Tin Việt Nam – 26/05/2018
Vụ xử Nguyễn Khắc Thủy và nền tư pháp VN
Bản án phúc thẩm vụ ông Nguyễn Khắc Thủy bị cáo buộc tội dâm ô với trẻ em ở Bà Rịa-Vũng Tàu, với mức án 18 tháng tù treo tạo ra nhiều phản ứng trong xã hội những ngày qua.
“Đây là vụ án được gần như cả nước theo dõi trong mấy năm vừa qua,” Tiến sỹ xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với BBC. “Bản án cuối cùng gần đây, với 3 năm tù giam nhưng lại được giảm thành 18 tháng tù treo đã gây nên sự phẫn nộ chưa từng thấy ở trên mạng xã hội và trong báo chí.”
“Mọi người đều cho rằng bản án như vậy là không phù hợp, không thích đáng và những diễn biến gần đây cho thấy rằng sự phẫn nộ của dư luận là có căn cứ.”
Vụ Nguyễn Khắc Thủy: Tạm đình chỉ chủ tọa
Đảng viên CS hưởng án treo gây bức xúc
Xâm hại tình dục: ‘Lời khai có thể là bằng chứng’
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói trong cuộc thảo luận trực tuyến với BBC hôm 24/5 rằng “áp lực xã hội trong vụ này là rất lớn”, và kết quả “giảm án, cho hưởng án treo đã “gây bức xúc xã hội nặng nề”.
Trong lúc đó, blogger Khải Đơn nói rằng việc giảm án trong vụ án mới đây ở Bà Rịa-Vũng Tàu giống như việc “bật đèn xanh” để các vụ lạm dụng tình dục trẻ em tiếp tục xảy ra.
Tuy nhiên, một luật sư từ London nói rằng xã hội đã có phần cảm tính khi nghiêng về hướng chấp nhận phản ứng dữ dội của một bà mẹ nạn nhân nhưng lại tỏ ra phớt lò thái độ phản kháng cũng cương quyết không kém của người bị cáo buộc.
“Phản ứng của ông Nguyễn Khắc Thủy cũng là điều cần cân nhắc,” luật sư Hoàng Đức Thắng, cũng có mặt trong chương trình thảo luận của BBC, nói.
“Chúng ta không thể coi trọng ý kiến của một bên mà bỏ hoàn toàn ý kiến của một bên khác. Ông Thủy nói sẵn sàng đốt thẻ Đảng và tự sát trước tòa. Vậy người ta cảm thấy oan ức đến mức nào mà họ sẵn sàng làm như vậy?”
Vai trò thẩm phán
Luật sư Hoàng Đức Thắng cho rằng đây là một vụ cho thấy cơ quan tư pháp thiếu sự độc lập trong hoạt động.
“Viện kiểm sát [Bà Rịa-Vũng Tàu] mở lại hồ sơ là do chỉ đạo bên trên, từ Viện Kiểm sát Tối cao xuống chứ không phải do các cơ quan tư pháp cấp dưới điều tra lại. Việc này một phần làm thỏa mãn áp lực dư luận, mặt khác cho thấy sự can thiệp rất mạnh của cơ quan hành chính trong cơ quan tư pháp,” luật sư Thắng nói.
Các chuyên gia khác cũng tỏ thái độ quan ngại về hoạt động xét xử ở Việt Nam hiện nay.
“Dường như năng lực của một số cán bộ tòa án là có vấn đề. Những vụ việc với tội danh có thể nói là khá rõ ràng như vậy nhưng việc luận tội, kết án dường như có rất nhiều vấn đề khiến xã hội bức xúc. Bản thân tôi thấy rất băn khoăn về chất lượng của hoạt động tư pháp ở một số lĩnh vực ở Việt Nam,” Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói.
Nhìn lại các vụ án liên quan đến việc phạm tội với trẻ em, Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, cho rằng các biện pháp trừng phạt được đưa ra thường rất nhẹ, khiến người ta không thể không đặt nghi vấn.
