Tin Việt Nam – 24/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/03/2018

RSF: Pháp phải đặt vấn đề nhân quyền

với ông Nguyễn Phú Trọng

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp kêu gọi chính phủ Pháp lên tiếng với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về việc Việt Nam trấn áp các nhà báo và blogger độc lập, khi ông Trọng đến Paris vào Chủ nhật này.

Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, ông Trọng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3, theo truyền thông trong nước. Chuyến thăm cũng diễn ra nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Pháp.

“‘Quan hệ đối tác chiến lược’ này có mục đích gì nếu thiếu tự do báo chí?” ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF, nói. “Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Pháp hãy chất vấn Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam những câu hỏi bị cấm ở nước ông ấy, những câu hỏi khiến các phóng viên Việt Nam bị cầm tù nếu họ dám hỏi.”

RSF cho biết kể từ đầu năm 2017, hơn 20 nhà báo công dân đã bị bắt, bị trục xuất hoặc bị kết án tới 9, 10 hoặc thậm chí 14 năm tù chỉ vì cố gắng cung cấp thông tin cho công chúng. “Đây là đợt trấn áp tồi tệ nhất nhắm vào quyền tự do cung cấp thông tin trong hơn 20 năm qua,” RSF nói thêm.

Tổ chức vận động cho quyền tự do báo chí này cũng lưu ý tới tình trạng sức khỏe đang xấu đi của nhiều nhà báo công dân đang bị cầm tù, trong đó có luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và blogger Mẹ Nấm.

Nghị viện Châu Âu tháng 12 năm ngoái đã thông qua nghị quyết khẩn cấp đòi Việt Nam thả các nhà báo công dân mà họ nói là bị giam giữ sai trái ở Việt Nam.

Trong một thông cáo chung với hai tổ chức khác, RSF kêu gọi Pháp đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam thực thi các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng các quyền được bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

“Điều thiết yếu là, trong các cuộc gặp với Tổng bí thư Trọng, các đại diện của Pháp phải hết sức thẳng thắn nêu lên các vấn đề nhân quyền,” RSF nhấn mạnh trong thông cáo.

Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện.

https://www.voatiengviet.com/a/rsf-phap-phai-dat-van-de-nhan-quyen-voi-ong-nguyen-phu-trong/4313869.html

 

Ông Thiệu muốn làm ‘tổng thống thời chiến’

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trong số các nội dung được đồng ý, có việc các bên tiến hành trao trả tù nhân trong vòng 60 ngày, đồng thời với việc toàn bộ các lực lượng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Việt Nam trong cùng thời gian này.

Hiệp định cũng nêu việc sẽ lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa bằng một kỳ tổng tuyển cử.

Vào cuối tháng 3/1973, phóng viên BBC Michael Charlton đã phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về quan điểm của ông đối với cuộc chiến, đối với đất nước, nhân dân và cả về đối thủ của ông, những người cộng sản.

Ông Thiệu trực tiếp trả lời bằng tiếng Anh trong cuộc phỏng vấn diễn ra tại phòng làm việc ở Dinh Độc Lập.

BBC giới thiệu với quý vị nội dung câu chuyện, đã được phát trong chương trình Panorama chuyên về Chiến tranh Việt Nam trên kênh truyền hình BBC hôm 2/4/1973.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43479236

 

Công nhân Pouchen Việt Nam

đình công phản đối thang lương mới

Hàng ngàn công nhân của Công ty TNHH Pouchen VN tràn xuống quốc lộ 1K đình công sáng 24/3, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Phản ứng mức thang lương mới của công ty gia công giày đóng tại Biên Hòa này, các công nhân đã không vào xưởng làm việc mà tụ tập phản đối trước cổng công ty rồi kéo xuống đường quốc lộ, theo các báo Việt Nam.

Trước đó hôm 23/3, rất đông các công nhân đã ngưng việc tập thể sau khi công ty này tuyên truyền về thang lương mới.

“Tháng qua công ty [Pouchen] phát giấy tuyên truyền về thang lương mới trong năm 2019 cho người lao động. Trong đó có kế hoạch sẽ thay đổi từ 24 bậc lương xuống còn 10-15 bậc, nên ít nhiều ảnh hưởng quyền lợi và thu nhập của người lao động”, tờ VN Express dẫn lời một nữ công nhân.

