Tin Việt Nam – 24/03/2017
Cá chết tại khu vực có dải nước màu vàng
ở cảng Chân Mây – Lăng Cô
Hôm nay 24/3 người dân sống tại khu vực cảng Chân Mây, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và các con sông, lạch gần khu vực có dải nước màu vàng cho biết, hiện đang có tình trạng cá chết hàng loạt nổi lên mặt nước tại khu vực này.
Theo ghi nhận tại chỗ của phóng viên báo Người Lao Động, tại khu vực sông An Bình gần cửa biển Chân Mây xuất hiện cá chết hàng loạt, một số nổi lên mặt nước từng đàn lớn. Người dân ở đây cho biết, những loài cá này là cá biển do thủy triều lên nên bị đẩy vào đây.
Trước đó, vào sáng ngày 23 tháng 3, các ngư dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện một dãi nước màu vàng lớn ở khu vực bờ biển cảng Chân Mây – Lăng Cô.
Chiều cùng ngày, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Văn Thông cho biết mẫu nước biển màu vàng đã được lấy về sở để xét nghiệm.
Những người dân ở khu vực này kể lại họ thấy dải nước có hiện tượng đặc, lan rộng và có mùi tanh, vì lo sợ nên người dân ở đây không dám mua cá về ăn.
Biển Huế tiếp tục đổi màu ‘lạ’
Hết biển đỏ, biển Thừa Thiên Huế chuyển sang màu vàng. Cái màu vàng chết chóc này khiến cho cả một dãy bờ biển dài không có sự sống. Không có cá, không có tôm, không có bất kì sinh vật biển nào tồn tại trong khu vực biển màu vàng. Và theo các ngư dân thì màu vàng này đang kéo từng luồng từ ngoài khơi dạt vào bờ, mỗi luồng dài vài cây số và rộng từ 100 mét đến 500 mét.
Ông Ngọc, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Thuế chia sẻ với VOA Việt ngữ: “Nước buổi sáng ở đây đã vàng khè rồi, tôi múc một ca cất lên, giờ đọng lại nhiều cặn thế này đây. Như cái cặn nước nó đủ màu, màu trắng, màu vàng, lợn cợn. Trước đây lội nước vô chân trắng thôi, nhưng lội nước hai ba ngày nay thì giờ chân đỏ lên. Dân làm nghề ở đây giờ lo sợ lắm, giờ lưới bị bám dẻo dẻo vào, giờ đóng cặn vào, gỡ không ra. Sáng ni lưới bị dính cách đây 16, 17 hải lý, ai ngờ vào đây cũng có.”
Cái nước này dính vô tay người thì ngứa. Ở ngoài xa cách đây 18 hải lý, nó đi từng mé, từng mé. Nếu lưới thả phải vùng nước này thì nó chìm xuống không kéo được luôn. Ai mà gặp là bó tay luôn.
Ngư dân Ngọc
Nhìn lệch về phía cảng Chân Mây, nước vẫn còn xanh. Theo các ngư dân đánh bắt xa bờ, có đến hàng chục luồng nước màu vàng đục, có mùi hắc và tanh đến ngạt thở, cứ cách chừng 1 hải lý thì có một luồng như vậy trôi nổi trên biển. Hiện nay, dòng hải lưu trên biển Thái Bình Dương đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam, như vậy, khả năng các luồng nước này đến từ Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình, Quảng Trị là rất cao. Luồng nước mà chúng tôi tận mắt chứng kiến ở bờ biển Thừa Thiên Huế vào hôm Thứ Năm ngày 23 tháng 3 chỉ mới là luồng nước vàng đầu tiên kéo vào bờ. Và đúng như lời các ngư dân chia sẻ, mùi nước tanh tưởi, hắc đến mức khó thở, dường như đây là phức hợp mùi pha trộn giữa xác sinh vật biển bị chết và các loại chất thải công nghiệp. Dòng nước vàng, đặc quánh như dầu nhớt.
Ông Ngọc tiếp lời: “Nước trước đây trong xanh, tắm mát mẻ. Chứ giờ nước thế này, du lịch gì nữa, ai dám tắm, nhúng vào nước là ngứa. Đây lưới bị hư hết, vì lợn bợn bám vào lưới, không có cá nào đóng vào được hết. Anh em tôi làm xa bờ 17 đến 18 hải lý nhưng ra đó chỉ làm được vài con cá trích. Bữa nay cả đêm làm năm chục, bảy chục cân, trước đây làm cả tấn. Làm ra thì chủ thuyền như tôi hay trai bạn đò cũng rên xiết. Nói chừ cá hiện nay tìm không ra, mà ra gặp nước ni nữa, kéo lên thì ngứa tay..”
Nước trước đây trong xanh, tắm mát mẻ. Chứ giờ nước thế này, du lịch gì nữa, ai dám tắm, nhúng vào nước là ngứa. Đây lưới bị hư hết, vì lợn bợn bám vào lưới, không có cá nào đóng vào được hết.
Ngư dân Ngọc
Có thể nói rằng chưa bao giờ ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, nói riêng, và ngư dân Việt Nam nói chung lại thất thu trong chính vụ, lại bất an và cảm nhận tương lai hết sức u ám như hiện tại. Bởi với một dải dài bờ biển dài 3.260 cây số mà không có cá để đánh bắt, trong khi ngư nghiệp, hải sản là mũi nhọn kinh tế của Việt Nam, quyết định sự sống còn của hàng triệu gia đình gắn với biển. Tình trạng này kéo dài chừng hai năm thì sẽ có hàng triệu gia đình ngư dân lụn bại.
