Tin Việt Nam – 26/02/2020
Trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại vào giữa năm 2020
Trạm BOT Cai Lậy, ở Tiền Giang được dự kiến sẽ bắt đầu thu phí trở lại vào khoảng giữa năm 2020.
Truyền thông quốc nội trong ngày 26/2 dẫn nguồn từ văn bản của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) phổ biến với nội dung vừa nêu. Đây là văn bản Bộ GTVT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị của cử tri liên quan sớm có biện pháp cho trạm BOT Cai Lậy.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật, vào ngày 25/2, cho biết bộ này và các đơn vị có liên quan đã thống nhất chọn phương án xây thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thực hiện phương án hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.
Với phương án được lựa chọn thì dự án BOT Cai Lậy sẽ có hai trạm thu phí gồm một trạm thu phí cho truyến tránh và một trạm thu phí trên tuyến quốc lộ.
Trạm BOT Cai Lậy được thông báo dự kiến sẽ thu phí trở lại vào giữa năm 2020, với mức phí thu 15.000
đồng/lượt cho tuyến trên quốc lộ 1 và 25.000 đồng/lượt cho tuyến tránh đối với các phương tiện nhóm 1.
Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư ở mỗi trạm được ước tính khỏang 11 năm và trạm thu phí nào hoàn vốn xong trước sẽ được tiến hành dở bỏ.
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên việc thu phí đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý, dẫn đến tình trạng ùn tắt tại trạm thu phí mỗi ngày. Nhà đầu tư buộc phải tạm dừng thu phí vào ngày 14/8/2017. Đến ngày 30/11/2017 trạm BOT Cai Lậy tiếp tục thu phí trở lại, nhưng vẫn bị tình trạng phản đối quyết liệt của người dân.
Vào ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy để nghiên cứu phương án xử lý.
Thêm người bị cáo buộc
“Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”
Trang tin Công an tỉnh Đồng Nai hôm 23/2 cho biết một phụ nữ ở thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng đang bị công an hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng phối hợp điều tra với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều khoản 2, điều 109, Bộ Luật hình sự.
Người bị điều tra là bà Trần Thị Ánh Hoa (sinh năm 1963), thường trú tại thành phố Long Khánh, Đồng Nai, tạm trú tại thành phố Đà Lạt.
Tin không cho biết bà Ánh Hoa đã bị bắt giữ hay chưa.
Theo tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, bà Hoa đã tham gia vào tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” từ tháng 10 năm 2018. Đây là tổ chức có trụ sở tại Mỹ và bị Công an Việt Nam xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Bà Hoa bị cáo buộc đã nghe theo sự lôi kéo của một người có tến Đặng Toàn Trung để tham gia tổ chức này. Bà Hoa đã vận động, thu thập thông tin của hơn 600 người dân ở thành phố Long Khánh để đưa vào danh sách “trưng cầu dân ý” bầu ông Đào Minh Quân, người đứng đầu tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời làm Tổng thống đệ tam Việt Nam cộng hòa.
Từ năm 2017 đến nay, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 27 người liên quan đến tổ chức của ông Đào Minh Quân với các cáo buộc lật đổ chính quyền và khủng bố.
Công an Việt Nam cáo buộc tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời đã lôi kéo người dân từ các tỉnh thành ở Việt Nam tham gia tổ chức, thực hiện các hành vi nổ bom khủng bố. Đáng chú ý nhất là vụ ném bom xăng gây cháy hàng trăm xe tại kho tạm giữ xe vi phạm của công an TP Biên Hòa hồi năm 2017.
Yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều tra
vi phạm nhân quyền ở Đồng Tâm
Hôm 25/2, một nhóm hơn 10 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền cùng một số cá nhân đã ký tên chung một bức thư gửi đến bà Elisabeth Tichy-Fissslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kêu gọi tổ chức này điều tra những vi phạm nhân quyền trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua.
Theo bức thư, công an đã huy động khoảng 3.000 quân đến Đồng Tâm, giết chết cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, thủ lĩnh của người dân trong vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Công an đồng thời bắt giữ 27 người khác và đến lúc này họ vẫn không được gặp gia đình hay luật sư.
Trước và sau vụ tấn công, công an ngăn chặn những nhà báo độc lập đến đưa tin về Đồng Tâm. Hai ông Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, những người giữ liên lạc thường xuyên với người dân Đồng Tâm bị đe dọa. Những nội dung về Đồng Tâm trên Facebook bị giới chức Việt Nam gây sức ép bắt phải gỡ bỏ.
“Sự tàn bạo của công an ở Đồng Tâm và đàn áp tiếp sau đó cho thấy sự leo thang trong vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam tiếp tục cho thấy họ hoàn toàn không quan tâm đến những công ước quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự”, bức thư viết.
Những người ký tên trong bức thư kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi một đặc phái viên đến điều tra tình hình ở Đồng Tâm; gây sức ép buộc chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho những người bị bắt giữ trái phép; cho phép các nhà báo độc lập và các tổ chức dân sự đến Đồng Tâm để tìm hiểu sự việc.
Theo Bộ Công an, vụ tấn công vào Đồng Tâm xảy ra khi người dân ở đây chống lại việc giao đất quốc phòng cho chính quyền và tấn công lực lượng chức năng. Thông tin chính thức từ Bộ Công an cho biết đã có 22 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ với các cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”.
Cả EU và Hoa Kỳ đều đã lên tiếng về vụ tấn công vào Đồng Tâm và yêu cầu chính phủ phải minh bạch thông tin về vấn đề này.
Người Việt gặp khó khăn khi sinh sống tại Cam Bốt
Peter Ford
Theo một cuộc khảo sát dân số năm 2013, hiện có khoảng 63,000 người Việt Nam đang sinh sống ở Cam Bốt. Các nhóm nhân quyền cho biết, con số thực sự có thể cao hơn khoảng bốn lần. Theo Tổ chức Quyền Dân tộc thiểu số tại Phnom Penh, khoảng 90% người Việt Nam tại Cam Bốt không có một giấy tờ chính thức nào.
Bên cạnh đó, do nhiều người cũng không thể có quốc tịch Việt Nam, vì họ đã sống ở Cam Bốt qua nhiều thế hệ, nên họ thực sự bị mất quốc tịch. Điều này đã gây ra những khó khăn đáng kể khi xin việc làm, đi học, chăm sóc sức khỏe, mua nhà và di chuyển. Theo tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng, nếu là một người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống tại Cam Bốt, mọi thứ sẽ không dễ dàng. Cảm giác tiêu cực đối với người Việt Nam từ lâu đã ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị và dư luận tại Cam Bốt. Ngoài ra, thái độ kỳ thị đối với người Việt còn có liên quan đến một số vụ trục xuất và thanh trừng diễn ra gần đây.
Các thủ tục để người Việt có được giấy tờ tùy thân khá phức tạp và họ còn phải đưa tiền hối lộ. Bà Suyematng Kry, giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền Women Peace Makers hy vọng rằng, các thế hệ tương lai của số ít người Việt tại Cam Bốt sẽ dễ dàng hòa nhập với xã hội hơn.
BTT
https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-gap-kho-khan-khi-sinh-song-tai-cam-bot/
Chính quyền VN bị cho là can thiệp
vào tang lễ HT Thích Quảng Độ
Tang lễ Hòa thượng Thích Quảng Độ, đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vừa diễn ra. Có ý kiến cho rằng, tang lễ này bị chính quyền can thiệp và từ đó, khiến nội bộ GHPGVNTN thêm phân hóa.
Tang lễ được tổ chức đơn giản theo di huấn để lại của hòa thượng. Theo di huấn, Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.
Cũng theo di huấn của Hòa thượng, tro cốt sau khi hỏa thiêu còn lại sẽ rải xuống biển.
Chính quyền có can thiệp?
Đại đức Thích Ngộ Chánh, trú xứ đồi thông Phương Bối (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nói với BBC Việt ngữ hôm 25/2 rằng chính quyền đã can thiệp vào việc tổ chức lễ tang.
