Tin Việt Nam – 26/05/2017
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ gặp các nhà tranh đấu ở Sài Gòn
Một đoàn các nhà ngoại giao Hoa Kỳ do Trợ lý Ngoại trưởng Virginia Bennett dẫn đầu đã gặp các nhà tranh đấu tại Sài Gòn tối 24/5, một ngày sau cuộc Đối thoại nhân quyền Việt–Mỹ tại Hà Nội.
Blogger Huỳnh Thục Vy cho VOA biết mục đích của cuộc gặp:
“Họ đến nghe trình bày các hoạt động của chúng tôi, tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và những phương cách hiệu quả để phát triển hoạt động của xã hội dân sự, hoạt động bảo vệ nhân quyền, và công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt Nam.”
Blogger Thục Vy, từ Đăk Lăk, nói chị có cơ hội trình bày với đoàn về các trường hợp phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền bị chính quyền sách nhiễu:
“Tôi trình bày về những người phụ nữ trong cộng đồng bị ngược đãi ở Việt Nam, như cộng đồng người Montagnard, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, hay cộng đồng phụ nữ bất đồng chính kiến đang bị sách nhiễu tại Việt Nam. Những thành viên cốt lõi của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đang bị cấm xuất cảnh. Bà Bennett có nói đến việc chúng ta nên dùng các cơ chế của địa phương để giải quyết vấn đề địa phương.”
Tôi trình bày về những người phụ nữ trong cộng đồng bị ngược đãi ở Việt Nam, như cộng đồng người Montagnard, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, hay cộng đồng phụ nữ bất đồng chính kiến đang bị sách nhiễu tại Việt Nam. Những thành viên cốt lõi của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đang bị cấm xuất cảnh.
Huỳnh Thục Vy
Chị Thục Vy cho biết bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà tranh đấu được nhiều người biết tiếng, bị công an chặn, không đến được, trong khi một số người khác phải rời nhà trước vài hôm mới có thể có mặt trong cuộc họp mặt này.
“Các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam thì có anh Phạm Bá Hải, anh Lê Công Định, anh Phạm Chí Dũng, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Huỳnh Thục Vy, và hai vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển, nhưng bác sĩ Quế không có mặt vì bị chặn không cho ra khỏi nhà. Vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển phải rời nơi ở của họ ở Sài Gòn cách đó 3 ngày, đi trốn, rồi mới đến cuộc gặp được. Anh Phạm Bá Hải cũng phải đi trốn một ngày trước cuộc gặp.”
Thông cáo hôm 25/5 của Hội Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho biết các chủ đề được trao đổi trong cuộc gặp hầu hết đều xoay quanh các quyền tự do căn bản đang bị tước đoạt tại Việt Nam.
Ông Phạm Bá Hải, đại diện của Hội, nêu lên với đoàn vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa xả độc gây ra. Trong vụ việc kéo dài hơn một năm qua, không có tiến triển đáng kể nào để đền bù thiệt hại cho ngư dân bị tác động, và cũng không có biện pháp cải tạo môi trường biển nào đáng nói.
Trong khi đó nhiều người đưa tin về vụ ô nhiễm Formosa tiếp tục bị truy bức. Ông Hải nói “xử lý hình sự những người làm truyền thông như anh Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình, và truy nã anh Bạch Hồng Quyền chỉ làm người dân càng thêm phẫn uất.”
Thông cáo cho biết luật sư Lê Công Định có nêu trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã thụ án hơn phân nửa bản án tù, và kêu gọi chính phủ Mỹ tăng sức ép để Việt Nam sớm thả ông Thức.
Ông Phạm Chí Dũng nhận định về tình hình bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ từ cuối thời Obama đến đầu thời Trump và đề xuất đã đến lúc Hoa Kỳ cần đặt nặng gấp đôi vấn đề tôn trọng nhân quyền trong các hiệp ước thương mại với Việt Nam.
