Tin Việt Nam – 26/04/2017
Chuẩn tướng Lương Xuân Việt
được Tổng thống Mỹ đề cử lên thiếu tướng
Trong số 32 sỹ quan của Quân lực Hoa Kỳ vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử lên Thượng viện để phong Thiếu tướng có ông Lương Xuân Việt, hiện là chuẩn tướng lục quân, theo thông báo của Quốc hội Mỹ hôm 24/04.
Theo thủ tục, các đề cử này đã được Ủy ban Quân lực trong cùng ngày.
Được báo Mỹ ca ngợi là “người con của Việt Nam Cộng hòa”, ông trở thành quân nhân cao cấp gốc Việt đầu tiên lên chuẩn tướng hồi tháng 8/2014.
Sau ông, sang tháng 6/2016, có thêm một sỹ quan cấp tá nữa là người gốc Việt được thăng chuẩn tướng Hoa Kỳ, ông Lapthe Chau Flora (sinh năm 1962).
Bà Janet Nguyễn bị đưa ra khỏi phòng họp
Phỏng vấn Hạm trưởng Lê Bá Hùng
Trong lực lượng quân đội Hoa Kỳ còn có một gương mặt gốc Việt đáng chú ý nữa là Đại tá Lê Bá Hùng, từng là Hạm trưởng tàu USS Lassen và hiện là Phó hạm trưởng Khu trục hạm USS Curtis Wilbur đóng tại Nhật Bản, và từng hai lần cập cảng Đà Nẵng.
‘Quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai’
Rời Sài Gòn vào dịp chế độ Việt Nam Cộng hòa tan rã tháng 4/1975, ông Lương Xuân Việt, mà nay các tài liệu Mỹ viết là ‘Viet X Luong’, khi đó đã 9 tuổi, theo nhà báo David Vergun trong một bài riêng về ông hồi tháng 5/2016.
Bài báo “Lead from front,’ urges first Vietnamese-American U.S. general” trên trang US Army nhắc lại quá trình đến Hoa Kỳ của ông Việt, con trai một sỹ quan Hải quân VNCH.
Hiện ông là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Lục quân Trung ương Hoa Kỳ, theo báo Người Việt ở Mỹ.
Bản thân Tướng Lương Xuân Việt tự nhận mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là “quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai”.
Trong một cuộc gặp với các cựu sỹ quan VNCH tại Washington hồi tháng 9/2015, ông đã cảm ơn các thế hệ đi trước:
“Xin có một đời đa tạ về thịnh tình của cộng đồng Việt Nam đối với tôi.”
Nói về bản thân, ông Lương Xuân Việt cho hay:
“Khi vô quân đội tôi không bao giờ nghĩ có ngày lên tướng. Nhưng khi lên tướng tôi cũng nghĩ mình là một người may mắn, tôi nghĩ đến công của cha mẹ, của đồng đội tại chiến trường.
Tôi nghĩ tôi rất may mắn vì tôi sống ở một nước tự do, và tôi là sỹ quan của một cường quốc, và tôi cũng rất may có dòng máu dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến, và trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền.”
“Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi ơn anh em chiến sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa.”
Ông cũng nói gia đình ông có gắn bó với các quân nhân từ trường sỹ quan Thủ Đức.
“Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi ơn anh em chiến sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòaTướng Lương Xuân Việt
Ông nhắc về một người cậu bị bắt đi cải tạo rồi sau được thả về thì lại bị bắt và tù thêm mười mấy năm “vì tội phản động”.
Trong lần phát biểu, ông cũng nhắc lại lời người cha rằng luôn phải nghĩ về danh dự của các binh sỹ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, kể cả khi họ khổ bao nhiêu, thân thể không còn nữa.
Danh dự hai tổ quốc
“Danh dự của một sỹ quan VNCH và danh dự của đất nước,” ông nói.
Bài báo của David Vergun nhắc rằng cha của ông Lương Xuân Việt cũng từng phục vụ trong đơn vị của Pháp ở Đông Dương trong thập niên 1950 và sau đó đã tham gia xây dựng Quân lực VNCH.
Bản thân ông nay muốn dư luận Hoa Kỳ biết đến các đóng góp, hy sinh của các quân nhân Mỹ gốc Việt cho quốc gia và quân đội Hoa Kỳ.
