Tin Việt Nam – 24/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/01/2018

Việt Nam: 12 năm tù vì ‘treo cờ VNCH’

Tòa án tỉnh An Giang xử tù bốn người về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, trong đó có việc treo lá cờ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/2017.

Cáo buộc VNCH làm tay sai Mỹ ‘là thiếu khách quan’

VNCH: thuộc địa kiểu mới hay nước có chủ quyền?

Tại phiên sơ thẩm hôm 23/1, ông Vương Văn Thả, sinh năm 1969, bị án 12 năm tù.

Người con trai Vương Thanh Thuận, sinh năm 1990, bị án bảy năm tù.

Hai anh em sinh đôi, Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, sinh năm 1985, bị án sáu năm tù.

Bốn người này bị bắt hồi tháng 5/2017.

Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn cáo trạng nói ông Thả, vào đầu năm 2017, đã có hành vi “tuyên truyền, bịa đặt, xuyên tạc” về Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam.

Hai cha con ông Thả bị cáo buộc đã “kích động mọi người treo cờ vàng ba sọc đỏ vào ngày 30/4/2017, xuống đường gây rối, ném bom xăng khi bị ngăn cản, sẵn sàng đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước và kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân (ở Mỹ)… “

Hai bị cáo Văn Thượng và Nhật Trường bị tố cáo vào ngày 16/4/2017 đã “đem theo 20 kg gạo, 2 thùng mì, 1 thùng hủ tiếu đến ở nhà” của ông Thả.

“Tại đây, Thả chỉ đạo cho Thuận, Trường, Thượng, Hà, Thảo may cờ vàng ba sọc đỏ và kêu Thuận sử dụng điện thoại di động, iPad của Thả, Thuận, Thượng quay các video clip do Thả tuyên truyền, xuyên tạc… tiếp tục phát tán lên mạng,” Thông Tấn Xã nói.

Bốn bị cáo bị đưa ra xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay vào sáng 30/4/2017, ông Thả đã treo lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên nóc nhà.

“Khi lực lượng chức năng đến kéo hạ cờ xuống thì Thả giao cho Trường, Thuận cầm hung khí canh giữ xung quanh nhà không cho lực lượng chức năng tiếp cận. Thả và Thượng dùng súng chĩa, câu liêm móc, ngăn cản không cho tháo gỡ cờ và tiếp tục cố thủ trong nhà,” bản tin nói.

Bốn người bị bắt vào ngày 18/5.

Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, từng bị tòa ở tỉnh An Giang kết án 3 năm tù năm 2013 vì “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Ông Thả được trả tự do hồi tháng 10/2015.

Các vụ bắt giữ

Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch mới đây nói Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 21 blogger và nhà hoạt động trong năm 2017.

Khoảng 97 nhà hoạt động đang thụ án tù ở Việt Nam, và 36 người bị giam giữ chưa đưa ra xử, theo trang web 88 Project vận động cho người đối kháng ở Việt Nam.

Trong tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa công bố sách trắng về quyền con người với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42804336

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh và hai án lớn ‘xử cận nhau’

Bình luận việc ông Trịnh Xuân Thanh phải ra tòa một vụ khác sau hai ngày vụ xử trước vừa xong, một luật sư từ Việt Nam nói với BBC rằng “ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xử cận nhau như vậy”.

Vì sao hai luật sư của ông Thanh rút lui?

Báo VN: ‘Trịnh Xuân Thanh nhận vali tiền’

VN ‘chặn luật sư Đức của ông Trịnh Xuân Thanh’

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Hai ngày sau khi bị tuyên án chung thân trong vụ án tại PVC, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lại tiếp tục bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử tội tham ô tài sản hôm 24/1.

Ra tòa cùng ông là các “đồng phạm” trong số đó có ông Đinh Mạnh Thắng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng.

Yêu cầu đặc biệt?

Cáo buộc “tham ô tài sản” xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza của Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Cáo trạng nêu ông Thanh và bảy bị cáo “chiếm đoạt 49 tỷ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này.”

Riêng ông Thanh bị cáo buộc “tham ô 14 tỷ đồng.”

Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh hôm 24/01, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói:

“Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh “Cố ý làm trái…”, “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC và vụ “Tham ô tài sản” tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn.”

“Tuy nhiên, hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày là sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ.” “Tôi thật sự khâm phục các luật sư nào đã nhận tham gia cả hai vụ án này.”

“Thông thường, chúng ta ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử.”

Lời cuối của bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Báo chí Đức đưa thêm tin vụ Trịnh Xuân Thanh

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Công an bắt tiếp người của PVC

VN: Chấp nhận trả giá đối ngoại vì đối nội?

Trước đó, Jonathan Head, phóng viên BBC về Đông Nam Á bình luận về ông Thanh và phiên xử trước vừa kết thúc hôm đầu tuần:

“Một phiên tòa cấp cao tại Việt Nam xét xử hai quan chức cao cấp của công ty dầu khí quốc gia về tội tham nhũng được xem như là một nỗ lực của phe bảo thủ của Đảng Cộng sản nhằm khẳng định quyền lực của mình.”

“Kể từ khi phe bảo thủ của đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Bộ Chính trị tại đại hội Đảng cách đây hai năm, phe này đã để mắt đến các quan chức được cho rằng đã trở nên giàu có bất thường trong suốt nhiệm kỳ dài 10 năm của Thủ tướng đã bị loại (ousted) Nguyễn Tấn Dũng.”

