Tin Việt Nam – 25/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/08/2018

EU: Việt Nam vi phạm nghĩa vụ quốc tế

với bản án 20 năm tù cho Lê Đình Lượng

Liên minh châu Âu vừa lên tiếng phản đối việc Việt Nam kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù hồi tuần trước và cho rằng Hà Nội đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình khi đưa ra bản án này.

Trong một tuyên bố ra ngày 20/8, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam nói việc ông Lượng bị kết án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi thụ án – dựa trên các điều khoản của Bộ luật Hình sự – “tiếp tục xu hướng tiêu cực trong việc đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa tại Việt Nam.”

Phái đoàn EU tại Việt Nam đưa ra tuyên bố này sau khi đạt được sự đồng thuận của các Đại sứ của các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Các đại sứ EU cho rằng ông Lê Đình Lượng hậu thuẫn một cách ôn hòa nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như đã được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam, trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Bản tuyên bố đăng trên trang web của phái đoàn EU tại Việt Nam viết: “Xét bản án này là một sự vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, Liên minh châu Âu mong muốn các cơ quan thẩm quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Đình Lượng cũng như cho tất cả các blogger và nhà hoạt động nhân quyền khác đang bị phạt tù vì đã biểu đạt quan điểm của mình một cách ôn hòa.”

Phái đoàn Liên minh châu Âu nói họ “lấy làm tiếc về quyết định của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU và đại sứ quán các nước thành viên EU tới chứng kiến phiên xét xử, bởi vì làm như vậy sẽ khiến dư luận đặt ra những nghi vấn về tính minh bạch của quá trình xét xử.”

Ngay sau phiên tòa xử nhà hoạt động vì môi trường diễn ra tại Nghệ An hôm 16/8, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA rằng Viện kiểm sát đã đưa ra các chứng cứ mơ hồ để buộc tội ông Lượng. Luật sư Mạnh cho rằng bản án là rất nặng so với các vụ án cùng tội danh gần đây.

Truyền thông trong nước miêu tả ông Lượng là một “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm” thuộc “tổ chức khủng bố Việt Tân” có trụ sở tại Hoa Kỳ, các bản tin này tố cáo ông Lượng là “đã lôi kéo, dụ dỗ” người khác tham gia vào tổ chức này, “nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Vợ ông Lượng, bà Nguyễn Thị Quý, nói với VOA rằng chồng bà từng biểu tình và ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi ngừng khai thác Bôxit ở Tây Nguyên, ông cũng tham gia cùng người dân phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ Mỹ tuần trước đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy thả nhà bất đồng chính kiến này ngay lập tức. Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và các bản án khắc nghiệt đối với những hoạt động tranh đấu ôn hòa ở Việt Nam.

Liên minh châu Âu nói sẽ tiếp tục theo sát và hợp tác với các cơ quan thẩm quyền và tất cả các bên hữu quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-viet-nam-vi-pham-nghia-vu-quoc-te-voi-ban-an-20-nam-tu-cho-le-dinh-luong/4542830.html

 

Việt Nam quen vi phạm bản quyền

Tôn trọng bản quyền hay tác quyền cho đến nay dường như chưa trở nên hành xử bình thường tại Việt Nam. Gần đây lại có chuyện chiếu công khai các trận thi đấu giải bóng đá nam ASIAD 18 khi chưa mua bản quyền truyền hình; thế rồi một phim truyền hình của Trung Quốc bị phát lậu tại khắp các trang mạng tại Việt Nam.

Vi phạm bản quyền công khai

Một số người hâm mộ bóng đá Việt Nam được xem các trận đấu ASIAD 18 qua kênh ‘Xôi Lạc TV’ khi mà Việt Nam chưa có bản quyền chính thức. Một số trang mạng lớn trong nước cũng có thông báo sẽ phát trực tiếp toàn bộ các trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam và những môn thi đấu khác bất chấp vấn đề bản quyền.

Không còn đường kiếm nó để coi nên mình bắt buộc phải tìm đường lậu mà coi thôi.