Cũng theo thông cáo trên, bà Virginia Bennett cho biết phái đoàn Mỹ đã đưa “một số vấn đề nhân quyền quan trọng lên bàn đối thoại tại Hà Nội, như quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng… Hoa Kỳ tiếp tục kỳ vọng vào việc cải cách hệ thống luật pháp Việt Nam theo hướng tôn trọng các quyền căn bản của con người”
Bà nói khó có thể kết luận rằng cuộc đối thoại thành công hay thất bại, nhưng phía Việt Nam có vẻ lắng nghe và quan tâm.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo nói rằng vòng Đối thoại Nhân quyền lần thứ 21 do Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Virginia Bennett dẫn đầu cùng phía đối tác Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, đã diễn ra ở Hà Nội vào ngày 23/5.
Nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội khuya hôm 23/5 nói với VOA-Việt ngữ rằng chị “không đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại” trong bối cảnh Hoa Kỳ có chính quyền mới, mà đứng đầu là một tổng thống cho đến nay chỉ có vài phát biểu hiếm hoi về nhân quyền.
Chị Đoan Trang cũng được mời tham dự cuộc gặp với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Hà Nội trước ngày diễn ra cuộc đối thoại, nhưng chị bị an ninh chặn không cho ra khỏi nhà. Chị cho VOA – Việt ngữ biết tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng bị “ngăn cản thô bạo” vào tối hôm 22/5.
Không thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam và truyền thông trong nước loan tin về cuộc đối thoại nhân quyền này.
http://www.voatiengviet.com/a/tro-ly-ngoai-truong-my-gap-cac-nha-tranh-dau-o-saigon/3872636.html
Điều trần về ‘khủng hoảng nhân quyền’ Việt Nam
Năm ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, hôm 25/5, một buổi điều trần về “khủng hoảng nhân quyền thầm lặng” của Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Mỹ để hối thúc Tổng thống Trump ra điều kiện nhân quyền đối với chính phủ Hà Nội.
Chủ tọa buổi điều trần, dân biểu Chris Smith:
“Trong một thời gian quá dài, vấn đề nhân quyền Việt Nam được cho qua quá dễ dãi. Các nhà ngoại giao chỉ tập trung vào thực tế rằng Việt Nam “không phải là Trung Quốc”, trong khi nhà nước do công an nắm quyền áp bức này lại được hưởng các quyền lợi thương mại và an ninh mà không có điều kiện nào cả. Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.”
Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.
Dân biểu Chris Smith
“Tổng thống Trump có cơ hội thực sự mang lại cải cách hữu hình ở Việt Nam nếu liên kết các mối quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với những cải thiện trông thấy về nhân quyền,” ông Smith nhấn mạnh.
Lưu ý điểm yếu của chính quyền trước, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu ở Hạ viện, cho rằng cựu Tổng thống Obama đã ‘đánh mất một cơ hội’:
“Năm ngoái, ông Obama đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để phóng thích cho những tù nhân chính trị Việt Nam. Thay vào đó, ông ấy chỉ như đang đi nghỉ dưỡng. Tôi đã cảm thấy cực kỳ thất vọng với chuyến đi đó của ông Obama. Chúng tôi muốn ông ấy đề cập đến những cái tên cụ thể, nhưng ngay khi Tổng thống Obama rời đi, chính quyền Hà Nội lại bắt còn nhiều người hơn thế.”
Dân biểu Smith nói trong suốt 42 năm qua, người dân Việt Nam không giàu hơn bao nhiêu, và nhân quyền cũng không khá hơn.
Trong khi đó, dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân chủ cho rằng “nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất.”
“Các giá trị nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất. Trong suốt thời gian tôi làm dân biểu ở Quốc hội, tôi hoàn toàn không thấy sự tiến triển thật sự nào thông qua cách mà chính quyền đối xử công dân của mình.”
Dân biểu Ed Royce, đại diện bang California, kêu gọi không thể tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại:
“Mối quan hệ của chúng ta với Việt Nam đang phát triển, đặc biệt là về an ninh và thương mại, nhưng nhân quyền là giá trị cốt lõi đối với chúng ta, chúng ta không thể tách rời nhân quyền khi tăng cường mối quan hệ với chính phủ nước này.”
Chủ tọa buổi điều trần Chris Smith loan báo đã gửi thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson hối thúc Bộ Ngoại giao ưu tiên vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam vì “chính phủ nước này sách nhiễu quá mức đối với các nhóm tôn giáo.”
