Tin Việt Nam – 25/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/09/2018

Bị cắt điện vì than phiền trên Facebook

Ý kiến luật sư nói chính quyền ‘lạm quyền nghiêm trọng’ khi cắt điện của dân vì họ phàn nàn trên Facebook về giá cả và chất lượng dịch vụ.

Hàng chục hộ dân tại Hà Tĩnh mới đây bị cắt điện vì đã phàn nàn trên Facebook về dịch vụ cung cấp điện tại của hợp tác xã, theo truyền thông Việt Nam.

Theo tờ Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hoa, sống tại xóm Tân Hải, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, viết lên Facebook ngày 13/9 phàn nàn rằng tiền điện ba tháng của gia đình tăng bất thường.

Bà nói trước đây nhà bà chỉ xài hết 500 – 700 ngàn đồng tiền điện mỗi tháng. Nhưng từ tháng 6-8/2018, mỗi tháng bà phải đóng hơn một triệu đồng, mà lại không được nêu lý do.

Bà còn đăng ảnh chụp hóa đơn lên Facebook.

Chia sẻ của bà Hoa nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân cùng xã.

Nhưng chỉ hai ngày sau, bà Hoa bất ngờ nhận thông báo cắt điện từ Hợp tác xã Thành Tâm.

Bà Tâm cũng nói sau đó hợp tác xã cho người đến tháo đồng hồ đo số điện khi chưa được sự đồng ý của gia đình.

Quanh việc bị mời lên đồn vì bài viết trên Facebook

Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’

Cùng với bà Hoa còn có bà Nguyễn Thị Anh (thôn Xuân Nam) cùng một số hộ gia đình khác nhận được thông báo cắt điện của Hợp tác xã Thành Tâm vì đã bình luận về tiền điện trên Facebook, theo thông tin từ Đời Sống Pháp Luật.

Bà Anh phát biểu trên tờ Đời Sống Pháp Luật rằng người dân vùng biển như bà cần điện để đông lạnh hải sản. Chỉ mất điện một tiếng là hải sản hư hỏng.

Bà Anh cũng nói trước đây có gì bức xúc về dịch vụ điện của xã, ai cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì bị hợp tác xã dọa cắt điện.

Cũng theo bà Anh, giá điện của Hợp tác xã Thành Tâm thu cao hơn giá niêm yết của Nhà nước.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tâm (SN 1956), Trưởng thôn Tân Hải nói trên trang Người đưa tin, có rất nhiều hộ khác có tiền điện ba tháng gần đây tăng vọt bất thường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ nhiệm HTX Thành Tâm thừa nhận với truyền thông trong nước việc thông báo cắt điện 20 hộ dân.

Ông nói là do không nhận được phản ánh trực tiếp mà người dân lại viết lên Facebook nên ông cho tháo đồng hồ để mang đi thẩm định, xong sẽ lắp lại.

Văn bản của Hợp tác xã Điện Thành Tâm do ông Phó Giám đốc Trương Văn Hòa ký đăng trên Người đưa tin cũng cho hay cắt điện để chờ thẩm định đồng hồ và “ngừng cấp điện để đảm bảo khách quan, trung thực, cũng như danh dự trong kinh doanh.”

Đây không phải lần đầu người dân gặp rắc rối với chính quyền do đăng ý kiến trên Facebook về những vấn đề họ bức xúc, đặc biệt sau khi Luật An ninh mạng được ban hành.

Mới cách đó một tuần, bà Lê Thị Mai ở Thanh Hóa bị công an địa phương mời lên làm việc sau khi đăng ý kiến lên Facebook về cuộc họp phụ huynh.

Bà Mai cho BBC biết một cán bộ công an nói với bà là họ ‘phụ trách an ninh mạng’ và ‘làm theo luật’.

“Nhưng luật an ninh mạng còn chưa đi vào hiệu lực cơ mà!”, bà Mai đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với BBC trước đó.

‘Lạm quyền nghiêm trọng’

“Thông thường công ty điện làm hợp đồng cung cấp điện cho dân, nhưng ở các vùng quê, công ty điện thuê hợp tác xã làm việc với dân. Như vậy lại thêm một bước, thêm chi phí và gây nhiều phiền hà cho dân.

Điều này rất phổ biến ở các vùng quê Việt Nam,” luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC từ Hà Nội hôm 23/9.

“Trong trường hợp ở Hà Tĩnh, việc cắt điện với lý do người dân than phiền trên Facebook là hành vi lạm quyền nghiêm trọng.”

“Dù chỉ là quan hệ dân sự, nhưng trên thực tế, điện vẫn là mặt hàng độc quyền, không có giải pháp thay thế nêu người dân không hài lòng về chất lượng dịch vụ.”

“Điều này chỉ được cải thiện nếu hai bên, từ khi làm hợp đồng, có thỏa thuận kỹ là khi nào thì cắt điện, khi cắt phải đền bù ra sao, v.v…”

“Tuy nhiên, về mặt quyền hạn, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền phản ánh, than phiền về dịch vụ họ sử dụng bằng nhiều hình thức”

“Không thể sử dụng sự độc quyền của mình để ngăn cản quyền cơ bản của con người là nói ý kiến của mình. Điều này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.”

