Tin Việt Nam – 25/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/11/2019

“An ninh Hà Nội hành xử thô bạo, ép khán giả

dự đêm nhạc môi trường quay về nhà”

Ben Ngo

An ninh Hà Nội hành xử thô bạo, ép khán giả dự đêm nhạc môi trường hôm 24/11 phải về nhà. Một nhà hoạt động môi trường ở Hà Nội đưa cáo buộc này với Đài Á Châu Tự Do sau khi lực lượng công an và an ninh Hà Nội được ghi nhận bao vây đêm hòa nhạc với chủ đề “AWAKE – TỈNH” của nghệ sĩ piano Phó An My diễn ra hôm 24/11 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Hôm  25/11, trang fanpage của Tổ chức xã hội dân sự Green Trees cho biết:

Đêm hòa nhạc với chủ đề môi trường của Phó An My, pianist số một, hiện đang sống và cống hiến tại Việt Nam, đã đi vào lịch sử bởi những kỷ lục: Lực lượng an ninh tập trung đông như dẹp loạn một cuộc biểu tình (từ Ban Tư tưởng văn hóa, A02, A83 đến các cấp thành phố, quận, phường cùng các Bộ, sở ban ngành liên quan). Số lượng khán giả bị ngăn chặn, bắt, áp giải thô bạo lên đến hàng chục người. Điển hình là các thành viên của Green Trees: Cao Vĩnh Thịnh, Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Vũ Lượng. Những bức tranh nghệ thuật lành mạnh về thiên nhiên bị cấm trưng bày.”

“Cứ 5 mét lại có một an ninh viên kiểm soát khán giả không được chụp ảnh, live stream. Chỉ có camera an ninh chĩa thẳng vào mặt từng khán giả như để truy lùng tội phạm. Các cánh cửa của nhà hát lớn được khoá chặt ngay khi nghệ sỹ bắt đầu diễn để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đèn đóm ở sảnh tắt hết để khán giả khỏi chụp hình tự sướng. Không một khán giả nào được phép tặng hoa…

Trang này cũng nêu cáo buộc rằng an ninh Việt Nam cho rằng đêm diễn “TỈNH” đã “nhận tiền của các tổ chức nước ngoài” thông qua Green Trees, nên “đã liên tiếp sách nhiễu, khủng bố tinh thần của ekip sản xuất và nghệ sĩ trong suốt ba tuần trước đêm diễn.

Được biết nghệ sĩ Phó An My không phải là thành viên của Green Trees.

Hôm 25/11, bà Cao Vĩnh Thịnh, thành viên của Green Trees kể với RFA về sự cố vào đêm hôm trước:

Lúc 7 giờ rưỡi [tối hôm 24/11], vợ chồng tôi đi tới Nhà Hát Lớn để vào xem đêm nhạc của nghệ sĩ Phó An My. Khi hai chúng tôi mới dừng xe để chờ gửi xe bên hông Nhà Hát Lớn thì là một lực lượng khoảng hơn 10 người. Tôi nhận ra hai người, một người bên an ninh luôn theo sát tôi trong nhiều năm qua và người còn lại là anh Quân, cảnh sát khu vực phường nhà tôi.”

“Họ ập tới rất đột ngột, rồi xô xát, yêu cầu, bắt tôi phải hợp tác với họ. Tôi có hỏi lại là ‘phải hợp tác cái gì’ thì họ nói ‘hợp tác là không được dự đêm diễn này và phải đi về nhà luôn.’

“Tôi rất là bức xúc về cái điều đấy, và thật sự rất là vô lý. Nhất là vợ chồng tôi đã mua vé rất giá trị, cặp vé trị giá 2 triệu đồng. Nhưng mà tiền thì không quan trọng bằng việc vợ chồng tôi bị cách ứng xử của lực lượng được coi là công an và an ninh Việt Nam. Họ hành xử một cách thô bạo và cướp mất cái quyền tự do, nhân quyền của vợ chồng tôi trong việc được quyền dự đêm nhạc. Chúng tôi mua vé và không hề vi phạm bất kỳ việc gì như là trốn vé hay vi phạm quy định của đêm diễn.

Bà Cao Vĩnh Thịnh cho biết thêm rằng khi vợ chồng bà “quyết tâm đi vào nhà hát” thì họ “quyết tâm xô xát, ép chúng tôi lên một chiếc ô tô, đẩy chổng tôi, kéo giằng tôi ngay tại sảnh nhà hát trước mặt rất nhiều người khác.”

Bà nói:

Tôi biết rằng những người nhìn thấy hành động ấy thì họ cũng rất bàng hoàng nhưng mà họ cũng bất lực vì họ không thể hỗ trợ vợ chồng tôi vì hơn 10 người cả công an lẫn an ninh mặc thường phục vây quanh chúng tôi thế. Tôi cũng rất bức xúc vì những người làm cho Nhà Hát Lớn nhìn chúng tôi cứ như là họ được sắp xếp từ trước rồi, biết rằng là nếu với trường hợp của tôi khi đến dự đêm nhạc mà bị bắt bớ, hoặc bắt cóc thì rằng những người đấy không được can thiệp.”

Sau đó, vợ chồng bà Cao Vĩnh Thịnh lập tức bị công an và an ninh ép đưa lên xe chở về tận nhà.

Bà giải thích thêm về việc muốn dự đêm nhạc của Phó An My:

Nghệ sĩ Phó An My là người, ngoài việc chơi nhạc thì còn muốn mang âm nhạc để chuyển tải thông điệp về môi trường, để mọi người nhìn ra thực trạng, không phải ở đâu xa, mà ngay ở môi trường Việt Nam đang phải gánh chịu, như hậu quả của biển chết hoặc khí hậu ô nhiễm như bây giờ.

Cùng ngày, Nghệ sĩ Phó An My nói với RFA:

Hôm qua là người biểu diễn thì tôi đứng trong sân khấu, lúc đấy thì tôi cũng chỉ tập trung vào biểu diễn nên cũng không quan tâm mấy. Nhưng mà tôi cũng có nghe nói là hôm qua có rất nhiều an ninh, họ đến để trông một đêm diễn mà có thể họ sợ là có hình ảnh gì đó, tuyên truyền gì đó. Thế nhưng mà cái điều đó thì sẽ không bao giờ xảy ra cả. Bởi vì là những người nghệ sĩ làm những đêm diễn như thế này là chỉ muốn đưa những cái đẹp đẽ nhất đến với mọi người để họ thấu cảm. Và những thứ  đẹp đẽ ấy thì tôi nghĩ là mỗi người thưởng thức nó thì họ sẽ trong lành hơn, thấy cuộc sống đẹp đẽ, không có gì quá phức tạp cả.”