Hàng ngàn công nhân Pouchen VN đình công

LHQ: ‘Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa’

Một số công nhân nói theo cơ chế mới, những công nhân làm việc lâu năm có bậc lương cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều và không được tăng lương 5%/năm. Còn các công nhân thâm niên thấp cũng chỉ được tăng lương 5%/năm đến mức “sàn” rồi dừng lại.

Vì vậy, dù công ty mới chỉ tuyên truyền ‘mang tính chất tham khảo’ về mức thang lương mới, các công nhân đã phản đối không đồng tình.

Theo tờ Người lao động, đến gần trưa ngày 24/3, Công ty Pouchen đã thông báo sẽ hủy bỏ dự thảo và tuyên truyền về cải cách thang lương, giữ nguyên các chế độ chính sách, tiền lương cho công nhân và đề nghị họ trở lại làm việc bình thường.

Đài Loan: Người Việt chết đuối khi nhập cư lậu?

Luật mới của Thái Lan ‘ảnh hưởng lao động Việt Nam’

Đài Loan phá vỡ vụ trẻ Việt nhập cư lậu

Hồi tháng 2/2016, hàng ngàn công nhân Pouchen đã đổ ra Quốc lộ 1K phản đối chính sách đánh giá hiệu quả công việc.

Khi đó công ty Pouchen đề nghị xếp loại lao động A-B-C để tính ra mức lương, thưởng mà theo các công nhân là quá khắt khe.

Sau ba ngày đình công, lãnh đạo công ty Pouchen quyết định xóa bỏ chính sách đánh giá hiệu quả công việc và trả lương cho nhân viên trong cả 3 ngày.

Công ty Pouchen Việt Nam, đóng tại xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên gia công giày.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43526463

 

Cư dân Carina Plaza từng ‘cảnh báo cháy nổ’

Nhiều cư dân sinh sống tại khu chung cư Carina nói đã rất nhiều lần phản ánh với ban quản lý và chủ đầu tư về vấn đề cháy nổ, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi thích đáng.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn khiến 13 người chết và hơn 20 người bị thương hôm 23/3, nhiều người dân ở đây tỏ ra không quá ngạc nhiên khi vụ hỏa hoạn xảy ra.

“Tôi không ngạc nhiên đám chảy xảy ra vì tôi đã cảnh báo cháy nổ ở chung cư này nhiều lắm rồi,” bà Lê Thị Mai, người đã sống ở tòa nhà C thuộc khu Carina Plaza 4 năm qua nói với BBC.

Cháy Carina Plaza: ‘Tôi cứ tưởng là đã chết’

Cháy Carina Plaza: 13 người chết và 39 người bị thương

Thêm vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long

“Còi báo cháy không hoạt động, hệ thống báo cháy trong nhà không mở ra. Chủ đầu tư khi người ta mua nhà thì cũng không hướng dẫn tháo lắp gì.”

Bà Mai cho biết đây không phải là lần đầu tiên khu chung cư Carina bị cháy.

“Cách đây một năm, có một số người thuê nhà là người Trung Quốc, cùng tầng với tôi. Họ nấu ăn rồi ra ngoài mà để bếp vẫn cháy. Thế là thức ăn cháy, mùi khét bốc cả khu chung cư.

“Tôi mới chạy qua, yêu cầu đập cửa dập tắt, thì người bảo vệ và người thuê căn họ lại không cho phá cửa. Họ tiếc cái khóa từ của họ. Tôi mới nói là tính mạng của những người dân ở đây quan trọng hơn chứ,” bà kể tiếp.

Bà Mai cũng phản ánh bắt gặp bảo vệ hút thuốc trong hầm xe, và nhiều xe bị rò rỉ xăng.

Chung cư Carina có ‘rất nhiều vấn đề’

Theo các bài đăng trong nhóm Facebook Cộng đồng Cư dân Carina Plaza, nhiều người dân đã phản ánh tình trạng kẹt thang máy nhiều lần, nhưng nút gọi cứu hộ không hoạt động, số hotline không có người nghe máy.

Họ cũng nói thêm rằng các màn hình quảng cáo trong thang máy tỏa nhiệt lớn, và bị rò rỉ điện gây đe dọa cháy nổ.

Hôm 22/3, một ngày trước khi đám cháy xảy ra, trưởng ban quản lý khu chung cư đã gặp gỡ với người dân và cam kết sẽ giải quyết các vấn đề người dân đã phản ánh.

Ông Tuấn, trưởng ban quản lý tòa nhà nói trong nhóm Facebook này rằng ban quản lý sẽ “kiểm tra tình trạng hoạt động của các nút báo cứu hộ trong cabin thang máy” và “trao đổi với chủ đầu tư về vấn đề tháo các màn hình quảng cáo.”

