Tin Việt Nam – 24/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/07/2018

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tiếp tục tuyệt thực

Nữ tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Blogger Mẹ Nấm, từ chối tiếp nhận quà từ gia đình gửi đến Trại giam Số 5, Yên Định, Thanh Hóa.

Tin này được bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm thông báo trên mạng xã hội, sau khi bà nhận được thư báo từ trại giam rằng con gái bà không nhận thùng thực phẩm mà gia đình gửi ra cho người nữ tù nhân chính trị này.

Chiều ngày 24/7/2018, Bà Tuyết Lan từ Nha Trang cho đài RFA biết như sau:

Theo cái văn bản đề ngày 18/7 họ gởi cho tôi mà sáng nay tôi mới được nhận, thì chứng tỏ là đến ngày đó con tôi vẫn tuyệt thực, cho đến nay tôi không có thông tin gì cho biết con tôi đã ngừng tuyệt thực hay chưa, sức khỏe ra sao. Tôi đã viết cho họ một cái đơn yêu cầu cho tôi gặp con vào ngày 26/7, nhưng không được trả lời. Gia đình chúng tôi không có một thông tin nào về con hết. Họ có cho số điện thoại in trên thơ, nhưng tôi gọi hoài mà không ai bắt máy. Tôi rất hoang mang.”

Vừa qua bà Nguyễn thị Tuyết Lan cho biết con gái của bà bắt đầu tuyệt thực trong trại giam kể từ ngày 6 tháng 7 vừa qua. Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho mẹ biết sẽ không ăn bất cứ thực phẩm gì, kể cả những thức ăn do gia đình gửi vào như trước đây.

Tổ chức Mạng lưới blogger Việt Nam vừa ra thông báo về tình trạng tiếp tục tuyệt thực của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Bức thư được gửi đến các tổ chức quốc tế, các tòa đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, nói rằng cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã tuyệt thực trong trại giam số 5 ở tỉnh Thanh Hóa để phản đối những hành động khủng bố của trại giam, cũng như chế độ nhà tù hà khắc.

Lá thư kêu gọi mọi tổ chức và cá nhân lên tiếng phản đối để bảo vệ blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một blogger nổi tiếng tại Việt Nam vì những hoạt động dấn thân vì nhân quyền, vì môi trường và chống Trung Quốc xâm lược. Cô bị bắt vào năm 2016, và tại phiên tòa tháng 6 năm 2017, cô bị xử án 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

Cô từng được Hoa Kỳ vinh danh là ‘người phụ nữ quốc tế can đảm’ năm 2017. Ngoài ra cô còn nhận được một số giải thưởng của các tổ chức nhân quyền quốc tế tưởng thưởng cho những lên tiếng vì quyền con người, môi trường sống tại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/blgger-mushroom-hunger-strike-07242018082818.html

 

Biểu tình ở Phan Rí: 10 người bị kết án 27 năm

10 người xuống đường biểu tình ở Phan Rí hồi tháng 6 đã bị tuyên án tổng cộng 27 năm tù giam, sau khi phiên xét xử sơ thẩm kết thúc hôm 23/7, theo VTC News.

Tòa án Nhân dân huyện Tuy Phong tuyên án 10 bị cáo có hành vi ‘Gây rối trật tự công cộng’ trong buổi biểu tình hôm 10/6 tại thị trấn Phan Rí Cửa.

Theo cáo trạng, từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm ngày 10/6, hàng trăm người dân đã tụ tập ở Quốc Lộ 1A, khu cầu Nam, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong.

Một số người trong đó có 10 bị cáo đã “la lối, kích động đám đông, phá phách, gây xáo trộn, chặn các phương tiện lưu thông làm cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng” trên QL1A.

10 bị cáo hầu hết gồm các thanh niên từ 18-30 tuổi, và bị tuyên án tù từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng.

Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?

Quốc Hội VN lùi đặc khu, kêu gọi dân ‘bình tĩnh’

Người nhà của một trong 10 bị cáo cho BBC biết chỉ hai thân nhân của mỗi bị cáo được phép dự phiên tòa.

Bà H., mẹ của một bị cáo cho BBC biết hôm 24/7 rằng, con trai bà có thể kháng cáo sau 15 ngày nhưng gia đình không có kiến thức pháp luật và không khả năng tài chính để thuê luật sư để làm đơn kháng cáo và giảm án cho con.

Nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, và chỉ biết “vò đầu bứt tai”, bà H. nói.

Trước đó hôm 12/7, TAND TP Phan Thiết đã kết án 7 người khác từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù giam, cũng vì tội gây rối mất trật tự công cộng tại cuộc biểu tình hôm 10-11/6 ở Phan Thiết.

Một số bị cáo bị buộc tội ném vỏ chai bia, ném gạch đá, bom xăng tự chế vào UBND tỉnh Bình Thuận và lực lượng công an.

Cũng cùng tội trạng trên nhưng liên quan đến cuộc biểu tình hôm 10/6 ở TP HCM, thanh niên người Mỹ gốc Việt William Anh Nguyễn bị xử phạt trục xuất ngay lập tức sau hôm 20/7.

Will Nguyễn ‘lên máy bay rời Việt Nam’

Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người

Chuyện gì đã xảy ra ở Phan Rí?

Theo như lời kể của ba nhân chứng tại Phan Rí kể cho BBC hôm 12/6, cuộc biểu tình đã nổ ra trong hai ngày 10-11/6.

“Một nhóm bà con cầm băng rôn, biểu ngữ ‘Phản đối đặc khu’ đến khu vực Cầu Nam, thuộc tuyến đường QL1, trong đầu nghĩ ôn hoà thôi, nhưng muốn chặn đường để được chính quyền chú ý,” một nhân chứng giấu tên kể lại cho vụ việc sáng Chủ nhật 10/6.

Tuy nhiên sang Thứ Hai, tình hình trở nên căng thẳng khi có sự xuất hiện của hàng chục cảnh sát cơ động ở khu vực cầu Nam, sau đó một người dân “bị thương” khi tiến về phía CSCĐ.

Vụ việc gây bức xúc cho người dân, khiến căng thẳng nổ ra vào giữa trưa 11/6. Người dân ném đá về phía CSCĐ, sau đó dồn về trụ sở PCCC, nơi hàng chục cảnh sát phải tháo bỏ giáp, và nhiều xe chữa cháy, xe cảnh sát bị thiêu rụi.

