Tin Việt Nam – 24/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/09/2017

‘Người Cày Có Ruộng’ – Niềm yên ủi của Tổng thống Thiệu

Tiến sỹ Nguyễn Tiến HưngGửi đến BBC Tiếng Việt từ Virginia, Hoa Kỳ

Ý kiến nói đạo luật về “Người Cày Có Ruộng” và kết quả cải cách điền địa là một điểm sáng chói trong sự nghiệp lãnh đạo của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ngày Tổng thống Thiệu ra đi (29/9/2001), ông đã mang xuống tuyền đài bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu nỗi buồn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ông cũng đã mang theo một sự yên ủi vô biên, một niềm vui cuối cùng của cuộc đời. Đó là sự thành công trong lãnh vưc kinh tế, xã hội. Đạo luật về “Người Cày Có Ruộng” và kết quả (tương đối là tốt đẹp) về cải cách điền địa là một điểm sáng chói trong sự nghiệp lãnh đạo của ông. Ảnh hưởng của nó vào đời sống người nông dân là một thành quả lớn lao của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

Truyền thông Mỹ không bao giờ bình luận về khía cạnh tích cực này cũng như thành tích “5 Năm Vàng Son, 1955-1960” của Đệ Nhất Cộng Hòa (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, chương 13). Mỗi khi đề cập tới Việt Nam thì chỉ là “Vietnam War,” như ta đang xem phim tài liệu dài 18 giờ do Ken Burns thực hiện. Đài PBS bắt đầu chiếu phim này từ ngày 19/9/2017. Thật là một sự trùng hợp: chi khoảng hai tuần sau, New York Historical Society lại có một triển lãm lớn tại bảo tàng ở số 170 Central Park West, NYC từ ngày 4/10/2017 tới 22/4/2018, với cùng chủ đề “Vietnam War.”

Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa

Lệnh rút khỏi Huế của Tổng thống Thiệu

Cải cách điền địa ở VNCH ra sao?

Hội chứng Việt Nam đã trở thành một phần của lịch sử Hoa Kỳ, được giảng dạy ở các đại học, nhưng cũng chỉ nhắm vào Vietnam War, với cái nhìn của người Mỹ, dù luôn nói rằng “với góc độ từ mọi phía tham gia cuộc chiến.” Chắc chắn rằng cuốn phim do PBS trình chiếu cũng như hình ảnh tại triển lãm ở New York sẽ không bao gồm – dù chỉ một ít – hình ảnh nói lên những xây dựng của VNCH ngay giữa một cuộc chiến hoang tàn.

Cho nên, nhân dịp ngày giỗ TT Thiệu (29/9/2017), chúng tôi nhắc lại kỷ niệm người cày có ruộng để phần nào vinh danh người quá cố (xem Tâm Tư Tổng thống Thiệu, chương 22).

Tấc đất tấc vàng

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân ta là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần nước thì là vàng. ‘Đất Nước tôi’: đất và nước. Chỉ có người Việt Nam ta mới dùng hai chữ này để chỉ quê hương, tổ quốc mình. Một lý do là vì đại đa số nhân dân chỉ sinh sống loanh quanh ở những vùng đất ven sông. Lúc đầu con cháu Văn Lang, Âu Lạc đã kéo nhau tới vùng đồng bằng sông Hồng Hà. Tới thời Nam tiến thì vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tính ra thì tới 75% dân số Miền Bắc sinh sống ở đồng bằng sông Hồng và 75% nhân dân Miền Nam, ở đồng bằng Cửu Long.

Cải cách điền địa

Từ ngày lập quốc, tổ tiên ta đã để ý tới việc phân chia ruộng đất, làm sao cho đa số người dân được chia sẽ đất đai. Tới năm 207 trước Tây nguyên, theo phép tỉnh điền của Tầu, Triệu Đà đã phân chia đất đai: mỗi mảnh đất được chia làm 9 lô: lô ở giữa thuộc công điền, còn lại thì phân chia cho 8 gia đình, họp lại là một “tỉnh” (tsing). Dần dần, vua chia cho mỗi thanh niên 100 mẫu (‘meou’) tương đương 3,600 mét vuông để canh tác. Khi tới 60 tuổi thì phải trả lại để chia cho người khác. Nhờ không có tích lũy đất đai nên sự cách biệt giầu nghèo không quá lớn, công bình xã hội thời ấy đã tiến bộ xa hơn ở nhiều quốc gia khác.

Đến đời vua Trần Thuận Tôn (năm 1388) thì có chiếu ấn định không người dân nào được sở hữu quá 10 mẫu. Dưới triều Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng đều làm luật cải cách điền địa. Nổi tiếng là Sứ thần đặc trách Phát triển Nông thôn tên là Nguyễn Công Trứ, ông có công lớn biến đổi vùng đất hoang vu miền duyên hải gồm Ninh Bình, Nam định, Hải Dương thành đất canh tác và phân chia cho nông dân (trong đó có gia đình của tác giả).

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa

Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng cải cách ruộng đất trong điều kiện chính trị, kinh tế thật khó khăn vào lúc mới thành lập nền Cộng Hòa. Ông đã mạnh dạn ký Dụ số 57 (tháng 10, 1956) nhằm khởi sự một cuộc cách mạng ruộng đất, nhắm vào nhiều lãnh vực: cải tổ quy chế tá điền, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, dinh điền, để cho dân khai thác; khuyến khích chủ điền tự ý phân chia điền sản để bán cho tá điền rồi chính phủ giúp nông dân tín dụng để mua đất. Thành quả của bước đầu đang được gặt hái trong “Năm Năm Vàng Son” (Xem Chương 13, Khi Đồng Minh Nhảy Vào) thì ông bị sát hại năm 1963. Trong hai năm tiếp theo, tình hình chính trị Miền Nam thật nhiễu nhương, làm mất đi cái đà của những tiến bộ kinh tế và xã hội, trong đó có sự dán đoạn của công cuộc cải cách điền địa.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa

Vừa lên chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Tướng Thiệu ký ngay Sắc Luật 020/65 ngày 8 tháng 10, 1965 để sửa đổi Dụ 57, “cấp quyền sở hữu thiệt thọ cho nông dân mua ruộng truất hữu.” Cùng một ngày vào năm sau, ông ký Sắc Luật số 021/66 “cấp quyền thực trưng vô thường trên những sở đất thuộc công sản Quốc gia tại các Dinh điền và Trại định cư cho những người đang thực sự khai khẩn.” (Chúng tôi may mắn sưu tầm được bản gốc của cả hai sắc luật này và in trong cuốn Tâm Tư TT Thiệu, trang 472-473).

