Tin Việt Nam – 24/10/2018
Tù nhân trẻ Nguyễn Văn Hóa tố cáo bị đánh đập
Tù nhân trẻ Nguyễn Văn Hóa, người đang phải thụ án 7 năm tù tại Trại An Điềm, Quảng Nam về cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, vào ngày 19 tháng 9 vừa qua gửi thư mới nhất về gia đình trình bày tình trạng bị đánh đập, hành hung kể từ khi bị bắt.
Bức thư được thân hữu công khai vào ngày 24 tháng 10. Theo bức thư, Phó giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã đánh đập Nguyễn Văn Hóa tại phòng cách ly của Tòa án khi anh này được đưa đến để làm chứng trong phiên xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16 tháng 8 vừa qua.
Hành động này được thực hiện sau khi Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng phản cung tại toà, bác bỏ mọi cáo buộc mà cả hai tù nhân trẻ này cho là qui chụp nhắm vào ông Lê Đình Lượng. Hai người làm chứng này bị lôi ra khỏi tòa và không được tiếp tục làm chứng. Tại phiên phúc thẩm ông Lê Đình Lượng, dù có yêu cầu tiếp tục đưa hai nhân chứng đến nhưng cũng không được đáp ứng.
Trong thư, Nguyễn Văn Hóa cho biết có làm đơn tố cáo về việc bị đánh đập như thế nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Anh Nguyễn Văn Hóa còn nêu ra việc hai điều tra viên tỉnh Hà Tĩnh đến trại giam thẩm vấn và điều tra những vụ việc mà theo anh này không hề liên quan. Không những thế, anh còn bị đe dọa là sẽ bị tiếp tục khởi tố ở các vụ án khác.
Bên cạnh đó, an ninh điều tra tỉnh Hà Tĩnh không tiêu hủy trang facebook của Nguyễn Văn Hóa theo bản án mà tòa tuyên; trái lại còn chiếm đoạt và sử dụng hoặc giả mạo để làm những điều mà Nguyễn Văn Hóa cho là bất hợp pháp.
Anh Nguyễn Văn Hóa cũng khẳng định trong thư việc lực lượng chức năng bắt anh ngay tại tòa án Thị Xã Kỳ Anh vào ngày 11 tháng 1 năm 2017 là vi phạm thủ tục tố tụng.
Trong thư anh Nguyễn Văn Hóa bày tỏ nguyện vọng được thực thi quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng qua việc cho một linh mục vào trại giam để giải tội cũng như làm lễ.
Anh nhắn với gia đình là nếu trong một tháng mà không nhận được 1 cuộc gọi điện thoại và hai thư gửi về gia đình theo qui định, tức anh đang gặp bất trắc trong trại giam. Trong tình huống đó gia đình phải liên lạc làm việc với giám thị trại giam cho rõ thực hư.
Vào chiều tối ngày 24 tháng 10, Đài RFA liên lạc với chị ruột của anh Nguyễn Văn Hóa và được gia đình xác nhận về lá thư được thân hữu công khai trên mạng như vừa nêu.
Chị của anh Nguyễn Văn Hóa cũng cho biết gia đình vừa đến trại thăm anh vào ngày 16 tháng 10. Lúc đó anh cho biết có khối u ở mông. Cách đây hai hôm tức ngày 22 tháng 10 anh gọi về nhà và cho biết đã được mổ.
Gia đình tù nhân Trần Thị Nga
gửi đơn khẩn cấp vì không được thăm gặp
Gia đình nữ tù nhân chính trị Trần Thị Nga vào ngày 22/10/2018 tiếp tục gửi đơn tố cáo và yêu cầu khẩn cấp lần 2 cho Ban giám thị trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, Cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà nội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia lai, lên tiếng về trường hợp mà gia đình cho là khẩn cấp đối với bà Trần Thị Nga.
Ông Phan Văn Phong, được ghi trong đơn là chồng của bà Trần Thị Nga, cho biết vào ngày thứ Sáu, 17/08/2018, bà Trần Thị Nga gọi điện về nhà và chính thức cấp báo những ngày qua liên tục bị gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và còn bị dọa giết.