Một nhân chứng nhấn mạnh với BBC rằng ”những người ném đá là những thanh niên rất lạ mặt, hoặc đeo khẩu trang, nhưng lại hiếu chiến, kích động, khiến cho mọi việc đi quá đà.”

“Và chính người dân là người khuyên can họ đừng đốt trụ sở PCCC, những “lực lượng thanh niên này tràn vào tự làm theo ý họ.”

“Bà con không hề có ý định chống lại chính quyền, chỉ muốn chính quyền lắng nghe nguyện vọng.”

Người dân cho BBC biết họ biểu tình phản đối vì tình trạng giã cào nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều người dân địa phương làm nghề đánh cá.

Hai nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân liên tục xả thải trong nhiều năm qua càng sự thù hằn với Trung Quốc ngày càng sâu đậm.

Một số người dân tại Phan Rí vẫn khẳng định với BBC rằng cuộc biểu tình ôn hòa của họ hôm 10-11/6 là đúng đắn.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44933713

 

Thêm hai người biểu tình được nói ra đầu thú

Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bình Thuận vào ngày 24 tháng 7 thông báo có thêm hai đối tượng bị cho gây rối trong đợt bạo động tại Phan Rí Cửa diễn ra hôm ngày 10/6 đã ra đầu thú với cơ quan địa phương.

Theo cơ quan an ninh điều tra hai đối tượng này là Bùi Thanh Tư (28 tuổi) và Nguyễn Văn Tiến (20 tuổi) cả hai đều trú tại thị trấn Phan Rí Cửa tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, hai đối tượng này cùng với 5 người khác đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Bình Thuận truy tố với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản” xảy ra tại đợt biểu tình chống luật Đặc Khu và An Ninh mạng diễn ra hôm ngày 10/6 tại Bình Thuận.

Kể từ ngày 12 tháng 7 cho đến nay, Tòa án huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt 17 người tham gia biểu tình tại Bình Thuận với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” với mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 3 năm rưỡi tù giam.

Xin nhắc lại, Dự luật cho nước ngoài thuê đất làm đặc khu tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong 99 năm, hay còn gọi tắt là Luật Đặc khu, vấp phải phản đối của người dân vì lo ngại các đặc khu này sẽ giúp giới đầu tư Trung Quốc thâu tóm đất đai của Việt Nam.

Nhiều cuộc biểu tình ôn hòa phản đối dự luật Đặc khu diễn ra trên khắp cả nước trong hai ngày cuối tuần 9-10/6. Riêng tại Bình Thuận đợt biểu tình diễn ra từ ngày 10 sang đến ngày 12 tháng 6 và có bạo động. Đây được nhận xét là đợt biểu tình có quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975.

Vào ngày 17 tháng 6, lực lượng chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh rat ay bắt tất cả những ai mà họ cho là sẽ tham gia biểu tình. Hằng trăm người bị đưa về trại giam dã chiến ở Công Viên Tao Đàn. Sau khi được thả, một số cho biết bản thân họ hay họ chứng kiến người khác bị hành hung một cách dã man.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-mor-protesters-in-phan-ri-cua-surrendered-07242018083925.html

 

Nhân quyền Việt Nam:

Không thể trông đợi từ chiêu bài ‘mặc cả’

Cát Linh, RFA

Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam có hai sự kiện được giới quan sát chính trị trong nước nhận định là nổi bật và gây bất ngờ lớn. Thứ nhất là chính quyền Hà Nội trục xuất gia đình luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thị Thu Hà. Thứ hai là phiên toà xử công dân Mỹ gốc Việt, William Nguyễn.

Hai sự việc này có phải là tín hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía và nhân quyền Việt Nam đang có hy vọng được cải thiện?

‘Mặc cả’, đàm phán

Nhận xét  chung về bản chất của hai sự việc, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng cả 2 vụ việc đều là chiến thuật hay 1 cách thức mà phía những người Cộng sản vẫn sử dụng thường xuyên. Đó là cách mà ông và các nhà hoạt động khác gọi là “mặc cả”.

“Cái thủ thuật đó là dùng các nhà hoạt động, các tù nhân chính trị để mặc cả về những lợi ích cho họ. Họ coi đó là 1 nửa trong những đánh giá về tiến bộ hay cải thiện về tình hình nhân quyền trong cả nước. Đối với tôi và nhiều người khác nữa nếu biết về chuyện của những người Cộng sản thì đó là những chuyện rất bình thường, không có gì khác lạ cả.”

Cái thủ thuật đó là dùng các nhà hoạt động, các tù nhân chính trị để mặc cả về những lợi ích cho họ. Họ coi đó là 1 nửa trong những đánh giá về tiến bộ hay cải thiện về tình hình nhân quyền trong cả nước. Đối với tôi và nhiều người khác nữa nếu biết về chuyện của những người Cộng sản thì đó là những chuyện rất bình thường, không có gì khác lạ cả. – Nguyễn Chí Tuyến

Đề cập đến hành động trục xuất, Linh mục Phan Văn Lợi nhắc đến những trường hợp nhà cầm quyền Việt Nam từng thực hiện trong quá khứ với các nhân sĩ tri thức, các nhà hoạt động khác như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông cũng gọi đó là sự “mặc cả” để “nhổ cái gai trước mắt”

“Tức là những nhà tranh đấu đó không thể cho sống trong nước để gây rối cho nhà cầm quyền. Đồng thời đó cũng là 1 trò mặc cả của nhà cầm quyền, họ coi các tù nhân lương tâm như những con bài để trao đổi với quốc tế. Đó là vụ của luật sư Nguyễn Văn Đài. Còn với vụ Will Nguyễn, đó là một hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà nước Việt Nam. Nhưng bắt rồi thì họ phải xử thôi.”

Hình thức quen thuộc này cũng là một nhận định được đưa ra từ Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Phạm Chí Dũng, là người theo dõi sát sao và lên tiếng rất mạnh mẽ cho nhân quyền của Việt Nam.

“Với Việt Nam, cách thoả hiệp, trả treo, mặc cả của họ từ trước đến giờ chỉ có 1 bài, đó là đổi nhân quyền lấy thương mại, đổi nhân quyền lấy an toàn cá nhân, hay trước mắt là họ đổi luôn tù nhân lương tâm cho thương mại hay an toàn cá nhân cho họ.

Muốn tù nhân lương tâm thì quá dễ vì trong kho của họ đầy ăm ắp.”

