Tin Việt Nam – 25/3/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/3/2015

Suboi, nữ rapper hàng đầu Việt Nam, ra mắt khán giả tại Mỹ  https://www.facebook.com/media/set/?set=a.10150249812620182.540070.228500895181&type=1

Bắt đầu viết ca khúc rap đầu tiên năm 15 tuổi, nữ nghệ sĩ Suboi, tên thật là Hàng Lâm Trang Anh, được biết tới là người tiên phong cho các nữ rapper Việt. Giờ đây, cô được nhiều người hâm mộ và nhiều tờ báo cả trong nước lẫn quốc tế coi là nữ hoàng nhạc Hiphop của Việt Nam. Hôm 13 tháng 3 vừa qua, nhận lời mời của Trung tâm Truyền thông người Mỹ gốc Á (CAAM), Suboi xuất hiện lần đầu tiên trước khoảng 350 khán giả tại Mỹ trong buổi biểu diễn Directions In Sound, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Điện ảnh-Âm nhạc CAAMFest ở San Francisco. Sau đó trong tuần, cô tiếp tục tới bang Texas để biểu diễn với tư cách là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tại lễ hội âm nhạc, điện ảnh thường niên South by Southwest (SXSW). Và cuối cùng, cô sẽ có buổi biểu diễn tại thành phố New York, chiếc nôi của HipHop, vào ngày 26/3 tới. Nhân dịp này, VOA Tiếng Việt đã có cơ hội trò chuyện với cô qua Skype để nghe cô chia sẻ thêm về ngành công nghiệp rap ở Việt Nam cũng như những tâm sự của cô về con đường nghệ thuật mà cô đang theo đuổi.

VOA: Xin chào Suboi. Xin chúc mừng bạn đã có buổi biểu diễn chính thức đầu tiên tại Mỹ. Cảm giác của bạn sau buổi biểu diễn là như thế nào?

Suboi: Buổi biểu diễn rất vui vì có rất nhiều người Việt đến xem Suboi. Có nhiều người chờ từ năm ngoái vì CAAMFest đã mời Suboi từ năm ngoái nhưng vì mình có chút vấn đề về visa nên không tới được. Có người lái xe tám tiếng để đi tới và Suboi thấy cảm động và vui. Ai cũng thưởng thức âm nhạc trọn vẹn nhất và Suboi có thể thoải mái bộc lộ âm nhạc của mình.

VOA: Đối với bạn, điều tuyệt vời nhất trong lần ra mắt này là gì?

Suboi: Có thể nói đùa nhiều. Nói đùa nhiều những câu chuyện đùa Việt Nam. Su cũng có những bài hát mới, mới viết trong một tháng là lên diễn luôn. Khán giả rất đón nhận, đón nhận nồng nhiệt. Hôm đó rất đông. Su nhìn thấy mọi người tuốt xuống cuối bar và Su cảm thấy rất tuyệt vời cho buổi biểu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ.

VOA: Vậy có điều gì đó mà bạn ước rằng mình có thể làm tốt hơn không?

Suboi: Không. Suboi cảm thấy rất hài lòng. Tất cả những gì mà mình mong đợi, mình sắp xếp, chuẩn bị trong mấy tháng này đều theo kế hoạch rất tốt. Khán giả cũng có phản ứng quá vui rồi nên Suboi không có gì hối tiếc.

VOA: So với lần đầu bạn ra mắt khán giả ở Việt Nam, lần ra mắt lần này của bạn có gì khác biệt?

Suboi: Khác hơn rất là nhiều. Khi mà ở Việt Nam, có lẽ Suboi không có làm đúng quy trình hay không có người làm việc chung hợp lý. Đến Mỹ thì mọi thứ đã có hệ thống rồi nên mình chỉ cần làm đúng như vậy thôi và không lo phải có trục trặc khác.

VOA: Đã là một rapper được khoảng 10 năm, bạn có nhận xét gì về lĩnh vực nhạc rap ở VN hiện nay?

Suboi: Có lẽ là bảy năm thì đúng hơn. Rap Việt Nam bây giờ thì có rất nhiều bạn rapper trẻ, rất là giỏi, có nhiều kỹ năng. Su nghĩ là nhờ vào internet. Tại khi Su bắt đầu bước vào con đường này thì internet không có nhiều, mình phải ra tiệm net, nói chuyện với người ta rồi xem nhạc. Bây giờ ở đâu thì cũng có và tần suất cập nhật cũng tăng lên rất nhiều. Có nhiều bạn mới 17, 18 tuổi đã hiểu mình có giọng như thế nào, muốn thông điệp như thế nào, muốn phong thái ra sao thì các bạn đã định hình cho mình hết rồi. Họ có thể làm video và up lên YouTube. Cái đó rất là tốt. Su cảm thấy hiphop Việt Nam đang thực sự phát triển và Su cũng rất tự tin cho thế hệ sau.

