Tin Việt Nam – 26/03/2019
Công an VN nói họ điều tra ông Trương Duy Nhất
Bộ Công an Việt Nam lần đầu tiên xác nhận đang điều tra ông Trương Duy Nhất nhưng không khẳng định ông đã bị bắt hay chưa.
Blogger Trương Duy Nhất ‘hiện bị giam ở T16’
‘Quyết tâm rất lớn’ để xử Vũ ‘Nhôm’
Thái Lan ‘điều tra tin Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’
Ông Trương Duy Nhất: Những ngày trên đất Thái Lan
Các báo Việt Nam chiều 25/3 tường thuật lời chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an Trung tướng Trần Văn Vệ tại cuộc họp báo.
Tướng Vệ nói ông Nhất liên quan một cuộc điều tra doanh nhân Phan Văn Anh Vũ (hay Vũ Nhôm) đã bị tù giam.
‘Liên quan Vũ Nhôm’
Theo người đại diện công an Việt Nam, ông Trương Duy Nhất có liên quan ông Vũ Nhôm trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Tướng Vệ nói ông Nhất khi làm Trưởng đại diện báo Đại đoàn kết tại Đà Nẵng đã lợi dụng giấy tờ của báo để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí.
“Việc này cơ quan điều tra đang điều tra, xác minh nên chưa cung cấp cụ thể”, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT cho hay.
Đáng chú ý, mặc dù đề cập tên ông Nhất, Bộ Công an hoàn toàn không xác nhận đã bắt được ông hay chưa, và hiện ông đang ở đâu.
Sau gần hai tháng kể từ khi blogger Trương Duy Nhất mất tích, gia đình ông nói rằng họ được thông báo ông đang bị giam ở T16, một trại giam ở Thanh Oai, gần Hà Nội.
Được biết ông Trương Duy Nhất từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, và sau đó làm cho báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng tới đầu 2011.
Đã bị giam ở Việt Nam?
Hôm 20/3, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC News Tiếng Việt biết: “Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16.”
“Mẹ nửa tin nửa ngờ nên nhờ luật sư Trần Vũ Hải kiểm chứng bằng cách lên làm giấy tờ hay cho gặp mặt.”
Cùng ngày 20/3, cây bút Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội đăng bài trên Facebook cá nhân, viết rằng vợ của ông Nhất đã từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội.
Ông Nguyên cho biết ông đã chở vợ ông Nhất đến trại giam T16 ở Thanh Oai.
“Trại chưa cho thăm gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ Nhất mang rất nhiều thức ăn và quần áo từ Đà Nẵng ra cho chồng, nhưng quy định của trại chỉ cho chuyển vào rất ít, cùng với một số tiền gửi nhất định để mua thức ăn ở căng tin trại.”
Và trại đã cấp cho vợ ông Nhất một “Sổ tiếp tế, thăm gặp” cho những lần sau.
Theo sổ này thì ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16, theo lời ông Nguyên.
Nhưng theo tường thuật trên báo Việt Nam ngày 25/3, Trung tướng Trần Văn Vệ không khẳng định đã bắt giữ ông Nhất, mà chỉ nói công an đang điều tra ông Nhất.
Khi được một phóng viên hỏi tin ông Trương Duy Nhất “đã bị bắt có chính xác không”, ông Vệ lại nói về vụ Vũ Nhôm.
Theo Tướng Vệ, trong quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra có xác định ông Trương Văn Nhất, cựu Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng, có liên quan đến vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan Vũ Nhôm.
Theo đó, ông Nhất bị cho là có hành vi “đưa các giấy tờ của Báo Đại Đoàn Kết để mua nhà đất không qua đấu giá”.
Các bài trên báo Việt Nam về cuộc họp báo hôm 25/03 cũng đồng loạt đăng tin về việc ông Nhất trước đây bị công an bắt tháng 5/2013 về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
‘Trương Duy Nhất – Những gì chúng ta biết’ – tường thuật từ Bangkok của BBC
Năm 2014, ông bị tòa ở Đà Nẵng tuyên 2 năm tù và rồi ra tù tháng 5/2015.
Đầu tháng 2/2019, người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan, ông Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
“Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này,” ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
Dư luận quốc tế đã quan tâm đến tin nói ông Nhất “mất tích” ở Thái Lan hồi đầu năm.
Ngoài các tổ chức như Ân xá Quốc tế, RSF, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 08/02 cũng nói họ hoan nghênh cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về vụ mất tích của ông Nhất và cho biết Mỹ “theo dõi chặt chẽ tình hình”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47693416
Bến Tre: Thanh niên treo cổ chết trong buồng giam
bằng “những sợi vải xé ra từ quần thun”
Thêm một người dân thứ 2 được ghi nhận chết trong đồn công an Việt Nam chỉ trong vòng tháng 3 của năm 2019.
Lần này, nạn nhân là ông Dương Văn Lợi sinh năm 1980, sinh sống ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre được phát hiện chết trong tư thế treo cổ vào khoảng 5 giờ sáng ngày 25/3/2019 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bến Tre.
Báo Tuổi trẻ Online dẫn thông tin ghi nhận hiện trường ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre, thì ông Dương Văn Lợi được phát hiện trong tư thế treo cổ bằng những sợi vải xé ra từ chiếc quần cũ (dùng để chùi chân) treo lên những thanh lam (chỗ thông gió trong phòng tạm giam).
Trong khi đó mạng báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng nạn nhân kết liễu đời mình bằng chiếc quần thun của một người bị tạm giữ trước đó bỏ lại trong tủ.
Trước đó, ngày 4-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre ra quyết định bắt tạm giam đối với ông Dương Văn Lợi và sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi giết người.
Theo truyền thông trong nước, vụ việc xuất phát từ chiều 3/3 khi anh Huỳnh Văn Thanh tổ chức nhậu tại nhà cùng với 4 người khác. Cuộc nhậu kéo dài khoảng 30 phút thì Dương Văn Lợi đến tham gia. Đến 21h cùng ngày, Lợi về nhà mở tivi xem nhưng bị âm thanh loa karaoke át tiếng nên yêu cầu nhóm nhậu xoay loa về hướng khác thi xảy ra mâu thuẫn với nhóm bạn nhậu, sau đó xảy ra xô xát. Dù được can ngăn nhưng sau đó Lợi vẫn cầm dao chém các bạn nhậu trước đó khiến một người tên Huy tử vong.
Trước đó, một người khác tên Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1977, tử vong sau 5 ngày bị giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về hành vi đánh bạc.
“Theo lời khai cán bộ công an đi cùng, bệnh nhân ở phòng tạm giam cả tối qua tự đập đầu, người vào tường.
Đến khoảng 11h30 ngày 13/3, được phát hiện trong tình trạng hôn mê, được đưa vào BV Nam Đàn cấp cứu, chuyển viện trong tình trạng chấn thương sọ não…
Chẩn đoán hôn mê chấn thương sọ não,” Giấy chuyển viện của BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ở phần tóm tắt bệnh án ghi rõ.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc về công ước chống tra tấn hôm 11/3/2019, đại diện Bộ Công an tiết lộ rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”.