“Trước đây, cá ngư dân đánh trong bờ rất nhiều. Nhưng giờ đánh trong bờ không có gì cả, cuộc sống của người dân khó khắn lắm,” ông Toàn, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chua chát ca thán.
Ngư dân Ngọc cho biết làm nghề mấy chục năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy nước có màu lạ vậy. “Trước đây nghe cái vụ sự cố môi trường thì cá chết rất nhiều nhưng cái nước này chưa thấy. Có thể trong 5-6 tháng nay thì giờ nước ni tự về, không biết nó đẩy cá thế nào mà giờ không còn con cá nào hết. Cái nước này dính vô tay người thì ngứa. Ở ngoài xa cách đây 18 hải lý, nó đi từng mé, từng mé. Nếu lưới thả phải vùng nước này thì nó chìm xuống không kéo được luôn. Ai mà gặp là bó tay luôn,” ông Ngọc nói.
Những con cá trích vớt vát được từ mẻ lưới quện đầy chất lạ của ông Ngọc như một giải an ủi cho một đêm dài đi đánh bắt không được gì mà lưới lại bị hỏng vì chất lạ. Ông Ngọc nói với chúng tôi là ông sẽ dùng mấy con cá trích nướng này để nhấm nháp, uống rượu cho quên đi cái ngày hết sức tàn tạ trong nghề đánh bắt của mình. Và liệu những con cá trích này có an toàn cho bữa ăn của ông Ngọc hay không, một câu hỏi mang tính sinh tử đối với ngư dân lúc này.
http://www.voatiengviet.com/a/bien-hue-tiep-tuc-doi-mau-la/3779393.html
Chấm dứt ‘chống lưng’ nợ doanh nghiệp nhà nước?
Chính phủ không gánh nợ công – Tín nhiệm của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Chính phủ Việt Nam vừa quyết định sẽ ngừng chống lưng các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước để giảm nợ công và tiệm cận hơn với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói với các đại biểu quốc hội Việt Nam điều lệ này được đưa vào trong dự thảo luật sửa đổi về quản lý nợ công đã được trình lên Ủy ban thường vụ quốc hội xem xét hôm 21/3. Truyền thông trong nước dẫn lời bộ trưởng Dũng nói rằng chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ và chỉ những khoản nợ do chính phủ bảo lãnh mới được coi là nợ công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, những khoản nợ này đã làm cho nợ công của Việt Nam tăng cao. Bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%. Nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 thừa nhận nợ công của Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền của tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.
“Trước đây vì Việt Nam quan niệm doanh nghiệp nhà nước là theo chủ sở hữu thì khi doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn mà không trả được thì nhà nước – chủ sở hữu – phải trả khoản nợ đấy.”
Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định việc sửa đổi trong luật về nợ công sẽ giúp chính phủ minh bạch hóa và tạo ra cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. ”Chính phủ Việt Nam đang có những thay đổi về mặt quản lý nhà nước để nó tiệp cận với những thỏa thuận mà chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận với các tổ chức quốc tế. Ví dụ như xem trong hiệp định TPP mà chính phủ Việt Nam đã ký với 11 đối tác trong đó thì Việt Nam cam kết minh bạch hóa quá trình quản trị doanh nghiệp nhà nước và không có những ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước thì việc chính phủ không bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước đã nằm trong lộ trình cam kết của Việt Nam.”
Bộ trưởng Dũng nói nếu các công ty nhà nước không trả được nợ của chính họ thì phải tuyên bố phá sản. TuoiTreNews trích lời bộ trưởng nói “sẽ không có cái gọi là nợ của các công ty nhà nước trở thành nợ quốc gia”.
Trước đây Tập đoàn Công nghiệp Vinashin đã trở thành doanh nghiệp nhà nước có khoản nợ lớn nhất không trả được, 4.5 tỷ đô la và việc kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước này đã làm các nhà đầu tư vào Việt Nam lo lắng.
Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Khiêm được báo Doanh Nhân trích lời nói rằng thường có 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ trực tiếp bảo lãnh nợ doanh nghiệp và trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì những cơ quan đó phải có trách nhiệm trả nợ. Điều đó lý giải tại sao nợ bảo lãnh chính phủ hiện đang ở mức 10.2% GDP.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết ”Trước đây vì Việt Nam quan niệm doanh nghiệp nhà nước là theo chủ sở hữu thì khi doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn mà không trả được thì nhà nước – chủ sở hữu – phải trả khoản nợ đấy.”
Một chuyên gia kinh tế của trường đại học Texas không muốn được nêu tên đồng ý với nhận định đó. ”Nhà nước đã ký vào trong hợp đồng cho vay đấy là tôi đứng ra bảo lãnh thì khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì nhà nước sẽ trở thành bên liên đới phải đứng ra trả nợ thì khoản nợ đấy sẽ chuyển thành nợ của nhà nước.”
Theo các chuyên gia kinh tế này, việc không có chính phủ chống lưng sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thận trọng hơn trong việc tiếp cận vốn vay.
Tiến sĩ kinh tế của trường Đại học Texas cho VOA Việt Ngữ biết các doanh nghiệp nhà nước phải có hồ sơ vay và kế hoạch kinh doanh tốt mới có cơ hội. “Người đi cho vay sẽ thận trọng hơn và vì thế khi cho vay họ sẽ phải tìm dự án chất lượng hơn để cho vay. Câu chuyện thẩm định các khoản vay sẽ diễn ra chặt chẽ hơn và ít doanh nghiệp nhà nước được vay hơn. Thế còn không bảo lãnh nữa hoặc có bảo lãnh thì có làm cho cá chuyện những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước họ có trách nhiệm hơn hay không thì tôi nghĩ là vẫn thế.”
