Tin Việt Nam – 26/07/2018
‘Hi vọng Trần Huỳnh Duy Thức sẽ được ân xá’
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết các luật sư và gia đình sẽ tiếp tục làm đơn và hi vọng Chủ tịch nước sẽ ân xá cho nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức.
Theo luật sư Ngọc Trai, bắt đầu từ 1/1/2018, Bộ Luật sự mới có quy định mới về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và phân biệt rõ mức phạt cho hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội.
Với hành vi chuẩn bị phạm tội, tức tội danh ông Thức bị kết tội cách đây 9 năm, giờ chỉ ở trong khung phạt từ 1 đến 5 năm tù giam.
Trần Huỳnh Duy Thức bị ‘lao động cưỡng bức’
Vì sao ông Thức ‘không muốn sống lưu vong’?
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết 16 năm tù giam và 5 năm quản chế hồi 2009, sau khi bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cho đến nay, bản án đối với ông Thức vẫn là bản nặng nề nhất đối với giới bất đồng chính kiến.
Hồi tháng Tư, luật sư Nguyễn Văn Đài bị kết án 15 năm tù giam, 5 năm quản chế với cũng tội danh trên. Tuy nhiên, trong tháng Sáu, ông Đài và cộng sự Lê Thị Thu Hà đã được ra tù, sang Đức.
Tháng Sáu năm ngoái, blogger và nhà hoạt động “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù giam vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước.
5 lần 7 lượt nộp đơn xin ân xá
“So với luật cũ thì không có sự phân biệt hành vi thực hiện và hành vi chuẩn bị. Giờ với quy định mới này, gia đình anh Thức đã gửi đơn đi các cơ quan và đã nhờ các luật sư,” ông Ngô Ngọc Trai nói với BBC hôm 26/7.
Ông cho biết, ông và các luật sư đã “5 lần 7 lượt” gửi đơn ra nhiều cơ quan ban ngành, đề nghị xem xét việc đặc xá trả tự do cho ông Thức.
Cụ thể, ông cho biết đã gửi đến văn phòng, cơ quan của Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban nội chính TW, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi văn bản phúc đáp hôm 19/7.
“Văn bản trả lời của VKS viết rằng Chủ tịch nước là người có thẩm quyền định việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Nhưng hiện tại thì Chủ tịch nước chưa lên danh sách thực hiện đặc xá, nên VKS không thể làm gì khác,” luật sư giải thích.
“Tôi hi vọng nếu VKS có trách nhiệm thì họ có thể chuyển đơn của chúng tôi tới các cơ quan có thẩm quyền.”
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết ông cũng hi vọng các cơ quan khác cũng sẽ phản hồi các đơn xin ân xá mà luật sư và gia đình đã gửi.
“Trong trường hợp xấu các cơ quan không hồi đáp, chúng tôi sẽ vẫn kiên trì và tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan.
“Chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế lên tiếng về trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, để việc này tới tai các quan ngành, để cuối cùng trả tự do cho anh Thức.”
Trần Huỳnh Duy Thức là ai?
Trần Huỳnh Duy Thức là một thương gia có xuất thân ‘kỹ trị’ và là một tù nhân chính trị được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước.
Trước khi bị bắt, ông là một doanh nhân thành đạt. Năm 2000, ông thành lập một công ty điện thoại internet được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông cũng nổi bật với các ý kiến phê bình những rào cản từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này.
Ông ban đầu bị bắt với tội danh “trộm cắp cước điện thoại” nhưng sau đó bị đổi tội danh. Báo chí trong nước viết rằng ông có mối quan hệ mật thiết với luật sư Lê Công Định và ông Nguyễn Sỹ Bình, tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn”.
Sau khi ông bị kết án hồi 2009, Ngoại trưởng Anh khi đó Ivan Lewis và Đại sứ Mỹ Michael Michalak đều đã lên án việc giam giữ ông.
Tổ chức Ân xá Quốc tế và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Ông Thức hiện vẫn đang bị giam giữ tại trại giam số 6 Bộ Công an ở huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Năm 2016, luật sư Lê Công Định, người bị xét xử cùng ông Thức hồi 2010, cho biết ông Thức đã bị ép ‘lao động cưỡng bức’ bằng cách xếp giấy vàng mã mỗi ngày 8 tiếng.
Tháng 2/2017, ông Thức nói với gia đình rằng ông từ chối đi tỵ nạn chính trị vì “không đổi lưu vong lấy tự do”.
