Tin Việt Nam – 24/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/05/2017

18 thuyền nhân Việt ở Indonesia được cấp qui chế tị nạn

Ba gia đình từ Bình Thuận vượt biên sang Úc lần thứ nhì đang ở Indonesia, vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế tị nạn hôm 23/5.

Ba gia đình gồm tất cả 18 người, kể cả 12 trẻ em, đang chờ được một nước thứ ba nhận cho tái định cư, theo chị Grace Bùi, một thiện nguyện viên người Mỹ gốc Việt nhận hỗ trợ nhóm người tị nạn.

Từ Thái Lan, chị Grace Bùi cho VOA Việt ngữ biết:

“Sáng ngày hôm qua, Cao Uỷ Tị nạn LHQ vào trại giam người tị nạn của Sở Di trú. Họ có gọi cho tôi và tôi có nói chuyện trực tiếp cho Cao Uỷ Tị nạn LHQ. Họ nói những người này đã được quy chế tị nạn. Những người tị nạn vẫn lưu tại đó và chờ Cao Uỷ Tị nạn LHQ và Sở Di trú sắp xếp cho họ đi nước thứ ba.”

Họ nói những người này đã được quy chế tị nạn. Những người tị nạn vẫn lưu tại đó và chờ Cao Uỷ Tị nạn LHQ và Sở Di trú sắp xếp cho họ đi nước thứ ba.

Grace Bùi

Trước đó nhóm tị nạn đã qua hai cuộc phỏng vấn với Cao ủy Tị nạn LHQ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.

Chị Grace cho biết chị sẽ sang Indonesia vào tuần sau để liên lạc với chính phủ các nước và vận động các nước này nhận người tị nạn.

“Chúng tôi đang suy nghĩ sẽ tiếp xúc với Mỹ và Canada để xin cho họ. Nhưng điều này cũng chưa chắc chắn. Hiện giờ, ở bên Mỹ dưới Tổng thống mới, họ không chấp nhận người tị nạn trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi vẫn có thể liên lạc với các thượng nghị sĩ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hoặc Canada.”

Chị Grace chia sẻ thêm về việc làm thiện nguyện của mình:

“Khi biết được những gia đình này sang Indonesia và không có ai giúp đỡ thì tôi bắt đầu giúp họ bằng cách liên lạc với Cao Uỷ Tị nạn LHQ, và từ đó cứ tiếp tục giúp họ.”

Trên đường vượt biên lần hai vào tháng 2/2017, ghe bị hỏng nên nhóm người vượt biên trôi dạt vào đảo Java của Indonesia.

Ba gia đình này đã một lần vượt biên sang Úc vào năm 2015, nhưng bị bắt và gửi trả về Việt Nam năm 2016. Họ bị Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt tổng cộng hơn 6 năm tù giam về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Chị Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù. Chồng chị, anh Hồ Trung Lợi, bị tuyên án 24 tháng tù giam, và chị Trần Thị Lụa, 30 tháng tù giam.

Chị Loan và chị Lụa được hoãn chấp hành án tù 1 năm để chăm sóc con còn nhỏ. Anh Hồ Trung Lợi, cha của 4 con nhỏ trong nhóm tị nạn, phải chấp hành án tù ở Bình Thuận.

Chị Lụa, mẹ của 3 đứa con còn nhỏ, từng bị chính quyền Việt Nam giam giữ 10 tuần hồi năm 2016.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA-Việt ngữ, chị Lụa cho biết 3 gia đình đã quyết định vượt biên lần thứ nhì, bất chấp anh Lợi bị giam cầm, “để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình” vì “án tù quá ác độc”.

Về tình cảnh hiện nay của anh Hồ Trung Lợi, Luật sư Võ An Đôn nói với VOA-Việt ngữ :

“Cách đây mấy hôm tôi có nói chuyện với chị Trần Thị Thanh Loan, chị nói còn vài ngày nữa chồng của chị sẽ ra tù. Trước đây, theo chị Loan thì chồng của chị ở Việt Nam bị đe dọa, nhưng hết hạn tù thì phải thả ra chứ không được giữ thêm một ngày nào khác.”

Trước đó chị Loan nói với ký giả người Úc Shira Sebban rằng chính quyền sẽ không trả tự do cho chồng chị nếu những người vượt biên trái phép không quay về Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan, tuần qua giới hữu trách Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã khởi sự các cuộc phỏng vấn ‘thanh lọc kỹ lưỡng’ tại các trại tạm giam người tị nạn ở ngoài khơi Australia, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và nước Úc đạt được giữa chính phủ Mỹ tiền nhiệm với Canberra, mà Tổng thống Donald Trump từng miêu tả là một ‘thỏa thuận ngu xuẩn.’