“Người dân trong trường hợp này hoàn toàn có quyền liệt kê các thiệt hại do bị cắt điện để buộc cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường,” luật sư Tuấn nói.

“Cần phổ biến kiến thức về luật ANM cho quan chức’

Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, hai vụ điển hình gần đây là ‘cắt điện’ và ‘mời lên phường’ dù tình tiết khác nhau, nhưng đều liên quan đến việc người dân vì bày tỏ ý kiến trên Facebook mà gặp rắc rối với chính quyền.

Ông Tuấn cho rằng điều này cho thấy hiện Luật An ninh mạng đang chưa được hiểu đúng, và có nguy cơ bị áp dụng kiểu ‘suy diễn’ khi đã được chính thức có hiệu lực.

“Tôi cho rằng hiện rất nhiều người, trong đó có giới thực thi luật pháp, chưa hiểu đúng luật An ninh mạng.”

“Dù mới thông qua thôi nhưng những trường hợp xảy ra vừa qua cho thấy việc chính quyền cấp huyện, xã đang áp dụng luật này một cách bừa bãi.”

“Việc phổ biến kiến thức luật cho người thực thi luật pháp là rất cần thiết và cần tiến hành ngay”.

“Ngoài ra, cần đưa ra những quyết định để giới hạn quyền của các cơ quan chức năng địa phương trong việc thực thi luật an ninh mạng nhằm ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong thi hành luật,” luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45623006

 

CSVN đang giam cầm

228 người vận động nhân quyền

Ít nhất 228 người vận động cho nhân quyền, sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm cá nhân, đang bị nhà cầm quyền CSVN cầm tù với các bản án nặng nề.

Báo Người Việt đưa tin, tổ chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền hôm Thứ Bảy 22/09 trích dẫn báo cáo của tổ chức “Now!Campaign.org,” liên minh của 14 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, nói rằng nhà cầm quyền CSVN đang cầm tù số người vừa kể tại nhiều nhà tù trên khắp nước. Chỉ nội trong tuần qua, nhà cầm quyền cộng sản đã liên tiếp kết án tù đối với 6 người. Theo tổ chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, ngày 17 tháng 9, tòa án thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, kết án 4 năm tù giam đối với nhà báo công dân Đỗ Công Đương, người tích cực chống tham nhũng tại địa phương. Hai ngày sau, tòa án tỉnh Hòa Bình kết án 14 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Đào Quang Thực, một nhà giáo về hưu. Trong cùng ngày, tòa án tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kết án hai công dân Nguyễn Văn Ý, 32 tuổi, và Tạ Thành Duy, 47 tuổi, vì đã tham gia biểu tình ôn hòa phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng hồi tháng 6. Ngày 22 tháng 9, tòa án huyện Cái Răng, thành phố Cần Thơ kết án hai công dân địa phương là Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang lần lượt 2 năm và 1 năm tù vì viết và chia sẻ nhiều bài có nội dung gây hại cho đảng cầm quyền trên Facebook.

Tổ chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền cho hay, từ đầu năm tới nay, nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ 19 nhà hoạt động và blogger, và kết án tù 36 người. Nhiều người bị những mức án nặng, như ông Lê Đình Lượng với 20 năm tù, ông Nguyễn Văn Túc 13 năm tù, và trong tuần này, ông Đào Quang Thực 14 năm tù. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của ba người bị bắt từ đầu tháng 9 ở Sài Gòn là Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng và Ngô Văn Hóa.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/csvn-dang-giam-cam-228-nguoi-van-dong-nhan-quyen/

 

Đức nói vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

là vấn đề Đức-Việt Nam và Slovakia-Việt Nam

Cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức đưa về Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, và phía Đức cho rằng vụ này không phải là vấn đề giữa Đức với Slovakia, mà là giữa Đức với Việt Nam và giữa Slovakia với Việt Nam.

Báo mạng The Slovak Spectator dẫn lời Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia, bà Denisa Sakova, cho hay như vậy sau khi gặp người đồng nhiệm Đức Horst Seehofer tại Berlin hôm Thứ Hai 24/09. Bà Sakova cho biết, Bộ Nội Vụ Slovakia đang hợp tác hoàn toàn với các cơ quan của Đức. Trở về và có cuộc họp báo tại thủ đô Bratislava, bà Sakova nói phía Đức không quy trách nhiệm cho Slovakia tiếp tay cho mật vụ CSVN đưa Trịnh Xuân Thanh về Hà Nội. Ông Seehoffer đã tuyên bố phía Đức rất mong muốn soi sáng toàn bộ vụ bắt cóc.

Hãng tin TASR dẫn lời bà Sakova nói rằng, Bộ Trưởng Nội Vụ Đức đặc biệt yêu cầu được thông báo về những bước đi của phía Slovakia trong cuộc điều tra về vụ bắt cóc. Một nhà điều tra Đức đã được phép tham dự tất cả các cuộc thẩm vấn do các cơ quan thực thi luật pháp của Slovakia tiến hành.

