Tin Việt Nam – 25/11/2018
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
bị đầu độc
Theo thông tin từ trang Facebook của luật sư Lê Công Định, thì chiều thứ Bảy (24/11), gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức đã đến trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, để thăm anh theo định kỳ hàng tháng.
Sau khi đọc bài hát viết tặng cha mình, anh Thức nói ngay rằng, cách đây 4 ngày (tức thứ Ba 20/11), lúc 5h15 khi thức dậy vào sáng sớm như mọi ngày, anh thấy chóng mặt chao đảo, đo huyết áp thì kết quả rất cao (150/110), mồ hôi tuôn ra rất nhiều, nước uống vào bị ộc ra, có lẫn một vài sợi máu tươi.
Khi anh nằm nghỉ một chút thì bỗng rất nhiều mật vàng, mật xanh trong người trào ta, khiến quay cuồng đầu óc. Nhân viên y tế của trại giam khám, nói anh bị “tuần hoàn não” và cho uống 2 viên thuốc, nhưng ngay lập tức lại trào ra hết.
Đến 7h sáng, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn trưa bình thường, nhưng cả ngày hôm đó anh rất mệt. Sang hôm sau thì sức khoẻ anh trở lại bình thường cho đến hôm nay.
Tuy nhiên, từ hôm đó anh không dám dùng thức ăn mà trại cung cấp, vì không còn an toàn nữa. Thấy anh dùng mì gói, trại giam lại dùng thủ đoạn đê tiện là không phát nước sôi cho anh như từ trước đến nay vẫn làm.
Anh Thức cho biết giờ đây ban giám thị trại giam chỉ thị gây khó khăn cho anh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây. Cán bộ quản giáo chỉ đơn giản bảo “lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết” để trả lời các phản đối và yêu cầu viện dẫn luật của anh Thức.
Họ hạn chế và không cho anh Thức nhận thư nữa, cũng không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh. Họ còn thông báo rằng sắp tới sẽ xem xét cấm hẳn dùng nước sôi, đèn pin, máy đo huyết áp và máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ pháp lý thì họ không trả lời.
“Những gì cơ bản cho sinh hoạt tối thiểu trong tù như trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa,” anh Thức cho biết như vậy.
Cuối buổi gặp anh Thức đề nghị toàn thể nhân dân, bạn bè quốc tế và các luật sư can thiệp khẩn cấp giúp chấm dứt tình trạng nguy hiểm, trong đó có khả năng bị đầu độc, mà anh đang đương đầu.
Thông tin này hoàn toàn phù hợp với điều mà một nhà ngoại giao nước ngoài cho luật sư Lê Công Định hay vào tuần trước, rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang sử dụng hình thức tra tấn tinh thần anh Trần Huỳnh Duy Thức, buộc anh nhận tội để được trả tự do trong nước, vì anh hoàn toàn từ chối đi nước ngoài.
FB Lê Công Định
https://www.sbtn.tv/tu-nhan-luong-tam-tran-huynh-duy-thuc-bi-dau-doc/
Vương quốc bóng đêm
Tuấn Khanh
Cảm giác bất lực nhất thời trước nỗi đau của người khác, là một cảm giác ghê sợ và xoáy nhói vào trong suy nghĩ không thôi. Câu chuyện của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức mới đây, về việc ông bị ngộ độc trong nhà tù, là một ví dụ.
Theo lời kể, gia đình của ông Thức choáng váng khi nghe ông mô tả về việc ông có biểu hiện ngộ độc, nhưng được chữa trị sơ sài, thậm chí khi ông Thức muốn áp dụng các biện pháp muốn tự bảo vệ mình như chọn ăn mì gói và đồ đóng kín sẳn, thì cai tù phản ứng lạ thường là nói sẽ không cấp nước sôi.
Điềm tĩnh và thậm chí có phần ngạo nghễ, ông Thức nói lại rằng “vậy thì ăn mì sống cũng được”.
Dĩ nhiên, đó là bản lĩnh của người trong cuộc, nhưng với người bên ngoài, thì nghe quặn đau. Bởi tự do của một con người bị tước đoạt, giờ lại nghe đâu cuộc sống cũng dần bị cấu xé từng phần, theo kiểu vô luân nhất mà hiện thực Việt Nam được biết.
Lần đầu tiên, từ trại giam Nghệ An ra sân bay, gia đình ông Thức đã viết thư khẩn cho bạn bè, người quen. Ngay trong đêm, khi máy bay chưa cất cánh về Sài Gòn, thư đã đến với từng người. Có nhiều người đã không ngủ được. Những lời nhắn từ các luật sư, bác sĩ, giới truyền thông… liên tục qua lại với nhau trong đêm ấy.
“Sau khi đọc bài hát của ảnh tặng Ba, ảnh nói ngay là cách đây 4 ngày (tức Thứ Ba), lúc 5h15, thức dậy ảnh thấy chao đảo, đo huyết áp rất cao: 150/110, mồ hôi ra rất nhiều, uống nước thì bị ộc ra, ộc ra có lẫn một vài sợi máu tươi. Nằm một lát thì ộc ra rất nhiều mật vàng, mật xanh, chao đảo, nghiêng ngã, quay cuồng. Y tế trại giam cho uống 2 viên thuốc thì ộc ra hết. Họ nói “bị tuần hoàn não”.
Đến 7h, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn cơm bình thường nhưng cả ngày hôm đó mệt lắm. Đếm hôm sau thì trở lại bình thường đến hôm nay.
Anh Thức nói nhờ bác sĩ xem như vậy là bị gì.
Anh Thức dặn tháng sau gia đình đi thăm vào ngày 8/12 nhưng nếu bác sĩ thấy tình hình sức khoẻ của ảnh gấp thì ra thăm ảnh ngày 1/12.
Anh Thức nói bây giờ ảnh cảm thấy không an toàn, không dám ăn cơm trại, chỉ ăn mì gói cầm cự kêu cứu nhân dân, bạn bè quốc tế. Nếu trại không phát nước sôi thì ăn mì sống.
Anh Thức cho biết bây giờ trại giam gây khó khăn cho ảnh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây, họ chỉ cần nói “lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết” để trả lời các phản đối, yêu cầu căn cứ luật của anh Thức.