Chuyên gia kinh tế này nói rằng các doanh nghiệp nhà nước dù có được chính phủ bảo lãnh hay không thì nhiều những người đứng đầu các doanh nghiệp vẫn gặp những bê bối tham nhũng vì hệ thống pháp luật và cơ chế giám sát còn chưa dẫn đến doanh nghiệp sẽ thua lỗ và phá sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảnh báo việc doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ nước ngoài khi không có nhà nước chống lưng sẽ làm cho xếp hạng tín nhiệm và độ tin cậy về tài chính của Việt Nam với các đối tác nước ngoài xuống thấp. Nhưng ông Kiên nói điều đó không phải là một mối lo vì việc đánh giá của các cơ quan nhà nước đi vay sẽ thực chất hơn trước đây khi các công ty này phải nỗ lực để được đánh giá cao về khả năng hoàn trả nợ và xếp hạng tài chính.
Người đứng đầu ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội đề xuất tại buổi họp hôm 21/3 tại Hà Nội, theo ghi nhận của báo chí trong nước, rằng chính phủ cần thắt chặt hơn việc giám sát đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro các doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ và đi đến phá sản.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết dự thảo luật quản lý nợ công đang được quốc hội thảo luận và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào 1/7/2018.
Cổ đông lớn của Trustbank bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố
“Vụ bắt lãnh đạo ngân hàng mới nhất là chỉ dấu cho thấy hệ lụy của hiện trạng ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay,” chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành bình luận với BBC nhân có tin thêm một lãnh đạo ngân hàng, bị khởi tố.
Hôm 24/3, tin cho hay bà Hứa Thị Phấn, Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín, bị khởi tố về tội danh ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.
Đây cũng là tội danh khiến một loạt lãnh đạo ngành ngân hàng vừa qua bị bắt và khởi tố.
Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) là tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
‘Việc bắt sếp ngân hàng chưa dừng ở ông Bình’
Chuyên gia nói gì về tin đồn Việt Nam đổi tiền?
Bà Phấn được cho là người có cổ đông lớn, giữ chức cố vấn cấp cao của Trustbank.
“Bà Hứa Thị Phấn là người được xác định có vai trò quan trọng trong vụ thất thoát 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng (trước đó là Ngân hàng Đại Tín) mà cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý hàng loạt lãnh đạo, cán bộ có liên quan,” báo Tuổi Trẻ hôm 24/3 tường thuật.
“Đây được coi là bước tiếp theo của vụ “đại án” Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Xây Dựng,” báo này viết.
‘Mối liên hệ giữa các vụ khởi tố trong ngành ngân hàng’
“Đã có những lãnh đạo ngân hàng cổ phần từ thời điểm ấy không tuân thủ pháp luật về quản lý trong ngành này, dẫn đến tình trạng cho vay vô tội vạ,” ông Bùi Kiến Thành nói với BBC.
“Và đến thời điểm này thì nợ xấu đã lên đến 300, 400.000 tỷ đồng với nhiều khoản chưa thu hồi được.”
Đề cập về mối liên hệ giữa người bị khởi tố gần nhất với người trước đó trong giới ngân hàng, ông Thành nói: “Điều đó là đương nhiên, vì phổ biến tình trạng sở hữu chéo, móc nối cùng làm sai luật của các lãnh đạo ngân hàng.”
Truyền thông Việt Nam tường thuật, chiều 25/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an tống đạt và thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nhà riêng của bà Phấn.
‘Trước hoặc sau’
Chuyên gia bác ý kiến cho rằng tội danh ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ là “khá mơ hồ”.
“Tội danh này được quy định rõ ràng trong luật Việt Nam, do vậy những ai cố ý làm trái pháp luật đều phải đối mặt với tội này, trước hoặc sau thôi.”
“Tôi được biết là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị làm rõ hoạt động của ngành ngân hàng và xử lý vấn đề nợ xấu trước cuối năm 2017 nên cũng hy vọng việc này được tiến hành quyết liệt và nghiêm minh.”
Vụ khởi tố bà Hứa Thị Phấn diễn ra trong bối cảnh phiên tòa xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Đại Dương – Oceanbank bị dừng lại sau 8 ngày xét xử.
“Xét thấy nhiều nội dung không xác định rõ tại phiên tòa nên Hội đồng Xét xử quyết định trả lại hồ sơ vụ án và tuyên bố dừng phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm,” báo Tri Thức Trẻ cho hay.
Phiên tòa này từng được dự kiến kéo dài 20 ngày kể từ 27/2 và lẽ ra kết thúc vào hôm 21/3.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39348920
Hầu hết các Bộ vắng mặt trong một phiên họp về thể chế
Tổ công tác của Thủ tướng mời 11 Bộ, ngành, nhưng phần lớn lãnh đạo những đơn vị đó vắng mặt, chứng tỏ chẳng mấy quan tâm xây dựng thể chế. Đó là phê bình của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra trong buổi kiểm tra rà soát chuyên đề về tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của 11 bộ, cơ quan.
Mạng báo Chính phủ hôm nay loan tin như vừa nêu, trích dẫn lời của ông Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã đề nghị các bộ Nông nghiệp và Phát triển-Nông thôn, Y tế, Tài nguyên- Môi trường, Giáo dục- Đào tạo, Thông tin- Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động- Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên chỉ có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có mặt.