Bà Phó An My nói rằng những việc va chạm với an ninh, do là lần đầu tiên gặp phải nên bà “rất là hốt hoảng vì không hiểu mình làm gì sai mà họ lại quan tâm đến đêm diễn của mình như thế”.

Bà nói thêm về hoạt động nghệ thuật của bản thân và chủ đề của buổi hòa nhạc:

Tôi cũng chỉ là một nghệ sĩ nói những suy nghĩ của mình, nhìn ngắm mỗi một đêm diễn có một chủ đề để mình hướng tới. Tôi cũng không phải một nhà bảo vệ môi trường hay gì cả. Cái đêm diễn này liên quan đến ca trù, và chính vì câu chuyện ca trù là gì. Tôi không lấy lời cổ mà tôi lấy những cái đẹp đẽ của thiên nhiên, lấy cái cốt truyện để đưa ra.”

Đề cập về cáo buộc “nhận tiền của các tổ chức nước ngoài”, bà Phó An My nói:

Điều này thực ra tôi rất là bức xúc. Bởi vì bao nhiêu năm nay, tôi làm việc dường như không bao giờ tôi có tài trợ cả. Và bất kể lần nào, đêm diễn của tôi đều do những người bạn thân yêu giúp đỡ mình. Mỗi đêm diễn đều rất khó khăn để có thể ra được. Tôi cũng cho rằng là mấy năm qua, tôi vẫn phải làm nghề vì đây là cái nghề của tôi làm việc. Và đêm diễn này thì tại sao nó lại xảy ra cái sự cố mà nó không có thật. Bởi vì là cái việc không có thật mà các anh đưa ra như thế là các anh đang bôi nhọ nghệ sĩ.

Bà Phó An My nghẹn ngào nhấn mạnh:

Chúng tôi không có một đồng xu nào tài trợ cả. Không có một tổ chức nào cho tiền cho đêm diễn này. Và nếu mà họ khẳng định được việc đấy, thì họ phải có bằng chứng là chúng tôi có nhận [tiền] hay không. Chắc họ sẽ phải biết vì là an ninh thì chắc là họ biết hết mọi thứ. Cái điều đấy nó làm cho tôi thực sự rất là sốc và rất là buồn.”

“Bởi vì bao nhiêu năm nay tôi làm một công việc chỉ vì yêu làn điệu dân ca và muốn đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam, lấy hơi thở đấy chuyển tải vào âm nhạc thế giới, để có thể đưa được cái nét văn hóa tinh hoa Việt Nam ra thế giới. Thì đấy là mỗi một nghệ sĩ họ có một con đường họ lựa chọn.”

Tôi là người không quan tâm đến chính trị. Đấy không phải là việc của tôi và tôi cũng không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến cái nghề của mình, quan tâm đến những thứ đẹp đẽ, viên ngọc quý của Việt Nam và làm công việc của mình. Và khi họ nói là tôi nhận tiền của tổ chức nước ngoài, đấy là điều tôi không chấp nhận được!”

Hôm 25/11, RFA gọi điện nhiều lần cho Công an quận Hoàn Kiếm là nơi Nhà Hát Lớn Hà Nội tọa lạc nhưng không nhận được phản hồi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-security-has-forcing-some-audience-to-attend-an-environmental-piano-concert-to-go-home-11252019075037.html

 

Nhiều nhà hoạt động Hà Nội bị cấm

 tham dự buổi giao hưởng về môi trường

Tin từ Hà Nội: Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn cản nhiều người hoạt động ở thủ đô tham dự buổi giao hưởng về môi trường mang tên “WAKE- Tỉnh” được biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội tối 24/11.

Nhà hoạt động môi trường Cao Vĩnh Thịnh, thành viên chủ chốt của nhóm Cây Xanh (Trees) cho biết cô đã mua cặp vé xem buổi giao hưởng do nghệ sỹ piano Phó An My và nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên tổ chức với mục tiêu mong muốn thức tỉnh cộng đồng nhìn thẳng vào những gì hệ luỵ con người đã gây ra cho hệ sinh thái Đất Mẹ.

Tuy nhiên, khi cô vừa tới Nhà hát lớn thì lực lượng an ninh thành phố và công an phường nơi cô cư trú ập tới và yêu cầu cô “hợp tác” với chúng. Khi cô phản đối, công an đã ép cô và người đi cùng vào xe hơi của chúng và chạy về phường sở tại. Mục tiêu của hành xử côn đồ này là không cho cô vào xem buổi hoà nhạc. Chúng từ chối lời yêu cầu bồi thường trị giá cặp vé 2 triệu đồng của cô.

Cô Thịnh, người từng bị sách nhiễu hai lần trong năm nay bởi an ninh cộng sản, tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đã cướp đi quyền cơ bản nhất của cô.

Cũng trong ngày, hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội cho biết nhà cầm quyền địa phương đã đưa mật vụ tới canh giữ tư gia của họ từ sáng sớm và không cho họ rời khỏi nhà. Một số người khác bị mật vụ đi theo bám sát cả ngày.

Bắt cóc và quản chế tại gia hoặc cử người theo dõi người bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội thường được lực lượng an ninh CSVN áp dụng, nhằm khống chế hoạt động của họ.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nhieu-nha-hoat-dong-ha-noi-bi-cam-tham-du-buoi-giao-huong-ve-moi-truong/

 

Bắt 5 người Trung Quốc bị truy nã trốn tại Việt Nam

Công an Thành phố Đà Nẵng mới đây cho biết cơ quan này vừa bắt giữ 5 người đàn ông quốc tịch Trung Quốc bị Trung Quốc truy nã và đang lẩn trốn tại Đà Nẵng.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/11 cho biết 5 nghi phạm người Trung Quốc bị bắt giữ vào đêm 21 và 22 vừa qua có tên Yu Hong Can (48 tuổi), Xu Heng (46 tuổi, Liu Yi Hu (43 tuổi), Xua Liang (39 tuổi) và Luan Cheng Minh (37).

Công an Trung Quốc cho hay các nghi phạm bị cáo buộc tổ chức đánh bạc trái phép ở Trung Quốc từ năm 2013 với tổng số tiền khoảng 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 330 tỷ đồng). Nhóm người Trung Quốc này cũng bị cáo buộc gây rối, bắt cóc để đòi tiền nợ của người tham gia đánh bạc.

Công an tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã truy bắt nhóm người nói trên nhưng các nghi phạm đã bỏ trốn khiến cơ quan này phải phát lệnh truy nã. Sau đó, công an Trung Quốc đã liên lạc với công an Việt Nam khi phát hiện nhóm người đang có mặt tại Đà Nẵng.