– Phan Lâm

Anh Phan Lâm hiện đang làm việc tại một công ty về truyền thông tại Sài Gòn cho chúng tôi biết do vạn bất đắc dĩ phải tìm đến với những kênh phát lậu như thế.

“Vấn đề tại ASIAN Cup là mình không còn đường kiếm nó để coi nên mình bắt buộc phải tìm đường để coi vì lòng hâm mộ của người dân Vn với đội tuyển bóng đá rất là cao nên giờ đài không có thì tìm đường lậu mà coi thôi.”

Anh còn thừa nhận thực tế một số quán nước tại các khu vực đông người qua lại còn mang cả máy chiếu lớn chương trình phát lậu để mọi người cùng xem.

Sự việc phát lộ lên khi môt trang chiếu phim khá nổi tiếng tại Việt Nam bắt buộc người xem phải trả lời bốn câu hỏi xác nhận để được vào xem, trong đó có câu “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc nước nào?” nhưng đáp áp không có Trung Quốc.Không chỉ riêng bản quyền truyền hình ASIAD 18, một vụ việc không chỉ giới hạn trong nước mà còn lan sang nước ngoài. Đó là cư dân mạng Trung Quốc một phen tá hỏa khi bộ phim truyền hình đang được ưa chuộng là “Diên Hy Công Lực” chỉ mới phát đến tập 50 và phải trả phí mới được xem; thế nhưng tại Việt Nam không cần trả một đồng nào khán giả vẫn được xem trước gần cả chục tập.

Cư dân mạng Trung Quốc đã đưa thông tin lên truyền thông thể hiện sự bức xúc về điều này. Anh Phan Lâm cho chúng tôi biết thêm “Về vấn đề phim thì không biết tụi nó kiếm đâu ra được 10 tập để chiếu trước TQ nên bị kiện là phải rồi, còn dữ hơn là không những chiếu lậu mà còn phụ đề tiếng việt nữa. Anh nghĩ là do đồng tiền thôi, nó đẩy lên trước người ta thì trang nó hot hơn, về vụ phim anh nghĩ là do tiền thôi.”

Chúng tôi có liên lạc với một bạn trưởng nhóm chuyên làm phụ đề tại Sài Gòn để hỏi thêm thông tin về vụ việc và được bạn chia sẻ qua email rằng “Một khi có một bộ phim truyền hình nào lên sóng thì nhóm phụ đề sẽ chia ra làm ba phần, dịch thuật, canh chỉnh thời gian cho phụ đề và liên hệ với các trang web để đăng tải phim. Phần phụ đề được chia làm ba phần cho ba người mỗi người đảm nhận dịch 15’, nhờ cách này khi phim lên sóng tại nước sở tại thì ngay lập tức sẽ có ngay sau vài tiếng tại Việt Nam.”

Sau khi sự việc xảy ra đơn vị sở hữu bản quyền TQ đã yêu cầu ba kênh phát sóng trên internet là FPT play, Zing.tv và Kênh Youtube TKL gỡ bỏ hoàn toàn các tập phim cũng như các trang phim lậu cũng phải gỡ bỏ khỏi website và chỉ còn duy nhất đài truyền HTV vẫn được chiếu mỗi ngày nhưng phát sau Trung Quốc 3 tuần.

Vấn đề sai phạm

Một số luật sư mà chúng tôi liên lạc đều khẳng định rằng, tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện nay ở mức báo động rất nghiêm trọng và nó làm xấu đi hình ảnh về thực thi pháp luật bản quyền của Việt Nam.

Luật sự Đặng Đình Mạnh từ Sài Sòn cho Đài Á Châu Tự Do biết: “Tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện nay hết sức là phổ biến, đến mức là hầu như người ta không biết là mình đang vi phạm và sử dụng việc vi phạm rất là tự nhiên.”

Luật sư Mạnh còn cho rằng cần phải xem xét lại tình trạng này, bởi vì Việt Nam đang muốn hội nhập với quốc tế thì nên tôn trọng luật pháp quốc tế.