Nói về sự trao đổi, “mặc cả” để đổi tù nhân lương tâm lấy thương mại, theo cách phân tích của nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, các hiệp định kinh tế thương mại Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết chứng minh rất rõ điều này. Theo ông, Việt Nam đang trong 1 nền kinh tế rất khó khăn với tình trạng luôn luôn bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam không được thừa nhận bởi những định chế về tài chính, hoặc các nguồn vay ODA.

Tuy không có sự khẳng định nào từ cơ quan ngôn luận của cả hai phía là Đức và Việt Nam, nhưng những nhà quan sát tình hình trong nước đều có cùng nhận định rằng việc trục xuất gia đình luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thị Thu Hà chính là một cuộc trao đổi cho Hiệp định Tự do thương mại với Liên minh Châu Âu EVFTA.

Không hy vọng cải thiện nhân quyền

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về có hay không một tia sáng cho nhân quyền Việt Nam thông qua 2 sự việc trên, thì chỉ riêng Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng có 1 góc nhìn tích cực hơn các ý kiến khác. Ông đánh giá rằng tình hình nhân quyền Việt Nam đang bước sang 1 trang mới.

“Điều đó cho thấy sức mệt mỏi của Việt Nam đã rơi vào vùng giới hạn dưới rồi, không còn sức để có thể kéo dài hơn, căng hơn nữa. Nó phải chấp nhận thoả hiệp, thương lượng. Tôi cho là khi chấp nhận thả Nguyễn Văn Đài, mà đối với tôi, Nguyễn Văn Đài là nhân vật hiệu quả nhất trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, thì có nghĩa là cái cơ của chính quyền Việt Nam đã yếu lắm rồi. Điều đó cho thấy 1 bước ngoặt lớn đối với nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện như thế nào.”

Ngược lại, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng 2 sự việc trên lại là “một thoả thuận ngầm giữa đôi bên”

“Tôi nghĩ thế thôi chứ nói về cải thiện tình hình nhân quyền thì không có đâu.”

Linh mục Phan Văn Lợi cũng không có hy vọng đó là tín hiệu về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam:

“Điều này không nói lên thiện chí chi của nhà cầm quyền Cộng sản cả. Họ không bao giờ có thiện chí về nhân quyền cả.”

Điều này không nói lên thiện chí chi của nhà cầm quyền Cộng sản cả. Họ không bao giờ có thiện chí về nhân quyền cả. – Linh mục Phan Văn Lợi

Với vụ của luật sư Nguyễn Văn Đài, báo chí trong nước hoàn toàn không đưa tin tức về những lần lên tiếng của các  tổ chức nhân quyền thế giới, đặc biệt của Liên minh Châu Âu EU.

Với trường hợp của Will Nguyễn, dư luận từng hy vọng ông Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trở về Mỹ cùng với công dân Will Nguyễn. Tuy nhiên, ngay cả khi ông đã về Mỹ, chính ông và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đưa ra phát ngôn nào để cho người Việt Nam một hy vọng về tự do cho Will. Chỉ đến khi có sự can thiệp của hàng chục dân biểu Hoa Kỳ vận động cho chiến dịch trả tự do cho William Nguyễn, thì lúc đó sự can thiệp của Hoa Kỳ mới thật sự thể hiện rõ.

Nhất là câu trả lời của ông dân biểu Alan Lowenthal trước khi phiên toà diễn ra: “Quốc hội Mỹ đang nghiêm túc xem xét những hậu quả có thể xảy ra nếu VN bỏ tù Will.”

Chính quyền Việt Nam đã không để xảy ra hậu quả nào đáng tiếc.

Kết hợp những chi tiết này cùng với sự việc CH Sec từ chối cấp visa cho lao động Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định “Việt Nam đang rất cô độc và đang đối diện trước sức ép phải cải thiện từ các quốc gia khác.”

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

“Việt Nam đang hoàn toàn đơn độc trong mọi khía cạnh từ kinh tế đến ngoại giao.”

Tuy nhiên, ông không cho rằng vì sự đơn độc ấy mà Việt Nam đang có sự tiến bộ, cải thiện về nhân quyền. Ông nhìn thấy một quá trình rất dài nhà cầm quyền đã nắm giữ quyền lực 1 cách tuyệt đối và họ chỉ nhượng bộ khi họ chịu 1 sức ép đủ mạnh.

Điều đó cho thấy sức mệt mỏi của Việt Nam đã rơi vào vùng giới hạn dưới rồi, không còn sức để có thể kéo dài hơn, căng hơn nữa. Nó phải chấp nhận thoả hiệp, thương lượng. Tôi cho là khi chấp nhận thả Nguyễn Văn Đài, mà đối với tôi, Nguyễn Văn Đài là nhân vật hiệu quả nhất trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, thì có nghĩa là cái cơ của chính quyền Việt Nam đã yếu lắm rồi. Điều đó cho thấy 1 bước ngoặt lớn đối với nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện như thế nào. – Phạm Chí Dũng

Và điều đó, ông khẳng định, nó phải đến từ chính người dân Việt Nam.

“Khi người dân đủ hiểu biết, đủ can đảm, đủ sự trưởng thành về chính trị và ý thức về pháp luật thì người ta sẵn sàng thách thức quyền lực độc tôn đó. Khi số lượng ngày càng đông, nhận thức ngày càng sâu về các quyền của họ thì họ đòi hỏi những cái đó, tạo thành các áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam.

Cộng thêm những áp lực về mặt ngoại giao, dần dần buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trao lại quyền cho người dân, từ nhân quyền cho đến quyền về chính trị và dân sự khác.”

Một cách nói khác, nhưng cũng cùng ý kiến trên, Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng người Việt Nam có quyền hy vọng về tự do nhân quyền qua các sự việc xảy ra từ đầu năm 2018 đến nay.  Nhưng theo ông, phải có 1 áp lực thứ hai từ các người dân trong nước. Đó chính là các tổ chức xã hội dân sự lớn, như các tôn giáo và tổ chức XHDS nhỏ như các tổ chức XHDS độc lập.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Human-right-in-vn-can-not-expected-from-the-trading-deal-07232018145829.html

 

Will Nguyễn ‘cần thời gian hồi phục’

Gia đình nói Will Nguyễn cần được yên tĩnh sau khi về Mỹ trong khi cựu sinh viên ĐH Yale buộc tội hiệu trưởng đã không công khai đấu tranh cho tự do của anh.