Năm 2018, theo ghi nhận trên truyền thông của Đài Á Châu Tự Do có ít nhất 11 trường hợp người dân Việt Nam chết trong nơi tạm giam, tạm giữ mà phần lớn trong số đó được thông báo là “tự tử” hoặc “tử vong do bệnh lý”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-died-in-police-custody-03252019100223.html
Nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM
bị kỷ luật vì sai phạm đất đai
Ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, đã bị ban thường vụ Thành ủy TP.HCM bị cách tất cả các chức vụ trong đảng do những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, truyền thông trong nước ngày 25/3 cho biết.
Theo truyền thông trong nước, ông Thông đã có một số sai phạm trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương chấp thuận cho công ty Tân Thuận thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và chuyển nhượng 45% vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư ven sông, phường Tân Phong
quận 7. Ngoài ra, ông cũng có những sai phạm trong quá trình công ty kinh doanh nhà Phú Nhuận hợp tác, chuyển nhượng dự án Khu nhà ở phường An Phú, quận 2. Ông Thông còn mắc sai phạm trong quá trình huy động vốn tại công ty phát triển nam Sài Gòn.
Vi phạm của ông Phạm Văn Thông được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đánh giá là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thành Ủy.
Trước đó, vào ngày 6/7/2017, Ủy ban Kiểm tra thành ủy TPHCM đã cảnh cáo ông Thông và đề nghị cho ông Thông thôi chức Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hang Sacombank.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy TPHCM thực hiện nhiệm vụ “kinh tài” cho cơ quan này. Cơ chế này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, vì cơ quan chủ quản vừa đá bóng vừa thổi còi, thiếu giám sát chặt chẽ, minh bạch.
Không công bố danh tánh các thí sinh gian lận thi cử:
Nhân văn hay bao che?
Trung Khang, RFA
Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối tuần trước đã công bố kết quả xử lý sai phạm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc (THPT) quốc gia tại Sơn La. Có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tuy nhiên danh tánh các thí sinh và phụ huynh gian lận vẫn không được công bố.
Khi trả lời báo chí trong nước hôm 25/3, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Sơn La cho biết, đã nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc chấm thẩm định và xét lại tốt nghiệp với 44 thí sinh bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên ông Đức cho biết chưa thể thực hiện ngay, vì phải chờ hướng dẫn của Bộ GDĐT về cách thức thực hiện, vì chưa rõ sẽ cập nhật điểm thật của các thí sinh như thế nào, cũng như có công bố danh sách này hay không.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 25 tháng 3 năm 2019, về việc này Luật sư Đặng Đình Mạnh, viết rõ:
Công chúng thật sự phẫn nộ khi cơ quan quản lý giáo dục lại có dấu hiệu bao che cho các hành vi sai trái này dưới mỹ từ “nhân văn”!
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
“Thật không ngờ tình trạng gian lận điểm thi trong giáo dục đã đến mức phổ biến tràn lan, thậm chí, xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong cùng một thời điểm gây nên sự bất bình, lo lắng rất lớn trong xã hội. Nhưng không dừng ở mức lo lắng, mà công chúng thật sự phẫn nộ khi cơ quan quản lý giáo dục lại có dấu hiệu bao che cho các hành vi sai trái này dưới mỹ từ “nhân văn”!
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, việc che dấu danh tính của những người vi phạm đã phủ nhận nguyên tắc “Mọi người bình đẳng trước pháp luật”, mà theo đó, mọi sự biện minh cho điều mờ ám đều là ngụy biện, kể cả biện minh bằng “nhân văn”.
Các thí sinh đều đã ở tuổi trưởng thành, mà theo quy định của pháp luật thì người trưởng thành chịu trách nhiệm đầy đủ về các hành vi của mình. Trong sự việc gian lận điểm thi, các thí sinh tham gia vào quá trình ấy là một cách chủ động, có ý thức, cố ý tham gia vào hành vi sai trái thì phải bị chế tài của pháp luật hoặc của công luận là lẽ thường – Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.
Thầy Đỗ Việt Khoa, người từng nhiều lần lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, thì cho rằng lỗi này là do Bộ Giáo dục Đào tạo gây ra, đã quá tin tưởng giao quyền cho các địa phương, tin tưởng ở con người, nên đã xảy ra gian lận và tôi chắc chắn đã gian lần nhiều năm chứ không riêng năm nay. Theo ông, những kẻ tham gia này đa số là quan chức, con cái của quan chức, họ rất sợ bị đưa sự việc lên báo chí do đó họ tìm đủ mọi lý do, để không công khai danh tính người vi phạm. Ông nói tiếp:
“Theo tôi đã là sai phạm thì phải công bố công khai cho nhân dân biết. Đặc biệt những học sinh dự kỳ thi này đã vượt qua tuổi 18 rồi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chúng chắc chắn đã cung cấp thông tin thí sinh cho cha mẹ chúng chạy chọt mua điểm. Khi mua điểm các học sinh này cũng đã đồng lõa, im lặng, chấp nhận sự giả dối
mà người lớn sắp đặt cho mình, để mình có lợi… chúng không thật thà! Vì vậy càng không đáng tha thứ và che giấu.”
Trước đó vào ngày 26/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Hội đồng thi Trung học phổ thông Quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018. Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Xuân Yến – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga – Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; Đặng Hữu Thủy- Hiệu Phó trường THPT Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn- Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng khảo thí – quản lý chất lượng giáo dục. Trong đó, 3 bị can: Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh bị bắt tạm giam.
Ngoài ra còn có hai sĩ quan công an cấp tá bị khởi tố, tước danh hiệu công an, là Thiếu tá Đinh Hải Sơn nguyên Phó Đội trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ và Trung tá Đỗ Khắc Hưng – cựu cán bộ công tác tại Phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La.
Theo bản tin đăng trên báo Tiền Phong ngày 25/3, hiện nhiều phụ huynh và học sinh ở tỉnh Sơn La, mong muốn không chỉ kỷ luật, khởi tố cán bộ vi phạm, cơ quan chức năng làm rõ 44 thí sinh được nâng điểm là con cháu của ai? Những phụ huynh bỏ tiền mua điểm phải được công khai và xử lý theo pháp luật.
Trước đó, theo tin của báo Người Lao Động đăng ngày 19/7/2018, thí sinh M., con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng là một trong số những thí sinh có điểm cao của Hà Giang nhưng đã bị hạ nhiều điểm. Cụ thể, điểm thi của thí sinh được công bố lần thứ nhất lần lượt như sau: toán: 9,4; văn: 7,5; tiếng Anh là 10 điểm, tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn là toán: 6; văn 7,5; và tiếng Anh là 8. Tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5, giảm 5,4 điểm.
Mặc dù kết quả chấm thẩm định như vậy, nhưng ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh vẫn khẳng định không có chuyện ông xin điểm cho con và không biết chuyện con ông được nâng điểm.