Một vị Luật sư từ Sài Gòn xin được giấu tên cho chúng tôi biết đối với tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình là các trang mạng cho phép xem phim miễn phí để thu được tiền từ việc chạy quảng cáo cũng như nếu lượng người xem cao sẽ thu hut được nhiều nhà tài trợ. Còn đối với các nhà đài đã mua bản quyền phát sóng nhưng hiện tượng cư dân mạng có thể phát trực tiếp trên trang cá nhân của mình thì đơn vị bản quyền có thể cắt sóng bất cứ lúc nào dù đã mua bản quyền.

Theo luật sở hữu trí tuệ các hành vi xâm phạm quyền như nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sẽ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự và dân sự.

Người ta không biết là mình đang vi phạm và sử dụng việc vi phạm rất là tự nhiên.

– LS. Đặng Đình Mạnh

Vị luật sự từ Sài Gòn cho chúng tôi biết thêm việc vi phạm bản quyền bị xử phạt hành chính theo điều 211 luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó người vi phạm có thể bị cảnh cáo, phạt tiền hay đình chỉ trang mạng vi phạm.

“Luật của chúng ta có thêm biện pháp hành chính, thế nhưng chúng ta phải chấp nhận dùng biện pháp hành chính là dùng quyền lực của cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền dân sự thì những bảo vệ ấy cũng đã được luật hóa trong luật sở hữu trí tuệ và trong luật vi phạm hành chính. Đối với các tổ chức có thể phạm đến 500 triệu, còn đối với cá nhân có thể là 250 triệu đồng, tùy vào hành vi có thể xử lý.”

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một trong những điều khoản được nêu ra trong nhiều thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Và cũng như nhiều thỏa thuận, thậm chí công ước được Hà Nội phê chuẩn, vấn đề tôn trọng bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được thực thi như đề ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-often-infringes-copyright-08242018131537.html

 

VN: Huy động 60 tỷ đô ‘nhàn rỗi’ có khả thi?

Theo truyền thông Việt Nam, ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng Thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tiền nhàn rỗi tích luỹ trong dân cao, lên đến 60 tỷ USD.

Quanh việc ’60 tỷ đô nhàn rỗi trong dân’

Tiền chính phủ TQ tới Việt Nam bao nhiêu?

Ân xá thuế để dân khai ra hàng tỷ USD

TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài

Bình luận về tính khả thi của việc nhà nước ở Việt Nam huy động khoản tiền này từ trong dân để tái đầu tư, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh từ Hà Nội nói với Bàn tròn Thứ Năm 23/08/2018 của BBC Tiếng Việt:

“Việc huy động tiền nhàn rỗi trong dân thì nước nào cũng có, không chỉ riêng Việt Nam. Nếu nhà nước có thể đưa ra kênh đầu tư nào đó khiến người dân tin cậy thì việc huy động vốn là khả thi. Hiện tại bất động sản dường như là kênh đầu tư duy nhất. Theo đó, bất chấp các vấn đề về môi trường và an sinh xã hội, nhiều công ty bất động sản đã thu hồi đất từ người dân để đầu tư vào các dự án, gây ra hiện tượng dân oan và những bất ổn trong xã hội.”

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể huy động vốn thông qua kêu gọi lòng yêu nước như Tuần lễ vàng 1946 được nữa. Nếu có thì Nhà nước nên kêu gọi vốn từ các quan chức chính phủ vì những người đó rất giàu. Những quan chức này đang sống nhờ vào chế độ nên nếu họ đứng ra đầu tư, đóng góp cho chế độ thì cũng là điều tốt, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân”, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói thêm.

Thảo luận cũng xoay quanh chuyện liệu còn các giải pháp nào khác tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng để người dân Việt Nam “mở hầu bao” đem tiền trở lại vào lưu thông, đầu tư, thay vì đem ra nước ngoài.

Cũng về đề tài này, tiến sỹ Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Luật pháp và Phát triển từ Hà Nội cho BBC biết qua trao đổi email trong tuần rằng thực ra, khái niệm ‘tiền trong dân’ bao gồm nhiều giới.

