Tin Việt Nam – 23/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/12/2016

Tại sao VN chậm phản ứng

trước vụ máy bay TQ tới đảo Phú Lâm?

Khánh An-VOA

Tân Hoa Xã hôm thứ Năm cho hay Trung Quốc vừa bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây được xem là một bước tiếp theo không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia về chiến lược khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên sau gần hai ngày báo chí Việt Nam đăng tin trên, cơ quan đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phản ứng gì trước động thái mới nhất của Trung Quốc. Tiến sĩ Jonathan London, giáo sư của trường đại học Leiden, Hà Lan, nói sự chậm chạp trong phản ứng đối với Trung Quốc ở Biển Đông là một “đặc trưng” về động thái của Việt Nam. Ông nói:

“Không thể đoán là phía Việt Nam có lý do cụ thể nào để chưa phản ứng. Nhưng chắc là sẽ không có thay đổi gì trong quan điểm của Việt Nam. Có lẽ việc phản ứng chậm hiện nay, về bối cảnh lớn của tranh chấp thì có đang trong một thời điểm có lẽ phức tạp hơn so với những năm trước đây vì động thái của Tổng thống sắp bổ nhiệm Trump ở bên Mỹ còn chưa rõ ràng”.

Hôm thứ Năm, báo chí Việt Nam đồng loạt trích dẫn các nguồn tin quốc tế nói về việc Trung Quốc bắt đầu đưa vào hoạt động các chuyến bay dân sự đến đảo Phú Lâm mỗi ngày và nói rằng đây là hành vi “phi pháp” và “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

Tuy nhiên cho đến cuối ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có một phản hồi nào đối với sự việc này.

Theo GS. London, có thể Việt Nam đang chờ đợi một phản ứng từ phía Mỹ trước khi đưa ra một phản ứng chính thức trước động thái mới nhất của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ông nói:

“Nếu Trung Quốc có những hành động cụ thể như thế này, thì chắc chắn trong những ngày tới sẽ có một phản ứng chính thức từ phía Mỹ. Cũng có thể Việt Nam đang muốn xem Mỹ phản ứng thế nào và nó sẽ tạo ra một cơ hội để Việt Nam góp ý. Bởi vì những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang rất gay gắt. Trong bối cảnh như thế thì vì quyền lợi, Việt Nam cũng sẽ từ từ và đánh giá những phương án một cách kỹ càng hơn”.

Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và Biển Đông cũng thừa nhận rằng các chuyên gia rất khó đánh giá chính xác các phản ứng của Việt Nam đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông do sự “thiếu minh bạch” và “phức tạp” trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm thứ Năm cho biết chuyến bay dân sự thường nhật đầu tiên của Trung Quốc đã cất cánh từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Chuyến bay đến đảo Phú Lâm sẽ bay mỗi ngày với giá vé một chiều là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 172 đôla). Các chuyến bay sẽ rời sân bay Hải Khẩu lúc 8:45 sáng và trở về từ đảo Phú Lâm lúc 1:00 chiều.

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã chiếm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau một cuộc chiến đẫm máu với hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

http://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-vn-cham-phan-ung-truoc-vu-may-bay-tq-toi-dao-phu-lam/3648297.html

 

Bình Định: 80 tỷ đồng chống lũ, 118 tỷ đồng xây tượng đài

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 21/12 đã đến Bình Định và hứa cấp cho địa phương này 80 tỷ đồng cùng với 2.000 tấn gạo để cứu trợ lũ lụt.

Truyền thông trong nước đưa tin, trong lúc ngân sách của tỉnh chỉ còn 2 tỷ đồng để đối phó với thiên tai, Hà Nội hứa sẽ hỗ trợ cho Bình Định 80 tỷ đồng để cứu trợ, nhưng trước đó đã phê duyệt một dự án xây tượng đài Hồ Chí Minh và thân phụ của ông có kinh phí lên đến 118 tỷ đồng.

Nói chuyện với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết trong tháng 11 và đầu tháng 12 đã xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh khiến 34 người chết, 5 người mất tích, 10 người bị thương. Về mặt thiệt hại vật chất, 551 căn nhà đã bị sập, 398 nhà tốc mái, 2.300 ha lúa đang trổ chín bị ngập, và 17.300 ha lúa mới gieo bị ngập.

Hòa thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã thực hiện hai đợt cứu trợ tại tỉnh Bình Định trong tháng này. Ống nói với VOA–Việt ngữ:

“Ở Tuy Phước, tuy đã chuẩn bị sẵn nhưng không cứu trợ được, nên sau đó đi cứu trợ ở Phù Mỹ. Ở đó cứu trợ được 3 thôn. 3 thôn ngập lụt nặng đó. Trước đó cũng định cứu trợ nhưng con nước còn cao, nên không cứu trợ được. Đến ngày hôm sau, cứu trợ với hơn 1.000 phần quà. Chúng tôi cũng lên An Nhơn, nơi này ngày hôm trước cũng ngập cao nên đoàn không thể nào vào được. Hôm sau nước xuống, chúng tôi mới tới được và thăm hỏi bà con.”