Tin Will Nguyễn được thả tự do sau 41 ngày bị giam ở Việt Nam với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khiến những người ủng hộ anh thở phào.

Trước đó, ai cũng sợ rằng chính phủ Việt Nam sẽ bỏ tù Will Nguyễn với mức án tối đa tới bảy năm, theo trang tin Yale Daily News của Đại học Yale nơi Will Nguyễn từng theo học,

Trong suốt một tháng vừa qua, các nhà lập pháp, dân biểu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng trước công luận, và sinh viên Đại học Yale đấu tranh không ngừng ‘ở hậu trường’ để đảm bảo rằng Will được trở về nhà an toàn.

Hiệu trưởng ĐH Yale ‘gây thất vọng’

Tuy nhiên, những người ủng hộ Will Nguyễn nói ‘thất vọng lớn nhất’ là việc Hiệu trưởng Đại học Yale, Peter Salovey, đã không công khai kêu gọi trả tự do cho Will, bài viết trên Yale Daily News cho hay.

“Chúng tôi vô cùng buồn và thất vọng vì ban lãnh đạo trường Đại học Yale đã không đưa ra yêu cầu hay bình luận công khai nào,” Mary-Alice Daniel, một bạn thân của Will Nguyễn, người giúp điều phối phản ứng của cựu sinh viên Yale đối với việc Will bị giam giữ, nói với Yale Daily News.

“Thật đáng lo ngại khi các giá trị của các cựu sinh viên không đồng bộ với các giá trị của ban lãnh đạo trường. Chúng tôi muốn, nhưng không trông đợi, một lời giải thích liên quan đến việc họ thiếu nỗ lực hành động công khai và cả với tư cách cá nhân.”

Sau khi Will Nguyễn được thả tự do, Hiệu trưởng Đại học Yale, ông Salovey nói rằng ông “rất vui mừng”.

Ông cũng đã công bố một số lời cảm ơn tới “rất nhiều quan chức” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh vì đã giúp đỡ Will Nguyễn, và tới bạn bè, người thân của Will Nguyễn vì nỗ lực vận động của họ.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/7 với Yale Daily News, khi Will Nguyễn vẫn đang chờ xét xử, Daniel bày tỏ sự thất vọng rằng Đại học Yale đã không nỗ lực làm việc với cô và những người khác, bất chấp yêu cầu giúp đỡ của họ.

“Chúng tôi rất bối rối, nhưng tôi quá mệt mỏi để tức giận”, cô nói vào thời điểm đó.

Will Nguyễn ‘lên máy bay rời Việt Nam’

Will Nguyễn sút cân, bị chuyển phòng giam

Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người

Trong khi đó, Pericles Lewis, phó hiệu trưởng Đai học Yale, nói rằng đối với Yale, sẽ hiệu quả khi sử dụng “ngoại giao yên lặng” để giúp Will Nguyễn hơn là gây áp lực công khai.

Ông nói thêm rằng sự kết hợp những nỗ lực công khai và cá nhân từ những người ủng hộ của Nguyễn, bao gồm cả Đại học Yale, “đã đạt kết quả tốt.”

Hôm 21/7, Mary-Alice Daniel cảm ơn Mạng lưới Cựu sinh viên Yale đã giúp thu hút giới truyền thông đưa tin về việc Will Nguyễn bị bắt giữ.

“Chính từ một bài đăng trên Facebook của cựu sinh viên Đại học Yale đã đem lại rất nhiều hỗ trợ và nguồn lực,” Daniel nói với News. “Nếu không có Mạng lưới Cựu sinh viên Yale, chúng tôi đã không thể liên lạc được với rất nhiều người để tin tức về chiến dịch thả tự do cho Will Nguyễn được phủ sóng rộng rãi như vậy.”

‘Will cần hồi phục’

Will Nguyễn cùng gia đình hiện đang ở Singapore và sẽ quay lại Houston, Mỹ, vào 1/8, theo thông tin trên Facebook của em gái Will, cô Victoria Nguyễn,

Gia đình Will Nguyễn gửi lời cám ơn tới tất cả cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ kêu gọi thả tự do cho anh.

Em gái Victoria Nguyễn bày tỏ nguyện vọng để Will Nguyễn có được khoảng thời gian riêng tư sau sự kiện vừa qua.

“Điều xảy ra với Will rất chấn động, và trên hết, anh ấy không biết câu chuyện của mình đã được chú ý đến mức nào.”

“Anh ấy đã hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, và thông tin bị giới hạn trong ba buổi gặp, mỗi buổi 30 phút với đại diện lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam… Anh ấy vẫn bị sốc khi nhìn thấy những hình ảnh của chính mình…”

“Vì vậy, anh ấy cần thời gian cho bản thân để đối phó với chấn thương, để tĩnh tâm, để trở về cuộc sống bình thường. Tôi mong mọi người có thể giúp anh ấy có được thời gian cho riêng mình.”

Will Nguyễn bị bắt hôm 10/6 trong cuộc biểu tình tại TP Hồ Chí Minh phản đối Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu. Chính quyền Việt Nam khẳng định có bằng chứng Will Nguyễn ‘kích động’ biểu tình.

Thả Will có đủ cho Việt Nam?

Theo Asia Times, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu việc trục xuất Will Nguyễn có đủ để làm dịu đi những chỉ trích nặng nề của các chính trị gia Mỹ về việc Việt Nam đã ‘nặng tay’ [với công dân Mỹ] tại thời điểm Hà Nội đang tìm cách thắt chặt quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ.

Nghị sĩ Chris Smith phát biểu trước phiên tòa xử Will Nguyễn rằng “nếu Will không được thả tự do cuối tuần, tôi sẽ yêu cầu Quốc Hội Mỹ cân nhắc việc rút lại các chương trình hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam.”

Vào tháng Tư, ông Smith đã trình Quốc Hội Mỹ dự thảo Đạo luật Nhân quyền Việt Nam.

Dự thảo này dự kiến sẽ được Ủy ban Ngoại giao Hoa Kỳ tranh luận vào cuối tháng Bảy. Nếu được chấp nhận, Đạo luật này sẽ nhắm vào việc ràng buộc quan hệ Mỹ với Việt Nam dựa trên việc Hà Nội cải thiện vấn đề nhân quyền, cũng như thay đổi một số chính sách khác.

