Tin Việt Nam – 25/9/2015
Người Việt biểu tình chống Chủ tịch TC tại Mỹ
Cộng đồng người Việt tại thủ đô Hoa Kỳ và các vùng phụ cận cùng tham gia với các cộng đồng bạn trong cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu chống Chủ tịch TC trong lúc Tập Cận Bình hội kiến Tổng thống Barack Obama.
Ban tổ chức cho biết cuộc biểu tình diễn ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/9 (giờ địa phương) tại công viên Lafayette trước khuôn viên Tòa Bạch Ốc khi cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung bắt đầu.
Sự kiện này dự kiến quy tụ sự tham gia của cộng đồng người Việt sinh sống tại thủ đô Washington DC, Virginia, Maryland, Philadelphia, New Jersey cùng với các cộng đồng của người Hoa theo Pháp Luân Công, cộng đồng người Philippines và Tây Tạng tại Mỹ.
Một thành viên trong ban tổ chức, ông Tạ Cự Hải, Chủ tịch Liên hội Cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa khu vực Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, nói với VOA Việt ngữ:
“Cuộc biểu tình được tổ chức từ sáng tới 11 giờ tối. Sáng bắt đầu từ 10 giờ tới 1, 2 giờ trưa trong khoảng thời gian Tập Cận Bình tới Tòa Bạch Ốc. Tới tối, ông Tập có buổi dạ tiệc với Tổng thống Obama cho nên tối chúng tôi có sự kiện canh thức thắp nến. Tất cả đều diễn ra tại Lafayette phía trước Tòa Bạch Ốc”.
Về mục đích của cộng đồng người Việt khi tham gia cuộc biểu tình này, ông Hải cho biết:
“Phản đối ông Tập Cận Bình vì muốn bành trướng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam; chống lại chính sách thân thiện giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; lưu ý cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng Tập Cận Bình có tham vọng Hán hóa vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”.
Những người biểu tình kêu gọi Tổng thống Obama cần có thái độ cương quyết với TC nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ cũng như bảo vệ nền dân chủ cho các nước trên thế giới.
Cùng chia sẻ với thông điệp của cộng đồng Việt Nam, các cộng đồng bạn tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Sáu cũng muốn bày tỏ sự phản đối trước các động thái giương oai diễu võ của Bắc Kinh tại khu vực cùng điều mà họ gọi là sự cai trị độc đoán và chính sách bách hại tôn giáo, đàn áp nhân quyền của nhà nước TC.
Trong số các đề tài gai góc trong cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Sáu của lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung có vấn đề Biển Đông, một trong những yếu tố gây bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, TC ồ ạt tiến hành xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên các hòn đảo chiếm cứ ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu TC ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế có thể khơi mào xung đột ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter, hôm 16/9 lên án TC với các hoạt động trong vùng biển có tranh chấp đã bước ra ngoài các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế cũng như sự đồng thuận trong khu vực ủng hộ giải pháp ngoại giao và phản đối mọi sự uy hiếp.
Phát biểu trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng Washington ‘sẽ luôn đứng bên các đồng minh và đối tác của mình. Khu vực này cần phải hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự, tiếp tục đứng lên bênh vực luật quốc tế và các tiêu chí toàn cầu, và giúp cung cấp an ninh và sự ổn định cho Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều thập niên sắp tới’.
Lên tiếng với báo Wall Street Journal của Mỹ đầu tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trường Sa là lãnh thổ của TC từ thời xa xưa.
Trong bài diễn văn hôm thứ Ba tại Hoa Kỳ, Tập nhấn mạnh TC không muốn đối đầu với các nước và không có ý định hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Tại cuộc họp với Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 5/8 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị của Bắc Kinh tuyên bố TC đã ngưng công tác xây dựng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 8/9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ công bố cho thấy TC đang xây thêm một đường băng thứ ba trên Đá Vành Khăn, một dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh thất hứa với cam kết ngưng các hoạt động xây đắp, cải tạo đất trong vùng biển có tranh chấp này. – Theo VOA
Bà Tạ Phong Tần vinh dự nhận cờ vàng
Hôm 23/9, bà Tạ Phong Tần, người vừa được đình chỉ thi hành án ở trại giam Thanh Hóa và được đưa sang Hoa Kỳ trước đó ít hôm, đã có buổi gặp gỡ ông Andrew Đỗ, Giám sát viên Quận Cam, California.
Nhận một lá cờ vàng ba sọc đỏ từ tay ông Andrew Đỗ, bà Tạ Phong Tần nói: “Tôi rất vinh dự được nhận lá cờ này… Lá cờ này ở miền Nam trước đây đã cho người dân quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Có thể nói lá cờ này đại diện cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người Việt Nam.”
Về dự định sắp tới của mình, bà Tần nói bà muốn ưu tiên đảm bảo sức khỏe, và nhận thấy “công việc trước mắt sẽ có nhiều khó khăn”. Tuy nhiên, bà nói bà “không từ bỏ mục tiêu, lý tưởng… trong việc tham gia đấu tranh đòi quyền tự do, quyền con người cho người dân trong nước”.
Bà Tạ Phong Tần, cựu nhân viên công an, trước khi vào tù là chủ trang blog Công lý và Sự thật, đồng sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).
