Tin Việt Nam – 26/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 26/04/2018

Việt Nam phê duyệt thêm

hai nhà máy nhiệt điện tại miền Nam

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam vừa được chính phủ phê duyệt xây dựng hai nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Đồng Nai với tổng chi phí lên đến gần 1 tỷ rưỡi đô la. Hãng tin Reuters trích thông tin từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết như vậy hôm 26/4.

Hai nhà máy sắp được xây là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, có tổng công suất 1,500 megawatts. Theo dự kiến hai nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào các năm 2020 và 2021.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Việt Nam có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất hơn 13.800 mw. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than đưa vào hoạt động.

Nhiều chuyên gia về môi trường đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam về việc quy hoạch xây dựng nhiều nhà máy điện than vì những lo ngại do ô nhiễm môi trường mà các nhà máy này thải ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-s-pv-power-gets-govt-approval-for-2-gas-fired-energy-plants-04262018092838.html

 

Quanh suy đoán

Chủ tịch Trần Đại Quang ‘sẽ được thay thế’

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang lâu nay “có vấn đề về sức khỏe” và “có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm thêm chức quyền chủ tịch nước.”

Dự kiến Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 ​​diễn ra vào tháng 5/2018. Hội nghị được cho là “sẽ đưa ra các quyết định nhân sự lớn, có tác động quan trọng tới triển vọng chính trị của Việt Nam.”

Một trong các quyết định nhân sự được suy đoán liên quan đến Chủ tịch Trần Đại Quang, người vắng mặt trong các sự kiện tiếp đón nguyên thủ nước ngoài gần đây ở Hà Nội.

Chủ tịch Quang vắng mặt dịp đón bà Suu Kyi

Chủ tịch Trần Đại Quang xuất hiện trở lại

Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang

Chủ tịch Quang kêu gọi quản lý chặt internet

Hôm 26/4, trang Nghiên cứu Quốc tế dẫn lời của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore: “Tháng 8/2017, Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo rằng một ủy viên cao cấp khác của Bộ Chính trị, ông Đinh Thế Huynh, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, đã phải ngừng đảm nhiệm vị trí do sức khỏe kém. Cùng thời điểm đó, các báo cáo về tình trạng sức khỏe kém của Chủ tịch Trần Đại Quang cũng nổi lên. Ông Quang đã biến mất khỏi chính trường trong một thời gian kéo dài, được cho là để đi điều trị y tế tại Nhật Bản, trước khi xuất hiện trở lại trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11/2017. Do vấn đề sức khỏe, nhiều khả năng vị trí của ông Quang sẽ được thay thế tại hội nghị sắp tới.”

“Về việc công và tư thì chuyện ông Quang không tham gia công tác Đảng và nhà nước nữa là phù hợp với nhu cầu của Đảng lúc này. Còn điều này có phù hợp với nhân dân hay không thì là việc khác.nhà báo tự do Nguyễn An Dân

“Một vấn đề quan trọng sẽ được quyết định là việc tìm người thay thế Chủ tịch Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được cho là người nhiều có khả năng nhất sẽ đảm nhiệm vị trí này.

Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn Thưởng, người từng là Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể rời vị trí Trưởng Ban Tuyên Giáo hiện tại của mình để thay ông Nhân làm Bí thư TP Hồ Chí Minh.”

Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Quang

Vì sao học giả nước ngoài quan tâm Mẹ Nấm?

Ông Trần Quốc Vượng chính thức làm thường trực Ban Bí thư

Việt Nam có tân đại sứ ở Mỹ

Vụ Vũ Nhôm: Bắt tướng công an và cựu chủ tịch Đà Nẵng

‘Có lý do’

Hôm 26/4, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, nhà báo tự do Nguyễn An Dân nói:

“Tôi cho là ông Quang lâu nay ‘có vấn đề về sức khỏe’ nên việc ông ấy xin nghỉ là có lý do.”

“Về việc công và tư thì chuyện ông Quang không tham gia công tác Đảng và nhà nước nữa là phù hợp với nhu cầu của Đảng lúc này. Còn điều này có phù hợp với nhân dân hay không thì là việc khác.”