Liên lạc với ông Phan Văn Phong vào tối thứ Tư, 24/10/2018, qua điện thoại ông cho RFA biết diễn biến mới nhất sau khi lá đơn tố cáo được gửi ra:
“Từ hôm ấy đến giờ thì tình hình chả có gì khả quan cả, kiểu như là mù tịt tin tức luôn. Bây giờ chúng tôi đang đấu tranh để biết được tình hình thế nào.”
Cũng trong đơn tố cáo, ông Phong nói rõ liên tiếp 2 kỳ thăm gặp gần đây vào các ngày 22/8 và 28/9 gia đình ông đều bị phía trại giam khước từ với lý do Trần Thị Nga không chấp hành nội qui của trại mà không hề có biên bản vi phạm cũng như quyết định kỉ luật.
Do đó, hơn 2 tháng qua, gia đình ông Phong không biết được tình hình sức khoẻ của bà Nga như thế nào. Thậm chí ông nêu rõ trong đơn sự lo lắng về tính mạng của bà Trần Thị Nga.
Phóng viên RFA nhiều lần gọi điện thoại cho trại giam Gia Trung để làm rõ sự việc trong đơn tố cáo nhưng tất cả số máy của trại giam công bố trên trang mạng đều không liên lạc được.
Ông Phan Văn Phong cho biết chỉ có người em trai của bà Nga liên lạc được với 1 cán bộ của trại giam Gia Trung.
“Người ta chỉ cho cậu em trai của Nga số điện thoại. Cậu ấy gọi thì người ta mới nghe, tôi gọi họ không nghe.”
Theo lời ông Phong, khi gia đình hỏi vị cán bộ trại giam Gia Trung về tình hình sức khoẻ của bà Nga thì người này cho biết là “không có gì”.
Tù chính trị Trần Thị Nga là người bị kết án 9 năm tù vào ngày 25/7/2017 vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Công nhân Công ty Ivory Việt Nam
đình công liên tiếp ngày thứ năm
Hơn 3000 công nhân của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ivory Việt Nam đình công liên tiếp sang ngày thứ năm để đòi hỏi quyền lợi.
Truyền thông trong nước, vào ngày 24 tháng 10, dẫn lời của một công nhân tham gia đình công cho biết công nhân của Công ty Ivory Việt Nam đình công vì không nhất trí với chế độ điều chỉnh về tăng lương, tiền thâm niên cùng các phụ cấp khác và công nhân liên tục đình công sang ngày thứ năm do lãnh đạo của công ty không chịu đối thoại trực tiếp với công nhân.
Trong sáng ngày 24 tháng 10, tức ngày đình công thứ 5 của công nhân Ivory Việt Nam, đại diện của chính quyền địa phương tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Ấp có buổi đối thoại trực tiếp với công nhân. Ông Nguyễn Văn Ấp cho biết chính quyền địa phương sẽ làm việc với công ty để giải quyết các ý kiến và đề xuất của công nhân.
Trong khi đó, truyền thông quốc nội trích dẫn thông báo của phía Công ty Ivory Việt Nam, kêu gọi công nhân trở lại làm việc và nếu ai vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định.
Liên quan đến thị trường lao động ở Việt Nam, tại phiên thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ, một số Đại biểu Quốc hội đề cập đến tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong 3 năm vừa qua tăng bình quân 5,6%. Mặc dù mức tăng này được đánh giá là khá nhưng năng suất lao động của Việt Nam được ghi nhận sẽ còn tiếp tục thấp trong vòng 10 năm tới khi so sánh với các nước trong khu vực, thậm chí so với Lào.
Ghét hay cuồng Trump: góc nhìn một người gốc Việt
TS Phạm Đỗ ChíGửi tới BBC từ Florida
Cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ đang đi vào giai đoạn sôi nổi nhất. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục email vận động quyên tiền cho hai đảng.
Một vài thăm dò tranh cử (polls) nói dân Mỹ gốc Á phần lớn ủng hộ đảng Dân chủ nhưng một số đông người gốc Việt lại ủng hộ Tổng thống Donald Trump và các ứng viên Cộng hòa.
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Mỹ sẵn sàng ‘tái đàm phán’ với Bắc Hàn
Ông Trump khen Việt Nam ‘mua than của Mỹ’
Hai tuần trước ngày bỏ phiếu, 6 tháng 11/2016, chính trị xứ tạm dung này lại gây hào hứng cho cử tri gốc Việt, thậm chí gây ra chia rẽ bắt đầu ngay từ trong nhiều gia đình, quanh chuyện ‘Yêu Trump hay Ghét Trump’, và bầu cho Dân chủ hay Cộng hòa.
