Tin Việt Nam – 24/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/08/2017

Vụ Trịnh Xuân Thanh:

Nguyễn Hải Long bị bắt vì nghi làm gián điệp

Cộng hòa Czech giải giao cho Đức một người đàn ông Việt Nam bị tình nghi làm gián điệp, thuê chiếc ôtô dùng để bắt cóc cựu giám đốc dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Công tố viên Đức hôm 24/8 cho biết một người đàn ông 46 tuổi được xác định là Nguyễn Hải Long đã bị bắt ở Cộng hòa Czech ngày 12/8 và giải giao cho Đức hôm thứ Tư 23/8. Ông Long vì tình nghi làm gián điệp, đã thuê chiếc xe ôtô ở thủ đô Praha vào ngày 20/7 để sử dụng trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi tháng trước, theo tin của hãng AP.

Chính quyền Đức cáo buộc cơ quan tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23/7, và đã trục xuất các nhân viên tình báo của Hà Nội ra khỏi nước này. Tuy nhiên, Việt Nam nói rằng ông Thanh đã ra đầu thú ngày 31/7 tại Hà Nội.

Không rõ ông Long có phải là người trực tiếp lái chiếc xe này sang Đức hay không.

Các công tố viên nói rằng nghi phạm bị buộc tội là “gián điệp và có liên đới trong vụ bắt người bất hợp pháp ở Đức.”

Liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, hôm 18/8, Nhật báo TAZ của Đức loan tin rằng bà Frauke Köhler, Công tố viên Liên bang Đức, đã xác nhận có bắt giữ “một nghi can ở nước ngoài.”

Tờ Thoibao.de nói người đàn ông bị bắt giữ hôm 12/8 để điều tra có tên Nguyễn Hải Long, là một chủ văn phòng chuyển tiền MoneyGram tại chợ Sapa, thủ đô Praha.

Trang tin này còn cho biết văn phòng của ông Long cũng bị cảnh sát kiểm tra và niêm phong các tài liệu cùng nhiều trang thiết bị để phục vụ điều tra.

Trước đó người chủ doanh nghiệp cho thuê xe ở Praha, ông Bùi Quang Hiếu, cho VOA biết rằng ông đã cho một người bạn của ông ở Trung tâm Thương mại Sapa thuê chiếc xe Volkswagen 7 chỗ ngồi, màu ánh bạc, biển số xe 2AB – 3140, từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 7.

Ông Hiếu cho biết:

“Cảnh sát hình sự Liên minh châu Âu có làm việc với tôi về chiếc xe đó – cho ai thuê – và họ đã thu giữ xe của tôi ngày 28/7/2017. Người thuê là một người đồng nghiệp của chúng tôi. Cảnh sát có đến hỏi tôi một vài lần nữa. Họ hỏi tất cả các nhật ký cho thuê xe trong thời khoảng thời gian đấy. Tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin cho họ.”

Hiện nay chiếc xe bị nghi ngờ dùng để chở nhóm bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7 đã bị cảnh sát Cộng hòa Czech tạm giữ và chuyển sang Đức để phục vụ điều tra, theo ông Hiếu.

Hôm 16/8, báo Bild của Đức nói rằng chiếc xe thứ hai tham gia vụ bắt cóc là chiếc xe Audi Limousine 5 chỗ ngồi, cũng mang biển số Cộng hòa Czech và cũng là xe thuê.

Hôm 8/8, cảnh sát Cộng hòa Czech cho VOA-Việt ngữ biết cơ quan này đã chính thức mở cuộc điều tra về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, rồi đưa lên một chiếc xe đăng ký biển số Cộng hòa Czech.

Tuy nhiên, hôm 24/8, trong một email trả lời cho VOA, cảnh sát Cộng hòa Czech nói không thể tiết lộ thông tin cụ thể về người thuê xe đã bị bắt và giải giao cho Đức điều tra.

