Tin Việt Nam – 24/11/2016
Việt Nam ‘đầu bảng về kiểm duyệt internet’
Một bài viết mới đăng trên tạp chí Forbes đánh giá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về kiểm soát người dùng internet tại khu vực Đông Nam Á.
Freedom House, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, có trụ sở ở Hoa Kỳ, vừa mới công bố bản báo cáo thường niên về tự do internet (Freedom of the Net) vào tuần trước và cho thấy tình hình khá bi quan.
Nhìn chung, trong vòng sáu năm liên tiếp, tự do internet trên thế giới ngày càng tệ đi do chính phủ các nước tăng cường kiểm duyệt và kiểm soát các ứng dụng về tin nhắn. Đông Nam Á vẫn là vùng hạn chế về tự do internet, mặc dù vẫn còn những nơi tệ hơn như Arab Saudi hoặc là Bangladesh- khi viết blog về tự do tôn giáo.
Bản báo cáo thường niên dày hàng ngàn trang, công bố năm quốc gia có tình trạng tự do internet tệ nhất tại Đông Nam Á. Bản báo cáo cho năm 2016 này cũng chỉ xem xét tình trạng tự do internet của 65 quốc gia, nhưng không có Myanmar, vì nước này đã được vào danh sách của năm 2015.
Trong số 5 quốc gia ở Đông Nam Á bị cho là kiểm duyệt internet, Campuchia ở vị trí thứ năm.
Bài viết của Forbes nhắc tới trường hợp Kong Raya, 26 tuổi, là người sử dụng Facebook bị án tù 18 tháng do kêu gọi ‘một cuộc cách mạng màu thay đổi thể chế của Campuchia’. Tuy nhiên, những nội dung tiếng Anh có vẻ nhưng không bị quản lý chặt, trong đó có tài khoản Twitter của Thủ tướng Hun Sen và tờ Cambodia Daily.
Một điều cần phải chú ý là nếu bị bắt ở Campuchia sẽ bị giam giữ nhiều tháng trước khi bị đưa ra xét xử, và một khi đã ra tòa thì có thể sẽ bị kết án mà không cần bằng chứng, hoặc bị xử vắng mặt, nếu người bị xét xử là thành phần đối lập của chính phủ.
Đánh giá: Chỉ tự do một phần.
Indonesia đứng thứ 4: Theo báo cáo, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới không có thiện cảm với những nội dung trên mạng về chủ đề người đồng tính, điển hình như vụ gây áp lực với ứng dụng tin nhắn LINE gỡ bỏ những nội dung liên quan người đồng tính hồi năm 2014.
Cùng năm này, một đạo luật được ban hành cho phép nhà cung cấp dịch vụ internet quyền từ chối những nội dung vi phạm giá trị đạo đức hoặc an ninh quốc gia Indonesia, khiến những tên tuổi như Netflix, Reddit, Imgur và VIMEO bị cấm vì nhiều lý do khác nhau.
Hiện có 144 trường hợp vẫn đang bị xét xử do đăng tải nội dung bị cấm đoán trên internet.
Đánh giá: Chỉ được tự do một phần.
Malaysia ở vị trí thứ 3: Tình trạng tự do internet của Malaysia giảm sút nhiều sau khi chính phủ bắt đầu kiểm duyệt tin tức, báo cáo và thông tin về vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Najib Razak- chưa rõ có biển thủ hàng triệu đôla từ một quĩ đầu tư hay không.
Các trang như Malaysian Insider, Malaysia Chronicle, Asian Sentinel đều bị chặn do đăng tải nội dung liên quan đến vụ bê bối của Thủ tướng. Viết blog hoặc các bài báo có nội dung chỉ trích hoặc chế giễu Hồi giáo đều gây phiền phức cho người sử dụng internet và mạng xã hội.
Báo cáo nói Malaysia chặn 1.263 trang mạng trong năm 2015 và 399 trang trong hai tháng đầu năm 2016.
Đánh giá: Chỉ tự do một phần.
Thái Lan: Báo cáo của Freedom House cho thấy Thái Lan kiểm duyệt internet ít hơn Việt Nam, nhưng đó là khi chưa có sự kiện Quốc vương Bhumibol qua đời vào hôm 13 tháng Mười và không có các câu chuyện xung quanh Thái tử Maha Vajiralongkorn, bị nghiêm cấm bởi đạo luật không cho phép xúc phạm đến Hoàng gia. Kể cả những hãng tin tức quốc tế, chỉ được phép đưa tin về quãng thời gian Quốc vương còn khỏe mạnh, chứ không phải thời gian lâm bệnh và sắp qua đời.
Bên cạnh đó, những đăng tải trên Facebook, Twitter hay tin nhắn cá nhân có nội dung chỉ chính chính quyền quân sự của Thái Lan đều có thể khiến người sử dụng internet bị bắt giữ và chịu án tù.
Đánh giá: Không có tự do.
Việt Nam đứng đầu bảng: Việt Nam không có tự do internet do quốc gia chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản- được cho là không chấp nhận sự chỉ trích hoặc chế giễu. Báo cáo nói trong năm 2015, có 15 blogger đang chịu án tù và có thêm ba người khác bị kết án. Những người sử dụng internet ở Việt nam thường tự phải để ý và tránh các chủ đề nhạy cảm, trong khi Facebook và một số trang đôi lúc bị chặn, tùy theo từng thời điểm.
Báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền nói có 40 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị cảnh sát mặc thường phục sử dụng vũ lực trong năm 2015
Đánh giá: Không có tự do.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38092790
Hiện tượng hành khách TQ ăn cắp trên các chuyến bay VN
Hành khách Trung Quốc đang là tâm điểm của các vụ ăn cắp trên các chuyến bay nội địa của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo truyền thông trong nước đưa tin, trong những tháng gần đây nhiều vụ ăn cắp của khách Trung Quốc trên các chuyến bay phần lớn là nội địa của Vietnam Airlines đã bị phát hiện.
