Tin Việt Nam – 25/04/2017
Phá rừng phòng hộ làm khu du lịch
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Hoạt động phá rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để triển khai dự án khu du lịch phục vụ đợt thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 sắp đến khiến dự luận bất bình.
Phá hủy những khu rừng phòng hộ bạt ngàn và quí báu của đất nước để phục vụ kinh tế hay kinh doanh không chỉ là lợi bất cập hại mà còn là mối nguy cho thế hệ tương lai.
Tin tức về các vụ chặt phá rừng phòng hộ để triển khai dự án kinh doanh liên tục được truyền thông loan đi; và trước vụ Phú Yên dư luận từng dậy sóng với những vụ đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bị phá để xây công viên nghĩa trang; phá rừng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng xây 40 móng khách sạn.
Ngay cả những người không thông thạo lĩnh vực lâm nghiệp, đều có kiến thức căn bản là rừng giúp giữ nước và những khu rừng được gọi là ‘phòng hộ’ giúp giảm thiểu những tác động bất lợi do thiên nhiên gây nên như xói lở, hay ngay cả gió bão. Còn những chuyên gia trong ngành như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam, có khẳng định:
“Nói ngắn gọn là khi mà đã qui hoạch là vườn quốc gia hoặc khu phòng hộ thì nó đều có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh thái và các khía cạnh khác nữa. Cho nên khi mà vi phạm vào các diện tích đã được qui hoạch đã được khoanh vùng để bảo hộ để giữ gìn nghiêm ngặt thì đều là những hành động sai lầm cần phải lên án.
Còn tùy theo hoàn cảnh mà tác hại của nó cụ thể về mặt sinh thái, về mặt môi trường đất,môi trường nước, không khí, cảnh quan, xã hợi, an ninh quốc phòng… vân vân…là đương nhiên.”
Thế nhưng thực tế bao năm qua cho thấy hiện tượng phá rừng, kể cả rừng phòng hộ, để phục vụ kinh doanh hay du lịch vẫn tiếp diễn bất chấp qui định pháp luật và sự quan tâm của công luận, ông Nguyễn Ngọc Sinh nói tiếp:
Chúng tôi thậm chí còn nói rằng phải đóng cửa những khu rừng tự nhiên còn lại, rằng dù giàu hay nghèo thì cũng không được khai thác nữa. Thế còn các khu rừng phòng hộ thì có chức năng có nhiệm vụ riêng của nó. Không kể Bắc Trung Nam, ở đâu cũng vậy, xâm hại đến nó là việc cần phải lên án và phải ngăn chận.
Vườn quốc gia cũng bị phá
Ông Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu thuộc nhóm Minh Triết Làm Chủ Biển Đông, biểu đồng tình với nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh:
Trên tổng thể ở đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông đều thấy một sự mất mát một sự xuống cấp rất nguy hiểm.
Vẫn theo lời ông, Việt Nam có qui định bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng mặt khác lại cho người nước ngoài thuê rừng thì cũng chính là hành động phá hoại gián tiếp:
Việc giao đất giao rừng cho người nước ngoài, chủ yếu là cho người Tàu thuê những khu rừng lớn, phần lớn những khu ấy đều có rừng phòng hộ cả, họ làm gì trong ấy cũng không ai biết để mà kiểm tra kiểm soát được. Sự phá hoại hết sức nghiêm trọng.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật của Câu Lạc Bộ Rừng Gọi, nhà hoạt động môi trường được biết đến với chiến dịch bảo vệ Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyền thế giới ở tỉnh Đồng Nai, trước sự đe dọa của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nói rằng Việt Nam có bao nhiêu dải rừng phòng hộ cần được bảo vệ thì cũng có bấy nhiêu bàn tay phá hoại của con người cần bị trừng phạt.
Trên tổng thể ở đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.
