Tin Việt Nam – 25/08/2019
Vụ Gateway: Vì sao bà Bích Quy từ chối làm việc
khi bị triệu tập 2 lần vào thứ Bảy?
Hôm thứ Bảy ngày 24/8, bà Nguyễn Bích Quy bị mời triệu tập hai lần vào cùng ngày, khiến dư luận trên mạng xã hội quan tâm.
Một đơn cho thấy bà bị công an Quận Cầu giấy mời triệu tập ngay lúc 9h sáng 24/8.
Một đơn khác cho thấy bà bị Viện Kiểm sát Cầu Giấy mời triệu tập lúc 3h30 chiều 24/8.
Đều là để điều tra thêm về vụ án vô ý làm chết người liên quan tới việc bé trai L. 6 tuổi tử vong tại trường Gateway hôm 6/8.
“Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng có thể bị dẫn giải theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự,” giấy triệu tập của VKS do Kiểm sát viên Nguyễn Duy Quang viết.
Vụ Gateway: Thực hư tài xế tử vong, trường bỏ mác ‘quốc tế’?
Vụ bé trai trường Gateway tử vong gây choáng dư luận VN
Những gì đã biết về vụ bé trai trường Gateway tử vong
Theo báo Tiền Phong, bà Quy đã không lên làm việc vì “quá gấp gáp”.
Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn, người hỗ trợ pháp lý cho bà Quy cho báo Tiền phong biết:
“Bà Quy không phải là bị can, không bị kết luận đã thực hiện hành vi phạm tội nên việc đưa Giấy triệu tập yêu cầu phải lên ngay là không đúng nguyên tắc triệu tập, mời làm việc.”
Thêm vào đó, ngày 24/8 là thứ Bảy không phải ngày làm việc, bà Quy có quyền và lý do không có mặt.
Ông Sơn cho biết, ngày 27/8, bà Quy sẽ lên làm việc cùng với luật sư.
Trước đó, hôm 20/8, bà Quy đã nhận được giấy triệu tập lần thứ nhất và đã làm việc với công an quận Cầu giấy, từ 2h giờ chiều đến 9h30 tối.
Dư luận nói gì?
Trên mạng xã hội, đang có nhiều ý kiến về việc công an mời bà Bích Quy lên làm việc nhiều lần, nhất là vào trong ngày cuối tuần với điều kiện “vắng mặt có thể bị dẫn giải”.
Nhiều người thắc mắc sao những cá nhân khác liên quan như người lái xe, cô giáo chủ nhiệm và phụ huynh thì “vắng bóng”.
Facebooker Anh Phạm viết: “Chẳng thấy ở nước nào có cái giấy triệu tập trong ngày mà lại là cuối tuần như thế này.
“Cách người ta cư xử như ấn vào mặt bà Quy thế này trong khi những người khác liên quan, ví dụ người lái xe, đều như mai danh ẩn tích vắng bóng hết, cho thấy là bà Quy đang chuẩn bị chịu tội oan rồi.”
“Viện Kiểm sát có hăng hái điều tra những người và pháp nhân khác có liên quan không? Họ có mời ông lái xe, các cô giáo trường, các phụ huynh vv đến làm việc vào ngày cuối tuần và phải đến ngay lập tức nếu không muốn bị bắt không? Tại sao họ chỉ làm thế với một người yếu đuối, không có chỗ dựa?
Chúng ta bỏ tù được Ủy viên Bộ Chính trị thì sao phải dò dẫm quanh co trong một việc rất là nhỏ bé thế này?”
Cũng có câu hỏi từ cộng đồng mạng rằng nếu chiếc xe đúng là đỗ ở Học viện Báo chí Tuyên truyền thì vì sao cả hiện trường này và các nhân viên cán bộ ở đó không được đưa vào phạm vi điều tra.
Dương Quốc Chính: “Tại sao lại có 2 cái giấy triệu tập dồn dập khẩn cấp vào ngày nghỉ như vậy? Phải chăng là do bài báo này lên mạng lúc 7h38 sáng cùng ngày?”