Cụ thể là yêu cầu gỡ băng rôn đề “Lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tân viên tịch” treo trước chùa Từ Hiếu (quận 8, Sài Gòn).
Nhưng, theo Đại đức Thích Ngộ Chánh, nhờ sự kiên trì của các thầy thuộc GHPGVNTN, băng rôn vẫn được giữ lại.
Hòa thượng Thích Quảng Độ: ‘Hùng tâm giữa cuộc bể dâu’
‘Thầy Quảng Độ là bậc tu hành bất khuất vì đạo pháp’
Hòa thượng Thích Trí Quang – “người dấn thân cho đạo pháp”
Nhiều ý kiến cho rằng sự kiện hôm 23/2, báo Tuổi trẻ TP HCM cũng phải gấp rút gỡ tin Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch chỉ vài phút sau khi đăng tải là dấu hiệu khác của việc chính quyền can thiệp vào tin về cái chết của ông.
Bản tin mô tả Hòa thượng Thích Quảng Độ là “nhà phiên dịch của nhiều bản kinh, sáng tác, biên soạn nhiều tác phẩm, như Kinh Mục Liên sám pháp, Thoát vòng tục lụy, Truyện cổ Phật giáo, Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Từ điển Phật học Hán Việt…, đặc biệt bộ từ điển đồ sộ Phật Quang Đại từ điển đã được xuất bản chính thức trong nước. Một số tác phẩm Phật học và văn học Phật giáo do biên dịch từ Hán văn và Anh ngữ đã được tái bản gần đây, góp nguồn tham khảo về nghiên cứu cho người học Phật”.
Nhưng sự can thiệp, theo Đại đức Thích Ngộ Chánh không dừng ở đó.
Đại đức Thích Ngộ Chánh cho biết, vào tối 22/2, khi ông còn đang ở Phương Bối thì hay tin Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch, ông tức tốc xuống Sài Gòn ngay trong đêm, đến chùa Từ Hiếu dự tang lễ.
Khi đến đó, ông được thông báo sẽ không lập Ban Tổ chức tang lễ, chỉ tâm tang theo di huấn của Hòa thượng, nhưng không hiểu sao đến khoảng 9-10 giờ sáng, lại đưa ra danh sách Hội đồng Chứng minh và Ban tổ chức tang lễ.
Đại đức Thích Ngộ Chánh nêu quan điểm cá nhân:
“Thành phần Ban tổ chức bao gồm những người không thuộc GHPGVNTN hoặc trước đây từng theo GHPGVNTN nhưng sau này đã ly khai. Ngay lúc đó, một số hòa thượng đã không đồng ý và bỏ về. Sau lễ nhập liệm, Hòa thượng Thích Không Tánh và một số vị khác không tiếp tục tham dự tang lễ; và hôm nay [thời điểm phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, ngày 25/2], quý hòa thượng đó cũng không tham gia”.
Cũng hôm 25/2, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì (Sài Gòn), từng là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện – Xã hội, GHPGVNTN, giải thích việc này với BBC News Tiếng Việt:
“Tôi và các vị trong Tăng đoàn GHPGVNTN cũng xuất phát từ căn bản của GHPGVNTN từ xưa đến giờ. Và chúng tôi tham dự lễ thọ tang và nhập kim quan ngài, để tỏ lòng tôn kính ngài. Tuy nhiên sau đó, tôi thấy giới Phật giáo mà chúng tôi gọi là ‘quốc doanh’ họ đứng ra điều động việc tổ chức và nắm hết tất cả. Họ đưa ra một Hội đồng trưởng lão Chứng minh, Ban tổ chức tang lễ mà trong đó, họ khôn khéo xen kẽ cả người của bên nhà nước và của GHPGVNTN. Bởi vậy, họ cũng ghi tên chúng tôi trong Ban tổ chức tang lễ cho có danh nghĩa, nhưng thực sự là họ điều động hết chứ chúng tôi cũng không có thẩm quyền gì.”
“Tôi và một số thầy trong tăng đoàn thấy buồn trước tình hình như vậy và cũng do sức khoẻ của một số quý thầy nữa, nên sau lễ thọ tang và lễ nhập kim quan, chúng tôi không tham dự lễ di quan ngài”, Hòa thượng Thích Không Tánh cho hay.
Hoà thượng Thích Không Tánh cho rằng, trong văn thơ gửi đi về danh sách, những người lập danh sách đã tự ý đưa vào và chỉ xin lỗi viện lẽ rằng do xa xôi, hoàn cảnh gấp gáp nên không liên lạc được, mong quý ngài hoan hỷ, chấp thuận đứng tên trong danh sách.
Bình luận về tương lai của GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Không Tánh nhận định:”Trong tương lai, nhà nước có thể cho GHPGVNTN ‘sống lại’ và đưa nhiều thành phần vào. Mục tiêu của họ là để nói với thế giới rằng, chúng tôi không đàn áp GHPGVNTN, và giáo hội này đã hoạt động độc lập, thoải mái rồi. Cũng như việc họ để lễ tang này diễn ra nhưng có điều là người của phật giáo ‘quốc doanh’ tràn ngập trong đó”.
Còn Đại đức Thích Ngộ Chánh thì dự đoán rằng, sau tang lễ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, “sẽ có sự phân hóa rất lớn trong nội bộ GHPGVNTN”.
BBC News Tiếng Việt không có điều kiện để kiểm chứng những điều Đại đức Thích Ngộ Chánh và Hòa thượng Thích Không Tánh nêu ra.
Trước đó, khi nói về tương lai của GHPGVNTN trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 24/2, Hòa thượng Thích Thái Hòa, trụ trì chùa Phước Duyên, tại TP Huế, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp GHPGVNTN, nhận định:
“Trên nguyên tắc pháp lý thì GHPGVNTN vẫn còn, bởi vì giáo hội không đặt sự tồn tại của mình trong nguyên lý cá biệt mà đặt sự tồn tại của mình trong lòng dân tộc và nhân loại.”
“Cho nên, dân tộc Việt Nam còn thì giáo hội còn, nhân loại còn thì giáo hội còn, nhưng còn như thế nào là tùy thuộc vào tài năng lãnh đạo của từng vị trong từng giai đoạn’.
Sẽ tiếp nối tinh thần Hiến chương GHPGVNTN
Về tương lai của GHPGVNTN và về việc vì sao một số vị trong GHPGVNTN từng tách ra thành Tăng đoàn GHPGVNTN, hòa thượng Thích Không Tánh, người hiện đang là Phó viện trưởng điều hành kiêm Tổng vụ trưởng Từ thiện – Xã hội của Tăng đoàn GHPGVNTN, nhận xét:
“Tất cả những sự chia rẽ trong nội bộ các tổ chức tôn giáo [độc lâp với chính quyền] đều có bàn tay của nhà nước, dẫu rất khôn khéo và người bên ngoài khó thấy được. Họ khiến người ta tưởng do tự nội bộ GHPGVNTN phân hóa, nhưng thực sự vấn đề là [chính quyền] họ lái một số cá nhân để khuynh loát giáo hội, làm cho giáo hội chia rẽ, sự thật là không thoát khỏi bàn tay của nhà cầm quyền.
“Riêng với Tăng đoàn GHPGVNTN, giai đoạn cuối đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ do già yếu, bị ngoại nhân khuynh loát, nên chúng tôi đã quyết định tự tách ra để giữ được tính chất truyền thống của Hiến chương và đường lối của GHPGVNTN và dấn thân để đấu tranh cho vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và bảo tồn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.”