Ông Nguyễn An Dân cũng bình luận thêm: “Nhiều tin hành lang cũng nói ông Nhân sẽ thay thế ông Quang, nhưng tôi nghĩ khác. Có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm thêm chức quyền chủ tịch nước.”

“Ông Nhân mà đi khỏi TP Hồ Chí Minh thì ghế bí thư Thành ủy sẽ lại biến động.”

“TP Hồ Chí Minh là túi tiền lớn của cả nước, bất kỳ một biến động nào cũng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền quốc gia. Sau việc ông Thăng, tôi cho là TP Hồ Chí Minh cần ổn định về nhân sự để còn ổn định chính sách.”

“Trong lúc quan hệ Mỹ-Trung đang nóng lên theo nhiệt độ Đông Á và Biển Đông, thì tôi hy vọng Việt Nam nên có một thống lĩnh các lực lượng vũ trang hiểu về an ninh, quốc phòng và quân sự. Bất kỳ sự thay đổi nhân sự cho vị trí này lúc này đều là bất lợi hơn cho Việt Nam.”

Hôm 20/4/2018, việc Chủ tịch Trần Đại Quang không xuất hiện tiếp phái đoàn Myanmar cho thấy dường như ông đang không có mặt ở Việt Nam.

Theo thông lệ, ba trong bốn “tứ trụ” Việt Nam – Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội – đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước Myanmar, thăm Hà Nội từ 19 đến 20/4.

Nhưng truyền thông Việt Nam không đưa tin về Chủ tịch nước, mà chỉ cho hay theo lịch trình, bà Suu Kyi có thăm khu nhà sàn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt dường như làm tăng sức nặng cho tin không chính thức nói ông đã sang Nhật Bản khám bệnh từ đầu tháng Tư.

Truyền thông nhà nước những ngày qua cũng nhắc tên Chủ tịch nước qua một số động thái ngoại giao như việc ông gửi điện mừng ngày 19/4 tới Tổng thống Nhà nước Israel nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập của Nhà nước Israel (1948 – 2018).

Hôm 20/4, truyền thông Việt Nam đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng ông Miguel Diaz-Canel được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.

Tuy nhiên, trang web Văn phòng Chủ tịch nước (vpctn.gov.vn) trong mấy ngày qua chỉ có ảnh và bài về hoạt động của Phó Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43875862

 

Tổ chức Phóng viên không biên giới:

Việt Nam tiếp tục không có tự do báo chí

Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết tại Việt Nam hiện nay, mọi cơ quan báo chí đều hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguồn tin độc lập duy nhất mà hiện nay người dân có thể tiếp cận chính là từ các blogger và nhà báo tự do. Tuy nhiên, chính quyền cộng sản đang tìm cách đàn áp và xách nhiễu nhiều blogger thông qua việc sử công an thường phục. Bên cạnh đó, đã có nhiều blogger và nhà báo tự do bị bỏ tù bởi các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Nhận xét về điều này, bà Margaux Ewen, giám đốc điều hành của Tổ chức RSF tại Washington D.C cho biết:

Truyền thông Việt Nam hoàn toàn bị kiểm duyệt và những blogger và nhà báo độc lập luôn bị chính quyền đe doạ hay xách nhiễu. Nếu trước đây hình phạt cho những blogger này thường là 2 năm thì hiện nay họ có thể đối mặt với những bản án lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra chính phủ luôn tìm cách kiểm soát việc biểu đạt cảm xúc và truyền đạt thông tin qua internet, đồng thời ngăn cản các blogger cung cấp thông tin trung thực đến cho người đọc.”

Bà Ewen cũng nhấn mạnh, kể từ năm 2017, đã có rất nhiều nhà báo độc lập bị tuyên phạt những bản án nặng nề vì những bài viết liên quan đến tình trạng tham nhũng hay đưa tin về thảm hoạ môi trường. Cụ thể là trường hợp blogger mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Trần Thị Nga hay nhà báo Nguyễn Văn Hoá đã bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt từ 7 cho đến 10 năm tù giam vì những bài viết liên quan đến thảm hoạ môi trường Formosa.

Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo CPJ, Việt Nam đã giam giữ ít nhất 10 nhà báo năm 2017, và nằm trong danh sách sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch năm 2018 cũng cho biết có hơn 100 nhà hoạt động, blogger đang bị cầm tù ở Việt Nam. Trước đó đã có 36 vụ những kẻ lạ mặt mặc thường phục đánh đập những người vận động nhân quyền và blogger, nhiều trường hợp gây thương tích nặng, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Ngoài ra, các nhà nhà báo độc lập, các bloggers còn nói rằng gần đây chính quyền tăng cường phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những bài viết của họ, thậm chí là khóa cả trang Facebook cá nhân – một phương tiện chính giúp lan tỏa tiếng nói của họ. Chính phủ Việt Nam cũng thông báo đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết, video mà họ cho là “độc hại” trong thời gian qua. Đặc biệt, mặc dù hiện nay Việt Nam có khoảng 800 cơ quan báo chí nhưng tất cả các cơ quan báo chí này đều được chỉ đạo và kiểm soát thông tin bởi Ban Tuyên giáo Trung ương. Chính vì vậy, blogger và các nhà báo tự do là kênh thông tin quan trọng đối với nhiều người dân trong việc tiếp cận những thông tin đa chiều và trung thực nhất.

Trước thực trạng này, bà Ewen kêu gọi các blogger tiếp tục đưa tin trung thực đến với người dân, bất chấp những đe doạ và bắt bớ từ phía chính quyền nhà nước:

Những blogger và nhà báo độc lập ở Việt Nam quả thật là những người vô cùng dũng cảm và tôi hy vọng họ có thể tiếp tục giữ được tinh thân đó để đấu tranh nhằm cải thiện tình trạng phi tự do báo chí như hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng kêu gọi các quốc gia, cụ thể là Hoa Kỳ và tổ chức báo chí cùng gây áp lực để yêu cầu chính quyền Việt Nam thả tự do cho các blogger đồng thời từ bỏ kiểm soát mạng xã hội để người dân có thể tự do biểu đạt cảm xúc và chia sẻ thông tin trên internet”

Báo cáo thường niên về Chỉ số tự do báo chí toàn cầu là sáng kiến được Tổ chức Phóng viên không biên giới đưa ra từ năm 2002, thu thập ý kiến đánh giá từ các chuyên gia do RSF lựa chọn. Câu hỏi được đưa ra dựa trên những tiêu chí về tính đa nguyên đa đảng, sự độc lập của ngành truyền thông, chất lượng khung pháp lý cũng như sự an toàn của những nhà báo khi tác nghiệp tại 180 quốc gia trên toàn cầu.

Trong báo cáo năm nay, Bắc Hàn tiếp tục là nước đứng cuối bảng về tự do báo chí trong khi Na Uy được xếp vào đầu bảng trong lĩnh vực này.

Việt Nam năm nay đứng trên một bậc so với Trung Quốc, quốc gia bị RSF chỉ trích đã tăng cường các biện pháp kiểm duyệt báo chí, bằng cách sử dụng nhiều các công nghệ mới và đã gây ảnh hưởng về mô hình kiểm soát thông tin đối với một số các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Vietnam và Campuchia.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/to-chuc-khong-bien-gioi-viet-nam-tiep-tuc-khong-co-tu-do-bao-chi-04252018151701.html

 

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế

đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm 25/4 đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC vì những đàn áp nhắm vào tôn giáo trong năm 2017.

Việt Nam đã từng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC hồi năm 2004 dưới thời Tổng thống George W. Bush nhưng vào năm 2006 Hoa Kỳ đã rút Việt Nam khỏi danh sách này vì một số những tiến bộ về nhân quyền mà Việt Nam đạt được trong quá trình đàm phán WTO.

Bản phúc trình về tự do tôn giáo do USCIRF công bố nhìn nhận Việt Nam đã có những mở cửa về mặt kinh tế tuy nhiên chính phủ lại thường dùng các biện pháp đàn áp với các hoạt động dân sự ôn hòa, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Theo phúc trình, trong năm 2017, chính phủ Việt Nam đã gia tăng việc dùng công an mặc thường phục và côn đồ để xách nhiễu những người theo các tôn giáo không được chính phủ thừa nhận. Mặc dù chính phủ đã nhìn nhận sự đa dạng của tôn giáo nhưng lại chỉ chấp nhận những tôn giáo nào đã được đăng ký với chính phủ.