Ông nói với nhà báo David Vergun hồi tháng 5 năm 2016:
“Nhiều người không biết rằng chúng ta mất đi 12 quân nhân Mỹ gốc Việt tại Iraq và Afghanistan,”
“Quân nhân thuộc Lực lượng Đặc nhiệm bị giết tại Iraq đầu tiên là một người Mỹ gốc Việt. Một số họ cũng là cựu binh bị thương. Dù đến với quốc gia này chưa lâu, khi cần bảo vệ tổ quốc, chúng tôi không đóng vai trò thụ động nữa.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39723023
RSF: ‘VN là nhà tù lớn cho các blogger’
Việt Nam là một trong những nước vi phạm quyền tự do báo chí và bỏ tù nhiều nhà báo, blogger nhất thế giới, báo cáo thường niên của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn thuộc các nước đội sổ.
Ông Benjamin Ismail, Trưởng Ban Châu Á Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo báo chí rằng ngày càng có nhiều chính phủ tại châu Á cố tình lẫn lộn giữa nhà nước pháp quyền và dùng luật để cai trị.
“Bằng việc tăng cường dùng các luật hà khắc, các chính phủ có khuynh hướng toàn trị hy vọng biện minh được cho nỗ lực siết ruyền thông và tiếng nói chỉ trích.
“Khi không đối phó được với quốc tế lên án, chính phủ các nước này nhanh chóng tung ra các nguyên tắc không can thiệp, chủ quyền hoặc thậm chí an ninh quốc gia nhằm né tránh các trách nhiệm nhân quyền quốc tế và bổn phận hiến định về bảo vệ tự do truyền thông và thông tin,” ông Ismail nói.
Được RSF công bố hàng năm từ 2002, Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới đo mức độ tự do truyền thông tại 180 nước.
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực vi phạm tồi tệ thứ ba trên thế giới nhưng lại có những nước nằm đội sổ nhiều nhất.
Lào đứng thứ 170 trong khi Việt Nam (175), Trung Quốc (176) và Bắc Hàn (180).
RSF vào tháng 11 năm ngoái lập danh sách mà họ mô tả là “kẻ thù của tự do truyền thông” trên thế giới. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có tên trong danh sách 35 người bao gồm lãnh đạo một số nước, chính khách, lãnh tụ tôn giáo.
‘Lo tuyệt thực’
Trong một diễn biến đáng chú ý, mẹ của blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tỏ ra quan ngại về việc con mình không nhận đồ ăn và tiền gửi của gia đình khi gửi vào trong tù.
Blogger Mẹ Nấm ‘bị bắt giam, khởi tố’
Bà Nguyễn Tuyết Lan nói với BBC rằng vào ngày 17/04 bà có đi gửi một số đồ ăn và thuốc vitamin cho con mình nhưng cán bộ trại giam tại Khánh Hòa nói không được gửi thuốc.
“Tôi thắc mắc là sao người khác gửi được mà tôi lại không gửi được thì hôm sau cán bộ trại giam nói là “chị Quỳnh nói là nếu những thứ gì mẹ tôi gửi vào thì phải cho tôi nhận đủ không thì sẽ không nhận cái gì nữa”.
Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm là phụ nữ quả cảm
“Tức là cán bộ trại giam gọi tôi lên nhận lại toàn bộ những thứ tôi gửi trong đó có đồ ăn và tiền tôi gửi vào. Điều này làm tôi rất lo bởi nếu không có tiền và không có đồ ăn thì con tôi sẽ ăn bằng cái gì và tới 08/05 thì tôi mới có tới thăm con tôi,” bà Lan nói.
Bà Lan cho biết kể từ khi con bà bị bắt bà chưa được gặp con mình lần nào và bà dự định ngày 08/05 tới trại là vì 07/05 hết hạn bắt tạm giam.
Trong khi đó, nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến nói với BBC về quan ngại mà bà gọi là “có khả năng Mẹ Nấm tuyệt thực” để phản đối. “Với sự thân hiểu của tôi về chị, tôi cho rằng Quỳnh đang tuyệt thực lần hai để phản đối hành vi cửa quyền của công an tỉnh Khánh Hoà.”
Trước đó, nhà hoạt động này viết trên trang Facebook cá nhân: “Việc kiên quyết cự tuyệt nhận đồ của người nhà gửi vào như một lời nhắn của chị đến mọi người.”
