Tin Việt Nam – 23/1/2017
Bản quyền hình ảnh CẢNH SÁT NEW SOUTH WALES Image caption Cảnh lục soát ở một quán cà phê liên quan vụ điều tra
Điều tra đường dây rửa tiền của người Việt ở Sydney
Cảnh sát bang New South Wales của Úc nói họ truy tố một phụ nữ quốc tịch Việt Nam với cáo buộc chỉ huy đường dây rửa tiền.
Người phụ nữ 40 tuổi bị hải quan Úc chặn tại sân bay quốc tế Sydney sáng ngày 19/1.
Bà bị bắt giữ sau đó và bị truy tố với cáo buộc dẫn dắt hoạt động của một nhóm tội phạm.
Cảnh sát Úc cáo buộc người này dẫn dắt các hoạt động ở Việt Nam và chỉ đạo nhóm ở Sydney nhận tiền mặt, đồng thời chỉ dẫn các cách thức rửa tiền.
Căn nhà của người phụ nữ ở khu Bossley Park, Sydney, và một quán cà phê đã bị lục soát.
Dự kiến người này sẽ ra tòa ngày 6/2.
Thám tử Stuart Sweeney được báo chí dẫn lời nói cuộc điều tra bộc lộ tính chất xuyên quốc gia của các đường dây tội phạm ở bang New South Wales.
Vụ bắt giữ thuộc một phần cuộc điều tra chung của cảnh sát New South Wales và Ủy ban Tình báo Tội phạm Úc (ACIC), nhắm vào các băng nhóm rửa tiền ở Sydney.
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38724833
Thành công chính trị của phụ nữ Mỹ gốc Việt trong năm 2016
Điểm lại năm 2016, chưa bao giờ có nhiều phụ nữ gốc Việt ra tranh cử và thành công tại Hoa Kỳ như cuộc bầu cử hồi tháng 11 vừa qua, như tường thuật của nhà báo Đỗ Dzũng từ tờ Người Việt, California:
Lần đầu tiên trong lịch sử, có một phụ nữ gốc Việt đắc cử vào Hạ Viện Liên bang Hoa Kỳ.
Ðó là bà Stephanie Murphy (Dân Chủ), tên Việt Nam là Ðặng Thị Ngọc Dung, ở Florida. Bà thắng Dân Biểu John Mica (Cộng Hòa), một người làm dân biểu Quốc Hội gần 24 năm.
Tại Los Angeles County, California, nữ Luật sư Kim Nguyễn thắng đối thủ là người bản xứ, ông David Berger, phó biện lý Los Angeles County, và trở thành chánh án tiểu bang, làm việc tại quận hạt đông dân nhất Hoa Kỳ.
So với năm 2014, là năm có nhiều người Việt ứng cử nhất, và là năm gần nhất, số lượng người Việt ra ứng cử trong năm 2016 chỉ kém một người.
Nếu như năm 2014 có 33 người Việt ra ứng cử thì năm 2016 có 32 người.
Tuy nhiên, trong số 33 người ra ứng cử năm 2014, chỉ có sáu người là phụ nữ. Còn trong số 32 người ứng cử năm 2016, có tới 13 người là phụ nữ, một mức tăng hơn gấp đôi.
Năm 2014, trong số 17 người gốc Việt thắng chỉ có bốn người là phụ nữ:
- Bà Janet Nguyễn, người Việt Nam đầu tiên đắc cử thượng nghị sĩ California, sau khi làm giám sát viên Orange County tám năm;
- Bà Dina Nguyễn, thắng chức ủy viên Hội đồng Thủy cục Orange County, sau khi làm nghị viên Garden Grove hai nhiệm kỳ;
- Bà Vân Lê, tái đắc cử chức ủy viên Học Khu East Side, San Jose;
- Bà Hương Nguyễn, lần đầu tiên đắc cử chức ủy viên Học Khu Evergreen Community College, San Jose.
Năm 2016, trong 13 phụ nữ gốc Việt ứng cử, có bảy người thắng cử (53.8%) và đều trúng vào chức vụ mới.
Trong số bảy phụ nữ đắc cử này, có sáu người lần đầu tiên ứng cử.
Trong số 19 ứng cử viên nam, có bảy người thắng cử (36.8%), nhưng lại có bốn người đương nhiệm, có nghĩa là tái đắc cử.
Ðiều này cho thấy, không những nữ ứng cử viên gốc Việt tranh cử nhiều hơn trong năm 2016, mà còn thắng cử nhiều hơn, với chức vụ mới hơn, và cao hơn nữa.
Vì sao phụ nữ gốc Việt thành công về chính trị?
Sự thành công của phụ nữ gốc Việt tại Hoa Kỳ có thể giải thích bằng ít nhất hai lý do sau đây:
Thứ nhất, có thể vì năm 2016 nước Mỹ lần đầu tiên có nữ ứng cử viên tổng thống nên có nhiều cử tri nữ đi bầu hơn, và có thể dồn phiếu cho phụ nữ nhiều hơn.
Nên nhớ, ngay cả bà Hillary Clinton, dù thua ông Donald Trump phiếu đại cử tri, nhưng lại thắng ông tới gần 3 triệu phiếu phổ thông.
Thứ nhì, trong số năm phụ nữ Việt đắc cử tại Orange County, có ba người ứng cử trong các địa hạt mới được phân chia và nhỏ hơn.
Năm 2014, bà Janet Nguyễn đã tạo nên lịch sử, thành người Việt Nam đầu tiên ngồi trong Thượng Viện một tiểu bang ở Hoa Kỳ, và trở thành dân cử gốc Việt cao cấp nhất nước Mỹ.
Năm 2016, bà Stephanie Murphy tạo nên cột mốc cao hơn và thành vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất toàn quốc, sau khi tuyên thệ nhậm chức Dân biểu Hạ Viện Mỹ, tại Washington, DC hôm 3/01/2017.