Đầu tiên là chuyện ghét Trump.
Tôi thấy vì lý do chính là cách sống, lối phát ngôn của ông Trump không hợp ý nhiều người, như tuyên bố bừa bãi không suy nghĩ trước và hay phát biểu mỗi sáng dậy sớm trên Twitter, có lẽ do ít ngủ hay sống tương đối cô đơn mỗi đêm. Trên truyền thông, mạng xã hội cũng có khá nhiều bới móc cá nhân, nhắm vào đời sống tình dục của ông hàng trên chục năm trước, cả lúc chưa vợ hay có vợ.
Đời sống riêng và cá tính luôn đặt câu hỏi?
Nhưng xét kỹ, đây là cá tính và thuộc phạm vi đời sống cá nhân của một người đã sang tuổi 73, trải qua nhiều kinh nghiệm và ngay cả ‘lầm lỗi’ trong mắt phán xét của người khác.
Ông nói nhiều và cũng hay tuyên bố ẩu thuộc về cá tính, mà ta chấp nhận hay loại bỏ khi bầu phiếu.
Ông có thể đã có những hành động ‘sai trái’ dù khó ai chứng minh được rõ ràng, bất chấp các kiện tụng đã xảy ra hay được dàn xếp qua tiền bạc?
Những chuyện ông đã làm, nếu có, thuộc về thời gian trước khi sống ở Nhà Trắng.
Có ai đã lên tiếng nặng nề như thế khi chỉ trích hai vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ nổi tiếng là Kennedy và Clinton, cũng đã phạm nhiều ‘lầm lỗi’ về tình cảm cá nhân ngay lúc sống trong ngôi nhà nổi tiếng đó, có mặt cả vợ con?
Thành ra, tôi có thể không chú ý quá đáng về các khía cạnh cá nhân này.
Tôi không phải là người ‘yêu quý’ ông Trump tới mức ‘phát cuồng’ nên không bị ảnh hưởng gì.
Có chăng, nên nghe chính bà Melania Trump, mới đây đã thẳng thắn trả lời báo chí chuyện này:
“Tôi yêu ông Trump và bỏ ngoài tai các chuyện đàm tiếu không quan trọng, vì tôi còn nhiều chuyện có ý nghĩa phải làm.”
Người viết cảm phục bà vì những lời này, và chỉ có bà nhiều thẩm quyền nhất để nói về đời sống tư của ông Trump, và nên giúp chúng ta đóng lại các chỉ trích này.
Thành tích quan trọng nhất là chính sách kinh tế ra sao?
Nhưng là một người Mỹ, tôi sẽ chú ý hơn về chính sách kinh tế và các thực hiện của Tổng thống Trump từ ngày tranh cử đến bây giờ, sau gần hai năm.
Và đây mới nên là lý do chính để ghét hay ‘cuồng’ Trump.
Nếu hợp với nghị trình chính phủ Mỹ trong mong mỏi và dự báo của một công dân như tôi, tại sao tôi không ủng hộ?
Phải công bình nhận là Tổng thống Donald Trump đã cố gắng trong thời gian kỷ lục thực hiện gần như tất cả các điều đã hứa lúc tranh cử, nhất là về phương diện kinh tế.
Thay vì nhắc lại hết ở đây những điều đã được tôi viết trên trang Diễn đàn của BBC Tiếng Việt, hay thảo luận quá đầy đủ qua báo chí và truyền thông, chúng ta chỉ nêu ra điểm nổi bật về tác động lên nền kinh tế Mỹ đăng tăng trưởng mạnh của chương trình giảm thuế vô tiền khoáng hậu được hứa từ thời tranh cử, duyệt lại kết quả và nêu ra các điểm chưa được ưng ý cần thay đổi.
Nhưng chính sách giảm thuế này cũng gây nhiều chống đối chính trị, và nhiều người ghét Trump vì cho là Luật giảm thuế chỉ làm lợi cho các công ty lớn và giới giàu có. Kết quả kinh tế năm đầu đã phủ nhận điều này, theo những gì tôi quan sát.