Chính quyền của ông Trump hồi tháng trước loan báo sẽ xúc tiến thỏa thuận cho phép 1.250 người đang có mặt tại các trại tị nạn ở ngoài khơi Australia được sang Mỹ tái định cư với điều kiện họ hội đủ điều kiện, sau một tiến trình thanh lọc nghiêm ngặt.

http://www.voatiengviet.com/a/muoi-tam-thuyen-nhan-viet-o-indonesia-duoc-cap-qui-che-ti-nan/3868946.html

 

Bôi nhọ lãnh đạo cao cấp sẽ bị coi là tội hình sự?

Một đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý hình sự các hành vi “gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước” trong buổi thảo luận dự án luật sửa đổi sáng 24/5, truyền thông trong nước đưa tin.

Báo Vietnamnet dẫn lời bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Daklak, theo đó nói “hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng”.

Bà Nguyễn Thị Xuân, hiện đang là phó giám đốc công an tỉnh Daklak, đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155 (Tội bôi nhọ), điều 156 (Tội vu khống) tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Đối thoại ‘tín hiệu mới rất đáng khích lệ’

Việt Nam sẽ chịu thêm sức ép quốc tế vì các vụ bắt giữ?

Tuy nhiên, một số luật sư và nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam cho rằng bổ sung các nội dung trên là không hợp lý.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho rằng đề nghị của bà Xuân không phù hợp với vai trò của đại biểu Quốc Hội.

“Đại biểu Quốc hội phải phản ánh tiếng nói nguyện vọng của người dân. Người này thay vì phản ánh theo nguyện vọng của dân thì lại quay sang bảo vệ lãnh đạo,” ông nói với BBC.

Từ khía cạnh pháp lý, luật sư Hà Huy Sơn bình luận với BBC:

“Nếu có dự luật bôi xấu Đảng, nhà nước, thì cần có quy định rõ ràng, cần làm rõ như thế nào là bôi xấu.”

“Trong Bộ luật Hình sự, hiện tôi chỉ thấy tuyên truyền chống phá nhà nước chứ không có điều chống Đảng. Đó là một khái niệm mới.”

Lãnh đạo Việt Nam nào cũng bị tố cáo?

Ranh giới giữa nói xấu và nói sự thật?

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho rằng khái niệm bôi xấu lãnh đạo Đảng và nhà nước là một khái niệm mơ hồ.

“Điều này sẽ dẫn đến vấn đề tuỳ tiện diễn giải tư pháp và hậu quả pháp lý của việc thiếu cơ chế bảo vệ tiếng nói phê phán, tiếng nói bất đồng chính kiến. Mà trong một xã hội dân chủ, việc phê phán lãnh đạo là một điều cần thiết.”

“Với tư cách một công dân, việc phê phán lãnh đạo thể hiện quyền làm chủ đất nước.”

“Hình sự hoá việc phê phán lãnh đạo là rất nguy hiểm. Cách hiểu của các nhà lãnh đạo và của người dân khác nhau, và sẽ xảy ra mâu thuẫn.”

Về việc hành vi bôi nhọ, vu khống thực sự, ông Các nói có thể xử lý dân sự. “Người lãnh đạo có thể nộp đơn ra toà án để yêu cầu cơ quan điều tra xử lý.”

“Tôi không bất ngờ vì chính phủ trước vẫn không dung thứ cho các tiếng nói phê phán, bất đồng chính kiến. Trước đây, chính quyền luôn xử lý theo Điều 88, quy định về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Chính phủ VN gây áp lực lên YouTube

Facebook nói gì về vụ VN ‘chặn thông tin xấu’?

“Đề xuất này có thể là bước tiếp theo để phân loại mức độ. Mức độ nghiêm trọng, gây tác động lớn sẽ bị xử lý theo hướng vu khống.”

Quan ngại của giới chức

Hồi đầu năm ngoái, một cựu bộ trưởng ở Việt Nam nói “lãnh đạo nào cũng bị tố cáo, khiếu nại” nên cần “phản bác thông tin sai, nói xấu lãnh đạo”.

Ông Lê Doãn Hợp, người từng giữ chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, được trang Tuổi Trẻ hôm 11/1/2016 trích lời nói:

“Đã là lãnh đạo thì không anh nào không bị khiếu nại hay tố cáo cả, chỉ có ít hay nhiều, đúng hay sai mà thôi.”

Tuy nhiên, khi đó, ông Lê Doãn Hợp nói rằng thái độ phù hợp của giới lãnh đạo trong vấn đề này là “Nếu đúng thì tiếp thu, sai thì phải phản bác, đấu tranh lại để tự bảo vệ mình.”

Trước đó, hồi giữa năm 2015, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Nguyễn Bắc Son từng tuyên bố phải ‘nghiêm trị’ đối với việc sử dụng Facebook để “nói xấu Đảng, nhà nước”.

Gần đây, chính phủ đã gây áp lực lên một số trang mạng xã hội và dịch vụ tìm kiếm internet nổi tiếng thế giới, có đông người dùng tại Việt Nam như Facebook, YouTube, Google.

