Tin Việt Nam – 25/04/2018
Hải sản quanh cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh
chết hàng loạt
Nước biển khu vực cảng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào rạng sáng ngày 24 tháng 4 đã chuyển sang màu xanh lục, cùng lúc hàng tấn hải sản trong bè nuôi của người dân thi nhau chết.
Truyền thông trong nước cho biết vào khoảng 5 giờ sáng, nước biển khu vực này chuyển màu xanh như nước chè đặc, sau đó các loại hải sản như cá mú, cá hồng, mực nhảy, tôm hùm, cua, ghẹ người dân nuôi chết hàng loạt. Có hộ mất đến vài ngàn con cá, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tin cũng ghi nhận hiện tượng tương tự xảy ra tại khu vực biển cách cảng Vũng Áng hàng trăm mét.
Ông Phạm Văn Hùng, trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Kỳ Anh cho biết đây là khu vực đang thi công nhiều dự án cầu cảng, cho đắp kè xung quanh, nên có thể khiến nước biển không lưu thông được, cộng với nước thải sinh hoạt từ những công trình này khiến nước bị thiếu ô xy. Ông Hùng cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến hải sản chết
Hiện tại cơ quan chức năng thị xã Kỳ Anh đã lấy mẫu nước và hải sản để kiểm nghiệm.
Khu vực Vũng Áng cũng chính là khu vực có nhà máy Formosa Hà Tĩnh mà vào năm 2016 đã xả thải ra biển gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh bắc Trung bộ, khiến hàng trăm ngàn hộ dân mất sinh kế, trong đó nhiều người phải bỏ nghề hải sản đi tha hương.
Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’
Hôm nay, 25/4/2018, tòa án ở Berlin tiếp tục ngày thứ hai, phiên xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, với bị cáo là ông Long N. H., 47 tuổi, người mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Czech, thường trú tại Czech trước khi bị bắt và dẫn độ về Đức, 8/2017.
Bị cáo Long N. H. bị cáo buộc hai tội danh, gồm tội hoạt động gián điệp cho nước ngoài trên lãnh thổ Đức, và tội hỗ trợ cho vụ bắt cóc nghiêm trọng, tức là vụ bắt cóc có thời gian thực hiện trên một tuần, luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa, cho BBC biết.
Ông Long là ‘tốt thí’ trong vụ bắt cóc ở Berlin?
Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
Trong buổi sáng thứ Tư, tòa tiến hành thẩm vấn ba nhân chứng, gồm một người Pháp, trình bày qua phiên dịch, một người Đức, và một người Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Đức rất tốt.
Những người này đã trình báo với giới chức rằng họ trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra tại vườn thú Berlin hôm 23/7/2017.
Hôm nay, họ ra khai báo trước tòa với tư cách nhân chứng.
Có mặt tại chỗ theo dõi phiên xử, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng cho BBC biết nhân chứng người Thổ Nhĩ Kỳ khai trước tòa rằng khi nhìn thấy những gì xảy ra, ông đã đề nghị người bạn đang đi cùng quay xe đuổi theo chiếc xe van bắt người “cho đến cổng thành Brandenburger Tor thì không theo được nữa”.
Người này sau đó đã báo cho cảnh sát, và trong quá trình theo dõi lâu như vậy, nhân chứng đã “nhớ được cả biển số xe, mác xe”, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.
Thẩm vấn nhân chứng
Trong phiên tòa sáng nay, tên của tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Việt Nam được nhắc tới nhiều lần.
“Các nhân chứng được tòa hỏi là họ có quen biết, hay có mối quan hệ gì với bị cáo, với một người đàn ông được hiện đang bỏ trốn, hay với vị tướng Việt Nam được tòa nêu tên hay không, nhằm đảm bảo tính khách quan trong lời khai,” nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.
“Theo tôi, đó là thủ tục thẩm vấn thông thường, nhưng cũng cho thấy tính khách quan và nghiêm ngặt của tòa.”
“Cả bên công tố, bên tòa án và bên bào chữa cho bị cáo Long đều thẩm vấn, kiểm tra chéo rất kỹ các nhân chứng này.”
“Bản thân họ khi khai các chi tiết, thì đúng là bởi từ lúc sự việc xảy ra tới nay đã là một thời gian dài, nên họ miêu tả cũng có một chút khác nhau.”
Trịnh Xuân Thanh bị tuyên chung thân lần hai
VN ‘chặn luật sư Đức của ông Trịnh Xuân Thanh’
VN: Chấp nhận trả giá đối ngoại vì đối nội?
“Những điểm khác nhau như thế đều bị bà chủ tọa hỏi xoáy rất kỹ.”
“Luật sư của bị cáo Long cũng đưa ra nhiều câu hỏi để thách thức độ đáng tin cậy của các nhân chứng này.”
“Điều khiến tôi ngạc nhiên là sau mỗi lần nhân chứng phát biểu, bà quan tòa đều mời tất cả các nhân chứng, luật sư, công tố, lên để bà cho xem chứng cứ, tài liệu bà có trong tay.”
“Các nhân chứng được cho phép nhận diện những người có trong một xấp ảnh mà bà chủ tọa đưa ra, rất nhiều, gồm ảnh những người được cho là có liên quan tới vụ này.”
Được biết trong phiên tòa hôm nay có sự hiện diện của hai nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Đại diện của phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin cũng có mặt.