Những quan chức này đang sống nhờ vào chế độ nên nếu họ đứng ra đầu tư, đóng góp cho chế độ thì cũng là điều tốtTS Nguyễn Hoàng Ánh

“Có người đầu tư bất động sản, có người đầu tư kinh doanh, có người cất giữ trong nhà vì gửi ngân hàng không có lãi. Người ta nói huy động trong dân là nói chung tất cả chứ chắc không phải trừ cán bộ, đảng viên cộng sản đâu.”

Trong khi đó, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, một nhà bất đồng chính kiến từ TP HCM nói trong Bàn tròn BBC 23/08, tỏ ý nghi ngờ về tính xác thực của con số 60 tỷ USD:

“Tôi không biết chuyên gia Ngân hàng Thế giới dựa vào đâu để đưa ra con số trên. Hiện nay, lượng giá trị tiền mặt lưu thông ở Việt Nam là khoảng 250 tỷ USD, nhưng chưa có một thống kê cụ thể nào về tỷ lệ tiền nhàn rỗi trong dân hay trong doanh nghiệp.”

Ông Dũng cũng nêu quan điểm rằng, “theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Thế giới, Việt Nam rơi vào nhóm cuối về minh bạch kinh tế, tài chính. Do đó, rất khó để biết được tỷ lệ tiền nhàn rỗi trong dân là bao nhiêu”.

Huy động kiểu gì nếu muốn?

“Từ năm 2011, Chính phủ đã đưa ra chính sách huy động 500 tấn vàng tích luỹ trong dân, chỉ tương đương khoảng từ 18 đến 20 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách này vẫn thất bại do Chính phủ chưa bảo đảm được rằng người dân sẽ thu hồi được số vàng đó nếu họ gửi vào Ngân hàng Nhà nước hoặc các Ngân hàng Thương mại Cổ phần.

Tình trạng nợ xấu cao, lên tới 40 tỷ USD của các ngân hàng hiện nay khiến người dân không thể tin tưởng để đem vàng đi gửi”, ông Phạm Chí Dũng nói thêm.

Còn PGS. Phạm Đức Bảo thì tin rằng cách huy động bằng hình thức gửi tiết kiệm có lãi suất như trước đây nếu đề ra thì “chắc người dân vẫn gửi”.

“Còn bằng hình thức trái phiếu thì chắc là người dân không mặn mà,” ông cho biết qua điện thư.

Một vị khách khác của thảo luận Bàn tròn BBC ngày 23/03, tiến sỹ Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, Hoa Kỳ cho biết:

“Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới không nắm vững tình hình kinh tế Việt Nam nên con số 60 tỷ tiền nhàn rỗi trong dân là không đáng tin.”

Theo ông Nghĩa, hầu hết người dân Việt Nam có tiền không chờ vào ý kiến của các chuyên gia để quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán hay gửi vào ngân hàng. Thay vào đó, họ tự đi tìm các giải pháp nhằm tăng giá trị tài sản của mình, bao gồm đầu tư ở nước ngoài như Hoa Kỳ vì họ không yên tâm với tương lai của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn từ góc nhìn của một người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng:

“Theo tôi, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này theo khía cạnh kinh tế. Đa số người dân Việt Nam đều mong mỏi được sống trên quê hương mình. Do đó, nếu Nhà nước có thể đưa ra một kênh đầu tư hợp lý thì người dân sẽ ở lại.”

Không bỏ tiền vào ngân hàng mà đem ra nước ngoài

Cuộc tranh luận cũng chuyển sang chủ đề liệu có cách nào “giữ chân” người có tiền và đồng vốn của họ để không bỏ Việt Nam ra đi.

Không đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Chí Dũng nói:

“Trong kinh tế có chính trị, trong chính trị có kinh tế. Do đó, không thể tách rời vấn đề chính trị trong câu chuyện này. Hơn nữa, không phải người dân Việt Nam nào cũng muốn sinh sống và làm ăn trên đất nước mình…

Hiện nay, làn sóng người Việt Nam di cư ra nước ngoài là rất phổ biến, nhằm tránh các bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường.”