Cho đến nay chính phủ Đức vẫn quả quyết Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ nước Đức và quyết tâm làm sáng tỏ việc chính phủ nước ngoài dùng mật vụ bắt người trái pháp luật.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-trinh-xuan-thanh-nguyen-hai-long-bi-bat-vi-nghi-lam-gian-diep/3998809.html

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt

Nhà chức trách Đức đang điều tra thêm hai đối tượng liên quan đến nghi vấn bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tháng trước từ Berlin.

Một đối tượng là một công dân Việt ở Cộng hòa Czech, được nghi là một trong những kẻ bắt cóc, sẽ bị dẫn độ về Đức, AFP đưa tin.

Một đối tượng khác là ông Ho. N. T., người gốc Việt làm việc tại cơ quan nhập cư và tỵ nạn của Đức, và đã bị đình chỉ để điều tra vì nghi ngờ cung cấp thông tin cho an ninh Việt Nam.

Báo Đức cũng nói theo nguồn tin của họ nhóm an ninh sang Đức “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” có bảy người.

Trả lời BBC, Bộ Ngoại giao Đức xác nhận qua lời một người phát ngôn rằng hôm 17/8, cuộc họp cao cấp đầu tiên giữa chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh đã diễn ra tại Berlin .

Về phía Việt Nam, các báo chí vẫn tiếp tục yên lặng về cuộc khủng hoảng này.

Nhân viên Việt Nam bị đình chỉ công tác

Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (BAMF) của Đức hiện đang điều tra liệu một nhân viên người Việt của họ có tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không, hãng truyền thông DW của Đức đưa tin hôm 22/8.

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

Báo Đức viết: ‘Bắt cóc từ công viên Berlin về VN’

Theo hãng tin này, một nhân viên gốc Việt tên Ho N. T., đã bị đình chỉ công tác trong thời gian điều tra vụ bắt cóc và có thể phải đối mặt với vấn đề pháp lý.

Công dân người Việt này bị nghi ngờ là đã cung cấp “thông tin” cho nhóm an ninh Việt Nam, gồm bảy người, đã đến Berlin vào tháng 7 để bắt giữ và bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, tờ Süddeutsche Zeitung của Đức đưa tin.

Trong một bản tuyên bố được gửi tới DW, BAMF cho biết, Ho N. T. đã “được triệu tập ngay lập tức đến một cuộc họp nhân sự và cho thôi nhiệm vụ” khi các cáo buộc được công bố trên các phương tiện truyền thông ở Đức.

Nhưng cơ quan này cũng nói thêm rằng “theo thông tin hiện tại, không có mối liên hệ trực tiếp giữa nhân viên và nghi can bắt cóc.”

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Cơ quan này cũng cẩn thận nhấn mạnh rằng trong suốt sự 26 năm làm việc tại BAMF, ông Ho N. T không được giao nhiệm vụ đánh giá hồ sơ tị nạn của người Việt Nam, và tất cả nhân viên của BAMF đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thành và trung lập.

Nhưng BAMF cũng nói rằng công ty đã không được nhận thức về hoạt động “ngoài giờ” của Ho N. T.

Trang báo Đức Der Spiegel thì viết rõ hơn họ tên của người này là Ho Ngoc T.

Còn tờ thoibao.de bằng tiếng Việt ra ở Đức thì viết cho rằng Ho. N.T. là ông Hồ Ngọc Thắng, người thường có các bài bình luận khác nhau trên trang Facebook cá nhân về quan hệ Đức – Việt.

Czech dẫn độ nghi can bắt cóc người Việt về Đức

Chính quyền Czech đã đồng ý dẫn độ công dân Việt Nam về Đức liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng trước, cơ quan báo chí AFP đưa tin.

Tòa án Prague đã lệnh dẫn độ một nghi can là kẻ bắt cóc, chỉ được xác định là một công dân Việt Nam 46 tuổi, hãng tin CH Czech đưa tin hôm 23/8.

Mở rộng điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tại Czech

“Chúng tôi đã đưa ra quyết định (dẫn độ) trên cơ sở một lệnh bắt giữ châu Âu,” phát ngôn viên của tòa án Marketa Puci nói với AFP, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết về danh tính của nghi phạm.