Tăng trưởng cao, việc làm tốt, lương tăng, nhưng thất thu ngân sách lên cao:
Mỹ đang có mức thất nghiệp thấp nhất từ 18 năm (3.7%) cùng lương bổng tăng trong các doanh nghiệp, và tăng trưởng GDP vượt mức 4% trong hai quý 2-3/2018, đã đưa thị trường chứng khoán lên mức cao kỷ lục gần đụng mức 27,000 của DJ index (trước khi tụt xuống 7% trong hai tuần vừa qua).
Công ăn việc làm tốt, niềm tin người tiêu thụ cao, và nhiều hãng Mỹ xếp hàng quay về Mỹ như dự kiến của luật giảm thuế doanh nghiệp, mạnh bạo đưa thuế từ 35% xuống 21%.
Tuy nhiên, điểm chính chưa được hài lòng là mức thâm hụt ngân sách Mỹ năm nay (10/2017- 09/2018) lại gia tăng so với năm ngoái 2016-17, trái ngược với chiều hướng trong quá khứ là khi tăng trưởng ở mức cao thì mức thất thu ngân sách xuống thấp hay có khi lại có cả thặng dư ngân sách, như thời cuối nhiệm kỳ TT Clinton.
Kết quả này làm nổi bật lo ngại từ đầu của giới chính trị Washington D.C. cũng như nhiều chuyên gia là vì mức giảm thuế quá lớn, độ tăng trưởng kinh tế dù lên cao trong năm đầu 2018 cũng khó bù nổi các gia tăng chi tiêu của chính phủ Trump đã tuyên bố trước.
Thật vậy, nguyên nhân chính của chi tiêu tăng vọt là trong ba địa hạt chính: tiền lãi trả nợ của chính phủ; các chi phí phúc lợi xã hội (entitlement payments); và nhất là chi tiêu quân sự.
Trong hai năm tới, chính phủ Trump phải siết chặt các chi tiêu này nếu muốn giảm mạnh thu hụt ngân sách như đã hứa hẹn, cùng với tăng trưởng nhanh là chỉ tiêu chính sách cốt lõi của ông.
Ông đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất 4 kỳ năm nay là không cần thiết, đưa lãi suất công khố phiếu dài hạn (10 năm) vượt mức 3.1%, khiến các chi tiêu trả nợ chính phủ sẽ còn tăng mạnh hơn hai năm tới.
Thế nhưng, về khía cạnh chuyên môn mà ông Trump có lẽ chưa ngó tới kỹ, là FED cần làm như vậy ở chu kỳ kinh tế hiện tại để ngăn ngừa lạm phát vượt quá mức mong muốn 2.0-2.2%.
Chính phủ Trump lo ngại nhất là cả lãi suất ngắn và dài hạn lên quá mức dự kiến, sẽ có thể đẩy chu kỳ kinh tế đến mức trì trệ, mà nhiều chuyên viên đang lo sợ từ việc phục hồi kinh tế đã kéo quá dài từ năm 2009?
Thành tích đáng kể thứ hai là gây áp lực thương mại thế giới qua thương chiến lấn lướt với Trung Quốc:
Tôi tin rằng trong lịch sử Hoa Kỳ chỉ có Tổng thống Trump mới dám gây cuộc chiến thương mại mạnh mẽ như vậy với nhiều đối tác đồng minh và đối thủ, để tái lập công bằng cho cán cân thương mại Mỹ sau quá nhiều năm “nhường nhịn”, khiến các nước lấn tới lợi dụng chính sách này.
Nay là lúc phải làm “Hoa Kỳ mạnh trở lại”, theo ông Trump.
Từ việc tăng giá thép sơ khởi để thử ‘nắn gân’ các bạn hàng và địch thủ chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ đã đạt được các chiến thắng thương mại quan trọng.
Đó là ký kết song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, đa phương duyệt lại (NAFTA) với Canada và Mexico, tạo liên minh thắt chặt vòng vây thương mại với Trung Quốc.
Ông đã áp thuế nhập mới từ 10% lên tới 25% trên 200 tỷ đô hàng nhập từ Trung Quốc và và còn dọa áp thuế lên nốt 276 tỷ đô hàng nhập còn lại từ nước này.
Thêm vào đó, là giai đoạn 2 với cuộc chiến tài chính tiền tệ, khiến tiền CNY mất 9% trong 6 tháng qua, chứng khoán TQ giảm trên 25%, và khối dự trữ ngoại hối mất đi trên 1,200 tỷ đô.
