Tin Việt Nam – 25/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/03/2020

Thêm gần một ngàn khách Việt Nam về nước

trong ngày 25/3

Lãnh đạo sân bay quốc tế Nội Bài cho biết sân bay đón khoảng 577 hành khách Việt Nam về nước trong ngày 25/3 từ 4 chuyến bay từ Nga, Nhật và Thái Lan.

Truyền thông trong nước loan tin này cùng ngày đồng thời cho biết thêm hai sân bay Vân Đồn và Cần Thơ cũng đón hàng trăm người Việt Nam từ nước ngoài về trong cùng ngày.

Cụ thể, chuyến bay VN 36 của Vietnam Airline (VNA) chở 165 khách từ Đức đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn và 172 công dân Việt Nam từ Philippines về nước trong đó chủ yếu là du học sinh cũng đã về đến sân bay quốc tế Cần Thơ.

Đại diện VNA cho biết toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều được đưa về khu cách ly tập trung theo quy định. Máy bay được khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách để phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy từ đầu tháng Ba đến nay, sân bay quốc tế Cần Thơ đã phục vụ 24 chuyến bay quốc tế chuyển hướng từ Tân Sơn Nhất về với hơn 3.500 hành khách.

Trong số này, đa phần là các chuyến bay đến từ các vùng có dịch Covid-19 trên thế giới, cụ thể là Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Đức, Australia và Anh.

Kể từ 0 giờ ngày 25/3 đến hết ngày 31/3 sân bay Tân Sơn Nhất tạm ngừng nhận khách từ nước ngoài về theo công văn khẩn của Bộ GTVT gửi Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 23/3.  Ngoài ra, VNA cũng sẽ không khai thác đường bay quốc tế từ nay đến hết tháng 4/2020 mà sẽ tập trung vào các đường bay nội địa với các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn cho hành khách trong mùa dịch Covid-19.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nearly-1000-vietnamese-go-home-by-plane-march-25-03252020084437.html

 

Virus corrona: Người đang bị cách ly ở TP HCM:

 ‘Chúng tôi cần được cảm thông’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt

Kinh nghiệm sống trong khung cảnh cách ly tại khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM theo lời kể của Lan Anh, một người trở về Việt Nam hôm 22/3 sau hai tuần đến Úc thăm người thân.

Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt, chị Lan Anh (tên đã được đổi) cho biết khi dân mạng ‘ném đá’ chửi việc những người trong khu cách ly này nhận nhiều tiếp tế của người thân, tâm lý của chị trở nên bất ổn hơn.

“Họ nói chúng tôi là những cậu ấm cô chiêu, lá ngọc cành vàng từ trời Tây trở về tránh dịch và mời chúng tôi lên hành tinh khác mà ngự. Nhưng chỉ khi bạn ở đây, chịu cảnh cách ly với điều kiện kém vệ sinh mới hiểu được vì sao mọi người cần tiếp tế”. Chị Lan Anh nói.

“Truyền thông chỉ nhìn vào cái tủ lạnh và chỉ trích chúng tôi sống bề trên, không tự dọn dẹp. Nhưng nhìn hình ảnh xem, bạn đếm được bao nhiêu cái tủ lạnh so với cây lau nhà, xô chậu. Những người đang chịu cách ly cần sự cảm thông hơn là gạch đá miệt thị”.

‘Bay vào thời điểm này là ngu dốt’

Theo lịch bay, chị Lan Anh về đến Việt Nam vào ngày 22/3. Từ thời điểm này, chị đã đón nhận những lời chỉ trích của nhiều người.

Chị kể: “Nhiều người nói rằng bay vào thời điểm này là thiếu ý thức, là ngu dốt. Biết sẽ bị cách ly thì đi làm cái gì. Tôi thấy đây là quyết định riêng tư của mỗi người, có những trường hợp bất khả kháng và thực sự tôi cũng đã suy xét kỹ lưỡng”.

“Tôi là một trong những người may mắn vì có sẵn vé khi chính sách gần như thay đổi từng ngày. Người đi du lịch, công tác hay du học đều rơi vào hoảng loạn vì phải chầu chực vé để về Việt Nam. Ngày 18/3, tôi đã có ý định đổi vé để về sớm hơn nhưng tôi nghĩ, nếu cách ly tại nhà, lỡ mình bị nhiễm thì nguyên chung cư tôi ở sẽ bị phong toả. Tiếp nữa, việc đổi vé thời điểm này gây khó khăn cho nhiều người”, chị Lan Anh nhớ lại.

Chị giải thích rằng để chọn về Việt Nam, chị đã phải đối mặt với nhiều nỗi sợ đi qua các ổ dịch và nỗi sợ cách ly.

“Trước hôm về là một ngày cân não. Báo chí đưa tin sân bay Việt Nam quá tải, các khu cách ly cũng quá tải. Tôi lo sợ đến mức ám ảnh khi đọc tin các khu cách ly đã có nhiều người dương tính với Covid-19. Tôi hiểu đây là một ổ dịch tiềm ẩn”.

“Để về Việt Nam, tôi phải băng qua 3 ổ dịch khác: sân bay Úc, chiếc máy bay với những người xa lạ và sân bay Việt Nam. Và sau đó là tới ổ dịch tiềm ẩn tại khu cách ly. Biết là vùng dịch nhưng vẫn lao vào vì không có lựa chọn khác. Số người nhiễm của Úc gấp nhiều lần Việt Nam, cho dù tôi có bảo hiểm thì họ cũng sẽ ưu tiên công dân họ. Chưa kể nhà tôi đang có người nhà đang yếu, một người khác đang điều trị ung thư. Nếu họ có chuyện bất trắc, tôi không có đường nào để về thì sẽ hối hận”.

“Sau khi đi về Việt Nam, tôi nói với người thân mình bên Úc rằng tôi không hối hận vì đã đi thăm họ. Dịch xảy ra, tôi càng thấy điều đó đúng vì tất cả mọi nơi đều phong toả, nếu tôi không đi thăm thì không biết bao giờ mới có thể gặp họ trong thời gian tới. Đó là cái giá tôi chấp nhận trả”. Chị Lan Anh kể tiếp.

Ngỡ ngàng khi bước vào khu cách ly

Trên mạng, nhiều người cập nhật hình ảnh khu cách ly rất đầy đủ tiện nghi: mỗi giường có chăn, gối mền và được phát cho đồ dùng cá nhân. Điều này khiến chị Lan Anh cùng nhiều người khi về đến khu cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM ngỡ ngàng.

Chị phân tích: “Nhiều người lên án việc chúng tôi đã được nhường cho chỗ để ở còn chê than. Nhưng chúng tôi không chê là tại sao nhà nước lại cho ở một nơi như vầy. Tâm lý chung khi bước vào đây là ngỡ ngàng, vì sao những bạn đi học đại học, những người tương lai của đất nước, sống văn minh nhưng lại có thể ở kém vệ sinh như vậy”.

“Khi tôi bước vào, phòng ốc rất tệ, xung quanh mạng nhện tứ bề. Bồn cầu, bồn rửa mặt đen thui, ao tù nước đọng. Cũng may không có mùi hôi nhưng thực sự rất dơ. Giường rỉ sét, mọi thứ đều rất bụi bặm”, chị Lan Anh mô tả.

“Chúng tôi đâu cần tiện nghi vì khi vào đây, ai sao mình vậy. Tiện nghi không cần nhưng sạch sẽ là điều tiên quyết. Ở đây đã là một ổ dịch tiềm ẩn mà điều kiện vệ sinh kém thì thêm một ổ bệnh. Bồn cầu, bồn rửa mặt, nhà tắm dơ đã đủ ẩn chứa các bệnh khác, chưa nói đến là virus”.

“Hầu hết mọi người đêm đầu tiên phải chấp nhận chỉ có một cái chiếu, không gối, không mền. Trong phòng chỉ có một cái quạt trần. Vì quá nóng, có bạn trong phòng tôi thân nhiệt tăng đến gần mức bị theo dõi. Hôm nay mọi người được tiếp tế thêm quạt nên đã ổn hơn”, chị Lan Anh chia sẻ.