Họ hạn chế và không cho anh Thức gửi và nhận thư. Họ không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh và nói với anh Thức sắp tới họ sẽ xem xét không cấp nước sôi, không cho sử dụng đèn pin, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ thì họ không trả lời. “Những gì tốt đẹp trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa”, anh Thức nói vậy.
Về thư yêu cầu luật sư Trần Vũ Hải lo cho vụ án của ảnh và đề nghị luật sư vào gặp, anh Thức nói là sẽ làm nhưng bây giờ thư từ nó chậm lắm (trại giam làm chậm duyện hoặc không gửi đi)” (trích)
Có chi tiết đáng chú ý, là khi ông Thức kể về chuyện ông bị ngộ độc, các nhân viên của trại giam để yên cho ông nói, như một cách mượn ông Thức truyền đạt sự kinh sợ cho gia đình. Nhưng khi bàn về các vấn đề luật pháp, và việc pháp lý được giao cho luật sư tìm hiểu thì họ lập tức ngăn cản. Cũng vậy, mọi đơn từ hợp pháp của ông Thức gửi cho các cơ quan công quyền và luật sư đều bị ách tắc, cản trở.
Nhà tù ở Việt Nam lạ lùng như vậy đó. Nó không khác gì kiểu vương quốc của bóng đêm, mọi thứ được điều khiển bằng ý chí của một cá nhân hay một nhóm người nào đó, mà cái ác và sự bất lương được lấy làm căn bản. Luật pháp chỉ là thứ để giới thiệu về cái bóng của sự văn minh, được nhà cầm quyền luôn trình diễn sự rượt đuổi.
Tương tự như bộ phim Monster Inc của trẻ con – về những giống loài chỉ có thể tồn tại và lớn lên bằng năng lượng tạo ra từ sự sợ hãi của kẻ khác – nhà tù Việt Nam cũng thích tạo ra sợ hãi như vậy, không chỉ cho người bị giam giữ, mà còn nhắm đến cả người thân của họ ở bên ngoài.
Chúng ta vẫn nghe chuyện nhà tù Việt Nam ngăn chận không cho tù nhân gặp người nhà trong nhiều tháng, không cho gọi điện thoại về, cho tù thường phạm đe dọa, đánh đập, chuyển trại giam thật xa, heo hút để làm khổ người bên ngoài, khủng bố tinh thần người bị giam, đau bệnh không được chăm sóc đúng mức cần thiết… Những điều đó, ắt phải có mục đích tạo ra cảm giác bất lực và đau đớn cho cả gia đình của người bị giam hãm. Vương quốc bóng đêm ấy không chỉ dành cho người tù, mà nó tạo nên sự thì thầm sợ hãi và đau đớn cho cả một xã hội quen sống với nhân ái và luật pháp.
Nhưng đừng quên, trong đau đớn ấy, con người còn biết nuôi dưỡng cả sự căm giận và sự nhận thức về đổi thay.
Lấy sợ hãi làm nền tảng cho sự tồn tại cho mình, thế kỷ này, đó là suy nghĩ vô cùng ấu trĩ. Hãy chạm vào nhận thức, về một nền văn minh phải đi tới và mọi sự tồn tại của các chế độ đều có giới hạn nhất định, thì bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự ấu trĩ đang sụp đổ trong vương quốc, mà bóng đêm không bao giờ là vĩnh cửu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/night-empire-11252018102729.html
Bão gây ‘tê liệt’ Sài Gòn, ít nhất một người chết
Cơn áp thấp nhiệt đới sau bão Usagi, mà Việt Nam gọi là bão số 9, đã gây mưa lớn ở nhiều tỉnh thành, khiến Sài Gòn ngập lụt khắp nơi hôm 25/11.
Hình ảnh được truyền thông và mạng xã hội đăng tải cho thấy rằng nhiều tuyến đường ở trung tâm tài chính của Việt Nam ngập trong nước, gây “tê liệt” giao thông.
Tin từ trong nước cho hay, một người tử vong và nhiều người bị thương vì cây đổ vào người ở Sài Gòn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 25 đến sáng 26/11, vùng biển và đất liền từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2 – 4 m.
Bão Usagi đe dọa vụ mùa cà phê và khai thác dầu ở Việt Nam
“Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ”, dự báo có đoạn.
Theo báo điện tử VnExpress, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM hôm 25/11 đã ra thông báo khẩn, cho phép gần 2 triệu học sinh nghỉ học vào ngày 26/11 để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho biết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đã ký ban hành công điện, chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ”.
Trước Usagi, tuần trước, cơn bão số 8 đã gây ra lũ quét và lở đất ở tỉnh Khánh Hòa làm ít nhất 19 người thiệt mạng.
1 Cô Vô Sở Công An Bị 3 Côn Đồ Hành Hung
HANOI — Chuyên rất lạ…
Báo Công Lý kể rằng một phụ nữ bị 3 người đàn ông hành hung tại trụ sở Công an tỉnh Thái Bình.
Báo này ghi là khi phát hiện nhóm thanh niên điều khiến xe ô tô truy đuổi, người phụ nữ lái xe vào trụ sở Công an tỉnh Thái Bình để lánh nạn nhưng vẫn bị các đối tượng xông vào hành hung.
Chiều 23/11, Công an tỉnh Thái Bình cho biết đơn vị đang làm rõ vụ việc một nhóm thanh niên truy đuổi, hành hung một phụ nữ tại sân trụ sở Công an tỉnh.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11h30 ngày 19/11, chị Vũ Thị Thiện (26 tuổi) tự lái ôtô nhãn hiệu Kia morning, BKS Hà Nội vào trụ sở Công an tỉnh Thái Bình. Ngay sau đó, một nhóm đối tượng đuổi theo cũng chạy vào sân Công an tỉnh cùng với dao, kéo, gậy và có một số hành vi quá khích với chị Thiện.
Thấy vậy, đội Cảnh sát 113 Công an Thái Bình đã khống chế nhóm thanh niên quá khích. Các đối tượng được xác định là Phạm Ngọc Hải (31 tuổi, trú tại Vũ Thư, Thái Bình), Phạm Văn Cường (24 tuổi, trú tại Kiến Xương, Thái Bình) và Mai Xuân Nam (21 tuổi, trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Theo Công an tỉnh Thái Bình, thời điểm cô gái lao xe vào lánh nạn, cổng trụ sở Công an đang mở để mọi người ra về sau giờ làm việc buổi sáng. Sự việc diễn ra bất ngờ và nhanh nhưng cảnh sát vẫn kịp khống chế các đối tượng. Hiện nhóm đối tượng đang bị tạm giữ để điều tra các hành vi vi phạm pháp luật.