Tuy nhiên, không rõ có ai là người đại diện cho cơ quan ngoại giao Việt Nam từ Cộng hòa Czech, hoặc đại diện từ Việt Nam tới dự hay không, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.
Trong phiên xử hôm qua, ngày đầu tiên tòa khai mạc, các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng có mặt, nhưng “theo tôi biết thì không có ai từ văn phòng lãnh sự của Việt Nam tại Czech hoặc từ nơi khác tới”, luật sư Petra Schalagenhauf nói với BBC.
‘Bị cáo bình tĩnh, trầm lặng’
Trong suốt quá trình tòa thẩm vấn nhân chứng, bị cáo Long ‘hoàn toàn giữ im lặng’, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết.
“Ông ấy chỉ làm theo những gì nhân viên tòa án yêu cầu và không có ý kiến gì mỗi khi được tòa hỏi.”
“Bị cáo giữ thái độ bình thường, không tỏ vẻ hốt hoảng, lo lắng gì. Ông tỏ ra rất trầm lặng.”
Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt
Trước đó, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên.
Tuy nhiên, việc đó đã không diễn ra.
Hôm thứ Ba 24/4, luật sư Stephan Bonell biện hộ cho ông Long tuyên bố rằng việc buộc tội thân chủ ông “cần phải được đặt trong bối cảnh chính trị”.
Ông chỉ trích chính phủ Đức về việc không cân nhắc các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, cũng như yêu cầu của Hà Nội đòi Berlin trục xuất ông Thanh.
Điều đó khiến Việt Nam, luật sư Bonell lập luận, không còn cách nào khác ngoài việc phải tiến hành vụ bắt cóc, từ đó dẫn đến những việc rắc rối khác.
Luật sư Bonell cũng tuyên bố có thể sẽ cân nhắc việc nộp đơn yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel ra làm nhân chứng liên quan tới các vấn đề trên.
‘Nhiều người liên quan’
Trong phần nội dung cáo trạng được công bố trước tòa trong hôm qua, nhiều cái tên được nêu ra, mà cơ quan công tố Đức nói là có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
BBC được biết những người bị nêu đích danh có ba người được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung.
Một người nữa cũng thuộc cơ quan an ninh nhưng được hưởng quy chế ngoại giao là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Cục tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non-grata) và bị buộc phải rời Đức sau khi xảy ra vụ bắt cóc.
Ngoài ra, có một người Việt sống tại Prague, Cộng hòa Czech, Dao Quoc Oai, được nêu tên trong cáo trạng.
Có một số người khác được nhắc tới trong hồ sơ, nhưng không xuất hiện trong nội dung cáo trạng đọc trước tòa trong ngày đầu tiên.
Trong số họ này, BBC được biết có vợ của tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, người cũng đồng thời là nhân viên làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao này, và một viên chức lãnh sự.
Hai phụ nữ này được cho là đã tham gia vào các hoạt động sau khi xảy ra vụ bắt cóc nhằm “đưa cô Thi Minh P. D. [người bị bắt cùng ông Trịnh Xuân Thanh] về Việt Nam”, hồ sơ vụ án nói.
Một người khác cũng được nhắc tới trong hồ sơ vụ án là một trong hai người đi cùng chuyến bay đưa cô Thi Minh P. D. về Việt Nam. Chuyến bay diễn ra ngay vào tối Chủ Nhật 23/7/2017, là ngày diễn ra vụ bắt cóc, qua ngả Bắc Kinh. Người này đã bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh trong tháng 9/2017.
Một người nữa, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, được xác định là đã tới lấy hành lý của cô Thi Minh P. D. tại khách sạn, sau khi xảy ra vụ bắt cóc.
Ngoài ra, còn có một số người Việt khác nữa chưa được xác định danh tính, bị cho là đã tham gia vào vụ bắt cóc.
Phiên tòa theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43888056
Vali nạn nhân nữ vụ bắt cóc Berlin ‘bị lục tung’
“Các vali trong phòng trống rỗng, giống như có người nào đó từng vào lục lọi, lấy đi hết,” một nhân chứng người Việt khai trước tòa trong chiều ngày thứ hai phiên xử bị cáo Long N. H., nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Nhân chứng Kiều Lê K. P nói ông là người đã được nhân viên Sứ quán Việt Nam tại Berlin nhờ tới khách sạn lấy đồ cho một phụ nữ “bị gãy tay” vào đúng ngày mà cơ quan công tố Đức nói xảy ra vụ bắt cóc ông Thanh và một phụ nữ đi cùng.
Chiều ngày thứ hai phiên xử bị cáo Long N. H., tòa tiếp tục nghe lời khai của ba nhân chứng nữa, trong đó người Việt nêu trên.
Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’
Ông Long là ‘tốt thí’ trong vụ bắt cóc ở Berlin?
Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’
“Việc một nhân chứng người Việt xuất hiện tại tòa chiều hôm nay quả là một sự kiện hy hữu và là một bất ngờ lớn,” nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, người theo dõi phiên tòa từ đầu ngày thứ hai, nói với BBC.
Bất ngờ hơn nữa là những lời khai của người này trước tòa.