Tin cho biết thêm buổi kiểm tra nhằm tạo cơ hội cho các Bộ giải trình, báo cáo về nguyên nhân chậm trễ và cam kết thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Ông Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh rằng buổi làm việc này sẽ thúc đẩy phối hợp tốt hơn giữa các bộ và Văn phòng Chính phủ.
Vào tháng 8 năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Tổ Công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của chính phủ và thủ tướng. Biện pháp này được nói nhằm giải quyết tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’.
Những giáo hội không theo Nhà nước nói bị bách hại
Hòa Ái, phóng viên RFA
Các phái quyết giữ giáo lý chánh truyền của hai giáo hội gồm Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài tiếp tục cáo giác nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu, cấm đoán các sinh hoạt tôn giáo của họ cũng như chiếm đoạt tài sản của giáo hội.
Ngày Đức Huỳnh Phú Sổ, người khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam, “vắng mặt” vẫn luôn được các tín đồ theo đạo giáo này tổ chức kỷ niệm hàng năm. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, không theo phái Nhà nước lập nên, cho biết vào ngày lễ Đức Thầy vắng mặt 25 tháng 2 âm lịch mỗi năm, chính quyền huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang luôn thông báo hạn chế số người đến địa phương tham dự lễ. Riêng dịp lễ lần thứ 70, nhằm ngày 22 tháng 3 dương lịch năm 2017, chính quyền địa phương ra lệnh miệng cấm không cho tổ chức và ông Hà Văn Duy Hồ, Hội trưởng tỉnh An Giang kiêm Trưởng Ban Tổ chức cuộc lễ, không được ra khỏi nhà trong những ngày này.
Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, đồng thời là Tổng Thư ký Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nói với RFA chi tiết của thông báo:
“Trước ngày lễ 10 ngày thì một người tự xưng là Đại úy Việt, an ninh của Công an tỉnh An Giang, lại nói rằng đây là lệnh trên đưa xuống không cho Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy tổ chức lễ Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt. Vào ngày 18/3, ông Hà Văn Duy Hồ bị chính quyền xã Nhơn Mỹ và chính quyền huyện Chợ Mới mời đến trụ sở để làm việc và ra lệnh cho ông Hồ không được tổ chức, nếu ông Hồ trái lệnh thì sẽ có biện pháp.”
Vào ngày 18/3, ông Hà Văn Duy Hồ bị chính quyền huyện Chợ Mới mời đến trụ sở và ra lệnh cho ông Hồ không được tổ chức, nếu ông Hồ trái lệnh thì sẽ có biện pháp.
– Ông Lê Quang Hiển
Ông Lê Quang Hiển cho biết thêm, trước lệnh cấm không bằng văn bản đó, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đồng loạt phản đối bằng hình thức tọa kháng tại nhà, tay cầm biển ghi dòng chữ “Tuyệt thực phản đối Cộng sản Việt Nam phá hoại cuộc lễ Đức thầy vắng mặt”. Bên cạnh đó, một số trị sự viên làm lễ kỷ niệm tại tư gia đã bị chính quyền vào đến tận trong sân để giựt các băng-rôn được treo trong lúc cúng bái.
Đài Á Châu Tự Do còn nhận được video ghi lại cuộc đối thoại của bà cụ Trần Thị Xinh, 86 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đang cùng người thân trên đường đi đến huyện Chợ Mới trong ngày 21 tháng 3 để dự lễ, bị an ninh mặc thường phục cản trở và hành hung:
“- Chìa khóa của tôi ở trên xe, bị giựt nè, không có sao?
– Ai giựt của mày?
– Không giựt sao liệng lại? Chú nói chuyện cho đàng hoàng. Không phải ỷ làm việc mà nói chuyện với dân rồi chửi thề…
– Ở đây không có ai làm việc hết
– Không làm việc thì ăn cướp hả?
– Ừ, ăn cướp luôn đó. Rồi sao?
– Đất nước Việt Nam này không còn luật pháp nữa rồi.”
Vừa rồi là một số thông tin liên quan lễ Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt lần thứ 70 bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm tổ chức.
Song song với sự kiện này, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Thánh thất Cao Đài, tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp bị cưỡng chế.
Chánh Trị sự Dương Ngọc Rể cho biết ông được chính quyền địa phương của ba cấp xã, huyện và tỉnh mời làm việc hai lần, vào ngày 16 và ngày 19 tháng 3, để bàn thảo hợp thức hóa theo Hội đồng Chưởng quản của Giáo hội Cao Đài do Nhà nước quản lý. Ông Dương Ngọc Rể lên tiếng từ chối yêu cầu của chính quyền địa phương và ông Rể khẳng định vẫn trung thành với Giáo hội Cao Đài chân truyền ra đời từ năm 1926.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20 tháng 3, ông Dượng Ngọc Rể cùng 2 thành viên trong Ban Trị sự chứng kiến cảnh tượng công an, an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục kéo đến Thánh thất Cao Đài, được xây hồi năm 1952, dùng kiềm cắt 6 ổ khóa, tràn vô khiêng đồ đạc ra ngoài. Ông Rể kể lại với RFA:
“Tôi hỏi: ‘Nhà cửa của chúng tôi hợp pháp đàng hoàng, tại sao các ông cắt cửa vô? Quý vị làm như vậy là dùng quyền lực đàn áp dn’. Mình nói cứ nói. Họ làm cứ làm. Tôi đi ra trước cửa thánh thất và vọng chuông kêu lên ‘Ngọc hoàng Thượng đế ơi, ngó xuống mà coi bọn này vô đây cướp chùa!”