Vụ việc mới nhất, theo nguồn tin báo Người Lao Động ngày 24/11, một hành khác Trung Quốc bị tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị bắt quả tang đang cắt dây khóa vali bên trong có 5 bọc vàng nữ trang lớn trên chuyến bay từ Đà Nẵng tới thành phố Hồ Chí Minh. Một tiếp viên trên máy bay đã quay lại được video clip bằng điện thoại khi người đàn ông này đang thực hiện hành vi cắt dây khóa vali của một hành khách khác trên chuyến bay mang số hiệu VN107. Theo ảnh chụp từ hộ chiếu của hành khách Trung Quốc có hành vi ăn cắp trên máy bay được đăng tải trên báo Người Lao Động, người đàn ông này có tên Min Liyong, 44 tuổi và nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ông Liyong đã bị cơ quan chức năng tạm giữ sau đó.
Cũng theo báo Người Lao Động, một hành khách Trung Quốc tên Wang Qing Jian, 52 tuổi, cũng đã bị bắt giữ sau khi bị phát hiện ăn cắp 400 triệu đồng (hơn 17.000 đô la Mỹ) từ một túi xách của hành khách khác trên chuyến bay mang số hiệu VN104 từ thành phố HCM tới Đà Nẵng. Trước đó trên chuyến bay VN164 từ Đà Nẵng đi Hà Nội, hành khách quốc tịch Trung Quốc có tên Yang Yong, 47 tuổi, cũng đã bị phát hiện khi đang thực hiện hành vi ăn cắp đồ của vị khách ngồi kế bên.
Theo truyền thông trong nước đưa tin, đã có 5 vụ việc khách Trung Quốc ăn cắp trên máy bay bị phát hiện và bắt quả tang chỉ riêng trong tháng 11. Một chuyến bay của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đi Hà Nội hôm 6/11 đã bị khởi hành trễ 1 tiếng đồng hồ chỉ vì một hành khách Trung Quốc bị phát hiện lục túi xách của một hành khách khác trên cùng chuyến bay. Từ tháng 4 năm nay, truyền thông trong nước đã đăng tin về các vụ ăn cắp của hành khách Trung Quốc chủ yếu trên các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines.
Từ đầu năm 2015, theo ghi nhận của Thanh Niên, người đứng đầu bộ phận an toàn bay và an ninh của Vietnam Airlines Phạm Chí Cường đã cảnh báo sự gia tăng của các vụ ăn cắp trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia này. Vietnam Airlines ghi nhận một lượng lớn các vụ ăn cắp trên chuyến bay của hãng với con số 12 trường hợp trong năm 2013 và tăng lên 20 trong năm 2014.
Theo Người Lao Động, các vụ việc trước đây chỉ dừng ở mức độ trục xuất người vi phạm về nước mà không có bất cứ hình thức xử phạt nào do các cơ quan chức năng, cho rằng hành vi của khách chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Sau vụ việc xảy ra hôm 24/11, đại diện Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đề nghị Cục Hàng Không Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng này.
Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang
Hôm qua, 23/11/2016, đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican, một bước mới trên tiến trình hai quốc gia xích lại gần nhau.
Theo thông cáo của Tòa Thánh, trong cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài 15 phút hôm qua, giáo hoàng và chủ tịch Việt Nam đã nêu lên “các mối quan hệ tốt” giữa hai bên, những mối quan hệ “được tăng cường bởi tinh thần đối thoại chung”. Thông cáo cho biết thêm là hai quốc gia “vẫn luôn tìm kiếm những công cụ tốt nhất giúp cho các mối quan hệ này phát triển hơn nữa”. Tuy nhiên, Tòa Thánh không nói đến khả năng tái lập bang giao giữa Vatican và Hà Nội.
Phái đoàn chủ tịch Việt Nam gồm 10 người hôm qua cũng đã gặp nhân vật lãnh đạo số 2 của Vatican, hồng y Pietro Parolin, nắm chức vụ như là Ngoại trưởng của quốc gia này.
Chế độ Cộng sản Việt Nam đã cắt đứt bang giao với Vatican vào năm 1975, nhưng hai bên đã tiến tới hòa giải kể từ năm 2007 và đến năm 2009 đã lập “Nhóm làm việc chung Vatican -Việt Nam ”. Đặc biệt kể từ năm 2011, Tòa Thánh có một “đại diện không thường trú” ở Việt Nam, đó là Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore.
Nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong những năm gần đây đã đến hội kiến đức giáo hoàng tại Vatican, như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tuy quan hệ giữa Tòa Thánh và Hà Nội tiếp tục được cải thiện, căng thẳng vẫn tồn tại giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo Việt Nam, chủ yếu do tranh chấp đất đai.
Đức Giáo hoàng Phanxicô rất chú trọng đến việc phát triển Công giáo ở châu Á ( hiện chỉ chiếm thiểu số 3% dân số ). Từ khi được bầu làm Giáo hoàng năm 2013, Ngài đã đến các nước Hàn Quốc, Srilanka và Philippines. Giáo hoàng Phanxicô hiện cũng đang chuẩn bị cho việc xích gần lại Trung Quốc, qua việc công nhận các giám mục do chế độ Bắc Kinh bổ nhiệm.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161124-giao-hoang-phanxico-tiep-chu-tich-viet-nam-tran-dai-quang
Việt Nam chưa buông TPP
Việt Nam vẫn tiếp tục chờ đợi diễn biến ở chính trường Mỹ và cùng các nước trong khu vực bàn bạc về tương lai của Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương nếu Mỹ rút.
Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như vậy với các phóng viên hôm 22/11. Truyền thông trong nước dẫn lời ông Phúc nói tại một cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp vừa qua của Quốc Hội rằng: “Ông Trump chưa chính thức trao đổi với phía Việt Nam; bên cạnh đó quá trình vận động bầu cử và sau khi đắc cử vẫn có sự thay đổi nên chúng tôi vẫn chờ đợi.”