Ông Thức là tù nhân duy nhất trong vụ án ‘Lê Công Định và những người khác’ vẫn còn ở lại trong tù, các thành viên khác là các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung đã được trả tự do trong những khoảng thời gian khác nhau.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44963434
Vợ Lê Đình Lượng: Chồng tôi ‘bị gán ghép tội’
Vợ Lê Đình Lượng nói chồng ‘chỉ làm điều tốt’
Vợ của cựu chiến binh chống Trung Quốc sắp bị đưa ra xử vì Điều 79 nói với BBC rằng chồng bà không có tội và cho biết bà “không được gửi thuốc men cho chồng”.
Dự kiến hôm 30/7, tòa án tỉnh Nghệ An sẽ mở phiên sơ thẩm xử ông Lê Đình Lượng với cáo buộc “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam.
Cựu chiến binh bị bắt vì ‘lật đổ chính quyền’
Việt Nam công nhận ‘quyền im lặng’?
Ý kiến trước phiên xử Nguyễn Văn Đài
‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’
Ông Lượng là nhà hoạt động và cũng là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung.
Tháng 7/2017, ông bị bắt sau khi đi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai.
Hôm 26/7, từ Nghệ An, bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng, nói với BBC: “Tôi tin chồng tôi vô tội vì ông ấy có tội gì đâu mà thừa nhận.”
“Từ một năm nay, tôi cũng không được gửi thuốc men cho chồng trong lúc ông già rồi, lại bị bệnh gút, thoái hóa cột sống.”
“Tôi làm đơn bao nhiêu lần rồi nhưng không cho gặp, chỉ được gửi tiền thôi.”
Tôi nghĩ những gì chồng tôi làm đều rất tốt và đúng pháp luật. Nhưng ông ấy có một mình mà chính quyền gán ghép tội “Lật đổ chính quyền nhân dân”Bà Nguyễn Thị Quý, Vợ ông Lê Đình Lượng
LS Đài và bà Lê Thu Hà ra tù, lên đường sang Đức
Y án sơ thẩm thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
“Tôi nghĩ những gì chồng tôi làm đều rất tốt và đúng pháp luật. Nhưng ông ấy có một mình mà chính quyền gán ghép tội “Lật đổ chính quyền nhân dân”.
“Tôi không đồng tình với việc chồng bị khép tội nhưng tôi có thể làm gì với cơ chế này, nhà nước này ngoài chuyện gửi thư kêu oan, kêu cứu?”
‘Núp bóng bảo vệ môi trường’
Thời điểm ông Lượng bị bắt, tháng 7/2017, báo Nghệ An viết: “Thay vì tu chí làm ăn như những người dân lương thiện, Lê Đình Lượng lại cấu kết với các phần tử Việt Tân, là cánh tay đắc lực cho những phần tử cực đoan, đầu têu cho những hoạt động núp bóng bảo vệ môi trường để kích động gây rối an ninh trật tự trên địa bàn.”
“Ngoài việc liên lạc, tổ chức cho các phần tử cực đoan trong và ngoài nước biểu tình, gây rối tại các nơi công cộng, qua Facebook, Lê Đình Lượng đã có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.”
Thông tin từ Công an Nghệ An cũng được các báo Việt Nam đăng lại: “Ông Lượng thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân và gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.”
“Nhà chức trách xác định Lê Đình Lượng thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền và gây phức tạp an ninh trật tự địa phương.”
Cựu tù nhân Vũ Văn Hùng ‘đột ngột bị bắt’
VN ‘xử nặng’ ba người ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Cái giá của việc bảo vệ quan điểm
Cũng trong hôm 26/7, từ Hà Nội, Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người gọi ông Lê Đình Lượng là chú họ, nói với BBC: “Theo tôi được biết, do bị cáo buộc khoản 1 Điều 79, ông Lượng đối mặt với bản án thấp nhất là 12 năm tù.”
“Ông không có tình tiết giảm nhẹ nào, do luôn bảo vệ quan điểm, cho rằng những gì mình làm là đúng đắn theo luật pháp quốc tế và lương tâm con người.”
“Tôi luôn tin rằng ông ấy xứng đáng được trả tự do tại tòa.”
“Những gì ông làm là tốt đẹp và thực tế chính quyền địa phương cũng công nhận hoạt động của ông ấy.”
“Ví dụ ông đòi chống lạm thu thuế nông nghiệp, lạm thu học đường thì chính quyền đã thừa nhận và trả lại tiền cho dân.”
“Còn nhà trường thì đã cho học sinh địa phương được đi học theo đúng chỉ tiêu của Bộ Giáo dục.”
“Như vậy những đấu tranh của ông ấy dù chỉ ở quy mô địa phương nhưng đã có tác dụng tích cực.”