Trước đó, ông Lê Trung Khoa của thoibao.de nói với BBC rằng một người Việt, ông Nguyễn Hải Long là chủ doanh nghiệp chuyển tiền tại Trung tâm thương mại Sapa, thủ đô Prague, Cộng hòa Czech, đã bị cảnh sát xét hỏi và tạm giữ .

Ông Long đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram và là người thuê chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ mang biển số 2AB-3140 từ ngày 20-24/7.

Hiện chiếc xe đang bị cảnh sát nghi là phương tiện được phía Việt Nam sử dụng trong vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh, nhà báo Lê Trung Khoa nói.

Hãng AFP nhận định vụ bắt cóc này đã gây ra một vết rạn nứt ngoại giao giữa Đức và Việt Nam, với Berlin triệu hồi đại sứ của Việt Nam và trục xuất một cán bộ an ninh tình báo Việt Nam đầu tháng này.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41033729

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh:

Cộng hòa Séc dẫn độ sang Đức một nghi can người Việt

Thanh Phương

Hãng tin CTK, ngày 23/08/2017, loan tin là Cộng hòa Séc sẽ dẫn độ sang Đức một người Việt Nam bị tình nghi có dính líu đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin để đưa về Việt Nam.

Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên là chủ tịch Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị chính quyền Hà Nội cáo buộc đã biển thủ hàng triệu đô la từ công ty này, nhưng đã bỏ trốn ra nước ngoài cho nên bị chính quyền phát lệnh truy nã quốc tế.

Theo báo chí Đức, ông bị một toán người vũ trang bắt cóc tại một công viên ở thủ đô Berlin ngày 23/07/2017, khi đang xin tị nạn tại Đức. Chính quyền Đức khẳng định trong vụ bắt cóc này chắc chắn có sự tham gia của cơ quan mật vụ Việt Nam. Sau đó, ngày 31/07, bộ Công An Việt Nam thông báo là ông Trịnh Xuân Thanh đã ra “đầu thú” tại Cơ quan An ninh điều tra và bản thân ông cũng đã được đưa lên đài truyền hình để xác nhận ông đã “tự nguyện” trở về nước.

Hãng tin CTK trích dẫn “một nguồn thạo tin” cho biết là một ngày sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một người Việt Nam 46 tuổi đã bị bắt giữ ở Cộng hòa Séc, trước khi bị chính phủ Đức phát lệnh bắt giữ châu Âu vào ngày 11/08.

Phát ngôn viên của một tòa án ở thủ đô Praha, Marketa Puci, ngày 23/08, nói với hãng tin AFP rằng họ đã quyết định dẫn độ người Việt nói trên sang Đức, chiếu theo lệnh bắt giữ châu Âu. Nhưng người phát ngôn này không nêu chi tiết vụ việc, kể cả danh tính của người Việt bị dẫn độ sang Đức, mà chỉ cho biết là người này đã chấp nhận bị dẫn độ. Cảnh sát Cộng hòa Séc từ chối bình luận về vụ này.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã gây tổn hại nặng nề quan hệ giữa Việt Nam với Đức, bởi vì đối với Berlin, khi cho người bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được cứu xét, Hà Nội đã vi phạm luật pháp của Đức và luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại Giao Đức đã triệu đại sứ Việt Nam tại Đức vào ngày 01/08 và tuyên bố tùy viên an ninh của tòa đại sứ là “persona non grata”, buộc nhân vật này phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng.

Ngoài ra, chính phủ Đức cho biết sẽ xem xét các biện pháp trả đũa về chính trị, kinh tế và viện trợ phát triển. Bộ Ngoại giao Đức cho biết đòi Việt Nam phải đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để họ có thể xem xét đơn dẫn độ của Việt Nam cũng như đơn xin tị nạn của ông Thanh theo đúng luật pháp Đức.

Theo hãng tin AFP, chính phủ mới của Việt Nam, được thành lập vào tháng 04/2016, đã cam kết kiên quyết chống nạn tham nhũng và cải tổ khu vực Nhà nước thiếu hiệu quả và làm ăn thua lỗ. Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc trừng trị những quan chức cao cấp là kết quả của những đấu đá nội bộ hơn là chống tham nhũng thật sự.

Trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) năm 2016, Việt Nam đứng hàng thứ 113 trên tổng số 176 quốc gia về tính minh bạch, thấp hơn những nước láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Indonesia.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170824-vu-trinh-xuan-thanh-cong-hoa-sec-dan-do-sang-duc-mot-nghi-can-viet-nam

 

Lại là bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến!

Song Chi

Hóa ra trong xã hội này ác nhất chưa chắc đã là đám công an, mặc dù bọn này chuyên bóp nặn, xách nhiễu dân lành và sẵn sàng bạo hành dân tới chết chỉ vì những lỗi vi phạm giao thông nhỏ nhặt hay những vụ việc mà bằng chứng chưa rõ ràng, ngay trong lúc mới tạm giữ để điều tra. “Thành tích” của bọn này còn thua xa một mình chị Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nước nhà. Dưới thời của chị, đã từng xảy ra bao nhiêu scandal rúng động về nghiệp vụ lẫn y đức của ngành y, bao nhiêu cái chết oan do sai sót về chuyên môn hoặc do cẩu thả, tắc trách của bác sĩ, nhân viên y tế…

Thời điểm “nóng” nhất là năm 2013. Thử đọc lại: “Những bê bối y tế rúng động dư luận 2013”, (Báo Mới) với những vụ nổi cộm như bệnh nhân phong bị ăn bớt thuốc điều trị và bị “ép” ăn thịt sống, Trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin, Nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Sản phụ liên tục tử vong, Nhân viên y tế bị “tố” ăn bớt vắc xin, Vụ tráo thủy tinh thể tại BV Mắt…cho tới vụ Bác sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân; “Những khối u đang hoành hành trong cơ thể ngành y?” (Đời sống và Pháp luật), “Ngành Y nhà Sản thời mạt” (blog RFA), “Duyệt lại “Thành tích chết người” của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến” (Dân làm báo) trong đó “Năm 2014, dưới cái “ngai bằng vàng” của bà Tiến đã liên tục xảy ra ít nhất 203 ca tử vong, trong đó nhiều nhất là 142 ca liên quan tới Sởi và 34 ca liên quan tới mẹ, con sản phụ tử vong sau khi sinh…”

Người dân phẫn nộ nhất là cách xử lý của bà Bộ trưởng và các quan chức ngành Y trong những vụ như dịch “tay chân miệng” tràn lan tại 63 địa phương trên cả nước vào năm 2011, 20 tỉnh, thành có ca bệnh tử vong với con số 119 người, nhưng tại buổi gặp mặt giữa Bộ Y tế và báo chí, bà Bộ trưởng vẫn tuyên bố “chưa đến mức phải công bố dịch”; hay hàng loạt sản phụ tử vong rồi trẻ em tử vong vì tiêm vaccine nhưng bà Bộ trưởng với trách nhiệm của người đứng đầu ngành không hề có một lời chia sẻ với gia đình các bệnh nhân, hoặc ngỏ lời xin lỗi…

Đáng nói hơn, báo chí đã lên tiếng nhiều lần về vụ hàng loạt trẻ em chết vì tiêm vaccine, nhất là vaccine Quinvaxem 5 trong 1, nhưng cho đến nay loại vaccine này vẫn tiếp tục được sử dụng, đến tận đầu năm nay vẫn có những cái chết do tiêm vaccine: “Bình Định: Trẻ 19 ngày tuổi tử vong bất thường sau tiêm vắc xin phòng lao”, Dân Trí, tháng 2.2017), Sóc Trăng “Bé trai tử vong sau một ngày tiêm vắc xin”, (Zing.vn, tháng 2.2017). Hà Nội “Bé gái 14 tháng tử vong sau tiêm vắc xin viêm não” (VietnamNet, tháng 3.2017)…

Từng có hẳn một Fanpage có tên “Bộ trưởng y tế hãy từ chức” với trên 112, 000 like, nhiều bài viết, sự lên tiếng của một số nhân vật như nhạc sĩ Tuấn Khanh, người dẫn chương trình Phan Anh, đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết…; rồi chính tờ Petro Times, báo nhà nước cũng có bài “Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức”, năm 2013. Trong lịch sử báo chí cộng sản Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên một tờ báo lên tiếng kêu gọi bộ trưởng từ chức. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn nhất định ngồi lì “Tôi không nghĩ đến từ chức ngay”. Không những thế, bà Tiến còn tiếp tục được đảng cử ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nữa (2011-2016, 2016-2021), là thành viên Chính phủ duy nhất tiếp tục tại vị khi không phải là uỷ viên Trung ương Đảng.