Trong một chuyến đi Miền Tây vào tháng 2, 1966, ông tuyên bố ở Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là ông không đồng ý với việc chính phủ cứ khư khư giữ đất lại. Ông tuyên bố: “Đất đai phải thuộc về người trồng cấy.” Chương trình được đại sứ Mỹ Bunker hết sức ủng hộ.

Hai trở ngại lớn và biện pháp giải quyết

Ngay từ ban đầu, nỗ lực cải cách điền địa đã gặp phải hai trở ngại lớn từ hai phía Mỹ, Việt.

Về phía Mỹ, cơ quan viện trợ USAID là nguồn hỗ trợ một phần tài chính và kỹ thuật cho chương trình này thì lại thiếu nhất quán về vấn đề ‘quyền tư hữu đất đai.’ Có hai trường phái: một trường phái cho rằng người nông dân Việt Nam đã quen với truyền thống tá điền, không hiểu nhiều và cũng không đặt vấn đề sở hữu đất, miễn sao chính phủ giúp cho họ ổn định, giữ được khế ước cho lâu dài, không tăng tô (tiền thuê đất) là được rồi, việc phân chia đất làm sở hữu sẽ đưa lại nhiều vấn đề rắc rối. Trường phái thứ hai thì có ý kiến ngược lại: sở hữu đất là quan trọng nhất và có ý nghĩa sâu xa đối với nông dân. Theo quan điểm này, ý niệm về công bình xã hội phải gắn chặt với việc người nông dân được sở hữu một miếng đất. Chế độ tá điền dù được hoàn thiện tới bao nhiêu cũng không thể thay thế được mục tiêu này.

Để đi tới một kết luận cho vững chắc, Viện Nghiên Cứu Stanford (Stanford Research Institute gọi tắt là SRI) của Đại học Stanford được USAID thuê để nghiên cứu thật sâu vấn đề này trong hai năm 1966-1968, dùng những kỹ thuật tân tiến để trắc nghiệm thái độ và quan niệm của nông dân. Kết quả trắc nghiệm cho thấy thật rõ ràng: người dân ước mong làm sở hữu mãi mãi một miếng đất. Đối với một nông dân sống trong mái nhà tranh, trên một mảnh đất khoảng 1/3 mẫu, làm sao có được một vài sào ruộng để canh tác là giấc mơ. Miếng đất ấy sẽ nối kết quá vãng, hiện tại và tương lai. Nó nối kết tổ tiên với con, với cháu. Rồi lúc người nông dân về già, không còn canh tác được nữa thì lấy gì mà sống? Vì hết còn làm tá điền, phải trả đất lại cho ông phú nông thì chỉ còn trông mong vào con cái. Chúng nó mà lờ đi thì hết đường vì đâu có ‘savings’ (tiền tiết kiệm) hay “social security”.

Về phía Việt, trở ngại lớn nhất là sự chống đối của các đại điền chủ. Ruộng đất miền Đồng Bằng Cửu Long có một đặc tính hãn hữu: đó là nó tập trung quá nhiều vào vài nghàn điền chủ lớn. Ngay từ cuối Thế kỷ 19, dân gian ta đã có câu nói về tứ đại phú: “Nhất Sỹ, nhì Phương, ba Xường tứ Định.” Người thứ tư là Định thì sau này có thay đổi thành “tứ Hỏa” (hay Chú Hỏa), rồi “tứ Bưởi” (Bạch Thái Bưởi). Nhưng người thứ nhất là Sỹ, tức Huyện Sỹ (người xây nhà thờ Huyện Sỹ, bà con với Nam Phương Hoàng hậu) thì không bao giờ thay đổi. Đây là bốn đại đại gia sở hữu nhiều ruộng đất nhất, nằm sát nhau, trải ra thành những cánh đồng xanh tươi “thẳng cánh cò bay” ở Miền Tây, trông thật ngoạn mục.

Trong bối cảnh ấy, cải cách điền địa nhằm giới hạn quyền sở hữu đất đai là một việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chính phủ đã thuyết phục được các địa chủ bằng ba cách: thứ nhất là tranh đấu được sự ủng hộ của đại đa số nông dân (qua đài phát thanh, truyền đơn, hội thảo) và dùng kết quả để thuyết phục chủ đất; thứ hai, bồi thường khá xòng phẳng bằng cách mua lại đất để phân chia cho nông dân. Tài trợ việc mua đất bằng một sáng kiến: bán công khố phiếu (hay trái phiếu chính phủ) với lãi xuất hấp dẫn 10% một năm cho địa chủ, phần còn lại thì trả bằng tiền mặt. Thứ ba, có một yếu tố thuận lợi khác nữa: trong cái rủi cũng có cái may: đó là vì tình hình thiếu an ninh ở một số khu vực nông thôn, điền chủ cũng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận nhường ruộng lại cho chính phủ.

Chọn An Giang làm thí điểm

Sau khi vượt được cả hai trở ngại, công cuộc cải cách điền địa tiến tới những bước đi thật dài. Tháng 1, năm 1967: TT Thiệu đề nghị chọn An Giang làm nơi thí điểm. Ở vùng đồng bằng Cửu Long (rộng trên 37 ngàn cây số vuông, với dân số gần 7 triệu người – 34% dân số Miền Nam), An Giang là tỉnh đông dân thứ nhì (1.4 triệu người với mật độ rất cao: 341 người một cây số vuông), chỉ sau Hậu Giang (1.9 triệu người, mật độ 372 người).

