Tin Việt Nam – 25/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/01/2017

Người Việt duy trì văn hóa Tết ở Mỹ

Lam Thủy

Đối với người Việt xa quê hương, Tết là những ngày quan trọng nhất để họ có thể tụ họp, thăm hỏi và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Ngày Tết còn là dịp để tìm hiểu và duy trì những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, nhất là đối với các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt.

Từ San Jose, California – nơi tập trung rất đông người Việt định cư, chị Tiên Bùi không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày Tết khi chị còn nhỏ:

“Cuộc sống của mình trải qua nhiều giai đoạn. Trước 75 [năm 1975] thì ăn Tết vui hơn. Sau 75 thì bị giới hạn nhiều thứ, nhà mình cũng nghèo đi, cho nên Tết cũng mất vui phần nào. Chẳng hạn như ba má mình có thể mua nhiều nước ngọt hơn cho cả nhà, nhưng sau 75 thì không có những cái đó nữa thì mình thấy buồn vì mình còn nhỏ mà. Sau đó khi qua Mỹ, vì chưa về lại được Việt Nam nên mỗi cái Tết là một lần mình nằm nhớ nhà. Mình nhớ nhà lắm. Mình chỉ sinh hoạt trong cộng đồng nhỏ vì lúc đó người Việt ít, không có những hội chợ Tết lớn như bây giờ. Mình đến các trung tâm sinh hoạt mà cộng đồng thuê hoặc ở chùa, mình chỉ đi tới đó rồi mình biết là có Tết.”

Sau vài năm định cư tại Mỹ, nhóm của chị Tiên Bùi bắt đầu góp sức tổ chức hội chợ Tết cho sinh viên, giúp cộng đồng vui Tết và nhớ Tết.

Giờ đây sau hơn 30 năm, chị Tiên Bùi vẫn đồng hành cùng các bạn trẻ tổ chức hội chợ Tết sinh viên ở San Jose.

Chị nói: “Các em trẻ và sinh viên làm hội chợ Tết cũng rất quy mô. Đó là tinh thần của người trẻ, họ làm để phục vụ giới trẻ, cho nên có nhiều hứng khởi và mới lạ.”

Năm ngoái, chị Tiên Bùi đã dựng một làng Việt Nam và tổ chức đám cưới đầu xuân trong khu vực hội chợ Tết được rất nhiều người yêu thích. Tết năm nay, chị sẽ tổ chức một gian hàng triển lãm đồ gốm cổ của Việt Nam 500 năm về trước.

Mục đích của việc tổ chức các hội chợ Tết sinh viên nhằm giúp các em nhỏ hiểu về văn hóa và không quên cội nguồn, do vậy năm nay đã có khoảng 500-600 em học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia.

Anh Jason Nguyễn, 29 tuổi, người đã đứng ra tổ chức 3 hội chợ Tết sinh viên, chia sẻ với VOA về điều đã thôi thúc anh góp phần duy trì Tết Việt:

“Mình cố gắng làm ra một chương trình Tết có ý nghĩa về văn hóa. Bây giờ có chút sức thì mình muốn tạo ra một nền tảng cho giới trẻ sau này. Nếu mỗi năm Tết đến mình có một chương trình văn hóa mà mọi người để ý đến thì sẽ sôi nổi và không khí Tết cũng vui vẻ, ấm cúng hơn, và để cho những người không phải người Việt Nam có thể biết thêm về văn hóa của người Việt.”

Theo anh Jason, những hoạt động như vậy rất quan trọng đối với các bạn trẻ gốc Việt ở Mỹ. Nếu các bạn không được tiếp xúc với văn hóa Việt thì sẽ đánh mất bản sắc của mình.

Anh nói: “Nếu không có cái gì để đưa cho giới trẻ tiếp xúc thì dần dần sau này họ sẽ mất đi cả nền văn hóa của mình, mất đi luôn tiếng Việt, mất đi luôn cách sống của người Việt Nam. Việc này rất nguy hiểm. Khi mình không còn văn hóa nữa thì chắc cũng không còn người Việt nữa.”

Đối với anh Jason, việc góp phần duy trì bản sắc văn hóa Việt là điều bắt buộc phải làm chứ không phải cần thiết hay không cần thiết, và anh bắt đầu việc đó từ chính gia đình nhỏ cùng với vợ và một cô con gái của mình.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-duy-tri-van-hoa-tet-o-my/3691132.html

 

Từ Hùng Cửu Long đến việc San Jose cấm cờ đỏ

Bùi Văn PhúNhà báo tự do, gửi tới BBC Tiếng Việt từ San Jose

Biết tin Hội đồng Thành phố San Jose sẽ biểu quyết cấm cờ đỏ sao vàng, tôi có hỏi Nghị viên Nguyễn Tâm về thời điểm ra nghị quyết thì được nghe: “Vì mới đây có sự kiện Hùng Cửu Long định mang cờ đỏ đến Little Saigon.”