Nếu như cả năm nhân chứng đã lần lượt khai trong ngày, gồm ba người trong phiên xử buổi sáng, và hai sinh viên người Pháp trong phiên buổi chiều, đều mô tả về những gì họ chứng kiến tại hiện trường xảy ra vụ bắt cóc, thì lời khai của nhân chứng người Việt lại đề cập tới một câu chuyện xảy ra vào địa điểm, thời gian hoàn toàn khác.
“Tôi đã giúp nhân viên Sứ quán”
Kỹ sư Kiều Lê K. P. khai trước tòa rằng vào hôm Chủ Nhật 23/4/2017, ông nhận điện thoại từ một nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin có tên là Le D. T., nhờ giúp đỡ.
Khi tới gặp ông này tại Sứ quán Việt Nam, nhân chứng được đề nghị tới khách sạn lấy giúp đồ đạc, vali của “một cô bị thương, bị gãy tay, không tự đến lấy được”, nhân chứng trình bày trước tòa.
Nhân chứng nói bên cạnh chìa khóa từ để vào phòng khách sạn, ông còn được nhân viên này trao cho giấy ủy nhiệm đã làm sẵn, gồm một bản tiếng Đức và một bản tiếng Việt, trên đó “có chữ ký của một nữ lãnh đạo Sứ quán”, rồi chở đến khách sạn.
Nhân chứng nói khi đó ông đã “không đọc kỹ lắm” nội dung hai bản giấy ủy nhiệm này, và không nhận ra rằng có sự khác biệt nào giữa hai bản hay không.
Khi tới nơi, nhân chứng trình bày với nhân viên khách sạn; giấy ủy nhiệm được khách sạn photocopy lại.
Tuy nhiên, ông được cho biết chiếc chìa khóa từ vào phòng đã không còn làm việc nữa, và ông được nhân viên khách sạn trao một chìa khóa mới.
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
VN ‘chặn luật sư Đức của ông Trịnh Xuân Thanh’
VN: Chấp nhận trả giá đối ngoại vì đối nội?
Khi lên tới phòng, nhân chứng nói ông “thấy trong phòng rất bừa bãi, các vali đều trống rỗng, giống như đã có người từng vào lục lọi, lấy đi hết”.
Tuy nhiên, ông vẫn thu dọn những thứ còn sót lại, đem xuống và được nhân viên Sứ quán đi cùng “chở thẳng ra sân bay” để đưa đồ cho chủ nhân các vali.
“Trên đường đi, vị nhân viên Sứ quán đó gọi điện thoại rất bận rộn,” nhân chứng nói.
Lúc tới nơi, thì người phụ nữ đó đã lên máy bay, “không đưa đồ cho cô ấy được nữa”.
Không được đưa tới cơ sở y tế để sơ cứu?
Nếu những gì nhân chứng khai được xác định là chính xác, thì trong số các chi tiết đáng chú ý có việc dường như người phụ nữ được nhắc tới trong cuộc trao đổi giữa ông với nhân viên người Việt đã rời khỏi Đức trong tình trạng không được sơ cứu dù bị thương tới mức “gãy tay”.
Nhân chứng nói ông đã được đề nghị “tìm hộ thuốc nào đó để cầm máu, chữa tạm thời” cho người phụ nữ này.
Ông nói ông đã mất rất nhiều thời gian trong sân bay để đi hỏi các nhân viên ở đó để tìm hiệu thuốc hoặc trạm y tế gần nhất “để kiếm thuốc cho cô ấy”.
Cả hai việc mà nhân chứng nhận làm giúp, là lấy đồ đạc từ khách sạn và tìm thuốc cầm máu, “cuối cùng đều không cần thiết, không sử dụng” theo như yêu cầu, do “cô ấy đã bay rồi”.
Sau đó, hai người cùng rời sân bay, rồi nhân chứng chia tay nhân viên Sứ quán và đi về nhà.
Trịnh Xuân Thanh bị tuyên chung thân lần hai
Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt
Ngày hôm sau, ông lên Sứ quán để trả lại chiếc chìa khóa từ không dùng đến.
Nhân chứng khá tự tin về khả năng tiếng Đức của mình và từ chối dùng phiên dịch của tòa, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình trình bày, “chúng tôi thấy tiếng Đức của ông ấy còn rất yếu, cho nên đôi lúc tòa phải nhờ phiên dịch để làm rõ nội dung nhân chứng muốn khai”.
“Tòa cũng hỏi ông ấy rất nhiều về mối quan hệ của ông với nhân viên Sứ quán, chẳng hạn như đó là mối quan hệ thế nào, lần cuối cùng gặp nhau ra sao, bản chất đó là mối quan hệ riêng tư hay liên quan đến công việc….”
“Tòa cũng làm phép thử bằng cách đưa tờ giấy ủy nhiệm bằng tiếng Việt do Đại sứ quán đưa và yêu cầu ông ấy thử dịch sang tiếng Đức, sau đó so sánh bản dịch miệng của nhân chứng với bản gốc tiếng Việt, và nói nội dung hai bản rất khác nhau.”
Kỹ sư Lê là một gương mặt tham gia khá nhiều hoạt động xã hội trong cộng đồng người Việt tại Đức, cho nên việc ông quen biết các nhân viên Sứ quán không phải là điều lạ, ông Lê Mạnh Hùng bình luận.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43888057
Campuchia:
Giấy tờ người gốc Việt ‘đang được cải thiện’
Vấn đề giấy tờ của người gốc Việt ở Campuchia đang được cải thiện, theo như người dân và Đại sứ quán Việt Nam cho BBC biết.