Chủ đầu tư sẽ đền bù với bảo hiểm?

Theo báo Tuổi trẻ, một kiến trúc sư chuyên thiết kế PCCC nhận định: “Có hai khả năng xảy ra: ban quản lý tòa nhà giám sát, bảo trì hệ thống báo cháy không tốt dẫn đến hư hỏng hoặc có người cố tình tắt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động này.”

Trưởng ban quản lý tòa nhà nói hôm 24/3 rằng chủ đầu tư sẽ làm việc với bảo hiểm để đền bù hư hại tài sản trong nhà người dân.

“Bảo hiểm sau khi công an cho xuống hầm thì họ sẽ đi khảo sát thiệt hại toàn bộ. Ở đây có mua bảo hiểm cháy nổ,” ông Tuấn được báo Tuổi trẻ dẫn lời.

Về việc mất mát tài sản, đồ đạc, ông Tuấn nói người dân có thể trình báo công an để họ làm việc với chủ đầu tư.

Ông Tuấn cho biết bên thiện nguyện và chủ đầu tư đã hỗ trợ những cư dân bị ảnh hưởng, di chuyển sang sống tại một số phòng ở Citygate và “hỗ trợ tới đâu hay tới đó”.

Chung cư Carina Plaza thuộc khu phức hợp chung cư Carina Plaza – City Gate Towers – Diamond Riverside do Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (577 Corp).

Hầu hết người dân ở Carina cho biết, họ đều phải đóng phí bảo trì 2% khi mua nhà, và đóng tiền quản lý 5.000đồng/tháng.

Sau đám cháy hôm 23/3, cổ phiếu của 577 Corp sụt giảm mạnh. Vào sáng 24/3, 577 Corp NBB mất 170 tỷ đồng, theo báo VnExpress.

Cũng theo VnExpress, công ty 577 Corp là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất lớn tại TP HCM, Công ty 577 hiện sở hữu tổng diện tích lên đến 58 ha.

Ông Đoàn Tường Triệu, Chủ tịch HĐQT 577 Corp nói với VnExpress rằng công ty này “đang phối hợp với cơ quan chức năng để tham gia khắc phục, giải quyết thiệt hại cũng như làm rõ nguyên nhân của vụ cháy.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43524923

 

Vì sao Việt Nam gia hạn giam giữ

giới bất đồng chính kiến mà không xét xử?

Qua vụ việc cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài, cùng người cộng sự bị bắt giữ hơn hai năm mới được đưa ra xét xử sơ thẩm, một lần nữa dư luận trong và ngoài nước lên tiếng quan ngại tình trạng Chính quyền Việt Nam mạnh tay bắt bớ cũng như gia tăng thời hạn giam giữ đối với các nhà bất đồng chính kiến.

Bắt giữ và giam giữ tùy tiện

Các tổ chức nhân quyền thế giới nhiều lần lên tiếng kêu gọi Chính quyền Việt Nam trả tự do cho cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài cùng người cộng sự là cô Lê Thu Hà, sau khi họ bị bắt giữ hồi ngày 16 tháng 12 năm 2015, với cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Chính phủ Hà Nội không hề đáp lại những kêu gọi của thế giới như thế, mà ngược lại sang tháng 7 cho đến tháng 10 năm 2017, 7 thành viên trong Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự do Luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập, cũng bị bắt giữ. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, vào hạ tuần tháng 8 năm 2017, ra quyết định khởi tố vụ án đối với nhóm của Luật sư Nguyễn Văn Đài theo Điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Vào ngày 20 tháng 3 năm 2018, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ra thông báo sẽ tiến hành xét xử vụ án hình sự đối với 6 bị can nhóm Luật sư Nguyễn Văn Đài trong ngày 5 tháng 4 tới đây. Sáu người được đưa ra xét xử bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà và bốn cựu tù nhân lương tâm Kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển và Ký giả Trương Minh Đức.

Đài RFA liên lạc được với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của Ký giả Trương Minh Đức và được nghe bà Thanh thuật lại lời căn dặn của chồng liên quan phiên tòa sắp tới, trong lần thăm gặp vào ngày 9 tháng 3:

“Bây giờ chỉ yêu cầu luật sư bằng mọi giá giúp anh ấy bào chữa cho anh là một người vô tội. Anh ấy chỉ giúp những người lao động bị chủ ép bất công, hoặc đòi quyền con người, giúp cho các ngư dân về vấn đề Formosa. Những công việc anh ấy làm phù hợp với Hiến pháp, chứ không hề sai trái gì. Anh ấy cũng là những người đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Anh ấy cũng chỉ mong được tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước Việt Nam thôi.”