Hai người Việt về từ tâm dịch Daegu kể chuyện bị cách ly

Thuyền nhân VN ngậm ngùi với tin Galang thành nơi chuyên trị virus corona

Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’

Chị nói thêm, tâm lý bất ổn bắt đầu từ những thứ rất nhỏ như vậy: điều kiện vệ sinh kém, nỗi sợ mình trở thành mầm bệnh, sợ mọi người xung quanh sẽ dương tính với virus, sợ mình sẽ là F1 và tiếp tục bị cách ly thêm 14 ngày. Bên cạnh đó, vì quá mới nên công tác tổ chức chưa có quy trình hay thông báo cụ thể để giúp người trong khu cách ly an tâm về việc được theo dõi sức khoẻ, tránh việc lây nhiễm chéo.

“Trong khu cách ly này, tôi chỉ được đo nhiệt độ. Trên 37,5 độ thì sẽ được theo dõi đặc biệt. Nhưng tôi phải hỏi thì mới được giải đáp chứ không có phổ biến chung. Chúng tôi không nhận được thông báo về quy trình, chưa được làm rõ về lý do vì sao không được xét nghiệm. Vì bị hụt thông tin nên tôi càng hoang mang. Tôi không phải là người ‘ngu si hưởng thái bình’. Tôi cần sự yên tâm rằng mình đang ở trong ổ dịch nhưng vẫn trong sự kiểm soát”, chị Lan Anh nhấn mạnh.

‘Giàu là cái tội. Bay về là cái tội’

Khi những cuộc ‘ném đá’ trên mạng nhắm vào người trong khu cách ly này về chuyện tiếp tế và chính phủ đã quyết định ngưng lại việc này, chị Lan Anh tự hỏi mình: “Chúng tôi đang là những người đang bị thiếu sự cảm thông trầm trọng. Không ai hiểu mà chỉ nhìn và phán xét. Thương người thì thương cho trót, ai cũng nên thương trong hoạn nạn này”.

Nỗi lo lắng của chị càng căng thẳng khi mỗi ngày thức dậy, tự hỏi không biết có ai bị nhiễm không, mình có là mầm bệnh không vì môi trường sống quá gần nhau: dùng chung nhà vệ sinh, ăn chung. Gánh lo chưa vơi thì ngoài kia, chị đã hứng chịu những lời chửi rủa, miệt thị và sự hung hãn của cộng đồng mạng về câu chuyện tiếp tế.

Chị kể, ngày đầu, muốn hỏi các nhân viên phục vụ chổi hay cây lau nhà để dọn vệ sinh cũng vô vọng vì chính họ cũng quá tải nên cả phòng phải chờ người nhà tiếp tế vào: “Phòng chúng tôi mang vào là những dụng cụ thiết yếu đó. Việc tiếp tế, có người đặt những đồ linh tinh và nó làm ảnh hưởng những người cần tiếp tế các nhu yếu phẩm căn bản. Tôi không yêu cầu cuộc sống tốt nhưng vì điều kiện quá kém nên cần tiếp tế để ở mức chịu được”.

“Chúng tôi bị chửi vì là du học sinh, thứ có tiền đi du lịch, bị lên án bay về nước là gánh nặng. Giàu là cái tội. Bay về là cái tội. Ở ngoài ném đá vô rất nhiều, người bên trong ít cãi cự lại. Vì bây giờ, chúng tôi là người yếu thế, yếu ớt về mặt tinh thần. Ở trong đây, giàu hay nghèo cũng như nhau”, chị Lan Anh tâm sự.

Trước những ‘gạch đá’ đó, chị chọn lựa cách im lặng: “Tôi cố gắng không cãi nhau với bên ngoài vì không muốn mang năng lượng tiêu cực, để tinh thần thoải mái. Có như vậy, sức đề kháng mới tốt, tránh nguy cơ nhiễm virus”.

Chị chia sẻ, cả phòng phải học cách truyền năng lượng tích cực cho nhau: “Họ nói chúng tôi phải tự thấy may mắn vì có người đang cực khổ lo cho mình, hay ngoài kia có những phận đời nghèo khổ không cơm ăn áo mặc trong khi đang được nhà nước nuôi thì hãy biết ơn. Nhưng tích cực chỉ đến từ bên trong bản thân mỗi người, khi nỗi sợ quá nhiều thì việc so sánh ai may mắn hơn ai là điều vô nghĩa”.

Nên đối với chị, điều tích cực trong cơn đại dịch này chính là biết được sức chịu đựng của mình, hiểu thấu con người mình: “Ai đi ra khỏi khu cách ly chắc sẽ sống hiền lành hơn, lạc quan hơn. Ai sống sót qua những ngày tháng này sẽ đủ bản lĩnh để yêu thương người khác và độ lượng với chính mình”.

“Cũng là Sài Gòn, cũng là về nhà nhưng cách nhau một cánh cổng cách ly khiến người ta xa cách cả tấm lòng. Tôi chỉ mong sau cơn hoạn nạn, sau quá nhiều chấn động và sau khi cách ly, người ta không cách lòng, không nghi kị nhau và làm đau nhau”, chị Lan Anh bộc bạch.

Trên đây là kinh nghiệm riêng của chị Lan Anh. Kinh nghiệm trở về Việt Nam vào những thời điểm khác, và bị cách ly tại những trung tâm cách ly khác, không nhất thiết giống những gì chị Lan Anh đã trải qua. BBC News Tiếng Việt đón nghekinh nghiệm của mọi độc giả.

Xin thư về Vietnamese@bbc.co.uk hay cho tác giả Bui.thu@bbc.co.uk

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52030615

 

Việt Nam khuyến cáo

công dân hạn chế tối đa về nước lúc này

Bộ Ngoại giao Hà Nội hôm 25/3 đưa ra khuyến cáo công dân Việt Nam đang ở nước ngoài hạn chế tối đa về nước thời điểm hiện nay, cũng như hạn chế đi lại giữa các nước.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết lý do được Bộ Ngoại giao đưa ra nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe, tránh khó khăn trong quá trình di chuyển, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Tin cũng cho biết, hiện nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh, nhiều hãng hàng không nước ngoài ngừng nhận khách, hủy chuyến…

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nếu di chuyển, công dân cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, quy định của hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết, đặc biệt là giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có, để tránh bị phía nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất nhập cảnh.

Cũng tin liên quan, hôm 25/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Thái Lan đã khuyến nghị cộng đồng người Việt đang học tập và làm ăn sinh sống tại Lào không nên hoang mang, hạn chế tối đa việc di chuyển cũng như về nước ở thời điểm hiện tại.

Đại sứ quán Việt Nam khuyến cáo như vừa nêu sau khi Bộ Y tế Lào chiều 24/3 công bố 2 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này.

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Lào chưa nghiêm trọng, nhưng theo Bộ Ngoại Giao, do số lượng người lao động Lào ở Thái Lan trong những ngày qua về nước khá đông và dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tới, nên Đại sứ quán cần đưa khuyến nghị như vừa nêu.

Trong thông báo ngày 25/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đề nghị công dân Việt Nam chấm dứt việc di chuyển về các cửa khẩu biên giới Thái Lan-Lào để tìm cách về Việt Nam vì đây là hoạt động vi phạm luật của Thái Lan về tình trạng khẩn cấp, mặt khác các cửa khẩu này sẽ được đóng lại bất kỳ lúc nào.

Tính đến hết ngày 24/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã nhận được gần 500 đăng ký nguyện vọng hỗ trợ về nước của công dân theo đường link trực tuyến. Tuy nhiên, do chủ trương tạm dừng tiếp nhận, vì tình trạng quá tải các chuyến bay về Việt Nam, vượt quá khả năng tiếp nhận của các khu cách ly, Đại sứ quán sẽ tạm đóng đường link đăng ký cho đến khi có thông báo tiếp theo.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-recommends-citizens-limit-return-to-the-country-at-this-time-03252020075956.html

 

Virus corona:

Việt Nam tăng cường biện pháp phòng từ xa

Anh Vũ

Tính đến hôm nay, 25/03/2020, Việt Nam đã có tổng cộng 141 ca dương tính với Covid-19. Hơn chục nghìn người vẫn đang bị cách ly theo dõi y tế. Chính quyền Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn từ xa.