Quan chức Ukraine có nhiều tiền mặt

Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’

‘Đổ tiền cho đặc khu có rủi ro tầm quốc gia’

Tuy vậy, ông Phạm Đức Bảo lại nghĩ khác về việc này:

“Tiền của cá nhân thì họ có quyền lựa chọn kênh đầu tư, có người thích đầu tư kinh tế, có người thích đầu tư vào con người, ai cũng thấy giáo dục trong nước kém chất lượng và bê bối nhiều năm nay nên học muốn đầu tư cho con đi du học nước ngoài nhất là những nước phát triển như Âu, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… để được hưởng một nền giáo dục tiên tiến.

Suy nghĩ của họ bỏ tiền đầu tư cho con người là có lợi nhất. Còn những người bỏ tiền ra mua nhà và bất động sản ở nước ngoài (trong số đó chắc có không ít quan chức) thì chắc là không phải để đầu tư mà chắc có lẽ là để cho con cháu và gia đình tìm kiếm cơ hội định cư chứ không phải để tìm kiếm lợi nhuận.”

Giải pháp nào mới hơn?

Khi được hỏi, liệu dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì Việt Nam sẽ huy động được nguồn từ người dân hay không, PGS Nguyễn Hoàng Ánh cho biết:

“Nếu Nhà nước vẫn dùng các giải pháp cũ thì việc huy động vốn là rất khó. Trong bối cảnh nợ công Việt Nam ngày càng tăng, thì tôi không thấy con đường nào khác ngoài việc huy động đầu tư từ các quan chức chính phủ.”

Ông Phạm Chí Dũng thì cho rằng việc huy động hiện nay là vô cùng gian nan vì “người dân đã mất sạch niềm tin vào chính trị”.

“Việt Nam đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế – chính trị. Do đó, Nhà nước không chỉ phải thay đổi về thể chế kinh tế mà còn phải cải cách thể chế chính trị và vấn đề nhân quyền”, ông Dũng nêu ý kiến.

“Tôi không lạc quan về tương lai của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần cải cách từ trên xuống dưới trong bộ máy chính trị của nhà nước.”TS Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhìn từ Hoa Kỳ, tiến sỹ Nguyễn Xuân Nghĩa, người từng làm việc trong bộ máy của VNCH trước 1975 và làm việc ở Việt Nam sau đó một số năm, nêu quan điểm:

“Tôi không lạc quan về tương lai của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần cải cách từ trên xuống dưới trong bộ máy chính trị của nhà nước.”

Hôm 23/8, trả lời BBC Tiếng Việt từ Bangkok, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói:

“Con số hàng tỷ đôla tiền nhàn rỗi trong dân đặt ra rất nhiều vấn đề đối với chính sách.”

“Đó là vấn đề ổn định vĩ mô, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng cạnh tranh hơn.”

Việt Nam không phải là nước đầu tiên có vấn đề làm sao huy động, hoặc mời gọi tiền trong dân.

Từ mấy năm trước, Indonesia và Ấn Độ đều dùng cách ‘ân xá thuế’ để ‘mời về’ tiền người dân đem ra nước ngoài, hoặc chưa đưa vào đầu tư.

Tháng 7/2016, chính phủ Indonesia ra luật ân xá thuế để ai chưa nộp hết hoặc trốn thuế có thể khai báo lại và hợp pháp hóa các khoản tiền của mình.

Theo Reuters khi đó, có ít nhất 200 tỷ USD tiền từ Indonesia chưa khai thuế đang để trong các tài khoản ở Singapore.

Giới tài chính khu vực ước tính ít nhất 30 tỷ USD sẽ ‘hồi hương’ về lại Indonesia nhờ ‘ân xá thuế’.