Điểm qua các gương mặt:
Stephanie Murphy Ðặng Thị Ngọc Dung
Trong bầu cử 8/11/2016 tại Địa hạt 7, Florida, bà Stephanie Murphy (Dân chủ) được 181,758 phiếu (51.5%) trong khi Dân biểu John Mica (Cộng hòa) được 171,412 phiếu (48.5%)…
Báo Orlando Sentinel viết:
“Chưa bao giờ Dân Biểu Mica gặp một đối thủ như bà Stephanie Murphy, vì bà là một khuôn mặt mới với câu chuyện đời lý thú.”
Sau hơn 20 năm, ông John Mica phải đương đầu với một cuộc tái tranh cử gay go nhất nhưng vẫn “xem thường” người phụ nữ gốc Việt này.
Bà Stephanie Ngọc Dung viết trên Facebook:
“Tôi lấy làm vinh dự và cảm thấy nhỏ bé trước sự tín nhiệm mà cư dân miền Trung Florida dành cho tôi để đại diện họ tại Quốc Hội Hoa Kỳ.”
Bà Ðặng Thị Ngọc Dung cùng gia đình vượt biên năm 1979 khi mới được 6 tháng tuổi.
Sau thời gian ở Malaysia, gia đình bà định cư tại Hoa Kỳ, nhờ sự bảo trợ của Giáo hội Tin Lành.
Thời gian đầu, cha mẹ bà phải lao động tay chân để nuôi sống gia đình.
Học đại học tại College of William and Mary, Virginia, và tốt nghiệp cử nhân kinh tế, bà lấy bằng cao học quan hệ quốc tế ĐH Georgetown, Washington, DC.
Từng làm chuyên viên an ninh quốc gia trong Văn phòng Bộ Trưởng Quốc phòng và cố vấn chiến lược cho Deloitte Consulting, bà cũng làm việc tại Sungate Capital, một công ty chuyên về đầu tư và là giáo sư ngành kinh doanh tại ĐH Rollins College, Florida.
Bà sống tại Winter Park cùng chồng và hai con, Liêm và Maya.
Kim Nguyễn
Trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016, tranh cử chức chánh án Tòa Thượng thẩm California, đơn vị 158, Los Angeles County luật sư Kim Nguyễn trở thành vị dân cử gốc Việt tại Mỹ phiếu cao nhất từ trước tới nay, được 1,102,711 phiếu (52.07%), thắng đối thủ David Berger (1,015,216 phiếu – 47.93%).
Trước khi đắc cử chánh án, Luật Sư Kim Nguyễn làm việc tại Bộ Tư Pháp California, đại diện cho các giới chức dân cử và cơ quan cấp tiểu bang trong các vụ kiện liên quan đến luật bầu cử, luật hiến pháp, luật tiểu bang, và ngân sách tiểu bang.
Cha mẹ Luật sư Kim Nguyễn đến Mỹ năm 1975, ban đầu sống trong trại tị nạn ở Arkansas, rồi được chuyển về trại Camp Pendleton, California.
Sau đó, cha mẹ bà định cư tại San Francisco, và bà chào đời tại thành phố này rồi về sống ở San Gabriel Valley, Los Angeles County.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Kim Nguyễn vào đại học UCLA và tốt nghiệp hạng danh dự.
Từ Giấc mơ Mỹ sang Khát vọng châu Á?
Học luật tại ĐH Harvard, bà từng làm thư ký cho Chánh án Alfred T. Goodwin, Tòa Phúc thẩm Liên bang, Khu vực 9, rồi dạy học tại đại học luật Loyola Law School.
Sau đó bà làm việc cho một công ty luật tư nhân và cũng là thành viên của Hiệp Hội Luật Sư Người Mỹ Gốc Châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp hội Nữ Luật sư Los Angeles và là luật sư tình nguyện cho Advancing Justice Los Angeles.
Luật Sư Kim Nguyễn hiện cư ngụ tại South Pasedena cùng với chồng và hai người con.
Kimberly Hồ
Dược Sĩ Kimberly Hồ là người tạo nên lịch sử tại Westminster, California, trong cuộc bầu cử ngày 8/11/ 2016, vì là phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử nghị viên thành phố này.
Bà xuất thân trong một gia đình cựu quân nhân VNCH, thân phụ là cựu Ðại Tá Hồ Sĩ Khải, chỉ huy trưởng Trường Pháo binh QLVNCH.
Trước khi đắc cử nghị viên, bà từng là ủy viên quy hoạch Westminster trong ba năm và là ủy viên giao thông, và phục vụ trong Ban Ðặc nhiệm Tài chánh Westminster.
Từng được Hội Tiểu Thương California bầu chọn là “Doanh Gia Xuất Sắc 2009” bà còn được biết nhiều qua các chương trình phát thanh, truyền hình tại Orange County.
Bà Kimberly Hồ qua Mỹ cùng gia đình năm 1975 khi mới 11 tuổi.
Bà có bằng cử nhân ĐH UCLA, cao học quản trị kinh doanh đại học UCI rồi được học bổng theo học ngành dược ĐH University of the Pacific, Stockton, California, và tốt nghiệp dược sĩ tại đại học USC, Los Angeles.
Frances Nguyễn
Bà Frances Nguyễn là phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử ủy viên Học Khu Westminster, sau khi chiến thắng trong ngày 8 Tháng Mười Một, 2016.
Cùng gia đình đến Mỹ năm 1975 và chưa nói được tiếng Anh, bà tốt nghiệp cử nhân ĐH Cal Poly Pomona, quản trị kinh doanh tại ĐH Argosy và từng là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California (1985-88).
Từng là ủy viên hội đồng cố vấn một số ủy ban trong Học khu Ðại học Cộng đồng Coastline và Sở Cảnh sát Westminster, bà cũng là thành viên ban giảng huấn ĐH Coastline Community College.
Bà là người Việt Nam đầu tiên làm chủ tịch Phòng Thương Mại Westminster (2009-2010).
Thu-Hà Nguyễn
Bà Thu-Hà Nguyễn đắc cử chức nghị viên Garden Grove, Ðịa Hạt 3, hôm 8/11/, 2016.