Bước đầu, xác định, chị Vũ Thị Thiện xuất phát từ Hà Nội lúc 8h sáng cùng ngày. Đến gần trưa, chị Thiện đến nhà một người đàn ông ở xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Tại đây, giữa chị Thiện và gia đình người đàn ông này xảy ra mâu thuẫn. Chị Thiện lái xe ra về liền bị nhóm thanh niên trên đuổi theo.
Trong khi đó, bản tin SOHA/Gia Đình & Xã Hội gọi đó là hi hữu: Chạy vào trụ sở công an tỉnh, thiếu nữ vẫn bị nhóm côn đồ hành hung.
Sau khi chị Thiện chạy vào trụ sở công an tỉnh lánh nạn, nhóm thanh niên vẫn không buông tha, lao theo và hành hung, đập phá xe ô tô của nạn nhân.
Thông tin cho PV vào ngày hôm nay (23/11), đại diện Công an tỉnh Thái Bình xác nhận, đơn vị đang tiến hành điều tra và làm rõ nhóm thanh niên lao vào trụ sở công an tỉnh hành hung cô gái và đập phá tài sản. Vụ việc xảy ra trưa 19/11.
Trước khi xảy ra vụ việc, khoảng 8h sáng 19/11, chị Vũ Thị Thiện (26 tuổi) điều khiển ô tô Kia morning đi từ Hà Nội đến nhà một người đàn ông ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư (cùng tỉnh Thái Bình).
Lúc này, chị Thiện lái xe ô tô đi về nhưng bị một nhóm thanh niên lạ mặt đuổi theo. Phát hiện vụ việc, chị Thiện hoảng sợ nên khoảng 11h30 cùng ngày, khi lưu thông đến gần Công an tỉnh Thái Bình, thiếu nữ này điều khiển ô tô vào thẳng trụ sở để lánh nạn.
Tuy nhiên, nhóm thanh niên vẫn không buông tha và lao vào theo. Tại đây, các đối tượng quá khích mang theo kéo, gậy, gạch hành hung cắt tóc chị Thiện và đập phá xe nạn nhân điều khiển.
Phát hiện vụ việc, Đội cảnh sát 113 Công an tỉnh Thái Bình nhanh chóng triển khai khống chế các đối tượng quá khích gồm: Phạm Ngọc Hải (31 tuổi), trú tại huyện Vũ Thư; Phạm Văn Cường (24 tuổi), trú tại huyện Kiến Xương và Mai Xuân Nam (21 tuổi), trú tại huyện Quỳnh Phụ (cùng tỉnh Thái Bình).
https://vietbao.com/a287932/1-co-vo-so-cong-an-bi-3-con-do-hanh-hung
Phong Trào Bỏ Đảng…
Trần Khải
Vậy là rủ nhau bỏ đảng, sau khi ý thức rằng Đảng CSVN đã xa rời quyền lợi người dân, và thấy rõ đã trở thành một khối áp bức nhân dân. Nhiều người bỏ sinh hoạt đảng từ rất lâu, nhưng bây giờ mới có cơ duyên bộc lộ công khai.
Bản tin VOA kể rằng vào ngày 4/11/2018 Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn thị Kim Chi chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Người từng là một diễn viên nổi tiếng đã dùng trang Facebook để trình bày lý do bỏ đảng, nhưng chung quy là vì nhận ra rằng dưới quyền Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nhà nước Việt Nam quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa xã hội mà bà cho là “con đường tăm tối, đi ngược với xu thế tiến bộ của nhân loại”.
Trong khi đó, bản tin BBC ngày 30/10/2018 nêu câu hỏi, có vẻ như nghi vấn nhưng cũng là một hiện tượng: Bỏ Đảng, bỏ Đoàn sẽ thành phong trào?
Chỉ vài ngày sau khi GS Chu Hảo bị kỷ luật hôm 25/10, tới nay đã có gần 20 người tuyên bố ‘bỏ Đảng’, theo danh sách được cập nhật liên tục trên mạng xã hội.
Ngày 27/10, GS Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay cũng “từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam” để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh.
Trong số những người tuyên bố bỏ đảng cùng GS Chu Hảo, có người là nhà văn, có người là quân nhân, có người từng làm trong bộ máy chính quyền nhà nước. Đại đa số đã về hưu. Tuy nhiên cũng có một số người trong độ tuổi 25 đến ngoài 40.
Trong khi đó, bản tin RFA kể chuyện lặng lẽ bỏ đảng ở Đà Nẵng: Truyền thông Việt Nam vào ngày 21/11 trích thông tin từ Ban tổ chức Quận ủy Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục quy trình để xóa tên đảng viên đối với ôn Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Lý do đề nghị xóa tên đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh được Quận ủy Hải Châu đưa ra là vì ông Vinh không chuyển hồ sơ đảng viên và đã bỏ sinh hoạt đảng trong nhiều năm.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do về việc này, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết:
“Tôi thấy chuyện đó bình thường thôi bởi vì cái gì đến sẽ đến, thật ra cái chuyện này đã xảy ra từ năm 2014 và bởi vì tôi thấy rằng lý tưởng đó không còn phù hợp với tôi nữa và tôi không sinh hoạt đảng để còn làm mấy việc khác của xã hội.”
Trên thực tế, ông Huỳnh Tấn Vinh đã từ bỏ đảng từ trước khi có quyết định của chi bộ. Ông Vinh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình rằng:
“Thật ra mình không muốn mọi chuyện quá ồn ào gây khó xử cho tổ chức nên đã lặng lẽ ra khỏi đảng từ năm 2014.
Vì sao ư? Vì những điều đang diễn ra không còn phù hợp với lý tưởng ban đầu mà mình đã tin đã theo, đã chiến đấu, bị thương như một nguời lính và gia nhập đảng ở chiến trường K. từ 1980.”
Ông Huỳnh Tấn Vinh là một người khá nổi tiếng ở Đà Nẵng trong thời gian vừa qua khi thể hiện quan điểm cá nhân về nhiều vụ việc mà ông cho là bất công trên mạng xã hội.