Hôm 23/3, hơn 100 người gốc Việt đã được tiến hành đăng ký Thẻ Ngoại Kiều ở Chbar Ampov, thủ đô Phnom Penh, Đại sứ Việt Nam Vũ Quang Minh cho biết.
Đây là một nhóm nhỏ trong số hơn hàng chục ngàn người gốc Việt đã được cấp giấy tùy thân hợp pháp theo quy định của chính phủ Campuchia.
Thân phận trôi nổi của người Việt ở Campuchia
Bảy người Việt đi tù ở Campuchia vì buôn lậu gỗ
Campuchia: Chuyện ‘tước quốc tịch’ dân gốc Việt
Khi chính phủ Campuchia thông qua Nghị định 129 hồi tháng 7/2017, nhiều người dân đã tỏ ra lo ngại về việc thu hồi những giấy tờ cũ – giấy tờ tùy thân duy nhất mà họ đã sở hữu hàng chục năm qua.
Chưa kể đến mức phí 250.000 riel (khoảng 1,4 triệu VND) mỗi lần đăng ký, vượt quá khả năng chi của nhiều người dân gốc Việt nghèo khó.
Tuy nhiên, theo phóng sự của BBC Tiếng Việt hồi tháng 12, khi chính phủ Campuchia thu hồi giấy tờ cũ, một số người Việt cho biết họ được hỗ trợ trả khoản phí đăng ký giấy tờ từ một nguồn tài trợ riêng biệt.
Theo đó người gốc Việt dù đến Campuchia vào thời điểm nào, miễn trước 2012, đều phải đăng ký 3 lần, cứ hai năm một lần, cho đến năm thứ 7 thì có thể xin vào quốc tịch Campuchia.
Đại sứ Vũ Quang Minh cho BBC Tiếng Việt biết hôm 24/4 rằng thời gian qua các cơ quan liên ngành giữa hai nước Việt Nam và Campuchia đã làm việc để giải quyết vấn đề này.
“Thời gian qua các cơ quan liên quan của hai nước, đặc biệt bao gồm Bộ Nội vụ CPC (Tổng cục Di trú), Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế CPC, Bộ Công An Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Việt Nam (Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài) đã làm việc rất tích cực.”
“Có sự hợp tác của Tổng hội người CPC gốc Việt và các cơ quan đại diện Việt Nam ở CPC (ĐSQ, hai Tổng lãnh sự quán ở Battambang và Sihanoukville) để triển khai việc thực hiện hoàn tất giấy tờ pháp lý cho người CPC gốc Việt, sớm thực hiện mục tiêu cấp giấy tờ tùy thân hợp pháp cho tất cả bà con người CPC gốc Việt để có thể có địa vị pháp lý hợp pháp, ổn định cuộc sống ở CPC theo luật pháp CPC và thông lệ, luật pháp quốc tế,” ông Minh nói.
Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh cũng cho biết, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện… đã quyên góp thành một khoản quỹ để giúp người dân có điều kiện khó khăn, không thu xếp được tiền nộp lệ phí đăng ký nhận thẻ thường trú ngoại kiều.
“Nên đây không còn là rào cản bà con đi làm thủ tục,” Đại sứ cho biết.
“Chúng tôi mong bà con còn chưa làm thủ tục sớm hoàn tất hồ sơ. Chúng tôi cũng hy vọng thời gian tới, con em người Campuchia gốc Việt sẽ được bảo đảm tốt hơn quyền được đến trường công lập,” ông Minh viết trong bài đăng hôm 24/4 trên Facebook.
Nhưng quyền lợi của người dân vẫn không có gì thay đổi, theo như BBC được biết. Khác biệt duy nhất là tất cả những người gốc Việt giờ sở hữu trong tay giấy tờ tùy thân hợp pháp được công nhận bởi chính quyền nước sở tại.
Những người từng có hộ chiếu mà bị thu hồi, thì được biết đến nay, những quyền lợi đã có sẽ không bị ảnh hưởng, theo một nguồn tin của BBC.
Bị ép đóng phí lạ?
Nhiều người dân ở vùng Siem Reap, Biển Hồ Tonle Sap xác nhận với BBC rằng họ cũng đã được cấp thẻ vàng.
Những người đăng ký lần đầu tiên được cấp thẻ xanh, còn những người đăng ký lần thứ hai thì được cấp thẻ vàng cho Ngoại kiều Thường trú.
Chúng tôi cũng hy vọng thời gian tới, con em người Campuchia gốc Việt sẽ được bảo đảm tốt hơn quyền được đến trường công lậpĐS Vũ Quang Minh
Họ cho biết họ không phải đóng phí 250.000 riel tuy nhiên mỗi hộ bị buộc đóng 10.000 riel “phí cơm” cho cán bộ làm thủ tục đăng ký.
Ngoài ra, người lớn phải đóng 7.000 riel phí chụp ảnh, còn trẻ em, ngay cả trẻ sơ sinh thì đóng 5.000 riel.
Một quan chức cho BBC biết chính phủ đã tài trợ toàn bộ tiền phí này cộng với chi phí mời cơm đón tiếp các cán bộ làm việc, và cho biết sẽ điều tra các cáo buộc trên của người dân.