Người cha quá cố của bà, một thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến VNCH, là người có ảnh hưởng với bà, qua các hoạt động cộng đồng và phục vụ cư dân.
Bà cho biết từng làm việc rất nhiều năm với các hội đoàn trẻ trong cộng đồng, như Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, Ðoàn Thanh Niên Cao Ðài, Ðoàn Thanh Niên Cờ Vàng…
Năm 2004, bà Thu-Hà Nguyễn chính thức thành lập nhóm “Vietnamese Young Marines” để sát cánh cùng các đoàn thể cựu quân nhân VNCH.
Tốt nghiệp ĐH UC Irvine và cao học khoa học tại ĐH Cal State Dominguez Hills, bà từng làm nhà nghiên cứu tại Quest Diagnostics.
Bà đang đứng đầu một nhóm làm việc nhằm phát triển phương pháp học mới trong việc kiểm tra bệnh ung thư.
Bà hiện cư ngụ tại Garden Grove cùng chồng và ba người con.
Kim Bernice Nguyễn
Cô Kim Bernie Nguyễn đắc cử nghị viên Garden Grove hôm 8/11 2016, thắng đối thủ Rick Montoya, người từng nộp đơn kiện Garden Grove dựa trên Ðạo Luật Quyền Bầu Cử California, dẫn đến việc thành phố phải chia làm sáu địa hạt để bầu ra sáu nghị viên.
Cô chính là tác giả của việc vẽ các địa hạt này và được hội đồng thành phố chấp thuận.
Kim Bernie Nguyễn có cha là một người tị nạn Việt Nam, mẹ là di dân gốc Mexico.
Sống ở Garden Grove hơn 15 năm cô là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học và đại học.
Sau khi hoàn tất bậc cử nhân khoa học chính trị tại đại học UC Santa Cruz, cô đang làm việc cho CalOptima, một cơ quan lo về bảo hiểm y tế cho cư dân Orange County.
“Vì kiến thức và khả năng của cô, cùng với tấm lòng phục vụ công chúng, Nghiệp Ðoàn Cứu Hỏa Garden Grove chính thức ủng hộ cô vì thấy cô sẽ là một người ủng hộ an toàn công cộng trong hội đồng thành phố,” nghiệp đoàn nhân viên cứu hỏa Garden Grove cho biết khi ủng hộ cô vào chức nghị viên.
Dina Nguyễn
Luật Sư Dina Nguyễn vừa thắng cử chức ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove, Ðịa Hạt 5, vượt qua hai ứng cử viên khác, trong đó có ủy viên đương nhiệm là bà Linda Paulsen-Reed, người ngồi trong hội đồng giáo dục này gần 20 năm.
Ðây cũng là chức vụ dân cử thứ ba của Luật Sư Dina Nguyễn, và là chiến thắng thứ tư sau năm lần tranh cử.
Năm 2006, bà đắc cử chức nghị viên Garden Grove và bốn năm sau, bà tái đắc cử.
Vì luật giới hạn nhiệm kỳ ở Garden Grove bà không thể tái ứng cử năm 2014, thay vào đó, bà ứng cử chức ủy viên Hội Ðồng Thủy cục Orange County, Khu vực 1, và đắc cử.
Như vậy, hiện nay, Luật Sư Dina Nguyễn giữ hai chức vụ dân cử cùng một lúc.
Bà Dina Nguyễn từng là nhân viên tòa án Orange County trong 18 năm. Trong lúc đi làm bà ghi danh học và tốt nghiệp trường luật của đại học Pacific Coast University, Long Beach.
Đến Mỹ năm 1975, bà hiện cư ngụ tại Garden Grove với gia đình.
Bài dài hơn của nhà báo Đỗ Dzũng đã đăng trên số Tết Đinh Dậu của báo Người Việt, Orange County, California.
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38721860
Có nên theo Nhật, chỉ ăn một Tết?
Việt Nam có nên làm theo những nước như Nhật, tức là bỏ Tết Âm lịch, hay nói đúng hơn là sát nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch? Đó là câu hỏi vẫn gây tranh cãi mỗi khi Tết sắp đến, nhất là kể từ khi giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra ý kiến đó. Những người chủ trương bỏ Tết ta cho rằng thời gian nghỉ Tết quá dài vừa ảnh hưởng đến năng suất, vừa gây tốn kém. Nhưng nhiều người không đồng ý với đề nghị đó, với lý do là phải bảo vệ tục lệ, truyền thống Tết của dân tộc.
Là người đầu tiên đề xuất ký kiến bỏ Tết ta, giáo sư Võ Tòng Xuân nêu lên ví dụ của Nhật, từ lâu đã chuyển sang chỉ ăn Tết Dương lịch cho phù hợp với phương Tây:
“ Khi mà Nhật chuyển sang ăn Tết cổ truyền của Nhật vào ngày Tết Dương lịch dường như là từ khoảng năm 1870, cho tới giờ này Nhật Bản vẫn là cường quốc giàu nhất châu Á. Chuyển sang ăn Tết tây là cho phù hợp với Tây phương, để bên Tây phương nghỉ thì mình cũng nghỉ, còn người ta làm việc thì mình cũng làm việc. Vào thời đại bây giờ, một vài phút chênh nhau là thị trường hay một cổ phiếu nào đó có thể thay đổi. Đó cũng là dịp để nhiều công ty của chúng ta tranh thủ làm giàu.
Năm nay, chúng ta cũng cảm thấy là, tuy còn nhiều người không thích ăn Tết ta vào ngày Tết tây, nhưng không khí của Tết tây cũng tất là tưng bừng, người ta cũng tặng quà Tết trong ngày Tết tây. Đặc biệt ở Việt Nam, thời tiết bây giờ cũng không giống như trước nữa. Một trong những lập luận về việc phải ăn Tết đúng ngày Tết ta đó là để rơi vào dịp hoa mai, hoa đào nở. Nhưng mấy năm nay rồi, hoa mai và hoa đào nở không còn đúng ngày nữa. Cho nên, tôi thấy là lập luận dựa trên thời tiết không còn đúng nữa trong giai đoạn biến đổi khí hậu ở toàn cầu”.