Hôm 26/7, thông cáo do Luật sư Nguyễn Văn Đài và Hội Anh em Dân chủ phát đi từ Đức, ghi: “Tất cả các hoạt động của ông Lê Đình Lượng được mô tả trong cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An chỉ thể hiện quyền tự do hoạt động đảng phái chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của ông ấy.”
“Các hoạt động đó nhằm tiến tới dân chủ hóa Việt Nam, xây dựng chế độ chính trị dân chủ đa đảng, ở đó mọi quyền lực chính trị đều thuộc về nhân dân. Và chỉ trong chế độ chính trị dân chủ đa đảng, Nhân dân mới thực sự có quyền lực để lựa chọn, quyết định và xây dựng lên chính quyền nhân dân.”
“Hội Anh em Dân chủ yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Lê Đình Lượng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44962972
Một tháng sau bạo động Bình Thuận,
chỉ có dân bị trừng trị
Kính Hòa RFA
Vụ bạo động tại Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11 tháng sáu 2018 là một trong những vụ bạo động lớn nhất của dân chúng chống nhà cầm quyền trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một tháng sau sự kiện đó, người dân và chính quyền nói gì?
Sau đêm bạo động 10/6/2018, một người dân Phan Thiết là anh Thái Bình (tên đã được thay đổi) làm nghề buôn bán tại thành phố Phan Thiết cho chúng tôi biết rằng trong đám đông tham gia bạo động đốt trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và sở Kế hoạch và đầu tư, có đa số là những người dân miền biển. Những người dân biển này, theo ông Phan Hữu Trọng Hiền, cũng là một người dân Phan Thiết hiện sống tại Úc, đã không còn kế sinh nhai khi môi trường biển của họ bị ô nhiễm và cạn nguồn hải sản, và đây theo ông là nguyên nhân chính làm bùng lên cuộc bạo động.
Một tháng sau vụ bạo động, chúng tôi gặp lại anh Thái Bình, anh cho chúng tôi nhận xét về phiên tòa xử những người đã tham gia bạo động tại Phan Thiết và Phan Rí Cửa trong hai ngày 10 và 11/6/2018:
“Nói chung những người bị kết án toàn là những người nghèo, ít học. Mình nghĩ thương cho những người đó. Không nên để những người nghèo, những người học thức ít bị như vậy. Người ta dính vô, rồi tù đày, người ta chịu hết. Những nhà chính trị không bị gì cả. Qua cái chuyện này mình thấy rõ, đâu có ai bị gì đâu.”
Nói chung những người bị kết án toàn là những người nghèo, ít học. – Anh Thái Bình
Ngay trước khi bùng nổ cuộc bạo động, trên trang báo điện tử của tỉnh Bình Thuận có đăng bài tệ nạn ma túy tại huyện Tuy Phong, nơi mà những người dân đã giận dữ đốt cháy đồn cảnh sát vào ngày 11/6. Bài báo này nói rằng tội phạm và tệ nạn ma túy ở huyện diễn biến phức tạp, gia tăng, lây lan cả về số người nghiện và số địa bàn có ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Lượng ma túy nhập lậu vào địa phương gia tăng về số lượng, chủng loại.
Một người dân làm nghề buôn bán hải sản tại Phan Rí Cửa nói với chúng tôi:
“Ngày xưa ở đây biển giả Ok thì người ta đi làm. Bây giờ không còn cá nữa, người ta lại ở không. Mà ở không thì ăn uống kham khổ không nói rồi, nhưng chuyện không có công ăn việc làm thì thanh niên sinh ra những vấn đề đó. Việc buôn bán (ma túy) đó xảy ra thường xuyên, mà chẳng ai dòm ngó.”
Anh cũng nói rằng chính quyền đã thất bại trong chuyện ngăn chận các loại phương tiện đánh bắt hải sản lớn đã tận diệt nguồn cá gần bờ, vốn là truyền thống nghề biển của người dân Bình Thuận.
Ngoài việc nguồn sống bị cạn kiệt, người dân Bình Thuận nói chung và Tuy Phong nói riêng phải chịu đựng nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, với việc khai thác sa khoáng vô tổ chức ở khu vực bờ biển, đặc biệt là cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chạy bằng than, hàng ngày thải ra không khí và đất đai ở đây một lượng vô cùng lớn khói bụi và xỉ than.
Chuyện ở Phan Thiết thì việc thúc đẩy người ta hành động là sự dồn nén bởi cái tình trạng là cuộc sống của họ bị thúc ép.
-Nhà văn Nguyễn Viện.