“Nhiều vụ xét xử tội phạm với trẻ em còn rất là nhẹ. Những dấu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?” Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.
“Phải chăng kẻ phạm tội đã bỏ tiền của để chạy được chuyện này chăng, gọi là chạy án chăng? Hay là vì thẩm phán của chúng ta trình độ quá non yếu, hay vì thẩm phán vô cảm trong chuyện đối với các tội phạm, đối với tính mạng và sức khỏe của các cháu?”
Yếu tố ‘Đảng viên Cộng sản’
Việc tòa phúc thẩm tuyên bố giảm mức án từ 3 năm tù ở cấp sơ thẩm xuống còn 18 tháng tù treo, với một trong các lý do được đưa ra là bởi bị cáo là đảng viên Cộng sản, cũng là điều cho thấy sự vô lý trong hoạt động xét xử, theo các khách mời.
“Nếu là Đảng viên Đảng Cộng sản, là cán bộ có đóng góp thì việc đầu tiên của bạn phải là gương mẫu đúng không? Nhưng ở đây bạn lại được giảm án vì điều này. Đây là yếu tố khiến tôi trong tư cách một người làm báo cảm thấy vô cùng phẫn nộ,” blogger, nhà báo Khải Đơn nói.
Luật sư Hoàng Đức Thắng cũng cho rằng việc viện dẫn chi tiết “là đảng viên Đảng Cộng sản” để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là ‘không đúng’, và việc này đã “gây phản ứng trong xã hội, làm mồi dữ dội cho các tranh luận trong xã hội”.
Trong lúc đó, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói rằng việc ông Nguyễn Khắc Thủy là đảng viên và có những tuyên bố liên quan đến Đảng lẽ ra cần phải được tổ chức Đảng xử lý nghiêm khắc thay vì được tòa coi là tình tiết để giảm tội.
Luật sư Thuận nói:
“Ông ấy đưa vấn đề Đảng ra chỉ làm xấu Đảng. Lẽ ra tổ chức Đảng phải cho ông ấy ngừng sinh hoạt đảng, hoặc phải khai trừ thay vì để ông ấy dọa đốt thẻ Đảng. Việc tổ chức Đảng không xử lý gì là điều đáng tiếc.”
Đưa ra ví dụ để so sánh tính nghiêm trọng của loại hình tội phạm này, luật sư Monique Nguyen Camperi tham gia thảo luận với BBC từ California nói rằng theo luật pháp tiểu bang
này, phạm tội tình dục đối với trẻ em là một trong những tội bị coi là nặng nhất, phải chịu những hình phạt nghiêm khắc và thẩm phán xét xử không được áp dụng các biện pháp nhẹ tay:
“Điều luật 288A ở California trực tiếp nói về các hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi. Nếu bị kết tội [dâm ô với một em] thì nhẹ nhất là 3 năm, nặng nhất là 8 năm. Nhưng nếu là phạm tội với hai em trở lên, thì mức án ở Cali rất nặng, khởi điểm là 15 năm, cho đến tù chung thân.”
“Chánh án sẽ không có quyền cho giảm án, cho tù treo hay quản chế. Những người bị kết án dâm ô trẻ em ở California theo luật sẽ phải bị đăng ký suốt đời như kẻ phạm tội tình dục.”
Điều luật 288A ở California trực tiếp nói về các hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi… Chánh án sẽ không có quyền cho giảm án, cho tù treo hay quản chế. Những người bị kết án dâm ô trẻ em ở California theo luật sẽ phải bị đăng kí suốt đời như kẻ phạm tội tình dục.Luật sư Monique Nguyen Camperi
Về việc thẩm phán bị đình chỉ
Tuy không hài lòng với việc thẩm phán ra phán quyết giảm án cho ông Nguyễn Khắc Thủy, nhưng các ý kiến nêu ra với BBC đều không đồng tình với cách thức giới chức tạm đình chỉ hoạt động của vị thẩm phán.
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao cho rằng việc đình chỉ chức vụ thẩm phán “chỉ là một phản ứng để yên lòng dư luận”, và là cách xử lý “không phù hợp với nguyên tắc của hệ thống tư pháp”.