Thế Cờ Vây đang siết chặt lại quanh Trung Quốc
Mỹ còn tăng cường các biện pháp chính trị để cô lập Bắc Kinh qua các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump ở LHQ, Phó Tổng thống Pence ở Hudson Institute, chống lại các nước theo ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa còn sót lại đang “gây tai họa cho thế giới”.
Quốc hội Mỹ đã tăng ngân sách quốc phòng cho việc tuần hành vùng biển bao quanh Trung Quốc, các cách ‘động binh’ đa dạng của hải quân Mỹ ở Biển Đông, công khai tuyên bố ủng hộ các quyền của Việt Nam trong vùng này, ngược lại với ý đồ bành trướng của Trung Quốc qua Đường Lưỡi Bò.
Ngoài ra, Hoa Kỳ tăng cường liên minh mới Ấn Độ – Thái Bình Dương và khuyến khích các nước bỏ rơi Một Vành Đai Một Con Đường.
Hai động thái mới nhất của ông Trump là hủy bỏ Luật Bưu chính thế giới cũ chỉ có lợi cho phía Trung Quốc như để họ hưởng giá cước chuyên chở bưu kiện rẻ cho hàng xuất đi toàn thế giới; và việc Mỹ đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Kiểm soát Vũ khí hạt nhân với Nga; nhằm tự do chế tạo các vũ khí tầm ngắn và trung và đe dọa trực tiếp với Trung Quốc.
Từ quan điểm của một người gốc Việt
Nhìn lại thành tích trên sau mới gần hai năm thực hiện các chính sách đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump đã cho người viết ý nghĩ mình đã không chọn sai trong kỳ bầu cử tháng 11/2016, để cho cả Nhà Trắng và đa số trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều vào tay đảng Cộng hòa.
Dù không ‘cuồng Trump’ hay ‘ghét Trump’, người viết chợt nhận ra rất rõ là muốn ủng hộ ông mạnh vì chính sách ông làm đã theo rất tích cực đã trùng hợp với ý nguyện của tôi là có một chính phủ Mỹ mạnh cả về kinh tế và quân sự, để theo đuổi đường lối chặn Trung Quốc mà tôi mong đợi vì sự sống còn của quê hương cũ.
Cho kỳ bầu cử Mỹ giữa kỳ chỉ còn hai tuần nữa (ngày 6/11), người viết mong ít nhất đảng Cộng hòa vẫn còn giữ được đa số trong Hạ Viện để duy trì quyền lực cho chính phủ Trump và thế mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới.
Và hiểm họa xâm lăng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay với Việt Nam có thể sẽ nhờ thế mà còn ở xa hoặc bị chặn hẳn.
Dù chính sách nhập cư mới của ông Trump có thể còn gây bất mãn, Obamacare có thể bị thử rút lại lần nữa, hay vài chương trình phúc lợi xã hội có thể bị cắt thêm nữa ở những tiểu bang đông người gốc Việt như California hay Texas, các tai hại này còn ít hơn cái hại ‘động trời’ là sau thắng cử, phe Dân chủ đòi đem Trump ra luận tội, hoặc làm suy yếu ông, thành tổng thống ‘Vịt què (lame-duck president), như người Mỹ vẫn gọi một vị Tổng thống không có sự ủng hộ của Quốc hội trong hai năm sau của nhiệm kỳ mình.
Không chỉ ở Mỹ, ngay ở quê nhà, cũng có những người Việt Nam ủng hộ cho Trump vì vấn đề Trung Quốc và các lý do chính trị và quân sự nêu trên.
Tôi hỏi một người quen từ Sài Gòn thì được nghe câu trả lời là:
“Tuy ám ảnh hiệp ước Thành Đô 2020 vẫn còn, nó sẽ chỉ còn là ảo ảnh cho Trung Quốc nếu ông Trump còn là tổng thống và đảng Cộng hòa vẫn nắm Quốc hội, và Trung Quốc sẽ tiếp tục bị suy yếu, không thể lấn át Việt Nam.”
“Vì nếu dân Việt tin tưởng có Mỹ đứng sau lưng, họ sẽ không bao giờ chịu khuất phục Trung Quốc như lịch sử ngàn năm đã chứng minh.”
Với thực tế ‘nhất thể’ hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước diễn ra ở Hà Nội chiều 23/10, người dân Việt Nam mong đợi gì, tôi hỏi người bạn ở Sài Gòn.