Một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng là một trong những người ủng hộ việc sát nhập Tết ta và Tết tây, vì ông cho rằng có quá nhiều ngày nghỉ cho hai dịp Tết này:
“ Mỗi lần đón mừng năm mới thì ở Việt Nam chúng ta đón mừng năm mới Dương lịch và lại đón mừng năm mới Âm lịch. Có những năm thì hai Tết đó cách xa nhau khoảng gần 2 tháng. Có những năm như năm nay thì nó chỉ cách nhau khoảng 1 tháng. Nhưng việc đón hai cái Tết thì nó dẫn đến thời gian nghỉ của người lao động diễn ra vào hai đợt.
Thứ hai, theo truyền thống canh tác lúa nước, sau khi cấy xong thì người nông dân ở miền Bắc rỗi việc. Vì vậy mới sinh ra cái câu: “ Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”, tuy rằng cũng có câu “ Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà”. Tóm lại, chúng ta mất nhiều quá thời gian vào việc nghỉ Tết, chơi Tết, ăn Tết, lễ hội, thăm hỏi… Gần đây, do đời sống được cải thiện, cho nên tiêu thụ rượu bia, cờ bạc, các tệ nạn xã hội cũng tăng lên.
Vì vậy, một số người như Giáo sư Võ Tòng Xuân và tôi có đề nghị nên nghiên cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm của Nhật Bản là chỉ nên nghỉ một Tết, và đó là Tết Dương lịch. Điều đó phù hợp với xu thế hội nhập thế giới. Tuy vậy, khi tôi đưa ý kiến đó lên Facebook, tôi đã bị “ném đá” rất kịch liệt và nhiều người phản đối. Nhưng tôi vẫn nghĩ là trước sau gì chúng ta cũng nên xem xét một cách rất nghiêm túc kinh nghiệm của nước Nhật đã làm như thế nào vẫn giữ được thuần phong mỹ tục, mà vẫn khắc phục được tình trạng nghỉ dài ngày quá và sau khi ăn Tết rồi thì năng suất lao động vẫn giảm và sự tập trung làm việc lại kém. Đấy là những điều tôi đang trăn trở. Tôi muốn là chính phủ nên nghiên cứu một cách nghiêm túc, để rồi đưa ra thảo luận và tiến tới có một quyết định nào đấy về việc hợp nhất Tết Âm lịch với Tết Dương lịch”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng chia sẽ ý kiến là quá nhiều ngày nghỉ Tết gây tốn kém, trước hết là cho tài chính gia đình:
“ Thứ nhất là trong ngân sách gia đình, người ta tiêu phí quá nhiều, nhất là những người bên phái nam, với chuyện nhậu nhẹt kéo dài, rồi cờ bạc. Nhưng quan trọng nhất là những người ủng hộ tôi thấy rằng mình càng nghỉ ít ngày thì mình càng cứu nhiều sinh mạng. Theo thống kê, mỗi ngày Tết chết ít nhất là 40 người. Ăn Tết ít lại một chút thì mỗi ngày chúng ta tiết kiệm được ít nhất 40 sinh mạng. Ngoài chuyện tiền bạc thì còn vấn đề tai nạn giao thông, bởi vì uống nhiều rượu quá thì gây ra tai nạn.
Một phần nữa là những người có nhiều việc làm quá thì cũng không có nghỉ ngày Tết. Trong trường của đại học của chúng tôi cũng vậy, mặc dù sinh viên nghỉ, nhưng một phần ba cán bộ giảng dạy cũng phải trực. Còn những lực lượng khác như công nhân, quân nhân cũng phải trực ít nhất 50% thời gian, để bảo đảm cho xã hội tiếp tục phát triển như bình thường.
Nói chung là nghỉ Tết lâu thì gây tốn kém nhiều thứ, trong đó có tốn kém thời giờ của lao động, thay vì làm ra thêm tiền, thì mình lại tiêu tốn tiền, tiêu tốn sinh mạng và rồi cuối cùng thì đối với kinh tế gia đình lại là một trở ngại.”
Nhưng nếu sát nhập Tết ta và Tết tây thì làm sao có thể duy trì được những phong tục tập quán của ngày Tết Nguyên Đán? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra một số đề xuất:
“ Cái đó thì cần phải có sự nghiên cứu. Tôi nghĩ là các phong tục tốt đẹp thì có thể duy trì, nhưng cũng không nên duy trì mọi phong tục, ví dụ như việc bói toán, đốt vàng mã. Tất cả những việc đó nên cần phải xem xét, kể cả việc “ Tháng Hai cờ bạc, tháng ba rượu chè” cũng nên xem xét và tiến tới khắc phục.
Ở những nước khác như Nhật Bản, họ cũng có nhậu nhẹt, nhưng mức độ cũng khác và thời gian họ dành cho việc ấy cũng khác. Họ vẫn duy trì được năng suất lao động của họ. Vấn đề của chúng ta ở đây là tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của chúng ta trong 10 năm gần đây liên tục giảm, bây giờ chỉ còn 3%. Về nguyên tắc thì năng suất lao động tăng thì mới có thể tăng lương. Nếu tăng lương mà không tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh được”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân thì đề nghị là có thể dùng ngày Tết tây để cử hành những tục lệ cổ truyển chủ yếu của Việt Nam . Ông cho rằng trong vấn đề này, Nhà nước có thể ra những quyết định hành chính, như họ đã từng ra lệnh cấm đốt pháo vào dịp Tết:
“ Không phải là chúng ta bỏ hết những tục lệ cổ truyền để đi ăn Tết tây là chúng ta dùng 3 ngày Tết tây để cử hành những tục lệ cổ truyền quan trọng nhất của Việt Nam mình. Ví dụ như ngày Tết mọi người đều phải ăn mặc chỉnh tề, mặc quần áo mới, rồi cúng ông bà, kế đến là các cháu mừng tuổi ba mẹ, ông bà, để được lì xì, rồi đi thăm bạn bè, đi chùa hái lộc. Những người như tôi thì đi thăm các nhân viên, đặc biệt là những nhân viên đã về hưu. Rồi đến mùng 3 thì cũng rước ông bà về.