“Một trong hai chức năng cơ bản là của viện kiểm sát là kiểm sát tư pháp, trong đó có kiểm sát xét xử. Vậy thì cần một cuộc điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao trong vụ này. Họ có thẩm quyền để làm việc đó, phải có một kết luận rõ ràng chứ không thể tùy tiện khi thấy dư luận nói như vậy xong rồi ra quyết định đình chỉ. Như vậy, theo tôi là không phù hợp với quy trình tố tụng làm việc của hệ thống tư pháp mà là mang tính hành chính.”
“Không thể dựa vào công luận để ra quyết định đình chỉ ngay vị thẩm phán đó được. Theo tôi là phải làm theo đúng quy định của pháp luật và quy trình hoạt động của hệ thống tư pháp,” ông Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh.
“Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát tối cao phải có trách nhiệm điều tra xem có vấn đề gì đằng sau hay không, lúc đó mới kết luận rõ ràng, xem xét mức độ oan sai đến đâu, mức độ làm sai trái của thẩm phán đến đâu, lúc đó mới có căn cứ ra quyết định chứ không thể chỉ thuần túy nghe dư luận rồi ý kiến thủ tướng, hay ý kiến đại biểu Quốc hội… Như vậy là thể hiện sự tùy tiện trong hoạt động tư pháp.”
Luật sư Trần Quốc Thuận bổ sung thêm rằng việc ra quyết định đình chỉ “là cách làm không chặt chẽ, tạo cảm giác về sự độc lập xét xử của tòa án” và chưa “làm theo đúng luật tố tụng”.
“Đó là là sự xuống cấp của xã hội Việt Nam bây giờ, rất nặng nề. Không chỉ một vụ này mà còn những vụ khác nữa. Đó là điều đau buồn. Một xã hội xuống cấp toàn diện,” ông Thuận nói.Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Thuận cho rằng sự việc trên khiến chúng ta “nhìn ra một khía cạnh khác”.
“Đó là là sự xuống cấp của xã hội Việt Nam bây giờ, rất nặng nề. Không chỉ một vụ này mà còn những vụ khác nữa. Đó là điều đau buồn. Một xã hội xuống cấp toàn diện,” ông Thuận nói.
Nhìn từ khía cạnh pháp lý, luật sư Hoàng Đình Thắng từ London nói rằng với những thông tin mà ông thẩm phán chủ tọa phiên tòa nêu ra sau khi bị đình chỉ công việc, thì dường như trước khi đưa ra xét xử phúc thẩm, ủy ban thẩm phán Tòa án Bà Rịa-Vũng Tàu đã có “họp bàn’.
“Đã có sự thống nhất, đánh giá cả về hành chính và chuyên môn trong cơ quan tư pháp rồi, sau đó chỉ được thể hiện thông qua lời một thẩm phán mà thôi,” luật sư Thắng nói, và cho rằng tuy việc đó đã xảy ra nhưng vị thẩm phán vẫn ra mức án tù treo dẫn đến việc bị đình chỉ công tác cho thấy ông là người “dũng cảm”.
Đó là tín hiệu “đáng mừng cho nền tư pháp Việt Nam khi có những thẩm phán dám đương đầu chống lại áp lực xã hội và thậm chí cả áp lực ngầm từ phía cấp trên”, luật sư Thắng bình luận.
Ý kiến chung của các chuyên gia pháp lý và các nhà báo, các nhà xã hội học sau vụ án này là hoạt động của cơ quan tư pháp cần phải được độc lập thực sự.
“Nên sớm công nhận hoạt động độc lập của cơ quan điều tra, nhất là tòa án,” theo luật sư Thuận, trong lúc luật sư Monique Nguyen Camperi cho rằng áp dụng mô hình có bồi thẩm đoàn sẽ “là cách tốt nhất để đảm bảo tính công bằng của phiên xử”.