Kinh nghiệm An Giang được áp dụng ngay vào hai tỉnh Chương Thiện, và Kiến Tường rồi lan ra những tỉnh khác. Tháng 7, 1969 TT Thiệu đệ nộp Quốc Hội đạo luật ‘Người Cày Có Ruộng’. Thoạt đầu, Hạ Viện thông qua (vào tháng 9), nhưng dự thảo luật vẫn được tranh luận rộng rãi. Ủy Ban Canh Nông Thượng Viện xem xét và tu sửa lại. Sau cùng cả lưỡng viện đều thống nhất theo đúng tinh thần dân chủ.

‘Người cày có ruộng’

Ngày 26/3/1970 là ngày quan trọng, được chỉ định là ‘ngày lễ nghỉ toàn quốc’. Hôm đó, trong một nghi lễ long trọng ở vùng Đồng bằng Cửu Long, Tổng thống Thiệu ký thành Luật ‘Người Cày Có Ruộng.’ Luật có những quy định chính như sau:

Hủy bỏ quy chế tá điền;

Phân chia công điền, công thổ;

Giới hạn mỗi điền chủ chỉ được canh tác một diện tích không quá 15 mẫu; trên số đó là phải bán cho chính phủ để tái phát cho nông dân;

Ưu tiên dành cho người trực tiếp canh tác đất đai truất hữu;

Đền bù cho chủ đất thật nhanh và tương đối là công bằng: 20% bằng tiền mặt; 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi suất trong 8 năm (có thể dùng để chuyển nhượng, thế chấp vay ngân hàng, cầm cố).

Điều quan trọng nhất của chương trình là đã hủy bỏ được quy chế tá điền từ bao nhiêu thế kỷ, giải phóng được tâm lý người nông dân luôn phải làm thuê cấy mướn.

Cải tiến kỹ thuật và tín dụng để hỗ trợ nông dân

Tuy là có ruộng, nhưng diện tích phân chia cho nông dân rất nhỏ nên đòi hỏi phải làm thể nào để giúp tăng năng xuất. Từ thời Tổng thống Diệm nhiều loại giống lúa mới đã được nhập vào. Nhưng từ 1967 thì có sự cải tiến kỹ thuật vượt mức với nỗ lực gọi là , ‘Cuộc cách mạng xanh’ – nhập loại giống lúa mới IR-8 vừa được Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (International Rice Research Institute – IRRI) ở Phi Luật Tân phát minh.

TT Thiệu cho thử nghiệm loại này ở Võ Đạt (còn gọi là Xã Võ Đất), tỉnh Phan Thiết (bây giờ là Bình Thuận), vì nông dân ở đây vừa bị mất cả một vụ lúa do trận lụt lớn. Thử nghiệm thành công ở Võ Đạt chẳng mấy lúc đã được lặp lại ở Long Định (Mỹ Tho) và Bến Lức (Long An), rồi lán ra thật nhanh tới khắp Đồng bằng Cửu Long. Nông dân nơi nơi phấn khởi áp dụng giống lúa mới, gọi nó là ‘lúa thần nông’.

Bây giờ, có ruộng, có lúa thần nông rồi, nhưng nông dân lấy tiền đâu mà mua lúa giống, máy cày, xăng nhớt, phân bón, thuốc sát trùng. Vấn đề này được giải quyết một phần qua chương trình tăng tín dụng nông thôn. Năm 1967 Ngân hàng Phát triển Nông Nghiệp được thành lập (Agricultural Development Bank of Vietnam – ADBV) thay Quốc Gia Nông Tín Cuộc.

Năm 1969 cũng là năm thành lập các Ngân hàng Nông thôn (Rural Banks). Tới 1972 thì ngân hàng này đã có mặt tại tất cả 44 tỉnh. Tới cuối 1973 đã có tới 64 ngân hàng và kế hoạch là tới 1980, sẽ mở chi nhánh hoạt động ở tất cả 250 quận của 44 tỉnh.

Với số tín dụng, nông dân có thể mua phân bón, đồ ăn gia súc, thuốc sát trùng, máy bơm nước đáp ứng đòi hỏi của lúa thần nông, ‘gia súc thần nông.’ Sản ngạch tăng, ở nhiều nơi nông dân còn thặng dư gạo bán ra, mua được xe máy, gọi là “Honda Rice”.

Ngày vui vô biên của TT Thiệu

Cuộc cải cách điền địa đã thành một ‘cuộc cách mạng ruộng đất,’ hỗ trợ mục tiêu xây dựng công bình xã hội. Ảnh hưởng của nó đã làm cho chương trình Phát Triển Nông Thôn có nhiều tiến bộ. Lúa Thần Nông tăng năng xuất; tín dụng nông thôn giúp mua phân bón, máy cày.

Hạn chót phải thúc đẩy động lực sản xuất qua chương trình ‘Người Cày Có Ruộng’ là ngày 26 tháng 3, 1973. Vào ngày này, TT Thiệu nhận được báo cáo như sau. Báo cáo này được thẩm định kỹ càng bởi cả hai bên Việt-Mỹ:

Mục tiêu của “Người Cày Có Ruộng” là phân phát khoảng trên một triệu mẫu cho gần một triệu nông dân. Kết quả là gần 1.2 triệu mẫu được cấp phát cho gần một triệu nông dân. Tính theo mỗi gia đình trung bình là 4 người, số người được hưởng là gần 4 triệu, tức là 20% tổng dân số:

Như vậy, ngày 26/3/1973 phải là ngày vui nhất của TT Thiệu. Sau này, khi có dịp nhắc lại những kỷ niệm về người cày có ruộng, về lúa thần nông, Ba Tri, Võ Đạt, chúng tôi thấy ánh mắt ông vui hẳn lên. Rồi ông vui cười, kể lại nhiều chuyện của ông về nông thôn và về nghề đánh cá ở Phan Rang, khác hẳn với khuôn mặt u sầu khi ông hồi tưởng về những chuyện chiến sự.