Báo trong nước cho biết những người đàn ông Trung Quốc đã thay đổi liên tục các nhà nghỉ tại Đà Nẵng để tránh bị cơ quan chức năng truy lùng.

Công an Thành phố Đà Nẵng cho biết đang tạm giam nhóm 5 người Trung Quốc và sẽ làm thủ tục bàn giao họ về nước.

Thành phố Đà Nẵng hiện đang là điểm đến của nhiều khách du lịch Trung Quốc và cũng là điểm thu hút tội phạm Hoa lục. Hôm 15/10, chính quyền Thành phố Đà Nẵng thông báo đã có hơn 400 người Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được trả về nước.

Một trong những vụ việc ở Đà Nẵng là vụ 5 người Trung Quốc hồi giữa tháng 9 bị bắt vì đã thuê các em gái vị thành niên Việt Nam quay phim kiêu dâm và tải lên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/arrested-5-wanted-chinese-fled-to-vietnam-11252019080317.html

 

Nhiều tổ chức cá nhân trong nước

lên tiếng phản đối vụ bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng

Hôm 22/11, một loạt các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân ở Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hôm 21/11.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng bị cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo điều 117 – Bộ Luật Hình sự 2015.

Thông cáo báo chí của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hôm 22/1 viết rằng: “Với việc bắt và khởi tố ông Phạm Chí Dũng, Cơ quan Công an Tp. Hồ Chí Minh đã xoá bỏ các nỗ lực tuyên truyền và thúc đẩy Quyền dân sự – Chính trị của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian gần đây; vẽ thêm mảng tối về tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam; xác lập sự vi phạm trắng trợn các cam kết nhân quyền của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng thế giới và khu vực.”

Hội cũng kêu gọi EU xem xét lại  Hiệp định Tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam vì những hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng qua vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng.

Một bản lên tiếng hôm 22/11 của 9 tổ chức xã hội dân sự cùng khoảng gần 200 cá nhân trong và ngoài nước cũng lên án vụ bắt giữ và gọi đây “là việc làm không phù hợp với nhà nước pháp quyền”, đồng thời kêu gọi chính quyền phải trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Chí Dũng.

Trước đó, một loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Phóng viên không Biên giới và Ủy ban bảo vệ các nhà báo cũng đã ra thông cáo lên án việc bắt giữ này của chính quyền Việt Nam, đồng thời kêu gọi quốc tế xem xét lại các thỏa thuận mậu dịch và đầu tư với Việt Nam vì tình trạng vi phạm nhân quyền.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-civil-society-groups-and-people-protest-arrest-of-pham-chi-dung-11252019080705.html

 

Vụ 39 thi thể: Sắp chuyển nạn nhân về nước?

Hầu hết gia đình có nạn nhân tử vong ở Anh muốn nhận thi hài người thân, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với các phóng viên tại Hà Nội rằng ”phía Việt Nam đã sẵn sàng và phía Anh cũng phối hợp rất chặt chẽ”.

“Hôm nay [25/11], hai bên vẫn còn đợi ý kiến của đoàn thẩm phán vì theo quy định của luật pháp Anh, chỉ có thẩm phán mới có quyền đưa ra kết luận nạn nhân đã tử vong để thống nhất các thủ tục kỹ thuật trước khi chuyển các nạn nhân về nước,” báo Thanh Niên đưa tin.

Liên quan đến việc các gia đình có nạn nhân tử vong sẽ nhận thi thể hay tro cốt, Thứ trưởng Sơn được Tuổi Trẻ dẫn lời nói đến thời điểm này “hầu hết các gia đình nạn nhân đều muốn đưa thi hài của người thân về, một số muốn nhận tro cốt tuy chưa nắm chính xác về số lượng cụ thể”.

Trước đó phía Việt Nam thông báo rằng mức phí hỏa táng thi thể và vận chuyển lọ tro bằng đường hàng không từ Anh về Việt Nam là 1.370 bảng (khoảng 41 triệu đồng) và chi phí mang thi hài là 2.208 bảng (khoảng 66 triệu đồng).

Thi thể của 39 nạn nhân người Việt được tìm thấy tại Khu Công nghiệp Waterglade, Essex, trong một container đông lạnh, từng được chở qua đường biển từ cảng Zeebrugge ở Bỉ tới cảng Purfleet của Anh vào sáng sớm ngày 23/10.

Danh tính 39 nạn nhân xấu số được Cảnh sát hạt Essex và Bộ Công an Việt Nam đồng thời công bố hôm 9/11.

Một số văn bản cho thấy Chính phủ Việt Nam sẽ ứng trước chi phí để hỗ trợ các gia đình đưa lọ tro hoặc thi hài nạn nhân về nước và các gia đình để hoàn trả lại chi phí này “theo quy định”.

Tập đoàn Vingroup vào hôm 20/11 xác nhận với BBC News Tiếng Việt về khoản tiền 620 triệu đồng hỗ trợ cho các gia đình có nạn nhân ở Nghệ An và Hà Tĩnh với mỗi gia đình là 20 triệu đồng.

Nghệ An có 21 gia đình và Hà Tĩnh có 10 gia đình có người thân tử nạn.

Trong khi đó xuất hiện một số cá nhân và tổ chức nói đang quyên góp để hỗ trợ các gia đình lo hậu sự cho người thân.

Mới đây Chính phủ Hà Lan xác nhận một nạn nhân dưới 20 tuổi trong vụ 39 người tử nạn từng trốn khỏi một trung tâm tỵ nạn ở Hà Lan.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50544443

 

Động đất liên hoàn tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet loan tin, vào khoảng 8 giờ 20 phút sáng ngày 25 tháng 11 năm 2019, tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã xảy ra những trận động đất liên tiếp.

Vào thời gian trên, nhiều người dân ở Hà Nội đã loan truyền trên mạng xã hội rằng họ vừa trải qua 3 lần rung lắc đồ đạc liên tiếp giống như động đất, khiến họ hoang mang. Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng viện Vật lý địa cầu cho biết, đã có động đất mạnh 5,4 độ Richter xảy ra lúc 8 giờ 18 phút sáng ngày 25 tháng 11, tại tỉnh Cao Bằng của Việt Nam. Đến lúc 10 giờ 51 phút cùng ngày, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng lại xuất hiện trận động đất mạnh 3,8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Ngoài ra, một số người dân ở huyện Bình Gia, huyện Tràng Định, thuộc tỉnh Lạng Sơn cũng đã cảm nhận rõ hiện tượng động đất khiến họ sợ hãi, phải chạy ra khỏi nhà, còn các em học sinh thì chạy ra khỏi lớp học.