VOA: Theo bạn thì yếu tố gì làm nên một rapper giỏi?

Suboi: Su nghĩ nó cũng là yếu tố của một người nghệ sĩ thôi. Mình phải yêu thích việc mình làm. Dù cho trước đây Su cũng phải làm nhiều ngành nghề không liên quan. Su từng làm giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam, hay chú hề cho sinh nhật con nít. Su làm hết mấy cái đó chỉ để nuôi niềm đam mê của mình. Yếu tố đầu tiên là mình không bỏ cuộc. Yếu tố thứ hai mình phải luôn luôn lắng nghe mọi người xung quanh chứ không phải mình nói nhiều quá xong rồi mình không biết chuyện gì đang xảy ra. Mình nghe rồi mới tiếp nhận mấy cái đó và luôn luôn học hỏi, và đừng có bỏ hy vọng của mình.

VOA: Theo bạn, đâu là thuận lợi và thử thách cho một nữ rapper ở VN nói riêng và thế giới nói chung?

Suboi: Đối với Su không quan trọng là nữ hay nam nhưng đối với người ta thì có. Khi mà Su ra ngoài, những người không xem trọng là rapper nữ hay nam thì họ nghĩ là rapper nữ, xinh, có thể rap được, tuyệt. Còn mấy người khác thì có vẻ là có câu hỏi ‘Muốn làm gì ở đây? Muốn trở thành số 1 hay sao?’ Thế giới hiphop hơi cạnh tranh và hơi nghiêng về phía nam cho nên mọi người không thích có một nữ rapper đại diện cho Việt Nam thì họ sẽ thấy hơi đụng chạm.

VOA: Bạn có nhận được cùng thái độ từ mọi người khi sang bên Mỹ không?

Suboi: Qua bên Mỹ thì lại khác tại vì mọi người nhìn mình là ô, một người châu Á, là nữ, lại rap nữa nên không có liên quan gì đúng không. Nhưng vừa rồi ở San Francisco mọi người đón nhận rất nồng nhiệt cho nên là Suboi cũng mong cái này sẽ từ từ xóa bỏ. Su cũng gặp được nhiều rapper nữ như là Awkwafina ở NY. Những người ở khu vực vùng vịnh thì Su thấy cũng không đến nỗi, không quá tệ, hoặc là Su chưa thấy.

VOA: Trong số khán giả đến xem buổi biểu diễn của bạn ở San Franciso thì bạn thấy đối tượng chủ yếu là ở độ tuổi hay là những người như thế nào?

Suboi: Theo Su quan sát từ sân khấu xuống thì Su thấy chắc chắn phải từ 21 trở lên và những người đó đều có việc làm ổn định hay những người trong ngành phim ảnh hay âm nhạc. Su thấy cũng đa dạng về khán giả. Nam nữ đầy đủ, người Việt người Tây đầy đủ nên Su rất là vui.

VOA: Có lẽ sẽ rất khác so với đối tượng khán giả của bạn ở VN đúng không?

Suboi: Dạ đúng rồi. Su không hiểu tại sao mà ở Việt Nam thì khán giả của Su có nhiều thanh thiếu niên nhưng trong khi đó lời rap của Su hơi trải nghiệm, trải đời một chút thì có lẽ họ đến chỉ để nhìn mình như kiểu là ồ, cô ấy trông xinh xắn.

VOA: Ý bạn là họ đến chỉ vì tò mò?

Suboi: Mmm, không phải là tò mò. Có lẽ là họ cũng biết Su từ hồi 2009 khi bắt đầu vào công ty Music Faces. Âm nhạc của Su đã phát triển lên nhiều sau nhiều năm, sau những chuyện Su đã trải qua trong cả cuộc đời lẫn cả trong ngành này. Su nghĩ đối với thanh thiếu niên thì có lẽ họ chưa tiếp cận được sâu sắc những lời mình viết ra nhưng đối với người lớn hơn, từ 21 tuổi trở lên. Su nghĩ khán giả của Su nhiều nhất là ở độ tuổi 21-26 tuổi, cũng là độ tuổi của Su bây giờ, cho nên Su nghĩ mình đã có một sự liên kết qua âm nhạc với khán giả.