Từ hai thập niên qua, đúng hơn là từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (1995), nhiều người Việt ở Mỹ e ngại cờ đỏ sao vàng của CHXHCN Việt Nam sẽ phấp phới bay khắp nơi trên đất Hoa Kỳ.

Lá cờ đó, gắn liền với lịch sử chiến tranh, với trại học tập cải tạo, vùng kinh tế mới, đánh tư sản mại bản, với vượt biển vượt biên và đã để lại trong lòng nhiều người Việt, những người Mỹ đã chiến đấu trên mảnh đất Việt Nam và gia đình họ, nhiều khổ đau và nước mắt.

Nay đến bến bờ tự do họ không còn muốn nhìn thấy bóng dáng lá cờ đỏ đó nữa.

Năm 1998, khi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam lần đầu tiên liên hoan đón Tết tại San Francisco, cờ đỏ sao vàng được treo bên cạnh cờ Hoa Kỳ trước tiền đình của nơi tổ chức Tết là Veteran Building.

Nhưng chỉ trong một thời gian chưa đến một giờ đồng hồ là đã phải kéo cờ xuống vì bị đe doạ biểu tình phản đối.

Đến đầu năm 1999 có sự kiện Trần Trường treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh trong cửa tiệm của ông ở Westminster thuộc Quận Cam, California và đã bị biểu tình phản đối kéo dài gần hai tháng.

Vào đầu thiên niên kỷ, sau một phần tư thế kỷ định cư, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã vững mạnh hơn với những dân cử gốc Việt trong chính trường nên có những vận động các cấp chính quyền từ tiểu bang xuống đến thành phố để công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là di sản của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Luôn luôn là cờ vàng

Từ đó hình ảnh cờ vàng luôn có trong các sinh hoạt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Vài tháng qua lại bùng nổ lên chuyện cờ đỏ, cờ vàng với sự kiện một du khách từ Việt Nam là Hùng Cửu Long muốn phô trương cờ đỏ ở Little Saigon, Quận Cam.

Ngày 20/11/2016, Hùng Cửu Long xuất hiện trước Thương xá Phước Lộc Thọ gây xôn xao cộng đồng.

Ít tuần sau, Thị trưởng Tạ Đức Trí và Nghị viên Diep Tyler đã đệ trình nghị quyết cấm cờ đỏ và đã được hội đồng thành phố đồng thanh chấp thuận trong phiên họp ngày 14/12/2016.

Nghị viên Sergio Contreras của Westminster đã phát biểu rằng ông không muốn thấy bất cứ ai “đến thành phố của chúng ta để tạo ra những xáo động và rắc rối.”

Vì mới đây có sự kiện Hùng Cửu Long định mang cờ đỏ đến Little Saigon.”Nguyễn Tâm

Nghị quyết này cấm trưng bày hay treo cờ đỏ sao vàng ở bất cứ nơi nào trong phạm vi Thành phố Westminster vì: “Lá cờ này trong quá khứ và đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng cho một nền độc tài chuyên chế.”

Sau khi Westminster chấp thuận nghị quyết cấm cờ đỏ sao vàng, ngày 19/12/2016 bốn nghị viên Thành phố San Jose là Tâm Nguyễn, Mạnh Nguyễn, Sergio Jimenez và Magdalena Carrasco đã đệ trình một nghị quyết chỉ cấm treo cờ đỏ trên các cột cờ thuộc sở hữu của thành phố.

Westminster là nơi đã có nghị quyết về cờ vàng đầu tiên và đây cũng là nơi đầu tiên đưa ra nghị quyết cấm cờ đỏ và đã được thông qua một cách mau chóng, vì không có tiếng nói phản đối.

Nhưng San Jose thì khác.

Khi nghị quyết cấm cờ đỏ được đưa ra tiểu ban cách đây hai tuần và đã có người phản đối. Thung lũng Điện tử nay có nhiều du sinh từ Việt Nam tại các đại học trong vùng, có nhiều doanh gia bỏ tiền đầu tư, có con cháu quan chức nhà nước chọn là nơi định cư.

Sự chống đối nghị quyết cũng có ở San Jose vì vùng Vịnh San Francisco có khuynh hướng chính trị thông thoáng, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm khác biệt hơn là Quận Cam bảo thủ.