“Trong tương lai, có thể họ [nhà nước] sẽ lập nên GHPGVNTN và dùng những vị mà trước đây, từng ủng hộ và đi theo GHPGVNTN nhưng bây giờ đã bị khuynh loát rồi, nhưng đó sẽ là một GHPGVNTN không phải theo tinh thần của các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ mà thực chất chỉ là một giáo hội ‘quốc doanh’ thứ hai mà thôi. Giáo hội này sẽ không đề cập đến vấn đề chính trị, chủ quyền đất nước hay nhân quyền, dân chủ; tức là đánh mất đi ‘linh hồn’ của GHPGVNTN, mà chủ yếu là để chứng minh với thế gới là Việt Nam có tự do tôn giáo, dân chủ.
Tăng đoàn GHPGVNTN sẽ quyết tâm giữ vững lập trường, hiến chương của GHPGVNTN”.
Tang lễ đơn sơ
GHPGVNTN, một giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, đã tổ chức tang lễ cho Hòa thượng Thích Quảng Độ tại chùa Từ Hiếu.
Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch vào tối 22/2, và lễ hỏa táng đã diễn ra vào sáng 25/2.
Hòa thượng Thích Quảng Độ qua đời
HT Thích Quảng Độ được giải quốc tế
Hòa thượng Thích Quảng Độ ‘đáo nhiệm’
Trong một sự kiện liên quan, dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal hôm 25/2 gửi thông cáo báo chí chia sẻ sự đau buồn với sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ và nhấn mạnh: “Đây là một mất mát to lớn đối với người dân Việt Nam và đối với tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới, tin tưởng vào các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo”.
Thông cáo báo chí ca ngợi tinh thần của Hòa thượng Thích Quảng Độ:
“Mặc dù phải đối diện với áp bức gần như liên tục, ngài đã không bao giờ bị lung lay trong những nỗ lực của ngài, luôn luôn là tiếng nói mạnh mẽ và là biểu tượng cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink cũng gửi lời chia buồn chân thành về việc Hoà thượng Thích Quảng Độ qua đời và nhấn mạnh rằng:
“Hoà thượng Thích Quảng Độ là người ủng hộ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, và ông luôn tận tâm theo đuổi công lý bằng các hình thức phi bạo lực. Những nỗ lực hoà bình này đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng quốc tế và ông đã nhiều lần được đề cử giải Nobel Hoà bình”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51624534
Hạn, mặn 2020 ở miền Tây, ruộng đồng chết khô
Người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn, mặn năm 2020 cho biết, hạn mặn năm nay khốc liệt chưa từng thấy, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng. Lúa vụ Đông Xuân nơi nào gieo mạ sớm cũng chỉ thu hoạch được 20%. Nếu tình trạng này kéo dài, lúa và hoa màu, cây ăn trái cũng sẽ chết hết, chưa kể hàng trăm ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước ngọt.
Phóng sự sau đây chúng tôi ghi nhận tình hình hạn, mặn tại các địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trong những ngày cuối tháng 2.
Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre: Lúa hư gốc
Một người dân tên B tại Bến Tre cho biết đợt hạn hán, mặn xâm nhập năm nay nặng hơn năm 2016. Ông B tiếp lời:
“Năm 2016 coi vậy chứ còn vớt vát được”.
Cũng theo người dân Bến Tre cho biết, độ mặn trên kênh Rạch Bự đo sáng 23/2 là 2.4, còn trên kênh nhỏ hơn là 1, 85. Nghĩa là so với đỉnh hạn mặn lịch sử xảy ra vào năm 2016 thì năm nay có thể vượt hơn.
Bến Tre, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do hạn mặn năm nay khi theo thống kê của UBND tỉnh, xâm nhập mặn mùa khô 2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 3 ngàn hecta diện tích lúa 3 vụ. Ngoài ra hơn 20 ngàn hecta cây ăn trái cũng bị chết khô, không thu hoạch được gì.
Tính đến giữa tháng 2/2020, độ mặn 2,50/00 đã xâm nhập đến các xã Vĩnh Bình, Phú Phụng của Huyện Chợ Lách, nghĩa là gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre đã bị nước mặn bủa vây. Cường độ mặn theo nhận xét của Trung tâm khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết thì năm nay cao hơn năm 2016 và độ xâm nhập cũng sâu hơn.
Thực tế chúng tôi ghi nhận được tại Bến Tre đúng như những thống kê của tỉnh khi người dân cho biết, đợt hạn năm 2016 có chỗ còn gieo mạ được, có chỗ không. Nhưng hạn mặn năm 2020 này là không có nơi nào gieo mạ được, người dân “chịu thua” với hạn hán và xâm nhập mặn.
Bà Chín, người nông dân tại vùng này nói với chúng tôi:
“Hai ngàn mười sáu lúc đó người ta còn xạ được, năm nay không có xạ được. Chết hết trơn. Có người xạ chết, có người bỏ đất trống luôn.
Ông Tuấn, chỉ mẫu đất ruộng thuê của mình đang chết khô dần, ông rầu rĩ nói:
Có một mẫu à, mà năm nay bỏ hết, không làm được gì hết. Mướn ruộng này kia là mình chịu hết, bỏ trống hết.
Rồi ông than thở tiếp: “Làm lúa nhờ được vụ Đông-Xuân thôi mà năm nay mất trắng hết. Năm rồi thu hoạch một công được năm trăm ký, mà năm nay hổng có ký nào.
Theo ông Thanh, người dân Ba Tri thì hạn mặn năm nay đến sớm hơn mọi năm, đến nổi lúa chưa kịp trổ thì đã bị hạn mặn xâm thực. Ông kể chi tiết:
Năm 2016 hết tháng Giêng là nó có nước mặn, còn năm nay tháng 11 là nó đã mặn trước rồi. Năm 2016 nước mặn là Tết người ta xạ là lúa sắp trổ rồi là người ta đã đóng cống lại được không có cho nước lên, cây lúa nó trổ cũng có được một mớ ăn. Còn năm nay nó mặn từ hồi lúa mình xạ cho tới bây giờ.
Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang: Sầu Riêng khô lá
Ở xã Phú quý, huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang là vùng chuyên canh về cây sầu riêng. Đợt mặn năm nay ập đến nhanh và sớm khiến người dân trở tay không kịp. Theo thống kê của huyện, khoảng 80% số cây trong vùng đang trồng đều bị cháy lá vì thiếu nước ngọt.
Một nơi khác cũng thuộc tỉnh Tiền Giang là huyện Gò Công Tây, người nông dân ở đây chủ yếu canh tác lúa. Khi chúng tôi tìm đến cũng là lúc một người nông dân vừa bơm cử nước ngọt cuối cùng cho ruộng. Ông giượng cười cho chúng tôi biết:
Nếu nước không về kịp thì 7 công mất trắng rồi. Vì bây giờ lúa mới trổ mà. Cử nước này bơm là cử nước cuối rồi đó. Còn nước thì cứu được.
Theo quan sát của chúng tôi, gần đám ruộng của ông, còn có một đám ruộng khá đang vô hạt, lúa đang nặng đầu nhưng theo như người dân ở đây cho biết thì đang lúc lúa ngậm đòng, gặp hạn mặn nên bộ rễ bị hư hết. Nếu nước ngọt không còn để bơm vô ruộng, người nông dân ở huyện Gò Công Tây chỉ còn biết nhìn cây lúa đang chết dần:
Không có nước thì hột lúa nó cũng không vô gạo. Nó không có no được hột gạo. Đã vậy, bộ rễ nó hư rồi cũng đâu nuôi được cây lúa, ông Bê ở Gò Công Tây làu bàu cho biết.
Nói xong, ông dắt chúng tôi ra thăm ruộng của mình và nhổ từng bụi lúa bị đen gốc để dẫn chứng cho lời nói của mình. Theo như kinh nghiệm làm nông của ông thì bộ rễ bị hư hại như vậy thì không còn hy vọng để cứu vụ lúa Đông Xuân.
Sau đó ông đưa chúng tôi ra con kênh mà trước đây là nơi cung cấp nước chính cho các ruộng lúa xung quanh. Con kênh cũng cạn khô, trơ đáy.
Rồi ông nói:
Hàng năm nước ở đây cũng còn lên mét hai, mét rưỡi…còn giờ như vậy thì lấy cái gì đâu mà tưới.