Bài viết trên Asia Times nhắc đến việc Việt Nam được cho là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, với bình luận rằng Will Nguyễn chỉ là trường hợp mới nhất trong một số sự cố ngoại giao do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44934452

 

“Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”:

Số phận cuốn sách về đâu?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Gian nan phát hành sách

Cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử xuất bản của Việt Nam phải được thẩm định bởi một Hội đồng thẩm định cấp nhà nước.

Quyển sách này được thực hiện với sự tham gia biên soạn của 68 người gồm các tướng lĩnh trong quân đội, các nhà nghiên cứu sử học, các nhà báo, các cựu chiến binh Gạc Ma, trải qua hàng trăm lần chỉnh sửa, 48 lần biên tập, 14 nhà xuất bản trong thời gian 4 năm xin cấp phép, được chính thức phát hành vào trung tuần tháng 7 vừa qua, bởi Công ty Trí Việt-First News.

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về sự kiện ra mắt sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2018, ở thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách trong vai trò Chủ biên, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” ghi chép lại sự kiện lịch sử bi tráng của 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh tại bãi đá san hô Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 để gìn giữ biển đảo. Thiếu tướng Lê Mã Lương nói rằng quyển sách này để tri ân những người đã ngã xuống, đồng thời “truyền lửa” cho các thế hệ tiếp nối trong tinh thần bảo vệ tổ quốc. Vị Chủ biên quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” còn nhấn mạnh quyển sách ra đời khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam bằng sự hy sinh của các thế hệ từ xưa đến nay và mãi về sau.

Quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” được ấn bản lần đầu tiên với số lượng 10 ngàn quyển và đã bán hết sau 9 ngày phát hành. Vào ngày ra mắt sách 10 tháng 7, quyển sách được tái bản thêm 20 ngàn cuốn.

Mặc dù việc ấn hành và phổ biến quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” lần đầu tiên tại Việt Nam sau hơn 30 năm sự kiện lịch sử diễn ra được cho là rất thành công khi được đông đảo công chúng đón nhận, tuy nhiên quyển sách này cũng gặp phải luồng dư luận phản đối ngay sau buổi ra mắt sách, trong đó có ý kiến của Thiếu tướng Hoàng Kiền đề nghị tạm đình chỉ phát hành sách cũng như Bộ Quốc Phòng kiểm tra lại cuốn sách và khi có kết luận thì cần thu hồi hủy bỏ toàn bộ nếu nội dung viết có chèn vào lệnh của cấp trên “không được nổ súng”, vì đó là ý đồ xấu, xuyên tạc sự thật lịch sử.

Tôi xin hỏi một câu rằng ngay cả lệnh đưa ra là ‘không bắn trước’, thì tại sao không có một chủ trương tác chiến để phản ứng khi tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Trường Sa với dã tâm xâm chiếm? Phải có một kế hoạch tác chiến để bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Tại sao Bộ Quốc Phòng không có một kế hoạch tác chiến là thế nào? Và khi không có kế hoạch tác chiến mà đưa đến cái lệnh ‘không được bắn trước’ thì tự nhiên sẽ làm cho chiến sĩ Việt Nam bị động và sẽ không phản ứng gì cả, để cho Trung Quốc có thể sử dụng súng đại liên, súng cối…giết hại chiến sĩ Việt Nam

-GS. Nguyễn Đăng Hưng

Vào ngày 16 tháng 7, Nhà xuất bản Văn học, đơn vị liên kết với Công ty Trí Việt-First News xuất bản cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” ra thông báo tạm dừng phát hành để đính chính, sửa chữa.

Hai luồng dư luận đối nghịch nhau

Đài RFA ghi nhận qua mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty Trí Việt-First News chia sẻ ông đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xin phép bằng được cho việc xuất bản cuốn sách thiêng liêng “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” và ông không bao giờ nghĩ đến ngày sách được phát hành, lại có rất nhiều người không đọc, không quan tâm đến tổng thể cuốn sách, mà chỉ chăm chăm vào đúng một chữ “trước” khi cựu chiến binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh trong lời kể, nói là “vì không có lệnh nổ súng…”, khác với những cựu chiến binh Gạc Ma khác đều kể là “lệnh không nổ súng trước”. Ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh vì mỗi một chữ “trước” mà đã tạo nên một làn sóng phản đối cuốn sách khủng khiếp chưa từng có, đòi thu hồi hủy diệt cuốn sách.

Cựu chiến binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo lên tiếng với RFA xoay quanh các luồng dư luận trái chiều về cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”:

“Phải công nhận ra mắt được cuốn sách là thành công cực kỳ lớn, nhưng cũng có những lỗi do chủ quan lẫn khách quan nên cũng chưa được hoàn hảo. Đây là sách lịch sử thì là hiểu sai. Đây là một quyển sách viết về sự kiện lịch sử, viết về những nhân chứng lịch sử có thật. Còn nếu gọi là viết thật cặn kẻ sự thật trên đảo thì có liên quan đến chiến tranh nghiên cứu và lúc đó mới gọi chính xác là sách lịch sử.”

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận rất nhiều độc giả và những người quan tâm đến cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” bày tỏ lo ngại rằng quyển sách này sẽ bị cấm xuất bản, khi gặp sự phản đối mạnh mẽ bởi yếu tố như vừa nêu.

Trong khi đó, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã phản bác lại cáo buộc của Thiếu tướng Hoàng Kiền về đề nghị thu hồi cuốn sách và bài viết phản hồi của ông được cư dân mạng chuyển tải trên mạng xã hội những ngày vừa qua.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một trong những người ủng hộ cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”, lập lại với RFA lời phát biểu tại buổi ra mắt sách của Thiếu tướng-Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm, từng giữ chức vụ Phó tham mưu trưởng Hạm đội 171, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 61, trực tiếp phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân vào thời điểm xảy ra cuộc chiến tại đảo Gạc Ma:

“Tướng Lâm có nói là chúng tôi không có tác chiến gì cả vì không có kế hoạch. Tự nhiên các quân lính của chúng tôi có mặt tại đó không có phản ứng nào cả. Cho nên Trung Quốc đã làm một cuộc thảm sát.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đưa ra lập luận với những người phản bác quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”:

“Tôi xin hỏi một câu rằng ngay cả lệnh đưa ra là ‘không bắn trước’, thì tại sao không có một chủ trương tác chiến để phản ứng khi tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Trường Sa với dã tâm xâm chiếm? Phải có một kế hoạch tác chiến để bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Tại sao Bộ Quốc Phòng không có một kế hoạch tác chiến là thế nào? Và khi không có kế hoạch tác chiến mà đưa đến cái lệnh ‘không được bắn trước’ thì tự nhiên sẽ làm cho chiến sĩ Việt Nam bị động và sẽ không phản ứng gì cả, để cho Trung Quốc có thể sử dụng súng đại liên, súng cối…giết hại chiến sĩ Việt Nam”.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân rằng sau khi đọc và so sánh nội dung hai cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” với “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1), thì ông hiểu rõ vì sao cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” gặp khó khăn cả trước, trong và sau khi xuất bản. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn còn nhấn mạnh ông tin những người lính trực tiếp chiến đấu ở Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao vì “giữa phút sinh tử, không ai nói dối làm gì, trừ khi ai đó ép buộc họ phải nói dối”. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết ông tin rằng các chiến sĩ khi bị quân Trung Quốc bắn xối xả, đã không phản kháng lại dù bằng vũ khí yếu hơn vì “có lệnh của trên” và lệnh ban ra đó không bao giờ có bằng văn bản.

Sau nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xuất hiện trên mạng xã hội tại Việt Nam, liên quan cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”, Báo mạng Công an thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 21 tháng 7 loan tin Công ty First News-Trí Việt đã hoàn tất 30.000 tờ in bổ sung 8 điểm đính chính để kẹp vào sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” gửi đến các nhà sách trên toàn quốc vào ngày 19-7. Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nhận định với RFA về thông tin mới nhất quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” được phát hành lại:

“Người ta muốn vùi dập, không cho thông tin, không cho thông báo, không cho dân biết về cuộc chiến ấy, cuộc thảm sát ấy của Trung Quốc. Người ta muốn che giấu nó đi. Thậm chí những cuộc tưởng niệm, người ta còn tìm cách phá hoại, gây khó dễ, bắt bớ…Nhưng cuối cùng bây giờ buộc phải cho công bố sự thật này. Bởi vì dư luận chân chính, yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược đã chiến thắng”

Thế giới sẽ biết về một cuộc chiến mà Trung Quốc dùng lực lượng hùng hậu tàn bạo và Việt Nam có ý chí bảo vệ độc lập, chứ không có vũ khí trong tay cũng như tìm hiểu lại sự kiện qua video clip do Trung Quốc phổ biến để thấy được sự thật cuộc chiến cướp bóc của Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, tố cáo sự dã man, tàn bạo và vô nhân đạo của phía Trung Quốc

-Ông Nguyễn Khắc Mai

Thông điệp tích cực

Tại buổi ra mắt sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” vào ngày 10 tháng 7, Nhà xuất bản Fortis, ở Mỹ đã ký hợp đồng với nhà xuất bản ở Việt Nam, chuyển nhượng quyền xuất bản cuốn sách này sang Anh ngữ với số tiền chuyển nhượng 0 đồng. Đại diện Nhà xuất bản Fortis, ông James G. Zumwalt cho biết sẽ phát hành quyển sách “Gac Ma-Immortal Circle” ở Mỹ và số tiền thu được từ việc bán sách sẽ đóng góp hỗ trợ cho các cựu chiến binh và liệt sĩ Gạc Ma.

Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA rằng quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” được xuất bản ở Mỹ còn hỗ trợ về mặt truyền thông với dư luận quốc tế:

“Thế giới sẽ biết về một cuộc chiến mà Trung Quốc dùng lực lượng hùng hậu tàn bạo và Việt Nam có ý chí bảo vệ độc lập, chứ không có vũ khí trong tay cũng như tìm hiểu lại sự kiện qua video clip do Trung Quốc phổ biến để thấy được sự thật cuộc chiến cướp bóc của Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, tố cáo sự dã man, tàn bạo và vô nhân đạo của phía Trung Quốc.”

Đại diện của các cựu chiến binh Gạc Ma, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo bày tỏ mong muốn cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” góp phần hun đúc tinh thần kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc cho nhiều thế hệ thanh niên mai hậu của Việt Nam. Và, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng cho biết tại buổi ra mắt sách vừa qua, các doanh nhân yêu nước đã mua một số lượng lớn, những 2000 cuốn sách gửi cho các trường học, để làm tài liệu giảng dạy cho môn Lịch sử Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gama-immortal-circle-faces-difficulty-publishing-in-vietnam-07232018171616.html

 

Czech ngừng hồ sơ visa Việt Nam ‘vì lo tội phạm’

Từ ngày 18/7, chính phủ Cộng hòa Czech quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn theo mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam.

Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?

Người Việt và những án kinh tế lớn ở Ba Lan

Trang Radio Praha ngày 19/7 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek, cũng đang tạm thời quản lý cả bộ ngoại giao, nói rằng Việt Nam đã trở thành “rủi ro an ninh trong việc xuất khẩu tội phạm có tổ chức”.

Ông Hamacek nói Czech trong tương lai sẽ ưu tiên cho việc tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép cư trú theo mục đích đoàn tụ gia đình từ Việt Nam.

Đến ngày 24/7 cũng trang Radio Praha dẫn lời Lubomir Zaoralek, người đã rời khỏi chức ngoại trưởng, bày tỏ hoan nghênh quyết định của chính phủ Czech.

Ông Zaoralek nói diễn biến xảy ra sau khi Czech đã cố gắng tìm giải pháp song phương.

“Chúng tôi từng cố gắng giải quyết thông qua hợp tác. Ví dụ, chúng tôi muốn hợp tác để kiểm soát tốt hơn những ai đến từ Việt Nam.”

“Chúng tôi cũng muốn có thể loại bỏ những người dính líu tội phạm có tổ chức.”

Người Việt là cộng đồng nước ngoài lớn thứ ba ở Czech, sau Ukraine và Slovakia.

Hồi tháng Sáu, báo chí Việt Nam đã phê phán ông Lubomir Zaoralek, trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech, vì phát ngôn về người Việt.

Ông Zaoralek khi đó nói “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” của nước này.

Trang Vov.vn có bài phản ứng khi đó nói ông Zaoralek “phát biểu không thiện chí đối với Việt Nam, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước”.

Ông Zaoralek, từng làm ngoại trưởng gần bốn năm, nói rằng sản xuất ma túy là vấn đề lớn nhất liên quan tội phạm người Việt.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa từng đến Slovakia’

Trang web chính thức của Sứ quán Czech ở Hà Nội thông báo tổng đài điện thoại phục vụ việc đăng ký lịch hẹn phỏng vấn vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng chỉ dành cho đương đơn giấy phép cư trú theo mục đích đoàn tụ gia đình, học tập và các mục đích khác ngoại trừ xin cấp thẻ Lao động.