Sau gần ba tiếng đồng hồ cho cư dân phát biểu, các vị dân cử đã nghe cả trăm ý kiến, đại đa số ủng hộ nghị quyết. Chỉ có vài ba ý kiến phản đối.

Phát biểu ủng hộ có nhiều tiếng nói quen thuộc của cộng đồng.

Bryan Đỗ đại diện cho Dân biểu Liên Bang Ro Khanna đọc quan điểm của ông về vấn đề này. Ông chống lại việc trưng bày lá cờ đỏ của chế độ toàn trị tại Việt Nam vì “chế độ đó đã đàn áp nhân quyền, bỏ tù người cầm bút và những ai lên tiếng phản kháng.”

Cùng ủng hộ nghị quyết có Nghị viên Kimberly Hồ của Westminster, có Mindy Nguyễn đại diện cho Dân biểu Tiểu bang Ash Kalra.

Có những nhân vật cộng đồng như Thomas Nguyễn, Jimmy Phạm, Đỗ Thành Công, Jane Đỗ Bùi, Kính Đoàn, Mai Quyền, Minh Nguyễn, có cụ bà Đào Nguyên Nguyễn, cụ ông Nghiệp Đoàn.

Những người ủng hộ nghị quyết cho rằng lá cờ đỏ là ác mộng vì những gì họ đã trải qua.

Hoặc cho rằng đó là biểu tượng của sự thiếu tự do dân chủ, không tôn trọng nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại.

Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn, Dân biểu Tiểu bang Ash Kalra, Nghị viên Thành phố Milpitas Anthony Phan cũng gửi văn thư chính thức ủng hộ.

Có tin Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco gửi văn thư phản đối, nhưng văn phòng thành phố đã không nhận được để đưa vào hồ sơ nghị trình.

Hai luồng ý kiến

Phản đối nghị quyết có ý kiến của Long Lê, Chris Lê, Sam Lê và Phúc Lê.

Long Lê cho rằng nghị quyết này sẽ tạo một tiền lệ không tốt cho thành phố, vì nếu mai này có nhóm người khác đòi không cho treo cờ Mexico, Cuba hay cờ của các nước Trung Đông thì thành phố cũng chiều theo hay sao.

Sam Lê nhắc đến những hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang có trên Biển Đông, vì thế việc chống lại lá cờ của quốc gia Việt Nam sẽ làm tổn thương đến quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực.

Chris Lê nhận ông là một người theo đảng Libertarian và ông không hy vọng hội đồng thành phố sẽ bác bỏ nghị quyết này.

Sau khi lên tiếng phản đối từ lúc nghị quyết được đưa ra tiểu ban hai tuần trước, trả lời báo chí trong những ngày qua Chris Lê cho biết ông sẽ ra tranh cử ở Khu vực 7 vào năm 2018 với mục đích đánh bại Nghị viên Tâm Nguyễn, đồng tác giả của nghị quyết cấm cờ đỏ.

Trong năm qua Chris Lê tích cực tham gia vận động tranh cử dân biểu tiểu bang cho Phó Thị trưởng Madison Nguyễn.

Trước khi phiên họp hội đồng thành phố diễn ra, tôi hỏi cựu Phó Thị trưởng Madison Nguyễn về nghị quyết này, bà cho biết ý kiến như sau:

“Tôi hết lòng ủng hộ nghị quyết cấm cờ cộng sản ở San Jose. Nó sẽ tái xác nhận những cam kết của thành phố là tôn trọng lịch sử của nhiều người tị nạn Việt Nam đã chối bỏ chế độ cộng sản để đến Mỹ, trong đó có gia đình tôi.”

Tháng 11/2016 cựu Phó Thị trưởng Madison Nguyễn ra tranh chức dân biểu tiểu bang nhưng không thành công.

Sau khi đã nghe tất cả các phát biểu của cư dân, một số nghị viên đã phát biểu ý kiến.

Nghị viên Raul Peralez nhấn mạnh rằng quyền tự do phát biểu của người dân vẫn được tôn trọng nếu có ai muốn mang cờ đỏ đến San Jose. Nghị quyết chỉ cấm treo lá cờ đỏ trên cột cờ thuộc về thành phố.

Tân Nghị viên Diệp Thế Lân nói đây không phải là vấn đề tự do biểu đạt hay quan hệ quốc tế mà nó liên quan đến một cộng đồng đã bị cộng sản làm hại vì họ đã không có tự do biểu đạt dưới chế độ cộng sản.

Ông nói: “Ở bất cứ nơi nào có người Việt tự do, họ sẽ lên tiếng chống lại cộng sản.”