Một sinh viên Trường Đại học Tây Bắc ở Sơn La không muốn nêu tên khi trao đổi với chúng tôi hôm 25/3/2019 cho biết:
“Em nghĩ việc công khai danh tánh các thí sinh và phụ huynh gian lận mua điểm trong kỳ thi vừa qua là cần thiết. Vì theo em nên răn đe để người ta không làm như thế nữa. Em là sinh viên và em thấy bất bình về việc này. ”
Khi mua điểm các học sinh này cũng đã đồng lõa, im lặng, chấp nhận sự giả dối mà người lớn sắp đặt cho mình, để mình có lợi… chúng không thật thà! Vì vậy càng không đáng tha thứ và che giấu.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Tương tự, một người dân ở Hòa Bình cũng bày tỏ sự đồng tình:
“Người thì cũng bức xúc nhưng cũng chả làm được gì… Theo tôi thì nên công bố danh tánh các thí sinh gian lận… cho mọi người được biết… cho khỏi thiệt thòi cho các em học sinh khác mà các em thi bằng điểm thật…”
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các vụ gian lận điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 được xác định do kẽ hở trong bảo mật, dẫn đến bị lợi dụng làm sai lệch kết quả thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan, đồng thời chuyển cơ quan công an điều tra các vụ gian lận đặc biệt nghiêm trọng.
Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002, nhận định về thực trạng này:
“Gian lận thi cử trước đây xảy ra thì cũng không có gì trầm trọng lắm, nó cũng chỉ là cái bằng phổ thông thôi, sau đó còn phải thi đại học, các trường chuyên nghiệp và các tuyển chọn khác. Thế nhưng kỳ thi 2 trong một này nó vừa cấp bằng trung học phổ thông, đồng thời các em điểm cao còn được xét vào các trường đại học, nhất là các trường ‘hot’ hiện nay như trường công an, trường y, trường dược, học viện quân sự.v.v… vì vậy các gian lận năm nay rất nguy hiểm vì nó vào thẳng đại học.”
Theo Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, nếu đã làm triệt để thì những người đã tham gia vào quá trình gian lận thi cử đều phải bị xử lý hình sự, hành chính hay kỷ luật… Đối với học sinh bị phát hiện gian lận thi cử phải đưa ra khỏi trường thì như vậy mới nghiêm minh được.
Gia đình nói tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa
ngưng tuyệt thực ở ngày thứ 12
Anh Nguyễn Văn Hóa, tù nhân lương tâm và là một phóng viên của Đài Á Châu Tự Do đã ngưng tuyệt thực hôm 6/3/2019 sau 12 ngày để phản đối những sự việc mà anh cho rằng là bị áp bức trong trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam.
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của anh Hóa cho biết vào tối 25/3/2019, tuy nhiên cuộc gọi cho gia đình hàng tháng theo tiêu chuẩn 5 phút vẫn chưa được anh này thực hiện không rõ lý do.
“Trong thư Hóa cũng viết là hôm 6/3 (tức là sau chuyến thăm gặp ngày 5/3) Hóa cũng có ghi rõ trong thời gian tuyệt thực là 12 ngày, còn sau đó người nhà có vào thăm động viên, mọi người hỏi thăm động viên.
Trong đó cũng có một số anh em ở cùng động viên và nâng đỡ Hóa trong thời gian Hóa tuyệt thực để phản đối những sự việc trong trại giam tuyệt thực. Cho đến ngày hôm nay Hóa đã trở lại bình thường, đã ngưng tuyệt thực”, bà Huệ nói rằng có người thân của tù nhân lương tâm khác ở cùng trại giam khi đi thăm trở về đã nhắn với người nhà thông tin này
Mỗi tháng theo quy định, người tù sẽ được người nhà đi thăm nuôi một lần, ngoài ra còn có thêm một cuộc gọi 5 phút cho gia đình, tuy nhiên từ lần đi thăm gặp Hóa vào ngày 5/3, gia đình vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào như thường lệ.
Đài Á Châu Tự Do gọi theo các số điện thoại của trại giam An Điềm trên mạng Internet nhưng đều không thể liên lạc.
Trong bức thư đề ngày 6/3/2019, Nguyễn Văn Hóa bày tỏ ước mong trong tương lai, các tù nhân có tôn giáo như Công giáo sẽ được quyền thực hành niềm tin tôn giáo của mình trong trại giam.
Đồng thời Hóa cũng tiết lộ về việc các đại diện của các tòa đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã đến thăm anh này trong trại giam.
“Sự quan tâm của Đại sứ quán Hoa Kỳ, là một món quà tinh thần mà đối với em là một sự động viên, niềm vinh dự vô tận mà em không thể diễn tả thành lời. Thật sự, giờ đây em chỉ biết gửi lời cảm ơn tới cô Jessica – Tham tán chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đại sứ quán các nước nói chung.
Vì sự quan tâm và quảng đại của các tòa đại sứ đối với em trong thời gian tuyệt thực để đòi quyền lợi ích hợp pháp của mình và quá trình em bị bắt cho tới nay,” bức thư ký tên của Nguyễn Văn Hóa nêu rõ.
Thư của Hóa gửi cho gia đình đến ngày 25/3 chị gái của Hóa mới nhận được.
Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995 tại Hà Tĩnh. Trước khi bị bắt anh là phóng viên quay video của Đài Á Châu Tự Do chuyên phản ánh thông tin về đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Anh bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ vào ngày 11/1/2017 trong khi đang ghi lại cuộc biểu tình của người dân trước tòa án huyện Kỳ Anh.
Trong 2 phiên tòa sau đó, Hội đồng xét xử đã tuyên anh 7 năm tù giam và 3 năm quản chế, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Đến ngày 26/2/2018, khi được gặp người thân anh Hóa đã tuyên bố tuyệt thực vì các lý do như cán bộ trại giam An Điềm không cho Hoá gửi đơn tố cáo, từ chối suông mà không có văn bản xác nhận.
Ngoài ra Hóa cũng cáo buộc một cán bộ công an mang quân hàm trung tá có thái độ quát tháo lớn tiếng để đội trại giam An Điềm áp dụng luật pháp tùy tiện và độc đoán lên phóng viên của RFA.
Anh này cũng nói mình bị công an dẫn giải đánh vì phản cung trong phiên xử một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Lê Đình Lượng.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát được báo chí nhà nước trích dẫn, từ năm 2013, anh Nguyễn Văn Hóa đã lập trang Facebook “Nguyễn Văn Hóa (Maria Luygonjaga) để chia sẻ, phát tán các bài viết, video, hình ảnh có nội dung bị quy kết là “kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động, trái với đường lối, chủ trương của đảng và Nhà nước.”
Mục đích của việc này được cho biết là nhằm kích động người dân tụ tập biểu tình sau sự cố môi trường biển và tình hình lũ lụt trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Cũng theo cáo trạng, từ năm 2014 đến tháng 1/2015, anh Nguyễn Văn Hóa đã sử dụng blog “Luoishoa” để đăng tải, phát tán các tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong quần chúng.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích bản án mà tòa tuyên cho anh Hóa và gọi đây là “một phiên tòa què quặt”.
Nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân
bị Đức trục xuất về VN
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ hôm 26/3 đã bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi gia đình ông đang chờ xin Canada xin cấp cho quy chế tị nạn.
Chiều ngày 26/3 theo giờ địa phương ở Đức, cô Nguyễn Quang Hồng Ân, con gái ông Nhân, cho VOA biết ba và mẹ cô đã bị cảnh sát đưa ra sân bay Munich, áp giải về Việt Nam, với chặng dừng chân ở Bangkok.