Vào hôm sau, ngày 21 tháng 3, một lực lượng hùng hậu, khoảng vài trăm người, mà ông Dương Ngọc Rể mô tả là “không thể đếm xuể, tràn vô như nước vỡ bờ” và đọc Huấn lệnh của Ban Chưởng quản rằng ông Nguyễn Văn Thạo, được chọn làm Chánh Trị sự tại thánh thất, thay thế ông Dương Ngọc Rể.
Những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài không theo phái do Nhà nước lập nên đều tuyên bố không khuất phục và đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, yêu cầu nhà nước không được can thiệp, cài cắm người vào giáo hội chánh truyền để lũng đoạn, tiếm quyền kiểm soát, thay đổi giáo lý mà những vị khai đạo truyền ban.
Đập thủy điện Lào đe dọa nông nghiệp ĐBSCL
Việt Hà, phóng viên RFA
Lào đang xúc tiến việc xây dựng con đập thứ ba trên dòng chính sông Mekong là đập Pak Beng, tiếp theo hai con đập gây tranh cãi đang được xây dựng của Lào là Xayaburi và Don Sahong cũng trên dòng chính của sông Mekong.
Giới chuyên gia quốc tế và trong nước cho rằng các con đập của Lào kết hợp với những con đập đã được xây trước đó từ thượng nguồn sông bên Trung Quốc đang và sẽ có tác động tiêu cực lớn lên nông nghiệp và đánh bắt cá ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước hạ nguồn sông.
Chỉ hai tháng sau khi Lào chính thức thông báo lên Ủy Hội Sông Mekong (MRC) vào tháng 11 năm ngoái về dự kiến xây dựng đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông, vào hồi giữa tháng 1 vừa qua, MRC cho biết đã chọn ngày 20 tháng 12 năm 2016 là ngày đầu tiên cho quá trình tham vấn chính thức toàn vùng về đập Pak Beng. Đây là bước đi khiến các chuyên gia quốc tế quan ngại vì cho rằng việc xúc tiến xây dựng đập quá nhanh trong khi các bên liên quan vẫn chưa nhận đủ thông tin về dự án cũng như những đánh giá ảnh hưởng về môi trường của dự án lên dòng sông.
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của thủy điện dòng chính sông Mekong đưa ra vào hồi năm 2010 của MRC kết luận nếu tất cả các con đập dự kiến được xây dựng trên trong chính sông Mekong được thực hiện thì các dự án này đóng góp khoảng 8% năng lượng cho toàn vùng nhưng làm tổn thất các ngành thủy sản và nông nghiệp 500 triệu đô la một năm, hơn 100 loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Ảnh hưởng lên nông nghiệp và thủy sản
Theo MRC, các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch trên 20 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Trung Quốc đã triển khai xây 8 đập ở thượng nguồn. Các nước Lào, Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn.
Bà Maureen Harris, Giám đốc chương trình khu vực Đông Nam Á của tổ chức International Rivers, nhận định:
Các con đập này sẽ làm giảm lượng phù sa của sông và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự màu mỡ của đất, ảnh hưởng đến nông nghiệp dọc dòng sông và sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên nông nghiệp của Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Me Kong.
International Rivers là một tổ chức phi chính phủ chuyên lên tiếng về môi trường các dòng sông ở nhiều nước trên thế giới.
Theo tiến sĩ Dương Văn Ni thuộc trường đại học Cần Thơ, người đã có nhiều năm nghiên cứu về tác động môi trường của các đập thủy điện và biến đổi khí hậu lên vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đập thủy điện của Trung Quốc, Lào, và Campuchia làm giảm lượng phù sa thô và phù sa mịn bù đắp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu đúng kế hoạch Lào tiếp tục 11 đập ở Lào và cả ở Campuchia thì có thể nói chắc chắn là lượng cát thô nằm trong phù sa sẽ không còn về đồng bằng sông Cửu Long nữa. Kéo dài thêm là các loại cát mịn cũng bị ảnh hưởng. Bây giờ đã bị ảnh hưởng lượng cát thô rồi nhưng nếu 11 đập đó xây nữa thì kể cả cát mịn cũng bị ảnh hưởng…
Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long các công trình làm đường làm lộ, làm nền nhà thì cát mịn là vật liệu người ta san lấp mặt bằng, tôn tạo nền lộ. Nếu các đập thủy điện ở Lào và Campuchia xây dựng nữa thì lượng cát mịn còn giảm sâu hơn nữa.
Theo đánh giá của tiến sĩ Dương Văn Ni lượng cát thô hay còn gọi là phù sa thô ở đồng bằng sông Cửu Long vốn có tác dụng làm ổn định nền đáy sông, hạn chế xói lở trên đất liền, đã giảm đáng kể trong khoảng 8 năm trở lại đây. Ông ước tính khoảng 50% lượng cát thô đã mất đi từ phía các đập thủy điện ở thượng nguồn bên Trung Quốc sang đến đất Lào.
Các con đập này sẽ làm giảm lượng phù sa của sông, ảnh hưởng đến sự màu mỡ của đất…và sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên nông nghiệp của Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Me Kong.