Các nhà điều tra Đức tin rằng, Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc vào ngày 23 tháng 7 năm 2017 ở Berlin. Ông được tống lên xe van chở sang Bratislava. Tại đây, ông bị đánh thuốc mê và đưa lên một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia rồi chở sang Moscow trước khi về Hà Nội.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/duc-noi-vu-bat-coc-trinh-xuan-thanh-la-van-de-duc-viet-nam-va-slovakia-viet-nam/

 

Hai chiều ý kiến về cựu TBT Đỗ Mười

Nhà quan sát nói với BBC rằng ông Đỗ Mười để lại di sản là công cuộc ‘cải tạo công thương’ khốc liệt trong khi chuyên gia bảo ông Mười “có tính cầu thị”.

Ông Đỗ Mười, sinh ngày 2/2/1917, tên thật là Nguyễn Duy Cống. Ông làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997.

Sau đó ông làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Phấn đấu và cơ cấu

Tiền Kỳ Tham, ‘người quen thuộc Việt Nam’, qua đời

Ông Lê Khả Phiêu: Cần giảm số tổng cục Bộ Công an’

Phan Văn Khải: Đường thành Thủ tướng

Về vụ án xử ông Lê Hồng Hà

Trong lúc mạng xã hội nhôn nhao thắc mắc về sức khỏe của ông Đỗ Mười, thì hôm 21/9, báo Dân Việt đưa tin: “Một thành viên của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, cựu Tổng bí thư Đỗ Mười đang được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.”

Đánh tư sản mại bản

Về di sản của cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, hôm 24/9, trả lời BBC văn phòng Bangkok, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, hiện sống ở Hà Nội nói:

“Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là “cải tạo công thương nghiệp”.

“Theo như tôi hiểu, ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao.”

“Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc.”

“Nhưng có vẻ là trong nhiều năm ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa.”

“Đến lúc cuối đời, ông không có vẻ gì ăn năn, hối cải về sai lầm của mình cả.”

Về việc đánh tư sản của Tổng bí thư Đỗ Mười, nhà báo Huy Đức viết trong cuốn Bên Thắng Cuộc:

“Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.”

“Sau Cải tạo, dưới dạng kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, Nhà nước nắm: 100% ngành năng lượng; 45% ngành cơ khí; 45% ngành xay xát lương thực; 100% ngành bia, nước ngọt, bột ngọt, thuốc lá; 45% trong các ngành chế biến đường, dầu thực vật; 60% ngành dệt; 100% ngành sản xuất giấy; 80% ngành sản xuất bột giặt, xà phòng. Thương nghiệp quốc doanh nắm 80% nguồn hàng công nghiệp; 92% số xã trên toàn miền Nam có hợp tác xã mua bán.”

“Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: “Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn,” nhà báo Huy Đức viết trong cuốn sách nêu trên.

Đối ngược với Võ Văn Kiệt

Cũng trong hôm 24/9, Luật sư Vũ Đức Khanh, nhà hoạt động và quan sát chính trị, xã hội Việt Nam từ Ottawa, Canada, nói với BBC:

“Đối với nhiều người dân thành thị miền Nam, ông Đỗ Mười được nhắc đến như một “hung thần” của tiềm lực kinh tế của xã hội miền Nam trong những năm hậu chiến 1975-1985.”

“Từ gốc trung nông, không có trình độ và kiến thức chuyên môn về kinh tế nhưng nhờ tinh thần “đấu tranh giai cấp” cao độ và triệt để, ông đã được cất nhắc vào chức vụ Thứ trưởng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nội thương những năm 1956, 1958.”

“Trong suốt trên 20 năm công tác trong lãnh vực kinh tế tài chính, thành tích lớn nhất cũng như có thể tạm gọi là “di sản” của ông là một nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ, lụn bại dẫn đến việc “Đổi mới” năm 1986.”

“Đặc biệt, năm 1977, với tư cách phó thủ tướng kiêm nhiệm trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội Chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp tại miền Nam, ông đã giáng một đòn chí tử lên những thành phần tư sản, tiểu tư sản và tiểu thương miền Nam, triệt tiêu mọi tiềm lực kinh tế quốc gia mà phải đợi đến đầu thế kỷ 21 mới lấy lại được phong độ.”

“Vụ cải tạo Công thương nghiệp năm 1977 dù là vô tình hay hữu ý nhưng phần nào do, nó đã đưa “Hòn ngọc Viễn Đông” trở về thời kỳ đồ đá, đẩy hàng triệu người dân miền Nam ra biển tìm đường vượt biên để cứu mạng.”

“Cũng may là Gorbachev đã quyết định thay đổi làm “perestroika” nên Việt Nam mới “đổi mới” được như hôm nay.”

“Đỗ Mười là một trong những khuôn mặt đại diện tiêu biểu nhất của cách mạng Việt Nam “đấu tranh giai cấp” ở cuối thế kỷ trước. Ông cũng có thể được coi như là một nhân vật đối ngược lại với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, một kiến trúc sư của đổi mới.”