Quan chức này cũng cho biết, cuộc tổng rà soát cho thấy có khoảng 170.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Campuchia, nhưng con số này ước tính chỉ chiếm khoảng 80% số dân gốc Việt thực sự.
BBC đã tìm cách liên hệ với ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt nhưng ông không nhấc máy.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43889229
‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra ngày 25/04 nói mô hình kiểm duyệt báo chí và Internet của Bắc Kinh được các nước châu Á, điển hình là Việt Nam và Campuchia, sao chép.
“Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, kiểm duyệt và theo dõi tại Trung Quốc chặt chẽ chưa từng với việc sử dụng diện rộng công nghệ mới.
“Phóng viên nước ngoài khó tác nghiệp và công dân Trung Quốc nay có thể đi tù chỉ vì chia sẻ thông tin trên mạng xã hội hoặc trò chuyện qua tin nhắn.
Truyền thông quốc tế nói về ‘Lực lượng 47’
Việt Nam áp dụng nghe lén trong điều tra hình sự
Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ?
“Trên bình diện quốc tế, chính phủ Trung Quốc đang cố tạo ‘một trật tự truyền thông mới’ dưới sự ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng việc xuất khẩu các phương pháp trấn áp, hệ thống kiểm duyệt thông tin và cách thức theo dõi trên Internet.
“Thật không may là mong muốn trấn áp bất kỳ sự phản kháng nào từ công chúng của Trung Quốc lại có những nước theo gót,” báo cáo của RSF viết.
Trung Quốc hiện đứng thứ 176 trong Bảng xếp hạng về Tự do Báo chí Thế giới 2018 của RSF trong khi Việt Nam đứng thứ 175.
Tổ chức này cho rằng truyền thông tại Việt Nam bị kiểm soát toàn bộ nhưng các blogger đã dũng cảm bảo vệ quyền tự do của mình.
“Các blogger thường bị xử tù tới 2 năm nhưng nay những ai viết về các chủ đề bị cấm như tham nhũng hay thảm họa môi trường có thể phải ngồi tù tới 15 năm,” báo cáo viết.
RSF cũng đặc biệt để tâm tới Campuchia, nước mà họ mô tả là đi theo con đường nguy hiểm của Trung Quốc.
Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng
Truyền thông Việt Nam ‘bênh’ Nga và Syria?
Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’
Tổ chức này mô tả chế độ của Thủ tướng Hun Sen đã có chiến dịch trấn áp mạnh tự do truyền thông vào năm 2017, đình chỉ hoạt động của hơn 30 cơ quan báo chí và bỏ tù tùy tiện nhiều nhà báo.
Phương pháp trấn áp các tiếng nói độc lập và kiểm soát truyền thông mạng xã hội không chỉ được các nước như Việt Nam hay Campuchia sao chép mà hiện còn được các nước như Thái Lan, Malaysia và Singapore áp dụng.
Nằm đội sổ tại châu Á là Bắc Hàn trong khi các nước châu Á khác trấn áp nhà báo và bloggers ở mức độ đáng quan ngại gồm Afghanistan, Ấn độ, Pakistan, Myanmar và Philippines.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43866189
Trump trừng phạt Nga:
Quốc phòng VN có ảnh hưởng?
Việt Nam có phải lo ngại vì lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu quân sự của Nga?
Hãng tin Reuters hôm 24/4 tường thuật rằng đạo luật do Tổng thống Donald Trump ký tháng Tám 2017 đã khiến một hợp đồng 6 tỉ đôla của Ấn Độ bị tắc nghẽn.
Luật của Mỹ đưa ra nhằm trừng phạt Nga vì việc sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014, can dự xung đột Syria và cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Luật này dọa trừng phạt những quốc gia nào buôn bán với khu vực quốc phòng và tình báo của Nga.
Reuters dẫn nguồn nói Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã phải họp với Mỹ ở Washington hồi tháng trước để tìm giải pháp.
Ấn Độ muốn mua 5 hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.
Một báo cáo mới ra tháng Ba 2018 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam là khách hàng lớn thứ ba của Nga trong buôn bán vũ khí.
Việt Nam đứng thứ ba (10%) trong danh sách mua hàng của Nga, sau Ấn Độ (35%) và Trung Quốc (12%).
Vậy Việt Nam có bị ảnh hưởng vì luật của Mỹ? BBC đã hỏi bình luận từ ba chuyên gia quốc phòng.
Derek Grossman, phân tích quốc phòng, Rand Corporation
Nếu chính quyền Donald Trump quyết định thực thi lệnh trừng phạt vũ khí Nga mà không có miễn trừ, nó có thể gây tổn hại cho quan hệ an ninh, quốc phòng tích cực đang lên của Mỹ và Việt Nam.
Nếu Mỹ trừng phạt Việt Nam vì mua vũ khí Nga, nó có thể bị xem là thách thức chủ quyền Việt Nam, và Hà Nội có thể trả đũa bằng cách không mua vũ khí Mỹ.
Tuy nhiên, Hà Nội muốn Mỹ can dự vào tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông, và cân bằng lại với sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh. Vì thế, có lẽ Việt Nam vẫn sẽ bày tỏ ủng hộ chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, cởi mở của Mỹ.