– Bà Maureen Harris
Đánh giá về tác động của phù sa mịn mất đi đối với nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết:
Có hai ảnh hưởng, thứ nhất là các đập làm giảm dòng chảy, các phù sa này bị lắng và không đi về được phía dưới đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai quá trình này cũng khá nguy hiểm là phần lớn đất đồng bằng sông Cửu Long là đất phèn, nếu thiếu một lượng phù sa bồi đắp, khi đất bị trơ ra hay khai thác, tức bị oxy hóa thì phèn nó xì ra, làm cho các phù sa này lắng đọng, làm mất khả năng phù sa tràn lên trên đồng bồi bổ đồng ruộng. Cộng thêm chuyện nữa là khi nước về ít đi thì các công trình tại chỗ, đê bao chẳng hạn càng làm cho phù sa lên đồng càng khó khăn hơn, cho nên lượng phù sa dinh dưỡng lên đồng giảm sút rất nghiêm trọng.
Hiện tại Lào đã cho tiến hành xây dựng hai đập Xayaburi và Don Sahong. International Rivers đánh giá khoảng 75% đập Xayaburi đã hoàn tất. Mặc dù hai đập chưa hoàn tất, nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chịu những tác hại về mặt thủy sản theo đánh giá của tiến sĩ Dương Văn Ni:
Về các đập trên Lào đang khởi động xây dựng, hiện tại tác động đầu tiên là làm xáo trộn dòng sông, nó làm tăng độ đục của dòng nước, một số loài cá di cư, đặc biệt cá di cư từ biển Hồ lên hạ Lào giảm đáng kể. Quá trình xây dựng tạo độ đục trên dòng sông nên những vùng hố sâu chẳng hạn là chỗ đẻ cho nhiều loài cá vào mùa khô bị mất đi những chỗ đẻ đó thì trong năm 2015 và 2016, các chỗ chúng tôi quan sát thì các loài cá di cư giảm đáng kể khi về đồng bằng sông Cửu Long.
MRC đã quá vội vã
Bất chấp những lo ngại này, Lào vẫn đang xúc tiến chuẩn bị việc xây dựng đập Pak Beng ở miền Bắc Lào với dự đính bán đến 90% điện sản xuất từ đập thủy điện sang Thái Lan.
Ngày 16 tháng 1, tổ chức International Rivers, ra thông cáo bày tỏ thất vọng trước tuyên bố mới của MRC về quá trình tham vấn đối với đập Pak Beng vì cho rằng MRC đã quá vội vã với con đập mới trong khi những vấn đề được nêu ra với hai con đập trước của Lào là Xayaburi và Don Sahong vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ.
MRC là tổ chức bao gồm sự tham gia của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Các nước này đã ký thỏa thuận sông Mekong vào năm 1995 theo đó các nước có liên quan được quyền đưa ý kiến về các dự án trong quá trình tiền tham vấn làm cơ sở cho việc ra quyết định sau cùng. Theo International Rivers, Lào đã không thực hiện tốt cam kết của mình khi tiến hành xây dựng hai đập Xayaburi và Don Sahong khi chưa có sự đồng thuận từ các nước. Bà Maureen Harris tỏ ra bi quan trước những cam kết mà Lào sẽ thực hiện với đập Pak Beng dựa trên những gì mà Lào đã và đang làm với các đập hiện tại.
Hiện tại tác động đầu tiên là làm xáo trộn dòng sông, nó làm tăng độ đục của dòng nước, một số loài cá di cư, đặc biệt cá di cư từ biển Hồ lên hạ Lào giảm đáng kể.
– Tiến sĩ Dương Văn Ni
Về cam kết của Lào trong quá trình tiền tư vấn đối với đập mới Pak Beng, chúng tôi dựa vào những gì đã thấy qua hai con đập trước mà Lào đã làm và cho đến giờ thì chúng tôi không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào là Lào đã có những thay đổi đáng kể hay cải thiện có ý nghĩa nào trong quá trình lần này.
Đối với hai con đập trước là Xayaburi và Don Sahong, các nước trong khu vực đã nêu ra những quan ngại sâu sắc về cả hai dự án và đưa ra những đề nghị cụ thể như thêm các thông tin cơ sở về đánh giá những ảnh hưởng xuyên biên giới và họ cũng yêu cầu kéo dài thời gian quá trình tiền tư vấn để có thêm thông tin về ảnh hưởng lên các nước. Nhưng những lo ngại này chưa bao giờ được đề cập trong quá trình tiền tư vấn.
Trả lời báo Người Đô Thị hôm 22 tháng 2 vừa qua, ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký của MRC cho rằng Lào đã lắng nghe những ý kiến quan ngại và đã có thay đổi trong thiết kế với hai con đập Xayaburi và Don Sahong, tạo điều kiện cho sự di chuyển của cá, cải thiện phù sa. Ông Phan cũng cho rằng đập Xayaburi có thể được coi như một đập kiểu mẫu cho tất cả các đập trên dòng chính sông Mekong. Bà Maureen Harris bày tỏ sự nghi ngờ về nhận định này.
Nói rằng đập Xayaburi có thể là kiểu mẫu thì rất đáng ngại đối với chúng tôi vì chúng tôi thấy những gì đã diễn ra trong quá trình xem xét đập là những quan ngại lớn từ các nước và tổ chức có liên quan nhưng những quan ngại này đã không được nhìn nhận một cách minh bạch. Cuối cùng thì chính phủ Lào và nhà đầu tư có thông báo là sẽ có thêm đầu tư để làm giảm ảnh hưởng của đập nhưng từ lâu rồi chúng tôi thấy là vẫn không có sự rõ ràng về thiết kế bổ sung và họ cũng không cung cấp các văn bản về những thay đổi thiết kế này.