Trước đó, ông Hồ Quốc Dũng đã ký một quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành (tên thật của lãnh tụ Hồ Chí Minh, với kinh phí lên đến 118 tỷ đồng. Tượng đài này được coi là một “công trình văn hoá-mỹ thuật”, có chiều cao 10,8m làm bằng chất liệu đồng tấm ngoại nhập. Công trình còn bao gồm sân tượng đài, một hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, thoát nước, chống sét, sẽ được xây trên một khu đất rộng lớn tại quảng trường trung tâm trên đường Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài hai năm từ năm 2016-2018.

Hòa thượng Thích Không Tánh bày tỏ bức xúc về mức kinh phí của tượng đài này, trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn:

“Phần chúng tôi cảm thấy nó tổn phí, trong khi dân tình bị nhà nước chiếm đoạt giải tỏa. Gặp hàng ngàn khó khăn, khiếu kiện lên xuống, rồi ô nhiễm môi trường. Bao nhiêu là thiệt hại cho đất nước, cho dân, cho dân tộc, cho đồng bào mà họ không để ý. Trong khi đó họ làm chuyện gì đó khác thì chúng tôi buồn.”

Cùng ý kiến với Hòa thượng Thích Không Tánh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nhận định với VOA-Việt ngữ:

“Nhiều anh em chúng tôi rất nhiều lần nói rằng chuyện con người mới là quan trọng, chứ không phải mấy cái tượng đài, mấy cái xác chết. Cái đó là rõ ràng, dứt khoát. Phía nhà cầm quyền chỉ muốn để tuyên truyền thôi. Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn chuyện mang tiền của dân đi làm những chuyện không chính đáng. Trong khi chuyện cứu trợ, chuyện người dân bị lũ cuốn, từ đầu năm tới giờ hơn 230 người.”

Trong lúc ngân sách địa phương chỉ còn có 2 tỷ đồng để cứu trợ cư dân, hôm 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ra công văn xin Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ. Hà Nội chỉ hứa cấp 80 tỷ và 2.000 tấn gạo. Theo các nhà hoạt động trong nước, công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới giữa lúc cả địa phương và trung ương đều thiếu hụt ngân sách.

http://www.voatiengviet.com/a/binh-dinh-80-ty-dong-chong-lu-118-ty-dong-xay-tuong-dai/3646678.html

 

Các luật sư: Án oan do cơ chế nặng về kết tội

An Tôn – VOA

Bộ trưởng Công an Việt Nam nói “động cơ không trong sáng” và “non yếu về nghiệp vụ” là những điểm yếu của các cán bộ công an dẫn đến các vụ án oan sai. Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng cơ chế tố tụng, tư pháp thiên lệch về kết tội là nguyên nhân quan trọng.

Theo báo chí Việt Nam, trong một cuộc họp báo hôm 21/12, nói về một số vụ oan sai trong thời gian qua, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ ra những nguyên nhân là cán bộ điều tra có “động cơ không trong sáng”, cũng như “thiếu giác ngộ về luật pháp, non yếu về nghiệp vụ”.

Bộ trưởng Lâm nói thêm có một nguyên nhân khách quan khác là hiện nay một cán bộ điều tra phải giải quyết rất nhiều vụ án. Ông cho biết “trung bình một năm mỗi cán bộ điều tra thụ lý 10 vụ án… Cá biệt, có địa phương, một điều tra viên phải điều tra 50 vụ án một năm”.

Bộ trưởng Công an nói số vụ án oan chỉ chiếm “tỷ lệ rất nhỏ” trong hàng vạn vụ án đã được khám phá. Song ông khẳng định “lực lượng công an cũng không thể chấp nhận được việc để xảy ra oan sai đối với người vô tội” vì “làm oan cho người dân tức là vi phạm luật pháp”.

Thời gian qua, báo chí đã đưa tin về một số vụ án oan gây chấn động dư luận Việt Nam. Trong đó, nổi bật là các ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long từng bị kết án tử hình vì tội giết người trong các vụ án riêng rẽ rồi sau đó được minh oan nhờ các nỗ lực của gia đình và luật sư.

Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với VOA rằng lỗi của các điều tra viên chỉ là một phần nguyên nhân. Ông cho rằng nguyên nhân quan trọng là cơ chế tố tụng và pháp lý của Việt Nam có “thành kiến với nghi phạm”:

“Nguyên nhân chính là cái quan điểm, lề lối làm việc của các cơ quan tư pháp. Người ta sử dụng các lời khai để kết tội. Các quy định pháp luật hiện tại cũng còn những cái bất cập. Mặc dù vụ án không hề có nhân chứng hay vật chứng kết tội, nhưng người ta vẫn kết tội được do sử dụng lời khai và lời khai cũng được coi là chứng cứ để kết tội. Chế định tư pháp chưa giúp bênh vực, bảo vệ các quyền của bị can, bị cáo. Mà quy trình, thủ tục tư pháp nặng về giúp cho việc kết tội”.