Các vụ vi phạm nghiêm trọng được nêu lên tại buổi điều trần bao gồm trường hợp của gia đình mục sư Nguyễn Công Chính và Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Tham gia buổi điều trần, bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Hòa Hảo vừa thiệt mạng với các vết cắt trên cổ trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, khẩn thiết kêu gọi:
“Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợ.”
Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợ
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn quá cố
Các nhân chứng khác tham gia điều trần như đại diện Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, đại diện Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, và ông T. Kumar, Giám đốc ban Quốc tế của tổ chức Ân xá Quốc tế đồng thanh thúc giục hành pháp-lập pháp Hoa Kỳ gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.
Thông cáo cùng ngày từ văn phòng dân biểu Smith nói Hoa Kỳ nên “ra điều kiện” là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ “đáng kể, có thể kiểm chứng, và có những cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo, quyền lao động, tự do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích thương mại cho Việt Nam.
Thông cáo nêu rõ: “Những quyền tự do cơ bản này liên quan trực tiếp đến các lợi ích của Hoa Kỳ trong một môi trường kinh doanh tốt hơn, thương mại công bằng, sự tự tin cho nhà đầu tư, mở rộng tự do kinh tế và phát triển xã hội dân sự.”
“Không gây áp lực để có được tiến bộ thực sự về nhân quyền thì lực đẩy của Mỹ sẽ kém đi và sẽ làm thất vọng thế hệ trẻ ở Việt Nam. Rõ ràng là hiện nay Việt Nam đang cần thị trường Hoa Kỳ và các cam kết an ninh của Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần thị trường và sự hợp tác an ninh của Việt Nam,” thông cáo nhấn mạnh.
http://www.voatiengviet.com/a/dieu-tran-ve-khung-hoan-nhan-quyen-viet-nam/3871540.html
Thủ tướng Việt Nam làm gì ở Mỹ?
Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, và gặp người đứng đầu Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 cho biết rằng chuyến đi “nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam” cũng như “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ”.
Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến đi mà Hà Nội mong đợi sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử, kéo dài từ ngày 29 tới 31/5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với ông Trump; tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng; dự tọa đàm với sự tham dự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation); tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Chưa rõ là ông Phúc sẽ gặp dân biểu và thượng nghị sĩ nào, nhưng trong một động thái cho thấy Hà Nội đặt ưu tiên vào việc vận động cơ quan lập pháp Mỹ, xuất hiện vị trí tham tán phụ trách các vấn đề quốc hội Mỹ tại cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam, một nhà ngoại giao nữ tên Phạm Thu Hằng đang nắm nhiệm vụ này.
Đầu tháng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với hai nhân vật có liên quan tới Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain và nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên tại quốc hội Mỹ, bà Stephanie Murphy, nhằm “thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước và “thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao”.
Trước đó, đại diện ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại thủ đô Washington DC đã gặp dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sau khi ông Vinh có buổi tiếp đón nhiều nhân viên của các nhà lập pháp Mỹ.
Trong các vấn đề ông Phúc dự kiến thảo luận với các quan chức chủ nhà, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không nêu nhân quyền, nhưng phía Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng thúc đẩy vấn đề này “là một phần sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là một thành phần quan trọng trong cuộc đối thoại tiếp diễn giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ”.
Ít ngày trước chuyến công du của ông Phúc, dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần với chủ đề “Việt Nam: Vì sao nhân quyền và tự do tôn giáo lại mang tính sống còn đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ”.
Thông cáo trích lời nhà lập pháp, vốn từng nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng bị Hà Nội phản bác, nói rằng “khi Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này, chính quyền của [ông] Trump có một cơ hội để khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc đàn áp các nhóm tôn giáo, các nhà dân chủ, các blogger, và các nhà báo”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 25/5, khi được hỏi rằng liệu vấn đề Biển Đông có được mang ra thảo luận hay không, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Phúc sẽ “trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh” cũng như thảo luận “các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ trong chuyến đi mà nhiều nhà quan sát cho là tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc.
Thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tình hình Biển Đông đã được mang ra trao đổi trong khi ông Minh tiếp xúc với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.