Người dân sống ra sao?
Hình ảnh những vũng nước đọng sót lại giữa con kênh nứt nẻ, như hy vọng còn sót lại của người dân các vùng mà chúng tôi đi qua, không khỏi ám ảnh chúng tôi suốt hành trình ghi nhận tình hình hạn, mặn 2020 tại ĐBSCL.
Có thể nói, những thiệt hại tính đến thời điểm này không thể thống kê hết được và người nông dân miền Tây cũng đã kiệt sức để nổ lực cứu lấy mùa màng của mình.
Tiếp xúc với hầu hết người dân tại các tỉnh ĐBSCL mà chúng tôi có dịp đến, họ đều có cùng tâm sự đời sống sẽ cơ cực hơn trong thời gian tới vì mất mùa, chưa kể thiếu nước sinh hoạt cũng là vấn nạn mà họ sẽ phải đối diện nếu tháng 3 tình trạng này chưa được cải thiện.
Một người dân tên T ở Cai Lậy tâm sự:
Làm lúa như vầy một năm làm được có 2 vụ. Mà một vụ như vậy được có 400 ký, nhờ vụ Đông xuân này được 500 ký. Mà 400 ký giờ cũng đâu được nhiêu tiền đâu. Con cái giờ một đống con ba bốn đứa tiền đâu mà sống.
Mất mùa, nhiều người nông dân đành chuyển sang làm phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho con đi học mỗi ngày. Thậm chí, nhiều người buồn bả vì thất nghiệp và nợ nần, đành thả trôi số phận trong men rượu.
Tỉnh Tiền Giang như nông dân chủ yếu sống nhờ cây lúa, còn ở Bến Tre, ngoài ruộng đồng, kinh tế chủ lực ở đây còn có cây dừa. Nhưng ngập mặn không chưa loại cây nào, nước mặn ngấm vào đất, đến dừa cũng bị giảm sản lượng đáng kể. Một hộ dân trồng dừa ở Ba Tri cho biết:
Dừa chịu nước mặn lâu dài nó cũng teo cổ, chứ đâu có trái, nước mặn mà. Nó teo cổ mất cái giá cũng phải 4 tháng. […] Bây giờ nó teo cổ nè, rồi bắt đầu chờ trời mưa xuống là nước ngọt lại mình rải phân nó ăn thì ăn, 4-5 tháng mới có dừa xiêm nữa. Nó lâu vậy đó.
Nước mặn xâm nhập, ngay cả cá cũng không sống sót nổi nếu tình trạng kéo dài.
Ông L. thêm vào câu chuyện: chẳng hạn như cá chim, cá điêu hồng, chép… là chết sạch.
Ngoài dừa, người trồng sầu riêng cũng khốn đốn. Họ cho biết cây chết, thiệt hại rất kinh khủng. Một vườn sầu riêng khoảng 50 cây, có nguy cơ chết vì thiếu nước ngọt trong khoảng một tháng tới. Ông Ba, hộ trồng sầu riêng cho biết:
Mỗi cây này tính ra 5-7 triệu chứ không ít. Cây này chăm sóc tới cuối năm là 1 triệu 2, 1 triệu 3 mỗi cây. Còn vô nước mặn này có thể hơn luôn. Có thể chết cây không chăm sóc lại được.
Chật vật, lo lắng và cầu mong mưa trong tháng 3 để cứu ruộng lúa, cây trồng đang là nổi lo của hàng chục ngàn hộ nông dân ở các tỉnh miền Tây khi hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây. Giải pháp nào giúp người dân vượt qua hạn, mặn lịch sử này? Mời quý vị xem tiếp trong bài phóng sự kỳ 2: “Cầu mưa giải…hạn”
Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia
kém văn minh trên mạng
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 24 tháng 2 năm 2020 loan tin, kết quả nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft cho biết, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia kém văn minh nhất trên mạng Internet. Thứ tự của 5 quốc gia này là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và thứ 5 là Việt Nam. Còn các quốc gia văn minh hàng đầu trên Internet là Vương quốc Anh, Hòa Lan, Đức, Malaysia và Mỹ.
Theo Microsoft, các lĩnh vực mà người Việt hành xử kém văn minh là quan hệ tình cảm chiếm 48%, giới tính chiếm 48%, ngoại hình là 35%, chủng tộc là 23% và quan điểm chính trị là 23%. Và cách hành xử kém văn minh được thể hiện qua ngôn từ thô tục, dữ dằn để kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, gây tổn hại uy tín.
Trước thông tin này, dư luận mạng xã hội Việt Nam cho rằng, lực lượng “đóng góp” nhiều nhất cho top 5 cư xử kém văn minh chính là lực lượng dư luận viên, AK47 của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đây là lực lượng được nhà cầm quyền trả lương chỉ để chửi bới, mạ lị những người đấu tranh trong và ngoài nước bằng những lời lẽ thô tục nhất của hệ giá trị cộng sản.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-nam-nam-trong-top-5-quoc-gia-kem-van-minh-tren-mang/
COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh
lo vỡ trận khi dịch bệnh bùng phát
Hôm 25-2-2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nêu ra thực trạng về dịch COVID-19 nếu bùng phát mạnh ở thành phố có 9 triệu dân tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của thành phố.
Theo ông Phong, hiện thành phố có 900 giường bệnh để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV. Với 322 phường xã trên địa bàn, giả định mỗi nơi 3 người nhiễm bệnh thì đã có khoảng 1.000 người phải cách ly điều trị.
“Con số này thật sự quá tải đối với thành phố. Chưa kể mỗi ca lây nhiễm cần khoảng 20 ngày điều trị, mỗi ngày cần 12 bác sĩ và điều dưỡng cho một người bệnh.
Vậy với 1.000 ca bệnh thì không tìm đâu ra 12.000 bác sĩ, y tá để điều trị. Đây là giới hạn đỏ, vượt qua là vỡ trận ngay“, mạng báo VnExpress dẫn lời ông Phong cho hay.
Ông Phong cũng cho biết chính quyền TPHCM chưa đưa ra quyết định khi nào học sinh sẽ đi học trở lại.
Dịch bệnh COVID – 19 tính đến ngày 26/2 đã khiến hơn 81.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới với số ca tử vong là hơn 2.700 người, phần đông là từ Trung Quốc.
Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran trong những ngày qua cũng đã ghi nhận thêm các ca nhiễm bệnh và tử vong mới. Đặc biệt Hàn Quốc đã xác nhận hơn 1.200 ca và 12 người tử vong.
Việt Nam cho đến lúc này vẫn chỉ ghi nhận 16 ca nhiễm bệnh.
Sáng 26-2, bệnh nhân có tên N.V.V. ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được xuất viện.
Đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng tại Việt Nam theo thông báo của Bộ Y tế cho đến thời điểm này.
Virus corona: Hai người Việt trở về
từ tâm dịch Daegu kể chuyện bị cách ly
Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Hành khách trên chuyến bay từ Daegue về sân bay Đà Nẵng đều được cách ly ở Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ sau đó. Hai trong số những người này chia sẻ với tác giả câu chuyện bên trong khu cách ly này.
Chuyến bay VJ 871 từ Daegue (Hàn Quốc) ngày 24/02 với 80 hành khách đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào khoảng 11 giờ trưa. Sau đó, những hành khách này được cách ly tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ và các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng.
Lê Bá Tú sang Hàn Quốc vừa du học vừa làm việc được hơn 1 năm tại trường Daegu Technical University. Anh về Việt Nam ăn Tết và quay trở lại Daegu vào ngày 18/02. Thành phố Daegu khi ấy trở thành tâm dịch với số ca nhiễm virus corona tăng đột biến: 115 ca trong số 161 ca nhiễm mới được đánh giá liên quan tới nhà thờ ở Daegu.
Trước tình hình đó, trường học anh Lê Bá Tú lùi lịch khai giảng đến ngày 16/03, anh quyết định về lại Việt Nam.