Câu trả lời cũng bất ngờ không kém:
“Mong lãnh đạo mới mạnh hơn với quyền hành tập trung sẽ cũng tỉnh táo hơn, không nghiêng về phe nào, Mỹ hay Trung, nhưng sẽ liên minh với một khối mới trong vùng gồm vài nước ASEAN, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc chẳng hạn để tạo thành một khối độc lập, tự chủ và phú cường trong năm năm tới.”
Và gần nhất, hay nhất là ‘lãnh đạo mới’ biết sớm nhìn sang Myanmar để đơn phương cải cách thể chế chính trị, thực hiện hòa hợp dân tộc cho một Việt Nam tương lai dân chủ và thịnh vượng, đúng như khả năng tiềm tàng của đất nước vốn đã lỡ mất nhiều cơ hội tốt trong hơn 40 năm qua.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ. Ông hiện đang ủng hộ đảng Cộng hòa Mỹ. BBC sẽ đăng tải các bài nêu quan điểm ủng hộ đảng Dân chủ hoặc đảng phái khác trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, mời các bạn đón xem.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45965935
Quan hệ Việt Nam-Vatican
‘lên mức có đại diện thường trú’?
Báo Công giáo và Dân tộc nói quan hệ Việt Nam-Vatican “sẽ được nâng lên mức đại diện thường trú” trong lúc đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam nói với BBC rằng “chưa nghe gì tin này”.
Tường thuật về chuyến thăm Vatican của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Báo Công giáo và Dân tộc hôm 21/10 cho hay:
“Hai bên đã thảo luận và thống nhất phương hướng tăng cường quan hệ ngoại giao, sẽ nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican từ mức đặc phái viên không thường trú lên mức đại diện thường trú trong thời gian tới.”
Tờ báo cũng nói thêm rằng Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh “đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam”.
Hiện Tổng Giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, là đại sứ của Tòa Thánh tại Singapore đồng thời giữ chức đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam.
Thỉnh cầu Vatican ‘minh xét’ về cựu TGM Kiệt
Vatican công nhận giám mục do Bắc Kinh chỉ định
Quan hệ Bắc Kinh – Vatican đi về đâu?
Giáo hoàng thăm Bắc Hàn mà tránh Đài Loan?
Đức Giáo hoàng gửi thông điệp tới giáo dân TQ
Tuy vậy, hôm 23/10, Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam nói với BBC qua điện thoại: “Tôi chưa nghe tin này nên chưa có bình luận.”
Website của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng không thấy đăng tin này.
‘Tự do tôn giáo’
Cùng ngày, trả lời BBC từ Quảng Nam, Linh mục Đinh Hữu Thoại, Giáo xứ Tiên Phước, nói: “Tôi được biết chuyến thăm của ông Trương Hòa Bình không chính thức, và có vẻ mờ nhạt.”
“Về thông tin do báo Công giáo-Dân tộc đưa ra, tôi nghĩ có thể chưa xác thực lắm, vì những gì liên quan đến Giáo hội Việt Nam thì phải phát xuất từ trang của Tòa thánh.”
“Nếu đúng là quan hệ Việt Nam-Vatican sẽ lên mức đại diện thường trú thì cũng là bước tiến vì từ năm 1954 ở Hà Nội, và sau đó từ năm 1975 ở Sài Gòn, đã không còn đức Khâm sứ của Tòa thánh ở Việt Nam.”
“Nhưng vấn đề là hiện nay ở Việt Nam, tòa Khâm sứ đã bị lấy rồi, thì nếu có Khâm sứ thì ngài ấy ở đâu?”
Bình luận về quan hệ Việt Nam-Vatican, Linh mục Thoại nói thêm: “Tất nhiên ai cũng muốn quan hệ Việt Nam-Vatican được tiến triển tốt.”
“Trong cái tiến triển đó thì cũng cần xem lại mức độ tự do tôn giáo ở Việt Nam có cởi mở hơn không.”
“Ngoài ra là vấn đề bổ nhiệm giám mục.”
“Nếu quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh được miêu tả là tiến triển mà vấn đề tự do tôn giáo không được cải thiện thì cũng khó.”
“Hiện Luật Tôn giáo Tín ngưỡng không có tiến bộ hơn về vấn đề tự do tôn giáo.”