Sau đó hội đồng thành phố San Jose gồm Thị trưởng Sam Liccardo và tất cả 10 nghị viên đã đồng thanh biểu quyết chấp thuận nghị quyết không cho phép treo cờ đỏ sao vàng của cộng sản Việt Nam trên các cột cờ của thành phố.

Sau Westminster và San Jose, đang có những vận động của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở những thành phố như Garden Grove, Santa Ana và Milpitas để thông qua những nghị quyết cấm cờ đỏ.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả Bùi Văn Phú, nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco.

http://www.bbc.com/vietnamese/38744312

 

Tết giàu, Tết nghèo

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Nhiều triệu người Việt Nam đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu, trong ý nghĩa xum hợp vào thời khắc thiêng liêng, khi năm mới khởi sự với hy vọng về những thay đổi tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Dư luận ghi nhận những hiện tượng đang làm biến dạng những tập tục tốt đẹp của ngày Tết.

Xã hội phân hóa cùng cực

Từ giã năm cũ Bính Thân nhiều tai họa từ hạn hán Tây nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thảm họa môi trường 4 tỉnh Bắc Trung Bộ và gần nhất là lũ chồng lũ ở miền Trung. Việt Nam bước vào năm mới Dinh Dậu trong bối cảnh xã hội phân hóa bất bình đẳng kinh tế gia tăng nghiêm trọng.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:

Khi một xã hội phân hóa giàu nghèo đến cùng cực, người thì quá giàu có, giàu đến mức không hiểu nổi từ đâu mà có tài sản giàu như thế trong khi người thì không có đủ áo mặc, trong mùa đông không có giày để mang, Tết thì cũng không có tiền để có một bữa cơm ngon. Đó chính là dấu hiệu của một xã hội không có gì tốt đẹp mà người cầm quyền phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc điều chỉnh lại cuộc sống cho nó ra con người hơn…

Đối với nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo hiện sống và làm việc ở Quảng Ngãi, thì khu vực này trước Tết đã bị lũ lụt mưa dầm kéo dài, đến thời điểm giáp Tết vẫn còn mưa. Quê hương Quảng Ngãi của nhà thơ Thanh Thảo trải qua một mùa Tết đầy khó khăn, thiên tai thời tiết ảnh hưởng người trồng rau, người trồng hoa bán Tết cũng thu hoạch kém. Người dân vùng lũ đã nhờ cậy các tổ chức và cá nhân có lòng nhân ái giúp đỡ để đón Tết. Nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo tiếp lời:

Việt Nam bây giờ sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng lớn, cùng một cái Tết, cùng với tình trạng khó khăn của người nghèo thì ở những thành phố lớn người giàu vẫn chơi những thứ hàng xa xỉ có thể đến hàng tỷ đồng. Câu chuyện ấy diễn ra một cách hết sức bình thường, người giàu vẫn giàu người nghèo vẫn nghèo. Xã hội như thế tạo khoảng cách, tạo sự hụt hẫng lớn… thế thôi…”

Nhà thơ Thanh Thảo nói rằng, Tết không phân biệt người giàu hay người nghèo, Tết đến với mọi người. Ông nói:

Tết vẫn phải Tết ai cũng có Tết cả, người có nhiều tỷ đồng hay người chỉ có dăm bảy trăm ngàn hay một triệu đồng thì vẫn Tết chứ. Trong khả năng của mình cũng vui vẻ đón xuân mới, đối với người Việt Nam Tết không phải chuyện tiền bạc, bây giờ người ta cứ nghĩ Tết phải thật nhiều tiền…không nhất thiết phải như thế đâu…hồi xưa nghèo lắm mà vẫn có Tết, bây giờ cũng vậy…Tết là ngày vui, là xum họp gia đình thế thôi, nghèo mấy đi làm ăn xa đến Tết cố gắng về quê xum họp gia đình. Đấy mới là Tết, tình cảm ấy là Tết còn chuyện xa hoa, mua sắm thực chất không quyết định cho tinh thần của Tết đâu.