Tuy nhiên, về mặt ngắn hạn, blogger, nhà báo Khải Đơn cho rằng việc các cơ quan tư pháp chịu lắng nghe dư luận như trong vụ này là tín hiệu đáng mừng.
“Các cơ quan tòa án nên có quyền độc lập khi phán xét. Nhưng vì rất nhiều lý do mà các phán quyết này luôn có một vùng xám, ở đó các bên gặp sự bất công không còn cách nào khác là dùng đến dư luận để làm phương thức vận động dư luận ủng hộ và tìm được sự công bằng. Về lâu dài, tôi không ủng hộ điều này, nhưng về ngắn hạn, tôi thấy đây là điều cần thiết để thúc đẩy nền tư pháp đến sự độc lập.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44256992
Về giàu nghèo ở VN và giới tư bản mới
Quốc PhươngBBC Tiếng Việt
Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam xét trong tương quan so sánh giữa tầng lớp thống trị với giới bị trị hiện ‘càng ngày càng doãng ra’, theo một nhà nghiên cứu xã hội học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 25/5/2018 từ Hà Nội, tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, tác giả của cuốn sách ‘Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay’ mới xuất bản ở trong nước nói:
“Về phân cực, khoảng cách giàu nghèo ở đây, tôi không dùng thuật ngữ giữa nhóm thống trị và bị trị trong mô hình phân tầng, tất nhiên về hàm ý có thể mọi người đều hiểu như thế, có tên gọi của 9 tầng lớp, thì tôi gọi cụ thể tầng lớp lãnh đạo, quản lý, đương nhiên là dưới tầng lớp này là tầng lớp những người bị lãnh đạo, quản lý – về khoa học như vậy.
“Nhưng ngôn ngữ truyền thông có thể gây ra ý này, ý kia nên nhận thức nó không hay.
Thế nhưng cũng không sao cả, về khoảng cách ấy giữa giàu nghèo càng ngày càng doãng ra, cái này thì số liệu của Tổng cục Thống kê cũng như vậy.”
Báo VN chú ý ‘xe sang của lãnh đạo Thanh Hóa’
Trong cuốn sách của tôi cũng có thông tin về đảng viên, thường những người ở tầng lớp cao sẽ có tỷ lệ là đảng viên nhiều hơn là ở tầng lớp dướiTS. Đỗ Thiên Kính
Tăng giá xăng: ‘Bóng đang ở sân Quốc hội’
Dân trung lưu VN tiêu tiền vào đâu?
Công lý, tư pháp và phán tòa VN qua hai vụ án
VN: Thuế nhà ‘bần cùng hóa người dân’
Tuy nhiên, vẫn theo nhà nghiên cứu này, nếu đi theo quy luật chung của phát triển, mà một điểm mốc được đưa ra để dự phóng là vào năm 2040, thì khoảng cách này sẽ có xu hướng ‘thu hẹp lại’, nhà xã hội học cho biết thêm:
“Còn dưới góc độ giữa các tầng lớp, theo một số chỉ báo thấy rằng nó thu hẹp lại, nhưng một số chỉ báo chưa rõ lắm. Tóm lại xu hướng tổng thể là công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng tiến tới điểm mốc, dự đoán tương lai là vào 2040, bao nhiêu thì khoảng cách giàu – nghèo giữa các tầng lớp sẽ càng thu hẹp lại. Đấy là tiến bộ tự nhiên của các mô hình các nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”
Khi được đề nghị bình luận về nhóm tư sản và tầng lớp tư sản mới hiện nay ở Việt Nam, nhà nghiên cứu cho hay là ông chưa có điều kiện nghiên cứu sâu và riêng về nhóm này, nhưng có thể có một số cảm quan từ trực cảm, Tiến sĩ Đỗ Thiên Kính nói tiếp:
“Họ là những người có nhiều tiền, nhiều tài sản, ở trên báo chí hàng ngày cũng thấy là các đại gia, những người lắm tiền, đương nhiên nguồn gốc (tài sản) có nhiều nguồn, đồng thời họ là nhóm những người giàu trong xã hội; dưới góc độ phân tầng, tất nhiên nó sẽ thể hiện ở nhóm đỉnh, nhưng đấy là trực cảm thôi.”