‘Cầu thị’

Hôm 25/9, chuyên gia Lê Đăng Doanh, người từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bình luận với BBC:

“Theo như tôi hiểu, ông Đỗ Mười là Đảng viên thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng.”

“Chủ trương “cải tạo công thương” là của tập thể lãnh đạo, còn những người khác có chức vụ cao hơn ông ấy trong Đảng.”

“Nếu những người này không đồng tình thì mình ông ấy không thể làm gì được.”

“Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, ông Đỗ Mười được ghi nhận gửi lời chúc doanh nghiệp làm ăn phát tài, thực hiện đầy đủ chính sách cải cách tiền tệ, chuyển đổi tỷ giá, phát triển kinh tế tư nhân…”

“Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên đi Nam Hàn mời gọi đầu tư vào Việt Nam.”

“Nói như vậy để thấy không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ.”

‘Giai thoại’

Hồi tháng 4/2018, báo VietnamNet viết: “Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười là cán bộ lão thành cách mạng, đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, nhất là được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ tổ quốc.”

“Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, dù trong lao tù của thực dân đế quốc hay ngoài chiến trận, dù trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc gian khổ hay giai đoạn xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ở cương vị công tác nào, đồng chí Đỗ Mười luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.”

Một bài của nhà báo Huy Đức hồi năm 2013 đăng trên BBC viết:

“Dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, có những câu chuyện làm nhân sự nghe cứ như giai thoại: Trước Đại hội VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo: “Kỳ này tôi nghỉ anh thấy sao?”. Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm, chân thành hỏi lại: “Ai sẽ thay anh?”.

Kết quả, ông bị loại ra khỏi danh sách tái cử. Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn: “Trời ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được”. Kết quả, nhà lý luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.

Ngày 19-6-1996, tại Hội nghị Trung ương 12 (Hội nghị trước khi Đại hội VIII bắt đầu), Tổng bí thư Đỗ Mười đã yêu cầu Trung ương đưa vào danh sách đề cử ủy viên Bộ chính trị hai nhân vật bị Hội nghị Trung ương 11 đưa ra và yêu cầu tái cử thêm hai ủy viên Bộ chính trị quá tuổi, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Bình.

Tuy bị ba uỷ viên trung ương phản ứng, khi ông yêu cầu “giơ tay biểu quyết”, đa số Trung ương phải “chấp hành” ý kiến của ông. Sau Đỗ Mười, không có tổng bí thư nào có khả năng thô bạo với Trung ương như thế.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45617161

 

Việc xây lăng mộ cho Trần Đại Quang bị chỉ trích

Giữa lúc báo chí nhà nước rầm rộ đưa tin về hoạt động xây lăng mộ cho chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang vừa quá cố, dư luận trên mạng lại dấy lên những lời chỉ trích và nghi vấn.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, đang có một đội ngũ xe cơ giới hàng trăm chiếc đủ loại được điều động đến xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình san ủi đất và dựng lễ đài tại khu huyệt mộ, nơi được cho là ông Quang đã chuẩn bị từ lâu cho chính mình sau khi chết. Nơi chôn cất ông Quang vốn là đất ruộng ở địa phương, nằm bên một con sông nhỏ, được gia đình ông mua rồi “dồn thửa” thành diện tích lớn mấy mẫu tây. Nhiều tờ báo ban đầu tường thuật, khu đất rộng khoảng 2-3 héc ta, nằm trên cánh đồng lớn ở xã Quang Thiện, phía trước là ngôi làng gắn với tuổi thơ của ông Quang. Nhưng sau đó, các bài viết đã cắt bỏ chi tiết về diện tích đất.

Trong khi đó, nhiều cư dân mạng xã hội đã lên tiếng bất bình. Có người so sánh hoạt động này chẳng khác gì xây lăng mộ cho những ông vua thời xưa. Trên Facebook, nhà báo Huy Đức viết: “Một chính thể giành được quyền bởi cam kết với dân chúng dẹp bỏ những tàn dư phong kiến thì lãnh đạo không thể lăng tẩm như vua”. Nhà hoạt động Lê Dũng Vova thì nêu hàng loạt câu hỏi: Không rõ số đất nông nghiệp này được gia đình ông Quang mua khi nào hay nhà nước cấp theo tiêu chuẩn nào, quy định nào của pháp luật? Luật sử dụng tài nguyên đất đai có điều khoản nào cho phép lấy đất rộng đổi sang đất xây lăng mộ? Nếu mỗi công chức cấp cao lại chiếm vài héc ta để làm của riêng, xây lăng mộ thì còn đâu ruộng đất của quốc gia, của dân cấy trồng nữa?