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người cũng là nhà đấu tranh về môi trường, đã bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa khi đó nói bà Quỳnh đã “soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân…”
Vào tháng 03/2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong số 13 phụ nữ được trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngay sau đó nói: “Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39718851
Đại diện tòa bị ném dép khi xin lỗi tử tù được minh oan
Một đại diện Tòa án Cấp cao mới đây đã bị phản đối và bị ném dép khi xin lỗi công khai một tử tù được minh oan ở tỉnh Bắc Giang.
Sự kiện diễn ra hôm 25/4 ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên của tỉnh. Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh Tòa án Nhân dân tối cao, đã đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long, 58 tuổi, là người từng nhận án tử hình và ngồi tù 11 năm vì bị kết án oan về một vụ giết người mà sau này được chứng minh là ông không liên quan.
Ảnh và video của nhiều người chứng kiến và báo chí địa phương cho thấy buổi xin lỗi đã trở nên hỗn loạn khi người nhà nạn nhân vụ giết người la hét phản đối, ném giày dép và chai nhựa vào ông Tuân.
Những người phản đối cho rằng đến nay vẫn không có bằng chứng rõ ràng để kết luận ông Long bị oan, cũng như chưa xác định ai là hung thủ gây ra vụ án nếu đó không phải là ông Long. Họ đã yêu cầu hủy buổi lễ xin lỗi.
Bất chấp sự hỗn loạn, Phó chánh tòa Trần Văn Tuân đã vội vã đọc lời xin lỗi trong 5 phút, trong khi các nhân viên khác của tòa án che chắn cho ông trước các vật dụng ném về phía ông. Ngay sau đó, đoàn của tòa án đã nhanh chóng rời khỏi xã Phúc Sơn.
Ông Hàn Đức Long, người được xin lỗi, và gia đình cho báo chí biết họ bị “sốc” và “hụt hẫng” về phản ứng của gia đình nạn nhân. Một bài báo đăng trên VietnamNet trích lời ông Long nói ông rất “thông cảm” với phản ứng của gia đình cháu bé bị hại. Ông cho rằng “vì quá đau đớn” nên họ mới như vậy. Song ông khẳng định “nỗi đau” mà gia đình ông chịu đựng suốt 11 năm qua “cũng rất lớn”.
Vụ án làm ông Long bị đi tù oan xảy ra cuối tháng 6/2005. Trong vụ này, một bé gái 5 tuổi đã bị hiếp và giết ở cùng địa phương của ông Long. Đến năm 2011, sau 4 phiên tòa, ông Long bị tòa tuyên phạm tội hiếp dâm trẻ em và giết người, nhận án tử hình.
Ông Long đã liên tục kêu oan. Cuối năm 2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang xác định rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông. Viện cũng yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông.
http://www.voatiengviet.com/a/dai-dien-toa-bi-nem-dep-khi-xin-loi-tu-tu-duoc-minh-oan/3826266.html
Linh mục Nguyễn Duy Tân bị cấm giảng lễ
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các chức sắc tôn giáo ở giáo phận Vinh không cho linh mục Nguyễn Duy Tân tiến hành các lễ nghi tôn giáo tại xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An.
Yêu cầu đó được ghi trong công văn mang số 2829 gửi đi vào ngày 26 tháng tư. Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, do Phó chủ tịch Lê Văn Đại ký tên, gửi các vị chức sắc giáo phận Vinh gồm Giám mục Nguyễn Thái Hợp, hai linh mục Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Văn Đinh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nói rằng trong những buổi giảng lễ, linh mục Nguyễn Duy Tân đã có những lời lẽ xuyên tạc, vu cáo đường lối, chính sách của đảng cộng sản Việt Nam, cổ vũ các hoạt động tuần hành, biểu tình, gây phức tạp về an ninh trật tự trong thời gian qua. Và ở cuối công văn Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên không cho linh mục Tân đến giảng lễ ở xứ Phú Yên.
Trao đổi với chúng tôi về công văn này, linh mục Đặng Hữu Nam cho rằng nội dung tố giác linh mục Nguyễn Duy Tân trong công văn mang tính chất vu cáo. Ông nói:
“Yêu cầu tôi không cho linh mục Nguyễn Duy Tân giảng lễ tại nhà thờ giáo xứ Phú Yên nữa, là một điều hài hước. Bởi vì việc sinh hoạt của giáo hội là việc riêng, xã hội không thể can thiệp vào việc riêng của giáo hội. Việc bảo rằng người ta ra lệnh cho tôi không cho linh mục Tân đến dâng lễ tại tôi, cái điều đó có hài hước không khi tôi yêu cầu anh không cho người nào đó đến nhà anh?”