Luật sư Trai phân tích về những việc cần làm để tránh án oan sai:

“Ví dụ như quyền im lặng chẳng hạn, đấy là một cách thức phòng tránh, giúp cho tránh bức cung, nhục hình để giúp tránh oan sai. Hoặc là quy định về ghi âm, ghi hình khi thực hiện việc hỏi cung. Nó là chế định mới để giúp phòng tránh án oan sai nhưng lâu nay chúng ta cũng chưa có làm. Hoặc là vai trò của luật sư phải lớn hơn. Lâu nay vai trò luật sư yếu kém quá. Hành lang pháp lý có nhiều rào cản cản trở luật sư quá”.

Trong khi đó, luật sư Phạm Công Út cho rằng một trong những biện pháp có thể giúp ngăn ngừa án oan sai là tách việc tạm giam, tạm giữ và việc hỏi cung ra cho những cơ quan khác nhau quản lý thay vì để cho Bộ Công an quản lý cả hai. Ông Út cũng nêu ra một nguyên nhân sâu xa là công tác tuyển sinh, đào tạo người cho ngành công an:

“Cơ chế cần phải thay đổi cái khâu tuyển dụng, bởi những người hoạt động tư pháp là những người phải có tâm, có tài. Các ngành công an, kiểm sát, tòa án, đặt biệt là ngành công an thì vấn đề lý lịch một người nào đấy vào ngành công an đó là điều đầu tiên đặt ra chứ người ta chưa nói đến cái tài hay cái tâm. Do đó là đã loại trừ đi những con người có thể là thực tài, có khả năng bẩm sinh trong hoạt động điều tra phá án. Chuyện đó đã hạn chế người tài đi vào ngành đó. Do đó, nếu thay đổi cơ chế này thì nó thay đổi được hình ảnh làm án oan hay không”.

Bộ trưởng Công an cho biết trong năm 2016, bộ của ông đã điều tra khám phá gần 43.000 vụ phạm pháp hình sự; bắt giữ xử lý trên 80.000 đối tượng, cao hơn so với năm 2015. Cùng với đó, có gần 17.000 vụ tội phạm kinh tế đã bị phát hiện, xử lý. Về các vụ án ma túy, công an đã phá án gần 19.000 vụ với hơn 28.000 đối tượng phạm tội về ma túy đã bị bắt giữ.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-luat-su-an-oan-do-co-che-nang-ve-ket-toi/3647151.html

 

Báo Nhân Dân chỉ trích dân biểu Mỹ Alan Lowenthal

Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây đăng một bài viết chỉ trích dân biểu quốc hội Hoa Kỳ Alan Lowenthal, đại diện bang California. Bài báo có nhan đề “Không vì lá phiếu của cử tri mà vu khống, xuyên tạc.”

Tác giả bài báo cho rằng dân biểu Lowenthal và các nhà lập pháp Mỹ khác như bà Loretta Sanchez và ông Frank Wolf đã “tạo điều kiện để một số người vu khống, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.” Trước đó, các dân biểu Mỹ trong Ủy ban nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Mỹ nhân dịp Ngày Quốc tế nhân quyền, đã tổ chức một hội thảo với chủ đề “Nhân quyền: ghi nhận hiện tại và hướng tới tương lai” để thảo luận về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, trong cuộc hội thảo này có nhiều ý kiến chỉ trích luật Tôn giáo, Tín ngưỡng vừa được quốc hội Việt Nam thông qua.

Tác giả miêu tả dân biểu Alan Lowenthal là người không có thiện chí với Việt Nam, và chỉ trích dân biểu Lowenthal đã đón tiếp thân mật blogger Điếu Cày – Nguyễn văn Hải, khi blogger bất đồng chính kiến này tới Mỹ. Bài báo nói điều “khôi hài” nhất là tháng 12-2015, dân biểu Lowenthal và bốn nghị sĩ Mỹ khác đã gửi thư cho Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi xem xét khả năng tái định cư các cựu quân nhân – thương phế binh Việt Nam Cộng hòa còn sót lại tại Việt Nam.

Theo báo Nhân Dân, dân biểu Alan Lowenthal luôn “ve vãn” người Mỹ gốc Việt, vì ông muốn thành phần cử tri này bỏ phiếu cho ông và những người như ông.

Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, người lâu nay vẫn gắn bó với các hoạt động tri ân các cựu quân nhân – thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, nhận định với VOA-Việt ngữ về những chỉ trích đối với dự luật tái định cư do dân biểu Alan Lowenthal và các đồng viện tiến cử như sau:

“Thật ra cái chỉ trích của Hà Nội là một hành động mang tính tự động. Cứ khi nào một việc nào đó của nước ngoài làm mà khiến cho thể chế chính trị của họ bị lên án thì tức khắc họ sẽ lên tiếng phản ánh, bằng mọi cách để họ vu khống. Thật ra vấn đề chính yếu tại Việt Nam đối với anh em thương phế binh như chúng tôi đã trình bày là họ không thi hành đúng chính sách hậu chiến cho những người thương phế binh này. Đáng ra họ phải được hưởng các chính sách hậu chiến tối thiểu. Họ không làm thì người ta làm, tại sao họ lại lên án.”

Việt Nam bênh vực thành tích nhân quyền của mình, nhất là trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, và đưa hàng triệu người dân vào “tầng lớp trung lưu.”

http://www.voatiengviet.com/a/bao-nhan-dan-chi-trich-dan-bieu-my-alan-lowenthal/3646916.html

 

Hội nghị Lan Thương

bàn về hợp tác giữa các nước sông Mekong

Trong hai ngày 22 và 23 tháng 12, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã diễn ra Hội nghị lần thứ hai của chương trình hợp tác Lan Thương Mê Kông lần thứ hai, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, và Campuchia.

Đại diện của các quốc gia là các vị Bộ trưởng ngoại giao, trong đó có ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam.

Trong hội nghị này các Bộ trưởng đã quyết định cho hoạt động một quỹ Hợp tác Lan Thương Mekong, trong đó Trung Quốc góp 300 triệu đô la Mỹ.

Theo Thông tấn xã nhà nước Việt Nam thì Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đưa ra đề nghị thiết lập đường dây nóng giữa các nước thành viên của chương trình hợp tác này, đồng thời nhấn mạnh đến việc hợp tác để chia sẻ nguồn nước của sông Mekong.

Lan Thương là tên đoạn sông Mekong chảy ngang lãnh thổ Trung Quốc. Trên đoạn sông này Trung Quốc đã cho xây nhiều đập thủy điện lớn, và việc này đang tạo nên những ảnh hưởng không tốt đến vùng hạ lưu ở Việt Nam và Campuchia.

Do lượng nước và phù sa bị chặn trên sông Lan Thương, vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phải đối đầu với nạn hạn hán và nhiễm mặn rất nghiêm trọng trong thời gian qua.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/second-ministerial-conference-lancang-mekong-12232016082715.html

 

TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn đại biểu ĐCS Trung Quốc

Chiều hôm qua tại trụ sở Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Lưu Kỳ Bảo, Trưởng ban tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Quốc đang có chuyến thăm Hà Nội.

Thông tấn xã nhà nước Việt Nam loan báo tin này và cho biết là đoàn đại biểu đảng cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam lần này là để tham dự Hội thảo lý luận giữa hai đảng lần thứ 12.

Được biết cuộc hội thảo lần này, ngoài vấn đề xây dựng đảng cộng sản như những lần trước, hai bên sẽ có trao đổi những kinh nghiệm về việc chống tham nhũng. Cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Lưu Kỳ Bảo đều nói đến việc phát triển quan hệ Việt Trung đang tốt đẹp và ổn định.

Việt Nam và Trung Quốc có chế độ chính trị giống nhau, nhưng có những xung đột về lãnh hải rất căng thẳng ở biển Đông. Trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam không thấy hai vị lãnh đạo đề cập đến những bất đồng này.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/cn-communist-party-delegat-visit-hanoi-12232016081443.html

 

Nhà nước đầu tư thua lỗ 800 tỉ đồng

Bộ tài chính cho biết là nguồn vốn nhà nước đầu tư qua hai ngân hàng OceanBank và Ngân hàng Cổ phần Xây dựng VNCB bị mất đi 800 tỉ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng cục tài chính doanh nghiệp cho biết sở dĩ số vốn nhà nước bị mất đi như thế là do các khoản đầu tư thất bại của Tập đoàn dầu khí, Tổng công ty lương thực miền Nam, Tổng công ty Thanh Lễ, trong đó có dự án đầu tư hơn 100 tỉ đồng mà thu lại chỉ có hơn 18 tỉ đồng.

Ông Tiến cho biết trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu các đơn vị kinh tế đó, và hiện nay những người đứng đầu ở Oceanbank và Tập đào dầu khí đã bị bắt, còn tại Tổng công ty lương thực miền nam thì nhà chức trách đang điều tra.

Hai ngân hàng Oceanbank và Ngân hàng cổ phần xây dựng vừa qua đã bị ngân hàng nhà nước Việt Nam mua lại với giá 0 đồng.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/800-billion-dong-losses-in-invest-two-banks-12232016080147.html

 

Quốc hội Việt Nam công bố 4 nghị quyết

Quốc hội Việt Nam vừa công bố bốn nghị quyết của kỳ họp thứ hai quốc hội khóa 14 vào sáng hôm nay thứ Sáu 23/12/2016.