Hai quan chức Mỹ được trích lời “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế…” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận này.
Trả lời VOA News, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận định rằng Việt Nam “muốn nắm chính sách và chiến lược của Mỹ về Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại đó, nhất là khi Washington đang hướng tới Bắc Kinh để khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn”.
Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc diễn ra hơn 10 ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang công du Trung Quốc, và tin cho hay, đôi bên đã “nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông”.
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á thường thận trọng trong chiến lược làm bạn với các cường quốc, và “không một nước nào muốn bị cuốn quá sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, hay bất kỳ một các cường quốc nào khác”.
Chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn bị chỉ trích là “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn nhấn mạnh “không dựa vào nước này để chống nước kia”.
http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-viet-nam-lam-gi-o-my/3871099.html
Mỹ trông chờ gì
ở chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Vào ngày 31 tháng 5 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa vị Tổng thống mới của nước Mỹ với một lãnh đạo Việt Nam và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với một lãnh đạo ASEAN. Giới phân tích quốc tế cho rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy chính quyền mới của Mỹ tỏ ra quan tâm tới Việt Nam. Nhưng điều mà Mỹ quan tâm nhất nhân chuyến thăm này có thể là vấn đề kinh tế.
Không còn đa phương chỉ còn song phương
Ngay khi mới nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) bao gồm 12 nước trong đó có Việt Nam. Tuyên bố rút khỏi TPP của nước có GDP chiếm đến hơn 60% tổng GDP của cả 12 nước trong khối đã khiến TPP vừa được ký kết vào năm 2016 đi vào bế tắc, và có những lo ngại cho rằng Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nhiều vì mất đi sự tiếp cận dễ dàng hơn vào một thị trường lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó lên tiếng rằng mất TPP Việt Nam vẫn còn những thỏa thuận thương mại khác với các nước khác. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn muốn thuyết phục Hoa Kỳ xem xét để quay lại TPP. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên của Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp quốc cho biết:
Tôi nghĩ là Việt Nam vẫn tiếp tục quan tâm đến TPP vì TPP là một tập hợp 12 nước và xuyên Thái Bình Dương và đặc biệt là TPP đã đạt được những thỏa thuận rất sâu rộng về cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch lẫn giảm thuế, xác định thống nhất các quy trình của các cơ quan nhà nước và đặc biệt là nếu như 12 nước thực hiện TPP thì đây là sự tập hợp có tính chiến lược về mặt kinh tế và điều này có lợi cho Việt Nam vì kinh tế Việt Nam và kinh tế Hoa Kỳ hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, hai bên cùng có lợi cho nên Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quan tâm và có thể Việt Nam ngầm mong mỏi rằng có một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ lại quay trở lại TPP.
Trong cuộc gặp các quan chức APEC tại Hà Nội trong tháng năm, đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer cho biết sẽ không có khả năng Hoa Kỳ quay trở lại với TPP và Hoa Kỳ muốn có các thỏa thuận song phương hơn là đa phương. Ông Lighthizer cũng cho biết ông hy vọng sắp tới Hoa kỳ sẽ có một loạt những thỏa thuận như vậy với các nước trong khu vực.
Hiện Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại song phương BTA ký với Mỹ vào năm 2001 và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (FITA) ký vào năm 2007. Những hiệp định này dù đã giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa hai nước nhưng đây chỉ là những nền tảng ban đầu cho quan hệ thương mại song phương, trong khi TPP được coi là sẽ thúc đẩy hơn nữa kim ngạch buôn bán không chỉ giữa Việt Nam với Mỹ mà còn nhiều nước khác. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng với thị trường xuất khẩu rộng lớn của TPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm hơn 35 tỷ đô la tới năm 2025.
Mỹ mong chờ gì?
Tôi nghĩ nhìn chung thì phía Mỹ muốn chờ xem Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhất có đưa ra được một kế hoạch giải quyết một số vấn đề mà các công ty Mỹ đang phải đối mặt khi buôn bán và đầu tư ở Việt Nam.