Về quan hệ của nhóm tư sản, tầng lớp tư sản mới với vấn đề bất bình đẳng, công bằng trong xã hội, nhà nghiên cứu bình luận:
“Từ trực cảm thì những người có tiền, có của như thế họ sẽ tạo thành những người giàu ở trên đỉnh, cách xa về tài sản nhiều hơn so với những người ở dưới, tuy nhiên rất khó để trả lời kể cả từ trực cảm về quan hệ này.”
Về tương quan giữa tầng lớp tư sản, tư sản mới với nhóm những người đảng viên và đảng viên có quyền, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính cho biết:
Tôi không nhớ chính xác, nhưng có sự chênh lệch rất là lớn, bởi vì đây là Đảng lãnh đạo, nên đương nhiên là phải có tiêu chuẩn đảng viên mới đưa vào tầng lớp lãnh đạoTiến sỹ Đỗ Thiên Kính
“Quan hệ này cũng khó nói, ở trong cuốn sách của tôi cũng có thông tin về Đảng viên, thường những người ở tầng lớp cao sẽ có tỷ lệ là Đảng viên nhiều hơn là ở tầng lớp dưới.
“Ví dụ như tầng lớp lãnh đạo, quản lý, thì tiêu chuẩn gần như là phải là Đảng viên thì mới được làm lãnh đạo, thành ra tỷ lệ Đảng viên ở các tầng lớp cao, lãnh đạo chiếm rất nhiều, nhiều hơn tầng lớp dưới, ví dụ so với nhân dân chẳng hạn, trong công trình của tôi cũng có các thông tin như thế.
“Tôi không nhớ chính xác, nhưng có sự chênh lệch rất là lớn, bởi vì đây là Đảng lãnh đạo, nên đương nhiên là phải có tiêu chuẩn đảng viên mới đưa vào tầng lớp lãnh đạo.”
Đặc quyền, cầm quyền và bất bình đẳng XH
Sài Gòn chưa hết ngập vì ‘chọn sai cách’?
Giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam
Người giàu bị kỳ thị tại Việt Nam?
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu cho hay chưa có nhiều nghiên cứu đặt vấn đề để quan sát nhóm có ‘đặc quyền, đặc lợi’ trong xã hội Việt Nam hiện nay, liên quan tới các vấn đề về phân tầng và di động xã hội, về phân cực giàu nghèo.
“Đối với bản thân tôi, kể cả có kinh phí cũng chịu, chẳng nghiên cứu được, kể cả Chính phủ có cho phép cũng chịu, dính đến luật pháp, Tòa án tìm chứng cứ còn khó, nghiên cứu sao được,” ông nói.
Bình luận về quan hệ giữa nhóm tư sản, tư sản mới, những người có nhiều tài lực với những người thuộc nhóm quan chức, lãnh đạo, nhà xã hội học nói:
“Cái này ở thế giới họ có phân tích quan hệ, cuốn sách của tôi chỉ trình bày vấn đề này ở phần lý thuyết, trong xã hội học thế giới, lý thuyết thì có quan hệ, có tầng lớp elite (tinh hoa), nó có elite về tư sản, hai nhóm này của tầng lớp elite có quan hệ lẫn nhau.
Báo VN chú ý ‘xe sang của lãnh đạo Thanh Hóa’
Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh
Phú Thọ khởi tố 10 thanh niên ‘chặn xe xin tiền’
“Nhưng ở Việt Nam thì không xác định được, kể cả chân dung cụ thể của tầng lớp lãnh đạo, quản lý như muốn được trình bày mà đã không nói được, lại càng chia nhỏ nữa, thì điều này bất khả thi trong nghiên cứu.”
Tuy nhiên về mặt trực cảm, nhà nghiên cứu bình luận:
“Trực cảm, tôi cũng chỉ biết qua trên báo mạng thì các đại gia, hay các quan chức có sự bắt tay nhau, đó là thông tin trên báo mạng mà ở Việt Nam thì đầy ra.