Hà Nội có thể cũng sẽ tiếp tục hoan nghênh tàu Mỹ đến thăm, cùng hợp tác củng cố khả năng trên biển của Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nói hai nước là “đối tác tương đồng”.
Ngoài ra, việc Nga nói chung khó tin cậy về địa chính trị – chỉ quan tâm bán vũ khí – có thể làm Mỹ được xem là đối tác quốc phòng đáng tin cậy hơn cho Việt Nam.
Xếp hạng nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam (theo triệu đôla) hai năm 2016-17
Nga: 1167 triệu USD
Israel: 220
Mỹ: 54
Belarus: 53
Czech: 24
Ukraine:23
Slovakia:5
Nguồn: SIPRI
Jon Grevatt, nhà phân tích quốc phòng của IHS Jane’s
Tôi chưa rõ chi tiết về lệnh trừng phạt của Mỹ. Liệu đây là lệnh cấm toàn diện hay có những điều khoản trong đó cho phép có những “lỗ hổng”?
Ví dụ, trong quá khứ Mỹ đã từng có lệnh cấm vũ khí với Việt Nam, nhưng nó có nhiều mức độ. Có cái liên quan vũ khí “phi sát thương”, cái liên quan “an ninh hàng hải”. Có nhiều mức độ để việc giao thương vẫn có thể diễn ra trong một số lĩnh vực.
Nếu đây là trừng phạt toàn diện, rõ ràng nó sẽ có ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, người ta thấy hiện nay Nga vẫn đang tiếp tục buôn bán vũ khí. Mới đây tôi dự các sự kiện quốc phòng ở Malaysia và Singapore, tại đó Nga có mặt rất đông, khoe sản phẩm. Họ nói trừng phạt không có ảnh hưởng lớn tới việc Nga bán thiết bị quân sự.
Trừng phạt của Mỹ sẽ đặt ra thách thức, khó khăn cho Nga và các khách hàng. Nhưng đây là một văn bản pháp lý và chỉ có luật sư mới thực sự biết có những cách gì để vượt qua. Nó sẽ làm Nga và đối tác như Việt Nam đau đầu. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng sẽ có những cách để khách hàng của Nga tiếp tục việc giao thương.
Collin Koh Swee Lean, Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường S. Rajaratnam
Tôi không chắc chính phủ Donald Trump sẽ thực thi đe dọa. Cả ba nước có thể mua vũ khí của Nga – Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam – đều làm nên những quân cờ trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Trừng phạt họ chỉ vì họ mua vũ khí Nga thì vô lý về mặt chiến lược vì cái giá chính trị phải trả sẽ cao hơn.
Chính phủ Mỹ cũng cần nhận ra rằng đây là thị trường vũ khí toàn cầu. Các nước này không muốn bị ai chỉ thị về quyết định mua vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mua S-400 của Nga mặc dù là đồng minh Nato, mặc dù Washington đã đe dọa, ví dụ này cũng khiến các nước làm theo.
Liệu Mỹ và đồng minh phương Tây có thể cung cấp lựa chọn hấp dẫn hơn Nga? Tức là vũ khí công nghệ cao có giá chấp nhận được. Mỹ và phương Tây dĩ nhiên làm ra vũ khí cao cấp nhưng giá lại cao.
Ba nước kể trên có những yêu cầu cụ thể mà không nhất thiết cần tới công nghệ tuyệt hảo phương Tây.
Ấn Độ và Việt Nam lâu nay vẫn dùng vũ khí Liên Xô và Nga. Để họ từ bỏ công nghệ Nga sẽ mất nhiều thời gian, tuy rằng hiện nay họ cũng đã đa dạng hóa mua đồ những nước khác.
Điểm sau đây mới là quan trọng nhất. Indonesia từng bị Mỹ cấm vận vũ khí cuối thập niên 1990 và đầu 2000. Họ đã lấy kinh nghiệm này để thấy rằng đừng phụ thuộc vào một, hai nhà cung cấp. Chắc chắn Ấn Độ và Việt Nam cũng cùng kết luận đó. Nếu chính phủ Donald Trump thực thi đe dọa trừng phạt vì họ mua vũ khí Nga, đó sẽ là chính sách sai lầm về chiến lược.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43883315
Chủ tịch Bình Định nói
không có khai thác Titan và phá rừng
Ba dự án điện gió mà tỉnh Bình Định đang quy hoạch sẽ không làm mất rừng, mất titan của tỉnh. Đó là lời khẳng định của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, và được báo mạng Vietnamplus loan đi vào ngày 25 tháng 4.
Ông Dũng đưa ra thông tin này 4 ngày sau khi người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An thuộc huyện Phù Mỹ biểu tình phản đối việc dựng cột quan trắc gió vì nghi ngờ địa phương cho khai thác quặng titan gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Dũng, tỉnh Bình Định dự định sẽ quy hoạch điện gió với công suất 96 megawatt từ đây đến năm 2020 và 141 megawatt từ năm 2020-2030, với nguồn điện ước tính được lấy từ ba dự án sẽ đưa vào quy hoạch là Phương Mai 1, Phương Mai 3, Nhà máy điện Mặt Trời và điện gió Fujiwara Bình Định. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn đề xuất bổ sung thêm Nhà máy điện gió Mỹ An vào kế hoạch phát triển điện gió của tỉnh.