Bộ Tư Pháp bác một nghị định của Bộ Công An
Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 26 tháng 4 cho biết nghị định mới do Bộ Công An soạn thảo sẽ không cấm người dân sử dụng các phương tiện hay phần mềm ngụy trang để ghi âm ghi hình.
Nói với báo giới trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp vào sáng ngày 26 tháng 4, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định hiến pháp quy định nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, vì vậy dự thảo nghị định mới do Bộ Công an đề xuất không thể cấm người dân sử dụng các thiết bị như đã nói. Ông Hải cũng cho biết Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm định theo hướng ai đáp ứng điều kiện gì thì được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị mà không quy định đối tượng sử dụng mặt hàng đó. Ông Hải cũng cho biết đây là lần thứ ba đề xuất của Bộ Công an đến Bộ Tư pháp và cơ quan chủ quản đã thai nghén nghị định này mấy năm rồi.
Hồi đầu tháng này, Bộ Công An đề xuất một dự luật trong đó quy định chỉ cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trạt tự, an toàn toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng’.
Đề xuất này đã vấp phải nhiều chỉ trích của cộng đồng vì cho rằng quy định này nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân và giới luật sư.
Vụ Đồng Tâm: Điệp khúc “thế lực thù địch” kích động!
Lan Hương, phóng viên RFA
Trong suốt những ngày xảy ra xung đột đất đai tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, báo chí trong nước liên tục đăng tải những bài viết phản ảnh quan điểm của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng những thế lực thù địch, phản động đã kích động người dân Đồng Tâm khiến tình hình thêm phức tạp và tuyên truyền những thông tin sai lệch sự thật.
Truyền thông bóp méo sự thật
Gần đây nhất là ngày 25/4, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết trong bối cảnh sự kiện ở xã Đồng Tâm có không ít thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình tuyên truyền bóp méo, xuyên tạc, kích động để làm nóng tình hình. Ông Phong đã gửi lời cám ơn đến báo chí chính thống vì cho rằng chính các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng trong việc định hướng thông tin, cung cấp thông tin để bạn đọc có được những thông tin chân thực, chính xác.
Tôi từ trước đến nay cũng không biết thế lực phản động, thù địch là tổ chức nào, cá nhân nào. Cái kiểu nói vẫn không thay đổi!
– Luật sư Hà Huy Sơn
Trước đó ngày 18/4, báo Hà Nội Mới đã tăng tải một bài viết với nội dung trong khi các lực lượng chức năng ra sức ổn định an ninh trật tự, đảm bảo cuộc sống cho bà con ở Đồng Tâm thì một số đối tượng cơ hội chính trị dưới danh nghĩa “luật sư”, “chuyên gia”, nhà “dân chủ” đã lên mạng xã hội liên tục có những phát ngôn, tuyên bố sai lệch, không đúng bản chất sự việc, tỏ vẻ “hào hiệp”, sẵn lòng “hỗ trợ” người dân đòi “quyền lợi”… Trang báo này khẳng định rằng mục đích chính của các đối tượng này không gì khác là cố tình bôi đen sự thật nhằm làm chệch hướng dư luận, lợi dụng tình hình để nói xấu chế độ và kích động sự quá khích của một bộ phận nhân dân khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Chúng tôi đã trao đổi với luật sư Hà Huy Sơn, người đã đăng tải những lời khuyên nhủ dành cho người dân Đồng Tâm trên trang cá nhân:
Tôi cho rằng nếu báo muốn nói một điều gì đó thì phải có bằng chứng cụ thể. Luật sư nào, kích động hay bôi xấu như thế nào? Chứ chỉ nói chung chung thì tôi cho rằng đó chỉ là những lời nhận xét chủ quan vu vơ. Tôi không tranh luận với những quan điểm hay những cách nói như thế!
Tôi từ trước đến nay cũng không biết thế lực phản động, thù địch là tổ chức nào, cá nhân nào. Cái kiểu nói vẫn không thay đổi! Cái cách nói tôi vẫn gọi là nói vu vơ.