Khoảng 8 giờ sáng nay có khoảng 10 cảnh sát đến nói rằng ba mẹ em phải ra khỏi nhà và sau đó áp giải đến thẳng sân bay Munich và trục xuất về Việt Nam trong ngay chiều hôm nay.
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân.
“Khoảng 8 giờ sáng nay có khoảng 10 cảnh sát đến nói rằng ba mẹ em phải ra khỏi nhà và sau đó áp giải đến thẳng sân bay Munich và trục xuất về Việt Nam trong ngay chiều hôm nay.”
Cũng trong ngày 26/3, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân viết email cho VOA: “Cảnh sát Đức đã đến bắt và giao tôi và vợ tôi về Việt Nam… Tôi đang tị nạn chính trị tại Đức. Canada cho tị nạn và chúng tôi chuẩn bị đi Canada.”
Cô Hồng Ân nói thêm:
“Tôi cũng giải thích mọi cách, đưa ra đủ mọi giấy tờ rằng chúng tôi đang xin tị nạn tại Canada, nhưng họ nhất quyết làm theo mệnh lệnh. Đúng 8 giờ 40 thì họ lôi ba mẹ tôi ra xe đưa đi.”
Cô Hồng Ân nói thêm rằng ba và mẹ cô sẽ có “công an Việt Nam chờ sẵn để tiếp nhận.” Cô cho VOA biết như vậy sau khi nhận được cuộc điện thoại cuối cùng trước khi ba và mẹ cô bị tịch thu điện thoại di động và đưa lên máy bay ở Munich.
VOA chưa liên lạc được với chính quyền thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để xác nhận việc ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ là bà Trịnh Thúy Hạnh bị trục xuất hôm 26/3.
Chắc chắn rằng khi bị trục xuất về Việt Nam thì ba mẹ tôi sẽ bị bắt giam, tù đày.
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân.
Cô Hồng Ân lo sợ rằng cha và mẹ cô sẽ bị chính quyền Việt Nam giam cầm và tù đày:
“Chắc chắn rằng khi bị trục xuất về Việt Nam thì ba mẹ tôi sẽ bị bắt giam, tù đày.”
Nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân bị Đức trục xuất về VN
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù.
Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng” và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào đầu năm 2018, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân nói:
“Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa. Trong khoảng thời gian 8 năm liền tôi không làm được gì nên tôi chỉ viết sách – viết khoảng 20 quyển sách và phát hành trên Amazon cho đến khi tôi rời khỏi Việt Nam vào năm 2015.
“Tôi cũng cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm, thành lập Diễn đàn Đại học Nhân quyền, và sau đó là Viện Nhân quyền Việt Nam. Đó là những việc làm mà khiến chính quyền Việt Nam để ý và theo dõi rất nhiều.”
Vô thần tốt hay không tốt, luật nhân quả có hay không?
Đoàn Bảo ChâuBài đã đăng trên Facebook cá nhân
Có bạn phê phán rằng tôi có vẻ vô thần và điều ấy là không tốt, con người vô thần sẽ có xu hướng làm điều xấu bởi không tin ở luật nhân quả. Nói về điều này sẽ dài dòng một chút, nhưng cũng nên nói.
Tôi tôn trọng tất cả những tôn giáo dạy con người sống có lễ nghĩa, có trước sau, theo một trật tự hợp với tính thiện của con người. Khi xã hội làm được vậy, ấy là một xã hội có đạo.
Tôi không tin ở kiếp trước, kiếp sau, đơn giản là bởi kiến thức, suy nghĩ lô-gic và trải nghiệm của tôi là vậy và điều ấy không phải là một cái tội.
Vụ thỉnh vong chùa Ba Vàng: dư luận dậy sóng
Giáo hội: ‘Không có chuyện thỉnh, giải oan’
Người ta sống tốt không phải vì cái suy nghĩ là mình làm điều tốt để kiếp sau mình được hưởng phúc. Ta làm điều tốt bởi điều ấy khiến cái bản thể hướng thiện của ta cảm thấy thế là đúng và do vậy mà lòng ta vui.
Làm điều tốt để mưu cầu điều tốt hay ích lợi đến với mình trong tương lai, điều ấy không sai nhưng làm thấp đi một chút tính cao thượng trong tâm người, nó có hơi hướng giống như một sự đầu tư sinh lợi, một sự tính toán kinh tế.
Nếu bản thể của ta là chân, thiện, mỹ thì khi ta làm những điều chân, thiện, mĩ, lòng ta vui, ta cảm thấy cuộc sống của ta có ý nghĩa và ta có lòng tự hào, không cần sự khen ngợi từ bên ngoài. Người đời khen hôm nay, chê ngày mai, nhưng nếu ta có được cái nhận thức tự tại, ta sẽ an bình và vững vàng, không phụ thuộc khen chê của người, điều mà giống như làn gió luôn thay đổi.
Phật là người trần mắt thịt, sở dĩ Phật được tôn kính bởi trí tuệ của người quá siêu việt, giáo lý cuả Ngài quá sâu sắc, xuyên suốt, giải thích thấu đáo mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên, mối quan hệ xã hội và quan trọng nhất là trong tâm người. Phật không có phép thần thông biến hoá, chỉ có bọn lợi dụng Phật để kiếm lợi mới có giả vờ mình có phép thần thông biến hoá để lừa đảo.
Nhờ thiền định tu luyện mà Phật có được khai ngộ sáng láng, chính vì vậy mà ngài bảo tính phật có trong mỗi người. Tính phật chính là những gì nhân bản nhất, thiện nhất, chân nhất của con người. Không xa lạ, không cao vời mà gần gũi trong mỗi bản thể, chỉ có điều có chịu nhìn vào tâm mình để mà tu luyện, để khai mở không hay thôi.
Tin hay không tin ở tôn giáo không phải là vấn đề. Vấn đề đáng nói là tính chân, thiện, mĩ của con người.Đoàn Bảo Châu, Nhà văn
Giờ nói về luật nhân quả.
Luật nhân quả không xa xôi. Tôi không tin ở kiếp trước, kiếp sau không có nghĩa là tôi không tin ở luật nhân quả.
Bạn nhìn thấy một con vật đang đau đớn, bạn nói một câu nói thương xót, ánh mắt từ bi, cử chỉ chăm sóc dịu dàng… những điều ấy tác động đến chính con bạn. Sự lặp lại nhiều lần sẽ khiến nó thành đứa trẻ có lòng bi, có lòng thương yêu con vật và tất nhiên là thương yêu con người. Nó lớn lên sẽ sống yêu thương và chan hoà. Ấy là bạn đã gây nhân và đạt quả tốt.
Một quan chức quen đấu đá, thấy đồng chí đối thủ của mình ngã bệnh chết, buông lời hỉ hả, đứa con sẽ học được sự ác độc.
Một kẻ giầu có bởi BOT bẩn, bởi tiền cướp được nên coi thường đồng tiền, nhìn người chỉ nhìn vào tiền, trí tuệ tăm tối, buông lời khinh mạn người nghèo. Những đứa con của kẻ ấy lớn lên trong vàng bạc lấp lánh nhưng tâm hồn ô trọc, không thể hiểu được những gì đẹp đẽ của con người.