Sứ quán Czech cho hay Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek đã nói: “Lý do Cộng hòa Czech đưa ra biện pháp này vì hiện nay Đại sứ quán Czech tại Hà Nội đang quá tải về số lượng đơn xin cấp thẻ Lao động và thị thực dài hạn theo mục đích kinh doanh, đồng thời Hội đồng Anh ninh Quốc gia Cộng hòa Czech đã đề cập tới những lo ngại về các nguy cơ khác.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44926358

 

Bài thi gốc tỉnh Sơn La đã bị xóa

Bài thi trắc nghiệm gốc trung học phổ thông (THPT) của một số thí sinh tỉnh Sơn La đã bị xóa. Đây là thông tin được phía cơ quan chức năng công bố ngày 24 tháng 7 sau khi điều tra việc nhiều bài thi tốt nghiệp của tỉnh này có dấu hiệu bị sửa điểm.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng, thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết đáng lẽ ra các ban chấm thi phải chụp ảnh phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, sau đó mới cho vào máy chấm thi. Hình ảnh này sau đó sẽ được sao ra đĩa CD để gửi về cho Bộ Giáo dục- Đào tạo. Tuy nhiên, phiếu trả lời của thí sinh đã bị thay đổi trước công đoạn chụp hình. Vì vậy, những hình ảnh ghi lại bài thi của thí sinh lưu trong CD không phải là bài thi gốc.

Ngoài ra, ông Trinh còn cho biết thêm đã phát hiện nhiều bài thi bị sao ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Hiện cơ quan chức năng chưa biết đĩa CD này ở đâu.

Xin nhắc lại, Phó giám đốc và 4 cán bộ của Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La bị phát hiện có liên quan trong vụ sai phạm điểm thi tốt nghiệp THPT 2018 tại tỉnh này.

Khi điều tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm trong quy chế thi, đặc biệt là khâu chấm thi có dấu hiệu can thiệp thay đổi điểm thi của thí sinh. Đã có ít nhất 12 bài thi chấm điểm lại bị thấp hơn lần đầu, nhưng cho đến bây giờ tổ công tác chưa thể kết luận có bao nhiêu bài thi bị sửa điểm và sửa như thế nào.

 

Cũng tin liên quan, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Hòa Bình giải thích việc lập biên bản quá trình chấm thi tốt nghiệp THPT sơ sài là do một số cán bộ mệt mỏi.

Trước đó, sau khi kiểm tra kết quả điểm thi tại tỉnh Hòa Bình, hội đồng thẩm định cho biết một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.

Nói về một số nghi ngờ con em cán bộ được điểm cao trong kỳ thi, ông Nguyễn Đức Lương khẳng định những em điểm cao không phải là con em lãnh đạo tỉnh mà chỉ là những học sinh có thành tích học tập tốt.

Tình trạng sửa điểm, nâng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trong kỳ thi năm 2018 tiếp tục bị phanh phui sau vụ Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng khống điểm lên. Trong đó có bài thi của con gái và cháu của bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-on-high-school-exam-cheating-in-hoa-binh-and-son-la-province-07242018083812.html

 

Dùng blockchain chống sửa điểm và gian lận thi?

Nguyễn Đình ĐạtNghiên cứu tiến sỹ ĐH The West of Scotland

Gian lận thi cử có thể không phải chỉ xảy ra ở riêng tỉnh Hà Giang mà ở nhiều địa phương khác tại Việt Nam và gắn liền với cách thức tổ chức các kỳ thi.

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết nếu còn để công tác chấm thi tại địa phương sẽ khó tránh tiêu cực, đây là chuyện không lạ, không quá ngạc nhiên.

Bàn tròn:Gian lận tại Hà Giang và khủng hoảng giáo dục VN

Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’

Tiến sĩ ‘quốc tế’ cần điều kiện và lương quốc tế

Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Khởi tố hình sự

“Có điều, trường hợp tại Hà Giang đã làm quá trắng trợn ở quy mô công nghiệp nên mới bị lộ. Ví dụ như những người này chỉ nâng 1-2 điểm (không phải vẽ đường cho hươu chạy) thì đúng là không thể phát hiện ra. Vụ sai phạm này là một việc đáng buồn.”

Theo tôi, để giải quyết vấn đề tiêu cực trong các kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng công nghệ blockchain hiện đang được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau ở nhiều nơi thế giới.

Thử áp dụng blockchain cho các kỳ thi

Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối, được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian.

Hiện việc giao dịch bitcoine và các loại tiền ‘ảo’ được tiến hành nhờ công nghệ này.

Mỗi khối thông tin trong blockchain đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.

Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Mới đây, World Food Programme (WFP) đã ứng dụng công nghệ blockchain cho việc quản lý và cung cấp lương thực cho người tị nạn. Người tỵ nạn thường không có hoặc thất lạc giấy tờ tuỳ thân và di chuyển qua các quãng đường rất phức tạp.

Công nghệ blockchain đã được sử dụng để lưu trữ thông tin những người này.

Kết hợp với hệ thống camera nhận dạng, WFP có đầy đủ , chính xác, bảo mật thông tin về từng người. Hơn nữa, ứng dụng blockchain mà còn giảm 98% các chi phí giao dịch liên quan đến việc cung cấp lương thực do hệ thống gọn nhẹ và quản lý không cần một tờ giấy nào.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ ví dụ trên để phát triển hệ thống quản lý thí sinh, ra đề và chấm thi.

Hệ thống blockchain giúp lưu trữ thông tin của thí sinh kết hợp với camera nhận dạng khuôn mặt, khi đó hiện tượng làm giả hồ sơ hay thi hộ sẽ là không thể.

Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội tuyên bố từ chức

Yêu cầu kỷ luật việc bổ nhiệm người nhà

VN với tự do Internet và nhà báo ‘xung kích’

Còn về việc ra đề và chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể lập một hệ thống các câu hỏi thi cho từng môn phân cấp từ mức độ từ dễ đến khó.

Mỗi thí sinh khi vào phòng thi có tài khoản riêng để đăng nhập vào bài thi, máy tính tự động tạo ra bài thi được phân bố từ mức độ dễ đến khó như nhau. Khi học sinh hoàn thành bài thi, phương án trả lời sẽ được so sánh với đáp áp của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Kết quả của bài thi của thí sinh được lưu vào hệ thống blockchain.