Đầu tuần này, tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do được 12 nước trong vành đai Thái Bình Dương ký kết cuối năm ngoái sau hơn 5 năm thương thảo. Ngay sau tuyên bố của ông Trump, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Mỹ. Trước đó quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn TPP với mong muốn điều đó sẽ làm ông Trump thay đổi.
Hôm 15/11, Quốc hội New Zealand cũng đã thông qua TPP và cho phép chính phủ nước này tham gia vào hiệp định gói gọn 40% thương mại toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay được Radio New Zealand trích lời nói dù có những rào cản nhưng New Zealand sẽ cho chính phủ mới của Mỹ thời gian để hoàn toàn xem xét nghị trình thương mại.
TPP phải có ít nhất 6 thành viên phê chuẩn và phải chiếm ít nhất 80% lượng GDP của khối. Với việc Mỹ chiếm 65% GDP của toàn khối, TPP sẽ không có hiệu lực nếu Mỹ không tham gia. Do đó, sau khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi hiệp định này, các thành viên đã ký kết TPP đang có các bất đồng về việc liệu có nên xúc tiến hiệp định thương mại này mà không có sự tham gia của Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 23/11 cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước việc ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP.
Australia, một thành viên tham gia TPP, cũng đang cân nhắc một hiệp định thương mại không có Mỹ. Đầu tuần này, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói ông hy vọng ông Trump sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó theo ý của tổng thống kế tiếp của Mỹ.
Việt Nam được coi là nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu được thông qua. Theo đánh giá của các kinh tế gia, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 5.4% – tương đương với $6.1 tỷ đô la.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được VNExpress trích lời nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 22/11 rằng: “Việt Nam mong muốn tham gia TPP và đã rất nỗ lực.” Ông Phúc cho biết vừa qua có nước đã phê chuẩn hiệp định; với Việt Nam sau khi chủ tịch nước báo cáo kết quả tham dự Hội nghị APEC 2016 và cuộc gặp cấp cao TPP tại Peru, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể vấn đề.
Chính phủ Việt Nam đã hoãn phê chuẩn TPP tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc tại Hà Nội vì muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Cũng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và sẽ tiếp tục phát triển kinh tế. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã nói dù có TPP hay không thì các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, thuỷ sản và giầy dép sẽ tiếp tục giữ thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-chua-buong-tpp/3610065.html
Mỹ có nên theo đuổi TPP song phương với Việt Nam?
Sau khi hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được coi là ‘chết lâm sàng’ khi tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút lui, một chuyên gia cho rằng Mỹ nên theo đuổi các hiệp định song phương với các đối tác trong khu vực này.
Luật sư Sesto Vecchi của hãng luật quốc tế Russin & Vecchi trong 1 bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington DC nói Mỹ nên tập trung vào một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam với các điều khoản đã được thương lượng về cắt giảm thuế và bảo hộ lao động trong TPP.
Ông Vecchi, với hơn 35 năm kinh nghiệm hành nghề luật ở Việt Nam cho rằng quốc gia Đông Nam Á này là một trường hợp đặc biệt để Mỹ xem xét trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách theo đuổi một hiệp định thương mại khác với các nước trong khu vực để thay thế TPP.
TPP là một trong 3 hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất mà Mỹ từng thương lượng trong kỷ nguyên hậu chiến tranh. Hiệp định này xóa bỏ 18.000 loại thuế đối với các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ và do đó sẽ làm tăng lượng hàng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á, theo bài viết của ông Vecchi trên tờ báo chính trị chuyên đưa tin tức về Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.
Theo lập luận của luật sư hàng đầu của hãng luật có trụ sở chính ở Washington và nhiều văn phòng trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Năm 2015, lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam có mức tăng 24%/năm với tổng doanh thu lên tới 7.1 tỷ đô la và với các các loại thuế bảo hộ được xóa bỏ, theo các điều kiện thương lượng trong TPP, thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Hơn thế nữa, Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Luật sư Vecchi đã trả lời câu hỏi về việc tại sao chính phủ Việt Nam đồng ý với các điều kiện nghiêm ngặt trong TPP về các tiêu chuẩn cao hơn về lao động và chi phí lớn hơn về môi trường và cho phép một dòng chảy hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vào Việt Nam? Đó là vì Việt Nam muốn xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng quần áo và giày dép vào thị trường Mỹ tiềm năng.
Việt Nam xuất khẩu gần 16 tỷ đô la hàng may mặc và giày dép vào Mỹ năm 2015 với các nhãn hàng nổi tiếng của Mỹ như Nike, Ralph Lauren và Calvin Klein. Mặc dù phải chịu mức phí lớn hơn do tiêu chuẩn về môi trường và lao động cao hơn, như các điều kiện của TPP đã được thương thảo giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ có những lợi ích lớn khi được hưởng thuế suất thấp hơn vào Mỹ và gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Trường Thủy của Viện Nghiên Cứu Biển Đông cho rằng với một hiệp định thương mại song phương, Việt Nam sẽ không có nhiều lợi ích như Mỹ. Trên trang Twitter của mình, ông Thủy viết khi phản ứng về nhận định của luật sư Vecchi rằng: “Một TPP song phương sẽ làm thay đổi quan hệ thương mại Mỹ theo hướng là chỉ có lợi cho người Mỹ.”
Còn trong bài viết của mình, luật sư Vecchi nói một hiệp định thương mại song phương sẽ làm thay đổi mối quan hệ thương mại Việt-Mỹ theo hướng sẽ có lợi cho cả 2 bên nhưng cũng có những cái bị thiệt thòi. Theo phân tích của ông, công nhân Mỹ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất vì hàng nghìn việc làm với mức lương cao sẽ được tạo ra nhờ vào việc xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trong tương lai và Việt Nam sẽ có được những tiêu chuẩn bảo vệ cao hơn cho môi trường và người lao động trong nước. Còn người bị thiệt thòi nhất, theo ông Vecchi là các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vì họ sẽ mất đi thị phần và công việc do sự cạnh tranh tăng cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nước Mỹ, nhiều người dân và các chính trị gia phản đối các hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả TPP, bởi họ cho rằng các hiệp định này lấy đi công ăn việc làm của họ. Bà Hillary Clinton, khi tranh cử tổng thống đã thay đổi quan điểm trước đây của bà từng ủng hộ TPP vì muốn giành các lá phiếu từ cử tri. Theo The Hill ghi nhận, Tổng thống Barack Obama cũng đã ngừng tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội đối với TPP trong thời gian cuối nhiệm kỳ trước khi Tổng thống Đắc cử Donald Trump lên nhậm chức.