Một chính trị gia mánh khoé, chuyên nịnh trên nạt dưới, hèn với giặc, ác với dân, cả đời quay cuồng trong quyền tiền không thể dạy con một câu về tình thương yêu, về sự chân thành, về cái đẹp trong văn học nghệ thuật hay cái đẹp nói chung của cuộc sống con người. Mà nếu có mở mồm dạy thì chính hắn ta cũng tự hiểu là mình đang nói dối, sẽ ngượng mồm.
Cái thằng tấn công tình dục cô gái trong thang máy là hệ quả của một sự giáo dục như vậy. 8 năm trước, nó cũng đã chỉ biết dựa vào quan hệ để giải quyết vấn đề. Sự ngu xuẩn không dễ thay đổi. Từ nhỏ nó học được bài học bẩn nên nó thành một con người bẩn. Đến cái nụ hôn, một cái đẹp mà nó cũng chỉ biết hành xử bẩn để đạt được.
Đấy là nhân xấu gây quả xấu.
Đấy chính là nhân quả, rất gần gũi dễ hiểu chứ không hề xa xôi.
Là con người, hãy tin ở tính thiện của con người. Tôn giáo có mặt tốt nhưng trong lịch sử nhân loại, chính mâu thuẫn tôn giáo đã gây ra đổ máu và bao đau khổ. Người đời theo tôn giáo này, chê tôn giáo kia, vậy là mâu thuẫn, nhỏ nhen hạn hẹp, do vậy mà không mang được lợi ích an bình cho xã hội.
Tin hay không tin ở tôn giáo không phải là vấn đề. Vấn đề đáng nói là tính chân, thiện, mĩ của con người.
Người cộng sản thời kì đầu đả phá tôn giáo, phá bỏ chùa chiền, thờ ông bà còn bị quy chụp là mê tín dị đoan. Giờ thì lại mê tín quá mức, quan chức xì xụp vái lậy, xoắn xuýt thầy bà. Đấy là do văn hoá sống nông cạn, không tin vào con người nên lúc thế này, lúc thế khác. Cả đời chỉ coi quyền lực, vị trí là quan trọng, bao thời gian chỉ lo đấu đá, lúc nào đọc sách, lúc nào suy ngẫm và thiền định đâu để hiểu sâu sắc những điều ấy.
Họ thực ra là những con người yếu kém về văn hoá, yếu đuối về tâm hồn, chính vì vậy mà họ hay sai lạc. Sai lạc nên không nhất quán, hay thay đổi, gió chiều nào che chiều nấy.
Tôi tôn trọng tôn giáo, trân trọng những giáo lý đẹp đẽ nhưng không hề tin một cách mê muội. Hơn hết là tôi tin ở con người, tôi tin ở chính tôi.
Mỗi kiếp người có một sứ mạng thiêng liêng và nếu ta tin ở điều ấy, ta sẽ làm được những điều tốt đẹp đáng kể.
*Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả – nhà văn, nhà báo Đoàn Bảo Châu.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47693377
Hiệp định RCEP có cứu được ASEAN không?
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trong viễn ảnh kém sáng sủa của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, 10 quốc gia Đông Nam Á của Hiệp hội ASEAN có triển vọng gì không với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP? Tuần này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hai chuyện, là viễn ảnh kinh tế và Hiệp định RCEP.
Nạn suy trầm
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuối tuần qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh vì một trong nhiều dấu hiệu tiên báo về nạn suy trầm đã xuất hiện. Đó là khi phân lời trái phiếu dài hạn, thí dụ là loại 10 năm lại sụt và còn thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn, là điều khá bất thường. Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho hiện tượng đó trước khi ta nói về kinh tế Á Châu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trước hết, tôi xin trình bày về định nghĩa và ngôn từ để mình biết là nói về cái gì. Khi một nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn, thì người ta gọi là bị suy trầm, hay recessiom, là một hiện tượng chu kỳ dăm bảy năm lại bị một lần và mỗi lần kéo dài chừng một hai năm. Khi sinh hoạt kinh tế lại sa sút liên tục trong nhiều năm thì người ta gọi là suy thoái, thoái là lùi, để dịch từ depression. Khi nạn suy thoái kinh tế lan qua nhiều lĩnh vực và quốc gia thì người ta mới gọi là khủng hoảng.
Khi giá đồng sụt thì đấy là dấu hiệu xấu về sản suất và nếu tăng thì đấy là một triển vọng khả quan hơn.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Sau khi kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009, tình hình vẫn thiếu khả quan nhưng từ đó đến nay đã gần 10 năm qua mà kinh tế Mỹ chưa bị suy trầm. Do đó, người ta e ngại và tìm nhiều cách đoán trước vì thật ra mình chỉ biết kinh tế có suy trầm hay không sau một hai quý mà thôi. Quốc tế cũng theo dõi chuyện đó của Hoa Kỳ vì nền kinh tế số một của thế giới có sức tiêu thụ cao nhất nên có thể mua hàng hoá của thiên hạ.
– Bước sang chuyện trái phiếu hay tờ giấy nợ. Chủ nợ là người có tiền cho vay như một hình thức đầu tư để kiếm lời thì có thể cho vay ngắn hạn từ vài ba tháng tới dài hạn là cả chục năm hay mấy chục năm. Tiền lời đó nên gọi là phân lời hay yield để phân biệt với lãi suất ngân hàng hay interest rate. Khi cho vay dài hạn, chủ nợ là nhà đầu tư thường đòi tiền lời cao hơn loại vay ngắn hạn vì về dài dễ bị nhiều rủi ro hơn.
– Giới chuyên môn có thể giản lược hóa mà trình bày phân lời từ ngắn đến dài hạn thành một đường tuyến gọi là yield curve. Trên cái trục thời hạn cho vay thì nó thường chếch lên bên phải vì phân lời dài hạn cao hơn ngắn hạn. Việc bất thường là khi đường tuyến lại nằm ngang, thậm chí chúc xuống, là điều xảy ra tuần qua, người ta coi đó là chỉ dấu báo trước suy trầm từ khoảng 300 ngày đến một năm sắp tới.
Nguyên Lam: Thưa ông, những người không am hiểu về kinh tế có thể hỏi vì sao hiện tượng đó có thể báo trước nạn suy trầm. Xin ông giải thích cho dễ hiểu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Con người ta luôn luôn muốn biết trước về tương lai và trong lĩnh vực kinh tế, người ta cố tìm ra cả chục dấu hiệu tiên báo, trong đó có đường tuyến về phân lời như ta vừa nói. Từ hơn ba chục năm nay, các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ đã dùng dấu hiệu đó để tiên đoán.