Sau thông báo tạm ngưng nhập cảnh với cả thế giới, theo báo chí trong nước, bắt đầu từ hôm nay, 25/03, tất cả các hãng hàng không Việt Nam tạm ngừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế. Việt Nam hiện có các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet và Jetstar Pacific khai thác các tuyến bay quốc tế. Các hãng này hôm nay được lệnh phải dừng toàn bộ các đường bay quốc tế.

Trong những ngày qua, các đường bay quốc tế của các hãng hàng không này chủ yếu chuyên chở khách là người Việt ở nước ngoài về. Tất cả hành khách đến Việt Nam đều bị kiểm tra y tế chặt chẽ và được đưa vào cách ly tập trung 14 ngày.

Trong bối cảnh tình hình dịch virus corona có thể diễn biến phức tạp, sau Thành phố Hồ Chí Minh, hôm nay chính quyền quyền Hà Nội ra công văn khẩn yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết như karaoke, massage, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, các tụ điểm tập trung đông người…, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Chính quyền thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tập trung đông người trong các hoạt động hiếu hỉ, tín ngưỡng.

Cùng ngày, theo trang tin Vietnamnet, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo, đồng thời giao các cơ quan liên quan kiểm tra đánh giá về nguồn cung ứng, dự trữ thóc gạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200325-virus-corona-vi%E1%BB%87t-nam-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-ph%C3%B2ng-t%E1%BB%AB-xa

 

Tất cả các chuyến bay bị hủy, hai phụ nữ

đến từ Northampton, Anh Quốc bị kẹt ở Sài Gòn

Chỉ vài giờ sau khi được thả ra khỏi khu vực cách ly ở Sài Gòn, hai người phụ nữ tên là Wendy Rodgers và Karen Voller được thông báo chuyến bay về nước của họ đã bị hủy bỏ. Hai người phụ nữ, đều đến từ Northampton, Anh Quốc. Họ bị cách ly bắt buộc sau khi một hành khách trong trên chuyến bay đến Việt Nam vào ngày 9 tháng 3 được chẩn đoán mắc COVID-19.

Wendy và Karen chỉ tận hưởng được một vài ngày trong kỳ nghỉ của họ, và sau đó bị cách ly tại một khách sạn trong hơn một tuần. Họ được thả ra khỏi khu vực cách ly vào sáng hôm qua (23/3). Những người phụ nữ dự định bay về nhà với hãng hàng không Emirates vào hôm nay (24 tháng 3), nhưng tất cả các chuyến bay đã bị hủy và tất cả các phi trường đang dần ngừng hoạt động.

Cô Wendy cho biết, họ bay đến Việt Nam bằng hãng Vietnam Airlines, nhưng hãng cũng dừng tất cả các chuyến bay. Hồng Kông và Bangkok đang cho dừng việc quá cảnh, vì vậy cô lo lắng rằng nếu họ tìm được chuyến bay rời khỏi Việt Nam thì cũng có khả năng bị mắc kẹt khi quá cảnh.

Theo trang Northampton Chronicle đưa tin, hiện tại, hy vọng duy nhất để hai cô Wendy và Karen có thể về nhà là Chính phủ Anh Quốc tìm cách hồi hương công dân Anh. Wendy khẳng định nhóm của cô gồm 9 người đã được xét nghiệm coronavirus, tất cả đều âm tính, và họ có giấy chứng nhận để chứng minh điều này.

Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra quyết định hồi hương các công dân của họ. Cô Wendy cho hay, rất nhiều người nói rằng ở Việt Nam tốt hơn vì dịch bệnh đang diễn biến rất tồi tệ ở Anh Quốc, nhưng cô khẳng định cô chỉ muốn ở nhà. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tat-ca-cac-chuyen-bay-bi-huy-hai-phu-nu-den-tu-northampton-anh-quoc-bi-ket-o-sai-gon/

 

Dịch COVID-19: Hà Nội, Yên Bái tạm đóng cửa

các địa điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng,

ngừng các hoạt động đông người

Hà Nội và Yên Bái hôm 25/3 đã quyết định tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết như nhà hàng, bar, massage, rạp chiếu phim, đồng thời yêu cầu các cơ sở tôn giáo không tập trung đông người, để tránh dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Hôm 24/3, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có quyết định tương tự đối với các hoạt động vui chơi giải trí trong khu vực cho đến hết tháng 3.

Theo truyền thông trong nước, trước đó, Hà Nội cũng từng một lần yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải trí đến hết tháng 3. Tuy nhiên, giới chức thành phố không nêu rõ yêu cầu đóng cửa đối với các quán bia, tụ điểm ăn uống, phòng tập thể hình.

Trong công văn gửi các Giám đốc sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, thành phố yêu cầu người dân tuyệt đối hạn chế tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người.

Cả Hà Nội và Yên Bái đều khuyến khích người dân hạn chế ra đường, tận dụng làm việc và học tập trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Việt Nam về Phòng chống dịch Covid-19 trong cuộc họp ngày 25 tháng 3 cũng ra kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà; nếu buộc phải ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 mét.

Tính đến sáng ngày 25/3, Việt Nam đã ghi nhận ít nhất 141 trường hợp nhiễm COVID-19, trong số này 17 ca đã được xuất viện. Hà Nội hiện là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với 43 trường hợp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-yenbai-close-restaurants-bar-halt-mass-religious-services-03252020080158.html

 

Đóng cửa toàn bộ

các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ làm đẹp ở Sài Gòn

Tin Saigon.- Truyền thông nhà nước  ngày 24 tháng 3 năm 2020 loan tin, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cộng sản tại Sài Gòn đã ký quyết định sẽ cho đóng cửa các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có mức phục vụ từ 30 người trở lên, các câu lạc bộ bida, phòng tập gym, cơ sở làm đẹp, làm tóc trên toàn địa bàn thành phố.

Quyết định này được bắt đầu thực hiện từ lúc 6 giờ tối ngày 24 tháng 3 cho đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2020.

Hành động này được đưa ra trong bối cảnh Sài Gòn, và các tỉnh thành khác đang dần bước vào cao điểm của dịch coronavirus 19. Trước đó, vào ngày 15 tháng 3, nhà cầm quyền thành phố đã ra lệnh đóng cửa 180 vũ trường, bar, beer club; gần 500 quán karaoke; massage, rạp chiếu phim, và game online.

Theo đó, tính đến chiều ngày 24 tháng 3, chỉ riêng Sài Gòn đã có 30 người nhiễm coronavirus, trong đó có 3 người đã bình phục, và 1,526 người đã tiếp xúc với những người bị dương tính với dịch; hiện thành phố có 8,476 người đang được theo dõi cách ly tại khu cách ly tập trung, 1,093 người đang được cách ly tại nhà, và 541 người cách ly tại trung tâm của quận huyện.

Tính đến ngày 23 tháng 3, Việt Nam đã có 113 người dương tính với coronavirus 19.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/dong-cua-toan-bo-cac-nha-hang-quan-an-dich-vu-lam-dep-o-sai-gon/

 

Vì sao nhiều người Việt

vẫn đến chỗ đông người trong đợt dịch?

Một trong những biện pháp phòng, chống lây lan dịch Covid-19 là hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên vào ngày 24 tháng 3 nhằm ngày mồng một âm lịch, nhiều người dân Hà Nội đến lễ tại Phủ Tây Hồ, Chùa Quán Sứ.

Hình ảnh báo trong nước đăng tải cho thấy dù Phủ Tây Hồ đã đóng cửa nhưng người dân vẫn kéo nhau tới. Trong số này, nhiều người dân đã không đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, việc người dân xếp hàng dài gửi tiếp tế trước cổng khu A kí túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ phía dư luận. Báo trong nước cho biết hàng trăm người đã đến để đưa đồ cho người thân đang bị cách ly tập trung như thực phẩm, quần áo, chăn, nệm, quạt máy, thậm chí có người còn gửi cả tủ lạnh.

Trước đó, nhà nước Việt Nam đã ra văn bản, thậm chí thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở mọi người hạn chế ra đường trong thời gian này, chỉ đi khi thật sự có việc cần thiết, cấm tụ tập đông người. Đặc biệt, người dân khi đến những chỗ công cộng cần phải đeo khẩu trang bảo vệ.