Bà bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án 10 năm tù giam vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Bà tới Hoa Kỳ vào tối 19/9/2015.
Việt Nam sẽ mạnh mẽ lên tiếng về biển Đông tại LHQ?
Chủ tịch CSVN Trương Tấn Sang hội kiến với Tổng thư ký Ban Ki-moon tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 24/9.
NEW YORK 25.09.2015
Chủ tịch Trương Tấn Sang đang có mặt ở New York để dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc, trong khi có các ý kiến cho rằng nguyên thủ Việt Nam nên tận dụng dịp đánh dấu 70 năm thành lập tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này để nêu lên vấn đề biển Đông cũng như vận động sự ủng hộ của các nước.
Sang sẽ lưu lại ở thành phố của Mỹ từ ngày 24 tới 28/9, và sẽ tham gia cũng như phát biểu tại nhiều sự kiện cấp cao.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt, cựu quan chức Liên Hiệp Quốc, cho rằng kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc “là diễn đàn lớn nhất để Việt Nam lên tiếng mạnh về biển Đông”.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng Việt Nam cũng cần phải có sáng kiến cụ thể, nếu muốn được lắng nghe.
Chuyên gia gốc Việt này nói: “Thay vì nói rằng tôi phản đối Trung Quốc, phản đối thế này, phản đối thế kia, thì bây giờ sáng kiến là đưa ra một cái mà mọi người có thể hợp tác được. Mà như thế đã rất là khác Trung Quốc vì Bắc Kinh đòi hỏi tất cả các cái đó thuộc về mình”.
Ông Việt nói thêm: “Còn mình đặt vấn đề là cái này có thể chia sẻ để cùng giải quyết, đưa đến hòa bình. Đương nhiên hai ý kiến phản nghịch nhau rồi. Việt Nam phải đứng ra vận động cho quan điểm hòa bình đó. Tôi nghĩ rằng nếu mà có quan điểm đó thật sự thì sẽ có nhiều nước ủng hộ, đặc biệt là các nước Tây phương”.
Ông Việt cho rằng chính quyền Hà Nội cũng nên thực hiện theo cách mà Liên Hiệp Quốc thường làm, đó là cùng thảo luận với một số nước để sau khi Việt Nam phát biểu thì các quốc gia ủng hộ quan điểm “sẽ lặp lại hoặc bày tỏ sự hậu thuẫn”.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Sang hôm 24/9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đề cập tới vấn đề biển Đông.
Tránh gây đụng độ
Thông cáo phát cho báo chí dẫn lời ông Ban “nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp”.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các bên cần phải “tăng cường sự minh bạch cũng như có các hành động dễ đoán định nhằm tránh vô ý gây ra các cuộc đụng độ”.
Trong khi đó, tiến sỹ Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, cũng cho rằng cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 này là “một cơ hội lớn cho Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á này cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải nói rõ vấn đề biển Đông “vì nó không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn toàn thế giới”.
Ông Long nói: “Khi mà mình nói tới biển Đông, nó có hai vấn đề ở đây. Đó là tranh chấp đảo và an ninh trên biển Đông. Nếu mà chỉ nói tranh chấp đảo như Việt Nam đã đề cập trong rất nhiều năm rằng Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì người ta sẽ nói đây là sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, dại gì mà họ đứng ra vì cũng có thể bị Trung Quốc trả thù”.
Ông nói thêm: “Nếu mình nói vấn đề biển Đông là vấn đề của thế giới và Việt Nam phải đứng mũi chịu sào trong vấn đề này thì thế giới không những bênh vực Việt Nam vì Việt Nam mà còn bênh vực Việt Nam vì an ninh của toàn khu vực và toàn thế giới. Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Và Trung Quốc dù muốn, dù không cũng phải nghe thế giới nói gì. Khi Việt Nam vận động và thế giới lên tiếng thì 10, 15 hay 20 chục nước, chứ không cần cả hơn 100 trước, thì cái đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Trung Quốc, không thể tiếp tục bành trướng như hiện nay”.
‘Không nhắm tới ai’
Tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay có hơn 150 nguyên thủ các quốc gia, trong đó có Chủ tịch TC Tập Cận Bình.
Đầu tuần này, lãnh đạo TC trả lời tờ The Wall Street Journal bằng văn bản rằng, Trường Sa, mà TC gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của TC từ thời xa xưa.
Tập nói rằng hoạt động mà TC “thực hiện trên một số những hòn đảo và bãi cạn ở quần đảo Nam Sa không ảnh hưởng hoặc nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác”, và “việc này không nên bị diễn giải quá đáng”.
Chính quyền Hà Nội chưa lên tiếng trước tuyên bố mà nhiều nhà quan sát cho là “thẳng thừng” của nguyên thủ TC.
VOA Việt Ngữ đề nghị xin phỏng vấn trưởng phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc về một số vấn đề nhưng không được hồi đáp.
Tháng Sáu năm ngoái, khi quan hệ Việt – Trung xuống tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì giàn khoan dầu gây tranh cãi, Bắc Kinh đã đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc, cho rằng Hà Nội “xâm phạm chủ quyền” của họ và “cản trở một cách phi pháp” hoạt động thăm dò của công ty dầu khí TC.
http://www.voatiengviet.com/media/video/2969813.html