“Dường như những góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam không được ghi nhận nên cũng không có thay đổi nhiều về vấn đề này trong luật.”
Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?
Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép?
Tòa Thánh Vatican sắp ký gì với Bắc Kinh?
Giáo hoàng không dùng từ Rohingya ở Myanmar
Trong một diễn biến khác, hồi tháng 9/2018, Vatican công nhận bảy giám mục Công giáo do chính quyền Trung Quốc chỉ định theo một thỏa ước lịch sử trong quan hệ hai bên.
Thỏa ước này được cho là để cải thiện quan hệ giữa Vatican và quốc gia Cộng sản.
Thỏa ước, mà một số nhà bình luận nói là theo “mô hình Việt Nam “sẽ cho phép đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn thuận tên các giám mục Vatican bổ nhiệm.
Trung Quốc có khoảng 10 triệu người Công giáo.
Hiện nay, người Công giáo ở Trung Quốc phải đối mặt với lựa chọn đi lễ tại các nhà thờ được Bắc Kinh phê chuẩn hoặc đến cầu nguyện với các giáo đoàn kín thề trung thành với Vatican.
Giáo Hoàng Francis hy vọng thỏa ước “sẽ làm cho các vết thương của quá khứ liền da” và mang lại sự đoàn kết Công giáo trọn vẹn ở Trung Quốc, Vatican cho hay.
Vatican đã mô tả đó là “thành quả của việc tái lập quan hệ từng bước sau một quá trình đàm phán cẩn thận và lâu dài”.
Động thái này có khả năng mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc.
Nhưng các nhà chỉ trích – kể cả Tổng giám mục Hong Kong – nói rằng quyết định của Vatican đạt thỏa ước với đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự phản bội.
Báo Crux hồi tháng 9/2018 dẫn lời Henry Cappello, Chủ tịch tổ chức “CIV – Caritas in Veritate International” (Bác Ái Trong Chân Lý): “Có nhiều cách khác nhau để có mối quan hệ giữa một quốc gia và Vatican. Các chi tiết cụ thể của một thỏa ước có thể thay đổi.”
“Thỏa ước Vatican-Trung Quốc có khả năng tương tự như mô hình Việt Nam,với những sửa đổi phù hợp với tình hình ở Trung Quốc.”
“Việt Nam đã có một thỏa thuận riêng phù hợp với tình hình Việt Nam, do đó các nước khác có thể tiếp cận theo cách này.”
Khi đề cập về chuyến thăm Vatican của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, báo điện tử Vov.vn viết:
“Giáo Hoàng Francis nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Huấn từ của Giáo Hoàng “người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt”, “người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”, đồng thời khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam tham gia vào các hoạt động chung, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45949033
Bà Quyết Tâm muốn gặp người phụ nữ ném giày
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 24 tháng 10 lên tiếng bên hành lang Quốc Hội về vụ việc nữ cử tri ném giày lên đoàn lãnh đạo thành phố tại buổi gặp hôm 20 tháng 10 với một số người dân Thủ Thiêm.
Truyền thông trong nước loan tin và dẫn phát biểu của Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là mong muốn gặp bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người đã ném một chiếc giày như vừa nêu hôm 20/10. Động cơ của hành động ném giày được bà Tâm cho là vì có thể do bức xúc nên bà Dương đã to tiếng trong hội trường và còn ném vật lạ lên chủ tịch đoàn. Ý bà Quyết Tâm ám chỉ chiếc giày mà bà Dương đã ném.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng buổi gặp gỡ cử tri hôm 20/10 là để bàn về việc họp Quốc hội, chứ không bàn về chuyện Thủ Thiêm, tuy vậy do người dân vẫn cứ muốn nói chuyện Thủ Thiêm nên các quan chức Thành Phố Hồ Chí Minh tiếp tục lắng nghe chuyện đó.
Bà Nguyễn Thị Thủy Dương trả lời cho đài RFA rằng người dân đã quá mệt mỏi vì những lời hứa của chính quyền trong việc giải quyết những khiếu nại về đất đai ở Thủ Thiêm, và bản thân bà đã quá bức xúc nên đã hành động như vậy.
Sau khi sự việc xảy ra bà Dương bị nhân viên an ninh áp giải về đồn công an Phường, nhưng sau đó được trả tự do. Theo báo chí Việt Nam đưa tin vào ngày 22/10/2018 thì Bà Dương đã bị phạt hành chính 750 ngàn đồng vì hành động ném giày.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói chưa nghe thông tin về việc Công an tiến hành xử phạt đối với Bà Dương.