Vì vậy, những hình ảnh và bài viết về hai sự việc vừa nêu nhanh chóng được lan truyền rộng rãi và chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự bất bình vì cho rằng hành động này dường như đang phá vỡ những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 của chính phủ Hà Nội.

Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho rằng:

“Hầu như các bậc cha mẹ, phụ huynh của một bộ phận trẻ những người du học ở nước ngoài về mà bản chất việc đi về này là để đi tránh dịch, trốn dịch chứ không phải nghỉ hè. Như vậy ưu tiên hàng đầu phải là khắc phục được sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Người ta gửi đồ đạc tiếp tế, các sản phẩm, đồ ăn, thức dùng kể cả phương tiện sử dụng, hình dung đi cách ly như đi trẩy hội, đi nghỉ. Tất cả những hành vi đó đều cho thấy không phải từ người có nhận thức chín chắn, đúng đắn, hợp lẽ, hợp lề luật trong bối cảnh phức hợp mà bệnh dịch này vẫn đang còn biến đổi khôn lường.”

Còn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà nghiên cứu xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho rằng những hành động vừa nêu xuất phát từ thói quen và tập quán của người dân Việt Nam. Theo bà, điều này rất khó thay đổi:

“Xưa nay kiểu cha mẹ bao bọc cho con khá phổ biến ở Việt Nam nên con bị cách ly như thế thì cha mẹ sốt ruột lên, phải đi tiếp tế. Đặc biệt những gia đình có con đi du học hầu hết là gia đình có điều kiện về mặt kinh tế nên không thể con ở nhà mà không tiếp tế cho con được. Đấy chắc phải một thời gian khi xã hội lên tiếng, dư luận lên tiếng thì các gia đình sẽ suy nghĩ lại, điều chỉnh lại hành vi người ta.”

Vẫn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, việc tiếp tế cho người nhà bị cách ly có thể thay đổi dưới tác động bên ngoài, tuy nhiên để thay đổi hành vi tụ tập tín ngưỡng sẽ phải khó hơn nhiều. Theo Tiến sĩ Hương, vì là tín ngưỡng nên đã ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen, lòng tin của người dân từ rất lâu, vì vậy rất khó bỏ.

“Ví dụ Phủ Tây Hồ mà bây giờ Việt Nam gọi là tín ngưỡng Thờ Mẫu đã từng một thời bị ngăn chặn rất ghê gớm, nhưng qua mấy chục năm cũng không thể ngăn chặn được. Vì vậy bây giờ trong một vài tháng của dịch này mà ngăn chặn tôi nghĩ là khó lắm. Kể cả dịch này có đe dọa sinh mạng bao nhiêu người thì không phải tất cả mọi người đều lo sợ mà dừng lại, có những người vẫn đi.”

Hoàn toàn đồng ý với quan điểm Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu ra, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định:

“Người ta nghĩ bệnh tật đó có thể đe dọa cả cộng đồng nhưng chưa hẳn là mình. Thứ hai là nhãn tiền không đến ngay lập tức. Thứ ba là nhu cầu có thật của họ về việc tụ tập thực hiện các nghi thức văn hóa tâm linh mà người ta không thể bỏ được. Dẫu thế nào đi nữa cũng cho thấy tinh thần thiếu kỷ luật, thiếu ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Cho thấy sự khinh nhờn, coi thường kể cả mạng sống của mình, coi thường tinh thần chủ động tích cực phòng ngừa chống dịch bệnh cùng cộng đồng, vì cộng đồng. Việc sinh hoạt, vẫn tụ tập ở Phủ Tây Hồ đều cho thấy tinh thần chưa đủ lớn, khiến người khác phiền lòng, thậm chí phẫn nộ vì đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của toàn thể lực lượng xã hội.”

Mới đây, 49 người Việt đã tham gia sự kiện tôn giáo tại Kuala Lumpur, Malaysia vào hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua. Sau sự kiện, chính quyền Malaysia cho biết đã có khoảng hơn 300 trường hợp được xác định nhiễm COVID – 19.

Tính đến tối ngày 19/3, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết vào sáng cùng ngày thành phố đã phát hiện hai trường hợp nghi nhiễm COVID -19, trong số này có một tín đồ Chăm ngụ tại phường 1, quận 8, đã sang dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia.

Đáng quan tâm, người đàn ông này đã đi lễ 5 lần/ngày từ ngày 4-17/3 tại thánh đường Hồi giáo ở quận 8 trước khi được xác nhận dương tính với Covid-19. Việc này khiến nhiều người lo sợ nguy cơ lây lan do người này lây truyền.

Vì vậy, dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng để có thể khiến người dân tuân thủ luật lệ được chính phủ ban hành, việc đầu tiên là cần nâng cao nhận thức người dân:

“Nói thì có một số người sẽ không bằng lòng nhưng tôi thấy ý thức Việt Nam vẫn chưa cao, truyền thống của mình cứ à ơi rồi thôi chứ không có ý thức nghiêm túc. Trong ngày thường cũng đã thế, ‘phép Vua thua lệ làng’, ngay cả phép Vua cũng không phải là điều bắt buộc để người ta thực hiện. Cho nên để hình thành ý thức tôn trọng quy định pháp luật phải là một quá trình thời gian rất dài mà ở Việt Nam những luật lệ hơi yếu nên chúng ta có lẽ phải chấp nhận thôi.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-many-viet-ppl-still-go-to-crowded-places-during-covid-19-epidemic-03242020161514.html

 

Vietnam báo cáo

26 trường hợp nhiễm Covid-19 âm tính lần 1

Bộ Y Tế Việt Nam thông báo tính đến 2 giờ chiều ngày 25 tháng 3, có 26 trường hợp trong 117 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị được xét nghiệm âm tính lần 1; 7 trường hợp âm tính lần 2.

Như vậy tính đến chiều ngày 25 tháng 3, Việt Nam có 17 ca nhiễm Covid-19 khỏi bệnh trên tổng số 141 ca báo cáo đến lúc đó. Trong số đang còn điều trị tại 16 cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam vì nhiễm Covid-19 có 85 người Việt Nam và 32 người nước ngoài.

Có 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang phải điều trị tại Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung ương ở Hà Nội.

Thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam tính đến 2 giờ chiều ngày 25 tháng 3 cũng cho thấy tổng số người được cho có tiếp xúc gần và nhập cảnh từ các vùng dịch đang được theo dõi là hơn 46.900 ca. Trong số này có hơn 410 ca đang được cách ly tập trung tại bệnh viện; hơn 20 ngàn trường hợp cách ly tại các cơ sở khác; và hơn 26.100 người đang cách ly tại nhà hay nơi lưu trú.

Trên thế giới tính đến lúc này có hơn 420.700 người tại 197 quốc gia bị nhiễm virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Trong số các bệnh nhân đã có trên 18.800 người tử vong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-covid-19-update-03252020082702.html

 

Lãnh đạo bất nhất

qua trường hợp Ông Nguyễn Đức Chung!

Tại cuộc họp chiều 19 tháng 3 năm 2020, về phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kêu gọi người dân không cần hoang mang, không cần mua tích trữ thực phẩm.

Trước đó một ngày, hôm 18 tháng 3 năm 2020, ông Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo mọi người dân cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt, tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực, thực phẩm… do nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao…

Khuyến cáo như vậy làm nhiều người dân hoang mang vì nếu ở nhà trong vài tuần thì sao không mua lương thực dự trữ được.(!?)

Sau đó ông Nguyễn Đức Chung lại đưa ra một thông tin có vẻ hoàn toàn trái ngược vào chiều 23 tháng 3 năm 2020, cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, ông nói đã khuyên con trai đang du học ở Mỹ mua dự trữ thức ăn đến hết tháng 6 và ở yên trong nhà 3 tháng tới…

Các lãnh đạo thì có tiền cho con đi du học nước ngoài, điện thoại kêu con trữ đồ ăn… Trong khi ở đây cứ nói dân không cần lo, nhưng ngược lại còn bắt dân đóng tiền, đóng góp để lo cho nạn dịch này nữa. Họ nói một đằng hiểu một nẻo.