“Được công bố rộng rãi, phiên tòa cho thấy một cảnh tượng về những vị trước đây từng ‘không ai chạm tới được’ đang khóc lóc xin khoan hồng.”

“Lãnh đạo Đảng đang sử dụng các phiên tòa này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng, đồng thời để cho công chúng biết rằng họ nghiêm túc trong việc chống nạn tham nhũng,” phóng viên Jonathan Head viết trong bài hôm 22/01 trên trang BBC News bằng tiếng Anh.

Theo báo InfoNet của Bộ Thông tin-Truyền thông, ngoài mức án chung thân trong vụ án tại PVC, ông Thanh còn bị buộc bồi thường 34,3 tỷ đồng “đã chiếm đoạt và làm thất thoát.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42784713

 

HRW lên tiếng trước phiên xử hai người phản đối Formosa

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình cùng Nguyễn Nam Phong và phóng thích họ ngay lập tức.

Thông cáo báo chí của Human Rights Watch phổ biến trong ngày 24 tháng Một cho biết như vậy, một ngày trước khi phiên tòa xét xử Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong được dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình là thành viên của phong trào Lao Động Việt, một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, do nhà máy Formosa thải độc tố ra biển, anh Hoàng Đức Bình đã giúp các nạn nhân thảm họa môi trường Fomosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, cũng như lên tiếng kêu gọi nhà máy Formosa phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Vào ngày 15/05/2017, anh Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, bắt giữ bất ngờ khi đang đi cùng xe với Linh mục Nguyễn Đình Thục, tại địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau đó Công an tỉnh Nghệ An thông báo anh Hoàng Đức Bình bị khởi tố theo Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” và Điều 257 “chống người thi hành công vụ.

Anh Nguyễn Nam Phong bị bắt một cách bất minh vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái và cũng bị cáo buộc tội theo Điều 257.

Trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams, Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á nói rằng thật là bi hài khi Chính quyền Việt Nam cáo buộc công dân tội lợi dụng quyền tự do dân chủ trong khi họ chẳng hề có tự do, dân chủ hay nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Brad Adams còn nhấn mạnh Việt Nam không có dấu hiệu nào cho thấy giảm bớt tình trạng đàn áp nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong vòng 14 tháng qua; đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ đối với những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.

Theo thống kê của Human Rights Watch hiện có hơn 100 nhà hoạt động vì xã hội, nhân quyền và môi trường bị giam giữ tại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-crackdown-on-rights-activist-01242018084608.html

 

Ông Mattis khen Việt Nam về vấn đề Bắc Hàn

Ông James Mattis, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, đã đến Hà Nội hồi chiều ngày 24 tháng Một, khởi đầu chuyến viếng thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày.

Chuyến đi được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả chuyện ông muốn đích thân đến Việt nam để đại diện chính phủ Mỹ ngỏ lời cám ơn lãnh đạo Hà Nội đã ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh những quy định cấm vận Bắc Hàn được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua.

Tất cả những nghị quyết cấm vận Bình Nhưỡng đều do Hoa Kỳ soạn thảo, với sự góp ý của những nước đồng minh của Mỹ và được ủng hộ của các nước thành viên Hội Đồng Bảo An.

Bản tin của hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap nói rằng khi thi hành cấm vận với Bắc Hàn, chính phủ Việt Nam chấp nhận đương đầu một số khó khăn trong mối quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng. Điểm này cũng được người điều hành Lầu Năm Góc nói với các nhà báo tháp tùng ông, trước khi chuyên cơ chở ông đáp xuống phi trường Nội Bài.

Cả 2 phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều không cho biết rõ những gì sẽ được đưa ra thảo luận trong thời gian ông Mattis có mặt tại Việt Nam, nhưng những nguồn tin khác nhau cho hay vấn đề Biển Đông, hợp tác huấn luyện và hợp tác tìm người Mỹ mất tích từ thời chiến tranh Việt Nam sẽ được ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nói tới.

Trích dẫn lời một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ, bản tin của hãng thông tấn Reuters cho biết hiện vẫn còn 1.293 quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam.

Hồi tháng trước, một viên chức hành pháp yêu cầu không nêu tên nói với Ban Việt Ngữ chúng tôi là Washington đang xem xét một số đề nghị giúp Việt Nam tăng cường tuần tra, phòng thủ ở Biển Đông, là nơi Việt Nam cùng với một số nước khác đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Viên chức này không nói cụ thể những đề nghị đó là gì, nhưng tin chưa kiểm chứng được nói rằng có khả năng ông Mattis sẽ thông báo thời điểm tầu sân bay Mỹ sang thăm Việt Nam, cũng như ông sẽ bàn tới việc hải quân Việt Nam muốn mua thêm tầu tuần tra của Mỹ.

Cũng liên quan đến Biển Đông, hôm qua Lầu Năm Góc bác bỏ tin chiến hạm Trung Quốc đã đuổi một tầu chiến Mỹ ra khỏi Biển Đông.