Nhà báo Tâm Chánh cũng bình luận trên Facebook rằng: “Con đường của những người cộng sản rồi cũng dừng lại ở lăng mộ của họ… Nhiều đảng viên cộng sản thời này, từ lãnh đạo cấp cao cho đến cấp tầm tầm, thấp thấp rầm rộ xây mộ, xây lăng, xây phủ, xây điện”.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/viec-xay-lang-mo-cho-tran-dai-quang-bi-chi-trich/

 

Di sản nhân quyền ‘đáng xấu hổ’

của ông Trần Đại Quang

Các nhà tranh đấu nói Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại một ‘di sản’ tệ hại về vi phạm nhân quyền, nhất là trong giai đoạn ông lãnh đạo Bộ Công an.

Giới tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong và ngoài nước đều có chung nhận định, rằng những vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam được ghi nhận là tồi tệ nhất trong thời gian ông Trần Đại Quang làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh từ năm 2000 cho đến khi ông rời chức Bộ trưởng Bộ Công An và Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vào năm 2016.

Nhà báo độc lập Sương Quỳnh ở Sài Gòn nói với VOA rằng ông Quang đã để lại một ‘di sản nhân quyền đáng xấu hổ” kể từ khi ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2011.

Tôi cho rằng đó là một di sản đáng xấu hổ vì khi ông Quang bắt đầu làm Bộ trưởng, sự đàn áp nhân quyền đã tăng lên rất mạnh.

Nhà báo độc lập Sương Quỳnh.

“Tôi cho rằng đó là một di sản đáng xấu hổ vì khi ông Quang bắt đầu làm Bộ trưởng, sự đàn áp nhân quyền đã tăng lên rất mạnh. Đó là những vụ án lớn trên Tây Nguyên, bắt bớ những người đấu tranh, những người đi biểu tình, dung túng cho công an tham nhũng, làm luật, đánh chết người trong đồn, ngồi trên pháp luật.”

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ chia sẻ rằng ông Quang là nhà lãnh đạo vi phạm nhân quyền nhiều nhất ở Việt Nam:

“Tôi nghĩ rằng ông Quang là một nhân vật vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong thời ông làm Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Công An: đàn áp giới bất đồng chính kiến, và đàn áp dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi ông làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.”

Tôi nghĩ rằng ông Quang là một nhân vật vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong thời ông làm Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Công An.

Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ.

Nhà báo độc lập Sương Quỳnh, thành viên của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, nhận xét thêm:

“Từ đó đến nay, kể cả trước khi ổng nhắm mắt, ông đã ký quyết định ban hành Luật An ninh Mạng, ngăn chặn những tiếng nói tự do, quyền làm người của người Việt Nam. Đó là một di sản hết sức tồi tệ, nếu không nói đó là tội lỗi.”

Hồi đầu tháng 9 vừa rồi, ông Dean Trần, Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Việt tại tiểu bang Massachusetts kêu gọi Tổng thống Donald Trump hãy hậu thuẫn phong trào nhân quyền ở Việt Nam trước chiến dịch đàn áp nhân quyền đáng báo động của giới lãnh đạo ở Hà Nội, nhất là vai trò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ông Dean Trần lên án những hành động đàn áp nhân quyền xảy ra tại quê hương của ông, nói rằng ông không thể im lặng trước nỗi đau của người dân vô tội.

Ông nói với VOA:

“Tôi phản đối việc đàn áp nhân quyền xảy ra tại quê hương tôi và sẽ lên tiếng vì người dân ở Việt Nam.”

Trước đó, trong bức thư gửi đến Tổng thống Donald Trump, Thượng nghị sĩ Dean Trần và 33 nghị sĩ khác của tiểu bang Massachusetts, đã bày tỏ những lo ngại về hồ sơ vi phạm nhân quyền, chế độ kiểm duyệt, và đàn áp tàn bạo của chính quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với người dân Việt Nam.

Bức thư gửi Tòa Bạch Ốc có đoạn: “Trong suốt thời gian giữ chức vụ Chủ tịch nước cho đến nay, ông Trần Đại Quang đã nhiều lần cho thấy ông không có chút quan tâm gì đến nhân quyền của người dân Việt Nam. Chúng ta không cần tìm hiểu sâu xa để có thể thấy chính quyền Việt Nam đang kiểm duyệt các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook và Google một cách trắng trợn.”

Blogger Vũ Quốc Ngữ nhận định:

“Sau này ông làm Chủ tịch nước, ông là người cổ xúy và ủng hộ cho Luật An ninh Mạng, một bộ luật đàn áp giới bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận trên mạng.”

Ngay sau khi ông Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9 vì “bị nhiễm virus độc lạ”- theo truyền thông trong nước, đài CNN nhận định: “Với tư cách Chủ tịch nước, ông Quang tỏ ra khắc nghiệt với giới bất đồng. Điều này được thể hiện qua những vụ đàn áp nhắm vào các nhóm nhân quyền.”

CNN dẫn lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách Á Châu của tổ chức Human Rights Watch nói: “Di sản của Chủ Tịch Quang là cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm đối với quyền con người, và tống giam các tù nhân chính trị nhiều hơn so với những người tiền nhiệm.”