Còn theo ông Vecchi, một hiệp định TPP song phương sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ sâu sắc hơn. Còn nếu không có TPP, tín nhiệm của Mỹ ở Việt Nam và khu vực sẽ dần mờ nhạt trong sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/my-co-nen-theo-duoi-tpp-song-phuong-voi-viet-nam/3609956.html
VN có thể ‘cử các đoàn tiếp xúc’ chính quyền Trump
Quốc PhươngBBC Việt ngữ
Việt Nam có thể có các động thái tiếp xúc sớm với ‘tân chính quyền’ Mỹ vào thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hoàn thiện bộ máy nhân sự và chính sách đối nội, đối ngoại của nội các sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng tới đây, các học giả và nhà quan sát bình luận với Bàn tròn thứ Năm.
Trao đổi với tọa đàm của BBC Việt ngữ từ Hà Nội hôm 24/11/2016, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói:
“Việt Nam vừa rồi có thấy để cho ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam ở Washington D.C. nói vài câu, cũng có thể người ta sẽ cử nhóm này, nhóm kia đi, tiếp xúc với Mỹ, người nọ, người kia, cái đó không thể khẳng định được ở đây, thế nhưng có một điều chắc chắn mà tôi hiểu là người ta (Việt Nam) cũng chủ động.
Cũng có thể người ta sẽ cử nhóm này, nhóm kia đi, tiếp xúc với Mỹ, người nọ, người kia, cái đó không thể khẳng định được ở đây, thế nhưng có một điều chắc chắn mà tôi hiểu là người ta (Việt Nam) cũng chủ độngTS. Hà Hoàng Hợp
“Và về lâu dài, trong thực hành mà nói, chính sách, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, bất kể ai làm gì, thời gian tới cũng không thay đổi nhiều, hai bên cùng cố gắng để phát triển nó tốt hơn.”
Khi được hỏi nếu diễn ra các chuyến ‘tiếp xúc’ đó, đâu sẽ là những nội dung chính yếu mà phía Việt Nam cũng như hai bên sẽ quan tâm thảo luận, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói tiếp:
“Nếu mà có cái gì đó như thế, người ta sẽ thăm dò nhau, người ta sẽ muốn hai bên cùng khẳng định là không có thay đổi lớn gì trong chính sách đối ngoại, trong thực hành đối ngoại giữa hai bên.
“Đồng thời các vấn đề cùng quan tâm như là nếu TPP (Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương) rút, chuyện ấy để tính sau, nhưng còn các hợp tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, làm sao thúc đẩy cho nó có màu sắc chiến lược nhiều hơn, trong đó có các đối thoại về chính trị, an ninh, quân sự và nhân quyền, bốn thứ đó,” người đồng thời là Chủ tịch Think Tank Viet Know nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Gặp ai, ai tiếp, tiếp thế nào?
Từ Đại học Leiden, Hà Lan, nhà nghiên cứu và bình luận thời sự, chính trị, PGS. TS Jonathan London, tiếp theo ý kiến của Tiến sỹ Hợp và trả lời câu hỏi của BBC về việc nếu có các chuyến tiếp xúc đó, thì phía Việt Nam sẽ gặp ai, về phía bộ máy đang chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump, thì ai tiếp và tiếp thế nào, ông nói:
“Thực ra tôi sẽ hơi bất ngờ nếu ông Trump và đoàn của ông Trump gặp phía Việt Nam về việc này.”
Và ông Jonathan London giải thích:
“Bởi vì tôi nghĩ hiện nay ông Trump vẫn đang quyết định những người sẽ làm trong chính phủ của mình và chưa phù hợp để nói về Việt Nam. Tôi nghĩ là ông Trump vẫn trong một giai đoạn mà chẳng biết làm gì, chỉ đang lo về vấn đề chọn ai.
Hiện nay ông Trump vẫn đang quyết định những người sẽ làm trong chính phủ của mình và chưa phù hợp để nói về Việt Nam. Tôi nghĩ là ông Trump vẫn trong một giai đoạn mà chẳng biết làm gì, chỉ đang lo về vấn đề chọn aiPGS. TS. Jonathan London
“Và tôi muốn nói một điều là đối với châu Á, rất có khả năng ông Trump sẽ có một động thái mạnh, không nên giả định là ông Trump sẽ rút khỏi châu Á. Bởi vì những người (bộ máy nhân sự) của ông Trump đang nghe, đặc biệt những vấn đề quân sự, nhiều người, nhiều tên (tuổi) rất muốn có một vai trò mạnh của Mỹ trên chính trường quốc tế.
“Và chúng ta phải biết một điều là hiện nay ông Trump đang làm chính trị của Mỹ và toàn chính trị thế giới thành một chương trình truyền hình thực tế, bởi vì yếu tố đặc trưng, quan trọng nhất của ông Trump là gì?
“Đó là tạo ra một sự không chắc chắn và điều đó có thể được xem là một thế mạnh, nhưng cũng có thể được xem là một rủi ro lớn cho thế giới. Ông thực sự là một nhân vật rất lạ và chúng ta phải chờ xem là ông có động thái thế nào.