Toàn bộ thiết kế của đập bao gồm những thay đổi vẫn chưa được công bố rộng rãi cho công chúng và không được đánh giá độc lập để biết được là những thay đổi này có hiệu quả thế nào trong việc làm giảm tác động của đập lên dòng sông.
Từ năm 2010 các chuyên gia quốc tế đã kêu gọi các nước nên ngưng việc xây dựng toàn bộ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong 10 năm cho đến khi có thêm những nghiên cứu tổng thể về ảnh hưởng của các đập thủy điện lên dòng sông.
Tuy nhiên kiến nghị này đã không được thực hiện khi Lào đã cho tiến hành xây dựng hai đập và đang chuẩn bị cho đập thủy điện tiếp theo. International Rivers quan ngại quá trình phê duyệt từng đập thủy điện của MRC hiện tại quá nhanh và chưa đủ tính minh bạch. Chuyên gia Maureen Harris cho rằng ảnh hưởng của từng đập là nhỏ nhưng với đà phê duyệt như hiện nay, khi một loạt các đập được xây dựng, hậu quả về lâu dài lên dòng sông sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Không thể tin là sự thật!”
Hòa Ái, phóng viên RFA
Phạt 1 triệu đồng/biệt thự trái phép
Trong tuần qua, thông tin chính quyền thành phố Đà Nẵng phạt 40 triệu đồng đối với công trình 40 móng biệt thự đang xây dựng không có giấy phép tại khu vực bán đảo Sơn Trà thu hút mối quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều khán thính giả và độc giả RFA chú ý theo dõi diễn tiến của vụ việc này; bởi lẽ họ nêu ra một trường hợp điển hình người dân thường muốn xây một chuồng nuôi vịt mà không xin phép, như trường hợp quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh-Sài Gòn, đã phải đối diện nguy cơ bị khởi tố hình sự; trong khi 40 ngôi biệt thự do Công ty Cổ phần Tiên Sa đang xây dựng trái phép, tác động rõ rệt đến cảnh quan và môi trường của thành phố Đà Nẵng thì chỉ bị phạt ở mức 1 triệu đồng/1 căn biệt thự. Bên cạnh đó, còn có những thông tin liên quan mà hầu như những người quan tâm đều phải cất lên tiếng than rằng “Không thể nào tin đó là sự thật!”, như chia sẻ của một thính giả từ Đà Nẵng gửi về Đài RFA:
“Một công trình, một dự án phá nát lá phổi thành phố nơi gia đình tôi và hàng triệu người dân đang sinh sống.
Rừng nguyên sinh Sơn Trà bị phá để xây khách sạn, biệt thự trái phép nhưng ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đăng đàn tuyên bố ‘làm sai thì đình chỉ, xử phạt theo đúng quy định, đồng thời xem xét để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ giấy tờ, cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công. Đã có lệnh đình chỉ. Nhưng không biết bao lâu nữa sẽ được hợp thức hóa để tiếp tục xây đây?
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng, gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, mà qua đó cũng là nguyện vọng của người dân Đà Nẵng như tôi, khẩn thiết yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, đừng phá hoại rừng của bán đảo Sơn Trà. Vậy mà, Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng khẳng định kiến nghị này chỉ là ý kiến cá nhân của ông Huỳnh Tấn Vinh.
Không thể nào tin nỗi đó là sự thật!”
Nhiều thính giả có đồng quan điểm cho rằng công trình xây dựng 40 căn biệt thự của Công ty Cổ phần Tiên Sa cần phải bị phá dỡ vì phải như vậy thì luật pháp mới nghiêm minh.
Trong những ngày qua Đài Á Châu Tự Do cũng nhận được rất nhiều ý kiến liên quan hoạt động xây dựng này:
Nhà của dân có xây sai phép 1 cục gạch thì bị cả một lực lượng hùng hậu đập phá không thương tiếc. Còn bây giờ với 40 biệt thự thì lại không dám đụng vào. Thật trớ trêu tình đời
-Thính giả RFA
“Mình nghĩ hoài không tìm được nguyên nhân. 40 biệt thự xây không phép đến bây giờ chính quyền mới phát hiện ra? Hồi trước mình xây nhà mới, đổ một xe cát thì các anh quản lý đô thị có mặt sau nửa giờ đồng hồ. Lạ nhỉ! Có ai còn nhớ một gia đình xây tượng Trần Hưng Đạo trong sân nhà ở Lâm Đồng không? Bị phát hiện ngay và bị phạt vạ đấy!”
“Nếu đúng quy trình thì đợi xây xong rồi mới phát hiện và rút kinh nghiệm luôn. Tại vì chung chi không đồng đều nên mới bị phát hiện.”
“Chuyện có gì mà ầm ĩ đâu! Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chỉ công bố phần phạt. Còn phần lót tay cho các quan hữu trách bao nhiêu thì đó là ‘bí mật quốc gia’. Đâu lại vào đấy và lại cho phép xây tiếp tục.”
“Nhà của dân có xây sai phép 1 cục gạch thì bị cả một lực lượng hùng hậu đập phá không thương tiếc. Còn bây giờ với 40 biệt thự thì lại không dám đụng vào. Thật trớ trêu tình đời!”