Tin này được Đại Tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói đến trong bản thông cáo phổ biến tại Bắc Kinh hồi đầu tuần này, trong đó nói là chiếc khu trục hạm USS Hopper của hải quân Hoa Kỳ bị tầu chiến Trung Quốc nghênh đón khi đi ngang qua khu vực bãi cạn Scarborough ở Trường Sa.

Thông cáo của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc viết thêm là sau đó, tầu chiến của Mỹ đã phải đổi hướng.

Tuy nhiên theo Lầu Năm Góc, điều này hoàn toàn không đúng sự thật.

Lầu Năm Góc nói thêm là tầu của Trung Quốc có liên lạc với khu trục hạm USS Hopper của Mỹ, nhưng chuyện nghênh đón, thách thức buộc tầu Mỹ phải đổi hướng đi là điều không hề xảy ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mattis-praises-vietnam-s-leadership-on-north-korea-01242018100110.html

 

Formosa: Biểu tình đòi bồi thường thỏa đáng

Nhiều người dân tại thôn Vân Đông, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tiếp tục biểu tình sang ngày thứ ba nhằm đòi hỏi cơ quan chức năng bồi thường thỏa đáng những thiệt hại do thảm họa môi trường biển mà Formosa gây nên.

Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh, phụ trách xứ Vân Đồn, cho biết tình hình biểu tình của người dân địa phương, trong đó có những giáo dân tại xứ đạo mà ông phụ trách như sau:

“Cả xã Quảng Hải làm danh sách để chi trả tiền bồi thường làm sao đó mà nhiều người không được, một số không nhận đủ số tiền của họ, người ở đó chủ yếu làm nghề trên sông làm rớ và đánh bắt.  Thông thường theo quyết định 1880 của thủ tướng chính phủ, họ phải nhận được 140 triệu nhưng xã chỉ trả chưa tới 100 triệu. Sau nhiều lần hỏi, xã không giải quyết được thì bây giờ họ ra biểu tình 3-4 ngày nay rồi.  Có lẽ khoảng trên dưới 100 người đi biểu tình, nhưng do là có cây cầu đi qua cho nên số lượng người qua lại rất đông, thì khi họ biểu tình rồi thì số lượng người bị ách lại rất đông. Người biểu tình rất cương quyết nhưng có nguy cơ có sự xung đột giữa những người đi đường và nhóm biểu tình vì thật ra nhóm biểu tình thì ít.  Nếu xã làm sai thì xã phải giải quyết, còn xã nói họ làm như vậy đúng rồi, thì bây giờ người dân họ không chịu thì họ phải biểu tình thôi”.

Vào trung tuần tháng sáu năm ngoái, tức hơn một năm kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây nên, phó thủ tướng thường trực chính phủ Việt Nam, ông Trương Hòa Bình ra chỉ thị đến cuối tháng sáu cùng năm phải hoàn tất công tác bồi thường cho các đối tượng chịu tác động.

Chính phủ Hà Nội chỉ qui định bồi thường cho những người bị thiệt hại tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Tuy nhiên có một số người dân tại vùng biển Nghệ An, lân cận tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng thảm họa môi trường biển cũng gây nhiều thiệt hại cho họ nhưng họ lại không được bồi thường.

Thảm họa môi trường khiến nhiều người dân sống nhờ biển lâm cảnh khốn cùng. Một số tiến hành khởi kiện nhà máy Formosa về hành vi cố ý gây hại cho môi trường. Trong khi đơn kiện chưa được tòa án thụ lý thì một số người bị cáo buộc gây rối trật tự, chống chính quyền.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protests-to-ask-for-adequate-formosa-compensations-01242018082131.html

 

Dự án 88

về những tù nhân chính trị và lương tâm ở Việt Nam

Dự án 88 là một website lưu trữ những thông tin về những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Dự án do một số người Việt Nam và người nước ngoài cùng thực hiện.

Đài RFA có cuộc trao đổi sau đây với bà Kaylee Dolan, Trợ lý biên tập của dự án này.

Kaylee Dolan: Dự án được bắt đầu vào năm 2012, là một dự án online, tìm hiểu những vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam, chia sẻ tin tức, những câu chuyện về những nhà hoạt động tại Việt Nam bị đàn áp vì những hoạt động hòa bình của họ.

RFA: Ý tưởng đầu tiên về dự án này đến từ đâu?

Kaylee Dolan: Một trong những người đồng sáng lập dự án này cho rằng chúng ta thiếu vắng một nơi mà người ta có thể tìm không chỉ thông tin về những tù nhân, nhà hoạt động Việt Nam, mà còn là những thông tin về cuộc đời riêng của họ, để người ta có thể thấy khía cạnh con người bên cạnh sự hoạt động của họ, như là gia đình, môi trường xuất thân của họ,… và chúng tôi trình bày những chuyện đó bằng tiếng Anh để có thể tiếp cận được với một công chúng rộng lớn.

Ở Việt Nam thì không có những cơ quan thông tin độc lập để mà có thể có những nguồn độc lập xác nhận tin tức dữ liệu thu thập được.

-Bà Kaylee Dolan.

RFA: Những vấn đề quan ngại nào khi thực hiện dự án này cho Việt Nam?

Kaylee Dolan: Sự đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam, những vấn đề vi phạm nhân quyền nói chung, nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do ngôn luận khi người ta không thể viết blog, không thể nói điều mình nghĩ trên mạng, những quan điểm, những vấn đề về môi trường, về tham nhũng,… Chúng tôi rất quan ngại về quyền cơ bản của con người là thể hiện quan điểm bằng một phương cách hòa bình.