“Tôi hy vọng là người dân Việt Nam, người dân Mỹ và người dân các nước khác muốn có một trật tự quốc tế ổn định, hòa bình, bền vững, sẽ kết hợp cùng nhau để có (một nền) chính trị xác đáng với kỳ vọng của đại đa số người khác nhau,” PGS. TS. Jonathan London nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Một người ‘thường đóng kịch’
Bình luận về ý kiến trên, từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà quan sát, phân tích chính trị, bang giao quốc tế từ Hoa Kỳ, nói:
“Tôi đồng ý với Giáo sư London là chúng ta chưa biết rõ những gì xảy đến, là bởi vì Donald Trump là người thường đóng kịch, thành ra nếu chỉ nhìn Donald Trump không, thì mình không thể hiểu những gì sẽ xảy ra.
“Nhưng nếu nhìn ê-kíp mà ông thành lập, nếu nhìn vấn đề đối ngoại, thì đúng là ông đã bổ nhiệm những người mà muốn chứng tỏ Mỹ còn mạnh, nhưng những người này không có kinh nghiệm trong vấn đề đối ngoại.
“Và chỉ có kinh nghiệm ‘đánh nhau’ (chiến tranh) thôi, mà đánh nhau, trên phương diện bộ binh mà ở miền Trung Đông hiện nay, Mỹ vẫn còn đang nghĩ đến vấn đề làm sao dẹp các nhóm Hồi giáo cực tả, thành ra tôi thấy họ chưa có một đồng nhất gì hết trong vấn đề quan hệ quốc tế.
Tôi đồng ý với Giáo sư London là chúng ta chưa biết rõ những gì xảy đến, là bởi vì Donald Trump là người thường đóng kịch, thành ra nếu chỉ nhìn Donald Trump không, thì mình không thể hiểu những gì sẽ xảy raGiáo sư Ngô Vĩnh Long
“Mà ngay cả ở trong nước cũng vậy, Donald Trump vừa đề cử hai bà, nhưng hai bà này tôi nghĩ cũng chỉ là ‘show’ (phô diễn) thôi, như một bà gốc Ấn Độ thì đưa ra trước khán giả quốc tế để cho thấy tôi có một người gốc Ấn Độ, trong khi bà kia ‘không biết gì’ về giáo dục.
“Bà lại muốn lấy tiền của chính phủ cho những cơ quan giáo dục tư, thành ra không biết khi bà lên làm Bộ trưởng thì ảnh hưởng thế nào đối với Mỹ?”
“Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng với người Mỹ rất quan trọng trong vấn đề Donald Trump sẽ làm trong những tháng, năm tới, bởi vì nếu không thành công trong những lời hứa của ông, mà nếu chúng ta phân tích rõ ràng, (nếu) ông ta sẽ không thành công trong nhiều lĩnh vực, thì lúc đó sẽ có phản ứng mạnh trong người dân Mỹ,” học giả Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói với BBC.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến, bình luận của các khách mời tại cuộc Tọa đàm trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.
Quý vị có thể bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 24/11/2016 về chủ đề chuyển giao quyền lực, chính sách mới của chính quyền Tổng thống tân cử Donald Trump và tác động ảnh hưởng tới Việt Nam, khu vực và quốc tế.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38095628
Tại sao đàn áp trở nên mạnh hơn?
Kính Hòa, phóng viên RFA
Liên tục trong một thời gian ngắn, nhiều tiếng nói bất đồng chính kiến, nhiều nhà hoạt động dân sự bị bắt giữ, kể cả những người được cho là không có tầm ảnh hưởng lớn. Lý do vì sao?
Nguyên nhân của việc đàn áp
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội nhận xét:
“Có xu hướng cứng rắn lên của nhà cầm quyền sau khi đại hội đảng cộng sản Việt Nam kết thúc, và giới lãnh đạo mới lên nắm quyền. Và việc ấy được thể hiện trong các cuộc đàn áp, bố ráp, cường độ tăng lên trông thấy. Nguyên nhân đằng sau nó là gì, mình khó có thể biết một cách chính xác, nhưng mà có thể suy đoán được, họ trong một thế rất là lo, sợ đủ mọi thứ. Trong lúc sợ như thế thì cách tốt nhất là nhốt mọi người lại. Và họ nghĩ rằng đấy là một cách hiệu quả.”
Ông Nguyễn Quang A cũng nói rằng trong các kết luận của đại hội toàn quốc của đảng cộng sản, cũng như hội nghị trung ương lần thứ tư của đảng, chuyện chống tự diễn biến đều được nêu lên. Tự diễn biến là từ được đảng cộng sản dùng để ám chỉ sự thay đổi ý thức hệ của xã hôi, của những đảng viên cộng sản.
Chúng ta cũng phải biết trong giai đoạn cuối này thì sự sát phạt trong nội bộ rất là lớn, hơn trước rất nhiều, mà sát phạt thì muôn hình muôn vẻ. Phong trào dân chủ tương tác với nhà cầm quyền cũng ảnh hưởng bởi những chuyện đó.
-Ông Nguyễn Vũ Bình
Một nhà hoạt động dân sự từng làm cho cơ quan tuyên truyền ý thức hệ của đảng cộng sản là ông Nguyễn Vũ Bình giải thích lý do tại sao trong thời gian qua có nhiều cuộc bắt bớ.
“Nếu mà nói có cái lý do đặc biệt nào thì mình không biết được. Nhưng có hai điểm là: càng thế cuối năm thì bắt người nhiều hơn. Thứ hai là càng cuối giao đoạn của chế độ thì nó càng hung hãn. Đó là một mô thức rất thông thường thôi. Chứ còn bảo vì một lý do đặc biệt nào thì rất là khó nói.”
Ông Huỳnh Công Thuận, người tích cực tham gia các hoạt động dân sự cũng như luật pháp tại Sài Gòn cho biết lý do cụ thể của sự đàn áp là nhà cầm quyền không muốn những thông tin bất lợi cho họ trong vụ bê bối môi trường Formosa Vũng Áng tiếp tục được phân tích và mổ xẻ.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, tại Sài Gòn lại có thêm một góc nhìn khác:
“Đối với một vài trường hợp bắt bớ của công an thì theo kinh nghiệm và trực giác của tôi, tôi thấy có mùi tranh chấp phe phái trong đó.”