– Về đại thể, lý do giải thích vì sao thì có tâm lý của nhà đầu tư cho vay tiền bằng trái phiếu. Nếu đường tuyến chếch lên rất cao thì đấy là vì họ đòi phân lời dài hạn thật đắt vì e ngại nạn lạm phát. Nếu đường tuyến nằm ngang hay chúc xuống thì có thể là họ dự đoán về lãi suất ngắn hạn sắp tới và đòi phân lời cao hơn. Kế đó là hậu quả của tâm lý bi quan này trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng hay cơ quan tín dụng huy động tiền ký thác để đem cho vay. Họ trả tiền lời ký thác ngắn hạn và đem cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn và kiếm lời ở giữa. Khi hiện tượng phân lời đảo ngược xảy ra giữa loại trái phiếu ba tháng và 10 năm như ta thấy hôm 22 tuần trước thì mức lời của các ngân hàng giảm sẽ làm họ ngại cho vay và có thể gây ra ách tắc tín dụng làm cho sinh hoạt kinh tế bị đình trệ. Nhưng lần này, sự thể chưa chắc đã tệ như vậy.
Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lần này tình hình kinh tế Mỹ chưa chắc đã tệ như vậy dù đã có hiện tượng chúc xuống của đường tuyến phân lời như ông nói?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Có vài lý do giải thích vấn đề kỹ thuật quá rắc rối này. Thứ nhất, sau khi kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng bình quân là 3% suốt năm qua thì năm nay có thể giảm đà tăng trưởng nhẹ, như chúng ta đã trình bày tuần trước. Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Mỹ bật ra tín hiệu khó hiểu sau khi nâng lãi suất cơ bản trong năm ngoái rồi quyết định không tăng lãi suất nữa cho tới cuối năm làm thiên hạ nghĩ rằng tình hình kinh tế sẽ tồi tệ hơn. Thứ ba là sự bất trắc trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và nhất là tình trạng kinh tế quá thất thường của cả Trung Quốc lẫn Âu Châu. Riêng về kinh tế Âu Châu, sự u ám đã thành sự thật với đà tăng trưởng sẽ ở dưới 1% trong năm nay làm cho phân lời trái phiếu Đức đã tuột xuống số âm, là đều bất thường.
– Nhìn trong bối cảnh chung đó, ta thấy ra sự ngược đời là kinh tế Hoa Kỳ lại khá nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, nhờ sức mạnh của thị trường lao động và ảnh hưởng tới đà tiêu thụ của người dân và nhờ một nghịch lý khác là đà tăng chi của ngân sách liên bang. Vì vậy, lần này, chỉ dấu tiên báo của đường tuyến phân lời chưa chắc đã bi quan như người ta nghĩ. Bản thân tôi thì còn theo dõi một chỉ đấu khác là giá một loại thương phẩm khá đặc biệt vì cần thiết cho nền công nghiệp là giá đồng. Khi nó sụt thì đấy là dấu hiệu xấu về sản suất và nếu tăng thì đấy là một triển vọng khả quan hơn. Giá đồng đã sụt nhưng lại vừa tăng chút đỉnh nên chúng ta cần theo dõi thêm. Nói vắn tắt thì người ta có nhiều cách dự đoán khác nhau nhưng chính tâm lý bi quan có tính chất bầy đàn mới càng dễ đưa tới kết qủa bất lợi cho tương lai.
RCEP
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin được bước qua phần thứ hai là nói về 10 nước Đông Nam Á trong Hiệp hội ASEAN và quy chế tự do thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, thường được gọi tắt là RCEP. Thưa ông, khi các nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì viễn ảnh hợp tác của Hiệp định RCEP này có giúp gì cho các nước Đông Nam Á hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng đó là kịch bản “bên bờ ảo vọng”!
– Về bối cảnh thì năm 2012, khối ASEAN muốn tiến tới một hiệp định với sáu quốc gia đã có hiệp ước tự do thương mại với cả khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn và New Zealand. Tôi nghĩ rằng chính Bắc Kinh thúc đẩy sáng kiến này khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay TPP gồm 12 nước đang thành hình mà không có Trung Quốc. Tham vọng của họ là hội nhập 16 quốc gia có ba tỷ 600 triệu dân và sản xuất ra một phần ba sản lượng toàn cầu.
Khi các nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì viễn ảnh hợp tác của Hiệp định RCEP chỉ là kịch bản “bên bờ ảo vọng” cho các nước Đông Nam Á.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Ban đầu thì họ mơ hoàn thành việc đó vào năm 2015 mà sau 25 vòng đàm phán qua sáu năm trường thì vẫn chưa đạt đồng thuận. Tiêu chí hoàn tất vào năm 2018 cũng đã qua, nên đành mong rằng có thể ký kết thỏa ước chung trong hội nghị ASEAN tại Thái Lan vào Tháng 11 năm nay, mà cuối cùng cũng sẽ là không.
Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lại có những trục trặc và chậm trễ như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Cho tôi nói tiếp về bối cảnh đã thì ta dễ hiểu ra sự thể.
– Khác với Hiệp định TPP có tính chất hợp tác toàn diện và còn bao hàm ý hướng chiến lược vây quanh Trung Quốc, Hiệp định RCEP có tham vọng tạo dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn mà tập trung vào lĩnh vực mậu dịch, nôm na là trao đổi hàng hóa và dịch vụ với thuế suất nhập nội rất thấp. Vậy mà họ mất sáu năm bàn cãi để chẳng đi tới đâu.
– Với 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN, đây là cơ hội khuếch trương buôn bán với các nước ở bên ngoài và so sánh với Hiệp định TPP chỉ có bốn thành viên, là Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei, thì RCEP có lợi hơn cho toàn khối. Đó là lý thuyết, thực tế lại hơi khác.
– Với Bắc Kinh thì đây là cơ hội giàng neo cột 10 nước Đông Nam Á vào quỹ đạo của họ trước sức mạnh của Hoa Kỳ và tăng cường quan hệ với các cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, và Úc để khiến các nước này không dễ gì đồng ý với những đòi hỏi về thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng sự đời lại chẳng đơn giản như vậy!
Nguyên Lam: Tức là ông bắt đầu giải thích vì sao Hiệp định RCEP này chưa thể thành hình trong năm nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Quan hệ kinh tế giữa các nước không chỉ có thuế suất nhập nội của hàng hóa và dịch vụ xứ này bán qua xứ kia mà còn có nhiều rào cản, thí dụ như hạn ngạch nhập cảng, hoặc việc hội nhập vào một chuỗi cung ứng, là xứ này trao đổi nguyên vật liệu của các xứ khác để có được sản phẩm hoàn tất. Hiệp định RCEP chỉ tập trung vào chuyện hạ thuế suất mà không thấy ra nhiều khía cạnh rắc rối kia. Đó là một.
– Lý do thứ hai có lẽ xuất phát từ Trung Quốc, Hiệp định RCEP đặt ra khuôn khổ hợp tác giữa nhà nước với nhà nước, trong khi Hiệp ước TPP lại mở ra cho các doanh nghiệp và thị trường, chủ yếu là tư doanh hơn quốc doanh. Khi thu hẹp vào phạm vi quyết định của nhà nước thì nhà nước nào cũng nhìn xuống quần chúng của mình khi đàm phán. Thí dụ điển hình là Ấn Độ, một cường quốc kinh tế không thuộc nhóm 11 quốc gia của TPP, mà vẫn e ngại quan hệ với Bắc Kinh và bị nhập siêu với Trung Quốc. Chính Ấn Độ đã nêu ra nhiều đòi hỏi gây trở ngại.