Đây không phải là một vụ việc được cho là “trớ trêu” hay “không thể tin nỗi” tại Việt Nam. Trong tuần qua còn các thông tin mà quý thính giả Đài RFA cho là mang tính nghiêm trọng hơn. Trước hết, có thể kể đến thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu Trung Quốc được Hà Nội mời nghiên cứu lập quy hoạnh hai bên bờ sông Hồng, được báo giới trong nước loan tải vào ngày 20 tháng 3, khiến cho dư luận thắc mắc vì sao nhà thầu Trung Quốc luôn được Nhà nước Việt Nam ưu ái. Thính giả Thi Le đặt câu hỏi “Chỉ là quy hoạch một bờ sông mà phải giao dự án cho Trung Quốc thì Chính phủ Việt Nam còn gì để nói với người dân không?” Thính giả Duy Minh Nguyen trả lời rằng “Đảng và Nhà nước lãnh đạo không có đủ trình dộ chuyên môn. Họ không muốn nhờ dân vì không cùng quan điểm cho nên Hà Nội phải nhờ người ‘đồng chí’ Bắc Kinh vì cùng quan điểm và lý tưởng”. Còn thính giả Tienggoi Nguyen bày tỏ “Nghe mà vui làm sao! Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc vô Nam, công trình nào cũng được nhờ ông bạn ‘4 tốt-16 chữ vàng’ giúp đỡ. Cũng phải thôi vì ký kết Hội nghị Thành Đô năm 2020 đến rất gần rồi!”
Trước những tranh cãi sôi nổi của dư luận xoay quanh thông tin vừa nêu, chỉ một ngày ngay sau khi truyền thông trong nước loan tin, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lên tiếng rằng Hà Nội chưa đồng ý cho một đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và thông tin báo giới loan tải là chưa đúng. Một vài quý thính giả liên lạc Đài RFA với câu hỏi có tiên đoán được khi nào giới chức Hà Nội lại đăng đàn để xác nhận thông tin này là chính xác vì không những phía Trung Quốc giúp trong khâu thiết kế mà còn cả khâu thắng thầu và xây dựng, như thính giả Duc Lequang nói rằng “Xứ sở thiên đường xã hội chủ nghĩa mà, con lạc đà chui qua lỗ kim dễ dàng lắm!”
Những tin tức trái khoáy
Những thông tin tiếp theo trong tuần qua, quý thính giả RFA cho rằng không thể nào tin nổi là sự thật:
-Ba thanh niên uống rượu say, tự ý ấn nút van xả lũ hồ chứa nước Suối Vực, ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, hồi rạng sáng 15 tháng 3 gây thiệt hại cho vùng hạ lưu hơn 300 triệu đồng, theo ước tính ban đầu của Ủy ban Nhân dân huyện.
-Chiến dịch lấy lại vìa hè đang diễn ra rầm rộ tại thành phố Hồ Chí Minh còn gây nhiều tranh cãi. Và chính quyền Quận 1 vừa thông báo lần đầu tiên lập đề án kinh doanh hàng rong, đồng thời sẽ tiến hành thí điểm ở vỉa hè tại khu vực Nhà Văn hóa Thanh niên và Công viên Bách Tùng Diệp. Bên cạnh đó còn là đề án kinh doanh hàng rong qua mạng khiến nhiều người ‘sửng sốt’!
-Thủ đô Hà Nội cũng đang thi hành chiến dịch lấy lại vỉa hè, hàng loạt cây xanh hai bên đường liên thôn ở xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất bị đốn còn trơ gốc.
-Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, nhân Ngày Nước sạch Thế giới, tuyên bố nguồn tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.
Đất nước chúng ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới có thể xảy ra những ‘điều kỳ diệu’ như vậy và còn vô số những chuyện lạ đời khác mà tư duy của loài người không tài nào hình dung hay tưởng tượng ra được
-Thính giả RFA
-Và mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trước Quốc hội Việt Nam, hồi trung tuần tháng 11 năm 2016, rằng “Biển miền Trung đã an toàn” sau gần 7 tháng sự cố thảm họa môi tường do Formosa xả thải có độc tố ra khu vực biển 4 tỉnh Bắc miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần số tiền khổng lồ để tái tạo môi trường biển miền Trung khi tham gia thảo luận lấy ý kiến về Dự thảo Luật thủy sản vào sáng 21/3/2017.
Với các tin tức mới nhất tại Việt Nam trong hạ tuần tháng 3, thính giả Minh Đinh Ngọc chia sẻ rằng “Đất nước chúng ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới có thể xảy ra những ‘điều kỳ diệu’ như vậy và còn vô số những chuyện lạ đời khác mà tư duy của loài người không tài nào hình dung hay tưởng tượng ra được!”
Mục “trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi dứt lời Hòa Ái trả lời tin nhắn sau:
“John Đoàn, sống ở San Jose. Em muốn xin địa chỉ của chị Nga, ở Hà Nam và chị Mẹ Nấm, ở Nha Trang để xin đóng góp một ít cho gia đình. Nếu như đài có địa chỉ, xin gửi tin nhắn cho em. Nếu có địa chỉ hay số điện thoại cũng được. Cảm ơn. Xin chào.”
Quý vị nào có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn nào đó mà trong các bản tin của Đài RFA có đề cập đến, quý vị vui lòng liên lạc với Ban Việt ngữ như quý thính giả John Đoàn và nhắn lại số điện thoại hay địa chỉ email của quý vị để chúng tôi liên lạc và chuyển thông tin cá nhân của những người quý vị muốn giúp đỡ. Quý vị có thể liên lạc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775, hoặc qua địa chỉ email vietweb@rfa.org và hoaai@rfa.org.
Đối với quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe chương trình phát thanh của đài qua điện thoại. Hiện Đài RFA có 2 số điện thoại để nghe các chương trình Việt ngữ của đài. Số điện thoại mới nhất là số 712-735-447. Riêng, quý vị nào sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile, quý vị gọi vào số 360-398-4204.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.