“Khi qua lại Deague ngày 18/02, mình bị cách ly ở phòng riêng ký túc xá ở trường. Đường xá ở Daegu khu mình sống trước lúc về khá vắng, mọi người đều hạn chế ra đường. Một vài quán ăn và chợ đóng cửa. Siêu thị và chợ có người xếp hàng mua đồ ăn trữ nhưng không đáng kể. Hàng hoá vẫn nhiều và giá vẫn như cũ không tăng. Chỉ có khẩu trang kháng khuẩn hiếm hàng hơi khó mua”. Lê Bá Tú kể lại với BBC News Tiếng Việt.
“Lúc bay về mình và mọi người cũng chỉ nghĩ bên cảng hàng không sẽ chỉ kiểm tra thân nhiệt Nếu ai sốt mới bị cách ly, không sốt thì được về nhà. Nhưng lúc máy bay hạ cánh tại Đà Nẵng thì mới nhận thông báo là toàn bộ cả nhân viên chuyến bay và hành khách đều phải cách ly 14 ngày ở Đà Nẵng thùy theo nơi chỉ định” – anh cho biết.
Trên chuyến bay, hành khách phải điền vào tờ khai y tế với nội dung bao gồm thông tin các nhân, điểm khởi hành, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đi qua cùng những biểu hiện về sức khỏe.
“Lúc đầu mọi người cũng hơi hoang mang, nhất là mấy hành khách nước ngoài đến Đà Nẵng để du lịch vài ngày. Nhưng sau khi được giải thích thì mọi người đã hợp tác. Bên y tế vào trực tiếp máy bay phát bộ đồ bảo hộ phòng dịch, cho mọi người mặc và đo thân nhiệt. Về thủ tục nhập cảnh, mọi người giao hộ chiếu, visa lại cho người bên sân bay, tại máy bay luôn. Mình không phải làm thủ tục như bình thường ở khu nhập cảnh.”
Anh Tú cho biết người Việt Nam không có dấu hiệu sốt sẽ được xuống máy bay để xịt khử trùng và lên xe buýt chở về nơi cách ly được chỉ định. Người nào sốt sẽ được đưa đến bệnh viện để kiểm tra cách ly.
“Mình được chở về khu cách ly ở Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Hành lý ký gửi được khử trùng và giao tới sau. Xe chở người tới khu cách ly có cả xe cảnh sát giao thông dẫn đường.”
Nguyễn Khương Duy, du học sinh tại Daegue thì quyết định đặt vé về Việt Nam khi người nhiễm bệnh lên tới 500 người tại Hàn Quốc và cùng trở về trên chuyến bay VJ 871 bị cách ly,
Nguyễn Khương Duy kể kinh nghiệm bị cách ly với BBC News Tiếng Việt:
“Khi xuống máy bay, các nhân viên y tế xịt thuốc khắp người. Vào khu cách ly, mọi người được cán bộ tại đây đón tiếp, hướng dẫn các bước như cởi bộ bảo hộ, lau rửa tay bằng dung dịch và khẩu trang mới. Sau đó, mọi người được đưa vào hội trường để nghe phổ biến về nôi quy sinh hoạt nơi cách ly”.
Virus corona: Cha mẹ VN băn khoăn việc con nghỉ học hay đến trường
WHO: ‘Thế giới phải chuẩn bị cho đại dịch’
Người Việt ở Daegu: “Tôi lo đến run cả người”
Đánh giá là tình hình cách ly ”khá ổn”, Lê Bá Tú nói:
“Chúng tôi viết thông tin cá nhân như: họ tên, quê quán, nghề nghiệp nơi ở Hàn Quốc trước khi về Việt Nam và thông tin liên lạc gia đình. Xong được đo lại thân nhiệt rồi về khu phong cách ly. Nói chung tình hình sinh hoạt ở đây khá ổn. Cán bộ khá chu đáo và nhiệt tình”.
Đươc hỏi về điều kiện chỗ ở, anh Tú cho biết Bộ quốc phòng hỗ trợ tiền ăn là 57.000đ/người/ngày. Ngoài tiền ăn còn có nhu yếu phẩm khác như bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, nước uống.
“Ở rất thoải mái, các cán bộ chỉ yêu cầu giữ vệ sinh, không ồn và luôn đeo khẩu trang. Tất cả ăn uống hiện tại đều được hỗ trợ miễn phí. Cơm được mua sẵn, có cả người đến hỗ trợ làm sim đăng ký mạng. Muốn mua thêm gì thì nhờ mấy anh cán bộ ra ngoài mua hộ”. – anh Tú giải thích thêm.
Về chỗ ở, Khương Duy chia sẻ thêm:
“Chỗ ở thì mỗi người ở một giường. Nếu 3 giường sát nhau thì phải cách nhau 1 giường, không được nằm kế nhau. Phòng mình có khoảng 7 người”.
Về đời sống trong khu cách ly này, anh Tú cho biết:
“Hiện chương trình thể dục thể thao tại đây chưa có nhưng mỗi ngày sẽ được bên y tế kiểm thân nhiệt tra 2 lần và phát khẩu trang và nước rửa tay. Còn ở phòng, mọi người tự pha dung dịch sát khuẩn chia nhau sử dụng. Mọi người đừng hoang mang quá. Nếu từ Hàn Quốc về thì tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Mọi người nghe cách ly hay sợ nhưng thực tế nó giúp mình an tâm hơn vì được hỗ trợ y tế sát sao”.
“Mọi người bên ngoài nhìn vào thấy bọn mình vừa hạ cánh xuống Đà Nẵng đã có nhân viên y tế đến kiểm tra khám và phát áo bảo hộ trực tiếp trên máy bay, rồi phun thuốc sát khuẩn sẽ hoang mang, lo lắng. Nhưng bản thân mình và mọi người trong cuộc thấy cũng ổn, không quá lo còn cảm ơn nhà nước đã quan tâm” – anh chia sẻ.
Về dự tính có quay lại Hàn Quốc hay không, anh Bá Tú tâm sư:
“Mình tính tháng đầu tháng 4 sẽ sang lại để tiếp tục việc học. Tình hình dịch hiện tại thì lịch có thể lại bị thay đổi nên còn tùy, nếu mọi việc khả quan mình sẽ quay trở lại Hàn Quốc sớm hơn”.
Dù được chăm sóc tốt trong khu cách ly, anh Bá Tú vẫn canh cánh mối bận tâm: “Nỗi lo lắng nhất hiện giờ của mình là tại khu cách ly nếu có người dương tính với virus corona thì không biết sẽ như thế nào”.
Khương Duy thì cho rằng cách ly là biện pháp cần thiết nhưng anh lo ngại việc ở chung với nhiều người sẽ khiến việc cách ly không đạt hiệu quả thực sự:
“Nếu được thì mình muốn được cách ly trong bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà để hạn chế việc tiếp xúc với nhiều người. Mình thường đem phần ăn vào giường để ăn, không ngồi chung với những người khác và đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để tự bảo vệ bản thân”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51625003
Du lịch Việt Nam kiến nghị không đón khách
từ các quốc gia đang có dịch COVID-19
Hiệp hội Du lịch Việt Nam vào ngày 25/2 đề nghị các doanh nghiệp không đón khách từ các quốc gia đang có dịch COVID – 19 đồng thời hạn chế đưa khách du lịch Việt Nam đến các quốc gia này, theo truyền thông trong nước.
Hiện tại, những quốc gia đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp với số ca nhiễm bệnh tử vong tăng nhanh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị hiệp hội tại các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương và phải nghiêm túc thực hiện mọi quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, hiệp hội du lịch còn yêu cầu các đơn vị, địa phương hạn chế đưa khách Việt Nam đi du lịch tới các quốc gia đang có dịch, còn đối với những đoàn khách du lịch đã nhập cảnh vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran thì các công ty du lịch phải thay đổi lịch trình và không đưa khách đến những thành phố có dịch, nơi đông người, thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch và rút ngắn lại thời gian du lịch, khi đoàn du lịch trở về Việt Nam cần thực hiện việc cách ly nếu có yêu cầu.