– Ông Nguyễn Khắc Mai
Đó là những cánh rừng tuyệt đẹp được đưa vào danh sách Vườn Quốc Gia Việt Nam như Cát Tiên, Langbian, Bi Đúp Núi Bà, Cúc Phương, Bạch Mã, Ba Vì, chưa kể khu sinh quyển Cần Giờ hoặc khu sinh thái miệt U Minh Thượng …
Thật sự chính sách của đảng và nhà nước là bảo vệ rừng rồi môi trường rồi du lịch xanh, nhưng ở đâu đó vẫn có những cấp lãnh đạo, những nhóm lợi ích. Nào là khai thác cát, phá rừng làm những ngôi nhà ven sông sụp đổ.
Riêng việc khai thác ở sông Đồng Nai bên cạnh khu dự trữ sinh quyền Cát Tiên thì những công ty trong nhóm lợi ích với nhau họ khai thác cát rất nhiều. Có những khu rừng trước đây là rừng xanh bạt ngàn mà mình vào bên trong mình thấy người ta chặt cây và bẫy thú rất thương tâm. Thậm chí ngay cả cây gõ của bác Phạm Văn Đồng cũng có người cưa, nếu kiểm lâm không phát hiện sớm thì cũng bị hạ rồi.
Đã tới lúc phải đẩy mạnh việc thực thi pháp luật để chống lại hành động phá rừng, phải tăng cường nâng cao dân trí và ý thức người dân trong việc bảo vệ từng tấc rừng phòng hộ. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh:
Chính sách hay chế độ đều có đủ hết cả, qui định đưa ra cũng hết sức cụ thể và thực tế rồi, vấn đề là làm sao bây giờ phải thực thi các điều đó cho tốt.
Phải triệt để bảo vệ rừng nói chung và rừng phòng hộ nói riêng vì đó là bộ phổi của thiên nhiên, là nơi điều hòa khí hậu, là những dải đất chắn lũ cần thiết cho vùng đồng bằng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh kết luận.
Nông dân đặt quan tài đầu làng quyết giữ đất
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Vụ người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức quyết giữ đất và đụng độ với nhà cầm quyền Hà Nội chưa lắng xuống thì ngày 20 tháng 4, người dân xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã mang quan tài ra đồng và để sẵn nhang khói, tuyên bố sẽ quyết giữ đất tới cùng. Nguyên nhân vụ việc bởi nhà cầm quyền xã này đã bất minh, thậm chí tỏ ra gian dối một cách lộ liễu khi để quĩ đất đồng Cốc của người dân rơi vào tay nhà đầu tư một cách vô lý và không có đền bù thỏa đáng.
Một cán bộ công an xã Yên Trung, huyện Yên Phong chia sẻ: “Cái vụ này thì còn liên quan đến việc ruộng của người ta họ lại đào đất sét mang bán, đào sâu 5 mét, 7 mét với số lượng lớn. Mà theo luật định thì không được làm vậy vì đây là tài nguyên.”
Theo cán bộ công an này, vấn đề đất của bà con nông dân xã Yên Phong trên Đồng Cốc không những dừng ở chuyện cán bộ xã và cán bộ thôn toa rập với nhau bán đất một cách bất minh, ép bà con nhận khoản đền bù chưa bằng 10% giá đền bù ruộng đất mà bên cạnh đó, vấn đề khai thác mất nguồn tài nguyên đất sét của các cánh đồng ở đây mới là vấn đề đáng nói.
Bởi hầu hết người dân nơi đây đều sống dựa vào nông nghiệp, tình trạng khai thác đất sét (tức đất cao lanh) từ những đám ruộng sẽ dẫn đến hệ quả toàn bộ cánh đồng thành một cái ao chiêm trũng, ngập nước và môi sinh bị phá hỏng. Và những diện tích khác cũng ở Đồng cốc bị biến thành lhu công nghiệp với giá đền bù rẻ mạt không đảm bảo cho người nông dân tồn tại về sau cũng là nguyên nhân dẫn đến bất mãn và đấu tranh giữ đất.