Ngoài chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông Vinh còn được nhiều người biết đến khi lên tiếng công khai phản đối những vi phạm trong quy hoạch mà ông cho là sẽ tàn phá bán đảo Sơn Trà, lá phổi xanh của Đà Nẵng.
Bản tin RFA ghi rằng:
“Không rõ là những lên tiếng phản đối về bán đảo Sơn Trà có tác động thế nào đối với quyết định xóa tên khỏi đảng của Quận ủy Hải Châu hay không. Ông Huỳnh Tấn Vinh không muốn trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này.
Trong lần trả lời phỏng vấn với Báo Giao Thông số đăng ngày 11/6/2017, ông Vinh có chia sẻ rằng, sau nhiều diễn biến liên quan đến quy hoạch Sơn Trà, Tổng cục du lịch và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu ông thôi chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch vì cho rằng ông có những kiến nghị vượt cấp làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của chính phủ.
Ông Vinh còn cho rằng vì không đồng ý thôi chức và vẫn tiếp tục lên tiếng nói để bảo vệ Sơn Trà nên phía gia đình ông đã gặp nhiều rắc rối, hăm dọa khiến cuộc sống không yên ổn.”
Vậy thì, nhà nước CSVN phản ứng ra sao? Sẽ đàn áp thô bạo? Sẽ mắng chửi những người bỏ đảng? Và đảng CSVN lam thế nào ngăn cản làn sóng bỏ đảng?
Tạp Chí Cộng Sản ngày 22/11/2017 có bài viết của hai tác giả Phùng Ngọc Bảo và Phạm Nguyễn Ngọc Anh, cho thấy đây là cẩm nang để “nhận diện và phòng, chống”… phong trào “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên.
Bài viết nêu rõ đây là sự tồn vong của CSVN:
“…“Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là một vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để nhận diện và phòng, chống thì việc tìm hiểu nguyên nhân và đề ra những giải pháp cơ bản giúp khắc phục vấn đề trên trong thực tiễn là cần thiết.”
Trước tiên, là chơi trò chụp mũ mặc dù không nói rõ đế quốc là nước nào và thế lực thù địch là tổ chức nào. Bài viết chụp mũ liền:
“Có thể nói, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là điều kiện, cơ hội cho chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên.”
Kế tiếp, hai tác giả phải giương cao lá cờ Mác-Lê-Hồ để phù phép:
“Từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là quá trình tự thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, từ đúng thành sai, từ tin tưởng đến hoài nghi, phủ định tính khoa học, tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chuyển sang sùng bái, tin theo các luận điểm tư sản, sai trái, phản động.”
Thế rồi, hai tác giả thú nhận rằng giá trị dân chủ và nhân quyền “không phù hợp với VN” đã tràn vào làm lung lay suy nghĩ của nhiều người, dẫn tới hiện tượng bỏ đảng. Bài viết trích:
“Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể khái quát qua một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, do những tác động trái chiều của quá trình toàn cầu hóa và kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường cùng với quá trình toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, tác động đến mọi mặt về kinh tế – xã hội của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đối với nước ta, quá trình này bên cạnh những tác động tích cực thì còn chứa đựng những tác động tiêu cực, là nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là việc truyền bá những giá trị dân chủ, nhân quyền, đạo đức, lối sống không phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể hiện nay của Việt Nam. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự bùng nổ thông tin qua internet đã tác động trực tiếp đến nhận thức của mỗi người. Cùng với sự lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội đến từ các quốc gia trên thế giới còn có sự xâm nhập những lối sống thiếu lành mạnh, phản tiến bộ, hoặc là công cụ của các thế lực thù địch. Và, những hoài nghi, dao động không được định hướng kịp thời được cộng hưởng bởi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” đã tác động tiêu cực đến một bộ phận cán bộ, đảng viên có lập trường không vững vàng, tự nguyện rời bỏ lý tưởng của Đảng, công khai chỉ trích lý tưởng, con đường chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, do những thách thức của hoàn cảnh lịch sử, âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong, ngoài nước. Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu buổi đầu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy giảm lòng tin của một số cán bộ, đảng viên đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội….”
Thế rồi, hai tác giả vùi dập, mắng mỏ các giá trị thể chế quốc tế, trích:
“Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn không ngừng thay đổi nội dung và phương thức hoạt động. Ngoài các chiêu bài cũ như: phổ biến tuyên truyền các giá trị “dân chủ”, nhân quyền, thể chế “tam quyền phân lập”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”… hiện chúng đang sử dụng các phương thức mới như: tán dương, ủng hộ và dựa vào các đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để thực hiện ý đồ chuyển hóa chế độ xã hội ta…”
Giải pháp? Hai tác giả đưa ra biện pháp kềm kẹp…
Hai tác giả viết:
“…đặc biệt coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới… … thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong Đảng. Gắn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm pháp lý của đảng viên…. nâng cao chất lượng quản lý đảng viên, thường xuyên duy trì có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Với đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tự giác đặt mình vào trong tổ chức, chịu sự quản lý của tổ chức…”
Kế tiếp, giải pháp là “Đảng phải thường xuyên quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần và lợi ích thiết thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên.” Nghĩa là tiền…
Than ôi, vừa kềm kẹp tư tưởng, vừa bơm tiền để giữ chân cán bộ, đảng viên… Còn gì nữa không? Bùa phép CSVN chỉ có thế thôi sao? Không thấy nói chuyện lý tưởng “độc lập, tự do” nữa sao? Hay phải chăng, độc lập đã hiến mất cho phương Bắc rồi. Còn tự do thì để ngẩng mặt lên trời mà hỏi?
https://vietbao.com/a287944/phong-trao-bo-dang-
Trấn áp GS Chu Hảo cho thấy
”sự rệu rã” của đảng Cộng Sản Việt Nam
Vụ GS Chu Hảo bị đảng Cộng Sản Việt Nam khai trừ tiếp tục có thêm nhiều phản ứng. Hôm nay, Chủ Nhật 24/11/2018, ông Nguyễn Quang A, một chuyên gia độc lập trong nước, nhận định việc đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương trấn áp GS Chu Hảo và một số biện pháp đàn áp mới đây cho thấy rõ đảng đang « rệu rã hết sức trầm trọng » và « vô cùng bế tắc », phải dùng đến các trấn áp « tư tưởng » để duy trì đoàn kết nội bộ.