-Nguyễn Lai

Từ Nha Trang, chị Nguyễn Lai nói với RFA:

“Từ cái ngày có dịch đến giờ, đảng có lo cho dân đâu, sau này bùng phát lên mới nhắn tin cho dân đề phòng, chứ có lo đâu, đảng bắt dân đóng tiền thêm vào mà… Trong khi các lãnh đạo thì có tiền cho con đi du học nước ngoài, điện thoại kêu con trữ đồ ăn… Trong khi ở đây cứ nói dân không cần lo, nhưng ngược lại còn bắt dân đóng tiền, đóng góp để lo cho nạn dịch này nữa. Họ nói một đằng hiểu một nẻo.”

Trả lời RFA hôm 24/3 từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS đã tự giải thể, cho rằng, việc nói dối của các chính trị gia là một vấn đề được giới khoa học nghiên cứu rất kỹ lưỡng, có nhiều kiểu nói dối, từ nói dối trắng trợn, cho đến chuyện cái tốt thì phô ra, cái xấu xa thì đậy lại… việc này đã có từ thời cổ chứ không phải đến bây giờ. Ông cho rằng chuyện này cũng khá bình thường, vì có nhiều ý kiến khác nhau… Ông nói tiếp:

“Nhưng với một người, ví dụ như ông Chung, ổng nói trước công chúng Hà Nội là cứ yên tâm, đừng có tích trữ gì cả… sẽ cung cấp đầy đủ, nhưng ổng lại khuyên con ổng bên Mỹ là mua đủ hàng trong 3 tháng, làm người dân rất bức xúc, có phải cái trước kia ông Chung nói là nói dối, và nói với con là nói thật không? Tôi thì tôi nghĩ cả hai ông Chung đều nói thật, vì ở Việt Nam thật sự không thiếu hàng hóa, không cần đi mua, đi gom… Ông Chung nói như thế là đúng. Còn ổng khuyên con ổng thì tôi nghĩ hoàn toàn là không lý trí, nhưng có thể hiểu được về mặt tâm lý của người bố, dặn con phải chuẩn bị. Và với cái tâm lý đấy, cái lo đấy, rất là thật của ông Chung, cũng như những cái lo rất là thật của những người khác là khi hoảng loạn thì người ta đổ xô đi mua. Nhưng ngày hôm sau họ thấy còn đầy hàng thì suy nghĩ cảm tính của người ta bắt đầu lùi đi, nhường cho suy nghĩ lý tính.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA hôm 24/3 cho rằng, việc ông Nguyễn Đức Chung khuyên con mình đang du học tại Mỹ, phải ở trong nhà và chuẩn bị đồ ăn trong 3 tháng thì đó là tâm lý rất bình thường của một người cha khi thấy con mình đối diện với dịch bệnh. Ông nói tiếp:

“Nhưng ở đây ông ta đang phát biểu trong cuộc họp, tức ông Chung đang thi hành công vụ, đang làm việc với chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông không ý thức, ông ta có thể nói chuyện đó riêng tư cá nhân, chứ không thể đem ra cuộc họp để phô trương. Đó là sai lầm của người làm chính trị. Cái thứ hai là ông ta đã trở nên thách thức chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, đó là chủ trương quan trọng nhất, là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’. Trong khi đó hiện nay, cả thủ tướng, cả bộ chính trị, toàn bộ nội các chính phủ đang lao đao vì cái bệnh dịch này, mà ông ta coi đó là cái khoe khoan về tình phụ tử của ông ta. Tôi cho đó là một điều phi chính trị lúc này, và ông ta đã làm sói mòn hình ảnh của đảng cộng sản Việt Nam đang cố gắng dập dịch.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng,việc này trở thành một trò rất lố lăng trong mắt dư luận quần chúng, khiến người ta cười cợt, vì suốt bảy tám chục năm qua, người cộng sản không đội trời chung với chủ nghĩa tư bản. Thế mà bây giờ, ông nào cũng đưa con đi Mỹ, đi châu Âu, đi những nước tư bản:

“Nó gây là ra một điều lố lăng cho tính chính danh theo đường lối chủ trương của đảng cộng sản VN. Nhưng không trách được, bởi vì nhìn lại, ngay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước và rất rất nhiều ông bà cộng sản cấp cao khác, họ đều đưa con đi Mỹ, đi Tây du học, không có ông bà nào đi Trung Quốc, Cu Ba hay Nga hết… Ai có quyền nói ai bây giờ, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, và nó trở thành nột tổ chức vô chính phủ. Tôi khẳng định lại một lần nữa, hiện nay chính quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là một chính quyền đang dẫn đến sự hỗn loạn qua phát biểu của Nguyễn Đức Chung với tư cách là Chủ tịch UBND TP Hà Nội.”

Chị Nguyễn Hồng Loan, một người dân từ Sài Gòn nói với RFA:

“Họ không dám công bố sợ dân hoang mang chụp giựt mua lương thực, làm khan hiếm, họ đỡ không kịp… Ông Chung nói vậy vì sợ tình hình dịch này kéo dài thì lương thực không đủ cung cấp cho dân Việt Nam hoặc là sẽ bị tăng giá. Lãnh đạo như Nguyễn Đức chung là kiểu lãnh đạo của đảng cộng sản xã hội chủ nghĩa. Nói thì một đàng, làm thì một nẻo, gia đình con cái danh vọng của người đảng viên cộng sản là trên hết, đồng bào dân Việt vứt vào sọt rác.”

Tôi khẳng định lại một lần nữa, hiện nay chính quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là một chính quyền đang dẫn đến sự hỗn loạn qua phát biểu của Nguyễn Đức Chung với tư cách là Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội nhận thông tin không thống nhất trong mùa dịch Covid-19. Vì học sinh nghỉ học quá lâu, nên các trường phải dạy online (trực tuyến), xung quanh câu hỏi: Có được thu tiền dạy học qua online hay không? Thì mỗi nơi lại trả lời một kiểu.

Hôm 16/3/2020, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội có văn bản yêu cầu nhà trường không thu bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh khi tổ chức học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên…

Tuy nhiên, một ngày sau đó Bộ Giáo dục & Đào tạo lại cho rằng đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau về việc thu học phí thêm.

Chị Huỳnh Hằng ở Đà Nẵng nói với RFA hôm 24/3:

“Lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ làm như những điều họ nói, tất cả đều mị dân, chẳng ai tin vào chính quyền. Dân tự cứu mình là chính, cần trữ một ít lương thực ít nhất là một tháng, rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, chen lấn giành giật và có thể ta sẽ bị phong tỏa trong một thời gian nào đó, những thực phẩm khô như gạo và mì gói nếu trữ cũng không hư, không dùng dịp này thì dùng sau, phải biết tự cứu mình trước khi chờ đợi sự ứng cứu của nhà nước và các tổ chức nhân đạo.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, dễ hiểu với sự ăn nói bất nhất của các chính trị gia. Chúng ta phải sống chung với nó, nhưng phải lên tiếng để làm sao cho họ nhất quán hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/call-for-no-hoard-of-food-leaders-say-and-do-03242020134818.html

 

Chủ tịch Quốc hội VN

yêu cầu làm việc trực tuyến trong mùa dịch

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các cơ quan của Quốc hội áp dụng hình thức họp trực tuyến thông qua phần mềm trên máy tính để phòng chống dịch Covid-19. Báo trong nước đưa tin hôm 25/3.

Bà Nguyễn Thii Kim Ngân cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ dân, hạn chế tụ tập đông người.

Bà Ngân nhấn mạnh tại phiên họp UB Thường vụ QH sáng 25/3 rằng,  tình hình dịch bệnh phức tạp nên cần tuân theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Cũng liên quan việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM sáng 25/3, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu huy động 6,3 triệu đoàn viên tham gia công tác phòng, chống dịch.

6,3 triệu đoàn viên sẽ vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân khai báo y tế, giúp phân loại được người già, người có bệnh nền, người yếu thế, người có nguy cơ nhiễm.

Ông Phúc nhấn mạnh việc tách nhóm nguy cơ ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan bệnh; không được tụ tập đông người; thay đổi phương pháp làm việc bằng cách sử dụng công nghệ thông tin.