Bẵng đi một thời gian, cái tên của bà Bộ trưởng và những sai sót của ngành Y tạm lắng xuống, không phải vì tình hình đã có diễn biến gì khá hơn mà vì quá nhiều chuyện bê bối khác khiến dư luận quan tâm!

Nay vụ án nhập và bán thuốc ung thư giả, nguyên Giám đốc VN Pharma và hàng loạt cán bộ ra tòa, cái tên Nguyễn Thị Kim Tiến lại được nhắc tới khi báo chí “lề dân” khui ra gia đình bà Tiến là em trai và con trai có đứng tên cổ phần trong Công ty Dược VN Pharma, có nhận lương bổng hàng tháng, “ông Hùng (Tổng giám đốc VN Pharma) còn đứng ra trả tiền mua cho gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tiến một căn biệt thự rộng 500m2 trị giá gần 60 tỉ đồng tại khu biệt thự Thảo Điền, Quận 2 (đây là ngôi biệt thự liền kề ngay sau biệt thự của nhà Bà Bộ trưởng tại số 177 Nguyễn Văn Hưởng) (Có ảnh kèm theo).” (Bài 1: “Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan đến VN Pharma”, Tiếng Dân). Chả trách công ty VN Pharma đã trúng thầu hàng loạt tại các BV trung ương và địa phương năm 2014 với những số tiền cao khủng khiếp (Bài 2: “Công ty VN Pharma trúng thầu khủng ở các bệnh viện như thế nào?”, Tiếng Dân). Nhưng ăn khủng như vậy chưa đủ, họ lại còn nhẫn tâm bán thuốc chữa ung thư giả cho bệnh nhân!

Con đường đi lên và tồn tại của bà Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giống như hầu hết các quan chức cộng sản VN lâu nay: không hề có lý tưởng cũng không hề có khái niệm vì nước vì dân, chỉ biết vơ vét làm giàu bằng mọi giá, dùng tiền đó để mua chức, giữ ghế, tạo dựng cơ sở để khi về hưu tha hồ ung dung hưởng nhàn. Không một ai trong số họ khi đã leo cao đến thế lại còn giữ được lương tâm, đạo đức, vì tiền họ sẵn sàng làm tất cả mọi điều tàn ác, bẩn thỉu nhất. Chỉ có điều đây lại là ngành Y, một cái ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống của người dân, nên một khi kẻ đứng đầu vô lương tâm thì con số người dân phải trả giá không chỉ một vài mà hàng chục, hàng trăm người hoặc hơn nữa, bằng chính sinh mạng của mình!

Liệu lần này lửa trong cái lò chống tham nhũng của ông Tổng Trọng có bén được đến áo bà Tiến?

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-health-minister-nguyen-thi-kim-tien-sc-08242017081147.html

 

Quảng Ngãi dẫn đầu số tàu cá

xâm phạm lãnh hải nước ngoài

Năm 2016 có 24 tàu cá với 336 thuyền viên, 6 tháng đầu năm 2017 có 13 tàu cá bị bắt giữ với 191 thuyền viên bị bắt vì xâm phạm lãnh hải nước ngoài.

Đó là số liệu được cung cấp trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác với chính quyền xã và ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 23/8.

Bình Châu là xã có số lượng tàu và ngư dân bị bắt giữ do xâm phạm lãnh hải cao nhất. Chỉ trong vòng một tháng qua, xã này đã có tới 14 tàu cá với hàng trăm ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm hoặc cướp tài sản.