Vụ GS Chủ Hảo, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Tri thức bị ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ luật đã gây nhiều phản ứng trong giới nghiên cứu quốc tế về Việt Nam. Hôm 14/11, hơn 80 trí thức nước ngoài và gốc Việt gửi thư ngỏ bày tỏ « bất đồng » và « thất vọng sâu sắc» về những cáo buộc đối với ông Chu Hảo. Các trí thức ký thư ngỏ ca ngợi công việc của ông Chu Hảo tại Nhà xuất bản Tri Thức đã « giúp các sinh viên và học giả Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các công trình học thuật lớn của các nước khác (được coi là « nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn ») bằng cách dịch chúng sang tiếng Việt ».
Đọc thêm : Vụ GS Chu Hảo: Giới nghiên cứu Việt Nam trên thế giới lo ngại
Hôm qua, 24/11, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng bảo vệ việc « kỷ luật » và « khai trừ » GS Chu Hảo là điều đúng. Theo ông Nguyễn Phú Trọng, GS Chủ Hảo là người có các tuyên bố « trái với Điều lệ và Cương lĩnh của đảng ». Việc khai trừ ông Chu Hảo được ông Nguyễn Phú Trọng coi là một biện pháp răn đe, với mục tiêu mà ông gọi là « kỷ luật một vài người để cứu muôn người, để người khác đừng phạm vào nữa » (trước đó, ngày 26/10/2018, GS Chu Hảo đã tuyên bố ra khỏi đảng Cộng Sản Việt Nam).
Về vấn đề này tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết quan điểm của ông :
« Ý kiến của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – tôi nói là ông tổng bí thư chứ không phải là ông chủ tịch Nước, vì đây là chuyện của đảng Cộng Sản Việt Nam – tiết lộ một điều mà mọi người còn nghi vấn : (Quyết định kỉ luật và khai trừ GS Chu Hảo) liệu có phải từ cấp cao nhất của đảng Cộng Sản hay không ?
Với sự tiết lộ của ông tổng bí thư, đã rõ nguyên hình đây là chủ trương nhất quán của đảng Cộng Sản Việt Nam ở cấp chóp bu, tức ở cấp ông Trọng. Họ đã thực sự trở thành cảnh sát tư tưởng, và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành cảnh sát trưởng về tư tưởng.
Tiếp theo làn sóng đánh ông Chu Hảo là nhiều làn sóng lăn tăn, như việc khai trừ khỏi đảng ông chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, một người thực sự đã bỏ đảng từ lâu rồi. Rồi tiếp theo là 15 ông cán bộ của báo Thanh Niên. Vì không phải là đảng viên, nên bị loại khỏi chức vụ trưởng, phó phòng.
Có thể nói, đây là một sự tha hóa vô cùng nghiêm trọng của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ đảng Cộng Sản Việt Nam đang đối mặt với các thách thức rất là lớn trong nội bộ. Với việc siết chặt kỷ luật trong nội bộ này người ta hy vọng sẽ có được sự thống nhất của đảng. Tôi không muốn bình luận gì, vì đây là chuyện nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng với tư cách của một người đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy rằng chỉ khi một tổ chức bị rệu rã hết sức trầm trọng người ta mới phải dùng đến một biện pháp như thế. Những biện pháp như thế là quay trở lại với thời khủng bố tư tưởng, như thời Stalin. Nó báo hiệu một con đường vô cùng bế tắc.
Bởi vì một tổ chức không để cho các tiếng nói khác nhau, nhất là các tranh luận về khoa học, được phát triển, mà bắt người ta phải im miệng hết, thì đó là đi đến con đường bế tắc mất rồi !
TS Nguyễn Quang A (Hà Nội)25/11/2018Nghe
Người ta nói về thời « hậu toàn trị », tức là cái thời mà các chính sách của Stalin được nới lỏng (thời Stalin gọi là « toàn trị »). Cái bước của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là quay trở lại thời « toàn trị » một cách hết sức triệt để. Quay về cách lãnh đạo kiểu thời Stalin : đảng thâu tóm mọi thứ và quyết định mọi thứ.
Ngược lại hoàn toàn với cái thời ông Hồ Chí Minh. Ít ra năm 1945 còn có đa đảng, ông ấy còn cử rất nhiều trí thức, thậm chí cả những người được coi là đối lập vào làm trong chính quyền…
Càng ngày càng về sau… đến ông Nguyễn Phú Trọng, thì bây giờ không phải là đảng viên thì không làm được gì cả, kể cả là phó phòng ở một tòa soạn báo, như báo Thanh Niên. Như vậy là một chiều hướng đi hoàn toàn ngược lại sự tiến bộ, quay trở lại cái thời khủng khiếp nhất của nhân loại.
Tôi chỉ có thể nói một cách rất nhẹ nhàng rằng đấy là não trạng của những cái ông quan thời xưa. Nó đã quay lại với ông Nguyễn Phú Trọng. Điều này cho thấy tầm suy nghĩ của ông ấy nó ngắn như thế nào.
Tất cả các đảng viên của đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ, ai mà không răm rắp nghe theo ông Nguyễn Phú Trọng, thì đều phải bị khai trừ, nói một cách nôm na như vậy. Họ phải trở thành những con rô bốt…. Cái biện pháp siết chặt của ông này chưa biết chừng nó lại là phản tác dụng, có thể dẫn đến chuyện người ta rời hàng loạt khỏi đảng Cộng Sản. Bởi vì người ta không thể chịu làm con rối dưới tay của ông ấy. Đến cả suy nghĩ cũng không thể suy nghĩ khác ông ấy, thì hết chỗ nói rồi
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181125-tran-ap-gs-chu-hao-cho-thay-su-reu-ra-cua-dang-cong-san-viet-nam
Sinh viên Việt ‘đóng góp’
gần 900 triệu đôla cho kinh tế Mỹ
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 17 liên tiếp và đóng góp hàng trăm triệu đôla cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo hàng năm với tên gọi “Open Doors” của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có trụ sở ở New York, Mỹ.
Theo báo cáo mới công bố, trong năm học 2017 – 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ, với 24.325 sinh viên, tăng 1.887 sinh viên so với năm học 2016 – 2017, tức tăng 8,4%.