Hình ảnh trên Vietnamnet cho thấy, tại xã Đàm Thuỷ, huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng trận động đất đã khiến cho những tảng đá trên núi đã bị lở, lăn xuống dưới ruộng lúa.

Báo Tân Hoa Xã của Trung Cộng cho biết, vào lúc 9 giờ 18 phút tức 8 giờ 18 phút giờ Việt Nam ngày 25 tháng 11, tại Tĩnh Tây thuộc khu tự trị tỉnh Quảng Tây của nước này cũng đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,2 độ Richter.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/dong-dat-lien-hoan-tai-ha-noi-va-mot-so-tinh-phia-bac/

 

Đồng bằng Cửu Long sụt lún

do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát

Thanh Phương

Canh tác nông ngư nghiệp thiếu bền vững, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, mặn xâm thực ngày càng sâu vào nội đồng vào mùa khô, và tác động giữ lại phù sa của các đập thủy điện thượng nguồn Mekong là những tác nhân làm suy giảm đáng kể tiềm năng sản xuất của châu thổ ĐBSCL.

Ngoài ra ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng sụt lún trầm trọng do nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến ĐBSCL chìm dần. Đó là đề tài của bài phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời RFI từ Sydney ngày 10/10/2019.

Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún

RFI :Thưa ông Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra với tầm mức ra sao và nó đã làm sụt lún vùng này như thế nào?

TS Huỳnh Long Vân: Nước ngầm đã được người dân ở ĐBSCL, đặc biệt là ở những tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, từ lâu sử dụng trong sinh hoạt, nhưng ở mức độ vừa phải, nên mực nước ngầm không bị hạ thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam theo đuổi kinh tế thị trường, gia tăng sản xuất và nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì nước ngầm được khai thác ráo riết, tăng tốc từ 1995 đến nay, để phục vụ sản xuất thâm canh trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng  thủy sản nước ngọt ở những vùng ven biển.

Vào tháng 5/2012, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) với Bộ Ngoại giao Na Uy, Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy tiến hành dự án nghiên cứu tình trạng sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau.

Qua nghiên cứu khảo sát thực địa kết hợp với những dữ liệu của Bộ NN&PTNT và những hình ảnh vệ tinh thu thập từ  nhiều thập niên trước đây, tháng 6/2013 Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy kết luận nền đất của khu vực miền Nam bị sụt lún nghiêm trọng do bơm rút nước ngầm liên tục: trong vòng 20 năm, kể từ 1995, nhiều nơi ở ĐBSCL sụt lún từ 30 đến 70cm, dẫn đến việc bờ biển bị xói mòn và chìm dần, thụt vào từ 100m đến 1.4km, làm cho châu thổ mất đi khoảng 5000ha đất.

Nếu khai thác nước ngầm không được hạn chế hoặc ngưng hẳn, thì với tốc độ sụt lún 3cm mỗi năm, Cà Mau sẽ biến mất trên bản đồ của Việt Nam trong vòng vài thập niên sắp tới.

Trong khi đó, Viện Khoa học Điạ chất và Khoáng sản thuộc  Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Viện Điạ Kỹ thuật Na Uy lắp đặt thiết bị quan trắc đo đạt sụt lún ở 339 địa điểm khác nhau ở Thành Phố  Hồ Chí Minh (TP HCM) và ĐBSCL. Kết quả cho thấy TP HCM và 6 tỉnh thành Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sụt lún trầm trọng nhất, trên 10cm tính từ 2014 đến 2017 và có nơi lún hơn 6cm mỗi năm.

Tiếp đến là những kết quả nghiên cứu của nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, bang California, Hoa Kỳ, cùng công trình nghiên cứu của nhà địa chất P. Minderhoud trong dự án “Rise and Fall” của Đại học Utrecht, Hà Lan, cũng cho thấy khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến nền đất của ĐBSCL bị sụt lún 1,6cm mỗi năm, làm cho các vùng đất ven biển, ven sông bị ngập nước, làm trầm trọng thêm tác động của hiện tượng nước biển dâng cao (2- 3mm mỗi năm).

Nếu tốc độ khai thác nước ngầm vẫn không thay đổi, thì đến năm 2050, toàn thể ĐBSCL sẽ sụt lún khoảng 88cm và vào thời điểm này mực nước biền dâng cao thêm 10cm, thì một số nơi ở ĐBSCL sẽ chìm sâu 1m.

Thêm vào đó là những kết quả nghiên cứu gần đây nhất của P. Minderhoud cho thấy độ cao trung bình của ĐBSCL là 82cm so với mặt biển, thấp hơn nhiều so với  công bố trước đây là 2,60m. Trừ An Giang, Đồng Tháp và Long An lần lượt có độ cao 1,42m, 1,41m và 1,07m so với mặt biển, các tỉnh thành còn lại của ĐBSCL đều có độ cao dưới 1m.

Như thế, sụt lún kết hợp với mực nước biển dâng cao do tác động của BĐKH sẽ khiến cho ĐBSCL có cao độ trên dưới 1 m chìm nhanh hơn so với những công bố trước đây : khi mực nước biển dâng cao 1m, thì 75% diện tích ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước so với 14% công bố trước đây và 70% dân cư vùng châu thổ  ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, thay vì chỉ có 29% theo dự đoán trước đây.

Cần Thơ sụt lún, đường phố nội ô ngập nước và giải pháp ứng phó

RFI:Như vậy thì tình trạng sụt lún này đang gây ra những hậu quả gì ở những thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn như ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất trong vùng?

TS Huỳnh Long Vân: Nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Tokyo về hậu quả của khai thác nước ngầm ở TP Cần Thơ, đối với cá nhân tôi, một người được sinh ra và trưởng thành ở thủ phủ của ĐBSCL, cũng là điều đáng quan tâm. Kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2016 cho thấy tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm ở Cần Thơ ngày càng  trầm trọng hơn và đường phố ở Cần Thơ sẽ bị ngập sâu đến 70cm vào năm 2050, nếu nước ngầm được tiếp tục khai thác với tốc độ không thay đổi.

Năm 2017, vào mùa nước nổi kết hợp với triều cường, chỉ có một khoảng đường vài trăm thước ven sông ở quận Bình Thủy bị ngập dưới 10cm. Cùng kỳ năm 2018, các đường phố chính ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn bị ngập sâu khoảng 20cm. Năm nay, 2019, mặc dù mực nước ở trạm quan trắc Châu Đốc thấp hơn so với cùng kỳ 2018, nhưng nước sông Hậu ở Cần Thơ dâng đến mức kỷ lục 2,25m, tức 20cm cao hơn năm 2018 và đường phố Cần Thơ bị ngập ở mức sâu lịch sử gần 50cm.