Di sản của Chủ Tịch Quang là cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm đối với quyền con người, và tống giam các tù nhân chính trị nhiều hơn so với những người tiền nhiệm.

Ông Phil Robertson, HRW.

Trên Twitter, ông Phil Robertson nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đại Quang, Bộ Công An đã gia tăng quyền lực và số tù nhân chính trị tăng cao chưa từng thấy.

Ông Robertson nói tiếp: “Hơn bất kỳ ai khác, ông Quang phải chịu trách nhiệm về việc Bộ Công An tăng cường giám sát cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam, tăng tình trạng lạm quyền, tham nhũng và tống tiền đi kèm với sự hiện diện ngày càng nặng nề của công an.”

Trong khi đó tờ New York Times viết: “Một số cựu quan chức Việt Nam từ chối bình luận về cái chết của ông Quang giữa lúc giới trí thức của nước này chỉ trích ông trên mạng xã hội vì ông được cho là ủng hộ Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật An Ninh Mạng vào tháng 6/2018, để buộc Facebook và các công ty công nghệ khác đặt máy chủ lưu dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Các nhóm nhân quyền nói hành động này tiếp tay cho nhà cầm quyền gia tăng trấn áp các nhà bất đồng chính kiến.”

Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã phơi bày nhiều vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Công An, nơi ông Quang từng giữ chức bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp.

Trong bài viết trên trang Nghiên Cứu Quốc Tế, nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore nhận định:

“Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã phơi bày nhiều vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Công An, nơi ông Quang từng giữ chức bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016.”

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp viết tiếp: “Mặc dù ông Quang chưa chính thức bị quy trách nhiệm về những bê bối này, chúng vẫn phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông.”

https://www.voatiengviet.com/a/di-san-nhan-quyen-dang-xau-ho-cua-ong-tran-dai-quang/4586382.html

 

Hai chức vụ TBT và Chủ tịch nước

 sẽ vào tay ông Tổng Trọng?

Cát Linh, RFA

Vô nguyên tắc và không đúng Hiến pháp

Tranh cãi về việc có nên hợp nhất hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hay không vốn đã diễn ra trong dư luận từ lâu. Tuy nhiên, điều này chỉ thật sự gây chú ý cho người dân trong nước, nhất là những nhà quan sát theo dõi chính sự Việt Nam kể từ khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, khoá XII.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội chia sẻ với RFA rằng tuy Hiến pháp Việt Nam 2013 có sự phân định rất rạch ròi về chức vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, tuy nhiên trên thực tế thì “nói 1 đằng, làm 1 nẻo”.

“Ông Tổng Bí thư ông ấy lấn quyền sang, thật sự ông ấy là 1 người Đảng trưởng, chỉ có vai trò trong Đảng của ông ấy mà thôi nhưng thật sự ông ấy hành xử như 1 nguyên thủ quốc gia, chỉ đạo đủ mọi thứ, lấn sang cả chức năng ngoại giao của ông Chủ tịch nước.”

Ông Tổng Bí thư ông ấy lấn quyền sang, thật sự ông ấy là 1 người Đảng trưởng, chỉ có vai trò trong Đảng của ông ấy mà thôi nhưng thật sự ông ấy hành xử như 1 nguyên thủ quốc gia, chỉ đạo đủ mọi thứ, lấn sang cả chức năng ngoại giao của ông Chủ tịch nước. – Ông Nguyễn Quang A

Gần đây nhất, sáng 5 tháng 9, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Liên bang Nga. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam công du chính thức Cộng hòa Hungary từ ngày 8 đến 11 tháng 9.

Và cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng, tháng 7 năm 2015, là vị Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.

Một nguồn tin chưa kiểm chứng mà chúng tôi có được cho biết từ đây đến cuối năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa sẽ có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, các thời Tổng Bí thư trước mà ông có nhắc đến như ông Nông Đức Mạnh, ông cho rằng “các vị ấy không dám lấn sân như vậy.”

“Bao giờ ông Tổng Bí thư ở chế độ độc Đảng này thì vẫn là người có hành xử cao nhất. Nhưng ông ấy (Nguyễn Phú Trọng) đã lấn sân 1 cách vô lối như bây giờ là hiện tượng mới xảy ra. Và hiện tượng đó là hiện tượng không nên cho phép

Xu hướng tập trung quyền lực quá cao như thế là không tốt gì cả. Nó từ thái cực này đến thái cực kia. Nhiệm kỳ đầu tiên thì ông ấy không làm được gì lắm vì có 1 ông hành pháp như ông Nguyễn Tấn Dũng là 1 người mạnh. Bây giờ ông Trọng cũng cố quyền lực thì ông ấy lấn. Điều ấy là điều sẽ có hại cho đất nước.”

Nói về sự “thâu tóm quyền lực trong tay” của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cũng tỏ rõ ý kiến không đồng tình và ông gọi là “vô nguyên tắc”.