Còn ngày 23 đưa ông Táo thì mình cũng tính theo Dương lịch luôn. Dĩ nhiên rất nhiều người thấy rằng làm như vậy là không phải: ngày 23 Âm lịch mới đưa ông Táo, chứ không phải 23 Dương lịch! Tôi nghĩ tất cả những điều này là chuyện tâm linh: chúng ta cứ tưởng tượng ngày 23 này với ngày 23 kia cũng giống nhau! Mình cũng không bỏ các tục lệ đó.
Đây là việc mà mình phải có những quyết định mạnh dạn từ chính quyền để mọi người theo, chứ còn đưa ra lấy ý kiến đại chúng thì sẽ cãi hoài mà không biết chừng nào mới hết cãi. Tôi lấy ví dụ như trước đây chúng ta có tục lệ đốt pháo. Nhưng Nhà nước thấy đốt pháo quá tốn tiền, có nhiều rũi ro cho nên cấm đốt pháo, thì tới giờ này cũng không đốt pháo ( … ) Tới đây, chắc chắn là nếu Nhà nước mà mạnh dạn như bên Nhật Bản, thì cũng có thể ra quyết định cử hành những tục lệ truyền thống chính của Tết ta vào ngày Tết tây”.
Đối với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu sát nhập được hai cái Tết thì điều đó sẽ giảm được luôn cả điều mà ông gọi là “những ngày nghỉ vô hình “ của công chức.
“ Nếu là làm được điều đó thì sẽ giảm được những ngày nghỉ chính thức và những ngày nghỉ vô hình. Hiện nay, tuy là quan chức đến công sở, nhưng thực sự thì ít làm việc, sản phẩm làm ra không có và chỉ đi thăm hỏi lẫn nhau. Điều đó dẫn đến công việc trì trệ và phản ứng không còn hiệu quả như mong muốn với những việc mà hiện nay chúng ta đang hội nhập sâu”.
Những ý kiến như của giáo sư Võ Tòng Xuân và Lê Đăng Doanh hiện nay ngày càng được ủng hộ, thế nhưng vẫn còn nhiều người không chấp nhận gộp Tết ta và Tết ta. Dầu sao thì đây cũng là một truyền thống đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam, không dễ gì mà thay đổi được. Có thể đây sẽ vẫn là đề tài tiếp tục gây tranh cãi trong nhiều năm nữa, trừ phi Nhà nước ra những quyết định dứt khoát theo hướng này.
vi.rfi.fr/viet-nam/20170123-co-nen-theo-nhat-chi-an-mot-tet
Truyền thông nước ngoài bôi bẩn cá tra Việt Nam
Những thông tin không chính xác do truyền thông nước ngoài loan tải có thể gây ảnh hưởng xấu đến ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại diện là Tổng Thư ký Trương Đình Hoè bày tỏ mối lo ngại trên và được mạng Vietnam News loan đi hôm 23 tháng giêng năm 2017.
Cách đây ba tuần, đài truyền hình Cuatro tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha cho trình chiếu một chương trình phóng sự về việc nuôi cá tra ở sông Mê Kong, Việt Nam. Nội dung của phóng sự đó cho thấy hình ảnh những con cá tra được trong lồng bẩn, thức ăn dành cho cá tra không phải thức ăn công nghiệp mà là những con cá chết và cả rác thực phẩm khác.
Nội dung này tiếp tục được truyền đi những ngày sau đó.
Theo ông Hoè, nội dung của phim phóng sự đó không chính xác, không những làm xấu đi hình ảnh nuôi cá tra ở Việt Nam mà còn làm cho giá thị trường xuất khẩu loại cá này suy giảm rõ rệt.
Cũng theo ông Hoè, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi thư đến đài truyền hình Cuatro để khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật.
Báo Vietnamnews trích dẫn lời bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một trong những doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết vài năm gần đây, sản phẩm cá tra ngày càng phổ biến trên thế giới và được đón nhận ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, hình ảnh cá tra của Việt Nam vẫn chưa được đón nhận tốt ở nhiều quốc gia, chủ yếu là về an toàn thực phẩm và kỹ thuật nuôi.
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/tra-fish-export-could-be-hur..
Cựu tù nhân Nguyễn Văn Oai bị bắt lại
Hôm nay 23 tháng Một, gia đình cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An nhận được giấy của công an cho biết về việc bắt giữ ông này hôm ngày 19 tháng Một, khi đang đi trên đường ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai cho biết:
“Nội dung giấy nói bắt bị can để tạm giam về tội chống người thi hành công vụ.”
Một lý do khác mà cơ quan chức năng nêu ra để bắt cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai còn được nói là ông này vi phạm lệnh quản chế; tuy nhiên bà Nguyễn Thị Châu có ý kiến:
“Người ta gán cho anh lệnh quản chế 4 năm; thế nhưng anh có tội gì đâu mà quản chế.”
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, sinh năm 1981, nằm trong nhóm thanh niên ở Nghệ An bị bắt hồi năm 2011 và bị đưa ra tòa xét xử với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Bản thân ông Nguyễn Văn Oai bị tuyên án 4 năm tù và 4 năm quản chế. Ông mãn án tù vào tháng 8 năm 2015.
Những điều 88, 79, 258 theo Bộ Luật Hình sự Việt Nam bị các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ. Chúng được nhà cầm quyền sử dụng để bắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, nói lên thực trạng tại Việt Nam.
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/a-former-prisoner-of-consci..