Cần Thơ bị ngập nặng đó là do nước sông tràn bờ dưới tác động cộng hưởng của nền đất bị sụt lún 1,80cm mỗi năm, bởi khai thác nước ngầm, mức nước biển dâng cao 2-3mm mỗi năm, kết hợp với khối  nước lũ đầu nguồn theo sông Hậu đổ về Cần Thơ cùng lúc với triều cường dâng cao.

RFI :Thành phố Cần Thơ đang có những dự án nào để chống tình trạng ngập nước?

TS Huỳnh Long Vân:  Ứng  phó với tình trạng ngập nước ở đường phố nội ô, TP Cần Thơ đang triển khai dự án tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nói rằng, hiện nay thành phố chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập và gần như “bó tay” trước các đợt triều cường và  đang kỳ vọng vào dự án 3  tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.

Dự án sẽ tập trung chống ngập khu đô thị lõi của TP Cần Thơ thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ rộng 2.675ha, bằng các giải pháp công trình như làm kè, cống, đập, âu thuyền ngăn triều cường từ sông Cần Thơ vào khu đô thị lõi; kế đến là cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp với đầu tư hệ thống trữ và điều nước kinh rạch.

Không thiếu những chỉ trích dự án này: bảo vệ được 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy, nhưng sẽ chuyển tải khối nước gây ngập trước hết đến các quận huyện khác của TP Cần Thơ và tiếp theo là  đến các vùng không có đê bao của các tỉnh nằm dọc theo hai bờ sông Hậu.

Các giải pháp ứng phó sụt lún ở ĐBSCL

RFI:Như vậy để hạn chế đà sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long thì phải ngăn chận việc khai thác nước ngầm quá mức. Nhưng theo ông, có những giải pháp nào hữu hiệu để chấm dứt việc này, nhưng vẫn bảo đảm được nguồn nước cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?

TS Huỳnh Long Vân: Giảm hay ngưng khai thác nước ngầm sẽ giảm sụt lún, nhưng không chấm dứt hoàn toàn, vì sụt lún là một quá trình chậm, nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, cho dù có giảm về tỉ lệ. Mức độ sụt lún ở mỗi địa phương khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố địa chất và mức độ khai thác nước ngầm. Dù không biết nước ngầm đang bị khai thác thế nào, nhưng chỉ cần giảm hay ngưng khai thác thì sẽ cải thiện sụt lún.

Nước ngầm ở ĐBSCL phải được xem là nguồn dự trữ chiến lược để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn hán cùng cực trong tương lai do BĐKH và không phải là nguồn nước cơ bản hằng ngày.

Vì thế dứt khoát phải chấm dứt khai thác nước ngầm ở ĐBSCL. Nhưng ở đây có một thách thức không nhỏ: làm sao có nước ngọt đủ cung cấp cho các nhu cầu hiện sử dụng hơn 2 triệu m3nước ngầm mỗi ngày?

Trước hết, nhà nước phải tiến hành nghiên cứu và đầu tư xây dựng các nhà máy lọc nước và mạng lưới đường ống để cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng châu thổ dùng trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Không thực hiện được hạng mục này, mọi kế hoạch khác chống sụt lún ĐBSCL trở nên vô nghĩa và ĐBSCL sẽ trở thành một Jakarta thứ hai.

Chính phủ phải khuyến khích từng hộ gia đình thiết kế phương tiện trữ nước mưa, nước ngọt, đồng thời dựa vào Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH xem nước mặn, nước lợ, cũng như nước ngọt, là tài nguyên để triển khai những giải pháp như xây dựng khung pháp lý với các biện pháp chế tài chặt chẽ, để người dân vùng ven biển chỉ được phép nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ, nhưng với tin tưởng là việc kinh doanh này cũng mang lại thu nhập ổn định và khu vực sẽ được duy trì trên mực nước biển.

Cuối cùng, phải chấm dứt canh tác lúa ở vùng ven biển và lúa vụ 3 để tiết kiệm nước ngọt và đồng thời thực hiện kế họach chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Ngoài khai thác nước ngầm quá mức, phá rừng phòng hộ để làm đầm nuôi tôm, khối lượng phù sa chuyển tải xuống châu thổ ĐBSCL bị suy giảm và gần như cạn kiệt, do các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn giữ lại, khiến cho bờ biển ĐBSCL bị xói mòn sạt lở, do đó cần phải có những kế hoạch cấp quốc gia để thương thảo với các nước thượng nguồn xả thải phù sa.

Việc làm này đem lại lợi ích cho cả đôi bên: trước hết là làm gia tăng tuổi thọ của các đập thủy điện và kế đến với khối lượng phù sa được chuyển tải đến sẽ giúp ĐBSCL được bồi đấp cân bằng tình trạng sụt lún tự nhiên và việc tái tạo rừng phòng hộ ven biển thành công.

RFI:Trong việc chống sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan, một quốc gia nằm dưới mực nước biển, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có thể giúp được gì cho Việt Nam ?

TS Huỳnh Long Vân: Rất may Việt Nam là đối tác lâu dài của Hà Lan trong lĩnh vực nước, và Hà Lan cũng là quốc gia ở vùng đồng bằng thấp có nhiều vùng đất đang bị sụt lún và đồng thời đang phát triển các giải pháp chuyên môn phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau trên toàn cầu.

Ngoài ra, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP HCM dành được một phần ngân sách để hổ trợ cho việc thực hiện Nghị quyết 120 và tìm hướng giải quyết thách thức về sụt lún. Nghiên cứu của Đại học Utrecht và Viện Deltares về sụt lún đất và cao trình của ĐBSCL là một ví dụ tuyệt vời về sử dụng kiến thức chuyên môn của Hà Lan để giúp tư vấn cho chính phủ Việt Nam, từ đó làm lợi cho ĐBSCL và người dân nơi đây.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191202-dong-bang-cuu-long-sut-lun-do-khai-thac-nuoc-ngam-thieu-kiem-soat

 

Việt Nam chính thức loại bỏ “viên chức suốt đời”

Quốc hội Việt Nam hôm 25/11 vừa thông qua  nội dung luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, loại bỏ các hợp đồng “viên chức suốt đời”. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, quy định chỉ ký hợp đồng có thời hạn là 12 đến 60 tháng với viên chức.