-Murray Hiebert
Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc và EU. Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2016, kim ngạch hàng hóa hai chiều đạt hơn 52 tỷ đô la. Số liệu của Bộ Công thương Việt Nam cho biết năm 2016, Mỹ đã nhập siêu từ Việt Nam là hơn 29 tỷ đô la.
Với chính sách tập trung vào đối nội, thúc đẩy xuất khẩu, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức đã ban hành một sắc lệnh điều tra 16 nước được cho là có thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách này. Nhận xét về những gì Hoa Kỳ trông đợi trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ lần này, chuyên gia Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington DC nói:
Tôi nghĩ nhìn chung thì phía Mỹ muốn chờ xem Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhất có đưa ra được một kế hoạch giải quyết một số vấn đề mà các công ty Mỹ đang phải đối mặt khi buôn bán và đầu tư ở Việt Nam. Với việc nhiều công ty Mỹ được làm ăn với Việt Nam thì thâm hụt cán cân thương mại sẽ giảm xuống.
Sau BTA và FITA ký với Mỹ, Việt Nam đã loại bỏ rất nhiều những hàng rào phi thuế quan nhưng các công ty Mỹ làm ăn với Việt Nam hiện vẫn còn gặp những khó khăn trong quá trình khai hải quan và tình trạng quan liêu. Nạn tham nhũng cũng bị coi là yếu tố gây quan ngại phổ biến với các công ty Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam. Theo trang export của Mỹ, một trang cập nhật thông tin về các thị trường xuất khẩu cho các công ty Mỹ, xe hơi nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam vẫn phải chịu thuế cao. Bên cạnh đó là những rào cản khác như hạn chế thông tin trên internet, các quy định giới hạn đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, sự bất bình đẳng trong đối xử giữa công ty tư nhân và các công ty nhà nước.
Thủ tướng Việt Nam mang gì đến Washington
Trong bất cứ chuyến thăm cấp cao nào giữa hai nước từ trước đến nay, giới chức hai bên đều cố gắng thu xếp để có thể đạt được một số những thỏa thuận nào đó cho thấy sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ. Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ vào năm 2005, Việt Nam đã ký hợp đồng mua máy bay Boeing của Mỹ được nói có trị giá đến 500 triệu đô la. Chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ năm 2007 cũng mang đến một loạt các thỏa thuận giữa các công ty được ước tính đến gần 5 tỷ đô la.
Chuyên gia Murray Hierbert cho rằng có khả năng Việt Nam cũng có thể sẽ ký thỏa thuận mua máy bay Boeing lần này. Bên cạnh đó cũng có những tin đồn về khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ.
Đề cập đến vấn đề thâm hụt cán cân thương mại với Mỹ, chuyên gia Murray Hierbert cho rằng rất có thể Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhất cũng phải mang đến Washington những lời hứa giảm rào cản cho các công ty Mỹ:
Theo tôi thì ít nhất ông ấy cũng có thể thừa nhận rằng có những rào cản và hứa là trong một khoảng thời gian, ví dụ như 3 tháng chẳng hạn thì giới chức Việt Nam sẽ làm việc với đại diện thương mại Mỹ để cố gắng giảm một số rào cản cho các công ty Mỹ.
-Murray Hierbert
Theo tôi thì ít nhất ông ấy cũng có thể thừa nhận rằng có những rào cản và hứa là trong một khoảng thời gian, ví dụ như 3 tháng chẳng hạn thì giới chức Việt Nam sẽ làm việc với đại diện thương mại Mỹ để cố gắng giảm một số rào cản cho các công ty Mỹ. Thời gian bây giờ không còn nhiều để có thể giải quyết được vấn đề nhưng lời hứa là ông ấy sẽ làm thì có thể được coi là tốt.