Đặc tính công nghệ blockchain là phi tập trung, khác với mô hình cũ dữ liệu được lưu trữ tập trung, do đó một người bên ngoài có thể xâm nhập và thay đổi dữ liệu.

Còn phi tập trung nghĩa là dữ liệu được lưu trữ trên mạng lưới, mọi sự thay đổi cần được sự cho phép của cả mạng lưới.

Nói cách khác, khi ứng dụng công nghệ blockchain không có bên thứ ba nào có thể can thiệp thay đổi kết quả của thí sinh, nếu ai đó cố tình thay đổi kết quả này mà chưa được chấp nhận của cả hệ thống thì sự thay đổi này sẽ không hợp lệ.

Việc ứng công nghệ blockchain vào coi thi và chấm thi sẽ giải quyết triệt để vấn đề gian lận thi cử nan giải đã diễn ra ở Việt Nam nhiều năm mà chưa có giải pháp.

Thêm vào đó, đây cũng là một bước tiến lớn của Việt Nam, khi là nước tiên phong sử dụng công nghệ blockchain trong giáo dục và sẽ giúp cho Việt Nam chính thức bước cuộc công nghệ 4.0 chứ không chỉ bàn đi bàn lại về cuộc cách mạng này.

Bài thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả Nguyễn Đình Đạt, một nghiên cứu tiến sỹ Đại học The West of Scotland.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44923118

 

Lãnh đạo bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu

bị miễn nhiệm

Ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) vừa bị miễn nhiệm thành viên Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp vốn nhà nước này.

Báo trong nước loan tin vào hôm 24 tháng 7 cho biết ACV vừa tổ chức đại hội cổ đông bất thường và đã thông qua quyết định trên đối với ông Lê Mạnh Hùng.

Trung tuần tháng 7/2018, truyền thông loan tin ông Lê Mạnh Hùng đã ký quyết định bổ nhiệm 76 cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trong cùng 1 ngày 19 tháng 6 năm 2018, chỉ trước khi ông Hùng về hưu khoảng một tháng.

Sau đó ACV đã ra thông cáo khẳng định các trường hợp được bổ nhiệm trên là đúng quy trình do Ban tổ chức đảng ủy và Ban tổ chức nhân sự tổng hợp các đề nghị bổ nhiệm trước đó và đã được Ban thường vụ tổng công ty xét duyệt.

ACV khẳng định việc ký bổ nhiệm 76 cán bộ của ông Lê Mạnh Hùng không phải là quyết định cá nhân mà là trách nhiệm công vụ. Ông Hùng được nói chỉ là người đại diện pháp luật và thực hiện theo thẩm quyền được phân cấp của công ty.

Ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vào hôm 12/7 cho biết sẽ thực hiện thanh tra, làm rõ quá trình bổ nhiệm nhiều cán bộ ở ACV theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Công tác thanh tra được cho biết trong vòng 45 ngày.

Vụ việc ông Lê Mạnh Hùng đã ký quyết định bổ nhiệm 76 cán bộ lại khiến dư luận nóng lên đối với tình trạng “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ mong “vơ vét trước” trước khi về hưu.

Đảng cộng sản Việt Nam lâu nay phải thừa nhận quan niệm “tư duy nhiệm kỳ” của nhiều lãnh đạo nhà nước. Tạp chí cộng sản Việt Nam vào tháng 12/2016 có bài viết nhận định đây là hành vi của người cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tranh thủ vơ vét lúc đương chức.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/leader-appointed-a-series-of-cadres-before-retirement-dismissed-07242018083815.html

 

Út “trọc” sẽ ra tòa ngày 30 tháng 7

Ông Ðinh Ngọc Hệ, còn được gọi là ‘Út trọc’ dự kiến sẽ bị đưa ra xét xử từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8 năm 2018 tại Tòa án Quân sự Quân khu 7 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

‘Út trọc’ và các đồng phạm của ông là Bùi Văn Tiệp, Trần Văn Lâm và Trần Xuân Sơn cũng bị đưa ra xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, ‘Út trọc’ còn bị truy tố thêm tội danh “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Riêng ông Phùng Danh Thắm nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn bị cáo buộc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Báo Thanh Niên, ngoài hành vi mạo nhận xăng dầu phục vụ quốc phòng để trục lợi, Đinh Ngọc Hệ còn phạm nhiều tội khác sẽ được đưa ra xét xử, trong đó có tội mạo nhận công ty tư nhân là thuộc Bộ Quốc phòng, báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty này, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, trốn thuế.v.v…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ut-troc-will-go-to-court-on-july-30-2018-07242018083244.html

 

Vũ “nhôm” sẽ ra tòa ngày 30 và 31 tháng 7

Ông Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “nhôm” sẽ bị đưa ra tòa xử kín vào ngày 30 và 31 tháng 7 năm 2018 theo cáo buộc “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.

Thông tin vừa nêu được ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đưa ra tại cuộc gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ Thái Phiên, Đà Nẵng sáng ngày 24 tháng 7.

Ông Trương Quang Nghĩa cho biết, vụ Vũ “nhôm” sẽ được xử kín tại Hà Nội, nguyên nhân xử kín theo ông là do trong các tội danh của Vũ “nhôm” có tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”.

Ông Nghĩa cũng cho biết, xử kín nhưng kết quả phiên xử sẽ công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng,  ngoài tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, Vũ “nhôm” còn phải hầu toà hai lần nữa các với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “trốn thuế” khi mua bán nhà đất công sản.

Cuối cùng ông nói, vụ Vũ “nhôm” không chỉ ảnh hưởng với Đà Nẵng mà còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trung ương và nhiều địa phương.

Cũng trong ngày 24 tháng 7, trong buổi gặp gỡ cử tri của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, nhiều cử tri đã đặt câu hỏi: Vũ ‘nhôm’ có học hành, bằng cấp gì không mà được phong hàm thượng tá. Tuy nhiên vị Chủ tịch chỉ trả lời việc này sẽ rõ sau các phiên xét xử.

Ông Thơ cho biết tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ của Vũ ‘nhôm’ tức là liên quan đến hàm thượng tá, nghề công an. Ông Phan Văn Anh đã lợi dụng chức vụ đó để đi mua bán đất đai và trục lợi cá nhân.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-nhom-will-go-to-court-on-july-30-31-2018-07242018083034.html