn bẩy để họ áp lực Việt Nam để Việt Nam đưa ra những cải tổ, thậm chí đưa ra những điều khoản thương mại đem lại nhiều lợi ích hơn cho Châu Âu. Cuối cùng thì tôi nghĩ chuyện nhân quyền không ảnh hưởng mấy đến việc thông qua hiệp định thương mại, sớm muộn gì thì cũng sẽ được thông qua.”
Ông Vũ cho rằng sự phản đối mới nhất của một số nghị viên Châu Âu có thể chỉ gây nên một ít tiếng vang nhưng không cản được sự hợp tác thương mại giữa hai bên. Ông cho rằng Việt Nam có trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nhưng điều đó không quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trường hợp mà nhiều người cho rằng được trả tự do và cho sang tị nạn chính trị tại Đức là nhằm vào việc tỏ thiện chí với Cộng đồng Châu Âu, vì ông Đài có những quan hệ thân thiết với giới ngoại giao của nước Đức và các quốc gia Châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng sự vận động của các tập đoàn, công ty ở Châu Âu cho EVFTA là quan trọng về phía hành pháp của EU tức là Ủy ban Châu Âu, nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các dân biểu Châu Âu:
“Về phía Ủy ban Châu Âu thì có sự vận động của các tập đoàn kinh tế, họ sẽ có những nhượng bộ nhất định nào đó với Việt Nam. Nhưng họ phụ thuộc Quốc hội Châu Âu. Sau Quốc hội Châu Âu còn có các nước thành viên nữa. Với những thủ tục rất phức tạp, nên tôi nghĩ Việt Nam khó cỏ thể có hiệp định song phương trong năm nay hay sang năm.”
Ông Nguyễn Huy Vũ thì lại củng cố cho lập luận của ông rằng EVFTA là có lợi cho chính Cộng đồng Châu Âu:
“Hiệp định thương mại Việt Nam Châu Âu thì không phải chỉ có mình Việt Nam có lợi, mà Châu Âu cũng có lợi, vì Châu Âu họ muốn dùng Việt Nam như một cửa ngõ để xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Còn Việt Nam thì với một thị trường 80 triệu dân, một tầng lớp nhà giàu mới nổi lên, thì đó là một thị trường tương lai rất tốt cho hàng hóa xa xỉ phẩm châu Âu, cũng như những dịch vụ về sức khỏe, giáo dục,… của Châu Âu cho Việt Nam.”
Vấn đề nhân quyền bị xem nhẹ trong các quan hệ kinh tế không chỉ đối với trường hợp Cộng đồng Châu Âu mà còn với các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế khác nữa như Quĩ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên về thống kê của Liên Hiệp Quốc, nói với RFA:
“Các ông ở Việt Nam bắt người này người kia bỏ tù đều đều thì các tổ chức nhân quyền lên tiếng thôi chứ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng thế giới đâu có nói gì. Thực ra họ cũng nói là Việt Nam phải mở rộng nhân quyền. Mà đàn áp dữ quá thì đến một lúc nào đó mà bị Liên Hiệp Quốc lên án, thì sẽ là chuyện lớn, ví dụ như trường hợp Myanmar bị chấp dứt tất các sự giúp đỡ vào thời kỳ quân phiệt đàn áp nhân quyền.”
Việt Nam hiện nay không có tình trạng tệ hại như Myanmar thời quân phiệt, thậm chí ông Vũ Quang Việt còn nêu ra một số quốc gia đối tác quan trọng của Châu Âu mà tình trạng vi phạm nhân quyền còn trầm trọng hơn Việt Nam như là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Vấn đề là họ (EU) không chỉ xem đó là đối tác thương mại, mà còn có những vấn đề chính trị khác nữa, như là vai trò của Việt Nam ở khu vực, rồi chuyện đối phó với Trung Quốc.
-Tiến sĩ Vũ Quang Việt.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói tiếp:
“Tôi không nghĩ là Cộng đồng chung Châu Âu đặt vấn đề lên hàng đầu. Vấn đề là họ không chỉ xem đó là đối tác thương mại, mà còn có những vấn đề chính trị khác nữa, như là vai trò của Việt Nam ở khu vực, rồi chuyện đối phó với Trung Quốc,… Họ phải tính tới tất cả những chuyện đó.”
Như để minh chứng cho điều mà ông Việt nhận xét, trong tháng 8 năm 2018, một số quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp đã cho tàu chiến vào Biển Đông tham gia chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ khởi xướng, mà chiến dịch này được cho là nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện sự bành trướng trên Biển Đông. Việt Nam không những không phản đối những quốc gia châu Âu này, mà trong nhiều lần cũng đã lên tiếng chính thức ủng hộ tinh thần tự do hàng hải tại Biển Đông. Và Việt Nam được xem như quốc gia đứng ở tuyến đầu trong việc ngăn cản mộng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực này.