Bài học cho các nước khác

Cải cách điền địa là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Tuy nó đóng góp lớn lao vào công cuộc xây dựng công bình xã hội, nhưng nó cũng có thể biến thành một ngòi nổ nguyên tử, làm đảo lộn sự phát triển của một quốc gia. Kinh nghiệm của VNCH trong thời gian 1965-1975 mang lại một số bài học hữu ích cho các quốc gia khác. Chúng tôi tóm gọn vào 4 chữ “Đ”:

Điều đình với cả điền chủ lẫn nông dân để có sự hơp tác tương đối giữa hai bên như một phương án “team work.” Công việc này đòi hỏi (i) phải tiên đoán và tìm giải pháp cho các tắc nghẽn trong từng chặng đường của chương trình; và (ii) giải quyết các tranh chấp cho kịp thời, công bình giữa điền chủ và nông dân cũng như giữa nông dân với nhau (như tranh tụng về ranh giới ruộng).

Đền bù điền chủ tương đối cho xòng phẳng. Giá đất cũng phải xấp xỉ bằng giá thị trường. Nếu như chưa có thị trường đất đai thì ít nhất tại mỗi địa phương cũng đã có những mua bán lẻ tẻ có thể dựa vào để làm hội thảo định giá;

Đài thọ 80% tiền bồi thường bằng cách bán công khố phiếu (trái phiếu kho bạc) cho điền chủ với lãi xuất hấp dẫn. Phần còn lại (20%) thì trả bằng tiền mặt; và

Đáp ứng nhu cầu canh tác của nông dân về “đầu vào” (inputs) như kỹ thuật, tín dụng để họ thực sự trở nên người chủ đất (chứ không phải đem đất đi bán lại!).

Nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan đã tiếp nhận được một số kinh nghiệm này và tiến tới Agricultural Land Reform Act 1975 (Luật đất đai 1975). Cùng năm ấy, bên Phi Châu còn có những nước như Ethiopia tuyên dương Land Reform Program 1975; Uganda với sắc luật Land Reform Decree 1975.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41376956

 

Tiền lệ ‘đáng tiếc, đau đớn, chưa từng có’

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Việc nước Đức tuyên bố tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị ‘mật vụ’ Việt Nam tới Đức ‘bắt cóc’ theo quan điểm của phía Đức là một điều ‘hết sức đáng tiếc’ cho quan hệ hai nước và đây là lần đầu tiên xảy ra một việc hệ trọng như vậy với Việt Nam, theo một cựu thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 23/9/2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức công bố tạm dừng quan hệ trên và đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao thứ hai của Việt Nam ra khỏi Đức, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:

“Cho đến nay tôi được biết là có lẽ đây là lần đầu tiên mà có một nước đối tác chiến lược đã đơn phương dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và đấy là một điều rất đáng tiếc, bởi vì Việt Nam hiện nay đang rất cần có những người bạn chân thành và thông cảm và hiểu biết đứng bên cạnh Việt Nam trong công cuộc phát triển bền vững cũng như là trong việc thực hiện chủ quyền và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”

Cho đến nay tôi được biết là có lẽ đây là lần đầu tiên mà có một nước đối tác chiến lược đã đơn phương dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và đấy là một điều rất đáng tiếc, bởi vì Việt Nam hiện nay đang rất cần có những người bạn chân thành và thông cảm và hiểu biết đứng bên cạnhTS. Lê Đăng Doanh

Điểm tin Chủ Nhật: Thông tin mới về diễn biến quan hệ Đức – Việt

Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN

Bình luận đặc biệt về vụ trục xuất mới của Đức

Thông cáo ngày 22/9 của Bộ Ngoại giao Đức

Khi được hỏi liệu động thái của phía Đức đơn phương dừng quan hệ như vậy liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu cán bộ có vẻ chưa hẳn là hết sức cao cấp và quan trọng của nước này, có là một quyết định ‘xứng tầm, đáng làm’ của Đức so với ‘tải sản’ chung là quan hệ đối tác chiến lược khá tốt đẹp được xây dựng từ nhiều năm nay giữa hai nước, Tiến sỹ Doanh bình luận tiếp:

“Theo tôi được biết, phía Đức phản ứng không phải là vì ông Trịnh Xuân Thanh có phải là một cán bộ cao cấp hay không, mà phía Đức coi rằng đây là một sự vi phạm luật pháp của Đức và vi phạm công pháp quốc tế và đấy là điều mà trong mỗi một tuyên bố, tôi thấy là Bộ Ngoại giao Đức đã luôn luôn nhắc lại.”

Trước câu hỏi nếu những điều mà phía Đức nói là có cơ sở trong vụ Đức coi ông Trịnh Xuân Thanh đã bị ‘bắt cóc’, trong khi phía Việt Nam khẳng định là ông đã về nước và ‘đầu thú’, thì ai ở phía Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc gây ra ‘đổ vỡ’ trong quan hệ hết sức quan trọng này giữa Đức với Việt Nam, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:

“Điều ấy tôi cũng rất muốn biết và có lẽ nên hỏi những người nào hiện nay đang còn cầm quyền ở trong chính quyền, hiện nay với thông tin chính thức của phía Việt Nam, phía Việt Nam hoàn toàn im lặng và không có bất kỳ thông tin nào, kể cả việc có thừa nhận việc Trịnh Xuân Thanh như thế hay không.”

Vụ Trịnh Vĩnh Bình và Trịnh Xuân Thanh: Bài học quá đắt

Xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ có dấu vết điều tra

Bắt Trịnh Xuân Thanh ‘phải có thời gian’

Có quan điểm cho rằng quan hệ Đức – Việt lâu nay, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược khá tốt đẹp trong nhiều năm trở lại đây, có thể được ví như là một ‘chiếc bình quý’, song đã ‘bị vỡ’ do việc ‘đánh một con chuột’ nào đó, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người đã có nhiều năm học tập và tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, bình luận:

“Dĩ nhiên tôi đã luôn luôn nói rằng đấy là một điều rất đáng tiếc và như lần trước đã trả lời phỏng vấn [BBC] ở Budapest, tôi nghĩ đấy là một thiệt hại rất đau đớn đối với quan hệ của hai bên, còn việc qui trách nhiệm hoặc sẽ xác định như thế nào, tôi nghĩ thời gian sẽ trả lời cho chúng ta.”