Ông Thủ tướng Việt Nam đề nghị, tiếp tục xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới mà theo ông phải có năng lực, phẩm chất, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ổn định xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và các mặt khác.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-congress-chairwoman-requestes-telework-03252020083731.html

 

Bất nhất trong chỉ đạo xuất khẩu gạo

của Việt Nam hiện nay

Xuất khẩu gạo tăng trưởng và Quan ngại của dư luận

Những ngày đầu hạ tuần tháng 3 trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, dư luận tại Việt Nam xôn xao trước yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực của Thủ tướng chính phủ khi mà xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá “tăng tốc cực kỳ ngoạn mục” trong 2 tháng đầu năm 2020.

Báo giới quốc nội, vào ngày 22/3 dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam xuất khẩu gần 930 ngàn tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD; tăng hơn 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2019, ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam được báo cáo là không thuận lợi khi xuất gần 6,26 triệu tấn mà chỉ thu về 2,75 tỷ USD. Số này giảm 300 triệu USD so với năm 2018.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời điểm dịch COVID-19 tăng trưởng mạnh được nói là nhờ vào cung cấp đúng thời điểm nhu cầu thế giới đang tăng cao. Một số các thị trường được ghi nhận nhập khẩu gạo nhiều nhất trong hai tháng qua bao gồm Philippines, Malaysia, Iraq, Pháp, Đài Loan, Senagal, Nga. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu lên xấp xỉ 600%về lượng và hơn 700% về kim ngạch. Điều này được cho là trái ngược với hai năm trước khi kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm mạnh, cụ thể chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm xuống 20%.

Vụ mùa thu hoạch thì trúng mùa mà sản lượng xuất khẩu của năm 2019 không cao thì lượng hàng tồn kho còn nhiều. Cho nên năm nay bị thất mùa thì vẫn còn lượng tồn kho năm trước cân đối qua. Do đó về mặt an ninh lương thực không đến nỗi nào và vẫn còn khả năng xuất khẩu được. Tuy nhiên thị trường sẽ xảy ra tình trạng bị đẩy giá và đầu cơ gạo trong tiêu dùng nội địa. Vì Chính phủ muốn chặn đầu cơ nên tính chặn xuất khẩu thì tiêu dùng nội địa không bị ảnh hưởng giá

-Ông Phạm Mẫn

Bất nhất trong chỉ đạo xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay

Đài RFA ghi nhận qua mạng xã hội, có rất nhiều người bày tỏ sự lo ngại về xuất khẩu gạo gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở trong nước, khi đồng bằng sông Cử Long (ĐBSCL) là vựa lúa của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng bị hạn, mặn nghiêm trọng. Thậm chí, không ít ý kiến còn lo lắng Trung Quốc thu mua gạo của Việt Nam rồi sẽ bán ngược lại với giá “cắt cổ”, như status của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 22/3 rằng:

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo gấp: Không để doanh nghiệp và người dân bán gạo cho Trung Quốc lúc này. Dân đói sẽ loạn ngay lập tức!Trung Quốc sẽ bán gạo ngược trở lại với giá cắt cổ!”

Tạm dừng xuất khẩu gạo vì an ninh lương thực?

Văn phòng Chính phủ, vào ngày 23/3/20 ban hành Thông báo khẩn số 121, do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ký. Thông báo này truyền tải kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Theo đó, trong khoản 2, mục b ghi rõ “đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 năm 2020 nhằm đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước” và trong khoản 2, mục c yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020.

Tổng cục Hải quan, thuộc Bộ tài Chính đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24/3/2020.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển Nông nghiệp-Nông thôn, vào tối ngày 24/3 lên tiếng với RFA liên quan Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam:

Đáng quan tâm nhất hiện này về tình hình chung trên thế giới thì các nước ở thượng nguồn sông Mekong cũng bị hạn hán nặng như thế và sản lượng của họ thật ra giảm khá nhiều. Cho nên nguồn cung của thế giới, nhất là ở Đông Nam Á sẽ giảm. Tất nhiên trong dịch COVID-19, cầu cung về nông sản có thể giảm. Nhưng với nông sản chiến lược thì ngược lại. Vì thế rất quan trọng. Cho nên đối với gạo, lượng cầu có thể giữ nguyên hoặc tăng trong khi cung giảm thì chắc chắn giá sẽ lên. Tôi nghĩ rằng đây có thể là một động tác cần thiết để nhằm đảm bảo an ninh lương thực nói chung, nhất là tâm lý của người dân.”

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết thêm theo ghi nhận của ông thì năm nay mặc dù ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán nhưng về cơ bản vẫn được mùa nên mức độ giảm không nhiều. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh rằng an ninh lương thực trong năm 2020 chắc chắn được đảm bảo:

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam khác với nhiều nước khác, là một nước xuất khẩu lúa gạo và xuất khẩu nông sản cho nên không chỉ riêng về lương thực mà ngay cả các nông sản khác như trái cây, rau và ngay cả thủy sản của Việt Nam rất đảm bảo, thậm chí là thừa tiêu dùng. Tôi chắc chắn lương thực được đảm bảo.”

Cơ hội xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Phạm Mẫn, một người làm việc trong ngành xuất khẩu gạo nhiều năm, nói với RFA rằng do nông dân trúng mùa vụ lúa trong năm 2019 nên gia tăng xuất xuất khẩu gạo vẫn không ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở trong nước trong năm 2020. Ông Phạm Mẫn lý giải:

“Vụ mùa thu hoạch thì trúng mùa mà sản lượng xuất khẩu của năm 2019 không cao thì lượng hàng tồn kho còn nhiều. Cho nên năm nay bị thất mùa thì vẫn còn lượng tồn kho năm trước cân đối qua. Do đó về mặt an ninh lương thực không đến nỗi nào và vẫn còn khả năng xuất khẩu được. Tuy nhiên thị trường sẽ xảy ra tình trạng bị đẩy giá và đầu cơ gạo trong tiêu dùng nội địa. Vì Chính phủ muốn chặn đầu cơ nên tính chặn xuất khẩu thì tiêu dùng nội địa không bị ảnh hưởng giá.”

Theo ghi nhận cá nhân, ông Phạm Mẫn cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp may mắn hơn so với năm 2016, vì tình trạng hạn, mặn về sớm nên họ không bị rơi vào tình huống ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo mà không có hàng để giao.

“Năm nay hoàn toàn không bị động bởi vì vụ Đông Xuân xuống giống từ tháng 10 cho đến đầu tháng 12, mà mặn đã về từ giữa tháng 10 rồi. Vùng đồng bằng ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh thì người nông dân đã không xuống giống vụ Đông Xuân. Và doanh nghiệp xuất khẩu nhìn thấy rất rõ nông dân không xuống giống nên không ký các hợp đồng xuất khẩu mùa vụ Đông Xuân được.”

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Phạm Mẫn đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2020 của Việt Nam:

“Nhu cầu xuất khẩu năm nay có thể nói một cách chủ quan là sản lượng xuất khẩu chỉ có thể đạt được 1/3 so với bình thường nhưng giá rất cao.”

Trong Thông báo số 121 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo năng suất, chất lượng, đủ nguồn cung lương thực theo kế hoạch sản xuất.

Báo mạng Dân Trí, trước đó vào ngày 22/3 dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết Bộ này sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa vụ Thu Đông lên khoảng 800 ngàn héc-ta, cũng như lên kế hoạch có thể sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020-2021.

Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng dự tính của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn có thể tiến hành trong tình trạng ĐBSCL bị hạn, mặn xâm nhập nghiêm trọng hay không, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết:

Tôi nghĩ rằng Việt Nam khác với nhiều nước khác, là một nước xuất khẩu lúa gạo và xuất khẩu nông sản cho nên không chỉ riêng về lương thực mà ngay cả các nông sản khác như trái cây, rau và ngay cả thủy sản của Việt Nam rất đảm bảo, thậm chí là thừa tiêu dùng. Tôi chắc chắn lương thực được đảm bảo
-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

“Tất nhiên nếu định tăng vụ Thu Đông thì phải làm chậm hơn như bình thường. Nhưng không loại trừ khả năng người nông dân sẽ phản ứng theo tín hiệu của thị trường, nhất là trong tình hình hiện nay khi tất cả các loại nông sản khác đều gặp khó khăn, thì rõ ràng mọi người đều muốn tranh thủ cơ hội này. Vì thế, tôi nghĩ các tỉnh trên thượng nguồn và ở miền giữa của ĐBSCL, trừ các tỉnh ven biển ra thì nông dân sẽ tăng sản lượng mùa lúa vụ 3. Chắc chắn phản ứng của người sản xuất sẽ như thế. Và chắc chắn Bộ Nông nghiệp sẽ cân đối để xem tình hình cung cấp nước như thế nào để chỉ đạo chuyện này.”