Ý kiến của tôi cũng như đa số những người đọc báo, những người dân bình thường thì đều thấy nói quan chức nhà nước có ‘sân sau’ chẳng hạn, tức là có các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hay là đại gia bắt tay với giới quan chức để lợi dụng chính sách chẳng hạnTiến sỹ Đỗ Thiên Kính
“Ý kiến của tôi cũng như đa số những người đọc báo, những người dân bình thường thì đều thấy nói quan chức nhà nước có ‘sân sau’ chẳng hạn, tức là có các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hay là đại gia bắt tay với giới quan chức để lợi dụng chính sách chẳng hạn, ví dụ như thế trên báo không thiếu.”
Theo nhà nghiên cứu, chuyển động và hình thành của nhóm trung lưu trong cấu trúc xã hội Việt Nam tới đây, trong đó có liên hệ với nhóm nghèo, cũng là một vấn đề được quan tâm, cấu trúc xã hội Việt Nam càng chuyển dịch từ mô hình kim tự tháp sang mô hình quả trám và càng dịch chuyển tốt cùng với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thì việc giảm nhóm nghèo, tăng số lượng và chất lượng của nhóm trung lưu càng dễ có chiều hướng diễn ra.
Tuy nhiên việc chuyển đổi cấu trúc xã hội này ra sao có liên quan tới chuyển đổi hiệu quả trong cơ cấu, thành phần kinh tế cụ thể như thế nào.
Trước câu hỏi vấn đề phân cực giàu nghèo và khoảng cách này sẽ có thể thay đổi ra sao nếu Việt Nam chuyển đổi từ mô hình thể chế chính trị một đảng cầm quyền hiện nay sang mô hình dân chủ hóa, đa đảng với nhiều chủ thể tham gia hơn vào quản lý đất nước, tức là với một thay đổi về cơ cấu, thể chế chính trị, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính đáp:
“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu hướng chung của các nước, kể cả các nước khác mà đâu phải chỉ có một đảng mà có nhiều đảng, một đảng hay nhiều đảng thì hướng xây dựng quốc gia bao giờ cũng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì một đảng cũng theo hướng như thế.
“Và hơn một đảng cũng theo hướng như thế, vì quy luật phát triển của các nước để tiến tới đạt được mức cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cấu trúc xã hội cũng như vậy, nên khó mà nói tới tương quan giữa một hay nhiều đảng với bất bình đẳng xã hội, chỉ có làm ở tốc độ nhanh hay chậm thôi, còn một đảng hay đa đảng bình đẳng hơn thì không có cơ sở,” nhà xã hội học nói với BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44256721
Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm
và thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
Trong đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa diễn ra hôm 17/5 tại Washington DC, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nêu quan ngại về tình trạng nhân quyền Việt Nam và nêu một số trường hợp đặc biệt, yêu cầu phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ thuộc văn phòng phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, và lao động, về đối thoại lần này.
———————————
Scott Busby: đây là đối thoại nhân quyền thứ 22 mà chúng tôi có với Việt Nam, một trong những đối thoại dài nhất so với bất cứ nước nào khác trên thế giới. Trong đối thoại, chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi là thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Nói vậy, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đã nói với họ như đã nói trước kia rằng nếu không có sự tiến bộ và hợp tác trong vấn đề nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo và quyền của người lao động, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không thể đạt được triển vọng toàn bộ. Chúng tôi có nêu ra một số trường hợp cụ thể. Chúng tôi có chia sẻ với họ danh sách các cá nhân này. Có hai trường hợp đặc biệt mà chúng tôi nhấn mạnh là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay còn được biết là blogger Mẹ Nấm, người đã nhận giải Phụ Nữ Quả Cảm từ Bộ Ngoại giao năm ngoái. Chúng tôi cũng nêu trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và những người cùng cộng tác trong Hội Anh Em Dân Chủ. Họ vừa bị nhận những án tù nặng nề. Chúng tôi nói với đại diện Việt Nam là những bản án này không công bằng và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho họ và Mẹ Nấm. Trên thực tế, chúng tôi đòi hỏi họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm mà chúng tôi chia sẻ danh sách với họ.