Theo truyền thông trong nước, khi thảo luận về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với công chức viên chức được tuyển dụng mới, nhiều đại biểu ý kiến đề nghị quy định các viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn tối đa 2 lần sẽ ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn để bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như thu hút các lao động có trình độ cao. Cũng có nhiều đề nghị kéo dài thời hạn hợp đồng để phù hợp với tính chất công việc tương đối ổn định của viên chức và tương ứng với quy định về thời gian bổ nhiệm, thời gian thực hiện một số công việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới là thể chế hóa Nghị quyết Trung Ương về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới, ngoại trừ các đơn vị công tác ở vùng sâu vùng xa, những vùng có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.

Quy định này cũng chỉ áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020. Những viên chức được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi nào về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-officially-eliminates-lifelong-officials-11252019082514.html

 

Bộ Thông tin & Truyền thông

cảnh báo về an toàn, an ninh mạng

Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) ra khuyến cáo, đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thay đổi thái độ khi tiếp nhận các cảnh báo về an toàn thông tin vì hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, gây thiệt hại về uy tín cũng như tiền bạc. Truyền thông trong nước đăng tải hôm 24 tháng 11 năm 2019.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tham gia vào mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia để chia sẻ, tiếp nhận các thông tin về sự cố an toàn, an ninh mạng và hỗ trợ xử lý nếu cần.

Khi xảy ra các sự cố về an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải xác định trách nhiệm vào cuộc ngay lập tức, Bộ TT&TT khi gửi cảnh báo sẽ đồng thời gửi cho người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương tương ứng.

Thống nhất, chia sẻ thông tin, phối hợp liên kết giữa các lực lượng gồm Bộ TT&TT (trực tiếp là Cục An toàn Thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao), Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng) và chủ quản Hệ thống thông tin trong công tác về an toàn, an ninh mạng.

Hồi tháng 10, Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, công bố số liệu cho thấy có gần 1.470 cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam trong quý 3 năm 2019, giảm gần 40% so với thời gian cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, một báo cáo về an ninh website được Công ty an toàn thông tin CyStack công bố trước đó cho hay Việt Nam có hơn 2.500 trang web bị tấn công, xếp thứ 10 danh sách các nước có website bị hack trên thế giới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-info-n-communi-warning-ab-network-safety-n-security-11252019082626.html

 

Việt Nam miễn thị thực cho người nước ngoài

vào khu kinh tế ven biển

Người nước ngoài sẽ được miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày, khi vào khu kinh tế ven biển.

Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước loan chiều ngày 25/11, sau khi quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam có 18 khu kinh tế ven biển, bao gồm hai huyện đảo Phú Quốc, Vân Đồn và chính phủ sẽ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện: có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi góp ý dự thảo Luật này cho biết, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng cần quy định chặt chẽ, bổ sung điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ để không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, cũng có một số đại biểu quốc hội đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với bốn điều kiện vừa nêu là “đảm bảo chặt chẽ”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Trước đó, vào ngày 14/11, Thủ tướng Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 6/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành kế hoạch muốn Vân Đồn trở thành khu kinh tế đặc thù với tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.

Vào năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phúc Quốc, hay còn gọi tắt là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét. Nhiều cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước vào tháng 6/2018. Người dân lo ngại các đặc khu này sẽ tạo điều kiện cho người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam khi điều kiện cho thuê đất lên tới 99 năm với nhiều ưu đãi. Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-exempts-visas-for-foreigners-entering-coastal-economic-zones-11252019081142.html

 

Sách Trắng Quốc phòng 2019: Việt Nam tiếp tục

khẳng định không liên minh quân sự với nước khác

Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam mới công bố vào chiều ngày 25/11 tiếp tục khẳng định chủ trương không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào trong chính sách ba không trước kia, đồng thời bổ sung thêm “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Trong Sách Trắng Quốc phòng công bố gần đây nhất vào năm 2009, Việt Nam duy trì chính sách “ba không” bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Phát biểu tại buổi lễ công bố Sách Trắng tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Sách Trắng  Quốc phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

Sách Trắng khẳng định phương châm bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

“Sau 10 năm, sự nghiệp xây dựng quân đội, quốc phòng có bước phát triển mới, bối cảnh chiến lược có thay đổi nên cần có Sách Trắng Quốc phòng mới”, mạng báo VnExpress dẫn lời ông Vịnh tại buổi công bố.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho biết cuốn sách cũng không ngại giới thiệu trnag bị vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam. Vũ khí của Việt Nam vừa đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào.

Theo Sách Trắng, quốc phòng Việt Nam được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhưng không chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% và đã tăng lên 2,36% vào năm 2018 (tương đương khoảng 5,8 tỷ đô la).

Việt Nam công bố Sách Trắng lần này vào khi có những căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc sau khi Trung Quốc điều hàng chục tàu vào vùng biển của Việt Nam từ hồi giữa tháng sáu đến tháng 10 vừa qua.

Theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây về Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam, việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam trong các năm qua thể hiện trong Sách Trắng chủ yếu là để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc ở Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-released-new-white-paper-11252019090956.html

 

Bắt Phạm Chí Dũng: Phép thử đa mục tiêu

Lập Quyền Dân

Chính quyền bắt TS. Phạm Chí Dũng đúng vào 21/11/2019, ngày cuối cùng trong chuyến thăm của bộ trưởng Mark Esper là có tính toán. Tiến một bước trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, CSVN lập tức có động thái đối trọng, đảm bảo với quan thầy Bắc Kinh rằng, Hà Nội đủ sức đàn áp đối lập, ngay cả khi đang “kéo cưa lừa xẻ” với Washington…

1. Hà Nội đã không đợi thêm một ngày nữa trước khi bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper về nước rồi mới bắt TS. Phạm Chí Dũng. Mũi tên của CSVN bắn ra cần đúng lúc và hướng tới nhiều mục tiêu. Nguyễn Phú Trọng muốn nhắn Trump rằng, nếu như Indo – Pacific là lợi ích cốt lõi của Mỹ và Washington muốn Hà Nội hưởng ứng, thì ngược lại, Mỹ phải chấp nhận paradigm dân chủ – nhân quyền kiểu Việt Nam. Vừa tung phép thử với Washington, Hà Nội vừa làm an lòng Bắc Kinh rằng, bộ máy đàn áp của Ba Đình vẫn hoạt động hiệu quả, ngay khi thoả thuận quốc phòng Việt – Mỹ đang đàm phán và hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam – EU đang trong giai đoạn chờ Quốc hội châu Âu phê duyệt. Qua một thời kỳ dài, Tàu cộng đã thành công trong ngăn cản việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” thì nếu vạn nhất tới đây xẩy ra những tình huống xấu hơn trong mối bang giao với Mỹ cũng như trong các liên hệ với châu Âu, thì điều ấy là phù hợp với kịch bản của nhóm “thân Bắc Kinh” từ giới chóp bu ở Hà Nội.