Cũng trong năm 2016, chỉ nhờ bốn tháng ân xá thuế, Ấn Độ đã ‘làm lộ ra’ 9,8 tỷ USD tiền cất dấu trong dân chúng, theo Financial Times hồi tháng 10 cùng năm.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-45300179

 

Cải tổ ngành Công an

có thay đổi tư duy cải cách?

PGS. TS. Phạm Quý ThọHọc viện Chính sách và Phát triển

Tinh giản bộ máy ngành Công an là chủ trương từ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó được cụ thể hoá bằng Nghị định 01 của Chính phủ.

Đề án chi tiết không được công khai, nhưng những tin tức trên báo chí cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.

Bộ Công an Việt Nam tổ chức lại bộ máy

Tái cơ cấu Bộ Công an sẽ ‘xáo trộn rất lớn’

Tái cơ cấu Bộ CA: ‘Nước cờ chính trị không dễ chơi’

Từ ngày 7/8 Bộ Công an còn lại hơn 50 cục sau khi xóa bỏ 6 tổng cục, giảm 60 đơn vị cấp cục, 300 đơn vị cấp phòng thuộc bộ, 500 đơn vị cấp phòng thuộc công an tỉnh, 1000 đơn vị cấp đội thuộc công an huyện, 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố.

Mục tiêu của đề án là biên chế Bộ Công an đến 2020 giảm 10%, trong đó có việc đưa dần 25.000 công an viên chính quy về xã làm việc.

Tại sao Bộ Công an được lựa chọn để cải tổ mạnh mẽ?

Bộ Công an từng được coi là bộ ‘siêu quyền lực’.

Theo số liệu từ chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, tổ chức bộ máy của bộ này trước tinh giản có nhân sự khoảng 600.000 cán bộ, nhân viên, và chi tiêu cho bộ chiếm tới 12% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đã từng có những phê phán, cảnh báo về tình trạng ‘công an trị’.

Hơn thế, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường việc bảo trợ chính trị nặng nề đã diễn ra trong thời gian dài khi Chính phủ có thẩm quyền đối với các chức vụ công, các thành viên nắm giữ các quyền phân phối trực tiếp các nguồn lực xã hội.

Bộ Công an bị có lúc bị coi là ‘thành trì’ phe phái trong Đảng Cộng sản trước và trong Đại hội 12.

Nhiều lãnh đạo đảng và chính quyền hiện nay đang nắm giữ cương vị cao trong guồng máy ‘trưởng thành’ từ cán bộ ngành công an các nhiệm kỳ trước.

Bởi vậy, chống “tự chuyển hoá, tự diễn biến”, ngăn ngừa hình thành phe phái trong nội bộ Đảng cần được nhìn nhận là một trong những mục tiêu quan trọng của việc cải tổ Bộ Công an.

Để chỉ đạo trực tiếp, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020.

Lo nhất là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, cho nên phải có biện phápTBT Nguyễn Phú Trọng

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng cải tổ mạnh mẽ ngành Công an tạo điều kiện tăng cường tập trung quyền lực Đảng. Nắm được Bộ Công an, Tổng bí thư, Bộ chính trị sẽ thuận lợi hơn trong việc đẩy lùi “tự diễn biến, tự chuyển hoá” dẫn đến hình thành phe nhóm.

Sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13, dự kiến được bàn thảo trong các Hội nghị trung ương tới đây, sẽ theo kịch bản chủ động của Đảng.

Quá trình tinh giản đang triển khai, nên chưa thể đánh giá thành công đến mức độ nào.

Tuy nhiên, tác động to lớn của nó là không tránh khỏi.

Trên các phương tiện truyền thông đưa tin những nhiều tướng lĩnh, sĩ quan công an bị kỷ luật giáng chức, một số xin nghỉ chế độ trước tuổi, những băn khoăn rằng số biên chế dôi dư sẽ như thế nào, thậm chí đặt lại vấn đề cơ sở khoa học của đề án tinh giản bộ máy…

Cải tổ ngành Công an có thể thay đổi tư duy cải cách?