RFA: Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm nhưng phía Việt Nam đã không thực hiện. Những tù nhân lương tâm được trả tự do, trong một số trường hợp là được yêu cầu phải sang Mỹ. Vậy ông có thể cho biết đây có phải là những gì đang xảy ra đối với danh sách các cá nhân phía Mỹ đưa ra không? Phía Việt Nam có hứa hẹn gì?
Scott Busby: Tôi không thể đi vào chi tiết cụ thể những gì mà chúng tôi bàn với phía Việt Nam nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã đàm phán với họ và yêu cầu họ phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm. Không có một lời hứa nào (của Việt Nam) được đưa ra trong đối thoại.
Chúng tôi nói với đại diện Việt Nam là những bản án này không công bằng và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho họ và Mẹ Nấm. Trên thực tế, chúng tôi đòi hỏi họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm mà chúng tôi chia sẻ danh sách với họ. – Scott Busby
RFA: Trước đối thoại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Ủy Hội tự do tôn giáo quốc tế trước đó cũng có báo cáo về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt nam trong năm qua so với năm trước đó và khi phía Mỹ đưa ra đánh giá như vậy thì phía Việt Nam nhìn nhận thế nào?
Scott Busby: Chúng tôi cho rằng đã có sự gia tăng bắt bớ và đàn áp đối với những người thực hiện các quyền cơ bản. Chúng tôi đã nêu ra quan ngại về vấn đề này. Chúng tôi cũng nêu quan ngại về những bản án nặng nề mà những người này phải chịu. Phía Việt nam giải thích rằng những người này đã vi phạm luật pháp và đó là lý do họ bị bắt và bỏ tù.
RFA: Các tổ chức nhân quyền quốc tế vừa qua đã có những chỉ trích chính phủ Mỹ hiện nay đã không cứng rắn trong vấn đề nhân quyền với Việt Nam và đó là lý do khiến Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền. Ông có nhận xét gì về điều này.
Scott Busby: Chúng tôi thường xuyên nêu quan ngại của chúng tôi về vấn đề nhân quyền với phía Việt Nam bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi gần đây có gặp Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Daniel Kristenbrink và ông ấy thừa nhận là vấn đề nhân quyền nằm trong phần lớn các đối thoại giữa ông ấy với phía Việt Nam. Tôi cũng lưu ý là trong thảo luận của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (UN Human Right Council), chúng tôi đã nêu quan ngại về tình trạng đàn áp đối với những người Việt Nam thực hiện các quyền căn bản của họ.
RFA: Hoa Kỳ có những mặc cả nào cụ thể để gây sức ép lên Việt Nam?
Scott Busby: Việt Nam muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Họ có lo ngại về bạn láng giềng phương Bắc như bạn đã biết. Việt Nam muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ. Chúng tôi nói với họ rằng là nếu họ muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ thì họ cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền.
RFA: Mới đây, Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish có gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và nêu quan ngại về luật an ninh mạng mà Việt Nam đang đề xuất. Ông đánh giá luật này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ hai nước?
Scott Busby: Chúng tôi rất lo ngại về luật này. Chúng tôi có cùng mối quan ngại như Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish đã nói đến khi ông ấy ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là luật này được viết để hạn chế hơn nữa quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tụ tập, và cũng cản trở sự phát triển và sáng tạo của nền kinh tế số trong nước. Trong suốt đối thoại, chúng tôi cũng thúc giục Việt Nam hoãn lại việc thông qua luật này để có thêm thời gian cho quá trình tư vấn để xem xét những quan ngại của những bên sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này
Rừng ở Việt Nam: báo cáo và thực tế
Tình trạng phá rừng
Vào đầu tháng 5 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam cho công bố hiện trạng rừng trên toàn quốc tính đến ngày 31/12/2017. Theo đó diện tích rừng trên toàn quốc đạt được hơn 14 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4 triệu ha. Diện tích đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì độ che phủ rừng có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao thì lại thấp đi đáng kể.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Cần Thơ cho rằng ông nghi ngờ về con số mà Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thông đưa ra, ông lập luận:
“Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoản hơn 20% thôi.”