Trong khi đó trong vòng 5 năm qua, cả tỉnh quảng Ngãi có 126 lượt tàu cá với hơn 1.500 ngư dân bị bắt. Tính riêng nửa đầu năm nay, số tàu bị bắt của tỉnh này là 98.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết thời gian gần đây phía Trung Quốc tăng cường tấn công ngư dân Quảng Ngãi trên quần đảo Hoàng Sa. Trong vòng 3 tháng qua, tỉnh này có 21 tàu cá với 136 ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công tại quần đảo này.

Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo và ngư dân huyện Bình Sơn nói rằng cần phải tăng cường thêm lực lượng kiểm ngư và cảnh sát bảo vệ ngư trường để người dân yên tâm đánh bắt. Ngoài ra, các biện pháp như xử phạt nặng hơn, xử lý mạnh hơn với những đối tượng môi giới, cầm đầu cũng được nêu ra.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quangngai-leads-number-of-fishing-boats-violating-foreign-territorial-waters-08242017120755.html

 

Doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ Philippines sang Việt Nam

Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Philippines Ho Ik Lee nói rằng các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Philipines đang đóng cửa và chuyển sang Việt Nam, báo PhilStar Global cho biết hôm 23/8.

Ông Lee nói: “Chúng tôi muốn đầu tư ở đây trong lĩnh vực sản xuất, nhưng thật không may, nhiều công ty Hàn Quốc ở đây đang bỏ Philippines và chuyển đến Việt Nam.”

“Khi tôi hỏi tại sao họ lại rời Philippines, họ nói là vì chi phí quá cao. Chi phí cao gần gấp ba lần so với Việt Nam. Chi phí cao hơn đang giết chết ngành sản xuất và đó là lý do tại sao các công ty Hàn Quốc đang chuyển sang Việt Nam,” ông Lee nói.

Ông Lee cho biết các công ty Hàn Quốc, chủ yếu là trong các ngành may mặc và điện tử, đã chỉ ra rằng “việc tận dụng lao động giá rẻ không còn hấp dẫn” ở Philippines nữa.

Ông Lee cho biết thêm: “Một trong những lý do tại sao tôi nói rằng chi phí ở đây cao hơn Việt Nam ba lần là do phí cơ sở hạ tầng, bởi vì chi phí vận chuyển và kho bãi ở đây quá cao và chi phí cho chính phủ, Cục Hải quan – BOC, và những thứ phí khác cũng góp phần làm gia tăng giá thành.”

Ông Lee chia sẻ: “Một khi họ đầu tư vào đây, họ muốn biết ưu đãi ở đây là gì? Bây giờ họ ra đi. Chúng tôi không yêu cầu mở cửa đất nước của quí vị. Nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu đất nước của quí vị hãy làm tương tự như các nước châu Á khác như Indonesia và Việt Nam.”

“Thị trường trong nước thực sự tốt nên các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đầu tư vào đó, không chỉ giới hạn đầu tư trong các khu kinh tế Philippines (PEZA) mà thôi. Nhưng để đầu tư vào thị trường nội địa, các quy định của chính phủ lại quá chặt chẽ và lại có nhiều hạn chế đối với các cổ đông nước ngoài. Hãy tăng thêm ưu đãi,” ông nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc kêu gọi chính phủ hãy tăng cường nỗ lực để phát triển ngành sản xuất để có thể nâng cao vị thế kinh tế của Philippines.

Nguồn: Asia Times và Philstar

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tang-cuong-tan-cong-mang-chinh-phu-viet-nam/3999017.html

 

Trung Quốc tăng cường

tấn công mạng Việt Nam trước thềm APEC

Một báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye gửi cho VOA hôm 24/8 cho thấy thấy một nhóm hacker của chính phủ Trung Quốc tấn công các quan chức chính phủ Việt Nam qua mạng để giành lợi thế trong các thương thảo về thương mại sắp tới.