Trung ương sẽ nghe Bộ Chính trị báo cáo về các vấn đề mà Trung ương quan tâm và tôi nghĩ chắc chắn đây sẽ là một trong những nội dung mà Trung ương sẽ quan tâm và sẽ thảo luận và cho ý kiến trong Hội nghị quan trọng ấyTS. Lê Đăng Doanh

Theo dự kiến, trong vòng vài tuần lễ nữa sẽ diễn ra Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trước câu hỏi liệu việc chịu trách nhiệm về các diễn biến quan hệ Đức – Việt bị rạn nứt, đổ vỡ có liên quan vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, có thể và có nên được nêu ra ở Hội nghị này hay không, Tiến sỹ Doanh cho biết quan điểm:

“Điều đó cho tới nay vẫn chưa hề có thông tin gì chính thức, nhưng theo như thông lệ, Hội nghị Trung ương đã có nội dung đã được ấn định từ trước, trong Hội nghị 2 của Ban chấp hành Trung ương đã có ấn định rõ những Hội nghị Trung ương nào sẽ bàn về những chủ đề gì.

“Còn ngoài ra, Trung ương sẽ nghe Bộ Chính trị báo cáo về các vấn đề mà Trung ương quan tâm và tôi nghĩ chắc chắn đây sẽ là một trong những nội dung mà Trung ương sẽ quan tâm và sẽ thảo luận và cho ý kiến trong Hội nghị quan trọng ấy,” chuyên gia nói với BBC Tiếng Việt.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh là một trong 350 du học sinh đầu tiên của Việt Nam tới Moritzburg, Cộng hòa Dân chủ Đức trong thời gian từ 1955-1959, sau khi trở lại Đông Đức và tốt nghiệp đại học tại trường Đại học Kỹ thuật Leuna-Merseburg (Đức) năm 1967, ông sang Moskva năm 1984 để tu nghiệp về quản lý kinh tế và được cấp chứng chỉ tại Viện Hàn lâm Kinh tế Quốc gia Nga.

Từ năm 1968 đến năm 1978, ông làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ Việt Nam và là trưởng phòng ở CIEM từ năm 1987 đến năm 1988. Ông là chuyên viên cao cấp từ năm 1988-1990, từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của các nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh… Ông được bổ nhiệm làm viện trưởng CIEM từ năm 1993. Ông từng là phiên dịch viên tiếng Đức cho Cố Tổng Bí thư ĐCSVN ông Nguyễn Văn Linh.

Bàn Tròn: Chiến dịch kỷ luật của Đảng trước Hội nghị TƯ6

Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn

Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?

Chống tham nhũng là ‘tự ta đánh ta’?

Trong diễn biến liên quan quan hệ Đức – Việt, hôm 22/9, Bộ Ngoại giao Đức đã công bố phát biểu của người phát ngôn về các diễn biến mới trong vụ việc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’ tại Berlin, thông báo có đoạn:

Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu của phía Đức. Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tinBộ Ngoại giao CHLB Đức

“Cho tới nay, yêu cầu xin lỗi của chúng tôi kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai đã không được Chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ rằng sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.

“Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.

“Vì lí do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo. Vì vậy, ngày hôm qua, trong buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại giao chúng tôi đã thông báo với phía Việt Nam về việc sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quyết định trục xuất thêm một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam. Người này có 4 tuần để cùng gia đình rời khỏi nước Đức.

“Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu của phía Đức.

“Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin,” trang Web của Cơ quan đại diện của CHLB Đức tại Việt Nam thông cáo.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41359698

 

‘Chúng ta không thể ứng xử như vô can’

Việt Nam đang chịu nhiều áp lực và sức ép từ quốc tế, trong lúc các vụ việc Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đặt ra những câu hỏi về uy tín, niềm tin của nhà đầu tư tới Việt Nam, trong bối cảnh đầy ‘gánh nặng’ ấy, Chính phủ không thể tiếp tục ‘ứng xử như vô can’ và ‘không biết gì’, ý kiến từ giới chuyên gia và quan sát chính trị nội bộ Việt Nam nói với BBC.

“Trước hết là tình hình quốc tế với sức ép và tác động của hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đối với uy tín, niềm tin của các nhà đầu tư,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ban cố vấn Chính phủ Việt Nam thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải nói với BBC trong một phỏng vấn thượng tuần tháng 9/2017.

Trước hết là tình hình quốc tế với sức ép và tác động của hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đối với uy tín, niềm tin của các nhà đầu tư. Tất cả những điều đó là một gánh nặng đối với chính phủ Việt Nam và chúng ta không thể tiếp tục ứng xử như chúng ta không biết gì và chúng ta vô canTS Lê Đăng Doanh

“Tất cả những điều đó là một gánh nặng đối với chính phủ Việt Nam và chúng ta không thể tiếp tục ứng xử như chúng ta không biết gì và chúng ta vô can. Theo tôi điều đó là không thích hợp.”

Thông tin mới về vụ Đức trục xuất nhà ngoại giao thứ hai của VN

TS. Doanh bình luận quan hệ Đức-Việt và Hội nghị

Tiền lệ ‘đáng tiếc, đau đớn, chưa từng có’

Đổi mới chính trị là yêu cầu cấp bách hiện nay

“Còn trong nước, tình hình kinh tế, xã hội hiện nay đòi hỏi cấp bách là cải cách thể chế, phải thật sự công khai minh bạch, phải tôn trọng pháp luật, phải có trách nhiệm giải trình, những ai quyết định những việc gì thì phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, về mặt tài chính, về mặt hình sự đối với tất cả những tác động đã gây ra.