Nghị quyết thứ nhất là về việc cấp thị thực nhập cảnh điện tử cho người nước ngoài. Theo đó Việt Nam sẽ làm thí nghiệm chuyện này trong hai năm tới.

Nghị quyết thứ hai là về việc dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.  Trong nghị quyết này cũng có đề cập đến việc nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường.

Nghị quyết thứ ba là về việc xây dựng và phát triển nông thôn, theo đó Việt Nam sẽ phấn đấu có được 50% số xã ở nông thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Và cuối cùng là nghị quyết về việc quốc hội chất vấn các thành viên chính phủ và Thủ tướng. Theo nghị quyết này thì các bộ, ngành, và các địa phương sẽ nghiên cứu những gì chưa làm được trong những cuộc chất vấn vừa qua, để có thể làm tốt hơn trong những phiên họp Quốc hội sau này.

Trong nghị quyết về chất vấn các thành viên chính phủ, có nêu rõ là Quốc hội nghiêm khắc phê phán ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ công thương về những sai phạm mà ông đã làm khi còn tại chức.

Trước đó ông Hoàng đã bị cách chức Ban bí thư Trung ương đảng cộng sản Việt nam đã cách chức Bí thư ban cán sự đảng của ông Hoàng ở Bộ công thương nhiệm kỳ 2011-2016 dù ông đã về hưu.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/4-new-decree-of-national-assembly-12232016074756.html

 

Việt Nam, mãnh hổ hay mèo rừng?

Kính Hòa, phóng viên RFA
Việt Nam, Mãnh hổ hay mèo rừng là tên một quyển sách hiếm hoi tổng kết một cách ngắn gọn sự phát triển của Việt Nam mấy mươi năm qua, hiện nay, và tương lai. Sách do giáo sư Phạm Văn Thuyết biên soạn và được nhà xuất bản Tiếng quê hương xuất bản tại Mỹ.

Ý kiến của một số nhà quan sát, nhà báo về những điều mà giáo sư Phạm Văn Thuyết đề cập trong quyển sách này như thế nào?

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Giáo sư Phạm Văn Thuyết là một chuyên viên của Ngân hàng thế giới, đã từng làm việc ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, và ông đã tham gia vào các kế hoạch khác nhau để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển, hoặc chuyển mô hình phát triển kinh tế ở các quốc gia như các nước Đông Âu và Việt Nam.

Quyển sách Việt Nam mãnh hổ hay mèo rừng chỉ dày hơn 250 trang, gồm 8 chương và 4 phụ lục. Tác giả đã trình bày nhiều kiến thức về kinh tế, và qua đó lịch sử thay đổi kinh tế xã hội ở Việt Nam trong 30 năm qua, bằng một ngôn ngữ phổ cập cho mọi tầng lớp dân chúng.

Về cơ bản mình tán thành ý kiến của anh Thuyết, mình muốn đi sâu vào bề sâu của nó, cái đằng sau của nó, là nó không chỉ phản ánh hoàn toàn ý thức hệ còn sót lại, nhưng thực sự đằng sau đó không có ý thức hệ gì cả, mà hoàn toàn là quyền lực.

-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Trong hai chương đầu tiên tác giả tóm tắt sự thay đổi lớn nhất của Việt Nam trong ba mươi năm nay, đó là chuyển từ mô hình phát triển kinh tế  kế hoạch hóa theo kiểu Liên Xô, sang một mô hình tự do hơn với những yếu tố thị trường. Nhưng ông nhấn mạnh rằng tại Việt Nam, đảng cầm quyền chủ trương rằng mô hình của Việt Nam phải là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với vai trò rất áp đảo của lĩnh vực quốc doanh.

Mô hình này được tác giả phân tích kỹ hơn trong chương năm, trong đó bàn luận kỹ về việc giải quyết sự cồng kềnh và không hiệu quả của các công ty quốc doanh. Ông cho rằng do vấn đề ý thức hệ cho nên nhà nước Việt Nam không dám tư nhân hóa các công ty quốc doanh, mà chỉ cổ phần hóa nó, và như vậy các công ty quốc doanh mua chằng chéo qua nhau, giữ thế mạnh của lĩnh vực quốc doanh trong nền kinh tế. Nhận định này của giáo sư Thuyết được Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, một doanh nhân thành công trước khi trở thành một nhà hoạt động dân sự, bình luận:

“Họ ngại cái tư nhân hóa, vì họ muốn không có sự chống đỡ của những người rất là bảo thủ theo chủ nghĩa Mác hay cái gì đấy. Họ bèn vẽ ra cái chữ cổ phần hóa. Họ làm như vậy để qua mặt được các ông kia. Nhưng hệ quả thì không lường được, vì cách làm như thế không triệt để, không giống ai cả. Về cơ bản mình tán thành ý kiến của anh Thuyết, mình muốn đi sâu vào bề sâu của nó, cái đằng sau của nó, là nó không chỉ phản ánh hoàn toàn ý thức hệ còn sót lại, nhưng thực sự đằng sau đó không có ý thức hệ gì cả, mà hoàn toàn là quyền lực.”