Người dân ở Tuy Phong nói tiếp:
“Có những lúc họ làm vệ sinh, bụi bặm mù đường, những người dân xung quanh đó phải chịu trận. Chuyện đó xảy ra hàng ngày rồi. Tới kỳ họ xả thải là họ xả, người dân vẫn tiếp tục phải cam chịu.”
Ngay lúc người dân này nói về việc ô nhiễm với chúng tôi thì báo chí Việt Nam loan tin rằng chính quyền trung ương đã phải tổ chức một đoàn kiểm tra khẩn cấp để kiểm tra việc một cột khói đen mù mịt xả lên từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân trước đó vài ngày.
Nhà văn Nguyễn Viện nói với chúng tôi về nguyên nhân, mà theo ông là chính yếu đã làm nên những cuộc bạo động tại Bình Thuận:
“Riêng chuyện ở Phan Thiết thì việc thúc đẩy người ta hành động là sự dồn nén bởi cái tình trạng là cuộc sống của họ bị thúc ép bởi những chuyện như là nhà máy nhiệt điện ô nhiễm môi trường, rồi ngư dân đi biển bị tàu Trung Quốc tấn công, … Tất cả những khó khăn của đời sống nó dồn nén, làm người ta bức xúc. Chứ còn riêng bản thân chuyện luật đặc khu hay an ninh mạng đối với họ thì nếu như họ biết họ cũng phản đối nhưng việc đó bị thúc đẩy bởi những bức xúc như tôi vừa nói.”
Để tránh những xung đột như vậy, cũng như hàng trăm cuộc xung đột vì lý do sinh kế của người dân và nhà cầm quyền, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội, trong một lần trao đổi với chúng tôi nói rằng phải có một thể chế gọi là bao hàm, dung nạp, coi trọng người dân, làm cái gì cũng kéo người dân vào, và phục vụ cho người dân. Nói chung đó là thể chế của những nền dân chủ hiện đại, có một nền pháp trị nghiêm minh.
Những người dân Bình Thuận mà chúng tôi tiếp xúc cho biết rằng chính cuộc sống bức bối đó đã tạo nên một tâm lý ghét chính quyền, dẫn đến bạo động, chứ thực ra lý do phản đối luật đặc khu và an ninh mạng chỉ là cái khởi đầu, khó dẫn tới bạo động.
Cái việc này (cuộc sống bị bức bối) tôi nghĩ là hoàn toàn không có đâu, hoàn toàn sai đấy. Đấy chỉ là một cái cớ để lấy lý do thôi.
-Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận.
Nhưng chính quyền Bình Thuận không đồng ý như vậy. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận nói với chúng tôi:
“Cái việc này tôi nghĩ là hoàn toàn không có đâu, hoàn toàn sai đấy. Đấy chỉ là một cái cớ để lấy lý do thôi, chứ tôi không nghĩ là như thế. Trong sự việc này thì không phải như thế. Đối với kết quả khi mà làm việc với những người có hành vi quá khích như thế, những hành vi vi phạm, tụ tập đông người gây ách tắt giao thông,… qua kết quả làm việc thì không phải như vậy.”
Ngay sau khi cuộc biểu tình bạo động bùng nổ, anh Thái Bình có nói với chúng tôi rằng chính quyền nên gặp gỡ người dân thay vì đàn áp họ, và theo thông tin của anh thì lúc đó chính quyền đã quyết định không đàn áp. Diễn biến những ngày hôm sau cho thấy là không có sự đàn áp mạnh tay. Nhưng hơn một tuần lễ sau thì việc bắt bớ lại bắt đầu.
Nhà văn Nguyễn Viện nói tiếp:
“Nếu tôi ở cương vị những người cầm quyền thì tôi cho rằng xử những người đó thiếu sự chính đáng, mặc dù rằng người ta dựa vào chuyện đập phá, gây rối tật tự trị an, hay là phá hoại tài sản công,… Nhưng phải truy xét vấn đề là tại sao nó lại xảy ra như thế. Phải thấu hiểu lòng dân để xử cho hợp tình hợp lý.”
Cho đến nay đã có 17 người dân Bình Thuận bị xử tổng cộng gần 30 năm tù giam, và theo như lời anh Thái Bình, không có quan chức nào bị kỷ luật cả. Nhà Văn Nguyễn Viện cho rằng trong những thể chế chính trị như Việt Nam, tất cả mọi lỗi lầm là do dân chúng gây ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/binh-thuan-month-later-07252018125621.html
Đan Viện Thiên An cáo buộc cơ quan chức năng
tiếp tục quấy nhiễu, lấn chiếm
Đan Viện Thiên An tại Huế vào ngày 22 tháng 7 công bố đơn tố cáo nói rằng vào ngày 18/7/2018, một nhóm người tự xưng là nhân viên của công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Lâm trường Tiền Phong, được hỗ trợ bởi lực lượng công an, đã đến trồng thông không rõ nguồn gốc tại khu vực kề bên những ngôi nhà của Đan Viện Thiên An, nơi mà Đan Viện đã sử dụng liên tục từ năm 1940 đến nay. Khi các đan sĩ lên tiếng ngăn cản thì bị xúc phạm và đe dọa.