Cũng theo cán bộ công an giấu tên này, hôm 20 tháng 4,đã có gần 1.000 người gồm công an và lực lượng chức năng tiến vào khu đất 14 mẫu của thôn Vọng Đông xã Yên Trung huyện Yên Phong Bắc Ninh để cưỡng chế với lý do thu hồi đất mà người dân không được đền bù đồng nào.
Đồng Cốc, nơi trồng trọt canh tác bao đời nay, với diện tích là 14 mẫu, tương ứng 5,040 m2. Đây là khu ruộng màu mỡ nhất trong thôn. Năm 2014, khu trường mẫu giáo của thôn bị dột nát, ông trưởng thôn và bí thư xã tổ chức họp dân mượn khu đất Đồng Cốc bán thầu ba năm lấy tiền sửa chữa. Theo nghị quyết họp dân, trong quá trình bán thầu, nếu khu công nghiệp cần đến quĩ đất nông nghiệp thì xã phải trả lại cho dân.
Khi hợp đồng bán thầu mới 18 tháng thì tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong mở rộng khu công nghiệp Yên Phong. Ông trưởng thôn và Bí thư xã tự ký biên bản biến số ruộng 14 mẫu trên thành ruộng công ích để bán mà không tổ chức họp dân, đương nhiên không có chữ ký đồng ý của người dân. Việc biến số ruộng trên thành đất công ích khiến cho giá trị đền bù mỗi sào chỉ chưa đến 30 triệu đồng so với giá luật định là 158 triệu đồng. Người dân Vọng Đông đang có nguy cơ mất trắng số tiền lên đến xấp xỉ 22 tỷ đồng. Việc chính quyền xã Yên Trung đưa các thửa ruộng ruộng khu đồng Cốc vào diện đất công ích là sai với luật đất đai 2013.
Chính quyền cấp xã và các tổ chức liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng đã nhiều lần yêu cầu người dân bàn giao số đất trên nhưng không được người dân đồng ý. Sau nhiều lần đối thoại, cơ quan liên quan có nghị định mới bổ sung chi trả với giá 21,000 đồng mỗi m2, mức giá này quá rẻ mạt làm cho nhân dân vô cùng bức xúc.
Những người đứng lên đại diện cho người dân lo việc đối thoại, khởi kiện đã bị đe dọa trắng trợn, thậm chí đe dọa đến tính mạng từ phía công an và nhà cầm quyền cấp xã cũng như cấp huyện.
Người dân đang khốn đốn và bất an
Một nông dân tên Sơn, người có diện tích bị nhà cầm quyền địa phương trưng thu bất minh, chia sẻ: “Đương có biểu tình, vì họ bán cho công ty cám Mitraco đấy nhưng giá thấp quá, dân không đồng ý. Thời này có thông tin đại chúng chứ có phải là anh cứ cậy lực anh đến lấy đâu. Trả giá không phải thì người ta không giao đất đâu. Nhà nước lấy thì cũng phải trả giá cho đúng chứ. Các thứ, cò mồi rồi ăn từ trên xuống dưới, trên ăn một ít, xuống dưới chấm một ít, xuống dưới nữa mút một chút… về tới dân thì chẳng còn mấy đồng.”
Ông cho biết thêm, ngày hôm trước, tức ngày 19 tháng 4, nhà cầm quyền quyền đã đưa nhiều công an về làng và tuyên bố 6h30 sáng ngày 20 tháng 4 sẽ cưỡng chế san đất. Nhưng do người dân quyết tâm giữ đất, nhà cầm quyền đã giả bộ hòa hoãn lừa dân trưa về họp để thương lượng, sau đó lại hơn 500 cảnh sát cơ động vào cưỡng chế người dân. Có một số người già bị ngất và gãy tay. Một số người bị bắt lên xe, bị an ninh quay phim, chụp hình.