VOA: Khó khăn bạn gặp phải trong những ngày đầu bước vào lĩnh vực này là gì?

Suboi: Khi đó là Su vẫn còn đang tìm giọng, tiếng nói, thông điệp của mình, cách mình thể hiện. Su cũng không biết guồng máy hoạt động như thế nào. Su cũng có rất nhiều bài học nhờ vào những vấp ngã trong tiến trình đi vào con đường âm nhạc. Su nghĩ đó là do sự ngây thơ mà thôi. Nhưng sự ngây thơ đó cũng vui nữa, nó cũng làm cho mình có thêm những bài hát hơi mơ mộng một chút. Su thấy đó cũng vừa là một thuận lợi vừa là một bất lợi.

VOA: Hiện nay ở VN tỷ lệ các rapper nam và nữ chênh lệch như thế nào?

Suboi: Nữ hai người, nam 10 người. (Cười lớn) Giống như hồi nãy chị có hỏi về làm một nữ rapper ở Việt Nam như thế nào. Nó không phải khó chấp nhận nhưng mọi người có thể xem nhẹ mình một chút xíu vì mình có quá ít.

VOA: Chủ đề rap yêu thích của bạn là gì?

Suboi: Về đời sống và những thông điệp như là đừng để người khác làm ảnh hưởng con người mình. Có lúc Su từng tự ti, có lúc mình lại tự cao. Cho nên có những cái đó làm cho mình phải tự xem lại. Trong cuộc sống có những điều không như ý. Su đã nhìn câu chúc ‘Vạn sự như ý’ và Su chúc ngược lại ‘Ý như vạn sự’ có nghĩa là vạn sự thay đổi như thế nào thì mình sẽ như thế chứ không phải mình mong mọi người sẽ suy nghĩ giống mình hay là những kế hoạch mình đặt ra sẽ giống như vậy. Nó cũng làm cho mình mạnh mẽ hơn nữa và bất cứ chuyện gì xảy ra thì mình cũng sẽ đón nhận chứ mình không buồn nữa.

VOA: Đối với những người không biết hoặc chưa hiểu về rap, có thể còn một số định kiến hoặc nhiều điều mà họ hiểu chưa chính xác. Vậy bạn muốn nói gì với họ nhất?

Suboi: Thật sự thì ở Việt Nam bây giờ thì ngành âm nhạc Hàn Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhạc pop Việt Nam. Họ nghĩ là rap chỉ là một phần trong bài hát pop thôi. Thật sự Suboi rất muốn nhắn đến những người đó là mình có rất nhiều điều để nói hơn là trong một phần biểu diễn nào đó. Rap là về cuộc sống, kể cả khi mình nói về tiền bạc, tình cảm, tình dục, kể cả những chuyện trong xã hội họ không nhắc tới nhiều thì rap là người nói thẳng, và có thể không nói thẳng thì có thể luôn luôn được chấp nhận. Suboi chỉ muốn nói là thực sự hiphop, rap là đời sống, chứ không phải chỉ là một sự biểu diễn đâu đó mà thôi.

VOA: Gia đình bạn có suy nghĩ gì về thể loại nhạc rap mà bạn theo đuổi?

Suboi: Ban đầu thì ba má nói ‘Sao con cứ nói hoài trên một nền nhạc vậy.’ Họ không hiểu và không tin đây thực sự là một thể loại âm nhạc. Nhưng sau khi Su làm việc bảy năm rồi thì họ hiểu hiphop đúng là về cuộc sống xảy ra như thế nào thì con nói vậy thôi, mình không thêm bớt, làm cho nó hào nhoáng hay nói không đúng sự thật.

VOA: Bạn có hy vọng gì sau lần ra mắt khán giả ở Mỹ lần này?

Suboi: Tại vì Su viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Hai văn phong rất là khác nhau. Văn phong tiếng Việt thì Su đã thoải mái trình bày ở Việt Nam rồi và Su muốn hơi thử thách mình một chút xíu. Đây không phải là tiếng mẹ đẻ và Su cũng không phải là người sinh ra ở Mỹ nên khi viết một bài hát tiếng Anh và có âm điệu, giai thoại mà mình muốn bộc lộ ra bằng một cách văn thơ thì Su rất thích. Su thích chơi chữ lắm, cả tiếng Việt và tiếng Anh nữa nên mong là sẽ có nhiều cơ hội để được quay lại biểu diễn. Và sẽ luôn có bài hát mới mỗi lần đi diễn show.