Tài khoản này đề cập đến bài báo “Bà Bích Quy thắc mắc sao ông Phiến lái xe lại im lặng?” của báo Giáo dục đăng sáng 24/8.
“Mình dự là bà Quy để bảo vệ bản thân đã phải chơi một đòn rất khôn ngoan, đó là ‘khai’ với báo chí trước khi khai với [công an] và [viện kiểm sát], để tránh bị ép cung! Vì chính bà đang khiếu nại việc bị ép cung trước đó.
“Điều đó đã làm hai cơ quan điều tra giật mình, nên buộc phải triệu tập khẩn cấp bà Quy, nhưng không thành. Có lẽ do bà đã tính trước điều này với luật sư của mình nên từ chối làm việc ngay lập tức.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49463886
Em trai của bố già Lê Thanh Hải
bị thêm cáo buộc, đối mặt án tử hình
Tin từ Hà Nội, ngày 25/8/2019: Báo Thanh Niên đưa tin Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an cộng sản vừa khởi tố bổ sung bị can Lê Tấn Hùng, em trai của cựu bí thư thành uỷ Sài Gòn và cựu uỷ viên Bộ chính trị đảng cẩm quyền Lê Thanh Hải, về cáo buộc “tham ô tài sản”- một tội danh theo điều 353 của Bộ luật hình sự với mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Việc khởi tố bổ sung này được thực hiện sau khi phía công an mở rộng điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Trước khi bị bắt, Hùng là tổng giám đốc của SAGRI, một công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Cùng với Hùng, 7 bị can khác cũng bị khởi tố, và 6 trong số họ bị bắt giữ, trong đó có nguyên kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy, giám đốc Trần Văn Trường và kế toán trưởng Đỗ Sĩ Hoài Thanh của Công ty cổ phần du lịch Thanh niên xung phong (VYC Travel), giám đốc Đoàn Quang Hồi và kế toán trưởng Nguyễn Thị Nguyên của Công ty thương mại dịch vụ lữ hành Hòa bình Quốc tế (PIT Travel).
Những người này bị cho là cấu kết với Hùng và Thuý để tham ô và gây thiệt hại số tiền 13,3 tỷ đồng khi ký khống 10 hợp đồng cho viên chức của Sagri đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Hùng bị bắt ngày 6/7 với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vì sai phạm trong quản lý và sử dụng 46 mặt bằng, nhà đất với hơn 1,900 ha.
Gia tộc Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Hoa, cựu phó chủ tịch nước, được cho là hai gia đình có quyền thế và tài sản khủng nhất ở Sài Gòn sau bao năm vơ vét. Tuy nhiên, số phận của hung thần Lê Thanh Hải cũng đang bị đặt dấu hỏi sau khi em trai của y bị bắt.
Lê Tấn Hừng cũng là một trong những kẻ đã chỉ huy lực lượng trật tự đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước ở Sài Gòn trong thời gian gần đây.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/em-trai-cua-bo-gia-le-thanh-hai-bi-them-cao-buoc-doi-mat-an-tu-hinh/
Con gái lãnh đạo công ty Sông Đà 7
khoe mỗi năm phá 20 tỷ của cha
Tin Vietnam.- Ngày 25 tháng 8 năm 2019, cộng đồng mạng facebook Việt Nam bỗng dưng xôn xao với những thông tin từ một facebook mang tên Thảo Thắng đã khoe của trên trang nhà của mình.
Theo đó, Thảo Thắng đã chia sẻ rằng, cô rất thương bố mình. Vì nhiều năm nay bố cô thoải mái cho cô ăn và phá tài sản của ông ta. Trong 5 năm liên tiếp, Thảo Thắng đã phá của bố mình mỗi năm 20 tỷ đồng. Bố chiều cô đến mức sẵn sàng chi cho cô hàng chục tỷ đồng để cô mở nhà hàng khi cô nổi hứng “một phút hâm dở”. Và bố cô chỉ nói một câu với con gái mình rằng, lấy bao nhiêu thì lấy, mở gì thì mở, vì ông ta làm cả đời vì con cháu.