Hiện nay, có nhiều người trong thôn bị bắt giam ở trụ sở ủy ban nhân dân xã mà không rõ lý do. Cũng có người cho rằng người bị bắt nhốt vì trước đó đã mua chiếc quan tài đặt ở cổng vào thôn. Và bà con nông dân trong thôn cũng đã cùng nhau kéo lên trụ sở ủy ban xã để đòi người vào chiều ngày 21 tháng 4.
Cũng xin nói thêm, vị trí mà bà con nông dân đặt chiếc quan tài vào chiều hôm 20 tháng 4 đã bị nhà cầm quyền mang máy xúc đến múc thành một con mương sâu. Và không có xe cơ giới hay bất kì loại phương tiện giao thông nào có thể vào bên trong khu đất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nông dân không thể đưa phương tiện vào bên trong khu sản xuất Đồng Cốc để thu hoạch nông sản được nữa.
Một bầu không khí nặng nề, mệt mỏi và u ám đang vây bủa những người nông dân vốn lâu nay quen chân lấm tay bùn, quen với mảnh ruộng, con trâu. Bây giờ dường như mọi sự thay đổi, sự việc đã đi quá xa và khó bề gượng lại được.
Hiện tại, tình trạng nhà cầm quyền lấn lướt và có dấu hiệu đàn áp người dân mạnh tay vẫn chưa có gì là lắng xuống. Người dân vẫn đang túc trực canh giữ đất. Hơn bao giờ hết, người dân xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cần sự hiệp thông và chia sẻ của cộng đồng!
Việt Nam từ chối cấp phép tưởng niệm trận Long Tân
Chính phủ Việt Nam hiện vẫn không cấp phép cho lễ kỷ niệm trận đánh Long Tân ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu dự định diễn ra vào tháng 8 tới đây. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với ngày kỷ niệm Anzac diễn ra vào thứ ba 25 tháng 4. Lệnh cấm này được bắt đầu từ năm ngoái nhân kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân.
Website của Tổng lãnh sự Australia ở thành phố Hồ Chí Minh đăng thông tin ngắn cho biết như vừa nêu.
Theo phía Australia cho biết, chính phủ Việt Nam vào lúc này vẫn có ý cho phép những nhóm nhỏ người đến thăm khu vực Long Tân nhưng báo chí không được phép đưa tin. Tuy nhiên, vẫn có thể có thay đổi sau đó.
Ngày Anzac được Úc và New Zealand kỷ niệm hàng năm để tưởng nhớ những thành viên của quân đội Úc và New Zealand đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến thứ nhất. Trận Long Tân là trận đánh nổi tiếng của quân đội Úc trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 8 năm 1966 tại xã Long Tân, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong khi đó, nhân ngày Anzac, hàng ngàn người ở các nước Australia, New Zealand, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh tham dự lễ kỷ niệm ngày này.
Các cựu chiến binh cùng gia đình của họ đã diễu hành cùng các đám đông mang cờ tới đặt vòng hoa ở các lễ đài tưởng niệm ở Sydney và nhiều thành phố khác ở Australia.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Tư pháp New Zealand Amy Adams đã dự lễ kỷ niệm và đặt vòng hoa tại Gallipoli.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tải một video mang thông điệp của ông trên trang facebook. Ông nói ngày Anzac không phải là lễ kỷ niệm một chiến thắng vĩ đại mà là để dành cho sự chiến thắng của tính nhân văn.
Náo loạn buổi xin lỗi công khai người 4 lần bị tuyên án tử
Hỗn loạn xảy ra trong buổi xin lỗi công khai người 4 lần bị kết án oan, ông Hàn Đức Long, tại Tòa Án Nhân Dân cấp cao Hà Nội tổ chức vào ngày 25 tháng tư.
Hình ảnh trong video clip do báo VnExpress đang tải cho thấy gia đình bé gái bị sát hại 12 năm trước đã đến hội trường UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang, giật tấm bảng có nội dung “Công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long” treo trong hội trường.
Rất nhiều người trong gia đình nạn nhân ẩu đả với lực lượng bảo vệ. trong đó có người cầm cả ảnh của bé gái, là nạn nhân trong vụ án.