– Mà không chỉ có Ấn Độ là quốc gia sẽ có bầu cử và rất quan tâm đến dư luận, sau Thái Lan vào tuần qua, Úc và Indonesia cũng sắp có bầu cử. Lãnh đạo các quốc gia đó không thể nhượng bộ nước ngoài để có khi thất cử bên trong. Do đó, Hiệp định RCEP này sẽ khó thành hình trong năm nay.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhóm ASEAN muốn gì và có thể làm được những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta đều biết là thuế nhập nội thấp thì sẽ gia tăng số ngoại thương trao đổi với nhau, nhưng các nước Đông Nam Á đang muốn đa diện hóa hệ thống sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho tinh vi hơn mà cũng muốn đa diện hóa các thị trường giao dịch và tiến tới chế độ tự do chuyển dịch người và vật cho mục tiêu phân công đó. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP thật ra chưa có gì là toàn diện mà vẫn bị giới hạn về trao đổi dịch vụ và lao động nên ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán nhưng không giàng tương lai của họ vào cơ chế này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/free-trade-and-asean-03262019104626.html
Phản ứng chính thức của Việt Nam
liên quan vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc
xua đuổi, đâm chìm tàu cá Việt Nam
Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, ngày 6/3 vừa qua, một tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS/05 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44101 đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vị trí tàu bị đâm cách phía đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, một tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã dùng vòi rồng xua đuổi khiến tàu cá Việt Nam bị đâm vào rạn đá ngầm và chìm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, sáng ngày 6/3, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90819 TS cùng 5 ngư dân đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì phát hiện tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 chạy đến dùng vòi rồng phun lên tàu cá để xua đuổi.
Trong quá trình di chuyển, đến 10h00 cùng ngày, tàu QNg 90819 TS đâm vào rạn đá ngầm và chìm tại toạ độ 16015’N – 111038’E (cách Tây Bắc đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 0,5 hải lý); các ngư dân bám vào mũi tàu trôi dạt trên biển, được tàu cá của Việt Nam số hiệu QNg 90620 TS cứu vớt vào khoảng 13h00 cùng ngày.
Ngày 20/3, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc với Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao công hàm và phản đối việc làm trên của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nâm. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc thông báo cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Trung Quốc về vụ việc trên để xử lý nghiêm đối với nhân viên và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam (18/3) vừa có công văn phản đối Trung Quốc đã gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Hội Nghề cá Việt Nam lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại đến tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối kịch liệt với phía Trung Quốc để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; Có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; Yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam; Đồng thời cần tăng cường các lực lượng tuần tra, bảo vệ trên biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển; Kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn những hành động tương tự để ngư dân ra khơi bám biển sản xuất.
Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Hoàng Đình Yên cũng cho biết thêm, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phản đối phía Trung Quốc gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Đáng chú ý, một ngày sau khi Việt Nam đưa thông tin về vụ chìm tàu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/3) cho rằng sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá Việt Nam, tàu của Trung Quốc đã ngay lập tức liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn Hàng hải Trung Quốc. Theo ông Khảng, “khi tàu Trung Quốc tiếp cận được tàu cá Việt Nam, nó đã bị chìm và lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã cứu các thuyền viên vào buổi chiều hôm đó”. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn ngang ngược nhắc lại vụ một tàu cá của Việt Nam bị 2 tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm vào tháng 7/2016, nói rằng 2 tàu Trung Quốc đã “cứu tàu cá Việt Nam” nhưng “Việt Nam cũng đã nhầm lẫn đổ lỗi cho tàu của Trung Quốc”.
Vụ chìm tàu hôm 6/3 được cho là sự kiện làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế. Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo trên tờ Nikkei về lực lượng “dân quân” với hàng trăm tàu cá của Trung Quốc, nói rằng “Sớm hay muộn sẽ có một sự cố bạo lực, nhiều khả năng liên quan đến những dân quân đó với tàu của Philippines hoặc của Việt Nam”. Và sự cố bạo lực như vậy, theo ông, sẽ leo thang và dẫn tới sự can dự của các lực lượng hải quân trước khi bất kỳ ai có thể ngăn chặn nó lại.
Một tuần sau khi xảy ra vụ chìm tàu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong bài phát biểu hôm 14/3 liên quan đến vấn đề Biển Đông, đã lên án Trung Quốc “ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế”. Đáp lại, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc cho rằng bài phát biểu của ông Pompeo là “vô trách nhiệm”, và nói thêm rằng “các quốc gia bên ngoài khu vực nên kiềm chế không gây rối và phá vỡ tình trạng hòa hợp” của khu vực.
Biển Đông dẫu có thế nào thì “quân đội ta” vẫn….. vô đối!
Đồng Phụng Việt
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa công bố nguyên nhân khiến tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90819 của ông Nguyễn Minh Hùng, ngụ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chìm vào sáng 6 tháng 3, tại vùng biển quanh đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo đó, con tàu mang số hiệu 44101 của cảnh sát biển Trung Quốc đã dùng vòi rồng, buộc tàu đánh cá QNg 90819 phải rời khỏi nơi đang thả neo. Trong quá trình di chuyển do bị xua đuổi, tàu QNg 90819 va phải đá ngầm và chìm. Năm ngư dân bám vào xác tàu của họ, trôi giạt trên biển trong ba giờ và thoát chết nhờ được một tàu đánh cá khác vớt.
Trong thông báo phát hành ngày 21 tháng 3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã cử người trao công hàm cho đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Chẳng ai tin Trung Quốc sẽ xử lý nghiêm chỉ huy tàu hải cảnh 44101 và những cảnh sát biển đã gây ra tai nạn cho tàu đánh cá QNg 90819, cũng như bồi thường thoả đáng cho những ngư dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ tai nạn mới nhất. Trên thực tế, cho dù các tàu của lực lượng vũ trang Trung Quốc hoạt động trên biển Đông liên tục gây ra đủ thứ tai họa cho ngư dân Việt Nam nhưng theo Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc chưa bao giờ bồi thường cho ngư dân Việt Nam mất mạng hay tán gia, bại sản.
Tuy Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng cả quần đảo này lẫn vùng biển quanh nó luôn được khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó cũng là lý do trước nay, vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý là dù thuộc chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có sự hiện diện của các tàu đánh cá Việt Nam. Hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam chưa bao giờ léo hánh tới chốn này.
Về nguyên tắc, hải quân là lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, cảnh sát biển (hải cảnh) là lực lượng thực thi luật pháp của cả quốc gia lẫn quốc tế trên biển, kiểm ngư là lực lượng giám sát – bảo vệ nguồn lợi hải sản của một quốc gia tại vùng biển mà quốc gia đó có chủ quyền, song trên thực tế, chỉ có hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Trung Quốc tung hoành ngang dọc tại biển Đông. Thậm chí cứu nạn – vốn thuần túy nhân đạo – dẫu có lực lượng riêng nhưng Việt Nam cũng ủy quyền cho ngư dân giúp lẫn nhau!