Nhà máy điện Mặt Trời được xây dựng ở Khu Kinh tế Nhơn Hội với diện tích 60 hecta và điện gió Fujiwara Bình Định được xây ở thôn Tân Canh, xã Cát Hải, dự tính từ 200-250 hecta. Hai dự án này do Nhật Bản đầu tư, với tổng công suất 100 megawatt, được Tổng công ty Cổ phần Thương mại và xây dưng Vietracimex khảo sát.
Trước đó, vào ngày ngày 18/4 hàng chục người dân xã Mỹ Thọ và Mỹ An tập trung phản đối Tổng công ty cổ phần thương mại và xây dựng Viettracimex lắp đặt cột quan trắc gió phục vụ dự án điện gió. Người dân nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường. Người dân còn tràn lên quốc lộ một gây ách tắc giao thông trước khi công an giải tán.
Đến ngày 20/4, người dân địa phương bắt giữ 5 cán bộ địa phương gồm Bí thư, Chủ tịch xã Mỹ Thọ cùng hai cán bộ công an làm con tin trong trụ sở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để đòi thả 14 người dân bị công an được trang bị đã được huy động bắt giữ trước đó vì phản đối dự án điện gió. Đến ngày 21/4, chính quyền đã thả 14 người và người dân thả 5 con tin.
Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ, Mỹ An và Mỹ Thọ cho rằng người dân chưa nắm hết thông tin nên đã phản đối. Ngoài ra, chính quyền huyện Phù Mỹ nói rằng có nhiều khả năng có tổ chức nào đó đứng sau làn sóng phản ứng quy mô và có ‘bài bản’ của người dân hai xã.
Việt Nam giảm diện tích trồng tiêu đen vì giá giảm
Việt Nam có kế hoạch cắt giảm khoảng 26,7% diện tích trồng tiêu đen do giá tiêu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Nguyễn Nam Hải Chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Việt Nam loan tin này hôm 24/4.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm 60-65% thương mại toàn cầu và cung cấp gần một nửa sản lượng tiêu thụ hồ tiêu trên toàn thế giới.
Theo ông Hải, diện tích trồng tiêu sẽ giảm từ 150.000 ha xuống còn 110.000 ha trong những năm tới thông qua việc khuyến khích người dân địa phương trồng xen kẽ các loại cây trồng khác, tiến tới loại bỏ hẳn các trang trại tiêu kém chất. Trong giai đoạn 2013-2015 giá hồ tiêu trên thế giới tăng đã khiến người dân địa phương mở rộng trang trại của họ một cách không kiểm soát, từ 50.000 ha năm 2013 lên 150.000 ha hiện tại.
Tuy nhiên, theo thống kê chính thức của hải quan Việt Nam, mặc dù xuất khẩu tiêu đen trong quý 1 năm 2018 đã tăng lên 60.033 tấn, tương đương với mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu trong giai đoạn này lại giảm còn 221 triệu USD, tương đương mức giảm 31,4%.
Dự kiến, sản lượng xuất khẩu cho cả năm 2018 sẽ không thay đổi so với năm trước và duy trì ở mức 215.000 tấn.
Việt Nam hiện nay xuất khẩu các loại gia vị sang các thị trường chính là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu.
Việt Nam đưa thép
vào danh sách mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Thép là mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam trong thời gian qua và sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong các năm tới.
Báo Vietnamnet trích lời ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết như vậy hôm 24/4.
Doanh thu xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt hơn 3 tỷ đô la, tăng hơn 55% so với năm trước đó, chủ yếu là các sản phẩm thép, thép xây dựng, ống thép và thanh thép nhỏ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết dự đoán tăng trưởng ngành thép của Việt nam sẽ đạt mức 20 đến 22% trong năm nay.
Tuy nhiên, hiện thép Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn nhất định như cạnh tranh từ thép Trung Quốc và việc một số nước áp thuế chống phá giá lên thép xuất khẩu của Việt Nam, nhất là từ Mỹ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện các thị trường tiềm năng chính của Việt Nam là Đức, Mỹ, và Campuchia. Đức được coi là cửa mở cho thép Việt Nam vào thị trường EU.
Nhà báo không biên giới:
Việt Nam dùng bạo lực với blogger và nhà báo
Việt Nam bị xếp hạng 175 tức không có tự do báo chí theo báo cáo mới được Tổ chức Nhà báo không Biên giới (RSF) công bố hôm 25/4.
Theo RSF, chính phủ đang dùng bạo lực để đối lại với các blogger và nhà báo độc lập, trong khi báo chí nhà nước phải chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản.
Báo cáo cho biết trong năm qua, Việt nam đã gia tăng việc sử dụng công an thường phục để xách nhiễu các blogger. Việt Nam cũng gia tăng việc sử dụng các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự để kết tội các nhà báo độc lập và các blogger.
Báo cáo mới của RSF có tựa tạm dịch là ‘thù hận đối với báo chí đe dọa các nền dân chủ’.
Báo cáo cho thấy xu hướng căm ghét tăng cao trên toàn cầu đối với các nhà báo. Xu hướng này đặc biệt được khuyến khích bởi các lãnh đạo chính trị, bởi các nỗ lực của các chính phủ độc tài nhằm xuất khẩu cái nhìn về báo chí của họ và đặt ra mối đe dọa cho các nền dân chủ.