Chúng tôi có gọi đến Lâm trường Tiền Phong, thì được ông Nguyễn Viết Thọ, Trưởng phòng tổ chức hành chính của công ty cho biết về sự việc đó, cũng như quan hệ của lâm trường này với Đan Viện Thiên An.
“Bên Công ty chỉ lên trồng lại cây thông thôi, vì hôm trước bị cháy nên phải khôi phục lại môi trường.
Bên công ty và Đan viện không có gì với nhau đâu, vẫn vui vẻ. Dịp Noel thì bên này cũng lên chúc, còn tất niên thì cũng mời bên nhà dòng xuống. Đâu có gì đâu.”
Ông Thọ nói việc Đan Viện đòi trả lại trường Thánh Mẫu là thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đơn tố Cáo của Đan Viện Thiên An nêu rõ khi những người đến trồng thông không rõ nguồn gốc tại khu vực bị đốt cháy vào ngày 4 tháng 7 vừa qua thì các đan sỹ có yêu cầu ngưng lại và bị xúc phạm, đe dọa hành hung. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của an ninh, công an tỉnh Thừa Thiên- Huế. Trong số này có ông Dương Trung Hiếu, phó Công an Xã Thủy Bằng. Ông này bị nói là người dẫn đầu nhóm người xông vào nội vi Đan Viện đập phá Thánh giá vào những ngày 28,29 tháng 6 năm 2017.
Đan viện Thiên An, ở xã Thủy Bằng, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu 49 héc-ta đất rừng thông để xây dựng khu du lịch từ năm 1998. Đan viện Thiên An nhận thấy việc thu hồi 49 héc-ta đất có nhiều khuất tất và đã tiến hành khiếu nại, khiếu kiện từ cấp địa phương lên đến trung ương. Nhưng việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gần 2 thập niên vẫn không được giải quyết.
Trước những dấu hiện cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm muốn lấy thêm phần đất còn lại trong tổng thể 107 héc-ta của Đan viện để bán cho doanh nghiệp nước ngoài, Đan viện Thiên An quyết định tranh đấu không để mất phần đất (rừng thông) còn lại nên tức tốc chỉnh trang lại vườn tược, ủi đường, đào mương, xây nhà, phục hồi lại đập nước đã được xây từ năm 1958.
Đan viện Thiên An cũng ba lần cho dựng Thập Tự giá trong khỏang thời gian từ năm 2015 đến năm 2017. Tuy nhiên cả ba lần đều bị công an, an ninh và côn đồ đập phá. Lần đập phá thánh giá và hành hung các tu sĩ của Đan viện Thiên An mới nhất xảy ra trong hai ngày 28 và 29 tháng Sáu 2017.
Máy bay quân sự rơi ở Nghệ An chết hai phi công
Một máy bay Su-22 của Trung đoàn Không quân 921 rơi tại Nghệ An ngày 26/7, làm chết hai phi công bay huấn luyện.
Tìm thấy tổ lái trực thăng rơi
Bộ Quốc Phòng xác nhận phi công VN tử nạn ở Anh
‘Cánh tà hỏng’ làm rơi máy bay Nga
Bộ quốc phòng Việt Nam nói vào lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, một máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân thực hiện bay huấn luyện.
Nhưng máy bay mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút và theo thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Hai phi công
Việt Nam xác nhận tên hai người đã hy sinh:
Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978. Quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Nhập ngũ: 20/9/1995
Giờ bay tích lũy: 1.130h37; Giờ bay trong năm: 111h08
Đã bay qua các loại máy bay: L- 39. MiG-21, Su-22;
Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, sinh 1972. Quê quán: Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình.
Nhập ngũ: 12/9/1991
Giờ bay tích lũy: 1178h32; Giờ bay trong năm: 106h58
Đã bay qua các loại máy bay: L-39. MiG-21Bis, Su-22M.
Bộ Quốc phòng Việt Nam nói đã chỉ đạo các đơn vị “kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn”.
Hôm 16/4/2015, hai máy bay Su-22 mất liên lạc khi cất cánh từ sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý.
Sau đó, Việt Nam tìm thấy thi thể hai phi công, Trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú.