Với chính sách hướng tới các thỏa thuận song phương nhiều hơn đa phương, còn một câu hỏi nữa có thể đặt ra trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ là liệu hai bên có thể đề cập đến một hiệp định thương mại tự do FTA như Việt Nam đã có với nhiều quốc gia khác hay không? Chuyên gia Murray Hierbert nhận định:
Đó có thể là một lựa chọn mà hai nước xem xét. Nhìn chung thì thỏa thuận thương mại song phương giữa một nền kinh tế lớn với một nền kinh tế nhỏ rất khó, trong khi thỏa thuận thương mại đa phương thì dễ hơn vì một nước có thể buôn bán một lúc với nhiều nước. Nếu nước này không có thứ anh muốn thì anh có thể tìm ở nước khác và sản phẩm cuối cùng anh có được là điều anh muốn. Nhưng với thỏa thuận song phương thì rất khó. Hoặc là anh mở cửa hoặc là không. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất cẩn trọng đối với một FTA với Mỹ. Họ sẽ phải xem các điều kiện mà Mỹ đòi hỏi là gì và Việt Nam phải chờ xem họ có được lợi gì từ đó hay họ chỉ cần TPP 11 nước và FTA với EU là đủ.
FTA giữa Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán nhưng hiện vẫn phải chờ quốc hội các nước thuộc EU phê chuẩn trước khi hiệp định có hiệu lực.
Cho đến lúc này chính phủ mới của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có thông tin cụ thể về những yêu cầu mà Mỹ muốn trong các FTA song phương với các nước khác là gì. Hiện Mỹ đã có FTA với 20 nước. Việt Nam đã và đang tham gia 16 FTA bao gồm cả FTA đang chờ duyệt với EU.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-does-us-expect-from-vn-pm-s-trip-vh-05262017125440.html
Việt Nam nghiêng ngả giữa Mỹ và Trung Quốc
Việt Nam khó thể đòi hỏi gì hơn : một chiến hạm Mỹ thách thức Trung Quốc tại Biển Đông, một cuộc hội kiến tại Nhà Trắng, và sáu chiếc tàu tuần duyên mới được chuyển giao.
Đó là những dấu hiệu cho sự cam kết của Mỹ, trước một Việt Nam đang lo ngại rằng dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ không còn ủng hộ tích cực như trước. Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia Đông Nam Á dám đương cự với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới.
Do không chắc chắn rằng Mỹ sẽ hỗ trợ một cách bền bỉ, đồng thời phải thận trọng khi dựa vào bất kỳ đồng minh nào, Việt Nam cũng khéo léo giữ gìn mối quan hệ với kẻ thù lâu đời là Trung Quốc.
Ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ, nhiều năm qua vẫn đấu tranh cho chủ quyền biển đảo nói với Reuters: « Việt Nam không muốn một sự mất thăng bằng quyền lực trong khu vực, có thể dẫn đến chiến tranh ».
Cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư tới là một sự kiện quan trọng đối với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới thời chính quyền mới của Hoa Kỳ.
Đó là thành công từ những cuộc gọi, thư từ, liên lạc ngoại giao và các chuyến viếng thăm ở cấp thấp hơn, đã bắt đầu rất sớm trước khi ông Trump chính thức nắm quyền ở Washington. Tại đây, theo Reuters, Việt Nam vẫn đang duy trì một nhà vận động hành lang với ngân sách 30.000 đô la một tháng.
Một động thái mang tính biểu tượng quan trọng đối với Việt Nam trong tuần này, là chiến hạm Mỹ USS Dewey đã tiến sát một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lên tại Biển Đông nhằm mở rộng chủ quyền tại vùng biển tranh chấp với Việt Nam và bốn nước khác.
Các viên chức Việt Nam và những phái viên thạo tin nói rằng đã phải vận động rất mạnh cho việc tuần tra « vì tự do hàng hải ». Để nhấn mạnh thêm sự yểm trợ của Mỹ, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam sáu tàu tuần duyên trong tuần này.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Ted Osius nói : « Sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai lệ thuộc vào một môi trường biển ổn định và hòa bình ». Phát biểu này giúp làm giảm bớt quan ngại của Việt Nam, đang là một tiếng nói đơn độc thách thức tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đặc biệt từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngả vào vòng tay của Trung Quồc.
Quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được tăng cường dưới thời chính quyền Obama, nhưng hồ sơ quan trọng hơn cả là Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam tỏ ra thất vọng khi ông Trump từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch này, và chú trọng việc giảm bớt thâm hụt thương mại – Việt Nam xuất siêu vào Mỹ 32 tỉ đô la trong sáu năm gần đây.