Trong báo cáo năm nay, Bắc Hàn tiếp tục là nước đứng cuối bảng về tự do báo chí trong khi Na Uy được xếp vào đầu bảng về tự do báo chí.
Trung Quốc bị RSF chỉ trích đã tăng cường các biện pháp kiểm duyệt báo chí, bằng cách sử dụng nhiều các công nghệ mới.
Việt Nam lên tiếng vụ Mỹ trục xuất người gốc Việt
Hà Nội lần đầu tiên chính thức phản hồi chuyện Hoa Kỳ tính trục xuất “hơn 8 nghìn người” gốc Việt mà “phần lớn là người tị nạn chiến tranh”.
Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà, nói rằng “việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc”.
Việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc…
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà nói.
Bà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện “trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước”.
“Việt Nam đã và đang phối hợp với Hoa Kỳ trong vấn đề này”, Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tiếp.
Tâm sự từ trại giam của sinh viên Việt sắp bị Mỹ trục xuất
Đại sứ ‘từ chức’ vì Mỹ trục xuất hơn 8.000 người gốc Việt
Việt Nam sắp nhận công dân trục xuất khỏi Mỹ?
Vấn đề Mỹ trục xuất người gốc Việt do phạm tội ở Hoa Kỳ, dù râm ran lâu nay sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra các chính sách được coi là “cứng rắn” đối với các di dân, “nóng” trở lại sau khi ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong tháng này cho biết rằng ông “được yêu cầu phải thúc ép chính quyền Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người”, mà theo ông, “phần lớn là người tị nạn chiến tranh từng sát cánh với Hoa Kỳ, trung thành với lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại”.
Nhà ngoại giao hiện là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright của Mỹ ở Việt Nam nói rằng chính sách mà ông nói là “thụt lùi” sẽ “hủy hoại cơ hội thành công trong việc theo đuổi các mục tiêu khác của Tổng thống Trump trong quan hệ với Việt Nam: giảm thâm thủng thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, nhất là xuất phát từ Bắc Hàn”.
Và theo ông, đó là giọt nước làm tràn ly, khiến ông “từ chức” tháng Mười năm ngoái, ít tuần trước khi sắp hết nhiệm kỳ năm ngoái.
Việc nhận trở lại người gốc Việt từ Hoa Kỳ từng là một trong các vấn đề chính được nêu lên trong tuyên bố chung Việt – Mỹ sau chuyến công du của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới quốc gia cựu thù.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008.
Tuyên bố chung Việt – Mỹ có đoạn.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này”, tuyên bố chung công bố ngày 31/5 năm ngoái có đoạn.
Trả lời Reuters mới đây, ông Osius nói rằng “một số ít” người gốc Việt, vốn được bảo vệ bởi hiệp định ký năm 2008, “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”, đã bị đưa trở lại quốc gia Đông Nam Á.
Bài viết có tựa đề “‘Không nghề, không tiền’: Cuộc sống ở VN của người bị Mỹ trục xuất” của hãng tin Anh sau đó đã được nhiều trang tin trong nước, trong đó có báo điện tử VnExpress đăng lại, thu hút nhiều bình luận của độc giả.
Reuters trích lời một số người đã bị trục xuất nói rằng họ gặp “khó khăn thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam” và rằng “các cán bộ công quyền nhìn họ với con mắt ngờ vực”.
Những người được phỏng vấn còn nói rằng “họ nhận được ít sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và đang chật vật tìm việc làm”.
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đã đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam giúp đỡ những người đã bị trục xuất.
Hãng này trích số liệu của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ cho biết 138 người gốc Việt đã bị đưa từ Mỹ về Việt Nam kể từ năm 2015, hai năm trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
RSF xếp Việt Nam hạng 175/180
về tự do báo chí năm 2018
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 25/4 ra báo cáo thường niên xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí. Cũng như năm 2017, tổ chức này tiếp tục liệt Việt Nam vào điểm đen về tự do báo chí trên thế giới.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới trong bản báo cáo tình hình tự do báo chí năm 2017, cho biết có 21 nước đang ở trong tình trạng vi phạm “rất nghiêm trọng,” như Ai Cập xếp hạng thứ 161, Cuba 172, Việt Nam 175, Trung Quốc 176, hay cuối bảng là Triều Tiên, đứng hạng 180.
Về phần Việt Nam, RSF nhận định ở quốc gia cộng sản này toàn thể các cơ quan truyền thông báo chí nhà nước đều “phải tuân theo mệnh lệnh của Đảng.”
RSF cho biết thêm nguồn tin độc lập duy nhất tại Việt Nam là từ các “blogger và người dân làm báo.” Thế nhưng các phóng viên độc lập này thường xuyên bị công an trấn áp bằng bạo lực. Họ bị xét xử án với án tù giam nặng nề với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lật đổ chính quyền.”
Theo RSF, tự do báo chí ở Hoa Kỳ năm 2018 từ hạng 43 xuống hạng 45 trong số 180 quốc gia. Tổ chức này nói rằng nền báo chí ở Mỹ đã có thêm nhiều vấn đề, nhất là việc đưa “tin giả tạo” kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tổng thống, và ông tuyên bố rằng “báo chí là kẻ thù của nước Mỹ.”
https://www.voatiengviet.com/a/rsf-xep-vn-hang-175-180-ve-tu-do-bao-chi-nam-2018/4363983.html