Trong tổng số 24.325 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, 69,6% học đại học, 15,2% sau đại học, 8,6% tham gia thực tập không bắt buộc, và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam cho biết, sinh viên Việt Nam “đóng góp 881 triệu đôla cho nền kinh tế Mỹ”.
Theo báo cáo của IIE, kỹ thuật, kinh doanh và quản trị, toán và khoa học máy tính vẫn là các ngành học được sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất trong năm học 2017 – 2018. Toán và khoa học máy tính là khối ngành học tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng 11,3% so với năm học 2016 – 2017, tiếp theo là khối ngành luật và thực thi pháp luật với mức tăng trưởng 10,4% so với năm học 2016 – 2017.
Các bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan, và Indiana.
Báo cáo này cũng cho thấy có 1.094.792 sinh viên quốc tế đến Hoa Kỳ du học trong năm học 2017 – 2018, tăng 1,5% so với năm trước. Sinh viên quốc tế hiện chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ, tăng nhẹ từ 5,3% so với năm trước.
Ngoài báo cáo về sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, số liệu từ phúc trình của IIE cũng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến quen thuộc hơn của sinh viên Mỹ. Trong năm học 2016 – 2017, Việt Nam đã đón 1.147 sinh viên đến từ Hoa Kỳ, tăng 13,3%.
Báo cáo “Open Doors” được công bố hàng năm vào Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, một sáng kiến chung giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Đại sứ quán Hoa Kỳ mới cho biết, nhân kỷ niệm Tuần lễ Giáo dục Quốc tế 2018, cơ quan ngoại giao này đã tổ chức các hoạt động quảng bá giáo dục đại học Mỹ, cung cấp thông tin thị thực du học và các chương trình học bổng của chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội và các tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, thu hút gần 400 học sinh, sinh viên và giáo viên tham dự trực tiếp, và tiếp cận khoảng 1.200 công chúng trực tuyến.
Trong các tuyên bố cấp cao Việt – Mỹ gần đây nhân chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, đôi bên đều “khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật”.
Mạng xã hội và truyền thông Việt Nam gần đây nhiều lần đề cập tới tình trạng chảy máu ngoại tệ, chất xám qua việc du học, và thậm chí vấn đề này còn được nêu lên tại Quốc hội.
Phát biểu trước cơ quan lập pháp của Việt Nam hồi tháng Sáu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết rằng học sinh, sinh viên của Việt Nam ra nước ngoài học tập mỗi năm “mất 3 – 4 tỷ đôla” dưới dạng các chi phí khác nhau, theo báo Tuổi Trẻ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về chuyện ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài theo con đường du học, ông Nhạ nói rằng “đây là nguồn tiền rất lớn”, đồng thời “chia sẻ mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong nước để các gia đình có điều kiện không phải gửi con ra nước ngoài học tập”.
Ông Nhạ còn được trích lời cho biết rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho chính phủ “có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đầu tư vào giáo dục”, và nói thêm rằng “khuyến khích xã hội hóa cũng là điểm ưu tiên trong sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học”.
231 cái tát vào mặt học sinh và “chuẩn quốc gia”
Chuyện trở nên “đáng bàn” từ việc cô giáo Thủy, chủ nhiệm lớp 6/2 ở trường trung học cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bắt 23 học sinh trong lớp, mỗi em tát bạn 10 cái và sau khi nhận 230 cái tát vì “tội văng tục” thì cô giáo tiếp tục tát bồi một cái “ân huệ” khiến em phải đi bệnh viện. Vụ việc chưa dừng ở đó, hiệu trưởng nhà trường còn kêu gọi báo chí đừng làm lớn chuyện vì trường đang đón nhận “chuẩn quốc gia cấp độ II”! Đến đây thì mọi chuyện trở nên hãi hùng hơn người ta tưởng, bởi nó khiến cho ai từng học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều phải suy nghĩ về cách dạy và học, về các chỉ tiêu thi đua, bệnh thành tích đang tràn lan từ mọi ngõ ngách.
Và những cái tát kia không đơn thuần là cái tát của những học sinh tát vào mặt bạn mình trong lớp học mà là những cái tát vào nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Em học sinh bị tổn thương bởi những cái tát cũng không đơn giản là một tổn thương cá nhân mà là một tổn thương thế hệ, tổn thương chung của học trò thời xã hội chủ nghĩa. Liệu nói vậy có quá đáng? Và vì sao lại “nâng quan điểm” lên như vậy?
Có thể nói rằng hoàn toàn không có chuyện nâng quan điểm ở đây. Bởi người viết cũng từng là một học sinh xã hội chủ nghĩa, từng trải qua quá trình học, có năm làm lớp trưởng, có năm làm lớp phó học tập, rồi làm sao đỏ (bây giờ gọi là cờ đỏ). Có thể nói rằng trong lớp học, hiền nhất là lớp phó học tập, sau đó là lớp trưởng, còn đội trưởng đội sao đỏ là đáng sợ nhất, quyền lực nhất, một kiểu quyền lực đấu tố được người ta ký thác vào những đứa trẻ non nớt, chưa biết gì và khiến chúng xem đó là việc tốt, là điều gương mẫu, đạo đức…
Vụ việc chưa dừng ở đó, hiệu trưởng nhà trường còn kêu gọi báo chí đừng làm lớn chuyện vì trường đang đón nhận “chuẩn quốc gia cấp độ II”!