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn và một vài vị chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp Đài RFA có dịp trao đổi như Giáo sư Võ Tòng Xuân và Tiến sĩ Lê Văn Bảnh đều khẳng định Việt Nam vẫn đảm bảo về an ninh lương thực và vẫn duy trì được sản lượng xuất khẩu.

Đài RFA cũng ghi nhận mặc dù dư luận phần nào tỏ ra yên tâm trước Thông báo số 121 của Văn phòng Chính phủ ban hành hôm 23/3; thế nhưng một luồng ý kiến khác lại dấy lên thắc mắc liên quan Bộ Công thương, vào ngày 24/3 gửi văn bản hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo ngay sau khi yêu cầu của Thủ tướng tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 0 giờ trong cùng ngày. Câu hỏi được nêu ra vì sao trong Thông báo số 121 của Văn phòng Chính phủ đề cập Bộ Công thương đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo đến tháng 5 và bây giờ kiến nghị hoàn toàn ngược lại?

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-increases-rice-export-in-covid-19-pandemic-what-concerns-03242020160353.html

 

Thủ tướng yêu cầu

tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, vào ngày 25/3 yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đồng thời, sẽ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định trước ngày 28/3/2020.

Đây là chỉ thị mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được ban hành một ngày theo sau chỉ thị tạm dừng thông quan các lô gạo xuất khẩu, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 24/3/2020.

Quyết định liên quan các hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực được Thủ tướng đưa ra, căn cứ vào sự tham mưu của các bộ, ngành; trong đó Bộ Công thương đề nghị cho tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5. Bộ Công thương cho biết đề nghị này nhằm mục đích đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Công thương vào ngày 24/3 lại gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho xuất khẩu gạo, ngay sau khi chỉ thị của Thủ tướng tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo được áp dụng từ 0 giờ trong cùng ngày.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, vào sáng ngày 25/3, cho báo giới biết Bộ này kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ như thế là do số liệu của Bộ Công thương thu thập được có thể chưa chính xác với thực tế và Bộ Công thương xin phép Thủ tướng thêm thời gian để làm việc với các tỉnh cũng như các doanh nghiệp nhằm xác minh lại số liệu một lần nữa cho chính xác.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh viện dẫn nguyên nhân là do Nghị định 107 của Chính phủ ban hành năm 2018 đã quy định để tự do hóa xuất khẩu gạo, nên Bộ Công thương không còn nhận được các báo cáo về lượng hàng xuất khẩu, lượng hàng đã mua, lượng tồn kho, tiến độ thực hiện hợp đồng…mà Bộ Công thương chỉ có thể dựa vào số liệu tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan để đưa đề nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 25/3 yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu liên quan hoạt động xuất khẩu gạo như vừa qua. Đồng thời, cũng yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét dựa theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành và quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định trước ngày 28/3/2020.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-pm-requests-to-stop-signing-new-rice-export-contracts-03252020083920.html

 

Hai địa phương công bố hết dịch tả heo Châu Phi,

 cúm gia cầm H5N6

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo tỉnh đã hết dịch tả heo Châu Phi.

Báo trong nước loan tin ngày 25/3, trích văn bản Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cùng ngày.

Tin cho biết, tính đến ngày 15/3, tất cả 137 xã, phường, thị trấn của Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo Châu Phi.

Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai từ ngày 17/4/2019 và lây lan ra 137 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Đến ngày 31/12/2019, có khoảng 450.000 con heo bị tiêu hủy.

Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 12/3 đưa ra thông báo cho biết Việt Nam có 98,7% số xã có dịch tả heo châu Phi đã qua 30 ngày.

Theo dự báo, lượng heo tái đàn sẽ tăng cao từ tháng 3, đẩy nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn.

Trước tình hình dịch bệnh tả heo Châu Phi ổn định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp ngày 20/3 đã đề nghị nên đưa giá thịt lợn hơi về 60.000 đồng/kg. Nếu không thực hiện được sẽ cho nhập khẩu thịt heo từ Nga, Mỹ… để giảm giá.

Cũng tin liên quan, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa trong ngày 25/3 công bố tỉnh này đã hết dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 3/2/2020 và xảy ra tại 18 xã, 11 huyện của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 7.200 con gia cầm mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy gần 55.000 con.

Thị xã Bỉm Sơn là địa phương cuối cùng của Thanh Hóa công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Vào ngày 13/3 vừa qua, tất cả các địa phương tại Thanh Hóa cũng công bố hết dịch tả heo châu Phi. Như vậy, Thanh Hóa hiện nay đã không còn dịch tả heo Châu Phi và cúm gia cầm A/H5N6.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2-provinces-announced-end-of-african-swine-fever-n-bird-flu-h5n6-03252020082135.html

 

Thông tin

của 41 triệu người dùng Facebook Việt Nam bị lộ

Vào ngày 25 tháng 3, một thành viên với nickname “vow” trong diễn đàn của giới hacker RaidForums đã chia sẻ tập dữ liệu được cho là có chứa thông tin của 41 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam. Chi phí truy cập vào kho dữ liệu này tương đương với khoảng hơn 50.000 VND.

Nội dung thông tin từ dòng dữ liệu được thể hiện bằng tiếng Việt, bao gồm tên tài khoản, tên đầy đủ, ngày sinh, địa chỉ email, Facebook ID, quê quán, nơi làm việc, học tập, thông tin về người thân cũng như sở thích của chủ tài khoản được thể hiện chi tiết.

ICTnews trong ngày 25 tháng 3 đưa tin về phản hồi từ đại diện Facebook cho biết họ đang xem xét vấn đề vừa nêu.

Còn theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Công ty Bkav, các thông tin, dữ liệu vừa bị chia sẻ trên diễn đàn RaidForums là các thông tin công khai (không có mât khẩu) của người dùng Facebook, thường được thu thập sử dụng cho mục đích quảng cáo; bất kỳ ai tham gia Facebook cũng có thể tìm và xem các thông tin này.

Ông Ngô Tuấn Anh cũng phân tích thêm, có 2 tình huống lộ thông tin cần phân biệt rõ: một là rò rĩ thông tin riêng tư như mật khẩu hay những thông tin người dùng để ở chế độ không công khai; hai là trường hợp nêu trên.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/forty-one-million-vietnamese-facebook-users-information-leaked-03252020082326.html

 

Vụ Phạm Chí Dũng: LHQ chất vấn Việt Nam;

 Nguyễn Tường Thụy bị triệu tập

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền LHQ vào đầu năm nay đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, yêu cầu phản hồi trong 60 ngày. Cũng liên quan đến vụ án này, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội, cho VOA biết ông bị công an triệu tập.

Theo trang lưu trữ Báo cáo truyền thông của Cao ủy Nhân quyền quyền LHQ (OHCHR), cập nhật vào hôm 22/3, bức thư của nhóm các chuyên gia LHQ viết: “Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại của chúng tôi về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Phạm Chí Dũng và thực tế là ông có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình.”

Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại của chúng tôi về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Phạm Chí Dũng và thực tế là ông có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình.

Nhóm chuyên gia nhân quyền LHQ

Bốn chuyên gia nhân quyền LHQ – bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền – mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng “như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.”

“Chúng tôi lo ngại rằng việc giam giữ lâu dài nhưng không được tiếp xúc với bên ngoài khiến ông ấy có nhiều nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo,” bức thư viết tiếp.

“Anh chưa được gặp luật sư,” bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, cho VOA biết trong một tin nhắn gần đây.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cộng tác viên của VOA, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, bị bắt vào tháng 11/2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, hôm 25/03 nêu nhận định với VOA rằng sự quan tâm của LHQ đến những người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam là “một điều quý giá.” Ông nói thêm:

“Tôi mong rằng LHQ và các tổ chức quốc tế khác nên làm cho rành rẽ vấn đề này, đặc biệt là đối với các nhà báo tự do… tiếp tục ủng hộ, bênh vực cho những người bị đàn áp ở Việt Nam.”