RFA: Khi làm công việc này bà thấy những nhân vật nào là có ấn tượng nhất?

Kaylee Dolan: Tất cả những người này đều rất ấn tượng, nhưng đối với tôi có hai dạng mà chúng tôi rất chú ý, đó là những nữ tù nhân chính trị, những người chịu đau khổ trong những điều kiện tồi tệ của nhà tù ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, và có những trường hợp họ là những người mẹ, con họ ở nhà thiếu tình mẫu tử.

Hình ảnh một người tù xuất hiện trong tâm trí tôi khi anh hỏi là ông Trần Huỳnh Duy Thức, người phải chịu một bản án dài nhất trong số những người tù chính trị Việt Nam, với 16 năm tù vì ông đã viết về những vấn đề xã hội và chính trị ở Việt Nam.

RFA: Khi thực hiện dự án này có khi nào các bạn tìm cách tiếp cận chính quyền Việt Nam không?

Kaylee Dolan: Không. Chúng tôi làm việc với những tổ chức về nhân quyền có tiếp xúc với chính phủ Việt Nam. Mục đích của chúng tôi là thu thập dữ liệu, thông tin, trở thành một nguồn thông tin đáng tin cậy cho ai muốn tìm hiểu vấn đề về những người tù chính trị Việt Nam, họ bị kết án bao lâu, điều kiện sống của họ như thế nào,… Chúng tôi hy vọng là những quan chức chính phủ, những nhóm nhân quyền trên thế giới, các nhà nghiên cứu có thể tìm thông tin về tù nhân chính trị ở trang của chúng tôi, rồi gây áp lực để cho họ được tự do.

RFA:  Có khó khăn nào không khi thu thập thông tin tại Việt Nam?

Kaylee Dolan: Vâng, khó khăn lớn nhất là có khi chúng tôi thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, rồi những nguồn tin từ chính phủ, mà chúng tôi rất khó kiểm chứng. Rồi phải cần người dịch những nguồn tin từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Trong rất nhiều trường hợp, thông tin được cung cấp từ nhà tù, từ những nơi mà rất khó kiểm chứng. Ở Việt Nam thì không có những cơ quan thông tin độc lập để mà có thể có những nguồn độc lập xác nhận tin tức dữ liệu thu thập được.

RFA: Hiện nay thông tin trên mạng xã hội có rất nhiều, và cũng có rất nhiều thông tin không chính xác phải không?

Kaylee Dolan: Vâng đúng như thế. Chúng tôi phải rất cẩn thận. Một khi có tin từ mạng xã hội, chúng tôi phải biết tổ chức đó, người đó trên mạng xã hội là ai, để có thể lấy thông tin và kiểm chứng chúng.

RFA: Khi người tù chính trị được trả tự do thì sao?

Chúng tôi đều có công việc riêng để sống. Chúng tôi xem dự án này như là một lý tưởng cho cuộc đời chúng tôi.

-Bà Kaylee Dolan.

Kaylee Dolan: Đó là một câu hỏi hay. Chúng tôi cũng theo dõi chuyện gì xảy ra khi người tù được trả tự do. Và chúng tôi đang suy nghĩ là có thể có một dự án tách rời ra để làm chuyện đó, còn dự án hiện tại là để cho những người còn bị giam giữ.

Chúng tôi cố gắng theo dõi khi những người tù được trả tự do, xem là họ có gặp phải vấn đề gì hay không.

RFA:  Công việc của các bạn là hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện?

Kaylee Dolan: Vâng. Khi chúng tôi thành lập dự án này chúng tôi dựa hoàn toàn trên tin thần tự nguyện. Năm 2017 chúng tôi bắt đầu có một số đối tác giúp chúng tôi về thu thập thông tin, nhưng phần lớn công việc của chúng tôi cũng vẫn dựa trên tin thần tự nguyện. Chúng tôi đều có công việc riêng để sống. Chúng tôi xem dự án này như là một lý tưởng cho cuộc đời chúng tôi, và mỗi người chúng tôi có những khả năng khác nhau để tham gia vào dự án này trên tin thần tự nguyện.

RFA: Xin cảm ơn bà Kaylee Dolan.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/projec-88-political-prisoners-01242018105757.html

 

Nhất thể hóa và tính dân chủ

Ngày 15/1/2018 vừa qua, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiến hành bàn thảo về việc thực hiện thí điểm hợp nhất hai chức danh bí thư đảng kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số quận nội thành. Đó là những nơi được cho “đã đủ điều kiện, trong đề án chính quyền đô thị phải trình lên Bộ Chính trị trong năm 2018. Xoay quanh chủ đề này, giới quan sát nhìn sang khía cạnh tính dân chủ và hiệu quả trong nền chính trị Việt Nam hiện nay.

“Nhất thể hóa” Đảng và Chính quyền

Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản và Chính quyền Việt Nam đã bàn thảo nhiều lần về đề tài “nhất thể hóa” hai chức danh đứng đầu đảng (tổng bí thư/bí thư các cấp ủy) và đứng đầu chính quyền (chủ tịch nước/chủ tịch UBND các cấp) – một điểm trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước được cho là giống Trung Quốc.