Thảo Thắng còn khoe rằng, cô đã có hai đời chồng, và cả hai lần đều do một tay bố cô lo cho mình. Không chỉ lo cho cô, mà bố cô còn lo cho 3 đứa con của cô từ hộp sữa cho đến việc mừng các cô giáo của cháu.
Sau nhiều lần khoe thành tích ăn chơi, Thảo Thắng được cộng đồng mạng Việt Nam chú ý. Theo trang facebook Nhà Báo Điều Tra, thì facebook Thảo Thắng chính là Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái ông Nguyễn Mạnh Thắng, Bí thư đảng uỷ, kiêm chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu Tư Đô Thị Và Khu Công Nghiệp Sông Đà 7. Công ty này là thành viên của Tổng Công Ty Sông Đà, một tập đoàn lớn nhà nước. Công ty Sông Đà 7 đã trúng thầu nhiều dự án lớn như dự án nhà ở cấp Bộ trưởng, trên Bộ trưởng, nhà ở chuyên viên cao cấp Văn phòng quốc hội, và nhiều dự án khác. Ngoài ra, công ty này còn nổi tiếng vì vướng nhiều vụ bê bối, thí dụ như thực hiện dự án nhà cho cấp Thứ trưởng ở Hà Nội đầu tư 400 tỷ đồng rồi bỏ hoang. Hay chuyện người dân ở chung cư Viện Chiến lược và Khoa học Công an tố cáo công ty giữ sổ đỏ của họ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/con-gai-lanh-dao-cong-ty-song-da-7-khoe-moi-nam-pha-20-ty-cua-cha/
Không kỷ luật cán bộ dùng xe công
đi đám cưới con Trưởng đoàn ĐBQH
Việt Tường15:09 25/08/2019
Tỉnh ủy Sóc Trăng thống nhất với báo cáo của Ủy ban Kiểm tra về việc chỉ rút kinh nghiệm những cán bộ dùng xe công đi đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào.
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất không đưa ra hình thức kỷ luật những cán bộ dùng ôtô biển số xanh đi đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng. Như vậy, những cán bộ này đều chung một hình thức kiểm điểm là “rút kinh nghiệm”.
“Các đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm chứ không xử lý kỷ luật và tỉnh đồng ý. Vừa qua, UBND tỉnh có ban hành chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý xe công nên việc này chấn chỉnh lại thôi”, ông Thống nói với Zing.vn.
Theo ông Thống, việc bà Đào tổ chức đám cưới gây dư luận không tốt, Trung ương chưa có ý kiến gì.
Hồi đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ký công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh bà Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới nhiều ngày, nhiều xe biển số xanh, đỏ đến dự. Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định, báo cáo về Bộ này trước 20/8.
UBND tỉnh Sóc Trăng sau đó cũng bám vào nội dung Tỉnh ủy Sóc Trăng báo cáo Ban Bí thư để báo có Bộ Nội vụ và đang chờ cấp trên xem xét quyết định hình thức xử lý tiếp theo đối với bà Đào.
“Đồng chí Đào đã gửi giải trình đến Thường trực Tỉnh ủy và nhận khuyết điểm trong việc tổ chức đám cưới cho con trai”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Hơn một tháng trước, từ ngày 19-21/7, bà Đào tổ chức cưới vợ cho con trai trưởng, đãi tiệc 4 lần trong 3 ngày. Đáng chú ý, trong các buổi tiệc này có nhiều xe biển số xanh, đỏ đưa đón cán bộ đến dự.
Cơ quan chức năng xác định xe biển xanh đến dự đám cưới con trai bà Đào thuộc chủ sở hữu của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh như: Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ.
Còn lại là của Đảng ủy Dân chính đảng tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Châu Thành, Huyện ủy Châu Thành, UBND huyện Kế Sách và Công an thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng).
Tiếp tục cho xe hơi cá nhân Trung Cộng
vào Quảng Ninh giữa lúc căng thẳng Biển Đông
Tin từ Hà Nội, ngày 25/8/2019: Báo Thanh Niên đưa tin chính phủ cộng sản Việt Nam đồng ý cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh gia hạn thời gian thí điểm hoạt động của xe hơi cá nhân của Trung Cộng vào lãnh thổ Việt Nam cho dù căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng.