Việt Nam muốn “các nội dung xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang YouTube như phản ánh cần được Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời”, một văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ cho Thông tin và Truyền thông hồi tháng Hai viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40030957

 

Chờ mòn mỏi “món nợ” Luật Biểu Tình

Lan Hương, phóng viên RFA

Một số đại biểu Quốc hôi tại phiên thảo luận hôm 23 tháng 5 tiếp tục có ý kiến về việc chính phủ Hà Nội trì hoãn trình Luật Biểu tình.

Nguyên nhân vì sao và người dân liệu có thể thực thi quyền biểu tình khi chưa có luật cụ thể hay không?

Tại phiên thảo luận sáng ngày 23/5, kỳ họp thứ 3, quốc Hội khóa XIV, đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh là luật biểu tình chưa được Chính phủ quan tâm, ông có nhắc đến vấn đề hiện nay là quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định nhưng luật chưa có nên người dân không biết thực thi như thế nào cho đúng.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Dương Trung Quốc nói rằng một trong những mặt hạn chế trong xây dựng luật nói chung và luật biểu tình nói riêng là do Quốc hội giao phó cho Chính phủ mà không có sự tham gia của đại biểu.

Không muốn tạo điều kiện cho dân biểu tình?

Nói với đài RFA, ứng cử viên Quốc hội Nguyễn Trang Nhung nhận định rằng nguyên nhân luật Biểu tình chưa được trình cho Quốc hội vì bị cho là vấn đề nhạy cảm. Nếu có một hành lang pháp lý cho người dân để biểu đạt quyền này, theo cô, Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát người dân khi đi biểu tình:

Tất nhiên đây là quyền hiến định, là quyền mà người dân đương nhiên có được ngay cả khi không có luật biểu tình. Tuy nhiên nếu có luật biểu tình thì người dân sẽ thực hiện một cách dễ dàng hơn. Lúc này, nhà nước sẽ không thể dùng các biện pháp để ngăn cản như trước đây ví dụ như công an ngăn cản với lý do gây rối trật tự công cộng.

Tất nhiên đây là quyền hiến định, là quyền mà người dân đương nhiên có được ngay cả khi không có luật biểu tình. 

– Nguyễn Trang Nhung

Trong khi đó luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do chuẩn bị chưa thấu đáo và một số ý kiến trao đổi với ông rằng Nhà nước lo sợ nếu ban hành luật này có thể sẽ không thể kiểm soát được tình hình:

Theo mạng lưới thông tin toàn cầu thì luật biểu tình Việt Nam đưa ra cũng phải phù hợp với các nước trên thế giới. Nhưng nếu để họ thực hiện quyền biểu tình một cách tự do như vậy, có thể sẽ xảy ra một số cuộc biểu tình lớn không kiểm soát được.

Cũng tại phiên thảo luận sáng 23/5, nhiều đại biểu khác cũng yêu cầu làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao Quốc hội yêu cầu khẩn trương soạn thảo luật Biểu tình nhưng đến bây giờ Chính phủ vẫn chưa có động tĩnh gì.

Trước đó tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội hôm 22/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói là dự án luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết dự luật biểu tình chưa được đưa vào chương trình làm việc của QH từ nay đến hết năm 2017.

Luật sư Ngô Ngọc Trai từng nói với đài RFA rằng ông không đồng tình với việc Chính phủ chần chừ khi ban hành luật biểu tình vì người dân cần luật này để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia đấu tranh. Nghệ sĩ Kim Chi lại cho rằng nếu có luật biểu tình thì chính quyền sẽ không còn ngang nhiên đến bắt bớ, đánh đập, khủng bố người biểu tình được nữa.

Có được biểu tình khi chưa có luật?

Theo cô Trang Nhung, mặc dù chưa có luật biểu tình nhưng người dân vẫn được quyền tham gia biểu tình bởi vì đây là quyền được quy định trong hiến pháp. Tuy nhiên, cô cũng giải thích một số hạn chế:

Lúc này hành vi biểu tình của người dân sẽ không được điều chỉnh bởi vì luật biểu tình chưa có, mà sẽ được điều chỉnh bởi các luật, văn bản dưới luật khác quy định về hành vi liên quan đến biểu tình. Chẳng hạn như hành vi tụ tập, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng,.. Lúc đó người dân sẽ phải chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm pháp luật đó.

Nhiều người tham gia biểu tình, đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối nhà máy Formosa xả hóa chất độc hại ra biển đã bị bắt giữ, hoặc hành hung đến trọng thương bởi những người mặc thường phục mà dân cho là an ninh. Điển hình gần đây anh Hoàng Đức Bình đã bị công an bắt giữ tại Nghệ An với cáo buộc vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia, theo điều 258 bộ luật hình sự.

Luật sư Trần Quốc Thuận giải thích rằng hiện tại pháp luật về biểu tình chưa có nên việc biểu tình xét về pháp lý là chưa phù hợp:

Hiện tại chưa có pháp luật quy định thì các quyền đó chưa thể triển khai thực hiện được. Đó là cách hiểu theo hiến pháp và luật của Việt Nam.