Xa hơn về phía Bắc, ông Vũ Văn Luân thư ký Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản Huyện Tiên Lãng, nơi cách nay 5 năm đã xảy ra vụ án “tiếng súng hoa cải” của nông dân mất đất Đoàn Văn Vươn, nói rằng ông rất thất vọng với chính sách đất đai của nhà nước, trông chờ mòn mỏi cũng chẳng thấy cải cách. Trước ngày Tết Đinh Dậu, ông Vũ Văn Luân phát biểu:

Tết cổ truyền ở Việt Nam thì nhà nào cũng thế, gia đình tôi chuẩn bị đầy đủ bánh chưng rồi thực phẩm chuẩn bị những thứ thiết yếu nhất cho không khí Tết… hầu hết dân Việt Nam người ta cũng đều phải chuẩn bị cái thủ tục như thế…để bước sang một năm mới có sự đổi mới hơn…

Thời của cầu xin thánh thần

Mỗi khi Tết đến dư luận nói nhiều về những sự biến dạng trong phong cách mừng xuân của một số người trong xã hội. Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Tết là ngày xum họp của mọi gia đình, ngày gặp gỡ nhau để chúc tụng, theo tục lệ cũng van vái mời ông bà về cùng ăn Tết. Những tục lệ đó rất quý, chúc tụng nhau trong gia đình trong dòng tộc, trong xóm giềng, rồi có thể đi lễ chùa, đi nhà thờ mừng năm mới.

Tuy vậy, Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh đi chùa, nhà thờ ngày Tết trong tinh thần bình an, lành mạnh. Không đi đến đó để cầu xin lợi lộc. Ông nói:

Chúa Giê Su chịu đóng đinh trên cây thập giá không đủ áo quần, thì có tài sản đâu mà đến đó để xin…còn Phật Thích ca cũng chỉ có chiếc áo choàng và bình bát để khất thực hàng ngày, nhưng lại có những người chăm bẳm đến đó để cầu xin.

Nhưng mà điều rất đáng tiếc là có người có chức có quyền cao vào hàng nhất của Việt Nam cũng đi quỳ, cũng đi lạy, cũng đi xin. Đó là những dấu hiệu rất là xấu, khi những người có chức có quyền đến quỳ lạy xin thần thánh, tôi nói thẳng là những người đó họ không còn tin nhau nữa.”

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng những người có chức có quyền đi cầu xin điều gì, chắc là xin giữ vững quyền chức và túi tiền bất chính của mình. Những người đi cầu xin đó rất đáng phê phán. LS Trần Quốc Thuận ghi nhận:

Trước đây còn có trường hợp những người đi cầu xin mang cúng hình nhân để cầu xin cho đối thủ chính trị của mình bị thần linh tiêu diệt…rõ ràng là những cuộc cầu xin đó là hủ lậu cần phải bài trừ…còn chuyện cấp dưới đi thăm cấp trên để tặng quà cáp thì vừa qua Ban Bí thư cũng có văn bản cấm, không biết lệnh cấm đó vừa qua hiệu lực đến đâu…”

Về chỉ thị của Ban Bí thư cấm cán bộ biếu xén quà, ông Vũ Văn Luân ở Tiên Lãng Hải Phòng cho rằng, kẻ hối lộ không nhất thiết phải đợi dịp biếu xén quà Tết làm cơ hội hối lội. Theo lời ông người ta có nhiều cách dễ dàng và an toàn hơn để cung thỉnh cấp trên. Ông Vũ Văn Luân phát biểu:

Chẳng qua chỉ là lừa bịp dư luận hết, tham nhũng bây giờ đã trở thành cái “máu” rồi, bệnh aid rồi, cực kỳ khó chữa.

Những năm trước, báo chí ghi nhận tình trạng cán bộ cấp dưới đi chúc tết tặng quà cấp trên, từng gây ra ách tắc giao thông cả khu phố nơi cán bộ lãnh đạo trú ngụ.

Như lời LS Trần Quốc Thuận nói, những biến tướng của phong tục ngày Tết cần bị phê phán, nhưng những nét văn hóa hay đẹp cần được tôn trọng để giữ gìn bản sắc dân tộc.

LS Trần Quốc Thuận cho biết chương trình ngày Tết giản dị của ông, trước hết là về quê thắp nhang cho ông bà. Sau đó đi chúc Tết láng giềng. Ông cũng đã chuẩn bị các bao lì xì để trong đó mỗi bao chừng năm, mười nghìn đồng để mừng tuổi mấy cháu.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/think-about-tet-new-lunar-year-01252017083205.html

 

Xem xét thu hồi các khen thưởng của ông Trịnh Xuân Thanh

Bộ Nội vụ Việt Nam đang xem xét quy trình để hủy bỏ các quyết định khen thưởng, thu hồi bằng khen và huân chương của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang hiện đang bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã.