Theo văn bản do Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh ký, xe hơi cá nhân của Trung Cộng được phép qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái vào thành phố Hạ Long đến hết tháng 6 năm 2020.
Việc thí điểm này được chính phủ cộng sản cho phép thực hiện từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, chiếc xe đầu tiên đến từ Trung Cộng vào lãnh thổ Việt Nam là trong tháng 6 năm ngoái, và được vào sâu 180 km từ cửa khẩu. Đổi lại, xe hơi du lịch cá nhân của người Việt Nam cũng được vào tới thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, với quãng đường 600 km.
Báo cũng cho biết khách Trung Cộng đi xe du lịch cá nhân đến Quảng Ninh đều phải có visa. Từ đây, họ có thể để xe ở thành phố Hạ Long rồi đi tiếp đến các địa phương khác.
Trong khi đó, căng thẳng ở ngoài Biển Đông ngày càng gia tăng khi tàu Hải Dương 8 cùng 4 tàu hải cảnh của Trung Cộng đã vào sát Phan Thiết, chỉ còn cách bờ hơn 100 km. Sự hung hăng của Trung Cộng ngày càng gia tăng ngay sau khi Hà Nội và Washington cùng lên tiếng phê phán Bắc Kinh. Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa lên tiếng về hành động của Trung Cộng vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông kể từ đầu tháng 7 vừa qua.
Quốc Tuấn
Sài Gòn sẽ lắp đặt 10,000 camera
trên đường phố theo dõi người
Tin Saigon.- Báo Tuổi Trẻ ngày 24 tháng 8 năm 2019 loan tin, sở Thông tin và Truyền thông Cộng sản tại Sài Gòn vừa gửi đề án lên Uỷ ban nhân dân thành phố về việc sẽ lắp đặt 10,000 camera giám sát trên toàn địa bàn.
Theo dự trù, 10,000 chiếc camera sẽ được lắp ở khắp các đường phố Sài Gòn trong vòng 5 năm tới. Các camera được lắp có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Hiện nay, trên toàn địa bàn Sài Gòn đã có gần 1,000 camera giao thông của sở Giao thông vận tải và các đơn vị khác, với trung bình 7km có 1 chiếc camera.
Ngoài việc lắp một lượng camera dày đặc như trên, nhà cầm quyền cũng sẽ thực hiện kết nối hệ thống camera trong từng khu dân cư, các tuyến đường để dễ theo dõi người dân.
Hành động trên của nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn đã minh chứng rõ nhất cho tuyên bố trước đó của ông Nguyễn Thiện Nhân- bí thư thành uỷ- rằng sẽ không để xảy ra bất kì một vụ biểu tình nào ở Sài Gòn. Việc lắp một lượng lớn camera trên để nhằm giám sát từng hành động của người dân, phục vụ cho việc cai trị dân hiệu quả hơn.
Theo nguồn tin của phóng viên, vào tháng 6 năm 2018, hai thanh niên đi xe gắn máy rải truyền đơn kêu gọi người dân biểu tình phản đối dự luật đặc khu. Sau đó họ đã bị công an bắt giam do xem lại hình ảnh trên các camera.
Nhưng ngược lại, mỗi ngày cũng trên địa bàn Sài Gòn xảy ra hàng chục, hàng trăm vụ cướp giật tài sản. Nhưng ít có vụ nào mà công an tìm được các đối tượng gây án nhờ camera.
Dư luận người dân cho rằng việc lắp camera chỉ là để tước đoạt thêm quyền tự do của người dân, là để thực hiện mạnh hơn chế độ công an toàn trị.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/sai-gon-se-lap-dat-10000-camera-tren-duong-pho-theo-doi-nguoi/
CSVN đạt được thỏa thuận
về Đại Diện Giáo Hoàng thường trú với Tòa Thành Vatican
Tin từ thành phố Vatican — Theo tin từ CNA, vào ngày 21 và 22/8, một nhóm làm việc ngoại giao của Tòa Thánh ở Việt Nam vừa tham gia một hội nghị thượng đỉnh tại Vatican.