Một số nhà quan sát cũng có cái nhìn này. Họ cho rằng khi các phe phái trong đảng cộng sản tranh chấp nhau, họ cũng có thể đàn áp các tiếng nói đối lập để tăng cường hình ảnh bảo vệ chế độ của mình. Về quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự việc cũng có thể xảy ra như vậy nhưng không chắc:
Lực lượng chức năng đến cưỡng chế Chợ Vĩnh Tân tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, vào sáng 22/11 bất chấp phản đối của tiểu thương buôn bán lâu nay. Citizen photo
“Cái đấy cũng có thể, nhưng tôi nghĩ chuyện có tính nhân quả như thế, nó dẫn đến chuyện đàn áp xã hội dân sự thì cũng không phải hoàn toàn. Chắc chắn có liên quan với nhau nhưng nếu nói cái này dẫn đến cái kia thì chưa chắc.”
Ông Nguyễn Vũ Bình cũng cho rằng chuyện tranh chấp nội bộ có thể có ảnh hưởng đến việc đàn áp những hoạt động dân sự và dân chủ trong nước nhưng không nhiều,
“Chúng ta cũng phải biết trong giai đoạn cuối này thì sự sát phạt trong nội bộ rất là lớn, hơn trước rất nhiều, mà sát phạt thì muôn hình muôn vẻ. Phong trào dân chủ tương tác với nhà cầm quyền cũng ảnh hưởng bởi những chuyện đó. Thứ nhất là kinh tế suy sụp rồi, thứ hai là sát phạt trở nên rất mạnh mẽ.”
Đàn áp thể hiện điều gì? Có tác động ra sao?
Ông Huỳnh Công Thuận nói rằng không nên vì những hành động đàn áp mà chùn bước không tiếp tục những hành động đấu tranh cho một xã hội dân sự có luật pháp:
Tôi nghĩ đấy là biểu hiện của một chính quyền không phải thực sự là mạnh. Nếu nó mạnh, nó tự tin, thì nó hành xử một cách đường hoàng hơn nhiều, thay cho cái việc đàn áp bắt bớ.
-TS Nguyễn Quang A
“Lo ngại của mình không thay đổi được cái gì, cá nhân mình nếu lo ngại, càng sợ, thì càng bị uy hiếp tiếp. Mình lo cũng không thay đổi được cục diện của mình, của xã hội dân sự này. Thành ra mình cứ làm mạnh hơn, ngay cả đối với luật pháp của cộng sản đưa ra mà thấy đúng thì mình cứ làm tới. Điều đó có lợi hơn, mặc dù trước mắt có thể một, hai người, một hai tổ chức, bị đánh, nhưng những tổ chức khác tiếp tục lên. Cái đó mới khó đỡ hơn cho nhà cầm quyền này, chứ còn nếu sợ mà né hết thì lọt vô cái ý muốn của người ta.”
Tuy không nói rằng sự cai trị của đảng cộng sản đang ở giai đoạn cuối như ông Nguyễn Vũ Bình, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự đàn áp của bộ máy cầm quyền đối với những tiếng nói đối lập là biểu hiện của sự yếu kém:
“Tôi nghĩ đấy là biểu hiện của một chính quyền không phải thực sự là mạnh. Nếu nó mạnh, nó tự tin, thì nó hành xử một cách đường hoàng hơn nhiều, thay cho cái việc đàn áp bắt bớ.”
Theo ông Nguyễn Quang A thì đáng ra sự thay đổi mà đảng cộng sản sợ hãi phải được khuyến khích, cũng như một xã hội lành mạnh thì cần có các tiếng nói đối lập. Trong khi đó thì đảng cộng sản lại dường như xem các tiếng nói đối lập đó là nguy cơ có thể dẫn đến sự lật đổi quyền thống trị của họ.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cracking-down-harder-11222016112050.html
Những bài văn điểm không
Một bài văn kiểm tra định kỳ của một học sinh lớp 7 bị điểm “không” lan truyền trên mạng xã hội được báo chí trích dẫn khá nhiều trong các bài viết.
“Một buổi sáng thức giấc, bạn chợt thấy những cơn gió se lạnh len lỏi qua từng góc phố, từng hàng cây, mơn man trên da mặt, xua đi cái nóng oi ả của mùa hè. Đó là bước chuyển mình dịu dàng, tinh tế của mùa thu – mùa tôi yêu thích nhất…”
Đây là đoạn mở đầu của bài văn kiểm tra định kỳ của một học sinh lớp 7 bị điểm “không” lan truyền trên mạng xã hội được báo chí trích dẫn khá nhiều trong các bài viết. Đoạn văn mở đầu được nhiều người đồng tình là hay so với lứa tuổi các em nhưng nhiều người cho rằng em bị cô giáo “đì” mới cho điểm không oan uổng như thế.
Nhà văn Ý Nhi với cái nhìn của một người viết lách bà cho biết:
“Tôi nghe đọc đọan văn ấy thì tôi thấy rất hay và nếu như nó được viết từ một em bé lớp sáu thì nó rất giỏi còn chuyện cô giáo cho nó điểm không thì không biết như thế nào. Có thể cô giáo cô ây bị một cái quy định nào đấy chứ tôi nghĩ tả mùa thu mà tả như thế thì quá đẹp.”
Bị nghi ngờ đã lấy trộm
Thế nhưng cũng không ít người lại nhìn vấn đề ở một góc nhìn khác với nhà văn Ý Nhi khi xác định đoạn văn này vượt chuẩn và vì hay quá nên cậu học sinh bị nghi ngờ đã lấy trộm nó từ một bài văn mẫu nào đó và bị cô giáo phát hiện ra với kết quả nghiêm khắc là một con zero to tướng.