 – Luật sư Trần Quốc Thuận

Bởi vì trong Hiến pháp họ có viết thêm phần đuôi, tức là quyền biểu tình, lập hội phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng hiện tại chưa có pháp luật quy định thì các quyền đó chưa thể triển khai thực hiện được. Đó là cách hiểu theo hiến pháp và luật của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo hôm 19/5 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV , Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định rằng mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền biểu tình, lập hội nhưng dự án Luật Biểu tình trình lên Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng nên cần hoàn thiện.

Theo quan điểm của cô Trang Nhung, để luật biểu tình đạt chất lượng thì cần đảm bảo những yếu tố cơ bản nhất là bảo vệ quyền biểu tình của người dân, chứ không phải hạn chế quyền đó. Ngoài ra theo cô, người làm luật cần tham khảo các quốc gia dân chủ trên thế giới và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.

Biểu tình là quyền công dân được Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp 2013 quy định nhưng chưa được Quốc hội soạn thảo thành luật chính thức.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/years-and-years-waiting-for-protest-law-to-be-issued-lh-05242017075906.html

 

Cục Nghệ thuật Biểu diễn hành xử bất nhất

Hòa Ái, phóng viên RFA

Cục Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam vừa qua ra quyết định cấm một số bài hát; sau đó lãnh đạo của Cục phải có biện pháp sửa chữa sai lầm.

Hành xử “bất nhất”

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, ông Nguyễn Thái Bình, vào ngày 22/05/2017, cho biết Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện theo chỉ đạo của Bộ đăng tải cập nhật các ca khúc được phổ biến rộng rãi từ rất lâu để khẳng định những bài hát được phép sử dụng. Ông Nguyễn Thái Bình còn nhấn mạnh đây là lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện và dễ dàng cho việc sử dụng khi cần thiết.

Mặc dù đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch viện dẫn như vừa nêu về việc cập nhật hơn 300 bài hát cách mạng, còn được gọi là nhạc đỏ trên website của cơ quan này vào hôm 19/05/2017, nhưng giới văn nghệ sĩ lẫn những người yêu âm nhạc tại Việt Nam vẫn không đồng tình. Họ nêu ra lập luận kho tàng văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc của Việt Nam vô cùng phong phú. Câu hỏi họ đặt ra đến bao giờ Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới cập nhật xong danh sách những ca khúc nào được phép và các nhạc phẩm nào bị cấm đoán? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng cũng nói với báo giới trong nước rằng dù dưới bất kỳ gốc độ nào thì việc cập nhật hơn 300 bài hát của Cục Biểu diễn Nghê thuật là “việc khó lý giải, khó chấp nhận”.

Quốc ca mà phải cấp mới được hát, không cấp thì không được hát. Vậy gọi là Quốc ca để làm gì? Tôi thấy quá nhảm nhí.

– Một người dân 

Kể từ thời điểm Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 hồi trung tuần tháng Ba và không lâu sau đó, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên tiếng nhận trách nhiệm chính về quyết quyết định này khiến cho dư luận hoang mang không biết bài hát nào của những thể loại nhạc gì, khi nào được hát, khi nào không. Và qua việc cập nhật danh sách 300 ca khúc nhạc đỏ mà đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thập niên qua càng làm cho nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao hàng trăm bài hát trong danh sách vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cập nhật đến bây giờ mới được cấp phép? Họ càng không hiểu khi bài Tiến quân ca do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, nay là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải cho phép thì dân chúng mới được hát? Một người dân cư ngụ ở Sài Gòn lên tiếng về sự bức xúc của mình:

“Mấy tháng trước đây và cũng gần đây nhất có lệnh là Cục Biểu diễn cấp phép thì mới được hát, không có phép thì không được hát. Cụ thể đợt trước đây cấm 5 bài hát không được hát. Mặc dù 5 bài hát này được hát rất nhiều. Cấm xong thì chưa đầy một tháng nói ‘xin lỗi’. Làm như vậy tôi không hiểu được, khiến cho tôi đánh giá rằng người ra chỉ định đó không được bình thường và hình như họ không có trình độ về âm nhạc, về cả kiến thức, nói chung là ‘cờ trong tay’ mà phất tầm bậy. Mới đây nhất là bài Quốc ca. Quốc ca mà phải cấp mới được hát, không cấp thì không được hát. Vậy gọi là Quốc ca để làm gì? Tôi thấy quá nhảm nhí.”

Xin lỗi là xong?

Trước những thắc mắc của dư luận, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương, vào sáng ngày 23/05/2017, chính thức xin lỗi và nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết cơ quan này không cấp phép cho các ca khúc đã được phổ biến, mà những ca khúc đó có nội dung tốt, không trái thuần phong mỹ tục và đi ngược lại chủ trương chính sách nhà nước.