Trong lúc ông Trần Văn Thuận, Phó Chánh án TAND Tối cao đọc bản xin lỗi, nhóm người được cho là gia đình của nạn nhân tiếp tục phản ứng bằng cách ném dép, mũ vào ông Thuận, không đồng ý ông này đọc tiếp bản xin lỗi.
Theo nội dung ông Thuận đọc trong đoạn video, ông nói rằng các cơ quan có thẩm quyền trong vụ án có trách nhiệm trong việc xảy ra các sai lầm, thiếu sót dẫn đến án oan sai cho ông Hàn Đức Long. Ông Thuận thừa nhận việc này là một bài học kinh nghiệm quí giá.
Về phía gia đình ông Hàn Đức Long, tin từ báo trong nước cho biết vợ chồng ông có mặt trong buổi xin lỗi và sau đó ra về rất lặng lẽ.
Bồi thường dứt điểm cho nạn nhân Formosa vào 30 tháng 6
Phó thủ tướng Việt Nam ông Trương Hòa Bình nói rằng việc chi trả bồi thường cho các nạn nhân thảm họa Formosa Vũng Áng phải kết thúc vào ngày 30 tháng sáu.
Ông Bình nói như thế trong cuộc họp diễn ra tại trụ sở của chính phủ ở Hà Nội của Ban Chỉ đạo các Giải pháp Ổn định đời sống cho nhân dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa.
Phó thủ tướng Việt Nam lưu ý là việc kê khai bồi thường thiệt hại không được làm gian dối, không để tiêu cực và tham nhũng xảy ra. Ông khẳng định là công tác bồi thường đang được triển khai đúng tiến độ.
Trong cuộc họp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển- Nông thôn cũng cho biết là đời sống nhân dân bốn tỉnh miền Trung đã ổn định, hoạt động đánh cá của ngư dân ngày càng tăng.
Tuy nhiên trong suốt một năm qua tại khu vực bốn tỉnh miền Trung liên tục xảy ra các cuộc biểu tình chống Formosa và đòi bồi thường thỏa đáng.
Thảm họa Formosa Vũng Áng bùng nổ vào tháng tư năm 2016, khi nhà máy Formosa xả chất thải ra biển làm cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế. Tỉnh Nghệ An dù không bị nhiễm chất độc, nhưng do ngư dân tại đây cũng không thể ra khơi đánh cá, nên dân chúng Nghệ An cũng thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình lớn để đòi quyền lợi.
‘Gay cấn trước Hội nghị Trung ương 5’
Một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cho rằng cách giải quyết vụ Đồng Tâm và các diễn biến xoay quanh ông Võ Kim Cự có hệ lụy tới Hội nghị trung ương Đảng sắp tới.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 25/04, GS Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, mô tả các quyết định kỷ luật ông Võ Kim Cự và việc ông tự động xin rút tư cách đại biểu quốc hội thể hiện điều ông gọi là “một cuộc giằng co giữa các thế lực quyền lực” tại Hội nghị Trung ương 5.
Thực chất Hội nghị Trung ương 4
Nghị quyết ‘tự diễn biến’ bế tắc về lý luận?
“Có một cái rất buồn cười là cách chức tất cả những chức vụ không còn nữa. Còn việc ông Cự xin thôi tư cách đại biểu quốc hội thì cái đó chỉ là động tác rửa mặt thôi vì ai cũng biết rằng đây là keo vật mà đã lấm lưng rồi. Mà ở đây không phải là Võ Kim Cự bị lấm lưng mà là người bảo kê, đỡ đầu, ỉm đi cho ông ta.
“Do đó tôi thấy keo vật này đang ở vào hồi gay cấn trước Hội nghị Trung ương 5,’ GS Tương Lai nói.