Cuối cùng Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói với chúng tôi rằng câu chuyện nhân quyền là câu chuyện giữa những người Việt Nam với nhau, còn những quốc gia bên ngoài sẽ quan tâm đến hợp tác kinh tế với Việt Nam hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-right-vn-eu-free-trade-agree-09252018123546.html
Tàu khu trục của New Zealand thăm Việt Nam
Tàu khu trục Te Mana của Hải Quân Hoàng Gia New Zealand vào sáng ngày 25 tháng 9 cập cảng Sài Gòn bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Tin cho biết thủy thủ đoàn gồm 178 người do nữ Trung tá Lisa Hunn dẫn đầu. Bà này là thuyền trưởng đồng thời là nữ quân nhân đầu tiên của Hải Quân New Zealand đảm nhận chức vụ chỉ huy của tàu khu trục.
Khi đến cảng Sài Gòn, thủy thủ đoàn của Tàu Khu Trục Te Mana tiến hành nhảy điệu Kapa Haka của thổ dân Maori. Đây là nghi lễ của người thổ dân Maori trước khi ra trận và nay được tái hiện nhằm biểu thị tấm lòng tri ân trước sự đón tiếp của phía chủ nhà.
Trong thời gian 4 ngày lưu lại tại thành phố Hồ Chí Minh, các thủy thủ trên Tàu Khu Trục Te Mana sẽ cùng phía Hải quân Việt Nam tiến hành một số hoạt động chung. Những sinh hoạt được nói nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và New Zealand.
Tàu Khu Trục Te Mana là một trong hai chiến hạm của New Zealand. Đây là loại tàu chiến cỡ nhỏ với nhiệm vụ chính là giữ gìn an ninh vùng biển New Zealand thông qua các hoạt động tuần tra hàng hải, giám sát, bảo vệ các chuyến tàu công thương.
Tàu Khu Trục Te Mana dài 118 mét, độ giãn nước 3600 tấn, tốc độ bình quân 25 hải lý một giờ. Trên tàu có trang bị trực thăng, tên lửa, ngư lôi…
Vào tháng 6 năm ngoái, Tàu Khu trục Ta Kaha của New Zealand cuãng đã đến thăm Cảng Đà Nẵng.
Năm nay Việt Nam và New Zealand kỷ niệm 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
ADB giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam
trong bối cảnh chiến tranh thương mại
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 26/9 nói họ đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm nay xuống 6,9% so với mức 7,1% như đã đưa ra trước đây, một phần là do những mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam, một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á, có nền kinh tế mở lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Mỹ và Trung Quốc là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
ADB cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Việt Nam nên đã hạ thấp dự báo xuống. Tuy nhiên, dự báo của ADB vẫn cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6,7% của chính Việt Nam.
Tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói tăng trưởng của cả nước trong năm nay có thể vượt qua mục tiêu được đặt ra.
“Đây không phải là những sự kiện có lợi cho Việt Nam. Do (nền kinh tế) Việt Nam mở như vậy nên bất cứ sự giảm thiểu nào trong thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến họ,” Giám đốc Quốc gia của ADB Eric Sidgwick nói.
“Có thể có một tác động có lợi trong ngắn hạn nhưng chúng tôi thấy được nó sẽ tác động thế nào trong dài hạn. Nguy cơ dài hạn là sự thu nhỏ về thương mại nói chung và sự cạnh tranh trở nên ráo riết hơn, do đó tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị kéo chậm lại,” theo ông Sidgwick.
ADB cho biết tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay có thể bị ảnh hưởng bởi các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Mặc khác, điều kiện thời tiết thất thường cũng có thể làm giảm sản lượng nông nghiệp và khai khoáng.
Ngân hàng này đã điều chỉnh tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm nay lên 4% so với mức dự báo 3,7% trước đó, với chi phí gia tăng trong lĩnh vực y tế và giáo dục, giá dầu và rủi ro tiền tệ cao hơn do biến động của đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ Trung Quốc lên tiền đồng của Việt Nam.
ADB cho biết tỷ lệ lạm phát cho năm tới được dự đoán ở mức 4,5%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4%, trong khi dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2019 được duy trì ở mức 6,8%.
Việt Nam đã tuyên bố sẽ giữ lạm phát dưới mức 4% trong năm nay, và có các biện pháp tương đối mạnh để kiềm chế lạm phát và giữ giá đồng tiền theo các chỉ tiêu đã đề ra hơn là để các chỉ số này tự do lên xuống theo thị trường nhằm đảm bảo ổn định kinh tế.