Giáo sư Phạm Văn Thuyết cũng đưa vào quyển sách này những kinh nghiệm ông làm việc khắp nơi trong lĩnh vực ngân hàng. Ở chương cuối cùng, tác giả có đưa ra lời khuyên về việc cải tổ ngành ngân hàng tại Việt Nam theo hướng giảm số lượng ngân hàng, tập trung phát triển những ngân hàng lớn. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, người từng nhiều lần làm việc với giáo sư Thuyết nhận định:

Đấy là một chuyên gia am hiểu về ngân hàng. Theo tôi hiểu thì ý của ông Thuyết là phải có những ngân hàng đủ lớn, có qui mô và chất lượng để nó có thể cạnh tranh trong khu vực. Nếu mà ngân hàng nhỏ quá thì khó mà cạnh tranh được, khó vươn ra được với quốc tế. Hiện nay các ngân hàng của Việt Nam chưa có đủ độ lớn để vươn ra cạnh tranh quốc tế và cũng khó đảm nhận tốt các chức năng mà ngân hàng hiện nay cần phải làm.”

Thực tế là vào năm 2016 người ta chứng kiến sự phá sản của nhiều ngân hàng tại Việt Nam, mà theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, người có nhiều kinh nghiệp trong ngành ngân hàng, chính là do sự phát triển số lượng ngân hàng vô tội vạ, đưa đến các ngân hàng nợ chồng chéo lên nhau, và lâm vào khủng hoảng.

Một điều quan trọng có thể gọi là xương sống của việc cải cách kinh tế Việt Nam sang hướng thị trường là giải quyết vấn đề sở hữu đất đai. Giáo sư Thuyết cho rằng đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân, và điều này khó lòng thay đổi khi đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đó là một điều khó khăn nhất của cải cách kinh tế ở Việt Nam:

Đó là một trong những điều nan giải nhất. Thực tế Việt Nam hiện nay cho thấy rất rõ. Tức là nếu không giải quyết vấn đề sở hữu toàn dân đối với đất đai thì việc lạm dụng sở hữu toàn dân, cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân còn rất lớn.

Khu rừng giáo dục và luật pháp

Giáo sư Phạm Văn Thuyết dùng khá nhiều thời gian để bàn về vấn đề luật pháp tại Việt Nam. Theo nhận định của giáo sư Thuyết, thì Việt Nam cũng như Trung quốc, quốc gia láng giềng có hệ thống kinh tế xã hội khá tương đồng, có hai hệ thống luật pháp, một là các văn bản do nhà nước ban hành, còn hai là cách thức hành xử luật trong thực tế, và điều mập mờ này tạo rất nhiều khó khăn cho việc phát triển. Bàn về việc này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:

Việc thực thi luật pháp của Việt Nam là rất kém, vì ở Việt Nam không có cái luật về sự lãnh đạo của đảng, và người ta dựa vào các nghị quyết tập thể, để trên cơ sở đó người ta nói rằng cái việc tôi làm là nghị quyết tập thể, chứ không phải là quyết định của cá nhân tôi. Bởi vậy hiệu lực của luật pháp Việt Nam là rất thấp.”

Giáo sư Thuyết cho rằng vẫn có những vấn đề về luật pháp ở Việt Nam hiện nay vẫn không thể cải cách được do những trở ngại về mặt chính trị.

Cũng có những người chủ trương đóng góp trước, rồi nhà nước, hay những người cộng sản cố chấp nhìn thấy những cái tốt rồi từ từ thay đổi

-Nhà báo Việt Nguyên

Một nội dung quan trọng được giáo sư Thuyết nhấn mạnh rất nhiều trong tập sách này là làm sao cải thiện được nền giáo dục Việt Nam để có thể đào tạo được nhân lực cho đất nước. Theo ông thì sự yếu kém của ngành giáo dục ngày càng lộ rõ khi các công ty hàng đầu thế giới không thể tìm được người làm việc trong nước, trong khi đó nhiều người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài khó có thể trở về nước làm việc do một sự nghi hoặc về chính trị.

Nhà báo Việt Nguyên, từ Hoa Kỳ nhận xét rằng giáo sư Thuyết nhấn mạnh phần giáo dục vì một đất nước cần có những viễn kiến để phát triển. Ông nói tiếp về phần nói về giáo dục tại Việt Nam trong sách của giáo sư Thuyết:

“Đọc kỹ thì thấy cũng giống như ý nghĩ của những người từ ngoại quốc về, hay những người trong nước ra nước ngoài rồi về, thì phải có một thay đổi về căn bản chính trị.”