Thêm một người bị bắt giam vì điều 258
Một người từng thông tin về thảm họa môi trường và những cuộc biểu tình của người dân phản đối nhà máy gây ô nhiễm, anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị câu lưu để điều tra với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ làm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân…’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Sáng hôm nay, gia đình của anh Nguyễn Văn Hoá, cho biết chính thức nhận được giấy với nội dung như trên từ công an xã Kỳ Khang. Bà Dương thị Thanh, mẹ của người đang được thông báo bị tạm giữ để điều tra cho biết:
“Sáng hôm nay cô ra xã hỏi về giấy đã nạp cho công an xã, huyện, tỉnh về trường hợp Hóa mất tích. Sau đó công an xã gửi vào một giấy nói tạm giữ.”
Gia đình từ ngày 17 tháng giêng làm đơn gửi cho các cấp chức năng về trường hợp của anh Nguyễn Văn Hóa sau khi thân nhân không thể liên lạc được khi anh đến tham dự một phiên xử tại tòa án thị xã Kỳ Anh hôm ngày 11 tháng 1 vừa qua.
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/a-young-guy-detained-f-arti…
Mỹ rút TPP, Việt Nam sẽ lệ thuộc TQ nhiều hơn
Chính quyền của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố một chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, mà khởi đầu là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuyên bố này được Nhà Trắng đưa ra ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump hôm thứ Sáu, 20/1, nêu rõ chiến lược thương mại của tân chính phủ: “Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi TPP và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mới cũng vì lợi ích của người lao động Mỹ.”
Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn cho VOA biết “Quyết định rút khỏi TPP ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho TPP, họ đào tạo cán bộ chuẩn bị cho hiệp định quan trọng này. Bây giờ tất cả phải dừng lại hết.”
Luật sư Định cho biết Việt Nam sẽ phải mất thêm thời gian nữa để thương thuyết cho các hiệp định song phương để thay thế TPP và “với chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump, thì điều kiện thương mại sẽ ngặt nghèo hơn đối với Việt Nam trong tương lai.”
Luật sư Định cũng cho biết ngay khi ông Trump sắp nhậm chức, Việt Nam đã dự báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP, và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng sang Trung Quốc mưu tìm sự hỗ trợ:
“Chính quyền đã ngay lập tức có một cuộc thương thuyết với Trung Quốc. Nhiều khả năng sẽ sớm ký một hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc. Rõ ràng việc rút khỏi TPP của Mỹ làm cho nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ nặng nề hơn. Chúng ta biết rằng lệ thuộc vào kinh tế sẽ lệ thuộc về chính trị.”
Ngoài ra, Luật sư Định nói rằng cơ hội có được công đoàn độc lập ở tuyến cơ sở và quyền lập hội của người dân theo như cam kết của Việt Nam trong TPP càng thêm mong manh:
“Việc rút khỏi TPP của chính phủ Hoa Kỳ khiến cho cơ hội mà người dân Việt Nam, người lao động Việt Nam có thể có được tổ chức công đoàn độc lập hoặc tổ chức xã hội dân sự càng xa vời hơn. Chỉ có những hiệp định thương mại có lợi cho Việt Nam như TPP thì mới có khả năng gắn chặt các chế tài nghiêm khắc, nếu Việt Nam vi phạm quyền lập hội và công đoàn độc lập.”
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói: “Những thỏa thuận cứng rắn và bình đẳng về thương mại có thể được dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và đưa hàng triệu việc làm trở lại với nước Mỹ… Thông qua việc đạt được những thỏa thuận thương mại bình đẳng nhưng cứng rắn, chúng ta có thể đưa việc làm trở lại cho nước Mỹ, giúp tăng lương, bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ”.
Luật sư Định dự báo rằng các quyền lập hội và công đoàn độc lập ở những nước bên ngoài Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, có nhiều khả năng sẽ không được chính quyền của ông Trump đặt ưu tiên vì các chính sách của ông Trump cho thấy mọi hiệp định thương mại “phải bảo vệ người lao động trong nước Mỹ.”
Trong khi đó, theo luật sư Định, quyền tự do lập hội và quyền lập công đoàn độc lập là hai quyền then chốt, nhưng bây giờ nếu không có TPP thì Việt Nam sẽ sẵn sàng gạt bỏ hai quyền này. Trong tương lai, việc tranh đấu giành lấy quyền tự do lập hội và quyền lập công đoàn độc lập sẽ thêm khó khăn, luật sự Định nói:
“Sắp tới đây chúng ta sẽ rất khó khăn để tranh đấu cho hai quyền này được thực thi trên thực tế. Rõ ràng là như vậy. Hơn nữa chính phủ Việt Nam hiện nay không bị sự ràng buộc cụ thể từ chính phủ Hoa Kỳ, ngoại trừ hiệp định song phương BTA đã ký rất lâu và WTO nhưng hai hiệp định này thì rất lỏng lẻo, không tác động nhiều lắm đến quyền cơ bản của người lao động, và quyền lập hội như TPP. Vì vậy tôi cho rằng năm nay sẽ là một năm rất khó khăn của phong trào tranh đấu, bởi vì họ hoàn toàn có thể cứng rắn hơn để làm vừa lòng chính phủ Trung Quốc trong những cuộc biểu tình có thể có của người dân trong việc chống lại chính sách gây hấn của Trung Quốc.”
www.voatiengviet.com/a/my…tpp–viet–nam-se…tq…/3688530.html
Tân Sơn Nhất ‘như cái chợ’ ngày cận Tết
Những ngày cận Tết, Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất Việt Nam, oằn mình “gồng gánh” hàng trăm ngàn người Việt ở hải ngoại về quê ăn Tết. Và nếu mỗi một người Việt đáp xuống Tân Sơn Nhất lại có một gia đình 6, 7 hoặc 10 người ra đón, thì sân bay này trở nên quá tải, tạo tình trạng chen chúc mà theo mô tả của một số tờ báo, là “từ trong ra ngoài và cả từ trên trời xuống mặt đất.”
“Lò lửa” tại phi trường
Trả lời phỏng vấn VOA qua điện thoại, từ Sài Gòn, bà Lê Thu Hằng, quyền Vụ Trưởng Vụ Thông Tin Văn Hóa của Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết ước tính “hàng trăm ngàn Việt kiều” về ăn Tết trong dịp Tết năm nay.