XEM THÊM:

Andre Menras: ‘Việt Nam có một chế độ lạ đời’

Cũng liên quán đến vụ án Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thụy hôm 25/03 cho VOA biết ông cũng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập nhưng ông đã từ chối vì lý do sức khỏe và lo ngại dịch bệnh Covid-19.

“Vừa rồi họ có đưa giấy mời cho tôi và tôi trả lời là “không đi.” Hai hôm sau đó, có một đoàn gồm 6 người trong đó có an ninh thành phố, công an quận Thanh Xuân …đến nhà tôi hỏi lý do tôi không đi.

“Tôi nói là hiện đang mùa dịch [Covid-19] và sức khỏe tôi yếu, và tôi nói rằng tôi cũng không cung cấp được gì về trường hợp Phạm Chí Dũng, cũng như không có lời khai nào về Phạm Chí Dũng cả.

Họ nói rằng sẽ tiếp tục triệu tập và ngỏ ý rằng nếu tôi không đến sẽ dẫn giải.

Nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy

“Họ nói rằng sẽ tiếp tục triệu tập và ngỏ ý rằng nếu tôi không đến sẽ dẫn giải.”

Ông Thụy cho biết thêm rằng trong tuần qua chưa thấy chính quyền có động thái nào khác ngoài việc cử an ninh thường xuyên canh gác nhà ông.

Trong kháng thư của LHQ, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi trong vòng 60 ngày về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài trường hợp Phạm Chí Dũng, các chuyên gia LHQ cũng chất vấn Chính phủ Việt Nam về vụ nhà hoạt động Đinh Thi Phương Thảo, một cựu cộng tác viên của tổ chức nhân quyền VOICE, bị nhà chức trách Việt Nam câu lưu trong 8 giờ và tịch thu hộ chiếu sau khi bay từ Bangkok về Hà Nội vào tháng 11/2019.

Kháng thư viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại rằng những hành vi [của Việt Nam] dường như có mối quan hệ chặt chẽ với quyền tự do ngôn luận và các hoạt động bảo vệ nhân quyền của bà Thảo, ông Dũng.”

https://www.voatiengviet.com/a/vu-an-pham-chi-dung-lhq-chat-van-vn-nguyen-tuong-thuy-bi-moi-lam-viec/5344764.html

 

ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều 25/3:

Nguy cơ ‘kép’ từ Bệnh viện Bạch Mai;

Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo

Tâm Tuệ

Kính chào quý vị đến với ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều ngày 25/3 của báo Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung chính như sau:

Nguy cơ ‘kép’ từ Bệnh viện Bạch Mai

Chủ tịch TP. Hà Nội – Nguyễn Đức Chung nói trên báo Zing rằng nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán ở Bệnh viện Bạch Mai khi cơ sở y tế này có 2 nhân viên y tế nhiễm bệnh. Trong đó, có ca không xác định được nguồn gốc lây nhiễm, vì vậy nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Theo ông, nơi đây có “nguy cơ kép”, bởi nếu như ở viện dưỡng lão chỉ có một nhóm đối tượng khoảng hàng trăm người, thì ở Bệnh viện Bạch Mai có rất nhiều khoa với nhiều nhóm bệnh nhân với các loại

bệnh khác nhau.Mới đây nhất, tối 24/3, Bộ Y tế công bố thêm 11 ca bệnh virus Vũ Hán, trong đó có một bệnh nhân từng đến Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là bệnh nhân thứ 133 – nữ, 66 tuổi, địa chỉ ở Tân Phong, Lai Châu.Tổng số người đang cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai là 243. Trong đó có nhân viên y tế.

Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo

Từ 24/3 Việt Nam sẽ dừng thông quan các lô hàng gạo sang các nước để đảm bảo lương thực trong mùa dịch virus Vũ Hán.

Phó tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký điện gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu các loại. Quyết định trên nhằm đảm bảo lương thực trong bối cảnh virus Vũ Hán diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, các lô hàng gạo đã đăng ký tờ khai trước ngày 24/3 vẫn được giải quyết thủ tục thông quan theo quy định.

Về việc Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho hoãn việc áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3. Trả lời VnExpress, tối 24/3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện chưa nhận được đề nghị của Bộ Công Thương. “Khi nhận được văn bản chúng tôi sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định có dừng ngay từ 24/3 hay không”, ông Dũng cho biết.

Tại cuộc họp ngày 23/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

Trước những diễn biến của dịch bệnh virus Vũ Hán, đã gây ảnh hưởng việc xuất khẩu sản phẩm nông sản trong năm 2020. Trong đó có thị trường Trung Quốc.

Hàng không Việt Nam dừng toàn bộ đường bay quốc tế

Báo Zing dẫn thông tin cho biết, chuyến bay quốc tế cuối cùng trong dịp này của Vietnam Airlines sẽ từ Đức về Việt Nam hôm nay 25/3, chở theo 170 hành khách hạ cánh ở sân bay Vân Đồn.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tạm đóng hết các đường bay quốc tế từ nay tới 30/4. Bamboo Airways dừng đường bay quốc tế duy nhất đến Hàn Quốc và hoãn mở các đường bay quốc tế mới.

Vietjet Air đã tạm dừng các đường bay quốc tế đến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Hãng chỉ mở bán chặng Hà Nội đến Tokyo và ngược lại vào ngày 31/3, 2/4 và 4/4.

Báo VnExpress cũng thông tin rằng, nhiều hãng bay nước ngoài cũng đã hoãn, hủy các chuyến bay đến Việt Nam. Ngày 24/3, sân bay Nội Bài chỉ đón 264 hành khách quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên 4 chuyến bay từ Đài Loan, Singapore, Ma Cao, Nhật Bản, giảm nhiều so với tuần trước là trên 2.000 hành khách nhập cảnh mỗi ngày. Toàn bộ hành khách đều được cách ly 14 ngày.

Thủy điện chặn dòng, hơn 100 ha cây trồng thiếu nước

Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân tại thôn 3, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy (Kon Tum) lo lắng khi hàng trăm héc ta cây trồng đứng trước nguy cơ chết héo. Nguyên nhân chính được xác định là do sông Đăk Snghé chảy qua thôn 3 bị 2 thủy điện chặn dòng ở đầu nguồn.

Việc chặn dòng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 ha cây trồng của người dân nơi đây lâm vào tình cảnh thiếu nước và có nguy cơ chết héo.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh – Phó ban Quản lý dự án Công ty thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum), cho hay thủy điện Đăk Ne là đơn vị chịu trách nhiệm về việc cây trồng của người dân thiếu nước tưới.

Còn ông Hồ Thanh Tiến – Trưởng phòng Kỹ thuật – Công ty CP đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Đăk Ne), lại cho rằng cây trồng của người dân không đủ nước tưới là do tác động của thủy điện Thượng Kon Tum.

Vàng trong nước bật tăng mạnh theo đà thế giới

Theo ghi nhận của báo Dân Việt, tại thị trường trong nước, sáng nay (25/3) các doanh nghiệp vàng bạc điều chỉnh tăng mạnh theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Cụ thể, theo ghi nhận tại các Tập đoàn Vàng bạc đá quý  giá vàng được ghi nhận tăng cao nhất là 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất vào hôm qua (24/3).

Theo đó, hiện SJC niêm yết giá vàng ở mức 46,7-47,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tại thị trường thế giới, lúc 7h sáng nay 25/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,29% lên 1639,20 USD/ounce theo Kitco; vàng giao tháng 4 tăng 1,92% lên 1692,75 USD.

Đêm 24/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới biến động chưa từng có trong lịch sử khi tăng vọt cả 100 USD trong vòng vài phút ở thị trường New York Mỹ, có lúc vọt lên mức 1.678 USD/ounce khi có thông

tin lan ra thị trường rằng thị trường Anh sẽ đóng cửa do các mỏ vàng trên toàn cần ngừng hoạt động do tác động của dịch virus Vũ Hán. Khi giới đầu tư châu Âu đồng loạt đổ sang mua vàng tương lai trên thị trường Mỹ.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-25-3-nguy-co-kep-tu-benh-vien-bach-mai-viet-nam-tam-dung-xuat-khau-gao.html