Mạng báo Dân Trí dẫn nguồn tin riêng của báo này cho biết Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, thuộc Bộ Nội vụ chính phủ Hà Nội và các cơ quan liên quan đang xem xét quá trình nhằm hủy mọi quyết định khen thưởng trao bằng khen, huân chương cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Nguồn tin từ Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Việt Nam nói rằng việc xử lý hủy mọi quyết định khen thưởng cho người có những sai phạm như ông Trịnh Xuân Thanh cũng cần tuân thủ qui trình như khi đề xuất khen thưởng. Đó là phải bắt đầu từ Hội đồng thi đua khen thưởng cơ sở thuộc Bộ Công Thương đề xuất và trải qua qui trình thẩm định, phê duyệt của tất cả các cấp, các ngành.

Ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ cao cấp đối tượng của đường dây chạy chức chạy quyền mà nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị quy trách nhiệm. Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng ở Công ty xây lắp dầu khí PVC nhưng vẫn được luân chuyển và thăng thức.

Vào năm ngoái, thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh, nói với cử tri ở Đà Nẵng là ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài và bay đến Châu Âu. Việt Nam đang phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông này.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ra quyết định kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng tước bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương hai nhiệm kỳ thời Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng. Việc tứơc bỏ tư cách các chức vụ của người phạm lỗi khi đã không còn làm việc là chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Hôm qua Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng ra quyết định khiển trách bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Công Thương vì dính líu tới các vụ bổ nhiệm thời nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Tiếp theo thông tin này, báo chí Việt Nam đưa tin gia đình bà Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa có khối tài sản đồ sộ tại Công ty Bóng đèn Điện Quang, một công ty quốc doanh đã cổ phần hóa. Bà Thoa và gia đình được cho là nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá tới 718 tỷ đồng tại công ty Bóng đèn Điện Quang

Bà này từng làm tổng giám đốc Bóng Đèn Điện Quang giai đoạn từ năm 2005 đến 2010.

Sau khi lên chức thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa tiếp tục sở hữu lượng cổ phiếu giá trị tương đối lớn của Bóng đèn Điện Quang. Hiện bà Hồ thị Kim Thoa là cổ đông lớn thứ sáu của cộng ty này.

Ngoài ra những thành viên khác trong gia đình của bà gồm các em trai, em dâu, các con gái của bà được giao những vị trí cấp cao tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-withdraw-honorary-paper-escaped-official-txt-01252017080622.html

 

Hàng triệu lao động về quê ăn Tết

Hàng triệu người Việt Nam ở các thành phố lớn, nơi có các khu công nghiệp, đã và đang trở về quê nhà để ăn Tết. Hôm nay 25/1/2017 tức 28 Tết, cũng là thời điểm ngày làm việc cuối cùng ở Việt Nam trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Theo báo Dân Trí Online, nhiều đường phố hướng ra cửa ngõ phía Nam của Hà Nội bị ùn tắc kẹt cứng, trong khi các cửa ngõ phía Bắc lại thông thoáng. Ghi nhận chiều 28 Tết, vận chuyển đường sắt đã giảm tải đáng kể, vì đa số đã người đi tàu đã rời Hà Nội từ vài ngày trước.

Cũng liên quan tới Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, VTC News đưa tin 50 người dân quận 10 Saigon, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương, đã mang dao kiếm, mã tấu và các loại hung khí khác đến trụ sở công an đổi quà Tết.

Trong khi đó ghi nhận tại Huế, những người bán hoa buồn vì lượng bán ra không được như mong đợi. Ở Hà Nội cũng như Sài gòn, một số người bán hoa, bán hàng dọc đường bị lực lượng chức năng dẹp với lý lo bảo đảm trật tự.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/millions-vn-return-home-f-tet-01252017075702.html

 

Việt Nam khẳng định đổi mới dù có TPP hay không

Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới để chuẩn bị thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA đã và sẽ tham gia, dù có hay không có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu như vừa nêu vào hôm qua, thứ ba 24/1, khi được báo chí Hà Nội hỏi về phản ứng của Việt Nam khi  Hoa Kỳ rút khỏi TPP.

Việt Nam tham gia hoặc đã hoàn tất đàm phán khoảng 10 Hiệp định thương mại tự do FTA với các nước, đặc biệt  FTA với EU đang trong quá trình chuẩn bị ký kết phê chuẩn và thực thi. Tuy rằng các tiêu chuẩn về quyền của người lao động trong đó có quyền lập hội, sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có thể ở mức thấp hơn TPP, tuy nhiên Việt Nam vẫn phải cải cách pháp luật và thể chế thì mới có thể thực thi để hưởng lợi.

Được biết ngay sau khi nhậm chức hôm 20/1 vừa qua Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên với nội dung rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

TPP bao gồm 12 nước Australia, New Zealand, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei, Nhật Bản, Chi Lê, Peru, Mexico, Hoa Kỳ và Canada. Hiệp định đã được hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015 và được chính thức ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 ở New Zealand. Các nước đang trong quá trình phê chuẩn TPP, riêng Nhật Bản vừa hoàn tất mọi thủ tục thông qua hiệp định này.