Tôi không thích giọng văn của cậu bé ấy nên nếu tôi là cô giáo tôi sẽ làm khác. Thế nhưng chắc cô giáo nghĩ nó không chịu theo bài văn mẫu của mình nên mới như vậy.
-Nhà giáo Phạm Toàn
Cả hai giả thiết đều bất lợi cho một bài văn lớp bảy, nhất là ở giả thiết thứ hai, nó nói lên một thực trạng đáng buồn khác trong việc giảng dạy văn trong nhà trường và “văn mẫu” là một trong các quy định, hướng dẫn đang góp phần thui chột lòng tự trọng, sự sáng tạo và tính trong sáng của các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhà giáo Phạm Toàn, người làm việc với nhóm Cánh Buồm trong chương trình viết sách hướng dẫn học tập tiếng Việt cho các em từ lớp 1 tới lớp 9 chia sẻ cái nhìn của ông về vấn đề này:
“Tôi không thích giọng văn của cậu bé ấy nên nếu tôi là cô giáo tôi sẽ làm khác. Thế nhưng chắc cô giáo nghĩ nó không chịu theo bài văn mẫu của mình nên mới như vậy. Cái việc dạy cho trẻ con tả cảnh trong một bài như thế lả điều hết sức sai lầm lâu nay là vì văn tả cảnh không bao giờ có một nhà văn nào tả cảnh như thế cả. Nhà văn tả cảnh chỉ sau khi kể chuyện thì người ta nhảy vào miêu tả bằng ấn tượng của người ta, cái đó không dạy được.”
Nhà giáo Phạm Toàn cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi cô giáo cho em không điểm mà không hỏi han một câu nào về sự “đạo văn” của em, nếu có. Ông cho biết:
“Trong trường hợp này cô giáo phải thảo luận với em ấy, cô không đồng ý điểm nào, cô phải tìm hiểu tại sao em nó viết như thế. Cô không được cho điểm nó bởi vì cảm nhận một tâm hồn trẻ em thì cô nhiều khi cũng không biết, thậm chí chồng cô cô cũng không hiểu nữa cho nên đối với học sinh cô không được dùng cái quyền này. Bộ Giáo dục trước đây họ cho điểm từ 1 tới 10, sau đó lại cho điểm bằng nhận xét, nhận xét thì vẫn là giáo viên nhận xét.
Một chương trình học là một lý tưởng đào tạo. Người có lý tưởng đào tạo học sinh mình thành công dân giỏi sau lớp 9 lớp 10 thì người ta có một chương trình khác. Hiện nay người ta cứ mãi quảng cáo hình ảnh của cô này bán cái này bán cái kia để nuôi con học đại học như thế là vô nhân đạo. Phải cho nó kiếm sống để nó sống chứ. Nó phải học nghề để kiếm sống cho sung sướng hơn.”
Nhà thơ Ý Nhi tuy xác nhận một đứa trẻ học lớp 7 vẫn có thể làm những bài văn hay như bài văn mẫu, không nhất thiết cứ văn mẫu là không học sinh nào làm được, tuy nhiên tính cách phản giáo dục trong “văn mẫu” không được bà dồng tình bởi nó là lực cản không cho các em sáng tạo trong cách viết và ngay cả trong cách tư duy:
“Tôi không nghĩ là nó lấy của ai đâu vì lớp sáu thì nó cỏ thế cảm nhận được điều đó. Mình không biết bây giờ thầy cô giáo người ta có còn áp dụng văn mẫu hay có cái barem dựng sẵn cho những bài văn hay không, cái này ở Việt Nam người ta nói rất nhiều rồi vì sợ nó hạn chế mức sáng tạo của trẻ em vì nó có những cái mẫu những cái barem, quy định tương đối ngặt nghèo cho trẻ em nó làm bài.”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nổi tiếng thần đồng thơ ngay từ còn rất nhỏ. Với ông bài thơ này không thể gọi là xuất sắc như số đông vẫn đồng ý, ông chia sẻ cái nhìn của mình:
“Tôi thấy cái này bình thường, câu văn trung bình không có gì xuất sắc cả. Viết theo dạng như thế thì nhiều em có thể viết được và nếu viết như thế thì không có gì ấn tượng.
Vừa rồi có một em bé lớp 9 nó viết một bức thư được UPU (Liên minh Bưu chính Thế giới) chấm giải nhất trong nước sau đó chấm ở nước ngoài thì Hội đồng chấm giải UPU quốc tế cũng trao cho em giải nhất của bức thư với nội dung là “Em hãy viết thư cho chính mình khi ở tuổi 45”. Tức là giống với Việt Nam thường có đề tài “Em hãy nói về ước mơ của em”. Cái đề văn Việt Nam bao giờ cũng ra cái đề như thế, cái này nó quen thuộc lắm rồi, đến mức không có gì mới mẻ cả.
Các bạn nước ngoài người ta có cái ý rất hay là hãy viết thư cho mình ở tuổi 45. Tuổi 45 chưa phải là già nhưng không còn là trẻ con nữa, đấy là cái tuổi thực sự trưởng thành. Nhiều em viết cái đó rất bình dị khi mà em trở thành bác sĩ, trở thành người đưa thư hay trở thành Chủ tịch Tỉnh Hoàng Sa, Trường Sa… tất cả đều viết rất bình thường riêng có một cháu bé học lớp 9 cháu đóng vai em bé Aylan Kurdi đã chết lúc 3 tuổi trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Cô bé Việt Nam viết cho chính cháu ấy ở cái tuổi 45 và nó lý giải đây chỉ là giấc mơ thôi. Làm sao cấm được cái giấc mơ của trẻ con. Nó viết câu chuyện đấy rất hay và sâu sắc vô cùng.
Cái bài như thế còn đưa đến cho con người ta một cái gì đó rất độc đáo vì thằng bé đã chết từ lúc 3 tuổi thì làm sao còn sống đến tuổi 45 nữa. Em ấy lý giải điều đó rất hợp lý và sâu sắc. Bài viết của em đọc rất cảm động và làm cho người ta ngạc nhiên rất nhiều.”