Những nghi ngại về chính trị, hay là những cố chấp về chính trị không ngăn cản được những người như giáo sư Phạm Văn Thuyết về nước góp ý. Nhà báo Việt Nguyên, cũng là bác sĩ Nguyễn Đức Tuệ, nhận xét rằng tập sách của giáo sư Thuyết ghi nhận cố gắng của nhiều trí thức người Việt ở hải ngoại mong muốn đất nước phát triển:

Không cần để ý đến vấn đề chính trị, vì mình chủ trương thay đổi nước nhà. Có nhiều cách thay đổi. Có người chủ trương thảy đổi chế độ chính trị trước, rồi những cái khác sẽ tới. Nhưng cũng có những người chủ trương đóng góp trước, rồi nhà nước, hay những người cộng sản cố chấp nhìn thấy những cái tốt rồi từ từ thay đổi.”

Giáo sư Phạm Văn Thuyết qua đời vào ngày 15 tháng giêng năm 2015. Nhà báo Việt Nguyên nhận xét rằng những điều mà giáo sư Phạm Văn Thuyết đề cập thể hiện ở 90% sự thay đổi của Việt Nam trong mấy mươi năm qua, nhưng những trở ngại về chính trị mà giáo sư Thuyết cũng như các nhà quan sát trong nước nhận xét, đã làm cho Việt Nam không thể trở thành con hổ của châu Á được mà chỉ trở thành con mèo rừng, trong một môi trường hãy còn hoang dại của luật pháp và giáo dục.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-tiger-wild-cat-12232016074506.html

 

Việt Nam cô độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor tiếp tục loạt bài phân tích tình hình Việt Nam trong bối cảnh các thay đổi lớn trong khu vực.

Stratfor trong bài mới nhất nói cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang dịch chuyển có lợi cho Trung Quốc, “và có lẽ không có nước nào cảm nhận điều này rõ ràng hơn Việt Nam”.

Trước tin Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, loan báo sẽ không tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cũng gác lại việc thông qua hiệp định này.

Song song, Việt Nam trở nên mềm mỏng hơn và tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh.

Theo Stratfor, Việt Nam thầm lặng tìm cách thúc đẩy quan hệ với các đối tác để bảo vệ chủ quyền, thay vì đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Với vị thế địa chính trị của mình, Hà Nội “không thể hoàn toàn phủ nhận cũng như chấp nhận sức mạnh ngày càng tăng của người láng giềng phương Bắc” và ngả hẳn về một bên nào như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Chính sách đi dây ở Việt Nam, Stratfor nhận xét, bắt nguồn từ lịch sử và bối cảnh hiện tại khiến cho Hà Nội ngày càng khó từ bỏ chính sách này.

Vẫn thiết tha hội nhập

Chính phủ Việt Nam thông báo rằng có hay không TPP thì nước này vẫn tiếp tục con đường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác với các nước và các khối khác.

Từ góc độ của mình, Hà Nội cho rằng các thỏa thuận như TPP có lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, giúp cải cách nền kinh tế trong nước.

Việt Nam được nhận xét là đang đưa vào một nghị trình kinh tế khá cởi mở, với montg muốn gia nhập các thỏa thuận thương mại đa phương khác như với Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên hiệp châu Âu.

Nhiều chuyên gia cho rằng các hiệp định thương mại không chỉ đơn thuần gói gọn trong phạm vi kinh tế. Hà Nội cho rằng sự hợp tác sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác nữa, như năng lượng và quân sự.

Cũng có đánh giá rằng thái độ của Hà Nội chịu chấp nhận cả các đòi hỏi xưa nay vẫn thuộc loại nhạy cảm chính trị như về quyền công nhân và giảm vai trò của doanh nghiệp quốc doanh cho thấy Việt Nam thực sự muốn tìm các đối tác mới để vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng toàn diện của Bắc Kinh.

Thế nhưng để làm công việc này không dễ. Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên vật liệu, nhất là các mặt hàng sợi vải và hàng điện tử, nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng chứ không giảm và bởi vậy ly khai Trung Quốc về kinh tế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu không nói là không khả thi.

Theo Stratfor, tình trạng bảo hộ mậu dịch ở các nước phát triển, nhất là Hoa Kỳ và châu Âu, cũng như các điểm yếu của kinh tế chính trị ở trong nước đang cản trở Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Tổ chức này cũng cho rằng chính hội nhập nhanh cũng khiến Việt Nam trở nên mẫn cảm trước những thay đổi khó lường của kinh tế thế giới cũng như những biến động trên các thị trường nước ngoài. Thời điểm này thật bất lợi cho Hà Nội vốn đang phải tái cơ cấu nền kinh tế của mình và gia tăng áp lực cũng như khó khăn lên các ngành công nghiệp quan trọng nhất như nông nghiệp, chế biến thép và lắp ráp điện tử.