2. Dọn bãi cho Đại hội Đảng là mục tiêu hiển nhiên trong vụ bắt TS. Phạm Chí Dũng và điều này liên quan chặt chẽ với lý do đầu tiên (Phách lối với Washington và làm an lòng Bắc Kinh). Cho đến nay, khâu quan trọng nhất của mọi Đại hội là mảng nhân sự. Nhưng sau vụ 3 đặc khu, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng nhận thấy bị “sập bẫy”, nên giờ này ông chẳng còn mấy tin ai và số cận thần xả thân vì ông cũng giảm dần. Ngay cả danh sách khoảng 200 trung uỷ mà ông tốn bao công sức để “chốt hạ” cho đến giờ này vẫn chưa đâu vào đâu và nhiều khả năng phải xoá sổ để cơ cấu lại. Cũng chưa thật rõ, trong số trung uỷ ông định cơ cấu, liệu có ai dính đến các đại án mà UBKTTW vừa công bố mới đây? Trong bối cảnh ấy, để tồn tại một kho thông tin “không chính thức” như VNTB (mà lại rất chính thức vì phần lớn là do các phe phái trong đảng cung cấp) thì quá bất tiện cho mọi nhóm. Chi bằng cho dẹp tất cả nguồn phát ngôn độc lập trước Đại hội, vừa đỡ lộ đối với “các đồng chí còn nằm trong đống rơm kia” và như vậy sẽ là an toàn cho tất cả.

3. Bắt TS. Dũng còn là đẩy làn sóng khủng bố lên tầm mức mới để các phe phái thống nhất, đoàn  kết với nhau hơn. Cách làm này nặng về phô trương hơn là thực chất. Bởi vì, vấn đề giữa các đồng chí với nhau ngày nay họ chả có bất đồng gì về lý tưởng cả. Với trình độ đều đã tốt nghiệp “n” AQ (Nguyễn Ái Quốc là tên cũ của trường đảng), tất cả họ đều thuộc bài. Trung cộng chỉ có một AQ của Lỗ Tấn, Việt Nam có đến “n” AQ, nên việc bảo vệ sự thống nhất về tư tưởng tự nhiên thành ưu tiên của mọi ưu tiên. Sự lựa chọn ngày nay không còn ngặt nghèo như trước đây thời “đấu tranh giữa hai con đường”. Ngày này, chỉ còn lại một con đường duy nhất, đó là “chủ nghĩa tư bản máu lửa” (Nhận xét của “đồng chí” John Kerry từ cách đây mấy năm), nhưng vấn đề là ai sẽ chiếm được phần to hơn từ cái bánh “home made” thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ấy? Hẳn là các nhóm lợi ích sẽ không chùn bước trước bất cứ thủ đoạn nào để hiện thực hoá điều bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng khái quát “ăn của dân không chừa thứ gì”.

4. Chặn người sáng lập ra VNTB nhằm ngăn không để những tàn lửa từ “đám cháy Hồng Kông” rơi vào “đồng cỏ khô đất Việt”, trải dài từ Bắc vô Nam. Từ sáu tháng nay, CSVN ăn không ngon ngủ không yên, không phải vì lo tìm con đường cho đất nước phát triển. Một khi quốc gia đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ các nước “không muốn phát triển” (Nhận xét của chuyên gia kinh tế hàng đầu Phạm Chi Lan) thì điều ám ảnh lớn nhất đối với nhà cầm quyền (vốn không phải do dân bầu lên) là cuộc nổi dậy của những người vô sản cùng đinh. Có áp bức thì có đấu tranh. Tấm gương Hồng Kông tày đình, khiến không chỉ Tập Cận Bình buộc phải ra một cái lệnh ngu ngốc là cấm lãnh đạo thế giới nhắc đến hai chữ “Hồng Kông” tại hội nghị G20 sắp tới, mà Nguyễn Phú Trọng cũng tấp tểnh muốn “khoá miệng” tất cả tiếng nói đối lập trong nước. Nhưng bàn tay làm sao che được mặt trời (Mà ở đây mới đúng là “mặt trời chân lý”)? Bắt một Phạm Chí Dũng vào tù sẽ có hàng trăm Phạm Chí Dũng khác mọc lên. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ từ “mùa Hè Hồng Kông”, cánh đồng cỏ Việt Nam thế nào cũng có ngày bốc cháy.

5. Nhà báo Phạm Chí Dũng chưa bao giờ công khai nhận làm “chim cảnh” cho bất cứ một phe nhóm nào. Nhưng trong cuộc đấu đá nội bộ, không ai cấm các thế lực từ một anh Tư hay anh Năm nào đó, đã sử dụng VNTB như một vũ khí để triệt hạ đồng chí mình. Những “Chân dung quyền lực” hay “Nhiệt liệt chào mừng Đại hội 13” dần dà không còn là thời thượng nữa. Giờ đây có thể các bên trong cuộc chiến “giáp là cà” đạt được đồng thuận mới về lối chơi tới đây, và họ không muốn sử dụng VNTB nữa. “Vắt chanh bỏ vỏ” là một triết lý hết sức “nhân văn” của cộng sản bao đời nay. Vì vậy, tất cả chúng ta nhất tâm ủng hộ Thông cáo báo chí của VNTB. Theo đó, chúng ta tuyên bố, với việc bắt và khởi tố TS. Phạm Chí Dũng, Công an Tp. Hồ Chí Minh đã xoá bỏ các nỗ lực thúc đẩy quyền dân sự – chính trị của chính phủ trong thời gian gần đây, tô đậm thêm mảng tối về tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam, xác lập sự vi phạm trắng trợn các cam kết nhân quyền của nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng thế giới và khu vực.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/arresting-pham-chi-dung-multi-goal-test-11242019160418.html

 

Từ chuyện ‘chuyên cơ’

cũng trở thành phương tiện buôn người

Trân Văn

Nam Hàn vừa yêu cầu công dân Việt Nam muốn xin visa du lịch phải nộp… bản gốc của sổ tiết kiệm. Không rõ các viên chức ngoại giao Nam Hàn từng nêu yêu cầu này với công dân của quốc gia nào chưa (?) nhưng chắc chắn, yêu cầu xuất trình bản gốc sổ tiết kiệm khi xin visa du lịch thuộc loại… hiếm có (1)!