Đồng thời, hiệp hội còn đề nghị các doanh nghiệp dừng lại việc tổ chức các đoàn đi du lịch tới các nước như vừa nêu cho đến khi có thông báo các nước đã an toàn.
Hiệp hội du lịch còn đề nghị các doanh nghiệp không đón khách từ các quốc gia đang có dịch, trong trường hợp bắt buộc cần tổ chức các doanh nghiệp phải yêu cầu bên đối tác cung cấp thông tin đầy đủ, khai báo rõ ràng hoạt động của hành khách trong 21 ngày trước khi khởi hành đến Việt Nam.
Hàn Quốc và Trung Quốc là những thị trường cung cấp khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2019, trong tổng số 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung Quốc là trên 5,8 triệu người, xếp thứ nhất; khách Hàn Quốc 4,3 triệu, xếp thứ nhì. Tổng cộng, riêng hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm tới 60% khách quốc tế đến Việt Nam trong năm ngoái.
Dịch COVID-19:
Bộ Y tế minh bạch thông tin đến mức nào?
Đại diện Bộ Y tế Việt Nam, ông Vũ Mạnh Cường hôm 25/2 được truyền thông trong nước trích lời nói rằng “nguyên tắc đầu tiên trong công cuộc phòng, chống dịch là công khai, minh bạch”. Ông nói thêm, “bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức y tế quốc tế về chuyên môn và tình hình dịch Covid-19 và ‘tự tin nói không giấu dịch’. Dư luận ở Việt Nam hiện vẫn có chia rẽ về nhận định chính phủ có giấu các con số về dịch bệnh thực sự hay không.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 25/2, Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn khẳng định:
“Về cá nhân tôi thấy Bộ Y tế không có lý do gì để giấu thông tin về cái này. Tôi cho là họ cũng không dám giấu nữa vì vấn đề Trung Quốc rất nghiêm trọng và sau đợt dịch này có thể có truy cứu trách nhiệm nên các cán bộ y tế Việt Nam chắc không ai dám làm việc đó. Thứ hai là không có cơ sở gì để nghi ngờ cái con số Bộ Y tế đưa ra theo hướng giấu thông tin nhưng vấn đề những con số đó có chính xác hay không do liên quan đến chuyên môn chứ không phải do họ giấu kết quả.”
Bộ Y tế không có lý do gì để giấu thông tin về cái này. Tôi cho là họ cũng không dám giấu nữa vì vấn đề Trung Quốc rất nghiêm trọng và sau đợt dịch này có thể có truy cứu trách nhiệm nên các cán bộ y tế Việt Nam chắc không ai dám làm việc đó. – BS. Võ Xuân Sơn
Hôm 31/1/2020, Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders) đã công bố một báo cáo chỉ ra rằng, việc đối phó với virus Corona của chính phủ Trung Quốc đã không đi kèm với việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, cũng như việc thiếu minh bạch của chính phủ đã dẫn đến sự thất bại trong việc ứng phó khẩn cấp đối với sự bùng phát của dịch bệnh này, có thể góp phần vào sự lây lan nhanh chóng của virus Corona trước khi Tập Cận Bình tuyên bố công khai về mối đe dọa của dịch bệnh vào ngày 20/1.
Trong ngày 25/2, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toàn quốc về phòng chống dịch bệnh COVID – 19, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp COVID – 19 đã được chữa khỏi và Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện không rõ ca thứ 16 được xuất viện khi nào.
Hàn Quốc, thị trường du lịch lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, với số du khách Hàn đến Việt Nam tăng trưởng đều đặn khoảng 20% mỗi năm, hiện đang được coi là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai sau Trung Quốc đại lục.
Người dân không tin
Việt Nam là nước có đường biên giới dài với Trung Quốc, có lượng du khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc qua Việt Nam đông, cộng với số người Việt sinh sống tại hai quốc gia này lên đến hơn hàng trăm ngàn người. Một số người trên mạng xã hội tỏ ra nghi ngờ con số người nhiễm bệnh mà chính phủ cung cấp cho đến giờ là 16 ca dương tính với virus COVID – 19.
Trước khẳng định Việt Nam không che giấu thông tin dịch bệnh của người đại diện Bộ Y tế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu phóng viên tạp chí Cộng sản cho biết ông hoàn toàn không tin tưởng việc này. Ông lý giải:
“Vì việc dịch này làm cho người dân hoảng sợ nên nhà cầm quyền không muốn người dân hoảng sợ, dẫn đến ứng xử hỗn loạn xã hội nên nhà cầm quyền hạn chế thông tin và đưa thông tin theo định hướng. Như chúng ta biết người nhiễm và chữa khỏi chỉ có 16 người, riêng trong chuyện đó đã không thống nhất. Rồi chính xác ở Việt Nam bây giờ có bao nhiêu người nhiễm, bao nhiêu người bị cách ly, các tỉnh thành thế nào thì không ai nói được. Đó là sự phong tỏa và không cho bên ngoài, không cho nhân dân biết thông tin.
Thứ hai là Việt Nam không đóng cửa biên giới với Trung Quốc, người từ Vũ Hán và từ Trung Quốc sang rất nhiều trong 2 tháng qua. Có thể nói thông tin kể cả không bưng bít nhưng Việt Nam chưa bùng phát dịch cũng lạ, số người nhiễm bệnh bùng phát không có mấy như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật.”
Xác nhận thực tế như nhà báo tự do Nguyễn Vũ Bình vừa nêu, một nhân viên trong ngành y tế làm tại khoa dịch tễ tại Sài Gòn không muốn nêu tên cho biết tình hình tại bệnh viện người này đang công tác hiện nay qua Facebook Messenger như sau:
“Tại các bệnh viện hiện nay, Cục dịch tễ là nơi quyết định người nào có khả năng nhiễm bệnh hay không. Bệnh viện thực hiện theo phương pháp khám loại trừ: những người có dấu hiệu sốt, ho, nhưng không có yếu tố dịch tễ, không có tiếp xúc với người đi từ Trung Quốc về sẽ không được xét nghiệm. Chỉ những ca hiển thị dấu hiệu quá rõ ràng mới được xét nghiệm. Đến lúc bệnh viện đồng ý xét nghiệm
thì không thể kiểm soát được mức độ lây lan do người đó đã tiếp xúc với nhiều người. Có thể nói tin tức về dịch bệnh đang bị kiểm soát.”
Vào hôm 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật liên quan virus corona tại Việt Nam.
Tại buổi họp báo hôm 5/2, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết công an đã triệu tập hơn 170 người, xử lý, yêu cầu cam kết, yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai sự thật về bệnh dịch COVID-19 trên mạng theo Nghị định 174 của Chính phủ. Ngoài ra, công an cũng đang theo dõi hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử phạt này để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện.
Có hay không lỗ hổng trong kiểm soát dịch bệnh
Dưới góc nhìn chuyên môn, Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng con số 16 người mà Việt Nam thông báo có thể khá lạ khi so sánh với những con số người nhiễm bệnh COVID-19 của các nước khác, nhưng theo ông, vấn đề không nằm ở việc giấu thông tin mà nằm ở việc khảo sát. Ông giảng giải:
“Một số người muốn đi xét nghiệm thì không được xét nghiệm vì lúc đó mới biết tiêu chuẩn để được xét nghiệm phải có đồng thời hai thứ: vừa có triệu chứng sốt vừa có liên quan đến ổ dịch. Có khả năng vì những tiêu chuẩn đó nên có những trường hợp bị bỏ sót. Nhưng theo tôi trường hợp bị bỏ sót cũng không nhiều lắm vì nếu nó nhiều thì đã bùng phát dịch ở Việt Nam rồi.”