Hồi tháng 10/2016, ba phi công quân sự Việt Nam đã tử nạn khi trực thăng huấn luyện của họ rơi tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44968295
Cập nhật tình hình thiên tai lũ lụt ở Việt Nam
Ít nhất 29 người chết và 5 người khác còn mất tích trong đợt lũ lụt và lở đất do cơn bão Sơn Tinh đổ vào miền Bắc và miền Trung Việt Nam gây ra.
Truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Năm 26 tháng 7.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong số những người thiệt mạng, có 15 người ở tỉnh miền núi phía bắc Yên Bái, sáu ở tỉnh miền núi phía Bắc Sơn La, ba người ở tỉnh trung du phía Bắc của Phú Thọ, ba người ở miền trung tỉnh Thanh Hoá; những người còn lại ở các tỉnh miền núi Lào Cai và Hòa Bình.
Theo thống kê trong năm 2017 có 16 cơn bão và bốn áp thấp thấp đã xảy ra tại Biển Đông. Đây là con số được cho là kỷ lục, làm cho 386 người ở Việt Nam thiệt mạng, phá hủy hơn 600.000 ngôi nhà và gây thiệt hại kinh tế khoảng 60 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ đô la Mỹ).
Dự báo cho rằng vào đầu mùa mưa năm nay bão và áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng hoành hành ở khu vực Bắc Biển Đông, đến cuối năm sẽ di chuyển về phía Nam , đe dọa ảnh hưởng đến khu vực miền Trung Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, hệ thống đường bộ ở Yên Bái bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Ước tính chi phí khắc phục khoảng gần 270 tỷ đồng.
Tại Sơn La, Sở Giao thông Vận tải nói đã có kế hoạch cho người trực tại các tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở, không cho xe cộ lưu thông. Dự kiến phải đến ngày 8 tháng 8 hệ thống đường bộ mới hoạt động bình thường trở lại.
Tại Cần Thơ vào sáng ngày 26 tháng 7, Hội nghị phòng chống thiên tai ở khu vực miền Nam đưa ra cảnh báo sẽ có từ 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào biển Đông.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trường Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cần lưu ý các phương pháp phòng chống, lập phương án kiểm soát tàu thuyền trên biển, cửa sông, đặc biệt khu vực ĐBSCL.
Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai đưa ra cho biết từ năm 2010 đến nay khu vực Nam Bộ xảy ra 562 điểm sạt lở, 49 điểm sạt lở bờ biển. Thiên tai năm 2017 làm 28 người chết và mất tích, 46 người bị thương, sập 937 căn nhà, thiệt hại 68,000 ha diện tích lúa. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 900 tỷ đồng
Cũng liên quan đến thiên tai, ngày 26 tháng 7, Viện Vật lý Địa cầu cho biết có 4 trận động đất liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trận thứ nhất mạnh 3.5 richter tại huyện Nam Trà My.
Trận thứ hai có độ mạnh 3.2 richter tại huyện Bắc Trà My lúc 5g24 phút. Sau đó ít phút xảy ra trận thứ ba có độ mạnh 2.7 richter. Đến 6 giờ 10 phút cũng tạiđây xảy ra trận thứ tư có độ mạnh 3.1 richter.
Tin cho biết tại huyện Bắc và Nam Trà My thường xuyên xảy ra các trận động đất lớn từ năm 2012 đến nay, khiến nhiều nhà cửa bị hư hỏng xuống cấp.
Tại khu vực này có Thủy điện Sông Tranh 2 và tình trạng động đất thường xảy ra như thế gây quan ngại cho cư dân địa phương.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-weather-07262018090929.html
Việt Nam có đại sứ mới tại Đức
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vừa ký ban hành Nghị quyết Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ với 16 người, trong đó có đại sứ tại Đức.
Vũ Đình Duy biết gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?
Long NH bị 3 năm 10 tháng tù vì vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, sẽ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Đại sứ đương nhiệm ở Đức Đoàn Xuân Hưng được bổ nhiệm từ tháng 5/2015.
Vào năm 2016, ông Nguyễn Minh Vũ, đang là Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, được điều động giữ chức Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Đến tháng 3/2017, ông lại được bổ nhiệm giữ chức Trợ lý Bộ trưởng kiêm Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Đức – Việt ‘phức tạp’
Quan hệ Việt Nam và Đức đang phức tạp sau khi Đức, vào tháng 9/2017, tuyên bố tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và trục xuất một số cán bộ ngoại giao Việt Nam.
Lý do là vì Đức cáo buộc Việt Nam “vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế” khi bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam truy nã về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, từ tháng 9/2016.