Đối với vấn đề Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm thì Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ vào sáng ngày 24 tháng 10 rằng có những việc có cơ sở để giải quyết nhưng có những việc đã qua nhiều thời gian, nhiều đời lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh nên rất khó giải quyết.
Trong khi đó thì tại cuộc gặp hôm 20 tháng 10, có cử tri nêu rõ tên của hai cựu lãnh đạo thành phố phải bị xử lý kỷ luật trong vụ sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm là ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư, và ông Tất Thành Cang, đương kim phó bí thư Thành phố Hồ Chí Minh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quyet-tam-throwing-shoe-10242018084052.html
Bộ trưởng Công An Tô Lâm
lên tiếng về huy động vốn trong dân
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Lâm, vào sáng ngày 24/10 phát biểu tại một phiên họp tổ ở Quốc hội về các vấn đề về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ, rằng huy động vốn trong nhân dân là vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội một tỉnh, một vùng hay cả nước.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Bộ trưởng Tô Lâm. Ông Tô Lâm nói với Ủy ban Thường vụ tỉnh Ủy rằng có địa phương làm tốt việc huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển nhưng cũng có địa phương chưa đạt hiệu quả, tức là 80% là nguồn lực xã hội và nhà nước chỉ đầu tư 20%.
Ông Tô Lâm dẫn chứng tại tỉnh Bắc Kạn có nguồn tài nguyên khoáng sản rất lớn, tuy chỉ có khoảng 300.000 dân gửi tiền tiết kiệm nhưng trong năm 2017 lên tới 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó thu ngân sách của tỉnh này rất thấp chỉ hơn 580 tỷ đồng bằng một buổi tại Thành phố Hồ Chí Minh tức 1.200 tỷ/ngày.
Ngoài ra, ông Bộ trưởng Công An Tô Lâm còn cho biết tại Hà Nội và Sài Gòn thu nhập bình quân đầu người khoảng 5000 USD còn các tỉnh chỉ khoảng từ 1000 – 2500 USD. Do đó thu nhập bình quân lớn, phúc lợi xã hội tốt, văn hóa, y tế, giáo dục phát triển hơn các tỉnh khác khiến dân đổ xô vào hai thành phố lớn này gây tình trạng quá tải và xảy ra mất cân bằng về phát triển.
Việt Nam : Phản ứng
về việc ông Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước
Hôm qua, 23/10/2018, ngay sau khi tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được Quốc Hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Daniel J. Kritenbrink đã ra tuyên bố chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam hôm qua đã được các đại biểu Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước với số phiếu lên tới 99,97%, chỉ có một đại biểu bỏ phiếu chống. Kết quả này không có gì là bất ngờ vì ở Quốc Hội làm theo lệnh của đảng và ông Trọng là ứng cử viên duy nhất, được Trung ương Đảng « nhất trí » đề cử. Như vậy là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam thay thế cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, vừa qua đời tháng trước.
Trong tuyên bố đưa ra ông qua, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink nhấn mạnh việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm chủ tịch nước diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương Mỹ-Việt « đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết ». Ông Kritenbrink tỏ ý mong muốn « tiếp tục làm việc chặt chẽ với chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhằm củng cố và mở rộng Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ».
Ông Nguyễn Phú Trọng đã là tổng bí thư đầu tiên của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ và đã hội kiến tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào tháng 07/2015.
Trả lời hãng tin AFP hôm qua, giáo sư Zachary Abuza, National War College, Washington, cho rằng chính là nhờ chiến dịch chống tham nhũng mà ông Trọng có thể nắm luôn cả chức chủ tịch nước, vì thật sự là ông đã dùng chiến dịch này để thanh trừng các đối thủ trong đảng.
AFP cũng ghi nhận là ông Trọng lên làm chủ tịch nước vào lúc chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến, chỉ riêng trong năm nay đã bỏ tù hơn 50 người và theo các tổ chức nhân quyền, không có dấu hiệu gì cho thấy chiến dịch đàn áp này sẽ giảm cường độ.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181024-viet-nam-phan-ung-ve-viec-ong-nguyen-phu-trong-lam-chu-tich-nuoc