Với kinh nghiệm lâu năm từng làm Bộ Y tế về vệ sinh dịch tễ và vaccine, Bác sĩ – Tiến sĩ Trần Tuấn nhận định:
Vì việc dịch này làm cho người dân hoảng sợ nên nhà cầm quyền không muốn người dân hoảng sợ, dẫn đến ứng xử hỗn loạn xã hội nên nhà cầm quyền hạn chế thông tin và đưa thông tin theo định hướng. – Nguyễn Vũ Bình
“Tôi cho rằng hệ thống hiện tại của Việt Nam không thể sàng lọc để có thể nhận định đúng số người nhiễm virus cũng như số người nhiễm virus không có triệu chứng, ngay cả những người có triệu chứng lâm sàng cũng không thể nắm hết được.
Thông tin trong thời gian vừa qua của hệ thống đảm bảo tính minh bạch, tức những trường hợp nào trong khả năng, giới hạn của hệ thống tiếp cận được thì họ thống báo một cách rộng rãi, cập nhật. Ta cần hiểu tính minh bạch ở đây là trong điều kiện, khả năng có thể của hệ thống mà thôi. Nếu hiểu minh bạch theo kiểu mọi thông tin liên quan đến phòng chống dịch bệnh, khả năng kiểm soát dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh xảy ra đến đâu thì toàn bộ thông tin cho người dân cũng như cho chính quyền nắm được thực trạng vấn đề thì tôi cho rằng chưa đạt được mức độ ấy.”
Vụ phó Vụ Truyền thông của Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường nhận định báo chí đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong đợt truyền tải thông tin nguy cơ dịch bệnh lần này. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tăng cường truyền đạt diễn biến dịch bệnh để người dân nắm rõ, hiểu rõ và không hoang mang.
Việt Nam hiện đang áp dụng một số các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bao gồm cách ly những người về từ vùng dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc, ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 25/2 cũng có chỉ thị tạm dừng nhập cảnh đối với các khách đến từ các vùng dịch COVID – 19.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo cho phía Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch COVID – 19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam áp dụng trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
COVID-19: Bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
khi phụ thuộc vào Trung Quốc
Ngọc Minh, RFA
Khi dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc bắt đầu lan ra toàn cầu, chính phủ Trung Quốc buộc phải phong tỏa nhiều thành phố, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của nước này. Cũng như dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng kinh tế trong Trung Quốc cũng đã dấn sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc bị dịch COVID-19 thì giao thương với Trung Quốc bị hạn chế. Vì thế nguyên liệu đầu vào không có khả năng cung cấp đầy đủ, nên nếu cứ tiến triển vậy trong thời gian tới thì các doanh nghiệp phải tạm đình chỉ sản xuất.-PGS.TS Ngô Trí Long
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) hôm 25/2 cho RFA biết khoảng 60-70% nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài cho ngành này là từ Trung Quốc.
“Rõ ràng dịch bệnh từ Trung Quốc vừa rồi đình đốn sản xuất của họ và ảnh hưởng tới nguồn cung ngành sản xuất da giày Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. Qua tháng 3, nếu tình hình không cải thiện, thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải đóng cửa từng phần.”
Theo bài được đăng vào ngày 4-2 trên báo Vinanet của Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại – Bộ Công Thương Việt Nam, số liệu năm 2019 từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy gần 30% hàng nhập khẩu vào Việt Nam đến từ Trung Quốc.
Từ thông tin của báo Bloomberg ngày 24-2, tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện đang ở mức 5.96%; nếu so sánh với số liệu GDP từ World Bank, thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất nhất trong 6 năm trở lại đây, khi vào năm 2014 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5.98%.
Trong cuộc phỏng vấn với RFA ngày 24-2, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt nam đã giảm sút so với năm 2018 và 2019.
“Tăng trưởng Kinh Tế của Việt Nam trong năm 2020 không thể cao như năm 2019 và 2018, lúc đó là vào khoảng 7% một năm. Nhưng với mục tiêu phấn đấu là 6.8% thì vẫn có thể đạt được, nhưng mà nếu nó kéo dài tới tháng 6 thì rất là khó.”
Trích lời từ báo South China Morning Post đăng ngày 23-2, ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng tại Mekong Economics ở Hà Nội, cho biết: “Việt Nam đang chịu thiệt hại về kinh tế, nhưng ít hơn Trung Quốc. Các trường học vẫn đang đóng cửa, khách du lịch thì quá ít, và có thể khoảng 20% công nhân đang thiếu việc làm do sự giảm sút về cung cầu và nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch bệnh.”
Theo South China Morning Post, một nhà máy sản xuất giày dép ở tỉnh Thanh Hóa phải cho gần 12.000 công nhân nghỉ 2 ngày vào tuần trước vì công ty không có nguyên liệu thô để tiếp tục quy trình sản xuất.
Trong cuộc phỏng vấn với RFA ngày 24-2, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài Chính, nhận định:
“Đầu vào nguyên liệu phụ kiện đối với một số ngành xuất khẩu Việt Nam là dựa vào nguyên liệu Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc bị dịch COVID-19 thì giao thương với Trung Quốc bị hạn chế. Vì thế nguyên liệu đầu vào không có khả năng cung cấp đầy đủ, nên nếu cứ tiến triển vậy trong thời gian tới thì các doanh nghiệp phải tạm đình chỉ sản xuất.”
Hôm 21-2, Bộ Công thương cho hãng tin Reuters biết rằng Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, cũng phải chịu ảnh hưởng, vì phần lớn phụ kiện cho dây chuyền sản xuất hai loại điện thoại mới của hãng này đều nhập từ Trung Quốc.
Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, hàng nông sản thực phẩm ở Việt Nam đang bị ứ đọng ở biên giới Trung Quốc:
“Về phía hàng xuất nhập khẩu với Việt Nam, thì các hàng nông sản thực phẩm ở Việt Nam thì bị ứ đọng ở biên giới lên tới 700-800 xe chở hàng xuất khẩu nông sản thực phẩm tại Trung Quốc, cũng như các hàng công nghiệp, kể cả những mặt hàng đã ký chuẩn bị chính thức bị kiểm duyệt quá lâu. Họ đóng cửa biên giới để phòng dịch và kiểm dịch động thực vật lâu quá, cho nên lượng thông quan nó rất ít. Nên nó cũng gây trở ngại sản xuất kinh doanh, cũng như xuất nhập khẩu ở Việt Nam.”
Ngoài các ngành sản xuất, du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không kém. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần này có thể gây ra tác hại lớn đối với ngành trong ngắn và trung hạn. Dân Trí trích nguồn tin từ Tổng cục Du lịch nhận định: “Trong vòng 3 tháng tới, thiệt hại trực tiếp mà ngành du lịch Việt Nam phải hứng chịu được ước tính dao động từ 3,5 đến 4 tỷ USD”.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Du lịch năm 2019, Trung Quốc có số lượt khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất, với 4.966.468 lượt, chiếm gần 1/3 tổng lượt khách quốc tế vào Việt Nam.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định đây là thử thách và cũng là một cơ hội tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu của nước ngoài cũng như xuất khẩu.
“Về mặt giá cả của các nguyên vât liệu từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu, thì thường giá vẫn đắt hơn so với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đẳng cấp và chất lượng của nó vẫn tốt hơn. Nhờ thế mà mới có thể sản xuất các mặt hàng đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo được yêu cầu chất lượng cũng như về mặt kỹ thuật.”-Ông Đinh Trọng Thịnh
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương, cũng như hiệp định thương mại EVFTA giữa Việt Nam với liên minh châu Âu. Vì thế, các cơ quan quản lý và các chuyên gia cũng có mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu và thực thi các điều kiện của hiệp định CPTPP. Trong đó có yêu cầu các xuất xứ các nguyên liệu để tạo ra sản phẩm xuất khẩu sang các quốc gia trong CPTPP nó phải là nguyên vật liệu từ các nước trong hiệp định này.”