Vào tối ngày 23/05/2017, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) kiêm phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan mới nhất từ Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch:

“Chính ngày hôm nay Bộ Văn hóa đã ra một văn bản, trong đó có sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng là đã quy định lại và xóa bỏ tất cả những vấn đề mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm trong mấy ngày vừa rồi và cả mấy tháng trước nữa. Bây giờ chỉ yêu cầu tất cả những tác phẩm đã diễn rồi thì đương nhiên không cần phải có việc công bố được phép lưu hành nữa mà tất cả các tác phẩm ấy đương nhiên được lưu hành, trừ những trường hợp mà văn bản của Bộ Văn hóa đưa ra chỉ hai điều: trái với lợi ích quốc gia, xâm hại đến thuần phong mỹ tục. Ngoại trừ hai điều đó thì đương nhiên các bài hát được phép lưu hành.”

Người ta sẽ đánh giá như thế nào một người cầm cân nẩy mực, đâu phải con nít mà làm lệnh đưa ra cho cả nước Việt Nam tuân theo, rồi tự nhiên bây giờ xin lỗi.

– Một thính giả 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhắc rõ theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức và cá nhân sử dụng tác phẩm của những tác giả và chủ sở hữu quyền tác phẩm trong môi trường kinh doanh phải xin phép tác giả vì chỉ tác giả và chủ sở hữu quyền tác phẩm mới có quyền cho phép sử dụng về mặt phổ quát cơ bản. Còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ có vai trò làm nhiệm vụ kiểm duyệt trong trường hợp tác phẩm vi phạm hai điều quy định được nêu trong văn bản vừa ban hành của Bộ Văn hóa-Thông tin & Du lịch.

Trả lời câu hỏi của RFA xoay quanh lời xin lỗi của Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật, một số thính giả ở Việt Nam, là những người yêu âm nhạc, bày tỏ việc làm của Cục Biểu diễn Nghệ thuật trong những tháng qua làm mất thể diện của một quốc gia có lịch sử bốn ngàn năm văn hiến vì trong thời đại internet, thông tin được tiếp cận một cách nhanh chóng và dễ dàng:

“Người ta sẽ đánh giá như thế nào một người cầm cân nẩy mực, đâu phải con nít mà làm lệnh đưa ra cho cả nước Việt Nam tuân theo, rồi tự nhiên bây giờ xin lỗi”.

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận cư dân mạng tại Việt Nam cho rằng ông Cục trưởng của Cục Biểu diễn Nghệ thuật nên từ chức vì một cơ quan nhà nước không phải là nơi để những người lãnh đạo đem người dân ra thử nghiệm với các quyết định “hôm nay vầy, ngày mai khác”, mà hơn hết lại là những quyết định liên quan đến kho tàng văn hóa của Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/inconsistent-decisions-of-the-performance-arts-department-ha-05242017072404.html

 

Ân xá Quốc tế kêu gọi thả Trần Huỳnh Duy Thức

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) gửi thư ngỏ ngày 23/5/2017 kêu gọi Việt Nam thả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tù cách đây tròn 8 năm với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền.

Cha của ông Thức là ông Trần Văn Huỳnh nói với BBC trong tám năm qua, gia đình ông đã nhiều lần nộp đơn xin xét lại bản án “oan sai” này, nhưng đều bị giới chức khước từ.

Ông Thức là tù nhân duy nhất trong vụ án ‘Lê Công Định và những người khác’ vẫn còn ở lại trong tù, các thành viên khác là các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung đã được trả tự do trong những khoảng thời gian khác nhau.

Tổ chức Ân xá Quốc tế trong những năm qua đã nhiều lần gửi thư cho chính phủ Việt Nam về trường hợp của ông Thức nhưng “chưa nhận được bất cứ phản hồi nào”, đại diện của Amnesty, bà Janice Beanland nói với BBC.

Vì sao ông Thức ‘không muốn sống lưu vong’?

Trần Huỳnh Duy Thức bị ‘lao động cưỡng bức’

Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm hôm 23/5, Ân xá Quốc tế viết: “Phiên xét xử của Trần Huỳnh Duy Thức không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cho một phiên tòa công bằng, coi nhẹ giả định vô tội và quyền được bào chữa.”

“Việc truy tố không cung cấp được bằng chứng nào để chứng minh cho bản cáo trạng,” nội dung thư nhấn mạnh.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng mà ông Thức đang bị giam giữ và về việc ông bị chuyển trại nhiều lần mà gia đình không được thông báo trước.

‘Đối xử hà khắc’

Đại diện của Ân xá Quốc tế, bà Janice Beanland, nhà vận động cho Việt Nam, Lào và Campuchia, cho BBC biết qua email rằng với việc gửi thư ngỏ, Amnesty hy vọng Việt Nam sẽ “suy xét một cách nghiêm túc việc trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức”.

“Ít nhất họ cũng nên đảm bảo điều kiện giam giữ ông Thức được cải thiện, và ông phải được chăm sóc y tế một cách đúng mức.

“Việc các nhà hoạt động như ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt giam rồi phải chịu điều kiện và cách đối xử hà khắc là điều không chấp nhận được, và là trái với luật quốc tế về nhân quyền,” bà viết.

