Tin Việt Nam – 23/9/2015
Xô xát vì vụ ‘bắt người Lương tâm TV’ — Ông Trần Anh Kim bị ‘tạm giam’ trở lại
Đã xảy ra xô xát giữa các nhà hoạt động dân sự và công an Hà Nội vì cáo buộc công an bắt giữ phát thanh viên của một kênh truyền hình độc lập trên mạng.
Một người tham gia đòi thả người, cô Đoan Trang, nói với BBC rằng cô bị “đánh chảy máu mồm” vào tối 23/9.
Khoảng 30 người đã đến trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra thuộc công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để yêu cầu công an thả người.
Thông tin ban đầu trên mạng nói vào sáng 23/9, phát thanh viên Lê Yến, 23 tuổi, của một kênh truyền hình phát trên YouTube, Lương Tâm TV, bị công an bắt tại nhà riêng.
Vài người bạn của cô cũng bị bắt giữ cùng ngày.
Sau khi thông tin loan ra trên mạng, nhóm bạn bè và những người hoạt động dân sự đã đến đồn công an trên đường Tô Hiến Thành.
Theo cô Đoan Trang, công an hoàn toàn bác bỏ tin nói bắt người, nhưng cô nói nhận được tin nhắn của những người liên quan báo họ vẫn đang bị giữ trong đồn.
“Họ nói dối như vậy, chúng tôi không chấp nhận. Khoảng 8h tối, chúng tôi tổ chức cuộc phản đối nhỏ trước cổng, hô to yêu cầu thả người,” Đoan Trang kể lại.
“Họ mới đánh chúng tôi. Trong lúc xô đẩy loạn xạ, tôi không rõ ai đánh mình, nhưng đã bị chảy máu mồm.”
Đến cuối ngày 23/9, công an vẫn không xác nhận việc tạm giữ người.
Thông tin trên mạng internet nói Lương Tâm TV là một kênh truyền hình mới phát trên mạng YouTube hôm 19/8, với nội dung về nhân quyền và đấu tranh chính trị ở Việt Nam.
Hồi tháng 7/2014, blogger Đoan Trang đã có cuộc gặp với Ủy ban nhân quyền của Thượng viện Canada tại Ottawa để thảo luận kỳ kiểm định định kỳ phổ quát liên quan tới tình hình quyền con người ở Việt Nam.
Gần đây, trong tháng 5/2015, cô Đoan Trang đã thực hiện cuộc phỏng vấn với trưởng phái đoàn Hoa Kỳ sang Việt Nam đối thoại về nhân quyền, Trợ lý Ngoại trưởng Tom Malinowski.
Trong bài phỏng vấn đó, ông Malinowski nói với blogger Việt Nam rằng phía chính quyền ở Hà Nội đã ‘hứa sẽ cải tổ Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự để sao cho phù hợp với Hiến pháp và các công ước quốc tế về nhân quyền. – BBC
***
Gia đình cho hay cựu trung tá quân đội, nhà bất đồng chính kiến Trần Anh Kim, lại vừa bị công an Thái Bình bắt tạm giam.
Ông Kim mới ra tù hồi tháng 1/2015 sau khi thi hành án 5 năm rưỡi vì tội hoạt động nhằm Lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Hiện ông còn phải thực hiện thêm ba năm quản chế nữa sau khi về nhà ở Thái Bình.
Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Trần Anh Kim, nói với BBC hôm thứ Tư 23/9 rằng khi bà đi làm vắng sáng thứ Hai 21/9, sáu công an đã tới nhà khám xét và bắt ông Kim đi.
Bản thân bà cũng bị chuyển từ nơi làm việc tới trụ sở công an và giữ tại đó cho đến chiều.
“Khi tôi về đến nhà, thấy nhà cửa đã bị lục lọi và một số tài sản bị mang đi.”