Trên thực tế, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nhiều địa phương trên cả nước đã thí điểm việc bí thư bên đảng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp xã – Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại địa phương trong vài năm qua.

“Bây giờ có vấn đề mới là người ta muốn Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, để anh Bí thư điều hành luôn công việc chính quyền.”

Các ý kiến tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 15/1 vừa qua đều cho rằng, mục tiêu của việc hợp nhất hai chức danh này là nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Một người làm bí thư kiêm chủ tịch, thì người ta sẽ phải chịu trách nhiệm những quyết định của người ta theo pháp luật.

– NV. Nguyễn Nguyên Bình

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình và Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng nhìn nhận, Bộ máy Đảng và Nhà nước, cùng hệ thống chính trị tại Việt Nam là cồng kềnh và chồng chéo. Do vậy, việc nhất thể hóa góp phần giải quyết vấn đề này.

Mặt khác, theo bà Nguyên Bình, trong hệ thống chính trị Việt Nam, các quyết định quan trọng thường do người đứng đầu bên đảng đưa ra, phía chính quyền phải thực hiện theo, nhưng thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu bên đảng – bởi họ không thuộc cơ quan hành pháp và chưa có luật về Đảng Cộng sản.

“Tất cả cán bộ trong hệ thống chính quyền đều là đảng viên, nên là người ta coi trọng việc thực hiện nghị quyết của đảng. Mà nghị quyết của đảng không thuộc cái mục nào trong Hiến pháp hay các luật nào cả. Cho nên, nếu mà một người làm bí thư kiêm chủ tịch, thì người ta sẽ phải chịu trách nhiệm những quyết định của người ta theo pháp luật. Thì đó là cái tốt.”

Tính độc đoán của việc “nhất thể hóa”

Cùng quan điểm với nhà văn Nguyên Bình, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhắc đến tính “song trùng” trong bộ máy nhà nước hiện nay giữa một bên là đảng và một bên là chính quyền. Điều này dẫn tới sự chồng chéo trong chủ trương, chính sách, mà Giáo sư Mai gọi là “Đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”.

“Những chủ trương như dầu khí ném tiền đầu tư vào Venezuela. Tôi tin chắc đó là chủ trương của Bộ Chính trị, một chủ trương chính trị hoàn toàn, phi kinh tế, chả nghiên cứu gì cả. Ném một khoản tiền như thế mất toi. Thì anh Bộ Chính trị làm kinh tế mà mất toi tiền thì có xử không? Vừa rồi đây xử vụ Đinh La Thăng chỉ là xử ngọn thôi, còn cái gốc của nó thì chưa thấy sờ đến.”

Điều mà nhà văn Nguyên Bình quan ngại trong chủ trương nhất thể hóa hai chức danh đảng và chính quyền là tính độc đoán có bị đẩy lên cao thêm hay không, bởi phía chính quyền đã phải “quán triệt” thực hiện mọi quyết định của bên đảng.

“Thế thì bây giờ ông (bí thư) lại kiêm cả chức chủ tịch nữa, thì tính độc đoán càng cao hơn, chứ nó có bớt độc đoán đâu. Mà cái nguy hiểm nhất ở Việt Nam là cái tính độc đoán, độc tài toàn trị từ trên cao, đồng thời xuống hệ thống dưới thì đều bị chi phối bởi những quyết định độc đoán. Nếu bây giờ, trong tình hình thực tiễn ở Việt Nam, nếu hợp nhất hai chức danh thì chỉ có “lợi bất cập hại”.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự hợp nhất hai chức danh người đứng đầu, nhưng bộ máy cơ quan của đảng và chính quyền vẫn còn tồn tại song song, và ngân sách nhà nước do người dân đóng thuế vẫn phải gánh vác hai bộ máy này, trong bối cảnh nợ công cao.

Không có bất cứ một luật nào nói rằng Đảng có tư cách nhà nước để mà hoạt động, để mà bố trí anh Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân ở trong điều luật nào, khoản nào.

– GS. Nguyễn Khắc Mai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian qua đã có khẩu hiệu “Thể chế! Thể chế! Và thể chế!”, như để khẳng định quyết tâm cải cách thể chế và bộ máy chính quyền, nhằm loại bỏ những mặt hạn chế. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, việc cải cách thể chế này cần được thực hiện bằng con đường xây dựng pháp luật, mà trước hết là phải có luật về Đảng Cộng sản.

“Tức là phải có một đạo luật thể chế vai trò nhà nước của Đảng. Đảng thực hiện vai trò nhà nước như thế nào bằng một đạo luật. Hiện nay, chả có luật nào cả, không có bất cứ một luật nào nói rằng Đảng có tư cách nhà nước để mà hoạt động, để mà bố trí anh Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân ở trong điều luật nào, khoản nào cho nó rõ.”

Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh đến chất lượng nhân sự. Theo ông, các bí thư, ủy viên ban chấp hành đảng các cấp phải là người có chuyên môn trong lĩnh vực hành chính hoặc lĩnh vực chuyên ngành mà họ đảm trách để có thể hoạch định được những chính sách, quyết định đúng đắn cho ngành và địa phương.