Khi được hỏi về những dòng chia sẻ trên trạng cá nhân liên quan đến Đồng Tâm của mình xuất phát từ mục đích gì, luật sư Hà Huy Sơn giải thích:
Những lời khuyên và ý kiến của tôi về vụ Đồng Tâm thứ nhất là xuất phát từ pháp luật hiện hành và thực tế trong xã hội Việt Nam là người nông dân thường không có tổ chức, tư tưởng đấu tranh thường là tự phát. Vì thế tôi khuyên họ hãy giảm bớt căng thẳng với phía chính quyền và chọn cách bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách kiện ra tòa.
Khi báo Hà Nội Mới đăng tải bài viết vừa nêu trên với tựa đề “Lật mặt những luận điệu sai trái lợi dụng sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”, luật sư Trần Đình Triển đã đăng tải những dòng suy nghĩ trên trang cá nhân về bài viết này. Chúng tôi xin trích nguyên văn một số câu như sau: “Phải kìm chế hết mức, chớ vội bàn luận về đất đai đúng – sai khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đừng phơi áo cho thiên hạ xem lưng, đã ngọng lại còn hay nói, dốt nát lại cho mình là siêu nhân”. Ông cũng bày tỏ sự bức xúc khi trang báo này nói chung chung rằng một số luật sư là thế lực kích động: Hiện nay cả nước có hơn 10 nghìn luật sư. Luật sư nào sai phạm thì bài báo phải chỉ tên cụ thể, không vơ đũa cả nắm làm ảnh hưởng đến đội ngũ luật sư trong cả nước.
Không ai kích động người dân
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, người đã thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình Đồng Tâm và trực tiếp đến để gặp bà con nơi đây cho rằng người dân không hề bị kích động mà chính chính quyền đã kích động người dân nơi đây. Ông giải thích rằng vì bộ máy tuyên truyền của chính quyền cộng sản nên khi xảy ra sự việc người dân rất sợ tiếp xúc với người bên ngoài. Vì vậy những người hoạt động xã hội hay những luật sư không thể kích động được. Ông nói:
Khi chúng tôi đến ngỏ ý rằng sẽ hỗ trợ về truyền thông là họ từ chối. Vì thế nếu bảo họ bị đối tượng trung gian kích động là chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Thứ hai chúng tôi cũng không ngạc nhiên khi báo Hà Nội Mới phát ngôn như vậy bởi vì sự kiện Đồng Tâm đã thể hiện rõ bộ mặt của chính quyền là làm cho dân rất bức xúc. Họ tìm mọi cách tước đoạt đất đai của người dân nhưng khi dân khiếu kiện họ không thèm trả lời và chỉ đến khi người dân nổi điên lên, bắt giữ gần 40 người làm con tin thì chính quyền mới chịu xuống nước.
Khi xuống nước như vậy họ rất sợ bẽ mặt trước công chúng nên họ rêu rao nói rằng đây là hành động nhân từ của chính quyền còn người dân vì không am hiểu luật pháp nên bị đối tượng xấu kích động.
Không hề bị kích động! Tất cả là do tự người dân bức xúc thôi.
– Người dân Đồng Tâm
Một diễn biến khác là tại cuộc họp báo sáng ngày 18/4 do Ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức, Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định đã có lời phát biểu và sau đó được Báo Công an trích dẫn lại rằng “Từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; xâm chiếm đất quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật.” Ông Bạch Thành Định nhấn mạnh rằng đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.
Trước những nguồn thông tin và ý kiến như trên, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với người dân ở Đồng Tâm để kiểm chứng thì được biết:
Cái đó không phải do thù địch kích động gì cả. Chẳng qua là do mảnh đất của chúng tôi cán bộ lại muốn lấy để bán cho tập đoàn Viettel thôi thì dân bức xúc nên giữ lại thôi. Luật sư nói đúng sự thật thôi. Không hề bị kích động! Tất cả là do tự người dân bức xúc thôi.
Từ trước đến nay cứ hễ xảy ra sự kiện gì khiến dân chúng nổi dậy biểu tình, khiếu kiện hay xung đột, một số cơ quan truyền thông trong nước thường loan rằng người dân bị các phần tử phản động, thế lực thù địch kích động. Điển hình như các vụ biểu tình phản đối Formosa, báo Nghệ An và Quân đội Nhân dân đăng bài cho là các linh mục lợi dụng tôn giáo kích động người dân.