Cho tới nay, chưa có tin tức gì từ ông Trần Văn Kim, và khi lên công an hỏi, bà Thơm chỉ được biết “người ta đang tạm giam chồng tôi ở trại tạm giam công an Thái Bình”.
Bà cũng cho hay thứ Năm 24/9 bà sẽ mang đồ lên tiếp tế cho chồng “tuy không biết có gặp được không”.
Chưa rõ lý do
Cơ quan an ninh điều tra chưa đưa ra bất cứ lý do chính thức gì về việc bắt ông Trần Anh Kim.
Tuy nhiên giới vận động ở Việt Nam cho hay nó có thể liên quan tới việc ông Kim cùng một số người khác “dự tính đưa ra một tuyên bố về dân chủ”.
Ông Trần Anh Kim từng bị buộc tội đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam, phát tán tài liệu trên mạng internet và tham gia Khối 8406, một phong trào đấu tranh dân chủ ở trong nước.
Ngay sau khi ra tù, ông Kim nói với BBC ông “không thay đổi con đường đã chọn”.
Ông cũng khẳng định không bao giờ nhượng bộ trước áp lực từ chính quyền.
Ông Trần Anh Kim đã đi tù hai lần, lần đầu năm 1994-1995 khi còn trong quân ngũ.
Sinh năm 1949, ông Kim từng mang quân hàm trung tá, giữ chức Bí thư Đảng ủy quân sự, phó chỉ huy chính trị Ban quân sự Thị xã Thái Bình.
Ông là thương binh, đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương.
Ông được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009. – BBC
Uber, GrabTaxi: Giải pháp thay thế cho việc sở hữu xe hơi ở VN?
Một dân số trẻ, yêu chuộng công nghệ, không sở hữu xe mà sở hữu điện thoại thông minh là nguyên nhân giúp các dịch vụ gọi xe taxi dùng ứng dụng điện thoại như Uber và GrabTaxi phát triển vượt bậc trên thị trường Việt Nam.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng chính các điều kiện này đã khiến cho ước mơ của một số doanh gia muốn biến các dịch vụ kết nối người cần di chuyển và tài xế này trở thành một giải pháp thay thế cho việc sở hữu xe ở Việt Nam trở nên khả thi.
Dịch vụ này đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây 3 năm, phát triển mạnh tại hai thành phố lớn nhất nước là thành phố HCM và Hà Nội, giờ đã đạt được con số trung bình cao nhất cho các cuốc xe tính trên đầu người so với 300 thành phố sử dụng dịch vụ này, gấp đôi số liệu tại thành phố New York.
Sử dụng dịch vụ gọi xe taxi bằng ứng dụng điện thoại nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới trung lưu đang phát triển tại Việt Nam.
Reuters dẫn lời một người tiêu thụ nói “giá phải chăng, dịch vụ tốt. Tài xế xe Uber chơi nhạc hay, và ngay cả những xe loại nhỏ, cũng tốt hơn xe taxi.”
Thị trường Việt Nam được coi là một thị trường tốt cho các dịch vụ như Uber và Grabtaxi, trong các điều kiện ít người sở hữu xe riêng ở Việt Nam, cứ 100 người thì chưa tới 3 người có xe riêng trong một dân số lên tới 90 triệu người, và cùng lúc là thị trường phát triển nhanh nhất về điện thoại thông minh.
Reuters trích lời ông Đặng Việt Dũng, quản trị viên đặc trách thị trường Việt Nam của công ty Uber, có trụ sở chính ở San Francisco, nói rằng mục tiêu của công ty là thay thế việc sở hữu xe riêng ở Việt Nam.
Theo Hội Bảo vệ Người tiêu thụ Việt Nam, chi phí sử dụng dịch vụ taxi Uber là 8000 đồng/mỗi km, so với giá từ 11,000 tới 15,000 đồng nếu sử dụng xe taxi ở thành phố HCM, mắc hơn gấp đôi giá xe taxi ở Bangkok, Manila và Jakarta. – VOA