“Ngoài cái am hiểu sâu, hệ thống cái lĩnh vực, và nhiệm vụ anh phải làm, thì còn có nhiều mối quan hệ khác. Anh phải là người am hiểu luật pháp, tức là các mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt, nhân cách của anh là một nhân cách của dân chủ, một tinh thần dân chủ, để có thể lắng nghe, tiếp nhận ý kiến trái chiều. Người lãnh đạo là người như thế.”

Trong mô hình chính trị và pháp luật hiện nay, Bí thư các cấp do Đại hội đảng các cấp bầu ra – theo nguyên tắc “dân chủ trong Đảng”; còn Chủ tịch UBND và Hội đồng Nhân dân các cấp do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu ra, mà Hội đồng nhân dân là một cơ quan dân cử, do dân bầu lên trong mỗi kỳ bầu cử toàn quốc 5 năm/lần. Do vậy, việc hợp nhất hai chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND ở cấp quận, hay Bí thư và Chủ tịch HĐND ở cấp xã đang đặt ra câu hỏi về tính dân chủ trong các cuộc bầu cử “Đảng cử, dân bầu” trong hệ thống chính trị độc đảng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-ranking-problem-in-the-communist-party-01242018101354.html

 

Những tuyến đường ngập nước

không được giải quyết ròng rã hàng năm

2018, đường xá vẫn ngập lụt.

Huỳnh Tấn Phát là con đường huyết mạch trải dài từ Nhà Bè, Quận 7 đổ lên trung tâm Tp. HCM với hơn 11 km. Đó là con đường lớn chính có nhiều phương tiện, đặc biệt là container đi qua, việc di chuyển qua con đường này bình thường vốn đã khó khăn. Trong những ngày triều cường, nước ngập, việc di chuyển càng khó khăn hơn.

Ông Lê Văn Ty, người dân sống tại đây từ sau năm 1962 vẫn mỗi ngày đi bộ dưỡng sinh trên đoạn đường này cả tiếng đồng hồ, cho biết

Nó ngập người ta đi không được, lội dữ lắm. Lúc vào đây lúc nào triều cũng lên hết. Nghe nhà nước năm nào cũng nói làm hết mà không thấy làm.

Mỗi năm mỗi lên, nước ròng thì nó lên, nước kém thì nó lên ít ít. Bữa nay nước kém nè. Nước ròng thì nó lên dữ lắm, lên ngập cái xe không chạy được luôn. Trời mưa thì nó ứ lại hết, nó ứ không có rút. Nói chung là lúc nào cũng có hết, lúc nào cũng có nước ngập hết. Nước ngập ở đây xe chạy người ta tắt máy liên tục.

Ông Hồ Văn Thành, một người lao động làm việc tại công trình gần khu vực ngập nước Huỳnh Tấn Phát chia sẻ:

Cỡ 3,4 tháng nay rồi. Nước ngập thấy nó dơ, cũng khó cô bác người ta. Cô bác trên này thấy cũng chặn đường, lu bu rồi cũng khổ cho người ta.  Hồi trước tui làm bên quận 12 rồi hết việc bên đó cái qua đây làm. Không có, qua đây rồi ngập rồi tui thấy chứ. Qua bên đây săn quần lên tới đầu gối luôn. Rồi đi tới đầu đường bên đó qua bên kia rồi nó mới hết ngập. Còn đây nó ngập dài tới bên đó.

Anh Văn Cung, một người kinh doanh xe đạp có cửa hàng nằm ngay mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát cho hay, tình trạng ngập nước xảy ra thường xuyên tại khu vực này. Mặc dù cửa hàng của anh Cung cao hơn mặt đường tầm 70 cm, triều cường vẫn tràn vô bên trong. Thậm chí cứ mỗi cuối tháng cửa hàng anh mất vài ba ngày phải di chuyển những chiếc xe đạp vô sâu phía trong để tránh hư hỏng. Cửa hàng còn trang bị cả máy bơm để hút nước ra ngoài.

Thủy triều khi nó lên, xe lớn đi ngang qua, sóng nó dập vào là nước nó vô nhà nè. Có cái này nó đỡ vô nhà. Khi nó vô nhà thì dắt vô nhà, hôm sau mình dọn nước trong nhà ra, mình lau nhà thôi. Khi mà nước nó lên thì mình dời xe vô phía bên trong để cho nước nó khỏi vô xe. Cũng tùy tháng em, nước thủy triều hôm nay nó vô là nhỏ, chứ mấy bữa nó lớn lắm. Cứ cuối tháng ít nhất phải dời xe khoảng 3 lần. Cuối tháng. Rồi nói chung một năm 12 tháng thì đó em nhân đi.

Đó là chuyện của nhà nước làm thôi. Nói làm đường chống ngập đến nay bao nhiêu năm rồi, có thấy làm đâu, nói không à. Đo vẽ tùm lum, mùa mưa nào cũng đo vẽ, rồi có thấy làm đâu. Năm nào cũng có đo hết. 

– Ông Trực

Gia đình bà Nguyễn Thị Xinh ngụ tại căn nhà có mặt tiền trên đường này cho biết, nhiều đêm mưa xuống, triều cường lên khiến gia đình bà phải thức chờ tới sáng mới ngủ được vì triều cường ngập ướt nệm, dù phòng ngủ cách miệng cống cả chục mét.