Việt Nam sau đó khẳng định ông Thanh, vào ngày 31/7/2017, đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú.
Ông Thanh đến nay đã bị hai bản án chung thân ở Việt Nam vì tội Tham ô tài sản.
Trong diễn tiến liên quan, tòa án ở Berlin, Đức hôm 25/7 kết án 3 năm 10 tháng tù với một người gốc Việt vì tội tham gia giúp đỡ trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo người Czech gốc Việt sinh sống ở Prague, được giới chức Đức gọi tên là ông Long N. H, đã khai nhận tại tòa tuần rồi là ông tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Các đại sứ mới
Trong danh sách đại sứ mới, có ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, làm Đại sứ tại Nhật Bản kiêm nhiệm Cộng hòa Quần đảo Marshall.
Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan.
Ông Đặng Trần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, làm Đại sứ tại Romania kiêm nhiệm Cộng hòa Serbia và Cộng hòa Montenegro.
Ông Phạm Thanh Dũng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Vương quốc Đan Mạch kiêm nhiệm Cộng hòa Iceland.
Ông Vũ Ngọc Minh, Đại sứ tại Panama, làm Đại sứ tại Cộng hòa Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Congo, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Guinea Xích Đạo, Cộng hòa Dân chủ São Tomé và Príncipe, và Cộng hòa Cape Verde.
Ông Phạm Hải, Vụ trưởng Vụ Trung Đông-Châu Phi-Mỹ Latinh, Ban Đối ngoại Trung ương, làm Đại sứ tại Cộng hòa Belarus.
Ông Trần Quang Tuyến, Quyền Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam, Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Trần Thành Công, Đại sứ tại Romania, làm Đại sứ tại Cộng hòa A-rập Ai Cập, kiêm nhiệm Cộng hòa Sudan, Cộng hòa Lebanon, Cộng hòa Tunisia, Nhà nước Libya, Cộng hòa Djibouti, Nhà nước Palestine và Nhà nước Eritrea.
Bà Lê Linh Lan, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Liên bang Thụy Sỹ kiêm nhiệm Công quốc Liechtenstein.
Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đại sứ tại Bulgaria, làm Đại sứ tại Cộng hòa Kazakhstan kiêm nhiệm Gruzia.
Ông Vũ Viết Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản trị Tài vụ, Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Vương quốc Saudi Arabia kiêm nhiệm Vương quốc Hashemite Jordan, Vương quốc Oman, Vương quốc Barain và Cộng hòa Yemen.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Cộng hòa Italy kiêm nhiệm Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Malta và Cộng hòa San Marino.
Ông Đỗ Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Israel.
Ông Lê Bá Vinh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Ông Đoàn Tuấn Linh, Phó Giám đốc, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, làm Đại sứ tại Cộng hòa Bulgaria kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44968291
Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa qua đến Hà Nội trong hai ngày 8-9/7/2018. Chuyến thăm được đánh giá không chỉ có tác động đến quan hệ song phương, mà còn thể hiện sự nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà trong đó Việt Nam có vị trí quan trọng.
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong nước về chuyến thăm đó.
Quan hệ song phương nhiều tiến triển
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà ông Mike Pompeo chọn đến thăm trong chuỗi công du châu Á vừa qua và cũng là lần đầu ông đến Hà Nội trên cương vị đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Chuyến thăm này là sự nối tiếp của hai chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 11/2017 và của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 24/1 năm nay. Trong chuyến thăm lần này, ông Mike Pompeo đã tiếp xúc với Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hội đàm với người đồng cấp – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế mà Việt Nam luôn đưa ra. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thúc đẩy việc triển khai quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ với ba tiêu chí: ổn định – sâu rộng – hiệu quả.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp vào tình hình an ninh quốc tế và tôn trọng nhân quyền, pháp trị.
-Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước các doanh nhân hai nước, theo đánh giá của Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, là “đậm đà cảm xúc cá nhân” về quan hệ Việt – Mỹ phong phú và sâu sắc, bao gồm cả cuộc chiến tranh Việt Nam mà hai bên đang quyết tâm “bất chấp những khó khăn to lớn để gác lại quá khứ và hướng tới tương lai”.
“Mỹ ghi nhận sự thành công về các mặt của Việt Nam, từ xóa đói giảm nghèo, đến tiến độ thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt, cho đến những cam kết chung giữa hai nước đối với tương lai bang giao, tương lai khu vực. Ngoại trưởng Pompeo thậm chí còn nói, những năm 60-70 thế kỷ trước, chẳng ai dám nghĩ sẽ có lúc ngoại trưởng Mỹ có thể gặp tổng bí thư Việt Nam ở ngay giữa Hà Nội để đàm đạo với nhau về tầm nhìn chung cho công việc hợp tác giữa hai nước.”