“Và trước mắt cần phải cải cách bộ máy, tránh sự trùng lặp. tránh biên chế phình ra quá cao, tránh các chi tiêu ngân sách một cách lãng phí.” nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Còn theo Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nút thắt quan trọng nhất cần lưu ý với Việt Nam hiện nay là vấn đề tôn trọng pháp luật, ông nói:

“Cả chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình lẫn vụ ông Trịnh Xuân Thanh chúng ta có thể thấy rằng chính cơ quan nhà nước và một số người nào đó trong cơ quan nhà nước đã vi phạm luật pháp một cách rất trắng trợn, không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.

“Người dân Việt Nam phải lên tiếng đòi chính các cơ quan nhà nước, đòi chính những quan chức nhà nước phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

“Nếu họ thật sự tôn trọng luật pháp thì tôi nghĩ rằng đã thành công 2/3 của việc đổi mới lần thứ hai.”

Người dân Việt Nam phải lên tiếng đòi chính các cơ quan nhà nước, đòi chính những quan chức nhà nước phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Nếu họ thật sự tôn trọng luật pháp thì tôi nghĩ rằng đã thành công 2/3 của việc đổi mới lần thứ haiTSKH Nguyễn Quang A

‘Cấm đoán sẽ không có hiệu lực’

Việt Nam có cần tư duy lại để phát triển?

Đồng Tâm: ‘Không nhất thiết phải xử tội người dân’

Một thách thức rất lớn khác với Việt Nam trong thời gian sắp tới được Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông nói:

“Hiện nay thông tin trở thành tài sản quan trọng nhất đối với nền kinh tế và đối với mỗi con người.

“Vì vậy nhà nước cần phải tìm cách một mặt bảo đảm luật pháp, bảo đảm lợi ích của xã hội, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng việc hạn chế, việc cấm đoán sẽ trở nên không có hiệu lực trong thời gian sắp tới.

“Tôi rất hy vọng rằng nhà nước Việt Nam sẽ chuyển đổi, trở thành một nhà nước ủng hộ sự sáng tạo, ủng hộ sự thay đổi, ủng hộ sự đổi mới và ủng hộ tiến bộ khoa học công nghệ, tôn trọng và trọng dụng nhân tài,” nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC tại Budapest, Hungary, hôm 01/9/2017.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41379054

 

Cộng đồng Việt tại Mỹ sau thiên tai

Hà Vũ

Sau khi cơn bão Irma quét qua vùng Florida Keys và đổ bộ vào phía Tây Nam tiểu bang Florida gây một số thiệt hại cho nhà cửa, vườn tược cũng như các tiện ích công cộng khác, cộng đồng Việt Nam ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão cũng như toàn thể cư dân vùng này đã thu dọn nhà cửa để trở lại cuộc sống bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tampa Bay, cho biết là khi đổ bộ vào vùng này, bão Irma giảm xuống cấp 2, cấp 1, nên thiệt hại chỉ là cây đổ, chứ không có người chết.

Bác sĩ Mỹ nói:

“Cộng đồng cũng khuyến khích tất cả các bác, các cô, các chú vào các cơ quan trú ẩn cho mùa bão, cho nên, nói chung không có thiệt hại gì nhiều. Tampa rất là may mắn.”

Theo bác sĩ Mỹ thì một hiện tượng đặc biệt kỳ này là bão hút nước từ Tampa đổ xuống Jacksonville nên thành phố này bị ngập nặng:

“Ngay tại trung tâm Tampa, tất cả nước trong hồ đều bị mất hết, bây giờ vẫn còn khô. Bão đã hút hết nước và thảy về hướng đông bắc là Jacksonville. Bão không vô Jacksonville nhưng Jaksonville bị lụt quá chừng.”

Bác sĩ Mỹ cho biết thêm là cộng đồng Việt Nam ở Florida vẫn tiếp tục gây quỹ giúp cho nạn nhân bão Harvey ở Texas nhưng sắp tới đây toàn tiểu bang sẽ có một ngày gây quỹ để giúp nạn nhân bão Irma

“Ngày 21 tháng 10 sẽ có một buổi gây quỹ cho nạn nhân bão lụt Irma cho cộng đồng Việt Nam mình và cho các cộng đồng khác bị ảnh hưởng. Theo lời kêu gọi của tiểu bang Florida thì mình sẽ làm chung một buổi văn nghệ. Mỗi hội đoàn, mỗi cộng đồng địa phương sẽ kêu gọi đóng góp rồi tổng kết lại,” bác sĩ Mỹ nói.

Ông Nguyễn Gia Bảo ở gần Saratoga thuộc khu vực Tampa có 10 mẫu đất trồng đủ các loại cây ăn trái của Việt Nam. Ông cho biết nơi ông ở, cảnh sát cũng yêu cầu di tản, nhất là những người ở trong các căn nhà di động, nhưng ông không đi vì nhà ông rất kiên cố. Ông ở lại cùng với bà dì 96 tuổi và còn cho thêm bà con và những người ở gần đó tạm trú.

Ông Bảo nói về ảnh hưởng của bão Irma đối với vườn tược của ông:

“Có một số cây trốc gốc còn nhà thì bị chút đỉnh mấy cái máng xối, không có sao, bị nhẹ.”

Mục sư Esther Trương quản nhiệm Hội thánh Tin lành Bê Tên ở Tampa cho biết là gần nhà thờ của bà có một khu nhà di động khoảng 200 căn, trong đó có 10 căn của người Việt. Tất cả đều di tản hết theo lệnh của nhà cầm quyền địa phương, nhưng không bị thiệt hại gì đáng kể.

“Cám ơn Chúa, không bị gì hết. Nhà mobile home cũng vẫn bình thường, họ đi vào những shelters gần. Mobile home vẫn còn y nguyên như vậy, không bị thiệt hại gì hết. Vườn cây trái gần đây không bị ảnh hưởng gì,” mục sư Trương cho biết.