Bên cạnh đó, người ta còn thấy rằng thỉnh thoảng truyền thông báo chí nhà nước loan tin những vụ việc đưa ra xét xử và trường hợp của các nhóm hay những nhà hoạt động thầm lặng, mà anh em đấu tranh dân chủ không hề biết, thành ra phải nói rằng có nhiều trường hợp đã bị bắt và giam giữ lâu, có thể là 1, 2 năm nhưng không hề được biết. Chỉ đến khi nào họ đưa ra tòa thì chúng tôi trong nước mới biết được. Thành ra không thể khẳng định số lượng đó là ai, như thế nào và bao nhiêu

-Ông Phạm Bá Hoả

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận còn 3 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt trong cùng vụ án, nhưng chưa được đưa ra xét xử gồm có hai cựu tù nhân nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc và cô Trần Thị Xuân. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm nói với RFA vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến 3 người vừa nêu vì sao họ không được đưa ra xét xử. Ông Phạm Bá Hải còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam trong vài năm trở lại đây gia tăng bắt bớ và giam cầm một cách tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam:

“Nhà nước Việt Nam không cho không gian những nhà hoạt động và họ bắt rất nhiều. Riêng năm 2017 có ít nhất 43 nhà hoạt động đã bị bắt. Và điều đáng lưu ý, 43 người này đều là các cựu tù nhân lương tâm. Cho nên phải nói rằng là phong trào đấu tranh nhân quyền-dân chủ tại Việt Nam bị thiệt hại rất lớn trong năm 2017. Bên cạnh đó, người ta còn thấy rằng thỉnh thoảng truyền thông báo chí nhà nước loan tin những vụ việc đưa ra xét xử và trường hợp của các nhóm hay những nhà hoạt động thầm lặng, mà anh em đấu tranh dân chủ không hề biết, thành ra phải nói rằng có nhiều trường hợp đã bị bắt và giam giữ lâu, có thể là 1, 2 năm nhưng không hề được biết. Chỉ đến khi nào họ đưa ra tòa thì chúng tôi trong nước mới biết được. Thành ra không thể khẳng định số lượng đó là ai, như thế nào và bao nhiêu.”

Ông Phạm Bá Hải đề cập đến trường hợp của hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, bị bắt hồi đầu tháng 6 năm 2016 về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 và tuy là gia đình được thông báo hồ sơ vụ án đã được Viện Kiểm Sát chuyển qua cho tòa án, nhưng vẫn không có tin tức gì khi nào sẽ xét xử.

Cơ quan Điều tra Việt Nam vi phạm luật

Trao đổi với RFA, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định cho biết theo Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam, thì Cơ quan Điều tra đã vi phạm luật đối với các trường hợp gia hạn tạm giam dài hạn mà không tiến hành xét xử. Luật sư Lê Công Định phân tích theo luật định:

“Thường một cái lệnh tạm giam có thể là 2 tháng, 3 tháng, tối đa là 4 tháng. Chỉ có thể gia hạn một lệnh tạm giam tối đa 3 lần. Giả sử trong trường hợp của anh Đài, theo tôi hiểu lệnh tạm giam đầu tiên của anh Đài là 4 tháng và nó đã được gia hạn 3 lần, có nghĩa mỗi lần 4 tháng nữa, thì tổng cộng 16 tháng tối đa theo luật định. Như vậy, quá 16 tháng mà không xét xử thì buộc phải giải quyết trả tự do tạm thời, có thể anh Đài được tại ngoại hầu tra.”

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng các trường hợp bị gia hạn thời gian giam giữ lâu, vượt quá thời hạn tối đa theo luật định mà không được xét xử thì đương sự có thể khiếu nại hay không? Luật sư Lê Công Định trình bày:

“Xét về phương diện pháp lý thì mọi công dân đều có quyền khiếu nại và thậm chí kiện những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, chúng ta biết liên quan đến các vụ án chính trị, dù cho mình có khiếu nại hay kiện đi nữa thì cơ quan thụ lý cũng sẽ không giải quyết. Bởi vì nói thật là tất cả đều trong phạm vi kiểm soát của Cơ quan An ninh hết. Do đó, không có một tòa án độc lập nào để xét xử các yêu cầu hoặc khiếu nại nào của mình cả. Việt Nam có tình trạng như vậy.”