Với việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP thì Hiệp định này không hiện thực, vì TPP có điều khoản quy định hiệp định chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải có GDP tổng sản phẩm nội địa gộp từ 85% GDP nội khối trở lên. Trong khi đó Hoa Kỳ có GDP khoảng 65% toàn khối.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/with-or-without-tpp-vn-wld-continue-to-reform-01252017073841.html

 

Khủng bố hay bảo vệ ổn định chính trị?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Trong những ngày giáp Tết trùng hợp với Tổng thống mới của Hoa kỳ nhậm chức, các tổ chức nhân quyền thế giới lại ngạc nhiên khi thấy người bị bắt tại Việt Nam tăng lên đột ngột và khó hiểu. Họ không hề có một hoạt động chống chính phủ nào cụ thể nhưng nhà giam và những bản án vẫn tiếp tục áp đặt lên họ như một sự răn đe.

Gia tăng bắt bớ

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người mở đầu danh sách tù nhân lương tâm. Bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2016 tại nhà riêng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Mẹ Nấm có tuyên truyền nhưng không phải chống nhà nước mà chị chống Formosa khi công ty này xả thải giết hại môi trường 4 tỉnh miền Trung trong khi chính quyền từ địa phương tới trung ương không có bất cứ biện pháp nào đối phó hay xử lý.

Sau Mẹ Nấm là anh Nguyễn Văn Hóa, Ngày 17 tháng Giêng năm 2017 anh bị bắt và ghép vào tội danh vi phạm điều 258 bộ luật hình sự, với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ làm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân…’

Giống như Mẹ Nấm, anh Hóa là người tích cực lên tiếng tố cáo những gì đang xảy ra tại Kỳ Anh Hà Tĩnh khi người dân không còn gì để làm ăn sinh sống và sự chờ đợi nhà nước trợ giúp đã đi đến giới hạn của tuyệt vọng.

Anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh từng trực tiếp tường thuật những vụ nộp đơn kiện Formosa và bản án ghép anh vào tội danh 258 đã làm cho người dân ở đây phẫn nộ.

Hai ngày sau khi anh Hóa bị bắt, vào khoảng 22 giờ ngày 19 tháng 01 năm 2017, anh Nguyễn Văn Oai đang đi trên đường 36 thuộc Xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, thì bị một nhóm người được phục kích và bắt giữ.

Ông Nguyễn Văn Doãn, Trưởng công an xã Quỳnh Vinh thông báo cho gia đình biết về việc bắt giữ anh Oai. Nguyễn Văn Oai bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “không thi hành bản án quản chế”.

Vợ anh Oai là chị Linh Châu kể lại:

Anh Oai bị bắt vào lúc 9 giờ 30 ngày 19 tháng 1 nghe nói anh bị tội danh “chống người thi hành công vụ” Họ bắt mà không đưa ra một loại giấy tờ gì cả coi như một cuộc bắt cóc. Nó còng tay anh Oai lại bỏ lên xe chở đi luôn. Người ta gán ghép cái tội là chống phá nhà nước bị tới 4 năm tù bây giờ họ phải quản chế, anh mới về 1 năm hay hơn 1 năm thôi.

Lý do anh Oai bị bắt cũng không khác với anh Hóa và blogger Mẹ Nấm, bởi vì anh lên tiếng và tiếp tay tung ra sự thật về vùng biển mà anh đang sinh sống.

Và quy trình bắt người theo nhịp độ hai ngày một lại xảy ra, ngày 21 tháng Giêng, tức trước Tết vài ngày, công an tỉnh Hà Nam lại đến nhà bà Trần Thị Nga đọc lệnh tạm giam với cáo buộc giống như Mẹ Nấm đó là “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88.

Nếu có quan tâm tới những người tranh đấu cho dân oan cũng như lợi quyền người lao động, người ta sẽ thấy sự cáo buộc “tuyên truyền” đối với bà Trần Thị Nga là đúng nhưng không phải chống nhà nước. Bà Nga chống lại những bất công, mờ ám từ các công ty môi giới xuất khẩu lao động ra nước ngoài vì chính bà là nạn nhân. Bà chống lại các vụ tịch thu đất đai trái phép và rất mạnh mẽ chống lại Formosa từ những ngày đầu tiên.

Vì sao?