VOA: Viết nhạc rap và thích chơi chữ như vậy thì chắc hẳn lúc trước bạn học giỏi văn lắm đúng không?

Suboi: Ồ cái đó lại khác nha. Để Su kể cho nghe. Văn Việt Nam thì Su chỉ viết cảm nghĩ của mình về bài đó thôi nhưng có khi họ lại muốn mình viết kiểu khác để làm bài thi, thực sự so về điểm số thì không phải Suboi giỏi văn nhất mà cũng vừa vừa ok thôi.

VOA: Cũng không đến mức lủng củng phải không?

Suboi: Đúng rồi. Nhưng mà nhìn tôi đây, bây giờ tôi là rapper.

VOA: Bạn mong muốn được gặp hay hợp tác với nghệ sĩ nào nhất?

Suboi: Nghệ sĩ nữ. Đi bất cứ đất nước nào Su cũng tìm rapper nữ. Tất nhiên những người đã đi tiên phong về hiphop thì Suboi muốn được gặp để học hỏi. Có thể có lẽ được nói chuyện với Lauryn Hill một lần hay sao.

VOA: Xin chân thành Cám ơn Suboi rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với VOA hôm nay. Xin chúc bạn mạnh khỏe, luôn vui vẻ, và thực hiện được những dự định của mình trong tương lai. – VOA

Cấm xuất cảnh thu hộ chiếu vì sợ sự thật?

Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh người Điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế, thành viên Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, đã bị Công an Tân Sơn Nhất thu hộ chiếu cấm xuất cảnh vào trưa ngày 22/3/2015 khi ông làm thủ tục đi Philippines. Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh là một trong ba người Việt Nam nằm trong danh sách 100 anh hùng thông tin thế giới được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vinh danh năm 2014. Vì sao Chính quyền Việt Nam lại có hành động vi phạm quyền cơ bản của công dân đối với Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh? Nam Nguyên ghi nhận một số chi tiết liên quan.

Bưng bít sự thật về nhân quyền tại VN

Trường hợp của Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh làm dài hơn danh sách các nhà hoạt động bị Chính quyền Việt Nam ngăn chặn không cho xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu. Trong vài năm vừa qua cả trăm bloggers, nhà báo, tu sĩ các tôn giáo và các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị Công an các cửa khẩu áp dụng hình thức mà Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh gặp phải.

Từ Dòng Chúa Cứu Thế Saigon, Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh cho biết:

“ Đến bây giờ phải nói là tôi không biết chắc chắn vì lý do gì, tại sân bay tôi có hỏi người chính thức dừng tôi xuất cảnh xin cho tôi biết lý do, thì vị này bảo là chúng tôi thật ra không biết một lý do rõ ràng. Chỉ có một lý do duy nhất hiện lên trên máy là yêu cầu của Công an Thành phố yêu cầu chặn tôi lại. Trong khi đó theo Nghị định 136 của Chính phủ, người có quyền chặn tôi lại nếu tôi có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia thì phải là Bộ trưởng Bộ Công an chứ ông Giám đốc Sở không có tư cách để làm điều đó. Nhưng mà điều đó vẫn có hiệu lực cho thấy ở Việt Nam luật pháp là một cách nói, một cách đặt ra để đánh lừa quốc tế, đánh lừa dư luận chứ không phải như là thực chất.”

Theo Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, ông không nghĩ việc ông bị cấm xuất cảnh có liên quan đến mục đích chuyến đi Manila dự hội thảo. Bởi vì đồng hành với ông trong chuyến đi còn có 4 người Việt Nam khác và họ không bị ngăn chặn. Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh dự kiến sang Manila dự “Hội thảo quốc tế về nhân quyền – đứng ở khía cạnh truyền thông” từ 25 tới 26/3/2015.

Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh tiếp lời:

“Về điều nhiều người dự đoán là tôi tham gia tích cực vào Hội đồng Liên Tôn vào các phong trào xã hội dân sự và cũng trực tiếp lên tiếng và làm truyền thông, có lẽ lý do đó làm cho người ta ngăn tôi ra nước ngoài hơn là vấn đề vinh danh. Cái chính yếu là những hoạt động của tôi cho cộng đồng tại Việt Nam gây cho họ lo lắng, gây cho họ thấy là cần phải có một biện pháp mang tính đe dọa đối với tôi.”

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập là người từng được RSF vinh danh “100 anh hùng thông tin của thế giới năm 2014” cùng danh sách với blogger Trương Duy Nhất và Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh. TS Phạm Chí Dũng cũng từng bị cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu tương tự như Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh hay các nhà hoạt động khác.