Áp lực của quốc tế

Chúng tôi nêu vấn đề với Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams để tìm hiểu vì sao Chính quyền Hà Nội lại để cho Cơ quan Điều tra vi phạm Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, theo như phân tích của Luật sư Lê Công Định và được ông lý giải:

“Tôi nghĩ các trường hợp không được đưa ra xét xử vì không có chứng cứ để buộc tội họ. Chúng ta ghi nhận ngày càng có nhiều người bị bắt giam trong thời gian dài bởi vì Chính phủ Việt Nam không biết kết án những người này trước công luận như thế nào mà không bị chỉ trích, và do đó hiện tại có nhiều người bị gia hạn thêm thời gian giam giữ đến 1, 2 năm và điều này không theo quy chuẩn của thế giới.”

Tôi nghĩ các trường hợp không được đưa ra xét xử vì không có chứng cứ để buộc tội họ. Chúng ta ghi nhận ngày càng có nhiều người bị bắt giam trong thời gian dài bởi vì Chính phủ Việt Nam không biết kết án những người này trước công luận như thế nào mà không bị chỉ trích, và do đó hiện tại có nhiều người bị gia hạn thêm thời gian giam giữ đến 1, 2 năm và điều này không theo quy chuẩn của thế giới
-Ông Brad Adams

Ông Brad Adams cũng nêu lên trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài được đưa ra xét xử có thể ít nhiều liên quan đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam trong xu hướng muốn mở rộng hợp tác về kinh tế và thương mại với thế giới, thì cần phải cân đối với việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để đổi lấy những ích lợi trong các mối quan hệ, hợp tác đó vì chính phủ của các nước sẽ luôn ràng buộc yếu tố nhân quyền trong những thỏa thuận ký kết. Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhấn mạnh rằng Human Rights Watch sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ của các quốc gia trên thế giới để gây áp lực đối với Hà Nội cần chấm dứt tình trạng bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói đối lập.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam từ trong nước nói rằng tình tạng những nhà bất đồng chính kiến bị bắt luôn xảy ra hàng năm. Mặc dù không ai tiên liệu được việc bắt bớ như thế ở Việt Nam sẽ tăng hay giảm trong tương lai, nhưng hầu như các nhà quan sát tình hình Việt nam, mà RFA tiếp xúc, đều đồng ý với cựu tù nhân lương tâm-Lê Công Định“Tôi tin rằng với tình hình rối ren của xã hội, chắc là tiếp tục theo xu hướng tăng chứ không thể giảm được.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-government-is-criticized-increasing-pre-trial-extension-to-activists.-03232018134110.html

 

Bỏ tù nhưng khó thu tài sản

Cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ giữa năm 2016 đến nay được nói là quyết liệt và cũng gặt hái được một số thành tựu nhất định.

Hầu hết những vụ án tham nhũng được phanh phui bấy lâu nay đều là những vụ đại án, mà số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho mỗi vụ. Nhưng cho đến nay VN cho biết số tiền thiệt hại này không thu hồi được là bao. Tình trạng này bị cho ‘chống tham nhũng nửa vời’.

Thanh Tra Chính Phủ vào cuối năm 2016 đã ra một bản phúc trình tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng Chống Tham Nhũng, trong đó nêu rõ trong suốt 10 năm chỉ có 7,8% số tiền tham nhũng được trả lại cho ngân sách nhà nước, còn 92% số tài sản gồm tiền mặt và đất đai tham nhũng đã bị tẩu tán và không thể thu hồi được.

Đến cuối năm 2017, sau một năm chiến dịch chống tham nhũng “Lò nóng- củi tươi” của ông Nguyễn Phú Trọng được nói là rực lửa, Bộ Công an cho biết tài sản thu hồi cũng chỉ có 29% về số lượng tiền, 50% về đất đai, tài sản. Bộ Công an cũng cho biết nhiều vụ án số tiền thi hành án lên đến cả chục ngàn tỷ đồng nhưng thu hồi chưa đến 10%.

Đây là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và thậm chí các nhà lãnh đạo cao cấp của VN đề cập đến nhiều lần và đưa ra nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa thấy có hiệu quả thực sự.

Chính ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng từng nói chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản thì mới thành công được một nửa.