“Việt Nam đang không thực hiện trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền được nêu rõ trong những hiệp định quốc tế mà họ đã ký kết.”

‘Thăm hỏi khó khăn’

Ông Trần Văn Huỳnh cho BBC hay trong chuyến đi thăm nuôi gần đây nhất hồi tháng Tư, do điều kiện ánh sáng trong buồng giam không tốt nên thị lực của con trai ông bị ảnh hưởng.

Việc ông Thức cho biết “có hiện tượng ruồi bay ở mắt” khiến gia đình rất lo ngại sẽ “ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Huỳnh nói.

Được biết ông Thức vẫn còn có thể đọc sách và viết thư về nhà từ trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An, “nên gia đình cũng đỡ lo một phần”.

Ông Huỳnh nói với BBC rằng việc đi thăm nuôi con trai ông trở nên khó khăn hơn nhiều từ khi ông Thức bị chuyển tới Nghệ An hồi tháng 5/2016.

Trước đây, khi ông Thức bị giam ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) và Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu), gia đình có thể đi thăm trong ngày. Nay, khoảng cách lên tới 1.400 km nên gia đình phải đi máy bay với chi phí “rất tốn kém”, ông Huỳnh nói.

Bà Janice cho BBC biết Ân xá Quốc tế chưa nhận được phản hồi từ phía giới chức Việt Nam về thư ngỏ mới nhất này.

“Các bức thư ngỏ chủ yếu là gửi đến giới chức nhưng cũng là để thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, gia đình và bạn bè của họ cũng như các nhà hoạt động khác đang vật lộn để hành động theo niềm tin của họ trong hoàn cảnh khó khăn.

“Chúng tôi sẽ rất vui nếu chính quyền Việt Nam có phản ứng – nhất là bằng việc thả ông Thức,” bà Janice nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40030397

 

Ông Nguyễn Phú Trọng ‘xem xét đề án SkyViet’

Đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet liên quan Vietnam Airlines.

Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), trực thuộc Vietnam Airlines.

Trong đó, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) 48% và Techcomdeveloper 1%.

Văn bản hôm 19/5 được công khai trên trang web chính phủ Việt Nam nói Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông báo cáo lại “toàn bộ quá trình” để “xem xét có chủ trương thực hiện tiếp hay không”.

Vụ Đinh La Thăng: ‘Giây phút quan trọng cho VN’

Nhận định về vụ ‘xem xét kỷ luật’ ông Đinh La Thăng

Đề án kéo dài

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phải báo cáo việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không SkyViet cho Văn phòng Tổng bí thư về đề án này trong tháng 5/2017.

Tháng 10/2007, Thủ tướng khi đó Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt và cho phép Vietnam Airlines xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại Vasco.

Cuối năm 2015, Vietnam Airlines đã có công văn xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng.

Tháng Tư 2016, Bộ Giao thông Vận tải nói đề án “theo đúng quy định pháp luật, đúng chủ trương” nên sẽ xem xét và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho SkyViet.

Nhưng đến tháng Sáu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo “kiểm tra” sau khi một tờ báo, Pháp luật Việt Nam, đưa tin “cảnh báo về tính hiệu quả cũng như nguy cơ thất thoát vốn, tài sản của nhà nước”.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-40014034

 

Về vụ SkyViet: Đảng không làm thay mà làm luôn?

Tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet thu hút nhiều ý kiến trên mạng xã hội và đặt lại vấn đề có phải Đảng CSVN sẽ làm thay nhiều việc của bộ máy chính quyền.

Ý kiến trên mạng xã hội

Trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt từ 23/05 đã có nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề này.

Có ý kiến nhắc lại thời nhà thơ Tố Hữu phụ trách kinh tế:

“Hồi đó có nhà thơ làm Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế … Thời nay có nhà lý luận Mác – Lê xem xét đề án kinh doanh. Các bố giỏi thật!”

‘Khủng hoảng lý luận’ của Đảng Cộng sản Việt Nam

‘Tự chuyển hóa’ từ đâu đến?

Vụ Đinh La Thăng: ‘Giây phút quan trọng cho VN’

Bạn Nguyễn Quyết Thắng thì bình luận:

“Chống tham nhũng quá khó khăn đối với ĐCS. Ông TBT ôm hết các quyền lực cho phép của thể chế cả Đảng và chính quyền nhưng đến thời điểm sau hội nghị TƯ5, kết quả qua vụ Thăng-Thanh…có đồng chinh nào thu lại cho dân đâu…

Một ý kiến khác, của Vương Quốc Chiến thì cho rằng “tư nhân hoá là đúng với quy luật thị trường nhưng phải thu đúng giá của doanh nghiệp về cho ngân sách chống thất thu, tiền vào túi cá nhân, tư sản đỏ”.

Từ hồi nào TBT lại tham gia trực tiếp vào điều hành kinh tế thế này nhỉ,Nhungsmile Quynh

Còn Nhungsmile Quynh thì muốn biết: “Từ hồi nào TBT lại tham gia trực tiếp vào điều hành kinh tế thế này nhỉ, có trong điều lệ Đảng hay quy định gì không nhỉ?”