Chúng được đấu tố ra sao? Đơn giản, đội trưởng đội Sao Đỏ (tức cờ đỏ bây giờ) không cần học giỏi, chỉ cần nhanh nhẹn, to con một chút và chịu soi mói. Đội trưởng và các thành viên đội sao đỏ sẽ đi từng lớp, soi xem lớp này quét lớp sạch sẽ chưa, góc bàn nào còn dính bụi, có cái rác nào sót lại dưới chân bàn, lớp nào có học sinh không mang khăn quàng, nếu đã mang đầy đủ thì soi tiếp đã mang đúng hướng dẫn chưa… Rồi chuyện bạn nào nói tục, bạn nào nói chuyện phản động (chỉ cần xưng “ông Hồ” thay vì xưng Bác Hồ hoặc chỉ cần nói Mỹ tốt hơn Liên Xô, tốt hơn Trung Quốc thì bị cờ đỏ, sao đỏ xếp vào loại phản động, ghi vào sổ). Tất cả những ghi chép của Sao Đỏ (cờ đỏ) sẽ được mang về văn phòng, giao cho Hội đồng thi đua của trường (lúc tôi học thì Chủ tịch hội đồng thi đua là một ông cà ngất, làm thủ thư kiêm Chủ tịch hồi đồng thi đua, không có chuyên môn dạy học, hình như chưa tốt nghiệp cấp 2 nhưng là đảng viên Cộng sản. Và vị trí Chủ tịch hội đồng thi đua phải là đảng viên), hội này sẽ chấm điểm thi đua từng lớp và đưa kết quả này ra trước lễ chào cờ vào đầu tuần sau. Thường thì các lớp từ khá đến trung bình được điểm sơ qua, riêng lớp nào bị chê, bị kỉ luật thì hội đồng thi đua sẽ không tiếc lời giáo huấn. Những lúc như vậy, cô giáo chủ nhiệm của lớp bị giáo huấn sẽ ngồi như trời trồng, thậm chí không biết giấu mặt vào đâu.
Tôi còn nhớ chuyện một thằng bạn thân năm tôi học lớp 8, vì tội đi trễ nhiều lần nên nó bị “giáng chức” từ lớp phó học tập xuống đội trưởng sao đỏ. Từ việc chỉ biết học và theo dõi các chương trình thi đua học tốt của trường để phổ biến cho lớp, nó buộc chuyển sang đi soi mói người khác. Nhưng được tuần đầu tiên soi mói theo ‘đúng chuẩn’, qua tuần thứ hai, tuần thứ ba và những tuần sau đó, nó bảo hình như nó không có khả năng làm sao đỏ nên cứ tới buổi trực của nó thì hầu hết các lớp đều khăn quàng xộc xệch, quét lớp sơ sài cho có quét nhưng trong sổ trực luôn ghi điểm Tốt cho mọi lớp. Có lẽ vì vậy mà anh em lớp trưởng các lớp khoái nó nên cứ mỗi lần nó trực thì cách gì họ cũng lén rủ mai mốt đá banh, đi bơi hoặc vào vườn nhà bạn nào đó hái trái cây… Chuyện trở nên phức tạp khi nó được nước cứ như vậy mà ghi Tốt tất tần tật. Và rồi đi đêm nhiều cũng gặp ma, có một ông thầy mới ra trường, vừa nhận lớp, rất hăng say thi đua… chiếu tướng nó mà nó không biết.
Một bữa nọ không thấy nó đi học, hỏi ra tôi mới hay là hôm trước nó tuyên bố bỏ học. Ra là ông thầy nọ bắt nó dùng tay hốt rác của một lớp dọn chưa sạch. Lý do là vì nó hoàn thành không tốt chức năng của sao đỏ, không đôn thúc, bắt ép các lớp dọn sạch rác, vậy nên chính nó phải hốt. Nó bảo không có cái hốt rác thì nó không hốt, thầy trò lời qua tiếng lại vì chuyện hốt rác bằng tay và ki hốt rác, cuối cùng thầy đòi đánh nó, đuổi học nó, nó bực quá tuyên bố bỏ học luôn.
Nói là làm thật, nó nghỉ học đến tận gần hai tuần lễ và sau này đi học lại sau vài lời xin lỗi gượng gạo của ông thầy mê thành tích kia.
Chuyện gần 30 năm nhưng giờ lâu lâu gặp lại, ngồi nhâm nhi ly cà phê, thi thoảng bàn về chuyện giáo dục, nó cũng còn nhắc lại bởi theo nó thì gương mặt vừa lạnh lùng vừa có chút gì đó hèn hèn khi xuống nước đến nhà nó xin cho nó đi học lại khiến nó không thể nào quên, mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nghe chuyện gì liên quan đến tiêu cực trong giáo dục, nó vẫn thấy gương mặt của ông thầy kia.
Mà vấn đề đáng bàn ở đây là hiệu trưởng nhà trường, ban thi đua nhà trường đã làm gì, đã thúc đẩy thi đua để đạt chuẩn quốc gia cấp độ II ra sao để đến mức một giáo viên chủ nhiệm ngang nhiên ra lệnh các học sinh thay phiên nhau mỗi đứa tát bạn mình 10 cái.
Nói như vậy để thấy mức độ kinh khủng cũng như sức ép của thành tích giáng xuống đầu giáo viên, học sinh ra sao. Miễn bàn về hành vi thú tính của cô giáo Thủy, người đã ra lệnh tát học sinh 231 cái. Mà vấn đề đáng bàn ở đây là hiệu trưởng nhà trường, ban thi đua nhà trường đã làm gì, đã thúc đẩy thi đua để đạt chuẩn quốc gia cấp độ II ra sao để đến mức một giáo viên chủ nhiệm ngang nhiên ra lệnh các học sinh thay phiên nhau mỗi đứa tát bạn mình 10 cái. Thiết nghĩ, thời lượng diễn ra 10 cái tát không thể là tích tắt và 230 cái tát không thể diễn ra trong vài phút để qua mặt nhà trường, ban giám hiệu. Trong khi đó, chức năng của ban giám hiệu theo luật giáo dục hiện hành, ngoài việc quản lý hành chính thì quản lý chuyên môn được đặt lên hàng đầu. Trong quản lý chuyên môn, có phần chống bạo lực học đường và cấm đánh đập học sinh.
Ở phần quản lý chuyên môn, bất kì giáo viên nào đánh học sinh mà bị phản ánh đến hiệu trưởng thì bắt buộc hiệu trưởng phải mang ra cuộc họp hội đồng nhà trường (vào thứ Năm, tuần thứ 4 mỗi tháng) để răn đe, kỉ luật. Nhưng ở đây, trong cậu học sinh bị tát 231 cái ở trường Duy Ninh, thay vì Hiệu trưởng đứng ra xin lỗi cha mẹ học sinh, xin lỗi trước công luận và kỉ luật giáo viên, thậm chí phải từ chức hiệu trưởng vì tự thấy mình quản lý kém, làm ảnh hưởng đến số phận của một học sinh… Thì bà ta lại kêu gọi báo chí đừng nói nhiều để được “công nhận chuẩn quốc gia”. Vậy cái chuẩn quốc gia này là cái gì mà bà hiệu trưởng dám đạp qua dư luận, đạp qua lương tri, đạp qua số phận, tương lai của người khác để đoạt cho bằng được?!