Hà Nội lại càng căng thẳng hơn khi sau đó ông Trump xích gần lại với Tập Cận Bình, do muốn Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng về chương trình nguyên tử. Chuyên gia Carl Thayer, trường đại học New South Wales (Úc), nhận xét : « Việc hoàn toàn chú tâm vào Bắc Triều Tiên khiến Việt Nam rất lo là vấn đề Biển Đông sẽ bị gác sang một bên ».
Tại Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Katrina Adams tuyên bố : « Quan hệ đối tác Mỹ-Việt là yếu tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ». Nhưng một cựu quan chức Mỹ nói rằng ông Trump có thể phàn nàn với thủ tướng Việt Nam về tầm mức xuất siêu. Theo dự toán ngân sách của chính quyền Trump, các viện trợ quân sự Mỹ cho Hà Nội có thể trở thành các khoản cho vay.
Theo Reuters, trước một Hoa Kỳ với chủ trương không rõ ràng từ khi Donald Trump lên nắm quyền, mức độ quan tâm của Hà Nội đối với Bắc Kinh cũng tương tự Washington.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã viếng thăm chính thức Bắc Kinh, cùng lúc với việc tham dự hội nghị thượng đỉnh về dự án « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc. Còn tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được cho là người quyền lực nhất Việt Nam, đã có mặt tại Bắc Kinh nhiều ngày trước khi Donald Trump nhậm chức.
Sau hai chuyến viếng thăm trên, đôi bên đã khẳng định sẵn sàng duy trì hòa bình tại Biển Đông. Đầu tháng này, lần đầu tiên một tàu của tuần duyên Việt Nam đã sang thăm hữu nghị Trung Quốc.
Ông Trần Công Trục nhận định : « Vừa hợp tác vừa đấu tranh là một chủ trương rất thực tế. Việt Nam sẽ không bao giờ chịu khuất phục hoặc quy hàng trước việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền hợp pháp của mình, nhưng cũng không cho Bắc Kinh cơ hội sử dụng vũ lực để gây ra xung đột ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170526-viet-nam-nghieng-nga-giua-my-va-trung-quoc
Vì sao Việt Nam tham gia TPP 11?
Khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TTP ngay sau khi lên nhậm chức vào tháng Giêng vừa qua, Việt Nam đã rất thất vọng vì Hà Nội trông chờ rất nhiều vào hiệp định này để một mặt thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ, và mặt khác giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong một thời gian, có vẻ như là giới lãnh đạo Việt Nam đã “khai tử” TPP, vì đối với họ không còn Mỹ thì hiệp định này chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Thế nhưng, trong cuộc họp tại Hà Nội ngày 21/05/2017, các bộ trưởng Thương Mại của 11 quốc gia còn lại trong TPP, trong đó có Việt Nam, đã quyết định tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệp định này cho dù không có Mỹ.
Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 24/05 vừa qua, tờ Nikkei Asian Review của Nhật đã giải thích lý do vì sao Việt Nam lại chấp nhận tham gia TPP 11.
Thực tế đúng là TPP mà không có Hoa Kỳ có rất ít ý nghĩa đối với Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2016 đã tăng 14,9% so với năm trước, lên 38,4 tỷ đô la, chiếm đến 21,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Việt Nam đã nhìn thấy TPP do Mỹ chủ xướng là một cơ hội tăng xuất khẩu hàng quần áo, da giày và nông sản sang Hoa Kỳ.
Nhưng lý do nào đã thúc đẩy Việt Nam tham gia TPP 11 ? Theo Nikkei Asian Review, có vẻ như Nhật Bản đang là nhân tố thúc đẩy TPP. New Zealand, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, đã phê chuẩn TPP 11, phù hợp với ý định của Nhật Bản. Việt Nam lẽ ra cũng đã làm như vậy vào tháng 11 năm ngoái, nhưng đã đình hoãn, vì như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, chính phủ đã không thể đệ trình một kế hoạch phê chuẩn thích hợp.
Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai sau Hàn Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam đã tăng cường quan hệ song phương. Ví dụ, tàu của hải quânNhật Bản đã mở chuyến thăm đầu tiên tại Vịnh Cam Ranh, cảng quan trọng của Việt Nam, vào tháng 4 năm 2016. Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 03/2017.