Đây là cuộc họp thứ 8 của nhóm làm việc này với Tòa Thánh. Nhóm này đạt được thỏa thuận thành lập một Đại Diện Giáo Hoàng thường trú tại Việt Nam. Đại diện giáo hoàng thường trú được coi là bước trung gian trong quan hệ ngoại giao, dưới chức vụ của một sứ thần.
Tòa Thánh Vatican và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ, nhưng từng tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức kể từ năm 2009. Từ năm 2011 cho đến nay, Tòa Thánh có một đại diện giáo hoàng không thường trú tại Việt Nam. Hồi tháng 12/2018, nhóm này và Tòa Thánh có một cuộc gặp tại Hà Nội. Tại cuộc họp trên, các đoàn đều đồng ý nâng cấp người đại diện này từ một người không thường trú thành thường trú.
Theo một tuyên bố chung được đưa ra ngày 23/8, nhóm làm việc Tòa Thánh tại Việt Nam thảo luận về các quy định nhằm củng cố một thỏa thuận như trên, theo quan điểm về việc thành lập văn phòng sớm nhất có thể. Trong cuộc họp, Tòa Thánh cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của nhà cầm quyền đối với cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, khi mà cộng sản Việt Nam bảo đảm cam kết tiếp tục cải thiện chính sách thống nhất để tôn trọng tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Hai bên cũng bày tỏ cam kết tiếp tục đối thoại dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng, để điều chỉnh các mối quan hệ song phương. (BBT)
Thủ tướng quên… ‘kiên quyết’, dân Đà Nẵng gặp may!
Ba nhà máy thủy điện: Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương vừa ngưng phát điện để đồng loạt xả nước vào hệ thống sông Vu Gia. Nguồn nước từ ba nhà máy thủy điện này xả ra đã về tới hạ du Đà Nẵng, người ta hy vọng nhờ thế, dân Đả Nẵng sẽ có nước để ăn, uống, tắm, giặt…
Đà Nẵng – nơi được ví von là “thành phố đáng sống” – thiếu nước từ ngày 19 tháng 8. Thực trạng tồi tệ này được giới hữu trách giải thích là do năm nay mưa ít, trời nắng, mực nước trên các dòng sông đồng loạt tụt giảm, nước mặn từ biển tràn vào thế chỗ làm độ mặn của nước vọt lên, doanh nghiệp đảm nhận vai trò cấp nước cho Đà Nẵng không thể lọc và cung cấp nước cho dân ăn, uống, tắm, giặt như trước.
Tại Đà Nẵng, rất nhiều nơi, đặc biệt là khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nhiều người phải tạm ngưng các sinh hoạt thường nhật để đi tìm nước. Sau đó, nhiều khu dân cư ở Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đã có một số trường học tạm đóng cửa. Cục Hậu cần Quân khu 5 đã phải điều động một số xe bồn loại 13 khối chở nước đến tiếp ứng cho các khu dân cư không thể vắt được ở bất kỳ đâu giọt nước nào…
Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng này đã xuất hiện cách nay khoảng ba năm. Sự khác biệt giữa trước đây và hiện nay chỉ ở mức độ: Càng ngày càng trầm trọng! Tờ Tuổi Trẻ nhắc lại chuyện cách nay một năm. Lúc đó ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Đà Nẵng từng bảo rằng: Bất kể lý do là gì, để người dân thiếu nước chúng ta cũng có tội! – và đặt vấn đề: “Thiếu nước sinh hoạt: Nhận tội với dân, rồi sao nữa ?” (1).
Câu trả lời tất nhiên là chẳng sao. Nước dù tiếp tục thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng hơn song… đời nào có chuyện chỉ vì… ông Nghĩa (Bí thư Đà Nẵng, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN)… cao hứng tuyên bố như thế mà bắt ông… cúi đầu nhận tội? Chưa kể bắt ông Nghĩa cúi đầu nhận tội thì có bắt Thủ tướng… cúi đầu nhận tội hay không?