Mọi thứ cũng bắt đầu từ cái “chuẩn quốc gia” ngớ ngẩn kia, khi đạt chuẩn quốc gia thì lương bổng cũng được khá hơn, chính sách bảo trợ nhà trường từ phía nhà nước cũng khá hơn, nhận thưởng thi đua hằng năm cũng tốt hơn… Nhìn chung là béo bở hơn. Chính cái miếng mồi béo bở mang tên chuẩn này chuẩn nọ, danh hiệu này danh hiệu kia đã đẩy cả một nền giáo dục vào chỗ thi đua, thi đua và thi đua, điểm số học sinh thì cứ nâng khống giỏi, xuất sắc cho dù học sinh lớp 5 vẫn chưa đánh vần được để đọc, giáo viên thì bất chấp mọi thứ để đạt danh hiệu, đạt thành tích. Mà cái thành tích thì lại chẳng liên quan gì đến giáo dục, đến nhân cách, đạo đức của học sinh, thậm chí cũng không liên quan đến cả chuyên môn dạy và học!
Thiết nghĩ, đã đến lúc ông Chủ tịch nước kiếm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải vào cuộc, phải xóa bỏ gấp những cái chuẩn vớ vẩn cũng như bệnh thành tích điên rồ này đi. Vì muốn cho tương lai tốt thì phải có giáo dục tốt, muốn có giáo dục tốt thì giáo dục phải mang tính người, muốn giáo dục mang tính người thì phải dẹp bỏ mọi thứ bệnh hoạn trong ngành giáo dục. Có như vậy thì đội ngũ thầy cô sẽ bớt suy thoái, ngừng suy thoái và níu kéo được chút lương tri còn sống sót trong mỗi người!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Khởi tố nhóm côn đồ hành hung
nữ nhân viên hàng không ở Thanh Hoá
3 côn đồ hành hùng nữ nhân viên hàng không ở sân bay Thọ Xuân, Thanh Hoá đã bị khởi tố vào ngày 25/11 về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Trước đó, vào ngày 23 và 24/11, mạng xã hội rộ lên một đoạn video chiếu cảnh những nam thanh niên chửi bới, đuổi đánh một nữ nhân viên hàng không ở sân bay Thọ Xuân, trước sự chứng kiến của nhiều người có mặt tại sân bay. Video này đã gây bất bình vì nhiều người thắc mắc tại sao nhóm thanh niên có thể ngang nhiên đánh một nữ nhân viên hàng không giữa nơi công cộng mà không có sự can thiệp kịp thời của an ninh sân bay hay công an.
Truyền thông trong nước hôm 25/11 cho biết những người bị khởi tố là Phạm Hữu An (28 tuổi), Lê Văn Nhị (41 tuổi) và Lê Trung Dũng (38 tuổi). Một lãnh đạo công an thị trấn Thọ Xuân được truyền thông trong nước trích lời cho biết Lê Trung Dũng là con trai của cựu Chủ tịch huyện Thọ Xuân là ông Lê Văn Biền.
Theo VTC, vào khoảng 14h20 ngày 23/11, nhóm người này đã đến sân bay Thọ Xuân để tiến người nhà đi Sài Gòn trên chuyến bay dự kiến cất cánh vào lúc 15h05 cùng ngày. Sau khi người nhà làm thủ tục check-in xong, ba người này nhờ chị Lê Thị Giang, nhân viên hãng hàng không VietJet Air chụp ảnh hộ, sau đó 3 người này muốn chụp chung với chị nhưng chị Giang từ chối vì lý do công việc. Vì lý do này ba người đã to tiếng chửi chị Giang và hành hung chị. Khi bà Lê Thị Hiền, đại diện hãng Vietjet Air đến can thiệp can ngăn thì bị Lê Văn Nhị tát, đạp. 2 nhân viên kiểm soát an ninh đến can ngăn cũng bị Lê Trung Dũng đánh.
Theo truyền thông trong nước, lực lượng an ninh đã có mặt kịp thời, khống chế va bắt giữ 3 kẻ gây rối.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho báo giới biết ba kẻ hành hung sẽ bị cấm bay trong 12 tháng, sau đó kèm theo 1 năm kiểm tra an ninh thân thể bắt buộc nếu đi máy bay.
Hai nhà máy nhiệt điện
có thể dừng hoạt động vì thiếu than
Ngày 24 tháng 11, báo Trithucvn loan tin, Tập đoàn Điện lực của nhà cầm quyền CSVN cho biết, lượng cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện từ đầu tháng 11 năm 2018 đến nay vẫn còn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ. Cụ thể, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh được cấp 187,198 tấn than, trong khi tiêu thụ 201,164 tấn; nhà máy Hải phòng chỉ được cấp 130,803 tấn, nhu cầu tiêu thụ là 205,579 tấn; còn nhà máy nhiệt điện Thái Bình đã bị ngừng cấp than từ ngày 17 tháng 11 năm 2018.
Tình hình thiếu hụt than tại các nhà máy nhiệt điện càng trở nên trầm trọng khi trữ lượng than dự trữ tại các nhà máy đã bị giảm xuống mức rất thấp. Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8,800 tấn than, không đủ cho một ngày vận hành nên đã có 2 tmáy phát điện bị tạm ngừng hoạt động; Nhiệt điện Hải Phòng chỉ còn khoảng 5 ngày vận hành với lượng dự trữ hơn 66,000 tấn.
Theo quy hoạch, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện của cả Việt Nam với tỷ trọng 49.3% năm 2020, 55% năm 2025 và 53.2% năm 2030 trong tổng điện năng sản xuất và nhập cảng.
Trước đó, báo Đất Việt loan tin, theo thống kê của tổng cục hải quan CSVN, giá trị xuất cảng quặng và khoáng sản của Việt Nam sang Trung Cộng đang rẻ hơn rất nhiều so với giá trị xuất cảng sang các thị trường khác. Và sau thời gian dài xuất cảng lượng lớn than đá, dầu thô, quặng khoáng sản, giờ đây Việt Nam đang phải mua lại của Trung Cộng với giá đắt hơn 6 lần.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hai-nha-may-nhiet-dien-co-the-dung-hoat-dong-vi-thieu-than/