Trong vài tuần cuối cùng của năm âm lịch, lượng hành khách lớn dồn về cộng với lượng người đến đón đông gấp 6-7 lần đã biến các khu vực chờ đợi của phi trường Tân Sơn Nhất thành “một biển người,” theo mô tả của một số Việt kiều. Thậm chí, có người ví nơi đây như một “lò lửa” vì không khí trở nên ngột ngạt trong không gian dường như bị co hẹp lại khi lượng người liên tục tăng lên.
Vài trăm ghế ngồi ở khu chờ đợi luôn kín người, khiến hàng ngàn người khác phải đứng lố nhố hoặc ngồi vật vờ trên sàn. Xen vào khung cảnh này, đây đó có những nhóm người bày thức ăn, nước uống ra sàn để “tiếp sức” cho cuộc marathon chờ đợi.
Cảnh chen lấn xô đẩy thỉnh thoảng lại diễn ra, khi người đến sau cố tìm chỗ đứng hoặc ngồi chờ gần cửa ra để dễ đón người thân. Ngược lại, có những người đã đứng ở hàng đầu ngay sát cửa lại phải “tháo chạy” ra ngoài vì ngộp thở giữa biển người.
Cảnh tượng này diễn ra từ gần 10 giờ tối cho tới tận hơn 2 giờ khuya, khoảng thời gian có nhiều chuyến bay quốc tế hạ cánh nhất.
Một Việt kiều, không nêu tên, nhận xét rằng Tân Sơn Nhất những ngày này “đông khiếp đảm, như một cái chợ,” và “nhếch nhác, bẩn thỉu nhất trong tất cả các sân bay trên thế giới này.”
Trong khi đó, ông Phan Thành, 63 tuổi, người gốc Việt sống tại Canada, thì cho rằng những gì diễn ra ở Tân Sơn Nhất “không phải chuyện lớn.” Ông nói với VOA: “Có đông khách về vì máy bay dồn dập xuống nhiều quá. Chuyện chờ ở sân bay như thế tôi cho là cũng bình thường, không lớn lao gì. Anh chị em lâu lâu về một lần nhìn thấy cũng không bằng nước ngoài, kiểu như vậy. Nói chung, nếu so phi trường mình với bên Mỹ hay Canada thì có khác.”
Vẫn theo ông Thành, người “ra vô Việt Nam” đông hơn nên “phi trường có thể gọi là tắc hơn một chút; đặc biệt ngày gần Tết cũng có sự chật chội hoặc điều không hài lòng.”
Tân Sơn Nhất ‘quá tải’
Để tìm hiểu con số thống kê chính thức về số hành khách và số chuyến bay đáp xuống Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cận Tết, VOA liên lạc với giới chức phi trường và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Tuy nhiên, hai cơ quan này từ chối trả lời qua điện thoại.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám Đốc Cảng Hàng Không Tân Sơn Nhất, nói: “Chúng tôi không cung cấp [thông tin] trên điện thoại cái kiểu như thế này. Dữ liệu thì báo chí [trong nước] có hết rồi, đăng báo hết rồi. Báo chí nó đăng là chính xác.”
Thông tin cập nhật trên báo chí trong nước dẫn lại giới chức hữu trách cho hay, ở thời điểm bình thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 17.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam qua cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Trong những ngày cao điểm giáp Tết, giới chức phi trường ước tính mỗi ngày có trên 150 chuyến bay hạ cánh với lượng người nhập cảnh tăng lên hơn 20.000 mỗi ngày. So với dịp Tết năm ngoái, số chuyến bay tăng thêm 20 chuyến, còn số khách tăng hơn 5.000.
Đa số hành khách là Việt kiều từ nước ngoài trở về đón Tết Đinh Dậu 2017. Chị Lê Chi Pha thuộc hãng hàng không Asiana nói với VOA: “Lượng hành khách là Việt kiều Mỹ về với Asiana tăng lên rất nhiều. Một ngày có đến 2 chuyến bay từ Los Angeles về. Từ San Francisco, từ Seattle, Chicago, rồi New York nữa. Đường bay bên Mỹ khá đông. Hầu như chuyến nào cũng bị overbooked [số vé bán ra nhiều hơn số ghế ngồi].”
Số người về nhân lên cho 6, cho 7, thậm chí cho 10, sẽ thấy Tân Sơn Nhất kẹt ra sao. Anh Danny Huỳnh, từ Mỹ về, nói với VOA: “Người Việt Nam mình một người đi 10 người đón. Thường là lên đón khoảng chừng 6, 7 người. Số người đi rước đông dữ lắm, rất đông.”
Ngày 21/1, trả lời báo chí trong nước, Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải Tp. HCM, Trần Quang Lâm, cho biết “nhiều lực lượng” sẽ túc trực từ sáng sớm đến 11 giờ khuya để giải quyết tình trạng kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết.
Ông Lâm cảnh báo: “Từ 26 Tết [23/1] trở đi mới đông, 800 chuyến bay mỗi ngày. Dự báo những ngày tới khu vực này ùn tắc rất cao, nhất là vào chiều tối”.
Hồi đầu tháng Giêng, báo chí Việt Nam dẫn lời Cục Trưởng Cục Hàng Không, Lại Xuân Thanh, cho hay phi trường Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải cả trên trời lẫn dưới mặt đất.
Năm 2016, Tân Sơn Nhất đón 33 triệu hành khách. Con số này cao hơn gần 30% so mức tính toán cho năm 2020.
Trước nhu cầu cấp bách về nâng công suất hoạt động, ngày 20/1, một phương án chi khoảng 19.700 tỷ đồng (khoảng 860 triệu đôla) được đề xuất nhằm mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Nếu được phê duyệt, thời gian xây dựng sẽ kéo dài 3 năm, sau đó phi trường sẽ đón được 43-45 triệu hành khách/năm.
Thủ tục ‘hơn một tiếng’
Tùy vào thời điểm hạ cánh, không phải hành khách nào cũng phải chứng kiến cảnh đông nghẹt người đón ở sảnh.