Keo vật này đang ở vào hồi gay cấn trước Hội nghị Trung ương 5GS Tương Lai
Trả lời câu hỏi của BBC vì sao những sai phạm có tính nghiêm trọng của quan chức lại không bị coi là sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế hay cần truy tố hoặc bắt khẩn cấp mà chỉ dừng lại ở hình thức kỷ luật, GS Tương Lai nói bắt tạm giam một ủy viên trung ương mặc dù đã rút lui khỏi chính trường là “chưa có tiền lệ”.
“Tuy nhiên theo tôi nếu mà cuộc đấu tranh hay keo vật đang đến hồi gay cấn ở Hội nghị Trung ương 5 mà dấn thêm nữa thì có khi có khi lại đi tới việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì gây tai họa môi trường, hiểm họa nghiêm trọng.
“Cho nên nếu xét về những diễn biến đối với ông Võ Kim Cự từ lúc nhởn nhơ, rồi tới bị Ban Bí thư kỷ luật, rồi tới việc ông xin rút tư cách đại biểu quốc hội, thì đó là những bước đi của một nhà nước không có luật pháp.”
Bình luận về vụ việc Đồng Tâm mới đây, GS Tương Lai mô tả điều ông gọi là đây là một “bước ngoặt quan trọng” của tiến trình dân chủ hóa trong xã hội Việt Nam hôm nay.
“Đó là vì đây là lần đầu tiên có một cuộc đối thoại không cân sức giữa dân và chính quyền. Đây là một thắng lợi của người dân Đồng Tâm trong một cuộc đấu tranh quyết liệt.”
“Ông Chung Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã giải quyết khôn khéo và tháo ngòi nổ để đi tới một kết quả đáng mừng là không đổ máu.”
“Tuy nhiên tôi lo là ông Chung có thể gặp khó khăn nếu trong Hội nghị Trung ương tới đây thế lực bảo thủ, giáo điều lấn át,” GS Tương Lai nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39710022
Để khỏi còn nhức nhối những Đồng Tâm
TS Vũ Cao PhanĐại học Bình Dương
Việc của Đồng Tâm kể đến hôm nay đã có thể gọi là tạm yên lòng những ai quan tâm.
Người viết cố gắng theo dõi mọi diễn biến và phải thừa nhận – nói gì thì nói – cách xử lý của ông Chủ tịch thành phố là đáng khen.
Dù bức xúc trước vụ việc nghiêm trọng xảy ra ngay ở thủ đô nơi mình lãnh đạo và lại chịu áp lực bởi Hội nghị Trung ương đang tới gần, ông Chủ tịch vẫn giữ được bình tĩnh, quyết đoán lựa chọn giải pháp và bước đi phù hợp, và thành công. Đáng khen nữa là ông có tư duy khá độc lập như việc đặt câu hỏi : tại sao cần dùng cảnh sát cơ động và quân đội vào vụ việc này? Sự thành công của ông có lẽ đến từ tư duy ấy.
Nhưng phải nói ngay rằng vấn đề chưa hề đóng lại. Nó vẫn còn nguyên và chặng đường tiếp theo hẳn mới cam go. Bởi những lình xình chưa thấy câu trả lời.
Cơ quan nào thanh tra đất Đồng Tâm?
Đồng Tâm ‘cần trung gian của xã hội dân sự’
Lình xình chưa có câu trả lời
Lình xình thứ nhất: Đây là đất nông nghiệp hay “đất quốc phòng” (theo cách gọi hiện hành), và đâu là mốc giới phân chia? Có hay không việc một đơn vị quân đội đã bàn giao đất ấy cho địa phương sau khi công trình quốc phòng được dự kiến không khả thi? Văn bản bàn giao, nếu có, đang nằm đâu?
Lình xình thứ hai: Ai có quyền giao “đất quốc phòng” cho một đơn vị làm kinh tế, dù đơn vị ấy nằm trong quân đội? Và sự ức chế của người dân địa phương tăng lên tột cùng khi mọi việc khiếu kiện đang còn đặt trên bàn thì một phần đất đã được cắt xén cho một số quan chức địa phương làm của riêng – Ai quyết định việc này?