Tháng trước, trước tình trạng miền Trung thiếu nước trầm trọng cả trong sinh hoạt lẫn trồng trọt, Thủ tướng tuyên bố: “Kiên quyết” không để người dân thiếu nước sinh hoạt (2). Từ đó đến giờ, nước cho ăn, uống, tắm, giặt ở miền Trung càng ngày càng… thiếu và Đà Nẵng chỉ là ví dụ. Sau Đà Nẵng, giờ tới lượt Bình Định, Phú Yên,… phải dùng cả xe cứu hỏa, xe tưới cây chở nước cứu dân sắp chết khát (3).
Chẳng lẽ Thủ tướng “kiên quyết” nhưng dân chúng vẫn thiếu nước sinh hoạt mà Thủ tướng vô can? Có nên tín nhiệm một người luôn luôn “kiên quyết” nhưng hoạt động của chính phủ thường xuyên thiếu hữu dụng, đảm nhiệm vai trò Thủ tướng hay không?
Nếu dùng google với “thủ tướng+kiên quyết” làm từ khóa, sẽ chỉ mất vài chục giây là tìm ra hàng chục triệu trang web giới thiệu các tuyên bố mà Thủ tướng thề “kiên quyết” trong đủ mọi chuyện: “Kiên quyết” đấu tranh bảo vệ chủ quyền! “Kiên quyết” không lùi bước trước khó khăn! “Kiên quyết” đẩy lùi tham nhũng, quan liêu! “Kiên quyết” không để vướng mắc kéo dài!..
Còn thực tế? Với thực tế mà ai cũng thấy, cũng biết, sau khi Thủ tướng tuyên bố… “kiên quyết”, bao giờ đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng “kiên quyết” không… dùng hai từ… “kiên quyết” nữa?
***
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng chẳng phải chỉ chuyên gia mà ngay cả thường dân cũng đã có thể nhìn ra, hậu quả thiên tai ở Việt Nam (lụt, lũ quét, sạt lở, hạn hán) chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Tháng 3 năm 2017, Thủ tướng ra lệnh gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện, “kiên quyết” loại bỏ các dự án thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng (4). Chỉ bốn tháng sau, chính phủ do Thủ tướng lãnh đạo cho hàng loạt tỉnh (Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk,…) “bổ sung vào quy hoạch thủy điện” hơn 20 dự án (5)!
Tháng trước, song song với tuyên bố: “Kiên quyết” không để người dân thiếu nước sinh hoạt! – Thủ tướng cũng chính là người hết sức ân cần hỏi thăm lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Sang năm tiếp tục hạn hán thì có còn điện không (6)? May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không chỉ đạo: “Kiên quyết” tích nước để các nhà máy thủy điện vận hành ổn định!
Đến giờ, dân số Đà Nẵng khoảng một triệu. Chỉ một triệu nhưng hệ thống công quyền ở Đà Nẵng loay hoay suốt ba năm vẫn không thể cấp đủ nước cho cư dân Đà Nẵng. May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không “kiên quyết” nên hệ thống công quyền ở thành phố này lơ là, không thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Thủ tướng cách nay ba năm: Muốn phát triển mang tính đột phá, Đà Nẵng phải có khoảng… ba triệu dân (7).
Đà Nẵng mà có ba triệu dân như chỉ đạo của Thủ tướng hồi 2016, có thể Thủ tướng sẽ chỉ đạo tiếp rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải “kiên quyết” tuyên truyền, giáo dục nhân dân ăn, uống, tắm, giặt bằng nước… biển! Dân Đà Nẵng, quý vị thấy mình may mắn không?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/thieu-nuoc-sinh-hoat-nhan-toi-voi-dan-roi-sao-nua-20190822074407607.htm
(3) https://tuoitre.vn/mien-trung-phai-dung-xe-cuu-hoa-tiep-nuoc-cho-dan-vung-han-20190821145920333.htm
(5) https://tuoitre.vn/nhieu-noi-van-lam-thuy-dien-nho-1360159.htm
(7) https://news.zing.vn/da-nang-muon-phat-trien-phai-co-3-trieu-dan-post632331.html
https://www.voatiengviet.com/a/da-nang-thu-tuong-quen-kien-quyet/5054573.html