Sang trung tuần tháng 5, Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thông tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam. Nhân dịp này, ngành lâm nghiệp được đánh giá có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam, giá trị đạt được hơn 8 tỷ đô la.
Ảnh hưởng kinh tế
Giáo Sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận ngành lâm nghiệp có góp phần giúp phát triển kinh tế tại Việt Nam:
“Việc rừng năm vừa rồi có những đóng góp lớn thì tôi cho rằng việc bảo vệ và khai thác rừng là hai mặt song hành, đánh giá lại thì vừa rồi rừng đóng góp phát triển kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, việc đóng góp từ rừng sản xuất, khai thác môi trường rừng vào việc du lịch nghỉ dưỡng, việc khai thác rừng vào việc khu du lịch sinh thái , thủy điện v.v…”
Giáo Sư Đặng Hùng Võ nói với chúng tôi rằng trong luật bảo vệ phát triển rừng trước đây, rất hạn chế việc giao đất rừng cho cộng đồng dân cư với tư duy là cộng đồng dân cư không phải là một tổ chức và không có người chịu trách nhiệm. Nhưng luật lâm nghiệp đã được sửa đổi vào năm ngoái. Ông cho biết thêm:
“Luật lâm nghiệp được quốc hội thông qua năm 2017 thì đã có nhũng thay đổi cơ bản về tư duy, giao đất rừng cho cộng đồng dân cư địa phương, bởi vì các nhà xây dựng pháp luật Việt Nam đã ngộ ra được rằng giao cho các tổ chức của nhà nước thì nó không đạt được hiệu quả, còn giao cho cộng đồng dân cư thì kêu gọi được sức mạnh của nhân dân vào bảo vệ rừng thì tôi cho rằng đây là thay đổi cơ bản về tư duy bảo vệ rừng và phát triển rừng ở Việt Nam.”
Đồng thuận với y kiến của Giáo Sư Đặng Hùng Võ về vấn đề giao cho các tổ chức nhà nước quản lý đất rừng không đạt được hiệu quả, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật người từng làm việc cho cơ quan quản lý khu rừng quốc gia Nam Cát Tiên chia sẻ thêm một nhận định mà ông cho rằng có liên quan đến vấn đề tham nhũng.
“Ở trong xã hội Việt Nam vấn đề tham ô tham nhũng, cấu kết lãnh đạo với kiểm lâm rồi báo chí phanh phui rất là nhiều. Chánh thanh tra chính phủ hoặc là trung ương có thông báo là bây giờ thanh tra ở đâu là dính ở đó, cho nên cái đó là một điều rất là trăn trở.”
Dù phía cơ quan chức năng có những đánh giá tích cực về tình hình rừng được khôi phục và mang lại những lợi ích kinh tế cho đất nước, tin tức về nạn phá rừng tại Việt Nam tiếp tục được loan đi.
Dak Lak, một tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam, vừa qua thừa nhận có 18 ha rừng biên giới bị phá trắng, trong đó 10 ha rừng bị cắt hạ đã lâu vì vết cắt đã cũ và 8 ha còn lại mới xảy ra gần đây.
Lại có tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xin chuyển gần 70 ha đất rừng làm sân golf, thuộc dự án khu du lịch sinh thái Mường Thanh. Điều đáng lưu ý là diện tích này có nguồn gốc đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm và được nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất.
Thực tế cho thấy giữa chủ trương bảo tồn, khôi phục, phát triển rừng và công tác thực thi pháp luật, qui định trong lĩnh vực này vẫn còn độ chênh rất lớn. Nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra về độ che phủ và chất lượng rừng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/forest-at-vietnam-report-and-actual-05252018161011.html