Việt Nam đang phải đương đầu với thu nhập và xuất khẩu đều giảm. Thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức 6,5% GDP, lại thêm chi tiêu và nợ công tăng. Tất cả những điều này được cho là trầm trọng thêm vì các vấn đề kinh tế vĩ mô dai dẳng chưa được giải quyết.

Phản kháng thầm lặng

Những vấn đề về kinh tế nói trên xuất hiện trong bối cảnh bất ổn về chính trị ngày càng gia tăng, từ việc Mỹ do dự can thiệp vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như những dấu hiệu gần đây cho thấy các hàng xóm của Việt Nam bắt đầu mất đoàn kết trong việc chống lại Trung Quốc. Chính những nhân tố này đã thúc đẩy việc thay đổi chiến thuật ngoại giao của Việt Nam.

Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc là việc có lịch sử lâu dài, tuy nhiên, khác với Philippines, Viêt Nam không có chiếc ô an ninh quân sự của Mỹ để bảo vệ mình khỏi sự gây hấn của Trung Quốc, mặc dù chính quyền Hà Nội có mối quan hệ khá thân thiện với Washington.

Chính vì thế, chiến lược của Hà Nội là ‘phản kháng thầm lặng’ – vẫn tiếp tục củng cố phòng thủ và tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đồng thời thắt chặt hợp tác an ninh chặt chẽ hơn tại khu vực.

Một điều chắc chắn là, trong số tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông và thách thức lại sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc, Việt Nam vẫn là nước có sức mạnh quân sự lớn nhất. Tuy nhiên tổ chức đa phương như Asean sẽ không thể giúp đỡ nhiều trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong khi các nước khu vực ít nhiều thực thi chính sách xoay trục lại gần với Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở nên cô độc trong lập trường của mình đối với Bắc Kinh.

Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy Việt Nam ngừng tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, chiến lược của quốc gia này vẫn là tiếp tục củng cố lực lượng và thiết lập liên minh một cách lặng lẽ, dù gặp rủi ro là làm Bắc Kinh nổi giận.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38403145

 

Giải quyết hậu quả Formosa có thể kéo dài cả thập kỷ

Thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh đã dẫn đến nghi ngại sâu sắc về các hậu quả lâu dài có thể có do tình trạng ô nhiễm, đồng thời gây ra phản ứng phẫn nộ chưa từng có tiền lệ từ người dân Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất, chính phủ đưa ra thời hạn ba năm cho Formosa để rà soát toàn bộ hoạt động, theo Reuters.

Cái nhìn toàn cảnh

Theo tin Reuters ngày 23/12, khu vực miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay từ tập đoàn công nghiệp Đài Loan.

Formosa Hà Tĩnh là một dự án sản xuất thép của Đài Loan, với tổng vốn đầu tư lên tới 11 tỷ USD.

Uớc tính thiệt hại về lượng hải sản chết dạt vào bờ do thảm họa Formosa là hơn 100 tấn, bên cạnh đó là nhiều hậu quả khác về ô nhiễm môi trưởng ảnh hưởng đến việc làm và phát triển kinh tế tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trong số 50 đến 53 sai phạm từ tập đoàn Formosa do chính phủ Việt Nam công bố, sai phạm lớn nhất là việc Formosa đã tự ý chuyển đổi công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang thải ướt (dùng nước).

Thảm họa này đã gây phẫn nộ đối với người dân Việt Nam, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình chưa có tiền lệ trong vòng hai tháng tại các thành phố lớn. Trong khi đó mạng xã hội cũng bùng nổ với những phản ứng giận dữ của người dân tại đất nước có 41 năm dưới sự kiểm soát độc đảng.

Trước sức ép dư luận, vào cuối tháng Sáu 2016, trong buổi họp báo chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã phải cúi đầu xin lỗi Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì gây ra sự cố môi trường thời gian qua, đồng thời cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại là 500 triệu USD.

Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.

Cố tình vi phạm

Theo một báo cáo từ Bộ Công thương, Formosa đã tự ý thay đổi sang công nghệ làm nguội than cốc ướt (wet coking).

Đây là hệ thống sử dụng nước để làm mát và được xem là gây nhiều ô nhiễm hơn công nghệ khô, vì hệ thống này tạo ra nhiều khí thải và chất thải có chứa nhiều xyanua. Còn công nghệ khô (dry coking) được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy hiện đại. Công nghệ này tuy tốn kém hơn nhưng không sử dụng nước.

Thời hạn dự kiến cho việc hoàn thành hệ thống làm nguội đạt tiêu chuẩn là ngày 31/6/2019, vẫn theo Reuters dẫn lời Bộ Ngoại thương Việt Nam.

Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh, ông Trương Phục Ninh (Chang Fu-ning) nói sẽ quay lại năng suất hoạt động ban đầu vào năm 2017.

Mục tiêu của dự án xây dựng nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín và cảng nước sâu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất 22 triệu tấn thép/năm, 1500 MW nhiệt điện.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38421139