Ngủ dưới đất đây nè, có gì đâu, thấy không. Có cái võng này ổng nằm đây thôi cô thức canh tát nước. Chứ cô đâu nói xạo đâu. Mấy cái ghế này là để nệm lên, cất sẵn, chứ ai để ghế trong phòng chi dợ. Đó. Trời ơi để trên cao hết, có cái tủ để trên cao hết. Còn cái tủ này coi như là ướt hết trơn không dám để luôn á. Có thùng tủ để lên cao vậy đó.

Ông Trực, chồng bà Xinh sinh ra và lớn lên tại đoạn đường này. Gắn bó với nó hơn 65 năm, ông cho biết, khi xưa nước ngập không nghiêm trọng như bây giờ. Nhưng theo thời gian, người ta lấp kênh rạch nhiều, đến nay nước dâng cao quá, nhà ông phải kiên cố bậc thềm tránh ngập. Nhiều nhà hàng xóm của ông cũng tương tự.

Chỉ xây lên vậy thôi để nước nó không có tràn vô được. Chứ giờ nâng lên thì nâng cũng không được. Nâng lên rồi cao, xe đâu có vô nhà được đâu. Bất tiện là chắc rồi, nhưng phải xây thôi, nguyên dọc này người ta xây hết. Không xây nước nó tràn vô.  Tự xây mình chống nước tràn vô thôi.

Ông Trực cũng cho biết, đã nhiều lần người ta xuống đo đạc, hứa hẹn sẽ làm đường. Nhưng mỗi năm mỗi đo, người ta lại lần khất qua khi khác. Không biết đến khi nào tình trạng mới kết thúc.

Đó là chuyện của nhà nước làm thôi. Nói làm đường chống ngập đến nay bao nhiêu năm rồi, có thấy làm đâu, nói không à. Đo vẽ tùm lum, mùa mưa nào cũng đo vẽ, rồi có thấy làm đâu. Năm nào cũng có đo hết. Đo vẽ chong cột đèn rồi này kia. Đó, bên chỗ đỏ đỏ cũng đo vẽ. Cũng mới đo á.

Trước những bất cập do ngập nước gây ra, nhiều người dân mong muốn chính quyền sớm khắc phục tình trạng này.

Hồ Văn Thành (người lao động): Ý thì cũng muốn chính quyền địa phương coi sắp xếp cho con đường này cao ráo sạch sẽ cho cô bác người ta chứ. Mong thì mong vậy chứ địa phương ở đây người ta sao thì mình không biết, không rành.

Bài toán ngập nước được cơ quan chức năng thành phố nói đến lâu nay; rồi nhiều khoản kinh phí lớn được thông báo dành ra cho công tác này. Tuy nhiên, như lời của chính những người dân tại thành phố Hồ Chí Minh, họ phải tiếp tục sống chung với ngập nước mỗi lúc triều cường, mỗi khi mưa xuống. Khả năng giải quyết đến nay vẫn còn xa vời.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/flood-road-in-vietnam-01242018091627.html

 

Kêu gọi Thái không trả người tỵ nạn Việt Nam về nước

Tổ chức Ân xá Quốc tế-Amnesty International kêu gọi Thái Lan không trục xuất những người đến từ Việt Nam và Campuchia được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn, vì họ có thể sẽ bị bắt bớ khi trở về nước.

Lời kêu gọi này được phổ biến trong thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế, được công bố vào ngày 23 tháng Một, trong bối cảnh Thái Lan bị cáo buộc vi phạm luật quốc tế quy định không được cưỡng bức trục xuất đối với những người được cấp quy chế tị nạn.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Chính phủ Thái Lan cần thực hiện trách nhiệm bảo vệ những người có quy chế tị nạn một cách hiệu quả và lâu dài.

Hai trường hợp bị Cảnh sát Thái Lan kết án trong những ngày đầu tháng Một năm 2018 gồm nhà hoạt động bảo vệ người lao động, thuộc Đảng đối lập ở Campuchia, ông Sam Sokha và Mục sư A Ga đến từ Việt Nam với cáo buộc ở lại Thái Lan vượt quá thời hạn được cho phép trong thị thực nhập cảnh. Cả hai người này đều được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn.

Theo Luật Di trú của Thái Lan thì cả ông Sam Sokha và Mục sư A Ga bị kết án 2 tháng tù giam và mỗi người bị phạt 3000 baht Thái. Vợ của Mục sư A Ga bị cáo buộc tội “nhập cảnh trái phép”.

Thái Lan đã ký kết với Campuchia về thảo thuận dẫn độ vào năm 1998 và đồng ý thảo luận với Việt Nam về dẫn độ vào cuối năm 2016.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thailand-imminent-risk-of-deportation-of-cambodian-and-vietnamese-unhcr-recognized-refugees-01242018101927.html

 

‘Vây cá mập’ làm lộ tiêu cực ngoại giao

Một số người dân tại Việt Nam cho rằng câu trả lời của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile về vụ “phơi vây cá mập” là thiếu thuyết phục, thậm chí mang tính “bao che”, “trí trá cho qua chuyện”, trong khi vụ bê bối đã làm lộ ra nhiều tiêu cực và gây hổ thẹn cho người Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi ngày 23/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile cho biết vây cá mập phơi trên mái nhà Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Chile là “được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”.