Đáp câu hỏi của chúng tôi, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam mới chỉ bao gồm một số lượng không lớn trong xã hội, hoạt động của họ cũng còn trong phạm vi hạn chế, vậy thì chính quyền lo sợ điều gì khi phải ngăn chặn quyền đi lại, xuất cảnh của họ. Từ Saigon TS Phạm Chí Dũng nhận định:

“Họ lo sợ rằng những nhân vật bất đồng chính kiến hoặc đối lập ở trong nước nếu có điều kiện ra nước ngoài sẽ mang tiếng nói của người trong nước ra nước ngoài và cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm về tình hình ở Việt Nam và đặc biệt có vận động quốc tế để cho liên minh Châu âu, các nghị viện ở Hoa Kỳ, Canada ở Úc….hiểu thêm rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn luôn muốn bưng bít chuyện đó thành thử việc họ cấm, tôi nghĩ cũng chẳng đặng đừng. Nhưng mà với não trạng tư duy và bản lĩnh quá tệ của họ như hiện nay thì tôi nghĩ họ không còn cách nào khác.”

Quyền con người dưới chế độ một đảng và công an trị

Câu chuyện Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế bị thu giữ hộ chiếu và cấm xuất cảnh và một danh sách dài những trường hợp tương tự bao gồm các nhà báo công dân, blogger, nhà hoạt động xã hội dân sự, cho thấy một hình ảnh khác với những gì gọi là xu hướng cải cách không thể đảo ngược trong thời kỳ Việt Nam chuẩn bị hội nhập sâu hơn với thế giới.

Qua câu chuyện về chuyến đi của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại Hoa Kỳ vừa rồi, TS Phạm Chí Dũng cho biết rất ngạc nhiên khi ghi nhận báo chí Việt Nam tường thuật là, Chính phủ Hoa Kỳ đã đánh giá cao về những cải cách của Việt Nam; cho rằng Hiến pháp 2013 của Việt Nam là một trong những Hiến pháp tiến bộ trên thế giới và Việt Nam tuân thủ tôn trọng các quyền con người. Theo TS Phạm Chí Dũng đây không phải là lần đầu tiên báo chí Việt Nam tường thuật với một thái độ đầy hân hoan về vấn đề này. Ông nhớ lại trước đây có một lần Đại sứ quán Hoa Kỳ đã phản ứng cho rằng báo chí Việt Nam nói không đúng về một tuyên bố của họ. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:

“Nếu nói quyền con người bị vi phạm thậm chí bị chà đạp ở Việt Nam thì có thể nói ngoài tự do đi lại, xuất cảnh, còn nhiều quyền khác. Chẵng hạn mới đây chúng ta nhìn vào cái quyền được hưởng bầu không khí trong lành, được hưởng về môi trường tự nhiên, môi trường sống đã bị chà đạp như thế nào và có ít nhất 2.000 cây xanh đã bị “hạ sát” bị “chặt đầu” như vậy thì người dân còn lại điều gì. Người dân không có quyền sở hữu tư nhân về đất đai, không có uyền tự do đi lại, không có được quyền tự do lập hội, cũng chẳng có quyền tự do tuần hành và biểu tình và cho tới giờ ngay cả việc trưng cầu dân ý đưa ra mấy chục năm rồi nhưng mà chưa có luật. Rất nhiều thứ quyền như vậy ở Việt Nam chưa có, mà như thế làm sao có thể nói là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.”

Theo các nhà quan sát chính trị, Việt Nam đã đi một bước dài sau thời kỳ ngăn sống cấm chợ, công dân đã được cấp hộ chiếu nhanh chóng phù hợp với thời kỳ hội nhập cuối thập niên 1990. Tuy vậy chiếc vòng kim cô dưới ảnh hưởng chế độ một Đảng và công cụ công an trị vẫn là một cản trở cho những bước tiến tới dân chủ nhân quyền thực chất. Người dân cầm hộ chiếu hợp lệ trong tay, vé máy bay đã có nhưng bước vào sảnh đợi ở phi cảng với sự hồi hộp. Nhân viên an ninh cửa khẩu có thể ngăn chặn việc xuất cảnh thậm chí thu giữ hộ chiếu mà không cần nêu lý do. Đó cũng là lý do gần đây những người bị cấm xuất cảnh đã tụ tập lại thành một tổ chức xã hội dân sự để bảo vệ quyền công dân của mình. – RFA