Đứa con hư của một nền giáo dục
Không phải đến bây giờ mới xảy ra bài luận văn bị không điểm mặc dù rất hay. Người ta còn nhớ hàng chục lần trước đây nhiều bài văn xuất thần, sáng tạo thật sự nhưng vẫn bị điểm không vì ám ảm các bài văn mẫu. Nếu bài văn ngắn gọn xúc tích và đúng tiêu chuẩn theo cách định nghĩa của từng giáo viên thì sẽ bị nghi ngờ là trích từ đâu đó. Ngược lại nếu có ý tưởng, có sức sáng tạo cao và muốn vượt ra ngoài khuôn khổ định sẵn thì bài văn ấy sẽ bị phê là không đúng hướng, không có nội dung xây dựng hay thậm chí là phá phách, nổi loạn.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết vấn đề văn mẫu là đứa con hư của một nền giáo dục bị lũng đoạn từ việc thương mại hóa:
Gần đây mới có văn mẫu chứ thời chúng tôi đi học làm gì có văn mẫu. Gần đây có những bài văn mẫu cũng do chúng ta đã bị thương mại hóa giáo dục.
-Nhà thơ Trần Đăng Khoa
“Gần đây mới có văn mẫu chứ thời chúng tôi đi học làm gì có văn mẫu. Gần đây có những bài văn mẫu cũng do chúng ta đã bị thương mại hóa giáo dục. Tuy nhiên không ai lường được có những tác hại khác nữa đó là các em đôi khi cứ mang bài văn mẫu vào các bài thi, bài làm thì khác rồi. Còn nếu cho các em đọc như loại tham khảo thì được nhưng nếu biến thành văn mẫu để rồi các em chép nguyên si ra thì rất là không ổn.”
Bên cạnh sự sao chép là những đường mòn trong cách dạy văn. Phụ huynh từng ngạc nhiên trước câu chuyện cô giáo ra đề tài cho các em viết về cha của mình. Với một bài văn ngắn ngủi của học sinh khi em viết rằng: “Làm sao tôi có thể diễn tả được cha của tôi khi từ nhỏ đến giờ tôi không hề biết mặt ông ấy là ai, cao thấp già cả hay trẻ trung thế nào. Xin được không viết bài này”.
Và dĩ nhiên những dòng chữ ngay thật này được thưởng bằng một con số không to tướng.
Những đề tài sáo mòn ấy vẫn lập đi lập lại hàng ngàn lần trong các lớp dạy văn khiến trẻ em không còn một chút ngạc nhiên nào bên cạnh đời sống mà chúng chứng kiến hàng ngày. Sự hồn nhiên của chúng cũng dần dần được thay thế bằng các phạm trù “cao cả” hơn trong khi nhận thức của chúng chỉ là nhận thức của những đứa trẻ con trước hàng ngàn khuôn mặt của đời sống.
“Văn mẫu” vốn được viết ra từ người lớn với những kinh nghiệm mà trẻ con không thể chia sẻ. Văn mẫu cũng được nhìn dưới cái nhìn của người lớn khi đánh giá và tuyển chọn do đó khó được sự đồng cảm của trẻ nhỏ khi hai đối tượng tư duy hoàn toàn khác biệt.
Bên cạnh sai lầm của chương trình giáo dục là sai lầm của các nhận xét từ cộng đồng, cổ vũ khuyến khích sự “sáng tạo” mất phương hướng của học sinh khiến chúng như sa vào mê hồn trận.
Một bài văn nộp cho cô giáo với đề tài: “Phân tích vấn nạn bạo lực học đường” bị điểm không to tướng nhưng vẫn được cộng đồng mạng góp ý là xuất sắc và nên được nhân rộng do tính chất sáng tạo của nó. Bài văn có nội dung như sau:
“Bạo lực học đường là một vấn đề vô cùng nhức nhối. Bạo lực không chỉ xuất hiện ở nam sinh hay nữ sinh, mà còn bạo lực về cả vấn đề tâm lý, hay người ta còn gọi là khủng bố tinh thần.
Ví dụ tiêu biểu là học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học. Ví dụ mùa hè, quạt trong phòng học chỉ mang tính chất minh họa, không có giá trị thực tiễn. Một phòng học chỉ có 5 cái quạt, một cái ở chỗ ngồi giáo viên, hai cái ở giữa lối đi cho giáo viên đi lại, và hai cái dành cho 50 học sinh còn lại.”
Em học sinh này nhầm lẫn giữa thiếu thốn tiện nghi với bạo lực giữa con người với con người. Có lẽ sống trong môi trường bị phê phán quá nhiều về những sai trái vật chất nên một cách vô thức em bị đánh đồng giữa vật chất và tinh thần, vốn khác nhau như nước với lửa.
Môn văn từng được xem là môn học xây dựng nhân văn nhưng đang bị rẻ rúng vì không mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh khi tìm việc làm. Xã hội quá vinh danh giá trị vật chất nên phụ huynh có khuynh hướng chỉ định hay thậm chí bắt buộc con em mình phải theo học các môn khoa học tự nhiên vốn mang lại nhiều việc làm cho sinh viên mới ra trường hơn là các bài luận văn tuyệt đẹp nhưng không nuôi sống được chính tác giả của nó.
“Văn mẫu” đã góp phần làm cho môn văn trở thành cứng ngắt, công thức và được lộng kiếng đặt trong một môi trường xa lạ với tự do biểu đạt, diễn giải ý tưởng và lập ngôn theo cách của từng cá nhân, những cung cách làm cho một học sinh kiến tạo nhân cách bằng chính khả năng của mình chứ không cần trông cậy vào một khuôn mẫu nào khác.
Văn chương vốn là thứ dị ứng với khuôn mẫu, dù cho khuôn mẫu ấy thuyết phục cả xã hội vẫn không thuyết phục được một em bé mới học lớp sáu, khi em viết rằng em cần độc lập trong suy nghĩ và tự do trong cách diễn tả của em.