Câu trả lời là bản chất của ngành Công an không thể thay đổi khi nó vẫn được coi là công cụ của chuyên chính vô sản, công cụ của Đảng.

Thủ tướng VN cách chức Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành

Quanh việc năm tướng công an VN ‘hưu sớm’

TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Những người xây dựng gọi đề án là “tinh giản” thay vì “cải tổ” không chỉ thuần tuý ở khía cạnh tâm lý, mà còn khẳng định duy trì bản chất.

Sự cải tổ ngành Công an không thể làm thay đổi chế độ; tuy nhiên, những kết quả của đề án có thể nhận thấy.

Giả sử đến năm 2020 giảm 10% tương đương với khoảng 60 nghìn người, trong đó giảm nhiều tướng lĩnh, sĩ quan công an, ngân sách bớt gánh nặng và có thể được chi tiêu hợp lý hơn, người dân bớt nghi ngờ và ủng hộ chính sách tinh giản bộ máy và biên chế…

Bài học cải cách bộ máy có thể rút ra từ đây là dù lĩnh vực, bộ, ngành quan trọng hay ‘nhạy cảm’ đến đâu, nếu Đảng Cộng sản quyết tâm thay đổi vì dân, vì sự phát triển sẽ được nhân dân ủng hộ và sẽ mang lại kết quả tích cực.

Trong bối cảnh hiện nay dù phức tạp và biến đổi nhanh, song những yếu tố tích cực như khuyến khích tự do kinh tế trên cơ sở giải phóng nguồn lực thiên nhiên, xã hội và con người, nỗ lực loại bỏ các rào cản thể chế… khi trở thành chính sách nhất quán sẽ thúc đẩy cải cách bộ máy và nhân sự.

Nhiều nghiên cứu cải cách bộ máy trước đây đã chỉ ra rằng “càng chủ trương giảm thì càng tăng”.

Nguyên nhân có nhiều, song cơ bản là do bản chất nội sinh của thể chế.

Đã đến lúc cần nhìn nhận lại một số vấn đề cải cách để có giải pháp đột phá.

Trước hết, các quan điểm như “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, “ổn định xã hội để phát triển kinh tế”, “kinh tế thị trường định hướng XHCN”… cần được nhìn nhận và vận dụng phù hợp với thực tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, sao cho chúng không thể tạo ra nơi ẩn náu của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, ngăn cản các quyền hiến định về tự do biểu đạt ôn hoà, tổ chức xã hội dân sự, hội họp, biểu tình…

Trong lĩnh vực kinh tế, cần thay đổi cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nó là sản phẩm tự nhiên của sự phát triển nhân loại. Đảng cần thay đổi để thích nghi, chứ không phải ngược lại.

Bởi vậy, các doanh nghiệp nhà nước vốn là sản phẩm của kinh tế tập trung cần phải được tư nhân hoá chứ không thể níu kéo bởi “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”.

Tự do kinh tế cần được hỗ trợ bởi cải cách bằng cơ chế chính sách và bộ máy để loại bỏ cản trở cải cách hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân…

Sức ép ngày càng lớn đối với cải cách bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước xuất phát từ bộ máy quan liêu cồng kềnh, phình to trong thời gian dài, nạn tham nhũng trầm trọng, suy thoái đạo đức công vụ và cung cấp dịch vụ cho người dân với hiệu quả kém.

Bộ máy và nhân sự hiện tại không thích hợp với việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường, bởi vậy tư duy cải cách bộ máy cần xuất phát từ nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Các nhà cải cách, từ phía cung, cần thiết kế bộ máy và nhân sự sao cho nhu cầu được đáp ứng tốt nhất, cắt giảm những bộ phận không cần thiết, cản trở phát triển.

Trong đó, loại bỏ những nhóm đặc quyền là yếu tố quan trọng để xây dựng năng lực hành chính.

Cần chủ động, công khai, minh bạch nội dung và lộ trình cải cách bộ máy. Khi đó chúng ta hy vọng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp sẽ hướng tới bộ máy quản lý nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công của Việt Nam đang làm việc tại Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45297249