Giống như nhiều quốc gia khác, nhằm hạn chế việc lợi dụng visa du lịch để đến và cư trú bất hợp pháp tại xứ sở của mình, Nam Hàn cũng đòi người xin visa phải chứng minh, cuộc sống của họ đủ ổn định (nghề nghiệp, thu nhập, những ràng buộc trong quan hệ cá nhân như gia đình,…) để đi đâu thì đi rồi cũng trở về sinh quán.

Thường thì người xin visa chủ động lựa chọn phương tiện chứng minh và vì dễ tìm, dễ thuyết phục khi phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh, người xin visa hay chọn bảng lương, tờ khai thuế, sổ tiết kiệm, các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản, động sản, kể cả visa nhập cảnh những quốc gia khác… làm phương tiện chứng minh.

Việc Nam Hàn buộc người Việt phải dùng sổ tiết kiệm làm phương tiện chứng minh, thậm chí phải xuất trình bản gốc sổ tiết kiệm để kiểm tra cho thấy các viên chức hữu trách của Nam Hàn đã dư… kinh nghiệm để… rút và sau khi… rút, không dám tin vào sự chân thực của các phương tiện chứng minh khác!

***

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 14, tuần này, trước khi giải tán, các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét và bỏ phiếu cho 12 dự luật, nghị quyết. Nói cách khác, suốt một tháng hội họp tại Hà Nội, không đại biểu nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân” chất vấn, đòi các viên chức hữu trách trả lời về scandal có tới chín người tháp tùng phái đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm Nam Hàn, rồi ở lại Nam Hàn bất hợp pháp…

Chuyện chín công dân Việt Nam được “chuyên cơ” chở Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hỗ trợ thực hiện kế hoạch đến Nam Hàn cư trú trái phép xảy ra hồi cuối năm ngoái. Đến tháng 9 năm nay mới đổ bể thành scandal sau khi 2/9 bị Nam Hàn bắt và một người khác ra đầu thú để được hồi hương!

Tuy scandal vừa kể liên quan đến thể diện quốc gia, thiên hạ sửng sốt vì “chuyên cơ” của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng bị biến thành phương tiện buôn người (xưa nay, thiên hạ vẫn cho rằng, sắp đặt để ai đó có thể nhập cảnh hợp pháp hay bất hợp pháp nhằm cư trú trái phép ở quốc gia nào đó đều là… buôn người) nhưng suốt hai tháng vừa qua, các viên chức hữu trách ở Việt Nam tìm đủ mọi cách để né tránh việc trả lời tại sao, như thế nào, ai phải chịu trách nhiệm!

Cuối tháng 9, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) đứng ra nhận trách nhiệm trong việc tổ chức cho các “doanh nhân” tháp tùng Chủ tịch Quốc hội và để xảy ra scandal chín thành viên trong phái đoàn ở lại Nam Hàn bất hợp pháp. Ngoài tuyên bố “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, Bộ KHĐT hứa sẽ “xử lý nghiêm khắc” nếu “phát hiện sai phạm” (2).

Đầu tháng 10, tại cuộc họp báo định kỳ của chính phủ, Bộ Công an từ chối công bố danh tính của chín người được chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội đưa sang Nam Hàn cư trú bất hợp pháp vì Bộ KHĐT “đã có trả lời ban đầu” và Tổng Thư ký Quốc hội “đã trao đổi thông tin với báo chí” (3).

Tuy nhiên đến trung tuần tháng 10, tại một cuộc họp báo quốc tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội, vẫn chỉ lặp lại điều mà ông từng tuyên bố trước đó: Tốt nhất là không cho đi nhờ nữa! Ông Phúc khẳng định ông không biết danh tính chín người và bảo báo giới đừng hỏi nữa vì Bộ KHĐT, Bộ Công an đã từng… trả lời hồi đầu tháng 10 (4).

***

Cho dù phát giác chín người lợi dụng “chuyên cơ” chở Chủ tịch Quốc hội Việt Nam để đến Nam Hàn cư trú bất hợp pháp nhưng chính quyền Nam Hàn im lặng, chỉ có hệ thống truyền thông Nam Hàn loan tin sau khi các viên chức hữu trách của Nam Hàn bắt được 2/9 và thêm một người ra đầu thú.

Hai tháng vừa qua, chính quyền Nam Hàn tiếp tục im lặng, dù giải thích của Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam, tuyên bố của đại diện Bộ KHĐT, đại diện Bộ Công an Việt Nam khiến ngay cả người Việt cũng lắc đầu ngao ngán… Mới đây, Nam Hàn đưa ra yêu cầu mới, muốn xin visa du lịch, công dân Việt Nam phải xuất trình… số tiết kiệm bản gốc!

Có bốn trong số mười quốc gia ở khu vực Đông Nam Á mà công dân của họ có quyền đến Nam Hàn bất kỳ lúc nào họ muốn. Trong đó, công dân của Malaysia, Singapore và Thái Lan có quyền cư trú tại Nam Hàn đến ba tháng và công dân Brunei có quyền cư trú tại Nam Hàn một tháng mà không cần visa (5)!

Chuyện phải xuất trình sổ tiết kiệm bản gốc khi xin visa du lịch Nam Hàn lại làm người ta nhớ đến sự tự đắc của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước Việt Nam khi ông tuyên bố Việt Nam chưa bao giờ “được” như hiện nay, kèm nhận định “ta như thế nào” thì “vị thế” trong cộng đồng quốc tế mới như lúc này!

Scandal chín người dùng “chuyên cơ” chở Chủ tịch Quốc hội để đến cư trú bất hợp pháp ở Nam Hàn, rồi chuyện phải xuất trình sổ tiết kiệm bản gốc khi xin visa du lịch Nam Hàn cũng làm người ta nhớ đến việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng vài lần bảo công dân Việt Nam phải tự hỏi “đã làm gì cho đất nước”!

Chú thích

(1) https://plo.vn/kinh-te/du-lich/xin-visa-du-lich-han-khach-viet-nop-so-tiet-kiem-goc-870790.html

(2) https://tuoitre.vn/vu-9-nguoi-tron-o-lai-han-quoc-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nghiem-tuc-rut-kinh-nghiem-20190926132715047.htm

(3) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ly-do-chua-cong-bo-danh-tinh-9-nguoi-tron-lai-han-quoc-573430.html

(4) https://tuoitre.vn/vu-9-nguoi-bo-tron-lai-han-quoc-tot-nhat-la-tu-sau-khong-cho-di-nho-nua-20191018160113589.htm

(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Visa_policy_of_South_Korea

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-co-buon-nguoi-han-quoc-so-tiet-kiem/5180077.html