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh ở cuối bài phát biểu: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp vào tình hình an ninh quốc tế và tôn trọng nhân quyền, pháp trị”.
Mượn Việt Nam để nhắn nhủ Bắc Hàn
Trong chuyến công du châu Á lần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ở vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước cộng đồng doanh nghiệp Việt – Mỹ tối 8/7 tại Hà Nội có đoạn: “Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng như không tưởng mà chúng tôi có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng nước ngài có thể tái tạo lại con đường này. Nó sẽ là của ngài nếu ngài nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ngài; nó cũng có thể là phép màu của ngài ở Bắc Hàn”.
Ông Pompeo muốn nêu Việt Nam như một minh chứng sống động cho việc chuyển từ đối địch sang đối thoại và hợp tác với Hoa Kỳ – “một chìa khóa dẫn tới sự trỗi dậy lớn của Việt Nam trong vòng vài thập kỷ qua” để hướng đến sự thịnh vượng và phát triển. Việt Nam cũng có thể là hình mẫu cho Bắc Hàn nghiên cứu để cải cách kinh tế, mở rộng quan hệ bang giao – thương mại với các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ.
“Mỹ đã chọn Việt Nam trong chuyến công du Châu Á lần này làm địa điểm trung chuyển để chuyển các thông điệp kép của chính quyền Trump. Điều này có ý nghĩa ở chỗ, Mỹ ghi nhận vai trò của Việt Nam trong khu vực nói chung và cũng có ý nghĩa gửi gắm, ít nhất ở sự đồng cảm, cao hơn nữa là đón đợi việc Việt Nam hỗ trợ Mỹ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.”
Tới trung tâm “Indo-Pacific” để củng cố chiến lược an ninh khu vực
Một vấn đề trọng tâm khác trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mike Pompeo là việc thúc đẩy, củng cố cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump công khai tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.
Trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm tại Hà Nội, ông Mike Pompeo ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ phát triển thực chất, hiệu quả hơn.
Tôi đánh giá thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ giao cho Việt Nam là rất hay, rất quan trọng. Vấn đề là Việt Nam tiếp nhận thông điệp ấy và tổ chức cái năng lực của mình như thế nào để tham gia.
-GS. Nguyễn Khắc Mai
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Hoa Kỳ có ý muốn vận động sự ủng hộ và tham gia của Việt Nam và ASEAN vào việc xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – điều mà Trung Quốc từng cảnh báo, đe dọa một cách bóng gió trên báo chí.
Ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho rằng, Hoa Kỳ đang triển khai một kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với các nguy cơ từ Trung Quốc trên nhiều mặt trận và nhiều con đường, trong đó có chiến lược “Ấn Độ- Thái Bình Dương” – nhằm tạo thế cân bằng động mới trong khu vực.
“Ông ngoại trưởng Mỹ đến đây và đưa một thông điệp sự hình thành một tình hình mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Họ báo gì cho Việt Nam? Theo tôi nghĩ, họ nói rằng, đây là cơ hội cho các anh đấy. Đứng dậy đi! Tổ chức lại đi! Nâng năng lực của mình đi, tham gia vào các mối quan hệ ấy.”
Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định, Việt Nam có vị thế ngày càng cao trong mắt Hoa Kỳ bởi vị trí địa chính trị chiến lược, mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, và quan trọng nhất là đối với chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Theo ông, một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nhận thức được điều này và sự cần thiết của việc tham gia vào chiến lược này của Mỹ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn là hành trình dài, phụ thuộc vào ý chí của giới lãnh đạo, cũng như vai trò tác động của Trung Quốc trong nền chính trị Việt Nam. Nhưng hơn hết, Việt Nam cần tận dụng vị thế của mình trong quan hệ với Mỹ và vị trí địa chính trị chiến lược trong cấu trúc an ninh khu vực mới đang hình thành.
“Tôi đánh giá thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ giao cho Việt Nam là rất hay, rất quan trọng. Vấn đề là Việt Nam tiếp nhận thông điệp ấy và tổ chức cái năng lực của mình như thế nào để tham gia. Rút cái lợi ích từ đó cho bản thân dân tộc mình.”
Trong thời gian tới, theo sự bàn thảo của Ngoại trưởng Mike Pompeo và người đồng cấp Phạm Bình Minh vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Điều đó có nghĩa rằng, các chuyến thăm của quan chức cấp cao hai bên sẽ còn “tăng dày”, bởi những vấn đề song phương và đa phương đan xen ngày càng nhiều trong quan hệ hai nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-in-us-strategy-07262018073659.html