Thông cáo đưa ra một ngày sau khi báo chí tiếng Việt đăng lại thông tin trên tờ báo Chile, El Mostrador, cùng loạt ảnh cho thấy có nhiều vây cá mập được phơi trên mái nhà của văn phòng thương mại Đại sứ quán Việt Nam ở Chile.

Tờ báo nước Chile cho biết phát hiện trên xuất phát từ tố giác của cư dân về mùi tanh hôi bốc ra từ khu vực Đại sứ quán. Nguồn tin này dẫn lời cư dân nói số vây cá trên đã được phơi từ ngày 13/1 với số lượng nhỏ, sau đó tăng dần lên, ước tính ít nhất là 100 vây cá trong vòng 5 ngày.

Qua việc quan chức ngoại giao vi phạm pháp luật ở nước sở tại, chúng ta có thể đánh giá được phẩm chất và năng lực của họ, trong đó tồn tại vấn đề bổ nhiệm các viên chức ngoại giao.

Blogger Phạm Lê Vương Các

Trước những chỉ trích của dư luận quốc tế và trong nước, ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Chile phải giải trình sự việc trước ngày 25/1. Tuy nhiên, thông cáo đưa ra ngày 23/1 của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã không thuyết phục được công luận Việt Nam.

Một cư dân tại Hà Nội, bà Bích Phượng, nói:

“Họ trả lời như thế là họ thiếu tôn trọng bản thân họ. Một là họ không hiểu biết về pháp luật. Hai là họ trí trá, nói cho qua chuyện. Người làm công tác ngoại giao thì thứ nhất phải hiểu về phong tục, tập quán của nước sở tại, thứ hai là luật quốc tế”.

Việc mua bán và tiêu thụ vây cá mập đã bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới vì mối đe dọa hủy diệt cân bằng hệ sinh thái biển. Nhưng các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam lại xem vi cá mập là một món ăn cao cấp, có công dụng tốt cho sức khỏe.

Những người săn vây cá mập thường cắt vây, rồi thả cá xuống biển lại. Cá bị cắt vây thường chết vì mất máu hoặc chết đuối. Chính vì vậy, bà Bích Phượng cho rằng không có lời bào chữa nào có thể biện minh cho hành động của người đã gây ra vụ bê bối ở Đại sứ quán Việt Nam tại Chile.

“Ngoài sự man rợ ra, đó là một sự sỉ nhục, nhất là khi anh đại diện cho một quốc gia mà lại thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu cả lương tâm của xã hội loài người”, bà Phượng nói.

Từ Sài Gòn, blogger Phạm Lê Vương Các nhận định đây chỉ là một trong nhiều vụ cho thấy “bản năng thiếu tôn trọng pháp luật” của các giới chức Việt Nam khi ở nước ngoài.

Ngoài sự man rợ ra, đó là một sự sỉ nhục, nhất là khi anh đại diện cho một quốc gia mà lại thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu cả lương tâm của xã hội loài người.

Bà Đặng Bích Phượng

Ông Các nói: “Một số vụ việc gần đây phản ánh rõ ràng rằng phía ngoại giao Việt Nam có vấn đề về thiếu tôn trọng pháp luật nước sở tại. Chẳng hạn, vụ nổi tiếng mới đây là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hay vụ một số người Việt ở Nhật phàn nàn về Đại sứ quán có những hoạt động không rõ ràng, minh bạch trong việc cấp visa”.

Cả blogger Phạm Lê Vương Các lẫn bà Bích Phượng đều cho rằng vụ bê bối cho thấy phần nào tiêu cực trong “công tác cán bộ”, không chỉ tại Bộ Ngoại giao mà ở tất cả các cơ quan công quyền của Việt Nam.

“Qua việc quan chức ngoại giao vi phạm pháp luật ở nước sở tại, chúng ta có thể đánh giá được phẩm chất và năng lực của họ, trong đó tồn tại vấn đề bổ nhiệm các viên chức ngoại giao”, blogger Phạm Lê Vương Các nói.

Vụ bê bối được dư luận cho là một bằng chứng khẳng định thêm về lời đồn “đầu tư đi sứ” của các viên chức ngoại giao.

“Chuyện họ đi làm công tác ngoại giao là một thương vụ. Họ bỏ vốn ra thì bây giờ họ phải tận dụng tất cả mọi thứ để kiếm lời bù lại”, bà Phượng nói.

Theo tường thuật của báo chí Chile, vụ phơi vây cá mập tại Đại sứ quán Việt Nam đã gây sốc cho cộng đồng khoa học tại Chile và quốc tế. Quốc gia Nam Mỹ này đã cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá mập từ năm 2011.

Thông tin trên báo chí, phía Việt Nam nói đang “phối hợp” với Bộ Ngoại giao Chile để xác minh, làm rõ vụ việc và sẽ “xử lý nghiêm nếu có vi phạm”.

Tuy nhiên, blogger Phạm Lê Vương Các dự báo quy chế “miễn trừ ngoại giao” sẽ được áp dụng trong trường hợp tìm ra người vi phạm, mặc dù điều này không thể cải thiện được hình ảnh đã bị bôi nhọ của Việt Nam. Còn bà Bích Phượng thì nói “Rồi cũng sẽ trí trá cho qua như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà thôi”.

https://www.voatiengviet.com/a/vay-ca-map-lam-lo-tieu-cuc-ngoai-giao/4221445.html