“ Vô nguyên tắc, không có pháp luật, 1 hành vi vô chính phủ. Trong Hiến pháp người ta chỉ nói là Đảng lãnh đạo thôi, không nói người nào trong Đảng sẽ tham gia chức trách nhà nước. Luật hiện nay Đảng chọn ra những người giới thiệu với Quốc hội, mà Quốc hội là của Đảng rồi nên bầu chỉ có hình thức. Nên chức vị như Chủ tịch nước cũng có sự hài hước của nó, vô tích sự và hình thức.”

Vô nguyên tắc, không có pháp luật, 1 hành vi vô chính phủ. Trong Hiến pháp người ta chỉ nói là Đảng lãnh đạo thôi, không nói người nào trong Đảng sẽ tham gia chức trách nhà nước. Luật hiện nay Đảng chọn ra những người giới thiệu với Quốc hội, mà Quốc hội là của Đảng rồi nên bầu chỉ có hình thức. Nên chức vị như Chủ tịch nước cũng có sự hài hước của nó, vô tích sự và hình thức. – Ông Nguyễn Khắc Mai

Theo tài liệu từ cổng thông tin Chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội toàn quốc 5 năm một lần. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương. Ban chấp hành Trung ương bầu ra Bộ chính trị và Tổng Bí thư. Tổng Bí thư là chức vụ cao nhất trong Đảng (trước đây có tên là Chủ tịch Đảng), do Trung ương bầu ra trong số ủy viên Bộ Chính trị.

Ba chức danh cao nhất đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội là ba chức danh đứng đầu Nhà nước, do Quốc hội bầu. Do đặc thù chức năng, nhiệm vụ luật định, Quy định 90 của Bộ Chính trị đặt ra một số tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh.

Trong một bài phóng sự trước đây, RFA có trích dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, làm việc tại Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam ở Đại học quốc gia Hà Nội, trên tạp chí chính trị Châu Á Diplomat rằng “ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhân vật chính trị nhiều quyền lực nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam đương đại, nắm việc kiểm soát cả ba bộ phân có thực quyền nhất đất nước là Đảng Cộng sản, công an, và quân đội.”

Không nên hợp nhất!

Chính từ những động thái được cho là “lấn sân” hoặc “thâu tóm quyền lực” như đề cập ở trên, dư luận trong nước từ lâu râm ran những ý kiến cho rằng nên hợp nhất hai chức vụ cao nhất của Đảng và của nhà nước vào một.

Như lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì không nên như thế. Theo ông, nếu như Việt Nam có 1 chế độ đa đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam được nhiều phiếu nhất, thì việc Đảng trưởng của đảng thắng cử phải nắm quyền hành pháp, tức là chức Thủ tướng thì nó hợp lý hơn. Nhưng ở qui định của Việt Nam thì khác, đó là chỉ có 1 đảng thôi.

“Và theo qui định hiện hành thì tôi nghĩ không nên hợp nhất chuyện ấy lại. Bởi vì chí ít về mặt chức năng nó có 1 sự phân biệt, nghĩa là nó có sự cạnh tranh nội bộ bên trong ấy, còn hơn là tập trung quyền lực vào.

Nếu nó có sự cạnh tranh giữa các đảng với nhau thì việc hợp nhất chức Thủ tướng với Chủ tịch Đảng là hợp lý. Nhưng vì đây là chế độ độc Đảng nên người ta qui định như bây giờ tôi nghĩ là hợp hơn, để đừng tập trung quyền lực quá đáng vào tay 1 người như bên Trung Quốc tập trung vào tay Tập Cận Bình.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh thêm, chế độ của nhà nước Việt Nam đã là chế độ tập quyền cao độ rồi, nếu ủng hộ thêm 1 chút nữa thì chỉ có hại cho đất nước, cho nhân dân.

Hiện nay nhiều người đang muốn đặt ra, ngay trong nhóm lãnh đạo Đảng, bắt chước mô hình của Tàu. Nhưng Việt Nam chưa có đạo luật nào nói về việc này, 1 nghị định cũng chưa có. Muốn làm thì phải bổ sung sửa điều lệ của Đảng đi. – Ông Nguyễn Khắc Mai

Về phía ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, ông không bài trừ, cũng không ủng hộ. Điều ông cho là quan trọng nhất là “phải xây dựng luật cho đàng hoàng.”

Hiện nay nhiều người đang muốn đặt ra, ngay trong nhóm lãnh đạo Đảng, bắt chước mô hình của Tàu. Nhưng Việt Nam chưa có đạo luật nào nói về việc này, 1 nghị định cũng chưa có. Muốn làm thì phải bổ sung sửa điều lệ của Đảng đi.

Ít ra thì phải có 1 nguyên tắc. Hiện nay không có nguyên tắc gì cả. Hiến pháp cũng không nói vấn đề này. Cho nên nếu làm là làm 1 cách phi pháp, bất chấp luật lệ.

Hợp nhất hay không hợp nhất là đề tài đang được bàn tán và những người quan tâm đang chờ quyết định chính thức được đưa ra tại Hội Nghị Trung Ương 8 được cho biết sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây trước khi Quốc hội Khóa 14 nhóm kỳ họp thứ 6 sau thời điểm đó.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/General-secretary-and-president-position-will-be-of-Trong-09242018133118.html

 

WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá

để giảm người dùng

Các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đề nghị được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá, diễn ra hôm 25/9 tại Hà Nội.