Con tàu mang số hiệu 44101 của hải cảnh Trung Quốc không chỉ gieo rắc kinh hoàng cho ngư dân Việt Nam tại biển Đông (cả vùng biển quanh quần đảo Hòang Sa lẫn quần đảo Trường Sa), sự hiện diện thường xuyên của con tàu này tại biển Đông đã được nhiều tài liệu nghiên cứu về nỗ lực độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ghi nhận. Ví dụ như Báo cáo số 2 của Ryan D. Martinson, làm việc tại Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ (1).
Trước giờ, hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam ở đâu để cuối cùng, trong mắt báo giới, các chuyên gia ngoại quốc, những con tàu như 44101 của hải cảnh Trung Quốc lại được ví von là “khách thường trực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa” (Frequent Guest of the Paracels), bất kể cả quần đảo Hoàng Sa lẫn vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn được khẳng định như đinh đóng cột là thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của Việt Nam?
***
Cho dù có rất nhiều “khách thường trực” ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa nói riêng, cũng như biển Đông nói chung và những “khách thường trực” này vẫn thường xuyên truy đuổi tàu đánh cá Việt Nam, đe dọa hủy diệt cả tính mạng lẫn tài sản của ngư dân Việt Nam nhưng hồi trung tuần tháng 1, tại Hội nghị Quân chính, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN, kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chỉ dặn dò các viên chức quốc phòng hữu tráchđặc biệt lưu ý đến việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với đảng. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác. Không để suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (2).
Cho dù tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90819 bị tàu mang số hiệu 44101 của cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi, bị chìm, vừa mới xảy ra tuần trước (ngày 6 tháng 3) song tuần sau (ngày 14 tháng 3), khi tham dự Hội nghị Tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam chỉ yêu cầu các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng: Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, toàn diện. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc phức tạp, các vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự. Rà soát và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng (3).
Với một Chủ tịch Nhà nước, một Thủ tướng như thế, rõ ràng “quân đội ta” vẫn tiếp tục là… “vô đối” với những đồng bào, đồng chí dao động về tư tưởng, thoái hóa, biến chất về chính trị. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc – vốn là nhiệm vụ chính yếu của quân đội bất kỳ quốc gia nào – vẫn không quan trọng bằng “phối hợp chặt chẽ với công an và các lực lượng khác đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực gây nguy hại cho sự lãnh đạo toàn diện, tuyết đối của đảng”. Chẳng hề gì khi hai từ “vô đối” vốn vẫn được xem như không có đối thủ, như vô địch, như bất bại lại không thể dùng để ngăn chặn dã tâm của ngoại bang, kể cả khi “khách” vẫn tiếp tục “thường trực” tại biển Đông, vẫn ngang dọc ở Hoàng Sa, ở Trường Sa như chốn không người. Quân đội ta “vô đối” trong… nội trị thì vẫn là… “vô đối”! Ngoại giao có ngược lại, mềm mỏng, kiên nhẫn đối thoại, dứt khoát không đối đầu, phi lý cũng chẳng… sao!
Chú thích
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Vụ nhà báo Trương Duy Nhất rất… đơn giản (!)
Nguyễn Ngọc Già
Ngày 25/1/2019, ông Nhất được cho là xuất hiện tại UNHCR tại Thái Lan.
Ngày 26/1/2019, ông Nhất được coi là mất tích tại một khu mua sắm trên đất Thái.
Ngày 9/2/2019., bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ nhà báo Trương Duy Nhất, đã gửi “đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân” đến các lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ quốc Phòng, Bộ Công an và Công an thành phố Đà Nẵng để yêu cầu giúp đỡ tìm kiếm, xác định xem ông Trương Duy Nhất đang ở đâu và bày tỏ lo lắng cho tính mạng của chồng mình. Theo lá đơn này, ông Trương Duy Nhất rời khỏi thành phố Đà Nẵng hơn một tháng nay không lý do.
Ngày 27 – 28/2/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Trunmp – Kim diễn ra với kết quả không thành công như mong đợi của “Việt Nam – Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế” (!).
Ngày 20/3/2019, cô Trương Thục Đoan (con gái ông Nhất) cho BBC hay: “Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16”.
Sau đó, vợ ông Nhất đã đến T16 để làm thủ tục thăm nuôi và được cấp sổ. Theo sổ này, ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16.
Gần 3 tháng qua, tung tích của nhà báo Trương Duy Nhất đã sáng tỏ.
Truy nã & đầu thú (?!)
Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – Truy nã bị can:
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Theo trên, chắc chắn không có một lệnh truy nã nào được ban hành đối với nhà báo Trương Duy Nhất, bởi cho đến hiện nay, không có văn bản pháp lý nào được ban hành đủ để gọi ông Nhất là “bị can”. Điều này có nghĩa, không thấy bất kỳ một tội danh nào cáo buộc ông Nhất, từ cơ quan pháp luật của nhà nước CHXHCNVN (!).
Nhà báo Trương Duy Nhất cũng không thể làm điều gọi là “đầu thú”, bởi không chỉ vợ ông cho biết sự vắng mặt lâu ngày và không có lý do của chồng làm bà bất an, mà còn do ông Nhất có thể “đi chơi loanh quanh” đâu đó (!).
Ngày 28/1/2019 (?)
Theo nguồn tin báo chí, vợ ông Nhất đã gởi đồ thăm nuôi và nhận sổ theo quy định, trong đó cho hay, ông bị nhà cầm quyền VN bắt ngày 28/1/2019.
Như vậy, “kịch bản đầu thú” theo cách Trịnh Xuân Thanh không thể xảy ra như dư luận dự đoán.
Điều cần làm rõ, chính là biên bản bắt nhà báo Trương Duy Nhất có ghi rõ lý do bị bắt cùng các căn cứ không? Điều đáng băn khoăn hơn nhiều, ông Nhất có ký vào biên bản đó không?
Nếu ông Nhất đã ký vào biên bản dưới sự o ép và đe dọa nào đó, coi như nhà cầm quyền VN đã… “chiến thắng” trước dư luận trong và ngoài nước.
Các thông tin bên ngoài không còn giá trị
Một khi ông Nhất đã ký vào biên bản bắt giữ (bất chấp lý do và căn cứ), nghĩa là ông Nhất đã tự tay xác định mình bị bắt ngay trên đất Việt Nam (tất nhiên, tại một địa điểm trên một tỉnh hay một thành phố thuộc Việt Nam).
Như vậy, các hình ảnh, bằng chứng v.v… từ các nguồn bên ngoài sẽ hoàn toàn vô giá trị.
Thêm vào đó, UNHCR gần như im lặng trước trường hợp này. Đồng thời, nhà nước Thái Lan có vẻ cũng không mặn mà gì lắm, cho việc “điều tra” về nhà báo Trương Duy Nhất đã xuất hiện trên đất Thái.
Một khi biên bản bắt giữ mà nhà báo Trương Duy Nhất đã trực tiếp ký vào, cũng đồng nghĩa rằng, tất cả các văn bản pháp lý như: quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam v.v… sẽ được ký trước hay đúng ngày 28/1/2019.
Mọi thắc mắc, bàn tán suốt 2 tháng qua của dư luận, dù rất nóng bỏng và hấp dẫn, cũng không làm thay đổi được “hiện trạng” nhà báo Trương Duy Nhất đang đối mặt. “Nền báo chí cách mạng” sẽ thu xếp ổn thỏa việc đó (!).
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do