Báo cáo của FireEye phát hiện ra hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ Việt Nam bằng các email giả mạo liên quan đến các chủ đề kinh tế của ASEAN và APEC nhằm lấy thông tin từ người nhận. Dựa trên những tương đồng về hành động thâm nhập mạng trước đây, FireEye khẳng định hoạt động này được tiến hành từ Trung Quốc có liên quan tới nhóm Bolo.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về tình báo mạng của FireEye Fred Plan cho VOA biết do tầm quan trọng về địa chính trị, đặc biệt khi các vấn đề biển Đông và cạnh tranh kinh tế đang tăng cao, Việt Nam sẽ tiếp tục là mục tiêu của các hacker Trung Quốc.

“Họ dùng phần mềm độc hại 008S Trojan để tấn công tài khoản của các quan chức chính phủ Việt Nam qua các email có gắn kèm các tài liệu về các vấn đề kinh tế của ASEAN cũng như các cuộc họp APEC ở Việt Nam từ đầu năm nay để đánh cắp mật khẩu và thông tin người dùng.”

Theo các chuyên gia, Trung Quốc luôn tìm cách theo dõi hệ thống máy tính của các chính phủ nước ngoài. “Họ muốn biết về các đề tài thảo luận của các cuộc thương lượng về thương mại cũng như của các nhà ngoại giao trước khi bước vào thương lượng,” theo Adam Segal, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc và giám đốc chính sách an ninh mạng của trung tâm nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở New York và Washington DC nói với BuzzFeed.

Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Carl Thayer của học viện Quốc phòng Úc nói “Trung Quốc, cũng giống như nhiều quốc gia khác, không ngại ngần gì về việc ăn trộm hay thâm nhập bất hợp pháp vào các bí mật thương mại của các nước khác.”

Nhà phân tích chính trị và quốc phòng của khu vực nói với VOA rằng đây sẽ là một mối đe dọa thường trực đối với bất kỳ nhà ngoại giao nào của khối ASEAN về cả khía cạnh thương mại và chiến lược chính trị.

Báo cáo của FireEye kết luận rằng hoạt động của hacker Trung Quốc nhằm thu thập thông tin về các chính sách kinh tế thương mại từ quan chức chính phủ Việt Nam để có được lợi thế về chính trị. Sau khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ bể, các hiệp định thương mại tự do của khối ASEAN và APEC sẽ trở thành mục tiêu nhắm đến. Trung Quốc coi Việt Nam là một đối thủ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.

Nhà phân tích Plan của FireEye và giáo sư Thayer đều cho rằng Việt Nam ý thức được mối đe dọa an ninh mạng từ Trung Quốc đặc biệt từ vụ tấn công hệ thống máy tính của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vào tháng 7 năm ngoái, không lâu sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

“Những cuộc tấn công mạng vào các sân bay của Việt Nam năm ngoái chỉ là ví dụ gần đây nhất. Các website chính phủ bị tấn công và làm tê liệt. Chỉ trước đại hội Đảng 12 vào tháng 1/2016, một người Việt Nam đã bị kết án vì cung cấp những thông tin mật cho Trung Quốc,” theo giáo sư Thayer.

Trong con mắt của các cơ quan an ninh Úc và Mỹ, Trung Quốc được coi là một trong những nước hung hăng nhất trong hoạt động gián điệp kinh tế thông qua điệp viên và gián điệp mạng, theo giáo sư Thayer.

Nói với VOA, chuyên gia phân tích Plan của FireEye cho hoạt động này đã tăng trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Và mặc dù các hacker Trung Quốc dùng các thủ thuật rất phổ biến là “spear phishing” nhưng chính phủ Việt Nam cần thận trọng và nâng cấp hệ thống máy tính cũng như đào tạo về an ninh tốt hơn cho các quan chức chính phủ. Giáo sư Thayer cũng nhận định rằng trong bối cảnh mạng toàn cầu làm cho việc bảo vệ các bí mật quốc gia khó khăn hơn, không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng luôn cập nhật với các hệ thống an ninh máy tính tốt nhất.

Theo thống kê từ một nghiên cứu cách đây 3 năm của nhóm APWC chống lừa đảo ăn cắp thông tin trên mạng, Trung Quốc đứng sau 85% các cuộc tấn công bằng phương pháp phishing trên toàn cầu.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tang-cuong-tan-cong-mang-chinh-phu-viet-nam/3999017.html