Truyền thông trong nước dẫn lời bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, một chuyên gia của WHO cho biết; thuốc lá có chứa 7000 hóa chất và trong đó 69 loại gây ung thư. Do đó, nhưng chất này khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và gây nguy cơ ung thư rất cao.

Tại hội nghị, các chuyên gia của tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá quốc tế đưa ra nhiều giải pháp cho phía Việt Nam, trong đó đáng chú ý là giải pháp tăng thuế thuốc lá để hạn chế người hút mới, giảm thiểu nguy cơ tử vong sớm cho con người.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam có mức thuế đối với thuốc lá rất thấp, tức khoảng 35% giá bán lẻ so với các nước trong khu vực. Vì vậy việc tăng thuế có thể tăng doanh thu thuế, đồng thời giảm đi lượng người tiêu dùng nên đề xuất cho rằng tăng thuế đến 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ.

Điều tra được tiến hành ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45% và nữ giới là 1,1%. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc.

Thống kê cũng cho biết Việt Nam có số lượng người hút thuốc đứng thứ ba trong khu vực ASEAN với 15,6 triệu người trên 15 tuổi đang hút thuốc. Ngoài ra có khoảng 28,5 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc tại nhà và 5,9 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc tại nơi làm việc.

Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm và có thể tăng lên 70.000 vào năm 2030. Việc sử dụng thuốc lá gây ra gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế ước tính hơn 24.000 tỷ đồng mỗi năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/who-recommends-vietnam-to-increase-tobacco-taxes-for-reducing-users-09252018095021.html

 

Petrolimex kiến nghị

dừng dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong tỉnh Khánh Hòa, với lý do đưa ra là để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án khác.

Kiến nghị này được Petrolimex đưa ra trong buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào ngày 25 tháng 9.

Trước đề nghị của Tập đoàn Xăng dầu VN, đại diện Vụ Văn phòng Chính phủ cho biết đang chờ báo cáo của Bộ Công thương về kiến nghị dừng dự án này, và sẽ quyết định khi có báo cáo của Bộ công thương.

Về phía Bộ Tài chính, ông Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với kiến nghị của Petrolimex và nói thêm trước đây Bộ Tài chính đã từng đề xuất cho dừng dự án hóa dầu Nam Vân Phong.

Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong do Petrolimex làm chủ đầu tư, được Chính phủ Hà Nội phê duyệt năm 2008, dự tính đặt tại huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 4,4 đến 4,8 tỷ đô la.

Cũng tại buổi họp, Tổ Công tác của Chính phủ đã yêu cầu Petrolimex trong thời gian tới thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, một số ý kiến đề cập đến việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Tập đoàn Xăng dầu VN. Thứ trưởng Bộ Công thương ông Trần Quốc Khánh cho biết hiện đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời lại yêu cầu Petrolimex phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh. Điều này có thể làm một số nhà đầu tư lưỡng lự. Theo ông Khánh, nên để các cổ đông của Petrolimex tự quyết định kinh doanh gì, bởi vì nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần hoặc thậm chí thấp hơn khi cổ phần hóa tập đoàn này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petrolimex-suggests-government-to-stop-nam-van-phong-refinery-project-09252018092452.html

 

Thủy sản Việt Nam xuất khẩu

sang EU giảm sâu vì ‘thẻ vàng’

Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sau khi bị thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thông tin vừa nêu tại hội nghị Đánh giá một năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không quản lý (IUU)” diễn ra hôm 25 tháng 9 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo VASEP, trong tám tháng đầu năm xuất khẩu hải sản giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt 252 triệu USD. Xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu trong năm 2018. Trong đó, mực và bạch tuộc xuất khẩu sang EU giảm liên tục từng tháng, có tháng giảm tới 41%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP giải thích, khi EU cảnh cáo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp qua khu vực này giảm do các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Thậm chí họ có thể sẽ ngừng mua hàng. Ngoài ra, 100% hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam, sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác trong thời gian bị thẻ vàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí.

Chưa kể là khi bị thẻ vàng, nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu thêm chi phí từ 5.000 đến 10.000 euro. Nếu tiếp tục vi phạm và bị thẻ đỏ, coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn nhiều hơn.

Được biết Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề “thẻ vàng” hải sản vào tháng 1 năm 2019 sau khi có chuyến làm việc vào trung tuần tháng 5 vừa qua.

Cũng tin liên quan, vào ngày 21 tháng 9, tại buổi gặp gỡ với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã và đang nỗ lực để xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý, đề nghị EU xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản đánh bắt của Việt Nam.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình rà soát pháp lý tiến tới ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.

Ngoài ra, ông Phạm Bình Minh cũng mong muốn các nước EU ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fish-shrimp-squid-vietnam-stick-hurt-because-of-the-eu-yellow-card-09252018080634.html