Hien Huynh thì nêu ý kiến: “TBT lại đích thân xem xét đề án kinh doanh thì vấn đề đặt ra là thủ tướng VN để làm gì?”

Thiếu tầm chiến lược?

Theo truyền thông Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phải báo cáo việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không SkyViet cho Văn phòng Tổng bí thư về đề án này trong tháng 5/2017.

Ngay từ hồi năm 2012 báo chí ở Việt Nam đã nêu ra các ý kiến từ bên trong hệ thống của Đảng Cộng sản yêu cầu xem lại tình trạng Đảng này “bao biện, làm thay” cho cơ quan hành chính và chính quyền.

Một bài của Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng đăng trên báo Pháp Luật (09/02/2012) viết:

“Sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị-xã hội khác là một điểm nghẽn khác làm cho bộ máy của Đảng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, sa vào sự vụ trong chỉ đạo điều hành, thiếu tầm chiến lược…”

“Đây cũng là nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng quan liêu, bảo thủ, chậm chạp… không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập…”

“Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện làm thay một cách thiếu sâu sát, thiếu chuyên nghiệp.”

“Điều này làm cho vai trò của Nhà nước và các đoàn thể lu mờ, cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống chính trị chưa thực sự đổi mới, chưa theo kịp những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường XHCN,”

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Cán bộ TP.HCM khi đó đã viết về hội thảo “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI” về nhu cầu luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vẫn mới đây, các văn kiện và tài liệu của Đảng tiếp tục nhấn mạnh Đảng này không làm thay chính quyền.

Một bài của GS Nguyễn Đăng Dung trên báo Điện tử Đảng Cộng sản(12/10/2016) còn coi đây là một khiếm khuyết của chế độ một đảng và đề ra kiến nghị khắc phục:

“Thể chế chính trị nào cũng có những nhược điểm nhất định. Bên cạnh những thuận lợi mà cơ chế một đảng đem lại, như dễ dàng cho việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, ổn định chế độ chính trị…, cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của chúng ta cũng dễ dẫn đến hiện tượng các cơ quan của Đảng bao biện làm thay chức năng của các cơ quan nhà nước, can thiệp vào chức năng các cơ quan nhà nước, quan liêu hách dịch, và nạn cửa quyền…”

“Những năm gần đây, chúng ta mất rất nhiều công sức cho việc phân biệt sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của Nhà nước.

“Kết quả của vấn đề là ở Việt Nam hiện nay hình thành hai bộ máy: một của Đảng và một của Nhà nước. Bộ máy của Đảng có quyền lãnh đạo bộ máy của Nhà nước, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện.”

“Hệ quả của vấn đề là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa người đứng đầu các cơ quan nhà nước và người đứng đầu các cơ quan của Đảng.”

khiếm khuyết của chế độ một đảng gồm các cơ quan của Đảng bao biện làm thay chức năng của các cơ quan nhà nước, can thiệp vào chức năng các cơ quan nhà nước, quan liêu hách dịchGS Nguyễn Đăng Dung

Sang năm 2017, Ban Lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN đã trực tiếp vào cuộc trong các vụ ‘đại án’ ngành dầu khí, giao thông và ngân hàng để điều tra thất thoát, lãnh phí và tham nhũng, đi trước cả cơ quan tư pháp, kiểm sát.

Tiến thêm một bước nữa, nay Văn phòng Tổng bí thư còn tự quyết định về việc thành lập doanh nghiệp lớn của ngành hàng không như trong ví dụ của SkyViet.

Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), trực thuộc Vietnam Airlines.

Trong đó, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) 48% và Techcomdeveloper 1%.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40032943

 

GM Nguyễn Thái Hợp: Nạn nhân thảm họa Formosa

có quyền đòi lại bãi biển trong lành

Trọng Thành

Trong hai tuần đầu tháng 5/2017, Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển Giáo phận Vinh đi châu Âu để vận động quốc tế hỗ trợ các nạn nhân thảm họa do công ty Formosa gây ra tại miền Trung Việt Nam cách nay một năm. RFI tiếng Việt phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp về chuyến đi này.

Thảm họa biển tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, do công ty luyện thép Đài Loan Formosa gây ra, diễn ra cách nay đúng một năm. Cho đến nay, bất chấp những tuyên bố đền bù, và một số biện pháp khắc phục thảm họa từ phía chính quyền, theo nhiều thông tin tại chỗ, đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt tình trạng đền bù không công bằng, thông tin về thảm họa không minh bạch tiếp tục gây phẫn nộ trong dân chúng.

Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển Giáo phận Vinh, đứng đầu là Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đã có chuyến đi châu Âu để chuyển đến một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như một số chính phủ và tổ chức dân sự, Thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa (xem thêm trang nhà của Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường Giáo phận Vinh).

Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI tiếng Việt với Đức cha Nguyễn Thái Hợp tại Paris về ý nghĩa của chuyến đi này.

Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp23/05/2017Nghe

Chính quyền từ chối giúp đỡ quốc tế : Đâu là quyền của nạn nhân ?

« … Tôi rất vui mừng và hãnh diện là tại khắp nơi chúng tôi có những cuộc đối thoại và tiếp đón rất thân tình… Cũng có một số thông tin, mà ngày xưa chúng tôi có nghe, bây giờ được xác định rõ rệt hơn. Chẳng hạn, chuyện một số nước đã đề nghị chính quyền Việt Nam cho phép họ hỗ trợ Nhà nước và nhân dân để nghiên cứu và xử lý thảm họa môi trường biển. Và Nhà nước không chấp nhận. Sang bên này chúng tôi càng nhận thấy rõ rệt hơn là : chính Liên Hiệp Quốc cũng đã có những đề nghị đó.

Khi nghe như vậy, bản thân tôi thấy đau, và cũng thấy xấu hổ vì cách xử lý của những người cầm quyền…, của một số quan chức từ chối giúp đỡ…. Các nạn nhân có thể làm gì để đề nghị các cơ quan, phái đoàn đến ? Đây có phải là quyền của con người không ? Quyền của nạn nhân không ? Đó là những điều chúng ta… cùng nhau suy nghĩ… ».

Ba chuyện bất bình : Thông tin độc chất, cơ chế bồi thường, sức khỏe người dân

« Cho đến hôm nay, nhà cầm quyền địa phương, cũng như trung ương, một số lần đã có những thông cáo, có những hội nghị về thảm họa môi trường Formosa, về đề nghị giải quyết.

Trước hết, về đề nghị giải quyết… cho đến hôm nay, chưa có thông cáo khoa học nào cho biết môi trường đó bị tác động bởi chất độc nào ? độc tố đó ảnh hưởng đến bao lâu ?…

Một Nhà nước tuyên bố là Nhà nước của nhân dân, của người nghèo, cho dân, vì dân, thế mà khi đối diện với thảm họa này, Nhà nước lại tự động gặp gỡ lãnh đạo công ty Formosa, hai bên quyết định mức bồi thường mà người dân không được tham khảo.

Đọc thêm : Bài học xử lý thảm họa môi trường: Từ BP đến FORMOSA (Pv Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến)

Rồi… bồi thường đó lại không phải dựa trên nghiên cứu mỗi gia đình, mà lại theo quy chế hành chánh ở trên đưa xuống. Rồi ở đây ta thấy nạn tham nhũng trong cách bồi thường…

Chính vì vậy, qua cách bồi thường đó mà có những vụ khiếu kiện, vụ dân chúng chặn đường quốc lộ, có những vụ dân chúng biểu tình, thì cũng nên hỏi tại sao ?!

Rồi riêng tỉnh Nghệ An cũng nằm trong khu vực bị thảm họa, nhưng cho đến nay vẫn không được nằm trong danh sách được đền bù

Đọc thêm : Nhiễm độc biển Việt Nam : Im lặng ‘‘khó hiểu’’ của ngành y

(Về việc hỗ trợ khám, chữa bệnh)… Nhà nước ngăn cản chuyện đó. Tôi cũng có yêu cầu cơ quan quốc tế, Liên Hiệp Quốc, đến để khám bệnh, giúp bà con… Tôi có nghe tin nói là một số bà mẹ trẻ bị sẩy thai vì nhiễm độc… Tôi mong các cơ quan quốc tế đến để cho chúng tôi những dữ kiện rõ hơn…

…. Chúng tôi thấy rằng chuyến đi này ít nhất cũng cho chúng tôi thêm một số niềm hy vọng…. tầm nhìn, chân trời mở rộng hơn, ý thức hơn về vấn đề quyền của con người….

RFI xin cảm ơn Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

***

Về các thông tin độc lập liên quan đến thảm họa Formosa, đáng chú ý gần đây có cuốn « Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam », do Green Trees, một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam thực hiện (bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Báo cáo dài 190 trang đã được Green Trees chuyển đến chính phủ, Quốc Hội Việt Nam hồi tháng 10/2016 và được công bố trên mạng kể từ đầu tháng 5/2017.

Tầng đáy biển gần bờ bốn tỉnh miền Trung vẫn còn nhiễm độc. Cuối tháng 4/2017, chính phủ Việt Nam thông báo tiếp tục yêu cầu không khai thác « tầng đáy gần bờ  » (trong phạm vi 20 hải lý), với lý do để « tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản », đồng thời « bảo đảm an toàn thực phẩm ». Thời gian cấm kéo dài đến khi có xác nhận của bộ Y Tế và nguồn thủy sản có dấu hiệu khôi phục. Một giới chức bộ Nông Nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận sẽ phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khôi phục được hệ san hô, như trước thảm họa.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170523-gm-nguyen-thai-hop-nan-nhan-tham-hoa-mien-trung-co-quyen-doi-lai-bai-bien-trong-la