Mặc dù Việt Nam không mong đợi nhiều lợi ích từ TPP 11, nhưng Hà Nội dự định dùng hiệp định này để hỗ trợ cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Hoa Kỳ và Trung Quốc, tạo ra ấn tượng rằng Việt Nam đang đi theo phe Nhật Bản, như lời một quan chức chính phủ Việt Nam, mà Nikkei Asian Review trích dẫn. Chiến lược này sẽ được thử nghiệm trong các cuộc đàm phán sắp tới với Hoa Kỳ
Theo nhận xét của Nikkei Asian Review, mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng nước này đã chứng tỏ là một đối tác thương mại khó khăn.
Khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá tra, cá nuôi ở trại, sang Mỹ vào năm 2002, Washington tuyên bố rằng loại cá này không thể được bán là như là “catfish”. Hơn nữa, Washington đã tăng thuế nhập khẩu cá tra lên 1,2 đôla/ kg vào năm 2014 và bắt buộc nông dân nuôi cá tra năm 2016 phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt của Hoa Kỳ.
Các quy định về nhập khẩu cá tra sẽ còn gắt gao hơn trong năm nay vì Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ thay thế Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm làm cơ quan quản lý vào tháng 9 tới. Các biện pháp của Mỹ, có vẻ như mang tính bảo hộ mậu dịch đối với Việt Nam, được cho là nhằm bảo vệ người nuôi cá Mỹ.
Một quan chức thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng một mình Việt Nam thì không thể đối đầu với Hoa Kỳ trên thế mạnh, nhưng có thể giành được những điều khoản thuận lợi bằng cách lưu ý đến mối quan hệ gần gũi với Nhật Bản.
Cũng theo Nikkei Asian Review , một lý do khác thúc đẩy Việt Nam tham gia với TPP 11 có lẽ là do hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Vùng ( RCEP ). Hiệp định thương mại tự do ở châu Á này có thể hấp dẫn như TPP vì nó bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng Việt Nam đang cảnh giác với ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc đối với các thành viên khác nếu RCEP được thực hiện.
Đến năm 2016, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc với 28,7% lượng hàng nhập khẩu, lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác. Mặc dù có mối quan hệ thương mại chặt chẽ, hai nước đang tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Việt Nam sẽ càng cảm thấy không thoải mái nếu sự phụ thuộc nào Trung Quốc tăng lên.
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam hy vọng sẽ kết thúc đàm phán về TPP 11 bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới. Trong khi ủng hộ cho có lệ hiệp định này, Việt Nam sẽ cố gắng giành được các điều kiện thuận lợi trong đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ. Nếu TPP 11 trở thành hiện thực, thì RCEP coi như sẽ bị khai tử, giáng một đòn đau vào kế hoạch tăng cường xuất khẩu của Trung Quốc.
Các cuộc chiến trước đây với Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Cam Bốt đã cho Việt Nam thấy rõ về tầm quan trọng của ngoại giao. Cách mà nước này đã xử lý các cuộc đàm phán TPP 1, theo Nikkei Asian Review, cho thấy sự khéo léo của họ đối với đàm phán.
Tuy nhiên, cũng theo Nikkei Asian Review, giữa 11 nước còn lại của TPP có quá nhiều khác biệt và bất đồng. Nhật Bản hiện đang cố duy trì nguyên trạng hiệp định TPP như là giữa 12 nước. New Zealand và Úc tán đồng. Nhưng Canada và Mêhicô thì chưa trả lời, có lẻ vì sợ rằng để lộ rõ lập trường về vấn đề này thì có thể gây ảnh hưởng đến cuộc đàm phán lại về Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA. Các nước châu Á như Việt Nam thì đòi sửa đổi lại nhiều điểm trong hiệp định TPP. Malaysia thì tiếp tục im lặng quan sát. Còn Chilê và Pêru thì cũng không tỏ thái độ rõ ràng. Tóm lại, sẽ không dễ gì mà đạt đến đồng nhất về một hiệp định TPP phiên bản 11.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170525-vi-sao-viet-nam-tham-gia-tpp-11