Lình xình thứ ba: các Luật Đất đai và Luật Đất đai sửa đổi (1993, 2003) có nêu vấn đề thu hồi đất cho mục đích quốc phòng như là những trường hợp đặc biệt nhưng đã không làm rõ trong trường hợp mục đích ấy không được thực hiện (như trường hợp này) thì phải hoàn trả địa phương như thế nào?
Quyết định thanh tra toàn bộ vụ việc là đáng hài lòng. Và nếu thanh tra được thực hiện nghiêm túc, đáng tin cậy (ông Chủ tịch kêu gọi nhân dân địa phương giám sát việc thanh tra) thì cũng không thể trả lời tất cả các câu hỏi nêu trên vì có những vấn đề thuộc quyền của cơ quan làm luật. Nhưng cho dù có trả lời được tất cả thì theo tôi – vốn là một người lính – thì đó cũng chỉ là giải quyết một trận đánh có tính chất chiến thuật, chưa giải quyết được vấn đề cơ bản có tính chiến lược : đó là vấn đề quân đội làm kinh tế. Đây là vấn đề trên cả lình xình hoặc có thể gọi là đại lình xình.
Quân đội làm kinh tế
Có những quốc gia nào trên thế giới mà ở đó hiện nay, quân đội được phép tham gia vào các hoạt động kinh tế? Có thể kể: Pakistan (nơi mà quân đội đã tuyên bố quyền của mình), một số quốc gia Trung, Nam Mỹ (đang ít dần) và vài ba quốc gia ở Đông Nam Á. Một điểm chung ở các quốc gia này là quân đội dính líu sâu vào chính trị và là những quốc gia kém dân chủ theo những tiêu chuẩn phổ quát.
Thế còn Việt Nam? Việt Nam khác các quốc gia trên, việc quân đội làm kinh tế là do những điều kiện lịch sử cụ thể. Sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Cả một thập niên đói thiếu, khan hiếm hàng hóa và do đó, quân đội được mời gọi tham gia xây dựng kinh tế để giảm bớt khó khăn cho nhân dân, cho đất nước. Quân đội đã thành lập một cục , rồi tổng cục – Tổng cục Xây dựng Kinh tế – để trông coi việc này và sự thực là việc tham gia của quân đội đã đem lại kết quả tích cực, được hoan nghênh.
Bộ Chính trị Đảng CSVN đã hai lần ra nghị quyết về việc các lực lượng vũ trang không tiếp tục làm nhiệm vụ kinh tếTS Vũ Cao Phan, Đại học Bình Dương
Nhưng đến một ngưỡng, bắt đầu xuất hiện những tiêu cực. Khi đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì việc này (các lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế) càng nảy sinh nhiều vấn đề và hoàn toàn trái quy luật.
Trung Quốc, nước mà Việt Nam thường noi theo, cũng có việc quân đội tham gia làm kinh tế trong một thời kỳ trước đây. Và cũng rất nhiều vấn đề đã nảy sinh từ đấy, đặc biệt là việc chiếm dụng đất nhân danh quốc phòng. Cuối cùng thì, hai mươi năm trước, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ra chỉ thị “tuyệt đối cấm” mọi hoạt động kinh tế nhân danh quân đội, chuyển các hoạt động kinh tế của quân đội sang dân sự. Việc được thực hiện nghiêm tắp cho đến nay.
Và Việt Nam? Việt Nam còn hơn thế khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã hai lần ra nghị quyết – lần cuối cùng mới vài năm trước đây – về việc các lực lượng vũ trang (an ninh, quốc phòng) không tiếp tục làm nhiệm vụ kinh tế. Các nghị quyết này đã không được thi hành hoặc không thi hành được.
Tại sao và ai chịu trách nhiệm?
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Tiến sĩ Vũ Cao Phan từ Đại học Bình Dương gửi cho BBC Tiếng Việt.