Nhà báo Phạm Chí Dũng, người đang có những hoạt động về xã hội dân sự cho biết nhận xét của ông về hiện tượng bắt giữ người đồng loạt và có kế hoạch này như sau:

Có mấy sự kiện trùng lắp trong thời gian gần đây, thứ nhất là TPP tan vỡ, thứ hai là Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc đã về đó là những sự kiện quốc tế có thể tác động đến việc công an gia tăng đàn áp tại Việt Nam. Theo tôi còn một lý do nữa một số chính quyền và công an địa phương thù hằn đối với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là đối với chị Trần Thị Nga. Chị Nga là một người đấu tranh cho dân oan phải nói là có tiếng và rất mạnh mẽ, không ngại gì cả và do vậy mà trước đây chị bị đánh gãy chân phải bó bột suốt mấy tháng ở bệnh viện.

Lần này chị Nga tiếp tục tố cáo một số bất công xã hội do các nhóm lợi ích chính sách đưa lên như vấn đề tăng giá xăng hay tăng thuế bảo vệ môi trường. Tôi cho chị Nga là cái gai trong mắt chính quyền Hà Nam và công an Hà Nam và chị cũng chửi công an Hà Nam rất nhiều. Đây là bối cảnh không thuận lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền bối cảnh mà công đoàn có thể bị hoãn vô thời hạn thì công an Hà Nam đã bắt chị.

Một phụ nữ khác khá nổi tiếng tại Huế là ca sĩ Dạ Thảo gần giống như trường hợp của bà Trần Thị Nga mặc dù Dạ Thảo chưa một lần có tiền án tiền sự.

Ca sĩ Dạ Thảo sống ở Huế, nơi phong trào bất đồng chính kiến rất nhỏ lẻ và không mấy ai biết tới bỗng dưng trở thành tầm ngắm của công an tỉnh.

Kể với chúng tôi về việc bị sách nhiễu chị cho biết công an và an ninh chìm nổi đã chặn xe chị tại nhà riêng yêu cầu tới phường làm việc. Do chị từ chối quyết liệt nhóm người đại diện công quyền này phải chùn bước nhưng vẫn hăm dọa, canh chừng trước nhà chị một cách công khai. Khi hỏi lý do khiến bị giam lỏng như vậy ca sĩ Dạ Thảo cho biết:

Từ lâu nay em nằm trong tầm ngắm của nó rồi mà em bị họ đe dọa không phải công khai như vừa rồi nhưng họ đánh tiếng qua những người bạn của Dạ Thảo coi chừng trước sau gì cũng bị, có nghĩa là em đã bị đe dọa trước đó rồi. Hôm vừa rồi em nghĩ chắc có lẽ là một động thái đe dọa em xem phản ứng của mình thế nào, nếu mình run sợ thì họ mời lên phường làm việc hỏi mình vừa rồi ai là người giăng biểu ngữ rồi ai là người đi cùng, chủ yếu của họ là vậy thôi.

Họ nói là có tài liệu có chứng cứ em là thành viên của Hội Anh em dân chủ có liên lạc có đi lại với cha Lý cha Lợi, có kết nối với một số thành phần ở Hà Nội, Sài Gòn những thành phần mà họ gọi là phản động, như vậy thì em nằm trong tầm ngắm của nó. Em chả làm gì để gọi là tội cả chẳng qua là mình lên tiếng ở Huế mà cái địa bàn rất nhỏ, mình lên tiếng nhiều cho nên không tránh được tầm ngằm của nó.

Với những người nổi tiếng trong đấu tranh thì chính quyền có phương cách khác để đối phó, hoặc ngăn cản hoặc bao vây cô lập tại nhà.

Luật sư Lê Công Định đã gặp cảnh ngăn cản khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ sang Việt Nam lần cuối cùng trước khi mãn nhiệm. Luật sự Định nhận được giấy mời gặp gỡ ngoại trưởng Mỹ nhưng công an biết được và ngăn cản không cho ông tới gặp, luật sư Định kể lại:

Họ nói với tôi là họ không muốn tôi gặp ông John Kerry chiều nay vì họ biết bên sứ quán Mỹ có mời tôi lúc 3 giờ chiều. Tôi không đồng ý chuyện đó thì họ nói anh không đồng ý thì cũng không thể đi được vì họ sẽ có biện pháp.

Dư luận của những người bất đồng chính kiến khi xâu chuỗi những việc bắt bớ liên tục này chỉ có thể giải thích rằng nhà nước đang nỗ lực bịt chặt các mầm mống gây bất ổn chính trị, nhất là nạn nhân trực tiếp của Formosa đang chờ đợi bồi thường mà trung ương vẫn chưa có giải pháp nào toàn vẹn.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/terrorism-or-protect-the-political-stability-ml-01252017105654.html