Chúng tôi trao đổi vấn đề này với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Luật sư Lan nhận định nguyên nhân gốc rễ dẫn đến khó khăn trong thu hồi tài sản là việc kê khai tài sản chưa rõ ràng:

Nó chưa đảm bảo rõ ràng bởi vì cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế, một quy trình cụ thể để kê khai tài sản. Khi đến giai đoạn thu hồi tài sản đã là giai đoạn sau rồi, cho nên có thể tài sản đã bị tẩu tán. Một khi tài sản bị tẩu tán thì việc thu hồi hết sức khó khăn vì tài sản không còn nữa.

Bởi vì cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế, một quy trình cụ thể để kê khai tài sản.
– LS Nguyễn Ngọc Lan

Vấn đề kê khai tài sản ở Việt Nam bấy lâu nay được nói là không hiệu quả. Đầu năm ngoái, Cục Phòng chống tham nhũng cho biết nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực. Trước đó năm 2016, trong số 1 triệu bản kê khai, Chính phủ nói không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Rồi thậm chí năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan cũng cho rằng tùy thuộc vào từng vụ án với tính phức tạp riêng mà tài sản có thể bị tẩu tán bằng các hình thức khác nhau.

Một vụ án khó thu hồi tài sản điển hình phải nhắc đến đó là vụ Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines. Theo đó ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị lẽ ra phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng chỉ thu lại được 21 tỷ đồng. Hiện tại Cục thi hành án Dân sự Hà Nội đã thừa nhận “bó tay” vì ông Dũng không còn tài sản nào khác.

Trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói rằng do các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng có tổ chức thực hiện trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Một số vụ án tham nhũng thường được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong một thời gian dài, đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản. Một số tài sản chuyển trái phép ra nước ngoài nên hết sức khó khăn khi thu hồi.

Cũng đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên Ủy viên Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cũng nói rằng số tiền tham nhũng được đã được tiêu dùng, chia chác và thậm chí tẩu tán trước khi đối tượng ra hầu tòa. Từ thực tế như vậy, ông đưa ra một đề xuất để đối phó với vấn đề này:

Trong quá trình điều tra phải yêu cầu họ trả lại phần tài sản đã lấy và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ tội trạng của họ. Trong giai đoạn thanh tra, có thể cho họ [thanh tra viên] thỏa thuận với họ để họ trả lại tài sản. Nếu họ nộp lại thì sẽ giảm nhẹ hơn trong quá trình kết án. Như vậy sẽ thu được nhiều hơn so với cơ chế như hiện nay đó là thanh tra chỉ phát hiện chứ không có quyền xử lý mà phải báo với cấp trên. Trong quá trình xử lý cũng không có quyền xử lý hành chính, không có quyền thỏa thuận giảm nhẹ với người vi phạm.

Trong quá trình điều tra phải yêu cầu họ trả lại phần tài sản đã lấy và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ tội trạng của họ. 

_ Ông Trần Văn Lĩnh

Còn với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, bà cho rằng câu hỏi làm thế nào để khắc phục khó khăn trong thu hồi tài sản là một câu hỏi quá lớn, nan giải. Tuy vậy, bà vẫn đưa ra một số gợi ý đối với cơ quan chức năng:

Ngay trong giai đoạn điều tra phải nắm rõ đầy đủ thông tin liên quan đến khối tài sản tham nhũng. Tiếp nữa, nếu chờ đến khi phát hiện ra tham nhũng lúc bấy giờ mới làm thủ tục để thu hồi thì có lẽ đã quá muộn. Vì vậy phải có một quá trình giám sát của các cơ quan liên quan tới các hoạt động để đảm bảo toàn bộ tài sản được công khai và tránh tình trạng việc đã rồi mới quay lại điều tra tham nhũng bao nhiêu.

Câu hỏi này cũng được Quốc hội đặt ra với Bộ Trưởng Công an Tô Lâm, nhưng ông cũng chỉ đưa ra câu trả lời chung chung rằng bộ công an đã hướng dẫn các cơ quan tố tụng thúc đẩy tiến độ điều tra vụ án, tập trung thu hồi tài sản cho nhà nước; có biện pháp phong tỏa tài sản đối tượng phạm tội và thực hiện thu hồi không để tẩu tán và tăng cường công khai việc kê khai tài sản của công chức, viên chức phục vụ phòng chống tham nhũng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/asset-recovery-a-challenge-in-the-anti-corruption-campaign-03232018135005.html