Hầu hết hành khách đều mất khoảng một tiếng đồng hồ, hoặc hơn, để làm thủ tục nhập khẩu và nhận hành lý.
Anh Giang Đoàn, 42 tuổi, từ Texas, Mỹ, trở về vào tối 6/1, nói với VOA: “9h45 hạ cánh. Tới thứ tự, cứ theo thứ tự, ra lấy hành lý xong rồi xách ra chừng khoảng 11h kém.”
Ông Lê Đăng Nguyên, 77 tuổi, đáp chuyến bay từ California về, hạ cánh lúc 11h đêm, nói “chờ lấy hành lý lâu chút xíu. Chắc phải 45 phút, 1 tiếng gì đấy.”
Đặc biệt, khi các chuyến bay hạ cánh dồn dập, nhiều người kể lại thời gian làm thủ tục lên đến 2 tiếng đồng hồ, tính từ lúc rời máy bay cho đến khi ra được đến bên ngoài phi trường.
Thời gian gần đây, báo chí trong nước và một số trang mạng xã hội cá nhân đăng thông tin về nhân viên xuất nhập cảnh hoặc hải quan phi trường “gây khó dễ” đối với hành khách. Họ cho rằng điều đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến thời gian làm thủ tục bị kéo dài.
Trở về Mỹ hôm 9/1, một Việt kiều đề nghị không nêu tên chia sẻ với VOA câu chuyện của ông. Người đàn ông sống ở một bang miền tây Hoa Kỳ kể rằng tại phi trường ở Việt Nam, ông đưa cho nhân viên xuất nhập cảnh cùng lúc hai hộ chiếu của vợ chồng ông. Một nhân viên nói ông “không được trình hộ chiếu chung.” Ông nêu thắc mắc và được đáp lại: “Vì anh chị không nhét tiền vào hộ chiếu, mọi người phải nhét tiền vào hộ chiếu.”
Ông cho biết “không thèm đôi co, chỉ tổ mất thời gian” và kiên quyết “không nhét 1 đồng xu lẻ nào.”
Cũng theo lời ông, trước đó, trong chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, ông chứng kiến hai hành khách Việt Nam ngồi ngay sau ông bàn với nhau về việc nhét tiền vào hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh ở phi trường.
Việt kiều này cho rằng không nên “đồng loã với thói xấu này nữa.” Ông kêu gọi “đừng ai nhét tiền đút lót” cho nhân viên xuất nhập cảnh, vì “không việc gì mình phải nhét tiền cho họ.”
Không như tình huống của câu chuyện trên, gần 10 Việt kiều khác trả lời phỏng vấn VOA, nói “không thấy có vấn đề gì về thủ tục.”
Mới trở về từ Texas, Mỹ, ông Út Hồ, 63 tuổi, cười và đưa ra nhận xét: “Hồi xưa bết lắm, giờ lên ngon lành rồi. Cũng qua phản ảnh của báo đài, bây giờ người ta thay đổi thái độ rồi. Chứ nếu làm căng thì ai tới đây du lịch nữa.”
Ông Phan Thành, Việt kiều Canada, đồng tình: “[Bây giờ] không còn như hồi xưa nữa. Tôi có người em bên Úc về, nói ngạc nhiên quá, tại sao không có ai soát gì hết trơn, không ai hỏi gì hết trơn.”
Không cần lo về taxi?
Từ phi trường, chỉ còn một điều nữa phải làm để hoàn tất chuyến về thăm nhà, đó là vượt qua quãng đường từ sân bay về nhà.
Sự mỏi mệt sau chuyến bay dài, một chút khó chịu do thời gian làm thủ tục lâu dường như tan biến khi những người trở về gặp được người thân.
Niềm hạnh phúc sau bao ngày xa cách trào dâng, xóa tan những cảm xúc tiêu cực ít phút trước đó. Anh Giang Đoàn nói, khi gặp lại gia đình, anh “quên cả thời gian,” “ngồi chuyến bay mệt mỏi, thành ra ra đến cửa là mừng. Gia đình gặp nhau là lên xe về thôi, gặp nhau vui quá, lên xe về đến nhà cũng không nhớ thời điểm về đến nhà là mấy giờ nữa.”
Tương tự anh Giang, hầu hết người Việt hải ngoại về thăm nhà đều được người nhà thuê xe đón rước, không chỉ những người có quê ở các tỉnh khác mà ngay cả người ở Sài Gòn cũng vậy.
Một số chọn đi bằng taxi thông thường hay các loại dịch vụ chở khách kiểu mới, là Uber hoặc Grab. Ông Út Hồ, Việt kiều từ Mỹ, nói về kinh nghiệm riêng: “Tôi về thì con đăng ký trên điện thoại của tôi. Tôi muốn đi đâu thì gọi Uber hoặc Grab. Giá bằng nửa giá của xe ngoài. Uber và Grab tăng vào những giờ kẹt xe, những giờ cao điểm. Giá hiện lên, anh chịu thì anh đi. Có thể là tăng gấp đôi.”
Người chưa quen dùng Uber hay Grab lo lắng rằng khi nhu cầu đi lại tăng cao, có thể khan hiếm taxi thông thường và giá cả cũng tăng lên. Bên cạnh đó, họ sợ một số tài xế tìm cách gian lận để tính tiền cao hơn.
Nhưng ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp Hội Taxi Tp. HCM đưa ra lời trấn an. Ông nói với VOA: “Riêng taxi Vinasun không có thay đổi giá. Tài xế thì tôi có app quản lý nên không thể trục lợi được. Hãng nào cũng có thể có tài xế xấu. Nhưng mà đối với Vinasun, vừa rồi có phát hiện trường hợp tương tự như vậy thì thậm chí tụi tôi bắt tài xế mang tiền đến nhà trả cho khách hàng, xin lỗi khách hàng, đi cùng cán bộ công ty. Làm vậy cho nó chừa đi.”
www.voatiengviet.com/a/tan–son-nhat-nhu…ngay…/3688118.html