Về vấn đề bảo hiểm nhà cửa vì thiên tai, Mục sư Esther Trương nói:

“Ở đây phần đông tín đồ trong Hội thánh đều có mua bảo hiểm hết nhưng người dân mình không tiếp xúc nên không biết được.”

Theo Thầy Thích Quảng Chơn, trụ trì Chùa Phước Huệ tại Miami, tuy bão không trực tiếp đổ bộ vào vùng này, nhưng đây là vùng gần bão nhất, nên bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt là các vườn cây ăn trái:

“Có một số người làm vườn, có trồng cây ăn trái thì thiệt hại rất là nặng. Sau trận bão không thu hoạch gì được, thứ hai là cây bị ngã xuống bức gốc rất nhiều.”

Thầy Quảng Chơn cho biết là hiện nay mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường:

“Bây giờ đã bình thường rồi, chỉ có cái là mình phải dọn dẹp rất nhiều thôi. Thứ Hai vừa rồi tất cả trường học ở đây đều mở cửa hết.”

Còn ở Houston, nơi bị trận bão Harvey quét qua tàn phá nặng nề trong tháng 8, luật sư Shandon Cường Phan, cựu Chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại đây cho biết việc phục hồi sau bão phải mất 2-3 năm nữa. Tuy nhiên, hiện đã có những khoản trợ cấp khẩn cấp:

“FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang) ai gọi vào trước thì họ gởi người đến kiểm tra nhà trước, và bắt đầu bồi thường đợt đầu. Chuyện này cũng sẽ kéo dài theo thời gian, theo danh sách chờ đợi. Từ từ có người sẽ được trọn gói, có người sẽ phải chờ đợi tùy theo hồ sơ cá nhân phải bổ túc. Quá trình bồi thường đã được khởi động và đang tiến hành.”

Theo Luật sư Shandon Cường, vấn đề bảo hiểm nhà cửa vì thiên tai, lũ lụt …vẫn chưa được cộng đồng người Việt chú ý đến nhiều:

“Sau chuyến này phần lớn bà con sẽ cẩn thận hơn về chuyện mua bảo hiểm ngay khi chính phủ không bắt buộc phải mua. Lần này nhiều người thiệt hại vì không mua bảo hiểm nên bà con sẽ cẩn thận hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi về chính sách, vùng nào là lũ lụt cũng cần phải được xem xét lại cho thích hợp, vì cái đó theo kế hoạch của liên bang nhưng đã lỗi thời rồi. Mô hình đo lường khu nào bị lũ lụt đã có từ 40, 50 năm rồi nên cũng cần phải thay đổi.”

Vẫn theo lời luật sư Cường, còn nhiều việc cần phải làm về phía hành pháp cũng như lập pháp và cũng cần nhiều nỗ lực giúp đỡ, đóng góp của cộng đồng mới có thể giúp các nạn nhân bão lụt trở về với cuộc sống trước đây.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-dong-viet-tai-my-sau-thien-tai/4041607.html

 

Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu ‘không bàn chuyện ai đi ai ở’

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hôm 23/9 đã lần đầu công khai lên tiếng, sau khi ông và Bí thư Nguyễn Xuân Anh bị phát hiện “dính” các vi phạm, gây nhiều đồn đoán về thay đổi nhân sự.

Trước tình trạng mà ông nói là “công chức Đà Nẵng xao lãng, phân tâm trong công việc” vì những diễn biến liên quan tới lãnh đạo của thành phố, theo VnExpress, ông Thơ khuyến cáo rằng “đừng suốt ngày ngồi quán xá bàn chuyện ai đi ai ở lại”.

Chúng ta không nên sa đà vào những việc không phải của mình. Suốt ngày cứ tụ tập, trao đổi đủ thứ trong khi việc chính lại bê trễ.

Ông Huỳnh Đức Thơ nói.

“Chúng ta không nên sa đà vào những việc không phải của mình. Suốt ngày cứ tụ tập, trao đổi đủ thứ trong khi việc chính lại bê trễ”, ông nói tiếp.

“Công việc của mỗi người là phải làm tốt chức trách, nhiệm vụ đã được giao phó. Làm việc phải có bản lĩnh, trách nhiệm vì tình yêu với TP Đà Nẵng chứ không phải làm cho xong việc, làm cho có”.

Do thành phố vấp phải nhiều vấn đề, ông Thơ cho biết đã mở rộng thành phần tham gia cuộc họp thường kỳ lần này với lãnh đạo các cấp của Đà Nẵng.

Thành phố miền Trung này là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm nay, và dự kiến sẽ có lãnh đạo nhiều nước tham gia.

Ông Thơ nói rằng “công tác chuẩn bị phải làm hết sức khẩn trương vì tại APEC có sự tham dự của các quan chức cấp cao từ các nước và giới doanh nhân, họ sẽ đánh giá tầm vóc và là phép thử trong công tác tổ chức các sự kiện của TP Đà Nẵng”, theo báo Tuổi Trẻ.

​Hôm 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuyên bố rằng trên cương vị người đứng đầu UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị cũng như nhân sự ở một số cơ quan chính quyền thành phố.

Còn Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tới ngày 24/9, chưa thấy lên tiếng sau khi ông bị cáo buộc “thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội” cũng như “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm”.

Trả lời VOA Việt Ngữ mới đây, Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập đồng thời còn là chủ tịch của California Southern University (CSU) xác nhận với VOA Việt Ngữ rằng ông Anh “nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006”.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-da-nang-yeu-cau-khong-ban-chuyen-ai-di-ai-o/4042107.html

 

Con gái Võ Kim Cự bị tốmở lâu đài karaoke

trên đất cưỡng chế của vợ chồng thầy giáo

Một đoàn sư sãi cúng bái cùng sính lễ ê hề bên trong, còn bên ngoài cảnh sát thuộc nhiều sắc phục trang bị tận răng bảo vệ trật tự.