Cũng theo phúc trình, việc đàn áp nhắm đến nhiều nhóm tôn giáo khác nhau bao gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, Khmer Krom, Tin lành của người Thượng và người Hmong, Pháp Luân Công và những người theo đạo ông Dương Văn Mình.

Trong phúc trình lần này, USCIRF cũng đề cập đến hiện tượng các hội Cờ Đỏ ủng hộ chính phủ xách nhiễu các tín đồ Công giáo ở Đồng Nai, và Nghệ An.

Tranh chấp đất đai giữa chính phủ và các tôn giáo cũng được đề cập trong phúc trình lần này. Theo USCIRF, việc chính phủ lấy đất và phá các công trình của các nhóm tôn giáo đã ảnh hưởng đến việc thực hành tín ngưỡng. Những trường hợp điển hình được nêu bao gồm tu viện Thiên An ở Huế, chùa Liên Trì ở Sài Gòn.

Phúc trình cũng chỉ trích luật tôn giáo mới có hiệu lực từ hồi đầu năm nay của Việt Nam là không đúng theo các tiêu chuẩn được đề ra trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên.

Theo USCIRF, trong năm 2017, Việt Nam đã gia tăng bắt bớ những người có tiếng nói đối nghịch là các bloggers, những nhà hoạt động xã hội dân sự và cả những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước thừa nhận.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/uscirf-recommend-the-us-to-put-vn-back-in-cpc-04262018090614.html

 

Thành lập Hội đồng chuyên ngành

thẩm định tượng 12 con giáp

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng vào hôm 26/4 vừa ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành thẩm định các bức tượng 12 con giáp khỏa thân gây tranh cãi đặt tại khu du lịch quốc tế Hòn Dáu.

Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành để thẩm định do ông Lại Đình Ngọc, phó giám đốc Sở Văn Hóa và Thể thao làm chủ tịch, có nhiệm vụ xem xét mời một số chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật tham gia Hội đồng để thẩm định các bức tượng 12 con giáp tại khu du lịch quốc tế Hòn Dáu và đưa ra các biện pháp xử lý nếu có vi phạm các quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh hay không.

Trước đó, các bức tượng 12 con giáp tại khu du lịch Hòn Dáu đã khiến cộng đồng cư dân bức xúc và lên tiếng với nhiều ý kiến trái chiều, đa số người dân cho rằng các bức tượng này không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Sự phản ứng và lên tiếng mạnh mẻ của người dân, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đã yêu cầu khu du lịch Hòn Dáu tạm thời di dời và che chắn các bức tượng để chờ thẩm định và xử lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-inspect-controversial-12-animal-statutes-04262018114202.html

 

Việt Nam đứng thứ 12

trong xuất khẩu hàng điện tử trên thế giới

Báo Công thương thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 18/4 cho biết Việt Nam được xếp hạng thứ hai 12 trên toàn cầu về  xuất khẩu mặt hàng điện tử và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, kể từ năm 2015.

Theo báo này, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử và đồ điện gia dụng chiếm 28, 9% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu thương mại của Việt Nam, đạt 61,8 tỷ đô la, bằng 130% so với năm trước đó.

Trong năm 2017, riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại xuất khẩu mang về cho Việt Nam hơn 45 tỷ đồng, tăng lên 31,9% so với năm 2016. Trong đó có gần 185 triệu chiếc điện thoại di động được bán sang thị trường Nga, Đức, Áo, Indonesia và Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam được ghi nhận đã phát triển rất nhanh chóng trong vài năm qua, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp của quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra số liệu 95% từ việc xuất khẩu điện tử chạy vào túi của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn Việt Nam chỉ kiếm được một khoản tiền khiêm tốn từ lắp ráp và gia công.

Trong năm 2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử và đồ điện gia dụng của Việt Nam đạt xấp xỉ 54 tỷ đồng và chủ yếu nhập từ Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Hong Kong và Đài Loan.

Việt Nam nhập khẩu gần 182 triệu camera, trị giá 1, 17 tỷ đồng. Trong đó, 80% là nhập từ Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-ranks-12-globally-in-electronic-exports-04262018103259.html