Theo ông Thịnh, có rất nhiều quốc gia có thể thay thế Trung Quốc cho phần nhập khẩu nguyên liệu thô:
“Bộ Công thương cũng đã chỉ ra các hàng hóa có thể thay thế từ các quốc gia khác, như bông vải sợi từ quốc gia như Ấn Độ, hay các linh kiện điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan hoàn toàn có thể thay thế được nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.”
Đồng quan điểm, ông Diệp Thành Kiệt cho biết một trong những phương án cho ngành giày da là lấy nguồn hàng từ các nước không có dịch bệnh như Thái Lan hay Ấn Độ.
Trong khi đó, ông Ngô Trí Long lại cho rằng, giải pháp này sẽ gặp phải khó khăn khi các doanh nghiệp Việt Nam đã quen nhập khẩu nguồn hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc.
“Chi phí đầu vào phải thấp. Đối với ngành xuất khẩu, thì Việt Nam không có khả năng nhập các nguyên liệu đầu vào của các nước phát triển vì giá thành và chi phí của nó quá cao. Nên chỉ có thể tương đồng với các nước như Trung Quốc hay ở châu Á. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì Hàn Quốc cũng bắt đầu có dịch. Tìm nguồn thay thế thì trong nay hay ngày mai là có thể tìm được, nhưng ít nhất phải có tìm hiểu giao thương, ký kết hợp đồng, nên đòi hỏi phải mất thời gian. Vì vậy việc này không phải ngày một, ngày hai có thể giải quyết ngay được.”
Đây sẽ là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng tiến sĩ Thịnh thì có cái nhìn khách quan hơn:
“Về mặt giá cả của các nguyên vât liệu từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu, thì thường giá vẫn đắt hơn so với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đẳng cấp và chất lượng của nó vẫn tốt hơn. Nhờ thế mà mới có thể sản xuất các mặt hàng đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo được yêu cầu chất lượng cũng như về mặt kỹ thuật.”
Cũng theo ông Thịnh, điều này sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu của người dân Việt Nam về mặt hàng chất lượng cao, vì thu nhập của người dân trong nước đang tăng lên rất nhanh. Nếu có thể nhập khẩu và xuất khẩu hàng tới các nước trong hiệp định Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như hiệp định thương mại EVFTA giữa Việt Nam với liên minh châu Âu, thì điều đó đồng nghĩa rằng Việt Nam có thể xuất hàng ra toàn thế giới mà không phải dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp điện tử, dệt may
sắp hết nguyên liệu vì ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngành điện, điện tử và dệt may của Việt Nam sắp hết nguyên liệu vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bộ Công Thương đưa ra thông tin vừa nêu tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, ngành điện, điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất nhiều nhất là đến cuối tháng 3.
Tương tự, ngành dệt may, da giày, túi xách cũng chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc nhiều nhất là đến đầu tháng 4-2020, nhiều khả năng doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Giải thích về việc này, Bộ Công Thương cho biết Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trên thế giới, do đó, dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản… ngày càng phức tạp cũng có thể sẽ ảnh hưởng Việt Nam, vì nguồn cung nguyên phụ liệu sảnh xuất nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Trương Thanh Hoài, cho biết thêm, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Trung Quốc hiện nay đang ngừng sản xuất, hoặc hoạt động rất ít. Nếu dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất thì giá thành nguyên vật liệu có thể sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước.
Bộ Y Tế: Thanh Hóa và Khánh Hòa
có thể công bố hết dịch COVID-19
Bộ Y tế hôm 26/2 chính thức thông báo hai tỉnh Thanh Hoá, Khánh Hoà đã đủ điều kiện để công bố hết dịch COVID-19.
Theo truyền thông trong nước, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có cuộc họp vào ngày 26 tháng 2 để nhận định tình hình dịch bệnh và nhận định tính tới thời điểm hiện tại. Ban Chỉ đạo nhận định Việt Nam đang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đại diện Bộ Y tế chính thức thông báo tại buổi họp rằng, đến hôm nay hai tỉnh Thanh Hoá, Khánh Hoà đã đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Hôm 17 tháng 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho báo chí biết, tỉnh Khánh Hoà có một ca khởi bệnh từ 17 tháng 1, đến bây giờ đã quá 30 ngày tại Khánh Hoà không xuất hiện bệnh nhân mới. Tỉnh Thanh Hoá có một ca mắc bệnh từ ngày 24 tháng 1, tới ngày 17 tháng 2 không có bệnh nhân mới. Ông Tuyên kết luận: “Theo quy định, chỉ còn 05 ngày nữa nếu Thanh Hoá không xuất hiện thêm bệnh nhân mới thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo tỉnh Thanh Hoá hoàn thiện các hồ sơ để trình Bộ Y tế quyết định công bố hết dịch.”
Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đưa ra con số thống kê là 14 ngày qua, Việt Nam chưa ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm mới ngoài việc đã chữa khỏi bệnh cho toàn bộ 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19; đang theo dõi, cách ly 31 trường hợp nghi nhiễm; theo dõi sức khoẻ hơn 5.670 người tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch.
Việt Nam sẽ cách ly người Việt từ Hàn Quốc trở về
Sáng ngày 26/2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch corona yêu cầu cách ly y tế tất cả người Việt Nam từ Hàn Quốc về nước, sau khi đánh giá tình hình Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc. Báo trong nước loan tin cùng ngày.
Theo đó, các bộ Ngoại giao, Giáo dục Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội phải cung cấp cho cơ quan xuất nhập cảnh và hàng không danh sách những du học sinh, người lao động và những người Việt đang học tập, sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Đồng thời, chính quyền địa phương phải phổ biến cho tất cả các gia đình có người thân đang ở Nam Hàn thực hiện nghiêm các khuyến cáo của chính phủ Seoul trong việc phòng, chống dịch, không nên di chuyển, kể cả về Việt Nam.
Ngoài ra, cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ và hàng không, nhất là những người đã đến từ hay đi qua vùng dịch. Đặc biệt, người đến từ Hàn Quốc phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó cần thực hiện khai báo điện tử.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cảnh sát khu vực, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố,… tổ chức theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế đối với những người từ Hàn Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua.
Theo thống kê của chính phủ Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 người Việt đang sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Trước diễn biến dịch bệnh ở Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam hôm 25/2 đã quyết định ngưng nhập cảnh đối với hành khách đến từ các vùng có bệnh dịch.
Giải đua xe Formula 1 ở Việt Nam
Giả đua xe Formula 1 ở Việt Namcó nguy cơ bị hoãn lại trong bối cảnh dịch Covid-19 lan ra nhiều nước, de dọa toàn cầu, theo trang planetf1 hôm nay, 26/02/2020.
Cho tới nay, ban tổ chức Giải đua xe Công thức 1 đầu tiên ở Việt Nam vẫn duy trì sự kiện thể thao này, trên nguyên tắc diễn ra vào ngày 05/04 tới. Nhưng trang mạng planetf1 nhắc lại là Việt Nam không hoàn toàn khống chế được dịch bệnh và hiện vẫn cách ly xã Sơn Lôi ở tỉnh Vĩnh Phúc, một xã chỉ nằm cách Hà Nội, nơi diễn ra giải đua xe F1, có 40 km.
Trang planetf1 cho biết nguy cơ đối với giải Công thức 1 càng lớn sau khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua vừa quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với toàn bộ những người đến từng các vùng đang có dịch tại Hàn Quốc, Nhật, Ý và Iran. Người nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày.
Quyết định nói trên sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức giải đua xe Công thức 1, chẳng hạn như đối với Ý, vì rất có thể là nhiều người từ các đội Ferrari, Alpha Tauri và Pirelli sẽ không vào được Việt Nam. Đội Honda của Nhật cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.
Trước mắt, do lo ngại về tình hình dịch bệnh, một sự kiện thể thao quốc tế khác ở Việt Nam là Giải Cầu lông Vietnam International Challenge 2020 tại Hà Nội, trên nguyên tắc diễn ra từ 24-29/03/2020, đã được dời lại cho đến đầu tháng 6.