240917_3a

Đó là quang cảnh được nhà hoạt động Thảo Teresa mô tả hôm Thứ Bảy 23/09 trên Facebook, về lễ khai trương nhà hàng karaoke nguy nga như tòa lâu đài của con gái ông Võ Kim Cự. Cơ sở Karaoke Ruby Hà Tĩnh do bà Võ Thị Tú Hương đứng tên, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hà Tĩnh, hiện là tâm điểm chú ý của dư luận trong mấy ngày vừa qua.

Theo Facebooker Phạm Việt Thắng, bà Tú Hương chỉ được mời tham gia dự án, còn con gái ông Cự là Võ Thị Thủy, phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Hà Tĩnh, mới là chủ nhân thật sự của lâu đài karaoke này. Ông Cự nguyên là bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm mang nhà máy thép Formosa vào tỉnh này. Ông Cự trong mấy tháng qua liên tục mất hết mọi chức vụ do bị ban bí thư trung ương đảng cộng sản kỷ luật.

Theo VietNamNet, mảnh đất tòa lâu đài karaoke tọa lạc vốn là đất hương hỏa của bà Nguyễn Thị Oanh và chồng là ông Thái, một thầy giáo trường trung học Phan Đình Phùng. Từ năm 2005, chính quyền thành phố Hà Tĩnh thu hồi đất của gia đình bà Oanh cho một dự án làm đường. Các biện pháp thu hồi còn bao gồm gửi thư đến trường của ông Thái, yêu cầu cho ông nghỉ việc để tạo áp lực buộc giao đất. Sau khi gia đình ông đi tái định cư và ông Thái đã tạ thế, vợ ông tiếp tục khiếu nại khắp nơi nhưng không có kết quả. Đến năm 2015, bất ngờ thành phố Hà Tĩnh giao mảnh đất cho một công ty tư nhân với quyền khai thác 50 năm.

Bà Oanh nói với VietNamNet hồi giữa tháng 8 vừa qua rằng, gia đình bà đang sinh sống yên ổn bỗng nhiên thành phố lấy đất để làm dự án, nay chẳng thấy dự án đâu, chính quyền lại sử dụng đất của gia đình bà cho doanh nghiệp thuê để xây dựng nhà hàng.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/con-gai-vo-kim-cu-bi-to-mo-lau-dai-karaoke-tren-dat-cuong-che-cua-vo-chong-thay-giao/

 

Việt Nam nhập than Trung Cộng giá cao gấp rưỡi quốc tế

Một bài báo của tờ Dân Trí tố cáo rằng, Bộ Công Thương CSVN đã cho nhập cảng than của Trung Cộng với giá cao gấp rưỡi giá than quốc tế. Bài báo này xuất hiện lúc 6 giờ 30 sáng Thứ Bảy 23/09, nhưng đã bị gỡ xuống ngay trong ngày, và nay chỉ còn được các báo ngoài luồng đăng lại.

Theo báo Dân Trí, trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập cảng hơn 9.7 triệu tấn than. Trong ba thị trường cung cấp than cho Việt Nam là Nga, Trung Cộng và Indonesia, giá nhập than Trung Cộng đắt gần gấp rưỡi so với hai thị trường kia. Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan Cộng Sản Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập cảng than từ Nga khoảng 2.8 triệu tấn, với kim ngạch gần 180 triệu Mỹ kim; từ Trung Cộng 1.4 triệu tấn, với kim ngạch 100 triệu Mỹ kim; và từ Indonesia 1.8 triệu tấn, với kim ngạch 80 triệu Mỹ kim. Tính ra, mức giá nhập cảng than trung bình từ Nga là khoảng 63 Mỹ kim/ tấn, từ Indonesia là 44 Mỹ kim/ tấn, còn từ Trung Cộng là 71 Mỹ kim/ tấn, đắt gần gấp đôi giá than nhập cảng từ Indonesia.

Tờ Dân Trí cũng trích dẫn báo cáo từ Trung Tâm Dữ Liệu Hàng Hóa Thương Mại Quốc Tế của Hoa Kỳ, cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 7 năm 2016, giá than xuất cảng trung bình của thế giới chỉ ở trong khoảng từ 50 đến 54 Mỹ kim/ tấn.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/viet-nam-nhap-than-trung-cong-gia-cao-gap-ruoi-quoc-te/

 

Tướng Trung Cộng Phạm Trường Long sang Việt Nam

làm lại cuộc ‘giao lưu’ đã hủy bỏ

Tướng Trung Cộng Phạm Trường Long vừa trở lại Việt Nam để có mặt trong chương trình gọi là “giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới” giữa Việt Nam và Trung Cộng lần thứ tư, tổ chức lần lượt ở tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Cộng.

Truyền thông trong nước cho hay, sự kiện kéo dài hai ngày bao gồm một buổi tọa đàm do tướng Phạm và Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch đồng chủ tọa. Sự kiện “giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới” dự trù được tổ chức hồi tháng 6 năm nay, khi tướng Phạm đến Việt Nam trong vai trò phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Cộng. Nhưng ông ta đột ngột bỏ về nước, đồng thời hủy bỏ luôn cái gọi là “giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới” giữa quân đội hai nước.

Truyền thông quốc tế và các nguồn tin từ trong nước Việt Nam cho hay, tướng Phạm bỏ về Bắc Kinh sau khi yêu cầu Hà Nội cho ngưng khoan dầu khí tại bãi Tư Chính nhưng các lãnh đạo chóp bu Cộng Sản Việt Nam không đồng ý. Việt Nam khi đó đang cho công ty Repsol của Tây Ban Nha khai thác lô 136 nằm trên thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng lọt vào “đường lưỡi bò” của Trung Cộng. Tiếp đó có tin Trung Cộng đã đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, và Hà Nội đã buộc phải ra lệnh cho công ty Repsol ngưng khai thác khí đốt tại bãi Tư Chính.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/tuong-trung-cong-pham-truong-long-sang-viet-nam-lam-lai-cuoc-giao-luu-da-huy-bo/